LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Mất tên người dịch – dựa theo sự sao chép đời Hậu Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 3
Phật bảo các Tỳ-kheo: “Với lòng đại từ của Phật, mong muốn sao cho đệ tử, biết đủ về nghĩa niệm Phật, cũng như người cha, đặt ra điều ước răn bảo con cháu, muốn cho chúng được thành tựu, không có không được. Để chuyên cần, tinh tấn niệm Phật, nên quán Như Lai, sao cho hình thể và mắt mình chưa từng xa rời, như A-nan quán Phật không biết nhàm chán, tâm niệm không bao giờ hết.”
Bấy giờ, trên lưng A-nan nổi lên mụt nhọt sưng đỏ. Đức Phật sai Kỳ-bà chữa trị cho A-nan. Kỳ-bà bạch Phật: “Con không dám dùng tay tiếp cận lưng A-nan”. Phật bảo Kỳ-bà:
– Chỉ chữa trị, chớ hoài nghi! Ta sẽ thuyết pháp cho A-nan nghe, để cho A-nan không có cảm giác đau nhức.
Như Lai bảo A-nan, hãy nhìn cho thật kỹ tướng tốt của Phật. Phật vì A-nan nói: “Thân Như Lai là vô số kim cương, không thể hư hoại, vì được hình thành do ba ngàn hai trăm công đức phước”.
A-nan chăm chú nhìn ngắm đức Phật, không mỏi, tai nghe Phật thuyết pháp không chán, với tâm niệm không phân tán. Lúc ấy, mụt nhọt trên lưng A-nan vỡ mủ ra, Kỳ-bà dùng cao thoa xức.
Phật hỏi A-nan: “Ông có cảm giác đau nhức trên lưng không?
A-nan đáp: Bạch Thế Tôn! Không có cảm giác.
Phật nói:
– Không có cảm giác đau nhức, ấy là do niệm Phật, mà bốn vô sở úy, và mười lực được thành.
Xưa có Trưởng giả, dẫn đứa ở đến lễ Thâu- bà và nói: “Nam mô Thập lực Thế Tôn”; đứa tớ đứng sau lễ nói: “Nam mô Thập nhất lực Như Lai”. Trưởng giả nói:
– Đức Như Lai có mười lực, sao lại có mười một lực?
Đứa tớ thưa: “Nói mười một lực đâu có sao, đừng nói chín lực là được. Nói mười một lực, lại có thêm một lực, nào có lỗi lầm gì?” Đại gia yên lặng ra về.
Hỏi: Các Pháp sư: “Như Lai có bao nhiêu lực?”
Đáp: “Hoặc có ba lực, hoặc có mười lực, hoặc nói có vô số.” Nếu vậy, nói là lực thì không giới hạn ở số mười sao?
Trưởng giả liền xuất gia học đạo, miễn tôi tớ vì chủ nhà nói bốn chăng phải là không đủ, nói vô số chẳng phải là có thừa; vào thời điểm thích hợp, ứng vật sẽ không có lượng thường.
Niệm pháp. Nghĩa là từ dục cho đến không dục, từ dục cho đến đạo, từ lậu đến Vô-lậu, từ hữu vi đến vô vi… Vì sao biết như thế?
Xưa, Đức Thế Tôn thuyết pháp, giáo hóa tại nước của vua Ưu-điền. Đức Phật đã nói như thế nầy: Khi còn ở cõi trời Ba mươi ba, Phật vì mẹ Ma-da thuyết pháp, ròng rã chín mươi ngày, rồi mới trở lại.
Lúc ấy, ở dưới phía Bắc thành Ca-thi, có Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Liên Hoa, với tâm niệm chỉ muốn một mình gặp Phật trước tiên.
Bấy giờ, các quốc vương cũng không thấy Phật đã ngót chín mươi ngày, nên đều có tâm tình khao khát và ngưỡng mộ, đều tập họp đến để gặp.
Phật suy nghĩ: “Ta sẽ vì Tỳ-kheo- ni, không nên ở trong chúng đông đảo nầy, mà sẽ tạo phương tiện để cho Tỳ-kheo ni ấy được ở trước”, tức thì Phật hóa Tỳ-kheo ni làm Chuyển Luân Thánh Vương. Theo như pháp của Thánh Vương, các tiểu quốc vương vừa trông thấy vua Thánh, đều tự giải tán để nhường chỗ. Tỳ-kheo- ni liền trở lại hình cũ, đến gặp Phật, lễ bái, hỏi han. Các quốc vương tiếp tục đến yết kiến Phật, không còn thấy Thánh Vương nữa, mới biết vua Thánh vừa rồi là do Tỳ-kheo ni hóa ra, bèn nói với Tỳ-kheo ni: “Chỗ thấy vừa rồi là dối gạt như thế sao?
