LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO

Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng Đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

PHẨM 2: THÂU NHIẾP NGHĨA TỊNH (Phần 2)

Luận chép: Nói rộng về thế tục đế như thế rồi. Vậy thế nào là Thắng nghĩa đế?

Tụng rằng:

Năm pháp, ba chân thật,
Nó lại bốn, nên biết.
Và bốn thứ tầm tứ,
Bốn thứ trí như thật.

Luận chép: Năm pháp là: Tướng, Danh, Phân biệt, Chân như, Chánh trí.

– Tướng là nói vắn tắt, là chỗ nương của tất cả sự nói năng.

– Danh là hầu hết nói năng đều dựa vào các tướng.

– Phân biệt là tâm, tâm pháp thuộc về ba cõi.

– Chân như là tất cả lời nói được hiện hành do thánh trí hiển bày về pháp vô ngã, về chỗ không có chỗ nương.

– Chánh trí là nói lược có hai thứ: Một là chỉ có xuất thế gian, hai là thế gian và xuất thế gian.

– Chánh trí chỉ có uất thế gian: Là do chánh trí mà hàng Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát v.v… thông đạt chân như. Lại nữa, Bồ-tát còn dùng trí thế gian và xuất thế gian đối với năm minh xứ, thường siêng năng tinh tấn tu học, do trí chân như đầy khắp, thường được hiện tiền, cho nên Bồ-tát mau chóng làm sạch được cácngăn che của chướng sở tri.

– Chánh trí thế gian và xuất thế gian: Nghĩa là Thanh văn, Độc giác đã thông đạt chân như rồi, nhưng do từ đầu, chỉ một bề dùng sức mạnh của chánh trí để ra khỏi thế gian, sau đó đạt được chánh trí thế gian, xuất thế gian, ở trong sự an lập các đế, sinh tâm chán ngán, lo sợ đối với ba cõi.

Cùng yêu mến chỗ vắng lặng của ba cõi, lại do chánh trí đó thường hiện ở trước, nên mau chóng đạt được việc làm sạch chướng phiền não.

– Ba pháp là ba tự thể:

  1. Tự thể Biến kế sở chấp.
  2. Tự thể Y tha khởi.
  3. Tự thể Viên thành thật.

– Tự thể Biến kế sở chấp: Là dựa vào danh ngôn mà giả lập tự thể là cõi Dục, ấy là thuận theo lời nói thế gian.

– Tự thể Y tha khởi: Là tự thể của các pháp đều từ duyên sinh.

– Tự thể Viên thành thật: Là chân như của các pháp mà Thánh trí đã vận dụng thành cảnh giới của Thánh trí, chỗ duyên của Thánh trí là cõi Dục.

Vì đã chứng tới chỗ hoàn toàn thanh tịnh, nên trí nầy có công năng làm cho tất cả tướng và hai thứ trói buộc thô nặng được giải thoát, vì muốn dẫn khởi làm phát sinh các công đức.

– Thánh trí ấy lại có bốn thứ nên biết. Tính chân thật ấy lại có bốn thứ là:

  1. Thế gian chân thật.
  2. Đạo lý chân thật.
  3. Chỗ hành chân thật của trí làm thanh tịnh Chướng phiền não.. Chỗ hành chân thật của trí làm thanh tịnh Chướng sở tri.

– Thế gian chân thật: Nghĩa là do quen hành xử thành thạo các việc trong đời mà hiểu biết tới chỗ sâu xa cùng lập bày được tính chất thế gian, như đối với đất thì biết chắc chắn đó là đất chứ không phải lửa, cùng nhận biết rõ. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, sắc, thanh, hương, vị, xúc, ăn uống, y phục, xe cộ các vật dụng trang sức các thứ tràng hoa thơm, ca múa, âm nhạc, các hành động, oai nghi, cử chỉ của nam nữ, các thứ ruộng vườn, nhà cửa, tài sản và những khổ vui v.v…

Đối với khổ thì biết là khổ, chứ chẳng phải vui. Đối với những niềm vui thì biết đó là niềm vui chứ không phải khổ. Và nếu nói đơn giản thì biết đây là đây chứ chẳng phải là kia. Như vậy, nói cái gì là cái đó, chứ không phải cái nào khác. Các việc đã được hữu tình ở đời nầy hiểu biết chắc chắn và đã làm như sự hiểu biết ấy, nên tất cả danh ngôn đều chắc chắn có sự phân biệt giữa mình và người được truyền lại đời nầy, từ xưa đến giờ tất cả đều là chân thật chứ không phải được tạo ra một cách sai lạc. Quán xét các đối tượng được giữ lấy ấy, gọi là thế gian chân thật.

– Đạo lý chân thật: Là chánh trí có ý nghĩa đạo lý. Những hạng người thông minh, trí sáng, những người tìm tòi, quán xét, những người trụ trong cõi tầm tư, những người có tài ăn nói, đối với phàm phu những người nương vào hiện lượng cho đến ba lượng của Thánh giáo, các vị ấy đã dùng trí lựa chọn rất kỹ lưỡng đối với những gì đã biết, đã làm nên đạt tới thành tựu. Từ đó, đạo lý được lập ra nên gọi là đạo lý chân thật.

– Chỗ hành chân thật của trí làm thanh tịnh Chướng phiền não: Là tất cả Thanh văn, Độc giác dùng phương tiện trí vô lậu, chánh trí vô lậu, từ ấy mà sau đó chứng được cảnh giới hiện hành của trí thế gian. Đó gọi là chỗ hành chân thật của trí đã làm thanh tịnh chướng phiền não. Do duyên ấy, nên đối với chướng phiền não, trí đạt được thanh tịnh. Sau đó, chứng được tính chất an trụ tánh vô ngại. Cho nên nói là chỗ hành chân thật của trí đã làm thanh tịnh chướng phiền não.

– Hỏi: Trong ấy, cái gì là chân thật?

Đáp: khổ, tập, diệt, đạo đã làm rõ bốn Thánh đế. Từ chỗ chọn lựa bốn Thánh đế ấy nên đã nhập vào vị hiện quán. Trí chân thật phát sinh từ sự hiện quán ấy.

