LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO

Đoạn 5: NÓI VỀ 91 PHÁP ĐỌA

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo pháp sư, tên là Sa-lan, thông minh biện tài, tất cả bốn chúng, ngoại đạo, Sa-môn, Bàla-môn không ai sánh kịp. Thậm chí, thầy sử dụng điều quấy, sai cho là đúng, đúng cho là sai, biết nói chẳng biết, chẳng biết nói biết, luôn luôn dùng tài ăn nói để hơn người. Các Tỳ-kheo thấy vậy, đều rất khâm phục, hỏi: Thầy cùng người biện luận lấy quấy làm phải, ý thầy cho đó là phải hay biết là quấy? Sa-lan nói: Thật sự tôi biết đó là quấy, nhưng vì sĩ diện sợ rơi vào chỗ bị thua nên phải nói dối thôi. Các thầy Tỳ-kheo Trưởng lão bằng cách nhắc lại lời Phật để quở trách: Đức Phật thường khen ngợi người không nói dối, dạy người không nói dối, nay thầy tại sao muốn hơn người mà lại nói dối. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Sa-lan: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói dối, phạm Ba-dật-đề”.

Lúc này, các Tỳ-kheo thấy Tỳ-kheo-ni nhầm nói là Tỳ-kheo, thấy Tỳ-kheo nói là Tỳ-kheo-ni, hoặc thấy nam nói nữ, thấy nữ nói nam, hay thấy ngoại đạo nhầm nói Thích tử, thấy Thích tử nói ngoại đạo. Các trường hợp thấy một cách khác nói theo một cách khác như vậy, các Tỳ-kheo kịp nhận thấy xấu hổ, tự nhủ: Chúng ta phạm Ba-dật-đề hay không?! Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo từ nơi tâm, do nhầm mà nói, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào cố ý nói dối phạm Ba-dật-đề”.

Cố ý nói dối: Như trong giới vong ngữ được pháp hơn người đã nói. Tỳ-kheo-ni phạm cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ nhất

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, các Tỳ-kheo cùng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, A-xà-lê siêng năng học hỏi, đầu đêm cuối đêm không hề ngủ nghỉ. Lục quần Tỳ-kheo khởi ý niệm: Nay các Tỳ-kheo lần lượt cùng nhau dạy bảo, đêm ngày không phế bỏ, như thế này, không bao lâu họ sẽ hơn ta, sẽ thấy lỗi của ta, sẽ tìm những tỳ vết của ta. Chúng ta cần phải cùng nhau hủy báng gây não loạn, khiến họ phế bỏ việc học. Lục quần bèn đến nói: Thầy là hạng hạ tiện, thuộc tầng lớp tiểu nhân, thợ thuyền. Thầy từng làm các việc đại ác, không nhân từ, không có hạnh lành.

Các Tỳ-kheo nghe liền sinh ưu não, thối chí phế bỏ việc học hành. Lục quần Tỳ-kheo nói với người khác: Tôi đã phá hoại việc đọc tụng, tọa thiền, hành đạo của họ. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bằng mọi cách quở trách: Tại sao các thầy hủy báng các Tỳ-kheo, khiến họ phế bỏ việc học tập. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Xưa kia có một cái thành tên là Đắc-xoa-thi-la. Bấy giờ, trong thành ấy có một người Bà-la-môn nuôi một con bò đực, đi nhanh, nhiều sức. Lại có một Cư sĩ cũng nuôi một con bò, giống như con bò kia. Hai người đem hai con bò đấu sức nhau, con nào thua, chủ phải chung năm mươi kim tiền. Con bò của người Bà-la-môn đắc thắng. Mất năm mươi tiền vàng, người Cư sĩ bị nhục bèn tìm tậu một con bò khác, sức khỏe gấp bội con bò trước. Cư sĩ tăng tiền cược lên gấp bội. Người Bà-la-môn liền nói với con bò mình: Người Cư sĩ kia vừa tậu một con bò khác, sức của nó phi phàm, lại đặt tiền đánh cá lên gấp bội, ngươi có thể địch nổi hay không? Con bò trả lời: Có thể. Họ liền tập hợp hai con bò lại một chỗ để đấu sức nhau. Khi ấy, người Bà-la-môn sợ con bò không thắng, bèn đốc suất, động viên bằng cách nói khích, chê con bò mình: cái sừng cong khổ sở, cái cổ yếu đuối bạc nhược, không thắng nổi, vứt đi thôi! Nay con bò mình đi đứng không ngay thẳng. Con bò nghe những lời nói ấy, sức lực liền bị suy sụp ngay và không thắng nổi con bò của Cư sĩ kia. Người Bà-la-môn nộp gấp bội tiền cược rồi, hỏi con bò: Vừa rồi ngươi nói với ta là có thể, tại sao bây giờ lại thua. Con bò trả lời: Thật sự tôi có đủ khả năng. Nhưng nghe những lời nhục mạ của ông nên bị kiệt sức.

Ông có thể cược lại gấp bội lần trước, điều cốt yếu là khi tôi dốc toàn lực kéo một trăm xe lên ngược triền núi cao, ông nên khéo lời khuyến dụ, nói cái sừng tôi đẹp, bộ đi của tôi ngoạn mục, hình thể tôi phơi phới, nhàn nhã, kéo trăm xe lên dốc núi như chơi, thì ông sẽ thắng cuộc. Quả thật ông ta đã thắng. Nhân việc này, Đức Phật liền nói kệ:

Lời thiện vừa lòng nhau
Lời ác đau lòng người
Súc sinh nghe lời khéo
Vui kéo nặng lên đồi.
Vô địch sức này thắng
Thắng cuộc rạng lòng vui
Huống chi đối với người
Khen chê quyết thành bại.

Này các Tỳ-kheo! Loài súc sinh nghe lời hủy báng còn mất sức kéo, huống chi là đối với người. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào hủy báng Tỳ-kheo, phạm Ba-dật-đề”.

Hủy báng: Như nói dòng hạ tiện, dòng làm thợ v.v… Tuy nói thật mà có tâm hủy báng, nếu người kia nghe hiểu lời nói này thì phạm Badật-đề, nếu không nghe, không hiểu phạm Đột-kiết-la.

Nếu nói: Thầy là dòng hạ tiện, nhưng vị ấy nói: Không phải, lại cố chứng minh là phải, mỗi lời nói đều phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo hủy báng Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni hủy báng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề, hủy báng Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni hủy báng năm chúng đều phạm Đột-kiết-la.

Không phạm: Lời nói vì muốn lợi ích, lời nói vì răn dạy, lời nói có sự thỏa thuận.

Xong giới thứ hai

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo siêng năng học hỏi, như trong giới hủy báng đã nói. Lục quần Tỳ-kheo lại sợ hơn mình, bèn tìm cách quấy phá. Lục quần đến Tỳ-kheo này nói: Thầy với tôi là chỗ quen biết thân tình, ấy thế tôi lại nghe Tỳ-kheo kia nói thầy là hạng hạ tiện, dòng họ làm thợ, tiểu nhân, từng làm những việc đại ác, không nhân từ, không có hạnh lành. Tỳ-kheo kia nói thầy như vậy coi như nói về tôi không khác. Lục quần đến Tỳ-kheo kia cũng nói những lời như thế. Hai bên nghe như thế, tâm bị dao động, thối chí phế bỏ việc học tập, lại giận nhau không thèm đếm xỉa đến nhau. Có một Tỳ-kheo hỏi các Tỳ-kheo: Tại sao các thầy không nói chuyện với tôi? Tỳ-kheo kia trả lời: Có người nói: Thầy bảo tôi xấu. Vị kia hỏi: Ai nói? Đáp: Lục quần Tỳ-kheo nói. Vị kia nói: Lục quần Tỳ-kheo cũng nói các thầy nói tôi xấu. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách Lục quần Tỳ-kheo: Tại sao các thầy lại nói đâm thọc để gây xích mích? Quý vị bạch Phật, Đức Phật nhân việc này tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách: Các ông là người ngu si, tại sao đồng sống trong một giáo pháp mà lại đâm thọc nhau? Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Thuở đời quá khứ có con sư tử tên là Thiện nha và một con cọp tên là Thiện trảo, cùng nhau làm bạn thân tình. Có một con chồn rừng thường đi theo ăn đồ thừa. Sư tử và cọp không nói chuyện với nó. Sau đó, chồn rừng nảy ra ý nghĩ: Hai con thú này rất là yêu mến nhau, ta sẽ tìm cách gây rối để ta thừa hưởng thức ăn dư của hai bên được nhiều hơn. Chồn bèn đến cọp nói kệ:

Thiện trảo ông hùng mạnh
Sắc tướng khỏe, oai phong
Thiện nha nói ông xấu
Tôi nghe không vui lòng.
Chồn lại cũng đến bên Sư tử nói kệ:
Thiện nha ông hùng mạnh
Sắc tướng khỏe, oai phong
Thiện trảo nói ông xấu
Tôi nghe không vui lòng.

Hai con thú nghe kệ đều không vui với nhau. Thiện nha thông minh nên nhìn thầy ngay vấn đề: Thiện trảo không nói ta như vậy, mà chắc là chồn rừng muốn nội tình gây đấu loạn đây. Sau đó, Thiện nha bắt được con trâu nghé đem cho Thiện trảo, Thiện trảo không chịu ăn.

