LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO

Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng Đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

PHẨM 2: THÂU NHIẾP NGHĨA TỊNH (Phần )

Cũng thế phân biệt nghe ba quy y, v.v… đã xong.

Lại nữa, Tụng rằng:

Hạnh Thánh thừa vô thượng,
Công đức đại Bồ-đề,
Dị luận, luận pháp thích.
Nên biết đều nhiều thứ.

Luận chép: Hạnh Thánh có nhiều thứ: là có bốn hạnh Thánh:

  1. Hạnh đến bờ kia.
  2. Hạnh Bồ-đề phần.
  3. Hạnh thần thông.
  4. Hạnh thành thục hữu tình.

– Hạnh đến bờ kia: như trước đã nói, mười pháp Ba-la-mật đa, đó gọi là hạnh đến bờ kia.

– Hạnh Bồ-đề phần là như trước đã nói, về ba mươi bảy pháp giác phần như Bốn niệm trụ v.v… cùng bốn thứ tầm tứ, bốn thứ như thật biến tri. Đó gọi là hạnh Bồ-đề phần.

– Hạnh thần thông là như trước đã nói, sáu pháp thần thông gọi là hạnh thần thông.

– Hạnh thành thục hữu tình: như trước đã nói, có hai thứ vô lượng:

  1. Đối tượng đã điều phục vô lượng.
  2. Phương tiện điều phục vô lượng.

Lại có sáu thứ thành thục:

  1. Tự thể thành thục.
  2. Đối tượng thành thục.
  3. Sai khác thành thục
  4. Phương tiện thành thục.
  5. Chủ thể thành thục.
  6. Tướng đã thành thục.

Đó gọi là hạnh thành thục hữu tình, nên biết.

– Vô thượng thừa có nhiều hạng là có năm hạng Đại thừa:

  1. Hạt giống.
  2. Hướng nhập.
  3. Thứ lớp.
  4. Chánh hạnh.
  5. Quả của chánh hạnh.

Theo thứ lớp trên, trong địa Bồ-tát có: phẩm chủng tính, phẩm phát tâm, phẩm trụ và các phẩm khác. Đại Bồ-đề được xây dựng từ hai phẩm trên, nên biết. Đại Bồ-đề có nhiều thứ:

  1. Tự tính.
  2. Công dụng.
  3. Phương tiện
  4. Chuyển.
  5. Diệt.

– Tự tính là vượt lên tất cả những gì mà Thanh văn, Độc giác được chuyển y. Tự tính nầy có bốn thứ, nên biết:

  1. Sinh khởi y chỉ.
  2. Bất sinh y chỉ.
  3. Khéo xem xét kết quả những gì mình biết.
  4. Tướng thanh tịnh của pháp giới.

– Sinh khởi y chỉ là Phật nối tiếp trong đạo xuất thế gian nương vào đạo nầy mà chuyển y mới được sinh khởi, chứ chẳng phải bất sinh khởi. Nếu sinh khởi tách lìa sự chuyển y nầy thì trước khi chưa chuyển y đã phải sinh khởi.

– Bất sinh y chỉ là tất cả phiền não và tập khí nương vào chuyển y nầy nên không còn sinh khởi nữa. Nếu không như vậy thì trước khi chưa chuyển y, các duyên đã hòa hợp, tất cả phiền não và tập khí đã không bao giờ phát sinh nữa, có thể được.

– Khéo xem xét quả chân như mà mình biết, là chuyển y nầy khéo thông đạt những gì mình biết, quả chân như thật tế mà mình biết. Nếu không như vậy thì tự thể của Chư Phật lẽ ra tự biết rõ, lẽ ra còn đoạn diệt.

– Tướng pháp giới thanh tịnh là chuyển y nầy không có các tướng. Nó rất thanh tịnh mà pháp giới sáng tỏ. Nếu không như vậy, thì lẽ ra vô thường, là pháp có thể suy nghĩ bàn luận, nhưng pháp chuyển y nầy là tướng thường trụ, không thể suy nghĩ bàn luận mà pháp không hai đã làm sáng tỏ, nên biết. Tính chất không thể suy nghĩ bàn luận nầy, lại có năm thứ:

  1. Tự tánh.
  2. Xứ sở.
  3. Trụ.
  4. Tính một, tính khác.
  5. Thành lập những gì đã làm.

– Tự tính là tính chuyển y nầy là sắc lìa sắc, không thể suy nghĩ luận bàn. Như vậy, tức thọ, tưởng, hành, thức lìa thọ, tưởng hành thức không thể suy nghĩ luận bàn. Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới hoặc tức, hoặc lìa không thể suy nghĩ luận bàn. Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỉ xứ, thật xứ, thân xứ, ý xứ hoặc tức, hoặc lìa không thể nghĩ bàn. Hoặc có hoặc không, không thể suy nghĩ bàn luận.

– Xứ sở: là tính chuyển y nầy hoặc ở cõi Dục, hoặc lìa cõi Dục, không thể nghĩ bàn. Hoặc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc lìa cõi Sắc, cõi Vô sắc, không thể nghĩ bàn. Ở các thế giới trong mười phương hoặc ở hoặc lìa, không thể nghĩ bàn.

– Trụ là chuyển y nầy an trụ Cũng thế, Cũng thế, tướng mạo an vui trụ, không thể nghĩ bàn. Cũng thế an trụ vào tướng Xa-ma-tha, không thể nghĩ bàn. An trụ có tâm, trụ không thể nghĩ bàn. An trụ không có tâm, an trụ không thể nghĩ bàn. Như thế an trụ tướng mạo Phạm thiên, như thế an trụ không thể nghĩ bàn.

– Tính một, tính khác là tất cả Chư Phật cùng ở chung trong thế giới vô lậu. Tính một, tính khác, không thể nghĩ bàn.

