LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Phẩm 19: BỐN PHÁP

Như đã nói về các nghiệp cảm được ba mươi hai tướng, Bồ-tát nên một lòng tu tập. Tu tập nghiệp của ba mươi hai tướng như vậy, phải lấy trí tuệ làm gốc. Vì vậy:

Bốn pháp làm giảm sút trí tuệ,

Bồ tát phải luôn luôn rời xa,

Bốn pháp để đạt được trí tuệ,

Nên thường xuyên tu tập thực hành.

Có bốn pháp luôn luôn làm giảm sút trí tuệ, Bồ-tát nên lánh xa.

Lại có bốn pháp đạt được trí tuệ, phải luôn luôn tu tập.

Bốn pháp làm mất trí tuệ là:

1. Không cung kính đối với pháp và người thuyết pháp.

2. Giấu kín, keo kiệt đối với những pháp trọng yếu.

3. Gây trở ngại cho người thích giáo pháp, phá hoại tâm lắng nghe của họ.

4. Ôm lòng kiêu ngạo tự cao, khinh người.Bốn pháp có được trí tuệ là:

1- Cung kính đối với pháp và người thuyết pháp.

2- Như pháp đã nghe và đã đọc tụng mà giảng giải cho mọi người, tâm mình thanh tịnh không mong cầu lợi dưỡng.

3- Biết rõ là từ đa văn mà có được trí tuệ, cho nên chịu khó cầu học không ngừng, như cứu lửa cháy trên đầu.

4- Như pháp đã nghe mà thọ trì không quên, coi trọng thực hành đúng như pháp chứ không coi trọng lời nói.

Đây là bốn pháp, nếu người nào không làm hỏng các thiện căn, thì người này có năng lực rời bỏ bốn pháp làm mất trí tuệ, có năng lực

thực hành bốn pháp đạt được trí tuệ. Vì vậy cho nên Bồ tát luôn mong cầu trí tuệ được tăng thêm. Như kệ nói:

Bốn pháp ăn mòn dần thiện căn,

Bồ tát phải luôn luôn rời xa,

Bốn pháp nuôi lớn thêm thiện căn,

Bồ tát luôn tu tập thực hành.

Thế nào là bốn pháp ăn mòn dần căn thiện?

  1. Ôm lòng kiêu mạn, tham cầu chuyện thế gian,
  2. Đắm theo lợi dưỡng, lui tới các nhà thí chủ.
  3. Khởi tâm oán ghét, ganh tỵ mà bài báng các vị Bồ tát.
  4. Không nghe kinh, hoặc nghe mà không tin nhận.

Thế nào là bốn pháp nuôi lớn thêm thiện căn?

1. Những kinh nào chưa nghe thì mong nghe không chán, đó gọi là sáu pháp Ba-la-mật và Bồ tát tạng.

2. Trừ bỏ tâm lý kiêu mạn đối với chúng sinh, khiêm tốn đến mức thấp nhất.

3. Đúng như pháp có được tiền bạc, chỉ mong vừa đủ mà thôi, rời xa những việc làm tà vạy, thích thực hành công hạnh của bốn bậc Thánh.

4. Đối với lỗi lầm của người khác, hoặc là thật hay không thật cũng không có ý niệm châm chọc chê bai, không tìm khuyến điểm của người khác. Nếu ở trong pháp có điều gì không hiểu, thì tâm không trái ngược mà lấy Phật để chứng minh, Phật là bậc Nhất thiết trí, giáo pháp Ngài thuyết ra vô lượng, tùy theo sự thích hợp mà thuyết giảng, không phải là mình mà biết được. Bốn pháp tăng thêm thiện căn như vậy, không phải là người dua nịnh quanh co mà có thể thành tựu. Vì vậy:

Bồ tát phải luôn luôn rời xa,

Bốn pháp dua nịnh quanh co này,

Nên thường xuyên tu tập thực hành,

Bốn pháp theo tâm tư ngay thẳng.

Bồ-tát tại gia hay xuất gia cần phải lìa xa bốn pháp quanh co dua nịnh như cây cong trong rừng rậm khó có thể kéo nó ra được, như thế gian này có đệ tử Phật, dù đã bước vào pháp Phật nhưng không có năng lực thoát ra rừng sâu mù mịt của sinh tử.

Những gì là bốn pháp dua nịnh quanh co? đó là:

1. Đối với Phật pháp ôm lòng nghi ngờ không tin, không có tâm quyết định.

2. Kiêu mạn, sân hận đối với chúng sinh.

3. Tâm sinh tham lam ganh tỵ đối với lợi ích của người khác.

4. Hủy báng Bồ tát, tiếng xấu lan truyền khắp nơi.

Những gì là bốn tướng của tâm ngay thẳng? Đó là:

1. Có lỗi lầm thì lập tức phát lộ không hề che giấu, hối hận trừ bỏ lỗi lầm, thực hành đúng pháp không ân hận.

2. Nếu vì nói thật mà mất đi địa vị vua chúa và các loại tiền bạc châu báu, hãy còn không nói dối, miệng chưa hề nói lời khinh khi người khác.

3. Nếu bị người mắng nhiếc hung ác thô bạo, khinh miệt chê bai phỉ báng giam cầm đòn roi đánh đập và vu cho nhiều tội lỗi, thì chỉ trách mình trước hết chứ không phải lỗi lầm của người khác, tin quả báo của nghiệp mà tâm không oán hận gì.

4. An trú trong công đức của niềm tin, pháp vi diệu của Chư Phật rất khó tin nhận, nhưng tâm thanh tịnh cho nên đều có thể tin nhận.

Bồ tát ba loại vì làm theo bốn pháp dua nịnh quanh co. Bồ tát điều hòa có bốn hạnh ngay thẳng. Vì vậy Bồ tát không nên làm theo tướng dua nịnh quanh co, mà cần phải thực hành theo tâm ngay thẳng. Như nói:

Cần phải rời xa bốn loại pháp,

Làm cho Bồ tát phải bại hoại,

Nên tu tập thực hành bốn pháp,

Làm cho Bồ tát được điều hòa.

Thế nào gọi là bốn pháp làm cho Bồ tát bại hoại? Đó là:

1. Nghe nhiều mà bỡn cợt, không thực hành theo chánh pháp,

2. Đối với sự giáo hóa mà sinh ra hý luận, không cung kính thuận theo lời dạy của Hòa thượng A-xà-lê.

3. Không có năng lực tiêu hóa sự tín thí của người, hủy hoại sự giữ gìn thanh tịnh mà nhận cúng dường.

4. Không cung kính nhu hòa tốt lành đối với Bồ tát, tâm chứa đầy kiêu mạn.

Thế nào gọi là bốn pháp làm cho Bồ tát điều hòa? Đó là:

1. Thường thích nghe pháp chưa được nghe, nghe rồi luôn luôn thực hành đúng như pháp đã nói, dựa vào pháp-dựa vào nghĩa-dựa vào đúng như thuyết mà thực hành.

2. Tùy thuận với nghĩa lý, không mê hoặc bởi ngôn từ, điều hòa dễ cảm hóa, ở trong sự hầu hạ thầy có dụng ý thực hành cúng dường.

3. Không làm mất giới-định, sống cuộc đời thanh tịnh.

4. Đối với các vị Bồ tát điều hòa sinh tâm cung kính, tùy thuận với tình cảm sâu nặng, phá bỏ tâm kiêu mạn, cầu được công đức như họ.

Lại nữa, Bồ tát có bốn loại sai lầm, thường ở trong này tìm tòi khuyết điểm của Bồ tát, đó gọi là Bồ tát bại hoại. Nếu luôn luôn gần gũi với bốn loại thiện đạo, thì gọi là Bồ tát điều hòa. Như kệ nói:

Bồ tát luôn luôn nên rời xa,

Bốn loại sai lầm của Bồ tát,

Bồ tát nên thực hành tu tập,

Bốn loại thiện đạo của Bồ tát.

