LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 15

Phẩm 29: PHÂN BIỆT THANH VĂN VÀ PHẬT BÍCH CHI

Phần 2

Hỏi: Mười thiện đạo làm cho những người nào đến được địa vị Bích-chi-Phật?

Đáp:

Đối với pháp hành của Thanh văn,

Mười thiện đạo chuyển sang tốt hơn,

Sâu vào thiền không theo người khác,

Luôn luôn vui với hạnh xa lìa.

Thường vui và khéo léo tu tập,

Pháp nhân duyên vô cùng sâu xa,

Xa lìa sức mạnh của phương tiện,

Và cũng xa lìa tâm Đại Bi.

Ít ham muốn và ít bận rộn,

Không thích chốn ồn ào lẫn tạp,

Thường vui với những nơi xa cách,

Người có uy đức rất sâu dày.

Vui làm nơi chốn của phước điền,

Thường quán xét với tánh xuất ly,

Thành tựu đầy đủ lý và sự,

Cung kính đối với Phật Thế Tôn.

Đã thành tựu giữ tâm một chỗ,

Biết tâm vốn duyên vào nơi nào,

Luôn luôn vui với hạnh thiền định,

Là người có thế lực bậc Trung.

Vui với các pháp của xuất gia,

Thiện tâm không có cụm chìm đi,

Người đạt được trí tuệ sáng suốt,

Hoặc đến từ trong hai thắng xứ,

Hoặc đến từ trong ba thắng xứ,

Nghiệp đạo của người thiện như vậy,

Có thể làm cho người như vậy,

Đến với địa vị của Duyên giác.

Đối với pháp hành của Thanh văn-mười thiện đạo chuyển sang tốt hơn, là mười thiện đạo vượt qua sở hành của người Thanh văn, nhưng không bằng sở hành của Bồ tát dấy lên nghĩ như vậy: Người Thanh văn phải tùy theo người khác để nghe mà hành đạo, sau đó mới có thể tự mình chứng được trí tuệ, mình thì không như vậy, không thích tùy theo người khác, vì lý do này, mình phải làm cho mười thiện đạo chuyển sang tốt hơn, vì nhân duyên này cho nên mình không thích tùy theo người khác, mà mười thiện đạo sẽ làm cho mình đến được địa vị Bíchchi-Phật. Tư duy như vậy rồi thường vui với sự xa lìa, dấy lên nghĩ như vậy: Nếu mình thường thích sự ồn ào náo nhiệt thì sẽ làm cho các pháp bất thiện tai hại quy tụ, bởi vì tiếp cận những điều có thể vấy nhiễm-có thể sân hận-có thể ngu si. Thế là trong sự lìa xa thuận theo tu tập các pháp nhân duyên vô cùng sâu xa. Lại dấy lên nghĩ như vậy: Nếu mình không tu tập các pháp nhân duyên rất sâu xa thì không có thể không thuận theo trí của người khác, nay tại sao mình không thường xuyên tu tập nhân duyên rất sâu xa, sau đó có thể đạt được trí không thuận theo người khác?

Rất sâu xa, là khó đến được nơi tận cùng, không có thể thông suốt được. Tất cả phàm phu từ vô thỉ chìm trong sinh tử, hết thảy kinh sách và mọi thứ kỹ năng khéo léo đều có thể đạt được đến chỗ tận cùng mọi điều, nhưng chỉ riêng nhân duyên rất sâu xa thì không thể đến được tận cùng, như các loài sâu bọ nhỏ bé không thể nào đến được đáy sâu của biển rộng. Nếu người có tâm Đại Bi làm phương tiện và tu tập nhân duyên rất sâu xa, thì đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu rời bỏ hai điều này mà tu tập về trí nhân duyên sâu xa, thì trở thành Bích-chi-Phật.

Phương tiện có nghĩa là từ trong sự thành tựu giáo hóa chúng sinh, tư duy đủ cách mà không sai lầm, cũng đối với pháp rất sâu xa không chấp lấy tướng. Đại Bi có nghĩa là hết sức thương xót chúng sinh, hơn hẳn hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật, huống gì là phàm phu.

Ít ham muốn và ít bận rộn-không thích chốn ồn ào lẫn tạp, như

vậy thì đến được địa vị của Bích-chi-Phật. Nếu nhiều ham muốn và nhiều công việc, thích tu tập đông người, được sự bảo vệ của lòng Đại Bi và phương tiện, thì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sẽ dễ dàng đạt được. Tại vì sao? Bởi vì người cầu địa vị Bích-chi-Phật, ít ham muốn thì dấy lên ý nghĩ là chỉ tự cứu độ chính mình, ít bận rộn thì chỉ tự thành tựu thiện căn của mình chứ không nghĩ đến người khác. Người này rời bỏ sự nghiệp giáo hóa chúng sinh cho nên không gần gũi với chúng sinh.

Bồ tát nhiều ham muốn-nhiều công việc, dấy lên ý niệm như vậy: Mình cần phải cứu độ tất cả chúng sinh. Bởi vì nhân duyên ham muốn vĩ đại này cho nên phải làm công việc vĩ đại là giáo hóa chúng sinh. Giáo hóa chúng sinh thì điều này không phải là chuyện nhỏ nhặt, nếu chán ghét những điều ồn ào náo nhiệt tai hại thì không làm được công việc này. Vì vậy Bồ tát vào trong chốn ồn ào náo nhiệt cũng dùng những lời ồn ào náo nhiệt, nhưng không hề vướng mắc điều gì.

Vả lại, che lấp công đức chân thật, cho nên gọi là ít ham muốn. ít theo đuổi sự nghiệp cho nên gọi là ít bận rộn. Chán ghét nơi ồn náo nhiệt tai hại, gọi là ít ham muốn. thích ở một mình cho nên gọi là ít bận rộn. Người như vậy, ít ham muốn-ít bận rộn, không thích nơi không thích nơi đông người ồn ào náo nhiệt, thích gần gũi những nơi sâu xa heo hút, lìa xa những nơi đáng sợ, tâm tư vô cùng rộng lớn. Người này dấy lên ý niệm như vậy: Nếu mình ở những nơi sâu xa heo hút, lìa xa nơi đáng sợ thì người khác không đến được. Bởi vì ở những nơi xa cách, cho nên tâm tư cũng sâu xa. Nếu người tự mình không sâu xa mà thích đùa cợt, thì người khác qua lại tiếp xúc cũng không có gì là khó. Người như vậy không hòa hợp với chúng sinh, tuy rời bỏ chúng sinh mà cũng muốn làm cho chúng sinh gieo trồng các thiện căn làm lợi ích to lớn, dấy lên ý niệm như vậy: Tại sao mình không hòa hợp với chúng sinh để cũng có thể làm lợi ích cho chúng sinh? Tư duy biết như vậy rồi, mình nên vì chúng sinh làm lợi ích của phước điền mà thọ nhận sự cúng dường của họ. Như vậy, tuy không hòa hợp với chúng sinh, nhưng mà có thể làm lợi ích to lớn. Người này lại tư duy: Mình làm thế nào để đạt được địa vị của phước điền? Tức là sự thấy biết của mình. Nếu mình rất thích làm mảnh đất của phước điền, thì thường xuyên quán xét vượt ra ngoài tánh, sau đó pháp của mảnh đất phước điền tự nhiên mà xuất hiện, ngay cả pháp vượt ra ngoài tánh cũng tự nhiên mà xuất hiện, đó gọi là trì giới-thiền định-trí tuệ…

Lại dấy lên ý niệm như vậy: Mình nên làm thế nào để nhanh chóng đến được mảnh đất phước điền và pháp vượt ra ngoài tánh? Mình nên thực hành chánh quán thì ở trong các sự việc và nghĩa lý hiện có thảy đều thành tựu đầy đủ, cung kính cúng dường Chư Phật Thế tôn, như vậy mảnh đất phước điền và pháp vượt ra ngoài tánh, không bao lâu sẽ nhanh chóng đạt được. Tại vì sao? Bởi vì mình sẽ thành tựu đầy đủ sự việc có nghĩa lý, chánh quán các pháp có thể đạt được trí không tùy thuộc người khác, lại cung kính cúng dường Chư Phật Thế Tôn cho nên khiến thiện căn được sâu dày hơn. Thiện căn tăng trưởng mạnh mẽ cho nên trí tuệ được sâu dày. Trí tuệ sâu dày cho nên có thể thông suốt được sự thật. Có thể thông suốt được sự thật cho nên có thể sinh ra chán ngán, từ chán ngán sẽ sinh ra xa rời, từ xa rời mà được giải thoát, được giải thoát cho nên thiện căn tích tập từ trước đến sau nhất định trở thành phước điền, sau đó có thể chứng được pháp vượt ra ngoài tánh. Lúc gieo trồng các thiện căn này là nhân duyên lớn nhất.

