LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO

Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng Đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

PHẨM 2: THÂU NHIẾP NGHĨA TỊNH (Phần 3)

Luận chép: Học mười hai thứ phân biệt là:

  1. Phân biệt Sai khác.
  2. Phân biệt Sinh khởi.
  3. Phân biệt thay đổi.
  4. Phân biệt năng trị và sở trị.
  5. Phân biệt dẫn sinh tăng thượng quyết định cao quý.
  6. Phân biệt Thuận pháp.
  7. Bổ-đặc-già-la.
  8. Phân biệt Hạ, trung, thượng.
  9. Phân biệt Du-già.
  10. Phân biệt Tác ý.
  11. Phân biệt Dẫn phát.
  12. Phân biệt Hỏi đáp.

– Phân biệt Sai khác: Là phân biệt tăng thượng giới học khác nhau trong ba học. Khác nhau như trong kinh nói: Nếu các Bí-sô thành tựu và an trụ trong Thi-la, giữ gìn biệt giải thoát với luật nghi quĩ tắc thì các việc làm trở nên đầy đủ. Đối với tội nhỏ nhặt cũng có lòng kính sợ sâu xa. Lãnh thọ học xứ gọi là đầy đủ giới.

Thành tựu an trụ trong Thi-la nầy nghĩa là đối với học xứ đã thọ, thân nghiệp không phạm, ngữ nghiệp không phạm, không hủy phá không hư tổn. Được vậy, gọi là thành tựu và an trụ trong Thi-la.

– Giữ gìn Biệt giải thoát luật nghi là Thi-la của bảy chúng gọi là Biệt giải thoát luật nghi, tức là nhiều luật nghi được chế định đều dựa vào sự khác nhau của chúng Thi-la nầy. Ý nghĩa trong ấy là chỉ dựa theo tướng luật nghi của Tỳ-kheo. Đó gọi là giữ Biệt giải thoát luật nghi.

– Qui tắc đầy đủ: Là hoặc đối với oai nghi, hoặc đối với việc làm, hoặc đối với phương tiện, tu thiện phẩm trung với phép tắc đầy đủ, sống 1 trong đời, không đi ngược đời, làm theo luật chứ không làm trái luật.

Thế nào là qui tắc đầy đủ trong oai nghi? Sống theo thế gian và không đi ngược với luật đạo, nghĩa là vào lúc, nơi đâu cần làm, thì nên làm như vậy. Tức là đối với lúc nầy, nơi đây thực hành chân chính như vậy, nên không bị thế gian quở trách, chế nhạo và không bị người cùng pháp sự, người thông minh, người chí thiện, người trì luật, người học luật quở trách chế nhạo. Đi đứng, nằm, ngồi cũng như vậy.

– Thế nào là qui tắc đầy đủ trong việc làm? Sống theo thế gian và không đi ngược với luật đạo, nghĩa là mặc pháp phục, đại tiểu tiện lợi, uống nước, xỉa răng, khất thực trong thôn xóm, trở về thọ thực rồi, rửa bát, cất kỹ, rửa chân, trải tọa cụ. Lại trì bát đắp y và tất cả các việc làm khác cái gì cũng đúng theo pháp, đó gọi là việc làm. Còn như thích ứng với luật nghi, hoặc chỗ nầy, lúc nầy, nên làm gì thì phải làm đúng như luật, vào lúc ấy, nơi ấy, một cách chân chính, nên không bị thế gian quở trách, chế nhạo, không bị người thông minh, người chí thiện chân chính, người đồng pháp, người nghiêm trì giới luật, người học luật chế nhạo quở trách. Đó gọi là đầy đủ việc làm thuận theo, không trái với thế gian và luật đạo.

– Thế nào là qui tắc đầy đủ trong phương tiện tu thiện phẩm? Sống theo thế gian và không trái với luật đạo? Nghĩa là đọc tụng kinh sách hòa kính sư trưởng, tu tập, kế thừa sự nghiệp, chăm nom, hầu hạ thầy bịnh hoạn hay người khác, cùng khởi tâm thương xót, nói pháp, làm phương tiện tu tập, hỏi han, nghe pháp, siêng năng không biếng trễ. Đối với những người thông minh, đồng phạm hạnh thì cung kính, thờ phụng, khuyến khích người khác tu phẩm thiện, và giảng nói pháp mầu nhiệm cho họ, rồi ngồi kiết già tu tập nơi vắng vẻ. Những việc làm và các pháp lành như vậy, được gọi là phương tiện tu các phẩm thiện. Nếu lúc nầy, nơi đây, nên tu thì lúc ấy, nên tu một cách chân chính như vậy. Vì tu như vậy, nên không bị thế gian quở trách, chê bai và không bị người thông minh, người chí thiện chân chính, người đồng pháp, người nghiêm trì giới luật, người học luật quở trách chế nhạo. Đó gọi là phương tiện tu phẩm thiện, đầy đủ qui tắc, sống theo thế gian, theo luật mà không trái với thế gian và luật đạo. Nếu làm đầy đủ phép tắc như vậy thì gọi là qui tắc đầy đủ.

– Việc làm đầy đủ là có năm chỗ không phải là nơi Tỳ-kheo đặt chân đến:

  1. Nhà hát xướng.
  2. Nhà dâm nữ.
  3. Nhà nấu rượu.
  4. Cung vua.
  5. Chiên đồ la Yết-sỉ-na và những chỗ khác mà đức Như lai đã nghiêm cấm.

Trừ những nơi ấy, nơi khác có thể đến. Những nơi nầy, theo lúc hành xứ đều không có lỗi. Đó gọi là việc làm đầy đủ.

– Đối với những tội nhỏ nhặt nhưng cũng thấy lo sợ sâu sắc là nếu trái phạm một tội nhỏ xử theo tiểu tùy, tiểu học xứ, phạm rồi nêu bày, đó đều gọi là tội nhỏ.