Thế nào là bốn loại sai lầm của Bồ tát? Đó là:

1. Đối với chúng sinh không có năng lực tiếp nhận mà nói về pháp rất sâu xa, đó gọi là sai lầm.

2. Người thích pháp Đại thừa sâu xa, lại nói pháp Tiểu thừa cho họ, đó gọi là sai lầm.

3. Đối với người hành đạo chân chánh, có thiện tâm trì giới, mà khinh mạn bất kính với họ, đó gọi là sai lầm.

4. Đối với người chưa thành tựu, chưa có thể tin mà lại đặt niềm tin vào họ, gần gũi với người phá giới tệ hại để làm nơi thân thiện, đó gọi là sai lầm.

Thế nào là bốn loại thiện đạo của Bồ tát? Đó là:

  1. Thực hành tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
  2. Dùng thiện pháp giáo hóa tất cả chúng sinh.
  3. Bình đẳng thuyết pháp cho tất cả chúng sinh.
  4. Nếu chánh hạnh thực hành đối với tất cả chúng sinh.

Nếu thường thực hành bốn loại sai lầm của Bồ tát, không thích tư duy về các pháp, không chịu khó tu tập thực hành pháp thiện, thì đó là Bồ tát chỉ có hình tướng mà thôi. Vì vậy?

Trong các pháp của hành Bồ tát,

Có bốn loại Bồ tát hình tướng,

Đức Phật nói rõ pháp như vậy,

Tất cả luôn luôn nên rời xa.

Những gì là bốn? Đó là:

  1. Tham lam chú trọng lợi dưỡng, không coi trọng giáo pháp.
  2. Chỉ vì danh tiếng chứ không cầu công đức.
  3. Mong cầu vui thú riêng mình, không nghĩ đến chúng sinh.
  4. Ham vui với quyến thuộc, không thích rời xa.Đây là bốn loại Bồ tát hình tướng.

Hỏi: Pháp của Bồ tát hình tướng làm thế nào có thể rời bỏ?

Đáp: Nếu Bồ tát thuận theo tu tập thực hành công đức đầu tiên của

hạnh Bồ tát, vậy là có thể rời xa pháp của Bồ tát hình tướng. Vì vậy Bồ tát, nếu muốn rời xa pháp của Bồ tát hình tướng, thì như kệ:

Đầu tiên thực hành bốn công đức

Chịu khó tinh tiến khiến được sinh,

Sinh rồi làm cho được tăng trưởng,

Tăng trưởng rồi cần phải giữ gìn.

Những gì là bốn công đức? Đó là:

  1. Tin hiểu về pháp không cũng tin quả báo của nghiệp.
  2. Vui với pháp vô ngã, mà sinh tâm Đại Bi đối với tất cả chúng sinh.
  3. Tâm an trú Niết bàn mà công hạnh ở trong sinh tử.
  4. Bố thí vì muốn thành tựu chúng sinh, chứ không cầu quả báo.

Nếu người nào muốn phát sinh bốn công đức thực hành đầu tiên của Bồ tát, làm cho được tăng trưởng và giữ gìn tốt đẹp, thì nên gần gũi các bậc thiện tri thức. Như kệ nói:

Bồ tát luôn luôn nên gần gũi,

Bốn bậc thiện tri thức lợi ích,

Cũng luôn luôn cần phải rời xa,

Bốn loại ác tri thức làm hại.

Bồ tát yêu thích quý trọng đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì cần phải gần gũi cung kính cúng dường bốn bậc thiện tri thức, nên hết sức rời xa bốn loại ác tri thức. Như thế nào là bốn bậc thiện tri thức? Đó là:

1. Đối với người đến cầu xin, sinh ý tưởng coi như bạn hiền, bởi vì có thể giúp cho mình thành tựu đạo quả vô thượng.

2. Đối với người thuyết pháp, sinh ý tưởng coi như thiện tri thức, bởi vì luôn luôn giúp cho mình thành tựu trí tuệ đa văn.

3. Ca ngợi người xuất gia, sinh ý tưởng coi như thiện tri thức, bởi vì luôn luôn giúp cho mình thành tựu tất cả thiện căn.

4. Đối với Chư Phật Thế tôn, sinh ý tưởng như bậc thiện tri thức, bởi vì có năng lực giúp cho mình thành tựu tất cả Phật pháp.

Như thế nào là bốn loại ác tri thức? Đó là:

1. Tâm mong cầu Bích-chi-Phật thừa, vui với ham muốn ít-sự nghiệp ít.

2. Tỳ-kheo cầu mong Thanh văn thừa, vui với hạnh tọa thiền.

3. Người thích học theo kinh điển Lộ-già-da của ngoại đạo, trau chuốt văn chương kệ tụng khéo léo, chú trọng về khả năng hỏi đáp tranh luận.

4. Người dựa vào sự gần gũi, có được lợi ích thế gian chứ không có được lợi ích của giáo pháp.

Vì vậy Bồ tát nên gần gũi bốn bậc thiện tri thức, rời xa bốn loại ác tri thức. Nếu Bồ tát luôn luôn rời xa bốn loại ác tri thức, gần gũi bốn bậc thiện tri thức thì có được bốn kho tạng rộng lớn, vượt qua tất cả mọi ma sự, có năng lực pháp sinh vô lượng phước đức, cuối cùng có năng lực thâu nhiếp giữ lấy tất cả các pháp thiện.

Hỏi: Như thế nào là tạng pháp rộng lớn của Bồ tát? Như thế nào là có năng lực vượt qua tất cả các ma sự? Như thế nào là có năng lực phát sinh vô lượng phước đức? Như thế nào là có năng lực thâu nhiếp giữ lấy mọi pháp thiện?

Đáp:

Các Bồ tát có bốn kho tạng,

Gồm đủ pháp vi diệu rộng lớn,

Bốn pháp thâu nhiếp các pháp thiện,

Lấy tâm Bồ đề làm đầu tiên.

Những gì là bốn? Đó là:

  1. Được gặp Phật.
  2. Được nghe sáu pháp Ba-la-mật.
  3. Đối với người thuyết pháp, tâm không oán giận-không làm gì trở ngại.
  4. Dùng tâm không buông lung thích ở nơi vắng lặng.

Đó là bốn kho tạng to lớn.

Có năng lực vượt qua tất cả các ma, có bốn pháp. Bốn pháp như thế nào? Đó là:

  1. Không buông bỏ tâm Bồ đề.
  2. Tâm không sân hận, không gây trở ngại đối với hết thảy chúng sinh.
  3. Nhận biết tất cả các kiến chấp.
  4. Tâm không kiêu ngạo đối với các Bồ tát.

Pháp đạt được vô lượng phước đức, lại có bốn pháp. Những gì là bốn pháp? Đó là:

  1. Không hề mong cầu gì đối với pháp thí.
  2. Sinh lòng Đại Bi đối với người phá giới làm điều xấu xa.
  3. Phát tâm Bồ đề vô thượng trong lúc giáo hóa chúng sinh.
  4. Thực hành nhẫn nhục đối với chúng sinh thấp kém.

Thâu nhiếp tất cả các pháp thiện, có bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là:

  1. Thường thực hành ở nơi vắng lặng, không hiện bày những điều lạ lùng kỳ dị.
  2. Thực hành bốn nhiếp pháp không mong trả ơn.
  3. Hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng.
  4. Khi gieo trồng mọi căn thiện thì lấy tâm Bồ đề làm đầu tiên.

Mỗi một loại bốn pháp này đều cần phải giải thích rộng ra, đối với văn vừa nhiều vừa rối cho nên không nói rộng ra. Nay như Phật đã nói, dùng kệ giải thích sơ lược. Nếu Bồ tát muốn đạt được kho tạng của các Bồ tát, muốn vượt qua tất cả các ma sự, muốn thâu nhiếp tất cả các pháp thiện, thì đều nên xa lìa:

Hai hệ thuộc không-hai trói buộc,

Hai chướng ngại-hai pháp cấu trược,

Hai vết lở và hai hố sâu,

Hai pháp bùng cháy-hai căn bệnh.