Người này lại tư duy: Mình làm thế nào để có thể nhanh chóng thành tựu sự việc có nghĩa lý? Người này liền tự mình thấy biết. Nếu mình tập trung buộc tâm lại một chỗ thì biết được sở duyên của tâm, thường vui với thiền định. Người này luôn luôn buộc tâm lại một chỗ thì có thể đạt được Tam muội, đạt được Tam muội cho nên sự việc có nghĩa lý đều có thể thành tựu đầy đủ. Như trong kinh nói: “Đạt được thiền định có thể biết đúng như thật-thấy đúng như thật”.

Nếu người đã thực hành buộc tâm lại một chỗ thì nhanh chóng tiến vào Tam muội. Nhanh chóng tiến vào Tam muội cho nên gọi là thiền định, gọi là thường định. Nếu có thể tu tập các pháp như vậy thì chính là cung kính cúng dường Chư Phật. Nếu người dùng hương hoa và bốn sự cúng dường Chư Phật thì không gọi là cúng dường Chư Phật. Nếu có thể nhất tâm không phóng túng, gần gũi tu tập Thánh đạo thì gọi là cung kính cúng dường Chư Phật.

Như kinh nói: “Lúc nhập Niết bàn, Đức Phật bảo với A-nan: Trời rải hoa Mạn-đà-la và bột hương Chiên-đàn, trỗi các loại âm nhạc cõi trời, cũng không gọi là chúng sinh cúng dường Như Lai. Này A-nan! Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nhất tâm không phóng túng, gần gũi tu tập Thánh pháp, thì gọi là thật sự cúng dường Phật. Vì vậy, này A-nan! Ông nên tu học thật sự cúng dường Phật”.

Các công đức như vậy, đều là thế lực thuộc bậc Trung. Người vui với đời sống xuất gia, thiện tâm không co cụm chìm mất, là thế lực tối thượng có thể được thành Phật. Thế lực thuộc bậc hạ thì làm Thanh văn, vì vậy cho nên người có thế lực bậc Trung thì làm Bích-chi-Phật. Vui với đời sống xuất gia cho nên có năng lực thành tựu những công đức. Tại vì sao? Bởi vì nếu là tại gia thì không thể nào ít ham muốn-ít bận rộn, thân tâm không thể nào xa lìa ràng buộc, cũng không thể nào thiền định được. Nếu tâm co cụm chìm mất và không thanh tịnh, thì không thể nào thành tựu đầy đủ mọi công việc, không thể nào biết được pháp nhân duyên rất sâu xa, không thể nào chứng được tánh vượt ra ngoài, không thể nào đúng như pháp thật sự cúng dường Chư Phật.

Chúng sinh có thế lực thuộc bậc trung như vậy, dấy lên ý niệm như vậy: Mình là người có thế lực thuộc bậc Trung, thường thích xuất gia, tâm không bị co cụm chìm mất, những việc làm-những công đức-hạnh nguyện đều tự nhiên phát sinh. Lại dấy lên tư duy như vậy: Thế lực bậc Trung này vui vì đạt được quả gì? Lập tức biết là sẽ đạt được quả trí tuệ. Tại vì sao? Bởi vì trí tuệ luôn luôn là ánh sáng chiếu rọi. Như trong kinh nói: “Này các Tỳ-kheo! Ánh sáng trí tuệ là hơn hẳn trong tất cả các loại ánh sáng”.

Lại dấy lên ý niệm như vậy: Ánh sáng trí tuệ mà mình thích, làm thế nào để đạt được? Liền biết hoặc là từ hai thắng xứ mà có, hoặc là từ ba thắng xứ mà có.

Hai thắng xứ thì đã nói trước đây. Ba thắng xứ, đó gọi là Đế-Xả và Tịch diệt, hoặc là Đế-Xả và Tuệ, hoặc là Đế-Tịch diệt và Tuệ. Vì vậy cho nên mình phải tu tập những thắng xứ như vậy, mình tu tập vậy rồi đạt được ánh sáng trí tuệ, thì trí tuệ mà mình mong muốn tự nhiên phát sinh.

Pháp trợ đạo có tướng như vậy-tu tập như vậy, thì mười thiện đạo có năng lực đưa đến địa vị Bích-chi-Phật.

 

Phẩm 30: ĐẠI THỪA

Hỏi: Như Nhân giả đã nói, mười thiện đạo có năng lực làm cho người tu tập đến được địa vị Thanh văn và Bích-chi-Phật; mười thiện nghiệp đạo, lại làm cho những chúng sinh nào đến được địa vị Phật?

Đáp:

Thực hành đầy đủ mười thiện đạo,

Hơn hẵn đối với hai loại người,

Tu tập vô lượng pháp hiếm có,

Hơn hẳn tất cả các thế gian.

Phát nguyện kiên cố và thiện niệm,

Thành tựu tâm Đại Bi vô ngại,

Khéo tiếp nhận thực hành phương tiện,

Nhẫn chịu tất cả mọi khổ não.

Không rời bỏ tất cả chúng sinh,

Rất yêu quý trí tuệ Chư Phật,

Đối với Phật lực luôn tự tại,

Vui mừng vì không còn biến hành.

Có năng lực phá mọi tà kiến,

Bảo vệ được chánh pháp của Phật,

Dũng mãnh tiếp nhận luôn tinh tiến,

Tâm kiên cố giáo hóa chúng sinh.

Không tham đắm niềm vui riêng mình,

Trong vô lượng thân mạng trải qua,

Cao nhất trong tất cả mọi việc,

Thực hành không có gì sai lầm.

Tất cả các chủng loại thanh tịnh,

Tất cả các thắng xứ phát sinh,

Mười thiện đạo làm cho người này,

Đến được mười lực của Thế tôn.

Tu tập thực hành mười thiện đạo hơn hẳn hai loại người, là Bồ tát tu mười thiện đạo thì đối với người cầu địa vị Thanh văn và Bích-chiPhật, càng trở nên hơn hẳn. Càng trở nên hơn hẳn, là nhất tâm tu hành và luôn luôn tu hành, vì lợi ích cho mình mà tu hành, vì lợi ích cho người mà tu hành, tu hành hết sức thanh tịnh.

Nhất tâm tu hành là vận dụng tâm ý để tu hành. Luôn luôn tu hành là không dừng lại nửa chừng. Vì lợi ích cho mình mà tu hành, là nhân duyên sinh trong đường trời-người, là nhân duyên của Niết bàn. Vì lợi ích cho người mà tu hành, là Bồ tát tu hành người thiện đạo, hồi hướng làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh, vì nhân duyên này mà có thể cứu độ chúng sinh vượt quá số lượng tính toán. Tu hành thanh tịnh, là công hạnh không hủy hoại, công hạnh không có gì lẫn tạp, công hạnh không ô trược, công hạnh luôn tự tại, công hạnh luôn đầy đủ, không tham đắm đối với công hạnh, công hạnh được người trí khen ngợi.

Hủy hoại là có lúc thực hành-có lúc không thực hành, ngược lại với điều này thì gọi là công hạnh không hủy hoại. Lẫn tạp là tự mình không làm mà khiến người khác làm, ngược lại với điều này thì gọi là công hạnh không lẫn tạp. Ô trược là việc làm phù hợp với nghiệp tội và phiền não, ngược lại với điều này thì gọi là công hạnh không ô trược. Tự tại, người phá giới bị gia nghiệp-ruộng vườn-vợ con-tài sản ràng buộc mà không được tự tại, người trì giới thì không có những điều như vậy, tùy ý tự tại không có gì ràng buộc. Đầy đủ là thực hành đầy đủ tất cả các giới lớn-nhỏ-nặng-nhẹ, ngăn lại các phiền não, thường nhớ đến và luôn giữ gìn, làm nhân duyên cho thiền định, hồi hướng Phật đạo có năng lực làm cho giống như pháp tánh chân thật, đây gọi là đầy đủ. Không tham đắm là không hướng về thế gian, không giữ lấy giới tướng, tự cho mình cao xa mà coi rẻ người khác. Được người trí khen ngợi, là trong pháp Thanh văn không thuận theo sinh tử, chỉ vì Niết bàn cho nên nói là được người trí khen ngợi. Trong pháp Đại thừa này, hãy còn không quay lại hướng về Thanh văn và Bích-chi-Phật, huống là sinh tử? Chỉ một mực hướng đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên nói là được người trí khen ngợi tu hành mười thiện đạo.

Hỏi: Tu có tướng trạng gì gọi là khéo léo tu tập?

Đáp: Dùng vô lượng pháp hiếm có để tu tập mười thiện đạo, hơn hẳn tất cả các thế gian, đây gọi là khéo léo tu tập.

Hỏi: Vì sao Bồ tát dùng pháp tu tập này mà hơn hẳn tất cả các thế gian?