Lại nữa, nếu phạm tội rồi mà ít dụng công nêu bày đó gọi là phạm tội nhỏ. Còn đối với tội nhỏ nầy, tâm rất lo sợ, chớ nghĩ ta phạm lỗi nhỏ nầy mà không đạt được cái gì chưa đạt, không ngộ được cái gì chưa ngộ, không chứng được cái gì chưa chứng. Chớ nghĩ mình sẽ rơi vào đường ác, làm những việc ác. Cũng chớ khiến sau nầy ta phải ăn năn hối tiếc. Chớ để bậc đại sư, chư thiên, người thông minh, người đồng phạm hạnh dùng pháp quở trách. Cũng đừng để tiếng xấu của mình đồn đãi khắp nơi. Có người thấy pháp hiện tại và mai sau như vậy, nên thờ phụng với tâm miễn cưỡng rồi sinh tâm rất lo sợ. Vì lý do ấy nên đối với tội nhỏ xử theo tội nhỏ, về học xứ cũng vậy, cho đến trường hợp gặp phải hoạn nạn, cũng không hề phạm. Nếu như có chút quên mất, hoặc biết mình đã phạm thì hãy mau phát lồ sám hối ăn năn. Đó gọi là đối với tội nhỏ nhưng hết sức lo sợ.

– Như thọ học học xứ, trước, khi lãnh thọ biệt giải thoát luật nghi thì từ bốn lần Yết-ma mà thọ giới cụ túc. Xong rồi, lại được nghe giảng thể tánh của học xứ và đối với kinh, biệt giải thoát đã giảng qua một trăm năm mươi học xứ, chỉ một mình tự nguyện rằng: Tôi sẽ học hết tất cả học xứ. Lại từ Ô-ba-đà-da (hòa thượng), A-già-lợi-da (A-xà-lê)và những người bàn luận công cộng, người vấn nạn, người thường gần gũi, người khéo đồng ý, thường nghe những người ấy giảng để học. Lại, mỗi nửa tháng đi nghe kinh biệt giải thoát. Vì lãnh thọ tất cả học xứ như vậy, nên gọi là chứng đắc luật nghi biệt giải thoát. Từ đó trở đi, không được hủy phạm đối với các học xứ đã khéo học. Nếu có phạm thì liền theo pháp mà phát lồ.

Nếu ai trước đây đã thệ nguyện thọ lãnh học xứ mà không khéo học, không thông suốt thì phải thọ lại như trước, là đến chỗ Ô-ba-đà-da, A-già-lợi-da thường thưa hỏi, rồi nghe cho giỏi để sớm thông đạt hiểu thấu.

Như Đức Thế tôn nói mà làm không thêm, không bớt, khéo tu học và không giữ giới một cách lẫn lộn, hoặc bằng bài văn bằng ý nghĩa.

Cũng thế gọi là thọ học học xứ.

– Như vậy, đã nói rộng luật nghi Thi-la khác nhau rồi. Nếu nói vắn tắt nghĩa đó, thì ở đó Đức Bạc-già-phạm đã dùng ba thứ tướng để làm sáng tỏ giới uẩn:

  1. Tướng không hoại mất.
  2. Tướng tự thể.
  3. Tướng công đức tự thể.

Trong đây đã nói như trước, về Thi-la thành tựu an trụ. Giờ ở đây là nói về tướng sáng tỏ không hoạimất của Thi-la luật nghi. Sau đó, nói đến cách gìn giữ luật nghi biệt giải thoát. Đây là nói rõ tướng tự thể. Lại nói những việc làm đầy đủ mang tính mẫu mực. Đây là làm sáng tỏ biệt giải thoát luật nghi mình đã lãnh thọ. Phải xem xét tướng công đức, danh xưng tăng thượng của người khác. Vì sao? Vì họ đã nhìn thấy tướng của việc làm đầy đủ mang tính khuôn mẫu nầy. Việc ấy, khiến ai chưa tin thì tin, ai đã tin rồi thì giúp niềm tin của họ lớn mạnh thêm. Do làm chỗ nương cho ai chưa tin thì phát lòng tin, cho nên tâm không dám coi thường hủy phạm, nên tiếng tốt đồn xa. Nếu không làm như vậy, thì cho dù có đầy đủ Thi-la, nhưng việc làm vẫn là thiếu khuôn mẫu, vì không thấy được đức tốt tăng thượng đáng khen của người khác. Nếu đi ngược lại việc nầy cũng không có lỗi.

Câu nói sau là: “Đối với những tội nhỏ nhưng cũng thấy lo sợ sâu xa đối với thọ học và học xứ”, câu ấy đã chỉ dẫn sáng tỏ là ta phải biết xem xét tướng công đức danh xưng tăng thượng đáng khen của mình. Vì sao? Vì dù việc làm đầy đủ mang tính khuôn mẫu, xem xét thấy tướng công đức danh xưng tăng thượng đáng khen của người khác, nhưng mình đã hủy phạm Thi-la. Do nhân duyên ấy mà đọa vào đường ác hoặc không chịu được mà chưa được những gì chưa được, giác ngộ những gì chưa giác ngộ, chứng nhập những gì chưa chứng nhập. Nếu người nào vẫn còn tâm sợ lo đối với tội nhỏ nhặt huống chi là tội nặng phẩm thượng. Lại thọ học học xứ nhờ nhân duyên ấy sau khi chết được sinh về đường lành. Và còn có khả năng chứng đắc những gì chưa chứng đắc, giác ngộ những gì chưa giác ngộ, chứng nhập cảnh giới chưa chứng nhập. Vì nhân duyên ấy nên gọi là Thi-la luật nghi, xem xét tướng công đức danh xưng tăng thượng đáng khen của mình.

Hơn nữa, trong đây Đức Bạc-già-phạm làm sáng tỏ ba tánh của Thi-la là:

  1. Tánh Thọ Thi-la.
  2. Tánh Xuất ly Thi-la.
  3. Tánh Tu tập Thi-la.

Đầu tiên nói về thành tựu Thi-la và an trụ trong đó, làm sáng tỏ thọ tánh Thi-la, kế là nói giữ biệt giải thoát luật nghi, làm sáng tỏ tánh xuất ly của Thi-la. Vì sao? Vì Thi-la thuộc về biệt giải thoát luật nghi, gọi là giới học tăng thượng, và tuệ học tăng thượng. Nhờ tu tâm học tăng thượng và tuệ học tăng thượng nầy, nên người tu hành có đủ khả năng lìa hẳn các đau khổ. Lìa khỏi như vậy, trước phải nương vào Thi-la tu tập sau mới có kết quả đúng hướng. Thế nên, biệt giải thoát luật nghi được gọi là tánh xuất ly Thi-la. Sau, nói về các việc làm đầy đủ mang tính khuôn mẫu, nói đến tội nhỏ nhất, nhưng lòng lo sợ sâu xa đối với thọ học, học xứ. Đây là làm sáng tỏ tánh tu học của Thi-la. Nếu biết nương vào hành tướng như vậy mà tu tập biệt giải thoát luật nghi, thì đó là tu tập khéo tu tập. Như vậy gọi là biết phân biệt chỗ khác nhau của giới học tăng thượng.