Nếu Bồ tát muốn có được những kho tạng công đức của các Bồ tát thì cần phải rời xa các loại hai pháp này. Như thế nào là hai pháp hệ thuộc vào không? đó là:

  1. Tham đắm thuận theo các kinh Lô-giá-da.
  2. Dùng y bát làm vật trang điểm đẹp đẽ.Hai pháp trói buộc là:
  3. Trói buộc vì chấp vào các kiến.
  4. Trói buộc vì tham cầu danh lợi.Hai pháp chướng ngại là:
  5. Gần gũi với hàng bạch y.
  6. Lánh xa người lương thiện.Hai pháp cấu trược là:
  7. Chấp nhận chuốc lấy các phiền não.
  8. Thích quen biết với các đàn việt.Hai pháp lở loét là:
  9. Tìm tòi lỗi lầm của người khác.
  10. Tự che giấu lỗi lầm của mình.Hai pháp hầm hố là:
  11. Hủy hoại chánh pháp.
  12. Phá giới mà thọ nhận cúng dường.Hai pháp bùng cháy là:
  13. Dùng tâm uế trược mà khoác ca sa.
  14. Nhận sự cung cấp của người trì giới.

Người xuất gia có hai căn bệnh khó chữa trị, đó là:

1. Hạng người tăng thượng mạn tự cho rằng mình có năng lực làm cho tâm phải thuần phục.

2. Người cầu pháp Đại thừa mà ngăn cản làm hỏng ý nguyện của họ.

Nếu Bồ tát xa rời những pháp như vậy, lại có pháp nhanh chóng đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì có thể nhanh chóng đạt được. Lại được Chư Phật, Bích-chi-Phật và A-la-hán cùng khen ngợi.

Hỏi: Những pháp nào là pháp nhanh chóng đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Như thế nào là được Chư Phật, Bíchchi-Phật và A-la-hán cùng khen ngợi?

Đáp:

Luôn luôn hành theo tướng bốn Đế,

Chóng đạt được quả Phật Bồ đề,

Và người thực hành đúng bốn pháp,

Thánh nhân ba Thừa cùng ngợi khen.

Như thế nào là tướng bốn đế? Đó là:

1. Mong cầu tất cả các pháp thiện cho nên chịu khó thực hành tinh tiến.

2. Nếu được nghe-đọc tụng kinh pháp thì thực hành đúng như pháp đã nói.

3. Chán ngán rời xa ba cõi giống như nơi giết chết con người, thường cầu được ra khỏi nơi ấy.

4. Làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, vốn là tự lợi ích cho tâm mình.

Đế có nghĩa là chân thật không dối, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho nên gọi là không hư giả.

Lại có bốn pháp, được Thánh nhân ba thừa ngợi khen. Những gì là bốn pháp? Đó là:

1. Thậm chí mất mạng cũng không làm điều ác.

2. Thường thực hành pháp thí.

3. Thọ pháp luôn luôn nhất tâm tiếp nhận.

4. Nếu sinh tâm nhiễm ô, thì lập tức có thể quán sát đúng đắn nhân duyên nhiễm ô làm cho tâm nhiễm ô phát khởi. Căn nhiễm ô này vì sao gọi là nhiễm ô? Điều gì là nhiễm ô? Đối với điều gì mà phát khởi? Từ đâu sinh ra nhiễm ô này? Nhớ nghĩ đúng đắn như vậy, biết là hư vọng không chân thật, không tồn tại. Quyết định tin hiểu các pháp vốn là không, pháp không hề vốn có. Quán sát đúng đắn về nhân duyên của nhiễm ô như vậy, cho nên không khởi lên các ác nghiệp. Tất cả các phiền não khác cũng quán sát như vậy. Bồ tát được bậc Đại nhân khen ngợi như vậy, vốn là luôn xa rời các phiền não ác nghiệp, thì tâm được đầy đủ. Tâm xả thì như nói:

Đầy đủ đối với tâm buông xả,

Cầu lợi thế gian-xuất thế gian,

Lúc cầu mong những lợi ích này,

Tâm không còn chán nản mệt mỏi.

Bồ tát này có đầy đủ pháp xả, mong muốn thực hành pháp thí, thực hành tài thí làm lợi ích cho chúng sinh. Nếu cầu mong những lợi ích thế gian và xuất thế giann, lúc chưa đạt được thì tâm không có gì mệt mỏi buông lơi. Lợi ích thế gian, là dẫn dàng hiểu rõ các loại kinh sách-kỹ năng tinh xảo-thuốc thang chữa trị-phương pháp khéo léo của thế gian. Lợi ích xuất thế gian, là nói về các pháp căn-lực-giác-đạo-đạo vô lậu. Như nói:

Mong cầu hai lợi ích như vậy,

Tâm không còn mệt mỏi buông lơi,

Bởi vì không mệt mỏi buông lơi,

Luôn đạt được các pháp sâu xa.

Nhờ vào sự tìm cầu kinh sách,

Mà có thể đạt được trí tuệ,

Hiểu biết đầy đủ về thế gian,

Pháp bậc nhất không gì sánh được.

Không mệt mỏi buông lơi, mệt mỏi buông lơi gọi là chán nản căm ghét, điều học hỏi nếu không có gì chán nản ghét bỏ thì tâm không có gì mệt mõi buông lơi. Nếu không có gì mệt mỏi buông lơi, thì cầu tìm học hỏi các loại kinh sách về kỹ nghệ-thuốc thang chữa trị-kỹ thuật tinh xảo-lễ nghi phép tắc, đều không có gì mệt mỏi. Vì không có gì mệt mỏi, cho nên đạt được trí tuệ, biết sâu xa đầy đủ về các pháp thích hợp với thế gian. Pháp thế gian là những pháp thích hợp với từng địa phương, từng phong tục thuận theo tâm thế gian, pháp sửa trị thế gian cũng đều có thể biết được. Vì vậy có năng lực biết được chúng sinh từ bậc thượng-trung cho đến bậc hạ, thuận theo điều kiện thích hợp mà dẫn dắt cho họ, khéo léo giải thích mọi việc thế gian làm cho họ sinh tâm tàm quý sâu sắc. Thuận theo điều kiện thích hợp mà dẫn dắt, là đối với người bậc thượng-trung-hạ đều có những sự thích hợp theo từng bậc. Tàm quý thì tự xấu hổ với điều đã làm, gọi là tàm; dựa vào người khác mà sinh lòng xấu hổ, gọi là quý. Có người vì mình tự làm mà xấu hổ, thấy người khác làm mà thẹn. Trong pháp thế gian thì lấy sự xấu hổ làm công dụng trước hết. Như kinh nói: Hai pháp thanh tịnh trong sáng hộ trì thế gian, đó gọi là tàm và quý. Như kệ nói:

Tùy lúc người sinh lòng hổ thẹn,

Biết pháp-biết rõ tội và phước,

Không hổ thẹn lánh xa người tốt,

Không điều ác nào mà không làm.

Hỏi: Tại sao ân cần dạy cho Bồ tát khéo biết cách thích nghi với thế gian?

Đáp: Nếu Bồ tát biết rõ pháp thế gian, thì đối với chúng sinh dễ dàng vui vẻ hài hòa với nhau, dẫn dắt cảm hóa tâm tư khiến cho họ trú trong pháp Đại thừa. Nếu không biết pháp thế gian, thì ngay cả một người cũng không thể nào giáo hóa được. Vì vậy pháp thế gian, chính là con đường phương tiện để giáo hóa chúng sinh. Bồ tát biết pháp thế gian như vậy, thì tâm đầy đủ tàm quý. Như nói:

Người làm ác mà còn cúng dường,

Huống gì người làm lợi cho mình,

Có tâm hổ thẹn có cung kính,

Không khinh chê nhạo báng người thiện.