Đáp: Các Bồ tát dùng năm sự việc để tu tập, cho nên hơn hẳn tất cả các thế gian. Đó là:

  1. Hạnh nguyện.
  2. Tâm kiên cố.
  3. Tâm sâu xa.
  4. Khéo léo thanh tịnh.
  5. Phương tiện.

Hạnh nguyện là nguyện thực hành của Bồ tát, mà tất cả người phàm phu và người Thanh văn,Bích-chi-Phật không có. vì vậy cho nên nguyện thực hành của Bồ tát hơn hẳn tất cả các thế gian. Như trong phần Tỳ-Ma-la-đạt-đa-nữ vấn của kinh Đại trí: “Đức Phật vì Mục-kiềnliên mà giải thích: Bồ tát từ lúc mới phát nguyện cho đến lúc an tọa nơi đạo tràng, có năng lực làm phước điền cho tất cả trời và người trong mọi thế gian, còn hơn hẳn tất cả các hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật”. Lại như trong Tịnh Tỳ Ni: “Ma-ha-ca-diếp hướng đến trước Đức Phật thưa rằng: Đức Thế Tôn khéo léo giảng thuyết về pháp hiếm có, đó gọi là Bồ tát lúc mới phát nguyện đã hơn hẳn tất cả các hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật”. Lại như trong kệ nói:

Bồ tát từ lúc mới phát tâm,

Phù hợp với tâm Đại Từ Bi,

Vì hướng về đạo vô thượng,

Chính tâm này trở thành hơn hẳn,

Vì vậy cho nên dùng nguyện này,

An trú trong tất cả thế gian.

Tâm kiên cố, là Bồ tát ở trong những nơi khổ não, đó là địa ngục đẳng hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Hợp hội, địa ngục Tiểu khiếu hoán, địa ngục Đại khiếu hoán, địa ngục Tiểu chích, địa ngục Đại Chích, địa ngục A-tỳ, địa ngục Phí thỉ, địa ngục kiếm lâm, địa ngục Khôi hà, địa ngục A-phù-đà, địa ngục Ni-la-phù-đà, địa ngục A-babá, địa ngục A-la-la, địa ngục Hưu hưu, địa ngục Uất-bát-la, địa ngục Câu-vật-đà, địa ngục Tu-man-na, địa ngục Phân-đà-lợi, địa ngục Bátđầu-ma, địa ngục Hàn nhiệt… Đủ các loại tra khảo tàn khốc, khổ não như vậy. Ở trong loài súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la, người-trời, cùng ăn nuốt lẫn nhau, dọa dẫm sợ hãi lẫn nhau, đói kém thóc lúa còn quý hơn vàng. Từ loài trời sụt xuống, thì keo kiệt-ganh-tỵ-sân hận-não hại, ân ái mà phải chia ly, oán ghét mà phải hội tụ, sinh-già-chết, ưu sầu-đau thương-buồn phiền… Trong sáu đường này, hết thảy mọi nỗi khổ đau hoặc thấy-hoặc nghe-hoặc nhận chịu, tu mười thiện đạo luôn luôn vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà tâm hoàn toàn không hư hoại. Vì vậy cho nên Bồ tát này dùng tâm kiên cố để tu tập mười thiện đạo, hơn hẳn tất cả thế gian.

Như nói:

Đường địa ngục và đường súc sinh,

Đường ngạ quỷ-đường A-tu-la,

Đường trời-người gồm sáu đường khổ,

Không thể nào lay động tâm tư.

Vì vậy cho nên các Bồ tát,

Dùng tâm vô cùng kiên cố này,

Tu tập thực hành mười thiện đạo,

Hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Tâm sâu xa, là tâm vĩ đại-tâm sử dụng-tâm yêu quý-tâm nhớ nghĩ. Các Bồ tát sử dụng những tâm như vậy để tu tập mười thiện đạo, hơn hẳn tất cả mọi thế gian, trừ ra Chư Phật Thế tôn và Bồ tát thực hành đã lâu.

Như nói:

Tâm sâu xa và tâm sử dụng,

Tâm làm lợi ích cho thế gian,

Bồ tát dùng những tâm niệm này,

Hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Khéo léo thanh tịnh, là Bồ tát tu tập mười thiện đạo có đầy đủ ba loại thanh tịnh, mà người khác không có được. Vì vậy cho nên hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Như nói:

Bồ tát quý nhất giữa loài người,

Có tâm sâu xa-tâm thanh tịnh,

Dùng sức mạnh của thiện pháp này,

Thế gian không có ai sánh kịp.

Phương tiện, là Bồ tát dùng sức mạnh của phương tiện để tu tập đối với thiện pháp, mà người khác không ai có được, cho nên hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Tu vô lượng và Bồ tát dùng năm loại nhân duyên để tu tập, cho nên gọi là tu vô lượng, đó là:

  1. Thế gian vô lượng.
  2. Thiện căn vô lượng.
  3. Duyên vô lượng.
  4. Cứu cánh vô lượng.
  5. Hồi hướng vô lượng.

Thế gian vô lượng, nghĩa là các Bồ tát tu tập thực hành thiện nghiệp đạo trải qua vô lượng thế gian. Trải qua vô lượng thế gian, cho nên sự tu tập thực hành thiện nghiệp đạo cũng vô lượng, vì vậy hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Như nói:

Các bậc Bồ tát là sư tử,

Tu tập thực hành thiện nghiệp đạo,

Thế gian vượt quá mọi toán số,

Cho nên tu thiện nghiệp tốt thắng.

Thiện căn vô lượng, nghĩa là các Bồ tát có vô lượng vô biên thiện căn, thuận theo thiện căn này mà tu tập thiện nghiệp đạo cũng vô lượng. Vì vậy hơn hẳn tất cả mọi thế gian. Như kinh Tịnh Tỳ Ni trong pháp Đại thừa nói: “Đức Phật bảo với Ca-diếp: Ví như vị Sinh tố đầy tràn trong bốn biển rộng, tư lương thiện căn hữu vi của Bồ tát cũng như vậy. Hồi hướng phước đức này cho trí tuệ vô vi là làm lợi ích to lớn cho tất cả chúng sinh. Vì vậy Bồ tát tuy ở trong pháp hữu vi mà có năng lực hơn hẳn tất cả mọi thế gian”.

Như nói:

Bồ tát vì tất cả chúng sinh,

Và mong cầu Phật đạo vô thượng,

Cho nên thiện căn là vô lượng,

Vì vậy hơn hẳn mọi thế gian.

Duyên vô lượng nghĩa là Bồ tát không duyên vào chúng sinh có hạn lượng mà tu tập thiện căn, nhưng mà sự tu tập thiện căn không nói là làm lợi ích bao nhiêu chúng sinh, hoặc không làm lợi ích cho bao nhiêu chúng sinh. Bồ tát chỉ duyên vào tất cả chúng sinh mà tu tập thiện căn. Vì vậy Bồ tát duyên vào vô lượng chúng sinh, mà tu tập thiện nghiệp đạo cũng vô lượng, hơn hẳn tất cả mọi thế gian. Như trong kinh Tịnh Tỳ Ni nói: “Đức Phật bảo với các Thiên tử: Như đại Bồ tát có tâm Từ Bi mỏng manh cầu mong làm lợi ích cho người, thì tâm này có năng lực làm cho vô lượng chúng sinh cảm được lợi ích an lạc. Bồ tát phát tâm sâu sắc, chịu khó thực hành tinh tiến cũng như vậy, có năng lực giáo hóa vô lượng A-tăng-kỳ chúng sinh khiến cho cảm được niềm vui Niết bàn”.

Như nói:

Bồ tát có vô lượng thiện căn,

Công đức tự trang nghiêm cho mình,

Đều vì cứu độ các chúng sinh,

Thoát khỏi vô lượng điều khổ đau.

Cứu cánh vô lượng, nghĩa là trong địa thứ nhất vốn giúp cho sự phát nguyện, đã nói về mười loại cứu cánh. Cứu cánh này vô lượng, cho nên sự tu tập thiện nghiệp đạo của Bồ tát cũng vô lượng, vì vậy hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Như nói:

Bồ tát tu tập thiện nghiệp đạo,

Từ mười loại cứu cánh phát sinh,

Vì vậy hơn tất cả thế gian,

Không ai có năng lực hủy hoại.

Hồi hướng vô lượng, như trong địa thứ nhất đã nói, Bồ tát hồi hướng vô lượng quả báo. Dùng vô lượng quả báo này hồi hướng mà tu tập thiện nghiệp cũng vô lượng, cho nên hơn hẳn tất cả mọi thế gian.

Như nói:

Bồ tát dùng vô lượng nhân duyên,

Tu tập đối với thiện nghiệp đạo,

Hồi hướng tất cả đến Phật thừa,

Vì vậy thành tựu quả Tối thượng.

