LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 16

 

Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…

Đoạn 1: NÓI VỀ PHÁP THỌ GIỚI (Tiếp Theo)

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Các ông mỗi mỗi người đều ở nơi phần bộ du hành trong thế gian, có nhiều người hiền thiện có thể thọ sự giáo giới. Nay ta riêng một mình sẽ đến cõi Ưu-vi, chỗ của Uất-tỳ-la Ca-diếp để khai hóa.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy chia nhau đi. Đức Thế Tôn bèn đến chỗ Ca-diếp. Ca-diếp thờ một con độc long để riêng trong một ngôi nhà vắng, không ai dám vào, chỉ trừ Ca-diếp. Đức Phật cố ý đến vào buổi chiều để xin ở lại đêm nơi ngôi nhà có con rồng.

Ca-diếp nói:

-Đó là điều không thể chấp nhận, vì trong nhà có con độc long sợ nó làm hại.

Đức Phật nói:

-Không can chi, con rồng không hại tôi đâu.

Ca-diếp nói:

-Nếu không sợ thì tùy ý cứ vào nghỉ.

Đức Phật liền đem cỏ vào nhà trải ra để ngồi, với ý nghĩ: Ta sẽ làm cho thân con rồng nhỏ lại như que đũa để trong bình bát, điều phục nó. Đức Phật mới ngồi trong giây lát, con rồng nổi giận cả thân đều tuôn khói ra, Phật cũng cho khói tuôn ra. Cả thân rồng thành một đống lửa cháy, cả thân Phật cũng tuôn ra lửa. Cả hai ngọn lửa hừng hực cháy, làm cho cả nhà của rồng tung tóe ra ánh sáng chói lọi.

Khi ấy, Ca-diếp và các đệ tử đến đi quanh nhà con rồng, buồn than nói:

Đáng tiếc là Đại Sa-môn không chịu nghe lời ta, để rồi bây giờ bị rồng hại!

Sáng ngày, Đức Phật dùng bình bát đựng rồng đem ra và nói với Ca-diếp:

Độc long ở trong bát này, mọi người đều sợ, nay đã bị hàng phục.

Ca-diếp tâm niệm: Đại Sa-môn này tuy có thần lực nhưng không bằng chân đạo của ta.

Đức Phật liền dùng thần lực, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, chỉ trong chớp nhoáng đem con rồng đến để ngoài thế giới rồi trở về chỗ Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

-Để con rồng chỗ nào?Phật đáp:

-Để nơi ngoài thế giới.

Ca-diếp lại nghĩ: Đại Sa-môn này rất có thần lực, chỉ trong chốc lát đã đem con rồng đến để nơi ngoài thế giới. Tuy vậy không bằng ta đã đạt được đạo A-la-hán.

Ca-diếp bạch Phật:

-Mời Đại Sa-môn ở lại đây tôi sẽ cúng dường.

Đức Phật nói:

-Nếu hằng ngày ông có thể đến mời thì tôi có thể nhận lời.

Ca-diếp nói:

-Tốt lắm!

Cách chỗ Ca-diếp không xa có một khu rừng rậm, Đức Phật tạm ở nơi đó. Ban đêm, Tứ Thiên vương giáng hạ đến hầu Phật và đến nghe pháp. Ánh sáng của Tứ Thiên vương như bốn đống lửa, Ca-diếp ban đêm thức dậy thấy bên Đức Phật như có bốn đống lửa lớn, không biết cái gì, sáng ngày đến thỉnh Phật:

-Thức ăn đã xong, xin mời Ngài đến thọ.

Ca-diếp lại hỏi:

-Đêm vừa rồi nơi đây có bốn ánh sáng lớn, giống như lửa mà không phải. Vậy đó là cái gì?

Đức Phật nói:

-Đêm vừa rồi Tứ Thiên vương xuống cúng dường và nghe pháp, đó là ánh sáng của họ.

Ca-diếp lại nghĩ: Đại Sa-môn này có đại oai thần nên mới khiến Tứ Thiên vương tự đến cúng dường, tuy nhiên vẫn không bằng ta đã đạt được đạo A-la-hán.

Đức Phật nói với Ca-diếp:

-Ông về trước, ta sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, Đức Phật như kẻ lực sĩ co duỗi cánh tay, chỉ trong chớp nhoáng tới cây Diêm-phù để lấy trái đem đến. Ca-diếp chưa về tới nơi, Phật đã đến ngồi rồi. Ca-diếp về sau, thấy Phật hỏi:

-Tôi không đi đường khác trở về, cũng không ghé nơi nào, không thấy Đại Sa-môn, vậy Đại Sa-môn đi đường nào đến đây?

Đức Phật nói:

-Sau khi ông vừa ra về, tôi đến nơi cây Diêm-phù hái trái đem tới đây. Trái này thơm ngon có thể ăn được, nay tôi biếu ông ăn thử.

Ca-diếp lại nghĩ: Đại Sa-môn có Đại thần lực nhưng không bằng ta, đã đạt được đạo A-la-hán.

Đức Phật thọ trai xong, trở về lại khu rừng. Ban đêm, Thích-đềhoàn-nhân đích thân xuống hầu hạ và muốn nghe pháp. Ánh sáng của trời Đế Thích chiếu khắp khu rừng hơn gấp bội của Tứ Thiên vương. Ca-diếp ban đêm thấy cũng không biết là ánh sáng gì, sáng ngày tới thỉnh Phật đến thọ trai và hỏi ý nghĩa của ánh sáng.

Đức Phật nói:

-Đêm vừa qua Thích-đề-hoàn-nhân cúng dường và nghe pháp, đó là ánh sáng của họ.

Ca-diếp lại nghĩ: Đại Sa-môn này là hạng thần lực khuôn mẫu của thần lực nên mới khiến trời Đế Thích tự đến cúng dường, song không bằng ta, đã đạt được đạo A-la-hán.

Đức Phật bảo ông Ca-diếp:

-Ông về trước, tôi sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, Phật đến bên cạnh Diêm-phù-đề nơi rừng Ha-lêlặc hái trái đem tới. Ca-diếp chưa về đến nơi mà Đức Phật đã ngồi nơi tòa. Ca-diếp về tới sau, cũng hỏi như trên.

Đức Phật nói:

-Sau khi ông vừa đi, tôi đến bên cạnh Diêm-phù-đề, nơi rừng Halê-lặc hái trái đem tới đây. Trái này thơm ngon, có thể ăn được, nay tôi biếu ông ăn thử.

Ca-diếp lại nghĩ như trước.

Đức Phật thọ trai xong lại về khu rừng. Trong đêm, Phạm Thiên vương, chủ thế giới Ta Bà xuống hầu hạ và muốn nghe pháp. Ánh sáng của trời Phạm thiên gấp bội so với ánh sáng của Đế Thích. Ca-diếp ban đêm thấy cũng không biết là ánh sáng gì, sáng ngày đến thỉnh Phật thọ trai rồi cũng hỏi ý nghĩa của ánh sáng.

Đức Phật nói:

-Đêm vừa rồi Phạm Thiên vương đến cúng dường và nghe pháp, đó là ánh sáng của họ.

Ca-diếp lại nghĩ: Đây là Đại Sa-môn thuộc hạng thần lực khuôn mẫu của thần lực nên mới khiến trời Phạm thiên đến cúng dường, song không bằng ta, đã đạt được đạo A-la-hán.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

-Ông về trước, tôi sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, Đức Phật đến bên cạnh Diêm-phù-đề nơi rừng Ama-lặc hái trái đem đến… như trước đã nói.

