LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Phẩm 26: THÍ DỤ

Phần 2

Hỏi: khéo léo biết rõ những pháp này, không đạt được Phật đạo nhưng cuối cùng cũng không lui sụt, điều này nói rõ thế nào?

Đáp:

Như người dẫn đường nhiều tài năng,

Khéo léo biết rõ tướng đường tốt,

Nơi chốn này và nơi chốn kia,

Chuyển đổi đường đi cho thích hợp.

Lương thực và đồ dùng đi lại,

Tất cả đều chuẩn bị đầy đủ,

Ở trong con đường nguy hiểm ấy,

Làm cho mọi người được yên ổn,

Đến được chốn thành ấp rộng lớn,

Có thể khiến mọi người không lo,

Nhờ người dẫn đường tài giỏi này,

Có năng lực khéo biết đường đi.

Khéo léo biết chuyển đổi các địa,

Đầy đủ tất cả pháp trợ đạo,

Bồ tát khéo léo biết rõ đạo,

Nơi này nơi kia tốt hay xấu.

Từ vượt qua hiểm nạn sinh tử,

Còn dẫn dắt cho nhiều chúng sinh,

Khiến đến được nơi chốn yên ổn,

Vào khu thành Niết bàn vô vi.

Khiến cho xa lìa mọi khổ nạn,

Không còn gặp phải những đường ác,

Bồ tát dùng năng lực phương tiện,

Luôn luôn khéo léo biết đường đi.

Tướng đường tốt, là con đường có nhiều củi đun-đồng cỏ và nguồn nước, không có giặc cướp-hổ lang-sư tử và các loài thuộc về thú dữ-sâu bọ độc hại, không lạnh lẽo-không nóng bức, không có núi cao-hang sâu, khe suối nguy hiểm-rừng rậm âm u-gai góc cản lối, cũng không có cao thấp mà bằng phẳng, thẳng tắp thông suốt ít có đường rẽ, rộng rãi thoáng đãng để cho nhiều người đi lại và nghỉ chân, đi mà không chán nản mệt mỏi, có nhiều hoa trái và những vật có thể ăn. Những điều như vậy gọi là tướng con đường tốt lành, ngược lại với tướng này thì gọi là tướng xấu ác. Nơi này gọi là nơi mọi người dừng lại nghỉ ngơi ăn uống. Nơi kia gọi là từ nơi này đến nơi khác, hoặc ở giữa hai nơi trú ngụ cũng gọi là nơi khác. Chuyển đường có nghĩa là thấy có đường rẽ. Đến khu thành rộng lớn, là nên đi đường này mà nên bỏ những đường khác. Từ lương là những thức ăn trên đường đi như bột rang trộn mật-bánh khô… Đại lực là thế lực mạnh mẽ, có nhiều tiền bạc của cải, hiểu thông thạo cách thức sửa trị. Chuẩn bị đầy đủ là có nhiều đồ ăn thức uống, không có gì thiếu hụt. An là không có những sự cố do giặc cướp làm cho sợ hãi. Ổn là không có bệnh tật-đau khổ-lo sợ suy sụp, khu thành rộng lớn là nơi chứa được nhiều người, có thể khiến cho nhiều người đến được khu thành rộng lớn, người dẫn đường hiểu thông thạo tướng trạng của con đường để chính mình không gặp hoạn nạn, cũng làm cho mọi người không xảy ra hoạn nạn gì. Vốn am hiểu thông thạo con đường, cho nên không có những tai họa do lạnh lẽo, nóng bức, đói ăn-khát uống, giặc cướp-kẻ thù, thú dữ-sâu độc, núi cao-sông sâu, hầm hố gai góc… làm cho tổn hại. Tại vì sao? Bởi vì biết thông thạo tướng trạng tốt xấu của con đường. Lấy điều này để dụ cho địa Hoan Hỷ cùng tất cả mười địa. Như người đi trên đường, đi mãi không dừng lại thì có thể đến được khu thành rộng lớn. Như vậy Bồ tát thực hành mười địa này, đến được pháp của Phật mà tiến vào khu thành Niết bàn rộng lớn. Như con đường tốt đẹp kia có nhiều củi đun-đồng cỏ và nguồn nước…, người đi trên đường ấy không thiếu thốn gì. Đồng cỏ-nguồn nước có nghĩa là như người cỡi ngựa đi đường xa, có nhiều cỏ ngon-nước mát làm cho sức ngựa mạnh mẽ thêm, công đức của đạo mười địa cũng như vậy. Đế-xả-Diệt-Tuệ là bốn thắng xứ, hỗ trợ các công đức cho nên gọi là cỏ. Tại vì sao? Bởi vì như người coi trọng đối với sự thật thì vui lòng thuận theo lời chân thật, nên gần gũi người nói lời chân thật, thấy thật sự có lợi ích mà vui lòng thuận theo sự thật; rất ghét nói dối mà rời xa nói dối, thấy lỗi lầm nói dối cho nên không muốn nghe. Những nhân duyên như vậy đạt được thắng xứ của Đế, ba thắng xứ của Xả-diệt-Tuệ cũng nên biết như vậy. Như con đường tốt đẹp kia cần phải có các loài voi-ngựa-trâu-lừa mới đến được khu thành rộng lớn nhờ vào cỏ trợ giúp thành tựu được sức mạnh của chúng. Bốn thắng xứ là Đế-Xả-Diệt-Tuệ cũng như vậy, có năng lực khiến cho đến được pháp của Phật mà tiến vào khu thành rộng lớn của Niết bàn. Củi đun có nghĩa là nhiều Văn-Tư-Tu tuệ có năng lực đạt đến sự nghiệp trí tuệ vĩ đại, như củi đun có thể làm cho lửa cháy, cũng làm cho bừng cháy mạnh mẽ. Như vậy Văn-Tư-Tu tuệ có năng lực phát sinh trí tuệ vĩ đại, có năng lực làm cho tăng trưởng. Như ngọn lửa có thể đốt cháy, có thể đun nấu, có thể chiếu sáng; ngọn lửa trí tuệ cũng như vậy, đốt cháy những phiền não, thành thục những thiện căn, chiếu sáng bốn Thánh đế. Như ngọn lửa là trí tuệ, củi đun là các pháp có năng lực phát sinh trí tuệ. Nhiều nguồn nước có nghĩa là có nhiều dòng sông-khe suối rộng lớn, tùy ý lấy sử dụng đầy đủ cho mọi người, khe nhỏ-giống hồ vốn không có thể như vậy.