Hy hữu là các Bồ tát tu tập thiện đạo, dùng năm loại nhân duyên mà gọi là hy hữu, đó là:

  1. Có thể tiếp nhận.
  2. Tinh tiến.
  3. Tâm kiên cố.
  4. Trí tuệ.
  5. Quả báo.

Có thể tiếp nhận là nghĩ rằng mình sẽ làm người đầy đủ tất cả trí tuệ và tôn quý giữ chốn trời-người. Có năng lực có thể tiếp nhận như vậy, thì gọi là hy hữu. Nếu người dùng ngón tay nhấc bổng ba ngàn Đại thiên thế giới, đưa vào giữa hư không làm cho đứng yên qua trăm ngàn vạn kiếp sự việc này có thể làm được, không đủ để cho là khó. Nếu phát nguyện rằng tôi sẽ làm Phật, thì điều này là hy hữu, rất khó có.

Như nói:

Bồ tát vì vô lượng Phật pháp,

Lập thệ nguyện mình sẽ làm Phật,

Người này không có ai sánh kịp,

Huống hồ có người nào hơn được?

Tinh tiến, có nhiều người có thể tiếp nhận sự phát tâm đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng không có năng lực tinh tiến thực hành sáu hạnh Ba-la-mật. Nếu người đã có thể tiếp nhận sự phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại có năng lực tinh tiến thực hành sáu hạnh Ba-la-mật, thì gọi là thật sự có thể tiếp nhận vô lượng công đức. Bởi vì tinh tiến hiếm có, cho nên sự tu tập thiện nghiệp cũng hiếm có.

Như nói:

Vô cùng tinh tiến thật hiếm có,

Người phàm trần nghĩ đến đã sợ,

Bồ tát thật sự hành tinh tiến,

Sao có thể không phải hiếm có?

Tâm kiên cố, có người phát tâm tinh tiến tu tập Phật đạo, nếu có chướng ngại mà tâm không kiên cố thì không thể nào thành tựu được. Vì vậy phát tâm tinh tiến an trú hiếm có, trong tâm kiên có thì sự việc ấy được thành tựu, phá hủy mọi chướng ngại, đây là vị Bồ tát tu tập thiện nghiệp đạo hiếm có vào bậc nhất. Như nói:

Nếu người không có tâm kiên cố,

Việc nhỏ còn không thể thành tựu,

Huống hồ muốn thành tựu Phật đạo,

Là bậc vô thượng giữa thế gian?

Trí tuệ, thì có thể tiếp nhận-tinh tiến và tâm kiên cố đều lấy trí tuệ làm căn bản, vì vậy trí tuệ của Bồ tát là hiếm có bậc nhất. Có năng lực phát sinh tâm kiên cố-tinh tiến và có thể tiếp nhận như vậy, bởi vì trí tuệ là hiếm có. vì trí tuệ là hiếm có, cho nên sự tu tập thiện nghiệp cũng hiếm có.

Như nói:

Như có người có thể tiếp nhận,

Mong muốn đạt được pháp của Phật,

Tinh tiến có được tâm kiên cố,

Đều lấy trí tuệ làm căn bản.

Quả báo, nghĩa là tu tập thiện nghiệp cho nên đạt được vô lượng vô biên giáo pháp của chúng sinh, cho nên Phật là hiếm có. Như nói:

Thực hành thiện nghiệp này đắc đạo,

Có sức mạnh vô lượng công đức,

Làm bậc thầy của mọi chúng sinh,

Ai nghe mà không muốn thực hành?

Nguyện kiên cố, Bồ tát bởi vì năm nhân duyên cho nên gọi là nguyện kiên cố. Đó là:

  1. Tâm không chuyển đối với Thanh văn thừa.
  2. Tâm không chuyển đối với Bích-chi-Phật thừa.
  3. Tâm không chuyển đối với mọi sự việc của ngoại đạo.
  4. Tâm không chuyển đối với mọi sự việc của ma quân.
  5. Tâm không chuyển vì không có nhân duyên. Như nói:

Nghe hàng Nhị thừa được giải thoát,

Đâu có thể không tu đạo này?

Nếu như chưa tiến vào phần vị,

Thì sẽ mất đi đạo Bồ tát;

Lại ham sự sự của ngoại đạo,

Hoặc bị ma quân làm hư hoại,

Hoặc là không có nhân duyên gì,

Tự mình rời bỏ đạo Bồ tát.

Nguyện thiện, Bồ tát nhờ vào năm nhân duyên cho nên gọi là nguyện thiện. Đó là:

  1. Trước hết phải suy tính cẩn thận được-mất điều gì.
  2. Biết rõ về đạo.
  3. Biết rõ quả của đạo.
  4. Không tham tiếc niềm vui riêng mình.
  5. Mong muốn diệt trừ mọi nỗi khổ cho chúng sinh.

Phát nguyện như thế gọi là nguyện thiện. Như nói:

Trước hết thấy tai họa thế gian,

Phật đạo là lợi ích to lớn,

Biết rõ thực hành đạo vô thượng,

Cùng với quả vô lượng công đức.

Bỏ niềm vui vắng lặng riêng mình,

Muốn trừ đau khổ cho chúng sinh,

Phát nguyện không gì sánh kịp này,

Được Chư Phật mười phương khen ngợi.

Đại Bi vô ngại, là dựa vào năm nhân duyên cho nên biết Bồ tát có tâm đại Bi. Đó là:

  1. Vì lợi ích an vui cho vô lượng chúng sinh, đối với mọi vật cung cấp trong cuộc sống không hề sinh tâm tham tiếc.
  2. Không tiếc thân thể.
  3. Không tiếc mạng sống.
  4. Không nghĩ đến thế gian lâu xa.
  5. Mong muốn làm lợi ích với tâm bình đẳng giữa mọi người thân và kẻ thù.

Như nói:

Đối với vật yêu quý trong-ngoài,

Buông xả không có gì tham đắm,

Bởi vì lợi ích cho chúng sinh,

Ngay cả thân mạng cũng xả bỏ,

Sinh tử trải qua vô lượng kiếp,

Giống như khoảng thời gian nháy mắt,

Bình đẳng giữa người thân-kẻ thù,

Gọi là tâm Bồ tát đại bi.

Vô ngại, Bồ tát bởi vì năm nhân duyên mà tâm Bi có chướng ngại.

Đó là:

  1. Bởi vì khổ đau của địa ngục.
  2. Bởi vì khổ đau của súc sinh.
  3. Bởi vì khổ đau của ngạ quỷ.
  4. Bởi vì người ác không có gì thay đổi.
  5. Bởi vì lỗi lầm tai hại của sinh tử.

Nếu năm sự việc này không chướng ngại đến tâm của Bồ tát, thì gọi là Đại Bi vô ngại.

Như nói:

Khổ của địa ngục là đứng đầu,

Súc sinh-ngạ quỷ cũng khổ đau,

Khổ vì người ác và sinh tử,

Không chướng ngại gọi là Đại Bi,

Bồ tát có năng lực như vậy,

Đức Phật bảo là Bi vô ngại.

Khéo tiếp nhận thực hành phương tiện, Bồ tát dựa vào năm nhân duyên, gọi là khéo tiếp nhận thực hành phương tiện. Đó là:

  1. Biết thế gian phương hướng.
  2. Biết sự ưa thích trong tâm người khác.
  3. Biết chuyển hướng đi vào đạo.
  4. Biết sự việc theo thứ tự.
  5. Biết dẫn dắt cho mọi chúng sinh.

Biết thế gian phương hướng là biết xứ sở địa phương này, cần phải dùng cách thuyết pháp như vậy; biết trong thế gian này, cần phải dùng cách thuyết pháp như vậy. Biết xứ sở địa phương này, cần phải dùng nhân duyên như vậy để hóa độ chúng sinh; biết trong thế gian này, cần phải dùng nhân duyên như vậy để hóa độ chúng sinh. Bồ tát biết trước sự việc này rồi tùy thuận của thực hành.

Như nói:

Nếu thuận theo ý của Thế tôn,

Giảng giải cho người khác hiểu rõ,

Trước tiên cần phải biết hai điều,

Sau tùy lúc và nơi mà nói.

Nếu không biết thế gian-xứ sở,

Mà muốn giảng giải ý của Phật,

Thì không có được lợi ích gì,

Mà lại phát sinh những sai lầm.

Biết sự ưa thích trong tâm người khác, là biết trong tâm người khác đang hướng về điều gì, đang ưa thích điều gì? Bồ tát biết trước rồi, thuận theo sự hiểu biết và niềm vui thích của chúng sinh, tùy thuận phát khởi phương tiện để độ thoát cho họ. Như vậy thì không uổng phí công sức mà còn mang lại lợi ích to lớn.