Đức Phật thọ trai xong trở lại khu rừng. Bấy giờ, Đức Thế Tôn cần nước để rửa, sông Ni-liên-thiền chảy quanh lại, đi qua bên Đức Phật, khiến Phật sử dụng được. Sáng ngày, Ca-diếp lại đến thỉnh Phật thọ trai thấy khúc sông chảy quanh liền hỏi:

-Ai đào khúc sông này?

Đức Phật nói:

-Vừa rồi Ta cần nước, nước tự chảy quanh đến.

Ca-diếp lại nghĩ: Đây là Đại Sa-môn thuộc hạng thần lực khuôn mẫu của thần lực nên mới khởi ý niệm cần nước, nước liền chảy đến, song không bằng ta, đã đạt được đạo A-la-hán.

Đức Phật nói với Ca-diếp:

-Ông về trước, tôi sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, Đức Phật đến nơi Câu-da-ni lấy sữa bò nơi đó… (ngoài ra như trước đã nói).

Đức Phật thọ trai xong trở về lại khu rừng. Bấy giờ, có tớ gái của Bà-la-môn Tư-na chết, bỏ chiếc áo nơi gò mả, Đức Phật lấy đem về, với ý nghĩ nên giặt như thế nào? Khi vừa nghĩ như vậy Thích-đề-hoànnhân liền đến dùng tay chỉ xuống đất nước liền tuôn ra thành cái ao, rồi bạch Phật:

-Ngài có thể giặt nơi đây.

Sơn thần A-tỳ Thích-ca đưa đến một cái bồn bằng đá lớn, cũng bạch Phật:

-Ngài có thể dùng cái bồn này để giặt.

Phật lại nghĩ: Ta đứng nơi cái gì để giặt y này?

Cách ao không xa có cây Kha-hầu, vị thần cây bẻ cong một nhánh cây xuống để Phật vịn nơi đó. Đức Phật giặc y rồi, phơi nơi hư không. Ca-diếp sáng ngày đến thỉnh Phật thọ trai, thấy vấn đề giặt y đều thưa hỏi Đức Phật. Đức Phật kể lại rõ ràng câu chuyện. Ca-diếp cũng với tâm niệm như trước. Đức Phật nói với Ca-diếp:

-Ông về trước, tôi sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, Đức Phật đến nơi châu Uất-đơn-việt lấy loại lúa tám cánh… (ngoài ra như trên đã nói).

Đức Phật thọ trai xong, trở về lại khu rừng. Sáng hôm ấy, nhân lúc có tiết hội, Ca-diếp nghĩ: Nay ta không thỉnh Phật thọ trai, vì mọi người thấy Ngài chắc họ sẽ bỏ ta mà tranh nhau phụng sự Ngài, do vậy không thỉnh. Đức Phật biết việc ấy nên đến châu Uất-đơn-việt lấy thức ăn để ăn. Ngày ấy qua rồi. Ca-diếp lại đến thỉnh Phật thọ trai và hỏi:

-Hôm vừa qua tôi không đến thỉnh, Ngài ăn thứ gì?

Đức Phật nói:

-Ngày tiết hội vừa qua ông nghĩ: Nếu Phật đến mọi người thấy, chắc sẽ bỏ ta, tranh nhau phụng sự Ngài. Cho nên ta đến châu Uất-đơnviệt lấy thức ăn mà ăn.

Ca-diếp lại nghĩ: Đây là đại Sa-môn thần lực thuộc hạng thần lực khuôn mẫu, nên mới biết ý niệm của người khác, song không bằng ta, đã đạt được đạo A-la-hán. Hôm ấy, Đức Phật cùng Ca-diếp đến nhà thọ trai, rồi trở lại khu rừng.

Bấy giờ, năm trăm đệ tử của Ca-diếp cùng nhau bửa củi, nhưng cái búa giở không lên. Đệ tử thưa với thầy việc này. Thầy nói: Sợ Đại Sa-môn làm như vậy, các ông nên đến hỏi Ngài. Họ liền đến hỏi Phật.

Đức Phật hỏi:

-Các ông muốn giở lên hay không?

Họ thưa:

-Muốn.

Đức Phật nói:

-Các ông cứ đi đi, cái búa tự giở lên.

Khi giở lên rồi, để xuống lại không được. Họ lại thưa với thầy, thầy họ bảo thưa hỏi Phật.

Đức Phật hỏi:

-Muốn để xuống hay không?

Họ nói:

-Muốn.

Đức Phật bảo:

-Có thể cứ đi, búa sẽ tự để xuống.

Khi để xuống rồi, búa tự dính luôn nơi củi không thể bửa được. Đệ tử lại thưa thầy, thầy họ bảo hỏi Phật.

Đức Phật hỏi:

-Muốn bửa được phải không?

Họ thưa:

-Vâng!

Đức Phật nói:

-Cứ đi đi, cái búa tự sử dụng được.

Cái búa liền đắc dụng. Họ muốn nhen lửa, lửa không chịu cháy, họ lại thưa với thầy, thầy họ bảo hỏi Phật.

Đức Phật nói:

-Có thể cứ đi, lửa nó sẽ tự cháy. Lửa liền tự cháy.

Khi đã cháy rồi lại không tắt được, họ lại hỏi thầy, thầy họ bảo hỏi Phật.

Đức Phật hỏi:

-Muốn cho lửa tắt phải không?

Họ thưa:

-Vâng.

Đức Phật nói:

-Cứ đi, lửa tự sẽ tắt. Lửa liền tự tắt.

Họ muốn dội nước để tắt than, nước lại ở trong bình không chịu chảy ra, họ thưa thầy, thầy họ bảo hỏi Phật.

Đức Phật hỏi:

-Muốn cho nước chảy ra phải không?

Họ thưa:

-Vâng.

Đức Phật nói:

-Cứ đi, nước sẽ tự chảy ra. Nước liền tự chảy ra.

Khi đã chảy ra rồi lại không dừng lại, họ thưa thầy, thầy họ bảo hỏi Phật.

Đức Phật hỏi:

-Muốn cho nước ngừng chảy phải không?

Họ thưa:

-Vâng.

Đức Phật nói:

-Cứ đi, nước sẽ tự ngưng. Nước liền tự ngưng chảy.

Bấy giờ, mây u ám mưa lớn bảy ngày, nhà Ca-diếp thành một biển nước mênh mông, Đức Phật ở trong rừng, Ca-diếp sợ Phật bị cuốn trôi, đi thuyền đến xem, thấy Đức Thế Tôn đi kinh hành trên dòng sông Ni-liên-thiền. Ca-diếp lại nghĩ: Đây là Đại Sa-môn có thần lực thuộc loại thần lần khuôn mẫu, nên nước lớn như vậy mà không bị cuốn trôi, mới đi kinh hành trên nước, song không bằng ta, đã đạt được đạo A-la-hán.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bay trên hư không bảo Ca-diếp:

-Ông không phải là A-la-hán, tại sao hư dối tự xưng là đắc đạo?

Ca-diếp bạch:

-Bạch Thế Tôn! Thật vậy! Bạch Thế Tôn! Thật vậy!

Ca-diếp lại bạch Phật:

-Xin được xuất gia chỗ Đại Sa-môn, thọ giới Cụ túc.

Đức Phật nói:

-Ông đã báo cho đệ tử chưa?

Ca-diếp thưa: – Chưa.

Đức Phật nói:

-Nên báo cho họ trước.

Ca-diếp vâng lời, liền trở về nói với hàng đệ tử:

-Các ông biết chăng, ta muốn tịnh tu phạm hạnh chỗ của Đại Samôn, các ông người nào theo ta thì tốt, bằng không vui theo tùy ý.

Năm trăm người đệ tử đồng thanh nói:

-Khi chúng con thấy Phật hàng phục rồng, đã sinh lòng, chỉ đợi ý kiến của thầy mà thôi. Chúng con xin được tùy tùng.

