MỪNG XUÂN DI LẶC, TÌM HIỂU VỀ PHẬT DI LẶC
Vu Gia

 

Có khi chính vì cái “miệng từ thường cười” và cái “bụng hỉ hay dung” ấy mà con người đang sống ở cõi đời ô trọc này chọn làm biểu tượng cho ngày mở đầu một năm, vì trong cuộc sống, ai ai cũng mong gặp được những nụ cười vui vẻ, những tấm lòng bao dung. Không phải vô tình mà dân gian gọi ngài là “Phật cười”.

Có khi chính vì cái “miệng từ thường cười” và cái “bụng hỉ hay dung” ấy mà con người đang sống ở cõi đời ô trọc này chọn làm biểu tượng cho ngày mở đầu một năm, vì trong cuộc sống, ai ai cũng mong gặp được những nụ cười vui vẻ, những tấm lòng bao dung. Không phải vô tình mà dân gian gọi ngài là “Phật cười”.

Cách đây những hơn 20 năm, nhà thơ Võ Quê đưa tôi đi chơi một số nơi ở Huế. Người bán hàng lưu niệm biết Võ Quê, nên nhờ anh nói giúp cho một số vị khách tham quan hiểu về Phật Di Lặc, bởi người phiên dịch cho đoàn khách cũng lúng túng. Nhà thơ Võ Quê quay sang tôi, tôi chỉ biết cười, vì không rành. Anh cũng không rành lắm song ứng biến khá giỏi bằng một… ý thơ: Miệng từ thường cười, cười những việc rất khó cười trong thiên hạ/ Bụng hỉ hay dung, dung lắm chuyện chẳng dễ dung ở thế gian. Ý đã rõ, nên tôi cùng với người phiên dịch giúp cho đoàn khách tham quan hiểu thêm về vị Phật này. Và hôm đó, mấy tượng Phật Di Lặc ở quày hàng lưu niệm ấy đều được bán hết.

Nhẩm lại ý thơ của Võ Quê, tôi nói đó là câu đối tuy chưa hay lắm, song nghe cũng còn hơn lắm câu được gọi là đối của một số người tự thổi phồng mình. Võ Quê cho rằng sự học ngày xưa ở vùng tạm chiến ngó vậy mà không dỏm lắm… Và cái “miệng từ thường cười” ấy dường như cứ theo tôi suốt chặng đường qua, nhưng cũng có lắm băn khoăn bởi hình tướng của ngài. Và tại sao mỗi lần xuân về Tết đến, Phật tử Việt Nam “mừng Xuân Di Lặc” mà không “mừng Xuân Thích Ca”, “mừng Xuân Di Đà”, “mừng Xuân Dược Sư”, hoặc các vị Phật khác?

Người khởi xướng hệ phái Duy thức

Theo Wikipedia, Di Lặc (zh. 彌 勒, sa.maitreya, pi.metteyya là cách phiên âm, dịch nghĩa là Từ Thị (慈 氏), “người có lòng từ”, cũng có thuyết rằng Ngài có tên làVô Năng Thắng (無 能 勝, sa.ajita), phiên âm Hán-Việt là A Dật Đa (tiếng Phạn: Ajita, Hán dịch là Vô Thắng, Vô Năng Thắng hoặc Vô Tam Độc). Di Lặc là một vị Bồ tát và cũng là vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên thế gian. Trong Phật giáo Tây Tạng, Bồ tát Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi.

Theo truyền thuyết và kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Bồ tát sẽ xuất hiện trên trái đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Phật Di Lặc sẽ là vị Phật kế thừa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cõi giáo hóa của Bồ tát hiện nay là trời Đâu suất (sa. tuita). Bồ tát Di Lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong kiếp giảm của tiểu kiếp kế tiếp, khi nhân thọ là 80.000 năm, tức khoảng 9 triệu năm nữa theo năm trái đất, khi Phật pháp đã bị lãng quên trên cõi Diêm phù đề. Sự tích về Phật Di Lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các tông phái Phật giáo (Nguyên thủy, Đại thừa, Kim cương thừa), và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Phật pháp đã bị lãng quên trên trái đất, và Bồ tát Di Lặc sẽ là bậc giác ngộ Pháp và thuyết lại cho chúng sinh, tương tự như những vị Phật khác đã làm trong quá khứ.

