LONG THỌ BỒ TÁT VỊ THIỀN ĐÀ CA VƯƠNG THUYẾT PHÁP YẾU KỆ
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam Tạng Cầu-na-bạt-ma
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Vua Thiền-đà-ca phải nên biết
Sanh tử khổ não nhiều tội lỗi
Thảy đều bị vô minh ngăn che
Ta muốn vì vua khởi lợi ích
Ví như chạm vẽ làm tượng Phật
Người trí thấy tượng phải cung kính
Ta nương Như Lai với chánh pháp
Đại vương cũng nên tín tho sâu
Vua tuy trước đã nghe lời Phật
Nay nếu nghe thọ thêm phân biệt
Giống như ao sen hương sắc đẹp
Trăng vàng chiếu xuống càng rực rỡ
Phật dạy sáu niệm phải tu tập
Đó là Tam Bảo, Thí, Giới, Thiên
Hành mười điều thiện tịnh ba nghiệp
Lìa rượu, phóng dật và tà mạng
Quán thân, tài sản, mau suy hoại
Phải tạo phước thí, giúp kẻ nghèo
Thí thật bền chắc không gì bằng
Cũng là người thân cận bậc nhất
Siêng tu tịnh giới trừ lỗi nhơ
Cũng chẳng mong cầu được các hữu
Thí như đại địa sinh muôn vật
Giới cung như thế sanh các thiện
Tu nhẫn, nhu hòa bỏ sân hận
Phật nói hạnh này thật vô thượng
Như thế tinh tấn và Thiền, Trí
Đủ sáu hạnh ấy vượt tử sinh
Nếu thường ở nhà hiếu cha mẹ
Đây gọi là phước điền thù thắng
Hiện đời lưu hành danh xưng tốt
Vị lai phước báo lại vô cùng
Giết, trộm, dâm dối, thêm say rượu
Giường chạm, cao rộng và hương xông
Ca hát, xướng kỹ, ăn phi thời
Các ác như thế phải xa lìa
Nếu lúc tuổi trẻ tu giới này
Thọ vui cõi trời, đạt Niết-bàn
Bỏn xẻn, ganh, tham dục, dua nịnh
Dối trá, điên đảo cùng biếng nhác
Các pháp ác bất thiện như thế
Đại vương phải quán, mau xả bỏ
Đẹp đẽ, giàu sang và năm dục
Nên biết nguy mục như bọt nước
Chớ cậy pháp không bền như thế
Kiêu căng, phóng túng, sanh các khổ
Muốn lớn điều lành, chứng cam lộ
Cần phải xa lìa như tránh độc
Nếu thường nỗ lực bỏ sân, mạn
Ví như mây tan trăng thu tỏ
Giống như Chỉ-man với Nan-đà
Hoặc như Ta-ma, các Hiền Thánh
Phật dạy có ba loại lời nói
Nói vào ý, chơn thật, giả dối
Vào ý như hoa, thật như mật
Giả dối hèn xấu như phẩn dơ
Nên tu tập hai lời nói trước
Phải mau trừ bỏ nói không thật
Từ sáng vào sáng, bốn loại pháp
Vua nên phân biệt tư duy kỹ
Hai loại vào sáng cần tu tập
Nếu đến ngu tối phải mau bỏ
Quả Am-bà-la, bốn cách biến
Người khó phân biệt cũng như thế
Nên dùng trí tuệ quán sát sâu
Nếu thật hiền thiện nên thân cận
Đủ thấy nữ nhân thật đoan nghiêm
Phải nghĩ mẹ, chị, con gái mình
Nếu khởi tâm tham dục nhiễm ái
Phải liền tu tập quán bất tịnh
Là tâm phóng túng nên ngăn chận
Như giữ thân mạng và tài sản
Tâm dục nếu khởi nên kinh sợ
Như sợ đao kiếm và thú dữ
Dục không lợi ích như oán độc
Đây chính là lời Mâu-ni dạy
Sanh tử luân hồi hơn lao ngục
Nên phải siêng tu cầu giải thoát