– Tăng thượng tâm học sai khác phân biệt là như thầy Tỳ-kheo lìa khỏi dục xấu, pháp bất thiện rồi có tầm, có tứ, có ly sinh hỷ lạc của Sơ tĩnh lự, an trụ đầy đủ. Rồi lại trong tầm tứ vắng lặng tâm thanh tịnh cùng khắp, một hướng nhắm đến tính không tầm tứ Tam-ma-địa thì sinh hỷ lạc tĩnh lự thứ hai, an trụ đầy đủ. Rồi lại ly hỷ mà an trụ vào xả niệm biến tri nên thân cảm nhận diệu lạc mà bậc Thánh nói là có xả niệm lạc, an trụ tĩnh lự thứ ba đầy đủ an trụ. Rồi cắt dứt diệu lạc bằng cách cắt dứt khổ và làm mất hẳn nỗi vui mừng, lo, cảm thấy không khổ, không vui. Đó là xả niệm thanh tịnh,tĩnh lự thứ tư, được an trụ đầy đủ. Ý nghĩa chỗ khác nhau nầy như trước đã nói, đó gọi là biết phân biệt chỗ khác nhau của tâm học tăng thượng.

– Tăng thượng tuệ học sai khác phân biệt là như thầy Tỳ-kheo đối với khổ Thánh đế, biết như thật đó là khổ, đối với Tập Thánh đế biết như thật đó là tập, đối với Khổ Diệt Thánh đế biết như thật đó là diệt, đối với Khổ Diệt đi tới Thánh đế, biết như thật đó là con đường tu tập. Đó gọi là biết phân biệt sự khác nhau của tuệ học tăng thượng.

– Sinh khởi phân biệt là do Thi-la thành tựu, nên không hối tiếc. Từ không hối tiếc phát sinh ý vui. Từ ý vui phát sinh tâm mừng. Từ tâm mừng phát sinh cảm giác thân yên ổn. Từ thân yên ổn nhận được diệu lạc, từ diệu lạc nên tâm định, từ tâm định mà quán sát như thật. Từ quán sát như thật nên phát sinh tâm nhàm chán. Từ nhàm chán mà lìa sự ham muốn. Vì đã lìa khỏi ham muốn nên được giải thoát. Từ giải thoát nên mới tự cho mình chứng giải thoát. Từ đó, phát sinh hiểu biết như thật là: sự sanh tử của ta đã hết, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm rồi, 12 không còn thọ thân sau.

– Phân biệt đổi khác là hoặc có giới học tăng thượng, nhưng không có tâm tăng thượng, không có tuệ tăng thượng, hoặc có giới học tăng thượng, tâm học tăng thượng, nhưng không có tuệ học tăng thượng, nếu có tuệ học tăng thượng thì sẽ có giới và tâm tăng thượng.

– Năng trị (chủ thể đối trị), sở trị (đối tượng bị đối trị) phân biệt là giới học tăng thượng để đối trị ngừng dứt phiền não trói buộc. Tâm học tăng thượng để đối trị, điều phục phiền não trói buộc. Tuệ học tăng thượng là dứt hẳn phiền não tùy miên, có khả năng làm phát sinh quyết định phân biệt cao quý, nghĩa là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, có khả năng dẫn đến địa thanh tịnh và làm phát sinh tăng thượng thanh tịnh, tuệ học tăng thượng có khả năng dẫn đến công đức cao quý quyết định xuất thế.

Pháp thuận theo phân biệt là mười pháp thuận theo học:

  1. Nhân trước.
  2. Thuận theo giáo.
  3. Phương tiện đúng lý.
  4. Ân cần coi trọng việc tu không để xen hở.
  5. Dục lạc mạnh mẽ.
  6. Sức tu trì gìn giữ.
  7. Thân, tâm thô nặng được nghỉ yên.
  8. Thường quán sát.
  9. Không sợ hãi.
  10. Không có tăng thượng mạn.

– Nhân trước là căn tánh đời trước đã thành thục và căn tánh ngày nay đã thành tựu đầy đủ.

– Thuận theo giáo pháp là, không trái với thứ lớp giáo pháp.

– Phương tiện như lý là tu hành đúng lời Phật dạy, cứ tu tập như vậy thì chánh kiến phát sinh.

– Ân cần coi trọng việc tu không cho xen hở là khi tâm vận dụng phương tiện như vậy, không để thời gian trôi qua luống uổng. Tu tập phẩm thiện một cách chí thành, mau chóng làm phát sinh phẩm thiện.

– Dục lạc mạnh mẽ là đối với giải thoát tăng thượng, sinh tâm ưa thích muốn chứng ngộ. Tự nghĩ: đến một lúc nào đó, ta sẽ chứng mà cùng an trụ đầy đủ với Thánh chúng.

– Sức tu trì gìn giữ là có hai nhân giúp ta sức tu trì gìn giữ:

  1. Tâm trí khôn lanh.
  2. Do tu tập trải thời gian lâu dài, thuần thục.

– Thân, tâm thô nặng được nghỉ yên là thân mệt nhọc mà khởi thân tâm trì trệ nặng nề cho cả thân và tâm thì phải đổi oai nghi cho phấn chấn khiến thân tâm được nghỉ yên. Nếu thân tâm nặng nề do quá nhiều tầm tứ (tìm tòi suy gẫm) thì phải sửa lại cho bên trong vắng lặng khiến được nghỉ yên. Nếu thân, tâm bị trì nặng xuống do hôn trầm bao vây, do gom ý thâu nhiếp tâm quá mạnh thì phải dùng tuệ mà quán xét và tác ý thanh tịnh thêm lên, sẽ khiến thân, tâm lắng yên. Nếu bởi tự tánh chưa dứt hết phiền não, xuôi theo nó là cho thân, tâm nặng nề, đeo đuổi mãi thì tu theo Thánh đạo để được nghỉ yên.