Như nói:

Bồ tát biết tâm ý chúng sinh,

Sâu xa và khó suy lường được,

Trước tiên biết tâm ý họ rồi,

Dần dần khiến trú vào ý Phật.

Biết tất cả mọi chuyện thế gian,

Tự lợi mình cũng lợi cho người,

Nếu người có năng lực như vậy,

Thì gọi là khéo léo phương tiện.

Biết chuyển hướng đi vào đạo, là có năng lực chuyển hóa ý niệm của phàm phu ngoại đạo khiến cho tiến vào Phật đạo, cũng chuyển hóa chúng sinh làm điều ác khiến cho an trú trong mọi điều thiện, cũng biết cách chuyển hóa pháp tu của Thanh văn và Bích-chi-Phật khiến cho tiến vào trong Đại thừa, những người đã ở trong Phật pháp thì không làm cho họ đi vào ngoại đạo. Trước tiên biết rõ sự việc này rồi tùy thuận mà tu hành.

Như nói:

Nếu như người làm cho chúng sinh,

Rời xa các pháp của ngoại đạo,

Và rời xa những pháp bất thiện,

Tiến vào trong Phật pháp vắng lặng,

Nếu biết rõ tâm các chúng sinh,

Đầy đủ ba loại Thượng-Trung-Hạ,

Biết rồi có năng lực dẫn dắt,

Thì gọi là khéo léo phương tiện.

Biết sự việc theo thứ tự, là như trong Thanh văn thừa, đầu tiên nói về Bố thí, tiếp theo là trì giới, tiếp theo là sinh cõi trời; tiếp theo là tai họa của năm dục, tếip theo là khổ não của tại gia, tiếp theo là lợi lạc của xuất gia; tiếp theo nói về khổ đế, tiếp theo là Tập đế, tiếp theo là Diệt đế, tiếp theo là Đạo đế; tiếp theo là quả Tu-đà-hoàn, tiếp theo là quả Tư-đà-hàm, tiếp theo là quả A-na-hàm, tiếp theo là quả A-la-hán, tiếp theo là giải thoát bất hoại, tiếp theo nói về những điều vô ngại. Trong Bích-chi-Phật thừa cũng nói theo thứ tự, vật mà có ngã-ngã sở thì có nhiều tai họa, rời bỏ vật tai họa này thì có được nhiều lợi ích, tại gia làm cho tai họa, xuất gia làm cho lợi ích; tiếp theo là chốn ồn ào náo nhiệt nói cười hỗn loạn làm cho tai họa, đi lại một mình thì làm cho lợi ích tốt đẹp, làng xóm tụ cư làm cho tai họa, ở nơi vắng vẻ yên lặng làm cho lợi ích tốt đẹp; nhàm chán rời xa nhiều ham muốn-nhiều bận rộn, vui với đời sống ít ham muốn-ít bận rộn; giữ gìn các căn, ăn uống biết điều độ, đầu đêm-cuối đêm luôn luôn giác ngộ, quán xét các duyên chọn lấy hình tướng; vui với sự an trú trong nhà trống rỗng, coi trong thực hành trì giới-thiền định-trí tuệ, không hiện bày hình dáng kỳ dị; làm cho người khác hoan hỷ, chỉ tự lợi ích cho mình, vui với pháp sâu xa, không thuận theo trí của người khác.

Biết thứ tự trong Đại thừa, đầu tiên nói về Bố thí Ba-la-mật, tiếp

theo là trì giới Ba-la-mật, tiếp theo là nhẫn nhục Ba-la-mật, tiếp theo là Tinh tiến Ba-la-mật, tiếp theo là thiền định Ba-la-mật, tiếp theo là Trí tuệ Ba-la-mật. Đầu tiên nói về thắng xứ của Đế, tiếp theo nói về thắng xứ của Xả-thắng xứ của Diệt và thắng xứ của Tuệ. Lại nữa, đầu tiên là ca ngợi phát tâm Bồ đề, tiếp theo là mười loại Nguyện, tiếp theo là mười Cứu cánh; tiếp theo là ca ngợi pháp xa lìa sự thối thất của tâm Bồ đề, tiếp theo là pháp tu tập không thối thất tâm Bồ đề, tiếp theo là tâm kiên cố tinh tiến, tiếp theo là kiên cố có thể tiếp nhận, tiếp theo là thệ nguyện kiên cố. Lại nữa, đầu tiên là nói về pháp có năng lực đạt được các địa, tiếp theo nói về pháp có năng lực an trú các địa tiếp theo nói về pháp có năng lực đạt đến tận cùng các địa, tiếp theo nói về pháp xa lìa cấu trược của các địa, tiếp theo nói về pháp có năng lực làm thanh tịnh các địa, tiếp theo nói về pháp an trú lâu dài của các địa, tiếp theo nói về pháp có năng lực đến gần các địa, tiếp theo nói về pháp có năng lực làm cho không thối thất của các địa, tiếp theo nói về quả của các địa, tiếp theo nói về thế lực của quả trong các địa. Lại nữa, hoặc là đầu tiên nói về địa Hoan Hỷ, tiếp theo nói về địa Ly Cấu, tiếp theo nói về địa Minh, tiếp theo nói về Địa Diệm, tiếp theo nói về địa Nan Thắng, tiếp theo nói về địa Hiện Tiền, tiếp theo nói về địa Thâm viễn, tiếp theo nói về địa Bất Động, tiếp theo nói về địa Thiện Tuệ, tiếp theo nói về địa Pháp vân.

Như nói:

Đầu tiên Bố thí-tiếp trì giới,

Quả báo được sinh lên cõi trời,

Thế gian vô thường lỗi tại gia,

Xuất gia là lợi ích to lớn.

Tiếp theo bốn đế là vô thường,

Đoạn kiết-chứng bốn quả Sa-môn,

Phương tiện thuận theo thứ tự này,

Khiến cho người trú vào sơ quả.

Đầu tiên nói về họa sinh tử,

Tiếp theo nói lợi ích Niết bàn,

Khéo léo giữ gìn được các căn,

Trì giới thanh tịnh và thiền định;

Không tùy thuộc trí tuệ của người,

Thích ở một mình làm công đức,

Tự dựa mình-không dựa người khác,

Thích mong cầu niềm vui tự lợi;

Cũng không rời bỏ những người khác,

Thực hành sâu sắc pháp Đầu-đà,

Là người mong cầu pháp Trung thừa,

Tướng của giáo pháp ấy như vậy.

Nhờ vào bốn mươi pháp Bất cộng,

Nói về đức vô lượng của Phật,

Cũng nói về tất cả pháp hành,

Lúc thực hành công hạnh Bồ tát;

Vì làm lợi ích cho chúng sinh,

Theo thứ tự nói những pháp này,

Tự lợi mình và lợi cho người,

Nói tường tận các loại công đức;

Cũng nói đến các đệ tử Phật,

Ưa thích tu tập với mười địa,

Người mong cầu giáo pháp Đại thừa,

Theo thứ tự như vậy vượt qua.

Dẫn dắt là thuận theo những pháp môn mà chúng sinh ưa thích, biết pháp môn này rồi, dùng pháp môn này để dẫn dắt chúng sinh, tùy theo sự ưa thích của họ, dựa vào thế lực của họ mà khiến cho họ được độ thoát.

Như nói:

Hoặc là có những hạng chúng sinh,

Đáng dùng đến kinh sách sâu xa,

Những việc khó làm và tinh xảo,

Dùng ái ngữ cùng với chú thuật,

Khéo léo giải thích và giúp đỡ,

Bố thí-trì giới-định và tuệ,

Suy nghĩ tính toán như vậy rồi,

Dẫn dắt để tiến vào Đại thừa.

Hoặc có lúc hiện thân người nữ,

Dẫn dắt cho tất cả người nam,

Lại có lúc hiện thân người nam,

Dẫn dắt cho rất nhiều người nữ,

Thị hiện niềm vui của năm dục,

Sau đó nói rõ lỗi của dục,

Để làm cho tất cả mọi người,

Được xa lìa đối với năm dục.

Khéo léo thực hành năm điều này, thì gọi là Bồ tát khéo léo tiếp

nhận thực hành phương tiện. Có năng lực chịu đựng mọi khổ não, nghĩa là nếu có người ở trong sinh tử vượt quá kiếp số tính toán có năng lực chịu đựng mọi nỗi khổ não, thì mười thiện nghiệp đạo có thể làm cho người này trú trong đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hỏi: Tất cả mọi người đều ưa vui sướng-ghét khổ đau, tại sao người này có thể chịu đựng mọi nỗi khổ não?

Đáp: Nhờ vào năm nhân duyên. Đó là:

  1. Vui với Vô Ngã.
  2. Tin tưởng và vui với không.
  3. Suy nghĩ rõ ràng đối với pháp thế gian.
  4. Quán xét quả báo của nghiệp.
  5. Nghĩ đến vô lượng đời kiếp trước qua đã nhận chịu khổ não một cách oan uổng.