Thế là thầy trò cùng nhau đến chỗ Phật, bạch Phật:

-Thầy trò chúng con đều muốn xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật dạy:

-Lành thay, các Tỳ-kheo đến đây, thọ giới Cụ túc, trong pháp luật khéo nói của Ta, có thể chấm dứt tất cả khổ, tịnh tu phạm hạnh.

Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử râu tóc tự rụng, áo cà sa mặc vào thân, bình bát bưng nơi tay. Khi đã thọ giới rồi, những dụng cụ, y phục thờ lửa trước kia đều đem bỏ nơi dòng sông Ni-liên-thiền. Như vậy Ca-diếp và năm trăm đệ tử thọ giới Cụ túc xong.

Ca-diếp có hai người em, người lớn tên là Na-đề Ca-diếp, người nhỏ tên là Già-da Ca-diếp. Người em lớn có ba trăm đệ tử, người em nhỏ có hai trăm đệ tử. Ở cách anh một do-tuần về phía hạ lưu sông Niliên, hai người em thấy dụng cụ thờ lửa của anh mình trôi theo dòng sông, hoảng kinh, sợ anh mình bị người ác hại bỏ trôi theo dòng nước. Hai người em liền dẫn năm trăm đệ tử ngược dòng nước lên đến chỗ anh, thấy thầy trò của anh mình đều làm Sa-môn, lấy làm lạ, hỏi:

-Tại sao thế này?

Người anh trả lời:

Pháp của đạo này nói lên được yếu tố thù thắng tối thượng, không ai hơn được.

Hai người em cùng năm trăm đệ tử nghị bàn: Trí tuệ đệ nhất như anh mình mà nay vui sống với đạo này thì chắc đạo ấy là tối thắng. Do đó, họ cùng với đệ tử đồng như người anh xuất gia. Họ liền đến chỗ Đức Phật đảnh lễ sát chân, rồi bạch:

-Xin cho chúng con xuất gia, thọ giới Cụ túc.

Đức Phật nói:

-Lành thay, các Tỳ-kheo đến đây!… cho đến câu: Bình bát bưng nơi tay như trước đã nói.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn có suy nghĩ: Phải giáo giới cho một ngàn Tỳ-kheo Tăng Phạm chí mới xuất gia. Nơi nào có đủ ẩm thực, ngọa cụ cho Tỳ-kheo để giáo giới?

Nơi núi Già-da có đủ ẩm thực, ngọa cụ. Nghĩ như vậy rồi, Đức Phật dẫn một ngàn Tỳ-kheo đến đó, dùng ba việc để mà giáo hóa:

Một là, thần túc.

Hai là, thuyết pháp.

Ba-là, giáo sắc.

Thần túc giáo giới là thế nào? Như trong mục thần thông đã nói.

Thuyết pháp giáo giới là thế nào? Như nói Tỳ-kheo nên suy nghĩ thế này, không nên suy nghĩ thế này, nên nhớ nghĩ thế này, không nên suy nghĩ thế này, nên tu thế này, nên đoạn thế này, nên y theo như vậy mà tu hành.

Giáo sắc giáo giới là thế nào? Như nói Tỳ-kheo đốt cháy tất cả. Thế nào là đốt cháy tất cả? Đốt cháy nhãn, đốt cháy sắc. Nhãn thức, nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sinh thọ cũng đốt cháy. Đốt cháy cái gì? Đốt cháy lửa dục, đốt cháy sân dục, si dục… cho đến ý pháp cũng như thế. Đệ tử của bậc Thánh nghe pháp như vậy, sinh tâm nhàm chán xuất ly, không có nhiễm vướng, bèn được giải thoát, trí giải thoát sinh, việc làm đã xong, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh. Khi giảng nói pháp như vậy một ngàn Tỳ-kheo dứt hết lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khởi ý niệm: Trước đây ta cùng Vua Bìnhsa có lời kết là khi đắc đạo thì độ ông ta, nay nên đến đó. Đức Phật bèn cùng một ngàn Tỳ-kheo kẻ trước người sau vây quanh, tuần tự du hành đến thành Vương-xá. Vua Bình-sa nghe Phật thành đạo, độ ba anh em ông Ưu-vi-ca-diếp và một ngàn đệ tử, nay đến ấp này, liền ra lệnh trong nước có bốn mươi hai ngàn thôn, mỗi thôn chọn hai vị hào kiệt để đến cung nghinh Đức Phật. Tám vạn bốn ngàn người cỡi voi ngựa, xe trước sau nối đuôi nhau. Lúc này, vào tháng cuối mùa Xuân khí hậu rất nóng, mọi người đều nghĩ: Làm sao có được chút bóng mát. Khi ấy, trời Thíchđề-hoàn-nhân biết được ý niệm đó liền hóa làm lọng báu bằng mây, gió mát phảng phất, tự hóa làm Phạm thiên mặc áo sắc vàng cầm cây trượng bằng bảy báu, cái phất trần khảm bằng bảy báu, cách đất một khuỷu tay đi trước hướng dẫn. Lúc đó, người nước Ma-kiệt muốn lấn Phật đi trước, bị trời Đế Thích đuổi chạy. Họ chê trách, nói kệ:

Hình như tượng Phạm thiên
Cầm trượng đi cách đất
Miệng nói lời nhu hòa
Vì ai làm phục vụ?

Thích-đề-hoàn-nhân dùng kệ trả lời:

Giải thoát tất cả trói
Điều ngự sĩ tối thượng
Ứng Cúng bậc Thiện Thệ
Ta phục vụ vì Ngài.

Bấy giờ, Vua Bình-sa khởi ý niệm: Nơi Đức Phật nghỉ ngơi, ta sẽ đem chỗ này cúng Phật, để lập Tinh xá. Đức Phật biết ý đó, chiều tối đến nghỉ ngơi vườn trúc Ca-lan-đà. Khi ấy, quần chúng đều sinh nghi niệm: Không biết Đức Phật cùng Ưu-vi-ca-diếp ai là đệ tử? Đức Phật biết ý niệm của quần chúng bèn hướng đến Ưu-vi-ca-diếp nói kệ:

Ưu Vi ông thấy gì
Mà bỏ pháp thờ lửa?
Nay chính ta hỏi ông
Ông cần như thật đáp.

Ưu-vi-ca-diếp dùng kệ trả lời:

Thường tham những mỹ vị
Tâm chạy theo thanh sắc
Tôi thấy cấu uế này,
Nên bỏ nghiệp thờ lửa.

Lúc này, đại chúng tuy nghe Đức Phật cùng Ca-diếp đều nói một bài kệ, chưa rõ được ý chỉ nên còn hồ nghi. Đức Phật biết tâm của đại chúng, lại dùng kệ hỏi:

Ngũ vị ngọt miệng người
Sắc thanh vui lòng người
Ông thấy cấu uế này
Do đâu mà được không?

Ưu-vi-ca-diếp dùng kệ trả lời:

Tôi thấy đạo tịch diệt
Tất cả không đắm chấp
Không khác, không thể khác
Do vậy bỏ thờ lửa.

Bấy giờ, đại chúng tuy hai lần nghe kệ, vẫn còn hoài nghi do dự.

Phật biết tâm họ, bèn bảo Ca-diếp:

-Ông lấy quạt, quạt tôi.

-Ca-diếp liền vâng lời, lấy quạt quạt Phật.

Đức Phật lại bảo Ca-diếp:

-Hiện thần thông biến hóa của ông xem nào!