Khi đó, Ưu-bát Liên Hoa với tâm niệm tự cho mình là người được thấy Phật trước hết! Phật bảo Ưu-bát Liên Hoa: “Cô tự cho mình là yết kiến Phật trước hết, trong khi lại có người trước cả cô, sao không xem kỹ là ai?” Phật nói: “Chính là Tu-bồ-đề ở trong núi phía Đông thành La- duyệt đang ở đó vá y.” Vị Trời nói: “Phật đã về cõi dưới rồi!”
Tu-bồ-đề bảo: “Tôi vì pháp đệ tử, sẽ phải qua đó lễ Phật và hỏi han, cố che giấu suy nghĩ của mình”. Phật đang ở đấy, hoặc sắc vàng ròng là Phật ư ? Vàng ròng mà lại có giới hạn?
Phật nói: “Tất cả các pháp là Không, không thật có. Nếu hiểu mười hai nhân duyên là Không, chẳng tạo, chẳng tác, chẳng người, chẳng phải sĩ phu, không thọ mạng. Chẳng phải là thọ mạng, tức là thấy pháp. Thấy pháp không thọ mạng, chẳng phải thọ mạng là thấy”.
Tôi liền chấp tay nói lớn: “Cung kính đảnh lễ, đúng vậy”. Rồi trở lại vá y. Do vậy, mới nói Tu-bồ-đề là người thấy Phật trước nhất!.
Phật là chủ của các pháp. Hiểu rõ pháp không, tức là niệm Pháp.
Niệm chúng, nghĩA-là chúng Hiền, Thánh. Thông thường, chúng có nhiều thứ hạng. Ngoại đạo thì có chín mươi lăm thứ, mỗi chỗ mỗi nơi đều có chúng. Hoặc đó là những người hòa hợp, hoặc cũng có thể không đồng, cũng dùng giới luật, tự đề phòng, cũng thực hành thiền định, hoặc lấy vô tưởng làm cái đẹp tận cùng, đều tin ở việc mình làm và tự cho là chân chánh, chỉ không được tám phẩm Thánh đạo chân thật, chính vì thế, không thể đến Niết-bàn! Mặc dù có năm thông trụ nơi sự sống lâu và vô tưởng kéo dài kiếp, nhưng đều không tránh khỏi sinh tử, chỉ có người thuộc bốn hướng, bốn Quả là Thánh chúng của Như Lai, mới không bị bốn ngựa chạy nhanh làm cho trôi nổi, bị tan tác vì chín chỉ. Nên kinh nói: “Chín mươi sáu thứ Tăng, Tăng của Phật là chân chánh hơn hết.” Bốn bộ Chúng của Như Lai đều đồng là dòng họ Thích, ví như nước của bốn sông Hằng, dù mỗi sông đều có riêng năm trăm nhánh, nhưng cùng hợp vào biển cả, và đồng một vị. Chúng cũng như thế, hoặc có dòng Sát-đế-lợi, họăc dòng Bà-la-môn, hoặc dòng Trưởng giả, hoặc dòng Cư sĩ. Trong bốn dòng đó, đã là người học xuất gia thì đều là dòng họ Thích, không còn ngần ấy tên riêng, vì đã được chung gọp lại nên nghĩa ấy càng sâu.
Chúng Tăng: Là hợp lại tiếp nhận nơi ba thừa. La-hán Tăng cũng xuất hiện ở đấy, Duyên- giác, cũng xuất hiện ở đó. Đại thừa tăng cũng ở trong ấy; thế nên gọi là ruộng phước tốt quý; giúp ích cho chúng sinh trong ba cõi, không có gì vượt qua được lãnh vực tốt đẹp nầy. Như Lai dù đã thành chánh giác, thường trở lại hướng đến chúng Tăng.
Sám hối: NghĩA-là do điều sâu dày ở lãnh vực Tăng, ba đời chư Phật, Thanh văn Duyên giác, đều do Tăng mà được diệt độ, cũng như Tỳ-kheo Phạm-ma-đạt, nương tựa Thánh chúng mà được cứu giúp toàn vẹn.
Niệm Giới: NghĩA-là thực hành giới thanh tịnh, đủ các luật nghi, cũng như thợ gốm điều chỉnh, sữa chữa đất thó, làm ra các đồ đựng theo yêu cầu lớn, nhỏ, vuông, tròn, mỗi vật dụng đều vừa ý mình mong muốn.