Vả lại, nhiều nguồn nước thì giống như người đi thuyền thuận theo dòng nước mà đến được khu thành rộng lớn, nước của giếng hồ đầm ao thì không có thể được như vậy. Như kinh nói: “Niềm tin là sông lớn, phước đức là bờ sông. Như dòng sông trừ được nóng bức-trừ cơn cháy khát- trừ sạch dơ bẩn, luôn luôn phát sinh thế lực; niềm tin trong thiện pháp cũng như vậy, có năng lực diệt hết nóng bức của ba độc, trừ bỏ dơ bẩn của ba ác hạnh, trừ bỏ khát ái của ba cõi, là Niết bàn rỗng lặng”. Ở trong thiện pháp có được thế lực, như con đường tốt đẹp kia có nhiều loại cỏ thuốc-cây mát thì người đi đường không thiếu thốn gì; đạo của mười địa cũng như vậy.

Căn có nghĩa là sự yêu quý sâu sắc trong tâm, như có gốc rễ thì sinh ra mầm non, lớn lên thành thân cành nhánh lá và các loại hoa trái. Tâm hết sức yêu quý đạo, phát sinh các công đức của chánh ức niệmđại nguyện…

Cỏ thuốc có nghĩa là các Ba-la-mật, như cỏ thuốc có năng lực diệt trừ các độc tố, các Ba-la-mật là cỏ thuốc diệt trừ độc tố của tham-sân-si và các bệnh phiền não cũng lại như vậy.

Như con đường tốt đẹp kia không lạc mất phương hướng (Vi-bàđà) thì đi đường được yên ổn. Vi-bà-đà thời Tần nói là Vô Đối Nghĩa, chính là dấu hiệu dẫn đường (Phù hịch). Như người đi đường không lạc mất dấu hiệu dẫn đường, thì nơi muốn đến không có gì chướng ngại; đạo của người địa cũng như vậy, không lạc mất phương hướng thì đến được nơi chốn, đi qua các địa mà tích tụ thiện căn thì có thể tùy ý hỗ trợ thành tựu. Tăng trưởng thiện căn hiện tại, người ấy còn có năng lực giáo hóa cho chúng sinh thuộc đạo Thanh văn, đạo Bích-chi-Phật và đạo chư Thiên cõi Dục-cõi Sắc, khiến được trú trong Phật đạo, hoặc là ma-hoặc ngoại đạo không có thể làm rối loạn được, đó gọi là không lạc mất phương hướng.

Như con đường tốt đẹp kia không có các loại ruồi muỗi-sâu bọ độc hại, đạo của mười địa cũng như vậy, không có tiếng khóc lóc ưu sầu.

Như con đường tốt đẹp kia không có nạn giặc cướp, đạo của mười địa cũng như vậy, không có giặc năm cái và các loại giặc phiền não xấu ác. Như Đức Phật bảo với Tỳ-kheo: “Giặc cướp xóm làng, đó gọi là năm Cái. Như giặc cướp, trước tiên cướp đoạt đồ vật của người, sau đó mới làm hại mạng sống; giặc năm cái cũng như vậy, trước tiên chúng cướp đoạt thiện căn, sau mới đoạn mất tuệ mạng, sẽ bị rơi vào hố phóng dật mà chết.

Như giữa con đường không có sư tử-hổ báo và các loài thú dữ, đạo của mười địa cũng như vậy, không có sự sân hận-tranh chấp.

Như sư tử cùng các loài thú dữ thường làm não hại loài khác, sân hận cũng làm não hại người khác, chúng sinh vốn cũng lại như vậy. Như các loài thú dữ ăn thịt uống máu, sân hận cũng ăn thịt của tuệ đa vănuống máu của tu tuệ…, cũng lại như vậy.

Như con đường tốt đẹp kia không có những tai họa xấu của hạnh lạnh lẽo-nóng bức, đạo của mười địa như vậy, không rơi vào địa ngục băng giá cho nên không có tai họa ác hiểm của lạnh lẽo, không rơi vào địa ngục lửa thiêu cho nên không có tai họa ác hiểm của nóng bức.

Như con đường tốt đẹp kia không có những hiểm nạn của hố sâuhang tối…, đạo của mười địa cũng như vậy, không có những hiểm nạn khổ hạnh của các ngoại đạo đó là ngâm thân vào trong băng giá, nhổ râu tóc, ngày tắm ba lần, đứng co một chân, ngày ăn một bữa, hai ngày ăn một bữa, thậm chí một tháng ăn một bữa, im lặng đến chết, thường đưa một cánh tay lên cao, thường thực hành nhẫn nhục, nằm hơi nóng nướng thân, nằm trên gai nhọn, vào trong lửa, ngâm trong nước, từ trên núi cao lao xuống, đứng trong lò sâu dùng phân trâu đốt cháy thân thể, đi thằng về một phía không tránh mọi tai nạn, thường mặc áo quần ướt, thường nằm trong nước…, làm cho thân tâm đau khổ vô cùng nhưng không đạt được chánh trí. Không có những điều như vậy cho nên gọi là không có hiểm nạn.

Như con đường không có ngã rẽ quanh co, đạo của mười địa cũng

như vậy, không có ác nghiệp của thân miệng ý, cho nên gọi là không có ngã rẽ quanh co.

Như con đường không có gai góc, đạo của mười địa cũng như vậy, không có gai góc của các nghiệp chướng, cho nên gọi là không có gai góc. Như gai nhọn đâm vào chân thì đường đi bỏ dở nửa chừng, gai góc của nghiệp chướng làm trở ngại sự thực hành pháp Phật tiến vào cõi Niết bàn.

Như con đường thẳng tắp, đạo của mười địa cũng như vậy, không có tất cả mọi tâm lý dua nịnh lừa dối quanh co, cho nên gọi là thẳng tắp.

Như con đường ít ngã rẽ, đạo của mười địa cũng như vậy, rất ít có những đạo lý kỳ dị. Tại vì sao? Bởi vì phát tâm Đại thừa thì ít thực hành theo đạo lý của Thanh văn và Bích-chi-Phật, cho nên rất ít có những đạo lý kì dị. Hoặc có Bồ tát thực hành đạo lý của Nhị thừa, thì nên biết rằng chưa đến phạm vi của Bồ tát, chưa tiến vào phần vị chính thức, mà thực hành công hạnh gần phạm vi của Bồ tát.