Khi ấy, Thiện nha liền nói kệ hỏi:

Mồi ngon tôi đem biếu
Cớ sao bạn không dùng?!
Tình thân không hề lỗi
Sao xoay mặt buồn ngơ?!
Lời chồn, kẻ vô tín
Cốt ly gián tình ta!
Tin theo, ôm tình hận
Rồi ra thành oán cừu.
Việc này chẳng ai khác
Chính chồn rừng gièm pha
Kẻ hạ tiện rối ta
Nay phải tìm giết vậy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Súc sinh còn cho gây rối là bậy, huống chi là đối với người. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào dùng hai lưỡi gây tranh chấp nơi các Tỳ-kheo, phạm Ba-dật-đề”. Ngoài ra như trong giới hủy báng đã nói.

Xong giới thứ ba

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Bạt-nan-đà thường tới lui một nhà Cư sĩ để nói pháp, lo liệu các việc quan, cứu chữa các bệnh khổ. Thời gian sau gia đình này bị suy tán kiệt quệ, chỉ con hai người, một mẹ chồng, một nàng dâu thôi. Vì tình thân hậu, Bạt-nan-đà nói pháp cho mẹ chồng nghe nhưng khi nàng dâu đến thì lại thôi. Khi vì nàng dâu nói pháp, nhưng lúc mẹ chồng đến thì cũng thôi như vậy. Điều này dẫn tới những ý nghĩ nghi kỵ lẫn nhau. Cứ ngỡ là Bạt-nan-đà muốn làm hạnh bất tịnh. Cả mẹ chồng lẫn nàng dâu đều nêu bày sự nghi ngờ ấy khắp nơi. Những người không tin ưa Phật pháp bèn chê trách nói: Sa-môn Thích tử làm hạnh phi pháp, quá hơn hạng người dâm đãng ở thế gian, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe được, bằng mọi cách quở trách rồi bạch lên Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạt-nan-đà thú nhận là có. Đức Phật nghiêm khắc quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vì người nữ nói pháp, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo đại oai đức, đến giờ, đắp y mang bát vào thành khất thực, theo thứ tự tới một gia đình nọ. Người phụ nữ bước ra trải tòa mời Tỳ-kheo ngồi. Bà thiết cúng đồ ăn thức uống ngon bổ. Tỳ-kheo ăn xong, bà ta lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi phía trước rồi bạch: Đại đức vì con giảng nói pháp. Tỳ-kheo quán xét, biết người nữ kia chỉ không bao lâu nữa sẽ bị trúng gió chết và đọa vào địa ngục. Nếu bà ta nghe được pháp thì có thể từ nơi chỗ ngồi xa trần lìa cấu. Tuy biết rõ như vậy nhưng Tỳ-kheo lại nhớ điều cấm. Đức Phật không cho vì phụ nữ giảng nói pháp, dù bỏ mạng ta cũng không được phạm, do vậy nên Tỳ-kheo từ chối: Này Ưu-bà-di, cứ an tâm như thế, chứ tôi không thể nói pháp được. Dứt lời, Tỳ-kheo bỏ đi. Sau đó không lâu, quả thật người phụ nữ kia trúng gió chết. Tỳ-kheo thương tâm, khi trở về Tăng phòng, kể lại chuyện đó cho các thầy nghe. Các Tỳ-kheo cùng đưa đến chỗ Đức Phật để trình bày việc trên. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo ấy: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, thật sự có nt. Đức Phật lại hỏi: Ông nếu vì người ấy giảng nói pháp thì cần bao nhiêu lời để họ hiểu? Tỳ-kheo thưa: Bạch Thế Tôn! Chừng năm, sáu lời. Rất bằng lòng, Đức Phật khen hạnh ít ham muốn, biết đủ, khen giới, khen nguời trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép các Tỳ-kheo vì người nữ nói pháp đến năm, sáu lời. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vì người nữ nói pháp, quá năm, sáu lời, phạm Ba-dật-đề”.

Khi đó, các Tỳ-kheo vào một gia đình khác được người phụ nữ mời nói pháp, Tỳ-kheo nói năm, sáu lời rồi đứng im lặng. Các phụ nữ thưa: Chúng con chưa hiểu xin thầy nói lại. Các Tỳ-kheo nói: Này Ưubà-di, Đức Phật không cho phép chúng tôi vì người nữ nói pháp quá năm, sáu lời. Các phụ nữ thưa: Có thể vì các Tỳ-kheo khác nói, nhân đó chúng con được hiểu. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhân nói pháp cho Tỳ-kheo để người khác nghe. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép nhân nói pháp cho Tỳ-kheo để người nữ được nghe. Lúc ấy, có một Tỳ-kheo vào nhà một vị Đại thần, không có Tỳ-kheo bạn, các phụ nữ mời nói pháp, Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi vì người nữ nói pháp quá năm, sáu lời. Các phụ nữ liền kêu tiểu nhi đến trước mặt rồi thưa: Bạch Đại đức, có thể vì thiếu nhi này nói pháp, nhân đó, chúng con được hiểu. Tỳ-kheo bảo: Đức Phật chưa cho phép Tỳ-kheo nhân có thiếu nhi nói pháp để cho phụ nữ nghe. Tỳkheo bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép vì người nữ thuyết pháp với điều kiện có người nam hiểu biết. Dù vậy, các Tỳ-kheo vẫn thắc mắc: Tuy Đức Phật cho phép vì người nữ thuyết pháp với nhân duyên là có người nam hiểu biết, song dù có người nam hiểu biết đi nữa, thì sự hiểu biết này ra sao vẫn không rõ ràng. Do đó, các Tỳ-kheo lại không nói pháp và đem vấn đề bạch phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép trước người nam biết phân biệt được lời nói thiện, ác, vì người nữ nói pháp. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào vì người nữ nói pháp quá năm, sáu lời, trừ có người nam biết phân biệt được lời nói thiện ác, phạm Ba-dật-đề”. Khi đó, có người Ưubà-tắc cưới một người vợ thuộc gia đình không cùng tín ngưỡng, ông ta thưa với các Tỳ-kheo: Xin Đại đức nói pháp để vợ con có được lòng tin kính ngôi Tam bảo. Xin thọ ba quy y, năm giới và tám phần giới, mười điều thiện, mười điều bất thiện. Các Tỳ-kheo tất nhiên không nói pháp, đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép người nữ thọ ba quy y, năm giới, tám phần giới, nói mười điều thiện, mười điều bất thiện. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la.

Năm lời: Sắc vô thường, thọ, tưởng, hành, thức vô thường. Sáu lời: Nhãn vô ngã, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm vô ngã. Nếu Tỳ-kheo vì người nữ nói năm, sáu lời rồi, lại bảo: Này Ưu-bà-di! Chánh pháp được nêu giảng từng ấy thôi. Tỳ-kheo đứng dạy đi, song vì có nhân duyên nào đó nên quay trở lại ngồi xuống thuyết pháp, không phạm. Nếu nói năm, sáu lời rồi, lại có người nữ khác đến, vì người nữ đến sau nói, cứ như thế tương tiếp nhau cho đến bao nhiêu người nữ đi nữa vì họ nói pháp cũng không phạm. Nếu tự mình tụng kinh, người nữ đến nghe, người nữ hỏi nghĩa, nếu cần để cho họ được hiểu, nói quá năm, sáu lời đều không phạm.

Xong giới thứ tư

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo có uy lực, các Tỳ-kheo thiện khác không có uy lực. Lục quần Tỳ-kheo thường ngăn năm loại Yết-ma: Yết-ma quở trách, Yết-ma đuổi đi, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma y hạ. Tỳ-kheo bị năm Yết-ma này, Tăng muốn giải cũng bị Lục quần ngăn không cho. Sau đó, Lục quần Tỳkheo không có uy lực, các Tỳ-kheo thiện có uy lực. chúng Tăng có việc cần Yết-ma, nhằm lúc Lục quần Tỳ-kheo đang may y, các Tỳ-kheo nói: Nay nên kêu Lục quần Tỳ-kheo đến cùng Tăng làm Tăng sự, nếu họ cần may y thì chúc thọ, gởi dục như thế là chúng được như pháp hành sự. Có Tỳ-kheo liền tập hợp Tăng, sai người nói với Lục quần Tỳ-kheo: Nay Tăng tập hợp, các thầy nên đến. Lục quần Tỳ-kheo nói: Chúng tôi có việc, nay sai người chúc thọ. Lục quần liền sai một người đến đại chúng chúc thọ, gởi dục. Khi ấy, Tăng cần thực hiện năm thứ Yết-ma, liền tác bạch năm thứ Yết-ma. Tăng cần giải năm thứ Yết-ma liền tác bạch giải năm thứ Yết-ma. Yết-ma xong, vị Tỳ-kheo chúc thọ gởi dục trở về lại chỗ Lục quần Tỳ-kheo, Lục quần Tỳ-kheo hỏi: Tăng làm việc gì? Vị ấy nói: Điều chúng ta muốn Yết-ma, Tăng đều không làm, điều

mà chúng ta không muốn, Tăng lại làm. Lục quần Tỳ-kheo lại đến chỗ các Tỳ-kheo bị Yết-ma, nói: Các thầy đừng lo buồn, chúng tôi sẽ trợ lực cho các thầy. Vừa rồi vì chúng tôi không biết các thầy bị Yết-ma nên mới chúc thọ, gởi dục, nếu biết chúng tôi sẽ bỏ việc mà đến thì làm gì đủ duyên để cho Yết-ma này được thành tựu. Lục quần lại đến chỗ Tỳ-kheo được giải Yết-ma, nói: Tôi không cho thầy giải Yết-ma, không nhận sự sám hối của thầy. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, quở trách Lục quần Tỳ-kheo: Tại sao Tăng đã như pháp đoán sự rồi, thầy còn phát khởi lại?! Các Tỳ-kheo cùng đưa đến chỗ Đức Phật để trình sự việc. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Lục quần Tỳ-kheo thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, Tăng đã xử đoán sự rồi, còn phát khởi lại, phạm Ba-dật-đề”.

