Mẹ đi để lại..
Thích Pháp Lạc
(Người kể lại chuyện, xin dùng ngắn gọn chữ Mẹ, thay vì phải nói đầy đủ là Mẹ Của Cuội)
Những ngày mẹ của Cuội bệnh nặng, nằm trong bệnh viện, Cam Thảo khóc hoài. Những giọt nước mắt ấy không biết xuất phát từ tình thương hay sự ăn năn hối tiếc điều gì trong lòng Cam Thảo nữa! Bác sĩ cho biết, mẹ của Cam Thảo không còn bao nhiêu ngày nữa, và khuyên các con nên cho mẹ về nhà để chuẩn bị tinh thần. Không ai nói cho mẹ biết về điều bác sĩ đã nói, nhưng mẹ vẫn biết và thản nhiên như không có gì đáng sợ hãi cả. Bởi lẽ, hơn ai hết, chính mẹ hiểu rất rõ sự tàn phá cơ thể của căn bệnh ung thư trong mẹ.
Mẹ gọi Cuội, đứa con trai duy nhất của mẹ, về chùa đón thầy lên cho mẹ gặp một chút. Hơn một giờ sau, bên giường bệnh có mặt các con và ba, mẹ trao cho thầy một bức thư, rồi nói một cách vừa cung kính vừa dứt khoát, với đôi mắt buồn sâu lắng:
“Thầy ơi, thầy vừa là bạn học của thằng Cuội, mà cũng là thầy của con. Bây giờ thầy là điểm tựa tinh thần cho con, mong thầy giúp cho con một điều. Khi con nhắm mắt qua đời, thầy là người giúp cho con thực hiện tâm nguyện của mình. . .”
Một cơn đau nhói làm tắt ngang câu nói của mẹ, và hai dòng nước mắt chảy dài xuống gối, mẹ tiếp:
“Mọi hậu sự con đã chuẩn bị trước cả rồi, có viết trong lá thư vừa đưa cho thầy đó. Con sẽ hiến xác cho bệnh viện, đã quyết định và đã ký đơn. Sau khi tắt hơi, trong khoảng thời gian tám tiếng đồng hồ trước khi họ đến lấy xác, xin thầy ngồi một bên niệm Phật cho con. Xin các con và ba đừng thay đổi quyết định của mẹ.”
Đứng im lặng lắng nghe và quan sát mọi người, thầy nhận ra có điều gì đó chưa ổn thỏa trong gia đình. Sau cuộc viếng thăm, trở về, thầy gọi điện xin được gặp anh chị em trong nhà một lần đông đủ. Trong buổi nói chuyện, thầy lắng nghe mấy chị em trình bày bối cảnh gia đình, mới biết rằng, thì ra đó chỉ là quyết định của riêng mẹ, mà các con không muốn thực hiện theo. Rồi thầy bắt đầu nói:
“Trong thư mẹ có để lại một số tiền nhờ thầy cúng dường Tam Bảo, để nguyện cầu cho các con của mẹ được có duyên đến với Phật pháp, và xin cung thỉnh quý thầy tụng cho mẹ một bộ kinh Địa Tạng khi mẹ ra đi. Vậy, thầy xin các anh chị em, với tất cả tình thương đối với mẹ mà đem hết tâm thành, cùng với quý thầy tụng kinh để cầu nguyện cho mẹ. Đó là điều mẹ mong ước, và cũng là cách thể hiện để mẹ vui trong những ngày còn lại trên đời. Bởi vì, trong những ngày còn sống ngắn ngủi ấy, nếu các anh chị làm được điều lành nào cho người mẹ được vui, thì thật là quý báu và cần thiết cho anh linh của người. Nếu mình không làm được điều mẹ mong đợi, ngược lại, đến khi mẹ ra đi rồi, các anh chị lại còn làm trái di chúc của mẹ nữa thì thật có lỗi với người đã khuất”.
Thế là, cả ba ngày tụng kinh Địa Tạng tại chùa, anh chị em có mặt tụng kinh đầy đủ, nhóm bạn thân của mẹ cũng đến tụng kinh với tấm lòng chân tình, ba của các con, tuy đang bệnh, cũng có mặt một buổi đầu tiên để gọi là “trả nợ ân tình”.
Quả nhiên, sau đó, lòng thành đã có kết quả, mẹ biểu Cuội về chở thầy lên thăm mẹ. Nằm trên giường bệnh, với giọng thều thào, mẹ nói:
“Thầy ơi! Nhờ ơn Phật cứu độ. Bây giờ mới thấy những đứa con nó có hiếu với mẹ thật sự. Các con đã biết tin Phật, biết tụng kinh một cách thành tâm. Mấy người bạn cùng đi tụng kinh đã kể lại cho con nghe tất cả. Con vui sướng và mãn nguyện lắm rồi. Trước đây, vì thấy chồng và con cái không biết kính tin Tam Bảo, cho nên con mới nghĩ rằng, mình chết rồi nên hiến xác cho bệnh viện còn có ích lợi hơn, chứ làm tang lễ rình rang mà không có niềm tin thì chẳng có ích chi! Biết rằng, quyết định hiến xác như thế là không hợp lòng con cái và chắc chúng cũng không thực hiện theo. Bây giờ thì có thể để cho những đứa con thực hiện theo ý muốn và tấm lòng của nó. Mong thầy giúp đỡ hướng dẫn thêm cho chúng nó”.