Như con đường tốt đẹp kia không có những rừng rậm làm trở ngại, đạo của mười trú cũng như vậy, không có những rừng rậm của ác nghiệp và năm dục.

Hỏi: Tại sao không nói là cũng không có rừng rậm của năm dục, mà chỉ nói là không có rừng xấu ác?

Đáp: Người phát tâm Đại thừa, là nhân duyên phước đức có được năm dục bậc nhất, vì vậy không thể nói là không có, mà chỉ nói không có ác nghiệp thôi. Vả lại, như rừng rậm hun hút, khó tiến vào và khó vượt qua vì có nhiều tai họa làm chướng ngại, năm dục của Bồ tát thì không phải như vậy, không giống như phàm phu đối với năm dục sinh ra những lỗi lầm tai họa, như vậy cho nên chỉ nói là không có rừng rậm.

Như con đường rộng rãi thoáng đãng, chứa được nhiều người không làm trở ngại cho nhau, đạo của mười trú cũng như vậy, tiếp nhận được rất nhiều, vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh cùng phát tâm đạo vô thượng mà không làm trở ngại đến nhau. Trăm ngàn vạn ức chúng sinh này, hoặc tất cả chúng sinh cùng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng thực hành đạo lý này nhưng không làm trở ngại cho nhau.

Như con đường nhiều người đi lại, đạo của mười trú cũng như vậy, hằng hà sa số Chư Phật quá khứ và hiện tại, lúc thực hành Bồ tát đạo đều thực hành đạo lý này.

Như con đường tốt đẹp kia, người đi không mệt mỏi chán nản, đạo

của mười trú cũng như vậy, có nhiều những niềm vui của nhân quả, đó gọi là nhiều đời thọ nhận quả báo trong đường trời-người, vui với sự ly dục cho nên thọ nhận niềm vui hoan hỷ-niềm vui thiền định-niềm vui vô hỷ-niềm vui hiện tại, có được những niềm vui này cho nên không có sự mệt mỏi chán nản.

Như con đường tốt đẹp kia có nhiều cây cối hoa trái, đạo của mười trú cũng như vậy, có nhiều cây cối hoa trái. Cây là ba thiện căn, hoa là đóa hoa của bảy giác. Như kinh nói: ‘Bảy hoa chính là bảy giác ý”. Trái chính là bốn quả Sa-môn. Không có những lỗi lầm sai trái ở trên con đường tốt đẹp như vậy, cho nên gọi là xa lìa điều ác.

Như người dẫn đường biết rõ trong con đường, trong đoạn này nên ăn uống, nơi này nên dừng chân, chỗ kia cũng nên nghỉ qua đêm; Bồ tát thực hành mười địa cũng như vậy, biết nơi nào có thể nghỉ lại, nơi nào có thể ăn uống. Nơi có thể nghỉ lại gọi là nơi có Chư Phật hiện tại. Nơi có thể ăn uống gọi là nơi có thể tu tập thiện pháp. Như ăn uống luôn luôn có lợi ích cho các căn, cũng giúp cho thọ mạng tồn tại; các thiện pháp cũng như vậy, có năng lực làm lợi ích cho các căn như Tín…, và giúp cho tuệ mạng được thành tựu. Nơi khác cũng có thể nghỉ lại, nghĩa là từ trú xứ Đức Phật ấy đến trú xứ Đức Phật khác. Vả lại, giữa quốc độ của Đức Phật này và quốc độ của Đức Phật kia, cũng gọi là nơi khác. Khéo léo biết thay đổi con đường, như người dẫn đường ấy biết con đường không yên ổn thì lập tức chuyển sang đường khác; Bồ tát cũng như vậy, biết rành mạch là đạo này đến Thanh văn, đạo này đến Bíchchi-Phật, đạo này đến của Phật, biết như vậy rồi rời bỏ đạo Thanh văn và đạo Bích-chi-Phật, chỉ thực hành đạt đến Phật đạo.

Như con đường tốt đẹp kia có nhiều ăn thức uống; đạo của mười trú cũng như vậy, thực hành nhiều về Bố thí-trì giới-tu thiền. Như người dẫn đường kia dùng tiền bạc của cải, có năng lực thành thạo các pháp sửa trị, có thế lực to lớn; Bồ tát cũng như vậy, có tiền bạc của cải pháp sửa trị cho nên có thế lực to lớn. Tài vật là bảy loại tài sản, đó gọi là Tín-Giới-Tàm-Quý-Văn-Xả và Tuệ. Pháp sửa trị là tất cả các ma, các loại Sa-môn Bà-la-môn, luận sư ngoại đạo đều có năng lực phá tan làm cho phải khuất phục, đó chính là uy thế. Như khu thành rộng lớn kia không có giặc thù-tật bệnh-chết bất ngờ và các loại khổ não hư hoại, cho nên gọi là an ổn; khu thành Niết bàn rộng lớn cũng như vậy, không có các loại ma quân ngoại đạo, không có những dòng chảy của tham dục-sân hận-phóng dật-chết-ưu bi khổ não-than khóc nỉ non, cho nên gọi là an ổn. Như khu thành rộng lớn kia có nhiều đồ ăn thức uống cho nên gọi là dồi dào đầy đủ; khu thành Niết bàn cũng như vậy, có nhiều pháp sâu xa là thiền định-giải thoát và Tam muội, cho nên gọi là dồi dào đầy đủ. Như khu thành rộng lớn kia tiếp nhận rất nhiều cho nên gọi là rộng lớn. Giả sử tất cả chúng sinh không tiếp nhận các pháp, đều tiến vào Niết bàn vô dư, mà tánh Niết bàn không tăng-không giảm.

Như người dẫn đường kia có năng lực dẫn dắt nhiều người, khiến cho tất cả được an ổn, bởi vì chỉ rõ con đường tốt đẹp cho nên gọi là người dẫn đường; Bồ tát cũng như vậy, khéo léo dẫn dắt chúng sinh, chỉ rõ chánh pháp của Phật, chỉ rõ đạo quả Niết bàn, từ đường hiểm nạn của sinh tử đến được xứ sở Niết bàn, cho nên gọi là bậc Đại Đạo sư.