Khi ấy, các Tỳ-kheo không biết Tăng đã xử đoán sự rồi, nên phát khởi, sau mới biết, sinh tâm xấu hổ, hoặc có người xuất tội hối quá. Các Tỳ-kheo trưởng lão đem việc ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Trường hợp không biết Tăng xử đoán sự rồi, còn phát khởi lại, phạm Ba-dật-đề là điều không có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết Tăng xử đoán sự rồi, còn phát khởi lại, phạm Ba-dật-đề”.

Đã có trường hợp xử đoán sự không như pháp, điều này các Tỳkheo lại có ý nghĩ: Nếu Đức Phật cho chúng ta đối với trường hợp, xử đoán sự không như pháp được phép phát khởi lại là điều hay. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép trường hợp Tăng xử đoán sự không như pháp, được phát khởi lại. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết Tăng xử đoán sự như pháp rồi, còn phát khởi lại, phạm Ba-dật-đề”. Nếu Tăng xử đoán sự như pháp mà phát khởi, phạm Ba-dật-đề. Nếu Tăng không bạch nhị Yết-ma xử đoán sự mà lại phát khởi, phạm Độtkiết-la. Nếu phát khởi việc riêng, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ năm

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ, cùng năm trăm Tỳ-kheo Tăng đến ấp A-đồ-tỳ. Khi ấy, Cư sĩ kia có ý nghĩ: Đức Phật lâu mới đến đây, chưa được gặp, Ngài lại đi. Chúng ta nên đến gần gũi các Tỳ-kheo để học tụng kinh kệ, thưa hỏi điều chưa hiểu, ngõ hầu sau khi Đức Thế Tôn đi, ta có chỗ nương dựa. Cư sĩ liền đến chỗ các Tỳ-kheo thưa: Đại đức dạy chúng con đọc tụng kinh kệ. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi dạy người Cư sĩ tụng kinh. Do đó quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép dạy bạch y tụng kinh. Nhân khi các Tỳ-kheo từ nhiều nước xuất gia nên âm giọng đọc tụng kinh kệ khác nhau không đồng bộ, các Cư sĩ chê trách nói: Tại sao Tỳ-kheo ngày đêm gần gũi với nhau mà không biết được giọng nói nào của người nam, người nữ, của huỳnh môn, hai căn và nhiều ít ngữ pháp. Các Tỳ-kheo nghe, đều xấu hổ, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo:

Thật sự các ông có như vậy không? Các Tỳ-kheo công nhận là có. Đức Phật liền chuyển lời quở trách các Cư sĩ: Các ngươi là người ngu si, tại sao chê trách âm giọng của Tỳ-kheo các nước khác nhau tụng kinh không ăn nhịp. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào dạy người chưa thọ giới Cụ túc tụng kinh, phạm Ba-dật-đề”. Sau đó, lại có các Cư sĩ đến xin học tụng kinh, các Tỳ-kheo nói: Các người chê âm thanh của chúng tôi, không chịu đến học, nay ông cầu xin, chỉ uổng công thôi. Cư sĩ thưa: Thưa Đại đức! Con không hủy báng Phật pháp, không cầu mong phước điền nào khác. Đâu có thể vì cái lỗi của người kia mà không dạy con! Lại nữa, có các Sa-di cũng muốn học kinh, các Tỳ-kheo nói: Chờ thọ giới Cụ túc rồi mới dạy cho. Các Sa-di thưa: Chúng con xuất gia cần phải học đọc tụng kinh kệ. Tại sao phải đợi thọ giới Cụ túc rồi mới dạy đọc tụng? Các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép dạy người chưa thọ giới Cụ túc tụng kinh, nhưng không được đồng tụng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào dạy người chưa thọ giới Cụ túc tụng kinh, đồng tụng, phạm Ba-dật-đề”.

Đồng tụng, tụng một lượt, hoặc người tụng trước chưa dứt người kia đã tụng, hoặc người kia chưa dứt, người này đã tụng. Mỗi câu đều phạm Ba-dật-đề. Trước hết nên chỉ dẫn: Đợi tôi nói rồi, sau đó mới tụng. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ sáu

Đức Phật ở tại ấp A-đồ-tỳ. Do Phật sắp đi nên các Cư sĩ nọ đến chỗ trú ngụ của Tỳ-kheo và nơi đây các Cư sĩ cùng các Tỳ-kheo ngồi thiền, hoặc cùng đi kinh hành, đầu đêm cuối đêm đều không nằm ngủ. Vào dịp này, các Tỳ-kheo cứ năm ngày thuyết pháp suốt đêm nên quá mỏi mệt phải đi nằm. Có một Tỳ-kheo không chuyên cần giữ niệm nên ngủ quá mê, đạp tuột chiếc y rời khỏi thân để lộ rõ hình đang khởi. Cư sĩ thấy vậy lấy y phủ lại, cho đến lần thứ ba, bèn nổi giận chê trách: Những người này thường nói tâm dục là điều đáng chê trách, nay phát khởi lộ hình như thế này, phải chăng họ không vui sống với đạo, sao không hoàn tục? Tỳ-kheo kia nghe lòng cảm thấy xấu hổ. Tỳ-kheo Trưởng lão nghe cũng cảm thấy hổ thẹn, do đó bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách Tỳ-kheo kia. Ta thường khen ngợi người ngủ không có tâm tán loạn nên không có năm điều ác, nay ông tại sao ngủ mà không thâu giữ niệm. Nếu Tỳ-kheo ở chỗ kinh hành, ngồi thiền, đứng, ngồi, nằm phi oai nghi, người thấy không vui, không sinh lòng tin, người có lòng tin thì thoái lui, như vậy chẳng phải là người làm ánh sáng cho đời. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Ta vì các Tỳ-kheo nên kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng người chưa thọ đại giới ngủ đêm, phạm Ba-dật-đề”. Sau đó, các Cư sĩ lại muốn đến chỗ các Tỳ-kheo tọa thiền, hành đạo, các Tỳ-kheo đuổi ra không cho vào. Các Cư sĩ thưa: Chúng con không muốn thấy Đại đức xua đuổi như thế, chúng con không tìm cầu phước điền nào khác, chúng con chỉ nương nhờ Đại đức, không lẽ một người có lỗi mà đuổi hết bao nhiêu người! Trong số các Cư sĩ, có người khỏe mạnh đột nhập vào phòng, các Tỳkheo không ngăn chận được, bèn ra ngoài phòng ngủ, bị mòng muỗi, gió mưa, bụi bặm khốn đốn.

Bấy giờ, Đức Phật từ ấp A-đồ-tỳ đến nước Câu-xá-di, ngụ ở vườn Cù-sư-la. Riêng mình La-hầu-la đến căn phòng nơi Bà Kỳ La, dọn dẹp lau quét rưới nước một phòng, trải tọa cụ, lấy nước xong, đóng cửa rồi đến chỗ Phật. Sau đó, phòng của La-hầu-la được vị Tỳ-kheo phân phối ngọa cụ giao lại cho vị khác. Vị Tỳ-kheo này nhận phòng vào ở. Lahầu-la đầu đêm nghe pháp xong, trở về phòng để dọn dẹp. Nghe tiếng động Tỳ-kheo ấy hỏi: Ai đó? Tôi là La-hầu-la. Vị Tỳ-kheo ấy hỏi tiếp: Ông đến đây có việc gì? La-hầu-la đáp: Đây là phòng của tôi. Đáp: Tỳkheo phân phối ngọa cụ đã giao cho tôi rồi. La-hầu-la nói: Trước đây tôi đã dọn quét, trải ngọa cụ rồi, tạm thời đến chỗ Phật để nghe pháp, tại sao có ý không muốn trả phòng lại cho tôi?! Vị Tỳ-kheo ấy nói: Tuy ông có dọn quét sửa soạn, nhưng tôi là Thượng tọa nên được ở phòng này. La-hầu-la hỏi: Tôi có thể cùng ở được không? Vị ấy trả lời: Không được. La-hầu-la xin ngồi, đứng trong phòng hay ở tạm ngoài hành lang đều không chấp nhận. Với thế cùng này, La-hầu-la nảy ra ý nghĩ: Ta đến phòng nào khác thì rồi cũng như vậy, chỉ còn có cách là đến ngủ nơi nhà vệ sinh là yên thân hơn cả. La-hầu-la đành đến ngủ nơi nhà vệ sinh. Khi ấy, trong nhà vệ sinh có một con rắn đen. Do thiên nhãn của Đức Phật, Ngài thấy được và nghĩ: Nếu ta không đến thì chỉ trong chốc lát là La-hầu-la bị rắn cắn chết. Đức Phật liền đến nơi nhà vệ sinh khảy móng tay, tằng hắng. La-hầu-la cũng trả lời bằng khảy móng tay, tằng hắng. Đức Phật hỏi: Ai đó? Con là La-hầu-la. Ngài lại hỏi: Tại sao con ở nơi đây? La-hầu-la trả lời bằng cách kể rõ lại câu chuyện. Biết rõ việc như vậy, Đức Thế Tôn dẫn La-hầu-la về nơi phòng mình. Sáng ngày sau, tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông không dung chứa La-hầu-la phải không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi sự nghiêm khắc quở trách: Ông là người ngu si. Làm sao con cáo rừng lại xua đuổi sư tử! Lúc này, các Tỳ-kheo nhân việc ấy bạch lên Phật vấn đề các Cư sĩ vào phòng, Tỳ-kheo ra ngủ ngoài trời. Đức Phật bằng mọi cách khen hạnh ít ham muốn, biết đủ, khen giới, khen người trì giới rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới ngủ hai đêm. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng người chưa thọ đại giới ngủ quá hai đêm, phạm Ba-dật-đề”.

