OAI NGHI SA DI
Hán dịch: Tam tạng Cầu-na-bạt-ma, người nước Kế Tân đời Lưu Tống
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Sau khi thọ mười giới Sa-di, làm bậc hiền giả, vị thầy phải tuần tự dạy cho họ biết những điều cần làm, bắt đầu từ những việc nhỏ, phải biết oai nghi và các việc cần làm, phải biết tuổi hạ của Hòa thượng và danh hiệu của ba vị thầy. Vị thầy phải dạy cho Sa-di biết ban đầu khi họ thọ giới vào ngày tháng năm nào. Sa-di cũng cần phải biết cách hầu Hòa thượng và A-xà-lê có bao nhiêu việc, khi dâng cây chà răng, nước rửa, nhận y, xếp y, cầm bát, cầm tích trượng, cầm giày… có bao nhiêu việc. Khi cùng với Hòa thượng, A-xà-lê đi thọ thỉnh hoặc vào cung vua, đến nhà đàn việt, nhà Bà-la-môn, hoặc khi ngồi ăn chung, hoặc khi ngồi ăn riêng, hoặc cùng vào thành khất thực, hoặc cùng nhau quay về, khi quay về chỗ ở, hoặc khi chiều tối, phải nghỉ lại, hoặc ngồi ăn bên bờ sông, hoặc ngồi ăn bên đường, hoặc ngồi ăn dưới gốc cây, hoặc đi trước đứng đợi, hoặc khi chia thức ăn cho nhau, hoặc khi đổi bát, hoặc ngồi ăn cùng một lúc, hoặc ăn trước hay sau, hoặc ăn xong súc miệng, hoặc khi rửa bát, hoặc phục vụ Chúng Tăng khi trị nhựt, nên biết mỗi thứ đều có bao nhiêu việc.

Sa-di khi đủ 20 tuổi, muốn thọ giới Cụ túc phải biết các việc làm trên, mới chính là Hiền giả. Nếu Tỳ-kheo hỏi, Sa-di không trả lời đầy đủ, không nên trao cho họ giới Cụ túc. Vì sao? Vì làm Sa-di mà không biết những việc làm của Sa-di, huống gì việc của Sa-môn rất lớn, khó làm lại vi diệu. Này Hiền giả Sa-di! Con hãy quay về học cho kỹ nghe biết đầy đủ mới nên thọ giới Cụ túc, bởi vì con không biết pháp của Sadi, chưa biết khổ của thân, không hộ trì được ý mình mà lại muốn thọ giới Cụ túc. Nếu trao cho con giới Cụ túc, người đời sẽ bảo Phật Pháp dễ tu, Sa-môn dễ làm, không biết Phật Pháp rất vi diệu, tội phước theo nhau, Pháp luật hỗ tương. Thế nên, trong vài ngày, ba thầy phải thay nhau hỏi, nếu có thể trả lời đầy đủ đúng như Pháp mới cho thọ giới Cụ túc.

* Thầy dạy Sa-di biết năm việc:

  1. Phải cung kính bậc đại Sa-môn.
  2. Không được kêu tên bậc đại Sa-môn.
  3. Khi đại Sa-môn thuyết giới kinh không được lén nghe.
  4. Không được tìm lỗi của đại Tỳ-kheo.
  5. Khi đại Tỳ-kheo có lỗi không được truyền rao.

Đây là pháp oai nghi mà vị thầy phải dạy cho sa di biết năm việc:

  1. Không được ở chỗ vắng mắng vị đại Tỳ-kheo
  2. Không được khinh thường Tỳ-kheo, ở trước mặt cười giỡn, bắt chước giọng nói tướng đi.
  3. Thấy đại Tỳ-kheo đi qua phải liền đứng dậy, trừ khi tụng Kinh, khi làm việc chúng, khi ăn.
  4. Giữa đường gặp Tỳ-kheo phải dừng lại nép qua bên đường.
  5. Khi cười giỡn thấy Tỳ-kheo đi qua, phải dừng lại nói lời xin lỗi và không giỡn nữa. Đó là các việc nên làm của Sa-di.

