LỜI TỰA

Ái không nặng chẳng sinh Sa-bà
Niệm chẳng nhất chẳng sinh Cực lạc.

Cõi Sa-bà nhơ uế, nơi Cực lạc thanh tịnh. Tuổi thọ của con người ở cõi Sa-bà có giới hạn, nhưng ở Cực lạc thì không giới hạn. Chúng sinh ở cõi Sa-bà bị nhiều đau khổ, nhưng ở Cực lạc thì hoàn toàn an vui. Chúng sinh ở cõi Sa-bà theo nghiệp xoay chuyển trong sinh tử luân hồi, nhưng một khi đã đến nước Cực lạc thì liền lên bậc Vô sinh pháp nhẫn; nếu muốn phát nguyện độ sinh thì tùy ý tự tại, không bị các nghiệp xoay chuyển. Như vậy thì tịnh uế, khổ vui, tuổi thọ dài hay ngắn, sinh tử hay không sinh tử đều do quả báo khác nhau, nhưng chúng sinh mờ mịt không biết. Thật đáng buồn thay!

Đức Phật A-di-đà là người đứng đầu nhiếp thọ chúng sinh ở Tịnh độ.

Đức Phật Thích-ca Như Lai là vị thầy chỉ đường chúng sinh về Tịnh độ, Bồ-tát Quán Thế Âm, và Bồ-tát Đại Thế Chí giúp Phật giáo hóa. Cho nên giáo điển một đời của Như Lai chỗ nào cũng căn dặn, khuyên nên vãng sinh.

Người xiển dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh cũng chính là Đức Phật A-di-đà và Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí nương thuyền đại nguyện: Đi trên dòng sông sinh tử nhưng không vướng mắc vào hai bên bờ, không lênh đênh giữa dòng, lấy cứu giúp làm Phật sự. Cho nên trong kinh A-di-đà có nói: “Nếu có thiện nam tín nữ nào nghe nói về Đức Phật A-di-đà mà chấp trì danh hiệu từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì người đó lúc sắp qua đời được Phật A-di-đà và các Thánh chúng hiện ra trước người đó. Người đó lúc qua đời tâm không điên đảo liền được vãng sinh về cõi Cực lạc.” Lại nữa, kinh nói: “Chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu ta, nhớ nghĩ cõi nước ta, gieo trồng cội đức, chí tâm hồi hướng muốn được sinh về nước ta; nếu người ấy không được như nguyện, thì ta không trụ thành Chánh giác.” Cho nên viện Vô thường ở tinh xá Kỳ-hoàn khiến cho người bệnh mặt xoay về hướng Tây khởi tưởng ánh sáng Di-đà chiếu khắp pháp giới nhiếp giữ chúng sinh niệm Phật không bỏ, Phàm Thánh đồng một thể, căn cơ cảm nhận tương ưng nhau. Trong tâm chư Phật, cõi trần chúng sinh cũng là cõi cực lạc. Trong tâm chúng sinh niệm Tịnh độ cũng là niệm đức Phật. Quán sát điều đó tôi cho rằng trí tuệ dễ sinh ra vì dứt trừ được nghi ngờ; thiền định dễ sinh vì tâm thường an tịnh; trì giới dễ sinh vì xa lìa các nhiễm trước; bố thí dễ sinh vì dẹp bỏ xan tham; nhẫn nhục dễ sinh vì thường nhu hòa; tinh tấn dễ sinh vì không lui sụt; không làm điều lành, không tạo việc ác dễ sinh vì niệm thuần nhất, những việc ác đã gây, nghiệp báo đã hiện thì dễ sinh vì sợ hãi xấu hổ thật sự. Tuy có tu điều lành nhưng không có tâm kính tin, không tin sâu, không có tâm hồi hướng, không phát nguyện thì không được sinh lên bậc thượng phẩm thượng sinh. Ôi! Danh hiệu Di-đà vô cùng dễ trì, cõi Tịnh độ cũng dễ đến. Chúng sinh không thể trì, không thể đến thì Phật bằng với chúng sinh sao? Tạo ác nghiệp thì vào đường khổ, niệm Di-đà thì sinh Cực lạc, đây là điều Phật nói. Người đời sợ đọa địa ngục lại nghi ngờ việc vãng sinh thì có đúng chăng?

Pháp sư Tuệ Viễn cùng các cao sĩ Lưu Di Dân v.v… đời Tấn kết Bạch Liên xã ở Lô sơn rồi dốc sức tinh thành niệm Phật. Sau đó bảy trăm năm tu trì nối nhau, tăng tục đều được cảm ứng, chẳng ai không thấy cõi Tịnh độ và họ đã ghi lại. Há là bịa đặt ư? Những sách tán thán giáo quán Di-đà gom lại cao như núi.

Niệm Phật Kính của Đại sư Thiện Đạo có mười một môn, là đứng đầu trích dẫn lời Thánh để khai thị các hoặc, căn nhà tối muôn năm nay được tia sáng dọi đến; dạo trên sông dài ngàn dặm mà không cần nhọc sức. Nếu chẳng phải là thân sau của ngài Pháp Tạng thì không thể đến nơi này. Tôi từng có bản văn này nơi thành đô. Nếu ai có sự hiểu biết, đọc đến những lời văn trong quyển sách này thì đều sinh tín tâm. Từ khi gặp phải hình phạt nặng tôi cảm ngộ được lợi ích sâu xa ấy, nên muốn truyền rộng bổn này. Nhân đây tôi viết lời tựa dẫn.

Giữa thu, năm Bính thìn, niên hiệu Hy Ninh thứ chín.

Trúc Song Nhị Bút của Đại sư Liên Trì ở chùa Vân Thê đời Minh chép: Hai thầy Đạo Cảnh và Thiện Đạo đã viết Niệm Phật Kính, dùng niệm Phật và các pháp môn khác để đối chiếu nhau. Hai ngài nói: “Công đức niệm Phật vượt hơn công đức các pháp môn khác cả trăm ngàn muôn ức lần.” Có thể gọi là niềm tin vững chắc và lời lẽ sáng tỏ, có công đức rất lớn đối với pháp môn Tịnh độ. Trong chương nói về Thiền tông đã nói rằng Công đức niệm Phật hơn công đức tu thiền, quán tâm, quán Vô sinh cả trăm ngàn muôn ức lần. Nếu người học nghi ngờ pháp môn này thì tôi xin làm chứng. Còn như nói có Thiền không có Tịnh độ là còn chấp quán tâm mà không tin có cõi Tịnh độ. Quán Vô sinh mà không tin có cõi Tịnh độ vãng sinh thì chưa đạt được: Ngay nơi tâm là cõi, không biết “Sinh tức là vô sinh”, nghiêng về “Chấp không” chẳng phải thiền viên đốn. Trái lại không bằng lý tánh tuy chưa được sáng tỏ nhưng niệm Phật đã thành Tam-muội, đâu có gì làm lạ? Nếu quán tâm mà khéo hiểu được tâm mình, quán vô sinh mà đắc được Vô sinh nhẫn, đây chính là cùng người niệm Phật sinh lên thượng phẩm thượng sinh. Đã cùng ở một nơi thì có ai cao, ai thấp?

– Bản cổ ghi:

Mộ Sinh Nhất diệp ký ghi vào đầu mùa thu năm Kỷ Hợi, niên hiệu Ninh Ngũ Nhẫm thứ hai đời Thanh.

Sa-môn Pháp Quảng, Đại đức Hoằng Luật, ở phía Đông chùa Chương Nghĩa, châu Phụng Thánh kiểm duyệt.

Đại phu Sùng Nhiếp kiểm giảo, Đại sư Thái Bảo Viên Giáo được vua ban tặng ca-sa tía.

Sa-môn Tri Chiêu xem xét kỹ càng.