Cùng ngủ: Cùng ngủ một phòng. Phòng, trên có lợp, bốn phía có vách, hoặc trên có lợp không có một vách hay hai vách đều phạm Badật-đề. Không có ba vách thì không phạm. Nếu có bốn vách, trên lợp một nửa, hoặc chưa được một nửa, hoặc hơn một nửa đều phạm Ba-dậtđề. Nếu chỉ mới lợp chút ít thì không phạm. Đối với những chỗ này, nếu quá hai đêm, đến phần sau của đêm, hông dính xuống giường, cho đến trở mình, đều phạm Ba-dật-đề.

Không phạm: Có lợp, đều có sự ngăn cách, hoặc bệnh không thể dời đi được, hoặc có các nạn, hoặc thường ngồi không nằm, hoặc người kia nằm Tỳ-kheo ngồi, hay người kia ngồi Tỳ-kheo nằm. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy.

Xong giới thứ bảy

Đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly. Khi ấy, nhằm lúc mất mùa khất thực khó được. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo, mỗi vị tùy theo sự quen biết, đến đó an cư. Có một số Tỳ-kheo đến an cư ở bên sông Bà Cầu Mạt, bằng mọi nhân duyên, như trong giới tự xưng mình được pháp hơn người đã nói, cho đến câu: Phật hỏi: Các ông khen ngợi như vậy là thật hay là hư? Các Tỳ-kheo ấy trả lời: Thật cũng có, hư cũng có. Đức Phật dạy: Hư dối thì phạm Ba-la-di. Bằng mọi cách quở trách các Tỳ-kheo thật sự làm việc ấy nói: Tại sao các ông hướng đến người chưa thọ giới Cụ túc nói mình đắc pháp vượt hơn người? Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào hướng đến người chưa thọ giới Cụ túc, tự nói đắc pháp hơn người, như nói tôi biết như vầy, thấy như vầy, phạm Ba-dật-đề”.

Pháp hơn người: Như trên đã nói, nếu hướng đến người chưa thọ giới Cụ túc, tự nói đắc pháp hơn người, mỗi lời nói phạm Ba-dật-đề. Nếu người thọ đại giới không hỏi mà nói, mỗi lời phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Độtkiết-la.

Không phạm: Nói trước khi Nê Hoàn nhập diệt, người thọ giới Cụ túc hỏi, nên nói.

Xong giới thứ tám

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo phạm tội Tănggià-bà-thi-sa, hoặc vì cố ý xuất bất tịnh, hoặc cùng người nữ thân xác xúc chạm, hoặc hướng đến người nữ nói lời thô tục, hoặc hướng đến người nữ tự khen mình để được cúng dường bằng thân. Có vị đến Tăng xin Biệt trú, Tăng cho Biệt trú, hoặc hành Ma-na-đỏa, hoặc hành Bổn nhật, hoặc có người xuất tội. Lục quần Tỳ-kheo ở trong chúng châm biếm các vị này khiến các Tỳ-kheo càng thêm xấu hổ. Một Tỳ-kheo phạm tội cố ý xuất bất tịnh, Tăng cho Biệt trú. Lúc ấy, người đàn-việt của Tỳ-kheo kia thỉnh Tăng dùng cơm, trải riêng cho Tỳ-kheo ấy một tọa cụ rất tốt. Lục quần Tỳ-kheo đến sớm hơn nơi nhà mời cơm, ngồi trên chỗ tọa cụ tốt nọ, Cư sĩ nói: Đừng ngồi chỗ ấy. Đó là chỗ tôi dành riêng cho Tỳ-kheo ___ Lục quần Tỳ-kheo nói: Tỳ-kheo kia không nên ngồi chỗ này. Cư sĩ nói: Nên cùng không nên tôi tự biết điều đó. Lục quần Tỳ-kheo nói: Vị kia trước đây thì nên ngồi chỗ này, nhưng nay thì nên ngồi chỗ thấp nhất. Cư sĩ lại hỏi: Vì lý gì như vậy? Lục quần nói: Tỳ-kheo kia có tội. Cư sĩ lại hỏi: Phạm tội gì? Lục quần đáp: Tội cố ý xuất bất tịnh. Cư sĩ bèn chê trách nói: Các Sa-môn này thường nói: Trừ tư tưởng về dục, chấm dứt lửa dục, đoạn cảm giác đối với dục mà nay như thế này là làm ô uế đạo, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách Lục quần Tỳ-kheo: Tại sao các thầy hướng đến người chưa thọ cụ giới nói tội thô ác của người khác? Quý Tỳ-kheo bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Có thật như vậy, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo nên kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào hướng đến người chưa thọ cụ giới nói tội thô ác của người khác, phạm Ba-dật-đề”. Có các Tỳ-kheo không biết là tội thô ác, hướng đến người chưa thọ cụ giới nói, sau mới biết sinh lòng nghi: Phải chăng ta đã phạm Ba-dật-đề?! Do đó, bạch Phật, Đức Phật nhân việc này tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo không biết người khác phạm tội thô, hướng đến người chưa thọ cụ giới nói, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết người khác phạm tội thô ác, hướng đến người chưa thọ cụ giới nói, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra lệnh cho Tăng yết-ma sai Tôn giả Xálợi-phất đến trong chúng của Điều-đạt công bố: Nếu người nào thọ năm pháp của Điều-đạt thì người ấy không thấy Phật, Pháp, Tăng. Các Tỳkheo lại suy nghĩ về điều dạy này: Nếu hướng đến người chưa thọ cụ giới nói tội thô ác của người khác cần phải tác Yết-ma, bất tất phải như vậy sao? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tăng không tác Yết-ma thì không được hướng đến người chưa thọ cụ giới nói tội thô ác của người khác. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết Tỳ-kheo khác phạm tội thô ác, hướng đến người chưa thọ cụ giới nói, trừ Tăng yết-ma, phạm Ba-dật-đề”.

Tội thô ác: Là Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa. Người được Tăng Yết-ma phải tùy theo sự chỉ giáo của Tăng, nếu Tăng bảo đến nói với A mà nói với B, bảo nói tội này lại nói tội khác đều phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo nói tội thô của Tỳ-kheo-ni, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni nói tội thô của Tỳ-kheo, của Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni nói tội thô ác của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phạm Độtkiết-la. Nếu người chưa thọ cụ giới đã nghe Tỳ-kheo kia phạm tội thô, hỏi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo hỏi lại: Người nghe như thế nào? Người kia nói: Tôi nghe như vậy, như vậy. Sau đó, Tỳ-kheo nói: Tôi cũng nghe như vậy, như vậy thì không phạm.

Xong giới thứ chín

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bằng nhiều cách khen ngợi Tỳ-ni, khen ngợi người tụng Tỳ-ni, khen ngợi người thọ trì Tỳ-ni, khen ngợi Ưu-ba-ly: Tỳ-kheo trì luật có năm công đức:

  1. Tự mình kiên cố hộ trì giới phẩm.
  2. Có khả năng đoạn nghi cho người có hổ thẹn.
  3. Tự mình trụ trong chánh pháp.
  4. Khi cần nói giữa Tăng, không có sự sợ sệt.
  5. Hàng phục oán địch.

Khi ấy, các Tỳ-kheo khơi dậy ý nghĩ: Đức Phật vì chúng ta dạy như vậy, tại sao chúng ta lại không siêng năng đọc tụng, học hỏi Tỳ-ni? Các Tỳ-kheo liền hết sức mình tụng tập suốt ngày đêm không biếng nhác. Lục quần Tỳ-kheo sinh lòng đố kỵ tự nghĩ: Nay các Tỳ-kheo siêng năng đọc tụng, học hỏi Tỳ-ni, chắc chắn sẽ thông tỏ các tội tướng, thấy lỗi của chúng ta, cuối cùng làm tổn hại ta. Nay ta nên cùng nhau chê bai Tỳ-ni, chê bai người học Tỳ-ni, khiến cho họ phế bỏ không đọc tụng học tập nữa. Lục quần Tỳ-kheo bèn đến các Tỳ-kheo hỏi: Thầy đọc tụng thứ gì đó? Các thầy trả lời: Đọc tụng Tỳ-ni. Lục quần nói: Phiền gì phải học tập đọc tụng các giới linh tinh đó? Sao không đọc tụng năm ấm, sáu nhập v.v… các nghĩa của kinh? Đọc tụng Tỳ-ni bất quá là bốn việc, mười ba sự, hai pháp bất định, đâu phiền chi phải biết nhiều, biết nhiều thấy nhiều càng tăng thêm điều nghi cho người. Các Tỳ-kheo nói: Biết nhiều, nghi nhiều, chúng tôi cũng thấy như vậy. Do đó, các Tỳ-kheo không tụng tập nữa. Lục quần Tỳ-kheo nói với nhau: Các Tỳ-kheo kia không tụng tập Tỳ-ni nữa, chúng ta thỏa mãn, để được an lạc. Các Tỳ-kheo nghe, hỏi: Các thầy nói gì đó? Lục quần nói lại sự thật. Khi biết được như thế các Tỳ-kheo Trưởng lão bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Thưa có thật, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳkheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo nên kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói như vầy: Phiền gì nói những giới linh tinh đó, khi nói các giới ấy, khiến cho người lo buồn, ai chê bai giới như vậy, phạm Ba-dật-đề”.