Sáu nhập phóng túng đuổi theo trần
Cần phải thâu giữ chớ buông lung
Nếu luôn thâu các căn như thế
Hơn cả dũng tướng thắng giặc thù
Thân này bất tịnh chín nơi chảy
Không có cạn kiệt như sông biển
Da mỏng đậy che tợ như sạch
Như anh lạc giả dùng trang sức
Những người có trí nên phân biệt
Biết kia hư dối bèn xả bỏ
Như người ghẻ lở gần lửa nóng
Mới tuy dễ chịu, sau thêm khổ
Tưởng tham dục cũng lại như thế
Trước tuy hoan lạc, sau âu lo
Thấy thật tướng thân đều bất tịnh
Thì liền quán nơi không, vô ngã
Nếu hay tu tập pháp quán này
Trong các lợi ích, thật vô thượng
Tuy có sắc tộc và kiến thức
Nếu không Giới, Trí như cầm thú
Dù chốn xấu hèn, ít hiểu biết
Thường tu Giới, Trí, gọi Thắng sĩ
Tám pháp lợi, suy… không thể tránh
Nếu đoạn trừ thật không ai bằng
Các bậc Sa-môn, Bà-la-môn
Cha mẹ, vợ con và quyến thuộc
Chớ vì ý họ, tho nhận lời
Rộng tạo hành phi pháp bất thiện
Nếu vì chúng đây tạo lỗi lầm
Vị lai thống khổ chỉ mình chịu
Phàm làm điều ác, báo không liền
Chẳng như đao kiếm gây thương tổn
Tướng tội lâm chung mới hiện đủ
Sau vào địa ngục thêm các khổ
Tín, Thí, Giới, Văn, Tuệ hổ thẹn
Bảy pháp như thế gọi Thánh tài
Lời Phật chân thật không gì sánh
Siêu việt châu báu chốn thế gian
Đại vương nếu chứa thắng tài này
Không lâu cũng chứng quả đạo tràng
Cờ bạc, rượu chè, mê đàn địch
Lười biếng kiêu mạn và bạn ác
Phi thời, vội vã nhiều loạn động
Bảy pháp như thế phải xa lìa
Tri túc là tài sản tối thắng
Đức Thế Tôn nói lời như thế
Tri túc dầu nghèo, khá gọi giàu
Giàu mà đa dục đây gọi nghèo
Nếu giàu tiền của, tăng thêm khổ
Như rồng nhiều đầu thêm sầu não
Phải xem vị ngon như thuốc độc
Dùng nước trí tuệ rảy cho sạch
Vì nuôi thân mạng, dẫu phải ăn
Chớ tham mùi vị, thêm kiêu mạn
Với các dục nhiễm phải nhàm chán
Siêng cầu đạo Niết-bàn vô thượng
Điều hòa thân này cho an ổn
Sau đó cần phải tu trai giới
Một đêm phân ra làm năm thời
Trong hai thời cần phải ngủ nghỉ
Đầu, giữa, cuối đêm quán sanh tử
Phải siêng cầu thoát, chớ luống qua
Bốn định vô lượng nên tu tập
Đây gọi mở lối nẻo Phạm Thiên
Nếu chuyên buộc niệm bốn tâm thiền
Mạng chung tất sanh cõi trời kia
Hữu vi dời đổi thảy vô thường
Khổ không hư hoại không bền chắc
Vo ngã, vô lạc, không thanh tịnh
Như thế thảy gọi pháp đối trị
Nếu thường quán sâu pháp môn này
Vị lai thường ở ngôi tôn quý
Tu hành năm giới dứt năm tà
Đây cũng điều Đại vương nên nhớ
Như bỏ chút muối xuống sông Hằng
Không thể khiến nước có vị mặn
Một chút ác nhỏ gặp nhiều thiện
Tan hoại, diệt mất cũng như thế
Năm tà nếu tăng, cướp công đức
Vua phải trừ diệt chớ cho lớn
Tín nơi năm căn, nguồn các thiện
Đây nên tu tập cho thêm mạnh
Sanh nơi tám khổ, thường thiêu đốt
Phải dùng nước Tuệ rảy cho tắt