Thầy lắng nghe và hứa nhận hết những điều mẹ nói.
Những ngày mẹ được đưa về nhà rồi, mẹ phải chịu từng cơn đau buốt nhói lên trong lồng ngực. Có những lần đau dữ dội, mẹ nói Cuội chạy qua chở thầy sang nhà. Ngồi nhìn mẹ chịu những cơn đau nhói mà thấy xót thương, thầy ngồi cầm bàn tay khô cứng gầy guộc của mẹ lên, và lắng tâm niệm thần chú Đại Bi. Nhiều lần như thế, cơn đau lắng dịu, và có khi mẹ ngủ thiếp đi được vài mươi phút.
Rồi cũng đến lúc mẹ phải ra đi, suốt đêm ấy, các con ngồi vây quanh bên giường mẹ. Khoảng hai giờ khuya, thấy mẹ thở yếu đi, các con không kềm lòng nổi, khóc ra tiếng, mấy người bạn của mẹ bắt đầu niệm Phật A-di-đà. Mẹ cố nhướng mắt, đưa tay ra hiệu đừng khóc, và thều thào hai tiếng “khoan đã!”. Mọi người hiểu ra và ngưng niệm Phật. Khoảng 25 phút sau, mẹ đưa tay ra dấu kêu Cuội đến bên mẹ, và chỉ thều thào:
“Thầy, thầy!”
Cuội hiểu ra ý mẹ và liền báo tin cho thầy. Mẹ bắt đầu khó thở, thở dốc mấy lần, mọi người đồng thanh niệm Phật giao hòa trong những tiếng nấc của mấy người con. Mẹ đã ra đi!
Mẹ ra đi mới đúng 70 ngày thì các con phải một lần nữa khóc tiễn đưa người cha ra đi theo mẹ luôn. Đau thương ngập đầy lòng con. Nhưng cũng từ đó, các con đã thấm thía hơn tình thương của ba mẹ cả cuộc đời cho con, vì con, mà từ lâu ít ai thẩm thấu. Trong nỗi đau mất mát, vì thương ba, nhớ mẹ, và cảm thấy mình đã có nhiều lỗi lầm trước đây với mẹ, các con đã tìm đến với chùa như một điểm tựa tâm linh, và niềm an ủi thực sự.
Ngày sơ thất của ba, cả mấy chị em tỏ bày với thầy về ý nguyện muốn quy y. Thầy giải thích khái quát ý nghĩa quy y, rồi yêu cầu những ai muốn xin quy y Tam Bảo thì tự tay ghi vào danh sách. Ngày lễ quy y tại chùa, có sự hiện diện đầy đủ 31 người đã ghi trong danh sách, gồm: Con, cháu, dâu, rể, và những người thân thuộc. Trong buổi lễ, trước Hoà thượng làm bổn sư, mọi người đều thành kính phát nguyện trước Tam Bảo:
Con về nương tựa Phật, người chỉ đường dẫn lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và trí tuệ.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể nguyện sống theo hạnh giải thoát
Đến hôm nay, suốt hai năm rồi, cứ mỗi sáng chủ nhật, những người con của mẹ thay nhau lên chùa thăm cốt, tưởng niệm ba mẹ. Các con không quên thắp hương lễ Phật và thành tâm khấn nguyện cho ba mẹ được nhẹ nhàng về với Phật. Đôi lần, Cam Thảo khóc mà nói với thầy:
“Cũng may mà con có cơ hội để làm vui lòng mẹ trong những ngày cuối đời. Trước đây, con luôn nghĩ rằng, số con khắc khẩu với mẹ. Vì vậy, chẳng mấy khi mà hai mẹ con nói chuyện được với nhau. Con hay cãi lời và làm khổ mẹ thật nhiều. Giá như mà bây giờ còn mẹ, thì con sẽ không làm khổ mẹ đâu, bởi ngày xưa nhận thức con còn nông nổi. Có lẽ, Đạo Phật đã cho con thay đổi cách nhìn, cách sống, và cách cảm nhận cuộc sống nhiều lắm.”
Thấy đôi mắt Cam Thảo ướt đỏ, thầy an ủi một cách hài hước:
“Không sao, hôm qua thầy nằm mơ, thấy mẹ chị về, cười cười và nhờ thầy nhắn với Cuội, với Cam Thảo, với các anh chị rằng: Ba mẹ đã hài lòng về các con. Mẹ rất vui khi tâm nguyện cả cuộc đời của mẹ nay các con đã thực hiện. Các con sống tự hoàn thiện bản thân, sống tốt với mọi người, và nuôi dạy các cháu cho tốt, thì cũng như đang sống hạnh phúc bên ba mẹ rồi đó! Mẹ đi rồi, nhưng gia tài quý báu nhất mà từ lâu mẹ cố gắng giữ gìn, nay các con đã biết tiếp nhận, và duy trì. Đó là Gia Tài Đời Sống Tâm Linh của Phật. Các con nhớ truyền lưu cho các thế hệ con cháu, đừng để mai một!”