Ôi! Niệm Phật Tam-muội giống như chiếc gương lớn chiếu soi muôn vật. Tám vạn bốn ngàn pháp môn như bóng trong gương, hàng ba thừa năm thừa từ đây mà được ngộ nhập. Thiết nghĩ đây là then chốt của Hải tạng, là diệu môn đi vào đạo. Giống như giữ mẹ để biết con, có gốc biết được ngọn. Nâng tấm lưới thì lỗ lưới đều động, nắm áo thì các sợi chỉ đều theo. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm có ví dụ: Ví như dùng gân sư tử làm dây đàn, khi khảy lên thì các âm thanh khác đều bặt. Ở đời có những vị sư xem thường niệm Di-đà, nghiêng về tu hạnh Bồ-tát, trì Đà-la-ni, tu thiền định. Đây là việc rất sai lầm. Ngoài Tây phương không có riêng cõi của Quán Âm , chín phẩm đến ứng đều nâng đài sen. Hình tượng Diệu Quán nói: “Tâm này là Phật”, cho nên các ngài Bách

Trượng, Trí Giác… đều khai triển pháp môn Tịnh độ, khuyên mọi người niệm Phật. Lời nói gom lại cả muôn quyển, sách đầy cả lòng biển, đặc biệt có thể đầy đủ kim bài cho người khinh thường ư? Riêng quyển Niệm Phật Kính của hai thầy chia ra mười một môn để hướng dẫn mọi tầng lớp tu tập. Người nghi ngờ thì có thể lấy quyển sách báu này tưới tẩm vào tâm hồn họ cho tươi mát. Đại sư Vân Thê rất thán phục sách này. Nếu ai dốc lòng tin, hiểu rõ, có công phu tu Tịnh độ thì được công đức rất lớn nơi cõi Tịnh độ.

Những bản khắc gỗ phần nhiều sai, nay được bản ở chùa Quốc hoan, nên chuyên theo bản này. Nếu còn nghi ngờ bài tựa của Dương Kiệt thì dựa vào sự chuyển dụng và lời giảng giải của bạn đồng tu rồi đối chiếu với bản gốc, truyền bá chân lý cao tột, mục đích để nhập vào biển trí mà thôi.

Thượng tuần tháng chạp năm Quý Sửu, Diên Bảo Nguyên Long biên tập.

Học trò Lữ Đại Cốc ở Giang Đông kính ghi.

NIỆM PHẬT CẢNH

SỐ 1966

QUYỂN THƯỢNG

Khắc bản: Vị Tăng tên Như Hiền chùa Quốc Hoan Ghi chép: Đệ tử phụng giới là Lâm Sĩ Du
Cùng biên tập: Sa-môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo

Từ viên thành đến giác ngộ biển trí (Phật) vì không cách nào thích ứng khắp mọi căn cơ chúng sinh, nên phá núi mê, mở đường giải thoát, từ âm diễn khắp; người đích thân nghe chứng đắc ba không; hiểu được nghĩa mầu, tin chắc thì tâm rõ tám đế, mở bày năm thừa đốn tiệm, tiếp độ hai loại phàm Thánh. Người nhận biết đạo lý này liền về quê hương thường lạc, còn mê hoặc thì mãi mãi đắm chìm nơi trong luân hồi. Thế nên Đức Như Lai chỉ thẳng cảnh Tây phương, mở cánh cửa Cực lạc, nói rõ danh hiệu Đấng Từ Tôn. Do vậy trời người đều kính ngưỡng, Phàm Thánh đồng quay về. Đây là bến bờ then chốt của Hoa tạng, là con đường tắt chứng Niết-bàn. Thực hành tuy đơn giản mà công đức rất sâu xa. Từ xưa các bậc danh hiền đều y cứ vào pháp môn niệm Phật như: Ngài Tuệ Trì, Tuệ Viễn lúc qua đời có cờ phướn, lọng báu đón rước; ngài Đạo Xước, Đạo Trân được các vị trời nam, nữ xinh đẹp khôi ngô đến dẫn đi. Tăng tục cảm được ánh sáng vô tận này rất nhiều, mỗi trường hợp đều rõ ràng, truyện có ghi rõ, không nhọc chép nhiều. Nay, Niệm Phật Kính noi theo gương người niệm Phật để dứt trừ mê hoặc. Căn cứ vào đây để riêng làm thì chắc chắn thoát khổ luân hồi, còn người nghi ngờ thì xem rõ văn dưới.

– Tất cả chia làm mười một môn:

  1. Môn khuyên tấn niệm Phật.
  2. Môn tự lực, tha lực.
  3. Môn niệm Phật đắc ích.. Môn Dĩ đắc vãng sinh.
  4. Môn Giảo lượng công đức.
  5. Môn Giảo lượng trai phước.
  6. Môn Nghi báng đắc tội.
  7. Môn Thệ nguyện chứng giáo.
  8. Môn Quảng nhiếp chư giáo.
  9. Môn Thích chúng nghi hoặc.
  10. Môn Nhất niệm Phật xuất tam giới.

I. MÔN KHUYẾN TẤN NIỆM Phật:

Ôi! Phật là thầy của ba cõi, là cha lành của bốn loài. Người quy y, tôn kính Phật, được diệt Hằng sa tội chướng. Người xưng niệm danh hiệu được vô lượng phước đức, người muốn niệm Phật phải khởi tín tâm.

Nếu có lòng tin thì chắc chắn đạt kết quả. Cho nên kinh nói: “Lòng tin là sơ tông vào đạo, trí là huyền thuật của rốt ráo. Đầu tiên gọi tin như thế, sau phụng hành là trí. Cho nên kinh A-di-đà nói: Nếu có người tin tưởng thì nên phát nguyện sinh về nước kia. Đây là nơi Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni khuyến khích chúng ta kính tin. Kinh ấy lại nói: Các ngươi nên tin tưởng, đọc tụng ngợi khen thì được công đức không thể suy nghĩ bàn luận. Đây là nơi các Phật sáu phương khuyến khích chúng ta kính tin. Phần khuyến tin của kinh Pháp Hoa nói: Tùy thuận kinh này do lòng tin mà được vào.

Lại nữa, nếu có người gieo trồng gốc lành mà nghi ngờ thì hoa sen không nở; người tín tâm thanh tịnh thì hoa sen nở, liền thấy Phật. Đây là chỗ luận Thập Trụ khuyến khích chúng sinh kính tin. Còn người không tin cũng như đứng trên xe không bánh, không dè, không nhíp thì không thể chạy được. Đây là chỗ mà sách ngoài khuyên tin. Tin là thuận với lý đã nói, thuận thì đạo thầy trò thành tựu, kinh không phong ước, người không tin không thể truyền đạo. Đây là điều pháp sư Tăng Triệu khuyến tin. Hòa thượng Đại Hành nói: “Pháp môn niệm Phật, bất luận là đạo tục, nam nữ, giàu nghèo, sang hèn, đều phải tin chắc.” Đây là điều Hòa thượng Đại Hành khuyên tin.

Hỏi: Đã nói là tin nhưng chẳng hay tin vào pháp nào?

Đáp: Ý của tin là tin những lời trong kinh nói:

  1. Tin Niệm Phật chắc chắn sinh về Tịnh độ.
  2. Tin niệm Phật chắc chắn diệt các tội.
  3. Tin niệm Phật chắc chắn được Phật chứng.
  4. Tin niệm Phật chắc chắn được Phật che chở.
  5. Tin niệm Phật khi sắp qua đời được Phật đến đón rước.
  6. Tin niệm Phật bất luận là chúng sinh nào đều được vãng sinh.
  7. Tin niệm Phật sinh về Tịnh độ chắc chắn được ba mươi hai tướng tốt.
  8. Tin niệm Phật sinh về Tịnh độ chắc chắn ở địa vị không lui sụt.
  9. Tin niệm Phật sinh về Tịnh độ, chắc chắn được tự tại, vui sướng, trang nghiêm.
  10. Tin niệm Phật sinh về Tịnh độ chắc chắn ở địa vị bất tử.
  11. Tin niệm Phật sinh về Tịnh độ làm bạn với các vị Bồ-tát.
  12. Tin niệm Phật sinh về cõi Tịnh độ không lìa Phật.
  13. Tin sinh về Tịnh độ, từ hoa sen hóa sinh.
  14. Tin Phật A-di-đà hiện đang nói pháp.
  15. Tin sinh về Tịnh độ không đọa ba đường ác cho nên khuyên niệm Phật.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Niệm Phật một câu chắc chắn diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử; được hưởng công đức nhiệm mầu trong tám mươi ức kiếp.” Cho nên Hòa thượng Đại Hành dạy:

Người niệm Phật chỉ tin Phật, thì:

  • Phật liền biết, Phật có tha tâm thông,
  • Miệng chỉ xưng danh hiệu Phật, thì Phật liền nghe, vì Phật có thiên nhĩ thông.
  • Thân chỉ kính Phật, thì Phật liền thấy, vì Phật có thiên nhãn thông.

