LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 22

 

Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…

Đoạn 7: NÓI VỀ THỨC UỐNG

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các Tỳ-kheo mắc phải chứng bệnh mùa Thu. Đức Phật đến các phòng thấy, khởi ý nghĩ: Người đời dùng tô, dầu, mật, thạch mật để làm thuốc, nay Ta nên cho phép các Tỳ-kheo uống. Do đó, Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng và bảo: Từ nay cho phép các Tỳ-kheo bệnh uống bốn thứ thuốc: Tô, dầu, mật, thạch mật. Các Tỳ-kheo uống tô, mùi khó chịu, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nấu chín, hoặc tự mình nấu, hay nhờ người nấu. Nếu không có tịnh địa thì cho phép nấu nơi phi tịnh địa. Các Tỳ-kheo uống tô bị nôn muốn mửa, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép dùng trái Ha-lê-lặc, A-ma-lặc, hoặc mật hoặc tỏi, hoặc lương khô, các vật thích nghi để thoa vào miệng cho mất mùi.

Có một Tỳ-kheo mắc bệnh nhiệt cần uống tô, các Tỳ-kheo đi xin tô không được mà lại được sữa, bạch Phật. Phật dạy: Nên nhờ tịnh nhân nấu thành tô, nấu chín khiến cho không có mùi thức ăn để thọ thức uống bảy ngày.

Có một Tỳ-kheo mắc bệnh phong cần uống dầu, các Tỳ-kheo đi xin không được mà lại được mè, bạch Phật. Phật dạy: Nên nhờ tịnh nhân nấu thành dầu, làm cho không còn mùi thức ăn để thọ thức uống bảy ngày.

Có một Tỳ-kheo mắc bệnh nhiệt cần uống thạch mật, các Tỳkheo đi xin không được mà lại được mía, bạch Phật. Phật dạy: Nên nhờ tịnh nhân làm thành thạch mật, làm cho mất mùi của thức ăn để thọ thức uống bảy ngày. Các Tỳ-kheo không biết nấu bao lâu thì được, bạch Phật. Phật dạy: Lấy cái muổng múc đổ xuống, nước chảy liên tục không đứt đoạn là được.

Có các Tỳ-kheo mắc bệnh phong cần uống mỡ bò, mỡ lừa, mỡ lạc đà, mỡ cá, các Tỳ-kheo đi xin không được mà được thịt mỡ của bốn loại mỡ đó, bạch Phật. Phật dạy: Nên nhờ tịnh nhân rán để lấy mỡ rồi cô cho kẹo lại. Nếu nấu đúng thời, cô đúng thời, lọc đúng thời và phi thời thọ, không được để cách đêm uống. Nếu nấu đúng thời, cô đúng thời, lọc đúng thời và thời thọ thì được uống bảy ngày.

Có các Tỳ-kheo mắc bệnh mùa Thu nên uống rễ thuốc, bạch Phật. Phật dạy: Tất cả rễ thuốc được phép uống, trái của thuốc cũng như vậy.

Có các Tỳ-kheo mắc bệnh mùa Thu nên uống thảo dược, bạch Phật. Phật dạy: Tất cả các thảo dược cho phép được uống.

Có các Tỳ-kheo mắc bệnh phong cần làm thoát mồ hôi, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm thoát mồ hôi.

Có các Tỳ-kheo mắc bệnh phong nên uống các loại muối trắng đỏ, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép uống.

Có các Tỳ-kheo bị bệnh phong cần hòa hợp nước tiểu với dầu, tro, rượu đắng, dùng thoa nơi thân thể, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép hòa hợp để thoa.

Có các Tỳ-kheo bị bệnh ghẻ lở mụt nhọt, muốn chữa, bạch Phật. Phật dạy: Nên chữa.

Có Tỳ-kheo bị bệnh ung thư cần dùng dao mổ để thoa thuốc, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép.

Có các Tỳ-kheo chân bị đau cần mang giày ủng bằng da gấu, thoa mỡ gấu, lại cần dùng bột gạo, da rắn, mỡ gấu, tô để trong trái khổ qua ngâm nước, bạch Phật. Phật dạy: Đều cho phép. Có Tỳ-kheo mụt nhọt mọc chỗ kín, thầy thuốc dùng dao mổ, Đức Phật đi qua gần phía trước, người thầy thuốc bạch Phật: Cái dao đã đến đại tiện môn, xin Đức Thế Tôn nhìn kỹ. Phật nói: Đó là chỗ khó bảo vệ, nếu khiến cho phàm phu bỏ mạng thì mất lợi lớn. Từ nay không cho phép dùng dao mổ chỗ kín, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá.

Có Tỳ-kheo mắc bệnh thời hành nhiệt. Phật dạy: Nên uống thổ hạ dược, hạng chế thức ăn, tùy theo bệnh mà ăn.

Có Tỳ-kheo nhặm mắt. Phật dạy: Cho phép làm thuốc nhỏ mắt.

Khi ấy, Ly-bà-đa ăn thạch mật phi thời, A-na-luật nói: Đừng nên ăn phi thời, tôi thấy khi làm thạch mật có tán nhỏ gạo bỏ vào. Ly-bà-đa liền sinh nghi, bạch Phật, nhân việc này Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi A-na-luật: Ông thấy làm thạch mật thì tán bột bỏ vào, tại sao người kia làm như vậy? A-na-luật thưa: Phương pháp làm phải như vậy. Đức Phật bằng mọi cách khen ngợi người ít ham muốn, biết vừa đủ, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay, nếu bào chế thuốc phải như vậy thì cho phép uống phi thời.

Lúc ấy, Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thời dược hòa với phi thời dược, nên dùng bao lâu?

Đức Phật dạy: Nên theo thời dược mà dùng không nên theo phi thời dược. Thuốc bảy ngày với thuốc trọn đời cũng như vậy.

Ưu-ba-ly lại hỏi: Phi thời dược hợp với thất nhựt dược, nên dùng bao lâu?

Đáp: Nên dùng theo phi thời dược, không nên để cách đêm mà dùng. Thuốc trọn đời cũng như vậy.

Lại hỏi: Thuốc bảy ngày hiệp với thuốc trọn đời nên dùng bao lâu?

Phật dạy: Nên dùng theo thuốc bảy ngày không nên dùng theo thuốc trọn đời.

Đoạn 8: NÓI VỀ THỨC ĂN

Đức Phật ở nước Ba-la-nại. Bấy giờ, năm Tỳ-kheo đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con nên ăn thức ăn nào? Đức Phật dạy: Cho phép các ông ăn bằng thức ăn khất thực. Lại bạch Phật: Nên dùng cái gì để đựng? Phật dạy: Cho phép dùng bình bát.

Khi ấy, các Tỳ-kheo xin được cơm lúa tám thơm, không dám ăn, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tùy ý thọ thực. Vào lúc này, các Tỳkheo hoặc xin được các loại cơm, hoặc xin được các loại bánh, hoặc xin được các loại lương khô, hoặc xin được các loại đậu mạch chín, hoặc xin được các loại lúa mạch rau, và gạo nếp, hoặc xin được các loại canh, hoặc xin được các loại rượu đắng và nước trái cây, hoặc xin được các loại muối, hoặc xin được các loại thịt, hoặc xin được các loại cá, hoặc xin được các loại sữa lạc, hoặc xin được các loại rau, hoặc xin được các loại rễ cây, ngó sen…, hoặc xin được các loại nhánh mía ngọt… hoặc xin được các loại dừa trái… đều không dám thọ, bạch Phật. Phật dạy: Đều cho phép tùy ý thọ thực.

Đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly. Khi đó, gặp lúc mất mùa đói khát, khất

thực khó được, các Tỳ-kheo đem thức ăn để chỗ khác bị mất, khởi ý niệm: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta cùng ngủ một chỗ với thức ăn thì đâu đến nỗi khổ thế này, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép cùng ngủ một chỗ với thức ăn. Các Tỳ-kheo làm thức ăn ở chỗ khác bị mất, khởi ý niệm: Nếu được Đức Thế Tôn cho phép chúng ta làm thức ăn tại trú xứ thì đâu đến nỗi có cái khổ thế này, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm thức ăn tại trú xứ. Các Tỳ-kheo nhờ người làm thức ăn phải trả tiền, phải cho thức ăn mà họ còn ăn cắp, khởi ý niệm: Nếu được Đức Phật cho phép chúng ta tự làm thức ăn thì có thể khỏi phí tổn này, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tự làm thức ăn. Các Tỳ-kheo đã tự làm thức ăn, cần người để trao, họ lại đòi trả tiền, khởi ý niệm: Nếu được Đức Phật cho phép chúng ta tự đem thức ăn đến không phải nhờ người trao thì có thể khỏi cái phí tổn này, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tự đem thức ăn đến không cần khiến người trao. Các Tỳ-kheo đặng trái cây, không có người trao, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tưởng như cây mà lấy ăn. Các Tỳkheo nhận được trái trong ao, không có người trao, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép đến nơi ao nước mà thọ. Các Tỳ-kheo muốn ăn trái, không có tịnh nhân để khiến tác tịnh, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép trước hết loại bỏ các hạt rồi sau ăn.

Đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly. Lúc này, Đức Thế Tôn bị bệnh gió, Tôn giả A-nan tự nấu thuốc, cháo dâng lên Đức Phật. Đức Phật hỏi: Ai nấu thuốc đây? Đáp: Bạch Thế Tôn, con nấu. Đức Phật bảo A-nan: Trước đây ta cho phép Tỳ-kheo cùng ngủ với thức ăn trong trú xứ, làm thức ăn, tự làm thức ăn, tự đem đến người thọ, nay các ông còn áp dụng các pháp như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Còn dùng. Đức Phật dạy: Việc làm của các ông là phi pháp. Trước đây vì thiếu thức ăn ta cho phép, tại sao nay vẫn còn dùng pháp ấy? Từ nay nếu ai vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ, hỏi Tôn giả A-nan: Trước đây Ta cho phép các Tỳ-kheo tưởng như cây để lấy trái cây, đến ao nước lấy trái của ao, không có tịnh nhân làm tịnh quả, bỏ hạt rồi ăn, nay các ông còn áp dụng pháp đó hay không? Đáp: Bạch Thế tôn, còn dùng. Đức Phật dạy: Các ông làm điều phi pháp, trước đây vì lúc thiếu thức ăn Ta cho phép, tại sao nay vẫn còn dùng pháp này?! Từ nay, ai phạm thì phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có người Ưu-bà-di tự là Tu-tỳ, kính tin Phật pháp, thấy pháp đắc quả, quy y Tam bảo, thường thỉnh tất cả

Tăng, cung cấp thuốc thang. Sau thời gian, người ấy đến Tăng phường thấy một Tỳ-kheo uống thuốc thổ hạ, hỏi: Nay Đại đức cần gì? Vị ấy nói: Tôi uống thuốc thổ hạ bị kiệt sức, nghĩ muốn ăn thịt. Người Ưu-bàdi nói: Thưa Đại đưc, sáng mai sẽ đưa đến, xin Đại đức nhận cho con. Người ấy về nhà, sáng ngày mai người cầm tiền đi mua thịt. Ngày ấy, Vua Ba-tư-nặc ra lệnh: Nếu ai giết thú vật sẽ bị trọng tội. Chẳng tìm đâu ra thịt để mua, người ấy trở về báo lại. Bà lại sai người cầm tiền đi tìm khắp nơi để mua, bà nói: “Đừng kể chi giá cả, đắt mấy cũng mua”. Cũng vẫn mua không được. Ưu-bà-di khởi ý niệm: Hôm qua ta đã hứa, nếu không có, vị Đại đức có thể bị bỏ mạng! Bà liền cầm dao vào trong nhà tự xẻo thịt nơi bắp vế, đưa cho đứa ở nấu đem đến cho Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận được, bèn ăn bệnh được lành. Khi người chồng về, không thấy vợ liền hỏi: Tu-tỳ đâu? Người trong nhà nói: Bệnh, ở trong nhà. Người chồng liền vào hỏi: Mình bệnh gì? Người vợ trình bày sự việc. Người chồng nói: Sợ bệnh tình này mình không qua khỏi, không lâu nữa sẽ chết, nên thỉnh Phật và Tăng mai thọ trai. Người vợ nói: Tốt lắm! Vợ bảo chồng tới thỉnh Phật và Tăng. Đến chỗ Phật, ông ta đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật: Nguyện Phật và Tăng hạ cố, trưa mai con xin được cúng dường, Đức Phật nhận lời bằng sự im lặng, ông ta về, suốt đêm lo chuẩn bị nhiều thức ăn ngon bổ, sáng ngày trải tòa, bảo người đến bạch Phật: Thỉnh Phật và Tăng phó trai. Phật cùng chúng Tăng kẻ trước, người sau vây quanh đến gia chủ, tựu tòa an tọa. Ông chồng tự mình dâng nước rửa, Đức Phật không thọ, nói: Bảo Ưu-bà-di Tu-tỳ ra đây. Ông chồng liền sai người vào nói: Đức Thế Tôn gọi bà. Bà trả lời: Có thể nhân danh ta thăm hỏi Đức Thế Tôn, vì bệnh ta không thể ra hầu Ngài được. Được người đại diện thưa như thế, nhưng Đức Phật vẫn cho gọi lại đến lần thứ ba, người nhà phải khiêng bà đến chỗ Đức Phật. Khi thấy Đức Thế Tôn thì chỗ thương tích của bà bỗng nhiên tiêu mất, da thịt kéo liền như trước. Bà sinh tâm hy hữu: Ta có được bậc Đại sư và các đồng phạm hạnh như vậy! Bà sung sướng vô cùng, tự tay dâng thức ăn. Phật và Tăng thọ trai xong, bà dâng nước, rồi lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Đức Phật. Đức Phật vì bà giảng nói kệ tùy hỷ, như đã nói cho Tỳ-lan-nhã. Đức Phật lại nói các pháp diệu, chỉ bày sự lợi ích vui vẻ, rồi trở về chỗ ở. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi vị Tỳ-kheo kia: Vừa rồi ông ăn thứ gì? Vị ấy thưa: Con ăn thịt. Đức Phật lại hỏi: Thịt có ngon không? Thưa: Ngon. Đức Phật dạy: Ông là người ngu si, tại sao không hỏi mà ăn thịt người! Từ nay ăn thịt mà không hỏi, phạm Đột-kiết-la. Nếu ăn thịt người, phạm Thâu-lan-giá.

Có các Tỳ-kheo ăn thịt voi. Khi voi của Ba-tư-nặc chết liền đưa đến các quỷ thần, nhưng do các Tỳ-kheo ăn thịt voi nên khi giết các con voi, Tỳ-kheo khiến các tịnh nhân lấy thịt đem về. Các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Sa-môn Thích tử này không thịt gì mà họ không ăn, còn hơn là diều hâu, tại sao ăn nuốt đồ bất tịnh này, hôi thối mà lại đến nhà ta? Thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Thế Tôn: Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay ăn thịt voi phạm Đột-kiết-la, ăn thịt ngựa cũng như vậy. Các Tỳ-kheo ăn thịt sư tử, thịt cọp, thịt beo, thịt gấu, các loài thú nghe hơi bèn đến giết Tỳ-kheo. Các Cư sĩ thấy, hỏi tại sao như vậy? Có người nói: Do ăn thịt đồng loại của chúng nó. Cư sĩ chê trách… cho đến câu… bảo các Tỳ-kheo. Từ nay ăn thịt bốn loài này, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo ăn thịt chó, các con chó nghe mùi, chạy theo sau sủa. Các Cư sĩ thấy vậy hỏi: Tại sao chó lại chỉ chạy theo Tỳ-kheo sủa? Có người nói: Do ăn thịt chó. Họ bèn quở trách… cho đến câu, bảo các Tỳ-kheo (cũng như trên). Từ nay ăn thịt chó phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo ăn thịt rắn, các Cư sĩ chê trách. Long vương Thiện Tự Tại hóa làm thân người đến chỗ Đức Phật, cúi đầu bạch: Các Long vương của con có Đại thần lực, hiện nhiều hình sắc du hành trong nhân gian, nay các Tỳ-kheo ăn thịt rắn, hoặc có thể là rồng làm tổn thương Tỳ-kheo, cúi xin Đức Phật cấm đừng cho các Tỳ-kheo ăn thịt rắn. Đức Phật vì Long vương nói các pháp diệu chỉ vẽ sự lợi ích vui vẻ rồi bảo về chỗ ở. Nhân việc này, Phật tập hợp các Tỳ-kheo, đem lời của Long vương Thiện Tự Tại, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay ăn thịt rắn, phạm Đột-kiết-la.

Đức Phật ở tại Vương-xá. Lúc ấy, có Trưởng giả thỉnh Phật và Tăng. Các Tỳ-kheo Trưởng lão hỏi Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người thỉnh Tăng thì nên thỉnh ai? Đức Phật dạy: Nếu người nào là bậc chánh thú, chánh hướng đều được thỉnh. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Như những vị trong bốn phương này và trên cõi trời không chỗ nào là không có, chúng ta bị phạm tội ăn biệt chúng ư? Do đó, không dám phó trai, bạch Phật. Phật dạy: Nếu ở trong một cương giới mà thỉnh riêng bốn vị trở lên gọi là ăn biệt chúng, nếu theo thứ tự thỉnh thì không phạm. Có các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Các Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cũng ở trong cương giới thì có phạm tội ăn biệt chúng không? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nếu thỉnh Tăng thì hai chúng thọ thực, tức Tỳ-kheo và Sa-di, nếu thỉnh hai bộ Tăng thì năm chúng thọ thực, tức Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, và Sa-di-ni. Có các Tỳ-kheo phàm phu tọa thiền sinh ý nghĩ: Như Đức Thế Tôn dạy: Nếu thỉnh Tăng thì người chánh thú, chánh hướng đều được thỉnh, nay ta phàm phu chưa phải là chánh thú, chánh hướng, không có thức ăn, không cho lấy thức ăn sao? Bạch Phật, Phật hỏi các Tỳ-kheo kia: Các ông không vì giải thoát mà xuất gia hay sao? Các Tỳ-kheo phàm phu thưa: Chúng con vì giải thoát. Đức Phật dạy: Nếu khi thỉnh Tăng Thánh nhân, người tọa thiền đều nên thọ thực.

Có các Tỳ-kheo phàm phu tụng kinh sinh ý niệm: Chúng ta không phải là người tọa thiền, cũng như trên, sinh nghi, bạch Phật. Phật dạy: Người tụng kinh cũng được thọ trai. Có các Tỳ-kheo giúp việc cho chúng khởi ý niệm: Chúng ta chẳng phải người ngồi thiền, tụng kinh, cũng như trên sinh nghi, bạch Phật. Phật dạy: Người giúp việc cho chúng Tăng cũng được thọ trai. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu khi thỉnh Tăng, trừ người giới ac, ngoài ra tất cả Tăng đều được thọ trai.

Đức Phật du hóa nơi ấp A-na-tân-đầu. Tại ấp ấy, có một vị Đại thần, tên là Hảo-thiểu, thỉnh Phật và Tăng thọ trai, chuẩn bị các thức ăn ngon bổ, sáng ngày đến giờ thọ trai, trải tòa ngồi bạch: Thức ăn đã sửa soạn xong, xin quý Thánh tri thời. Lúc này, các Tỳ-kheo lại thọ thức ăn của người khác trước và ăn đã no. Đức Phật cùng đại Tăng, kẻ trước người sau, đến nơi gia chủ, an tọa nơi tòa. Đại thần Hảo-thiểu tự tay sớt thức ăn, song các Tỳ-kheo đều không thể ăn. Đại thần thưa: Tại sao quý thầy không dùng một cách thoải mái mà chứng ít như vậy, hay là thức ăn không hợp khẩu vị? Các Tỳ-kheo trả lời: Chẳng phải thức ăn không hợp khẩu vị, mà cũng không phải ăn ít. Sáng nay đã ăn no rồi, nên không thể ăn được. Vị Đại thần ấy liền tức giận nói: Tại sao đã nhận lời mời nơi tôi lại đến chỗ khác ăn cho no. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nếu đã nhận sự mời thỉnh của người nào thì buổi sáng chỉ cho phép dùng cháo lỏng (cháo lỏng là cháo lấy cộng cỏ vẽ ngang không còn nguyên nét). Nếu nhận được cháo đặc và thức ăn thì nên nói với người chủ: Tôi đã thọ thỉnh rồi, nên mời vị khác.

Bấy giờ, Đức Phật cùng Đại Tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị đầy đủ du hành từ Vương-xá đến Tỳ-xá-ly, khoảng giữa hai nước có thành Vương-xá. Trưởng giả tên là Tượng-hành, hướng dẫn năm trăm cỗ xe từ Tỳ-xá-ly đi đến, từ xa thấy Đức Thế Tôn, dung mạo đặc biệt, giống như núi vàng, phát tâm hoan hỷ, tiến đến trước Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Con có một ít đường cục muốn dâng cúng Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Trưởng giả liền dâng cúng, các Tỳ-kheo không dám thọ, bạch Phật, Phật khen ngợi sự thiểu dục, tri túc, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép các Tỳ-kheo dùng để ăn khi đói, khi khát, hòa với nước mà uống. Trưởng giả kia dùng một bình thạch mật đem dâng cúng khắp cả Phật và đại chúng, nhưng vẫn không hết, bạch Phật: Con dùng một bình thạch mật dâng cúng khắp trong đại chúng, mà vẫn còn dư, nên cho ai? Đức Phật dạy: Ông có thể đem bỏ chỗ đất không có cỏ tươi, hoặc trong nước không có trùng. Ông Trưởng giả liền vâng lời dạy đem đổ trong nước không có trùng, nước liền sôi lên tạo thành tiếng động, như sắt nóng bỏ vào nước. Trưởng giả hoảng hồn, trở lại bạch Phật. Đức Phật vì ông nói các pháp diệu, chỉ vẽ những điều lợi ích, hoan hỷ như: Việc bố thí, việc trì giới, việc sinh thiên và nói dục là tai họa, tại gia là bận buộc, xuất gia là không đắm nhiễm, kế đến nói thường pháp của chư Phật là khổ, tập, tận, đạo. Từ nơi chỗ ngồi, ông Trưởng giả liền xa trần, lìa cấu, đối với các pháp đạt mắt pháp trong sạch. Đức Phật lại tiếp tục hành trình, gặp một người thợ nổi tiếng, có một người con gái rành nghề nấu canh, mời Phật và Tăng thuần dùng thứ canh này sau khi ăn. Các Tỳ-kheo không dám nhận, nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi dùng thứ canh này, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép dùng làm thức ăn sau theo ý muốn.

Đức Phật tuần tự du hóa đến Tỳ-xá-ly, trú tại giảng đường Trùng các bên bờ sông Di hầu. Có một tướng quân tên là Sư Tử, đệ tử của Nikiền, nghe Đức Thế Tôn du hóa đến nơi thành này, có danh xưng lớn khen ngợi Ngài, là hiệu Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Ông ta hoan hỷ nói: Lành thay và nguyện được yết kiến cùng thỉnh mời một vị Phật như vậy. Tướng quân liền sửa soạn xa giá để xuất hành. Từ xa, thấy được Đức Thế Tôn, nhan mạo đặc biệt, giống như núi vàng, liền đến trước mặt, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì ông nói các phép mầu… cho đến nói khổ, tập, tận, đạo. Từ chỗ ngồi, ông được mắt pháp trong sạch, liền đứng dậy, chấp tay, quỳ gối bạch: Nguyện Phật và Tăng sáng mai hạ cố đến nhà con thọ bữa cơm đạm bạc. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Tướng quân biết Đức Phật nhận lời rồi, bèn trở về nhà, sai người ra chợ mua, với lời dặn: Tất cả số thịt đã làm rồi, đắt mấy cũng mua hết. Vâng , bao nhiêu thịt ở chợ đều mua sạch. Suốt đêm làm các thức ăn ngon bổ, sáng sớm, trải tòa, tướng quân đích thân đến bạch Phật: Thức ăn đã sửa soạn xong, xin Ngài tri thời. Đức Phật cùng Tỳ-kheo Tăng, kẻ trước người sau vây quanh đến gia chủ, an tọa nơi tòa. Tướng quân tự tay sớt thức ăn một cách hoan hỷ, chăm chú. Khi ấy, các Ni-kiền nghe tướng quân Sư Tử thỉnh Phật và Tăng, cúng dường rất thịnh soạn, sinh lòng ganh ghét, liền đến nơi ngả tư đường hẻm đem hết sức mình công bố: Tướng quân Sư Tử phản thầy không còn tình nghĩa gì cả, nay trở lại phụng sự Sa-môn Cù-đàm, tự tay giết trâu, dê để cúng dường. Các Tỳ-kheo nghe, không dám ăn. Tướng quân Sư Tử quỳ gối bạch Phật: Các Ni-kiền này lúc nào cũng hủy báng Phật. Nay con cho đến trọn đời không bao giờ cố ý sát hại, cúi xin Tỳ-kheo chớ sinh hiềm nghi, cứ thọ thực đầy đủ. Đức Phật liền bảo các Tỳ-kheo: Tùy ý ăn cho no đủ. Thọ trai và uống nước xong, tướng quân lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi phía trước, Đức Phật vì ông nói kệ tùy hỷ như trước, rồi từ tòa ra về. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Có ba loại thịt không ăn được: hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghi. Thấy là tự mình thấy, họ vì mình mà giết. Nghe là nghe từ người đáng tin cậy nói, họ vì mình mà giết. Nghi là nghi họ vì mình mà giết. Nếu không thấy, không nghe, không nghi tức là tịnh nhục cho phép tùy ý thọ thực. Nếu vì Tỳ-kheo giết, Tỳ-kheo, Sa-di không nên ăn, nhưng cho phép Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sadi-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di ăn. Nếu vì Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di giết cũng như vậy.

Khi ấy, dân chúng các nước Ma-kiệt, Ương-già, Ca-di, Câu Tát La, Bạt-kỳ, Mãn-la, Tô-ma nghe Đức Phật ra đời, có đại oai đức, đệ tử cũng vậy, đều tụ hơp tại thành Tỳ-xá-ly. Trong thành nhà nhà, người người đều dùng xe ngựa bảy báu để nghinh đón khách, đầy nghẹt cả thành phố. Ngoài ra còn có một vạn hai ngàn chiếc xe, trong thành không thể chứa hết, phải để ngoài thành. Mọi người tranh nhau mang thức ăn thời thực, phi thời thực, thất nhật thực, chung thân thực đến dâng cúng Phật và Tăng, tập trung chất thành đống lớn ngoài sân, dọc ngang bừa bãi, đất bụi nhơ nhớp, chim chóc tập trung lại để ăn. Đức Thế Tôn tuần tra các phòng thấy, xoay lại hỏi Tôn giả A-nan: Tại sao có những thức ăn bỏ trong sân? Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ sự việc: Vì không có chỗ để nên mới đưa đến tình trạng như vậy. Đức Phật khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép dùng một nơi trong phòng, bạch nhị Yết-ma làm tịnh xứ để để thức ăn. Một Tỳkheo xương:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay dùng cái phòng… làm chỗ tịnh để thức ăn cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay dùng cái phòng… làm chỗ tịnh để để thức ăn cho Tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã chấp thuận dùng căn phòng… làm chỗ tịnh để để thức ăn cho Tăng rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Sau khi Tăng dùng hết, các Tỳ-kheo sử dụng phòng ấy nấu canh, nấu cháo, sắc thuốc, trước bữa ăn, sau bữa ăn, đầu đêm, giữa đêm, sau đêm, có cả tiếng chó sủa, nam nữ, dao, ghế. Đức Phật hỏi Tôn giả Anan: Tại sao trong phòng lại có các tiếng như thế? Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách: Tại sao trong phòng Tăng, chỗ tịnh để thức ăn lại sắc thuốc, từ nay vị nào phạm thì phạm Đột-kiết-la.

Đức Phật nơi thành Vương-xá. Các Tỳ-kheo mắc chứng bệnh mùa Thu, cần hòa hợp thuốc thang tùy theo chứng bệnh nên thời hay phi thời đều vào trong xóm làng, gặp phải nước, lửa, giặc cướp, xảy ra nạn y bát, nạn phạm hạnh, nạn thân mạng. Có một người thợ dệt, giữa lộ trình cất nhà để dệt, thấy các Tỳ-kheo vào xóm làng đúng thời và phi thời, bèn nói: Nếu có cần làm thì có thể làm nơi đây, muốn có chỗ lưu lại thì có thể lưu lại nơi đây. Các Tỳ-kheo không dám, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm tịnh thất nơi nhà bạch y. Các vị làm ồn ào, gây phiền cho người chủ, trở ngại việc dệt của người thợ kia. Người thợ dệt nghĩ: Ta vốn vì vấn đề dệt nên làm cái nhà này, nay đã không dệt được, lại thành chỗ cúng cho Tăng làm tịnh thất, nên liền cúng cho Tăng. Các Tỳ-kheo coi đó là nhà của Tăng, không dám làm thức ăn hay đun thuốc, hòa thuốc ở đấy, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm thức ăn ở trong tịnh thất của Tăng. Có các Tỳ-kheo mới làm trú xứ, chưa có tịnh thất của Tăng, không biết nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu làm trú xứ mới, trước hết nên chỉ chỗ nào đó, làm tịnh địa, thì có thể để thức ăn nơi ấy. Nếu chưa Yết-ma, Tỳ-kheo không được vào trong đó, cho đến khi tướng mặt trời xuất hiện.

Có một trú xứ các Tỳ-kheo bỏ đi lâu rồi, Tỳ-kheo đến sau, không biết nơi nào là tịnh thất, bạch Phật. Phật dạy: Nếu bỏ không mười hai năm, cho phép các Tỳ-kheo tùy ý làm tịnh thất lại.

Có một trú xứ không có tịnh thất của Tăng, lại chưa đủ mười hai năm, Tỳ-kheo đến sau không biết làm tịnh địa chỗ nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu chỗ nào không ai đi đến và chỗ không cần dùng việc gì thì nên tạm dùng làm tịnh xứ. Có các Tỳ-kheo làm thức ăn trong tịnh thất bị người lấy trộm, bạch Phật. Phật dạy: Nên tác Yết-ma lấy phòng giữa làm tịnh xứ.

Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma bên trong tường ngăn một phòng làm tịnh địa, bạch Phật, Phật cho phép. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma một phòng ngang bằng với cái thất, lưu lại một chỗ làm tịnh địa, bạch Phật, Phật cho phép. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma trong sân làm tịnh địa, bạch Phật, Phật cho phép. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma một góc phòng hoặc nửa phòng làm tịnh địa, bạch Phật, Phật cho phép. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma nơi cái giá, cái ghế làm tịnh xứ để thức ăn, bạch Phật, Phật không cho phép. Chủ yếu là phải nương nơi đấy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma tầng trên của thất làm tịnh xứ, bạch Phật, Phật không cho phép, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma từ tầng gác của thất trở xuống kiết làm tịnh xứ, bạch Phật, Phật cho phép. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma trên chiếc xe làm tịnh xứ, bạch Phật, Phật không cho phép, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo muốn tác Yết-ma trong Tăng phường làm chung tịnh địa, bạch Phật, Phật cho phép. Nên bạch nhị Yết-ma, một Tỳ-kheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Một trú xứ này, cùng ở, cùng Bố-tát, cùng nhận phẩm vật cúng dường. Nay Tăng kiết làm tịnh địa, trừ chỗ (nào đó) nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Một trú xứ này… cho đến, trừ chỗ (nào đó). Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã kiết làm tịnh địa rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, nơi thành Bạt-đề có Trưởng giả tên là Văn Trà, có phước đức lớn, tất cả vợ con, con dâu và đầy tớ đều có phước đức. Khi Trưởng giả vào nơi kho (bồ), trong không trung mưa lúa rơi xuống, Trưởng giả ra mới hết rơi. Người vợ lấy bồn cơm để phân bố trong ngoài, lấy bao nhiêu đầy bấy nhiêu không có cùng tận. Người con cầm đãy vàng trút ra thì tiền vàng chảy ra không ngớt. Vợ của con lấy một hộc gạo để bên nội, bên ngoại ăn một tháng mà cũng không hết. Người trai cày khi cày đất thì liền thành bảy khoảnh. Đứa tớ gái xay bảy lượng hương xoa để thoa bên nội, bên ngoại của gia đình cũng không giảm hết. Người bốn phương nghe, không ai là không tò mò tới xem. Vua Bình-sa nghe cũng muốn đến xem. Không thông báo, đột xuất cùng quyến thuộc đến nhà Trưởng giả ấy! Ông Trưởng giả nghe Vua tới, vội nghinh đón, thấy Vua liền vấn an: Lành thay Đại vương! May mắn thay được Đại vương hạ cố! Nhà Vua hỏi: Ngươi có nghe tin trước ta đến không? Đáp: Tâu Đại vương, không nghe. Nhà Vua nói: Binh mã của ta đông như thế này nhà ngươi khó có thể phục vụ hết được. Ông Trưởng giả tâu: Con có thể phục vụ được, chính con sẽ phục vụ nhà Vua và các Đại thần, con của con sẽ phục vụ thái tử, vợ của con phục vụ hậu cung, nô tỳ của con phục vụ cho tất cả binh sĩ, lúa và cỏ cũng đủ để cho voi, ngựa ăn, xin Đại vương cứ giáng lâm. Nhà Vua vào nhà ngồi rồi, nói: Ta nghe ông Trưởng giả cùng tất cả vợ con và vợ của con cũng như tôi tớ đều có phước đức, nay ta muốn thấy những đều đó. Ông Trưởng giả tâu: Con không dám che giấu. Trưởng giả ra lệnh, trừ trong kho gạo, rưới nước quét xung quanh rồi trải tòa mời Vua vào nhà ngự tọa. Sau đó Trưởng giả vào kho, tự nhiên năm loại thóc từ không trung rơi xuống. Nhà Vua lấy làm lạ khen. Nhà Vua lại muốn thấy sức mạnh phước đức của vợ ông Trưởng giả. Ông Trưởng giả liền lấy một cái đồ đựng cơm để trước người vợ, người vợ liền lấy để phân bố tất cả binh lính, đều được no đủ, cũng không giảm hết. Nhà Vua lại muốn thấy sức mạnh về phước đức của con ông Trưởng giả. Ông Trưởng giả liền bảo con cầm cái đãy bằng vàng trút vàng ra để dâng cho Vua và đại chúng, mọi người đều tùy ý lấy cũng vẫn không hết. Nhà Vua lại muốn thấy phước đức của người dâu. Ông Trưởng giả liền ra lệnh lấy một hộc gạo để cung cấp cho nhà Vua và đại chúng một tháng mà không hết. Nhà Vua lại muốn thấy phước đức của đứa ở. Ông Trưởng giả ra lệnh, cày liền thành bảy khoảnh. Nhà Vua lại muốn thấy phước đức của đứa tớ gái. Ông Trưởng giả liền ra lệnh xay nửa lượng hương xoa để thoa cho số người trong nửa do-tuần, cũng vẫn không hết. Nhà Vua cùng đại chúng thấy phước đức như vậy đều khen ngợi hết lời, rồi trở về cung.

Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng Đại Tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị đầy đủ, du hành nơi nhân gian, đến thành Bạt-đề. Trưởng giả Văn Trà nghe Đức Phật Thế Tôn nay đến nơi đây, ở nơi cội cây Võng lâm, muốn đến cung nghinh lễ bái, thăm hỏi. Các ngoại đạo nghe liền đến nói: Ông không nên tới cung nghinh Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm nên đến yết kiến ông. Tại sao vậy? Ông phước đức hơn người, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Quốc vương, Trưởng giả có ai lại không đến cửa ngõ nhà ông. Trưởng giả nghe như vậy rồi, bèn thay đổi ý kiến, sau đó lại nghĩ: Sa-môn Cù-đàm đến đây đã lâu, không yết kiến ta, đạo của Ngài chắc hơn ta, đâu có lý do gì mà ta ngồi yên, không đến kính lễ người? Trưởng giả liền sửa soạn xe cộ để đến. Từ xa trông thấy dung mạo của Đức Thế Tôn thù đặc, giống như núi vàng, liền đến trước Đức

Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Đức Phật vì ông nói các pháp nhiệm mầu… cho đến khổ, tập, tận, đạo. Từ chỗ ngồi, ông liền đắc mắt pháp trong sạch, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật: Con xin thỉnh Phật và Tăng thọ trai vào ngày mai. Đức Phật nhận lời bằng sự im lặng. Trưởng giả về nhà sửa soạn nhiều thức ăn ngon bổ, sáng ngày, khi làm thức ăn xong, đích thân đến bạch Phật: Cúi xin Ngài tri thời. Đức Phật cùng Tỳ-kheo Tăng kẻ trước người sau vây quanh đến nhà thí chủ, an tọa nơi tòa. Ông Trưởng giả tự tay sớt thức ăn, ăn xong dâng nước, rồi cùng với kẻ lớn người nhỏ trong gia đình đến ngồi trước Phật, Phật vì họ nói các pháp diệu… cho đến câu khổ, tập, tận, đạo. Họ đều đạt mắt pháp trong sạch, thọ ba quy y, năm giới.

Ông Trưởng giả bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Vợ và con của con, con dâu, cũng như tôi tớ, đều có phước đức, vậy phước đức này đến là do sức phước của ai? Xin Đức Phật dạy cho.

Đức Phật dạy: Các ngươi cùng có phước đức này.

Ông Trưởng giả lại hỏi: Tại sao lại cùng có?

Đức Phật dạy: Xưa kia tại thành Vương-xá có một người thợ dệt, có vợ, vợ có một người con trai, đứa con trai lại cũng có vợ, gia đình có một đứa ở và một đứa tớ gái. Trong một bữa cơm cùng ăn, có một vị Phật-bích-chi đến khất thực. Người thợ dệt nói: Các ngươi cứ ăn, lấy phần ăn của ta cúng cho sư. Người vợ nói: Lấy phần của tôi để cho. Người con cho đến đứa tớ gái cũng đều nói như vậy. Đức Phật Bích Chi nói: Quý vị đều nhịn phần của mình để cho tôi, tâm thiện đầy đủ, vậy mỗi người có thể sớt một ít cho tôi, khiến quý vị không thiếu mà tôi cũng được no. Mỗi người đều lấy một muổng thức ăn của mình để vào bát của Phật-bích-chi, đầy bát, Phật-bích-chi nhận được thức ăn, ăn rồi, ở trong hư không hiện các thứ thần biến, sau đó Đức Phật ra đi. Gia đình ấy sau khi mạng chung sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương, đời sống hết, sinh nơi trời Đao Lợi lần lượt sinh đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại, bảy phen như vậy, dư phước mới sinh lại cõi này, quyến thuộc của người thợ dệt bấy giờ, nay là các ngươi.

Lúc ấy, ông Trưởng giả, trước mặt Đức Phật, thỉnh Tăng: Nay con xin được thỉnh tất cả Tăng để cúng theo nhu cầu vô hạn, nếu cần dùng thứ gì, tùy thời, nhiều hay ít cứ đến nơi nhà con nhận. Các Tỳkheo không dám thọ, nghĩ là Đức Phật chưa cho phép chúng ta nhận vật cúng dường không có mức lượng, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tùy ý nhận.

Có các Tỳ-kheo muốn đi xa đến xin lương thực đi đường, Trưởng giả liền sai người đem biếu vàng, bạc, tiền, phẩm vật tiễn đưa. Chuyến đi đã hoàn tất mà lương thực còn dư nhiều, sai người đem trả lại, nói: Lương thực đi đường nay còn dư nhiều xin hoàn trả lại. Ông Trưởng giả nói: Con đã cúng dường, không nên trả lại, thầy cứ đem về Tăng phường để cúng cho Tăng. Sứ giả đem cúng cho Tăng, các Tỳ-kheo không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tịnh nhân của Tăng vì Tăng nhận, đổi lấy vật Tăng cần dùng, các Tỳ-kheo không nên biết đến việc này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ Võng lâm du hành trong nhân gian, Trưởng giả Văn-trà chở đầy thức ăn theo sau, dự tính đến chỗ hoang vắng, chỗ không người, sẽ dâng cúng một ngàn hai trăm năm mươi thớt voi, một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái, một ngàn hai trăm năm mươi con bò đực, người áp tải năm trăm cỗ xe, với các thức ăn ngon bổ. Khi đến nơi hoang vắng, thuần khiết, dừng lại để nghỉ, suốt đêm sửa soạn thức ăn, sáng sớm, dưới mỗi bóng mát của một thớt voi, trải tòa cho một Tỳ-kheo ngồi. Bóng mát của con voi chúa lớn nhất, trải tòa thỉnh Đức Thế Tôn ngồi. Đến giờ mời Phật và Tăng thọ trai, các Tỳkheo không dám ngồi, nghĩ: Đức Phật chưa cho phép chúng ta ngồi dưới bóng mát của chúng sinh, bạch Phật, Phật cho phép ngồi. Đại chúng ổn định chỗ ngồi xong, trước hết ông Trưởng giả cho người vắt sữa một con bò, cúng cho một Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không dám thọ, nghĩ: Đức Phật chưa cho phép chúng ta uống sữa còn nóng của bò, bạch Phật, Phật cho phép uống. Uống rồi, ông Trưởng giả tự tay dâng thức ăn, ăn rồi dâng nước rửa, dâng nước rửa xong, ngồi trước Đức Phật, Phật vì Trưởng giả nói kệ tùy hỷ, như đã nói cho Tỳ-lan-nhã, lại vì ông nói các pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích, vui vẻ. Sau đó, Trưởng giả trở về lại nhà.

Đức Phật cùng đại chúng từ tòa đứng dậy, tuần tự về phía Bắc, hướng đến trú xứ của ngoại đạo bện tóc Kế-na, Kế-na nghe Đức Phật từ dòng họ Thích xuất gia thành bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, chiều này sẽ đến, tác ý niệm như vầy: Đời quá khứ các vị Tiên tu phạm hạnh, sau giữa ngày không ăn, mà uống các thứ nước phi thời, như nước trái Am-bà, nước trái Diêm-bà, nước trái Châu-đà, nước trái Ba-lâu, nước trái Bồ-đào, nước trái Câu-la, nước Cam-giá, nước mật, Sa-môn Cù-đàm cũng nên dùng thứ này, ta phải chuẩn bị thết đãi. Sửa soạn xong, cùng năm trăm đệ tử ra nghinh đón Đức Thế Tôn. Từ xa trông thấy dung mạo của Đức Thế Tôn thù đặc giống như núi vàng, càng sinh hoan hỷ đến trước Đức Phật đứng yên, kính cẩn chào: Lành thay, Đức Cù-đàm đến đây! Mời Ngài hạ cố vào nhà tôi ngồi. Đức Phật cùng các Tỳ-kheo vào nhà theo thứ tự an tọa. Phạm chí đem nước phi thời dâng cúng, các Tỳ-kheo không dám thọ, nghĩ: Đức Phật chưa cho phép chúng ta uống nước phi thời, bạch Phật, Phật cho phép uống. Các Tỳ-kheo lại bạch Phật: Do nhân duyên gì mà được uống? Phật dạy: Khát nên được uống. Phạm chí lại khởi ý nghĩ: Nay ta nên vì các Samôn Cù-đàm chuẩn bị thức ăn của người Tiên để cúng dường vào ngày mai, như cơm gạo không có nhựa, gạo tẻ, gạo có chất đắng, gạo Tú, gạo Câu lưu. Sáng ngày sửa soạn xong, thỉnh Phật và đại chúng đến phó trai, tất cả an tọa nơi tòa, Phạm chí tự tay sớt thức ăn. Các Tỳ-kheo không dám thọ thực, nghĩ: Đức Phật chưa cho phép ăn thức ăn của tiên nhân. Bạch Phật, Phật cho phép dùng. Ăn xong rửa tay rồi, Phạm chí lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi trước Đức Phật. Đức Phật nói kệ tùy hỷ, như đã nói ở Tỳ-lan-nhã. Phật lại vì Phạm chí nói các pháp nhiệm mầu, chỉ vẽ sự lợi ích, vui vẻ rồi, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy hướng về thôn xóm A-mâu. Khi ấy, nơi xóm này có cha con người thợ hớt tóc xuất gia, nghe Đức Thế Tôn sắp đến, liền bàn tính: Nơi đây các Cư sĩ không kính Tam bảo, nếu Đức Phật tới đây, chắc không ai cúng cháo, cha con mình nên cùng nhau đi hớt tóc để lấy tiền làm việc đó. Bàn tính xong liền thực hiện và có đủ tài vật để bày biện cúng cháo. Sáng sớm thỉnh Phật và Tăng… sau khi Tăng ăn rồi, Đức Phật hỏi hai Tỳ-kheo: Tại sao hai vị có phương tiện để cúng cháo này? Hai Tỳ-kheo (cha con người thợ hớt tóc) đem sự thật bạch Phật. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Hai ông làm việc phi pháp, tại sao làm việc cúp tóc thuê cho bạch y. Từ nay, nếu thợ hớt tóc xuất gia, không cho phép chứa cất dụng cụ hớt tóc, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Trên lộ trình đến ấp Ba tuần, các lực sĩ nơi ấp này nghe Đức Phật sắp tới, liền cùng nhau nghị bàn: Nếu ai không ra nghinh đón Đức Phật sẽ bị phạt năm trăm kim tiền, nên tất cả lớn nhỏ đều ra nghinh đón Đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì họ nói các pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích, họ vui mừng rồi, liền thỉnh Phật và Tăng hạ An cư bốn tháng. Đức Phật nhận lời bằng sự im lặng. Các lực sĩ biết Đức Phật nhận lời rồi, hoặc một người sắm sửa thức ăn một ngày, hay hai ngày, cho đến mười ngày, hoặc hai người cùng sắm sửa thức ăn một ngày, cho đến mười người cùng sắm sửa thức ăn một ngày, hoặc chỉ cúng dường bữa ăn trước, hoặc chỉ nấu cháo, hoặc chỉ làm Đát bát na. Lúc này, có một người tự là Lô-di, là bạn thân của Tôn giả Anan, khi còn bạch y, hỏi các Tỳ-kheo: Tôn giả A-nan nay làm gì ở đâu? Được trả lời: Tôn giả A-nan kính Phật, Pháp, Tăng, nay đứng phía sau Đức Phật. Lô-di liền đến chỗ Tôn giả A-nan, kính lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên. Tôn giả A-nan nói: Thấy bạn nghinh đón Đức Phật tôi rất vui mừng! Lô-di trả lời: Tôi đến không phải vì kính Đức Phật, chỉ vì sự quy định của thân tộc, nếu không đón Đức Phật sẽ bị phạt năm trăm kim tiền, cho nên tôi đến. Tôn giả A-nan nghe rồi, xem đó là điều đáng buồn: Tại sao bạn thân của ta mà không kính Đức Phật, Pháp và chúng Tăng! Tôn giả liền đến bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Con mong muốn bạn con kính tin Phật pháp. Đức Phật nói với Tôn giả: Bạn ông tin Phật, không phải là điều khó ông chớ buồn lo. Đức Phật liền dùng lòng từ rải khắp nơi thân của Lô-di rồi vào phòng đóng cửa an tọa. Sau đó, Lô-di suy nghĩ: Đức Thế Tôn như trâu mẹ quyến luyến trâu con. Lô-di thấy số đông Tỳ-kheo đi kinh hành nơi đất trống, hỏi: Đức Phật ở đâu? Các Tỳ-kheo chỉ nơi phòng và nói: Ngài ở nơi phòng lớn, cửa đóng ấy, ông có thể đi nhẹ nhẹ đến đó tằng hắng hay gõ cửa, Đức Thế Tôn dũ lòng thương đối với ông sẽ mở. Lô-di làm theo lời hướng dẫn, cửa phòng được mở. Sau khi vào phòng, Lô-di tay ôm chân Đức Phật, tự xưng tên họ, cúi đầu kính lễ. Đức Phật vì Lô-di nói các pháp nhiệm mầu, chỉ vẽ điều lợi ích để được vui mừng, như nói việc bố thí, cho đến nói khổ, tập, tận, đạo. Lô-di liền xa trần lìa cấu, đạt mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả rồi thọ ba quy y, năm giới, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con xin được thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng luôn luôn nhận thức ăn từ nơi con, đừng nhận nơi khác. Đức Phật dạy: Các học nhân đều có lời nguyện này, ta đã nhận các người này mời bốn tháng hạ, không thể thất hứa. Lô-di khởi ý niệm: Có thức ăn nào chưa có người cúng, ta sẽ cúng để khỏi mất phước điền này? Khư-đà-ni (món ăn phụ) là món duy nhất chưa thấy ai cúng dường. Món ăn này liền được sắm sửa và Lô-di vội đem đến cúng dường. Các Tỳ-kheo không dám nhận và nghĩ: Đức Phật chưa cho phép chúng ta ăn Khư-đà-ni, (món ăn phụ), bạch Phật. Phật dạy: Cho phép được dùng.

Bấy giờ, mẹ của Tỳ-xá-khư dâng cúng trai phạn cho Tăng có hạn lượng, lại định rõ thời gian và địa điểm đến nhận. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật cho nhận. Có các Cư sĩ thỉnh các Tỳ-kheo cúng dường theo ý của mình. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên nhận theo ý của người cúng. Người cúng không nên dùng vàng, bạc, vật báu, nữ sắc cúng cho Tăng. Nếu Tỳ-kheo nào thọ vật cúng dường như vậy phạm Đột-kiết-la. Vị nào thọ, như pháp trị. Có các bạch y theo thứ tự thỉnh Tăng, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nên theo thứ tự sai thọ. Các Tỳ-kheo không biết sai ai, bạch Phật. Phật dạy: Nên bạch nhị Yết-ma, sai một Tỳ-kheo làm người sai thọ thỉnh. Một Tỳ-kheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai Tỳ-kheo… làm người sai thọ thỉnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai Tỳ-kheo… làm người sai thọ thỉnh, các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã sai Tỳ-kheo… làm người sai thọ thỉnh rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Các Tỳ-kheo lại sai Tỳ-kheo vô trí không biết thứ tự, bạch Phật. Phật dạy: Không nên sai Tỳ-kheo vô trí. Người có năm pháp không nên sai: làm theo ý muốn, làm theo sự giận hờn, làm theo sự si mê, làm theo sự sợ sệt, không biết sai hay chưa sai. Có các bạch y hay thường làm thức ăn tặng cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không biết nên như thế nào, bạch Phật, Phật cho phép thọ. Có các bạch y vì Tăng làm các phòng xá nhà sưởi ấm (nhà ấm), phòng tắm rồi, làm thức ăn dâng cúng nơi phòng mới đó, khiến các Tỳ-kheo đến nhận, các vị không biết ai nên đến nhận, bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo nào ở nơi phòng đó thì nên đến nhận.

Đức Phật ở Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, đói kém, khất thực khó được, các Tỳ-kheo Phạm chí khởi ý nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta trồng cây ăn trái thì có thể tránh khỏi nạn đói, bạch Phật, Phật cho phép trồng. Khi cây có trái, vì các Tỳ-kheo tự tay trồng nên nghi không dám ăn, bạch Phật, Phật cho phép: Tùy ý ăn. Có các Tỳ-kheo trèo lên cây lấy tay bóp thử xem trái đã chín chưa, bạch Phật. Phật dạy: Không nên leo lên cây đụng chạm đến trái. Có các Tỳ-kheo thấy trái rụng nơi phi tịnh địa, bảo người lượm dồn lại một đống để cách đêm, không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không biết nơi đất đó là tịnh hay phi tịnh thì cho phép ăn. Nếu biết chỗ đất đó chẳng phải tịnh thì không nên ăn.

Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo lấy trái tốt ăn trước, các Tỳ-kheo thiện khác không được ăn, bạch Phật. Phật dạy: Nên bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo làm người chia trái. Nếu trái nhiều thì tùy ý ăn. Lục quần Tỳ-kheo lấy trái của Tăng đem tặng bạch y, bạch y lại đến các Tỳ-kheo khác xin, bạch Phật. Phật dạy: Không nên lấy trái của Tăng tặng cho bạch y, nếu vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các bạch y đến trong Tăng phường thấy trái cây, xin các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không dám cho, họ trách cứ, bạch Phật. Phật dạy: Nên cho.

Đức Phật ở Tỳ-xá-ly. Khi ấy, gặp lúc đói kém, khất thực khó được, nên Tỳ-kheo phạm chí khởi ý niệm: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta trồng rau thì có thể đủ ăn, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép trồng (như trường hợp trồng cây ăn trái đã nói). bạch y trồng rau trên đất của Tăng, nếu Tăng cần thì được xin Ba lần. Các Tỳ-kheo bảo tịnh nhân rửa rau chỗ chẳng phải tịnh, rửa chưa xong, tướng ánh sáng xuất hiện, sinh nghi, bạch Phật. Phật dạy: Không phạm. Không có tịnh nhân, các Tỳ-kheo không biết bảo ai dâng thức ăn cho Tăng, bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo nên thọ rồi tự tiện dùng. Có các đồ bằng gỗ hành thực bị nhơ nhớp không sạch, vì chất béo, dùng gạch đá chùi rửa, đồ hành thực bị bể, bạch Phật. Phật dạy: Không nên dùng gạch, đá chùi rửa, nên dùng tro và nước nóng để chùi rửa. Có bình đựng tô, dầu, mật cần đậy lại mà không có Tịnh nhân, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng vật mới để đậy, đừng cho đụng tay vào. Có bình bị nghiêng đổ bất ngờ, không có Tịnh nhân để đỡ lên, bạch Phật. Phật dạy: Nên tự mình dựng lên nhưng đừng để cho vật kia rời đất. Có một Tỳ-kheo hiềm giận vị khác, đem bình đựng tô của vị ấy để chỗ phi tịnh địa, cách đêm, muốn cho vị kia không ăn trở lại được, bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo đem để đó thì tô ấy bị bất tịnh, Tỳ-kheo chủ của bình tô được ăn, vị đem đến chỗ bất tịnh, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo dùng thuyền xe chở thức ăn, không có tịnh nhân lái, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không có tịnh nhân thì cho phép Tỳ-kheo được lái.