Như người dẫn đường kia biết thông thạo trạng thái của con đường, cho nên mình và những người khác đều không có gì xấu ác; Bồ tát cũng như vậy, tự mình không đi vào hố sâu của tham-sân-si, của các triền cái, của các ác nghiệp-khổ-hạnh-già chết, cũng không rơi vào địa ngục-ngạ quỷ đầy khổ đau của lạnh-nóng bức bách, cho nên gọi là chính mình không gặp phải điều ác mà người đi theo mình cũng không gặp phải điều ác. Vì vậy trong kệ nói: Khéo léo biết rõ tướng trạng của con đường, tự mình không gặp phải điều ác, người khác cũng không gặp điều ác.

 

Phẩm 27: NÓI GỌN VỀ HẠNH

Bồ tát thuộc về địa Hoan Hỷ,

Nay đã giải thích sơ lược rồi,

Bồ tát an trú trong địa này,

Nhiều đời làm vua cõi Diêm Phù.

Thường xa rời tham lam keo kiệt,

Không mất ý niệm về Tam Bảo,

Tâm luôn luôn nguyện được làm Phật,

Cứu độ cho tất cả chúng sinh.

Địa thứ nhất gọi là Hoan Hỷ, đã giải thích sơ lược rồi. Pháp của Chư Phật là vô lượng vô biên, đều lấy địa này làm gốc. Nếu giải thích rộng ra thì cũng vô lượng vô biên, vì vậy chỉ nói là giải thích sơ lược Bồ tát an trú trong địa này, nhiều đời làm chuyển luân vương có thế lực cai quản cõi Diêm-phù-đề, nhân duyên ở đời trước tu tập địa này, tin và thích Bố thí, không có tâm tham lam keo kiệt, thường cúng dường Tam bảo cho nên không mất ý niệm đối với Tam bảo, thường nghĩ đến làm Phật để cứu độ cho các chúng sinh. Những ý niệm thiện như vậy luôn luôn ở trong tâm. Lại nữa.

Nếu như mong muốn được xuất gia,

Tâm chịu khó thực hành tinh tiến,

Có thể đạt được nhiều pháp định,

Được thấy rất nhiều Phật Thế Tôn,

Có thể chấn động nhiều thế giới,

Bay đi tự tại cũng như vậy.

Nếu như muốn phát ra ánh sáng,

Có thể soi chiếu mọi thế giới,

Giáo hóa hàng trăm loại chúng sinh,

Có thể trí thọ mạng trăm kiếp,

Có thể chọn lấy hàng trăm pháp,

Có thể biến hóa làm trăm thân,

Có thể biến hóa trăm Bồ tát,

Thị hiện làm quyến thuộc của mình,

Lợi căn vượt qua số lượng này,

Nhờ vào thần lực Chư Phật.

Đã nói về tướng của Sơ địa,

Quả-lực-tịnh và pháp đối trị,

Nay sẽ tiếp tục giải thích thêm,

Về địa thứ hai là vô cấu.

Quả nghĩa là đạt được hàng trăm pháp định, được thấy hàng trăm Đức Phật… Thế lực, nghĩa là có thể giáo hóa hàng trăm loại chúng sinh. Nghĩa còn lại trong kệ đã giải thích ở trước, không cần phải giải thích phần kệ còn lại. Nay sẽ tiếp theo giải thích về địa thứ hai là Vô cấu.

Hỏi: Ông muốn giải thích rộng về pháp thực hành của Bồ tát, nghĩa của địa thứ nhất hãy còn nhiều, sợ rằng những người học vì chuyển sang rộng thêm thì sinh tâm lười nhác không có năng lực học thuộc lòng được, vì vậy nay ông nên giải thích sơ lược về các pháp thực hành của Bồ tát cho những người không có năng lực học thuộc lòng nhiều điều, được hay không?

Đáp:

Tất cả các pháp của Bồ tát,

Là pháp đều cần phải thực hành,

Tất cả điều ác nên từ bỏ,

Đây gọi là giải thích sơ lược.

Như trong các phẩm trên đây đã nói, pháp có năng lực phát sinh và có năng lực tăng trưởng của các địa. Như trong các phẩm trên nói, hoặc ở nơi khác nói, đều cần phải làm cho phát sinh thiện căn của Bồ tát, những điều lầm lỗi xấu ác đều cần phải rời xa, đó gọi là nói sơ lược về pháp cần phải thực hành của Bồ tát. Như trong Pháp Cú nói: Đừng làm những điều ác, hãy làm mọi điều thiện, tự thanh tịnh tâm ý, là lời Chư Phật dạy. Có một pháp thâu nhiếp được Phật đạo Bồ tát nên thực hành. Thế nào là một? Đó gọi là ở trong pháp thiện nhất tâm không phóng dật. Như Đức Phật bảo với A-nan: “Ta không phóng dật, cho nên đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Như nói:

Không phóng dật mà thành quả Phật,

Thế gian không có ai sánh bằng,

Nếu như luôn luôn không phóng dật,

Thì không có việc gì không thành.

Lại có hai pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo:

  1. Không phóng dật.
  2. Trí tuệ.

Như nói:

Trí tuệ không bao giờ phóng dật,

Phật dạy là cửa ngỏ lợi ích,

Không thấy người nào không phóng dật,

Mà việc làm không được thành tựu.

Lại có ba pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo:

  1. Giới học thù thắng.
  2. Tâm học thù thắng.
  3. Tuệ học thù thắng.

Như nói:

Giới phát sinh Tam muội trước tiên,

Tam muội phát sinh được trí tuệ,

Trí tuệ phá tan mọi phiền não,

Như gió thổi mây trôi bốn phía.

Lại có bốn pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo:

  1. Xứ sở của Đế.
  2. Xứ sở của Xả.
  3. Xứ sở của Diệt.
  4. Xứ sở của Tuệ.

Như nói:

Đế-xả và định đều đầy đủ,

Được trí tuệ sắc bén thanh tịnh,

Tinh tiến mong cầu đạo của Phật,

Nên tích tụ đủ bốn pháp này.

Lại có năm pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo:

  1. Tín căn.
  2. Tinh tiến căn.
  3. Niệm căn.
  4. Định căn.
  5. Tuệ căn.

Như nói:

Tín căn-Tinh tiến căn-Niệm căn,

Định căn và Tuệ căn kiên cố,

Pháp này kết hợp với Đại Bi,

Cuối cùng không lui sụt Phật đạo.