Như nói:

Vui với pháp Vô ngã và không,

Lại biết rõ quả báo của nghiệp,

Đối với tám pháp lợi-suy-hủy…

Xử thế chắc chắn phải nhận chịu,

Cũng nghĩ đến đời kiếp quá khứ,

Nhận chịu oan uổng mọi khổ đau,

Huống gì là đối với Phật đạo,

Mà không đáng nhận chịu hay sao?

Không rời bỏ đối với tất cả, nghĩa là hoặc có chúng sinh tệ hại xấu xa bậc nhất, không có công đức gì, không đáng làm cho lợi ích, nhưng Bồ tát đối với hạng này hoàn toàn không sinh tâm rời bỏ.

Hỏi: Nếu như là người ác không đáng được cứu độ, thì tại sao không rời bỏ?

Đáp: Bởi vì năm nhân duyên, đó là:

  1. Bởi vì coi rẻ pháp của hạng tiểu nhân.
  2. Vốn coi trọng pháp của bậc Đại nhân.
  3. Vốn sợ lừa dối Chư Phật.
  4. Vốn biết rõ ân đức.
  5. Vì sự việc của thế gian này cho nên tu pháp xuất thế gian.

Như nói:

Bởi vì muốn cứu độ chúng sinh,

Phát tâm đón nhận những gánh nặng,

Ở giữa mọi giặc thù xấu ác,

Tâm luôn luôn không nên rời bỏ.

Khinh tiểu nhân-coi trọng Đại nhân,

Chính là sự phân biệt Đại-Tiểu,

Không thích hợp ở giữa chúng sinh,

Tâm xót thương hãy còn ngừng bỏ.

Ở trong những hoạn nạn cấp bách,

Không việc gì mà luôn lợi ích,

Luôn luôn đón nhận mọi gánh nặng,

Nhưng không lười nhác bỏ giữa chừng.

Nếu phát tâm Bồ đề vô thượng,

Hoặc có lúc rời bỏ chúng sinh,

Hoặc tâm mình vất vả mệt mỏi,

Và bị người xấu ác làm hại;

Chính là tự mình đã lừa dối,

Chư Phật ba đời khắp mười phương.

Chư Phật tôn quý giữa thế gian,

Vì lợi ích cho mọi chúng sinh,

Thực hành đủ các loại khổ hạnh,

Tu tập mong đạt được Phật đạo,

Chư Phật trải qua hằng sa kiếp,

Bỏ niềm vui để làm phước nghiệp;

Nếu rời bỏ một người xấu ác,

Thì làm trái ân đức Chư Phật,

Vì vậy đối với chúng sinh ác,

Không nên nửa chừng rời bỏ họ,

Nếu người trải qua trong vô lượng,

Vô biên a-tăng-kỳ-kiếp số,

Tự tu tập hướng về Phật đạo,

Lấy tâm Đại Bi làm căn bản;

Nếu như khởi lên tâm tham dục,

Và tâm sân hận-tâm sợ hãi,

Rời bỏ một người đáng cứu độ,

Thì đoạn mất gốc rễ Phật đạo.

Vì vậy cho nên thiện nghiệp đạo có năng lực làm cho Bồ tát không rời bỏ chúng sinh cho đến lúc đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hết sức vui với trí tuệ của Phật, nghĩa là nếu như người rất ưa thích đối với trí tuệ của Phật, thì nhanh chóng đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ vào năm nhân duyên cho nên rất ưa thích đối với trí tuệ của Phật, đó là:

  1. Trí tuệ của Phật siêu việt không có gì sánh được.
  2. Trí tuệ của Phật có năng lực khiến cho người trở thành bậc tôn quý giữa thế gian.
  3. Phật dùng trí tuệ của Phật để tự mình cứu độ chính mình.
  4. Trí tuệ của Phật cũng cứu độ cho người khác.
  5. Trí tuệ của Phật là trú xứ của tất cả mọi công đức. Như nói:

Trí tuệ siêu việt của Chư Phật,

Trên cõi trời và giữa thế gian,

Tất cả không có gì sánh kịp,

Huống hồ có điều gì hơn được?

Chư Phật nhờ vào trí tuệ này,

Được chư Thiên A-tu-la,

Tất cả loài người giữa thế gian,

Đều cung kính lễ lạy tôn thờ.

Phật dùng trí tuệ tự độ mình,

Cũng cứu độ cho mọi người khác,

Nếu có được trí tuệ của Phật,

Thì có được kho tạng công đức.

Đối với uy lực của Chư Phật và trong pháp tự tại cảm được tự tại cảm được niềm vui không còn Biến hành. Biến hành có nghĩa là tập khí lâu xa, sức mạnh của tất cả các hạnh, gọi là sức mạnh của mười loại trí; tự tại có nghĩa là tùy ý làm những gì mình muốn làm. Nếu người rất vui với mười lực của Phật và trong pháp tự tại không còn Biến hành, thì người như vậy không bao lâu sẽ đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ vào năm nhân duyên mà vui với niềm vui không còn biến hành, đó là:

  1. Tôn trọng lời dạy bảo của Chư Phật.
  2. Bởi vì Chư Phật có Đại đệ tử.
  3. Bởi vì tự mình chứng được tất cả các pháp.
  4. Nhiếp thủ những chúng sinh đọa lạc.
  5. Chúng sinh đã bị đọa lạc thì có năng lực cứu giúp họ. Như nói:

Tôn trọng lời Phật không gì bằng,

Phật tử có Tứ quả-Bát bối,

Và đầy đủ Tam minh-Lục thông,

Có thể làm thầy của chư thiên.

Dùng ánh mắt trí tuệ của Phật,

Thấy các pháp hiện rõ trước mắt,

Hạng ác nghịch đoạn mất thiện căn,

Cho đến những chúng sinh phá giới…

Những hạng người đọa lạc như vậy,

Nhiếp thủ mà cứu độ cho họ.

Nếu như người đối với Phật lực,

Trong pháp tự tại với Biến hành,

Thì Niết bàn và phước cõi trời,

Luôn luôn ở trong tay người này.

Ở trong này, Chư Phật dùng uy lực của Phật có năng lực thực hiện năm sự việc:

  1. Khiến cho chúng sinh học theo Thanh văn thừa.
  2. Khiến cho chúng sinh học theo Bích-chi-Phật thừa.
  3. Khiến cho chúng sinh học theo pháp Đại thừa.
  4. Người có năng lực đầy đủ thì khiến cho được giải thoát.
  5. Người năng lực kém cỏi thì khiến cho trú vào niềm vui thế gian.

Như nói:

Chư Phật dùng uy lực của Phật,

Khiến chúng sinh chán ngán lìa xa,

Hoặc khiến học theo pháp Tiểu thừa,

Học theo Trung thừa và Đại thừa;

Nếu người có năng lực đầy đủ,

Thì khiến cho họ được giải thoát,

Người không có đầy đủ năng lực,

Thì sinh cõi trời vui thế gian.

Tự tại có nghĩa là Chư Phật tự tại đối với năm sự việc, đó là:

  1. Các loại thần thông tự tại.
  2. Tự trong tâm mình được tự tại.
  3. Trong sự diệt tận được tự tại.
  4. Trong Thánh như ý được tự tại.
  5. Trong thọ mạng được tự tại.

Như nói:

Thần thông phi hành được tự tại,

Tự trong tâm mình được tự tại,

Ở trong cảnh thiền định vắng lặng,

Như ra vào ngôi nhà của mình.

Tất cả thanh tịnh hoặc bất tịnh,

Tùy tâm mà có thể chuyển hóa,

Mạng không bị người khác làm hại,

Duyên vào chính mình cũng vô tận.

Những sự việc tự tại như vậy,

Tất cả các pháp cũng như vậy,

Cho nên gọi là bậc Tự tại,

Sư tử chúa ở giữa trời-người.

Có năng lực phá tan những ý niệm xấu ác, đó gọi là những hạng chúng sinh xa rời chánh đạo, tức là phàm phu và chín mươi sáu loại ngoại đạo… Nói sơ lược về những ý niệm xấu ác, thì phàm phu-ngoại đạo nói năm Ấm là Ngã, hoặc nói trong Ngã có năm Ấm có Ngã. Như nói:

Nếu như năm ấm chính là ngã,

Tức là rơi vào kiến đoạn diệt,

Thì mất đi nhân duyên của nghiệp,

Không có công lao mà giải thoát.

Còn lại vó bốn loại kiến chấp,

Ấm sai khác-không hề có tướng,

Không có tướng-không hề có pháp,

Đều thuận theo phá bỏ như vậy.