Giới: Tức là Ba-la-đề-mộc-xoa, giới kinh được đọc nửa tháng mỗi lần khi Bố-tát. Nếu Tỳ-kheo khởi tâm với ý nghĩ: Muốn khiến cho người xa lìa Tỳ-ni, không tụng không đọc, chê bai giới, phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ-kheo khởi tâm với ý nghĩ: Ta sẽ chê bai khiến cho Ba-la-đề-mộcxoa không được tồn tại tức chê bai giới, phạm Thâu-lan-giá. Nếu dạy người xa lìa các kinh do Phật nói, chê bai như vậy, phạm Ba-dật-đề. Chê bai bằng mọi cách muốn khiến cho chánh pháp không tồn tại, phạm Thâu-lan-giá. Tỳ-kheo chê bai giới Tỳ-kheo, phạm Ba-dật-đề, chê bai giới Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Độtkiết-la. Tỳ-kheo-ni chê bai giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dậtđề, chê bai giới Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Đột-kiết-la. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni chê bai giới năm chúng, phạm Đột-kiết-la. Năm chúng chê bai giới Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, phạm Đột-kiết-la. Nếu sợ người mới thọ giới sinh tâm nghi, phế bỏ, thối tâm, nên dạy: Chưa có thể tụng giới thì không phạm.

Xong giới thứ mười

Đức Phật từ nước Câu-tát-la cùng năm trăm Tỳ-kheo hướng đến ấp A-đồ-tỳ. Khi nghe Phật sắp đến, các Tỳ-kheo nơi đây có những suy nghĩ: Nơi ấp này các Cư sĩ không có lòng tin kính Phật pháp, lại không có đại giảng đường, Phật cùng đại chúng đến sẽ ở đâu! Các vị liền tập hợp để lấy quyết định chung: Phải cùng chung sức chặt đốn cây cỏ để xây cất. Đây là động cơ để các Cư sĩ chỉ trích: Chúng ta là Cư sĩ chặt đốn cây cỏ, người xuất gia do duyên cớ gì cũng làm như vậy! Những người này thường nói tâm từ, nhẫn nhục, hộ niệm chúng sinh, mà nay chặt đốn cây cỏ, việc làm tổn thương vô đạo, thật không có hạnh Samôn, phá pháp Sa-môn. Sau khi đến ấp, Đức Phật vào giảng đường mới cất rồi an tọa nơi tòa. Ngài hỏi các Tỳ-kheo: Nhà này ai cất? Các Tỳ-kheo thưa: Chúng con cất. Đức Phật lại hỏi: Ai chặt đốn cây gỗ? Lại thưa: Chúng con tự đốn. Đức Phật bằng sự nghiêm khắc quở trách: Các ông là người ngu si, không nên làm việc này, sinh mạng trong cây cỏ nên tưởng là sinh mạng của con người. Các ông làm việc này chẳng khác gì đem cái ác gieo vào lòng người. Chê trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào sát hại cỏ cây sống, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bảo người giữ vườn hoặc Sa-di chặt đốn cây cỏ. Các Tỳ-kheo Trưởng lão hỏi: Đức Phật há không cấm việc sát hại sự sống của cây cỏ hay sao? Các Tỳ-kheo trả lời: Chúng tôi khiến người làm thì không trái lời Phật cấm. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nói: Tự mình giết, dạy người giết đâu có khác gì! Trưởng lão bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Thưa có thật, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình sát hại sự sống của cỏ cây hoặc bảo người đốn chặt, phạm Ba-dật-đề”.

Vào dịp nọ, các Tỳ-kheo định làm phòng xá mới, có các Cư sĩ xem xét chỗ ở, nói với các Tỳ-kheo: Lành thay, Đại đức, vật liệu làm phòng xá này con xin cúng hết, nên hoàn thành sớm để chúng con được cái phước cúng vật dụng. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi tự chặt cây cỏ hoặc sai người chặt thì làm sao hoàn thành được? Do vậy, các Tỳ-kheo không có phòng xá để ở và cũng do vậy mà ngoài sân cỏ mọc lút người, lại thiếu tăm xỉa răng cũng không biết làm sao. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Có bốn loại mầm sống: Mầm sống do gốc, mầm sống do nhánh, mầm sống do lóng, mầm sống do hạt. Phàm các loại cây cỏ đều do bốn loại mầm sống này mà sinh trưởng. Nếu Tỳ-kheo cần dùng loại cỏ cây nào thì nói với tịnh nhân: Người biết việc này cho: Nếu tịnh nhân không hiểu, nên nói lại: Người xem việc này cho! Nếu cũng không hiểu thì nói lại: Tôi cần việc này! Nếu không hiểu nữa thì nói: Cho tôi việc này! Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình chặt phá thôn xóm của quỷ thần, hoặc khiến người, nói: Chặt cái này, phạm Ba-dật-đề”.

Cỏ sống, tưởng là cỏ sống, nghi là cỏ sống mà chặt đều phạm Ba-dật-đề. Cỏ khô, tưởng là cỏ sống, nghi là cỏ khô mà chặt phạm Độtkiết-la. Cỏ khô, tưởng là cỏ khô mà chặt thì không phạm. Nếu dùng dao búa chặt, mỗi nhát chặt phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni vô cớ mà giết cỏ cây sống, phạm Độtkiết-la. Nếu cỏ cây đã bị cháy không còn sự sống thì chặt đốn, không phạm.

Xong giới thứ mười một

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo luôn luôn phạm tội, như lên giường xuống giường đều không đúng pháp, lúc nào cũng ăn, ăn biệt chúng, vào xóm làng phi thời không thưa với Tỳ-kheo thiện. Các Tỳ-kheo thấy vậy nói: Các thầy chớ nên liên tiếp phạm các tội như vậy. Các thầy nên tự thấy tội và hướng đến chúng Tăng sám hối, đừng nên phụ lòng của tín thí để rồi nhiều kiếp phải thọ khổ. Lục quần Tỳ-kheo nói: Tôi phạm tội gì? Các Tỳ-kheo nói: Thầy phạm tội như vậy, như vậy. Lục quần Tỳ-kheo không trả lời là phạm hay không phạm, lại nói sang việc khác. Các Tỳ-kheo nói: Tại sao thầy không trả lời là phạm hay không phạm, là điều chúng tôi hỏi, thầy lại nói việc khác, là điều chúng tôi không hỏi?! Lục quần Tỳ-kheo nói: Tôi biết các thầy không hỏi việc đó mà tôi tự nói. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách rồi bạch lên Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Lục quần Tỳ-kheo thưa: Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không tùy thuận trả lời mà nói sang việc khác, phạm Ba-dật-đề”. Sau đó, Lục quần Tỳkheo cũng phạm tội như trước, các Tỳ-kheo cũng bảo sám hối. Lục quần Tỳ-kheo lại nín thinh không trả lời. Các Tỳ-kheo hỏi: Đức Phật chế giới không cho phép không tùy thuận trả lời, tại sao thầy cố tình nín thinh? Lục quần Tỳ-kheo nói: Đức Phật cấm không tùy thuận trả lời, nay tôi không nói thì có tội gì? Các Tỳ-kheo nói: Nói quanh với không nói đâu có khác gì? Bằng mọi cách quở trách, rồi các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Thưa có thật, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Nói quanh với không nói đâu có khác gì? Quở trách xong, Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cố ý không trả lời theo câu hỏi, phạm Ba-dật-đề”. Nếu không trả lời theo câu hỏi, mỗi câu hỏi đều phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheoni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na. Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu trả lời nhầm câu hỏi, hay có sự giận nhau trước, không nói chuyện với nhau nên không trả lời thì không phạm.

Xong giới thứ mười hai

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Tỳ-kheo Từ-địa nói: Tỳ-kheo Đà-bà tùy theo sở thích, giận, si, sợ để làm việc. Các Tỳ-kheo nghe, quở trách: Tại sao thầy vu cáo người được Tăng sai là làm việc tùy theo sở thích, giận, si, sợ? Các Tỳ-kheo bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo Từ-địa: Thật sự ông có như vậy không? Từ-địa thưa: Bạch Thế Tôn, thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào trước mặt nhiều người vu cáo người được Tăng sai, phạm Ba-dật-đề”. Đã cấm như vậy nên Từ-địa lại không vu cáo trước mặt, nhưng ở chỗ một mình vu cáo nói: Tỳ-kheo Đà-bà làm việc tùy theo sở thích, giận, si, sợ. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe liền quở trách: Đức Phật cấm vu cáo trước mặt, tại sao thầy còn cố ý vu cáo người được Tăng sai? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Từ-địa: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Vu cáo trước mặt với vu cáo sau lưng có gì khác đâu! Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào vu cáo người được Tăng sai, phạm Ba-dật-đề”. Nếu người được Tăng sai bằng bạch yết-ma, bạch nhị Yết-ma, Bạch-tứ-yết-ma mà vu cáo, nói người này làm việc theo sự ưa muốn, giận, si, sợ, mỗi lời nói đều phạm Ba-dật-đề. Nếu Tăng sai mà không Yết-ma và đối với người khác mà vu khống như vậy, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu sự thật có làm tùy theo sở thích, giận, si, sợ, nên nói: Tôi sẽ nói cho người kia nghe, không phạm.