Ca-diếp liền thị hiện các loại thần biến, phân thân thành trăm ức, lại hiệp thành một, vách đá đều đi xuyên qua được, vào trong đất như vào trong nước, đi trên nước như đi trên đất, ngồi nằm trong không trung, như chim bay lượn, cả thân bừng cháy chói sáng, tuôn khói vụt lên mây, lấy tay rờ mặt trời, mặt trăng, đứng thẳng đến trời Phạm Tự Tại vô ngại. Hoặc trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân bừng cháy, thân dưới tuôn ra nước, sau đó giáng hạ cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng, quỳ gối, chấp tay, bạch Phật:

-Thế Tôn là thầy của con, con là đệ tử của Thế Tôn.

Thưa như vậy Ba lần rồi, nói với đại chúng:

-Những sự hiểu biết cho đến các thần biến của tôi đều do ân của Đại sư.

Khi ấy, đại chúng mới biết Ca-diếp là đệ tử của Phật, nên đối với Đức Phật hết sức hoan hỷ, lòng cung kính vô lượng. Thường pháp của chư Phật là nhân tâm chưa rung chuyển thì không vì họ giảng nói pháp. Đức Phật biết đại chúng đã vui vẻ cung kính, nên giảng nói các pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích, khiến họ vui mừng và giảng nói thường pháp của chư Phật là khổ, tập, tận, đạo. Vua Bình-sa và tám vạn bốn ngàn người liền từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả, rồi thọ ba quy y, năm giới. Lúc này, Vua Bình-sa cúi đầu thỉnh Phật và Tăng sáng ngày thọ trai. Đức Phật nhận lời bằng sự im lặng. Nhà Vua vui vẻ trở về cung, ra lệnh chuẩn bị các thức ăn ngon bổ. Sáng ngày trải tọa cụ nơi vườn trúc, đích thân đến thỉnh Phật thọ trai. Đức Phật cùng đại chúng theo thứ tự mà ngồi. Nhà Vua tự tay sớt thức ăn vui vẻ không mỏi mệt. Phật và Tăng ăn rồi, dâng nước rửa xong, nhà Vua đứng qua một bên, bạch Phật:

Con xin cúng dường vườn trúc này lên Đấng Thế Tôn.

Đức Phật dạy:

-Nên cúng cho Tăng phước đức nhiều hơn.

Nhà Vua lại bạch Phật:

-Cúi xin Ngài thọ nhận.

Đức Phật dạy:

-Nên cúng cho Tăng, trong đó có tôi.

Nhà Vua vâng theo lời dạy dâng cúng cho Tăng bốn phương. Sau đó, Vua lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Đức Phật. Đức Phật giảng nói pháp tùy hỷ, chú nguyện bằng bài kệ, như vì Tỳ-lan-nhã giảng nói. Nói kệ rồi giảng nói các pháp vi diệu rồi bảo Vua về lại chỗ ở. Nhà Vua từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng rồi cáo lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở Tinh xá Trúc Viên thuộc thành La-duyệtkỳ, nơi đó có một ấp tên là Na-la-đà, có Phạm chí tên là Sa-nhiên, đệ tử thọ học hai trăm năm mươi người. Trong môn đồ có hai vị cao túc, một tên là Ưu-ba-đề-xá, người thứ hai tên là Câu-luật-đà. Bấy giờ, Át-tỳ mặc y bưng bát vào thành khất thực, sắc diện hòa dịu, các căn tịch định, y phục tề chỉnh, nhìn đất mà đi. Khi ấy, Ưu-ba-đề-xá dạo chơi, từ xa thấy Át-tỳ oai nghi rõ nét, khen chưa từng có, đợi đến bèn hỏi:

-Thầy theo bậc pháp nào mà y phục khác thường? Có thể cho tôi biết quý danh của bậc Tôn sư?

Át-tỳ nhìn thẳng trả lời:

-Sa-môn Cù-đàm là Đại sư của tôi. Chúng tôi tôn thờ Ngài, theo học với Ngài.

Ưu-ba-đề-xá nói:

-Đại sư của quý vị giảng nói những pháp gì?

Át-tỳ nói:

-Tôi còn non trẻ, mới học đạo chưa bao lâu, đâu có thể nói được nghĩa lý rộng lớn của thầy tôi. Nay tôi chỉ có thể vì ông nói các nghĩa yếu lược. Thầy tôi dạy: Các pháp từ duyên sinh, cũng từ duyên diệt. Tất cả các pháp là không, không có chủ thể.

Ưu-ba-đề-xá nghe rồi, tâm ngộ ý giải, được mắt pháp trong sạch, bèn trở về chỗ ở, rồi vì Câu-luật-đà nói lại các pháp đã nghe. Câu-luậtđà nghe xong cũng xa trần lìa cấu, đạt được mắt pháp trong sạch, liền hỏi:

-Đức Như Lai du hóa, hiện nay ở đâu?

-Hiện ở vườn trúc Ca-lan-đà.

Câu-luật-đà nói:

-Đức Như Lai là thầy của chúng ta, chúng ta nên cùng đến để kính lễ thăm hỏi.

Ưu-ba-đề-xá nói:

-Còn hai trăm năm mươi đệ tử? Khi thầy gần qua đời có di chúc, chúng ta cần thành tựu cho nhau, có thể nào không thông báo cho họ mà xé lẻ ra đi?

Hai người liền đến chỗ đệ tử nói:

-Chúng tôi muốn theo Sa-môn Cù-đàm để tịnh tu phạm hạnh, các ông mỗi người tùy ý thích lựa chọn.

Khi ấy, hai trăm năm mươi người đệ tử đều muốn đi theo. Hai người bèn dẫn đệ tử cùng đến vườn trúc.

Đức Thế Tôn từ xa trông thấy, bảo các Tỳ-kheo:

-Hai người sắp đến kia, một tên là Ưu-ba-đề-xá, người thứ hai tên là Câu-luật-đà. Hai người này sẽ là bậc tối thượng thủ trong hàng đệ tử của ta, trí huệ vô lượng, thần túc bậc nhất. Trong chốc lát hai người đến, Đức Phật vì họ tuần tự giảng nói pháp, luận về việc bố thí, trì giới và sinh thiên, chê trách dục bất tịnh, khen ngợi hạnh xuất ly. Từ nơi chỗ ngồi, họ liền dứt hết các lậu hoặc, tâm ý hiểu rõ đều đến trước Đức Phật xin được xuất gia tịnh tu phạm hạnh.

Đức Phật dạy:

-Lành thay các Tỳ-kheo đến đây, ở trong pháp của Ta tịnh tu phạm hạnh, đặng dứt hết nguồn gốc khổ, liền được gọi là xuất gia thọ giới Cụ túc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn du hóa nơi thành La-duyệt-kỳ, anh em Uất-tỳ-la Ca-diếp và một ngàn người đệ tử, Xá-lợi-phất. Mục-kiền-liên và hai trăm năm mươi đệ tử đều xuất gia học đạo. Các hào quý tộc tánh, Trưởng giả, Cư sĩ nơi thành La-duyệt-kỳ cũng đều xuất gia. Đại chúng vây quanh tụ hội nơi nước này, Đức Phật vì họ giảng nói pháp.

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, Đức Thế Tôn chưa dạy các Tỳ-kheo cần có Hòa thượng, A-xà-lê. Do không có Hòa thượng, Axà-lê nên oai nghi bị thất thoát, mặc y thượng, hạ đều không như pháp, không biết việc tịnh hay bất tịnh, không buộc niệm trước mặt, không khéo hộ trì các căn. Vào xóm làng khất thực thọ thực bất tịnh, tự tay nhận lấy thức ăn không nhận từ người dâng. Khi người trao thức ăn, chính nơi tay người kia moi bới lên mà lấy, xòe tay cầm nơi miệng bát, không đưa cao bát lên mà thọ. Khi lớn tiếng nói ồn, người không tin ưa Phật pháp chê trách, nói: Các Sa-môn này quá hơn ngoại đạo, không có oai nghi… cho đến câu: Cao tiếng nói ồn, không có pháp của Sa-môn, phá hạnh Sa-môn. Chỗ nào họ không đi qua đều được thiện lợi. Lại có một Tỳ-kheo bệnh không ai chăm sóc, do đó phải qua đời. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, liền nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo:

-Thật sự các thầy có như vậy không?