Cho nên đây là chỗ khuyên tin niệm Phật của Hòa thượng Đại Hạnh.

Lại dụ tín tâm ví như trồng cây ăn trái: Rễ cây cắm sâu vào lòng đất thì gió thổi không lung lay, sau ra hoa trái mới cứu người đói khát được. Người niệm Phật cũng như vậy, cần phải tin sâu mới được đến Tây phương thành bậc Chánh giác, cứu độ mọi khổ nạn nguy ách. Còn nếu không tin thì không đạt được gì. Cho nên kinh nói: “Hàng Bồ-tát Thập trụ một khi đã khởi tín tâm niệm Phật, thì cho dù gặp chướng duyên đến tan thân mất mạng cũng không lui sụt.”

Kinh Duy-ma nói: “Tin sâu vững chắc giống như báu pháp kim cương chiếu khắp như mưa cam lộ”, người niệm Phật phải tin sâu. Kinh Vô Lượng Thọ nói: Niệm Phật có năm môn:

  1. Môn lễ bái: Thân chỉ đảnh lễ Đức Phật A-di-đà.
  2. Môn tán thán: Miệng chỉ xưng danh hiệu Phật A-di-đà.
  3. Môn tác nguyện: Tất cả công đức lễ bái, niệm Phật chỉ nguyện sinh về thế giới Cực lạc.
  4. Môn quán sát: Đi, đứng, nằm, ngồi đều quán sát Đức Phật A-diđà để mau sinh về cõi Tịnh độ.
  5. Môn hồi hướng: Công đức niệm Phật, lễ Phật chỉ nguyện sinh về cõi Tịnh độ, mau đắc vô thượng Bồ-đề.

Tu hành có bốn loại:

  1. Trường thời tu: Tự mình phát tâm niệm Phật, về sau được sinh về Tịnh độ, thành Phật không bao giờ lui sụt.
  2. Kính xứ tu: Chỉ hướng về Tây phương, chuyên tưởng không dời đổi.
  3. Vô gián tu: Chỉ chuyên niệm Phật, không có niệm tạp thiện, nào khác chen vào, cũng không có phiền não tham sân tạp ác xen vào.
  4. Vô dư tu: Không có một niệm tạp thiện khác chen vào làm gián đoạn việc tu. Vì sao? Tu các điều lành khác, vì tự lực nên phải trải qua nhiều kiếp mới thành tựu; còn nương vào nguyện lực của Phật A-di-đà, chuyên tinh niệm Phật, từ một đến bảy ngày liền được vãng sinh về Tịnh độ, ở địa vị không lui sụt, mau được vô thượng Bồ-đề. Cho nên không tu những điều lành khác. Thượng phẩm thượng sinh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: Nếu có chúng sinh nào muốn sinh về nước kia thì nên phát ba thứ tâm:
  1. Tâm chí thành: Người nào chí thành, thân chuyên lễ Đức Phật A-di-đà, miệng thường niệm danh hiệu Phật A-di-đà, ý kính tin pháp môn niệm Phật thì chắc chắn được sinh về Tịnh độ.
  2. Thâm tâm: Khởi lòng tin chân thật, chuyên niệm danh hiệu Phật, nguyện sinh về Tịnh độ. Từ lúc phát tâm đến khi thành Phật đều không nghi ngờ gì nên gọi là Thâm tâm.
  3. Tâm hồi hướng phát nguyện: Tất cả các công đức lễ bái, niệm Phật chỉ nguyện vãng sinh về Tịnh độ, mau được Vô thượng Bồ-đề.

Có đủ ba thứ tâm này chắc chắn được sinh về cõi Cực lạc. Lại nữa, kinh Văn-thù Bát-nhã không quán tướng mạo, chỉ chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, thực hành “Nhất hạnh Tam-muội”; muốn mau thành Phật cũng tu “Nhất hạnh Tam-muội”; muốn đầy đủ tất cả trí tuệ cũng tu “Nhất hạnh Tam-muội”; muốn thấy Phật cũng tu “Nhất hạnh Tam-muội”; muốn mau sinh về Tịnh độ cũng tu “Nhất hạnh Tammuội”. Đây là pháp niệm Phật vãng sinh trong Kinh Văn-thù Bát-nhã.

Kinh A-di-đà nói: “Xá-lợi-phất, nếu có thiện nam, tín nữ nào nghe danh hiệu Phật A-di-đà rồi chuyên tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì người đó lúc sắp qua đời, Đức Phật A-di-đà và các Thánh chúng hiện ra trước mặt người đó. Người đó lúc qua đời tâm không tán loạn liền được vãng sinh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà.”

Hỏi: Nếu niệm Phật một ngày được vãng sinh, cần gì phải niệm đến bảy ngày?

Đáp: Niệm từ một ngày đến bảy ngày đều là lúc sắp qua đời vãng sinh về Tịnh độ. Mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày. Đây là pháp thượng phẩm vãng sinh trong kinh A-di-đà.

Lại theo kinh Quán, về hạ phẩm hạ sinh nếu có chúng sinh nào gây ra đủ các nghiệp bất thiện, mười điều ác, năm tội nghịch. Người ngu vì nghiệp ác mà phải đọa vào đướng ác, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng; người này lúc sắp qua đời nếu gặp Thiện tri thức dạy niệm Phật A-di-đà dù chỉ mười câu cũng trừ diệt tội nghiệp, được vãng sinh. Lại nữa, kinh Vô Lượng Thọ nói: “Dù chỉ một niệm cũng vãng sinh Tịnh độ.” Đây là pháp hạ phẩm hạ sinh.

Hỏi: Niệm Phật từ một niệm đến mười niệm thì được hạ phẩm hạ sinh, thì cớ gì từ một ngày đến bảy ngày được thượng phẩm thượng sinh?

Đáp: Từ một niệm đến mười niệm là số ít, công đức cũng ít, cho nên sinh về hạ phẩm hạ sinh còn từ một ngày đến bảy ngày thì số lần niệm nhiều, công đức cũng nhiều, cho nên sinh về thượng phẩm thượng sinh. Lại từ một niệm cho đến mười niệm là dụ cho người phát tâm muộn; còn từ một ngày cho đến bảy ngày là dụ cho người phát tâm sớm. Cho nên niệm từ một niệm cho đến mười niệm, hay từ một ngày cho đến bảy ngày đều được vãng sinh Tịnh độ ở địa vị không lui sụt, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề.

Niệm Phật dụ như trẻ con khóc, cha mẹ nghe được lập tức đến vỗ về: Nếu đói thì cho ăn, lạnh thì cho mặc, nóng thì cho mát. Đây là năng lực của cha mẹ chẳng phải là năng lực của con. Người niệm Phật cũng giống như vậy, chỉ biết niệm Phật, lòng đại từ bi của Phật sẽ tìm âm thanh mà cứu ngay. Tất cả tội nghiệp Phật khiến tiêu diệt; tất cả bệnh hoạn Phật khiến tiêu diệt; tất cả tội chướng Phật khiến phủi sạch, giống như cha mẹ nuôi con.

Kinh Pháp Hoa nói: “Tất cả chúng sinh đều là con ta, ta tức là cha. Các con nhiều kiếp bị các khổ thiêu đốt, ta đều cứu vớt khiến cho ra khỏi ba cõi.” Người tu đạo phải siêng năng niệm Phật. Kinh Duy-ma nói: “Muốn dứt phiền não thì phải chánh niệm.”