Bồ tát này vốn có tâm hổ thẹn, đối với những người ác hãy còn có thể cung kính cúng dường đón đưa thăm hỏi, huống gì mười thiện có công đức luôn luôn làm lợi ích cho mình? Bởi vì có tâm hổ thẹn và tâm cung kính, cho nên đối với những người hiền thiện ít hiểu biết mà không sinh lòng khinh mạn, dấy lên ý nghĩ như vậy. Người có công đức tự ẩn mình giữa cuộc đời, như tro phủ ngọn lửa, pháp thế gian thô lậu cạn cợt không nên khinh thường, nếu mình vì một nhân duyên nhỏ mà khinh rẻ họ, thì sẽ mang lấy tội lỗi. Lại nữa:

Tất cả việc gì mình đã làm,

Tuy khó nhưng có thể làm được,

Thì ở giữa thế gian lẫn lộn,

Cũng chính là người không lui sụt.

Tất cả những công việc mà Bồ tát này đã làm, hoặc xây dựng chùa tháp, hoặc tổ chức pháp hội to lớn, hoặc cứu giúp tội nhân… Tất cả các việc khó khăn như vậy trong thế gian mà tâm không lui sụt bỏ dở việc làm chưa thành tựu thì cần phải dùng các loại phương tiện, dùng sức mạnh của thân miệng và tâm khiến cho được thành tựu. Như vậy không những đối với Phật pháp có sức mạnh không thối chuyển mà trong công việc thế gian cũng có sức mạnh không thối chuyển.

Hỏi: Vì nhân duyên gì mà có thể thành tựu điều này?

Đáp: Người có sức mạnh nhẫn nại, chịu đựng được mọi gian lao thì có năng lực đạt được kết quả. Như nói:

Có sức mạnh chịu đựng to lớn,

Dốc hết lòng cúng dường Chư Phật,

Thuận theo lời giáo hóa của Phật,

Tất cả đều có thể thọ trì.

Bồ tát có được sức mạnh chịu đựng, dùng sức mạnh này cúng dường cung kính đối với Chư Phật, tùy điều kiện thích hợp mà cung phụng các thức ăn uống-y phục… Đối với sự giáo hóa của Phật, hoặc trì giới thiền định, hoặc hàng phục tâm ý, hoặc chân thật quán xét các pháp, ở trong những việc này dùng sức mạnh có thể đảm nhận, như người có được dao sắc thì thích hợp để sử dụng trong việc có ích chư không sử dụng ở trong việc không có ích lợi gì. Như nói:

Nhờ vào Tín-Từ Bi và Xả,

Có thể tiếp nhận không mệt mỏi,

Lại có năng lực biết nghĩa lý,

Dẫn dắt cho tâm ý chúng sinh.

Hổ thẹn có sức mạnh chịu đựng,

Dốc hết lòng cúng dường Chư Phật,

Trú trong giáo hóa Phật đã thuyết,

Thực hành đúng đắn mười pháp này,

Luôn luôn thanh tịnh sửa sơ địa,

Đó chính là hành đạo Bồ tát.

Nếu Bồ tát lấy Tín để làm đầu, về sau trú trong giáo pháp của Phật, thì có thể thanh tịnh mà sửa trị Sơ địa. Trong mười pháp này lấy Tín làm đầu tiên. Tín nghĩa là ở trong pháp nhân duyên của Chư Phật thì tâm có được quyết định, lại thêm niềm vui thích tốt đẹp. Tại vì sao? Bởi vì Bồ tát này với tâm tánh thanh tịnh cho nên có được Tín lực sâu xa, có tín lực cho nên ở giữa chúng sinh mà sinh tâm Bi, dấy lên ý niệm như vậy: Pháp của tất cả Chư Phật lấy Đại Bi làm gốc, nay mình nhất tâm ưa thích đối với Phật pháp, vì vậy ở giữa các chúng sinh nên phát sinh tâm Bi. Tâm Bi này dần tăng lên thì trở thành Đại Bi, có được Đại Bi cho nên ở giữa các chúng sinh thì phát sinh tâm Từ, dấy lên ý niệm như vậy: Mình nên tùy sức làm lợi ích cho chúng sinh. Bởi vì thành tựu tâm Bi chân thật mà thực hành tâm Từ. Lúc làm lợi ích cho chúng sinh thì luôn luôn thực hành tâm xả, tất cả trong ngoài đều có thể bố thí. Dấy lên ý niệm như vậy: Như vật này của mình. Vì muốn làm lợi ích an lạc cho chúng sinh mà thành tựu tâm từ chân thật, để cho chúng sinh tin nhận lời mình nói. Vì muốn thực hành tâm xả mà mong cầu tài vật có lợi cho chúng sinh, có thể chấp nhận tất cả những điều khổ não. Dấy lên ý niệm như vậy: Nếu có sự mệt mỏi chán nản thì đối với các loại kinh sách-kỷ nghệ-ruộng vườn-canh tác-nghề nghiệp khéo léo ở thế gian, các nhân duyên mong cầu tài lợi sẽ không thu được kết quả gì. Vì vậy nên đối với các loại kinh sách-kỹ nghệ… của thế gian, không có gì mệt mỏi chán nản. Vì có thể chấp nhận cho nên có năng lực biết rõ nghĩa lý. Dấy lên ý niệm như vậy: Kinh sách thế gian lấy nghĩa lý làm ý vị, nếu người khéo biết nghĩa lý của kinh sách thì đối với pháp thế gian đều có thể thông suốt rõ ràng. Có thể thông suốt rõ ràng thì có năng lực dẫn dắt chúng sinh ở mọi trình độ thượng-trung-hạ. Dấy lên ý niệm như vậy: Nếu người không có tàm quý thì không thể nào làm cho chúng sinh được hoan hỷ. Vì làm cho chúng sinh được hoan hỷ, cho nên thực hành tàm quý. Dấy lên ý niệm như vậy: Nếu không có thể chấp nhận thì không thành tựu lợi ích thế gian và xuất thế gian, có khả năng chấp nhận thì có năng lực dẫn dắt tất cả chúng sinh, làm cho đều được hoan hỷ. Tâm hoan hỷ cho nên tin nhận lời mình nói. Vì tin nhận cho nên chịu khó thực hành phương tiện mà truyền bá dẫn dắt. Dấy lên ý niệm như vậy: Nếu chúng sinh cúng dường Chư Phật, thì có được nhiều lợi ích. Muốn khiến cho chúng sinh phát tâm cúng dường Chư Phật, cho nên lập tức tự mình nhất tâm cúng dường đối với Phật và hình tượng-xá lợi của Phật. Chúng sinh tin nhận thì thuận theo học hỏi để cúng dường đối với Phật gieo trồng nhân duyên của trời người, trú trong ba thừa. Bồ tát như vậy theo thứ tự thực hành mười pháp, thì có năng lực thanh tịnh để sửa trị Sơ địa.

 

Phẩm 20: NIỆM PHẬT

Bồ tát ở địa thứ nhất, suy xét tận cùng những điều đã làm, tự nhờ vào sức mạnh của thiện căn mà có thể thấy được Chư Phật và Bồ tát. Như vậy làm cho tâm mình phải thuần phục, hết sức yêu quý đạo, như đã nghe Bồ tát địa thứ nhất thực hành đầy đủ tất cả đến cùng. Tự nhờ vào sức mạnh của thiện căn phước đức mà có thể thấy được Chư Phật hiện tại khắp mười phương, đều ở trước mắt mình. Hỏi: Chỉ nhờ vào sức mạnh của thiện căn phước đức mà được thấy Chư Phật, hay là còn có pháp nào chăng?

Đáp:

Đức Phật vì Bạt-đà-bà-la,

Mà thuyết về Tam-muội quý báu này,

Có năng lực thấy được Chư Phật.

Bạt-đà-bà-la là Bồ tát tại gia, luôn luôn thực hành đầu đà, Đức Phật vì Bồ tát này thuyết giảng về kinh Bát chu Tam-muội. Bát Chu Tam muội có nghĩa là thấy Chư Phật hiện rõ ở trước mắt. Bồ tát đạt được Tam muội vô cùng quý báu này, tuy chưa đạt được Thiên nhãnThiên nhĩ mà có thể thấy được Chư Phật mười phương, cũng nghe được kinh pháp do Chư Phật giảng thuyết.