Xong giới thứ mười ba

Đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly. Có một trứ xứ ở chỗ ẩm thấp, một Tỳkheo nhận được phòng ẩm thấp, đem ngọa cụ ra trải chỗ đất trống để phơi. Đến giờ, đắp y mang bát vào thành khất thực. Sau khi đi, trời mưa lớn, nước ngập, ngọa cụ phơi bị trôi mất. Khất thực xong trở về, không thấy, liền vội vã đi tìm, hoặc bắt gặp chiếc giường lớn, hoặc được cái ghế nhỏ, các vật dụng linh tinh, cái mền, các Tỳ-kheo thấy hỏi: Thầy được ngọa cụ và các vật ấy ở đâu? Tỳ-kheo kia kể lại câu chuyện như trên. Các Tỳ-kheo trưởng lão quở trách: Thầy làm điều phi pháp, Tăng có được ngọa cụ là điều khó, đã đem trải phơi, tại sao không lấy vô, đến giờ đi không dọn dẹp để đến nỗi trôi mất như thế?! Nếu mất rồi thì phòng đó trống không. Quý vị quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông có như vậy không?! Thưa có thật, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nơi đất trống trải ngọa cụ của Tăng, khi đi không dọn dẹp, phạm Ba-dật-đề”.

Lúc ấy, Lục quần Tỳ-kheo sai người giữ vườn, Sa-di, trải ngọa cụ của Tăng nơi đất trống khi đi không dọn dẹp, bị chim cắn, bị mưa ướt, lấm bùn đất hư hoại, các Tỳ-kheo Trưởng lão thấy, hỏi: Thầy không nghe Phật cấm, nơi đất trống không được trải ngọa cụ của Tăng, khi đi không dọn dẹp hay sao? Lục quần Tỳ-kheo nói: Tôi sai người trải nên không trái lời Phật dạy. Các Tỳ-kheo nói: Tự mình trải với sai người trải đâu có khác gì nhau? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Bằng mọi hình thức Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, nơi đất trống tự mình trải ngọa cụ của Tăng, hoặc sai người trải, khi đi không dọn dẹp, không bảo người dọn dẹp, phạm Badật-đề”. Có các Tỳ-kheo, nơi đất trống trải ngọa cụ của Tăng, Lục quần Tỳ-kheo đến sau, hoặc nằm hoặc ngồi trên ngọa cụ đó, khi đi không dọn, Lục quần Tỳ-kheo tưởng là Tỳ-kheo đến trước dọn. Nhưng không ai dọn, các Tỳ-kheo không biết thế nào, đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo trước nên dặn Tỳ-kheo sau, Tỳ-kheo sau nên dọn. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nơi chỗ đất trống, tự mình trải ngọa cụ của Tăng, hoặc sai người trải, hoặc người khác trải mình có ngồi hay nằm, khi đi không tự mình dọn, không bảo người dọn, không dặn người dọn, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo thấy ngọa cụ của Tăng lấm bùn nhơ nhớp bất tịnh hoặc bị tro, đất hoặc bị phân bò dính ở trên nên đem phơi. Họ ở trong cương giới không dám đi xa. Việc này được bạch lên Phật, Đức Phật dạy: Nếu thu dọn kịp khỏi bị mưa thì cho phép đi xa.

Lại có các Tỳ-kheo vì phơi ngọa cụ của Tăng nên không dám ra ngoài cương giới nên bạch Phật, Đức Phật dạy: Nếu xét thấy đi về mà không bị mưa thì cho phép ra ngoài giới.

Lại có các Tỳ-kheo phơi ngọa cụ của Tăng tại một bên tọa thiền hoặc nơi ngủ say. Các Tỳ-kheo đem bạch Phật, Đức Phật dạy: Không cho phép phơi ngọa cụ bên chỗ ngồi thiền, ngủ say, vi phạm thì phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo phơi ngọa cụ của Tăng không thu cất, phơi mãi ngoài trời nên bị hư hoại, các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy: Nếu không đem vô đúng lúc, phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo thấy ngọa cụ của Tăng trải nơi đất trống, do không phải tự mình trải, không sai người trải, mình không nằm ngồi, nên không dọn dẹp, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nếu thấy ngọa cụ của Tăng trải nơi đất trống mà không dọn dẹp, phạm Ba-dật-đề.

Có các Cư sĩ đến nơi Tăng phường mượn ngọa cụ của Tăng trải chỗ đất trống để nằm ngồi, các Tỳ-kheo không cho, bèn giận trách. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên cho mượn. Đã cho mượn rồi sớm đòi lại, bảo họ phải trả gấp, bạch y lại nổi giận. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên bảo họ trả gấp, nên chờ họ đi rồi mới dọn cất. Nếu không dọn cất, phạm Ba-dật-đề.

Lại có Cư sĩ thỉnh Tăng, mượn ngọa cụ của Tăng đem về nhà trải, các Tỳ-kheo ngồi rồi đi không dọn dẹp. Phật dạy: Nên dọn dẹp, nếu không dọn dẹp phạm Ba-dật-đề. Nếu các Tỳ-kheo đến nơi Tăng phường của Tỳ-kheo-ni trải ngọa cụ của Tỳ-kheo-ni nơi khoảng đất trống, nói chẳng phải là ngọa cụ của Tăng, không dọn dẹp cũng phạm Ba-dật-đề.

Lại có các Tỳ-kheo tự gánh giường chiếu đi, các cư sĩ chê trách nói: Các Sa-môn này như đám gánh hát, như đoàn ảo thuật lưu động. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch phật, Đức Phật dạy: Không cho phép tự gánh đi, vi phạm là phạm Đột-kiết-la. Trường hợp khi đại hội, trải ngọa cụ của Tăng nơi đất trống, các Tỳ-kheo một lần ngồi, khi đứng dậy liền dọn dẹp, do đó mau bị hư hoại, đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật dạy: Nếu không bị mưa thì cho phép xong đại hội mới dọn dẹp một lần. Đức Phật cho phép dặn Tỳ-kheo nào đến ngồi, nằm sau phải dọn ngọa cụ. Nhận được phép này, họ lại dặn Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, Axà-lê và các Đại đức cũng như các Tỳ-kheo bệnh. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên dặn Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, A-xà-lê và các Đại đức cũng như các Tỳ-kheo bệnh, vi phạm là phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo dặn (giao) một Tỳ-kheo thu dọn. Chỉ có một mình Tỳ-kheo dọn dẹp nhiều ngọa cụ nên quá mệt nhọc, bạch Phật. Phật dạy: Tùy theo ngọa cụ nhiều hay ít, nếu ít thì giao ít Tỳ-kheo, nhiều thì giao nhiều Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết nên như thế nào gọi là nhận lời dặn, không nhận lời dặn, bạch Phật. Phật dạy: Sai người nào đó biết nhận thì gọi là nhận lời dặn. Nếu không tự mình dọn, không bảo người dọn, một chân bước ra ngoài giới phạm Đột-kiết-la, hai chân bước ra ngoài giới phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ mười bốn

Đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly. Có một trú xứ ẩm thấp, khi ấy, nhóm Tỳ-kheo mười bảy người an cư trong một phòng, khi đi không dọn dẹp ngọa cụ của Tăng, nên bị hư mục tất cả. Sau đó, Lục quần Tỳ-kheo đến, nói với Tỳ-kheo cựu trú: Cho tôi phòng, mở cửa phòng và chỉ chỗ để ngọa cụ. Tỳ-kheo cựu trú mở cửa phòng trước đây nhóm Tỳ-kheo mười bảy người an cư để giao cho Lục quần Tỳ-kheo. Lục quần vào phòng lấy ngọa cụ, thì ngọa cụ đã mục thành đất hết cả, hỏi Tỳ-kheo cựu trú: Trước đây ai ở phòng này? Tỳ-kheo cựu trú bảo: Nhóm Tỳ-kheo mười bảy người. Lục quần Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách nhóm Tỳ-kheo kia, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi nhóm Tỳ-kheo mười bảy người: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ở trong phòng Tăng, tự mình trải ngọa cụ của Tăng, hoặc khiến người trải, mình có ngồi hay nằm, khi đi không tự dọn, không bảo người dọn dẹp, không dặn người dọn, phạm Ba-dậtđề”. Ngoài ra, như trong giới trải ngọa cụ nơi đất trống đã nói.

