Nam Cung Tử Ngao

 

Chốn pháp trường dao kề gần cổ
Niệm Quán Âm dao gậy rã tan

Thời nhà Tấn, có ông Nam Cung Tử Ngao làm quan đến hàng tam phẩm. Sau nhà vua nghe lời dua nịnh của bọn gian thần cho là ông đã ăn hối lộ quốc khố triều đình trong việc sửa đê chống lũ. Vì thế ông bị đày đi Vân Nam.

Ngay lúc này, Trường Lạc Công làm loạn, thành Vân Nam bị thất thủ, Nam Cung Tử Ngao bị bắt làm tù binh. Biết mình chẳng thể nào sống dưới lưỡi dao của Trường Lạc Công nên ông chuyên lòng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cầu mong thoát khỏi kiếp nạn này.

Khi bị dẫn ra pháp trường chém đầu, ông vẫn không thay đổi thần sắc, nhất tâm niệm Bồ-tát. Lúc loạn quân đến chém mấy dao, tự nhiên lưỡi dao cong gãy, chém chẳng được nữa.

Trường Lạc Công lấy làm lạ cho là tà thuật, rồi tự tay lấy dao mà chém. Nhưng chém cách nào đi nữa Nam Cung vẫn bình yên không tổn một mảy lông. Trường Lạc Công thấy vậy hỏi:

– Ngươi có bản lãnh gì mà được như vậy hả? Có phải ngươi là yêu tinh hiện hình làm nhiễu loạn lòng quân của ta không?

Nam Cung Tử Ngao đáp:

– Thưa Trường nguyên soái, tôi vốn chẳng phải yêu tinh, quỷ quái mà tôi là quan bị đày của Tấn quốc. Vì vua tôi nghe lời bất chánh nên thân tôi phải gánh lấy hậu quả thế này.

– Vậy ngươi tu thuật trường sinh bất tử sao? Trường Lạc Công ngắt lời.

– Bẩm ngài không. Vốn là từ khi bị đày đến Vân Nam, ngày nào tôi cũng chuyên lòng trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Chính vì thế mới được Ngài che chở khỏi đại nạn. Nam Cung tử Ngao trả lời.

Nghe vậy, Trường Lạc Công bèn tha tội và phóng thích cho Nam Cung toàn mạng sống.

Lời bàn:

Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Tin là nguồn đạo, mẹ công đức, nuôi lớn tất cả các pháp lành, dứt trừ lưới nghi, thoát dòng ái, mở chỉ Niết Bàn, đạo vô thượng; tin lòng trong sạch không dơ bẩn, dứt trừ kiêu mạn gốc cung kính, là của quý thứ nhất trong kho pháp, là tay trong sạch lãnh các hạnh; tin hay huệ thí tâm không tham; tin hay vui mừng vào Phật pháp; tin hay thêm lớn trí công đức; tin hay quyết đến cõi Như Lai; tin khiến các căn lành sáng suốt; tin sức bền chắc không thể hư; tin hay dứt hẳn gốc phiền não; tin hay hướng về Phật công đức; tin đối cảnh giới không tham lam, xa lìa các nạn, được không nạn; tin hay vượt khỏi các đường ma, thị hiện đạo vô thượng giải thoát; tin chẳng phá hư giống công đức; tin hay nuôi lớn cây Bồ đề; tin hay thêm ích trí tối thượng; tin hay thị hiện tất cả Phật”.

Thật vậy, nếu niệm Phật, niệm Bồ-tát với lòng tin kiên cố dù chỉ trong giây phút công đức vẫn không thể nghĩ bàn.

Trong mỗi con người đều hàm chứa một đức tin. Có người tin cạn, có người tin sâu, có người tin ít, có người tin nhiều. Chung quy đều được lợi ích!

Thế nhưng đường vào Phật đạo cao xa vời vợi, nếu lấy niềm tin nhỏ bé mà đi vào thì quả thật “tìm kim đáy biển”. Vì thế muốn đạt được sự cảm ứng giữa ta và Phật thì cần phải có đức tin sâu dầy. Đó chính là con thuyền lớn, cỗ xe lớn đưa chúng ta đến gần Phật đạo. Câu chuyện trên đây là một thí dụ điển hình.

Nam Cung Tư Ngao nhờ tin sâu và danh hiệu đức Quán Thế Âm mà thành tâm niệm. Niệm đến quên cả thời gian, quên cả không gian, vượt ra ngoài hai chữ “sống chết”. Chỉ trong giây phút ngắn ngủi mà thể nhập được pháp giới chân như. Ngay khi đó đức Quán Thế Âm soi thấu tiếng tăm thị hiện cứu cho thoát nạn.

Chúng ta ngày nay cũng niệm. Niệm một ngày không biết bao nhiêu mà kể. Hễ gặp ai cũng lớn tiếng nói rằng: “Một ngày tôi niệm ba, bốn chục xâu chuỗi Phật. Đi cũng niệm, đứng cũng niệm, ăn cũng niệm, ngồi cũng niệm, lúc nào cũng niệm mà có thấy gì đâu. Huống hồ chỉ niệm trong giây lát”.

Đúng! Người này nói rất đúng. Song chúng ta cần phải kiểm chứng lại xem mình có thực sự an trụ vào câu niệm Phật hay chưa? Hay là vừa khởi tâm niệm Phật thì ngay lúc đó niệm tham, niệm sân, niệm si, niệm tật đố, ganh ghét xen vào. Niệm như vậy cả đời cũng chỉ là “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”, thế thì làm sao bằng người nhất tâm niệm Phật trong phút chốc!

Trở lại câu chuyện trên tôi xin bàn một chút về hình ảnh “dao, gậy” mà chúng ta được xem qua.

Phải biết ngoài bị dao gậy làm hại là bởi vì trong tâm có ý sát nổi lên.

Dao gậy tượng trưng cho lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) dính vào sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mới gây nên ác nghiệp. Nếu nhất tâm niệm Quán Âm sáu căn đều thu nhiếp thì làm gì có chuyện bị hại.

Pháp tức tâm, tâm tức pháp. Tâm pháp chẳng hai, như dao chém nước, như dao chém bùn làm sao bị đứt. Tâm cảnh dung thông thì tất cả đều vô ngại.

Xưa khi đức Lục tổ Huệ Năng được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền trao y bát. Thượng tọa Thần Tú vì không được nên sinh tâm sát hại Lục tổ để cướp lấy y bát.

Lục tổ biết được việc này bèn an nhiên ngồi trong thiền thất để đợi. Quả thật đêm đó có người xông vào chém liên tục ba nhát nhưng Ngài vẫn không sao cả. Đủ thấy công hạnh tu tập của chư tổ khi xưa to lớn biết chừng nào!

“Dao” dụ cho những phiền muộn, khổ đau khi căn tiếp xúc với trần. Nếu kịp thời quán chiếu, hay gọi là niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì những niệm khổ đau kia liền rơi rớt xuống giống như dao gậy liền gãy từng đoạn vậy.

“Dao” ở đây nói lược thì có ba loại:

– Dao quả báo

– Dao ác nghiệp

– Dao phiền não

Một khi dao phiền não động đậy là pháp thân huệ mạng liền tiêu vong. Cho nên cần phải tỉnh giác, tin sâu nhân quả, chuyên lòng niệm Phật ngõ hầu dẹp được con dao phiền não trong lòng chúng ta. Thế mới mong vững bước tiến về Phật đạo.

Cố gắng lên nào các bạn!

Trích: Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm