LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 24

Phần 4: NÓI VỀ PHÁP DIỆT TRÁNH VÀ YẾT MA

Đoạn 2: NÓI VỀ PHÁP YẾT MA (Tiếp Theo)

Đức Phật ở thành Câu-xá-di. Bấy giờ có một Tỳ-kheo phạm giới mà không biết phạm, nói với các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo có vị nói phạm, có vị nói không phạm. Người nói không phạm thì nói: Thầy không phạm giới. Vị kia nghe rồi bèn sinh ý tưởng không phạm giới. Người nói có phạm thì nói: Thầy phạm giới, nên tự thấy tội, sám hối, đừng để ô nhiễm phạm hạnh, phụ lòng người tín thí, thọ khổ nhiều đời. Tỳ-kheo kia nói: Tôi không phạm tội, tại sao lại phải tự thấy tội sám hối?! Các Tỳ-kheo cho là có phạm bèn trao cho vị kia pháp Yết-ma không thấy tội. Vị kia bị cử tội rồi, bèn vào trong thành Câu-xá-di tìm bạn bè để yểm trợ, nói: Tôi không phạm tội, các Tỳ-kheo kia cưỡng bức nói: Tôi có tội, trao cho tôi pháp Yết-ma không thấy tội. Yết-ma như vậy không thành. Các Đại đức nên như pháp, như luật, cứu trợ cho tôi. Đương sự lại đến ngoài thành chỗ các Tỳ-kheo ở cũng yêu cầu cứu trợ như trên. Các Tỳ-kheo nghe đều cùng nhau cứu trợ. Lúc này, Đức Thế Tôn biết Tăng đã bị phá, từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ chúng Tỳ-kheo yểm trợ cho Tỳ-kheo bị cử, nói: Các Tỳ-kheo đừng nên nói như vầy: Tỳ-kheo kia không phạm tội. Nếu Tỳ-kheo kia thật không phạm tội mà bị cử, các thầy cũng nên nói: Nên tự thấy tội sám hối. Vị kia bèn khởi ý nghĩ như vầy: Nếu ta nói không thấy tội, Tăng sẽ trao cho ta Yết-ma không thấy tội, không cùng ta ở, không cùng ta Bố-tát, Tự tứ làm các Tăng sự. Các thầy lại nói như thế để đưa đến sự tranh cãi, khiến cho Tăng không hòa hợp, chia rẽ, sinh các trần cấu. Bằng mọi cách tránh điều này, nên khiến cho đương sự tự thấy tội sám hối. Đức Thế Tôn nói như vậy rồi. Lại đến nơi chúng Tỳ-kheo cử tội kia, nói: Các thầy đừng cưỡng bức cử tội người khác. Nếu thật người kia phạm tội, Tăng nên nói: Thầy tự thấy tội. Nếu vị kia nói: Tôi không có tội làm sao thấy? Tăng nên cân nhắc: Nếu chúng ta trao cho pháp Yết-ma không thấy tội, không cùng ở, không cùng Bố-tát, Tự tứ làm các Tăng sự, do đó đưa đến sự tranh cãi, mạ lị lẫn nhau, khiến cho Tăng không hòa hợp, chia rẽ, sinh các trần cấu. Các thầy nên sợ điều này, đừng nên cử tội xả trí. Các Tỳ-kheo tuy nghe Phật nói mà vẫn tranh cãi không thôi, trong bữa ăn cao giọng mắng nhau, đả kích nhau. Đức Phật lại nói: Không nên mắng nhau, không nên trên bữa ăn cao giọng, vi phạm, đều phạm Đột-kiết-la. Nếu ai đánh nhau, phạm Thâu-lan-giá. Các Tỳ-kheo tuy nghe lời Phật nói, vẫn tranh cãi nhau không thôi, trong cùng một cương giới làm Tăng sự riêng. Đức Phật lại bảo: Nếu Tăng đã bị phá, trong một cương giới tác Yết-ma riêng, như pháp như luật cũng gọi là Yết-ma thành tựu. Tại sao vậy? Hai bộ, kiến giải khác nhau không đồng ở với nhau. Không đồng ở có hai loại: Có trường hợp tự mình tạo ra việc không đồng trụ, có trường hợp Tăng tác pháp Yết-ma không đồng trụ. Các Tỳ-kheo tuy nghe lời của Phật nói vẫn tiếp tục tranh cãi.

Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

Các thầy chớ nên cùng nhau tranh chấp, cùng nhau phỉ báng, cùng nhau mạ lị, nên cùng nhau hòa đồng, tập hợp một chỗ, như nước hòa với sữa, cùng nêu truyền lời dạy của thầy.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài sống an ổn, tuy Phật là Pháp chủ, như chúng con cũng tự biết.

Đức Phật Ba lần ngăn, các Tỳ-kheo cũng vẫn trả lời như vậy.

Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

Từ đời quá khứ, nước Câu-tát-la có nhà Vua tên là Trường-thọ, cai trị một nước nhỏ, binh chủng ít ỏi yếu kém. Lân quốc là Ca-di, Vua tên Phạm-đạt, thống trị một nước rộng lớn, binh chủng cường thịnh, lần lần xâm lăng cướp đoạt nước Câu-tát-la. Vua Phạm-đạt tiếp thu được vị Đại thần của Vua Trường-thọ, đãi ngộ rất hậu, được Vua tin dùng vào việc quốc sự. Khi ấy, Vua Trường-thọ mình trần, thân trụi cùng phu nhân làm người Bà-la-môn chạy thoát về nước Ba-la-nại, trú ngụ trong nhà người thợ lò gốm. Phu nhân bất thần nảy ra ý nghĩ: Ước nguyện sao lúc mặt trời vừa ló dạng, có nước mài dao chiến đấu của bốn binh chủng nơi ngả tư đường để lấy uống. Nghĩ rồi tâu với Vua: Nếu ý muốn ấy không thực hiện được thì em sẽ chết ở nơi này. Nhà Vua nói: Điều ấy không thể được. Chứng bệnh thiếu thực tế của em ắt phải chết, không còn nghi ngờ gì. Nhà Vua lại nói: Nếu Phạm-đạt nghe, biết mình ở đây, ắt bắt trói, đánh trống rao, hành hình, phanh thây ta làm năm phần. Thôi em hãy ráng chờ xem, ta sẽ bí mật đến gặp vị Đại thần nước kia, vấn ý điều này. Liền ngay sau lời nói, nhà Vua tìm cách đến gặp vị cựu thần để vấn kế. Vị cựu thần nói: Hạ thần cần gặp phu nhân, trước khi có ý kiến. Vị Đại thần liền đến chỗ phu nhân. Từ xa trông thấy phu nhân, bèn để trống vai bên phải, đầu mặt tác lễ, Ba lần xưng tụng: Nay phu nhân đang mang thai người con đại phước đức, quốc gia Câu-tát-la có người thừa kế. Vị Đại thần tâu với Vua: Sáng mai, nguyện vọng của phu nhân sẽ có kết quả. Vị Đại thần nói xong, liền trở về chỗ Phạm-đạt, tâu: Đại vương biết chăng? Có một vị tinh tú như vậy xuất hiện, cần phải tập hợp bốn binh chủng vào sáng sớm ngày mai, tại bốn ngả tư đường hai bên diễn tập xáp chiến, rồi tất cả đều mài dao lấy nước này để trừ tai ương kia. Nếu không như vậy ắt phải chịu nguy khốn lớn. Vua Phạmđạt liền nói: Cần thực hiện ngay. Thế là vị Đại thần liền ra lệnh bốn binh chủng nghiêm túc chuẩn bị ứng chiến. Sáng sớm ngày mai, nơi ngả tư đường, hai bên xáp chiến rồi, tất cả đều mài dao. Được lệnh mật, phu nhân đứng vào một địa điểm và nhận được nước mài dao của vị Đại thần. Được nước, phu nhân uống ngay và bào thai được nuôi dưỡng. Mãn nguyệt khai hoa, người con ra đời, với dung mạo thù diệu, tự là Trường-sinh. Khi lên mười tuổi, người cha nói với con: Phạm-đạt xâm đoạt nước ta, cha cùng mẹ của con trốn thoát đến đây. Con đã lớn nhanh lên trong những tháng ngày dài lao khổ của cha mẹ. Phạm-đạt có thể biết được chỗ ở của cha con mình, sẽ giết hết cả hai, con có thể đi xa, đừng quyến luyến cha mẹ. Trường-sinh buồn khóc, kính lễ sát chân cha mẹ, nhiễu ba vòng rồi đi. Trường-sinh học tập kỹ nghệ, toán số, văn tự, bắn cung, cỡi ngựa, điều phục voi ngựa, âm nhạc, không một môn học nào không hơn người. Trường-sinh dốc lòng phụng thờ thầy dạy voi để biết hết nghệ thuật điều khiển voi. Người thợ hớt tóc xưa kia của Vua Trường-thọ, sau này lại làm người hớt tóc cho Phạm-đạt. Nhận được lệnh hớt tóc, ông ta tìm đến chỗ Vua. Do vì biết rõ chỗ ở của Vua Trường-thọ, ông ta không dám che giấu, khi Phạm-đạt xét hỏi đã khai báo rõ nơi ẩn trốn của Vua Trường-thọ. Phạm-đạt nghe rồi liền ra lệnh bắt trói cả vợ lẫn chồng, đánh trống rao khắp hang cùng ngõ hẻm rồi đem tại ngả tư để phân thây làm năm phần. Bị bắt và thụ án theo lệnh Vua, Trường-sinh nghe tin này, vội vã đến hiện trường, đứng bên lề đường thấy vậy, nát ruột nát gan, căm hờn suy nghĩ: Nỗi oán hận của cha mẹ không cho phép ta đội trời chung, nay ta làm sao mà nhẫn chịu cho được! Với lòng thành của kẻ thất phu còn đủ để có được sự cảm hóa. Trường-sinh muốn thí mạng để trả mối nhục thù này. Cha mẹ từ xa thấy con, biết được lòng con khởi niệm báo thù, bèn như người cuồng cao cất tiếng nói một mình: Con đừng thấy lâu dài, cũng không thấy ngắn ngủi, dùng oán trả oán, oán không do đâu mà dứt, dùng đức trả oán, oán kia mới hết. Thuận theo lòng cha mẹ mới gọi là con có hiếu, làm theo ý chí riêng của mình, không phải là cái đạo của cha. Khi ấy, người đi xem đều nói: Vua Trường-thọ vì sợ sệt nên nói cuồng, chỉ có Trường-sinh nghe mới hiểu được thâm ý của cha nên đè nén được lòng mình để tạm yên, tuy lòng dạ nát tan nhưng không để lộ rõ bên ngoài. Đã chế ngự được lòng và lấy lại được sự bình tĩnh, Trường-sinh trở về lại chỗ thầy dạy voi, tuy nhiên anh ta vẫn không quên được hận, tìm cách báo thù. Sau đó, nơi chuồng voi, nửa đêm, tiếng đờn cầm lại vang lên, âm thanh này lan tỏa trong thanh tịnh đã lọt vào tai Phạm-đạt. Nhà Vua liền hỏi: Nơi chuồng voi, ai có khả năng chơi đàn cầm, âm thanh lại tuyệt như thế? Cận thần thưa: Tượng sư tên là… có người học trò, chính người này có khả năng đó. Được lệnh Vua gọi, Trường-sinh vội đến dạo khúc đờn cầm cho Vua nghe. Nghe xong, Vua có suy nghĩ: Từ khi ta làm Vua chưa từng nghe được âm thanh tuyệt vời này. Phạm-đạt liền tín nhiệm cho phép Trường-sinh được ở lại bên mình. Sau một thời gian, nhà Vua liền ra lệnh nghiêm giá bốn binh chủng, dẫn các cung nhân, quần thần, thái tử du ngoạn để săn bắn. Trong khi binh chủng tứ tán rượt theo các con nai, thì Trường-sinh lại bảo vệ nhà Vua, tiền quân cách xa xe Vua đến ba do-tuần, không còn ai biết đến Vua. Bấy giờ, nhà Vua mệt mỏi, nói với Trường-sinh: Ta muốn nằm nghỉ một chút, ngươi có thể bảo vệ cho ta không? Trường-sinh tâu: Nhà Vua cứ yên nghỉ, con có thể bảo vệ được. Vua liền nằm bên gốc cây, gối nơi đầu gối của Trường-sinh mà ngủ. Cây kiếm hộ thân của Vua, tự nhiên tuột ra trước mặt Trường-sinh. Trường-sinh bèn khởi ý nghĩ: Nhà Vua này đối với ta có mối thù lớn như vậy, hôm nay gặp cơ hội này, đâu có thể bỏ qua. Liền đứng dậy cầm lấy thanh gươm, định chặt cổ Vua. Thoạt nhiên, ý niệm này xảy đến: Trọng ân của cha mẹ lớn hơn trời đất, trước khi rút hơi thở cuối cùng, người có dạy ta: Con đừng thấy lâu dài cũng đừng thấy ngắn ngủi. Lấy oán báo oán, oán không do đâu chấm dứt… Tại sao ta lại trái lời dạy ấy! Nghĩ xong liền để cây kiếm lại và bảo vệ cho Vua ngủ. Khi đó, nhà Vua thức dậy với vẻ hoảng hốt. Trườngsinh hỏi: Vì lý do gì nhà Vua có vẻ kinh hãi vậy? Nhà Vua trả lời: Ta nằm mộng thấy con của Vua Trường-thọ cầm kiếm muốn đoạt mạng ta. Trường-sinh tâu: Đây là nơi đồng không mông quạnh, duyên cớ nào bỗng nhiên có con của Vua Trường-thọ, ắt là sơn thần khủng bố Vua hay chăng! Vua cứ yên nghỉ chớ nên lo ngại. Sự việc như vậy xảy ra Ba lần. Đến giấc ngủ sau cùng của Vua, Trường-sinh lại khởi ý niệm: Cha mẹ ta trước khi từ trần, dạy ta một cách thống thiết: Dùng đức báo oán, oán kia mới hết, tại sao nãy giờ Ba lần ta muốn trái phạm?! Từ nay ta đã khắc phục, với ý niệm: Thờ Vua như thờ người thân, dứt khoát không sinh khởi một mảy may ý niệm sát hại. Trường-sinh nghĩ như vậy rồi, nhà Vua thức dậy với vẻ mặt rất hoan hỷ. Trường-sinh hỏi vì lý do nào mà nhà Vua rất hoan hỷ? Vua nói: Ta nằm mộng thấy con của Vua Trường-thọ muốn thờ ta như người thân, không ôm lòng oán hại, cho nên ta vui. Lúc ấy, Trường-sinh liền tâu với Vua: Con của Vua Trườngthọ chính là con đây. Vua hại cha mẹ của con, con nuôi chí giết Vua, Ba lần nhớ lại lời di chúc của cha con nên Vua mới khỏi chết. Tuy vậy, tâm ấy khó bảo đảm, sau này có thể phát sinh, xin nhà Vua giúp cho con đường lối giải quyết, đừng để lại mối lo âu về sau. Nhà Vua nói: Ta đã làm việc vô đạo, còn cha con của ông thì lại nặng lòng nhân từ, nay cớ sao ta phải sống với lo âu vây bủa?! Ông đã cho ta mạng sống này lại thề không phụ nhau. Vua Phạm-đạt liền ra lệnh quân quay trở về rồi tập hợp quần thần, cùng thảo luận vấn đề Vua đặt ra: Nếu bắt được con của Vua Trường-thọ thì sẽ xử trị thế nào? Có người nói phải chặt tay chặt chân, có người nói phải xẻo mũi xẻo tai, có người nói phải dùng búa bửa nó ra, có người nói phải lấy cây xâu nó để nướng. Nhà Vua liền chỉ tay nói: Người này chính là con của Vua Trường-thọ. Chính người này đã cho ta mạng sống, nay ta sẽ dùng mạng sống để đền trả lại. Tất cả không được ai có ý ác đối với người này. Giải quyết xong, về lại cung, nhà Vua đem người con gái gả cho Trường-sinh. Tay bên trái bưng mâm vàng, tay bên phải nhà Vua bưng bình vàng đựng nước rót lên tay của Trường-sinh lúc Trường-sinh được đưa trở về bổn quốc để phục nhậm Vua nước Câu-tát-la. Các nước lân cận cùng có mối giao hảo hòa hợp nhiều lời như vậy. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Người đời, Vua một nước còn tạo điều kiện hòa giải được mối thù lớn này, đều do vận dụng không một niệm ác để biến thành thân hậu. Các thầy xuất gia cầu đạo vô vi, tại sao việc nhỏ cùng nhau tranh chấp để mất cái lợi lớn! Nên bỏ tâm ấy cùng nhau hòa đồng, như sữa hòa với nước, cùng truyền bá lời dạy của bậc thầy, để cùng nhau sống trong sự an lạc.

Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài sống an ẩn. Đức Phật tuy là ngôi vị Pháp vương nhưng chúng con tự biết. Do vậy cố ý không xả.

Đức Phật bèn bay lên hư không, nói kệ:

Tuôn các ác lên nhau
Chẳng còn đâu thắng pháp
Tăng phá chia thành hai
Hại này do lời ác.
Mạng người, cốt nhục lìa
Cướp trâu, ngựa, tài sản
Oán phá nước, diệt giòng
Hòa hợp vẫn còn được.
Ví hai cây cọ nhau
Phát hỏa tự đốt cháy
Đâu không phải lẽ thường
Ngu oán hận cũng vậy.
Các thầy nhục mạ nhau
Sao cứ chấp không bỏ
Họa oán nào dứt được
Ngày đêm càng chôn sâu.
Thêm nhiều tiếng ác mắng
Nếu được, đừng báo thù
Nhẫn này, không gây oán
Oán có tự nhiên trừ.
Nếu lấy oán trừ oán
Oán trọn đời không tiêu
Oán trừ từ xả bỏ
Đấy sức mạnh vô song.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, liền dùng thần lực bay đến làng Bala, trụ dưới tàng cây Bạt-đà-bà-la, không có thị giả. Khi ấy, tại đó có một con voi lớn, bị các con voi con gây não. Lúc muốn uống nước, các con voi con đi trước làm cho nước bị đục. Lúc muốn ăn cỏ, các con voi con đi trước ăn rồi đạp lên trên làm cho dơ nhớp. Con voi kia nghĩ: Nay ta bị đám voi nhỏ gây khốn khó, thà là tránh đi, nghĩ rồi liền đi. Voi lớn hằng ngày đã được nước trong cỏ tốt rồi tuần tự đi đến rừng Bạt-đà-bàla, thấy Đức Phật voi rất hoan hỷ. Voi vì Phật lấy nước và dọn cỏ hai bên chỗ Phật ở. Đức Phật cũng như con voi nà, xa lìa được đồng loại quấy phá nên an lạc trong sự yên tịnh, Phật nói kệ:

Hai rồng lòng đều bị
Kẻ hậu côn gây não
Bỏ lại đi một mình
Nay vui nơi rừng vắng.

Đức Phật nói kệ rồi, Ngài từ rừng Bạt-đà-bà-la qua thành Xávệ, trú trong Tinh xá Kỳ-hoàn. Khi ấy, các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, quốc vương, Đại thần, Trưởng giả, Cư sĩ, ngoại đạo Bà-la-môn, cúng dường cung kính tôn trọng tán thán, nên nhận được nhiều thức ăn, thức uống, y phục. Đức Thế Tôn không hề đắm vướng giống như hoa sen. Trong lúc này, nơi thành Câu-xá-di các Ưu-bà-tắc đều có chung một ý nghĩ: “Chúng ta nay mất đại lợi, do các Tỳ-kheo ưa tranh chấp nên Đức Thế Tôn không ở đây, cần phải tạo phương tiện khiến họ lìa xa nơi này”. Bèn dặn nhau, không tiếp xúc và cúng dường vật thực cho các Tỳ-kheo ấy. Các Tỳ-kheo ấy cũng nghĩ: “Do tội lỗi của chúng ta gây nên, khiến Đức Thế Tôn bỏ nơi này mà đi, nay ta nên cùng nhau đến chỗ Đức Phật tha thiết sám hối”.

Các Tỳ-kheo ấy bèn mặc y bưng bát đến chỗ Đức Thế Tôn. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe các Tỳ-kheo tranh chấp kia đến, bèn cùng năm trăm Tỳ-kheo tới chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật:

Các Tỳ-kheo tranh chấp nơi Câu-xá-di sắp đến đây, chúng con sẽ nên đối xử với họ như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

-Thầy nên cho phép hai bên tự nói lên ý nghĩ của mình, nếu như pháp, như luật, như lời Phật dạy thì khéo đối xử họ bình thường như người bạn.

Tôn giả lại hỏi:

-Bạch Thế tôn! Có bao nhiêu việc để biết các vị kia nói như pháp, như luật, như lời Phật dạy? Có bao nhiêu việc để biết các vị lại nói phi pháp, phi luật, phi lời Phật dạy?

Đức Phật dạy:

-Nếu tạo nên mười bốn pháp: Pháp nói là phi pháp… cho đến câu: Là lời Phật chế nói chẳng phải là lời Phật chế, như vậy gọi là phi pháp, phi luật, phi lời Phật dạy. Nếu ngược lại những điều trên tức là pháp, là luật, là lời Phật dạy.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề nghe các Tỳ-kheo tranh chấp kia đến, liền cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Các Tỳ-kheo tranh chấp nơi Câu-xá-di sắp tới đây, chúng con sẽ nên đối xử với họ như thế nào?

Đức Phật dạy:

-Quý vị nên để họ nói lên ý kiến của hai bên. Nếu như pháp, như luật, như lời Phật dạy thì khéo đối xử với họ, nên đến Tỳ-kheo như pháp, như luật, như lời Phật dạy siêng cầu năm việc. Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến Tỳ-kheo như pháp cầu người giáo thọ. Tỳ-kheo-ni cần phải nương nơi chỗ có Tỳ-kheo như pháp mà an cư mùa hạ, an cư rồi phải đến Tỳ-kheo như pháp cầu thỉnh tội kiến, văn, nghi. Thứcxoa-ma-na học giới hai năm rồi nên đối trước hai Tăng thọ giới cụ túc, Tỳ-kheo-ni phạm tội thô ác phải đối giữa hai bộ Tăng hành pháp Mana-đỏa nửa tháng, hành pháp Ma-na-đỏa rồi nên đối trước hai bộ Tăng, mỗi bên hai mươi vị cầu pháp xuất toại. Nếu Tỳ-kheo-ni Tăng lại có những việc gì khác nên dốc cầu Tỳ-kheo như pháp chỉ giáo.

Bấy giờ, Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe các Tỳ-kheo tranh chấp kia sắp đến, liền cùng năm trăm Ưu-bà-tắc tới chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn! Các Tỳ-kheo tranh chấp ở Câu-xá-di sắp tới đây, chúng con nên cung kính đối xử như thế nào?

Đức Phật dạy:

-Ông nên để họ nói lên ý kiến của mỗi bên, nếu như pháp, như luật, như lời Phật dạy thì tiếp nhận sự răn dạy của họ, cho đến việc cung kính cúng dường cần phải bình đẳng. Tại sao vậy? Ví như thật là thỏi vàng dù có chặt làm hai đoạn thì đoạn nào cũng vẫn là vàng.

Mẹ của Tỳ-xá-khư cùng năm trăm Ưu-bà-di đến chỗ Đức Phật, bạch như trên, Đức Phật cũng trả lời như trên.

Khi ấy, Tôn giả A-nan thấy các Tỳ-kheo kia vào thành Xá-vệ, bèn đến bạch Phật:

-Tỳ-kheo tranh chấp ấy đã vào đây, con phải trải ngọa cụ như thế nào?

Đức Phật dạy:

-Nên trao cho họ phòng bên cạnh, nếu không đủ chỗ thì trao cho họ phòng giữa, không được để cho Thượng tọa ấy không có chỗ nương trú.

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, liền sắp xếp chỗ ở.

Lúc này, Tỳ-kheo bị cử tội kia, nơi chỗ vắng khởi ý niệm: Ta là người có tội, đâu phải là người không có tội, đã trở thành kẻ bị cử tội hay không trở thành kẻ bị cử tội, Yết-ma như pháp hay là không như pháp, ta nay có thể cẩn trọng y theo kinh, luật mà tư duy? Tư duy rồi biết mình có tội, biết thành như pháp Yết-ma bị cử tội, bèn đến chỗ các Tỳ-kheo bè bạn nói: Tôi đã tự thấy tội, các Đại đức vì tôi yêu cầu hòa hợp giải Yết-ma trước đây. Các Tỳ-kheo bèn dẫn đến chỗ Tỳ-kheo đã trao cho pháp Yết-ma không thấy tội, thưa: Tỳ-kheo này đã tự thấy tội, nguyện vì đương sự giải Yết-ma trước đây. Thế là, hai bộ Tăng đưa Tỳkheo bị cử tội đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

Tỳ-kheo này phạm tội chứ không phải không phạm tội, thành kẻ bị cử tội chứ không phải không thành kẻ bị cử tội, Yết-ma thành tựu, chứ không phải không thành tựu. Nay Tăng nên trao cho pháp giải Yếtma trước đây. Lại nên bạch nhị Yết-ma để tác pháp hòa hợp. Tỳ-kheo kia nên đến trước Tăng, kính lễ sát chân thưa: Tôi Tỳ-kheo tên là… Tăng đã vì tôi tác pháp Yết-ma không thấy tội, nay tôi đã thuận theo Tăng sám hối, cúi xin Tăng giải Yết-ma không thấy tội. Nguyện Tăng rủ lòng thương vì tôi giải. Thưa xin như vậy Ba lần. Một Tỳ-kheo xướng đọc:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Các Tỳ-kheo này trước đây cùng nhau tranh chấp, cùng nhau mạ lị, có người nói phạm, có người nói không phạm, có người nói thành bị cử, có người nói không thành bị cử, có người nói Yết-ma thành tựu, có người nói Yết-ma không thành tựu. Các Tỳ-kheo này, nay tự thấy có phạm tội, chứ chẳng phải không phạm tội, thành bị cử chứ không phải không thành bị cử, Yết-ma thành tựu chẳng phải không thành tựu. Nay Tăng vì họ giải Yết-ma không thấy tội, trở lại tác pháp hòa hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Những Tỳ-kheo này trước đây cùng nhau tranh chấp… cho đến câu: Trở lại tác pháp hòa hợp. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã vì các Tỳ-kheo… giải Yết-ma, trở lại tác pháp hòa hợp rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Đức Phật dạy:

-Đã Yết-ma xong thì phải cùng nhau hòa hợp để Bố-tát.

Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly thưa hỏi Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Tỳ-kheo thành tựu bao nhiêu pháp được cử sự?

Đức Phật dạy:

-Như trong pháp Tự tứ đã nói.

Đức Phật ở tại nước Chiêm-bà, trụ bên sông Hằng, cách thành Vương-xá không xa. Một trú xứ có một Tỳ-kheo họ là Ca-diếp, làm tri sự, với lời nguyện: Nguyện Tỳ-kheo bốn phương, số đông tập hợp về đây, khiến cho các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nhân cơ hội này làm được nhiều công đức. Trú xứ kia rộng rãi, do lời nguyện ấy sau được kết quả. Khi ấy, số đông Tỳ-kheo có quen biết đến trú xứ kia, Tỳ-kheo Ca-diếp ra nghinh đón, lễ bái chào hỏi, rước y bát, lấy nước rửa chân, dâng các thức uống sau giờ ngọ, sáng ngày cúng dường bữa ăn trước, bữa ăn sau, cũng dâng cúng y phục, nhiều ngày như vậy. Tỳ-kheo khách cùng nhau bàn nghị: Tỳ-kheo này có hổ thẹn, tu phạm hạnh, muốn chúng ta ở lại đây lâu, chúng ta có thể an cư nơi đây. Nghị bàn như vậy rồi, cùng nhau ở lại. Tỳ-kheo Ca-diếp sau đó nghĩ: Tỳ-kheo khách này đã hết mệt mỏi, đã quen biết xóm làng, ta không thể hằng ngày khuyến hóa bữa ăn trước, bữa ăn sau. Nghĩ như vậy rồi bèn chấm dứt sự cúng dường. Tỳ-kheo khách nổi giận cùng nhau nghị bàn: Tỳ-kheo ấy muốn cho chúng ta sớm đi khỏi chỗ này, chắc chắn là Tỳ-kheo ác, không có hổ thẹn, không tu phạm hạnh, chúng ta nên cùng nhau tác Yết-ma không thấy tội. Nghị bàn rồi, bèn cùng nhau cử tội. Tỳ-kheo Ca-diếp khởi ý niệm: Mình có tội hay là không có tội, thành kẻ bị cử hay không thành kẻ bị cử, Yết-ma thành tựu hay không thành tựu? Đức Thế Tôn hiện nay ở bên sông Hằng, ta nên đến thưa hỏi Ngài, nếu Ngài dạy bảo thế nào ta sẽ phụng hành. Nghĩ rồi liền mặc y, bưng bát đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên.

Đức Phật an ủi hỏi:

-Thầy từ đâu đến, khất thực có thiếu thốn không, trên đường đi có nhọc mệt không?

Tôn giả Ca-diếp thưa:

-Khất thực không thiếu thốn, trên đường đi không nhọc mệt, nhưng cách thành Vương-xá không xa có một trú xứ, con làm tri sự, con từ đó đến đây… tức trình bày các nhân duyên trên một cách đầy đủ với Đức Phật.

Đức Phật dạy:

-Thầy không có phạm tội, không có tội gì cả, thầy cứ trở về an tâm lưu trú nơi đó.

Tôn giả Ca-diếp thọ giáo, kính lễ sát chân, đi nhiễu bên phải rồi cáo lui.

Các Tỳ-kheo khách không thấy Ca-diếp trở về cùng nhau nghị bàn: Chúng ta bất thiện, tại sao lại cử tội vị Tỳ-kheo thanh tịnh vô tội, nên cùng nhau đến chỗ Phật sám hối để trừ tội. An cư Tự tứ xong, họ đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên.

Đức Phật an ủi, hỏi:

-Khất thực có bị thiếu thốn không? Trên đường đi có nhọc mệt lắm không? An cư nơi trú xứ nào?

Các Tỳ-kheo khách thưa:

-Khất thực không bị thiếu thốn, trên đường đi không nhọc mệt, nhưng cách thành Vương-xá không xa, có một trú xứ chúng con an cư nơi đó.

Đức Phật hỏi:

-Các thầy ở nơi trú xứ đó, trao cho Tỳ-kheo kia Yết-ma không thấy tội phải không?

-Bạch Thế Tôn! Có.

Đức Phật hỏi:

-Vì sao cử tội như vậy?

-Bạch Thế Tôn, không có việc gì cả.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách:

-Các thầy làm điều phi pháp, không nên tạo nghiệp ác như vậy, tại sao lại trao Yết-ma không thấy tội cho Tỳ-kheo thanh tịnh, không có tội!

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con ngu si đã làm việc như vậy, chúng con đều sinh tâm hối hận, nay đến xin sám hối, cúi xin Ngài thương xót nhận sự sám hối của chúng con.

Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳkheo: Nếu do không có việc gì mà tác pháp Yết-ma thì Yết-ma đều không thành tựu.

Có các Tỳ-kheo tác pháp Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma hạ ý, nhưng vắng mặt đương sự, lại vắng mặt khi làm tác pháp Biệt trú, Bổn nhật trị, Ma-na-đỏa, A-phùha-na, lại vắng mặt mà kiết giới, giải giới, lại vắng mặt mà giải người được Tăng sai, lại vắng mặt mà sai người chưa được Tăng sai, lại vắng mặt mà sai người chưa được Tăng sai. Các Tỳ-kheo bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu vắng mặt đương sự mà làm pháp Yết-ma quở trách… cho đến câu: Vắng mặt mà tác Yết-ma sai người chưa được Tăng sai. Những Yết-ma này đều không như pháp, Yết-ma không thành.

Lúc này, Lục quần Tỳ-kheo ở ngoài giới mà làm Yết-ma quở trách không như pháp… cho đến Yết-ma hạ ý, thực hiện rồi lại vào trong giới nói với các Tỳ-kheo: Chúng tôi ở ngoài cương giới cùng trao cho Tỳ-kheo… v.v… và v.v… Yết-ma quở trách… cho đến Yết-ma hạ ý, các  Đại đức nên cho phép khiến thành Yết-ma như pháp. Các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo bảo: Nếu Tỳ-kheo ở ngoài cương giới làm năm loại Yết-ma không như pháp… cho đến Yết-ma sai người chưa được Tăng sai, tuy trở lại nói với các Tỳ-kheo ở trong giới, khiến cho phép thành Yết-ma, tất cả đều không thành. Khi ấy, các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo cùng một Tỳ-kheo cho đến cùng số đông Tỳ-kheo cùng Yết-ma, hai Tỳ-kheo cho đến số đông Tỳ-kheo cũng như vậy. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy: Những Yết-ma như vậy đều không thành, lại mắc tội Đột-kiết-la. Đức Phật lại dạy: Nếu tác Yết-ma, đối diện Yết-ma mà không tác bạch, không thành Yết-ma. Nếu tác Yết-ma mà điều nên nói trước lại nói sau, điều nên nói sau lại nói trước, cũng đều không thành. Nếu khi Yết-ma có người đủ quyền quở trách, không đồng ý cũng không thành, lại phạm Đột-kiết-la.

Lúc đó, các Tỳ-kheo dùng pháp khác luật khác tác Yết-ma, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Yết-ma không thành. Các Tỳ-kheo lại tác Yết-ma phi pháp biệt chúng, Yết-ma phi pháp hòa hợp, Yết-ma như pháp biệt chúng, Yết-ma như pháp hòa hợp, các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo, bảo: Ta không cho phép ba Yết-ma trước, chỉ cho phép Yết-ma như pháp hòa hợp. Có năm loại Yết-ma: Yết-ma phi pháp, Yết-ma biệt chúng, Yết-ma tợ pháp biệt chúng, Yết-ma tợ pháp hòa hợp, Yết-ma như pháp.

Thế nào gọi là Yết-ma phi pháp? Người nên đến không đến, nên gửi dục mà không gửi dục, có người được quyền quở trách, không đồng ý, mà cưỡng làm Yết-ma, nên bạch nhị Yết-ma, song chỉ bạch mà không Yết-ma, chỉ Yết-ma mà không bạch, hoặc lập lại lời bạch mà không Yết-ma, lập lại Yết-ma mà không bạch, nên Bạch-tứ-yết-ma, song chỉ bạch chứ không Ba lần Yết-ma, chỉ Ba lần Yết-ma mà không bạch, như vậy gọi là Yết-ma phi pháp.

Thế nào gọi là Yết-ma biệt chúng? Người nên đến không đến, người nên gửi dục không gửi dục, khi Yết-ma người được quyền quở trách không đồng mà cưỡng làm Yết-ma, như vậy gọi là Yết-ma biệt chúng.

Thế nào gọi là Yết-ma tợ pháp biệt chúng? Người nên đến không đến, người nên gửi dục không gửi dục, nếu Yết-ma bạch nhị, bạch tứ, Yết-ma trước bạch sau. Khi Yết-ma người có quyền quở trách không đồng ý mà cưỡng làm Yết-ma, như vậy gọi là Yết-ma tợ pháp biệt chúng.

Thế nào gọi là Yết-ma tợ pháp hòa hợp? Người nên đến có đến, người nên gửi dục có gửi dục thọ, nếu bạch nhị, Bạch-tứ-yết-ma, Yếtma trước bạch sau. Khi Yết-ma người có quyền quở trách không quở trách, như vậy gọi là Yết-ma tợ pháp hòa hợp.

Thế nào gọi là Yết-ma như pháp? Người nên đến có đến, người nên gửi dục có gửi dục thọ. Khi Yết-ma người được quyền quở trách không quở trách, bạch nhị, Bạch-tứ-yết-ma đều bạch trước sau mới Yếtma, như vậy gọi là Yết-ma như pháp.

Nếu khi vì Tỳ-kheo tác Yết-ma quở trách phi pháp, trong Tăng có bảy người cùng tranh cãi: Một người nói đây là Yết-ma phi pháp, một người nói đây là Yết-ma biệt chúng, một người nói đây là Yết-ma tợ pháp biệt chúng, một người nói đây là Yết-ma tợ pháp hòa hợp, một người nói đây là Yết-ma như pháp hòa hợp, một người nói thành tác Yết-ma, một người nói không thành tác Yết-ma. Trong bảy người này, có hai người nói như pháp, gọi là Yết-ma phi pháp không thành tác Yết-ma. Nếu vì Tỳ-kheo làm Yết-ma quở trách biệt chúng, Yết-ma quở trách tợ pháp biệt chúng, Yết-ma quở trách tợ pháp hòa hợp, cũng như vậy. Nếu khi vì Tỳ-kheo tác Yết-ma quở trách như pháp, có bảy người nói: Hai người nói như pháp, gọi là Yết-ma như pháp hòa hợp, thành tác Yết-ma. Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma hạ ý cũng như vậy. Có Tỳ-kheo tranh chấp, các Tỳ-kheo nghị bàn: Tỳ-kheo này ưa tranh chấp, luôn luôn sinh sự, chúng ta có thể hòa hợp tác pháp Yết-ma quở trách như pháp, liền cùng nhau hòa hợp, muốn cùng nhau tác Yết-ma quở trách như pháp, mà ngược lại tác Yết-ma quở trách không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến ngược lại tác Yết-ma quở trách tợ pháp hòa hợp cũng như vậy. Tỳ-kheo kia lại thay đổi chỗ ở, các Tỳ-kheo ở chỗ khác nghị bàn: Tỳ-kheo này ưa tranh chấp, các Tỳ-kheo kia vì tác pháp Yết-ma quở trách tợ pháp hòa hợp, Yết-ma không thành. Chúng ta có thể cùng tác pháp Yết-ma quở trách như pháp hòa hợp. Muốn cùng nhau làm Yết-ma quở trách như pháp hòa hợp, mà ngược lại làm không như pháp. Yết-ma khu xuất… cho đến làm ngược lại Yết-ma khu xuất như pháp, Yết-ma đều không thành… cho đến làm ngược lại, Yết-ma hạ ý cũng như vậy. Có Tỳ-kheo làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người, các Tỳ-kheo nghị bàn: Tỳ-kheo này làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người, chúng ta có thể hòa hợp cùng làm Yết-ma khu xuất như pháp, muốn cùng nhau làm Yết-ma khu xuất như pháp, mà làm ngược lại Yết-ma khu xuất không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến làm ngược lại Yết-ma khu xuất tợ pháp hòa hợp cũng như vậy. Tỳ- kheo kia bèn di chuyển ở chỗ khác, các Tỳ-kheo ở chỗ khác cũng nghị bàn: Tỳ-kheo này làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người, bị các Tỳ-kheo làm pháp Yết-ma tợ pháp hòa hợp, Yết-ma không thành, chúng ta có thể trao cho pháp Yết-ma khu xuất như pháp, bèn cùng nhau muốn làm Yết-ma khu xuất như pháp, mà ngược lại làm Yết-ma y chỉ không như pháp, Yết-ma không thành…. cho đến ngược lại, làm Yết-ma y chỉ như pháp đều không thành Yết-ma… cho đến làm Yết-ma quở trách cũng như vậy. Có Tỳ-kheo ngu si, vô trí luôn luôn phạm tội, các Tỳ-kheo nghị bàn: Tỳ-kheo này ngu si, vô trí luôn luôn phạm tội, chúng ta có thể hòa hợp trao cho pháp Yết-ma, bèn cùng nhau muốn làm Yết-ma y chỉ như pháp, mà ngược lại làm Yết-ma y chỉ không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến ngược lại làm Yết-ma y chỉ tợ pháp hòa hợp, cũng như vậy. Tỳ-kheo kia-di chuyển đến ở chỗ khác, các Tỳ-kheo ở chỗ khác nghị bàn: Tỳ-kheo này ngu si, vô trí luôn luôn phạm tội, các Tỳ-kheo kia làm pháp Yết-ma y chỉ tợ pháp hòa hợp, Yết-ma không thành. Chúng ta có thể làm pháp Yết-ma y chỉ như pháp, bèn trao cho pháp Yết-ma y chỉ như pháp, song ngược lại làm pháp Yết-ma cử tội không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến ngược lại, làm Yết-ma cử tội như pháp, Yết-ma cũng đều không thành… cho đến, ngược lại, làm Yết-ma khu xuất cũng như vậy. Có Tỳ-kheo phạm tội song không thấy tội, không sám hối, không xả tà kiến ác, các Tỳ-kheo nghị bàn: Tỳ-kheo này phạm tội mà không thấy tội, không sám hối, không bỏ tà kiến ác, chúng ta có thể hòa hợp trao cho pháp Yết-ma cử tội như pháp, bèn muốn cùng nhau làm pháp Yết-ma cử tội như pháp, song ngược lại làm pháp Yết-ma cử tội không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến ngược lại làm Yết-ma cử tội tợ pháp hòa hợp, cũng như vậy. Tỳkheo kia-di chuyển chỗ ở khác, Tỳ-kheo ở chỗ khác nghị bàn: Tỳ-kheo này phạm tội, không thấy tội, không sám hối, không xả tà kiến ác, các Tỳ-kheo kia làm pháp Yết-ma cử tội, tợ pháp hòa hợp, Yết-ma không thành. Chúng ta có thể làm pháp Yết-ma cử tội như pháp, bèn muốn cùng nhau làm pháp Yết-ma cử tội như pháp, song ngược lại làm pháp Yết-ma hạ ý không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến ngược lại làm Yết-ma hạ ý như pháp, Yết-ma cũng đều không thành… cho đến ngược lại làm Yết-ma y chỉ cũng như vậy.

Có Tỳ-kheo nói lời thô ác, mắng các bạch y, các Tỳ-kheo nghị bàn: Tỳ-kheo này nói lời thô ác, mắng các bạch y, chúng ta có thể hòa hợp trao cho pháp Yết-ma hạ ý như pháp bèn muốn cùng làm pháp Yếtma hạ ý như pháp, mà ngược lại làm pháp Yết-ma hạ ý không như pháp,

Yết-ma không thành… cho đến ngược lại làm pháp Yết-ma hạ ý tợ pháp hòa hợp, cũng như vậy. Tỳ-kheo kia-di chuyển chỗ ở khác, các Tỳkheo ở chỗ khác nghị bàn: Tỳ-kheo này nói lời thô ác, mắng các bạch y, Tỳ-kheo kia làm pháp Yết-ma hạ ý tợ pháp hòa hợp, Yết-ma không thành. Chúng ta có thể vì đương sự làm pháp Yết-ma hạ ý như pháp, bèn muốn cùng nhau làm pháp Yết-ma hạ ý như pháp, song ngược lại làm pháp Yết-ma quở trách không như pháp, Yết-ma không thành… cho đến ngược lại làm pháp Yết-ma quở trách như pháp, Yết-ma cũng đều bất thành… cho đến ngược lại làm pháp Yết-ma cử tội cũng như vậy.

Có năm hạng Tăng: Tăng bốn Tỳ-kheo, Tăng năm Tỳ-kheo, Tăng mười Tỳ-kheo, Tăng hai mươi Tỳ-kheo, và Tăng vô lượng Tỳ-kheo. Tăng bốn Tỳ-kheo: Trừ Yết-ma thọ giới, Yết-ma xuất tội, ngoài ra các Yết-ma khác đều được làm. Tăng năm Tỳ-kheo: Nơi trung quốc (nơi có nhiều Tăng) trừ Yết-ma thọ giới và xuất tội, chốn biên quốc (nơi có ít Tăng) trừ Yết-ma xuất tội, ngoài ra các Yết-ma khác đều được thực hiện. Tăng mười vị: Trừ Yết-ma xuất tội, ngoài ra các Yết-ma khác đều được làm. Tăng hai mươi vị: Tất cả Yết-ma đều được làm. Nếu Yết-ma mà Tăng là bốn Tỳ-kheo, người thứ tư không đúng pháp không đúng Tỳ-ni (không đủ pháp Tỳ-kheo) Yết-ma không thành, Tăng có lỗi.

Tôn giả Ưu-ba-ly thưa hỏi Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Nếu khi Tăng Yết-ma, có người quở trách (ngăn), ai là người thành quở trách, ai là người không thành quở trách?

Đức Phật dạy:

-Người bị Yết-ma quở trách, vì vậy mà không thành quở trách, Tỳ-kheo cách vách quở trách không thành quở trách. Tỳ-kheo-ni, Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni quở trách, đều không thành quở trách. Tỳkheo đồng cương giới quở trách… cho đến khiến vị ngồi nghe là thành quở trách. Có ba hạng người không nên cho giải pháp Yết-ma, nếu cho giải thì không thành giải. Ba hạng ấy là: Tỳ-kheo phạm tội mà không thấy tội, Tỳ-kheo nên sám hối mà không chịu sám hối, Tỳ-kheo nên bỏ tà kiến ác mà không chịu bỏ tà kiến ác. Ba hạng là như vậy, nếu chưa tác pháp Yết-ma trao cho thì nên tác pháp Yết-ma trao cho, nếu đã tác pháp Yết-ma trao cho thì đó là thiện tác Yết-ma. Nếu ngược lại trên, chưa trao cho Yết-ma giải thì nên trao cho Yết-ma giải, nếu đã trao cho Yết-ma giải thì gọi là thiện giải.

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ có hai Tỳ-kheo, một tên là Bàn Nha, một tên là Lô hê ưa cùng nhau tranh cãi, cũng tranh chấp làm não loạn người khác, chưa sinh tranh chấp bèn sinh, đã sinh tranh chấp thì khuấy rộng ra, các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi hai Tỳ-kheo kia: Sự thật có phải như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Thật sự có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Các ngươi là người ngu si, làm việc phi pháp, không nên làm nghiệp ác như vậy. Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay nếu có Tỳ-kheo nào như vậy, Tăng nên trao cho pháp Yết-ma quở trách. Nếu họ không bỏ thì nên tùy theo sự việc Bạch-tứ-yết-ma Tăng thêm tội kia. Có ba pháp nên trao cho pháp Yết-ma quở trách: Đã tự mình tranh chấp, lại tranh chấp với người khác, trước sau chẳng phải một. Lại có ba pháp: Thân cận bạn ác, cùng người ác làm bạn, chính mình ưa làm điều ác, cũng nên trao cho pháp Yết-ma quở trách. Lại có ba pháp: Phá Tăng thượng giới, phá Tăng thượng kiến, thân cận tùy thuận bạch y, cũng nên trao cho pháp Yết-ma quở trách. Có ba loại Yết-ma quở trách không thành: Người bị quở trách nên có mặt mà lại quở trách vắng mặt. Cần hỏi Tăng, nên trao cho pháp Yết-ma quở trách không, nhưng không hỏi. Nên khiến người bị quở trách tự nói tội lỗi của mình mà không khiến họ tự nói. Lại có ba thứ Yết-ma không thành: Nên tác Yết-ma hiện tiền mà không hiện tiền, phi pháp biệt chúng, nên khiến họ tự nói tội lỗi của mình mà không khiến. Tỳ-kheo thọ Yết-ma quở trách nên nghiêm chỉnh thuận Tăng, nghĩa là tuân hành: Không nên độ người, không nên trao giới cụ túc cho người, không nên cho người y chỉ, không nên nuôi Sa-di, không nên làm người hành trù, nếu Tăng sai cũng không nên nhận, không nên giáo giới Tỳ-kheo-ni, nếu Tăng sai cũng không nên nhận, Tăng sai bất cứ điều gì không nên nhận, nếu khi hành Tăng sự không được có ý kiến, không được mắng các Tỳ-kheo khác, không được dựa thế nhà Vua, không được ỷ thế của mình, không được ỷ thế của thân tộc, chỉ nên nương vào uy lực của Phật, Pháp, Tăng, nên ăn năn tự trách, không chống trái ý của Tăng, cần cầu giải Yếtma. Sau đó, hai Tỳ-kheo kia thuận tùng đối với Tăng, cải hối tự trách, cần cầu giải Yết-ma quở trách. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy: Tăng nên Bạch-tứ-yết-ma giải. Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, kính lễ sát chân Tăng, cầu xin giải Yết-ma quở trách Ba lần. Tăng nên sai một Tỳ-kheo xướng đọc:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là… ưa cùng nhau tranh chấp lại tranh chấp làm não loạn người này, người nọ, nên chưa sinh tranh chấp lại sinh, đã sinh thì lan rộng, trước đây Tăng đã trao Yết-ma quở trách mà không từ bỏ, nên gia tăng thêm tội kia. Nay đương sự đã thuận tùng Tăng, ăn năn tự trách, siêng cầu giải Yết-ma. Nay Tăng tác pháp giải Yết-ma, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp Thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là… ưa cùng nhau tranh chấp… cho đến câu: Nay Tăng giải Yết-ma. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Tăng đã trao cho Tỳ-kheo… pháp giải Yết-ma quở trách rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Bấy giờ, ở cách thành Xá-vệ không xa có khu rừng Am-ma-lặc. Bên cạnh khu rừng ấy có ông Trưởng giả tên là Chất-đa-la, có lòng tin kính Phật pháp, thường cung cấp cho các Tỳ-kheo. Nơi rừng Am-malặc có một Tỳ-kheo tên là Thiện Pháp, bậc cựu trú nơi đây, làm tri sự. Trưởng giả Chất-đa-la khi muốn thỉnh Tăng cúng y thực hay bố thí vật gì cho ai đều tin cho Tỳ-kheo Thiện Pháp biết trước. Bấy giờ, hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng năm trăm Tỳ-kheo du hành nơi khu rừng ấy. Trưởng giả nghe, liền đích thân ra nghinh đón, khi đến nơi đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Sau khi nghe pháp diệu, điều lợi ích được chỉ bày rồi, Trưởng giả hoan hỷ bạch: Mời quý vị sáng mai thọ trai nơi nhà tôi, quý vị nhận lời bằng sự im lặng. Biết được sự nhận lời rồi, Trưởng giả trở về nhà, đến nơi chỗ Tỳ-kheo Thiện Pháp nói: Tôi mời hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên… sáng mai thọ trai, Đại đức đến dùng cơm với các vị ấy. Tỳ-kheo Thiện Pháp khởi ý nghĩ: Trưởng giả ác này tâm hồn đã bị bại hoại, từ lâu nay, khi cần thỉnh Tăng đều cho ta biết trước, tại sao nay thỉnh hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng năm trăm Tỳ-kheo mà không cho ta biết. Nghĩ rồi lại nói: Sáng mai tôi sẽ đến. Ông Trưởng giả trở về nhà, suốt đêm lo sửa soạn các thức ăn ngon bổ, những thức ăn quý giá nhất trong thế gian không thiếu thứ gì. Sáng ngày mai trải tòa ngồi, Tỳ-kheo Thiện Pháp đến, thấy sửa soạn như vậy, không thiếu một thứ mỹ thuật nào. Do gia đình ông Trưởng giả có ép dầu nên Thiện Pháp nói: Các thứ ăn đầy đủ cả, chỉ thiếu món bánh dầu “Hồ ma”. Ông Trưởng giả nghe rồi, bèn nổi giận nói: Đại đức uyên thâm giáo lý mà tuôn ra những lời ác như vậy! Ông Trưởng giả liền nói ví dụ: Xưa kia có người khách buôn từ phương Bắc đem một con gà mái đến nước Ba-tuần, nước Ba-tuần không có gà trống, cho con quạ rập với nó, đẻ ra trứng, ấp nở ra thành con quạ con, khi lớn lên nó phát ra tiếng gà không được, nó kêu tiếng con quạ cũng không xong. Nay Đại đức cũng như vậy, uyên thâm giáo lý mà tuôn ra lời nói ác. Tỳ-kheo Thiện Pháp nghe rồi nổi giận nói: Trưởng giả nhục mạ tôi một cách quá đáng, làm sao tôi ở đây được, tôi sẽ đi phương xa. Ông Trưởng giả lại nói: Đại đức đừng nổi giận, nên lưu lại đây, tôi sẽ như thường cung cấp y thực. Nói như vậy Ba lần, Tỳ-kheo Thiện Pháp vẫn không chịu ở lại. Ông Trưởng giả nói: Đại đức muốn đi đến đâu? Tỳ-kheo đáp: Tôi muốn đến chỗ Đức Phật. Ông Trưởng giả nói: Nếu đến chỗ Đức Phật, tôi xin kính lời vấn an Đức Thế Tôn và xin Đại đức trình bày đúng sự thật, chớ nên thêm bớt. Tỳ-kheo Thiện Pháp nói: Được rồi! Bây giờ ông Trưởng giả trải tọa cụ xong, đến bạch: Trai soạn xong, giờ thọ trai đã đến, xin kính mời. Hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mụckiền-liên, đại chúng vây quanh, đến nhà ông Trưởng giả. Ông Trưởng giả tự tay dâng thức ăn, ăn xong dâng nước rửa, rồi lấy chiếc ghế nhỏ, ngồi phía trước, hai Tôn giả vì gia chủ nói các pháp mầu, chỉ vẽ sự lợi ích, để được vui vẻ rồi từ tòa ra về. Sau khi ăn xong, Tỳ-kheo Thiện Pháp trở về rừng, mặc y bưng bát đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem chuyện của Trưởng giả Chấtđa-la trình bày đầy đủ lên Đức Thế Tôn. Đức Phật liền quở trách: Thầy là người ngu si, tại sao lại dùng lời hạ tiện gán cho ông Trưởng giả kia? Nhân việc này, Đức Phật liền tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay nên trao cho những Tỳ-kheo như thế pháp hạ ý, bằng Bạch-tứyết-ma, xin lỗi bạch y kia. Một Tỳ-kheo đọc lớn:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo đây tên… dùng lời hạ tiện gán cho bạch y tên là… nay Tăng trao cho pháp Yết-ma hạ ý, xin lỗi bạch y kia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo đây tên… dùng lời hạ tiện gán cho bạch y tên là… nay Tăng trao cho pháp Yết-ma hạ ý, xin lỗi bạch y kia. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Tăng đã trao cho Tỳ-kheo… pháp hạ ý Yết-ma rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Lại nên bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo bạn của một Tỳ-kheo kia cùng đi xin lỗi bạch y kia. Một Tỳ-kheo đọc lớn:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai Tỳ-kheo… bạn của Tỳkheo… đến dùng lời xin lỗi bạch y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai Tỳ-kheo… bạn của Tỳkheo… đến dùng lời xin lỗi bạch y. Các Trưởng lão chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã sai Tỳ-kheo… bạn của Tỳ-kheo… đến dùng lời xin lỗi bạch y. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Tỳ-kheo nên dẫn Tỳ-kheo được Tăng sai đến, nắm tay bạch y nói lời xin lỗi: Trước đây tôi đã dùng lời hạ tiện gán cho ông, nay tôi ăn năn, xin ông nhận sự ăn năn của tôi. Nếu bạch y chấp nhuận thì tốt, bằng không, Tỳ-kheo được Tăng sai đến nên dẫn Tỳ-kheo kia tới chỗ mắt thấy tai không nghe, bảo làm pháp Đột-kiết-la hối quá. Nên nói: Tôi, Tỳ-kheo tên là… đã dùng lời thô ác gán cho bạch y tên… phạm tội Đột-kiết-la, nay hướng đến Trưởng lão ăn năn. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Tất nhiên sau đó, Tỳ-kheo được Tăng sai, một mình trở lại chỗ bạch y nói: Tăng đã trị Tỳ-kheo kia, vừa rồi tôi cũng nghiêm trị, ông cần nhận sự ăn năn của vị ấy. Tiếp theo cũng vậy, Tỳ-kheo kia lại nên đến nói lời nhận lỗi như trên. Nên thuận tùng Tăng, như trong pháp Yết-ma quở trách đã nói. Vị kia thuận tùng Tăng rồi, ăn năn, tự trách, yêu cầu giải Yết-ma. Tăng nên trao cho pháp giải Yết-ma. Pháp giải Yết-ma cũng như trước đã nói.