Ngài còn được gọi là Từ Thị (Maitreya trong tiếng Phạn, hay Metteyya trong tiếng Pàli) xuất phát từ truyền thuyết: Vì muốn giáo hóa các chúng sanh nên từ lúc mới phát tâm, Ngài đã không ăn thịt chúng sanh. Còn theo Đại Nhật Kinh Sớ, Từ Thị nghĩa là chủng tính từ bi, gồm hai chữ: Từ trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của Phật, Thị là chủng, họ, tộc, do lòng Từ đó sanh ra từ chủng tính Như Lai, có năng lực làm cho tất cả thế gian không đoạn dứt Phật chủng. Còn theo phẩm Tùy Hỷ trong Kinh Pháp Hoa và Kinh Bình Đẳng Giác, Di Lặc chính là A Dật Đa. Ngài là một vị đệ tử của Phật Thích Ca. Nhưng theo Kinh Thuyết Bản trong Trung A hàm 13, Kinh Xuất Diệu 6 và Luận Đại Tỳ-bà-sa 178, Di Lặc và A Dật Đa là hai nhân vật khác nhau. Trong bài kệ tựa phẩm Bỉ Ngạn Đạo (Pàràyana) của Kinh Tập (Sutta – nipàta) thuộc Đại Tạng Kinh Pàli đều nêu cả hai tên A Dật Đa (Ajita) và Đế Tu Di Lặc (Tissametteyya), tức hoàn toàn cho đó là hai người khác nhau.

Từ Thị được đề cập sớm nhất ở Cakavatti (Sihanada) Sutta, Digha Nikaya 26 trong Kinh tạng Pali. Trong tranh hay tượng ở Ấn Độ, Di Lặc ngồi trên mặt đất, biểu tượng sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ. Tại Trung Quốc, Bồ tát Di Lặc thì được trình bày với tướng mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại Hòa thượng, một hóa thân của Di Lặc ở thế kỷ thứ X.

Có thuyết cho rằng, chính Bồ tát Di Lặc là người khởi xướng hệ phái Duy thức của Đại thừa. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Maitreyanatha (sa.maitreyanâtha), thầy truyền giáo lý Duy thức cho Vô Trước (sa.asaga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài luận, được gọi là Di Lặc (Từ Thị) ngũ luận:

1. Đại thừa tối thượng luận hoặc Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận (sa.mahâyânottaratantra).

2. Pháp pháp tính phân biệt luận (sa.dharmadharmatâvibanga).

3. Trung biên phân biệt luận (sa.madhyântavibhâga-úâstra).

4. Hiện quán trang nghiêm luận (sa.abhisamayâlankâra).

5. Đại thừa kinh trang nghiêm luận (sa.mahâyânasutralankâra).

Ứng hóa vô lượng thân

Khi đạo Phật vào Trung Hoa, thì ngài Di Lặc cũng… đi theo và hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian, nên có nhiều truyền thuyết về ngài. Với Phật giáo Đại thừa, thì Bồ tát có báo thân, ứng thân và hóa thân. Tùy căn cơ của chúng sinh mà các ngài ứng hóa vô lượng thân để cứu độ chúng sinh. Sách vở Trung Hoa kể nhiều chuyện về hóa thân của Bồ tát Di Lặc. Cụ thể, đời nhà Tùy (thế kỷ thứ VI), một hóa thân gọi là ngài Tăng Can. Ngài dựng một cái am gần chùa Quốc Thanh, ngày ngày đi thuyết giáo; có lắm lúc ngài cưỡi cọp đi – về cứ như người ta cưỡi trâu, cưỡi bò,… Rồi, một hôm ngài bồng về một đứa bé đặt tên là Thập Đắc, gửi vào chùa Quốc Thanh… Rồi, ngài hóa thân thành người ăn mày, lấy tên là Hàn Sơn. Thập Đắc lớn lên và cùng với Hàn Sơn là hai người ăn mày, tới bữa đợi mọi người ăn hết, hai ngài mới dùng những thứ cơm thừa canh cặn; thậm chí, hai ngài còn tỉ mẩn nhặt những hạt cơm rơi dưới sàn nước, rửa lại mà ăn; tối co ro dỗ giấc ngủ ngoài hành lang nhà chùa. Rồi một hôm, vô tình người ta thấy hai người ăn mày ấy trèo lên ngồi trên cổ ngài Văn Thù và ngài Phổ Hiền. Chuyện động trời này được sớm cấp báo cho trụ trì chùa và dĩ nhiên cả hai bị quở trách nặng nề.

Một vị quan huyện bị bệnh nan y, nằm mơ thấy ngài Tăng Can về, tự xưng là đức Di Lặc, bảo ông đến chùa Quốc Thanh đảnh lễ hai vị ăn mày Hàn Sơn và Thập Đắc ắt hết bệnh, bởi hai người đó chính là hiện thân của Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Vị quan huyện làm y như lời, song nhà chùa lại không muốn cho gặp, vì khách thập phương tới chùa là lễ Phật, hoặc vãn cảnh, hoặc gặp gỡ cao tăng đàm đạo Phật pháp, chứ sao lại mong được đảnh lễ người ăn mày. Nhưng trước sự khẩn cầu của vị quan huyện, nhà chùa cho người gọi Hàn Sơn và Thập Đắc đến. Thấy hai người ăn mày đi vào, vị quan huyện quỳ mọp xuống lạy. Hai người ăn mày cười ha hả nói: “Lão Tăng Can làm ta bại lộ rồi”, rồi dắt nhau chạy tuốt vào rừng.