Lại nữa, năm tà kiến gọi là những ý niệm xấu ác, đó là tà Kiếnthân kiến-Biên kiến-Kiến thủ và Giới thủ. Như nói:

Phá tà kiến bác không nhân quả,

Hai mươi loại tà chấp thân kiến,

Chấp vào có và chấp không có,

Điều thấp kém cho là cao nhất,

Chỉ dùng năng lực của giữ giới,

Mà có thể đạt đết giải thoát;

Như trước phá bỏ một và khác,

Kiến chấp này phá bỏ như vậy,

Chánh ý dựa theo tám Thánh đạo,

Nói rõ nghĩa là được giải thoát.

Giữ gìn chánh pháp của Chư Phật, nghĩa là nếu người có năng lực giữ gìn những giáo pháp của Chư Phật, đó gọi là mười hai bộ kinh, dùng tâm tư của mình luôn luôn tin tưởng và luôn luôn tiếp nhận, thì mười thiện nghiệp đạo có năng lực làm cho người này đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ vào năm nhân duyên cho nên thuận theo tiếp nhận giữ gìn chánh pháp:

  1. Biết đền đáp ân đức của Chư Phật.
  2. Làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài.
  3. Dùng pháp cúng dường tối thượng để cúng dường Chư Phật.
  4. Làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
  5. Chánh pháp là điều khó gặp bậc Nhất. Như nói:

Nếu người nào mong muốn thực hành,

Những điều tiếp nhận từ Chư Phật,

Cũng làm cho giáo pháp trường tồn,

Là cách cúng dường Phật cao nhất.

Vì muốn chữa lành những bệnh nặng,

Mang lại lợi ích cho chúng sinh,

Cũng biết rõ các Đức Thế Tôn,

Đạt được pháp này trong gian khổ.

Bởi vì những nhân duyên như vậy,

Biết rõ chánh pháp là khó gặp,

Vì vậy cho nên người có trí,

Phải yêu quý giữ gìn chánh pháp.

Ở trong này, bởi vì năm nhân duyên mà gọi là yêu quý giữ gìn chánh pháp:

  1. Thực hành như giáo pháp đã dạy.
  2. Khiến cho người khác thực hành đúng như pháp.
  3. Phá trừ những hạng bài báng Phật pháp.
  4. Xa rời bốn dấu ấn bất tịnh.
  5. Thực hành bốn pháp ấn vĩ đại. Như nói:

Tự mình an trú trong pháp Phật,

Như giáo pháp Chư Phật đã dạy,

Tâm Bi chẳng keo kiệt giáo pháp,

Cũng khiến cho người được an trú.

Còn phá trừ các loại ma quân,

Cùng với luận sư của ngoại đạo,

Nếu như người căm ghét Phật pháp,

Dùng tâm không sân để phá trừ.

Xa rời bốn dấu ấn bất tịnh,

Tiếp nhận thực hành bốn Đại ấn,

Như vậy thì gọi là yêu quý,

Giữ gìn chánh pháp của Chư Phật.

Dũng mãnh, có nghĩa là Bồ tát nhờ vào năm nhân duyên mà gọi là dũng mãnh:

  1. Phá trừ ma quân.
  2. Phá trừ giặc ngoại đạo. 3. Phá trừ giặc phiền não.
  3. Phá trừ giặc của các căn.
  4. Phá trừ giặc của năm ấm.

Như nói:

Ác ma phát khởi nhiều quân lính,

Phá hoại cây đạo muốn hại Phật,

Thường tìm cơ hội phỉ báng Phật,

Làm não loạn tâm ý người nghe.

Mặt trời Phật soi sáng thế gian,

Ma cầu thỉnh Phật nhập Niết bàn,

Thường quấy nhiễu người chịu tu học,

Phá hoại đối với đạo giải thoát.

Thậm chí cho đến tận hôm nay,

Tâm phá hoại hãy còn không dứt,

Căm ghét người hướng về Niết bàn,

Là kẻ giặc lớn của người thiện.

Cần phải dựa vào Giới-Định-Tuệ,

Đập tan sức mạnh của ma oán!

Tự cho mình là có trí tuệ,

Thường khinh mạn đối với Chư Phật,

Dùng tất cả các loại nhân duyên,

Hủy diệt Phật pháp mà xuất hiện,

Thường căm ghét đệ tử của Phật,

Tự mình sai bày người sai theo,

Những hạng tà ma ngoại đạo này,

Là kẻ giặc lớn của thế gian.

Nên dùng tâm niệm không sân hận,

Thuận theo dùng trí tuệ đa văn,

Và dùng sức mạnh tâm vĩ đại,

Đập tan đám giặc thù ngoại đạo.

Sức mạnh phiền não dấy khởi nghiệp,

Xoay vòng qua lại trong đường ác,

Sức mạnh phiền não làm chướng ngại,

Không thể nào thực hành Đại đạo,

Bởi vì sức mạnh của phiền não,

Mà rơi vào các loại tà kiến,

Bởi vì sức mạnh của phiền não,

Mà không thực hành đạo cam lộ.

Bởi vì những nhân duyên như vậy,

Phiền não là đám giặc lớn nhất,

Dùng chánh niệm-chánh định-chánh tuệ,

Phá tan đám giặc phiền não này.

Nếu bị giặc các căn lội kéo,

Khiến cho người rơi vào đường ác,

Lại rơi vào trong chốn trời-người,

Không thể nào đến được Niết bàn.

Nay đối với giặc các căn này,

Sao không nhờ vào tâm tàm quý,

Chánh niệm và thiền định-trí tuệ,

Để phá tan đám giặc các căn?

Ví như con người ở thế gian,

Dùng lời nói dịu dàng lừa dối,

Tiền của đồ vật và gươm giáo,

Dùng bốn loại này trừ giặc cướp.

Bởi vì năm ấm giả tạo này,

Mà nhận chịu sinh-già-bệnh-chết,

Cũng rơi vào nỗi sợ vô cùng,

Nhận lấy những khổ não thúc bách.

Bởi vì nhân duyên của năm ấm,

Mà ưu sầu đau xót khóc than,

Bởi vì nhân duyên của năm ấm,

Mà nhận chịu đủ loại khổ đau.

Vì vậy ông hãy tự mình biết,

Thuận theo dùng các pháp thấy-biết,

Phá tan nhân duyên năm ấm này,

Giống như phá tan đám giặc thù.

Có thể tiếp nhận nghĩa là tâm chí mạnh mẽ có tướng của bậc Đại nhân, nhìn nhận sự việc một cách sâu xa. Nhờ vào năm nhân duyên, cho nên gọi là có thể tiếp nhận:

1. Việc thành tựu như mong cầu mà tâm tư không cao ngạo.

2. Mong cầu mà không thành tựu thì tâm chí cũng không giảm xuống.

3. Khổ não giày vò bản thân mà tâm chí không dao động.

4. Thân có thêm điều vui sướng mà tâm cũng không thay đổi.

5. Tâm tư sâu thẳm, hoặc sân hận-hoặc hoan hỷ cũng khó có thể biết được.

Như nói:

Thân-tâm dù gặp điều cay đắng,

Mà ý chí cũng không lay động,

Tùy ý vui với sự việc đến,

Tâm bậc Đại trí không thay đổi,

Hoặc sân hận-hoan hỷ-sợ hãi,

Người khác không thể nào đoán được,

Tâm và tướng sâu xa như vậy,

Nói là người có thể tiếp nhận.

Chịu khó tinh tiến, nghĩa là chịu khó thực hành tinh tiến đối với năm sự việc:

1. Pháp ác chưa sinh làm cho không sinh, vì vậy chịu khó thực hành tinh tiến.

2. Pháp ác đã sinh làm cho đoạn diệt không còn, vì vậy chịu khó thực hành tinh tiến.

3. Pháp thiện chưa sinh làm cho phát sinh, vì vậy chịu khó thực hành tinh tiến.

4. Pháp thiện đã sinh làm cho tăng trưởng tốt hơn, vì vậy chịu khó thực hành tinh tiến.

5. Ở trong sự việc thế gian có những việc làm không có gì làm chướng ngại được, vì vậy chịu khó thực hành tinh tiến.

Như nói:

Đoạn trừ pháp ác đã sinh ra,

Giống như loại trừ con rắn độc,

Đoạn trừ pháp ác chưa sinh ra,

Như chặn trước dòng chảy hung hãn,

Pháp thiện đã sinh làm tăng trưởng,

Như van tưới cây thêm quả ngọt,

Pháp thiện chưa sinh làm cho sinh,

Như kéo cây phát ra ngọn lửa.

Trong mọi điều thiện ở thế gian,

Tinh tiến không có gì chướng ngại,

Chư Phật khen ngợi người như vậy,

Gọi là chịu khó hành tinh tiến.

