LỜI TỰA

Có vị khách đến viếng thiền cốc của tôi, trước lễ phép chào, sau dùng lời rất thanh nhã hỏi tôi rằng: “Đối với người tu muốn đường tắt để thành Phật, thì hạnh Thường Bất Khinh của Pháp Hoa Tam-muội và pháp môn Ban châu của niệm Phật Tam-muội đều là vô thượng thâm diệu thiền, nay tôi rất muốn nghe ngài giảng rõ các việc này.”

Đáp: Tôi từ lâu nay đã mặc tu ở núi Cửu Phong, đối với mọi việc thế sự bên ngoài đều không lưu tâm, sách vở cũng không đọc đến. Từ khi ở các chùa núi Tử các, Linh điền, Thiên phước, Pháp hoa, Thắng tràng đến nay đã ba mươi năm, nhiều lần may mắn có các vị hữu danh đến thăm, nhưng xưa nay không nghe ai hỏi như ông. Nay ông muốn bước đến bến rồng vô sinh, muốn tung cánh chim bằng vượt bể Nam, thật chí khí cao lớn. Tôi tự thẹn mình chưa được sáng suốt, nhưng cũng xin thử luận bàn, nay lược chia hai mươi điều để giải thích cho rõ điều này.

NIỆM PHẬT TAM MUỘI BẢO VƯƠNG LUẬN

SỐ 1967

QUYỂN THƯỢNG

Đời Đường, chùa Thảo đường, núi Tử các. Sa-môn Phi Tích soạn.

1. NIỆM PHẬT VỊ LAI MAU THÀNH TAM-MUỘI

Xét tâm nhị nguyên, nó hay sinh ra cái mê vọng. Các mê vọng mặc dầu là hư huyễn nhưng lại hay ngăn che. Một khi chỗ ngăn che này chưa dứt, thì các Hiền Thánh lại sinh buồn phiền.

Vốn đầy đủ các âm vận nhưng không thể nói, pháp thân tuy rỗng rang mà đủ các tướng, chỉ vì các tướng không hiển bày nên tạm gọi là không có tướng vậy.

Chỗ yếu chỉ của Nhất thừa là dứt bặc con đường của sự nói năng. Như thế thì làm sao biết được chỗ về của nó. Cái tông thú của Tammuội là quét sạch mọi tri kiến qua việc nói năng, đâu có phải chỉ là Duy-ma im lặng, Văn-thù khen ngợi mà thôi.

Vì sao? Lưới Đế Thích một khi chưa giăng, làm sao có thể thấy được ngàn châu anh lạc. Một khi lưới đã giăng rồi, vạn mắt lưới đều mở trang. Tắm được biển lớn tức là tắm được nước trăm sông, niệm danh hiệu Phật nhất định thành Phật Tam-muội. Chỉ cần một lời nói thời có thể ngăn dứt tất cả, ý tại chỗ này. Ví như gieo ngọc Ma ni vào trong nước đục, nước đục nhất định thành trong. Niệm Phật gieo vào loạn tâm, loạn tâm quyết định thành tâm Phật.

Khi tâm và Phật đã khế hợp với nhau rồi, thì tâm và Phật đều biến mất. Cả hai tâm và Phật đều mất rồi đó là Định vậy. Cả hai cùng chiếu đó là Tuệ vậy. Cảnh giới này tức là Định và Tuệ đồng nhau thì tâm nào mà chẳng là Phật, Phật nào mà chẳng là tâm. Tâm và Phật mỗi khi mà như vậy rồi, thì vạn cảnh vạn duyên, không chỗ nào là không phải Tam-muội.

Con người ở đời, phần nhiều chỉ ưa niệm tướng mặt như trăng tròn

của đức Thích ca quá khứ, tướng mắt biếc như nước biển của Đức Diđà hiện tại, tưởng như nhổ hẳn mũi tên độc ra khỏi thân, như được vào cung điện thọ hưởng khoái lạc. Ta cũng xem đó là chỗ rốt ráo của giáo lý. Nhưng chưa nghe ai nói niệm tướng sáng rỡ như các mặt trời tụ lại của chư Phật vị lai như thế nào? Bởi vì không thấu rõ đức Như Lai đối với tâm thô của chúng sinh đã nói ra những điều vi diệu của chư Phật, liền ngăn cách chúng sinh ra ngoài chư Phật. Cho nên, xưa nay chưa từng nghe ai nói về tướng Phật vị lai và không có một ai niệm tưởng.

Trong kinh Tịnh Danh nói: “Có người ngửi hương chiêm bặc, không ngửi hương nào khác, và có người hoa có dính vào thân, có người hoa không dính vào thân.” Đây là đề cao lý Đại thừa. Hạ Tiểu thừa xuống thì bày chỗ ôm bát mà chẳng biết gì. Đưa Đại thừa lên là đồng đến lý bất nhị. Kinh Pháp hoa là kinh quyết định rõ pháp Thanh văn. Là vua trong tất cả các kinh. Ý chỉ của tất cả mùi hương chiêm bặc và hoa không dính trên thân rõ ràng là vậy.

Do vì chưa phải là bậc chứng đạo, nên xưng chư Phật là bậc chí tôn, chúng sinh là kẻ chí tiện, mà khi còn ý cao thấp sinh ra, thì các mê vọng có duyên sinh khởi. Tâm niệm cung kính hay kiêu ngạo mỗi khi khởi lên, thì tánh chân như nhất vị sẽ ẩn mất. Xét như thế thì coi vạn vật tầm thường như cỏ rác, xem thiên hạ nhỏ nhoi không ra gì, khinh mạn lễ nghi, nghênh ngang với người trưởng thượng, tâm và mắt mặt tình thả theo cảnh vật, chẳng chịu khuất mình. Đó là điều trái ngược với kinh Duy-ma: “Tất cả cái thấy, tất cả cái cung kính đều là món cúng dường tối thắng trong các món cúng dường.” Lại không tin kinh Lăng Già nói: “Như Lai tạng tự tánh thanh tịnh, chuyển ba mươi hai hảo tướng vào trong tâm của tất cả chúng sinh, ví như châu bảo vô giá buộc vào áo bẩn.” Há đâu thấy được người ăn xin hèn hạ nhất trong thành bình đẳng, không khác nhau với đức Nan Thắng Như Lai.