II. MÔN TỰ LỰC THA LỰC:

Hỏi: Nói về các pháp môn, số nhiều vô lượng. Pháp môn nào là tự lực? Pháp môn nào là tha lực?

Đáp: Tuy Đức Như Lai nói tám vạn bốn ngàn pháp môn nhưng chỉ có một pháp môn niệm Phật là tha lực, còn các pháp môn tu khác đều là tự lực.

Hỏi: Tự lực tu đạo, theo kinh giáo của Phật thì khi nào mới được thành tựu? Tha lực tu đạo khi nào mới được thành thục?

Đáp: Về tự lực, theo kinh giáo của Phật: Từ lúc mới phát tâm trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp tu đạo mới đến Sơ địa. Từ Sơ địa lại trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp tu đạo mới đến Bồ-tát Bát địa. Theo pháp môn niệm Phật trong kinh A-di-đà, nhanh thì một ngày, chậm thì bảy ngày. Niệm Phật A-di-đà được vãng sinh Tịnh độ tức là Bồ-tát Bát địa, vì sao phải nương vào bổn nguyện Phật A-di-đà? Vì trong Kinh A-di-đà chúng sinh sinh về đó đều là A-Bệ-Bạt-trí, A-Bệ-Bạt trí tức là Bồ-tát Bát địa.

Hỏi: Tự lực tha lực là gì?

Đáp: Tự lực: giống như đứa trẻ lên ba, tự bỏ nhà đi, một mình băng qua cả ngàn dặm để đến kinh thành cầu quan chức thì không biết từ đâu để tìm được? Vì chỉ là một đứa trẻ. Các pháp môn tu hành khác cũng như vậy, phải nhiều kiếp tu đạo mới thành, giống như đứa trẻ bỏ nhà kia.

– Tha lực: Giống như đứa trẻ tuy nhỏ nhưng dựa vào cha mẹ và xe ngựa, xe cộ, không bao lâu đến kinh thành, có được quan chức. Vì sao? Vì nhờ tha lực. Niệm Phật tu đạo cũng như vậy, lúc sắp qua đời nương vào nguyện lực của Phật A-di-đà, chỉ trong khoảng một niệm được vãng sinh về Tây phương, được địa vị không lui sụt; giống như cha mẹ đem voi ngựa, xe cộ đến chở đứa trẻ, không bao lâu sẽ đến kinh thành, tìm được chức quan. Tự lực giống như người nghèo, lại đến nhà người nghèo làm công, tuy tốn hao sức lực nhiều mà được rất ít tiền. Các pháp môn tu khác cũng giống như vậy, dụng công phu rất nhiều mà công đức rất ít. Còn tha lực thì giống như đến nhà vua làm công, tuy ít tốn hao sức lực mà được rất nhiều tiền. Vì sao? Vì nương vào sức lực của vua. Niệm Phật cũng giống như vậy, nương vào nguyện lực của Phật, dụng công rất ít mà công đức vô biên. Từ một ngày đến bảy ngày chuyên tâm niệm Phật, chóng được sinh về cõi Cực lạc, sớm chứng Vô thượng Bồ-đề. Giống như làm công cho nhà vua.

Tự lực, tha lực giống như con kiến đậu vào cánh chim. Chim sẽ

mang kiến bay lên cao đến núi Tu-di, hưởng thọ các vui sướng. Phàm phu niệm Phật cũng giống như vậy, nương vào nguyện lực của Phật mau đến Tây phương, hưởng vui an lành. Các pháp môn khác giống như kiến tự bò lên núi, không biết bao giờ mới đến đỉnh. Đây là tự lực. Tự lực giống như tôm cua, tha lực giống như rồng lớn. Có những loài bám vào vãy rồng, rồng mang nó mau ra biển lớn. Niệm Phật cũng giống như vậy, Phật dẫn chúng sinh mau về Tây phương.

Tự lực cũng giống như chân phàm phu bị đau, không thể đi nhanh được.

Tha lực giống như vua Chuyển luân bay trên hư không đi khắp mọi nơi, vì nương vào năng lực của bánh xe báu. Cho nên nương vào nguyện lực của Phật cũng giống như thế, chỉ trong một niệm liền vãng sinh về Tây phương, trụ ở địa vị không lui sụt. Các pháp môn khác giống như đi bộ trên đất liền, niệm Phật giống như đi thuyền trên sông, đi đến rất nhiều nơi mà không tốn công nhiều. Niệm Phật vãng sinh cũng giống như thế, dụng công rất ít mà mau đến Bồ-đề. Pháp môn niệm Phật nhờ nương vào nguyện lực của Phật A-di-đà cho nên mau thành quả Phật, nhanh hơn các pháp môn khác cả trăm ngàn lần.

III. MÔN NIỆM PHẬT ĐẮC ÍCH:

Hỏi: Niệm Phật A-di-đà vãng sinh về cõi Tịnh độ cao quý, được bao nhiêu lợi ích?

Đáp: Theo sách của A-xà-lê Thiện Đạo, pháp môn niệm Phật có hai mươi ba lợi ích:

  1. Diệt tội chướng nặng.
  2. Ánh sáng nhiếp thọ.
  3. Đại sư che chở.
  4. Bồ-tát thầm che chở.
  5. Chư Phật che chở.
  6. Tám bộ che chở.
  7. Chứa nhóm công đức báu.
  8. Nghe nhiều được trí tuệ.
  9. Không lui sụt tâm Bồ-đề.
  10. Phụng thờ, gần gũi Đức Phật.
  11. Được cảm ứng, các bậc Thánh đến đón rước.
  12. Ánh sáng từ bi soi chiếu vào thân.
  13. Các bạn Thánh đồng khen ngợi.
  14. Các bạn Thánh đón rước.
  15. Thần thông đi trong hư không.
  16. Thân tướng xinh đẹp cao quý.
  17. Tuổi thọ kéo dài.
  18. Được sinh về chỗ tốt đẹp.
  19. Được thấy Thánh chúng.
  20. Thường nghe pháp mầu.
  21. Chứng Vô sinh pháp nhẫn.
  22. Đi đến các nơi khác được thọ ký.
  23. Trở về bổn quốc được Đà-la-ni.

Đây là những lợi ích trong Niệm Phật Tập của A-xà-lê Thiện Đạo ở Tây kinh.

– Theo Hòa thượng Đại Hành, niệm Phật có mười lợi ích:

  1. Nương nhờ Phật lực.
  2. Dễ thực hành.
  3. Công đức rất nhiều.
  4. Tự tha cực hỷ.
  5. Mau được gặp Phật.
  6. Chắc chắn được không lui sụt.
  7. Chắc chắn sinh về cõi Cực lạc.
  8. Không xa Phật.
  9. Tuổi thọ kéo dài.
  10. Không khác bậc Thánh.

– Theo các kinh thì niệm Phật vãng sinh Tịnh độ có ba mươi lợi ích:

  1. Diệt trừ các tội.
  2. Công đức vô biên.
  3. Đối với Phật pháp được thù thắng.
  4. Chư Phật đồng chứng minh.
  5. Chư Phật cùng che chở.
  6. Chư Phật mười phương đồng khuyên tin niệm.
  7. Tất cả tật bệnh nhờ niệm Phật mà được tiêu trừ.
  8. Lúc sắp qua đời tâm không điên đảo.
  9. Một pháp môn niệm Phật thâu nhiếp nhiều pháp môn.
  10. Lúc qua đời được Phật đến đón rước.
  11. Công đức diệu dụng mau đến Tịnh độ.
  12. Từ đài hoa sen hóa sinh.
  13. Thân có mầu vàng ròng.
  14. Tuổi thọ kéo dài.
  15. Sống lâu không chết.
  16. Thân có ánh sáng.
  17. Có ba mươi hai tướng tốt.
  18. Được sáu thông.
  19. Đắc Vô sinh pháp nhẫn.
  20. Thường gặp chư Phật.
  21. Làm bạn với các bậc Thánh.
  22. Hương hoa âm nhạc sáu thời cúng dường.
  23. Thức ăn, đồ mặc tự nhiên đầy đủ.
  24. Tùy ý vận dụng tiến đạo thẳng đến Bồ-đề.
  25. Thường được trẻ mãi không có tướng già.
  26. Lúc nào cũng khỏe mạnh.
  27. Không đọa vào ba đường ác.
  28. Sống tự tại.
  29. Đêm ngày thường nghe pháp mầu.
  30. Trụ ở địa vị Bất thoái.