Giới cũng như thế, nếu người giữ giới thanh tịnh, mong muốn sinh lên cõi trời, để thọ hưởng phước ba cõi, hoặc có người muốn dứt trừ Kết sử để cầu đạo, thì đối tượng nguyện cầu sẽ thích hợp với ý. Cũng như chiếc bình đẹp đẽ, tùy thuộc ý muốn người làm ra, tức sẽ được ngay. Vì giới là gốc, kiêm thực hành ba mươi bảy phẩm và các định, tam-muội, dứt trừ bảy sử, chín kết, tiến tới thành trì Niết-bàn, ví như đất thó đã thành đồ đựng, không còn vụn nát nữa.
Niệm Thí: Nghĩa là thí có hai sự: hoặc thí có chủ, hoặc thí không có chủ. Lại có hai cách thí:
1- Gọi là cho. 2- Gọi là bỏ.
Lại có hai loại thí:
- Thí của.
- Thí pháp.
Cho tức là thí có chủ. Bỏ tức là thí không có chủ. Bỏ, thì bỏ kết. Cho, tức là trước kia người đã thọ lãnh của và pháp. Sở dĩ thí đến Niếtbàn là vì: Nếu khi cho người ta của cải và pháp mà tâm không mong cầu được đền trả, không chấp của, không chấp pháp kia, ba sự không có trở ngại, tức đồng với vô vi. Nếu có khả năng bỏ kết, cũng là Niết-bàn. Bỏ hay cho đều cùng đến Niết-bàn, cũng như voi chạy theo đứa trẻ tráng kiện, đang chạy tới chạy lui, nếu tiến thì sẽ phá tan quân được thịt, lùi lại thì sẽ tự mất ăn thịt, là lẽ tất nhiên.
Niệm thiên. Có ba hạng trời: Có Trời đề cử, có Trời được sinh, có Trời thanh tịnh.
Trời đề cử là sao?
Đó là Chuyển Luân Thánh Vương, vì mọi người đã đề cử. Sở dĩ gọi là Trời, vì Thánh vương có mười việc thiện giáo hóa đời, khiến cho người đời đều sinh lên cõi trời, và vì ở trên con người, nên gọi là trời.
Hoặc có thuyết nói: “Thánh Vương trội hơn Phật”.
Vì sao nói thế?.
Vì lẽ Thánh Vương cai trị người đời, làm cho con người không còn đọa vào ba đường ác. Thời kỳ Phật ra đời, ba ác không đoạn, do đấy là trội hơn.
Hoặc giả có thuyết nói: “Đức Phật trội hơn Thánh Vương. Sở dĩ nói trội hơn, là vì Thánh Vương dùng mười điều thiện giáo hóa đời, nhưng không vượt qua cõi người- Trời, Phật xuất hiện giáo hóa người đời, khiến họ được đến Niết-bàn, do đấy là trội hơn”.
Trời được sinh là sao?
Từ bốn Thiên vương, cho đến hai mươi tám cõi trời, những người thọ hưởng phước, thảy đều là Trời được sinh. Sở dĩ nói Trời được sinh, là vì còn lưu chuyển không dừng nghỉ, không lìa sinh tử, nên nói là Trời được sinh.
Thế nào là Trời thanh tịnh? Nghĩa là ba người: Phật, Duyên giác, Thanh-văn, đều dứt hết kết sử, ra khỏi ba cõi, thanh tịnh không dục, nên nói là trời thanh tịnh.
Tám trời Tịnh Cư: Nghĩa là vượt qua hai loại sinh, cử, nhưng không theo kịp xứ thanh tịnh, trong khoảng đó, nó là chỗ hâm mộ của người niệm Thiên. Nhân niệm về sinh- tử, cũng có lý để đến Niết-bàn.
Làm sao biết được như thế?