Giống như người có được năm căn,

Có năng lực thông suốt năm trần,

Như có được các căn Tín-Tiến…,

Có thể thông hiểu tướng các pháp.

Lại có sáu pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo. Đó là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ Ba-la-mật. Như nói:

Sáu độ như trước đã giải thích,

Làm cho các phiền não hàng phục,

Luôn luôn tăng trưởng các thiện căn,

Không bao lâu sẽ được thành Phật.

Lại có bảy pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo. Đó là bảy chánh pháp: Tín, Tàm, Quý, Văn, Tinh tiến, Niệm Tuệ.

Như nói:

Muốn có được bảy pháp chân chính,

Nên vui với thiền định tinh tiến,

Loại bỏ hết bảy pháp tà vạy,

Luôn luôn biết rõ các công đức.

Người này có năng lực đạt được,

Quả vị Phật vô thượng Bồ đề,

Cứu người đang chìm trong sinh tử,

Đưa đến nơi bến bờ yên ổn.

Lại có tám pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo. Đó là tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân: Ít ham muốn, biết vừa đủ, xa lìa, tinh tiến, niệm, định, tuệ, vui với không hý luận. Như nói:

Nếu người có tâm quyết định trú,

Trong tám điều giác bậc Đại nhân,

Vì mong cầu thành tựu Phật đạo,

Loại bỏ những giác quán xấu ác.

Người như vậy thì không bao lâu,

Nhanh chóng chứng được đạo Vô thượng,

Nếu như người thực hành điều thiện,

Chắc chắn cảm được quả tốt đẹp.

Lại có chín pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo. Đó là Đại Nhẫn, Đại từ, Đại Bi, Tuệ, Niệm, Tâm kiên cố, không có tham, không có sân, không có si. Như nói:

Có đầy đủ đối với Đại Nhẫn,

Cùng với Đại Từ và Đại Bi,

Lại có năng lực trú vào Tuệ,

Trong Niệm và Tâm luôn kiên cố,

Tâm sâu xa hợp với thiện căn,

Không tham-không sân và không si,

Nếu người có năng lực như vậy,

Thì Phật đạo chắc chắn thành tựu.

Lại có mười pháp có thể thâu nhiếp Phật đạo. Đó là mười thiện đạo, tự mình không sát sinh, không bày người khác sát sinh, thấy sát sinh thì tâm không khen ngợi, thấy sát sinh thì tâm không vui, cho đến tà kiến cũng như vậy. Đem phước đức này hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như nói:

Không làm não hại với chúng sinh,

Cũng không làm ác nghiệp trộm cướp,

Không tà dâm xúc phạm vợ người,

Ba điều này là nghiệp của thân.

Không nói dối-không nói hai lưỡi,

Không nói thô ác-nói thêm bớt,

Không tham lam-sân hận-tà kiến,

Bảy điều này là nghiệp miệng-ý

Như vậy thì có thể mở toang,

Cửa ngõ của Phật đạo vô thượng,

Nếu người muốn chứng được quả Phật,

Nên thực hành pháp này đầu tiên.

Những pháp như vậy, Bồ tát nên làm cho phát sinh, phát sinh rồi thì nên giữ gìn, giữ gìn rồi nên làm cho tăng trưởng, đối với một điều thiện làm cho tăng thêm một điều, cũng cần phải biết! Người cầu Phật đạo, đối với một pháp ác phải mau chóng lìa xa, đó là gọi là xa không phóng túng. Như nói:

Nếu người không có thể vượt qua,

Con đường hiểm ác của sinh tử,

Sự việc xấu xa tội lỗi này,

Là điều đáng bị chỉ trích nhất.

Tuy cầu mong niềm vui giàu có,

Mà sinh trong gia đình nghèo hèn,

Không có thể gieo trồng phước thiện,

Làm tôi tớ cho người sai khiến,

Nhân duyên đã dẫn đến khổ quả,

Đều bởi vì tự mình phóng túng,

Vì vậy cho nên người có trí,

Nhanh chóng rời xa như ác độc,

Nếu như chưa thành tựu Đại Bi,

Pháp nhẫn vô sinh và Bất thối,

Mà luôn luôn làm điều phóng túng,

Vậy thì gọi là đã chết rồi.

Lại có hai lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Tham theo Thanh văn thừa.
  2. Tham theo Bích-chi-Phật thừa.

Như Đức Phật nói:

Nếu rơi vào phạm vi Thanh văn,

Và phạm vi của Bích-chi-Phật,

Thì gọi là Bồ tát đã chết,

Cũng gọi là mất đi tất cả.

Tuy rơi vào trong chốn địa ngục,

Nhưng không cần sinh lòng sợ hãi,

Nếu rơi vào phạm vi nhị thừa,

Thì Bồ tát vô cùng sợ hãi.

Tuy rơi vào trong chốn địa ngục,

Nhưng không vĩnh viễn ngăn Phật đạo,

Nếu rơi vào phạm vi Nhị thừa,

Thì cuối cùng ngăn mất Phật đạo.

Đức Phật dạy người quý mạng sống,

Chặt đầu thì vô cùng sợ hãi,

Như vậy mong muốn được làm Phật,

Nên vô cùng sợ hãi Nhị thừa.

Lại có ba lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Ghét các vị Bồ tát.
  2. Ghét việc làm của Bồ tát.
  3. Ghét kinh Đại thừa rất sâu sắc.

Như nói:

Trí Tiểu thừa dùng duyên Tiểu thừa,

Oán ghét đối với các Bồ tát,

Cũng oán ghét đạo của Bồ tát,

Cũng oán ghét kinh điển Đại thừa.

Vì không hiểu cho nên không tin,

Rơi vào trong địa ngục muôn đời,

Sợ hãi kêu gào rất thảm thiết,

Sự việc này cần phải lìa xa.

Lại có bốn lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Nịnh hót.
  2. Quanh co.
  3. Tánh nóng nảy.
  4. Không có lòng thương xót.

Như nói:

Tự cho rằng mình là Bồ tát,

Nhưng tâm nhiều nịnh hót quanh co,

Tánh nóng nảy không hề tha thứ,

Không thực hành tâm thương xót ai,

Là gần bên địa ngục A-tỳ,

Rời bỏ Phật đạo rất xa xôi.