Tâm kiên cố giáo hóa chúng sinh, nghĩa là nếu Bồ tát ở trong năm Thừa luôn luôn giáo hóa chúng sinh, tâm chí không chuyển đổi trong những sự việc như cúng dường-khinh mạn-yêu ghét-sợ hãi-khổ vui-vất vả mệt mỏi…, thì gọi là tâm kiên cố giáo hóa chúng sinh. Năm thừa là:

  1. Phật thừa.
  2. Bích-chi-Phật thừa.
  3. Thanh văn thừa.
  4. Thiên thừa.
  5. Nhân thừa.

Như nói:

Như vậy thuận theo dùng nhất tâm,

Tất cả mọi thế mạnh vốn có,

Dựa vào đủ các loại phương tiện,

Xa rời đối với tâm yêu-ghét,

Giáo hóa cho tất cả chúng sinh,

Lìa tâm cấu trược được thanh tịnh,

Khiến cho đạt được Vô thượng Thừa,

Vô lượng đời kiếp khó có được.

Nếu tiến vào không có thế lực,

Không có thể trú trong Đại thừa,

Thì dẫn dắt vào Bích-chi-Phật,

Thanh văn thừa-Thiên thừa-Nhân thừa.

Không tham niềm vui riêng mình, nghĩa là không tham đắm tất cả mọi niềm vui. Bồ tát nhờ vào năm nhân duyên mà không tham niềm vui riêng mình:

  1. Vui là vô thường, giống như bọt nước mong mang.
  2. Niềm vui của thế gian trở thành đau khổ.
  3. Vốn từ các duyên mà sinh ra.
  4. Vốn từ khát ái mà dấy lên.
  5. Niềm vui ít ỏi như giọt mật nhỏ nhoi. Như nói:

Niềm vui mỏng manh như bọt nước,

Trở thành đau khổ như chất độc,

Căn-cảnh-thức hòa hợp với xúc,

Có tham dục-ngu si mà sinh.

Nếu xa rời đối với tham ái,

Lại không có niềm vui nào khác,

Thì như giống khô và giọt mật,

Niềm vui ít mà đau khổ nhiều.

Người làm lợi ích cho chúng sinh,

Không nên có tâm niệm tham đắm.

Trải qua vô lượng thân mạng, nghĩa là Bồ tát vì năm nhân duyên cho nên không tham tiếc thân mạng:

  1. Thân không từ đời trước mà đến.
  2. Không đi đến đời sau.
  3. Không chắc chắn.
  4. Thân này vô ngã.
  5. Không có ngã sở.

Như nói:

Thân ông tích tụ mọi dơ bẩn,

Đầy dẫn mọi nơi đều bất tịnh,

Không từ đời trước mà xuất hiện,

Không duy trì đến được đời sau;

Tuy cung dưỡng mọi điều tốt đẹp,

Nhưng phá bỏ tất cả ân lớn,

Thân này chẳng có gì kiên cố,

Như bọt nước vỡ trong chốc lát.

Duyên sinh chẳng có tánh nhất định,

Không có tánh thì không tự tại.

Vì vậy cho nên hãy biết rằng:

Chẳng có ngã-chẳng có ngã sở,

Thân này biết bao điều tai họa,

Không nên có tâm niệm tham tiếc.

Bồ tát vì năm nhân duyên cho nên không tham tiếc thọ mạng:

  1. Vui với tuệ mạng.
  2. Sợ hãi đối với tội lỗi.
  3. Nghĩ đến vô lượng lần chết trong vô thỉ sinh tử đến nay.
  4. Cùng nhận chịu mọi điều với tất cả chúng sinh.
  5. Vốn không thể tránh được.

Như nói:

Thuận theo đa văn và chánh luận,

Sinh tâm tham đối với tuệ mạng.

Luôn luôn sợ hãi vì mất mạng,

Mà dấy khởi biết bao tội ác,

Lại thấy tất cả người thế gian,

Không có ai thoát được tử sinh,

Không thể dùng tiền của-mưu-trí,

Sức phương tiện mà tránh thoát được.

Người tu tập thực hành pháp thiện,

Sao có thể tiếc mạng sống này?

Cao nhất trong tất cả mọi việc, nghĩa là như người có làm điều gì thì nhất định có thể làm đến cuối cùng, đó gọi là người bậc Thượng. Bồ tát dùng năm sự việc mà phát khởi thì nhất định đạt đến kết quả cuối cùng, đó là:

  1. Tài sản vật dụng.
  2. Bố thí.
  3. Trì giới.
  4. Tu định.
  5. Đạo đức.

Như nói:

Chịu khó tích tụ nhiều tiền của,

Tha thiết thực hành hạnh Bố thí,

Theo thứ tự trì giới thanh tịnh,

Tinh tiến mong cầu tu thiền định,

Thực hành đủ các loại phương tiện,

Phát sinh tám đạo được giải thoát,

Đó gọi là người thuộc bậc thượng,

Cao nhất trong tất cả mọi việc.

Thực hành không có gì sai lầm, nghĩa là Bồ tát này làm mọi việc mà người trí không quở trách. Nhờ vào năm nhân duyên mà thực hành không có gì sai lầm, không bị người trí quở trách, đó là:

  1. Làm điều đáng làm.
  2. Đạt được lợi ích của quả to lớn.
  3. Không hủy hoại pháp.
  4. Tiếp về sau không có sai lầm.
  5. Danh tiếng lưu truyền mọi nơi. Như nói:

Trước hết phải suy tính mọi điều,

Tự mình làm công việc dễ làm

Thuận theo việc này mà đạt được,

Vô lượng lợi ích của Đại quả.

Không trở ngại đối với thiện pháp,

Làm rồi không có gì sai sót,

Được người hiền thiện cùng ca ngợi,

Tiếng tốt truyền đến khắp mọi nơi.

Việc làm do người trí phát khởi,

Gọi là không có gì lầm lỗi,

Việc đáng làm và việc dễ làm,

Tự nhiên tùy thuộc vào chính mình.

Vô lượng công đức thật lớn lao,

Nhanh chóng đạt được quả lợi ích,

Người trí biết rõ ràng như vậy,

Về sau không có gì lầm lỗi,

Thuận lòng thêm chịu khó tinh tiến,

Mà thực hành việc làm như vậy.

Tất cả các chủng loại thanh tịnh và tất cả các thắng xứ phát sinh, nghĩa là nhờ vào năm nhân duyên mà các thắng xứ và tất cả các chủng loại đều được thanh tịnh. Đó là:

  1. Thân tâm thanh tịnh.
  2. Hồi hướng thanh tịnh.
  3. Tự thực hành thắng xứ đúng như giáo thuyết.
  4. Khiến cho người khác thực hành.
  5. Xa rời các pháp trái ngược với các thắng xứ, đó gọi là nói dốitham lam keo kiệt-bỡi cợt xúi giục-ngu si.

Như nói:

Tâm Bồ tát thanh tịnh sâu xa,

Rời xa mọi nịnh hót quanh co,

Cũng đem tất cả bốn thắng xứ,

Hồi hướng cho Phật đạo Bồ đề.

Trước hết tự mình tu pháp thiện,

Sau khiến cho người khác thực hành,

Bồ tát luôn thực hành như vậy,

Bốn thắng xứ đầy đủ thanh tịnh.

Mười thiện đạo có năng lực làm cho đến được mười lực của Thế Tôn, nghĩa là tu tập mười thiện nghiệp đạo như vậy, có năng lực khiến cho người thực hành đạt đến mười lực. Mười lực ấy có nghĩa là chánh biến tri. Chánh biến tri thì chính là Phật. Nhờ vào năm nhân duyên cho nên gọi là Thế Tôn:

  1. Đoạn trừ nghi ngờ của đời quá khứ.
  2. Đoạn trừ nghi ngờ của đời vị lai.
  3. Đoạn trừ nghi ngờ của đời hiện tại.
  4. Đoạn trừ nghi ngờ của pháp vượt qua ba đời.
  5. Đoạn trừ nghi ngờ về pháp không thể diễn tả được. Như nói:

Vô thỉ đời kiếp trong quá khứ,

Thông suốt không có gì nghi ngờ,

Vô biên đời kiếp thuộc vị lai,

Biết thông suốt không nghi ngờ gì;

Mười phương bao la không giới hạn,

Tất cả đời kiếp thuộc hiện tại,

Pháp vi diệu-vô vi tối thượng,

Vượt ra ngoài giới hạn ba đời;

Mười bốn pháp không thể diễn tả,

Cũng thông suốt không có nghi ngờ.

Vốn có công đức tạng như vậy,

Chư Phật xưng gọi là Thế Tôn.

Công đức thành tựu như vậy là mười thiện nghiệp đạo có năng lực làm cho Bồ tát đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy cho nên người cầu Phật đạo, cần phải tu tập mười thiện nghiệp đạo như vậy.