-Bạch Thế Tôn có như vậy.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách:

-Tại sao các ông lại tâm tán loạn của mình, đi, đứng, nằm, ngồi đều không như pháp.

Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo:

Nếu mặc y thượng, y hạ không như pháp… cho đến câu: Khi ăn cao tiếng nói ồn đều phạm Đột-kiết-la. Từ nay do mười điều lợi, cho phép các Tỳ-kheo phải có Hòa thượng. Hòa thượng tự nhiên sinh tâm ái niệm đối với đệ tử như đối với con. Đệ tử tự nhiên sinh tâm kính trọng đối với Hòa thượng như cha mẹ, siêng giáo giới cho nhau, tương kính, chia bùi xẻ ngọt cho nhau, thì có thể mở rộng Phật pháp, khiến được lâu dài.

Pháp thỉnh Hòa thượng: Người thỉnh để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối, hai tay ôm chân Hòa thượng, thưa: Con tên là… nay cầu thầy làm Hòa thượng. Thầy vì con làm Hòa thượng. Con tha thiết mong thầy làm Hòa thượng cho con nương dựa. Nhờ thầy làm Hòa thượng nên con được thọ giới cụ túc. Cần cầu như vậy Ba lần. Hòa thượng nên trả lời: Được tốt! Tôi sẽ giáo giới ông. Ông chớ buông lung!

Đệ tử nên phụng thờ Hòa thượng: Nếu không thưa với Hòa thượng mà vào xóm làng, phạm Đột-kiết-la. Nếu cùng đi với Tỳ-kheo khác, cũng phải bạch với Hòa thượng, nếu không bạch hay không cho mà đi đều phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo khác kêu cùng đi cũng như vậy. Nếu muốn đến chỗ Tỳ-kheo khác lấy y bát, giày dép của mình cũng phải thưa. Nếu không thưa, hay không cho phép mà lấy đều phạm Đột-kiếtla. Nếu muốn cho Tỳ-kheo khác y bát cũng như thế. Nếu Tỳ-kheo khác muốn vì mình gánh y bát và vì mình lấy y bát, cũng phải bạch. Nếu không bạch hay bạch mà không cho phép vẫn lấy đều phạm Đột-kiếtla. Nếu Tỳ-kheo khác nhờ gánh y bát hay khiến lấy cũng như vậy. Phàm làm việc gì cho đến cạo tóc, hoặc vì người cạo đều phải thưa, chỉ trừ đại tiểu tiện và lấy tăm xỉa răng. Nếu Hòa thượng phạm tội thô ác đệ tử nên cố gắng tạo phương tiện, khiến sớm trừ diệt, nếu không tạo phương tiện thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tăng trao cho Hòa thượng pháp Biệt trú hoặc hành Ma-na-đỏa, hay hành Bản nhật, hành A-phù-ha-na, đệ tử phải cố gắng tạo phương tiện cầu Tăng mau cho phép Biệt trú… cho đến hành A-phù-ha-na, nếu không cố gắng làm thì phạm Đột-kiết-la. Nếu ngày Hòa thượng được xuất tội, đệ tử nên lau quét rưới nước trải chỗ ngồi, chuẩn bị thẻ Xá La, tập Tăng cầu Tỳ-kheo Yết-ma, nếu không làm như vậy, phạm Đột-kiết-la. Nếu Tăng trao Hòa thượng pháp Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma hạ ý, đệ tử nên cố gắng cầu Tăng khiến Tăng đừng làm, nếu không cầu Tăng, phạm Đột-kiết-la. Nếu Tăng chắc chắn phải làm các Yết-ma đó, đệ tử mong cầu đừng trái pháp, nếu không mong cầu, phạm Đột-kiết-la. Nếu Hòa thượng bệnh, đệ tử phải túc trực giúp đỡ. Nếu Hòa thượng có vật gì nên thưa để lấy đổi, tùy theo bệnh lo thức ăn, tùy theo bệnh lo thuốc thang. Nếu Hòa thượng không có gì mà mình có thì nên trao đổi. Nếu mình cũng không có vật gì thì nên tìm xin. Lại nên mai chiều vì bệnh tật của Hòa thượng nói pháp. Hòa thượng chưa lành bệnh không nên du hành. Nếu không vậy, phạm Đột-kiết-la. Đệ tử phạm tội thô ác… cho đến câu: Bệnh chưa lành, Hòa thượng chăm sóc cũng như vậy.

Bấy giờ, có các Tỳ-kheo nói một lời: “Người quy y Phật”, trao cho giới. Lại có Tỳ-kheo nói hai lời: “Người quy y Phật, quy y Pháp” trao cho giới. Lại có Tỳ-kheo nói ba lời: “Người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” trao cho giới. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên bảo nói một lời, hai lời, ba lời rồi trao cho giới. Lại có Tỳ-kheo nói: “Lành thay, đến đây Tỳ-kheo” trao cho giới. Các Tỳ-kheo Trưởng lão chê trách: Tại sao thầy lại bắt chước Phật nói: “Lành thay, lại đây Tỳ-kheo”, rồi trao cho giới? Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Không nên nói: “Lành thay, đến đây Tỳ-kheo!” mà trao cho giới.

Lúc này, các Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Đức Phật cho Tỳ-kheo trao giới, chúng ta cũng được phép. Nếu được thì nên trao bằng cách nào? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nay cho phép các thầy trao giới cho Tỳkheo bằng pháp Bạch-tứ-yết-ma để trao. Người muốn thọ giới, để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, kính lễ Tăng, đầu gối bên phải chấm đất, bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên… theo Hòa thượng hiệu… thọ giới Cụ túc. Nay đến Tăng xin thọ giới cụ túc. Cúi xin Tăng tế độ con, rủ lòng thương, thương con. Thưa xin như vậy Ba lần. Trong chúng nên sai Tỳ-kheo biết pháp, bậc Thượng tọa hay ngang bằng với Thượng tọa bạch giữa Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là… muốn thọ giới cụ túc, Đại đức… làm Hòa thượng. Nay Tăng cho… thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là… muốn thọ giới cụ túc, Đại đức… làm Hòa thượng. Nay Tăng cho… thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… các Trưởng lão vị nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Tăng đã chấp thuận cho… thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Khi ấy, các Tỳ-kheo gồm bốn người cho đến chín người cho một người, cho đến nhiều người thọ giới cụ túc. Các Tỳ-kheo Trưởng lão quở trách, rồi bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép chúng mười người trao giới cụ túc. Các Tỳ-kheo dùng phi nhân, bạch y, người bị diệt tẫn, người bị cử tội, người tự ngôn, người bất đồng chánh kiến, người cuồng, người tâm tán loạn, người tâm bệnh hoại, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni vào trong số chúng mười người, trao giới cụ túc. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng mười vị Tỳ-kheo như pháp để trao giới cụ túc. Các Tỳ-kheo trao giới cụ túc cho người ngủ, người say, người cuồng, người tâm tán loạn, người tâm bệnh hoại, người dị kiến. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên trao giới cụ túc cho người ngủ… cho đến người dị kiến. Nên dùng mười Tỳ-kheo như pháp, trao giới cụ túc cho người như pháp. Các Tỳ-kheo dùng người ngủ, người say, người cuồng, người tâm tán loạn, người tâm bệnh hoại làm Hòa thượng. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên dùng những người này làm Hòa thượng. Các Tỳ-kheo lại dùng hai người cho đến mười người làm Hòa thượng. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng một người làm Hòa thượng, không nên dùng hai cho đến mười người. Có các người muốn thọ giới cụ túc mà không thể có đủ mười Tỳ-kheo như pháp, nên khởi ý niệm: Nếu Đức Phật cho phép ta khi Bố-tát, khi Tự tứ, khi Tăng tụ tập trao giới cho người thì đâu có khổ thế này. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho phép khi Bố-tát, khi Tự tứ, khi Tăng tụ tập cho người thọ giới cụ túc.

Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo cùng với Hòa thượng, A-xà-lê không hòa hợp bèn gây trở ngại cho người thọ giới. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Người thọ giới nếu không có nạn sự thì không nên gây trở ngại, nếu gây trở ngại thì phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo do việc nhỏ nhặt mà cưỡng bức gây trở ngại cho người thọ giới, hoặc nói hình như bị mù lòa, hoặc nói chân bị kiễng, hoặc thấy thấp nhỏ bèn nói chưa đủ hai mươi tuổi, hoặc nói cha mẹ hình như chưa cho xuất gia. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên dựa vào việc nhỏ nhặt làm trở ngại cho người thọ giới, nếu làm trở ngại, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo vẫn gây trở ngại. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Nếu Hòa thượng, A-xà-lê hợp lý thì nên cho thọ giới.

Lại có các Tỳ-kheo ở trong một cương giới mà trao giới biệt chúng. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Nên ra ngoài giới bạch nhị Yết-ma kiết tiểu giới để trao giới. Trước hết sai một Tỳ-kheo xướng tướng bốn phương của giới, một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Như tướng bốn phương của giới, do Tỳ-kheo… đã xướng, nay Tăng kiết làm giới đàn, cùng sống chung, cùng Bố-tát, cùng nhận của thí. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Như tướng bốn phương của giới mà Tỳ-kheo… đã xướng, nay Tăng kiết làm giới đàn, cùng sống chung, cùng Bố-tát, cùng nhận của thí. Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã kiết theo tướng giới của Tỳ-kheo… xướng làm giới đàn, cùng sống chung, cùng Bố-tát, cùng nhận của thí rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy. Các Tỳ-kheo kiết giới đàn rồi không xả mà đi. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Nên bạch nhị Yếtma xả giới rồi sẽ đi. Một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Chỗ kiết giới này, nay Tăng xả giới ấy. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch

Đại đức Tăng xin lắng nghe! chỗ kiết giới này nay Tăng xả giới ấy. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã xả giới này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Khi ấy, các Tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới đến chỗ thọ giới, thưa với Thượng tọa: Xin thầy vì người này tác Yết-ma. Thượng tọa nói: Tôi không tụng Yết-ma. Cho đến hạ tọa cũng nói như vậy, nên người ấy không được thọ giới. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Vị nào cũng phải tụng Yết-ma. Nếu mười tuổi về sau mà không tụng được thì phạm Độtkiết-la. Các Tỳ-kheo dẫn hai người muốn thọ giới đến chỗ thọ giới, hai người muốn thọ giới tranh nhau thọ trước, nên không thọ được. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Người nào đến chỗ thọ giới trước thì nên cho thọ trước. Nếu hai người cùng đến một lần thì người nào lớn tuổi nên cho thọ trước. Nếu đồng một tuổi thì Hòa thượng của vị nào lớn hơn thì cho thọ trước. Nếu Hòa thượng cùng đồng nhau thì Yết-ma một lần, nhưng người nào được xướng tên trước thì thọ trước. Ba người cũng như vậy.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:

-Những việc khác cũng được Yết-ma ba người hay không?Đức Phật dạy:

-Được.

Ưu-ba-ly lại hỏi:

-Được cho bốn người tác Yết-ma hay không?

Đức Phật dạy:

-Tất cả không được tác Yết-ma bốn người.

Các Tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới đến chỗ thọ giới để thọ, gặp giặc cướp đoạt, hành hung gần chết, phải trở lại. Các Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta ở trong Tăng phường lập giới tràng để thọ thì khỏi bị nạn này. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Nay cho phép ở trong Tăng phường bạch nhị Yết-ma kiết làm giới tràng để thọ. Trước hết nên bạch nhị Yết-ma để xả giới của Tăng phường. Một Tỳ-kheo biết pháp xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Một trú xứ này, Tăng sống chung, chung Bố-tát, chung nhận vật bố thí, trước kiết giới này nay xả. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Một trú xứ này, Tăng sống chung, chung Bố-tát, chung nhận vật bố thí, trước kiết giới này nay xả. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã giải giới trước đây kiết rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Giải giới của Tăng phường rồi, vậy sau mới kiết giới tràng. Một Tỳ-kheo xướng tướng bốn phương của giới tràng. Một Tỳ-kheo bạch nhị Yết-ma như trên đã nói. Kiết giới trường rồi lại kiết giới Tăng phường. Một Tỳ-kheo xướng tướng bốn phương của giới, lại xướng trừ nội địa. Một Tỳ-kheo tác bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là… này xướng tướng bốn phương của giới, trừ nội địa. Nay Tăng kiết làm đại giới sống chung, chung Bố-tát, chung nhận vật bố thí. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là… này xướng tướng bốn phương của giới, trừ nội địa. Nay Tăng kiết làm đại giới sống chung, chung Bố-tát, chung nhận vật bố thí. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói:

Tăng đã theo tướng giơi bốn phương, trừ nội địa do Tỳ-kheo… xướng làm đại giới của Tăng sống chung, chung Bố-tát, chung nhận vật bố thí rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Bấy giờ, có một Ma-nạp ngoại đạo muốn xuất gia thọ giới Cụ túc trong chánh pháp, đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất thưa: Cho con xuất gia thọ cụ túc. Xá-lợi-phất không cho thọ. Như vậy, Ma-nạp tuần tự đi đến khắp chỗ năm trăm Tỳ-kheo, đều không vị nào cho thọ nên khóc lóc trở về. Đức Phật dùng thiên nhãn xem thấy hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

Ma-nạp này, tại sao khóc lóc ra về?

Xá-lợi-phất trình bày đầy đủ sự việc.

Đức Phật lại hỏi:

Người này đã từng có một lần nói một lời nói lành đối với các Tỳkheo hay không?

Xá-lợi-phất thưa: Có.

Đức Phật lại hỏi:

Lời nói lành ấy là thế nào?

Xá-lợi-phất thưa:

Trước đây con đi khất thực người này khen con: “Sa-môn Thích tử này thiện hảo, có đức nên cho thức ăn”.

Đức Phật dạy:

Ân ấy nên trả. Ông có thể độ họ.

Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời Phật cho thọ giới cụ túc.

