LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Mất tên người dịch – dựa theo sự sao chép đời Hậu Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Sở dĩ Đức Phật khen Tỳ-kheo Nan-đà đoan nghiêm bậc nhất, là vì các Tỳ-kheo mỗi vị đều có các tướng tốt: Thân tử có bảy, Mục-liên có năm, A-nan có hai mươi, riêng Nan-đà có ba mươi tướng. Nan-đà sắc vàng ròng, A-nan sắc bạc, y phục bóng sáng, lấp lánh hào quang, giầy dép có viền chỉ tơ vàng, bưng bát lưu ly vào thành khất thực, ai thấy được đều cảm thấy vui vẻ-hớn hở, tự bỏ Như Lai, các đệ tử khác đều không thể theo kịp, nên được Phật khen là đoan nghiêm bậc nhất.

Cũng nên nói thêm, Nan-đà có các căn tĩnh lặng. Khi Đức Phật đem các đệ tử tới tinh xá Nại Nữ ở thành Tỳ-xá-ly, lúc ấy Nan-đà đang kinh hành ở bên ngoài, Nại Nữ nghe Đức Phật đến, hết sức mừng vui, tình cảm rộn lên trong lòng, muốn thiết lập sự cúng dường, liền đi thỉnh Phật. Trông ra bên ngoài, thấy Nan-đà đang kinh hành, vì sự yêu kính sâu đậm, nàng tiếp xúc chân Nan-đà làm lễ, dùng tay sờ nhẹ lên bàn chân. Mặc dù nhìn thấy dáng dấp xinh đẹp của Nại Nữ, nhưng Nan-đà vẫn không có tưởng tình, hình hình cảm nhau, bèn xuất bất tịnh, vị cam lộ thấm nhuần thân; mà nơi thân thì đầy tràn, tức tràn bất tịnh, há lại do tâm sao! Nại Nữ không thấu hiểu nghi là có tưởng dục.

Phật biết ý Nan-đà, bèn nói với Nại Nữ:

– “Cô chớ sinh lòng ngờ vực. Nan-đà sau bảy ngày, sẽ chứng được La-hán. Theo đấy mà nói nên biết tâm của Nan-đà không biến đổi”.

Sở dĩ Phật gọi Tỳ-kheo Bà Đà là người hiểu được tâm nghi ngại của người khác, là vì chư Phật ba đời đều dùng tám vạn bốn ngàn thứ làm pháp hạnh. Chúng sinh được đạo, bất tất phải dùng các hạnh đầy khắp. Mọi hạnh đều tùy thuộc vào chỗ mà mình đã giác ngộ, dùng làm tông chỉ.

Kết sử của chúng sinh không đồng là sao?

Vì lẽ bệnh thì có nhiều ít, vết bẩn thì có dày-mỏng. Thế nên Như Lai dựng nên nhiều giáo pháp. Hoặc có một thứ thuốc chữa trị được nhiều chứng bệnh. Hoặc có nhiều thứ thuốc chỉ chữa trị một chứng bệnh, cũng như sáu độ hợp lại với nhau, một hạnh làm chủ, mọi hạnh phải theo. Một hạnh nghĩA-là không chuyên một nơi mà thường gọi là tùy vào bệnh khởi, đối với thuốc nào thích ứng. Nếu khởi chấp thường thì dùng vô thường để đối trị. Nếu khởi chấp có tâm thì dùng tâm không để đối trị. Đang nhận lãnh hành vô thường, thì vạn hành đều vô thường. Cũng như thí cho để tạo nên tám vạn thì tám vạn đều là thí cho, đó gọi là nói đơn giản. Cũng như trong tám âm của Như Lai, tâm gồm thâu cả tám tiếng vang, một tiếng vang lại tiếp nối cả trăm giáo pháp; một giáo pháp nối tiếp cả trăm nghĩa. Mỗi một tướng lại tiếp nối đến cả ngàn, vạn ức, một âm đáp trả vạn ức. Sự biến đổi của việc thí cho kiA-là như thế. Nói tóm lại, sự nối tiếp không dứt về hành, thì dụ kia cũng như thế. Tỳ-kheo nầy vì chuyên dùng cách nói giản đơn làm chủ, nên gọi là bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Tư-ni có khả năng thuyết pháp rộng, là vì Tỳkheo ấy đã ở trong địa vị phàm phu ba chục năm, vì hết thảy mọi người rộng nói các pháp, phân biệt các nghĩa-lý.

Rộng nói là sao?

Đáp: “Hoặc nhân một hạnh mà nuôi lớn nhiều hạnh. Chi nhánh đầy dẫy, nhiều đến vô số, cũng như bệnh có cùng nhân sinh ra, do đấy mà lập thành toa thuốc. Tỳ-kheo nầy chuyên dùng cách phê phán làm chủ, không lo dứt trừ lậu làm ưu tiên, do đấy phải kinh qua ba mươi năm, mới nhận lấy sự chứng đạo, lặng lẽ, quên lời, chỉ còn để lại vết chân trước kia, ghi chép gốc tích cũ, nên gọi rộng nói là bậc nhất”.

Sở dĩ gọi Thiên-Tu-bồ-đề đắp y tốt lành bậc nhất, là vì có hai Tubồ-đề trong năm trăm đệ tử của Phật: Một vị thuộc dòng vương giả; một vị thuộc dòng Trưởng giả. Thiên Tu-bồ-đề vốn sinh từ dòng Vương giả. Sở dĩ nói Thiên, ấy là vì trong năm trăm đời, thường sinh trên cõi trời Hóa ứng thanh, xuống dưới trần thì sinh nơi nhà Vương giả, nhận phước tự nhiên chưa từng thiếu thốn. Khi Đức Phật trở lại bản quốc, vua Chân Tịnh đã khuyên năm trăm người thuộc họ Thích xuất gia học đạo, theo hầu Đức Thế Tôn. Tỳ-kheo nầy là mẫu mực trong đợt xuất gia đó. Bấy giờ, Đức Phật răn dạy các Tỳ-kheo:

– “Luận về người vì đạo, đều phải buộc giữ thân tâm, bảo vệ và tiết chế, y thô, cơm hẩm, dùng nệm cỏ làm giường, lấy đại, tiểu tiện làm thuốc.” Tỳ-kheo nầy nghe Đức Phật răn dạy như vậy; tâm tự suy nghĩ: “Ta sinh vào chốn cao sang hào quý, cơm áo tự nhiên có, cung điện thì nguy nga, nhà cửa chỗ nào cũng có chạm trổ, giường bằng vàng-bạc, đồ đựng thức ăn toàn bằng bảy báu, thân mặc toàn kim tuyến dệt thành vải, đủ thứ dép mỏng, giày đẹp, như thế, cũng không cùng tận ý của ta, sao lại phải mặc y phục năm nạp? Rồi ta cũng sẽ trở lại nhà, ở đó mới hợp với bản ý. Nghĩ như vậy xong, muốn trở lại”.

Bấy giờ, Đức Phật đang ngự tại tinh xá thuộc nước Xá-vệ, thọ thỉnh của vua Ba-tư-nặc. Tỳ-kheo nầy đi đến chỗ Phật, từ giã để trở lại nhà.

Tôn giả A-nan nói: “Ông hãy thong thả ở lại một đêm!”.

Tu-bồ-đề nói:

– Nhà cửa, giường tòa chiếu ngồi của đạo nhân đâu có gì, làm sao có thể nghỉ ngơi? Xin đến nhà bạch y, nhờ tá túc một đêm, ngày mai sẽ trở về. Tôn giả A-nan nói:

– Chỉ cần ở lại, sẽ có ngay những gì ông cần.

Nói rồi Tôn giả A Nan liền đến chỗ vua, dùng đủ thứ tọa cụ- phướnlọng- hương-hoa, cùng bốn chiếc đèn dầu, mỗi việc đều nghiêm túc, đầy đủ. Tỳ-kheo nầy nghỉ ngơi qua đêm ở đó, để cho vừa bản tâm, liền đạt được định, tư duy nơi bốn đế, cho đến đêm hôm sau, tức chứng được Ala-hán, liền bay thẳng lên hư không.

Tôn giả A-nan tâm niệm: “Nhóm Tỳ-kheo nầy đã bỏ phòng ốc ra đi, đồ vật mượn của vua, e có người đem theo, mình thử qua đó xem sao?” Vào phòng không thấy ai cả, ngước nhìn giữa khoảng không thấy Tỳ-kheo đang bay ở đó. A-nan bạch Phật:

– “Thiên Tu-bồ-đề đã chứng được A-la-hán, nay đang bay ở hư không”. Phật nói với A-nan:

– Luận về y có hai thứ: Có thứ có thể gần gũi, có thứ không thể gần gũi.

Có thể gần gũi là sao?