– Thường quán sát là nương vào Thi-la mà thường quán xét, việc làm ác, việc làm thiện đều biết rõ như thật. Không lìa bỏ việc, không làm ác. Lìa bỏ việc không làm thiện, lìa bỏ việc làm ác, không lìa bỏ việc làm thiện. Nhờ sức quán xét tác ý tăng thượng nên thường quán sát mà biết phiền não đã dứt bỏ hay chưa. Nếu biết mình đã dứt nó thì sinh tâm vui mừng. Nếu biết chưa dứt nó thì vẫn thường tu tập đối trị.

– Không khiếp sợ là phải biết, phải suy nghiệm bất cứ lúc nào. Bởi không biết, không suy nghiệm, không chứng nhập được pháp nên sinh tâm lo sợ. Tâm có suy yếu, có trống trải, thiếu thốn, cứ thường sinh sôi như vậy, phải dùng tâm không chấp trước xua tan tâm kia đi.

– Không có tăng thượng mạn là phải lìa tăng thượng mạn, không cố chấp một cách điên đảo về sở đắc, sở ngộ, sở chứng. Được pháp gì biết là được pháp ấy. Ngộ điều gì biết là ngộ pháp ấy. Chứng pháp gì biết là chứng pháp ấy.

Mười pháp lạc như vậy, giúp người tu hành chân chính, các học xứ, ở đầu, chặng giữa và sau cùng đều thuận theo học xứ, nên gọi là thuận theo học pháp. Trong mười pháp nầy, dẫn đầu là thuận theo tăng thượng giới học cao quý, còn chín thứ kế đó là thuộc về thuận theo tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học cao quý.

– Bổ-đặc-già-la phân biệt: là ba học nầy chung cho cả phàm phu và bậc chánh trí.

– Phẩm hạ, trung, thượng phân biệt là do công hạnh và phương tiện.

– Do công hạnh là khổ trì thông hạnh gọi là học phẩm dưới. Khổ tốc thông hạnh và lạc trì thông hạnh là học phẩm giữa. Lạc tốc thông hạnh là học phẩm ở trên.

– Do phương tiện là người không ân cần coi trọng phương tiện và tu tập phương tiện không xen hở đều gọi là học phẩm dưới. Người theo một phương tiện tu hành thì gọi là học phẩm giữa. Người có đủ hai 1 phương tiện tu hành thì gọi là học phẩm trên.

– Du-già phân biệt là nương vào bốn thứ Du-già chánh học học xứ:

  1. Tín.
  2. Dục.
  3. Chánh cần.
  4. Phương tiện.

– Tín là hai hành tướng và hai chỗ dựa. Hai hành tướng là hành tướng khả nhẫn, và hành tướng thanh tịnh. Hai chỗ dựa là:

  1. Chỗ dựa của quán pháp đạo lý.
  2. Chỗ dựa của người tin hiểu oai đức.

– Dục, có bốn thứ:

  1. Vì muốn chứng đắc.
  2. Vì muốn vấn luận.
  3. Vì muốn chứng tư lương.
  4. Vì muốn có phương tiện tu tập.

– Vì muốn chứng đắc là như hành giả muốn chứng ngộ cảnh an vui giải thoát, nói rộng như trước.

– Vì muốn hỏi luận là có tâm muốn chứng ngộ, liền đến chỗ các vị đang ở trong Già-lam, là người có hiểu biết, bạn đồng Phạm hạnh, vị chánh hạnh trí, hỏi đạo nào chưa nghe để được nghe, khi nghe rồi tâm hồn vị hành giả trở nên trong sạch sáng tỏ.

– Vì muốn chứng tư lương là như có người tu hành muốn chứng được nguồn an vui trong Thi-la luật nghi thanh tịnh, trong ăn uống tiết độ, trong phương tiện giác ngộ, trong chánh tri an trụ, và trong tiến bộ hơn nữa.

– Vì muốn có phương tiện tu tập là người tu hành muốn chứng được nguồn an vui trong phương tiện không xen hở, trong ân cần coi trọng phương tiện, trong tu chánh đạo.

– Chánh cần là có bốn thứ chánh cần:

  1. Vì được nghe pháp.
  2. Vì được suy nghĩ.
  3. Vì tu tập.
  4. Vì làm sạch các ngăn che.

– Vì được nghe pháp là nghe những gì mình chưa được nghe, nghe rồi thì tâm hồn trong sạch sáng tỏ. Tự thúc đẩy tâm mình tu tập phương tiện học xứ chưa được giao phó.

– Vì được suy nghĩ là như người được nghe giáp pháp rồi, liền đến chỗ thanh vắng ở một mình mà suy nghĩ xét lường về ý nghĩa những lời dạy ấy.

– Vì được tu tập là ở trong tịnh thất thường tu tập chỉ quán.

– Vì làm sạch các ngăn che là vì làm sạch các che lấp nên đêm ngày đi kinh hành, ngồi thiền, thúc đẩy tâm mình tu tập phương tiện học xứ chưa được giao phó.

– Phương tiện cũng có bốn thứ:

1. Giữ gìn Thi-la, vgiữ gìn các căn. Nhờ ở sức tăng thượng giữ gìn các căn, khiến các căn, khéo an trụ vào chánh niệm luật nghi. Do khéo ở yên trong chánh niệm nên không còn buông lung.

2. Giữ gìn tâm tu tập pháp lành. Do không buông lung nên tâm bên trong tương ưng với chỉ tuệ quán được lớn mạnh mà quán xét các pháp.

3. Bốn thứ Du-già Cũng thế chia thành mười sáu hành, trong đó do lòng tin. Vì tin nên được nghĩ sẽ chứng đắc nên khởi tâm mong muốn tu pháp lành. Từ chỗ ham tu pháp lành mà siêng năng suốt đêm ngày, đứng vững trên sự hăng hái mạnh mẽ.

4. Từ siêng năng chân chính nên nhiếp tu phương tiện khiến đạt được những nghĩa mà mình chưa đạt, ngộ được nghĩa chưa ngộ, chứng được nghĩa chưa chứng, nên gọi bốn pháp ấy là Du-già.