– Chỗ hành chân thật của trí đã làm thanh tịnh chướng sở tri: Là đối tượng nhận biết, có những thứ có thể ngăn cản trí tuệ, nên gọi là chướng sở tri. Nếu tính chân thật là cảnh giới được hiện hành của trí giải thoát khỏi chướng sở tri, thì đó gọi là chỗ hành chân thật của trí đã làm thanh tịnh chướng sở tri. Nên biết việc nầy như thế nào? Nghĩa là các Bồ-tát, Phật, Thế tôn là những bậc đã chứng ngộ pháp vô ngã, đã hội nhập vào sự thanh tịnh cùng tột, dựa vào tự tánh, lìa các lời nói của tất cả các pháp, giả nói về tự tánh, nói về cảnh giới được hiện hành của trí bình đẳng không phân biệt. Đó là chân như tối thắng, là tánh rốt ráo Vô thượng của đối tượng được nhận biết. Tính ấy là sự chọn lựa của tất cả chánh pháp, không thể làm xoay chuyển, không gì có thể vượt qua nó.

Đó gọi là chỗ hành chân thật, của trí đã làm thanh tịnh chướng sở tri. – Bốn thứ tầm tư là:

  1. Danh tầm tư.
  2. Sự tầm tư.
  3. Tự thể giả lập tầm tư.
  4. Sai khác giả lập tầm tư.

– Danh tầm tư: Là đối với danh, Bồ-tát chỉ thấy là danh.

– Sự tầm tư: Là đối với sự, Bồ-tát chỉ thấy là sự.

– Tự thể giả lập tầm tư: Là đối với tự thể giả lập, Bồ-tát chỉ thấy là tự thể giả lập.

– Sai khác giả lập tầm tư: Là đối với sự giả lập khác nhau, Bồ-tát chỉ thấy là giả lập khác nhau. Đó gọi là sai khác giả lập tầm tư.

Các Bồ-tát đối với hai thứ danh và sự, hoặc là quán tướng tách rời, hoặc là quán tướng hợp lại. Vì dựa vào danh sự hợp lại mà quán, nên thông đạt về tự thể giả lập và sai khác giả lập.

– Bốn thứ trí như thật là:

  1. Trí như thật do danh tầm tư dắt dẫn.
  2. Trí như thật do sự tầm tư dắt dẫn.
  3. Trí như thật do tự thể giả lập tầm tư dắt dẫn.
  4. Trí như thật do sai khác giả lập tầm tư dắt dẫn.

– Trí như thật do danh tầm tư dắt dẫn là đối với danh tầm tứ, Bồ-tát chỉ thấy có danh thôi. Đối với danh thì biết rõ là danh nầy, nghĩa nầy. Ngay chỗ ấy lập ra là vì muốn phát sinh ý tưởng, tri kiến và lời nói. Trong trường hợp đã nghĩ đến sắc v.v… thì tên sắc không được lập. Vì tất cả thế gian, không ai nghĩ đến sắc, nếu sắc v.v… không ai nghĩ đến thì không làm gia tăng sự chấp trước. Nếu không chấp trước thì không có nói năng. Nếu thấu rõ như vậy gọi là trí như thật do danh tầm tư dắt dẫn.

– Trí như thật do sự tầm tư dắt dẫn: Là đối với tầm tứ, Bồ-tát chỉ thấy có sự. Biết như thật về tính chất của sự nghĩ đến sắc v.v… lìa bỏ hết nói năng, không thể nói năng. Đó gọi là trí như thật do tầm tư dắt dẫn.

– Tự thể giả lập tầm tư đã được dắt dẫn trí như thật là do biết tự thể giả lập trong việc nghĩ đến sắc v.v… nên Bồ-tát đối với nó chỉ thấy tầm tư giả lập, tức thông đạt được tự thể giả lập, đúng như thật chứ không phải thực sự là tự thể của sự tầm tư mà là tương tự như tự thể của sự tầm tư hiện bày. Lại có thể biết tự thể của sự tầm tư kia giống như những ảnh tượng biến hóa, tiếng vang ứng hợp, như bóng sáng, như trăng đáy nước, như sóng nắng, huyễn mộng, tợ hồ như có thể tánh. Đó gọi là tự thể giả lập tầm tư đã được dắt dẫn do trí như thật thứ ba với cảnh hiện hành có ý nghĩa sâu mầu.

– Sai khác giả lập tầm tư được dắt dẫn do trí như thật là do biết sự giả lập khác nhau của tầm tứ, nên Bồ-tát chỉ thấy tính giả lập. Đối với việc nghĩ đến sắc v.v… biết đó là giả lập khác nhau, nên khéo thông đạt nghĩa không hai, nghĩa là biết sự vật kia chẳng có tánh, chẳng phải vô tánh vì có thể lời nói nên tự thể không thành tựu. Không phải có tánh nên tự thể của lời nói không thành tựu. Như thế, chẳng phải không tánh vì không có sắc là thắng nghĩa đế. Chẳng phải không có sắc là vì giả lập sắc trong thế tục đế. Như có tánh, không tánh, có sắc, không sắc cho đến có thấy, không thấy v.v… đều là pháp môn giả lập khác nhau. Tất cả lý do ấy đều là chỗ rốt ráo của lý, nên biết. Nếu biết như vậy, thì đó gọi là sai khác giả lập tầm tư được dắt dẫn do trí như thật thứ tư. Cũng thế đủ làm sáng tỏ việc của đối tượng nhập vào, nhân của chủ thể nhập vào và đã có thể nhập vào.

Lại nữa, Tụng rằng:

Thành lập ba tự thể ,
Nghiệp giấu kín khác nhau.
Phương tiện thâu nhiếp khác.
Gọi là có nhiều thứ.

Luận chép: Ba thứ lớp thể thành lập có nghiệp dụng giấu kín, khác nhau, nên phương tiện thâu nhiếp cũng khác nhau. Nên biết mỗi tự thể có nhiều thứ nên thành lập nhiều thứ, như sẽ nói rộng trong phẩm Thành Vô Tánh.