Khi mặc y tốt, sẽ tạo lợi ích cho tâm đạo, đây là thứ có thể gần gũi. Khi mặc y tốt, gây tổn hại tâm đạo, đây là thứ y không thể gần gũi. Thế nên, này A-nan! Hoặc từ y tốt được đạo, hoặc từ y xấu-rách-năm nạp mà đắc đạo, đối tượng giác ngộ là ở tâm, không câu nệ ở trang phục của hình tướng.

Do đấy, mà nói Thiên Tu-bồ-đề mặc y tốt là bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Nan-đà-cA-là người truyền dạy bậc nhất, là vì vốn Tôn giả Xá-lợi-phất cũng truyền trao giáo pháp khắp cho bốn bộ đệ tử, từ sáng đến trưa, chủ yếu là khiến cho một người đạt đến dấu ấn đạo. Còn Tỳ-kheo nầy, chuyên truyền trao, giáo hóa các Tỳ-kheo, sao cho họ đạt được A-la-hán. Ví như người bắn tên giỏi, chỉ bắn một phát, mũi tên đâm vào giặc, tức trúng chỗ hiểm yếu, khiến cho giặc không thể đứng dậy, dụ cho Tỳ-kheo này khuyên dạy giỏi, chủ yếu là tuệ, người nghe giáo huấn, kết sử được trừ, thẳng đến Vô vi. Người bắn không giỏi, dù dùng nhiều mũi tên, chỉ trúng một phát, dụ cho Thân tử, diễn nói rộng về tuệ, sau cùng thành một thềm bậc khác, phân rõ hơn, kém, nhưng lại thấy dễ dàng!

Vì thế, nên nói truyền trao cho hậu học, là bậc nhất.

Tỳ-kheo Tu-ma-na sở dĩ khéo dẫn dạy Tỳ-kheo Tăng Ni, là vì Tỳkheo nầy thường dùng lời nói khổ sở tha thiết nhằm dẫn dạy các Tăng Ni.

Luận về người nữ, đa số đều có những thái độ, dáng dấp ủy mị, thêu dệt, trang sức như trò ảo thuật, làm mê hoặc người đời. Thân hình đầy cấu uế với chín lỗ bất tịnh, ba mươi sáu thứ trên người không thứ nào đáng tham. Sở dĩ gọi Tu-ma-na (là tên của hoa); vì lúc Tỳ-kheo nầy vừa sinh ra, trên tai tự nhiên đã có hoa ấy rồi, liền dùng hoa làm tên gọi.

Bấy giờ, vua Tần-Bà-sa-la đến chỗ Phật, thấy trên tai Tỳ-kheo nầy có hoa, lấy làm ngạc nhiên, hỏi Phật:

– Pháp Tỳ-kheo được đeo hoa ư ?

Phật bảo vua:

– Nhà vua hãy vứt bỏ đi!

Nhà vua tức thì dùng tay nắm lấy hoa bỏ đi, nhưng liên tục hoa vẫn sinh như cũ. Cứ thế, không dừng lại, trở thành đống hoa. Nhà vua càng vô cùng ngạc nhiên, hỏi Phật về lý do của sự việc. Phật nói:

Xưa, vào thời kỳ Như Lai Tỳ-bà-thi ra đời, Tỳ-kheo nầy làm con của vị Trưởng giả. Lễ hội trong năm được tổ chức, trưởng giả đánh đàn cầm, cùng nhau xướng ca-vui đùa, xong lại đến chỗ Phật, Trưởng giả nầy nhìn thấy Phật, lòng rất vui mừng, liền dùng hoa nơi tai mình đeo lên tai Phật. Đức Phật bèn dùng thần túc, hóa ra hoa nầy, ở trong hư không, biến thành đài có bốn cột, khi đóa hoa trên tai vẫn y như cũ.

Trưởng giả trông thấy Phật biến hóa, liền phát thệ nguyện: “Nguyện trong đời vị lai, đời đời cho con được gặp Phật thân tướng được đoan nghiêm, trên tai nảy sinh hoa”. Do nguyện của phước đời xưa, nay được báo của nguyện đó. Vua nghe Phật nói, tâm được khai mở, liền đảnh lễ sát chân Phật, lui ra và trở lại cung”.

Sở dĩ khéo dẫn dạy Tỳ-kheo ni, vì Tỳ-kheo ni v.v.., vốn là những người có nhiều tình cảm, trông thấy Tỳ-kheo nầy đoan nghiêm, trên tai lại luôn có hoa, nên tâm ý vui thích quý mến nhờ vào tình cảm nầy mà dẫn dạy bằng những lời khẩn thiết. Do những lời thống khổ nầy mà những vướng mắc về ái dục, liền được cởi mở.

Thế nên nói khéo dẫn dạy giới cấm cho Tỳ-kheo ni Tăng, là bậc nhất.

Sở dĩ gọi phước đức của Tỳ-kheo Thi-bà-la là bậc nhất; vì lúc Thibà-la mới sinh, tay cầm ngọc Ma-ni vô giá thả rơi xuống đất, liền nói: Thế gian có bảy báu như vàng, bạc v.v.., có thể đem bố thí chăng? Nay ta muốn bố thí lớn! Nói lời nầy xong, cha mẹ và cả nhà đều kinh sợ, vứt bỏ mọi thứ mà chạy, miệng kêu là quỷ la- sát, hoặc cho là thiên thần!

Luận về con trẻ mới sinh, chủ yếu cần đầy đủ ngày tháng, thì mới nói được. Nay vừa rơi xuống đất mà lại nói ngay, đúng là rất đáng kinh ngạc.

Tình mẹ thì không như thế. Bà trở lại xem kỹ. Đứa con làm dấu hiệu, nói với mẹ: “Mẹ đừng sợ! Vì con không phải là quỷ, con chính là con của mẹ.”

Cha của Thi-bà-la là Nguyệt Quang nói:

“Nay cha sẽ bồng con đến chỗ Ni-kiền-tử để hỏi xem, cha mẹ sinh con là lành hay dữ?” Tức thì cùng với vợ, ông bồng con đến chỗ Ni-kiền Tử, đem tình huống kia bạch với sư. Sư nói:

– Đứa trẻ nầy không có phước, về sau nó sẽ gây nên tai họa! Trưởng giả nói:

– Trong tay đứa trẻ này lúc mới sinh có ngọc báu Ma-ni, vì lẽ gì ông nói là không có phước?

Ni-kiền bảo:

– Đến năm trẻ lên tám tuổi, bấy giờ của báu nhà ông có bao nhiêu đều sẽ hết sạch. Sẽ do chính bàn tay của đứa trẻ nầy làm cho tiêu tan, do đó cả nhà sẽ chết đói.

Trưởng giả quá sợ hãi, nhưng cũng nghi hoặc. Nghe trên đời có bậc đại Sa-môn, có thể biết việc lành, dữ, ta sẽ đến chỗ ấy để hỏi xem việc nầy hư thực thế nào? Tức thì đi đến chỗ đức Thế Tôn, nửa đường lại nghĩ:

– “Đại Sa-môn là dòng Vương giả, sinh ra lớn lên ở cung sâu, lại không học vấn. Bà-la-môn v.v.., có học rộng dù là chút ít, nhưng cũng không thể biết lành, dữ thì Sa-môn lẽ nào có thể biết chăng?” Liền muốn trở lại nhà. Bỗng nhiên có vị trời ở hư không bảo Trưởng giả:

– Chỉ nên tiến tới trước, sao lại quay về?. Như Lai Đại Thánh không có gì là không thấu đạt. Ông cứ qua đó, tất sẽ quyết đoán hoài nghi, là phải hay là quấy. Hãy nhanh chóng đi đến đó!

Trưởng giả tức thì đến trước chỗ Phật, lễ bái, hỏi han xong, liền thưa:

– Theo như lời Ni-kiền-tử đã nói, không rõ là lành, dữ thế nào. Phật bảo Trưởng giả:

Lành đều là lợi, mới sinh được đứa con phước đức ấy. Đứa trẻ nầy, đến năm hai mươi tuổi, sẽ xuất gia vì đạo, thường xuyên có năm trăm đồng tử là bạn, đều cùng đạt quả A-la-hán, và sẽ trở lại độ cho cha mẹ!.

Nghe Đức Phật nói rõ xong, Trưởng giả cảm thấy hoan hỷ, phấn khởi, không thể tự kìm chế, liền trở về nhà, sắm sửa thức ăn thịnh soạn, thỉnh Phật đến cúng dường nguyện Đức Thế Tôn ban cho đứa trẻ nầy tên gọi. Phật bảo Trưởng giả:

– Chính vì muốn mang tên là trời, thì người không hiểu. Chính vì muốn mang tên Hiền, Thánh thì hàng phàm phu không hiểu.