Trong thành Xá-vệ, có vợ chồng người thanh tín sĩ (Ưu- bà- tắc). Hai người không có con cháu, đều tinh tấn, tâm luôn có Tam bảo. Bấy giờ, người vợ mất sớm, được sinh lên cõi trời Ba mươi ba làm Thiên nữ, đoan nghiêm vô song, trong cõi trời ít ai sánh bằng. Thiên nữ tự nghĩ: “Ai gánh vác cho chồng ta?” Nên dùng thiên nhãn quan sát thế gian, thấy chồng của mình nay đã xuất gia học đạo, đã cao tuổi, lại tối tăm- kém cỏi, chỉ chuyên tin tưởng mà thôi, thường quét dọn sạch sẽ tháp- miếu, làm công hạnh. Thấy ông ta tinh tấn- siêng năng, về lý, lẽ ra được sinh lên cõi trời, tất nhiên sẽ trở lại làm chồng mình. Lúc đó, ở trong tĩnh thất, đêm ngồi tư duy, đột nhiên thấy ánh sáng, ông ta ngạc nhiên vì có điều gì lạ, bèn ngẩng đầu ngước nhìn, thấy có thiên nữ, bèn hỏi nguyên do từ đâu đến đây? Thiên nữ đáp:
– Tôi từ trên cõi trời Ba mươi ba đến. Tôi vốn là vợ ông, nay đã làm thiên nữ trên trời, vì thấy không ai gánh vác cho chồng mình, nay xem ra ông đã tinh tấn, đúng ra phải trở lại làm chồng tôi. Chính vì lẽ đó, nên tôi đến đây để nói rõ ý muốn của mình! Nói xong, bổng nhiên không thấy nữa! Vì đã trở về trời.
Lúc ấy, Tỳ-kheo cao tuổi, từ đấy về sau, gia công tinh tấn gấp bội, lại càng siêng năng tu bổ, sửa sang tháp miếu cũ, sớm chiều không lười biếng, tích lũy công phu, được nhiều phước đức, chuyển biến vượt trội hơn, bèn ứng sinh ở cõi trời Đâu-suất thứ tư.
Thiên nữ lại dùng thiên nhãn quan sát, thấy Tỳ-kheo già kia lại ứng sinh lên cõi trời thứ tư, lại đến nói: “Ông đã chứa góp tinh tấn nhiều, nên đã vượt qua cõi của tôi, do vậy tôi lại không được ông làm chồng!”. Nói xong, quay đi.
Tỳ-kheo lại tỏ ra tinh tấn gấp bội, vượt trội hơn khi trước nhiều. Ban đêm thì kinh hành, ngày lại tư duy thiền, tâm ý chuyển biến sáng suốt, nghĩ suy bốn đế. Như thế không bao lâu, bèn chứng được quả vị A-lahán; đều gọi là nhân của niệm Thiên, đạt được đến Niết-bàn là vậy.
Niệm Thôi dứt: Nghĩa là được định. Sự thôi dứt có hai: Có thôi dứt tục, có thôi dứt đạo.
Sự thôi dứt tục: Nghĩa là thực hành, làm việc quên mệt mỏi, rất ít dừng nghỉ, lười biếng, nên gọi là thôi dứt tục.
Sự thôi dứt đạo: Nghĩa là người của định.
Lấy gì để biết như thế?
Xưa có Tỳ-kheo tên Đẳng Hội, ngồi thiền gần bên đường cái. Lúc đó có năm trăm chiếc xe tải chạy qua, tiếng động vang dội ầm ầm, Tỳkheo vẫn yên lặng không nghe. Lúc ấy, trời nổi sấm chớp, sét đánh thình lình, trong khoảnh khắc, đại địa lại chấn động, vẫn không có nghe thấy gì. Những người đi qua- lại, làm bụi-đất bay tấp vào áo Tỳ-kheo. Lúc đó, có một người đến gần, thấy vị Tỳ-kheo nầy đang ngồi ngay ngắn, không lay động, mà bụi đất bám đầy áo, chẳng hay biết gì. Rồi Tỳ-kheo định giác, phủi bụi- đất, đứng dậy.
Người kia hỏi: “Từ trước đến giờ, Thầy ngủ ư ?”.
Đáp: “Không!”
Lại hỏi: Nếu không ngủ thì vừa rồi, có đoàn xe chạy qua, và sấm sét, đất rung động, sao vẫn yên lặng, không kinh hãi? Do đâu mà được như vậy?.
Đáp: Lúc tôi nhập tam-muội thôi dứt, thì hoàn toàn không còn nghe thấy gì cả.
Do vậy, nói là người được định thôi dứt, thì dù trời đất che lấp, rơi rớt, cũng không thay đổi chí mình, nên mới gọi là định thôi dứt.
Niệm an ban (Niệm sổ tức): Nghĩa là thôi dứt các cử chỉ ngồi, giong ruổi, tập trung thẳng vào đạo, chẳng phải phương tiện tỏ ngộ chỉ có một đường, mà mỗi nẻo đều hiện có.
Do đâu biết được như thế?.