Hỏi: Tam muội này nên dùng phương pháp nào để có thể đạt được?

Đáp:

Nên nghĩ đến hết thảy chư Phật,

Hiện tại ở giữa các đại chúng,

Đầy đủ ba mươi hai tướng tốt,

Tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân.

Người tu hành dùng Tam muội này nghĩ đến Chư Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thanh tịnh, các Tỳ-kheo vây quanh có chư thiên chúng sinh, được các đại chúng cung kính vây quanh, chuyên tâm nhớ nghĩ giữ lấy hình tướng của Chư Phật như vậy. Lại nghĩ đến Chư Phật là bậc có Đại nguyện, thành tựu Đại Bi mà không đoạn tuyệt, đầy đủ Đại từ hết sức an lạc cho chúng sinh, thực hành Đại hỷ trọn vẹn tất cả nguyện cầu, thực hành tâm xả rời xa yêu-ghét mà không rời bỏ chúng sinh, thực hành ở phạm vi của Đế luôn luôn không giả dối, thực hành ở phạm vi của xả trừ sạch mọi vết bẩn tham keo, thực hành ở phạm vi của Thiện thì tâm tư vắng lặng tốt lành, thực hành ở phạm vi của Tuệ thì đạt được trí tuệ vĩ đại. Thực hành đầy đủ Bố thí Ba-la-mật, làm người chủ Bố thí pháp. Thực hành đầy đủ Trì giới Ba-la-mật, là giới hạnh thanh tịnh. Thực hành đầy đủ Nhẫn nhục Ba-la-mật, là có năng lực nhẫn nại như mặt đất. Thực hành đầy đủ tinh tiến Ba-la-mật, là tinh tiến vượt lên cao thật tuyệt vời. Thực hành đầy đủ Thiền định Ba-la-mật, là diệt sạch các chướng ngại cho định. Thực hành đầy đủ trí tuệ Ba-la-mật, là phá tan chướng ngại cho trí tuệ.

Tướng xoắn ốc ở ngón tay-ngón chân là có năng lực chuyển pháp luân. Tướng chân đứng yên là an trú trong các pháp. Tướng màng da mỏng giữa các ngón tay-ngón chân là diệt trừ các phiền não. Tướng bảy chỗ đầy đặn là các công đức tròn đầy. Tướng tay chân mềm mại là thuyết pháp nhu hòa. Tướng ngón tay thon dài là suốt đời tu tập các pháp thiện diệu. Tướng gót chân rộng là nhìn xa học rộng. Tướng thân thẳng cao lớn là thuyết về đạo pháp thẳng thắn rộng lớn tướng mu bàn chân nổi cao-tướng đầu các sợi lông cao và xoáy tròn, là luôn luôn làm cho chúng sinh trú trong pháp vi diệu nhất. Tướng bắp đùi như nai chúa Y-nê thon thả to dần, tướng cánh tay dài quá đầu gối, tướng cánh tay như vàng ròng thẳng tắp, tướng âm mã tàng là có kho tạng của pháp quý báu. Tướng thân màu vàng ròng là có vô lượng sắc thân. Tướng da mịn màng và mỏng là thuyết pháp vi diệu sâu xa. Tướng mỗi lỗ chân lông có một sợi lông, là nêu rõ pháp chỉ cùng một tướng. Tướng lông trắng dài nhỏ trang nghiêm khuôn mặt, là thích ngắm khuôn mặt Đức Phật không chán. Tướng thân trên như sư tử, là như sư tử không sợ hãi gì. Tướng vai tròn và rộng, là khéo phân biệt năm ấm.

Tướng dưới nách đầy đặn, là đầy đủ thiện căn to lớn. Tướng cảm được tất cả các vị, là đầy đủ vị rỗng rang vắng lặng. Tướng thân vuông là phá tan cảnh giới sinh tử. Tướng nhục kế, là đầu chưa hề cúi xuống phục tụng điều gì. Tướng lưỡi rộng màu sắc như san hô chân thật có thể tự che kín mặt. Tướng phạm âm là tướng của thân lên đến cõi Phạm thiên. Tướng gò má sư tử-tướng vai rộng là có năng lực phá tan ngoại đạo. Tướng răng đều đặn là thực hành thiện hạnh thuần khiết sáng tỏ. Tướng răng bằng nhau là tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Tướng răng dày khít là lìa xa mọi sự tham đắm. Tướng đủ bốn mươi chiếc răng là đầy đủ bốn mươi pháp bất cọng. Tướng mắt trong xanh biếc là tâm Từ nhìn chúng sinh. Tướng lông mi Ngưu vương-mi dài không rối, là có được sắc tướng hiếm có, thích gặp mặt không chán.

Dùng ba mươi hai tướng này mà trang nghiêm thân, tám mươi vẻ đẹp xen lẫn với nhau phát ra ánh sáng rực rỡ. Phước đức đầy đủ, uy lực tuyệt trần, danh tiếng truyền bá khắp nơi: Dùng hương của Giới xoa ướp thân mình, pháp thế gian không làm cho lay động, các phiền não không vấy nhiễm được, lời thô ác không làm cho nhuốm bẩn. Đạo qua khắp nơi bằng các thần thông. Chư Phật đầy đủ uy lực mạnh mẽ như vậy, không có ai dám đối kháng. Dùng trí tuệ thuyết pháp như sư tử gầm vang tự tại như ý. Dùng sức mạnh tinh tiến phá tan mọi tăm tối si mê. Dùng ánh sáng vĩ đại chiếu rọi khắp trời đất. Trong những điều hỏi-đáp thì Phật là bậc nhất, không có ai cao hơn. Tất cả đều ngước lên chiêm ngưỡng, không có ai nhìn xuống. Luôn luôn dùng tâm Từ quán sát chúng sinh. Niệm như biển rộng. Định như núi Tu-di, nhẫn nhục như mặt đất. Nuôi lớn thêm phước đức của chúng sinh đã gieo trồng như làn nước tưới thấm mọi nơi. Có năng lực phát sinh sức mạnh của các thiện căn cho chúng sinh như làn gió tỏa ra. Thành tựu chúng sinh như lửa làm cho mọi vật chín muồi. Trí tuệ vô biên giống như cõi hư không. rưới làn mưa đại pháp khắp nơi như vầng mây dày đặc rộng lớn. Không vấy nhiễm theo pháp thế gian giống như hoa sen. Có năng lực phá tan ngoại đạo tà sư giống như sư tử bắt hươu. Có năng lực nâng cao gánh nặng như voi chúa mạnh mẽ. Có năng lực dẫn dắt đại chúng như trâu chúa to lớn. Quyến thuộc thanh tịnh như chuyển luân Thánh vương. Cao nhất giữa thế gian như Đại Phạm vương. Đáng quý trọng-đáng yêu mến như vầng trăng vằng vặc giữa trời trong xanh. Chiếu sáng mọi nơi và có năng lực tốt cháy giống như vầng mặt trời sáng chói. Mang lại nhân duyên an lạc cho các chúng sinh, giống như người cha nhân hậu. Thương xót chúng sinh, tùy thuận chăm sóc bảo vệ giống như người mẹ hiền từ. Công hạnh thanh tịnh như vàng ròng cõi trời. Có thế lực to lớn như Thiên Đế Thích. Chịu khó làm lợi ích cho thế gian như người đứng đầu bảo vệ thế gian. Chữa trị căn bệnh phiền não giống như bậc Y vương. Cứu giúp mọi tai họa suy sụp giống như bà con thân thích. Tích lũy các công đức như kho tạng to lớn. Giới của Phật vô lượng. Định của Phật vô biên, Tuệ của Phật không thể nói hết, giải thoát không có gì sánh bằng. Giải thoát tri kiến không có gì có thể sánh bằng, đối với tất cả mọi điều thì Phật là cao nhất không có ai sánh được. Phật là vô thượng bậc nhất trong tất cả thế gian, cho nên gọi là người bậc nhất. Thành tựu. Đại pháp cho nên gọi là bậc đại nhân.