Nếu niệm đủ tam thế chư Phật, quán khắp các đức Thế Tôn mười phương,thì phù hợp với lý thú của Bát-nhã. Hết thảy hữu tình đều là Như Lai tạng, tự thể của Bồ-tát Phổ Hiền biến khắp. Trong tất cả các tướng, kẻ bần nữ mà mang thai giống chúa, hạt gạo có ngay trong vỏ trấu, như gương trong có thể nhìn thấy, thì há còn phải lo gì vướng tám điều kiêu mạn đáng trách đó ư?

Người đời phần nhiều khinh thường Phật vị lai, mà không dám khinh thường thân sắc vàng của chư Phật quá khứ và hiện tại. Thật ra, đó là không biết nguồn gốc phát khởi ra các tội lỗi, đều từ Phật vị lai mà không từ Phật hiện tại. Nếu không có chúng sinh thì làm sao có Phật vị lai. Chúng ta cần biết, sở dĩ mẹ được quý trọng là nhờ con, gạo đắt là do vỏ. Nếu ai mà tâm mình hợp với tâm của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, thì niệm Phật Tam-muội, quyết định sớm muộn gì cũng chắc chắn thành tựu.

Hỏi: Pháp hoa là Pháp, niệm Phật là Phật. Tại sao nay lại lấy Pháp làm Phật, lấy Phật làm Pháp, đây không phải là chỗ lẫn lộn lớn đó sao?

Đáp: Lý này không có sự lẫn lộn, bởi cội nguồn của Phật và Pháp chỉ là một thì làm sao có sự lẫn lộn được. Ví như loại thuốc chi mộc, nó là loại thuốc của tiên. Trước đây lúc còn ở trên trời, thì nó không gọi là thuốc “Tiên” Nhưng vì con người khi uống thuốc này, thì mọc cánh mà bay trên mây, cho nên thuốc này mới được gọi là thuốc tiên và người bay được gọi là tiên. Người và thuốc vốn hoàn toàn khác nhau, nhưng đồng được gọi tên “Tiên”. Giả sử không có Thánh nhân, thì ai là người có` thể vui với đạo. Pháp nếu không do chư Phật ngộ, há đâu nó thể tự ngộ, niệm Phật Tam-muội làm sao có thể sánh được. Phật nếu không có Pháp thì không thể tự hiển bày, Pháp hoa Tam-muội làm sao phát khởi được? Chỉ một loại tiên mà hai thứ người và thuốc đều được tên tiên. Niệm Phật và Pháp hoa đồng là trí tuệ của Phật. Phật Tuệ mỗi khi đã đồng, thì pháp môn thiền vô thượng thâm diệu, nghĩa là Thường Bất Khinh và Ban châu Tam-muội ngay đây được chứng ngộ, chưa từng có dị biệt, điều đó có gì đâu mà nói là lẫn lộn được.

2. NGƯỜI NỮ KẺ TRỘM ĐỀU KHÔNG NÊN KHINH THƯỜNG:

Tất cả chúng sinh đều là chư Phật vị lai. Người nữ và kẻ trộm đều là những người ác, làm sao họ có thể niệm Phật cung kính được?

Đáp: Như Đức Phật đã từng dạy, con người ở thế gian có hai là Đối đãi môn và Trạch liễu môn. Nói Đối đãi môn thì nữ nhân là kẻ hư ngụy còn Như Lai là bậc chí chân. Nghĩa là Phật là đấng đáng tôn sùng còn nữ nhân thì nên xa lánh. Để xa lánh nữ nhân, trong đạo Phật có hai cách, đó là quở trách sự ham muốn và khởi tâm quan sát.

Thế nào là quở trách sự ham muốn? Như trong kinh Bồ-tát ha sắc dục có nói: “Nữ sắc là gông cùm của thế gian, kẻ phàm phu đắm trước, không thoát ra được. Nữ sắc là bệnh nặng của thế gian, kẻ phàm phu bị hành hạ đến chết mới thôi. Nữ sắc là tai họa của thế gian, kẻ phàm phu gặp phải, không tai họa nào mà không có. Người tu nào đã trừ bỏ được nữ sắc, lại còn nghĩ tưởng đây là từ trong ngục tù đã thoát ra, lại muốn trở vào, hết cuồng mê, lại muốn điên nữa, đã hết bệnh rồi, lại cầu bệnh nữa. Kẻ trí sinh tâm xót thương, thấy họ do cuồng si điên đảo nên chết mà không được sáng suốt.”

Phàm phu say đắm nữ sắc, cam làm nô bộc, suốt đời hầu hạ, vì họ mà chịu lắm nỗi khổ cực. Tuy ở trong vòng sắt ngàn dao, gần gũi mũi dùi tên nhọn, vẫn không cho đó là khổ. Kẻ đã cuồng say thì ưa thích các việc điên đảo, không bao giờ cho đó là lỗi lầm.

Hành giả nếu có thể xa lìa nữ sắc, không còn lưu tâm nữa, đó là phá được gông xiềng, thoát cuồng si, chán bệnh tật, lìa khỏi tai họa, tức được an ổn khoái lạc, thoát khỏi ngục tù, vĩnh viễn không bao giờ còn chịu hoạn nạn.

Luận về người nữ, lời nói của họ ngọt như mật, nhưng tâm của họ lại như thuốc độc. Ví như dòng suối tuy lặng trong nhưng có giao long ẩn trú, hang báu có núi vàng nhưng có sư tử nấp ở. Người tu phải rõ cái họa nữ sắc, không nên thân cận. Trên thế gian này, sở dĩ gia đình bất hòa, là do người nữ, hủy hoại tôn tộc cũng chính người nữ. Người nữ đúng là giặc ngầm, hoại diệt trí tuệ sáng suốt của con người, cũng như thợ săn giăng lưới, không thú nào có thể thoát được, cũng như lưới bủa trên cao, tất cả bầy chim đều lọt vào, không thể bay ra. Lại như lưới thả xuống sông, cá đã rơi vào tất sẽ nằm trên thớt, cũng như hầm lửa, kẻ mù lọt vào tất rước họa thiêu thân.