Thời Phật Ca-diếp gọi quỷ là Thi-bà-la. Nay đúng là nên đặt tên Thi-bà-la. Thi-bà-la nghĩA-là khai thông âm thanh, ngôn ngữ của quỷ thần. Thế nên, đặt tên là Thi-bà-la.

Khi Tôn giả A-nan sắp bát Niết-bàn, có độ hai đệ tử:

  1. Tên là Ma-thiền-đề.
  2. Tên là Ma-thân-đề-lợi.

Ma-thân-đề-lợi, nghĩa là vua đất. Nếu không làm đạo nhân, thì sẽ làm vua cõi Diêm-phù-đề này và ba cõi thiên hạ, nên gọi Ma-thân-đềlợi. Tôn giả A-nan bảo đệ tử nầy:

– “Ông hãy đến nước Sư Tử để chấn hưng Phật pháp. Người nước ấy cùng ở chung với La-sát, chủ yếu là cần văn tự để sau đó giao tiếp. Chợ giao dịch có sáu mươi thứ sách, trong số đó có sách quỷ gọi là A- phù, sách người đọc gọi là A-la. Ma-thân-đề-lợi vâng mệnh, đến nước Sư Tử kia, nhằm hoằng dương Phật pháp”.

Từ dấu ấn của giáo pháp nầy, ngày nay vẫn còn. Thi-bà-la là khai thông quỷ thần, vụ việc kia cũng như thế, nên gọi là Thi-bà-la.

Sở dĩ gọi Thi-bà-la có phước đức là vì lúc mới sinh, trong hai tay, tự nhiên có ngọc báu Ma-ni xuất hiện. Đó là vào thời Như Lai Tỳ-bà-thi xa xưa, Tỳ-kheo nầy làm khách buôn, vào biển tìm châu báu, phải trải qua năm tai nạn nguy hiểm mới đến được chỗ đảo báu. Được một châu báu, trở lại dâng lên cho đức Phật giữ và nguyện nơi mình sinh ra cũng sẽ được quả báo tự nhiên. Do nhân duyên nầy mà khi sinh liền có điều kỳ lạ. Lúc mới sinh, tự nhiên có viên ngọc báu được đeo vào tai mà sinh trị giá hai mươi ức. Người cha triệu tập những người buôn lại, để hỏi giá trị của viên ngọc báu kia. Các người buôn cân nhắc nói: “Trị giá hai mươi ức.

Viên ngọc báu trong tay Thi-bà-la, không có hạn lượng, nên kể như là vô giá, kỳ thật báu ấy đã được thấm nhuần qua bảy đời, trong bảy đời đó không có nơi nào thiếu, khát, nên gọi là phước đức bậc nhất.

Đến năm hai mươi tuổi, xuất gia học đạo, tới chỗ đức Thế Tôn, Phật bảo:

– “Thiện lai, tức thành Sa-môn, tư duy về bốn đế, liền chứng được La-hán. Lúc ấy, có năm trăm đồng tử, cũng xuất gia vì đạo, thường theo hầu Thi-bà-la. Thi-bà-la cung cấp áo cơm cho năm trăm người nầy, y phục chỗ ở đều thích hợp, được cúng dường không thiếu, khắp chung quanh cũng đều cúng dường, cho đến tận thành La-duyệt Kỳ. Ở phía Nam thành ấy có ngọn núi lớn; trong núi có các thứ trùng độc-hổ- sóiLa-sát rất nhiều. Thi-bà-la liền tự tâm niệm: “Muốn ẩn náu trong núi một thời gian”.

Bấy giờ, Thiên Đế Thích, biết ý niệm của Thi-bà-la, tức thì tạo dựng năm trăm phòng và tăng- già- lam ở trong núi đó, với đầy đủ mọi thứ cúng dường.

Trải qua một mùa ngồi Hạ đã xong, Thi-bà-la tâm niệm: “Xa cách không theo hầu đức Thế Tôn đã lâu, nên trở lại đảnh lễ hầu cận ngài. Khi đó trời rất nóng bức, có ý nghĩ muốn được mát mẻ, Thiên Đế biết ý Thi-bà-la, liền hạ thấp mây, mưa một ít nước, nghĩ đó là nước uống, tức thành cam lộ rơi xuống. Ý nghĩ về điều mình muốn, ưng ý là liền có được, nên gọi là phước đức bậc nhất”.

Thi-bà-la có người chú, thờ Phạm chí ngoại đạo, là người vốn keo kiệt, không ưa bố thí. Lúc ấy, có bạn thân khuyên chú ông hãy tạo nên tiền của cho đời sau, ông ta liền thỉnh vài ngàn Phạm chí, thí cho trăm ngàn lượng vàng. Thi-bà-la nghĩ: “Chú keo kiệt, tham lam, sống không tạo dựng phước, giả sử có làm tuệ thí mà không gặp được ruộng tốt, nếu ta không độ thì vĩnh viễn ông sẽ bị vứt bỏ” nên liền đi qua nhà chú, bưng bát khất thực. Người chú nói:

– Sao cháu đến muộn vậy! Ngày hôm qua, ta đã bố thí rất lớn, nếu hôm qua cháu đến, thì có thể được Tăng kiệt chi.

Nói: “Cháu tự có Tăng kiệt chi” Đã không cần thì cháu đến đây làm gì?

Thi-bà-la đáp:

– Cháu muốn khất thực! Bấy giờ, người chú không cho. Thi-bà-la liền hiện thân trong hư không, tạo nên mười tám thứ biến hóa: Thân xuất hiện trên nước, lửa…

Trưởng giả tâm niệm:

– Đây tất nhiên là sự giận dữ, có thể đốt cháy nhà ta, liền gọi nên hạ xuống, mời ngồi nơi tòa. Thi-bà-la ngồi, nói:

– Tôi muốn được ăn.

Người chú bèn cho thức ăn dở, thiu hôi. Thi-bà-la liền tiếp nhận, chú nguyện mà ăn. Thức ăn vào trong bát, được chiêu cảm do phước, đức, nên biến thành cam lộ. Có vị trời ở trên hư không khen:

– “Lành thay, Trưởng giả! Đấy mới là thí vĩ đại, là thí phước đức. Không gì có thể vượt qua”.

Trưởng giả tâm niệm: “Trước đây ta đã thí cho Phạm chí trăm ngàn lượng vàng, mà không khen ta. Nay chỉ thí cho một ít thức ăn dở, lại khen là thiện, như vậy không là nói dối sao?”

Trời lại bảo: Của bố thí dù ít, nhưng đó là ruộng phước tốt, nên nói là thí vĩ đại.

Trưởng giả lại nghĩ: “Trời tất nhiên là chân thật, lại đến hai lần bảo ta.”

Tức dùng trăm ngàn lượng vàng thí cho Thi-bà-la.

Thi-bà-la nói:

– Theo pháp Tỳ-kheo của tôi, thì không nên nhận lấy vàng.

Liền đi đến chỗ Phật để hỏi rõ sự việc. Phật dạy:

– “Có thể nhận lấy, tùy ý chuyển thí cho người khác.”

Thi-bà-la bèn tiếp nhận số vàng nầy, rồi đem thí cho các đồng học. Rồi vì người chú thuyết giảng pháp, tức được dấu ấn đạo.

Do có khả năng biến đổi thức ăn dở-hôi thành ra cam lộ, nên gọi là phước đức bậc nhất”.

Từ khi sinh cho đến Niết-bàn, chưa từng có sự thiếu thốn. Khi bát Niết-bàn, trên thân mưa xuống vô số các thứ uống ăn ngọt ngon. Sở dĩ thân mình đã được đầy đủ lại vì muốn thấm nhuần cho chúng sinh. Chính vì lẽ nầy nên xưng là bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên đầy đủ các hạnh là bậc nhất, vì Tỳ-kheo nầy có đức hạnh đầy đủ ở bên trong, hình dung đoan nghiêm ở bên ngoài. Ngoài-trong tương ưng nên chỗ thích hợp đều hài hòa.

Nan-đà ba mươi tướng, A-nan hai mươi tướng. Tướng biểu hiện dù nhiều, nhưng đối với oai nghi của Sa-môn, không thể cho là đầy đủ. Tướng của Tỳ-kheo nầy dù chỉ có mười một, nhưng về lễ nghi, thì luôn đầy đủ. Do đầy đủ nên tạo được sự thích hợp, đến đâu cũng tương ưng đúng lẽ, lớn nhỏ trông thấy không ai là không vui thích. Gọi là bên trong đầy đủ, như là bốn đế, như là tám chánh chân diệu, là chốn linh thật sự luôn đầy, chưa từng bị hư hao, nên gọi đầy đủ pháp phẩm đạo của các hạnh là đệ nhất.