* Sa-di hầu Hòa thượng phải biết mười việc:

  1. Phải dậy sớm.
  2. Muốn vào phòng thầy trước phải gõ cửa ba tiếng.
  3. Chuẩn bị đầy đủ bàn chải răng, nước rửa.
  4. Phải dâng pháp y, sau đó đưa giày.
  5. Quét đất phải rảy nước
  6. Phải xếp mùng mền, lau chùi chỗ nằm ngồi.
  7. Thầy đi chưa về không được bỏ phòng trống, thầy về phải lấy y áo xếp.
  8. Nếu có lỗi, Hòa thượng A-xà-lê chỉ dạy, không được nói lại.
  9. Phải cúi đầu nhận lời dạy của thầy, lui ra phải suy nghĩ và làm theo
  10. Khi ra phải đóng cửa lại.

* Đây là những việc làm hầu Hòa thượng như pháp. Sa-di hầu Axà-lê phải biết năm việc:

  1. Luôn tôn kính bậc A-xà-lê như kính Phật.
  2. Không được cười giỡn
  3. Bị quở trách không được nói lại
  4. Nếu dạy đổ đồ bất tịnh, không được khạc nhổ tỏ ý giận.
  5. Sáng tối, phải xoa bóp cho thầy. Đó là các việc hầu A-xà-lê đúng pháp.

* Sa-di hầu thầy phải dạy sớm, chuẩn bị đầy đủ cây chà răng, nước rửa phải biết sáu việc:

  1. Nên cắt bàn chải răng cho đúng cỡ.
  2. Phải đập giập đầu cây
  3. Rửa sạch.
  4. Phải thay nước cũ không để cách đêm.
  5. Phải rửa bình đựng nước cho sạch.
  6. Phải đổ đầy nước mang vào, không được đổ nước làm ra tiếng.

Đó là cách làm bàn chải răng múc nước rửa.

* Dâng ca-sa phải biết bốn việc:

  1. Phải dâng từ từ, một tay cầm trên một tay đỡ dưới.
  2. Phải xem kỹ.
  3. Phải đứng ngay thẳng đợi thầy đắp y xong.
  4. Phải đặt trên vai của thầy. Đó là cách dâng ca-sa

* Xếp y phải biết bốn việc:

  1. Phải xem kỹ.
  2. Không được để chạm đất.
  3. Phải để chỗ cũ.
  4. Lấy khăn phủ lên trên. Đó là cách xếp y

* Cầm bát phải biết có bốn việc:

  1. Phải rửa sạch.
  2. Lau cho khô.
  3. Để cho vững.
  4. Không để làm ra tiếng. Đó là cách cầm bát.

* Cầm giày phải biết bốn việc:

  1. Trước phải giũ bụi.
  2. Phải đặt cho ngay thẳng.
  3. Phải rửa tay sau đó đắp y.
  4. Thầy ngồi, phải đặt cho ngay thẳng. Đó là cách cầm giày.

* Cầm tích trượng phải biết bốn việc:

  1. Phải lau bụi.
  2. Lấy không được chạm đất làm ra tiếng.
  3. Thầy ra cửa mới dâng cho thầy
  4. Thầy trở về phải nhận lấy. Nếu thầy kinh hành, vào chúng, lễ Phật, phải cầm cho thầy.

Đó là cách cầm tích trượng.

* Ngồi ăn cùng lúc phải biết bốn việc:

  1. Ngồi phải cách thầy sáu tấc:
  2. Nhìn thầy thuyết pháp xong mới dâng bát cho thầy.
  3. Không được ăn trước thầy.
  4. Thầy dùng xong phải đứng dậy lấy bát.

Đó là cách ngồi ăn cùng lúc.

* Ăn riêng đúng pháp phải biết bốn việc:

  1. Phải đứng một bên thầy.
  2. Thầy dạy đi ăn mới được đi
  3. Đầu và mặt chạm đất làm lễ
  4. Không được ngồi chồm hổm trên ghế, ăn xong phải đứng bên thầy, thầy dạy ngồi mới được ngồi.

Đó là cách ngồi ăn riêng.

* Vào thành khất thực phải biết bốn việc:

  1. Phải cầm bát cho thầy.
  2. Đi sau và không được đạp lên bóng thầy
  3. Ra ngoài thành phải lấy bát trao cho thầy.
  4. Vào trong thành muốn đi riêng phải thưa thầy biết.

Đó là cách đi khất thực.

* Trở về chỗ cũ để ăn phải biết bốn việc:

  1. Từ từ mở cửa và trải tọa cụ cho thầy
  2. Lấy nước cho thầy rửa tay, sau đó mình mới rửa.
  3. Dâng bát cho thầy sau đó đứng vòng tay một bên.
  4. Phải chuẩn bị đầy đủ bột rửa, khăn tay.