Kinh Niết-bàn: có năm trăm tên giặc trộm cướp ở chỗ vắng, bị vua Ba-tư-nặc bắt được, sau đó ông cho móc mắt, chặt tay chân rồi bỏ xuống hố.

Lúc đó, trong bọn giặc đó có một người lúc trước đã từng nghe danh hiệu Phật; niệm Phật cứu người khổ nạn. Bèn xoay người bảo các bạn phải đồng tâm niệm Phật. Khi đó, bọn giặc cùng phát nguyện niệm Phật, nhờ đó hai mắt được bình phục, tay chân dầy đủ trở lại như cũ. Cho nên biết lợi ích của niệm Phật không thể suy nghĩ bàn luận. Trong kinh ấy lại nói: Có một Ưu-bà-di ở nước Thiên trúc kính tin Tam bảo, thường cung kính cúng dường tất cả chúng tăng. Một hôm, trong chúng tăng có một Tỳ-kheo bị bệnh rất nặng, thầy thuốc xem bệnh rồi nói: Phải dùng thịt người làm thuốc để trị thì bệnh mới lành.

Lúc đó, Ưu-bà-di vì cung kính Tam bảo cho nên liền cắt thịt trên người mình để cúng dường, Tỳ-kheo uống thuốc ấy rồi bệnh liền lành. Lúc đó, Ưu-bà-di kia thân thể bị thương đau đớn thống thiết liền niệm Phật, tự nhiên sự đau đớn vơi dần, thân thể bình phục trở lại như cũ. Cho nên biết rằng công đức niệm Phật không thể suy nghĩ bàn luận.

Kinh Nguyệt Đăng Tam-muội chép: Chuyên ròng niệm Phật chẳng những thân thể bình phục mà tất cả các bệnh hoạn cũng được hết hẳn.

Kinh ấy lại chép: Nếu bị bệnh nặng khó chết, đau khổ ép ngặt không thể chữa trị được mà chuyên niệm Phật Tam-muội thì tất cả bệnh tật đều trừ diệt. Cho nên, Xà-lê Thiện Đạo và Hòa thượng Đại Hạnh đã nói ở trên này: “Những người niệm Phật thì tất cả bệnh tật đều tiêu trừ”, số đó rất nhiều không thể nói hết. Chẳng những niệm Phật tật bệnh được tiêu trừ mà thời gian gần đây, có người niệm Phật trước sau cảm được xá-lợi, rồi đem xá-lợi cúng dường Tam bảo. Cho nên biết lợi ích của niệm Phật không thể suy nghĩ bàn luận được.

IV. MÔN DĨ ĐẮC VÃNG SANH:

Hỏi: Kinh A-di-đà nói: Hoặc đã (vãng sinh), đang vãng sinh, và sẽ vãng sinh, tuy khuyên niệm Phật A-di-đà nhưng chẳng biết hiện nay vãng sinh được bao nhiêu và tự họ đã được vãng sinh chưa?

Đáp: Theo kinh Tịnh độ thì thế giới Sa-bà đã có sáu mươi bảy ức Bồ-tát không thối lui việc niệm Phật A-di-đà, vãng sinh về cõi Cực lạc. Cũng giống như vậy, người vãng sinh thì vô lượng vô số.

Kinh Hoa Nghiêm chép: Tỳ-kheo Đức Vân niệm Phật A-di-đà được vãng sinh về Tịnh độ.

– Kinh A-di-đà nói: A-nan, Xá-lợi-phất nghe lời Phật dạy vui mừng, tin nhận liền được vãng sinh.

– Lại theo kinh Quán bà Vi-đề-hy cùng năm trăm thể nữ niệm Phật A-di-đà được vãng sinh về Tịnh độ. Đâu chỉ có các Bồ-tát và Thanh văn được vãng sinh!

Gần đây, ở phía Bắc đô thành (Trung Quốc) Thiền sư Đạo Xước, Tây kinh có luật sư Tây Kinh, Xà-lê Thiện Đạo, Hoài Cảm, Hòa thượng Đại Hạnh cùng pháp hội tăng hơn mấy trăm tăng chúng chuyên niệm Phật A-di-đà được vãng sinh về Tịnh độ. Chẳng những các vị tăng được vãng sinh mà ở Tây kinh, Đông kinh và những nơi khác có một số ni sư cũng được vãng sinh về Tịnh độ. Chẳng những ni được vãng sinh Tịnh độ mà ở Đông kinh, Tây kinh và một số nơi khác cũng có một số người tại gia, hiền giả và Ưu-bà-di v.v… niệm Phật A-di-đà đến lúc qua đời được (thấy) cảnh giới tốt đẹp, vãng sinh về Tịnh độ. Như vậy phẩm loại không thể nói hết, như Vãng Sinh Truyện. Đây tức là các phàm phu, nhị thừa và các Bồ-tát đồng hạnh có tu pháp môn niệm Phật đã vãng sinh.

V. MÔN GIẢO LƯỢNG CÔNG ĐỨC:

Hỏi: Trong kinh A-di-đà có nói: Không thể với chút ít gốc lành phước đức nhân duyên mà được vãng sinh về nước kia, chẳng hay thế nào là chút ít gốc lành, thế nào là nhiều gốc lành?

Đáp: Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Như Lai chỉ có pháp môn niệm Phật là nhiều gốc lành, nhiều phước đức. Vì sao biết được? Vì theo kinh Quán Vô Lượng Thọ người được sinh về hạ phẩm hạ sinh chỉ cần niệm thành tựu thì liền sinh về. Một câu niệm Phật Di-đà chắc chắn trừ được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử. Một niệm đã có công năng diệt trừ được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử, được công đức nhiệm mầu trong tám mươi ức kiếp. Nên biết pháp môn niệm Phật được rất nhiều gốc lành. Ngoài ra, các pháp môn tu thiện khác là tự lực, tu hành phải trải qua nhiều kiếp mới thành. Còn niệm Phật là nương vào bổn nguyện của Phật A-di-đà: Mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày liền được sinh về Tịnh độ, trụ ở địa vị không lui sụt. Cho nên trong kinh A-di-đà có nói: “Nếu có thiện nam, tín nữ nào nghe danh hiệu Đức Phật A-di-đà mà chấp trì danh hiệu, từ một ngày hai ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì người đó lúc sắp qua đời được Đức Phật A-di-đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt người đó. Người đó lúc qua đời tâm không điên đảo được vãng sinh về cõi nước Cực lạc của Phật A-di-đà.” Nên biết, pháp môn niệm Phật là nhiều gốc lành, nhiều phước đức.

Hỏi: Niệm Phật một câu có công năng tiêu diệt tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử, chẳng hay bao nhiêu lâu là một kiếp?

Đáp: Một kiếp là thời gian không thể tính đếm được.

Theo giáo thì có tảng đá rộng mỗi bề bốn mươi dặm. Trên cõi trời Đao lợi có các vị trời, y của họ mỗi phân nặng ba thù, cứ ba năm phất một lần, phất đến khi tảng đá mòn hết thành bụi là một đại kiếp. Có người gây ra nhiều tội nghiệp như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, tham, sân, tà kiến, năm tội nghịch, bất hiếu, phỉ báng Đại thừa, tất cả các nghiệp ác như thế đều bị đọa vào địa ngục trải qua tám mươi ức kiếp. Nếu niệm Phật thì tất cả các tội sinh tử đều tiêu diệt, còn được hưởng công đức nhiệm mầu trong tám mươi ức kiếp. Nên biết pháp môn niệm Phật được rất nhiều công đức, rất nhiều gốc lành. Còn tính số kiếp, thì mười ngàn kiếp mới thành một muôn kiếp, mười muôn kiếp mới thành một ức kiếp. Nếu có người mỗi ngày niệm mười muôn lượt danh hiệu Phật A-di-đà, hoặc có người mỗi ngày niệm hai mươi muôn danh hiệu Phật A-di-đà thì được công đức từ mười ức kiếp đến tám mươi ức kiếp.