Sở dĩ gọi chỗ giảng nói của Tỳ-kheo Bà Đà Tiên là rất hòa vui, không làm thương tổn ý người bởi vì Tỳ-kheo nầy thường thận trọng nơi miệng, không phạm bốn lỗi. Luận về kẻ sĩ xử thế, chiếc búa ở tai miệng mình sở dĩ chém thân là do lời nói ác.

Tỳ-kheo nầy, đối với các lời nói hung ác đều vĩnh viễn dứt trừ; thường xuyên lựa chọn lời, nói năng từ tốn, suy nghĩ trước sau, mới phát lộ thành câu, hợp với ý, tất nhiên sẽ khiến người nghe hoan hỷ. Nếu đối với hàng trưởng lão, trung niên hoặc tuổi trẻ, thì tùy theo đối tượng họ ưa thích, để có thể làm cho hài lòng.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo này hay khéo nói năng là vì: Có Tỳ-kheo đã chứng được La-hán, lậu tận nhưng vẫn còn có lỗi lầm của miệng. Như trường hợp Tỳ-kheo, nhân đi qua sông, nước sông cứ sâu dần, bèn phát ra lời nói xấu ác: “Giống vật nô tỳ dâm xấu xa!”. Bấy giờ, thần sông là nữ nghe lời nói ác ấy, tâm nghĩ: “Vị Tỳ-kheo nầy vừa thốt ra lời xấu ác như thế, chính là muốn đẩy ta ở mãi trong nước”. Đó là do Tỳ-kheo tạo ra. Phải đi hỏi Phật. Thần sông liền đi hỏi Phật:

– Có Tỳ-kheo qua sông, nước hơi sâu, lại mắng nhiếc: “Đồ giống nô tỳ dâm xấu xa”. Pháp của Tỳ-kheo có nên mắng nhiếc không?

Đức Phật liền sai một Tỳ-kheo gọi Tỳ-kheo mắng nhiếc kia đến.

Phật bảo Tỳ-kheo ấy:

– Ông là Sa-môn, vì lẽ gì mắng nhiếc sông nước? Tỳ-kheo đáp:

– Đệ tử không mắng, chỉ nói thẳng là giống dâm nô mà thôi.

Nữ thần sông nói:

– Xem ra Tỳ-kheo nầy lại mắng nhiếc nữa! Xin Đức Thế Tôn thuyết giảng về gốc ngọn ấy. La-hán nên có sự giận dữ tồn tại như vậy chăng? Vì lẽ gì lại mắng? Phật nói:

– La-hán không còn giận dữ; nói ngay như thế là vì quen miệng mà thôi! Tỳ-kheo này từng là Bà-la-môn. Pháp của Bà-la-môn khi vui mừng hay mắng nhiếc, nói: “Tôi tớ trong thai” không hẳn là họ giận mà mắng. Lời nói thẳng là do tự quen miệng! Hơn nữa, năm trăm đời về trước, lúc Tỳ-kheo nầy là chồng của ngươi, thường hay mắng ngươi là nô tỳ, vì do thức của đời trước không loại trừ, nên lại mắng!

Nữ thần sông nói:

– Dù là A-la-hán, vẫn còn có lỗi của miệng. Con không cầu đạt Ala-hán. Con nguyện về sau sẽ cầu đạo chánh chân vô thượng, độ thoát cho tất cả, như Phật không khác!

Phật nói với Tỳ-kheo:

– Ông hãy hướng về người nữ này xin sám hối! Tỳ-kheo liền sám hối. Người nữ nầy cũng nên hướng về Tỳ-kheo kia xin sám hối! Làm lễ xong, cả hai đều từ biệt ra đi.

Mặc dù là lậu tận, cũng còn có lời nói thô, huống chi là đối với hàng phàm phu mà không thận trọng lời nói!

Do nhân duyên ấy nên biết Tỳ-kheo là người gìn giữ miệng bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Ma-ha-ca-diên-na thực hành quán sổ tức là bậc nhất, vì trong một ngàn hai trăm vị đệ tử, chỉ có Tỳ-kheo nầy và La-vân là có khả năng thật hành quán sổ tức bậc nhất.

Lấy gì để biết được?

Xưa, La-vân theo Phật tu hành. Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo, dôi gót chân xuống đất khiến cho La-vân thấy. La-vân thấy rồi, liền suy nghĩ:

– “Ông lão nầy luôn giữ lấy hình dạng như vậy. Từ bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương, mãi theo con đường hành khất ư ? Vì sao không thấy xấu hổ? Ta không thể nào lại làm kẻ hành khất, chắc phải trở về thôi! Vì tổ phụ ta là vua Chân Tịnh hiện đang tại vị, ta đâu thể tạo ra sự cực khổ nầy làm gì?” Đức Phật biết rõ những nghĩ ngợi trong tâm Lavân bảo La-vân:

– Con biết không? Trời đất hãy còn vô thường, huống chi là ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương của con, lẽ nào có thể dừng lại lâu? Nên hiểu rõ về chẳng phải thường, có hình đều là khổ, thân chẳng có ngã, đều sẽ bị hoại diệt, không hề trụ lâu.

La-vân tư duy về bốn thứ vô thường, ý cũng chưa tỏ ngộ. Phật dạy phải thật hành pháp An-ban thủ ý (Quán Sổ tức), để bảo vệ ý. An ban nghĩA-là hơi thở ra vào. Hơi thở dài cũng biết, hơi thở ngắn cũng biết.

Hơi thở ngắn nghĩa là từ tim trở lại. Hơi thở dài nghĩA-là từ giữa gót chân trở lại. Lại biết lạnh, ấm: hơi thở vào là lạnh, hơi thở ra là ấm.

Sở dĩ cần biết dài-ngắn-lạnh-ấm là vì muốn phân biệt chỗ hướng đến của năm ấm là sâu hay cạn, tìm tòi gốc ngọn của hơi thở ra vào để biết nguyên do bệnh. Hoặc khi thở vào, không biết hơi thở từ đâu tới? Hoặc khi thở ra, không biết hơi thở đó sẽ đi đến chỗ nào? Hiểu rõ không có đến đi, bệnh cũng lại như thế.

Suy nghĩ như thế, bèn chứng được La-hán.

Ma-ha-ca-diên-na thực hành pháp quán sổ tức không giống như Lavân. Ông luôn tự tại về hơi thở, nếu muốn hơi thở xuất phát từ mắt, từ tai, đều tùy ý ra vào. Nếu nhắm mắt- bịt tai- mũi- miệng, thì hơi thở sẽ từ chín mươi vạn lỗ chân lông mà ra. Làm sao biết được từ các lỗ chân lông mà ra?

Vị Tỳ-kheo nầy vốn là dòng dõi vua, có hai anh em. Người em đoan nghiêm, đẹp đẽ. Bấy giờ, vua cha băng hà, người anh lập tức lên nối ngôi vua. Người em tự cho mình là hơn anh, ngầm mong được mọi người suy tôn, nhưng pháp của nước, không được vượt qua thứ bậc, liền đưa người anh lên làm vua. Người em tâm không phục, không chịu xưng quan, tự tìm cách ra nước ngoài, vua liền cho đi. Người em cầu xin quân binh, vua vui vẻ ban cho. Người em liền tuyển chọn tám vạn thớt voi, trang bị kiếm-áo giáp, chuẩn bị chu đáo xong, suy nghĩ: “Nước nào tốt hơn hết, ta muốn đánh chiếm?» Nước Tỳ-xá-ly vượt trội hơn các nước khác, ta nên qua đó đánh lấy, cho là dụng ý của riêng mình, lập tức dẫn binh hướng đến. Đang đi được nửa đường, có năm trăm khách buôn vốn đi tìm của báu trở về, muốn đến nước Ma-kiệt-đà, gặp nhau người em hỏi khách buôn: “Người trong thiên hạ, hình dung- dáng dấp có ai hơn ta không?” Khách buôn liền cười. Hỏi:

– Vì sao cười?

Đáp:

– Tôi chỉ tự cười! Lại hỏi:

– Cười, chủ yếu phải có dụng ý, vì sao không nói?

Đáp: – Nếu không giận thì tôi sẽ nói rõ lý do.

– Ông cứ nói đi, ta quyết không giận ông đâu! Khách buôn nói:

– Tôi nghe nói có vương tử của vua Bạch Tịnh, danh hiệu Tất- đạt, thân cao lớn một trượng sáu, toàn sắc vàng ròng, có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

Sau khi nghe khách buôn nói, Ca-chiên-diên-na trong lòng lo sợ, nếu Tất-đạt biết ta đến, tất sẽ điều động quân đội chống trả, nên tức khắc cho dừng quân lại giữa đường, không dám tiến tới trước.

Bấy giờ, người nước Tỳ-xá-ly nghe nói Ca-chiên-diên-na khởi quân sắp kéo đến đánh, tự mình không thể làm gì được, vội đi hỏi Phật: – Cầu tai ương được tiêu trừ phải như thế nào? Phật nói:

– Không có khổ. Ta sẽ tự hóa giải tai ương ấy.