Khác nhau: Hỏi tự thể của biến kế sở chấp có mấy thứ?

Đáp: Như trong tự thể của y tha khởi tất cả tự thể giả lập khác nhau. Tự thể của biến kế sở chấp cũng vậy. Thế nên tự thể của biến kế sở chấp là không có hạn lượng. Lại nữa, trong tự thể của y tha khởi, có hai thứ lớp thể của biến kế sở chấp, phân biệt nghĩa là tùy theo sự giác ngộ vượt bậc và tùy theo công phu tu tập đối với tập khí và tùy miên.

Hỏi: Tự thể của y tha khởi có mấy thứ?

Đáp: Tức như các tướng có nhiều khác nhau, nên biết. Nghĩa là tướng của sắc, tướng của tâm, tướng của tâm pháp, tướng của tâm bất tương ưng v.v…

Lại nữa, nói lược lại thì có hai thứ là: Tự thể của y tha khởi do tự thể của biến kế sở chấp phân biệt sinh khởi và không phải do phân biệt sinh khởi.

Hỏi: Tự thể của viên thành thật có mấy thứ?

Đáp: Tự thể của viên thành thật ở tất cả xứ chỉ có một vị, không thể lập ra sự sai khác.

– Nghiệp: Hỏi: Tự thể của biến kế sở chấp có thể tạo ra bao nhiêu nghiệp?

Đáp: Có năm thứ:

  1. Có khả năng làm phát sinh tự thể của y tha khởi.
  2. Ngay trong y tha khởi ấy khởi các thứ nói năng.
  3. Có khả năng làm phát sinh sự chấp của chúng sinh.
  4. Có khả năng làm phát sinh chấp pháp.
  5. Có khả năng thâu nhiếp tập khí thô nặng của hai thứ chấp.

Hỏi: Tự thể của y tha khởi có công năng tạo ra mấy thứ nghiệp?

Đáp: Có năm thứ là:

  1. Có khả năng sinh ra thể của các tạp nhiễm.
  2. Có khả năng làm tự thể cho biến kế sở chấp, đồng thời cũng là chỗ nương cho tự thể của Viên thành thật.
  3. Có khả năng làm chỗ nương cho sự chấp của chúng sinh
  4. Có khả năng làm chỗ nương cho chấp pháp .
  5. Có khả năng làm chỗ nương cho tập khí thô nặng của hai chấp.

Hỏi: Tự thể của viên thành thật có thể tạo ra bao nhiêu nghiệp?

Đáp: Có năm thứ, có thể là hai thứ, nên tạo ra năm nghiệp để đối trị tánh của sở duyên sinh khởi.

– Ẩn mật là phải tùy thuộc vào ý nghĩa của ba tự thể trên, để giải thích rõ tất cả kinh không liễu nghĩa. Vì trong vô lượng kinh, tất cả các Đức Như lai đều dùng lời nói ẩn mật và các vị Bồ-tát đối với ngôn ngữ ẩn mật đều tùy theo ba thứ lớp thể mới có thể tỏ ngộ hội nhập nghĩa kia.

Hỏi: Như trong kinh nói: Ba cửa giải thoát, vậy thì nó được lập ra sao?

Đáp: Được lập ra từ ba tự thể, nghĩa là cửa Không giải thoát, được lập ra từ tự thể của biến kế sở chấp. Cửa giải thoát vô nguyện được lập ra từ tự thể của y tha khởi. Cửa giải thoát vô tướng được lập ra từ tự thể của Viên thành thật.

Hỏi: Trong kinh nói: Vô sinh pháp nhẫn, vậy nó được lập ra sao?

Đáp: Đã được lập ra từ ba tự thể, nghĩa là do tự thể của biến kế sở chấp, nên nói: xưa này vô sinh nhẫn. Do tự thể của y tha khởi nên nói: Tự nhiên vô sinh nhẫn. Do tự thể của Viên thành thật nên nói là phiền não khổ cấu vô sinh nhẫn. Ba thứ nhẫn nầy ở tại vị bất thoái chuyển, nên biết. Nghĩa khác nhau như vậy, nên đối với những lời nói ẩn mật khác, muốn hiểu thì đều phải tùy theo ba tự thể trên mà giải thích, nên biết.

Phương tiện là rõ biết ba thứ lớp thể như vậy, từ đó, có khả năng tạo ra phương tiện cho tất cả Thanh văn, Độc giác và Chánh giác Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Gom nhiếp: là ba thứ lớp thể và năm sự như tướng, danh, phân biệt v.v… đều gom nhiếp .

Hỏi: Trong năm sự như vậy, tự thể ban đầu, thuộc về mấy thứ sự?

Đáp: Không có.

Hỏi: Tự thể thứ hai thuộc về mấy thứ sự?

Đáp: Thuộc về bốn thứ sự.

Hỏi: Tự thể thứ ba thuộc về mấy thứ sự?

Đáp: Một.

Khác nhau là tự thể của biến kế sở chấp, phải hiểu cho đúng. Tự thể của y tha khởi nên biết và nên cắt đứt. Tự thể của viên thành thật nên biết và nên chứng ngộ. Cũng thế, là đã ngộ nhập vào tục đế, thắng nghĩa đế rồi.

Lại nữa, Tụng rằng:

Nghe mười hai phần giáo
Qui y ba tối thắng
Ba học, ba bồ-đề,
Vì hữu tình, nói tịnh.

Luận chép: Nghe mười hai phần giáo là nghe các Thánh giáo: khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Duyên khởi, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu, Pháp nghị luận.

Khế kinh: Nghĩa là trong các kinh nói những việc hành trì điều phục khác nhau của Đức Phật Bạc-già-phạm đã dựa vào các thứ để giáo hóa hữu tình vào các lúc. Hoặc nói pháp thuộc về Uẩn, Giới, Xứ. Hoặc nói pháp thuộc về duyên khởi. Hoặc nói pháp thuộc về ăn uống. Hoặc nói pháp thuộc về đế. Hoặc nói pháp thuộc về Thanh văn, Độc giác, Như lai. Hoặc nói pháp thuộc về niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi. Hoặc nói pháp thuộc về bất tịnh, dứt trừ ý nghĩ, chứng ngộ thanh tịnh…

Đức Như lai nói lời nầy rồi, các nhà kết tập hoan hỷ kính nhận, vì muốn Thánh giáo tồn tại lâu ở đời nên các vị nầy đã biên tập có thứ lớp, sắp xếp có trật tự. Vì có thể khâu nối lại, không cho rơi mất, có thể dẫn giải các nghĩa đem lại lợi ích và nhiều ý nghĩa hay của Phạm hạnh, nên gọi là khế kinh.