– Tác ý phân biệt là thấu tỏ tướng v.v… có bảy thứ tác ý. Tác ý thấu tỏ tướng là do tác ý mà thấu suốt tướng thô của cõi Dục và tướng vắng lặng của Sơ tĩnh lự. Thế nào là thấu suốt tướng thô của cõi Dục?

Là sáu thứ Tầm, Tứ lỗi của các dục:

  1. Nghĩa.
  2. Sự.
  3. Tướng.
  4. Phẩm.
  5. Thời.
  6. Đạo lý.

– Nghĩa tầm tứ là tìm tòi suy nghĩ lỗi của ham muốn, nó sinh ra biết bao vướng víu bậc bội, biết bao bệnh dịch, biết bao tai nạn ngang trái. Ham muốn gây ra nhiều hoạn nạn như vậy. Cho đến gây ra những tai nạn ngang trái. Đó là suy nghĩ thấy được theo nghĩa cạn.

– Sự là hoặc ham muốn sinh bên trong, hoặc ham muốn nổi dậy do bên ngoài.

– Tướng tầm tư là suy nghĩ tìm tòi tự tướng và cộng tướng của nó. Tìm tòi suy nghĩ về tự tướng, đây chính là phiền não ham muốn, là sự tướng của ham muốn. Những nỗi ham muốn thuận theo dục lạc, hoặc thuận theo các khổ, hay còn thuận theo tâm trạng không khổ, không vui. Thuận theo dục lạc là vì dục lạc là chỗ nương của ham muốn, cũng là chỗ nương của giận dữ và chỗ nương của tâm phẫn uất thù hận. Thuận theo tâm trạng không vui, không khổ là vì nó là chỗ nương của các tâm lý giấu giếm, gieo tổn hại, lừa dối, dua nịnh, không hổ, không thẹn, và nó cũng là chỗ nương của những quan niệm trái ngược. Những ham muốn như vậy, hoặc tùy hành động mà nhận lãnh hậu quả bạo ác, hoặc tùy hành động mà nhận lãnh hậu quả không bạo ác. Cũng thế gọi là chính sự suy tìm nghĩ về lỗi của các ham muốn.

Cộng tướng là suy nghĩ tìm tòi thấy ham muốn dẫn đến bao khổ hận vì mong cầu không đạt được, v.v… Nó cứ đeo đẳng mãi, trói buộc đều đặn như vậy.

– Thọ dụng ham muốn là mặc dù các ham muốn là bao la và tràn ngập nhưng cũng phải biết cho rõ pháp sinh là khổ. Cái ham muốn tràn ngập và bao la kia thay đổi từng lúc, tan đi từng hồi. Như vậy, gọi là suy nghĩ về tướng chung của các ham muốn.

– Tầm tư phẩm loại là suy nghĩ về các thứ ham muốn rơi vào chỗ đen tối. Nó như vòng xích nối kết xương khô, như cục thịt nhơ bẩn, như lửa cháy lan trên cỏ, như một chút lửa trong tro, như rắn mãng xà độc hại, như những gì thấy trong chiêm bao, như đồ trang sức mượn của kẻ khác, như leo lên cây hái trái mà ngã chết.

Lại nữa suy nghĩ về các hữu tình, họ nhận lấy khổ não, nó là kết quả của tâm đeo đuổi mong cầu. Họ chịu khổ do thân ái mà bị chia lìa. Họ chịu khổ do tâm ham muốn không bờ bến, chịu khổ vì không được tự tại, chịu khổ do việc làm ác của họ.

Lại nữa, Đức Bạc-già-phạm nói: “Ta nói cứ quen gần với ham muốn thì mắc năm lỗi là:

  1. Ham muốn rất ít ý nghĩa.
  2. Quen gần với ham muốn thì chịu nhiều khổ não, hoạn nạn.
  3. Quen gần với ham muốn thì không biết chán, không biết đủ, không dừng, không ngơi.
  4. Quen gần với ham muốn thì phiền não tăng lên.
  5. Quen gần với ham muốn thì không việc ác nào không làm”.

Lại nữa, các người thông minh chánh chí, hiền dùng vô lượng pháp môn để chê trách tội lỗi của ham muốn, nghĩa là các ham muốn cứ thêm đắm nhiễm, không biết nhàm chán. Các ham muốn đều có cùng một tính chất là trái với chánh pháp. Các việc làm ác là nhân tố làm gia tăng tâm ham muốn ái kết. Trong khi đó, người có trí xa lìa bằng cách mau chóng phá trừ. Các ham muốn đều dựa vào chỗ buông lung, tính chất của nó là vô thường, là trống rỗng, là giả dối, là pháp gạt gẫm, như ảo thuật biến hóa, chỉ làm mờ tối, gạt gẫm kẻ ngu. Các ham muốn dưới đất nầy, tất cả đều là những việc làm của ma, chỗ yên thân của ma.

Lại, từ chỗ ham muốn đó, mà tâm sinh biết bao pháp ác, bất thiện, là các pháp tham, sân, hận nó là những thế lực chướng ngại. Lúc đệ tử bậc Thánh tu học các học xứ thì các tham sân hận kia chướng ngại. Từ biết bao lầm lỗi khác nhau ấy mà suy tư tìm thấy ham muốn là rơi vào chỗ đen tối. Như vậy, gọi là phẩm loại tầm tứ.

– Tầm tư theo lúc là suy nghĩ về biết bao hoạn nạn do ham muốn gây ra với các khổ não chồng chất, các hoạn nạn ngang trái cứ nối nhau đi mãi không dứt từ quá khứ sang hiện tại tới tương lai. Đó gọi là tầm tứ theo thời gian.

– Tầm tư đạo lý là các ham muốn có ra là do tham nhiều của cải, ham mê tìm kiếm mãi, nên rất mệt nhọc. Lại do, ham muốn càng được lớn thêm bởi những việc làm đủ các nghề được thành lập nhiều nơi. Mặc dù những của cải đời sống bên ngoài tăng thêm như vậy, nhưng các hành là vậy, là sẽ tan biến một cách mau lẹ. Và ham muốn kia còn dính đến nghiệp gây ra do cha mẹ, vợ con, tôi tớ, bạn bè, đồng liêu, anh em, bà con. Mặc dù vòng thân ái kia nhóm họp, nhưng sẽ không bao lâu thì tan biến hết.