Cho nên kẻ trí biết được tai họa như thế, thì nên lánh xa nữ sắc, không để bị hại, cần sinh tâm chán lìa và nhờn gớm, không để nữ sắc làm mê hoặc. Trong kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật vì vua Ưu-bà-diên mà nói bài kệ sau:

Là núi đao gai nhọn
Tên độc và các khổ
Nữ nhân là chỗ tụ
Của nhiều thứ khổ đau
Nhờ có các hương hoa
Mà trang điểm đẹp đẽ
Người ngu do nơi đây
Mà vọng khởi tham cầu
Như chìm giữa biển cả
Mê theo bờ bên kia
Chết rồi tất đọa lạc
Vào địa ngục A-tỳ
Hiện đời thấy các khổ
Đều theo thân đến mãi
Bị bạn lành xa lánh
Mất hẳn nẻo về trời
Thà vào trong ngục sắt
Chạy nhảy trên núi đao
Nằm trên giường lửa ngủ
Chớ có gần nữ sắc.
Như chim tìm thức ăn
Không biết tránh xa lưới
Tham đắm nơi nữ sắc
Cũng bị hại như vậy.
Ví như cá trong nước,
Rơi vào vòng lưới giăng
Liền bị người khác bắt
Há không bị tổn thương.
Nữ nhân là kẻ chài
Lừa dối giống như lưới.
Người nam giống như cá
Bị lưới cũng như vậy.

Thế nào là khởi tâm quan sát? Như kinh Đại Bảo Tích nói: “Bồtát Văn-thù-sư-lợi bảo Thiên tử Thiện Trụ rằng: Nếu người nào nhất tâm, tinh chuyên tu tập, thì khi tham dục phát sinh, cần nên rõ biết, rồi sử dụng phương pháp phá trừ, để tâm trở lại thanh tịnh. Phá trừ như thế nào?

Bằng cách suy nghĩ như thế này: “Tham dục này là không, là bất tịnh, tâm tham dục này sinh ra và diệt đi, nó không từ đâu đến và không đi về đâu. Trong tâm đó thử hỏi có ai nhiễm, ai được nhiễm và ai là pháp nhiễm. Khi quan sát như thế, tức không thấy pháp nhiễm, không thấy sở nhiễm và không thấy sự nhiễm. Do bởi không thấy nên không có nắm bắt, không có xả trừ. Do bởi không có xả trừ nên không có ái nhiễm. Không có xả trừ, không có ái nhiễm, đó gọi là ly dục tịch tĩnh Niết-bàn. Người đã quan sát được như thế, nếu như có phóng tâm vào trần lao sinh tử, cũng không bị các phiền não nguy hiểm tham, sân, si quấy phá. Đây gọi là khởi tâm quan sát.” Trên đây là giải thích về Đối đãi môn.

Còn Quyết (Trạch) liễu môn, là xét cứu cánh xa lìa các vọng tưởng, không còn ô nhiễm như hư không. Đó chính là chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chứ chẳng phải là chư Phật vị lai. Ông há chẳng nghe: “Muốn được ngọc vô giá phải lặn xuống biển sâu, muốn tìm được trí tuệ báu phải tìm trong phiền não. Tướng ngũ nghịch là tướng giải thoát, cõi ma như tức là cõi Phật như.” Nếu nghe tiếng nói của Phật mà vui, nghe âm thanh Ma mà nổi giận, thì không thể nhập vào pháp môn âm thanh, chẳng trụ nơi ranh giới thật của âm thanh chẳng thấu triệt được lý tánh các pháp. Đó là kẻ “quay ngược xe mà muốn tiến lên”. Người đã như thế thì làm sao cùng họ luận đạo được.

Để nói cho ông rõ, như kinh có đoạn: “Xưa có vị tiên nhân tên Lôc Đề, nhân vì trời mưa đường xá trơn trợt, ông đi hay bị vấp ngã, tức giận ông dùng thần chú của chư Tiên làm trời hạn hán. Mọi người trong nước ai cũng lo lắng. Nhà vua bèn sai một cô gái đẹp đến dụ dỗ ông. Khi dụ được, cô gái cưỡi cổ ông mà đi vào thành. Lúc đó mây ùn bốn phương kéo đến, mưa tuôn xối xả ngập tràn. Vị tiên này tuy có thần thông chế ngự được gió mạnh, nhưng không chế ngự được sắc dục. Tiên nhân đó chính là tiền thân của Đức Phật Thích-ca, nữ nhân kia là tiền thân của Gia-du-đà-la.”

Trên pháp hội Pháp hoa, Đức Phật đã thọ ký cho Gia-du-đà-la: “Tương lai sẽ thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai.” Người niệm Phật mà chỉ thấy dung nhan cô gái, không thấy sắc vàng báu của Phật Quang tướng, đó là đánh mất tông chỉ Thường Bất Khinh. Người niệm Phật với tâm ô nhiễm như thế làm sao thành tựu niệm Phật Tam-muội.

Lại như tôn giả A-na-luật, tiền thân làm kẻ trộm. Một hôm vào chùa trộm châu báu nơi chánh điện, thấy đèn lụn gần tắt, Ngài bèn dùng que tre khêu tim cho ánh sáng đừng tắt. A-na-luật phiên âm là Không tắt. Do duyên lành này mà tương lai ngài sẽ thành Phật, hiệu là Phổ Minh Như Lai.

Người niệm Phật còn không khinh kẻ ăn trộm, huống gì là khinh kẻ không ăn trộm (người nữ). Luôn thấy họ đều là hai vị Phật tương lai. Ví như mặt trời hừng sáng, thì lo gì Tam-muội chẳng thành.

3. THẤY NGƯỜI TRÌ GIỚI HAY PHÁ GIỚI NÊN SINH Ý TƯỞNG ĐÓ LÀ PHẬT

Hỏi: Với trường hợp hai loại người: Phá giới và trì giới thật khó hiểu. Kinh Phạm Võng nói: “Người nào thọ Phật giới, tức vào địa vị chư Phật.” Những vị xuất gia giữ trọn giới cấm như trăng rằm, như đeo ngọc anh lạc, được dự vào một trong ba ngôi báu, thật là đáng quý. Còn đối với kẻ chẳng trì giới trang nghiêm, hành động điên đảo sa đọa, chúng ta coi thường lỗi lầm của họ sao? Bỏ qua tội nghiệp của họ ư? Mong được phân giải điều này?