– Ứng tụng là trong các kinh, có bài trùng tụng để nói lại ý nghĩa, đã giảng ở giữa hay ở cuối kinh. Và cũng nói đến nghĩa chưa nói đủ trong các kinh, đó là ứng tụng.

– Ký biệt là trong các kinh có ghi về nơi thọ sinh khác nhau của các đệ tử Phật, sau khi họ qua đời. Và trong các kinh nói nghĩa đã hiển bày. Đó là ký biệt.

– Phúng tụng là: Là trong các kinh dùng nhiều câu kết thành, khác với văn xuôi, nói thẳng. Sự xâu kết ấy hoặc hai câu, hoặc ba câu, bốn 166 câu, năm câu, hoặc sáu câu. Đó là phúng tụng.

– Tự thuyết là vì muốn chánh pháp, cũng như Thánh giáo tồn tại lâu dài ở thế gian, nên Đức Phật tự nhiên nói pháp, đó là Tự thuyết.

– Duyên khởi là trong kinh nêu tên người thỉnh rồi Phật mới nói pháp cho họ. Loại nầy như Duyên khởi biệt giáo, giới kinh giải thoát đều thuộc về Tỳ-nại-da. Đó là loại duyên khởi.

– Thí dụ là những thí dụ nói trong các kinh. Do dùng thí dụ nên nghĩa gốc của việc được sáng tỏ. Đó là Thí dụ.

– Bản sự là nói các việc tương ứng ở đời trước. Đó là Bản sự.

– Bản sinh là loại kinh nói về sự thực hành công hạnh Bồ-tát của Như lai trải qua nhiều kiếp sinh tử, ở đời quá khứ. Đó là Bản sinh.

– Phương quảng: Là loại kinh nói về đạo Bồ-tát có khả năng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến chứng được mười lực, trí vô chướng. Đó là Phương Quảng.

– Pháp Vị tằng hữu là: Loại kinh nói về các công đức cộng, bất cộng của Phật và các đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức Xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca và các pháp sâu mầu khác lạ, tối thắng. Đó là pháp Vị tằng hữu.

– Luận nghị là tất cả Ma-đát-lý-ca, A-tỳ-đạt-ma (Luận tạng), nghiên cứu, giải thích ý nghĩa trong các kinh. Đó là luận nghị.

Trong mười hai phần giáo như thế, có đủ tạng kinh, luật, A-tỳđạt-ma. Trong đó, khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu, đó là kinh tạng. Phần nói về Duyên khởi là tạng Tỳ-nại-da. Phần nói về luận nghị là tạng A-tỳ-đạt-ma.

– Qui y ba thứ tối thắng là quay về với ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.

– Tam học là giới học tăng thượng, tuệ học tăng thượng và tâm học tăng thượng.

– Ba bồ-đề là Bồ-đề Thanh văn, Bồ-đề Độc giác, và Bồ-đề Vô thượng.

– Vì hữu tình, nói thanh tịnh là: Vì muốn cho hữu tình trở nên thanh tịnh, nên theo thứ lớp nói về ba pháp là có thể giữ phương tiện đạt đến quả. Có thể giữ là nghe và quay về nương. Phương tiện là ba học. Quả là ba Bồ-đề. Lại nữa, nghe như vậy, v.v… phân biệt như thế nào? Nên biết.

Lại nữa. Tụng rằng:

Nghe, quy học Bồ-đề,
Sáu, ba mươi, hai năm,
Theo thứ lớp danh số
Như nên phân biệt rộng.

Luận chép: Nghe sáu thứ phân biệt là:

  1. Dựa vào nơi chốn.
  2. Dựa vào sự thâu nhiếp.
  3. Dựa vào thanh tịnh.
  4. Dựa vào thực hành.
  5. Dựa vào lý thú.
  6. Dựa vào ý nghĩa.

– Dựa vào nơi chốn là dựa vào năm minh một là lĩnh vực nội minh, hai là lĩnh vực nhân minh, ba là lĩnh vực thanh minh, bốn là lĩnh vực y phương minh, năm là lĩnh vực công nghiệp minh.

– Dựa vào sự thâu nhiếp có hai thứ: một là dựa vào tạng Thanh văn, hai là dựa vào tạng Bồ-tát.

– Dựa vào thanh tịnh là mười thứ thanh tịnh. Nói thanh tịnh có năm thứ là:

  1. Nói lời tốt đẹp.
  2. Nói câu văn sáng tỏ.
  3. Nói hết nghĩa của những gì mình hiểu.
  4. Nói phương tiện tu hành dễ.
  5. Nói để có thể lìa tất cả khổ.

Nghe thanh tịnh có năm thứ:

  1. Nghe với ý không tìm lỗi.
  2. Nghe với ý cầu Niết-bàn.
  3. Nghe với sự lắng lòng sâu xa.
  4. Nghe với sự phân biệt hết sức sáng rõ về danh từ, câu văn.
  5. Nghe để tâm ý tu hành chân chánh.

– Dựa vào thực hành là thực hành mười pháp lành.

– Dựa vào lý sâu xa là có sáu thứ lý thú là chân nghĩa lý thú cho đến ý lạc lý thú. Ở đây ba lý thú trước nhờ sự giải thích của ba lý thú sau, nên biết. Nghĩa là do lý thú xa lìa hai bên theo đấy giải thích lý thú chân nghĩa. Từ lý thú không thể nghĩ bàn theo đó giải thích lý thú chứng đắc.