Ngay đêm hôm đó, Đức Thế Tôn đến chỗ Ca-chiên-diên-na, hiện biến hóa và ngồi kết già giữa hư không, ánh sáng như núi vàng, tỏa chiếu khắp đại chúng.

Ca-chiên-diên-na ngẩng đầu lên nhìn, hỏi:

– Ngươi là người nào?.

Đáp: “Ta-là người mà khách buôn đã nói”.

Ca-chiên-diên-na liền bảo:

– Khách buôn! Ông đã lừa dối ta! Vừa rồi ông không nói là họ có thể bay cao nhưng hiện nay họ đang bay. Trong lòng hoảng sợ sẽ bị Tất- đạt hại, nên vòng tay lại hỏi:

– Không rõ việc gì mà đến đây, xin được chỉ dạy?

Đức Thế Tôn đáp:

– Chớ ôm lòng sợ sệt! Ta không hại ông. Ta tên là Phật, cứu độ tất cả, ta có pháp cam lộ vi diệu, ông muốn nghe không?

Đáp: Xin được nghe!

Đức Phật quán sát căn của Ca-chiên-diên-na, sẽ thích hợp từ pháp quán sổ tức mà được độ, liền vì ông ta giảng nói về việc giữ gìn hơi thở ra- vào, biết hơi thở dài- ngắn và biết lạnh- ấm.

Nghe Phật nói, tâm Ca-chiên-diên-na tức thì tỏ ngộ, được đạo Tuđà-hoàn liền từ bỏ chúng quân, cầu làm người xuất gia. Phật liền tiếp nhận, nói:

– Thiện lai Tỳ-kheo! Ấy là thành Sa-môn.

Suy nghĩ về hơi thở ra vào, phân biệt bốn đại, với ba mươi sáu vật ác hiện rõ, đầy dẫy bất tịnh, liền đạt đến chỗ tốt đẹp, chứng đắc quả Vôlậu, nên gọi hành quán sổ tức là bậc nhất trong các Tỳ-kheo.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Ưu-đầu-bàn cho ngã vô thường là bậc nhất, vì hạnh nơi kiếp trước của Tỳ-kheo nầy là cung kính. Nếu thấy trưởng lão- thầy- cha, thì phụng sự thờ kính. Nếu thấy người trung niên thì kính trọng như anh. Người nhỏ hơn mình thì thương như em. Vì khiêm tốn, cung kính cùng cực, nên tiếp nhận quả báo thân tướng đẹp đẽ, to lớn, được làm Tỳ-kheo, hầu bên trái bên phải Phật. Dù có hình tướng cao lớn, nhưng thường không tự ỷ thị, luôn xem thân vô ngã, vô thường là chủ. Tuệ sáng hiểu thấu, tâm dứt mọi ưa phải trái nên hay bỏ hết các hình, trừ tan kiêu hãnh, lấy cử chỉ khiêm tốn làm đầu.

Do đâu biết được sự đẹp đẽ lớn lao của tướng hình?.

Sau khi thành đạo, Đức Phật độ ba anh em Ca-diếp, có ngàn Tỳkheo. Du hóa đến nước Ma-kiệt, độ vua Bình sa. Khi sắp trở lại bản quốc, trước hết sai Ưu-đà-di báo cho vua Chân Tịnh biết, bảy ngày sau sẽ đến nhập hóa.

Bấy giờ, vua Chân Tịnh nghe tin nầy, khấp khởi vui mừng khôn xiết, liền ra lệnh trang hoàng nhà cửa, xe cộ, tu sửa đường sá sao cho bằng phẳng, quét dọn sạch sẽ, rưới nước, đốt hương, để tiếp đón Như Lai. Như Lai dẫn một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo đi đến nước Thích sí. Như Lai tâm niệm: “Phụ vương, tất phải đến đón rước, không thể vì sự tôn trọng mà để phụ vương phải cúi lễ. Phật bèn hiện thần túc, bay lên hư không mà đi, ngang bằng với đầu người, muốn cho tay của vua cha tiếp xúc với chân Như Lai mà thôi. Vì sao? Vì Đức Phật dù là bậc tôn đức nhưng không muốn để cho cha mẹ phải cúi lạy mình”.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Ưu-đầu-bàn ở bên phải Như Lai, lực sĩ Mật Tích ở bên trái Như Lai. Thân Như Lai đứng thẳng đến vai Tỳ-kheo nầy. Vua hỏi:

– Những ai đứng bên trái, bên phải Phật mà cao lớn như vậy?

Đáp: – Đứng bên phải Phật là Tỳ-kheo Ưu-đầu-bàn; còn người đứng hầu bên trái Phật, là lực sĩ Kim Cang thuộc quỷ Duyệt xoa.

Lại hỏi:

– “Là những người của nước nào mà đẹp đẽ khác lạ như thế?”.Đáp: – “Là người thuộc nước Ma-kiệt”.

Lại hỏi:

– Là thân thần túc hay là thân di thể?

Đáp:

– “Là thân di thể của cha- mẹ, không phải là thân thần túc.

Người trong họ Thích cảm nghĩ: “Đức thần của Như Lai là không thể nghĩ bàn, mới khiến cho người cao lớn cùng quỷ ác La-sát đứng hầu ở bên trái- phải Phật. Do nhân duyên nầy, nên biết được thân Tỳ-kheo ấy là dài- ngắn cao thấp”.

Tỳ-kheo ấy đứng hầu bên trái- phải Phật, luôn muốn che mờ Như Lai. Chư thiên, người đời cho đấy là điều không hay:

Như Lai có hai thứ thân:

  1. Pháp thân.
  2. Nhục thân.

Tỳ-kheo nầy chỉ yêu nhục thân có sắc vàng ròng, không yêu thích pháp thân Vô-lậu. Pháp sẽ được phó chúc cho đệ tử thân cận. Nên để lại pháp thân vì sợ nơi đời vị lai sẽ thiếu.

Do hai việc trên, nên Như Lai phân ra, để Tỳ-kheo nầy theo kịp Tôn giả A-nan.

Sở dĩ gọi Câu-ma-la-ca-diếp có thể biện luận đủ loại, là vì Tỳ-kheo nầy, thường xuyên vì mọi người diễn nói rộng rãi về bốn đế, đôi khi còn kiêm cả việc tán tụng, dẫn dụ để so sánh. Ví như nêu một đế, dùng một kệ để ca ngợi, dẫn dụ, cho đến bốn đế cũng đều như thế, nên gọi biện luận đủ loại là bậc nhất.

Câu Ma-la, nghĩa là đồng tử; Ca-diếp là họ, Câu ma-la Ca-diếp tức là con của đồng nữ.

Vì sao biết như thế?

Xưa, có Trưởng giả tên là Thiện Thí, cuộc sống giàu có vô lượng. Nhà có cô con gái chưa hề ra khỏi cổng, ở nhà trông vào lửa, hơi ấm xông vào thân, bèn có mang. Cha mẹ kinh ngạc, lấy làm lạ, gạn hỏi con gái mình do đâu có trình trạng ấy? Người con gái thật tình đáp:

– “Không biết vì lẽ gì như thế”. Cha mẹ lại gạn hỏi nữa, lần nầy thì dùng cả roi gậy, lời khai của cô gái vẫn không thay đổi. Cha mẹ đành đem vụ việc nầy tâu lên nhà vua. Nhà vua lại gạn hỏi, trách cứ, lời khai vẫn không khác. Vua buộc cô gái phải thừa nhận để khỏi lấy cái chết.

Cô gái liền kêu oan:

“Thiên hạ sao lại có ông vua vô đạo, giết oan người vô tội”.

Vua nói:

“Nếu ta không tốt thì ngươi tự bảo đảm cho sự thử nghiệm?” Nhận thấy việc oan uổng như thế, vua liền cho kiểm nghiệm một lần nữa, vẫn y như lời cô gái đã tâu, không thêm bớt gì khác. Vua liền nói với cha mẹ cô gái:

– Trẫm muốn cưới con gái.

Cha mẹ thưa:

– Tùy ý đại vương nhưng dùng đứa con gái chết tiệt nầy để làm gì?

Nhà vua liền hạ lịnh đưa cô gái vào cung, theo đó mà chăm sóc, nuôi nấng.

Ngày tháng trôi qua, đã tới kỳ, cô gái sinh được một bé trai đẹp đẽ- đoan nghiêm. Đến tuổi trưởng thành, xuất gia học đạo, thông tuệ- hiểu biết sâu rộng, tinh tấn không bao lâu được đạo La-hán, trở lại độ cha mẹ.