Đáp: Đức Thế Tôn, ở trong kinh Tam-muội Hải, đã từng dạy đức vua Tịnh Phạn: “Xưa có bốn vị Tỳ-kheo phạm trọng giới, sinh tâm hổ thẹn, có ý buông xuôi, không chịu tu tập. Bỗng nghe giữa hư không có tiếng nói: “Các ông đã vi phạm trọng giới, nhưng cho rằng không thể sám hối là không đúng. Đức Không Vương Như Lai, mặc dầu đã nhập Niết-bàn, nhưng Thánh tượng của Ngài vẫn còn. Các ông nên vào tháp thờ Ngài. Một lòng quán tưởng tướng lông trắng giữa chặng mày của Ngài, thời tội lỗi sẽ tiêu diệt.” Bốn vị Tỳ-kheo nghe được, đối trước Thánh tượng Như Lai, rơi lệ mà tác bạch: “Tượng Phật Ngài có năng lực như thế, huống là chân dung của Ngài”, rồi gieo xuống đảnh lễ như núi lớn sụp đổ. Bốn vị Tỳ-kheo phạm trọng giới đó ngày nay đều thành Phật ở bốn phương. Vị thứ nhất thành Phật A-súc-bệ ở phương Đông, vị thứ hai thành Phật Bảo Tướng ở phương Nam, vị thứ ba thành Phật Vô Lượng thọ ở phương Tây, vị thứ tư thành Phật Vi Diệu Thanh ở phương Bắc. Do vậy, Phật gọi pháp Quán Phật Tam-muội này là Đại Bảo Vương Giới Phẩm Hải. Pháp quán này có thể tẩy trừ tội phá giới, đạt được sự thanh tịnh trong cõi trần lụy. Bốn vị Tỳ-kheo phá giới đó, chỉ có nhất tâm quán tưởng Phật tượng mà thành đấng Thế Hùng (Phật). Như thế, người niệm Phật há có thể sinh tâm coi thường các vị Tỳ-kheo phá giới hay sao?

Vì thế nên trong kinh Đại Tập có đoạn nói: “Nếu các vua quan đánh dập, chửi mắng các vị Tỳ-kheo trì giới hoặc phá giới, thì mắc tội đồng như làm cho trăm ức Đức Phật ra máu. Nếu thấy các vị Tỳ-kheo không luận là người trì giới hay phá giới, đều nên sinh ý tưởng các vị đó đều là chư Phật, tức đang tu pháp Niệm Phật Tam-muội.” Đây là lời nói xuất từ kim khẩu của Phật, thuyết minh về pháp môn Bất Khinh rất sâu sắc. Chúng ta đâu có thể đánh đập, chửi mắng các vị Tỳ-kheo phá giới mà không kết thành quả báo hay sao?

Kinh nói: “Thà để tâm theo ta, chớ đừng chạy theo tâm.” Người niệm Phật thấy tâm xan tham thì khởi tư tưởng bố thí, thấy người phá giới thì khởi tư tưởng trì giới. Người tu như thế thì không bị lục tệ trói buộc, bởi vì cảnh giới lục tệ đã trở thành pháp môn Lục Ba-la-mật. Nếu ai còn trụ vào tâm phân biệt, tức đang tự lãnh lấy hình phạt nơi chốn âm ty. Như vậy chẳng đáng buồn hay sao? Nếu có thể chuyển đổi tâm thấy biết (khinh người phá giói) này thì Niệm Phật Tam-muội như dòng sông chảy vậy.

4. HIỆN DANG ĐỌA ĐỊA NGỤC VẪN ĐƯỢC THỌ KÝ

Hỏi: Nếu người phá giới quán tưởng Thánh tượng Phật mà thành chánh giác, chúng ta không được sinh tâm khinh thường, điều này tôi có thể tin được. Nhưng hiện nay có các chúng sinh đang đọa địa ngục, ngạ quỷ. Đối với hạng người này tâm Bồ-đề rất khó phát, chưa có ngày đầu thai vào cõi thiện, mà lại bảo cung kính họ như người niệm Phật thanh tịnh, lý này làm sao thông được?

Đáp: Ông không nghe nói: “Muốn có thuốc quý phải vào núi sâu, chẳng thể tìm nơi vườn hoa mà có được. Muốn có được pháp an lạc phải tìm nơi hiểm nạn, chẳng thể tìm nơi pháp vô vi mà có” sao.

-Trong kinh Thủ-lăng-nghiêm, đức Phật có thuyết bốn loại thọ ký:

  1. Chưa phát tâm thọ ký.
  2. Sơ phát tâm thọ ký.
  3. Ngầm thọ ký.
  4. Hiện tiền thọ ký.

Nay những chúng sinh đang đọa trong địa ngục, ngạ quỷ là những người thuộc diện chưa phát tâm thọ ký. Những người này Đức Phật thọ ký cho họ tương lai sẽ phát tâm, gặp được Thiện tri thức, thực hành Bồ-tát đạo, cuối cùng sẽ thành Phật. Vì vậy, chúng ta không nên khinh thường họ.

Sau khi Đức Phật thuyết minh xong bốn loại thọ ký này, ngài Ca-diếp liền bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! chúng con kể từ nay trở đi, đối với tất cả chúng sinh đều sinh tâm nghĩ tưởng như là Phật. Nếu sinh tâm khinh thường họ, tức là làm tổn hại bản thân mình.” Phật bảo: “Lành thay! Ông nói rất đúng, con người không ai đủ khả năng lượng xét chúng sinh, chỉ có đức Như Lai mới có thể lượng xét được chúng sinh. Do nguyên nhân như thế, ta căn dặn các vị Thanh văn, cùng với Bồ-tát, đối với tất cả chúng sinh đều khởi ý tưởng họ là Phật.” Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, phần phá trừ trăm vạn cửa chướng cũng sử dụng tư tưởng này.