Kinh A-di-đà nói: “Niệm Phật từ một ngày đến bảy ngày được công đức vô lượng vô biên.” Do nhiều công đức được vãng sinh về cõi Tịnh độ, tức là đã lên bậc Bồ-tát Bát địa. Cho nên trong Kinh A-di-đà nói: “Chư Phật Mười phương đều khen ngợi là không thể suy nghĩ bàn luận.” Còn tự tu các công đức lành khác cũng được đến bờ mé, nhưng công đức có thể tính đếm được, nên gọi là ít gốc lành.

Công đức niệm Phật rộng lớn vô cùng không thể dùng tâm suy nghĩ, không thể dùng miệng bàn luận, cho nên kinh nói: “Không thể nghĩ bàn.” Nên biết pháp môn niệm Phật nếu ai tu theo thì được rất nhiều gốc lành, vượt hơn các pháp tu thiện khác rất nhiều. Còn so sánh công đức niệm Phật thì chia thành ba trường hợp:

  1. Niệm một niệm.
  2. Niệm mười niệm.
  3. Niệm từ một ngày đến bảy ngày.

Trong kinh Quán nói: “Niệm Phật một câu diệt được tội trong tám mươi ức kiếp sinh tử, được hưởng công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp.” Chỉ công đức trong một kiếp còn không thể suy nghĩ bàn luận huống chi là trăm kiếp? Công đức trong trăm kiếp còn không thể suy nghĩ bàn luận huống chi là ngàn kiếp? Công đức trong ngàn kiếp còn không thể suy nghĩ bàn luận huống chi là muôn kiếp? Công đức trong muôn kiếp còn không thể suy nghĩ bàn luận huống chi là ức kiếp? Cho đến công đức trong tám mươi ức kiếp thì không thể tính được, cho nên nói: “Công đức không thể suy nghĩ bàn luận.”

Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rộng về tội năm tội nghịch, phỉ báng. Kinh điển Phương Đẳng khi sắp qua đời niệm danh hiệu Phật Adi-đà mười niệm thì liền được sinh về Tịnh độ. Đây là pháp Hạ phẩm hạ sinh. Một niệm công đức còn vô luợng huống chi hai niệm, cho đến mười niệm. Theo kinh Quán thì người ấy hủy báng, kinh Phương Đẳng, dùng vật của thường trụ tăng, phá nhiều giới, tạo nhiều nghiệp ác thế gian, lúc sắp qua đời niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Do công đức niệm Phật này mà tất cả các tội nghiệp đều tiêu diệt, được vãng sinh về Tịnh độ. Cho nên kinh nói trong một niệm diệt được tội trong tám mươi ức kiếp sinh tử, đây là pháp hạ phẩm hạ sinh.

Hỏi: Tội chướng đã gây ra nhiều vì sao chỉ niệm Phật mười câu mà trừ diệt được tội nghiệp trong nhiều kiếp?

Đáp: Niệm mười câu danh hiệu Phật chắc chắn diệt trừ tội nghiệp trong nhiều kiếp. Vì sao biết được? Vì dùng một ví dụ để giải thích: Ví như có người chất củi một ngàn ngày mà không đốt, chỉ cần châm lửa đốt thì củi cháy sạch trong nửa ngày. Tội nghiệp phiền não cũng giống như đống củi này. Công đức niệm Phật cũng y như lửa mạnh đốt cháy tội chướng đã chứa chất trong nhiều kiếp. Do đó niệm mười câu danh hiệu Phật A-di-đà thì diệt trừ hết tất cả tội chướng. Lại nữa, tội chướng giống như căn nhà tối, niệm Phật giống như ngọn đèn sáng. Ngôi nhà u ám ngàn năm, nay ánh sáng vừa dọi đến, bóng tối liền tiêu tan. Công đức niệm Phật cũng giống như thế, vô lượng tội chướng chất chứa trong nhiều kiếp đến nay nhờ công đức niệm Phật A-di-đà mà tất cả tội nghiệp ấy đều tiêu sạch. Nên biết, niệm Phật chắc chắn dứt trừ được tất cả tội nghiệp trong nhiều kiếp.

Kinh Quán nói: vì ngươi xưng niệm danh hiệu Phật, tội được tiêu diệt, nên ta đến đón rước người. Niệm mười câu danh hiệu Phật công đức còn vô biên, huống chi có người một ngày niệm được mười muôn câu Phật A-di-đà một ngày niệm được hai mươi muôn câu danh hiệu Phật A-di-đà. Một ngày niệm Phật công đức còn vô biên, huống chi hai ngày, cho đến bảy ngày. Về công đức niêm Phật, theo kinh A-di-đà thì lúc sắp qua đời, nhanh thì một ngày, chậm thì bảy ngày, liền được vãng sinh về Tịnh độ. Lại nói, chúng sinh sinh ra đều là A-bệ-Bạt-trí tức Bồ-tát Bát địa. Đây là pháp thượng phẩm thượng sinh? Vì sao biết được? Vì như cánh cửa thứ hai ở thế gian, tài sản nhiều thì làm cửa cao lên, tài sản ít thì làm cửa thấp xuống. Người niệm Phật nhiều thì sinh về Tịnh độ, được lên thượng phẩm thượng sinh. Người niệm Phật quá ít thì sinh hạ phẩm hạ hạ. Đức Như Lai tuy nói công đức của các điều lành và tám vạn bốn ngàn pháp môn tu nhưng chỉ có niệm Phật là pháp môn trên hết. Đức Như Lai tuy nói công đức của các điều lành nhưng chỉ có niệm Phật là được gốc lành phước đức nhiều nhất. Niệm Phật là pháp môn thật mầu nhiệm, nên biết pháp môn niệm Phật được gốc lành phước đức rất nhiều. Kinh A-di-đà nói, pháp môn niệm Phật rất khó gặp. Vì sao biết? Vì kinh Đại A-di-đà nói: Thời quá khứ có một vị quốc vương thường khởi tín tâm, nhớ nghĩ pháp yếu niệm Phật, bèn đến chỗ bậc Thiện tri thức, dốc lòng cầu pháp. Lúc đó thiện hữu mới tâu đại vương rằng: Pháp yếu niệm Phật này rất khó được nghe. Đại vương là bậc Thánh cao quý, đâu thể học được? Vua nói:

– Thưa Đại sư, con thiết tha mong ngài nói cho con nghe pháp yếu niệm Phật, con sẽ suốt đời cung cấp hầu hạ ngài.

Đại vương định tu pháp yếu niệm Phật thì hãy xả bỏ ngôi vị quốc vương, đến đây cung cấp hầu hạ ta trong một thời gian rồi ta mới nói pháp yếu niệm Phật.

Lúc đó vua liền bỏ hết tất cả, đến hầu hạ thiện hữu để được tu học! Bấy giờ người dân nước ấy sống lâu vô lượng, trải qua tám ngàn năm, không hề mệt nhọc, không sinh lui sụt, trong thời gian đó hai lần nghe nói niệm Phật Tam-muội, đời sau được gặp hai vạn tám ngàn vị

Phật đồng nói pháp niệm Phật Tam-muội cho vua nghe. Vua nghe pháp niệm Phật liền đắc thành quả Phật. Còn ngày nay, nghe rồi chí thành tin niệm, há không được vãng sinh về thế giới Cực lạc ư? Ức ức chúng sinh bị đắm chìm trong đường ác không được thành Phật. Chỉ vì không gặp pháp môn niệm Phật, nên biết pháp môn niệm Phật rất khó gặp.