Lại có một Ma-nạp ngoại đạo bạc phước khất thực không được, khởi ý niệm: Sa-môn Thích tử khất thực dễ được, đau ốm thuốc men có người giúp đỡ. Nay ta nên đến đó xuất gia thọ giới Cụ túc. Nghĩ rồi, Manạp bèn đến Tăng phường bạch các Tỳ-kheo: Cho con xuất gia thọ giới cụ túc. Các Tỳ-kheo liền cho thọ giới cụ túc. Do bạc phước nên theo thứ tự mời đi thọ thực bị Tăng gác lại. Các Tỳ-kheo nói: Thầy có thể mặc y bưng bát đi khất thực. Ma-nạp nói: Thưa Đại đức, tôi sợ đi khất thực lắm nên mới đi xuất gia trong giáo pháp của Phật, nay tại sao lại bảo tôi đi khất thực? Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Không nên độ hạng người này, nếu độ phạm Đột-kiết-la. Khi độ nên phải hỏi trước: Ngươi vì cái gì mà đi xuất gia? Nếu nói vì ẩm thực, thì không nên độ. Nếu nói vì cầu pháp thiện, nhàm chán sinh, lão, bệnh, tử ưu bi khổ não thì nên độ. Trước khi trao giới cụ túc nên nói việc phải nương tựa, đó là mặc y phấn tảo, đi khất thực, nương ngồi dưới tàng cây, thọ dùng tàn khí dược. Ngươi có thể trọn đời nương theo bốn việc này hay không? Nếu nói có thể thì nên cho thọ. Nếu nói không thể, thì không nên cho thọ.

Có đại Trưởng giả Bà-la-môn nhàm chán thế gian phiền bận, đã có những suy nghĩ: Sa-môn Thích tử phụng hành chấp pháp, rộng tu phạm hạnh, xuất gia nơi đó được dứt hết nguồn gốc khổ. Nghĩ như vậy rồi đến trong Tăng phường cầu xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Tỳ-kheo nói: Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói bốn điều nương dựa, nếu ông có thể trọn đời nương theo mới cho xuất gia, thọ giới cụ túc. Bàla-môn nói: Bốn điều nương dựa là những gì? Các Tỳ-kheo liền nói rõ. Bà-la-môn nói: Bốn điều này đối với thế gian là tệ mạt, tôi không thể nương được. Nếu Đại đức cho tôi thọ giới Cụ túc trước, vậy sau mới nói là việc đã rồi, tôi có thể làm theo. Thế là người Bà-la-môn trở về. Các Tỳ-kheo nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép chúng ta trao giới cụ túc rồi, vậy sau mới nói bốn điều nương dựa, thì người này đã không thối tâm. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ giới Cụ túc rồi, vậy sau mới nói bốn điều nương dựa.

Lúc này, có các Tỳ-kheo truyền giới cụ túc rồi, đi về trước, người mới thọ giới đi sau, gặp người dâm nữ, tình nhân cũ. Dâm nữ nói: Anh không thể sinh sống được nên vào đạo phải không? Người mới thọ giới nói: Tôi nhàm chán sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não, muốn dứt hết gốc khổ nên vào đạo phụng hành chánh pháp, rộng tu phạm hạnh. Dâm nữ nói: Như lời anh nói thì vấn đề giao hội không còn có nữa, nay có thể cùng em hành dục một lần cuối! Người mới thọ giới thuận tình, hành dục, chiều tối mới về. Các Tỳ-kheo hỏi: Tại sao thầy ở lại sau? Tỳ-kheo mới trả lời đúng sự thật. Các Tỳ-kheo bèn đuổi đi và nói: Thầy đi đi! Thầy đi ngay đi! Trong pháp của Tỳ-kheo, nếu làm việc này chẳng phải là Sa-môn, chẳng phải là Thích chủng tử. Tỳ-kheo mới nghe vậy buồn rầu, ngất xỉu, nói: Nếu khi thọ giới nói với tôi, thì dù có mất mạng tôi đâu phạm điều này. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Thọ giới cụ túc rồi phải nói mười hai pháp: bốn pháp đọa, bốn pháp dụ, bốn pháp y.

Khi ấy, Đức Phật chưa cho phép các Tỳ-kheo có A-xà-lê. Lúc Hòa thượng của Tỳ-kheo qua đời, do không có Hòa thượng, A-xà-lê nên họ mặc y trên dưới không như pháp, cho đến ăn nói ồn ào như trước. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bạch Phật, Đức Phật dạy: Từ nay vì mười điều lợi, cho phép các Tỳ-kheo có A-xà-lê. A-xà-lê tự nhiên sinh tâm xem đệ tử như con, đệ tử tự nhiên xem A-xà-lê như cha. Mọi việc thờ kính như trong pháp thờ Hòa thượng đã nói. Đức Phật cho phép có A-xà-lê, quý thầy không biết có mấy hạng A-xà-lê, bạch Phật. Phật dạy: Có năm hạng A-xà-lê: A-xà-lê xuất gia, A-xà-lê giáo thọ, A-xà-lê Yết-ma, A-xà-lê thọ kinh, và A-xà-lê y chỉ. Các Tỳ-kheo không biết thế nào là năm hạng A-xà-lê ấy, bạch Phật. Phật dạy: Mới bắt đầu độ cho thọ giới Sa-di gọi là A-xà-lê xuất gia. Khi thọ giới Cụ túc, người dạy oai nghi gọi là A-xà-lê giáo thọ. Khi thọ giới cụ túc, người tác pháp Yết-ma gọi là A-xà-lê Yết-ma. Người dạy kinh cho đến chỉ một ngày gọi là A-xà-lê thọ kinh. Người mình y chỉ dù chỉ một đêm, gọi là A-xà-lê y chỉ. Đức Phật đã cho phép có A-xà-lê y chỉ, bèn y chỉ Tỳ-kheo-ni, Thức-xoama-na, Sa-di, Sa-di-ni, người tâm cuồng, tâm bệnh hoại, người bị cử tội, người bị tẫn xuất, người ở khác chỗ, người biệt trú, người hành Ma-nađỏa, người hành bổn nhật, người nên xuất tội, người tự ngôn, người đa nhân ngữ, người làm các Yết-ma. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên y chỉ những người như trên, chỉ có phép y chỉ Tỳ-kheo như pháp.

Trong vấn đề này, có trường hợp thành tựu việc xin y chỉ, có trường hợp không thành tựu việc xin y chỉ, có trường hợp thành tựu cho y chỉ, có trường hợp không thành tựu cho y chỉ, có trường hợp thành tựu thọ y chỉ, có trường hợp không thành tựu thọ y chỉ.

Trường hợp không thành tựu xin y chỉ: Nếu Tỳ-kheo xin y chỉ với Tỳ-kheo-ni, hay Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, cho đến xin y chỉ với các vị Yết-ma. Như vậy gọi là không thành tựu vấn đề xin y chỉ. Nếu xin y chỉ với Tỳ-kheo như pháp mà không nói: Con tên… nay cầu Đại đức làm y chỉ. Đại đức vì con làm y chỉ. Con y chỉ nơi Đại đức để ở. Đại đức sẽ giáo giới con. Con sẽ vâng lời dạy bảo của Đại đức. Không nói như vậy cũng không thành tựu vấn đề xin y chỉ. Thành tựu vấn đề xin y chỉ: Đến trước Tỳ-kheo như pháp thưa xin như trên thì gọi là thành tựu vấn đề xin y chỉ.

Không thành tựu vấn đề cho y chỉ: Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, cho đến các vị Yết-ma cho Tỳ-kheo y chỉ. Như vậy gọi là không thành tựu cho y chỉ. Nếu đối trước Tỳ-kheo như pháp, cầu xin như pháp rồi, mà vị được cầu xin không nói: Ngươi chớ buông lung, như vậy cũng không thành tựu cho y chỉ. Đó gọi là không thành tựu cho y chỉ. Thành tựu vấn đề cho y chỉ: Đối với Tỳ-kheo như pháp, cầu xin như pháp rồi, vị được cầu xin nói: Ngươi chớ phóng dật. Như vậy gọi là thành tựu vấn đề cho y chỉ.