Lại nữa, thân thô kệch nầy, do bốn đại cấu thành, nhờ cơm mà lớn lên, thường thải ra bao chất dơ, rồi tắm gội xoa nắn v.v… dù tạm thời, trong đời có lo chống lại các đau khổ, nhưng rốt cuộc nó cũng là một hiện tượng bị tan biến. Vì chống khổ về đói khát nên phải ăn uống. Vì chống khổ não về nóng, lạnh, vì che đậy chỗ đáng xấu hổ nên may nhiều áo quần. Vì chống cái khổ bị ngủ nghỉ vây ngặt và vì chống lại cái khổ về mệt nhọc đi đứng, nên phải có giường chiếu, đồ dùng. Vì chống các khổ về bịnh tật, nên phải có thầy, có thuốc. Như vậy các ham muốn đều là vì chống khổ. Ta không nên ham mê. Như trường hợp bịnh phải lấy thuốc trị, ta phải nương vào Thánh giáo mà suy nghĩ về tướng thô của ham muốn là như vậy, như vậy. Hoặc nhờ hiểu biết bên trong mà biết được, hoặc nhờ suy nghĩ xuôi theo đạo lý mà biết được, hoặc suy nghĩ tới bản tính của các ham muốn ấy, nên đạt thành tựu pháp nhĩ là như vậy, từ xưa đến nay. Không suy nghĩ luận bàn những gì không nên phân tích, luận bàn đến. Như thế, gọi là tầm tư đạo lý.

Sáu điều như vậy, biết rõ về tướng thô của ham muốn đã nói xong.

Lại nữa, phải thấu rõ tướng vắng lặng của Sơ tĩnh lự. Nghĩa là trong Sơ tĩnh lự không có tướng quá thô nặng như ở cõi Dục. Do lìa khỏi tướng ham muốn thô bỉ như vậy, nên gọi là tướng vắng lặng của Sơ tĩnh lự. Như vậy, gọi là biết rõ tướng vắng lặng của Sơ tĩnh lự. Do tác ý từ trong định nên biết rõ tướng thô của cõi Dục, và tướng vắng lặng của Sơ tĩnh lự. Gọi là Tác ý thấu rõ tướng. Trong đó, cũng xen lẫn nghe, suy nghĩ, nên biết.

Tác ý thắng giải là như tác ý tương ưng với tầm tứ biết rõ được tướng thô của cõi Dục và tướng vắng lặng của Sơ tĩnh lự, không bị xe lẫn vì nghe, suy nghĩ, mà là thuần nhất dựa vào tướng thô và vắng lặng mà tu tập vượt bậc bằng hiểu biết, là tu tập chỉ quán. Khi tu chỉ quán như đã suy nghĩ về tướng thô, vắng lặng khởi lên sự hiểu biết vượt cao. Đó gọi là tác ý thắng giải.

– Tác ý xa lìa là thường tu tập chủng loại nầy, vì muốn cắt dứt phiền não ban đầu, nên đã lập phương pháp đối trị và phương pháp cắt dứt phiền não. Phương pháp có năng lực đối trị với tác ý câu sinh gọi là tác ý xa lìa.

– Tác ý nhiếp lạc là đã cắt dứt phiền não phần đầu của cõi Dục, và đã lìa khỏi phần thô nặng của nó so với phẩm vượt trội sau nầy. Nhờ cắt dứt và lìa khỏi phiền não mà khởi lên vui mừng. Lại bởi cắt đứt phiền não ô nhiễm mà thấy công đức vượt trội, chứng được một chút hỷ lạc do xa lìa, lúc nào cũng tự vui với những tác ý vượt cao, thanh tịnh. Tác ý với sự bao gồm niềm vui ấy dứt trừ sự vây hãm của hôn trầm chao đảo. Đó gọi là tác ý nhiếp lạc.

– Tác ý quán sát là tu với niềm vui chân chính, vui với sự cắt đứt được phiền não, tu tập rồi thì được chống đỡ bằng phương tiện phẩm thiện. Khiến cho các trói buộc của phiền não ở cõi Dục không còn hiện hành nữa ngay cả trong khi đi đứng. Tu hành như vậy, còn phải nghĩ rằng: trong thân ta còn tham dục hay không, và đối với các cảnh ham muốn còn chấp thọ hay không?

Dù tự quán xét bằng cách suy nghĩ vào một tướng thanh tịnh cao vời, nhưng hành giả ấy, vẫn chưa dứt hết tùy miên. Do đó, khi suy nghĩ về tướng thanh tịnh như vậy, bị xuôi theo tập nhiễm, hướng đến tập nhiễm, đi đến tập nhiễm nên không còn nắm chắc niệm buông lìa không nhàm chán, làm hư chỗ ngăn cấm của luật, và làm trái lại. Rồi, hành giả tự biết như vầy. Đối với các ham muốn tâm ta chưa chính thức xa lìa, ta chưa được giải thoát. Các việc làm ham muốn đã trói buộc tâm ta. Như cách giữ nước, ta quyết định tu tập phương cách đối trị gấp hai lần, khiến tùy miên phải dứt, không còn sót. Vui mừng gấp bội vì khéo tu, khéo dứt trừ phiền não. Đó gọi là tác ý quan sát.

– Phương tiện rốt ráo tác ý là: Tu tập gấp đôi thượng phẩm lạc vì vui mừng dứt được phiền não cho nên tu chỉ quán song hành, thường quán xét. Hành giả tu tập đối trị như vậy là thường hay quán xét cắt đứt những gì còn vướng víu, khiến tâm lìa các trói buộc của phiền não cõi Dục. Nhưng đó mới chỉ làm cho nó giảm bớt thôi chứ chưa phải là đã lìa hẳn, chưa phải đã nhổ tận gốc. Bấy giờ, người tu hành chứng được phương tiện đạo rốt ráo của Sơ tĩnh lự, là tác ý đối trị tất cả phiền não. Đó gọi là tác ý phương tiện rốt ráó.

– Tác ý về quả phương tiện rốt ráo là từ đây trở đi tu tập không xen hở và bởi nhân duyên trước mà chứng nhập định căn bản Sơ tĩnh lự. Căn bản Sơ tĩnh lự nầy đều sinh tác ý, gọi là tác ý về quả phương tiện rốt ráo. Trong Sơ tĩnh lự, có bảy thứ tác ý. Như vậy, tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư cho đến Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ định như tác ý đã tương ưng nhau đều nên biết.