Như vậy Bồ tát dùng tướng của bậc đại nhân nghĩ nhớ và quán tưởng Chư Phật. Chư Phật trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức đời kiếp không thể nghĩ bàn-không thể tính đếm, tu tập công đức, luôn luôn cố gắng giữ gìn nghiệp thân miệng ý. Ở trong Quá khứ-vị lai-hiện tại thuận theo tự nhiên nói về năm pháp tạng, đoạn trừ hết mọi nghi ngờ. Trả lời chắc chắn trả lời rõ ràng, trả lời hỏi vặn trả lời gác lại, đối với bốn loại hỏi-đáp không có gì sai lầm. Khéo léo nói về ba mươi bảy pháp trợ đạo là Căn-lực-Giác-đạo-Niệm xứ-Chánh cần-Như ý. Có năng lực khéo léo phân biệt nhân quả của Vô minh-Hành-Thức-Danh sắc-Lục nhập-Xúc-Thọ-Ái-Thủ-Hữu-Sinh-Lão tử. Đối với Nhãn sắcNhĩ thanh-Tỷ hương-Thiệt vị-Thân xúc-Ý pháp, không có gì hệ thuộc vướng mắc. Khéo léo thuyết vầ chín bộ kinh pháp, đó là Tu-đa-la, Kỳ dạ, Thọ ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, Y-đế-mục-đa. Tỳ Phật lượcVị tằng hữu. Không bị chi phối bởi các sử phiền não là tham dục, sân hận, mười, kiêu, mạn, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ và nghi. Không bị sự lấn át của các phiền não là không có niềm tin, không có tàm quý, dục nịnh quanh co, đùa cợt xúi giục, phóng túng giải đãi, thụy miên, sân hận, keo kiệt, ganh tỵ. Biết rõ về thấy khổ-đoạn Tậpchứng Diệt-tu đạo. Những điều cần bỏ đã bỏ hết, những điều cần thấy đã thấy rồi, việc làm đã làm xong, phá hết mọi giặc thù, đầy đủ các hạnh nguyện, là bậc tôn quý giữa thế gian, là người cha của thế gian, là vị vua giữa thế gian, là bậc xuất hiện khéo léo-ra đi khéo léo, tâm ý khéo léo-vắng lặng khéo léo-thanh tịnh khéo léo-giải thoát tuyệt vời. An trú ở trong vô lượng vô biên thế gian nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương, như hiện rõ ở trước mắt của Bồ tát.

Lại nên dùng tám mươi vẻ đẹp để nghĩ nhớ và quán tưởng Chư Phật. Màu móng chân-tay đỏ tươi là thực hành pháp thanh tịnh rõ ràng. Móng chân-tay gồ lên mà lại to, là sinh vào nhà thuộc dòng họ lớn. Màu móng chân-tay sáng bóng, là rất yêu thương chúng sinh. Ngón tay tròn và thon dài, là công hạnh sâu xa. Thịt trên ngón tay đầy đặn, là thiện căn đầy đủ. Ngón tay theo thứ tự mà dài và thẳng, là theo thứ tự quy tập các pháp của Chư Phật. Gân mạch không hiện rõ, là không che đậy những hành nghiệp của thân miệng ý. Mạch máu không kết thành thô kệch, là phá trừ mọi kiết sử phiền não. Mắt cá chân bằng phẳng không hiện rõ, là không che giấu pháp tạng, chân không cong quẹo, là vượt qua mọi tà ma ngoại đạo. Đi như sư tử, là sư tử giữa loài người. Đi như voi chúa, là voi chúa giữa loài người. Đi như ngỗng chúa, là bay cao như chim Hồng. Đi như trâu chúa, là địa vị tôn quý nhất giữa loài người. Lúc đi xoay về phía phải, là khéo nói chánh đạo. Thân đi thẳng không cong xuống, là tâm không quanh co. thân vững chắc mà thẳng thắn, là ca ngợi giới hạnh kiên cố. Thân lớn dần theo thứ tự, là nói pháp theo thứ tự. Các phần thân thể lớn mà đoan nghiêm, là có năng lực khéo léo giải thích về công đức vi diệu to lớn. Thân tướng đầy đủ, là đầy đủ các pháp. Bước chân cách nhau đều đặn, là tâm bình đẳng đối với chúng sinh. Thân thể trong sáng thuần khiết, là ba nghiệp thanh tịnh. Da sẻ thân mình mịn màng mềm mại, là tâm tánh dịu dàng tự nhiên. Thân thể không dính bụi bặm, là khéo léo nhận thức xa rời cấu trược. Thân không co lại, là tâm luôn luôn không mất. Thân không có hạn lượng, là thiện căn vô lượng. Da thịt căng tròn đầy đặn, là vĩnh đoạn dứt thân đời sau. Các bộ phận trên thân thể rõ ràng, là khéo léo nói rõ ràng thứ tự của mười hai nhân duyên. Màu sắc trên thân không mờ tối, là sự thấy biết không mờ tối. Bụng tròn và đầy đặn, là đệ tử đầy đủ công hạnh. Bụng sạch và tươi sáng, là có năng lực khéo léo biết rõ ràng tai họa sai lầm của sinh tử. Bụng không nhô cao ra ngoài, là phá trừ tâm lý kiêu mạn. Bụng bằng phẳng không hiện rõ, là thuyết pháp bình đẳng. Rốn tròn mà sâu là thông suốt các pháp rất sâu xa. Nếp rốn xoay về phía phải, là đệ tử thuận theo giáo pháp. Toàn thân đoan nghiêm, là đệ tử hoàn toàn thanh tịnh. Oai nghi trong sáng thuần khiết, là tâm thanh tịnh không gì sánh được. Thân không có nốt ruồi, là pháp ấn không tối tăm. Tay mềm hơn lụa Đây-la, là người được giáo hóa cảm thấy thể nhẹ nhàng như mảy lông. Đường chỉ tay sâu là oai nghi rất cẩn thận kỷ càng. Đường chỉ tay dài, là quán sát người tiếp nhận giáo pháp tôn thờ lâu dài về sau. Đường chỉ tay tươi sáng, là rời bỏ tình thân ái ích kỷ được ích lợi của đạo quả vĩ đại. Diện mạo không dài, là kết giới có khai thông. Môi đỏ như quả Tần-bà, là trông thấy tất cả thế gian. Lưỡi mềm mà mịn, là trước tiên dùng lời dịu dàng hóa độ tất cả chúng sinh. Lưỡi mỏng mà rộng, là công đức sâu dày thuần khiết. Lưỡi đỏ như nhuộm hồng, là tâm phàm phu khó hiểu Phật pháp thì làm cho hiểu rõ. Tiếng nói như sấm động, là không sợ gì tiếng sấm. Tiếng nói hài hòa dịu dàng, là thuyết pháp nhu hòa mềm mại. Bốn răng cửa tròn và thẳng, là to với đạo thẳng thắn. Bốn răng cửa đều sắc bén, là độ cho người lợi căn. Bốn răng cửa trắng sáng, là thanh tịnh trong sáng bậc nhất. Bốn răng cửa đều đặn như nhau, là an trú trong giới bình đẳng. Răng nhỏ dần theo thứ tự, là theo thứ tự thuyết về pháp bốn đế. Sống mũi gồ lên cao và thẳng, là an trú trong núi cao của trí tuệ. Trong lỗ mũi thanh tịnh, là đệ tử trong sáng tốt lành. Mắt to mà dài, là tuệ cao xa rộng lớn. Lông mi không thưa thớt, là dễ dàng tiếp nhận chúng sinh. Tròng mắt đen-trắng rõ ràng tươi sáng như cánh hoa sen xanh, là tất cả trời người-thể nữ vì thích đôi mắt mà lễ lạy cung kính. Chân mày cao mà dài, là danh tiếng lưu truyền khắp nơi. Lông mày sáng bóng, là khéo léo biết cách mềm mỏng. Vành tai bằng nhau, là người nghe pháp bình đẳng như nhau. Lỗ tai không hư hoại, là độ chúng sinh bằng tâm bất hoại. Vầng trán bằng phẳng mà đẹp, là khéo léo lìa xa những kiến chấp. Vầng trán rộng không có nếp ngăn, là phá tan tất cả ngoại đạo. Phần đầu đầy đủ hoàn thiện, là dễ dàng đầy đủ hạnh nguyện vĩ đại. Màu tóc như ong mật đen tuyền, là chuyển đổi năm thứ dục lạc. Tóc dày mà sợi mảnh, là kiết sử đã hết. Tóc đẹp và mềm mại, là trí tuệ sắc bén mềm mại có năng lực biết rõ pháp vị. Tóc không rối bồng lộn xộn, là lời nói luôn luôn không rối loạn. Tóc mướt mà sáng bóng, là luôn luôn không có lời nói thô thiển. Tóc có hương thơm, là dùng hương hoa của bảy giác ý tùy theo sự thích hợp mà cảm hóa dẫn dắt. Trong tóc có chữ Đức-chữ An-chữ Hỷ, giữa lòng bàn taybàn chân cũng có chữ Đức-chữ An-chữ Hỷ. Bồ tát nên nghĩ đến chư Phật như vậy.