Bấy giờ, có quốc vương, hiệu là Ba- tiết, tin vào tà kiến sai lạc, không biết có đời này, đời sau, không biết làm việc thiện thì được phước, tạo điều ác phải chịu tai tương, cho rằng khi chết, thần diệt, không thọ sinh lại, không tin có Phật, không biết Niết-bàn, dùng lá sắt ràng bụng lại, sợ trí sẽ tràn ra, khoe mình là duy nhất không ai sánh bằng.

Lúc này, Đồng Ca-diếp vừa đến cửa vua. Vua thấy Ca-diếp mặc y phục lạ thường, bước đi dịu dàng, khoan thai, oai nghi tề chỉnh, liền cho bàn luận. Vua hỏi đạo nhân, đạo nhân nói:

– “Làm điều thiện sẽ có phước, tạo việc ác xấu sẽ chịu họa hại”. Vua nói:

– Tông gia của ta có một người làm việc thiện đến thuần thục. Khi sắp chết, ta đã cùng với nhiều người, đi đến nói với người ấy: “Như điều ông đã làm, khi chết phải được sinh lên cõi trời. Nếu có người trên cõi trời đến thì trở lại nói cho ta hay. Từ khi chết đến nay, đã lâu, không thấy ai đến báo với ta, từ đó ta biết là làm điều thiện không có phước!” Đạo nhân đáp với vua:

Luận về người trí, dùng thí dụ sẽ tự hiểu. Ví như có một người bị té ngã vào trong chuồng xí trăm ngăn. Có người kéo ra cho tắm gội sạch sẽ, mặc y phục đẹp, dùng hương xông khắp mình, ngồi trên giường cao. Có người lại nói với người nầy:

– Ông hãy đi trở lại vào chuồng xí! Người nầy có chịu vào không?

Vua nói:

– Không chịu.

Đạo nhân nói:

– Người sinh lên cõi trời, ví dụ nầy cũng vậy. Trên trời thì năm dục, diệu lạc, tự ý vui thích, dùng cam lộ làm thức ăn, thức ăn tự tiêu hóa, không lo tiện lợi, thân thể sạch sẽ; hơi miệng thơm tho.

Nhìn xuống thế gian, cũng như ở chuồng heo. Giả sử muốn đến thế gian, nghe mùi hôi thoái lập tức cũng thoái lui. Do đấy, mới nói là không được báo trở lại là vậy! Với vài mươi điều thí dụ so sánh như thế, ý vua được mở rộng hiểu biết và tin tưởng về ba ngôi.

Do nhân duyên nầy, nên Đồng Ca- diếp được gọi là có khả năng biện luận đủ thứ vào bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Diện Vương, mặc y phục xấu-rách, không lấy gì làm xấu hổ, có thể gọi là hành mười một hạnh đầu đà? Hoặc nói là:

“Không phải”. Vậy vì lẽ gì cho là bậc nhất?

Tỳ-kheo mặc một thứ y, suốt đời không thay đổi.

Vì lẽ gì biết được như thế?

Vị Tỳ-kheo nầy vốn là dòng họ Thích. Lúc mới sinh, có đức thần lạ. Khi mẹ bắt đầu mang thai, đã rước Phạm- chí đến, để đoán xem tướng mạo. Phạm-chí đoán:

– Trên đầu đứa trẻ nầy có tướng mão của trời.

Người mẹ nghe qua, rất hoan hỷ, giả vờ không vui, suy nghĩ:

– Luận về mão trời, nghĩa là tướng của vua. Trong một nước không thể có hai vua,e sẽ bị vua hại. Vì thế, nên không vui. Sở dĩ trong lòng mừng rỡ vì lẽ nếu thật sự là vua, thì tự nhiên sẽ có người bảo vệ, lo gì không cứu giúp.

Đủ ngày tháng, người mẹ sinh một đứa con trai, trên đầu có bóng chiếc mão. Lại mời Phạm- chí đặt tên cho. Phạm-chí nói: “Trên đầu đứa trẻ có tướng vua”. Lại không thể rời tướng nầy, nên phải gọi là Diện Vương, tức đặt tên là Diện Vương.

Vua Chân Tịnh nghe chuyện ấy nên lo sầu. Đứa trẻ nầy có tướng vương giả, về sau sẽ đọat lấy ngôi vị của ta. Vậy ta phải làm sao đây? Vua muốn giết nó ngay, nhưng vì sợ tội không dám giết. Đang muốn để nó ở lại, nhưng sợ sẽ cướp mất ngôi vua của mình. Vua càng lo lắng, áy náy không thể tự yên ổn.

Đức Phật sau khi trở lại nước, vua cha bèn ban lệnh cho các họ Thích: “Nếu nhà nào có hai anh em thì sẽ cho một người xuất gia vì đạo, theo hầu đức Thế Tôn! Đứa trẻ này chỉ là một, nên không thể khiến xuất gia theo năm trăm người. Vậy là vua phải ôm lòng buồn lo, héo hắt thêm!

Bấy giờ, Diện Vương lên mười tuổi, tâm tự suy nghĩ: “Giả sử được ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, cũng lại vô thường. Hơn nữa, không bằng các người họ Thích xuất gia. Thân người khó đạt, Đức Phật ra đời, không dễ gì được gặp. Còn thơ ấu, được gặp Phật xuất thế, cần phải xuất gia.” Diện Vương liền thưa với mẹ mình.

– Con muốn xuất gia học đạo!

Người mẹ nói:

– Ta chỉ có một mình con, bỏ ta, ta sẽ phải chết!

Diện Vương liền thưa với vua Chân Tịnh:

– Tâu Vua! Con muốn xuất gia, vua có cho không?

Vua Chân Tịnh tỏ vẻ hoan hỷ nói:

– Rất nên như thế!

Diện Vương thưa:

– Thân con chỉ có một, không biết phó thác mẹ cho ai, đấy là nỗi lo của con. Vua nói:

– Nếu con có thể xuất gia, ta sẽ xem mẹ của con như là chị, lấy phân nửa nước để chu cấp.

Diện Vương hoan hỷ, trở lại nhà bày tỏ mọi chuyện và thưa với mẹ xin xuất gia, mẹ liền chấp thuận.

Khi sắp xuất gia, Diện Vương mặc áo lông cừu trắng rộng, đến chỗ Thế Tôn muốn cầu đạo. Đức Thế Tôn nói:

– Thiện lai Tỳ-kheo! Tức thì trở thành Sa-môn.

Phật chế Tỳ-kheo có ba y, Tỳ-kheo Diện Vương nầy, trực tiếp nhuộm áo lông cừu trắng, để làm Cà- sa, chớ không dùng y nào khác. Diện Vương bạch Phật:

– Đệ tử, chính vì muốn trọn đời mặc một y nầy, xin đức Thế Tôn cho phép.

Đức Phật yên lặng mà đồng ý cho, nên từ đấy trở đi, thường mặc một y ấy, Đức Thế Tôn nói:

– Người mặc y xấu- rách trong các đệ tử của ta, không có ai qua được Tỳ-kheo Diện Vương. Tỳ-kheo nầy, ở trong tám điều tâm niệm của bậc đại nhân, là người thiểu dục- tri túc bậc nhất.

Sở dĩ gọi La-vân là giữ giới không hủy hoại. Hoặc nói: “La-vân vui thích nói dối, sao lại nói là giữ giới? Hoặc nói: “La-vân không nói dối, chính là tự giận Phật”.

Vì lẽ gì giận Phật?

– Vì lẽ Phật không làm Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu làm Thánh vương, sẽ có tám vạn bốn ngàn đại thần, tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, voi ngựa- xe tải, mỗi thứ đều có tám vạn bốn ngàn.

Từ bỏ ngôi vị như vậy mà làm Sa-môn, đi khất thực khắp đây đó, không đáng xấu hổ hay sao?.

Chấp vào quyền lợi của Thánh Vương, ngờ vực Như Lai, nên tạo ra sự nói dối mà thôi!

Có người hỏi La-vân:

– Đức Như Lai ở đâu?

Như Lai thật sự đang ở tinh xá Kỳ Thọ, mà lại đáp: “Ở khu vườn Trú ám. Sự thật Như Lai đang hiện diện tại vườn Trú ám, mà nói dối là đang ở tại vườn Kỳ Thọ. Thường hay nói dối để gạt người đến hỏi”. Tôn giả A-nan bèn bạch Phật:

– La-vân nói dối.

Đức Phật gọi La-vân đến hỏi:

– Ông thật sự có nói dối?

La-vân đáp:

– Thật như vậy, bạch Thế Tôn!

Phật hỏi:

– La-vân, vì lẽ gì ông tạo ra sự nói dối?