Xong giới thứ mười lăm

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm Tỳ-kheo mười bảy người mới đến ở trong một phòng xá, Lục quần Tỳ-kheo đến sau hỏi Tỳ-kheo cựu trú: Theo thứ tự thì chúng tôi ở phòng nào? Tỳ-kheo cựu trú hỏi lại: Thầy thích ở phòng nào? Đáp: Tôi muốn ở phòng của nhóm Tỳkheo mười bảy người mới vào ở đó. Tỳ-kheo cựu trú bèn phân phối theo ý muốn của Lục quần. Lục quần Tỳ-kheo đến phòng ấy nói: Các thầy đi ra! Chúng tôi sẽ ở nơi phòng này. Nhóm Tỳ-kheo mười bảy người nói: Phòng này khá lớn, có thể cùng ở với nhau. Ngay khi ấy, Lục quần Tỳkheo, có tật giật mình, suy nghĩ: Các Tỳ-kheo này có tâm hổ thẹn, siêng học giới pháp, đầu đêm sau đêm không ngủ, không nằm, chắc họ thấy lỗi của ta, không nên để họ cùng ở với ta. Lục quần liền nói: Chúng tôi không thích ở chung, các thầy nên chuyển sang phòng khác. Nhóm Tỳkheo mười bảy người thưa: Nếu không thích ở chung thì Thượng tọa ở nhà trước, chúng con ở phòng sau. Lục quần Tỳ-kheo nói: Cũng không được. Nhóm Tỳ-kheo mười bảy người xin ở ngoài chái, ngoài sân, nơi đất trống, Lục quần cũng không cho. Bên kia đã không cho thì bên này cũng không đi. Lục quần cưỡng bức kéo ra. Nhóm Tỳ-kheo mười bảy người kêu cứu, các Tỳ-kheo ùa ra hỏi: Tại sao các “Cậu” la to thế? Dạ thưa: Lục quần Tỳ-kheo cưỡng bức kéo chúng con ra khỏi phòng. Các Tỳ-kheo quở trách Lục quần Tỳ-kheo: Tại sao các thầy lại cưỡng bức kéo người ra?! Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cưỡng bức kéo các Tỳ-kheo khác từ trong Tăng phòng ra, phạm Ba-dật-đề”. Bị cấm không được tự hành động như thế, Lục quần Tỳ-kheo lại sai người giữ vườn hay Sa-di kéo đi. Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi: Phải chăng Đức Phật không cấm kéo Tỳ-kheo ra khỏi phòng? Lục quần trả lời: Chúng tôi không tự mình kéo. Các Tỳ-kheo nói: Tự mình kéo và sai người khác kéo đâu có khác gì?

Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cưỡng bức kéo người trong Tăng phòng ra, hoặc tự kéo hay sai người kéo, phạm Ba-dật-đề”.

Trường hợp có Tỳ-kheo bệnh ở trong phòng, muốn ra ngoài sân nhưng không thể rời khỏi chỗ nằm, nói với các Tỳ-kheo: Lành thay! Xin trưởng lão kéo tôi ra khỏi phòng! Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép tôi kéo Tỳ-kheo ra khỏi phòng. Lại có Tỳ-kheo tắm trong phòng, bị té xỉu xuống đất, các Tỳ-kheo không dám kéo ra, đến nỗi phải chết. Hai trường hợp được quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Người bệnh cần kéo ra khỏi phòng. Việc kéo này mà phạm Ba-dật-đề là việc không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vì giận không vui, tự mình kéo Tỳ-kheo ra khỏi Tăng phòng, hoặc sai người kéo, nói như vầy: Đi đi! Đi khuất ngay, đừng ở trong đây, phạm Ba-dật-đề”. Nếu ở nhà sau kéo đến nhà trước, hoặc ở nhà trước kéo ra ngoài cửa, hoặc ở ngoài cửa kéo ra sân, hoặc ở trong sân kéo ra ngoài sân, đều phạm Ba-dật-đề. Nếu vất y bát ra, phạm Đột-kiết-la. Nếu đối với người không vừa lòng đến ở chung phòng, tìm cách để họ đi ra, họ đi hay không đi, đều phạm Độtkiết-la. Tỳ-kheo kéo Tỳ-kheo-ni ra, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni kéo Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ra, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni xô đuổi Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni kéo năm chúng ra, phạm Đột-kiết-la. Nếu người không biết hổ thẹn, hoặc muốn hàng phục đệ tử mà kéo ra, đều không phạm.

Xong giới thứ mười sáu

Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, cùng đại Tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị hội đủ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo phân phối ngọa cụ, hoặc trong phòng, hoặc dưới tàng cây, các Tỳ-kheo đều nhận được chỗ trú. Lục quần Tỳ-kheo đến giờ đắp y mang bát vào thôn khất thực, sau khi ăn xong, đến các trục đường ngả tư cùng các Cư sĩ, ngoại đạo, Sa-môn, Bà-la-môn luận nói chuyện Vua, việc đấu chiến, việc lợi hại, không việc nào của thế tục mà không bàn. Các hạng người trên đều chê trách nói: Chúng ta là người thế tục vì vấn đề gia nghiệp trong cuộc đời nên phải bàn nói các việc ấy, Sa-môn Thích tử cũng lại bàn luận việc của đời, vậy cùng ta có khác gì? Mãi đến chiều Lục quần mới về đến trú xứ. Lục quần lại tiếp tục nói chuyện với người giữ vườn cùng các Sa-di, cho đến trời tối mịt mới tìm đến một phòng nọ. Lục quần hỏi Tỳkheo đã ở sẵn trong phòng: Các ông bao nhiêu tuổi? Tỳ-kheo kia trả lời: Tôi từng ấy tuổi. Lục quần Tỳ-kheo nói: Ông nhỏ tuổi, đi ra! Thượng tọa nên ở chỗ này. Các Tỳ-kheo nói: Vì ý gì Trưởng lão đến đây tối như thế? Lục quần nói: Tôi đi sau Phật đến đây. Các Tỳ-kheo nói: Tôi cũng đi theo sau Phật đến đây. Nếu tôi tới xin phòng khác thì làm phiền các Tỳ-kheo kia cũng như bây giờ Trưởng lão đang xúc não đối với tôi. Lục quần Tỳ-kheo lại trải ngọa cụ chính giữa các Tỳ-kheo kia mà nằm. Đầu đêm, cuối đêm cao tiếng tụng kinh, vấn nạn với nhau, nửa đên ngủ ngáy làm trở ngại các Tỳ-kheo tọa thiền, hành đạo. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe bằng mọi cách quở trách Lục quần Tỳ-kheo: Các thầy gây não loạn các Tỳ-kheo chẳng phải làm thương tổn cho Phật pháp sao?! Quở trách như vậy rồi, quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, nếu các Tỳ-kheo trước đã trải ngọa cụ rồi, mình đến sau lại trải nữa, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo trước trải ngọa cụ rồi, tạm thời ra ngoài, Lục quần Tỳ-kheo đến sau, khiến bạch y trải ngọa cụ. Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi: Thầy không nghe Phật cấm: Người khác trải ngọa cụ rồi, mình không được trải nữa hay sao? Lục quần nói: Tôi khiến bạch y trải nên không trái lời cấm. Các Tỳ-kheo nói: Tự mình trải, khiến người trải có gì khác đâu? Quý vị lại bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nếu các Tỳ-kheo trước trải ngọa cụ rồi, mình đến sau, hoặc tự trải hoặc khiến người khác trải, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo trước trải ngọa cụ rồi, tạm thời ra ngoài, Tỳ-kheo đến sau không biết lại trải ngọa cụ, Tỳ-kheo trải ngọa cụ trước trở về, Tỳ-kheo trải ngọa cụ sau lòng sinh nghi: Phải chăng đã phạm Ba-dậtđề?! Việc này được bạch lên Phật, vì thế, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không biết Tỳ-kheo trước đã trải ngọa cụ, mình đến sau lại trải, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, biết người trước đã trải ngọa cụ, mình đến sau, hoặc tự trải hay sai người trải, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, có đại hội, nhiều Tỳ-kheo tập hợp, phòng xá tuy nhiều nhưng không đủ dùng, Tỳ-kheo đến sau không có chỗ ở, Tỳ-kheo đến trước trải ngọa cụ rồi, kêu vào cùng ở. Tỳ-kheo kia sợ phạm tội Badật-đề nên không dám vào. Nhân chuyện này được bạch lên Phật, do vậy, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không gây xúc não cho nhau mà phạm tội Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết người khác trước đã trải ngọa cụ, đến sau cưỡng bức tự mình trải hay khiến người trải, với ý nghĩ: Nếu người kia không vui, tự tránh đi chỗ khác, phạm Ba-dậtđề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ mười bảy

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, tại một trú xứ nọ, có một lầu gác hai tầng, một Tỳ-kheo ở trên đó. Một cái giường chân nhọn được trải phu cụ. Tỳ-kheo này luôn luôn chánh niệm khi nằm lên hay ngồi xuống, nên giường không gây hại cho ai. Dịp nọ, có một Tỳ-kheo khác đến là bậc Thượng tọa nên vị kia nhường chỗ. Tỳ-kheo này thân thể to lớn, thiếu sự cẩn thận, ngồi mạnh xuống giường, chân giường sút ra, rớt xuống trúng đầu vị Tỳ-kheo ở tầng dưới. Đầu bị thương, vị ấy kêu la, vị Tỳ-kheo ở trên gác liền xuống xin lỗi. Vị Tỳ-kheo ở tầng dưới quở trách nói: Vị Tỳ-kheo ở trước kia, tôi không hề nghe tiếng khua động khi ngồi nằm, tại sao thầy mới đến mà gây cớ sự thế này?! Thầy há không nghe Đức Thế Tôn khen ngợi sự buộc giữ niệm hay sao? Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe liền đến hỏi, vị kia kể rõ câu chuyện. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Đức Phật nhân việc này tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự các ông có như vậy không? Thưa thật có, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, trên nhà gác của Tăng, giường dây, giường cây có chân nhọn, ngồi nằm mạnh, phạm Ba-dật-đề”.