Không thành tựu vấn đề thọ y chỉ: Tỳ-kheo tới nơi Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, cho đến các vị tác Yết-ma thọ y chỉ, đều không gọi là thọ y chỉ. Nếu đối với Tỳ-kheo như pháp không thưa lời như vầy: Con tên là… nay cầu Đại đức y chỉ… cho đến câu: Con sẽ vâng lời Đại đức dạy bảo, cũng không thành thọ y chỉ. Như vậy gọi là không thành tựu thọ y chỉ. Thành tựu thọ y chỉ: Đối với Tỳ-kheo như pháp thưa như vầy: Con tên là… nay cầu Đại đức y chỉ… cho đến câu: Con sẽ vâng lời dạy bảo của Đại đức. Như vậy gọi là thành tựu thọ y chỉ.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo cách vách thọ y chỉ, hoặc không cung kính, trùm đầu, trùm vai, mang giày dép, ngồi, nằm thọ y chỉ. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bạch Phật. Phật dạy: Nên để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối, chấp tay, quay mặt lại thưa: Con tên là… nay cầu Đại đức làm y chỉ… cho đến câu: Con sẽ vâng lời Đại đức dạy bảo.

Lúc này, Lục quần Tỳ-kheo không kính Hòa thượng, A-xà-lê, không kính giới, các Tỳ-kheo khác cũng có vị bắt chước theo. Các Tỳkheo Trưởng lão bạch Phật, Đức Phật hỏi Lục quần Tỳ-kheo và các Tỳ-kheo:

-Thật sự các ông có như vậy không?

-Sự thật chúng con có như vậy, bạch Thế tôn.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách:

-Các ông ngu si, tại sao không kính thầy, không kính giới?

Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Từ nay các Tỳ-kheo nếu không kính Hòa thượng, A-xà-lê, không kính giới thì phạm Đột-kiết-la.

Các Tỳ-kheo vẫn còn có người không kính, quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Nên tác pháp không cùng nói năng. Các Tỳ-kheo lại tác pháp không cùng nói năng suốt đời, cũng không gặp nhau, hoặc đuổi ra khỏi chỗ ở. Cũng cùng với Tỳ-kheo ngu si, Tỳ-kheo vô tội, tác pháp không cùng nói năng. Lại không nói tội của người kia mà tác pháp không cùng nói năng. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Không nên vì không kính Hòa thượng, A-xà-lê mà tác pháp không cùng nói năng suốt đời. Người si, người vô tội không nên tác pháp không cùng nói năng, cũng không nên không nói tội của người kia mà tác pháp không cùng nói năng.

Không cùng nói năng có năm trường hợp:

-Một là nói: Ông đừng nói gì với tôi.

-Hai là nói: Ông làm gì đừng thưa với tôi.

-Ba-là nói: Ông đừng vào phòng tôi.

-Bốn là nói: Ông đừng cầm y bát và giúp tôi làm mọi việc.

-Năm là nói: Ông đừng thấy mặt tôi.

Các Tỳ-kheo lại do việc nhỏ mà tác pháp không cùng nói năng. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên vì một việc nhỏ mà tác pháp không cùng nói năng. Nếu đệ tử tạo năm việc thì thầy nên tác pháp không cùng nói năng: Đối với thầy không hổ, không thẹn, không cung kính, không mến, không cúng dường. Đó là năm việc. Không có năm việc này thì không nên tác pháp không cùng nói năng.

Có các Tỳ-kheo đã tác pháp không cùng nói năng với đệ tử rồi lại cùng nói, cùng ở nên đệ tử càng thêm kiêu mạn. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên đã tác pháp không cùng nói năng rồi lại cùng nói, cùng ở. Ta không vì khiến cho người kia mất sự y chỉ mà tác pháp không cùng nói năng, chỉ vì nhằm điều phục để chấm dứt, hướng đến Niết-bàn nên tác pháp không cùng nói năng. Nếu trở lại cùng nói thì phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo vì đệ tử tác pháp không cùng nói năng, các Tỳ-kheo khác vội vàng cùng nói năng, do đó đệ tử càng kiêu mạn đối với thầy. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên cùng nói năng với đệ tử của người khác mà họ đã tác pháp không cùng nói năng. Đức Phật không cho phép người khác cùng nói năng, do vậy đương sự hoàn tục hoặc làm ngoại đạo. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nếu muốn dạy người kia ăn năn đối với thầy thì cho phép được cùng nói năng.

Khi ấy, có thầy tác pháp không cùng nói năng đối với các đệ tử, đệ tử không chịu ăn năn. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên không ăn năn, nên sám hối như vầy: Để trống vai bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, lấy hai tay ôm chân thầy. Với tất cả sự khép nép, bạch: Con còn nhỏ dại ngu si, sau không dám tái phạm.

Bấy giờ, có thầy không nhận lấy sự sám hối của đệ tử. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu đệ tử hồi tâm biết xấu hổ, cung kính, quý mến, cúng dường thì không nên không nhận sự sám hối, người chịu sám hối thì tội tiêu trừ.

Lúc này, có các thầy không biết đệ tử phạm giới hay không phạm giới, ăn năn hay không ăn năn, thấy đệ tử phạm giới không dạy bảo la rầy. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Thầy nên biết đệ tử phạm giới hay không phạm giới, ăn năn hay không ăn năn, thấy đệ tử phạm giới nên dạy bảo la rầy, nếu không biết hay không la rầy dạy bảo, phạm Độtkiết-la.

Bấy giờ, Tỳ-kheo thường trú không kính lễ Tỳ-kheo vãng lai, Tỳkheo vãng lai cũng không kính lễ Tỳ-kheo thường trú. Tỳ-kheo thường trú cũng không kính lễ nhau. Có một Tỳ-kheo đến một trú xứ không kính lễ các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo hỏi: Thầy ở đâu đến? Tỳ-kheo ấy đáp: Tôi ở… đến. Các Tỳ-kheo nói: Xem thế thì biết các Tỳ-kheo nơi trú xứ của thầy đều kiêu mạn như thầy. Chúng tôi không thể ở chung.

Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Tất cả phải kính lễ nhau, nếu không kính lễ phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo hoặc cách vách mà kính lễ, hoặc từ xa mà kính lễ, hoặc nằm rồi miệng nói: Hòa nam (kính lễ), hoặc đưa thẳng tay lên, hoặc cúi đầu một chút. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Phật dạy: Không nên kính lễ như vậy, nên một lần cung kính, cởi bỏ giày dép, để trống vai bên phải, hai đầu gối sát đất, tiếp giáp với chân mà kính lễ. Có các Tỳ-kheo đảnh lễ khắp tất cả các Tỳ-kheo nên bị lạc bạn, bạch Phật. Phật dạy: Chỉ nên kính lễ bậc thầy và lễ chung hết các vị khác rồi đi.

Khi ấy, Tỳ-kheo Ưu-ba-tư-na hai tuổi hạ, dẫn đệ tử một tuổi hạ đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Sau đó, người đệ tử lễ Phật, cái đãy đựng bát rơi trên đầu gối Đức Phật.

Đức Phật hỏi Ưu-ba-tư-na:

-Thầy này là đệ tử ai?

-Bạch Thế Tôn! Đệ tử của con.

– Thầy bao nhiêu tuổi hạ?

-Con hai tuổi hạ, bạch Thế tôn.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách:

-Thầy làm điều phi pháp. Tại sao chính mình chưa rời khỏi bầu sữa mà lại làm bầu sữa cho người!

Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo:

Không nên mới một tuổi hạ cho đến chín tuổi hạ mà trao giới cụ túc cho người. Mười tuổi hạ như pháp, vậy sau mới được trao giới. Nếu chưa đủ mười tuổi hạ và không như pháp mà trao giới cụ túc cho người thì phạm Đột-kiết-la. Chín tuổi hạ còn phải nương dựa người khác.