Ta sở dĩ từ bỏ ngôi vị Thánh Vương là vì ngôi vị ấy không thể là nơi chốn trông cậy- nương tựa, đều trở về với vô thường, không tồn tại lâu dài. Ngay cả Đế Thích, Phạm Vương, cũng đều không thể đảm bảo, huống chi là Thánh Vương mà có thể trông cậy, nương dựa ư? Đức Phật nói:

– La-vân! Ta trước sau đều từ bỏ, sự việc nầy không thể gọi là chấp, sao ông lại hờn dỗi! Phật nói với La-vân:

– Ông múc nước đem đến đây cho ta. La-vân liền múc đầy bát nước đem đến. Như Lai cầm bát nước nói với La-vân:

– Ông có thấy nước nầy không? La-vân đáp:

– Bạch Thế Tôn, con đã nhìn thấy.

Phật nói:

– Bát nước đầy nầy không lưng bớt chút nào, là dụ cho giữ giới đầy đủ hoàn toàn, không chỗ nào hao hụt, rơi rớt. Như Lai đổ bỏ một nửa; rồi nói với La-vân:

– Ông có thấy nước nầy không?

La-vân đáp:

– Dạ có thấy, bạch Thế Tôn!

Phật nói:

– Nước nầy vì mất hết một nửa, là dụ cho giới không đầy đủ. Lại đổ hết nước, khiến cho bát cạn, Phật lại bảo La-vân:

– Ông có thấy bát rỗng nầy không? La-vân đáp:

– Đã thấy! Phật nói:

– Phạm giới là đều hết sạch, ví như chiếc bát trống rỗng. Phật lại lấy bát úp xuống đất, rồi bảo cho La-vân:

– Ông có thấy không?

La-vân đáp:

– Dạ thấy, bạch Thế Tôn!

Phật nói:

– Đã phạm giới, đều sẽ bị đọa địa ngục, là dụ cho miệng bát hướng xuống đất.

La-vân từ khi được sự răn dạy tận tình của Phật về sau, chưa từng vi phạm lại cho dù một mảy may, nên gọi là người giữ giới bậc nhất.

Hoặc nói: Lại có sự việc: Thân Tử dẫn La-vân vào thành Xá-vệ khất thực. Bấy giờ, có vị Bà-la-môn thấy La-vân đi sau, liền khởi ý ác, đánh vào đầu La-vân, chảy máu làm nhơ cả mặt. La-vân lập tức nẩy sinh ý nghĩ ác: Cần phải tìm phương tiện để trả oán nầy: Chỉ nói: “Hết thảy Bà-la-môn đều sẽ bị phá diệt, quyết không để họ yên!”.

Thân Tử biết được ý nghĩ trong tâm La-vân, vì bị Bà-la-môn kia đánh chảy máu; bèn nói với La-vân:

– Phải nhớ lại cha của ông, xưa kia khi làm vua Tu Niệm, có người đến xin đôi mắt, liền móc mắt cho ngay không hề hối hận. Lúc đang ngồi thiền ở nơi vườn, bị vua cắt xẻo tay, chân, cũng không hối hận. Hoặc khi làm voi đem ngà cho người, cũng không nhàm chán. Nay sao ông lại khởi lên niệm ác ấy? Nghe thầy nói, La-vân liền tự trách: “Nay sao tA-lại dùng tâm ác nhắm vào người kia?” Tức thì nhẫn nhục như đất, không khởi tâm hãm hại nữa, cho dù một sợi lông- cọng tóc cũng không đụng đến.

Người đánh vào đầu La-vân bị đọa trong địa ngục Vô trạch. Do nhân duyên nầy, nên biết La-vân giữ giới là bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Ban-tha, có khả năng ẩn giấu hình hài không hiện, là vì Ban-tha, có nghĩa là đường đi. Có trẻ song sinh bị vứt bỏ bên đường. Có người lượm đem về nuôi, đến khi khôn lớn, cả hai đều xuất gia vì đạo. Không có người nào cho tên, tức lấy tên là Đạo Sinh (sinh nơi đường). Tiếng Phạn gọi là Ban-tha.

Bấy giờ, ở nước Ma-kiệt, thường có sấm to, mưa dữ dội, đậu mè lúa thóc không mọc lên được, vua tên là Tần-đầu-đồ-la, tổ của vua A-xàthế, chiêu mộ người bốn phương xa gần, nói:

– Ai có năng lực đẩy lùi mưa lớn sẽ được ban cho nhiều của cải vật báu.

Lúc ấy, có Bà-la-môn, tên là Phạm- chí, khéo biết về chú thuật, đến nơi chiêu mộ, nói:

– Tôi có năng lực đẩy lùi cơn mưa lớn!

Vua liền cho phép ông ta hiện bày chú thuật và mưa dứt. Khi đó âm dương điều hòa, đậu mè lúa thóc được mùa. Phạm chí tâu lên vua xin trả công đã dứt được mưa. Mặc dù vua đã hứa miệng, nhưng cuối cùng không trả ơn cho. Các quan và dân chúng thấy vua không ban ơn cho, nên đều hứa sẽ cho.

Nhà Phạm-chí rất khó khăn, thường theo xin trả công, các quan cũng không cho, đi đòi hỏi khắp cũng không được. Phạm chí cả giận, thề sẽ làm rồng độc, tiêu diệt người trồng trọt. Nếu có người gieo trồng ngũ cốc trở nên tươi tốt, ta sẽ tuôn mưa đá xuống, khiến cho rễ, cộng không đứng được, huống hồ là lá.

Thề xong, khi Phạm chí mạng chung, tức thì sinh trong loài rồng, tên là Vô Diệp.

Từ đấy, dân chúng nước Ma-kiệt, gieo trồng lúa thóc, lúa mạ vừa sinh, rồng liền làm mưa đá để hại.

Trải qua mấy năm như thế, dân chúng đói khổ khốn đốn, số người tử vong ngày càng đông.

Đức Phật vô cùng xót thương khi thấy muôn dân bị tổn hại, chết chóc; nên muốn hóa độ rồng nầy, liền dẫn Mật Tích-A-nan-Ban-tha đến, để cùng giữ nước, rồi tới thẳng chỗ rồng ở. Rồng vừa trông thấy Phật đang đi đến, lòng dạ ác độc nẩy sinh liền nói:

– Hôm nay ta sẽ làm mưa đá sát hại Sa-môn này. Lập tức mưa xuống đá núi. Phật quay về bên trái, nhìn Mật Tích. Mật Tích biết ý Phật, liền dùng chày Kim Cương với ý định làm cho núi đá lớn rơi xuống, lấp bít vực sâu của rồng. Rồng cả giận, lửa trong mắt phát ra. Phật nhìn về bên phải, Tỳ-kheo Ban-tha liền biết ý Phật muốn sai mình hàng phục rồng, tức thì dùng thần túc giấu hình, dùng nước dập tắt lửa trong mắt rồng. Rồng lại phát ra lửa ở tai- mũi- miệng, Ban-tha cũng dùng nước dập tắt cả. Tỳ-kheo lại dùng thần lực ra-vào-vào- ra nơi mắt- tai- mũi- miệng của rồng nhưng rồng không thấy, giấu hình ở trong, hiện tay ra ngoài. Rồng nhìn thấy sự biến hóa nầy, tức thì tâm phục Phật lại cùng với ba người ở trước quA-lại kinh hành. Lúc nãy, trên tảng đá lớn có dấu chân của bốn người, nhưng mới có ba người xuất hiện. Rồng liền hỏi Phật: – Còn một người nữa ở đâu?

Phật đáp:

– Là dấu chân thầy của ngươi.

Rồng lại hỏi:

– Tên thầy là gì? Sao không hiện?

Đáp: – Tên là Ban-tha.

Phật muốn hiện từ xa, Ban-tha biết ý Phật liền đi trăm bước, hiện hình từ xa, rồng trông thấy thầy, hoan hỷ làm lễ.

Đức Phật liền truyền trao pháp tám quan trai. Từ đó trở đi gió-mưa điều hòa, đậu mè lúa thóc đơm đầy, chín tốt, muôn dân an ổn.

Do nhân duyên ấy, nên biết Ban-tha ẩn giấu hình là bậc nhất.

Sở dĩ gọi Chúc Lợi Ban-tha, có khả năng biến hóa hình tướng, tạo ra ngần ấy biến hóa, là vì Chúc Lợi, nghĩa là rất tối tăm. Tinh thần của Tỳ-kheo nầy thua kém, chậm lụt. Phật dạy phải nhớ dùng chổi quét dọn; được chổi rồi thì quên đi quét, đi quét thì quên mang chổi.