Muốn cầu Thiên lạc và Niết-bàn
Phải siêng tu tập chánh tri kiến
Tuy có trí sáng, vào nẻo tà
Công đức vi diệu, trọn không dư
Bốn loại điên đảo hại các thiện
Cho nên quán sát chớ cho sanh
Là sắc chẳng ta, ta chẳng sắc
Trong ngã không sắc, sắc không ngã
Nơi sắc, sanh bốn loại tâm này
Các uẩn còn lại đều như thế
Hai mươi tâm ấy gọi điên đảo
Nếu luôn trừ diệt, thật tối thượng
Pháp chẳng tự khởi, minh sanh trước
Chẳng Tự Tại làm, đúng thời có
Đều từ ái nghiệp, vô minh khởi
Nếu không nhân duyên bèn diệt mất
Đại vương đã biết những nhân này
Phải đốt đèn tuệ phá tối si
Thân kiến, Giới thủ và Nghi hoặc
Ba chướng thường ngăn đạo vo lậu
Vua nếu hủy hoại khiến diệt tan
Pháp Thánh giải thoát sẽ hiện tiền
Ví như người mù hỏi tướng nước
Trăm ngàn kiếp cũng không thể rõ
Muốn cầu Niết-bàn cũng như thế
Phải tự tinh tấn sau mới chứng
Muốn nhờ quyến thuộc và tri thức
Lại được điều này, thật khó có
Cho nên Đại vương phải tinh tấn
Về sau mới chứng đạt tịch diệt
Thí, Giới, Đa văn và Thiền định
Do đấy, dần gần Bốn chân đế
Nhân chủ, vậy phải tu tuệ sáng
Hành ba pháp ấy cầu giải thoát
Nếu thường tu thừa Tối thượng này
Ắt thâu hết thảy thiện còn lại
Đại vương phải quán thân niệm xứ
Thế Tôn nói là đạo thanh tịnh
Nếu không niệm này, thêm ác kiến
Thế nên cần phải siêng tu tập
Mạng người ngắn ngủi không dừng lâu
Như bọt nước nổi lên liền diệt
Thở ra, thở vào trong giấc ngủ
Niệm niệm qua đi thường suy diệt
Không lâu sẽ thấy sự mài mòn
Da thịt hôi thúi thật đáng ghê
Xanh, ứ, trướng, hoại, máu mủ chảy
Giòi trùng cắn rúc đến cạn khô
Tóc lông, răng móng đều phân tán
Gió thổi, nắng phơi dần khô kiệt
Phải biết thân này không bền chắc
Vô lượng thứ khổ thường chứa nhóm
Cho nên Hiền Thánh, những người trí
Phải quán lỗi này, đều xả bỏ
Tu Di, biển lớn và sông lạch
Bảy mặt trời chiếu đều khô cạn
Bền chắc như thế còn hủy diệt
Huống gì cái thân mỏng manh này
Vô thường đã đến không ai cứu
Không thể cậy nương và tìm cầu
Cho nên Đại vương thường quán kỹ
Mau sanh nhàm lìa, cầu thắng pháp
Thân người khó được, pháp khó nghe
Như rùa mù gặp bọng cây nổi
Đã được thân hy hữu như thế
Cần phải dốc lòng nghe chánh pháp
Được thân diệu này lại tạo tác
Ví như bình báu đầy chất độc
Sanh nơi trung quốc gặp bạn lành
Chuyên niệm phát tâm, khởi nguyện chánh
Công đức trồng lâu, đủ các căn
Vua nay đầy đủ các thiện ấy
Nếu lại gần gũi người hiểu biết
Phật nói đây la Phạm hạnh sạch
Cho nên phải vui thích tùy thuận
Chư Phật do đấy chứng Niết-bàn
Đã gặp pháp thanh tịnh vi diệu
Phải dốc lòng cầu đạo lìa dục
Sanh tử hiểm nạn khổ không lường
Dẫu cho cùng kiếp nói không tận
Ta nay vì vua, lược phân biệt
Cần phải lắng nghe, suy nghĩ kỹ