Chư Phật an tọa trên tòa sư tử, ở giữa đại chúng thuyết giảng về chánh pháp. Tòa sư tử dùng lưu ly và các thứ báu làm chân, dùng san hô tịnh khiết và trân châu đỏ tuyệt vời để làm ghế dựa, vàng ròng dát mỏng làm màn che, các loại vải vóc cõi trời mềm mại trơn bóng dùng làm vật trải ghế ngồi. Có con sư tử quý báu dùng vàng ròng làm thân, hổ phách làm mắt, xa cừ làm đuôi, san hô làm lưỡi, kim cang trắng làm bốn răng nanh, bạc trắng tinh khiết làm bờm lông, lông và bờm dài rộng. Tòa ngồi đầy đủ đặt trên lưng bốn con sư tử như vậy. Ngà của voi chúa to lớn dùng làm ghế tựa, chân ghế tựa ấy được làm thành từ các vật báu. Đức Phật an tọa trên tòa sư tử, được chư Thiên-Long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-na, Ma-hầu-la-già cùng lễ lạy cung kính. Chư Phật an tọa trên tòa sư tử như vậy, khoác y Kiệt-chi-nê-hoàn Tăng, không cao không thấp che phủ ba phần thân, vấn quanh tề chỉnh. Mang ca sa nhạt màu, số điều rõ ràng, không cao không thấp cũng không so le, Đức Phật an tọa giữa tám bộ Đại Thánh chúng trang nghiêm và toàn thể trời-người trong pháp hội, loài rồng và chim cánh vàng cùng đến nghe pháp và tâm không còn sân hận với nhau. Hết thảy đại chúng với tâm tàm quý sâu sắc, cung kính quý trọng đối với Đức Phật, đều chung lòng nhất tâm nghe những điều Đức Phật thuyết giảng, thọ trì tư duy và thực hành đúng như giáo pháp Ngài đã dạy. Nhờ chuyên tâm nghe nhận mà tâm được thanh tịnh, cho nên có năng lực ngăn chặn những kiết sử phiền não. Tất cả đại chúng chiêm ngưỡng Như Lai không còn có gì thỏa mãn, lông tóc đều dựng đứng với tâm niệm tha thiết mà tuôn trào nước mắt, hoặc là có tâm niệm vô cùng hoan hỷ. Có những tâm cảm như vậy, thì biết rằng tâm tư người ấy được thanh tịnh vắng lặng rất sâu xa như tiến vào thiền định, không còn yêu-ghét gì nữa, tâm không còn duyên gì khác, có tướng Đại Bi thương xót chúng sinh, muốn cứu giúp ta, tâm không dua nịnh quanh co, thanh tịnh vắng lặng phân biệt rõ ràng tốt xấu, có chí nguyện nguyện to lớn không ẩn chìm-không co lại, không cao-không thấp… Đức Phật đều nhìn thấy mọi tâm niệm phát sinh như vậy trong Đại chúng hiện tại.

Đức Phật thuyết pháp dễ hiểu dễ sáng tỏ, thích nghe mãi không chán. Âm thanh sâu lắng không rời rạc, dịu dàng nghe êm tai, từ rốn mà phát ra, đưa lên cổ họng-cuống lưỡi-mũi-trên trán rồi đến răng-môi, hơi thở dâng lên làm thay đổi phát thành câu nói dịu dàng nghe âm tai. Âm thanh phát ra như vầng mây dày đặc, như tiếng sấm vang vọng, như gió cuốn sóng trào giữa biển rộng, như âm thanh của Đại phạm Thiên dẫn dắt có thể hóa độ chúng sinh. Xa rời mày-mắt và môi mà có thể nói pháp quở trách. Lời nói không thiếu sót cũng không rườm rà lắm. Những gì đã nói ra thì không nghi ngờ gì, nói nhất định phải có lợi ích. Không có lời lừa dối và lời có thể phá bỏ… xa rời những lỗi như vậy, gần xa nghe như nhau. Không khác. Bốn loại vấn nạn thì tùy ý luôn luôn giải đáp, khai thị về bốn Đế khiến cho đạt được bốn Quả, kiến lập nghĩa lý về đầu mối kết cấu của nhân duyên, ngôn ngữ phép tắc thảy đầy đủ. Các loại đã nói thì nghĩa lý của sự việc dễ dàng hiểu rõ. Lời đã nói ra rõ ràng không có gì ẩn giấu quanh co. Lời nói không nhanh quá cũng không chậm quá, trước sau tương xứng không có ai có thể chất vấn được. Dùng lời nói như vậy để giảng giải rõ giáo pháp, đầu-giữa và cuối hợp với thiện, đều có ý nghĩa-có lợi ích, chỉ có pháp là đầy đủ, có năng lực làm cho chúng sinh cảm được quả báo của đời hiện tại. Không có thời gian có thể được thưởng thức để luôn luôn thỏa mãn ước nguyện của mình, người có trí tuệ tuyệt vời hết sức nhờ vào nội tâm có thể biết rõ. Pháp của Đức Phật đã thuyết, có năng lực dập tắt lửa dữ ba độc của chúng sinh, có năng lực loại trừ tất cả tội lỗi của thân miệng ý, có năng lực khéo léo khai thị về giới-định-tuệ phẩm. Đầu tiên dùng danh tự, sau mới làm cho biết nghĩa lý mà sinh tâm hoan hỷ, từ hoan hỷ phát sinh niềm vui, từ niềm vui phát sinh định lực, từ định lực phát sinh trí tuệ như thật, từ trí tuệ như thật phát sinh chán ngán lìa bỏ, từ chán ngán lìa bỏ mà diệt trừ kiết sử, diệt trừ kiết sử cho nên được giải thoát. Như vậy luôn luôn làm cho thực hành pháp này theo thứ tự, có năng lực khéo léo khai thị về bốn phạm vi của Đế-xả-Diệt-Tuệ, có năng lực chỉ bày cho chúng sinh khiến đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Trí tuệ. Có năng lực làm cho chúng sinh lần lượt đến được Hỷ địa-Tịnh địa-Minh địa-Diệm địa-Nan thắng-Hiện tiền-Thâm viễn-Bất động-Thiện tuệ và pháp vân địa. Có năng lực phân biệt rõ ràng về Thanh văn thừa, Bích-chi-Phật thừa và Đại thừa. Có năng lực khiến chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có năng lực khiến cho thành tựu tất cả mọi niệm vui sướng giàu có trong cõi người-trời. Đó là tất cả các kho tạng công đức lợi ích bậc nhất.