Chuyên tâm tụng trong sáu năm, tâm ý mới được tỏ ngộ. Tự nghĩ: Trữu là cây chổi. Cây chổi là để quét dọn. Cây chổi: tức dụ cho tám chánh đạo. Phân là chất bẩn của ba độc. Dùng cây chổi tám chánh đạo, quét sạch mọi cấu uế của ba độc, đó gọi là nghĩa quét dọn bằng chổi; đúng nghĩA-là như vậy. Tư duy sâu xa về lý nầy, tâm liền tỏ biết, đạt được đạo A-la-hán. Gọi là hóa hiện hình thể, nghĩa là dùng diệu tuệ của bốn đế, hóa ra hình của năm ấm, chính là có sự hóa nầy. Ngoài ra còn nói, có Bà-la-môn, tên là Phạm Thiên, cũng gọi là Thế Điển. Sở dĩ gọi Thế Điển, là vì hiểu biết rộng rãi mọi thư tịch, họa đồ, sách bí mật, lời sấm truyền, thiên văn, địa lý, không gì là không để tâm tìm hiểu, nên gọi là Thế Điển. Tự cho là đức mạng cao lớn, mà hành xử ai có khả năng bàn luận với ta?

Nghe nói người thấp nhất trong các Tỳ-kheo dòng họ Thích có Chúc- ban-tha. Người thấp nhất trong các Ưu-bà-Tắc có Cù-mật- đa-la, ta sẽ bàn luận chung với hai người nầy, tức đến chỗ của Ban-tha để cùng bàn luận, nói với Ban-tha:

– Có khả năng cùng ta biện luận không?

Ban-tha nói:

– Ta hãy còn có khả năng cùng biện luận với Phạm Thiên là tổ phụ của ông, huống chi là ông là người mù lòa, không có mắt ư?.

Phạm chí liền dựa vào lời nói, gạn hỏi:

– Mù với không có mắt, đâu khác gì nhau?

Ban-tha im lặng không đáp. Tâm suy nghĩ: “Không có gì để thù tạc nhau, nên phải dùng thần túc đáp nhau. Tức thì dùng thần túc, bay vọt lên hư không, cách mặt đất bốn trượng chín mét, rồi ngồi kết già. Phạmchí ngửa xem, thấy thần biến của Ban-tha, trong tâm nẩy sinh sự kính nể, hiểu ra sự thù đáp thanh tịnh của Ban-tha”.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang kinh hành ở tinh xá Kỳ Hoàn, dùng thiên nhĩ nghe Phạm chí đang biện luận với Ban-tha. Biết lời lẽ của Ban-tha thiếu nên phải hiện tướng biến hóa để đáp. Xá-lợi-phất nghĩ:

– Nếu ta không qua đó, Tỳ-kheo ấy không làm cho khuất phục, thì Phạm chí sẽ không được độ; liền dùng thần túc hóa ra hình Ban-tha, khiến cho hình gốc của Ban-tha không hiện. Bằng hình hóa hiện. Xálợi-phất hỏi Phạm chí:

– Ông là trời hay là người?.

Đáp: “Là người”. Ban-tha (hình hóa) lại hỏi:

– Có phải người là con trai không? Đáp: Đúng là con trai.

Lại hỏi: Con trai và người có gì khác nhau không?

Đáp: “Không khác”. Lại hỏi:

– Người, nghĩa là hợp lại để gọi người nam, là căn cứ ở hình tướng mà nói, không khác được sao? Trước kia, ta nói ngươi mù lòa, nghĩa là nói ngươi không thấy quả báo thiện-ác của đời nay-đời sau. Còn nói không có mắt, nghĩa là nói ngươi không có con mắt trí tuệ để đoạn trừ Kết, Sử.

Tâm Phạm chí được cởi mở, liền đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Do nhân duyên nầy, nên biết Chúc-lợi ban-tha biến hóa hình là bậc nhất.

Sở dĩ gọi Tỳ-kheo Thích Vương, thuộc dòng tộc hào phú cao sang, bẩm tánh nhu hòa, là vì thông thường có bốn họ: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ. Sở dĩ nói sang trọng, là vì làm Sa-môn, cùng một họ Thích, do đấy mà gọi là sang trọng. Ví như nước của bốn nhánh sông Hằng: Mỏm bò, miệng sư tử, mỏm ngựa, miệng voi, đều có năm trăm chi, hợp vào biển cả, làm chung một thứ nước, vì không có ngần ấy vị, nên biển được xưng là lớn. Suy xét cho cùng, quý là ở trăm nhánh sông kia. Vì họ Thích cũng như thế, nên xưng là cao sang bậc nhất.

Vua Chân Tịnh có ba người em: người em nhỏ nhất tên Ngộ Tịnh, có con nhỏ, mới lên bốn tuổi. Lúc ấy, vua Chân Tịnh đang ngự ở chánh điện, họp bàn với quần thần. Vua tự nghĩ: “Nếu con ta không xuất gia, ta phải là Thánh Vương. Con ta đã sinh, thì đáng lý ta phải làm Thánh Vương, nhưng con ta-lại đi xuất gia. Vậy ta còn sử dụng mão trời nầy làm gì?» Tức thì vua lột mão trời ném xuống đất: “Có ai nên làm, thì làm!” Các quan cảm thấy buồn rầu áy náy, đều mang tâm trạng không vui. Khi đó, con nhỏ của Thích Vương đang đi dạo phía trước cung điện, thấy chiếc mũ trời dưới đất, liền nhặt đội lên đầu, rồi ngồi xuống đất, lấy tay trái chống đỡ vai, tay phải sờ vuốt râu tóc.

Vua và các quan vô cùng kinh hãi, cho là việc lạ, vì thế vua nói:

– “Đứa nhỏ nầy là thiên sứ, đúng như thế!” Hoặc do nó có năng lực làm Thánh Vương, hoặc có tướng mạo Thánh Vương của con trẫm, có nhiều hứa hẹn với đứa nhỏ nầy, nên khiến có điềm như vậy.

Các quan cùng nhau thưa:

– “Hoặc có thể như đại vương đã nói”. Nhà vua suy nghĩ: “Tất-đạt đã xuất gia, nếu lại trông thấy tướng mạo của đứa nhỏ nầy, cũng tự bỏ ngôi vua thôi! Trải qua tám năm, nghe Tất-đạt đã thành Phật, độ ba anh em Ca-diếp, đồ chúng được ngàn Tỳ-kheo cùng với Ư-ba-đề-xá, Câuluật đà, thầy trò có hai trăm năm chục người, hợp lại gồm một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo, từ nước Ma-kiệt-đà, muốn trở lại nhà Thích-sí. Đó là do Phật, trước đấy đã sai Ưu-đà-di báo cho vua cha biết tin tức.

Chân Tịnh nghe qua, hết sức vui mừng, tức thì đội lại mão trời, lịnh cho sửa sang đường sá thật bằng phẳng, quét-rưới-rải hoa, đốt trầm hương ngạt ngào, để đón Như Lai.

Như Lai đã đến. Vua thấy các Tỳ-kheo, dù tâm tinh thuần, nhưng không biểu lộ ở dung mạo. Rồi vua tuyển chọn năm trăm người họ Thích với dáng dấp khả ái, xuất gia làm Sa-môn, để theo hầu Thế Tôn, Tỳkheo Thích Vương là người trước hết được chọn.

Bấy giờ, Đức Phật ngự ở tinh xá, đứng giữa đại chúng, Phật bảo các Tỳ-kheo hãy bàn luận rộng rãi lý do cao sang của chủng tánh.

Lúc đó, vua Chân Tịnh thân hành đến trong chúng, hướng về Tỳkheo Thích Vương làm lễ. Đại chúng đều lấy làm ngạc nhiên về cử chỉ nầy của vua, không hiểu vì lý do gì? Đức Phật biết ý nghĩ ấy của đại chúng, vì muốn giải tỏa nỗi hoài nghi, nên hỏi đại vương:

– Vì sao đại vương lễ Tỳ-kheo nầy?

Đại Vương đáp:

– Sở dĩ ta lễ, là vì Tỳ-kheo nầy có hai việc vượt trội hơn ta:

Luận về trời có ba:

  1. Cử thiên.
  2. Sinh thiên.
  3. Thanh tịnh thiên.

Ta chỉ có Cử thiên. Tỳ-kheo nầy có cả Sinh thiên, và Thanh tịnh thiên. Sở dĩ nói Sinh thiên, là vì Tỳ-kheo nầy năm lên bốn tuổi, đã nhặt mão trời của ta đội lên đầu mình, tự nhiên nẩy sinh ý muốn ấy, không có ai cho, nên nói là Sinh thiên. Thanh tịnh thiên, nghĩA-là hiện nay, Tỳ-kheo nầy, lậu đã tận, kết đã dứt, không có cấu uế bụi bặm, nên nói là Thanh tịnh thiên. Vì do hai việc ấy vượt trội hơn ta, nên ta-làm lễ!.

Do nhân duyên nầy, mà biết được Tỳ-kheo Thích Vương là dòng họ sao sang bậc nhất.

Pages: 1 2 3 4 5