Tam giới chuyển biến không bờ mé
Cha mẹ, vợ con nhân duyên sâu
Oán thân, yêu ghét, lẽ vô thường
Như vòng lửa xoay, há cùng tận
Sanh tử thế giới từ xưa |ại
Sữa mẹ đã uống nhiều hơn biển
Nếu không gắng sức chứng trí “không”
Vị lai lại uống không cùng tận
Trôi nổi năm đường, trải Nhân, Thiên
Nếu chứa xương cốt, tợ Tu-di
Ái biệt, buồn thương lệ khóc đầy
Dẫu là sông biển, không so sánh
Nếu tính cha mẹ của một người
Thế gian cây cỏ, số chẳng bằng
Tuy thọ năm dục, vui cõi trời
Rốt lại rơi vào khổ nẻo ác
Chư Thiên mạng sống rất dài lâu
Diệu lạc cõi này khó nói cùng
Ca múa, hát xướng thật du dương
Âm thanh hòa nhã tiếng vang xa
Dáng mầu, sắc diệu thật đoan nghiêm
Kẻ hầu vây quanh cùng vui vẻ
Trăm món thịnh soạn đều đầy đủ
Theo ý vui thích tự nhiên đến
Ao báu, luôn đầy nước thơm trong
Hoa màu đẹp, vây quanh che phủ
Muôn chim sắc lạ đậu bên trên
Véo von cùng hót tiếng bay xa
Chư Thiên dạo chơi tắm ở trong
Vui thú vo cùng khôn nói hết
Phước tận, lâm chung, năm tướng suy
Lúc ấy buồn khổ hơn vui trước
Cho nên dù có vui thiên nữ
Người trí thấy đó sanh nhàm chán
Dầu ở trên lầu đài châu báu
Cũng sẽ lui đọa chốn hôi dơ
Dù dạo vườn Nan đà, Thiên giới
Rốt lại cũng vào rừng đao kiếm
Tuy tắm ao Mạn-đà cõi trời
Sau rồi cũng đọa ngục Sông tro
Tuy là ở ngôi vua Chuyển Luân
Sau làm tôi tớ bị sai khiến
Tuy thọ Phạm thiên, vui ly dục
Sau đọa vô gián, khổ thiêu đốt
Tuy ở cung trời, rực ánh sáng
Sau vào bóng tối trong địa ngục
Là ngục Hắc Thằng, ngục Đẳng Hoạt
Thiêu, cắt, lột, đâm và Vô gián
Tám địa ngục này thường thiêu đốt
Đều báo nghiệp ác của chúng sanh
Hoặc chịu thống khổ như ép dầu
Hoặc nghiền thân thể thành tro bụi
Hoặc xẻ tứ chi thành nhiều mảnh
Hoặc lại lột da và thiêu đốt
Hoặc dùng đồng sôi rót vào miệng
Hoặc dùng sắt ép xé thân hình
Chó sắt đến tranh giành ăn nuốt
Chim sắt đậu lên cùng mổ kéo
Các loại trùng độc đều cắn rúc
Hoặc đốt cột đồng suốt thân hình
Lửa lớn hừng hực đều cháy suốt
Do vì nghiệp tội, không trốn được
Nước sôi sùng sục vọt lên cao
Trút ngược tội nhân ném vào trong
Mạng người suy hoại thật mau chóng
Ví như khoảnh khắc chư Thiên thở
Nếu ai trong mạng sống ngắn này
Nghe các tên khổ không kinh sợ
Nên biết tâm đây thật vững chắc
Giống như Kim cang khó hủy hoại
Nếu thấy tranh vẽ, nghe tiếng kia
Hoặc theo kinh sách, tự nghĩ nhớ
Biết như thế thời đã khó nhẫn
Huống lại thân hình tự trải qua
Địa ngục lớn, Vô gián, vô cứu
Các khổ trong đây khó cùng tận
Nếu lại có người trong một ngày
Dùng ba trăm giáo ném thân hình
So một niệm khổ ngục A-tỳ
Trăm ngàn vạn phần không bằng một
Thọ thống khổ này qua một kiếp
Duyên nghiệp tội hết sau mới khỏi
Khổ não như thế từ ai sanh?