– Do lý thú ý lạc là theo đó giải thú lý thích giáo hóa, dắt dẫn. Nghĩa chân thật ở đây chính là lý thú, nên nói lý thú chân nghĩa. Cho đến ý lạc là lý thú, nên gọi là lý thú ý lạc. Đối với nghĩa chân thật và ý lạc, không có tính chất điên đảo, đó là nghĩa lý thú.

– Lý thú chân nghĩa nói lập có sáu thứ: Là chân thật thế gian cho đến chỗ hành chân thật của trí làm thanh tịnh chướng sở tri và chân thật an lập, chân thật phi an lập. Trong đó, bốn thứ chân thật trước, như đã phân biệt, nên biết.

– Chân thật an lập là bốn Thánh đế. Khổ đúng là khổ, nên an lập là khổ. Cho đến đạo đúng là đạo, nên an lập là đạo.

Hỏi: Vì sao gọi là an lập?

Đáp: Vì ba thứ tục nên an lập:

  1. Do tục của thế gian.
  2. Do tục của đạo lý.
  3. Do tục của chứng đắc.

– Tục của thế gian: Nghĩa là an lập về ruộng vườn, nhà cửa, bình, chậu, đoàn quân, khu rừng và an lập ngã, hữu tình v.v…

– Tục của đạo lý: Là an lập uẩn, xứ, giới v.v…

– Tục của chứng đắc: Là an lập quả Dự lưu v.v… cùng an lập pháp được quả vị nầy nương trụ.

Lại có bốn thứ an lập: Là ba thứ trước và do tục của thắng nghĩa mà an lập, vì tính của thắng nghĩa đế không thể an lập. Vì đã tự chứng đắc bên trong, nên muốn thuận theo dẫn dắt phát sinh trí kia, là dựa theo tục để an lập.

Chân thật phi an lập: Là thật tánh chân như của tất cả pháp.

– Lý thú chứng đắc: Nói lược có bốn thứ:

  1. Nghiệp báo chứng đắc của tất cả hữu tình.
  2. Thanh văn thừa chứng đắc.
  3. Độc giác thừa chứng đắc.
  4. Đại thừa chứng đắc.

– Nghiệp báo chứng đắc của tất cả hữu tình: Là tất cả hữu tình đã gây ra nghiệp tịnh, bất tịnh, do đó nên trôi lăn trong năm đường, chiêu cảm các thứ dị thục, thọ các thứ dị thục.

– Thanh văn thừa chứng đắc: Là đầu tiên nhận lãnh ba pháp quy y cho đến nương. Vì nghe trang nghiêm nên được năm thứ chứng đắc:

  1. Địa chứng đắc.
  2. Trí chứng đắc.
  3. Tịnh chứng đắc.
  4. Quả chứng đắc.
  5. Công đức chứng đắc.

– Địa chứng đắc là chứng đắc ba địa:

  1. Kiến địa.
  2. Tu địa.
  3. Cứu cánh địa.

– Trí chứng đắc là chứng đắc chín trí:

  1. Pháp trí.
  2. Chủng loại trí.
  3. Khổ trí.
  4. Tập trí.
  5. Diệt trí.
  6. Đạo trí
  7. Sau bốn trí nầy là chứng được trí thế tục.
  8. Tận trí.
  9. Vô sinh trí.

– Tịnh chứng đắc là bốn chứng tịnh.

Quả chứng đắc là bốn quả Sa-môn.

Công đức chứng đắc: Là có công đức của vô lượng giải thoát thắng xứ, biến xứ, nguyện trí vô tránh và thần thông vô ngại giải.

Lại nữa, chứng đắc trong nương Thanh văn thừa, chứng đắc là trước, tu tập đạo thế gian lìa dục. Kế là tu tập căn lành thuận phần giải thoát và sau cùng, tu tập căn lành của thuận phần lựa chọn .

– Độc giác thừa chứng đắc: Lược nói có ba thứ:

  1. Do trước đã được căn lành của phần thuận lựa chọn.
  2. Do trước đã chứng đắc vô lậu chân thật.
  3. Do thứ lớp chứng đắc.

Trong đây, vì hai thứ chứng đắc trước nên gọi là phi độc thắng giác và do chứng đắc sau nên gọi là Tê giác dụ giác.

– Đại thừa chứng đắc là Đại bi chứng đắc. Phát tâm chứng đắc, Ba-la-mật-đa chứng đắc, Nhiếp sự chứng đắc, và Địa chứng đắc. Trong năm thứ chứng đắc vô lượng nầy, thuận theo đến chân như chứng đắc, oai đức bất tư nghì chứng đắc, pháp bất cộng của Phật chứng đắc, tất cả sự chứng đắc ấy, như trước đây đã phân biệt, nên biết.

– Lý thú giáo hóa dẫn dắt, lược có ba xứ thâu nhiếp:

  1. Thuộc về tạng.
  2. Thuộc về Ma-đát-lý-ca.
  3. Thuộc về cả hai xứ nói trên .

– Thuộc về tạng là tạng Thanh văn và tạng Đại thừa.

– Thuộc về Ma-đát-lý-ca: Là mười bảy bản địa và bốn thứ thu nhiếp.

– Thuộc về cả hai xứ nói trên là tóm lược có mười thứ, như mười thứ nghĩa trong phần phân biệt nghĩa trước đây, nên biết. Sự thâu nhiếp nầy là thâu tóm tất cả phần thuộc về tạng và phần thuộc về của Ma-đátlý-ca (luận), cho nên nói là tổng, lược là Ma-đát-lý-ca.

Lại có mười hai thứ giáo:

1. Sự giáo: Là nói tất cả giáo pháp, nhưng mỗi thứ đều khác nhau, như sắc, nhãn, v.v…

2. Tưởng sai khác giáo: Là nói về Uẩn, xứ, giới, duyên khởi, thị xứ, phi xứ, các căn, các đế, niệm trụ, có sắc, không sắc, có thấy, không thấy, có đối, không đối… nói rộng như vậy, đối với giáo tưởng sai khác của vô lượng Phật, Bạc-già-phạm.