Bấy giờ, chúng Tăng muốn dùng xe chở gạo, có một Bà-la-môn dùng một nắm gạo bất tịnh của Tăng ném vào trong xe, bạch Phật. Phật dạy: Nếu có thể để riêng càng hay, bằng không thì để ra một nắm. Có con cáo đồng lấy trộm bình tô của Tỳ-kheo, đem để chỗ bất tịnh, cách đêm, không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép ăn, không phạm. Có thân cây ăn trái mọc nơi bất tịnh địa, nhánh phủ qua nơi tịnh địa, Tỳ-kheo cũng ở nơi bất tịnh địa, đem thức ăn treo trên nhánh cây, cách đêm, không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nhánh cây của thân cây từ bất tịnh địa, không được ăn. Có thân cây ăn trái mọc nơi đất tịnh, nhánh cây phủ qua đất bất tịnh, Tỳ-kheo cũng ở nơi đất tịnh, đem thức ăn treo trên nhánh cây, cách đêm, không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép ăn, không phạm. Có cây ăn trái mọc chỗ tịnh, bất tịnh, nhánh cây phủ qua chỗ tịnh, bất tịnh, Tỳ-kheo cũng tùy theo ở chỗ tịnh, bất tịnh, trái cây rụng nơi tịnh, bất tịnh, cách đêm, không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Không do Tỳ-kheo làm ra đều được ăn, không phạm. Có Tỳ-kheo lấy đất nơi tịnh địa, cất thất nơi bất tịnh

10 địa, Tỳ-kheo đem thức ăn để trong đó, gọi là tịnh, bạch Phật. Phật dạy: Căn cứ nơi đất là tịnh, nếu bất tịnh thì không được ăn. Có Tỳ-kheo lấy đất nơi bất tịnh, cất thất nơi tịnh địa, không dám đem thức ăn để trong đó, bạch Phật. Phật dạy: Để thức ăn, không phạm. Có con hươu, con nai… chết trôi, không có tịnh nhân lấy, Tỳ-kheo tự lội xuống nước vớt lấy, không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Đến nơi bờ, khiến tịnh nhân cắt bỏ chỗ mà tay Tỳ-kheo cầm, ngoài chỗ đó ra ăn không phạm. Có trú xứ, Tỳ-kheo có nhiều xoài, ăn còn dư cho Tịnh nhân, sáng hôm sau Tịnh nhân đem nấu canh, dâng cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không dám ăn, bạch Phật. Phật dạy: Không có ý ăn trở lại, đều cho phép ăn, không phạm. Có các Tỳ-kheo, khi ăn không chia cho người không nhận được thức ăn, có bạch y chê trách nói: Sa-môn Thích tử giống như mèo, chồn ăn không chia cho nhau, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nên chia cho nhau, cho đến không chia cho một người, phạm Đột-kiết-la. Có một Bà-la-môn đem lương khô gởi cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đem để ở chỗ bất tịnh, cách đêm, sáng ngày đến lấy phân chia cúng cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nghĩ, mình đã đem về để chỗ phi tịnh địa nên không nhận để ăn, bạch Phật. Phật dạy: Vốn là lương khô của bạch y, cho phép nhận để ăn, không phạm. Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo: Tuy là điều chính ta chế cấm, mà nơi khác không cho đó là thanh tịnh, đều không nên dùng, tuy chẳng phải là điều chính ta chế cấm, mà nơi khác thấy cần nên làm, đều không được không làm.

Đoạn 9: NÓI VỀ PHÁP Y CA HI NA

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, các Tỳ-kheo, trong ba y, nếu cần cái nào thì đến trong Tăng lấy. Bấy giờ, y của Tôn giả A-na-luật bị hư rách, các Tỳ-kheo nói: Đại đức có thể đến trong Tăng để lấy vải may. Tôn giả trả lời: Đức Thế Tôn không cho phép chứa y (vải) dư, tôi không thể may một ngày xong, sợ phạm tội chứa y (vải) dư. Lại có Tỳkheo có nhiều người quen biết ở ấp Ba-lợi, đến thành Xá-vệ hậu an cư, nhưng chỉ còn một đêm không thể đi kịp, nên phải an cư nơi Ta-kiệt-đà. An cư xong, ngày mười sáu, mang chiếc y nặng vì bị mưa ướt đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Thường pháp của Đức Thế Tôn là an ủi hỏi Tỳ-kheo khách: Các thầy An cư có hòa hợp không? Khất thực có dễ không? Trên đường đi có nhọc mệt không? Các vị thưa: An cư hòa hợp, khất thực không thiếu, trên đường đi gặp mưa, y bị ướt, mang đi vất vả. Các Tỳ-kheo cũng đem vấn đề của Tôn giả A-na-luật bạch với Phật luôn. Do hai việc trên, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bằng mọi cách khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép các Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na, thọ y Ca-hi-na được khỏi phạm năm việc: ăn riêng chúng, ăn nhiều lần, vào xóm làng khỏi báo với các Tỳ-kheo khác, chứa y dư, lìa y ngủ. Nếu đàn-việt đem y vật Ca-hi-na đến cúng cho Tăng, trong các Tỳ-kheo, người nào thiếu y nên bạch nhị Yết-ma, cho họ. Một Tỳ-kheo tuyên cáo:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng được nhận y vậy Ca-hi-na này, nay đem cho Tỳ-kheo… nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng được nhận y vậy Ca-hi-na này, nay đem cho Tỳ-kheo… các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã đồng ý cho Tỳ-kheo… y vật Ca-hi-na này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Tỳ-kheo kia nhận được y rồi, nội nhật phải giặt nhuộm và may cho xong. Một mình có thể làm xong thì tốt, nếu không thể xong, Tăng nên bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo, hoặc hai hay ba, cho đến số đông Tỳ-kheo tiếp tay vào. Một Tỳ-kheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay sai Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… v.v… giúp Tỳ-kheo… may y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay sai Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… v.v… giúp Tỳ-kheo… may y. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã sai Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… v.v… giúp Tỳ-kheo… may y rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Nếu y đã may xong, Tỳ-kheo được Tăng dự định cho, nên đem y đến giữa Tăng, để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bạch: Tăng nhận được y vật Ca-hi-na này, đã giặt nhuộm, đập, may như pháp xong, xin Tăng thọ làm y Ca-hi-na. Bạch như vậy rồi, lại đứng dậy đem đến khắp trong chúng Tăng để trình bày, các Tỳ-kheo nên trả lời: Thưa Trưởng lão! Chúng tôi tùy hỷ trao y cho thầy. Vậy sau, Tăng bạch nhị Yết-ma để thọ. Một Tỳ-kheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng nhận được y vật Ca-hi-na này, giặt nhuộm, đập, may như pháp rồi, nay thọ làm y Ca-hi-na. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng nhận được y vật Ca-hi-na này, giặt nhuộm, đập, may như pháp xong, nay thọ làm y Ca-hi-na. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, vị nào không đồng ý thì xin nói.

Tăng đã đồng ý thọ làm y Ca-hi-na rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Tỳ-kheo được Tăng trao y vật ấy lại phải đi khắp, nói: y này Tăng đã thọ làm y Ca-hi-na. Các Tỳ-kheo đều nên nói: Y này Tăng đã thọ làm y Ca-hi-na, đó là thiện thọ, công đức trong vấn đề này cuối cùng thuộc về tôi. Có trường hợp thành thọ y Ca-hi-na, có trường hợp không thành thọ y Ca-hi-na. Trường hợp không thành thọ y Ca-hi-Na-là: giặt, đập, nhuộm, may không như pháp, hoặc nhỏ hoặc lớn hoặc y bằng gấm, the, hoặc thọ khi chưa Tự tứ xong, hoặc tham lợi dưỡng, hoặc muốn cố ý xả năm việc, đều không thành thọ. Ngược lại những điều trên là thành thọ. Có tám trường hợp mất y Ca-hi-na.

  1. Mãn hạn.
  2. Y bị mất.
  3. Nghe y bị mất.
  4. Đi xa.
  5. Sự hy vọng bị mất.
  6. Y ra ngoài giới.
  7. Người ra ngoài giới.
  8. Bạch nhị Yết-ma xả.

– Có hai nhân duyên không được thọ y Ca-hi-na:

  1. May y chưa xong.
  2. Bỏ trú xứ đi.

Thọ y Ca-hi-na có ba mươi ngày, xả y Ca-hi-na cũng có ba mươi ngày. Nếu tiền an cư thì mười sáu tháng bảy thọ, đến mười lăm tháng mười một xả. Nếu mười bảy tháng bảy cho đến mười lăm tháng tám thọ thì cho đến mười sáu tháng mười một, tới mười bốn tháng mười hai xả. Nếu hậu an cư thì mười sáu tháng tám thọ, đến mười lăm tháng mười hai xả. Nếu thời gian của y xong, nên bạch nhị Yết-ma để xả. Một Tỳkheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng xả y Ca-hi-na. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng xả y Ca-hi-na, các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã đồng ý xả Ca-hi-na rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.