Xưa, Thân Tử đã từng cúng dường mười bốn ức Đức Phật, theo Phật nghe pháp, chưa từng hợp tátcả lại để tập sổ tức; đến đời Phật Thích- ca- văn, từ Tỳ-kheo Mã Sư bắt đầu đạt được pháp Không, tức có dấu ấn Kiến đạo. Đức Phật mới diễn nói về Tuệ, Lậu dứt, Kết hết. Nay là trí tuệ bậc nhất, không do quán sổ tức mà được Niết-bàn. Mục-kiền-liên, xưa đã cúng dường chư Phật suốt trong ba mươi kiếp, tu hạnh đại thừa, mà sau cùng cũng không xong, gặp Đức Thế Tôn, lui nhận lậu tận, từ xưa đến nay, chưa từng tập sổ tức. Tỳ-kheo Ca-diếp, thuở xưa, cũng đã từng cúng dường ba vạn Như Lai, cũng chưa từng tập sổ tức, đã đạt được Bích-chi-phật, nay lui làm La-hán. Tỳ-kheo Mã Sư, ngày xưa cũng đã từng cúng dường bảy vị Phật, cũng không tập sổ tức, nay cũng lậu tận. Xưa, A-nan đã từng cúng dường hai vạn Như Lai, đã từng theo chư Phật thăm hỏi, thọ nhận giáo pháp, cũng không tập sổ tức. Chỉ có La- vân- ma- kha- kiếp- thất- la, từ nhiều kiếp xa xưa đến nay, đã thường tập an ban (sổ tức), nay cũng đến với đạo. Do đấy, nói tập trung hướng thẳng vào đạo, chẳng phải chỉ có một đường.
An ban (sổ tức): Nghĩa là biết hơi thở dài- ngắn- lạnh- nóng, chậm- nhanh, từ thô đến tế, dần dần chế ngự được tưởng tán loạn, tức là đạt được sự vi diệu. Hoặc nhờ vào hơi thở để giác ngộ. Hoặc phân biệt để hiểu rõ. Hoặc hành Đầu đà giữ hạnh. Hoặc học rộng, ghi nhận mạnh mẽ. Hoặc thần túc hiện bày nhận thức vi tế. Hoặc tự làm thanh tịnh, hoặc giáo huấn để giác ngộ. Những cái đó gọi là nẻo đường khác nhau mà vẫn đồng quy.
Niệm Thân? Nghĩa là phân biệt bốn đại, nhận hiểu rõ năm ấm, giống như trò ảo thuật, như chiêm bao.
Do đâu biết được niệm thân sẽ được đến Niết-bàn?.
Xưa, sau khi Phật nhập diệt khoảng trăm năm, có vua A-dục, làm chủ cõi Diêm-phù-đề, quần thần- phu nhân- voi- ngựa, mỗi thứ đều có tám vạn bốn ngàn. Bấy giờ, vua hay đi tuần tra khắp nước, gặp vua Diêm-la, có mười tám địa ngục, cũng có quan lại tra hỏi tù tội.
Vua hỏi các quan tả hữu: “Đây là những người nào?”
Đáp: Người nầy là vua của người chết; chủ phân biệt việc thiện, ác”.
Vua nói: Vua của người chết mà còn có thể tạo ra địa ngục để trừng trị tội nhân, ta là vua của người sống mà không thể tạo ra địa ngục ư ?
Hỏi: Ai có thể tạo ra địa ngục?
Các quan tâu: Muôn tâu! Chỉ có người ác cùng cực, mới có khả năng tạo ra địa ngục mà thôi.
Vua hạ lệnh cho các quan hỏi han, tìm kiếm người ác. Các quan vội đi tìm kiếm, thấy một người đang ngồi dưới đất, dệt bông, bên cạnh có cung- tên- kiếm, có cần câu để câu cá. Lại còn dùng thuốc độc trộn cơm làm thức ăn cho chim sẻ. Quan trở lại, đem trường hợp nầy tâu với vua, có người ác như thế.
Vua nói: Người ấy rất ác, tất nhiên hắn ta có khả năng làm được các việc ở địa ngục. Vua sai người gọi: “Nhà vua muốn gặp ông”. Người ác nói:
– Ta là tiểu nhân, không có hiểu biết chi, vua dùng ta làm gì?
Vị quan nói:
– Chính nhà vua muốn được ông cai trị việc địa ngục! Người ác kia, lập tức đi về nhà. Ở nhà có mẹ già, bèn nói với mẹ: “Nhà vua cho gọi con, mẹ ạ!”. Người mẹ nói: “Vua gọi con làm gì?”. Người con nói:
– Vua muốn sai con cai trị việc địa ngục.