Đó là cách trở về chỗ cũ để ăn.

* Khi ăn bên dòng sông phải biết bốn việc:

  1. Tìm đất sạch.
  2. Lấy cỏ làm chỗ ngồi.
  3. Lấy nước cho thầy rửa tay sau đó dâng bát.
  4. Thầy dạy ăn phải làm lễ mới ngồi xuống.

Đó là cách ăn bên dòng sông.

* Dừng lại ăn dưới bóng cây phải biết bốn việc:

  1. Treo bát trên cành cây, lấy lá cây làm chỗ ngồi.
  2. Lấy nước cho thầy rửa tay, nếu không có nước phải tìm cỏ sạch dâng cho thầy.
  3. Lấy bát dâng thầy.
  4. Phải chuẩn bị đầy đủ cỏ sạch rửa bát thầy xong lấy cỏ khô lau bát rồi mới đi.

Đó là cách ngồi ăn dưới bóng cây.

* Đứng giữa đường đợi thầy phải biết ba việc:

  1. Đặt bát xuống đất sạch làm lễ như pháp
  2. Phải nhìn trời sớm hay tối, có thể quay về hay ở lại giữa đường.
  3. Phải cầm bát và đi sau thầy. Đó là cách đứng giữa đường đợi thầy.

* Trao đổi thức ăn trong bát phải biết ba việc:

  1. Nếu trong bát thầy không có váng sữa, bơ, phải lấy thức ăn trong bát của mình dâng cho thầy, thầy không nhận phải đứng đó.
  2. Từ từ lấy nửa thức ăn trên bát thầy để trên lá cây.
  3. Sau đó lấy nửa thức ăn từ bát của mình đặt vào bát thầy rồi đứng đó. Đó là cách trao đổi thức ăn trong bát.

* Trao đổi bát phải biết ba việc:

  1. Trong bát thầy có thức ăn ngon, bát mình không được như vậy, liền lấy bát thầy dâng cho thầy.
  2. Thầy muốn đổi bát phải từ chối không nhận.
  3. Thầy kiên quyết một hai lần muốn đổi, phải nhận lấy, ăn xong phải lau khô bát trả cho thầy. Đó là cách trao đổi bát.

* Khi cùng ăn với thầy phải biết ba việc:

  1. Phải trao bát cho thầy sau đó mới được ăn.
  2. Phải nhìn vài lần xem thầy có cần gì, đứng dậy lấy cho thầy.
  3. Không được ăn quá nhanh, không được ăn xong liền đứng dậy, phải thưa thầy có cần gì không, thầy dạy mang đi mới được dọn.

Đó là cách cùng ăn với thầy.

* Trước và sau khi ăn phải biết ba việc:

  1. Dâng bát cho thầy xong phải đứng chỗ khuất, lắng nghe thầy kêu liền đáp.
  2. Phải chuẩn bị nước rửa tay đặt một bên thầy.
  3. Thầy ăn xong và rửa tay phải đứng một bên, thầy dạy đi ăn phải làm lễ rồi đi.

Đó là cách trước và sau khi ăn.

* Ăn xong rửa bát súc miệng phải biết ba việc:

  1. Súc miệng xong, phải lấy bát thầy rửa sạch treo trên cành cây.
  2. Rửa bát mình xong cũng treo trên cành cây, lấy bát thầy lau khô đặt vào trong túi bát, trao cho thầy.
  3. Sau đó lấy bát mình lau thật khô rồi bỏ trong túi bát đeo vào đứng đợi thầy. Đó là cách rửa bát.

* Khi rửa bát xong, mới đi phải biết ba việc:

  1. Thầy dạy: “Ta muốn ghé qua nơi…, gặp Hiền giả…
  2. Làm lễ thầy sát đất rồi đi.
  3. Trở về một mình không được ghé vào thôn xóm khác, giỡn cười, phải đi thẳng về chỗ ở để tụng kinh.

Đó là cách rửa bát xong mới đi.

* Sa-di vào chúng phải biết năm việc:

  1. Phải học các việc cho thông thuộc.
  2. Phải tập làm việc
  3. Phục vụ chúng Tăng
  4. Gởi vật cho đại Sa-môn cất giữ.
  5. Khi muốn thọ đại giới, phải được ba thầy thay nhau chỉ dạy.

