Câu chuyện trên đường

Thích Đức Trí

Ngày ấy, tôi đi trên chuyến tàu lửa từ Nam ra Bắc, gặp một sự tình của cô sinh viên làm tôi vô cùng xúc động và khó quên. Có lẽ, hoàn cảnh này đồng cảm không ít người khi nhớ đến sự hy sinh của những bậc cha mẹ kính yêu, hai đấng sanh thành đã khó nhọc nuôi chúng ta nên người.

Trời bắt đầu về chiều, cơn mưa phùn đầu xuân đang rơi trong bầu trời còn thấm lạnh của thời tiết ở đây. Đoàn tàu lửa lúc này đang dừng lại một nhà ga ở đầu tỉnh Quảng Bình để đón khách. Khi tàu bắt đầu chuyển bánh đi tiếp, có hai cô gái đang tuổi học sinh mang hai túi hành lý tìm đến ngồi đối diện với tôi trong một khoang tàu. Con tàu bắt đầu rời nhà ga một khoảng thời gian độ mười phút, đi ngang qua cánh đồng lúa đang bắt đầu xanh lá. Nhìn ra phía cánh đồng lúc này còn điểm thưa thớt những nhóm người nông dân đội nón trắng, mang áo mưa đang tận tụy làm công việc của họ trên những đám ruộng. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy cô gái đối diện vừa lên tàu, sao chưa ngồi mà còn đứng ở cửa sổ, hai tay nắm lấy khung cửa sắt con tàu, dồn đôi mắt còn ngấn lệ về phía cánh đồng bên đường, như đang tìm kiếm, mong đợi và lưu luyến một hình ảnh gì ở đó.

Bỗng nhiên, cô nhìn qua khung cửa tàu lửa hướng về một thửa ruộng, thấy một người đang làm việc trên đó. Sau đó, cô lấy tay đập mạnh vào thành tàu và vội vàng kêu lên tiếng “Mẹ ơi!” rồi khóc nức nở. Con tàu vẫn vô tình chạy nhanh về phía trước và xóa đi hình ảnh mẹ cô đang làm trên đồng ruộng chỉ trong chốc lát qua khung cửa sổ. Khung cảnh ấy đã qua, cô gái còn giấu mặt vào tay áo khóc nức nở, sau đó ngồi xuống cạnh cô bạn, gục đầu bên vai bạn mình và nằm yên với những tiếng nấc còn dội ra từ nỗi buồn đau trong lòng.

Tôi đoán rằng, cô gái ấy đang buồn vì nhớ thương mẹ theo thói thường tình con gái khi xa nhà, ngoài ra không biết gì khác, nên đành ngồi yên và lấy quyển sách ra đọc. Một lúc sau cô gái gọi cô bạn vừa khóc rằng: “Hiền ơi, ngồi dậy ăn cơm nhé”. Cô kia trả lời rằng: “Không, Lan ăn đi, mình không ăn đâu”. Thấy giọng điệu bạn mình dứt khoát, cô gái có tên là Lan trở giọng nói nài nỉ đầy thương cảm: “Thôi uống chút nước nhé”, và mở chai nước đưa cho bạn, cô gái cầm chai nước quay mặt về hông con tàu, uống một ngụm, sau đó tiếp tục gục đầu trên tay mình và nằm yên trong im lặng.

Khi cô bạn hình như đã bắt đầu thiu ngủ, cô Lan nhìn tôi mà hỏi: “Thưa thầy, thầy cũng đi Hà Nội hả?” Tôi trả lời: “Vâng, tôi đi Hà Nội, qua Trung Quốc để đi học.” Hồi đó tôi đang học tại trường sư phạm Quảng Tây Trung Quốc theo chương trình tu nghiệp Hán ngữ hiện đại, tôi về Việt Nam nghỉ Tết rồi qua lại, sau này tôi mới đi du học Đài Loan. Cô gái nói tiếp rằng: “Chúng em đang học năm thứ nhất tại trường đại học ở Hà Nội.” Tôi vội hỏi chuyện cô gái có tên Hiền lúc nãy sao khóc nhiều vậy, Lan kể rằng: “Bạn em nhà nghèo lắm, thi đậu vào đại học ở Hà Nội, tiền chi phí cao, chúng em chỉ biết nương nhờ vào tấm thân của bố mẹ làm việc cực nhọc trên đồng ruộng để ăn học. Bọn em thường nghĩ rằng, nếu bỏ học thì tương lai không còn gì mong đợi, vả lại bố mẹ vì thương con đâu cho bỏ học. Nếu tiếp tục đi học, thì từng ngày sống trên tấm thân già yếu của bố mẹ, chúng em đi học mà lòng dằn vặt nhiều lắm. Do vậy, khi tàu chạy ngang qua cánh đồng làng, Hiền thấy mẹ mình đang làm trên đám ruộng trong trời mưa phùn lạnh lẽo, lòng đau xót quá mà kêu khóc tức tưởi như vậy.”