Đều do ba nghiệp bất thiện khởi
Đại vương dù nay không lo này
Nếu không tu nhân, duyên đọa lạc
Trong loài súc sanh khổ không lường
Hoặc bị trói buộc và đánh đập
Vì không tín, giới và hiểu biết
Thường ôm tâm ác cùng ăn nuốt
Hoặc vì ngọc châu, lông, sừng, ngà
Xương, lông, da thịt, mà bị giết
Bị người ngự cỡi không tự tại
Luôn chịu khổ gạch ngói, dao gậy
Trong đường ngạ quỷ khổ cũng thế
Những vật cần muốn không như ý
Đói khát bức bách, khổ lạnh nóng
Các khổ thiếu mệt thật vô lượng
Bụng to như núi, cổ như kim
Phẩn tiểu, máu mủ không thể nói
Trần truồng, tóc che thật xấu ác
Như cây Đa la bị chặt đốt
Trong miệng ban đêm lửa lớn cháy
Các trùng tranh nhau cùng ăn rúc
Phẩn tiểu dơ uế, các bất tịnh
Trăm ngàn vạn kiếp chẳng thể được
Ví như tìm cầu được chút ít
Lại cùng cướp đoạt, liền tan mất
Trăng thu trong mát sợ lửa nóng
Ngày xuân ấm áp chuyển khổ lạnh
Hoặc đến vườn rừng, cây trái hết
Sông trong đi đến thành khô cạn
Vì duyên nghiệp tội, thọ dài lâu
Trải đến một vạn năm ngàn tuổi
Thọ các khổ độc không còn thiếu
Đều là quả báo loài ngạ quỷ
Bậc Chánh giác nói nhân khổ này
Gọi là nghiệp xan tham, ganh ghét
Nếu phước Trời hết, thiện có dư
Do đấy được làm vua cõi người
Sau nếu biếng nhác, phước báo tận
Ắt đọa ba đường ác, không nghi
Hoặc sanh Tu-la, khởi cao ngạo
Sân, ganh, tham hại thêm phiền não
Chư Thiên dù có hành thiện căn
Do vì xan, ganh mất lợi lạc
Cho nên phải biết kiết ganh ghét
Là pháp ác sâu cần xả bỏ
Đại vương, nay đã nhận biết đủ
Sanh tử lỗi lầm nhiều nỗi khổ
Cần phải siêng tu thiện xuất thế
Như khát nghĩ uống, cứu lửa đầu
Nếu thêm tinh tấn đoạn các hữu
Ở trong các thiện thật không trên
Phải siêng trì giới, tu Thiền trí,
Điều phục tâm vọng, cầu Niết-bàn
Niết-bàn vi diệu, tuyệt các tướng
Không sanh, già, chết và suy não
Cũng không núi sông cùng nhật nguyệt
Cho nên cần phải mau chứng biết
Nếu muốn chứng được Trí vô sư
Cần phải siêng tu pháp Bảy Giác
Nếu thường cỡi thuyền phần giác này
Biển lớn sanh tử dễ vượt qua
Mười bốn pháp mà Phật không nói
Chỉ sanh tín tâm chớ có nghi
Chỉ phải chánh tâm siêng tinh tấn
Quyết định tu tập các pháp thiện
Vô minh duyên Hành, Thức, Danh sắc
Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu
Hữu thì duyên sanh, sanh duyên Tử
Nếu hết sanh tử, nhân duyên diệt
Như thế chánh quán mười hai duyên
Người này tất thấy sư tử Thánh
Nếu muốn lần lượt thấy Bốn Đế
Phải siêng tu tập Bát Chánh Đạo
Dù ở chốn tôn quý năm dục,
Cũng được Thánh đạo, đoạn các kiết
Quả này không thể cầu kẻ khác
Tự tâm phải ngộ mới chứng được
Ta nói các khổ và Niết-bàn
Vì muốn thấm nhuần, lợi ích vua
Không nên sanh khởi tâm sợ hãi
Chỉ cần tụng tập làm các thiện
Tâm là căn bản của các pháp
Nếu trước điều phục, làm việc này
Ta nói pháp yếu, lược phân biệt
Vua chớ nên sanh tâm là đủ
Nếu có đại trí khai triển rộng
Cũng phải chí tâm siêng nghe thọ
Vua nay gọi là đại pháp khí
Nếu rộng nghe pháp ắt lợi lớn
Nếu thấy người tu ba nghiệp thiện
Phải sanh tâm tùy hỷ trợ giúp
Việc thiện mình làm cùng tùy hỷ
Công đức như thế thảy hồi hướng
Vua phải kính học các Hiền thánh
Như Quan Âm cứu độ chúng sanh
Vị lai nhất định thành Chánh Giác
Ở nước không sanh, già, ba độc
Đại vương nếu tu các thiện trên
Danh xưng ắt được lưu hành khắp
Về sau dùng đấy giáo hóa người
Khiến cho hết thảy thành Chánh Giác
Sông phiền não chảy cuốn chúng sanh
Khổ như lửa đốt, sợ hãi sâu
Muôn diệt các trần lao như thế
Phải tu Đế chơn thật giải thoát
Lìa các pháp giả danh thế gian
Liền được cõi bất động thanh tịnh
Nếu có phụ nhân ôm lòng hại
Vợ như thế nên phải xa lìa
Nếu kẻ trinh hòa, yêu kính chồng
Hạ mình siêng năng như người ở
Luôn nghĩ là chị, mẹ, bạn thân
Đấy nên tôn kính như thần nhà
Pháp ta nói chính là như thế
Vua phải đêm ngày siêng tu tập.