* Lại có năm việc:

  1. Lễ Phật
  2. Phải đảnh lễ Tỳ-kheo Tăng.
  3. Phải chào hỏi các bậc Thượng tọa.
  4. Phải nhường chỗ ngồi cho các bậc Thượng tọa.
  5. Không được tranh giành chỗ ngồi.

* Lại biết năm việc:

  1. Không được ở trên chỗ ngồi kêu nhau, nói cười.
  2. Không được ra vào nhiều lần.
  3. Nếu chúng Tăng kêu Sa-di…liền đứng dậy.
  4. Phải làm theo lời dạy của chúng Tăng.
  5. Nếu tri sự dạy làm việc phải trở lại thưa thầy.

Đó là cách vào chúng.

* Sa-di phải biết năm việc khi làm trị nhựt:

  1. Tiết kiệm vật của chúng Tăng.
  2. Không được làm việc giữa đường.
  3. Việc làm chưa xong không được bỏ đi
  4. Hòa thượng, A-xà-lê kêu không được đến liền, phải báo cho vị Tri sự biết.
  5. Phải vâng theo lời dạy của vị Tri sự, không được trái lời.

Đó là cách làm trị nhật.

* Nhặt rau phải biết năm việc:

  1. Phải bỏ gốc rễ
  2. Phải xếp ngay thẳng.
  3. Không được bỏ lẫn lộn rau tươi và héo.
  4. Rửa rau phải rửa ba nước cho sạch, sau đó xốc ba lần cho ráo nước.
  5. Làm xong phải quét dọn cho sạch.

* Lại có năm việc:

  1. Không được lấy vật chúng Tăng cất làm vật riêng.
  2. Nếu muốn lấy phải báo cho vị Tri sự biết.
  3. Phải hết lòng làm việc Chúng.
  4. Phải quét dọn nhà ăn và xếp các tấm trải bàn.
  5. Sáng chiều phải quét dọn nhà sau và lấy thêm nước.

* Lấy nước phải biết mười việc:

  1. Tay không sạch, không được múc nước, muốn múc nước trước phải rửa tay.
  2. Không được ném mạnh gàu xuống giếng gây tiếng động.
  3. Phải thả xuống từ từ, không được kéo qua trái, phải khiến cho có tiếng.
  4. Không được thả đầu dây gàu xuống giếng.
  5. Không được đặt giày dép lên thành giếng.
  6. Không được đem gàu bỏ vào trong lu đựng nước.
  7. Không được để gàu dưới đất.
  8. Phải rửa bình đựng nước cho sạch.
  9. Đổ nước vào phải từ từ.
  10. Đặt chỗ khuất, không làm chướng ngại đường đi.

* Rửa lu phải biết năm việc:

  1. Trước phải rửa trên miệng lu.
  2. Rửa bên trong.
  3. Phải rửa thành lu.
  4. Rửa dưới đáy.
  5. Phải rửa ba nước:

* Nhóm bếp phải biết năm việc:

  1. Không được ngồi dang hai chân thổi lửa.
  2. Không được đốt củi tươi.
  3. Không được đốt củi ẩm.
  4. Không được đốt củi mục.
  5. Không được dùng nước nóng để dập lửa.

* Quét đất phải biết năm việc:

  1. Phải thuận đường.
  2. Rưới nước xuống đất vừa phải không được tràn lan.
  3. Không được làm dơ bẩn bốn vách tường.
  4. Không được cào xới trên mặt đất.
  5. Quét xong phải nhổ cỏ đem bỏ.

* Khi Tỳ-kheo Tăng ăn, Sa-di quét dọn phải biết năm việc:

  1. Đi lui.
  2. Không được quơ tay.
  3. Qua sáu người, tóm lại một chỗ.
  4. Quét sạch tất cả.
  5. Quét xong tự tay hốt đem ra ngoài đổ.

* Cầm nước rửa, bình tưới nước phải biết năm việc:

  1. Một tay cầm trên, một tay đỡ dưới, không được thay đổi.
  2. Phải đứng bên trái cầm cho chắc nhìn thẳng phía trước.
  3. Phải nhìn tay thầy, rưới nước xuống.

Đứng ngay thẳng đổ vào trong tay thầy, không được đổ nhiều hoặc ít.

4. Phải cách tay thầy bốn tấc, không được cao hoặc thấp, phải nhìn nước nhiều hay ít. Giả sử nước ít không đủ dùng phải lấy thêm, không được để thầy đứng đợi.