Lý như thế, thì những chúng sinh đang đọa trong Địa ngục, Ngạ quỷ được Phật thọ ký, cũng như kẻ nghèo hèn đang ở trong nhà đầy của báu chưa mở cửa, không ngăn ngại gì vật báu ở trong nhà, cũng như người trên trán có hạt châu vô giá, dù có đánh nhau làm nó lún vào trong da, nhưng hạt châu vô giá vẫn không mất.

Nếu ai không khởi ý nghĩ chúng sinh là vị Phật tương lai, thì hạng người đó xem lục trần như giặc cướp, giống như cảnh muốn ngăn quân ma mà tự đi phá thành lũy, như để quân thù địch sống chung một nhà, sẽ thường khởi sự oán thù. Giáp sắt chưa cởi thì trống trận còn vang, đâu có thể an tâm nghỉ ngơi. Nếu làm cho kẻ chưa đầu hàng đến đầu hàng, người chưa khâm phục đến khâm phục, tất sẽ thống nhất được thiên hạ. Cờ một khi đã trương lên phất phới, tức mọi người ồ ạt noi theo, lúc đó ta mới có thể từ giã yên ngựa mà về quê vui thú ruộng vườn. Mặt trời mọc ra đồng làm, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi. Như thế, dù các bậc Thánh như Nghiêu Thuấn cũng không an ổn bằng ta được. Thấy trăm họ hằng ngày mà không biết một người. Lúc đó mới hiểu được chỗ giáo hóa của Phật quả là rộng lớn. Nếu ai có thể tỏ ngộ được âm thanh, sắc tướng là Phật, đối với chúng sinh khởi tướng như là các vị Phật tương lai, thì người đó làm sao còn cảnh tượng phàm tục nào có thể ở trước mặt nữa. Hoặc ai nghĩ được tự thân là đấng Bổn tôn (Phật) thì pháp môn Du-già chân ngôn diệu quán tự nhiên không cầu mà được.

Bởi do nghĩ tưởng lý bình đẳng mà có, chẳng phải là rỗng rang gì, thì sẽ thấy đại bàng và chim sẻ đồng đẳng như nhau, núi Thái Sơn và lông hồng không khác. Nghĩ được như thế, tức không còn tâm hạn hẹp về nòi giống, hết mọi lo toan về sắc trần huyễn cảnh.

Hỏi: Kẻ đang đọa trong địa ngục, chưa có thể phát tâm Bồ-đề, đức Pháp vương Như Lai, thương xót họ mà thọ ký với ngàn hào quang chiếu thân, mười hiệu tròn đầy, đã là lời Phật, thì ai dám không tin. Song hiện nay họ chưa tỏ ngộ, thì do đâu mà họ có thể tỏ ngộ?

Đáp: Nói những người trong địa ngục chưa ngộ, cũng đồng như nói: “Nước sông Trường Giang, chỉ đầy một chén.” Kẻ mê mờ vẫn còn đủ hai kiến (đoạn kiến và thường kiến). Nếu cho rằng: ngoài niệm lập vô niệm, ngoài sinh lập vô sinh, tức sinh tử khác với Niết-bàn, thì tất cả lời Phật không thể dạy dỗ được ai. Nếu người nào liễu tri được niệm chính là vô niệm, quán sinh chính là vô sinh, phiền não chẳng khác Bồđề, thì chính ngay đây ngộ được “Nhất tướng trang nghiêm” giống như bầy ong ở trên núi, trong tổ toàn là mật, như dưới giếng sâu lại có đầy châu báu. Đó đều là vốn có, chẳng phải xưa chưa có mà nay mới có.

Khởi tưởng ý niệm chúng sinh là chư Phật vị lai, thì mọi tội lỗi biết nương vào đâu mà phát sinh. Chúng ta trải tâm ra khắp mọi duyên, đều thấy toàn là Như Lai, thì mọi thứ tham, sân, si… từng sinh, ngay đó làm sao có được. Trong Kinh Như Lai Tạng, Đức Phật từng bảo Bồ-tát Kim Cang Tuệ: “Thiện nam tử! Ta dùng Phật nhãn quan sát tất cả chúng sinh, trong các phiền não tham lam, sân hận, si mê, ái dục, đều có Như Lai trí, Như Lai nhã, Như Lai thân, vững ngồi kiết già, nghiễm nhiên không động, đầy đủ đức tướng như ta không khác. Kế đó, Đức Phật bèn nói rộng ý nghĩa tất cả chúng sinh đều có Như Lai tạng, dùng chín thí dụ để hiển bày. Trong luận Bảo Tánh có giải thích điều này và kết luận bằng bài kệ sau:

Trong hoa héo ẩn tàng chư Phật
Giữa phân nhơ cũng có vàng thật
Như trong đất hàm tàng trân bảo
Như trong quả vốn có mầm non
Ngay cây mục vẫn đủ ca-sa
Trong ràng buộc vốn đầy Phật tượng
Ở cô gái nghèo hèn xấu xí
Sẵn có hình Chuyển luân Thánh vương
Ngay trong chỗ than bùn đen cháy
Đều đủ đầy tượng báu Như Lai
Trong chúng sinh còn tham sân si
Dấy vọng tưởng đảo điên phiền não
Cùng mọi cảnh trần lao ô nhiễm
Đều vốn có đủ Như Lai tạng
Dưới nhẫn đến A-tỳ địa ngục
Cũng đều có cả Như Lai thân
Các pháp chân như thuần thanh tịnh
Được gọi tên là thể Như Lai.

Kệ tụng này đã chứng minh việc Phật thọ ký cho các chúng sinh đang đọa trong địa ngục, sẽ bừng lên trí tuệ giác ngộ, các môn Tammuội sẽ tự nhiên thành tựu.

Hỏi: Người dụng công tu hành, luôn phải giữ tâm thanh tịnh, mọi sự phan duyên đều nên chấm dứt. Tại sao ở đây lại nói người tu cần khởi tâm quán sát khắp tất cả các duyên, chỗ của các duyên đều thấy là Như Lai. Lý này dạy như thế nào?