Nhà gác nên để giường có chân nhọn tầng dưới, giường chân không nhọn để tầng trên. Trường hợp không có giường chân không nhọn thì nên dùng vật gì chận lại, không có vật gì chận thì nên cột ngang qua, nếu không có chỗ để cột ngang thì nên để phủ trên mặt đất. Nếu không làm như vậy mà ngồi, nằm, cho đến ngồi nằm nơi giường nhọn một chân đều phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu dùng ván lót trên gác hay có sàng gỗ bảo đảm không bị rớt xuống thì không phạm.

Xong giới thứ mười tám

Đức Phật ở tại nước Câu-xá-di. Bấy giờ, Tỳ-kheo Xiển-đà thường tới lui các gia đình… cho đến câu: Xiển-đà thấy họ ân cần khó từ chối, như trên trong giới “Có thí chủ vì mình làm phòng xá” đã nói. Cứ như vậy, Xiển-đà tìm được chỗ đất tốt để cất thất, đắp nền cao, dùng đất đắp lên một cách gấp gáp, bốn bên xây vách rất nặng, bên trên lợp nhiều lớp, tất cả bị sụp đổ một lần, làm hư hoại ruộng lúa của người Bà-lamôn. Người Bà-la-môn nổi giận nói: Đám Sa-môn này muốn sống trọn đời trọn kiếp, muốn truyền tử lưu tôn hay sao? Lợp một, hai lớp đủ để sống một đời rồi, chuyện gì phải lợp quá nặng để đến nỗi sụp đổ thế này?! Họ lại nói: Đám này sử dụng của cải không hao tổn đến của cha me nên họ tha hồ làm ác theo ý muốn, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Xiển-đà: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, thật có vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào làm phòng xá lớn, từ đất bằng xây lên, đến chỗ đặt cửa sổ, phải cho bền chắc, lợp hai, ba lớp, nếu quá phạm Ba-dật-đề”. Nếu đến lớp thứ tư hoặc bằng tranh, hoặc bằng ngói hay bằng cây, mỗi lớp tranh, hoặc ngói hay cây đều phạm Ba-dật-đề. Khi tạo phương tiện nung ngói, chặt cây đều phạm Đột-kiết-la. Lợp xong phạm Ba-dật-đề. Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ mười chín

Đức Phật ở tại nước Câu-xá-di. Lúc ấy, Xiển-đà làm phòng xá lớn, dùng nước có trùng tưới trên bùn trên cỏ, cũng sai người tưới. Ưuđà-di sử dụng nước có trùng để ăn uống, tắm rửa. Các Cư sĩ thấy Xiểnđà dùng nước có trùng tưới trên bùn trên cỏ nên đến Ưu-đà-di xin nước uống. Tỳ-kheo đem nước có trùng cho. Cư sĩ nói: Nước này có trùng. Trả lời: Chỉ uống nước, chớ đâu có uống trùng. Các Cư sĩ nói: Đại đức! Đã uống nước làm sao không uống trùng? Tỳ-kheo không thèm trả lời. Các sư sĩ giận trách chê nói: Các Sa-môn này thường nói từ bi hộ niệm chúng sinh, mà nay dùng nước có trùng tưới trên bùn, ăn uống, tắm rửa, không có tâm từ bi, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi đem việc ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Xiểnđà, Ưu-đà-di: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào biết nước có trùng, dùng tưới trên bùn hoặc ăn uống… phạm Ba-dật-đề”.

Nước có trùng: Là nước dùng đãy lọc, thấy có trùng, hay dùng nhục nhãn thấy được, nếu dùng tưới trên bùn hay ăn uống, mỗi con trùng là một Ba-dật-đề. Có trùng, tưởng có trùng, có trùng nghi, đều phạm Ba-dật-đề. Không trùng, tưởng có trùng, không trùng nghi, đều phạm Đột-kiết-la. Dùng nước có trùng, có nội dụng và ngoại dụng. Nội dụng là dùng ăn uống, ngoại dụng là dùng tưới trên bùn (trộn hồ) tắm rửa v.v… Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nếu xem kỹ mà không thấy, hay dùng đãy lọc mà không có thì không phạm.

Xong giới thứ hai mươi

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo không giáo thọ Tỳ-kheo-ni, không vì họ nói pháp, do đó họ không có chứng đắc, lại mắng họ: Do các người nên khiến chánh pháp của Phật giảm bớt năm trăm năm, khiến mọi người không kính Sa-môn, khinh rẻ Tỳ-kheo, không cúng dường. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật hỏi Cù-đàm-di: Có Tỳ-kheo Thượng tọa giáo giới, thuyết pháp cho Tỳ-kheo-ni để họ có chứng đắc không? Cù-đàm-di thưa: Bạch Thế Tôn, không. Bạch Đức Thế Tôn! Do các Tỳ-kheo không giáo giới, không nói pháp cho Tỳ-kheo-ni nên Tỳ-kheo-ni không chứng đắc điều gì. Các Tỳ-kheo lại mắng: Do các người nên chánh pháp của Đức Phật giảm bớt năm trăm năm, mọi người không cung kính cúng dường Sa-môn. Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo-ni nói các pháp, chỉ vẽ sự lợi ích, chư ni hoan hỷ rồi, khiến họ trở về trú xứ. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các Thượng tọa không giáo giới, không thuyết pháp cho Tỳ-kheo-ni, mà lại mắng họ phải không? Các Thượng tọa thưa: Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Không nên mắng như vậy. Nếu vi phạm thì phạm Đột-kiết-la. Từ nay các Tỳ-kheo nên giáo giới các Tỳ-kheo-ni, nên vì họ thuyết pháp. Vâng lời dạy, các Tỳ-kheo bèn giáo giới, thuyết pháp cho Tỳ-kheo-ni, chư ni được chứng đắc. Sau đó, Lục quần Tỳ-kheo lại cũng đến trú xứ của Tỳ-kheo-ni nói: Các cô nên tập hợp! Tôi sẽ giáo giới, nói pháp cho. Các Tỳ-kheo-ni liền tập hợp lại một chỗ. Lục quần Tỳ-kheo được dịp nói những lời thô ác dâm dục. Trong số Tỳ-kheo-ni những vị đắc các thiền, Tam-muội giải thoát, chánh thọ đều không chấp nhận, còn Lục quần Tỳ-kheo-ni thì khen ngợi, nói: Các Tỳ-kheo này khéo giáo giới, không ai hơn được. Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề lại cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ Đức Thế Tôn. Đức Phật hỏi Cù-đàm-di: Các Tỳ-kheo có giáo giới, nói pháp cho Tỳ-kheo-ni hay không? Cù-đàm-di thưa: Có các Tỳ-kheo giáo giới, thuyết pháp cho Tỳ-kheo-ni, được nhiều lợi ích. Lại có Lục quần Tỳ-kheo đến, bảo Tỳ-kheo-ni tập hợp để giáo giới, nhưng nói những điều thô ác, dâm dục. Lục quần Tỳ-kheo-ni khen cho là hay không ai bằng. Đức Phật vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp rồi khiến họ về lại trú xứ. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳkheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tăng không sai giáo giới Tỳ-kheo-ni mà giáo giới, phạm Ba-dật-đề.

Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo lại ra giới trường, tự ý sai lẫn nhau giáo giới Tỳ-kheo-ni, đến chỗ Tỳ-kheo-ni nói: Nay Tăng tôi sai đến giáo giới ni. Các Tỳ-kheo-ni cũng tập hợp một chỗ như trước. Lục quần Tỳ-kheo cũng nói những lời thô ác, dâm tục… cho đến câu: Tỳ-kheoni Ba-xà-ba-đề đến chỗ Đức Phật… khiến về lại trú xứ, như trên đã đề cập. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có ra ngoài giới trường, tự động sai nhau đến giáo giới Tỳ-kheo-ni hay không? Lục quần Tỳ-kheo thưa: Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-

kheo thành tựu mười pháp, Tăng mới sai giáo giới Tỳ-kheo-ni. Những gì là mười pháp?

  1. Thành tựu giới, thành tựu oai nghi, thường sợ lỗi nhỏ.
  2. Đa văn, khéo hay liễu đạt, biết rõ lời Phật nói, sơ, trung hậu đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị và đầy đủ tướng thanh bạch phạm hạnh.
  3. Khéo hay tụng và hiểu rõ hai bộ giới luật.
  4. Có khả năng nói năng thuyết giảng, trình bày lý nghĩa phân minh.
  5. Tộc tánh xuất gia, các căn thù đặc.
  6. Ở trong Phật pháp chưa từng uế trược.
  7. Cử chỉ nhã nhặn, thân không tà vạy, mặc pháp phục thanh khiết tề chỉnh.
  8. Chúng Tỳ-kheo-ni kính trọng.
  9. Có khả năng nói pháp tùy thuận dạy bảo cho lợi ích an vui.
  10. Đủ hay hơn hai mươi tuổi hạ.

Có năm pháp không nên sai, nếu đã sai nên hủy bỏ:

  1. Những kinh hay giới đã tụng đều bị quên.
  2. Các căn không đầy đủ.
  3. Đa dục.
  4. Hiện tướng ác.
  5. Dạy Tỳ-kheo-ni gần gũi người ác.

Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, Tăng không sai mà giáo giới Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề”.

Không sai: Tức là người không được Tăng bạch nhị Yết-ma sai mà giáo giới, nói tám kính pháp. Nếu không được sai mà giáo giới Tỳkheo-ni thì mỗi lời nói đều phạm Ba-dật-đề. Giáo giới Thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la. Xong giới thứ hai mươi mốt