5. Việc xong phải rửa tay, sau đó mặc y.

* Bưng chậu nước phải biết năm việc:

  1. Không được để chậu nước làm ra tiếng.
  2. Hai tay phải bưng cho chắc, đặt vào bên phải thầy.
  3. Phải tùy theo tay thầy cao hay thấp, không được nhìn ngó hai bên.
  4. Nước trong chậu đầy phải đem đổ bớt, không được đổ xuống đất trước mặt thầy.
  5. Việc xong phải rửa tay trở lại mặc y.

* Cầm khăn phải biết năm việc:

  1. Tay trái cầm đầu trên, tay phải cầm đầu dưới trao cho thầy.
  2. Nên lui ngồi cách hai tấc, không được đụng vào đầu gối thầy.
  3. Cầm khăn không được đưa ngang miệng thầy.
  4. Thầy lau chưa xong không được lấy khăn đi, thầy lau xong phải báo cho chủ biết hoặc để lại chỗ cũ.
  5. Xong việc rửa tay sau đó mặc y.

* Đưa giày dép phải biết năm việc:

  1. Phải giũ bụi.
  2. Đặt ngay chỗ ngồi của thầy.
  3. Phải để sau chậu nước rửa và ra dấu cho thầy biết
  4. Không được đặt dép trái qua phải. (Tất cả các việc làm, Sa-di đều phải hết sức chú ý)
  5. Việc xong rửa tay, mới mặc y.

* Sa-di rửa bát phải biết bảy việc:

  1. Trong bát có cơm dư không được đem đổ.
  2. Muốn bỏ phải đặt trên đất sạch.
  3. Phải dùng bột rửa, hoặc lá, cỏ.
  4. Rửa bát không được để nơi đất sạch giữa đường.
  5. Khi rửa, phía dưới bát phải có giá đỡ.
  6. Nếu lấy thêm nước sạch, không được hắt nước dơ ra xa văng trúng người khác.
  7. Muốn đổ nước trong bát phải cách đất bốn tấc, không được quá cao, quá thấp.

* Lau bát phải biết ba việc:

  1. Phải lau tay cho khô.
  2. Cầm khăn sạch đặt trên đầu gối.
  3. Phải lau bên trong cho khô, lấy khăn sạch đậy lên miệng bát đặt lại chỗ cũ.

* Khi ăn trong pháp hội thầy dạy Sa-di cầm bát có năm việc:

  1. Không được đặt bát dưới đất.
  2. Không được chồng bát khiến có tiếng.
  3. Nhờ người đỡ xuống đất.
  4. Người chưa cúng dường không được đặt bát lên bàn.
  5. Không được đi sau người đưa bát, phải ngay thẳng đi về phía trước, cũng không được đi vào giữa chúng, thầy ăn xong phải đứng dậy lấy bát trở lại chỗ ngồi.

* Thầy dạy Sa-di mang thơ đến cho người phải biết bảy việc:

  1. Thẳng đến nơi.
  2. Thẳng đường về.
  3. Phải biết lời thầy dạy, cũng nên hiểu lời người trả lời.
  4. Không được nói dối chỗ đi qua.
  5. Nếu có nhờ cậy, không được ở lại đêm.
  6. Không được cười giỡn.
  7. Ra đường phải giữ oai nghi.

* Sa-di làm việc chúng chưa xong, không được tự tiện vào phòng đại Sa-môn, có ba việc được vào.

  1. Hòa thượng, A-xà-lê kêu đến.
  2. Đi lấy đề cho người.
  3. Tự đến hỏi kinh.

* Muốn vào phòng thầy phải biết có bảy việc:

  1. Phải gõ cửa ba lần mới được vào.
  2. Không được đứng giữa đường làm lễ.
  3. Không được tự tiện nói việc của người khác.
  4. Phải chấp tay thưa như pháp.
  5. Thầy dạy ngồi, không được ngồi hai chân chéo nhau.
  6. Không được cười giỡn.
  7. Không được che ánh sáng, khi ra ngoài phải đóng cửa lại.

* Sa-di đi xa một mình điều đầu tiên thầy dạy phải biết ba việc:

  1. Nếu có người hỏi Hòa thượng của ngươi tên gì?Nên trả lời :Hòa thượng tên là…
  2. Hòa thượng ngươi làm Sa-môn bao lâu?+ Hòa thượng làm Sa-môn ngần ấy năm.

– Hòa thượng quê quán ở đâu?