Người mẹ nói:
– Con đi, mẹ làm sao sống? Người mẹ liền ôm chặt chân con, không buông ra. Ý người con quyết đi, liền rút dao chém mẹ. Giết mẹ xong, rồi đi đến chỗ vua. Vua hỏi:
– Mẹ không buông thả, do đâu ngươi đến đây được?.
Hắn ta đáp:
– Tôi giết mẹ mà đến! Vua nói:
– Thật là người ác, tất nhiên có khả năng lo các vụ việc địa ngục. Vua liền ủy thác người nầy tạo dựng địa ngục. Thiết lập vạc nước sôi- cây rừng gươm, vua liền phong người nầy làm vua địa ngục, cho lập quan phụ tá, tất cả đều có sổ sách, như vua Diêm-la. Vua hạ lịnh: “Nếu có người nào vào thành nầy, thì bất luận sang- hèn, đều sẽ bị trị tội. Vua nói: “Giả sử, chính ta mà bị vào trong nầy, cũng chớ cho đi ra”.
Lúc ấy, có vị Tỳ-kheo già tên là Thiện Giác, thường đi khất thực, khi đến bên ngoài cổng thành nầy, thấy có hương hoa đẹp, nghĩ bên trong chắc có người, tức thì vào thành, nhưng chỉ thấy cảnh trị phạt tội nhân. Tỳ-kheo quá kinh hãi muốn ra trở lại, nhưng lính ngục không cho, và muốn dẫn đến vạc nước sôi. Vì Tỳ-kheo khẩn cầu:
– Hãy rộng lượng một chút cho tôi, để đến giữa trưa.
Trong khoảnh khắc có đôi nam nữ phạm tội dâm, được đem đến ngồi đó để chờ trị tội, cai ngục đặt cối giã gạo, để giã hai tội nhân nầy thành đống nước bọt”.
Vị đạo nhân nhìn thấy thảm trạng nầy xong, bắt đầu nghĩ đến lời Phật dạy: “Thân người như bọt nước tụ họp”, chí lý thay, lời nói ấy! Thế là trong khoảnh khắc, nhóm bọt nầy lại biến đổi thành màu trắng. Vị đạo nhân lại nghĩ đến câu: “Thân người như đống tro tàn, đổi thay- xê dịch không nhất định, như trò ảo thuật, như biến hóa”.
Rõ ràng đấy chẳng có gì chắc chắn cả! Tức thì ý tỏ ngộ, lậu tận, kết
sử đều được giải trừ. Bấy giờ, ngục tốt đẩy Thiện Giác vào vạc nước sôi, Tỳ-kheo cười! Lính ngục nổi cơn giận dữ, sai bốn người xốc hai nách, đặt lộn ngược vào trong vạc, tức thì nước nóng hóa ra mát lạnh. Tỳ-kheo liền biến hóa thành ngàn lá sen, và ngồi kết già ở trong hoa sen”. Lính ngục ngạc nhiên sợ hãi, tâu với vua A-dục: “Trong ngục hôm nay, có sự kiện quái lạ, xin đại vương tạm rút lại lịnh để đến xem!”. Vua A-dục phán:
– “Trước kia, ta đã có một yêu cầu thích đáng là: Nếu ta vào trong ngục cũng không cho ra. Nay ta lại vào đó ư?” Quan lại tâu vua:
– Đại vương chỉ vào không sao cả.
Vua liền vào theo. Nhìn thấy đạo nhân đang ngồi trên hoa sen; liền hỏi:
– Ngươi là người nào ? Đạo nhân đáp:
– Ta là Đạo nhân.
Đạo nhân nói với vua:
– Ông là người ngu si!
Vua nói:
– Vì lẽ gì ngươi gọi ta là người ngu si ? Đạo nhân đáp:
– Ông khi xưa, khi còn là đồng tử, đã dùng một nắm đất dâng lên Đức Phật. Phật tiếp nhận và chú nguyện: “Về sau, ông sẽ là vị vua của cõi Diêm-phù-đề, lên ngôi làm vua Thiết-luân, danh hiệu A-dục. Trong một ngày, ông sẽ khởi công thiết lập tám vạn bốn ngàn tháp Phật. Và ngục nầy là tháp Phật ư ?”.
Ý vua tức thì tỏ ngộ, bèn ăn năn hối lỗi, lạy Thiện Giác làm thầy, và từ đấy vua hạ lịnh bãi bỏ ngục, chấn hưng việc phước, cho xây cất tám vạn bốn ngàn tháp miếu. Do đấy, mới nói: “Niệm thân được Niết-bàn, là nghĩa đó”.
Thế nào là niệm Tử, được đến Niết-bàn?.