Lại có năm lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Tham dục.
  2. Sân hận.
  3. Ngủ nghỉ.
  4. Bỡn cợt.
  5. Nghi ngờ.

Đây gọi là năm cái che kín tâm tư.

Như nói:

Nếu như người làm điều phóng túng,

Thì các cái che kín tâm tư,

Sinh lên cõi trời hãy còn khó,

Huống gì mong chứng được đạo quả?

Nếu chịu khó thực hành tinh tiến,

Thì có thể xé toạc các cái,

Nếu có thể toạc các cái,

Thì tùy nguyện đều được thành tựu.

Lại có sáu lỗi lầm cùng với sáu Ba-la-mật trái ngược nhau, phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Tham lam keo kiệt.
  2. Phá giới.
  3. Sân hận.
  4. Lười nhác.
  5. Bỡn cợt.
  6. Ngu si.

Như nói:

Tâm tham lam keo kiệt dơ bẩn,

Phá giới mà lại còn lười nhác,

Như loài trâu-dê chẳng biết gì,

Dễ sân hận như loài rắn độc,

Tâm hỗn loạn như loài vượn khỉ,

Không có thể xa lìa các cái,

Sinh cõi trời thật là khó có,

Huống hồ mong chứng được Phật đạo?

Lại có bảy lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Thích nhiều công việc.
  2. Thích học thuộc nhiều thứ.
  3. Ưa ngủ nghỉ.
  4. Ưa nói chuyện.
  5. Tham đắm lợi dưỡng.
  6. Thường muốn làm cho người ta ưa thích.
  7. Mê muội đối với đạo mà tâm thuận theo ái hành. Như nói:

Người kém cỏi ưa thích nhiều chuyện,

Thích học thuộc lòng nhiều kinh khác,

Người ngu si ưa thích ngủ nghỉ,

Thích cùng nhau tụ tập chuyện trò,

Tuy nguyện ước mong được làm Phật,

Mà vô cùng đắm say lợi dưỡng,

Thì làm tôi tớ cho ân ái,

Mê muội đối với đạo vô thượng,

Những hạng người xấu xa như vậy,

Tự cho rằng mình là Bồ tát.

Lại có tám lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Tà kiến.
  2. Tà tư duy.
  3. Tà ngữ.
  4. Tà nghiệp.
  5. Tà mạng.
  6. Tà phương tiện.
  7. Tà niệm.
  8. Tà định.

Như nói:

Nếu như có người thật ngu si,

Thực hành đối với tám tà đạo,

Học theo các kinh pháp tà vạy,

Thích chạy theo những hạng thầy tà,

Lìa xa đối với tám Thánh đạo,

Những công đức hết sức vi diệu,

Cố chấp sâu trong những phiền não,

Mà lại nguyện thành tựu Bồ đề,

Những hạng người ngu si như vậy,

Mong muốn vượt qua được biển rộng,

Mà rời bỏ con thuyền vững chắc,

Ôm đá mong cầu vượt qua ư?

Lại có chín lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa:

  1. Không nghe đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
  2. Nghe rồi nhưng không tin.
  3. Nếu có tin mà không tiếp nhận.
  4. Nếu có tiếp nhận nhưng không trì tụng.
  5. Nếu có trì tụng nhưng không biết nghĩa lý.
  6. Nếu có biết cũng không nói.
  7. Nếu có nói mà không làm như lời nói.
  8. Nếu có làm như lời nói mà không có thể làm thường xuyên.
  9. Nếu có thể làm thường xuyên mà không có thể làm cho khéo léo.

Như nói:

Người ngu si không mong được nghe,

Đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác,

Nghe rồi không thể nào tin được,

Cũng không có năng lực tụng trì,

Không biết nghĩa lý cũng không nói,

Không thực hành như lời đã nói,

Không có thể thường xuyên khéo làm,

Không có ý niệm về an tuệ.

Những hạng người ngu si như vậy,

Không có thể chứng được đạo quả,

Giống như người có nhiều tội ác,

Không mong được sinh lên cõi trời.

Lại có mười lỗi lầm phải nhanh chóng xa lìa.

Đó là mười bất thiện đạo.

Như nói:

Người ngu si vào lúc tuổi trẻ,

Tham ái mê mờ theo năm dục,

Rời bỏ tất cả người thiện đạo,

Làm đủ mười nghiệp đạo bất thiện,

Niềm vui cõi trời nắm trong tay,

Mà tự mình lại vứt bỏ mất,

Như tham chút lợi của tiền bạc,

Mà bỏ cả kho báu to lớn.

Hỏi: Lúc ông nói về tướng của đạo vô thượng, đủ các loại nhân duyên trách mắng về Bồ tát phát nguyện suông, tự cho rằng mình là Bồ tát, chỉ có tên gọi Bồ tát hảo huyền. Nếu cả ba loại này không gọi là Bồ tát, thì thành tựu pháp nào mới gọi là Bồ tát thật sự?

Đáp:

Không những là phát nguyện hảo huyền,

Tự cho rằng mình là Bồ tát,

Ngay cả tên gọi là Bồ tát,

Nói sơ lược có thể thành tựu,

Thực hành đủ ba mươi hai pháp,

Mới gọi là Bồ tát thật sự.

Nếu người phát tâm mong cầu Phật đạo, tự cho rằng mình là Bồ tát, tiếp nhận danh hiệu trống rỗng chứ không thực hành những công đức, không có tâm Từ Bi, không đầy đủ các hạnh Ba-la-mật…, thì không gọi là Bồ tát, như khu thành bằng đất mà gọi là khu thành quý báu, thì chỉ tự lừa dối mình, cũng lửa dối Chư Phật, và cũng lừa dối chúng sinh ở thế gian. Nếu người có đầy đủ ba mươi hai pháp tuyệt diệu, cũng có năng lực phát nguyện, thì gọi là Bồ tát chân thật. Những gì là ba mươi pháp? Đó là:

  1. Tận đáy lòng cầu mong mọi điều an lạc cho tất cả chúng sinh.
  2. Có năng lực tiến vào trong trí của Chư Phật.
  3. Tự biết tường tận là mình có thể được làm Phật hay không làm Phật.
  4. Không ghét kẻ ác.
  5. Đạo tâm kiên cố.
  6. Không dựa vào tình thân ái mà kết bạn giả dối.
  7. Thậm chí không nhập Niết bàn mà thường vì chúng sinh làm bạn thân.
  8. Người thân kẻ sơ chung một tâm bình đẳng.
  9. Đã hứa làm điều thiện thì tâm không thay đổi.
  10. Không đoạn mất lòng Đại Từ đối với tất cả chúng sinh.
  11. Không đoạn mất lòng Đại Bi đối với tất cả chúng sinh.
  12. Tâm thường cầu chánh pháp mà không mỏi mệt uể oải.
  13. Thường xuyên phát tâm tinh tiến không cảm thấy thỏa mãn.
  14. Nghe nhiều mà hiểu rõ nghĩa lý.
  15. Thường tự kiềm điểm sai lầm của mình.
  16. Không gièm pha khuyết điểm của người.
  17. Ở trong tất cả mọi điều thấy nghe luôn luôn tu tâm Bồ đề.
  18. Bố thí không cầu đền đáp.
  19. Trì giới không cầu tất cả mọi nơi sinh ra.
  20. Nhẫn nhục không sân hận làm trở ngại đối với tất cả chúng sinh.
  21. Có năng lực chịu khó tinh tiến tu tập tất cả thiện căn.
  22. Không thuận theo định Vô sắc mà sinh ra.
  23. Nhờ vào phương tiện mà thâu nhiếp trí tuệ.
  24. Nhờ vào bốn nhiếp pháp mà thâu nhiếp phương tiện.
  25. Trì giới và phá giới đều thương xót như nhau.
  26. Một lòng nghe pháp.
  27. Một lòng trụ nơi A-lan-nhã.
  28. Không thích các loại sự việc tạp loạn của thế gian.
  29. Không tham chấp Tiểu thừa.
  30. Thấy lợi ích của Đại thừa là to lớn.
  31. Lìa xa những hạng ác tri thức.
  32. Gần gũi với bậc thiện tri thức.

Bồ tát trú trong ba mươi hai pháp này, có năng lực thành tựu bảy pháp, đó là: Bốn Vô lượng tâm, có năng lực du hý với năm loại thần thông thường dựa vào trí, thường không rời bỏ mọi chúng sinh dù thiện hay ác, nói những lời quyết định, nói ra chắc chắn đều là sự thật, tích tập tất cả các thiện pháp mà tâm không có gì thỏa mãn. Đây là ba mươi hai pháp, là bảy pháp quan trọng, Bồ tát thành tựu những pháp này, thì gọi là Bồ tát chân thật.

 

Phẩm 28: PHÂN BIỆT NGHIỆP ĐẠO CỦA ĐỊA THỨ HAI

Phần 1

Các vị Bồ tát đã có được,

Đầy đủ đối với địa thứ nhất,

Mong muốn đạt được địa thứ hai,

Trước hết phát sinh mười loại tâm.

Các Bồ tát đã đạt được địa thứ nhất là Hoan Hỷ, vì đạt được địa thứ hai cho nên phát sinh mười loại tâm, nhờ vào mười tâm này có thể đạt được địa thứ hai, như người muốn lên lầu cao thì phải nhờ vào bậc thang mà trèo lên.

Hỏi: Những gì là mười tâm làm phương tiện đạt được địa thứ hai?

Đáp:

Tâm thẳng thắn-tâm có thể dùng,

Tâm mềm mỏng-thuần phục-vắng lặng,

Chân diệu-không lẫn tạp không tham,

Tâm rộng rãi-vĩ đại là mười.

Các Bồ tát đã đầy đủ đối với địa thứ nhất, muốn đạt đến địa thứ hai, thì nên phát sinh mười tâm phương tiện này.

  1. Tâm thẳng thắn.
  2. Tâm có thể sử dụng.
  3. Tâm nềm mỏng.
  4. Tâm hàng phục.
  5. Tâm vắng lặng.
  6. Tâm chân diệu.
  7. Tâm không xen tạp.
  8. Tâm không tham.
  9. Tâm rộng rãi.
  10. Tâm Đại thừa.

Tâm thẳng thắn là xa lìa dua nịnh quanh co, lìa xa dua nịnh quanh co cho nên trở nên mềm mỏng. Mềm mỏng thì không ngang ngạnh, thô lỗ dữ dằn. Bồ tát có được tâm mềm mỏng này, thì phát sinh các loại thiền định, cũng tu tập những thiện pháp; quán sát thật tướng của các pháp, thì tâm có thể sử dụng. Tâm có thể sử dụng cho nên phát sinh tâm thuần phục. Tâm thuần phục là có năng lực khéo léo làm cho các căn nhãn-nhĩ… phải hàng phục. Như kinh nói: “Thế nào là thiện đạo? Đó gọi là Tỳ-kheo hàng phục thì dễ dàng phát sinh tâm vắng lặng”.

Tâm vắng lặng, có năng lực diệt trừ các phiền não của tham dụcsân hận-ngu si. Trước tiên tâm được thuần phục rồi, sau đó ngăn chặn khiến được vắng lặng.

Lại có người nói: Đạt được các thiền định thì gọi là tâm vắng lặng. Như kinh nói: “Nếu người khéo léo biết rõ tướng của thiền định, không tham đắm ý vị của nó, thì gọi là tâm vắng lặng, đạt được tâm vắng lặng rồi, thì tâm chân diệu chắc chắn phát sinh.”