Lại nữa, tuớng thô là đối với tất cả cõi dưới. Từ cõi Dục cho đến Vô sở hữu xứ, lược có ba thứ, các pháp ở cõi dưới dễ khiến nhàm chán lìa bỏ, nên biết.

  1. Cực khổ trụ tính.
  2. Cực bất vắng lặng trụ tính.
  3. Cực đoản thọ trụ tính.

– Dẫn phát phân biệt: Có bốn thứ dẫn phát:

  1. Quả dẫn phát.
  2. Lìa dục dẫn phát.
  3. Chuyển căn dẫn phát.
  4. Thắng đức dẫn phát.

– Hỏi đáp phân biệt: Có vô lượng môn hỏi đáp phân biệt, nay chỉ làm sáng tỏ một chút.

Hỏi: Thế nào là tăng thượng giới học thanh tịnh và không thanh tịnh?

Đáp: Có mười nguyên nhân khiến giới không thanh tịnh là:

  1. Đầu tiên là thọ lãnh Thi-la luật nghi không đúng pháp.
  2. Lòng dạ rất tối tăm.
  3. Tâm ý trôi nổi phân tán.
  4. Thuộc về buông lung, biếng nhác.
  5. Phát sinh nguyện tà.
  6. Thuộc về sai phạm khuôn phép.
  7. Thuộc về sai phạm tà mạng.
  8. Rơi vào hai bên.
  9. Không thể ra khỏi.
  10. Trái với giới đã thọ.

– Đầu tiên, thọ Thi-la luật nghi không đúng pháp là: Như có người trốn bị vua ép ngặt, hay có người trốn giặc vây khốn, hay có người trốn chủ nợ vây khốn, hay người bị nổi lo sợ vây khốn, hay người lo sợ không sống nỗi mà xuất gia thọ giới, nên họ xuất gia nào phải vì tu Thánh đạo, nào phải vì Phạm hạnh thanh tịnh, nào phải vì tự làm chủ lấy mình, nào phải vì vắng lặng, nào phải vì tự chứng Niết-bàn. Tất cả hạng xuất gia như vậy vì thọ Thi-la luật nghi không đúng phép.

– Lòng dạ tối tăm: như có người không biết hổ, không biết thẹn, tâm ăn năn quá kém, tính tình chậm chạm, đối với các học xứ tu học qua ngày. Đó gọi là lòng dạ tối tăm.

– Tâm ý trôi nổi phân tán: như có người cố chấp hẹp hòi, thấy sai làm nào đó, sinh tâm ăn năn. Đối với việc không cần ăn năn nhưng lại ăn năn. Đối với sự sai lầm của kẻ khác thì xúc phạm khinh khi, sinh tâm làm tổn hại họ, họ quen sống mãi với lối ấy, nên gọi là tâm ý trôi nổi phân tán.

– Bị buông lung, biếng nhác chi phối: như có người trái phạm giới cấm ở đời quá khứ, rồi quên mất nên bất sinh đối trị đúng pháp. Như vậy, trong đời nầy và mai sau lại phạm, nhưng bởi quên mất nên bất sinh tâm đối trị đúng pháp. Trước là không ham mê kích động cho nên không hề phạm giới cấm. Người ấy tự bảo: Ta phải thực hành như vậy như vậy, và an trụ như vậy như vậy, như điều mình nên làm và như điều mình nên an trụ, khiến không có những trái phạm nào.

Lại nữa, thực hành như vậy, an trụ như vậy, rồi có thể phạm, đưa đến hủy phạm. Thời gian phạm là trước, giữa, sau, nhưng ngay thời gian đầu y sai phạm là bởi theo việc làm lúc ấy. Điều ấy, chứng tỏ buông lung.

Lại có người lăn vào ngủ vùi và nằm chơi, cho đó là an vui mà sa đà biếng nhác, không ưa tu tập. Không chịu đem thân hầu người trí, người Phạm hạnh. Như vậy, gọi là thuộc về buông lung, biếng nhác.

– Phát khởi nguyện tà: như có người phát ý nguyện tà vạy, cho là nay tôi tu Phạm hạnh, tu giới cấm Phạm hạnh để được làm chủ cõi trời, hay làm các vị trời khác, hoặc ưa dục lạc, lợi dưỡng, cung kính chạy theo người để mong cầu lợi dưỡng và sự tôn kính. Hoặc chỉ mong được lợi dưỡng cung kính. Làm như vậy, gọi là phát khởi nguyện tà.

– Gồm nhiếp các sai phạm về khuôn phép: như có người đối với oai nghi hay đối với việc làm, đối với phương tiện, tu thiện phẩm trung, như ở trước đã nói, thì các việc họ làm đều trái với thế gian, vượt qua luật đạo. Làm như vậy, gọi là thâu nhiếp các sai phạm về khuôn phép.

– Gồm nhiếp những sai phạm về tà mạng: như có người mà bản tính ham mê quá lắm và không bao giờ biết đủ, khó thấy lợi dưỡng đâu là đầy đủ. Lại tìm những phương cách trái chánh pháp để kiếm các thứ y phục, ăn uống, đồ nằm ngồi, thuốc men trị bệnh và những thứ tiền của khác. Vì làm sái pháp nên người ấy khoe khoang công đức mình để nhận được y phục thứ ăn uống. Với ý định ấy, nên trước mặt các người thường hiện bày bản tính giả dối, không phải oai nghi thuần túy, giữ cho các căn mình lắng trong, không xao động với ý định để người khác cho là người có đức, để được bố thí và cúng dường, về y phục, thức ăn uống, các đồ nằm ngồi, thuốc men trị bịnh và các thứ tiền của khác cung cấp đủ cho thân.

– Lại, những người ấy mặt mày hung dữ, nói lời thô bỉ, không biết nể vì, trau tria bộ dạng khoe khoang tên mình, cũng như tộc họ mình. Hoặc có người học rộng, rộng trì pháp với mục đích được lợi dưỡng và cung kính, nên cũng nói pháp cho người khác nghe như Chư Phật và đệ tử Phật đã giảng nói. Hoặc có người tự nói mình là người có công đức để tăng thêm chút ít lợi lộc, hoặc bảo người khác ca tụng tướng lạ của mình, để thâu nhiếp cho nhiều những y phục, thức ăn uống và những tài vật của những Sa-môn khác. Có người, mặc dù y phục không thiếu thốn, nhưng cố ăn mặc rách rưới để ngầm khiến cho các Trưởng giả, cư sĩ biết là mình đang thiếu hụt món ấy, nên bố thí cho ông ta nhiều y phục thứ tốt đẹp nhất. Như y phục, các thứ đồ dùng nuôi sống của những Sa-môn khác, cũng giống như vậy.