– Hòa thượng người quận… huyện.

– Giả sử có người hỏi A-xà-lê tên gì?

Đáp: Tên là…

+ A-xà-lê được bao nhiêu tuổi?

– Ngần ấy tuổi.

+ A-xà-lê người ở đâu?

– A-xà-lê người quận…huyện.

+ Hiền giả quê ở đâu?

– Ở quận…huyện…

+ Hiền giả tên gì?

– Tôi tên là…

+ Ông làm Sa-di được mấy năm?

– Ngần ấy năm, ngần ấy tháng, ngần ấy ngày, ngần ấy giờ.

Đó là điều Sa-di cần phải biết về Hòa thượng, A-xà-lê và cũng phải biết ngày, tháng, năm tên tuổi của mình khi thọ giới.

* Vào nhà tắm phải biết năm việc:

  1. Vào phải cúi đầu.
  2. Nên tránh chỗ ngồi của bậc Thượng tọa.
  3. Khi Thượng tọa đọc kinh không được ồn ào.
  4. Không được lấy nước tạt nhau.
  5. Không được lấy nước dập lửa.

* Lại có năm việc:

  1. Không được cười giỡn.
  2. Không được đổ nước vào chậu bể.
  3. Không dùng phí nước.
  4. Không được lẫn lộn bột rửa và dầu thoa.
  5. Xong việc phải đi ra, không được ở trong đó giặt y phục.

* Đến nhà sau phải biết mười việc:

  1. Muốn đại tiểu tiện phải đi ngay.
  2. Không được nhìn hai bên.
  3. Phải gõ cửa ba lần.
  4. Không được thúc hối người ở trong ra.
  5. Đến nơi lại phải khảy móng tay ba lần.
  6. Không được rặn lớn tiếng.
  7. Không được cúi đầu nhìn chỗ kín.
  8. Không được đùa giỡn trên tro đất.
  9. Không được rảy nước lên vách.
  10. Việc xong phải rửa tay, chưa rửa tay không được cầm đồ vật.

* Lại có năm việc:

  1. Không được khạc nhổ trước vách.
  2. Không được nhìn ngó hai bên.
  3. Không được cầm cỏ vẽ lên đất.
  4. Không được cầm than vẽ lên đất, vách.
  5. Không được cố ý ở lâu, việc xong phải đi ra, giả sử gặp người không được làm lễ, phải tránh qua bên đường.

– Mười Pháp số của Sa-di

  1. Tất cả chúng sanh đều nhờ ăn uống mà tồn tại.
  2. Hai đế.
  3. Ba thọ.
  4. Bốn đế.
  5. Năm ấm.
  6. Sáu nhập.
  7. Bảy giác phần.
  8. Tám chánh đạo.
  9. Chín địa (chín chỗ ở của chúng sanh).
  10. Mười Nhất thiết nhập.

– Năm Đức của Sa-di

  1. Phát tâm xuất gia vì cảm mến đạo pháp.
  2. Hủy bỏ hình đẹp vì thích ứng pháp y.
  3. Cắt ái từ thân vì không còn thân sơ.
  4. Xem thường thân mạng vì tôn sùng đạo pháp.
  5. Chí cầu Đại thừa vì hóa độ mọi người.

Kính bạch Tứ tọa đại đức chúng Tăng, con Sa-di tên… cùng với những người khác cúi đầu đảnh lễ. Bởi vì con nghe nói pháp như mặt trời chiếu sáng, giống như cỏ cây sống được nhờ ánh sáng đó. Lời dạy chân thật của đức Thế tôn ai ghi nhận thì được khai ngộ, tôn trọng hòa cùng với đại chúng xiển dương chánh pháp. Là bậc dẫn đường vận chuyển chánh pháp ngày càng lớn mạnh, tất cả chúng Tăng tập hợp tại giảng đường Bố tát, thuyết giới. Giới có thể diệt trừ điều ác, làm nền tảng cho các điều thiện, là nhân sanh ra diệu hạnh làm căn bản giải thoát. Sa-di nghe những điều này vui mừng phấn khởi, ý muốn bố thí nhưng vì không có tài sản quí giá, chỉ có năm trăm bàn chải răng và một ngàn thẻ tẩy tịnh dâng cúng đại chúng biểu lộ tâm chí thành của con để súc miệng và tẩy tịnh, kính mong Đại đức Tăng từ bi thâu nhận thọ chú nguyện.