VI. MÔN GIẢO LƯỢNG TRAI PHƯỚC:

(Môn So lường phước báo trì trai).

Hỏi: Pháp môn niệm Phật có phải trì trai hay không?

Pháp niệm Phật cũng phải trì trai.

Đáp: Hòa thượng Đại Hạnh trì trai, ngày ăn một bữa trong thời gian dài không bỏ dở.

Hỏi: Trì trai được bao nhiêu công đức?

Trong kinh Đại Vân Mật Tạng, kinh Trai Pháp Thanh Tịnh, kinh Giảo Lượng Trai Phước Lợi… đều nói có năm thời:

  1. Người trì trai vào giờ Dần, được thức ăn dư dã hơn tám vạn bốn ngàn ức năm.
  2. Người trì trai vào giờ Mẹo, được thức ăn dư dã trong tám vạn ức năm.
  3. Người trì trai vào giờ Thìn, được thức ăn dư dã trong sáu vạn ức năm.
  4. Người trì trai vào giờ Tỵ, được thức ăn dư dã trong bốn vạn ức năm.
  5. Người trì trai vào giờ Ngọ, được thức ăn dư dã trong năm trăm ngày.

Ăn sau giờ ngọ không thành trì trai. Nếu ai ăn sau giờ ngọ thì bị tội, không có một mảy may công đức nào. Nói thức ăn dư dã là: Dư tức là không hết. Nghĩa là ngày nay được nhiều y phục, thức ăn, đều do nhân quá khứ trì trai mà có được. Cho nên Hòa thượng Đại Hành nói: Người niệm Phật phải trì trai. Giả như một ngày được thức ăn còn không thể suy nghĩ bàn luận huống chi được thức ăn trong mười năm. Mười năm được thức ăn còn không thể suy nghĩ bàn luận huống chi một trăm năm được thức ăn, cho đến trăm ức, ngàn ức, tám muôn ức năm, đã theo kinh nói, cho nên biết công đức trì trai không thể suy nghĩ bàn luận, người niệm Phật cần phải trì trai.

VII. MÔN NGHI BÁNG ĐẮC TỘI:

(Nghi ngờ hủy báng bị mắc tội).

Hỏi: Khen ngợi niệm Phật được bao nhiêu công đức? Hủy báng niệm Phật thì mắc tội gì?

Đáp: Kinh Tạp Tập nói: Người một lần hủy báng niệm Phật thì bị đọa vào địa ngục Nê-lê một ngàn kiếp. Người một lần khen ngợi niệm Phật diệt được tội nặng trong một trăm kiếp. Hòa thượng Đại Hạnh nói: Người không chí thành niệm Phật nên cũng lại hủy báng Phật, bèn Hủy báng pháp bị đọa thẳng vào địa ngục A-tỳ, chịu các khổ đau không có lúc nào ra khỏi.

Hỏi: Địa ngục A-tỳ kết cấu như thế nào?

Trong kinh Quán Phật Tam-muội nói: Địa ngục A-tỳ rộng mỗi bề tám ngàn do-tuần, xung quanh có bảy lớp thành sắt, bảy lơp lưới sắt, có bảy cột sắt, tám vạn bốn ngàn rừng đao, tám vạn bốn ngàn ngàn vạc đồng sôi; chó đồng, rắn sắt, chim sắt đầy đủ trong địa ngục này. Một người bị đọa vào địa ngục thì cũng cùng khắp, nhiều người bị đọa vào địa ngục thì cũng đầy khắp. Một khi bị đọa vào địa ngục này thì chịu khổ trong thời gian dài không có ngày ra, không có xen hở, trải qua tám muôn đại kiếp, sau đó mới được ra. Sau khi ra khỏi địa ngục A-tỳ thì bị đọa vào loài súc sinh. Vì hủy báng pháp môn niệm Phật nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô cùng không lúc nào ngừng nghỉ. Nếu không hồi tâm niệm Phật thì tội ở địa ngục Vô gián không biết từ đâu thoát khỏi. Nếu chí thành niệm Phật không gián đoạn thì sẽ dứt trừ tất cả tội nghiệp.

Trong kinh Pháp Hoa nói: Nếu người nào thấy người tán tụng, trì kinh, viết kinh mà xem thường, ghanh ghét, giận hờn thì người đó sẽ đọa vào địa ngục Vô gián, huống chi phỉ báng người niệm Phật. Tội người đó nặng gấp trăm ngàn muôn lần người phỉ báng tán, tụng trì kinh, chép kinh. Cho nên Hòa thượng Đại Hành có nói: Nếu ai làm trái ý mình thì nên nhẫn nhịn; bị người ta đánh đập, chửi mắng, chớ có báo thù vì e rằng chuốc tội vào thân. Kinh Di Giáo nói: Sân hận mạnh hơn lửa dữ, nó thiêu đốt tất cả công đức, sân hận mạnh hơn giặc cướp vì nó cướp mất các công đức lành. Vì thế chúng ta nên ngăn ngừa đừng để nó xâm nhập.

Ở thế gian thường quý châu báu. Sân tâm là ngọn lửa dữ thường thiêu đốt bảy Thánh tài. Cho nên người niệm Phật phải nhẫn nhục.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một niệm tâm sân khởi, trăm ngàn cửa chướng sinh.”

Kinh Quán chép: Khen ngợi điều tốt của người khác thì tự được công đức, còn dùng lời thô ác chửi mắng người thì chịu tội báo. Vì sao biết được? Vì kinh Báo Ân nói: “Sa-di Quân Đề vì chê một Thượng tọa tụng kinh tiếng như chó sủa. Do đó mà sa-di ấy phải bị đọa làm chó trong năm trăm kiếp.” Lại nữa, trong kinh Tạp A-hàm nói: “Có một người khen ngợi người tu đạo, khen ngợi việc làm tốt đẹp của người, người đó trong năm trăm đời thường được thân hình xinh đẹp, miệng xinh xắn, hơi miệng thơm như hương của hoa Ưu-bát-la, ngược gió bay khắp bốn phương.” Nên biết khen ngợi người thì được quả báo tốt.

Kinh Pháp Hoa chép: “Không khen ngợi người làm việc tốt, không chê người làm việc xấu; không chê người thấp xấu, không chê người cao đẹp, chỉ chuyên niệm Phật thì mau được vãng sinh về Tịnh độ.”

VIII. MÔN THỆ NGUYỆN CHỨNG GIÁO:

(Tướng luỡi dài của chư Phật chứng minh lời nguyện).

Hỏi: Chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà thì chắc chắn được sinh về Tịnh độ, chắc chắn được vô lượng công đức, nhưng chẳng biết có bảo chứng gì để hành giả khỏi mất tín tâm không?

Đáp: Tướng lưỡi rộng dài (một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật) của chư Phật và Bồ-tát không hề nói dối chúng sinh. Lời thành thật ấy bao trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật không bao giờ dối gạt chúng sinh. Nên tin tưởng vào lời nói của Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni: “Niệm Phật chắc chắn được vô lượng công đức. Từ một ngày đến bảy ngày chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà thì chắc chắn được vãng sinh về Tịnh độ.” Nương vào lời dạy này tu tập mà không được vãng sinh về Tịnh độ thì tướng lưỡi rộng dài kia đã bị hoại rã, không còn. Đây là tướng tốt để chứng minh bổn nguyện của chư Phật sáu phương.