Sau khi nghe vị quan huyện kể lại giấc mơ thì mọi người mới biết hóa thân của các vị Bồ tát, nhưng không còn ai có cơ duyên được đảnh lễ các ngài.

Thần tài trong tâm thức dân gian

Cũng theo Wikipedia, Bố Đại (zh. 布 袋) là một Thiền sư Trung Hoa ở thế kỷ thứ X. Tương truyền, ngài hay mang trên vai một cái túi vải bố, có nhiều phép mầu và có những hành động lạ lùng mang tính chất “cuồng thiền”. Lúc viên tịch, ngài mới thổ lộ cho biết chính ngài là hiện thân của Di Lặc, vị Phật tương lai. Trong nhiều chùa, người ta hay trình bày tượng Di Lặc dưới dạng của Bố Đại mập tròn vui vẻ, trẻ con đeo chung quanh.

Bố Đại ở Phụng Hóa, Minh Châu, triều Lương đời Ngũ Đại, tự xưng là Khế Thử (zh. 契 此). Hình dạng ngài thì lùn, mập, nói năng tự tại, ăn ngủ tùy tiện. Ngài thường mang một bao bố trên vai để bỏ vào đó những vật người cúng dường. Ngài được quần chúng mến phục vì có tài tiên tri thời tiết mưa nắng. Một khi ngài ngủ ngoài đường, mọi người biết trời sẽ tốt, ngược lại lúc ngài đi giày dép và kiếm chỗ tạm trú thì trời sẽ mưa.

Tính tình của ngài rất “ngược đời”, đúng như tinh thần Thiền tông. Trả lời câu hỏi già trẻ bao nhiêu, Sư nói “già như hư không”. Giữa chợ, có người hỏi tìm gì, “ta tìm con người”, ngài trả lời. Một hôm có vị tăng đi phía trước, ngài liền vỗ vai ông ta nói: “Cho tôi xin một đồng tiền”. Vị tăng bảo: “Nói được thì tôi cho ông một đồng tiền”. Ngài liền bỏ bao xuống đất đứng im lặng khoanh tay.

Ngài có nhiều thần thông, ngủ ngoài tuyết, tuyết không rơi vào mình. Trước khi tịch, ngài ngâm câu kệ:

彌 勒 真 彌 勒
分 身 千 百 億
時 時 示 時 人
時 人 自 不 識

Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.

(Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Luôn luôn bảo người đời
Người đời tự chẳng biết).

Sau khi viên tịch, có người vẫn thấy ngài ở nơi khác. Người đời sau vẽ lại hình ngài với túi vải lớn và từ đó sinh ra hình Bồ tát Di Lặc, ngày nay ở đâu cũng có. Người ta kể rằng, ngày ấy, ngài vào nhà nào ăn xin thì nhà ấy khá lên; ngài phát lộc cho người nào thì người ấy làm ăn hanh thông, tiền của vào như nước. Từ đó, nhiều người xem ngài như là Thần Tài. Và trên thực tế, có rất nhiều tranh tượng Di Lặc, tay cầm thỏi vàng hoặc dây tiền điếu giống như tranh tượng các vị Thần Tài.

Năm rồi, tôi đi Đà Lạt, thấy nhiều tượng Di Lặc khá thú vị. Đó là tượng ngài Di Lặc lưng mang gùi, tay phải cầm chà gạc, tay trái cầm giỏ cơm. Điều này cho thấy, ngài đã đi vào trong tâm thức dân gian ở cõi Ta bà này. Ngài đến với tộc người nào thì hòa vào với tín ngưỡng của tộc người đó để có điều kiện hóa độ chúng sinh.