Lại nữa, hàng Bà-la-môn, trưởng giả có tâm kính tin, nhưng họ không có những món mà mình muốn, thích, thực sự là họ không có, hoặc có, nhưng họ đang thọ dụng không thể cấp cho, thế mà người tu nầy lại ép nài, trách mắng, xin cho bằng được.

Hoặc có người nhận được món đồ tầm thường thì khinh chê, coi rẻ, bèn đem trả chủ, trước mặt thí chủ, họ nói rằng: “Nầy, thiện nam! Có biết bao thiện nam, thiện nữ khác, so về dòng dõi thì họ là hạng thấp kém, nghèo khổ tiền của, nhưng lại biết đem bố thí những đồ vật tốt vừa ý hết sức như vậy như vậy, huống chi người thuộc dòng dõi cao sang, của tiền giàu có, lại đem những món tồi tệ mà biếu tặng cho ta ư?

Những hành vi nói năng cũng thế là dựa vào oai nghi để làm việc gian trá, hoặc dựa vào phi pháp để nói năng, hoặc dựa vào sự ca tụng để hiện bày tướng lạ, hoặc dựa vào ép ngặt trách mắng, hoặc dựa vào việc so sánh lợi dưỡng để đưa đến cái lợi phi pháp là tìm kiếm y phục, thức ăn uống, dụng cụ nằm ngồi, thuốc men trị bịnh cũng như các tiền của khác. Những thứ có được không đúng pháp nên gọi là tà mạng. Cũng thế gọi là những trái phạm thuộc về tà mạng.

– Rơi vào hai bên: như có người tham đắm việc thọ nhận đồ người cúng dường, những mong muốn các thứ tốt đẹp ấy khiến người khác đem cho y phục đồ đạc hoặc đúng pháp hay không đúng pháp, không thấy tội lỗi, không biết xuất ly nên mới thọ dụng như vậy. Đó gọi là nhất biên.

Lại, như có người tu khổ hạnh bằng cách dùng nhiều hình thức để làm cho thân chịu nỗi đau đớn hết sức như nung nấu. Nhận lời thực hiện biết bao giới cấm khổ nhọc như nằm trên gai nhọn, như vùi mình vào đống tro, hoặc đứng trên chày, đứng trên tấm ván, hoặc gối trên đầu lâu, hoặc ngồi xổm một chỗ, hoặc ngồi chòm hổm không nhúc nhích, hoặc thờ lạy thần lửa mỗi ngày ba lần. Hoặc dầm mình trong nước mỗi ngày ba lần. Hoặc đứng nhón một chân, mắt nhìn mặt trời di chuyển. Những việc làm ấy và những thứ khổ hạnh khác, đó là một bên thứ hai, nên gọi là rơi vào hai bên.

– Không thể xuất ly: như có người cố chấp Thi-la và các giới cấm khác, cho rằng chỉ cần tu tập giới cấm theo Thi-la sẽ được giải thoát thanh tịnh, ra khỏi sinh tử.

Lại có người cố chấp như giới của ngoại đạo cho mình đã giữ được điều thiện thanh tịnh thì sẽ được giải thoát thanh tịnh, xuất ly. Như thế, hai lối giữ giới ấy không phải rốt ráo thanh tịnh nên không thể lìa khỏi sinh tử, gọi là không thể xuất ly.

– Trái, vượt giới đã thọ: Là như có người hoàn toàn không có tâm xấu hổ, chưa bao giờ biểu lộ lòng mến tiếc nghi phạm của Sa-môn, nên gây ra các điều ác, trái với giới cấm. Bên trong mang tâm mục rã, sống với lối thấp hèn, như trùng ốc sên, như chó chạy theo tiếng tù và chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn, không phải Phạm hạnh xưng là Phạm hạnh. Cũng thế gọi là trái, vượt giới đã thọ. Do mười nguyên nhân ấy mà giới học tăng thượng không được thanh tịnh, trái lại là thanh tịnh.

– Nghĩa của tịnh và bất tịnh của tâm học tăng thượng là như thanh tịnh tĩnh lự mà trong phẩm thâu nhiếp Sự đã nêu. Lại do thanh tịnh ấy mà tuệ học tăng thượng, nên biết. Cũng vậy, các thứ hỏi đáp phân biệt là vô lượng, vô biên, chỉ căn cứ vào nghĩa, nên biết.

– Bồ-đề có chia ra năm thứ là:

  1. Chủng tính.
  2. Phương tiện.
  3. Thời.
  4. Chứng giác.
  5. Giải thoát.

– Chủng tánh là Bồ-đề Thanh văn nương vào chủng tính chậm lụt. Bồ-đề Độc giác nương vào chủng tính trung căn. Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nương vào chủng tánh lợi căn.

– Phương tiện, là Bồ-đề Thanh văn do thực hành sáu xứ làm phương tiện khéo léo. Bồ-đề Độc giác phần nhiều do hành sâu pháp duyên khởi làm phương tiện khéo léo. Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do năm minh xứ làm phương tiện khéo léo.

– Thời gian, là Bồ-đề Thanh văn ít nhất phải tu hành ba đời mới chứng đắc. Bồ-đề Độc giác do tu hành trăm đại kiếp mới chứng đắc. Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do tu hành ba đại kiếp A-tăng-xí-da mới chứng đắc.

– Chứng giác, là Bồ-đề Thanh văn do thầy mà chứng giác. Bồđề Độc giác chỉ thệ nguyện lợi mình, không có thầy mà chứng giác. Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề tự lợi, lợi tha, không có thầy mà chứng giác.

– Giải thoát, là Bồ-đề Thanh văn và Bồ-đề Độc giác chứng chuyển y giải thoát khỏi chướng phiền não, thuộc về thân giải thoát. Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã chứng chuyển y, giải thoát tất cả chướng phiền não, chướng sở tri, thuộc về thân giải thoát và thuộc về pháp thân.