Đáp: Trong kinh điển Đại thừa có dạy, người tu khởi tâm quan sát khắp các duyên lục trần, tam nghiệp, nhưng vẫn phát đại nguyện vãng sinh về thế giới chư Phật, mỗi mỗi chỗ khởi duyên đều thấy Như Lai. Đây là cái thấy của bậc Thánh, chẳng phải là cái thấy của kẻ phàm phu. Vì vậy, kinh Niết-bàn nói: “Hàng Thanh văn tuy có thiên nhãn, nhưng vẫn gọi là nhục nhãn. Người tu Đại thừa, tuy là nhục nhãn song vẫn gọi là Phật nhãn. Vì sao? Vì họ thấu rõ được trong thân phàm phu này có chứa Phật tánh.” Lại như trong kinh Thắng Thiên Vương nói: “Đức Phật bảo Thiên Vương Bồ-tát Ma-ha-tát, dùng sức phương tiện, thục hành sáu pháp Ba-la-mật, đối với tất cả các pháp, tâm khởi duyên tự tại. Tâm duyên với sắc thì mong được thấy sắc thân vô sở đắc của chư Phật.

Tâm duyên với âm thanh, thì mong ngửi được giới hương thanh tịnh của chư Phật. Tâm duyên với vị thì mong được thành tựu tướng đệ nhất đại tượng phu của chư Phật. Tâm duyên với xúc thì mong được bàn tay nhu nhuyến của chư Phật. Tâm duyên với Pháp thì mong thành tựu được tâm tịch tịnh của chư Phật. tâm duyên đến thân mình thì mong được thân kim cang bất hoại của chư Phật. Tâm duyên đến khẩu mình, thì mong được thành tựu kim khẩu của chư Phật. Tâm duyên đến ý mình, thì mong được thành tựu ý bình đẳng của chư Phật.

Này Thiên vương, vị Bồ-tát Ma-ha-tát thực hành sáu pháp Ba-lamật, thì không có một tâm, một hạnh nào trải qua một cách trống rỗng mà không hướng về trí tuệ Bát-nhã. Tâm luôn duyên khắp các pháp nhưng không đắm trước các pháp. Quán khắp các pháp, nhưng không lúc nào mà chẳng hướng về đạo Bồ-đề. Bồ-tát tu hành các hạnh, đều nhờ ngoại duyên mà được thành tựu.

Lại như đất khô nằm trên mặt nước, nếu đào giếng thì sẽ có được nước để sử dụng. Nếu không chịu đào giếng thì không do đâu mà có nước. Như vậy, cảnh giới của các bậc Thánh ẩn khắp tất cả các pháp. Nếu siêng năng tu tập phương tiện Bát-nhã thì liền chứng được. Còn nếu không tu tập, làm sao chứng được cảnh giới bậc Thánh. Do đó, lý tâm duyên các pháp, há không quan trọng lắm hay sao?

5. QUÁN KHÔNG, VÔ NGÃ CHỌN THIỆN MÀ THEO:

Hỏi: Như đã nói, động tức là tĩnh, tĩnh là chủ của động, phàm tức là Thánh, Thánh ẩn trong phàm. Nay tôi đã nghe được cái lý sâu xa này. Nhưng còn lý vô ngã của tam giáo (Nho, Đạo, Phật) lý này thì không khác gì với việc tu hành là chọn điều thiện mà theo. Nghĩa này như thế nào?

Đáp: Lý vô ngã của tam giáo, cũng không nói là khác, nhưng không thể cho là giống nhau. Bởi lý vô ngã trong Tứ thư của Khổng Tử, thì lấy nghĩa khiêm hạ làm vô ngã, còn theo Đạo giáo, cho sự phát triển không có chủ tể làm vô ngã, còn lý vô ngã của Phật giáo thì lấy tư tưởng “Ngũ uẩn giai không” làm vô ngã.

Hai nghĩa vô ngã của Nho và Đạo chủ trương thì không thấu tỏ tư tưởng Ngũ uẩn, chẳng rõ ràng như lý Tứ đế, Lục độ vạn hạnh như Phật giáo. Còn về cấp bậc Hiền Thánh, hai giáo (Nho, Đạo) đều không bàn đến, chỉ trong Phật giáo mới có nói. Bậc Hiền Thánh trong Phật giáo là bậc hòa quang đồng trần, luôn giữ lấy vẻ nhu hòa lại kiệm ước, không đua tranh trong vòng danh lợi của thiên hạ. Ở trong cấp độ mỗi bậc Thánh của Phật giáo, xét theo phương diện động dụng đều có cạn sâu khác nhau. Trên đây là giải thích sơ lược lý vô ngã của tam giáo.

Còn nói đến việc chọn thiện mà theo, là bàn đến lý của ba tánh (thiện, ác và vô ký). Lý này không phải tự bày ra mà sẵn có. Người tu hành cần phải chọn điều thiện mà theo. Do vì điều ác không hoàn toàn có lợi cho pháp chí chân, còn vô ký thì làm mất cả hai tánh thiện và ác. Nguyên nhân làm chướng loạn lý Phật, thì không ngoài hai tánh ác và vô ký này. Cho nên bậc Thánh nhân phải trừ bỏ hai điều ác và vô ký mà chẳng giữ. Vì vậy, kinh Niết-bàn nói: “Hạng Nhất xiển đề là hạng mà tâm không phan duyên với tất cả pháp thiện, cho đến không sinh một niệm thiện.” Thế nên biết, đối với pháp Niệm Phật Tam-muội, thì điều thiện là tối thượng, là hạnh đứng đầu trong muôn hạnh. Nên nói thiện là vua của Tam-muội vậy.

6. KHÔNG CÓ ĐIỀU THIỆN NÀO ĐỂ CHỌN, KHÔNG CÓ ĐIỀU ÁC NÀO ĐỂ BỎ:

Hỏi: Nếu tu hành là chọn điều thiện để theo, như thế đâu khác gì việc chọn điều thiện của chư Phật, xả bỏ các điều ác của chúng sinh, thì làm sao gọi là niệm các chư Phật vị lai đồng như niệm chư Phật quá khứ và hiện tại được?