3. Tự tông quán sát giáo: Là các phần giáo trong khế kinh Ứng tụng, Ký biệt, được sáng tỏ nhờ sự thâu nhiếp.

4. Tha tông quán sát giáo: Là nương vào bảy thứ nhân minh để dẹp bỏ các luận khác lập nên luận giáo của mình. Bảy thứ nhân minh là: Luận thể Luận xứ sở v.v… sau sẽ phân biệt:

5. Bất liễu nghĩa giáo: Là Khế kinh ứng tụng, ký biệt trong ấy, Đức Bạc-già-phạm chỉ lược nêu nghĩa, chưa phân biệt rộng, nên lại mở bày chỉ rõ về giáo pháp.

6. Liễu nghĩa giáo: Là trái với điều vừa nói, nên biết.

7. Tục đế giáo: Là tất cả những gì được sáng tỏ do con đường ngôn ngữ. Tất cả phương tiện ấy đều gọi là tục đế. Lại dựa vào danh, tưởng, lời nói tăng thượng để khởi lên phân biệt danh, tướng, cũng gọi là Tục đế.

8. Thắng nghĩa đế giáo: Là giáo pháp bốn Thánh đế, và giáo pháp chân như thật tế, pháp tánh.

9. Ẩn mật giáo: thường thuộc về Thanh văn tạng giáo.

10. Hiển liễu giáo: thường thuộc về Đại thừa tạng giáo.

11. Khả ký sự giáo: Như bốn thứ pháp nơi Ốt-đà-nam-giáo, nghĩa là tất cả hành đều là vô thường cho đến Niết-bàn vắng lặng.

12. Bất khả ký sự giáo: Có người hỏi: Thế gian là thường hay vô thường? Bấy giờ, Đức Như lai im lặng, không nhớ nghĩ, nhưng Như lai bảo người kia: Ta nói việc nầy, không thể ký biết.

Cho đến hỏi: Sau khi Như lai diệt độ là chẳng phải có chẳng phải không chăng? Lúc Như lai im lặng, không nói, nhưng Như lai lại bảo người ấy: Ta nói điều ấy là không ký biệt.

Vì có bốn nguyên nhân khiến không thể ký biệt, nên biết.

1. Vì việc ấy vốn không có thể tánh, nên không thể ký biệt. Như có người hỏi: Ngã và các uẩn là khác hay là không khác, là thường hay vô thường…

2. Vì việc ấy có thể dẫn đến không có nghĩa lợi, nên không thể ký biệt. Như kinh Thăng Nhiếp Ba Diệp nói: Ta đã chứng biết vô lượng pháp, nhưng không thể nói ra hết được. Vì sao? Vì pháp đó, có thể không đưa đến nghĩa lợi.

3. Vì việc ấy thật sâu mầu nên không thể ký biệt. Như có người hỏi: Ngã là có hay không? Điều ấy không thể ký biệt. Vì sao? Vì nếu Như lai nói là có ngã thì người ấy sẽ chấp trong uẩn có ngã, hoặc chấp lìa uẩn có ngã. Nếu nói ngã là không có thì kẻ kia sẽ hủy báng theo ngôn ngữ của đời thường: Ngã cũng là không. Cho đến ai hỏi: sau khi diệt độ, Như lai còn hay không vừa còn vừa không còn, chẳng phải có, chẳng phải vô. Do việc ấy quá sâu xa nên đều không thể ký biệt.

4 . Vì tướng kia là pháp như vậy nên không thể ký biệt. Như pháp chân như và các pháp khác là một hay là khác, điều ấy không thể ký biệt. Do tướng kia là pháp như vậy nên không thể an lập, hoặc vì tính khác hay tánh không khác cũng chẳng thể an lập.

Lại có bốn thứ nhân duyên, khiến Như lai nói rõ việc là không thể ký biệt nên biết: Một là vì ngoại đạo đã nói việc ấy. Hai là vì nó không hợp lý. Ba là vì việc ấy không đem lại nghĩa lợi. Bốn là việc đó, chỉ có thể gây ra các ràng buộc tranh cãi mà thôi.

Có hai nhân không duyên dẫn đến nghĩa lợi, nên biết: Một là xa lìa suy nghĩ về nhân quả. Hai là xa lìa suy nghĩ về tạp nhiễm thanh tịnh.

– Lý thú lìa hai bên: lược có sáu thứ nên biết:

  1. Xa lìa bên không thật, có tăng ích.
  2. Xa lìa bên chân thật có tổn giảm.
  3. Xa lìa bên chấp thường.
  4. Xa lìa bên chấp đoạn.
  5. Xa lìa bên thọ dụng dục lạc.
  6. Xa lìa bên thọ dụng tự khổ.

– Lý thú không thể nghĩ bàn: Lược, có sáu thứ không thể suy nghĩ bàn luận là:

  1. Ngã là không thể nghĩ bàn.
  2. Hữu tình là không thể nghĩ bàn.
  3. Thế gian là không thể nghĩ bàn.
  4. Nghiệp báo của các hữu tình là không thể nghĩ bàn.
  5. Chứng tĩnh lự và cảnh giới của tĩnh lự là không thể nghĩ bàn.
  6. Chư Phật và cảnh giới Chư Phật là không thể nghĩ bàn.

– Lý thú ý lạc, lược có mười sáu thứ ý lạc:

  1. Ý vui vì việc mở bày chỉ rõ.
  2. Ý vui vì lìa dục.
  3. Ý vui vì khuyến tấn dẫn dắt.
  4. Ý vui vì khen thưởng.
  5. Ý vui vì khen ngợi.
  6. Ý vui vì khiến nhập đạo.
  7. Ý vui vì dứt bỏ nghi ngờ.
  8. Ý vui vì thành thục.
  9. Ý vui vì an định.
  10. Ý vui vì giải thoát.
  11. Ý vui vì nương vào nghĩa riêng.
  12. Ý vui vì được chứng ngộ vui mừng không có lầm lỗi của hành giả.
  13. Ý vui vì khiến người nghe khởi tâm ý tôn trọng pháp sư.
  14. Ý vui vì pháp nhãn truyền khắp.
  15. Ý vui vì điều lành thêm lớn rộng.
  16. Ý vui vì dẹp bỏ tất cả tướng.

– Nương vào nghĩa là nương vào Kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa.