Xưa, vua A-dục phụng sự pháp Phật rất tinh tấn: thường xuyên cúng dường năm trăm chúng Tăng, bốn sự cúng dường không thiếu, cả bên ngoài, cũng cung cấp cho năm trăm người ở A-luyện-nhã khất thực. Lại còn thết đãi cả năm trăm người để thực hiện pháp cúng dường.
Lại cung cấp của cho các người nghèo thiếu ở khắp trong thành. Việc bố thí kéo dài thời gian rất lâu, nên của báu trong kho, ngày càng giảm dần. Bấy giờ, em vua, tên là Tu-già-đố-lộ, không tin vào Tam Bảo. Đại thần Da-xá, cùng phu nhân là Thiện Dung, cũng không tin. Ba người đồng tâm lo cho vua, thường can gián: “Cúng dường Đạo sĩ, sẽ làm cạn kiệt, rỗng không tài sản của nước, đâu dùng những đạo sĩ nầy làm gì?”.
Vua A-dục nói:
– Ông nên giữ mồm giữ miệng cho tốt. Vì luận về cách xử sự của kẻ sĩ, sở dĩ thân bị chém, là do lời nói ác của họ. Tu-già-đố-lộ lại tâu với vua:
– Các Đạo sĩ nầy đều là những người trẻ tuổi, miệng tha hồ nhấm nháp thức ăn ngon, độ tuổi mà dục tình đang sung mãn, nếu để ở hậu cung lâu với phụ nữ, lẽ nào có thể tin được ư ?
Vua đáp:
– Đạo sĩ chế ra luật hình phạt, dùng pháp tự đề phòng, tiết thân, giữ gìn giới cấm, không bị khuất phục do sắc dục đâu!
Về sau, Tu-già-đố-lộ ra ngoài đi săn, trông thấy một người lẫn lộn trong đàn nai, liền ra lệnh bao vây bắt được người ấy, rồi hỏi:
– Ông là ai?
Người nầy đáp:
– Lúc lên tám tuổi, cha mẹ tôi đã ở trong núi nầy, tôi được uống sữa nai, nên mới sống cho đến hôm nay.
Lại hỏi:
– Lúc nai không có sữa thì cha mẹ ông ăn những gì?
Người ấy đáp:
– Lúc đó tôi đi theo nai, ăn cỏ, lá để tự cứu mạng mình.
Lại hỏi:
– Và như vậy có ý dục không?
Đáp:
– Có!
Tu-già-đố-lộ bèn dẫn người ấy về cung, đem chuyện nầy thưa với vua:
– Đây là người ăn cỏ, với thân hình ốm yếu, mà vẫn có tình dục, huống chi các đạo sĩ, miệng tự tại uống ăn, thân thể khỏe mạnh, mập mạp, lẽ nào không có tình dục ư ?. Nhà vua liền tâm niệm: “Phải tìm cách nào để hóa độ đứa em nầy?”. Liền đặt ra cách lừa dối tạm, là muốn ra ngoài đi dạo. Binh sĩ tập họp, nghiêm chỉnh chuẩn bị cho vua ra ngoài. Vua vào cung trở lại, ẩn náu, không xuất hiện. Trước đó, vua đã bàn với các quan: “Nếu sau khi ta đi rồi, và đã xuất hiện lại trong cung thì các khanh sẽ đề cử người làm vua ». Các quan liền khuyên người em thử mặc vương phục, giả vờ thôi! Các quan nói:
– Chúng tôi sẽ lo hết, hoàng đệ chỉ đội mão trời, mặc vương phục, để được tung hô! Sẽ có các quan đứng hầu bên trái, phải, như pháp của Thánh Vương.
Vua A-dục thấy em mình đã quyết định, bèn từ ngoài đi vào và nói:
– Như thế nào là đại vương? Người em tỏ ra rất xấu hổ khi thấy vua, xin vua ân xá, biết như vậy là tội lớn. Vua A-dục nói:
– Trẫm tạm ra ngoài đi dạo, khanh v.v.. làm sao tạo ra sự việc nầy? Thiết luân của trẫm không tồn tại ư ? Sao lại ngang ngược như thế được!? Ta giết ông, điều nầy ông phải nghe thôi. Vua liền sai các quan bắt giam, đồng thời bí mật sai người đưa tin cho đạo nhân hay, rồi khéo nói lên ý mình như vầy: “Đương lai, ta sẽ giết ông, nhưng nghĩ đến ông mới làm vua chưa đầy ngày, ý chưa được thỏa thích. Nay tạm nhờ ông làm vua bảy ngày, cứ như pháp vua của Trẫm: Cũng có các quan theo hầu, cũng đủ cung nhân, kỹ nữ, uống ăn tiến ngự đầy đủ. Sau bảy ngày, sẽ căn cứ nơi pháp, tích cực như giáo mà thi hành”. Mặc dù đầy đủ bảy ngày, nhưng tự trong tâm người em không có chút sướng vui nào!