Như vậy chánh tâm nhớ nghĩ Chư Phật, ở nơi vắng lặng thanh tịnh loại trừ tham dục, sân hận, ngủ nghỉ, nghi ngờ, hối tiếc, đùa cợt vô ích mà chuyên chú tâm niệm không sinh ra chướng ngại làm cho tâm mất đi định lực. Dùng tâm như vậy chuyên chú nghĩ đến Chư Phật. Nếu tâm chìm xuống thì phải kéo lên, nếu tâm tán loạn thì phải thâu nhiếp. Đồng thời thấy Đại chúng thường xuyên như hiện ở trước mắt. Lúc chưa nhập định thì luôn luôn thuận theo sự việc mà ca ngợi về tướng tốt và vẻ đẹp của Đức Phật. Dùng kệ ca ngợi Đức Phật khiến cho tâm luyện tập thuần thục. Kệ nói như vậy.

Các tướng tốt của Đức Phật Thế tôn,

Nhân duyên của nghiệp nào cảm được?

Con dùng tướng tốt và hạnh nguyện,

Ca ngợi tướng về bậc đại Thánh.

Tướng chân có vòng tròn ngàn tia,

Hạnh bố thí quyến thuộc thanh tịnh,

Nhờ vào nhân duyên tốt đẹp này,

Cảm được chúng Thánh hiền vây quanh.

Tướng bàn chân an trú vững chắc,

Tiếp nhận thiện pháp giữ không mất,

Vì vậy cho nên các quân ma,

Không có năng lực hủy hoại được,

Màng lưới giữa các ngón tay-chân,

Tướng thân có sắc màu vàng tía,

Nhờ khéo léo thực hành nhiếp pháp,

Đại chúng tự nhiên đều quy phục.

Tay và chân vô cùng mềm mại,

Tướng bảy chỗ trên thân đầy đặn,

Bố thí thức ăn theo ý người,

Cảm được nhiều cúng dường tự nhiên.

Ngón tay dài-gót chân bằng rộng,

Tướng thân cao lớn và ngay thẳng,

Vốn xa lìa nhân duyên sát sinh,

Cảm được thọ mạng nhiều đời kiếp.

Đầu lông xoay tròn hướng bên phải,

Tướng mu bàn chân gồ lên cao,

Thường tinh tiến làm những điều thiện,

Cho nên cảm được pháp bất thối.

Tướng bắp đùi nai chúa Y-nê,

Thường ưa thích đọc tụng kinh pháp,

Nhờ giảng giải cho người khác hiểu,

Nhanh chóng đạt được đạo vô thượng,

Cánh tay dài xuống quá đầu gối,

Tất cả đồ vật mình có được,

Người cầu xin cho không tiếc nuối,

Tùy ý cảm hóa dẫn dắt người.

Âm mã tàng tích trữ công đức,

Vốn khéo hòa hợp sự ly tan,

Cảm được chúng trời-người đông đủ,

Tuệ nhãn thanh tịnh đều là con.

Làn da mỏng ánh vàng sáng chói,

Bố thí nhà cửa-áo quần đẹp,

Cho nên cảm được nhiều y phục,

Và lầu đài thanh tịnh tuyệt vời.

Mỗi lỗ chân lông một sợi lông,

Lông trắng dài nhỏ giữa chặng mày,

Thường làm người che chở cao nhất,

Cho nên tôn quý nhất ba cõi.

Phần thân trên như thân sư tử,

Hai vai tròn trịa mà đầy đặn,

Thường thực hành lời nói nhân ái,

Không có ai trái lời chống đối.

Tướng nách đầy đặn-biết mùi vị,

Bố thí thuốc thang giúp người bệnh,

Trời-người đều tôn kính quý trọng,

Thân không có những bệnh tật gì.

Tướng thân tròn trịa và nhục kế,

Phước Bố thí với tâm vui vẻ,

Khuyên nhỉ cảm hóa người ngang bướng,

Bậc Pháp vương tự tại trong pháp.

Âm thanh như Ca-lăng-tần-già,

Lưỡi rộng niềm-tiếng như Phạm thiên,

Lời nói thường dịu dàng chân thật,

Cảm được tám âm bậc Đại Thánh.

Trước hết phải suy nghĩ chính xác,

Sau nói ra chắn chắn có thật,

Cho nên cảm được tướng sư tử,

Người thấy điều sinh tâm tin phục.

Tướng răng trắng-đều và dày khít,

Trước là người đã từng cúng dường,

Về sau thường không sinh ngạo mạn,

Cảm được tâm quyến thuộc hòa đồng,

Trên-dưới đủ bốn mươi chiếc răng,

Dày khít không thưa thớt hở hang,

Vì không gièm pha-không nói dối,

Cảm được đồ chúng không phá nổi.

Tròng mắt đen-trắng thật rõ ràng,

Tướng lông mi như mi trâu chúa,

Vốn là tâm từ nhìn hài hòa,

Người thấy không bao giờ thỏa mãn.

Tuy là bậc chuyển luân Thánh vương,

Mẫu mực đứng đầu bốn thế giới,

Có đầy đủ những tướng tốt này,

Nhưng ánh sáng không bằng Đức Phật.

Con đã nói hết lời ca ngợi,

Đối với công đức những tướng tốt,

Nguyện làm cho tất cả mọi người,

Tâm thanh tịnh luôn luôn an lạc!

Bồ tát lại thuận theo dùng tám mươi vẻ đẹp để nghĩ đến Chư

Phật,

Kệ nói như vậy:

Chư Phật có tám mươi vẻ đẹp,

Tốt lành vi diệu trang nghiêm thân,

Tất cả mọi người nên hoan hỷ,

Nhất tâm lắng nghe tôi nói rõ!

Ngón tay Đức Thế Tôn thon tròn,

Móng tay có màu sắc hồng tía,

Gồ cao có thắm tươi sáng bóng,

Tất cả không có gì nghĩ được.

Đầu gối bằng-mắt cá không bày,

Hai chân không có gì cong queo,

Bước đi giống như sư tử chúa,

Oai nghi nhìn không ai sánh được.

Lúc đi thân xoay về bên phải,

An lành có hình dáng thanh nhã,

Thân thể vuông vức theo thứ tự,

Đoan nghiêm đáng yêu quý ưa thích.

Thân rắn chắc và rất mềm mại,

Từng phần thân thể thật rõ ràng,

Lúc đi không uốn éo nghiêng ngã,

Tất cả các căn đều đầy đủ.

Da thịt thân thể rất mịn màng,

Tươi sáng và vô cùng thanh tịnh,

Thân hình rất đoan nghiêm thanh nhã,

Không có nơi nào có thể chê.

Bụng tròn trịa không nổi lên cao,

Bốn sâu mà không thấy có lỗ,

Nếp rốn xoay về phía bên phải,

Oai nghi tự tại thật thanh tịnh.

Thân không có một nốt ruồi nào,

Tay chân rất mềm mại mịn màng

Vân tay sâu đậm mà lại dài,

Nhỏ và thẳng có màu tươi thắm.

Lưỡi mỏng rộng-khuôn mặt không dài,

Răng trắng muốt tròn nhỏ sắc bén,

Môi đỏ thắm màu quả Tần-bà,

Âm thanh sâu như chim hồng chúa,

Sống mũi cao-mắt sáng trong xanh,

Lông mi dàng mà không rối loạn,

Chặng mày cao và lông mềm mại,

Đầu thẳng tắp không hề cong queo.

Lông mày bằng nhau mà đều đặn,

Khéo léo biết lỗi lầm các pháp,

Lông mày có màu sắc tươi sáng,

Khéo léo độ chúng sinh thuần thục.

Vành tai đầy-dài mà bằng nhau,

Không hư hoại thật là đáng yêu,

Trán rộng mà bằng phẳng ngay ngắn,

Tướng phần đầu thảy đều đầy đủ.

Làn tóc mịn mà không hề rối,

Màu sắc như ong chúa đen tuyền,

Thanh tịnh mà thơm tho tinh khiết,

Trong tóc có ba tướng tốt lành.

Đây gọi là tám mươi vẻ đẹp, dùng tám mươi vẻ đẹp này xen lẫn nhau để trang nghiêm cho ba mươi hai tướng tốt. Nếu người nào không nghĩ đến ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để ca ngợi thân Phật, vậy thì mãi mãi mất đi nhân duyên lợi lạc của đời này và đời sau.