– Quy ba thứ phân biệt : Một là thành tựu, hai là lập ra, ba là sai khác.

– Thành tựu: Là chỉ có Phật, Pháp, Tăng mới là chỗ quy y chân chánh, chứ không phải cõi trời nào khác v.v… Vì sao ? vì có hai nguyên nhân: Một là không ai khác có khả năng ấy, hai là Những thứ khác không hiện thấy. Vì sao những ai khác không có khả năng? Vì các vị Trời, Thần không có khả năng làm ích lợi cho chúng sinh. Các thiên thần nọ hoặc không có khả năng hoặc đợi cung kính, hoặc không chịu đựng khổ nhọc để giáo hóa, hoặc thiếu lòng thương người, hoặc bị chướng ngại. Như vậy, tất cả đều không phải là chỗ quy y chân thật nên nói là không có khả năng, rơi vào bè nhóm thiên lệch, vì muốn lẫn tránh khổ nhọc, vì không có tự tại, vì không có tâm thương xót, vì đức độ mỏng kém. Thế nào là những thứ khác không hiện thấy? Là các thiên thần không phải ai cũng được chứng kiến. Thế gian chưa ai thấy, không hiện thấy một ông chủ có khả năng làm chỗ nương cho các người, ngoại trừ có thể dựa vào lòng tin hiện nhiếp thọ kẻ khác, ngoài ra người ta biết hiện tại mình nương vào những gì mình không thấy.

Hỏi: Nếu thấy các thiên thần hiện ra trong chiêm bao thì có nên quy y chăng?

Đáp: Ấy là do ham muốn mà thấy, hoặc thật hay không thật. Lại nữa, vì sao lúc thức dậy thì không còn thấy? Dù trong chiêm bao có thấy được chút ý sự thật, thì nó vẫn là do ý muốn tưởng nghĩ mà ra. Lại nữa, với các rộn ràng trước mắt, khiến người nằm chiêm bao có thấy được chút ít điều gì đó. Ấy cũng đều là hư giả.

Lại nữa, do năm nguyên nhân khiến thiên thần không phải là chỗ quy y. năm nguyên nhân là:

1. Do tướng. 2. Do tự thể. 3. Do nghiệp. 4. Do pháp nhĩ. 5. Do nhân quả.

– Do tướng là các thiên thần thì ở đời nầy không ai hiện thấy và cũng không nói chuyện được với các vị ấy. Sắc mặt của thiên thần đầy nét dữ tợn, khiến các người kinh sợ, quen sống buông lung với ham mê dục lạc, không có lòng thương, không màng đến ích lợi của kẻ khác, không thể hiểu rõ chuyện nên làm hay không nên làm, không thông suốt chân ý nghĩa. Cho nên, các vị ấy không thể làm chỗ nương cho các người.

– Do tướng như thế nào mà Phật có thể làm chỗ quy y?

Phật là người mà thế gian ai cũng thấy, có thể nói chuyện với Ngài. Phật có dung nhan hòa tịnh, không gây lo sợ cho bất cứ ai. Phật hoàn toàn lìa bỏ các thứ buông lung, không còn tham ái, vì tâm thương xót, không bỏ cơ hội đem lợi ích cho kẻ khác, có năng lực biết rõ những gì nên làm, những gì không nên làm, thông suốt ý nghĩa chân thật.

Lại nữa, do có năm tướng nên có thể quy y, năm tướng ấy là:

  1. Vì lợi ích chúng sinh chứng quả Bồ-đề.
  2. Hiện ở trong đại chúng mở bày mắt chánh pháp.
  3. Làm ích lợi một cách bình đẳng đối với kẻ thân, người oán, thuộc về chúng tại gia.
  4. Lìa bỏ các tham chấp, các căn đều trong sạch vắng lặng.
  5. Khéo xua tan các nghi ngờ cho chúng sinh.

– Về thể thì Như lai đã dứt hẳn hết các lậu, tự đã điều phục chế ngự mình, cũng điều phục chế ngự kẻ khác, cho nên xứng đáng quy y Như lai. Còn các thiên thần thì đầy những lậu hoặc chính họ không tự điều phục chế ngự, huống chi là điều phục chế ngự kẻ khác, nên không phải là chỗ quy y.

– Về nghiệp thì Như lai đã an trụ trong nghiệp rộng lớn không vết nhơ, luôn vắng lặng.

Lại nữa, Như lai có khả năng làm lợi ích cho nghiệp của chúng sinh, nên có thể quay về nương nơi Như lai. Còn các thiên thần thì ở trong chỗ cấu nhiễm, mang nghiệp tham dục, lại còn mang nghiệp giết hại chúng sinh, nên họ không phải là nơi cho các người quy y.

– Do pháp như vậy, tức các công đức vượt trội ở thế gian, hay xuất thế gian đều do công sức chính mình mà có được. Nếu xa lìa công sức mình thì dù có tin tưởng cung kính thiên thần rất, cũng vẫn không chứng ngộ gì được. Nếu không có lòng tin kính thiên thần mà chỉ với công sức mình, thì người ta vẫn chứng được đạo. Cho nên thiên thần không phải là nơi để cho người ta quy y.

– Do nhân quả là nay thử hỏi kẻ thờ phụng thiên thần là thờ phụng bản thể thiên thần, hay do nghiệp trời cảm ứng mà được? Hay là do cúng dường trời mà được, hay không phải từ nhân quả mà được. Nếu do nghiệp trời mà được sung sướng thì quay về với nghiệp mình, chứ chẳng phải trời. Nếu không từ nhân mà được, thì nên thì nên quy y vô nhân, chứ chẳng phải trời. Nếu do cúng dường trời thần mà được thì chỉ do cúng dường mà cảm được thể của thiên thần hay chỉ do thiên thần là hai thứ nhân? Nếu chỉ do cúng dường thì thành đồ đệ của thiên thần, thì cúng dường bất cứ nơi đâu cũng đều được cảm ứng quả báo trời. Nếu chỉ nhờ thiên thần, tức là đồ chúng lập bày cúng dường, nhưng dù không cúng dường đi nữa, thì thiên thần vẫn đáp ứng quả báo trời. Nếu làm hai thứ nhân cùng lúc, nhưng nếu chỉ cúng dường và được tiếp nhận khiến thỏa mãn các mong cầu thì bảy sự cầu nguyện kia sẽ không nhất định có kết quả. Nhưng không phải vậy. Bảy sự cầu nguyện gồm:

  1. Nhờ cúng dường mà được thần nhiếp thọ.
  2. Nhờ tin hiểu mà được thu thâu nhiếp.
  3. Nếu ai tin hiểu, từ đó phát khởi lòng tin hiểu thì cảm nhận được tự thể tối thắng của thiên thần.
  4. Từ chỗ cảm nhận được tối thắng nên được vui sướng giàu có.
  5. Có khả năng chiến thắng đám oán địch A-tố-lạc v.v…
  6. Ra khỏi sinh tử.
  7. Được sinh nơi ổn định sau khi chết.

Hỏi: Có mấy thứ quay về nương?

Đáp: Có ba thứ cần quay về nương. Đó là Phật, Pháp, Tăng.

Hỏi: Vì sao chỉ có ba thứ quay về nương?

Đáp: Có bốn lý do, đó là: Chỉ có Như lai là đáng quay về nương, vì

Như lai đã tự điều ngự lấy mình, khéo biết phương tiện để điều phục kẻ khác. Ai đem tiền bạc cúng dường thì Như lai không đẹp ý, ai đem việc làm hữu ích cúng dường thì Như lai vừa ý. Do đầy đủ công đức như vậy, Như lai nói pháp và chúng đệ tử quay về quy y nơi Như lai.

Hỏi: Cần những duyên như thế nào mới có thể quay về nương tam bảo?

Đáp: Phải có đủ bốn yếu tố mới được coi là có khả năng quay về nương Tam bảo.

  1. Khéo biết Phật là người có đức độ.
  2. Khéo biết chỗ khác nhau giữa Phật và người khác.
  3. Vì tự mình thệ nguyện lãnh thọ.
  4. Vì không nương vào ai khác.

Hỏi: Thế nào là việc làm đúng đắn của người quay về nương?

Đáp: Có bốn việc làm chính đáng cho người quay về nương Phật, nên biết, đó là:

  1. Gần gũi người lành.
  2. Nghe hiểu chánh pháp.
  3. Tác ý đúng lý.
  4. Tùy giáp pháp thích hợp cho mình mà hành trì.

Lại nữa, có bốn thứ chánh hạnh, nên biết.

  1. Khéo thâu nhiếp các căn, không để chúng loạn động.
  2. Thọ học xứ chân chánh.
  3. Thương xót chúng sinh.
  4. Lúc nào cũng cúng dường Tam bảo đúng pháp.

Hỏi: Quay về nương Tam bảo, có ích lợi gì?

Đáp: Có bốn thứ ích lợi:

  1. Được công đức rộng lớn.
  2. Được vui mừng đầy khắp.
  3. Được thiền định vượt bậc.
  4. Được thanh tịnh tốt đẹp .

Lại có bốn thứ ích lợi là:

  1. Được sự che chở đầy đủ.
  2. Các hiểu biết tà vạy chướng ngại lần hồi mỏng dần, cuối cùng dứt trừ hết.
  3. Được vào trong cộng đồng của những người thông minh, hiểu biết hết sức chân chánh, nghĩa là sống chung với các bậc thầy là Đại sư đồng phạm hạnh.
  4. Vì tin vào Thánh giáo nên được chư thiên kính mến, vui mừng.

Chư thiên nếu thấy ai quay về nương ba ngôi báu, thì vô cùng sung sướng, bảo nhau: Từ xưa, nhờ thành tựu sự quay về nương vào tam bảo, nên sau khi chết, chúng ta đều sinh lên cõi nầy. Này các thiện nam! Các vị cũng phải thành tựu ba pháp quy y, an trụ mãi trong ấy chớ lìa bỏ, thì không bao lâu nữa, các vị sẽ lên làm bạn với chúng tôi.

– Khác nhau: có sáu nguyên nhân khiến Tam bảo sai khác là:

  1. Do tướng.
  2. Do nghiệp.
  3. Do tin, hiểu.
  4. Do việc làm.
  5. Do tùy niệm.
  6. Do sinh phước.

– Do tướng nên khác nhau: Tướng tự chứng giác ngộ là Phật bảo: Tướng của quả vị chứng giác ngộ là Pháp bảo. Từ Phật chỉ dạy, có tướng tu hành chân chánh, đó là Tăng bảo.

– Do nghiệp nên khác nhau là: Người nói nghiệp chỉ đúng hướng đi của nó là Phật bảo. Cắt dứt các khổ não là cảnh nơi sở duyên của nghiệp, là Pháp bảo. Làm tăng nghiệp tinh tấn mạnh mẽ là Tăng bảo.

– Do tin, hiểu nên khác nhau là: Đối với Phật bảo, phải gần gũi, cung kính, thờ phụng. Đối với Pháp bảo phải tin, kính, tu tập chứng ngộ, đối với Tăng bảo nên kính, tín, gần gũi, sống chung với người cùng theo chánh pháp.

– Do hành nên khác nhau là: Đối với Phật bảo, nên làm các việc như đón rước, mời thỉnh, thờ phụng cúng dường. Đối với Pháp bảo chân chính, nên tu tập theo phương tiện đúng lý. Đối với Tăng bảo nên thọ dụng chung của cải, Pháp Phật.

– Do tùy niệm nên khác nhau là: Đối với ngôi Tam bảo, nên tùy theo sự thích ứng mà khởi tùy niệm biệt hành, như trong kinh nói: Đây là Đức Bạc-già-phạm, Như lai Ứng cúng Chánh đẳng giác, cho đến nói rộng.

– Do sinh phước nên khác nhau là: Phật bảo là nơi loài hữu tình nương phát sinh phước đức trên hết. Còn chánh Pháp bảo, nương vào pháp tăng thượng thì sinh phước tối thắng. Tăng bảo là nơi nhiều hữu tình nương vào mà sinh phước trên hết.