Lúc này, đạo nhân lại đến, mang bát- cầm tích trượng tới thẳng trước cửa cung vua. Vua hỏi:
– Đạo nhân muốn gì ?
Đạo nhân đáp:
– Muốn xin người chết!
Vua nói:
– Tội nhân nầy phải chết, đạo nhân không xin được đâu! Đạo nhân lại nói:
– Chỉ xin để làm đạo nhân, sẽ khiến cho học đạo.
Vua nói:
– Thử hỏi xem người nầy có khả năng học đạo được hay không?
Đạo nhân liền hỏi:
– Nay ta xin ông để làm Sa-di. Ông đồng ý không?
Đáp:
– Thành thật mà nói, nếu có sai khiến làm tôi tớ, tôi cũng sẽ không chối từ, huống chi lại được làm Sa-di?
Vua nói:
– Làm đạo nhân khó, phải thẩm tra xem có thể làm được không?
Pháp của đạo nhân là phải mặc áo xấu- ăn dở, một lòng đem hình, mạng, hướng đến việc hành đạo mà thôi. Ông đã quen với thú vui riêng, có khả năng cam chịu khổ hạnh nầy không?.
Đáp: So với phải chết, khổ hạnh nầy không kham nổi sao?
Vua bảo:
– Nếu kham nổi ấy là đã hiểu ra, vậy phải khất thực bảy ngày.
Vua hạ lịnh cho nội cung, lúc Tu-già-đố-lộ đến khất thực, phải cho thức ăn rất dở.
Liền khiến mặc áo cũ xấu, tạo ra các phòng khất thực, chỗ nào cũng cho đồ ăn dở, Tu-già-đố-lộ cảm nhận tình sâu về tội miễn chết, nên cam tâm ăn thức ăn dở. Đủ bảy ngày, vua thấy tấm lòng của Tu-già-đố-lộ vẫn không có gì thay đổi, vẫn vững tâm, liền cho làm đạo, bảo:
– Ông thường nói: “Đạo nhân nhàn nhã, nhiều tình, khó tin. Chỗ khất thực của ông nên cứ ở trong cung của ta, do cũng còn chút tinh tế. đạo nhân khất thực, ở đây đã có nhiều, họ sống ở như thế, lẽ nào có thể có dục tình ư? Liền giao phó Thiện Giác làm Sa-môn. Vua sai sứ đến thành Thạch Thất. Trong thành ấy, sư Thiện Giác thực hành các thiền quán, hoặc ở nơi gò mả, hoặc ở bên cội cây. Bấy giờ, Sa-môn Thiện Giác đang ở trong chốn gò mả để quán tử thi. Ban đêm, trông thấy có ngạ quỷ đánh một tử thi, đạo nhân liền hỏi:
– Vì lý do gì đánh tử thi nầy?
Ngạ quỷ nói:
– Ta ngồi ở đây, tử thi làm khổ ta như thế, do đấy ta mới đánh. Đạo nhân nói:
– Vì sao không đánh tâm ông? Đánh tử thi nầy phỏng có ích gì? Trong khoảnh khắc, lại có vị trời dùng hoa trời Văn Đà La rải lên trên tử thi.
Đạo nhân lại hỏi:
– Vì lẽ gì rải hoa trên tử thi hôi thoái nầy?.
Đáp: – Ta do tử thi nầy mà được sinh lên cõi trời. Tử thi ấy là bạn lành nên ta đến rải hoa để đền đáp lại ơn xưa!
Đạo nhân nói:
– Vì lẽ gì không rải hoa trong tâm ông, lại rải hoa trên tử thi hôi thoái ấy?
Luận về căn bản của thiện, ác đều do tâm tạo ra. Các ông sao lại bỏ gốc lấy ngọn kia?.
Lúc ấy, Tu-già-đố-lộ tự mình suy nghĩ: “Ta từ chết lại được sống, do nhân duyên nầy sẽ được giải thoát. Bèn quán thân niệm tử, suy nghĩ phân biệt, hiểu rõ lẽ vô thường- khổ- không- vô ngã, liền đạt được A-lahán. Do đấy, mới nói: “Người niệm Tử, cũng đạt đến Niết-bàn là vậy”.