Mừng Xuân Di Lặc

Tại sao mừng Xuân Di Lặc? Vì ngày mồng một Tết là ngày vía của ngài? Như vậy, ngày mồng một Tết là ngày sinh hay ngày tịch của ngài? Trả lời câu hỏi này không dễ. Kinh sách từ Ấn Độ không thấy ghi; ở Trung Hoa lại càng khó, vì ngài hóa thân như đã kể trên thì không dễ gì ấn định được ngày sinh, ngày tịch của ngài; ở cung trời Đâu suất thì lại càng… mờ mịt. Có người nói rằng: “Chúng ta lạy Ngài với câu: Long Hoa Giáo Chủ đương lai hạ sanh Di Lặc tôn Phật. Chư Tổ thấy thế gian xem ngày mùng một Tết là ngày định đoạt của suốt một năm. Ngày này mọi người dè dặt từng lời nói, dè dặt từng hành động, dè dặt từng tên người đến thăm mình, dè dặt đủ thứ chuyện. Như vậy, ngày mùng một Tết là ngày đầy đủ ý nghĩa của tương lai mình. Trong nhà chùa ngày mùng một Tết có ý nghĩa gì? Các Tổ lấy ngày mùng một Tết làm ngày vía đức Phật Di Lặc cũng là ngày tương lai rực rỡ, ngày tương lai sẽ thành Phật. Sáng mồng một chúng ta lạy Phật, lạy vía đức Di Lặc, là đặt hết cả niềm hy vọng vào tương lai, hy vọng chúng ta sẽ thành Phật. Không hy vọng giàu có sang trọng gì mà chỉ hy vọng sẽ thành Phật. Đó là ý nghĩa sâu đậm nhất của ngày mùng một Tết để chúng ta lễ đức Phật Di Lặc”.

Vậy ngài đến phương Tây thì sao?

Khi đặt câu hỏi này, tôi nhớ lại câu đối vô tình của nhà thơ Võ Quê ngày nào có khi lại được. Miệng từ thường cười, cười những việc rất khó cười trong thiên hạ/ Bụng hỉ hay dung, dung lắm chuyện chẳng dễ dung ở thế gian. Có khi chính vì cái “miệng từ thường cười” và cái “bụng hỉ hay dung” ấy mà con người đang sống ở cõi đời ô trọc này chọn làm biểu tượng cho ngày mở đầu một năm, vì trong cuộc sống, ai ai cũng mong gặp được những nụ cười vui vẻ, những tấm lòng bao dung. Không phải vô tình mà dân gian gọi ngài là “Phật cười”.

Ngoài ra, một số tranh tượng của ngài có thêm 6 đứa trẻ nô đùa, đứa thì chọc ngón tay vô rốn ngài, đứa thì móc lỗ mũi, đứa thì móc miệng, đứa thì chọc lỗ tai… Và ngài thì vui cười, không chút phiền giận. Tôi nghĩ, nụ cười ấy là nụ cười đốn ngộ. Nhưng theo dân gian, trẻ con là hình ảnh của tương lai và cũng là “lộc”. Những đứa trẻ kháu khỉnh, vui vẻ thế kia thì cũng nên rước vào nhà.

Trừ ma diệt quỷ

Một lần du lịch ở Trung Quốc, tôi có dịp thưởng lãm tuồng tích Quỷ vây Chung Quỳ. Chuyện kể rằng, Chung Quỳ học rất giỏi, thi đỗ tiến sĩ nhưng vì tướng mạo xấu quá, vua không dùng. Ông đập đầu vào trụ đá trước điện rồng mà chết. Ông được Ngọc hoàng thượng đế thương tình ban cho phép trừ ma diệt quỷ tạo phúc cho muôn dân. Một hôm, Chung Quỳ bị mấy con quỷ dữ vây lại; con thì níu cổ, con thì giữ tay, con thì giữ chân… làm cho Chung Quỳ không cách gì trổ tài pháp thuật được. Cái chết coi như cận kề.

Lúc ấy,  đột nhiên có một hòa thượng mập ú đang ưỡn cái bụng bự đi đến cùng miệng cười toe toét, vịn vai Chung Quỳ và nói:

– Tướng quân bắt quỷ mà sao lại lúng túng thế?

Chung Quỳ nói:

– Không ngờ quỷ dương gian khó bắt quá.

Hòa thượng mập, cười vui nói:

– Đừng lo, tôi bắt quỷ thế cho ngài.

Hòa thượng nói xong thì cười ha ha với tụi quỷ, há to miệng rống lên một tiếng, nuốt tất cả quỷ vào trong bụng. Chung Quỳ lấy làm kinh dị, nói:

– Sư phụ đúng là thần thông quảng đại.

Hòa thượng đáp:

– Ngài không biết đó thôi, những tên nghiệt quỷ như thế này rất nhiều, không thể nói đạo lý với chúng nó, không thể nói chuyện tình cảm với chúng nó, chỉ có cách là nuốt nó vào trong bụng mà thôi.

Có lẽ qua sự tích này, nhiều người gắn thêm cho ngài chức năng trừ ma diệt quỷ.

***

Những ghi chép trên cũng chỉ là mới “tìm” chứ chưa chắc đã “hiểu”, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng ta có thể học tập được ở ngài tấm lòng gắn bó với tha nhân, luôn nuôi lớn lòng từ tâm. Và đó là nụ cười Di Lặc, là tấm lòng bao dung của Di Lặc, là mùa Xuân Di Lặc luôn hiện hữu trong mỗi người.