Tâm chân diệu là đối với mọi điều mong cầu từ trong thiền định dùng thần thông mà đạt được như ý, ví như vàng ròng tùy ý mà sử dụng. Hành giả đạt được tâm thẳng thắn cho đến tâm chân diệu rồi, vì giữ gìn tâm này cho nên vui mừng sinh tâm không lẫn tạp. Tâm không lẫn tạp là không làm theo tại gia hay là xuất gia. Người này dấy lên ý niệm như vậy: Mình có được những tâm như vậy, đều nhờ vào sức mạnh của thiền định, dùng những tâm này sẽ đạt được địa thứ hai cùng với vô lượng lợi ích, nếu lẫn tạp cùng với nhiều người thì mất đi lợi ích này. Tại vì sao? Bởi vì nếu như người thực hành lẫn tạp cùng với nhiều người, thì cả sáu căn có lúc trở lại phát sinh các pháp bất thiện. Tại vì sao? Bởi vì gần gũi với pháp có thể vấy nhiễm-có thể sân hận-có thể ngu si, các căn phát động làm cho lửa phiền não bùng lên, vì lửa phiền não bùng lên cho nên sẽ mất đi lợi ích này. Thấy rõ những lỗi lầm như vậy cho nên sinh tâm không lẫn tạp, không nên thực hành lẫn tạp với người tại gia hoặc xuất gia. Người này có được tâm không lẫn tạp này rồi, sau đó sinh tâm không tham lam. Tâm không tham lam, là ở giữa những người tại gia hoặc xuất gia, đối với Cha mẹ-Anh em-Hòa thượng-thầy dạy như mọi người xưng hô, không sinh lòng tham đắm, dấy lên ý niệm như vậy: Nếu mình đối với tại gia hoặc xuất gia sinh lòng tham đắm, thì nhất định phải qua lại thăm hỏi, mình làm sao còn có tâm không lẫn tạp được? Vì vậy mình cần phải làm cho các thiền định đều có ích lợi mà trú trong tâm không lẫn tạp, nên rời bỏ tâm tham đắm đối với tại gia hoặc xuất gia.

Hỏi: Pháp của Bồ tát là không nên rời bỏ chúng sinh, không nên sinh tâm rời bỏ, như trong phẩm Trợ Bồ đề nói:

Bồ tát lúc ban đầu tinh tiến,

Vốn có sức mạnh của phương tiện,

Cần phải làm cho các chúng sinh,

An trú vào trong pháp Đại thừa.

Nếu người dạy hằng sa chúng sinh,

Đều an trú quả vị La-hán,

Không bằng dạy bảo cho một người,

Trú trong pháp Đại thừa thù thắng.

Nếu như người thế lực yếu kém,

Không có thể phát tâm Đại thừa,

Lần lượt nên dạy cho an trú,

Thanh văn và Bích-chi-Phật thừa.

Nếu người không có thể an trú,

Thanh văn và Bích-chi-Phật thừa,

Cần phải dạy cho chúng sinh này,

Khiến thực hành nhân duyên phước thiện.

Không có thể trú trong Tam thừa,

Không cảm được niềm vui trời-người,

Thường dùng sự việc ngay đời này,

Thuận theo làm lợi ích cho họ.

Nếu như lại có những chúng sinh,

Không nhận lợi ích của Bồ tát,

Đối với hạng này không nên bỏ,

Cần phải sinh tâm Đại Từ Bi.

Tại sao ông nói Bồ tát có được tâm không lẫn tạp mà sinh tâm không tham đắm, nếu Bồ tát không tham đắm chúng sinh thì rời bỏ họ, làm sao có thể hóa độ?

Đáp: Nên tùy thuận với đạo của Bồ tát mà thực hành tâm Xả. Tại vì sao? Bởi vì người này dựa vào tâm Xả mà sinh tâm rộng rãi bao la, dấy lên ý niệm như vậy: Nếu mình rời bỏ chốn đông đúc ồn náo này thì sẽ đạt được thiền định, nhờ vào thiền định mà sinh ra pháp rộng rãi tuyệt vời, đạt được pháp này rồi thì sau đó có thể làm lợi ích cho chúng sinh, tốt đẹp gấp ngàn vạn lần bấy giờ. Vì vậy, muốn làm nhiều lợi ích cho chúng sinh mà tâm Xả trong thời gian ngắn, tạm thời rời bỏ chốn đông đúc ồn náo, sẽ đạt được thiền định và năm loại thần thông, cùng làm lợi ích cho chúng sinh. Tại sao Bồ tát thực hiện phương tiện như vậy? Bởi vì Bồ tát mong đạt được tâm vĩ đại mà dấy lên ý niệm như vậy: Người vĩ đại vui với lợi ích vĩ đại cho nên không còn lợi ích nhỏ nhoi, vì vậy nay mình đang cầu pháp của người vĩ đại, thuận theo mà tu học, phải chịu khó tinh tiến như vậy vì sự lợi ích vĩ đại, đó là các thiền định-thần thông-diệt khổ và giải thoát… Vì vậy điều ông nói là không đúng.

Hỏi: Trong địa thứ nhất đã có các pháp như tâm thẳng thắn…, tại sao lại nói Bồ tát muốn đạt được địa thứ hai thì phải phát sinh mười tâm?

Đáp: Địa thứ nhất tuy có những pháp này, nhưng chưa đạt đến niềm vui sâu sắc, chưa có ý chí kiên cố; ở trong địa thứ hai, tâm luôn luôn vui thích trở nên sâu sắc kiên cố, có thể tùy ý thực hiện có tác dụng, vì vậy ông chất vấn không đúng.

Hỏi: Nếu niềm vui sâu sắc và kiên cố đối với pháp này, thì đạt được điều gì khác nữa? Đáp:

Nếu như trong một lúc đạt được,

Tâm kiên cố-niềm vui sâu sắc,

Thì không cần phải dụng công nữa,

Như kiết sử luôn luôn đi theo.

Như kiết sử trong một lúc phát sinh mà luôn luôn đi theo con người. Bồ tát trong cùng một lúc đạt được tâm kiên cố và niềm vui sâu sắc như vậy rồi, thì luôn luôn đi theo, không cần phải tiếp tục dụng công mà phát sinh, hoặc dùng một chút nhân duyên thì phát sinh. Tại vì sao? Bởi vì gốc rễ ăn sâu trong lòng đất, cho nên cành nhánh cứ nối tiếp nhau mãi.

Hỏi: Nếu Bồ tát có được mười loại tâm này thì đạt được những quả gì? Đáp:

Nếu như có được những tâm này,

Chính thức trú trọng địa thứ hai,

Có đầy đủ ba loại ly cấu,

Rời mọi ác nghiệp và phiền não.

Nếu Bồ tát có được mười loại tâm này, thì gọi là trú trong địa Bồ tát thứ hai. Ly cấu thứ nhất, là tên gọi của địa. Ly cấu thứ hai, là ở trong địa này xa rời tội lỗi cấu trược của mười nghiệp đạo bất thiện. Ly cấu thứ ba, là xa rời các phiền não cấu trược như tham dục-sân hận-ngu si… Vì vậy gọi là Ly cấu. Vả lại, nghĩa của Ly cấu còn tiếp ở phần sau.