Đáp: Ngay câu hỏi của ông nêu ra đã trở thành câu trả lời của ông rồi. Tại sao? Bởi vì câu nói chọn thiện mà theo chỉ là câu nói bất đắc dĩ mà thôi. Vì đối với kẻ trí lực còn kém, nghiệp chướng sâu dày, chưa có thể dứt điều ác làm điều thiện, chưa có thể dứt vọng niệm chứng chân như được. Cho nên, đối với hạng này phải chọn lựa điều thiện, xa lánh điều ác rõ ràng. Còn nói: “ Người nào có thể niệm được chư Phật vị lai và thực hành hạnh Bất khinh, đã thấy được trời đất như ngón tay không phân cách, thấy được vạn vật như ngựa độc nhất không sai biệt. Thấy được chúng sinh đều là Phật, quốc độ Sa-bà này thường thanh tịnh, hoàn toàn khác cách nhìn quốc độ này là cõi uế độ của Xá-lợi-phất, đồng với cái nhìn quốc độ này đầy trân bảo trang nghiêm của Phạm thiên, như thế là đạt đến chỗ rốt ráo không có điều thiện nào để chọn, không có điều ác nào để bỏ. Đây đồng với chỗ giải thích trong kinh Pháp Hoa của đại sư Trí Giả khi nói về diệu chỉ của tuyệt đãi, đã dẫn chứng rất rõ ràng:

Chúng sinh thấy kiếp tận, khi lửa lớn thiêu đốt; Chỗ ta đây yên vui, chư Thiên nhân đông nhiều, Vườn rừng các lâu đài, Mỗi mỗi báu trang nghiêm.

Lại trong kinh Thắng Thiên vương cũng có nói: “Cảnh giới của

Phật ở, thật ra không phải là cảnh giới uế. Nhân vì chúng sinh nghiệp nặng, phước kém mà thấy cảnh này là bất tịnh.” Đoạn trên cũng là chỉ ý này.

Tiếng Phạm “Nam-mô”, nhà Đường dịch là Quy Mạng. Tiếng Phạm là A-di-đà, nhà Đường dịch là Vô Lượng Thọ. Tất cả chư Phật trong ba đời, vì sao lại riêng kính một Đức Phật là Vô Lượng Thọ? Nay cùng niệm tam thế Di-đà, đồng sinh cõi Cực lạc ở mười phương như thế có điều gì là không được, mà lại bỏ lối nhanh, đi theo đường chậm. Tuy nhiên, chỉ như thế (niệm Di-đà) mới có thể thổi bùng được ngọn lửa Tam-muội đốt cháy, không một mảy may ong muỗi tri kiến còn sót lại, mới có thể gióng được tiếng chuông thập niệm ngân vang. Không lơi lỏng gián đoạn, không tán loạn mà niệm Phật, niệm Di-đà thông tam thế đã được như thế, thì niệm chư Phật, Bồ-tát há không được như thế hay sao?

Hỏi: Niệm chư Phật vị lai bình đẳng như niệm chư Phật quá khứ và hiện tại, tôi muốn nghe giảng rõ lý này?

Đáp: Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả các đức Như Lai đều đồng một pháp thân, một thân, một trí tuệ, lực vô úy cũng như vậy.” Bài kệ trong kinh Lăng-già nói: “Này Ca-diếp, Câu-lưu-tôn và Câu-na-hàm là ta. Có bốn thứ bình đẳng mà ta là Đức Phật, ta sẽ vì ông mà nói rõ bốn thứ bình đẳng đó.

  1. Tên bình đẳng, cả bốn vị đó đều có tên chung là Phật.
  2. Âm thanh bình đẳng, bốn vị đó đều có chung tướng âm thanh Ca Lăng-tần-già.
  3. Chứng pháp bình đẳng, bốn vị đó đều chứng pháp Bồ-đề phần vì trí vô chướng ngại.
  4. Thân bình đẳng, bốn vị đó đều có chung pháp thân tướng âm thanh tốt đẹp không sai biệt.”

Luận Khởi Tín nói: “Do đường đi mà phương hướng chuyển, chứ thật ra phương hướng không chuyển.” Nói như thế, thì kẻ ngộ (hiểu được) chỉ cần nhận ra được một phương hướng, thì tất cả các hướng còn lại đều nhận biết, niệm một Đức Phật thì tất cả các Đức Phật đều hiện tiền.

Kinh nói: Nước không bay lên cao, trăng không hạ xuống thấp, do nguyên nhân trăng rực sáng trên bầu trời, chiếu xuống nước trong mà hiện hình. Đức Phật Di-đà vốn không đến, thân chúng sinh vốn không đi, do nhân duyên niệm Phật mà trăng báu Như Lai hiện rõ trong nước tâm thanh tịnh của chúng sinh, như bài kệ có nói:

Bồ-tát như trăng lành trong mát,

Vận hành nơi cứu cánh hư không. Nước tâm chúng sinh khi tịch tịnh, Bóng Bồ-đề sẽ hiện vào trong.

7. THỊT TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU KHÔNG ĐƯỢC ĂN:

Hỏi: Thịt chúng sinh là thức ăn của mọi người, tại sao người niệm Phật lại không được ăn?

Đáp: Ngày xưa vua Thi-tỳ vì cứu chim bồ câu mà tự leo lên cân để cân thịt mình. Bởi vì nhà vua nghĩ mình và chim tuy hình thù khác nhau, nhưng đều có chung một nỗi ham sống sợ chết, tại sao ta ăn thịt chúng sinh để nuôi dưỡng tấm thân hư hoại, rồi cứ vô tư không nghĩ đến nỗi đau đớn của con vật khi bị giết. Nếu hiểu được lý chúng sinh là chư Phật vị lai, thì còn ai dám làm cái việc săn mồi bẫy thú, để rồi tự lãnh lấy cái chết đau khổ như con chim phi ly bay vào lửa nóng. Cho nên, trong kinh Lăng-già, Bảo Tích phẩm Phật Ngữ Tâm, Phật có nói bài kệ:

Vì lợi mà giết chúng sinh

Ham tài cố bắt muôn vật

Cả hai đều là nghiệp ác

Chết rồi sẽ đọa hoán ngục khiếu.

Lời của Đức Phật đã nói về quả báo sát hại chúng sinh rõ ràng. Nếu ai không ham tiền bạc, thì cái việc bắt và giết chúng sinh chấm dứt.