Kinh Đại Bảo Tích nói đức. Phật A-di-đà, lúc làm Tỳ-kheo Pháp Tạng có phát bốn mươi tám lời nguyện rộng lớn:

  • Nếu khi ta thành Phật, chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu ta, chuyên niệm thọ trì mà không được Vô sinh pháp nhẫn của Bồtát và tổng trì các pháp thì ta không thành Chánh giác.
  • Nếu ai sinh về nước ta mà, không được ba mươi hai tướng tốt thì ta không thành Chánh giác.
  • Mười niệm thành tựu mà không sinh về nước ta thì ta không thành Chánh giác.
  • Nếu sinh về nước ta mà còn đọa vào địa ngục và ba đường ác thì ta không thành Chánh giác.
  • Nếu sinh về nước ta mà tướng mạo không bình đẳng còn có đẹp xấu thì ta không thành Chánh giác.
  • Nếu sinh về nước ta mà không được sáu thông như: thiên nhãn, thiên nhĩ… tự tại thì ta không thành Chánh giác.
  • Chúng sinh trong mười phương xưng danh hiệu ta mà không được chư Phật mười phương khen ngợi danh hiệu ta, thì ta không thành Chánh giác.
  • Nếu người nữ chán ghét thân nữ, cầu sinh về nước ta, nếu lúc sắp qua đời không chuyển thân nữ thành thân nam thì ta không thành Chánh giác. Nói Chánh giác cũng là nói Bồ-đề.
  • Nếu tất cả chúng sinh nương vào nguyện lực ta mà, không được quả báo như trên thì ta không chứng quả Vô thượng Bồ-đề, tức là dối gạt tất cả chúng sinh, ta nguyện ở trong đường ác không được Vô thượng Bồ-đề.

Kinh A-di-đà nói: Từ khi Đức Phật A-di-đà thành Phật đến nay đã mười kiếp. Phật A-di-đà đã được thành Phật thì niệm Phật quyết chắc sẽ được vãng sinh.

Lại nữa, Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni nói: “Chuyên niệm Phật cũng là việc khó.” Ta tu hành pháp môn niệm Phật này được vô thượng Bồ-đề. Nói kinh A-di-đà cũng là nói đến lời phát nguyện của Phật Bổn sư Thích-ca. Cho nên trong kinh Pháp Hoa nói: Ta vốn lập thệ nguyện, vì muốn cho tất cả chúng sinh đều giống như ta, không khác như ta xưa đã nguyện, nay đã mãn nguyện rồi, giáo hóa tất cả chúng, khiến đều vào Phật đạo.

Kinh Quán Âm nói:

Nguyện rộng sâu như biển

Nhiều kiếp không nghĩ bàn,

Hầu nhiều ngàn ức Phật

Phát nguyện lớn thanh tịnh.

Đây là lời phát nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Xà-lê Thiện Đạo và Pháp sư Kim Cương so sánh sự hơn kém của niệm Phật ở tại chùa Tây kinh rồi lên tòa cao phát nguyện. Theo các kinh thì Đức Thế Tôn nói: Tu pháp môn niệm Phật được vãng sinh về Tịnh độ. Niệm từ một niệm đến mười niệm, niệm từ một ngày đến bảy ngày chắc chắn được sinh về Tịnh độ. Nếu đây là lời chân thật không dối gạt chúng sinh thì khiến cho hai pho tượng trong giảng đường này đều phát ra ánh sáng. Còn nếu phép niệm Phật là luống dối không được sinh về Tịnh độ, chỉ dối gạt chúng sinh thì khiến cho Thiện Đạo ở trên tòa cao này liền đọa vào đại địa ngục chịu khổ trong thời gian dài, không bao giờ có lúc được thoát. Nói xong, Ngài cầm gậy như ý chỉ vào pho tượng trong giảng đường, hai pho tượng đều phát ra ánh sáng. Đây là lời phát nguyện của Xà-lê Thiện Đạo. Hòa thượng Đại Hạnh nguyện: Nếu có người thường y theo kinh A-di-đà niệm Phật không chấp tướng mạo, tâm chỉ tin Phật, miệng chỉ niệm Phật, thân chỉ cung kính Phật; gặp tình cảnh trái ngang thường nhẫn chịu, áo xấu thì mình mặc trước, thức ăn dở mình cũng ăn trước; hiếu nghĩa và nhân từ, chuyên tâm niệm Phật; gặp duyên không thối chí, đến chết vẫn không dời; các việc lành, việc ác cũng đều không làm, chỉ chuyên tâm niệm Phật. Nếu người làm được như thế thì Đại Hành sẽ lột da mình ra cho họ làm y phục, xẻo thịt mình cho họ làm thức ăn. Nếu y kinh niệm Phật mà không sinh về Tịnh độ, niệm một câu Phật mà không diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử; không được hưởng công đức nhiệm mầu trong tám mươi ức kiếp thì Hòa thượng không lột da cho họ làm áo; không cắt thịt cho họ làm thức ăn. Nếu dối gạt, mê hoặc chúng sinh thì Đại Hành xin chịu giao báo: Sáu căn hư hoại, khắp thân sinh ghẻ lở, khiến cho đau đớn thống thiết, tương lai đọa thẳng vào địa ngục không thể thoát ra được. Lại dụ thệ nguyện giống như xe báu; có nhiều xe báu chở nhiều châu báu định đến chỗ vua để cầu tìm quan chức, xe chở vật báu buộc dây kỹ càng, mắc trâu vào ách cho vững chắc thì xe đi đến kinh thành mới không bị chao đảo, châu báu không mất. Vua nhận châu báu mới cho làm quan chức. Niệm Phật cũng giống như vậy, nhưng phải phát nguyện, thực hành thì mới được thành tựu. Không mất công đức châu báu niệm Phật thì mới được đến cảnh Tịnh độ, mau chứng Bồ-đề. Nếu tu hành mà không phát nguyện thì không biết do đâu mà đạt được. Cho nên kinh A-di-đà nói: “Nếu có người nào tin thì nên phát nguyện sinh về cõi nước kia.”

IX. MÔN QUÃNG NHIẾP CHƯ GIÁO:

Niệm Phật tổng trì, biện tài vô ngại, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, và phương tiện, nguyện lực trí không có pháp nào không đầy đủ. Niệm Phật cũng giống như hạt châu như ý, hễ cầu gì thì được nấy. Nếu tự mình niệm Phật, bố thí cho người, dạy người niệm Phật thì đó chính là bố thí. Vì niệm Phật diệt trừ được các tội nghiệp nên đó là trì giới. Vì niệm Phật nên các pháp ác không sinh là nhẫn nhục. Đi đứng nằm ngồi niệm danh hiệu Phật, tâm miệng không xen tạp, đó là tinh tấn. Tin sâu, không nghi chí thành niệm Phật sẽ được sinh về Tịnh độ, không sinh lui sụt đó là thiền định. Nhờ dụng công niệm danh hiệu Phật lâu ngày thì tất cả kinh giáo, hễ xem thì hiểu ngay, đó là trí tuệ. Cho nên niệm Phật tổng trì biện tài vô ngại. Lại nữa, niệm Phật bao gồm cả sáu độ. Vì sao? Vì niệm Phật được vãng sinh về Tịnh độ: Thức ăn đồ mặc tự nhiên; tài bảo đầy đủ tức là thuộc về bố thí.

– Nhờ niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ, được thân người nam, đầy đủ sáu thông tức thuộc về trì giới.

– Nhờ niệm Phật được vãng sinh Tịnh độ, được thân hình xinh đẹp vui vẻ, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tức thuộc về nhẫn nhục.

– Nhờ niệm Phật nên được sinh về Tịnh độ. Ở đó dòng sông, rừng cây, chim chóc, chư Phật và Bồ-tát thảy đều nói pháp. Người nghe âm thanh này rồi tự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, đó là tinh tấn.

– Nhờ niệm Phật nên được sinh về Cực lạc. Ở đó không có các duyên khác, thường trụ trong Tam-muội, nên tức là thiền định.

– Nhờ niệm Phật, nên được vãng sinh Tịnh độ. Ở đó tự nhiên hiểu rõ tất cả muôn pháp, tức là trí tuệ, cho nên pháp môn niệm Phật thâu nhiếp cả quả báo trong sáu độ; công đức gấp trăm ngàn muôn lần bố thí tài bảo.

Kinh Niết-bàn nói: “Niệm Phật một câu chia làm mười sáu phần công đức”, nếu có một người bố thí cho chúng sinh trong một thế giới, suốt trong ba tháng nhưng cũng không bằng một phần trong mười sáu phần công đức của niệm Phật. Nên biết công đức niệm Phật gấp trăm ngàn muôn lần công đức tài thí.

 

Trang: 1 2