Nghe đến đây, lòng tôi vô cùng cảm động và thấy xót xa vô cùng. Cô Lan cũng đoán ra rằng tôi đang thông cảm, lắng nghe với tấm lòng chia sẻ. Đợi khi cô Hiền ngồi dậy bên cạnh bạn mình, qua vài câu xã giao trò chuyện chung chung. Lát sau, tôi nhìn vào hai người nói lời an ủi rằng: “Biết vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, cũng đừng buồn và cắn rứt lương tâm mà chướng ngại việc học, quý cô hãy biến tình thương và lòng biết ơn cha mẹ đã chịu khó nhọc nuôi mình ăn học thành sức mạnh tinh thần để học hành thành đạt, đó là lòng biết ơn có trí tuệ nhất.” Hai cô gái cám ơn lời nhắc nhở đó và ghi nhận ý nghĩa ấy bằng thái độ trân trọng.

Con tàu tiếp tục chạy đều đều, tôi cất cuốn sách vào chiếc đãy nhỏ, quay mặt về phía cửa sổ thấy những đám mây bay thấp thoáng vào độ mặt trời sắp lặn, lòng trầm buồn nghĩ ngợi miên man. Trên cuộc đời này biết bao tấm lòng người mẹ chịu khó nhọc và thương con như thế. Hình ảnh bà mẹ miền quê quanh năm làm việc đồng nội đang dành dụm tiền để nuôi con ăn học ở chốn phồn hoa đô thị, cho dù chịu đựng gian khổ, nhưng chỉ ước mong con mình được học hành và khôn lớn giữa đời.

Ôi, tình mẹ bao la! Trong giọt nước mắt người con đang khóc thương mẹ của cô sinh viên chiều nay, tôi cảm nhận được tất cả mọi người đều sống trong ân nghĩa của cuộc đời. Trong sâu kín nỗi lòng, tôi nguyện thầm Chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho cô sinh viên này có nghị lực vượt qua mọi gian khó để học hành thuận lợi như cha mẹ cô và mọi người hằng mong đợi.

Trong kiếp người ngắn ngủi này, vui cho ai trong đời biết thương yêu và biết ơn cha mẹ. Trong bao nhiêu kiếp sống quá khứ và hiện tại, chúng ta đã mang ơn cha mẹ rất nhiều không kể xiết. Thơ ca trong đời hay trong kinh sách Phật đều tán thán công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái rất to lớn khó mà đền đáp trọn vẹn. Trong chốn luân hồi sanh tử, con người ta trải qua bao kiếp sống là bấy nhiêu lần mang ơn cha mẹ. Hơn nữa, mọi người đều đã từng là cha mẹ thân quyến của ta trong nhiều đời kiếp. Dù chúng ta quên đi những bóng dáng người thân yêu đó theo năm tháng trong dòng sanh tu, nhưng định luật nhân quả là sự hiển nhiên diễn biến trong kiếp nhân sinh như thế.

Cho nên, những người xung quanh ta hôm nay, xin đừng quên công ơn họ đối với mình, cũng xin đừng quên trách nhiệm của mình đối với họ. Theo đạo Phật quan niệm, hiếu thuận với cha mẹ là hiếu thuận với tất cả chúng sanh. Nhận thức như thế, thì mỗi người chúng ta đều có nhiều người cha, người mẹ trong đời, xin hãy biết ơn và báo ơn với mọi người để mãi mãi làm người con hiếu thảo giữa đời.