Lại như Bồ-tát Long Thọ, ngài không bao giờ có tâm khinh thường con cá, con chim. Các bậc cao tăng chẳng bao giờ dám đạp trùng kiến. Nếu có ai hỏi lý do tại sao, các ngài đều trả lời: “Con vật cùng với chúng ta, hiện đồng ở trong sinh tử, nhưng trong tương lai, nó có thể thành Phật trước ta, làm sao ta có thể khinh thường nó được.” Đối với các con vật, đã chẳng dám khinh thường, thì làm sao chúng ta đang tâm lấy máu thịt của nó để mà ăn uống được.

Luận Bảo tánh nói: Trong kinh Như Lai tạng, Đức Phật từng bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: “Chúng sinh là đệ nhất nghĩa đế, là Như Lai tạng, Pháp thân, là Bồ-đề…”

Chúng ta như là con chó, chỉ chạy theo hình bóng trước mắt, mà không biết nhắm thẳng vào con người, nên hình bóng đó không bao giờ đứng lại. Do vì chỉ niệm chư Phật quá khứ và hiện tại, mà không chịu niệm chư Phật vị lai nên tâm phiền não, tâm khinh mạn không bao giờ chấm dứt. Nếu được như con sư tử nhắm ngay vào con người, chứ không đuổi theo hình bóng thì ảo ảnh đó sẽ chấm dứt.

Song, nếu đổi kính cẩn trở thành khinh mạn, xem cha mẹ bằng kẻ bình thường thì thành kẻ đại nghịch. Nếu cải đổi khinh mạn thành kính cẩn, xem kẻ bình thường bằng cha mẹ, thì thành kẻ đại hiếu. Cho nên, trong kinh Phạm Võng Bồ-tát giới có nói: “Tất cả chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ của ta, hiếu gọi là giới.” Đoạn kinh trên nhằm chỉ đến việc này.

Người tu hành phải khởi tâm quan sát, tất cả chúng sinh trong lục đạo là chư Phật vị lai. Còn kinh (Phạm Võng) nói xem chúng sinh như cha mẹ là cách tạm nói gần mà thôi. Nếu ai cũng làm được hạnh phóng sinh, như Sa-di vớt loài kiến, thì mạng sống sẽ được kéo dài ra, có thể làm được như trưởng giả Lưu Thủy cứu loài cá, tất sẽ cảm được hoa trời rơi xuống như mưa. Bỏ được cái chấp “Chúng sinh từ vô thỉ kiếp” mà chỉ niệm thân Thiện Thệ (Phật) tương lai, biết trong phân nhơ có chứa vàng ròng, tin trong đám mây mà có vầng trăng sáng, thì cái sương mù ăn thịt, cái khói bụi sinh tử sẽ bị ngọn gió trí tuệ trong bầu trời Tammuội quét sạch. Kinh Phạm Võng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Nếu ai có lòng tin như thế, giới phẩm sẽ đầy đủ. Sao chẳng khởi tư tưởng như thế.

Hỏi: Thịt chúng sinh, người niệm Phật không nên ăn, điều này có thể chấp nhận được. Nhưng ngũ tân tại sao không ăn được?

Đáp: Trong kinh Đại Phật Đảnh, Đức Phật có dạy điều này. Ngài bảo A-nan: “Năm thứ cay nồng, nếu ăn chín sẽ sinh lòng dâm dục, ăn sống sẽ sinh tâm sân hận. Con người thế gian nếu ăn ngũ tân, giả sử có tụng mười hai bộ kinh, cũng không có tác dụng. Các vị trời thần sinh tâm giận ghét, xa lánh người đó vì hôi uế. Các loài ngạ quỷ thấy người đó sẽ đến liếm môi mép, khiến người đó thường chung đụng với ngạ quỷ, phước đức ngày một giảm và sẽ chuốc lấy tai họa lớn. Người ăn ngũ tân, tu các Tam-muội thì chư vị Bồ-tát, chư thiên tiên, các vị thiện thần ở mười phương sẽ không đến bảo hộ. Bọn ma vương có nhiều thế lực, sẽ dùng mọi phương tiện để quấy phá người đó.

Phật lại bảo A-nan: “Người tu Bồ-đề cần phải vĩnh viễn đoạn trừ ngũ tân. Người tu hành như thế mới được gọi là người có tiến trình tự tăng tiến nhanh nhất.” Trên đây là lời nói xuất phát từ kim khẩu của Phật, chúng ta không thể không tin. Còn với rượu cũng như thế, cố nhiên không cần nói, chúng ta cũng phải biết.

Kinh Bách Dụ nói: “Thuở xưa có người nghèo khổ, trên đường đi gặp được túi vàng, tâm ông ta vô cùng mừng, đếm lui đếm tới. Khi ông đang đếm, bất ngờ, người chủ túi vàng đến, lấy lại túi vàng. Bấy giờ người nghèo khổ sinh tâm hối tiếc, nghĩ sao tại sao mình không đi sớm, rồi sinh tâm sầu khổ. Người đời gặp Phật pháp cũng thế, mặc dầu có được ruộng phước Tam bảo, nhưng không chịu tinh tấn tu hành, chỉ ham thích nghe nhiều, bất ngờ cái chết đến, để rồi đọa lạc vào ba đường ác. Như người nghèo ngu dốt kia, chưa sử dụng túi vàng đã bị chủ cũ đến lấy. Kệ nói:

Hôm nay nghĩ việc này

Ngày mai lo việc kia

Tham lạc không quán khổ

Bất ngờ thần chết đến

Vội vàng lo các việc

Người ngu đều như thế

Như người đếm tiền kia

Chúng sinh đều như vậy.

Trên đây đã nói bảy điều về niệm chư Phật vị lai để (chúng ta) thông suốt ý nghĩa chư Phật ba đời. Nếu nhớ niệm Phật Di-lặc, quyết sẽ được vãng sinh về Thiên cung Đâu-suất, thấy được đức Thế Tôn Từ thị. Đây là chỗ mà ngài Di thiên Thích Đạo An cực lực đề xướng vậy.

 

Pages: 1 2 3