– Thành lập những gì đã làm, là thể tính Chư Phật Như lai đều bình đẳng trí tuệ, oai đức, thế lực đều bình đẳng, cùng chung ở trong thế giới vô lậu, nương, chuyển y là vì muốn đem lợi ích cho các hữu tình, nên thành lập những việc lợi ích cho hữu tình như thế, như thế không thể nghĩ bàn. Ở đây lại có hai nhân duyên không thể nghĩ bàn, nên biết.

  1. Vì nghĩa lìa lời nói, vượt khỏi đường ngôn ngữ, nên không thể nghĩ bàn.
  2. Vì nghĩa xuất thế gian thế gian không sánh nổi, không thể nghĩ bàn.

– Công dụng là nói lược có mười thứ lớp tại gọi là công dụng, mười thứ tự tại là

  1. Sống lâu tự tại.
  2. Tâm tự tại.
  3. Các đồ dùng tự tại.
  4. Nghiệp tự tại.
  5. Sanh tự tại.
  6. Nguyện tự tại.
  7. Thắng giải tự tại.
  8. Thần biến tự tại.
  9. Trí tự tại.
  10. Pháp tự tại.

– Phương tiện là nói lược có bốn thứ biến hóa gọi là phương tiện:

1. Người chưa thành thục thì giúp cho họ thành thục, hiện các việc Bồ-tát hành xứ làm việc biến hóa.

2. Người đã thành thục thì giúp cho họ đạt giải thoát. Đối với Tam thiên đại thiên thế giới, trăm Câu-chi châu Thiệm-bộ, cùng lúc hiển hiện biến hóa của Như lai.

3. Với phương tiện nhiếp thọ Thanh văn biến hóa.

4. Vì Như lai đã điều phục hữu tình, hiển hiện tất cả biến hóa của Độc giác. Phật, Bạc-già-phạm, với tác dụng biến hóa không gì chướng ngại đối với bốn thứ biến hóa nầy cho các thế giới ở mười phương, nên biết.

– Chuyển: Nên biết, có hai thứ:

  1. Tạm thời chuyển.
  2. Rốt ráo chuyển.

– Tạm thời chuyển là cho đến hữu tình chưa thành thục, chưa giải thoát, Chư Phật Như lai chuyển hóa không dừng nghỉ.

– Rốt ráo chuyển là như vô tận, không thể suy nghĩ luận bàn về oai đức chuyển hóa đến chỗ sáng suốt của Phật, làm các ích lợi cho hữu tình, trôi lăn không ngừng.

– Diệt là nên biết, có hai thứ:

  1. Tạm thời diệt.
  2. Rốt ráo diệt.

– Tạm thời diệt là đối với hữu tình đã thành thục, chưa giải thoát, Chư Phật Như lai tạm thời thị hiện nhập Niết-bàn, chứ không phải rốt ráo.

– Rốt ráo diệt là tất cả tập khí phiền não và các khổ đeo mãi, chúng hoàn toàn được dứt trừ hết, nên biết.

– Các pháp công đức có nhiều thứ, Kệ rằng:

Đặc biệt, không đặc biệt.
Tâm bình đẳng lợi ích,
Trả ơn và vui khen.
Hạnh phương tiện không hư.

Luận chép: Đặc biệt là khi Bồ-tát tu học thừa Vô thượng Chánh Đẳng Giác thì có năm pháp đặc biệt, nên biết. Năm pháp ấy là:

1. Sinh tâm thương mến tất cả hữu tình trong khi chẳng có nhân duyên nào hết.

2. Thường sống trong sinh tử, chịu nhiều khổ não với mục đích duy nhất là làm lợi ích cho hữu tình.

3. Đối với hữu tình khó điều phục vì họ có quá nhiều phiền não thì Bồ-tát khéo hiểu rõ cách sử dụng phương tiện điều phục họ.

4. Đối với nghĩa lý chân thật hết sức khó hiểu thì Bồ-tát có khả năng giúp cho mọi người ngộ nhập.

5. Đầy đủ oai đức, không thể nghĩ bàn. Năm pháp khác nhau nầy, không phải trong hữu tình ai cũng có, cho nên gọi là đặc biệt.

– Không phải đặc biệt là trong khi Bồ-tát tu học thừa Vô thượng Chánh đẳng giác, có năm pháp không đặc biệt. Bậc Đại Bồ-tát do thành tựu năm pháp nầy, nên năm pháp đặc biệt hiển hiện thành tựu. Năm pháp gồm:

1. Các Bồ-tát vì mục đích làm lợi ích cho người nên coi cái khổ của họ là niềm vui của mình, nên Bồ-tát thường chịu đựng khắp, làm mãi những lợi ích cho kẻ khác với bao gian nan. Đó gọi là pháp không đặc biệt thứ nhất.

2. Lại nữa, dù biết rõ tội lỗi của sinh tử và công đức của Niết-bàn, nhưng Bồ-tát vẫn vui vẻ làm cho các hữu tình được thanh tịnh rốt ráo, lấy đó làm niềm vui của mình. Vì phải gia tăng sức mạnh làm cho hữu tình trong sạch, nên Bồ-tát thệ nguyện thực hành cách sống trong sinh tử. Đó gọi là không phải pháp đặc biệt thứ hai.

3. Lại nữa, dù biết rõ cái vui sâu kín, nhưng Bồ-tát vẫn vui vẻ mà làm cho các người được thanh tịnh rốt ráo, lấy đó làm niềm vui của mình. Vì phải gia tăng sức mạnh làm cho hữu tình trong sạch, nên Bồtát thệ thường siêng năng dùng phương tiện nói pháp cho họ nghe. Đó gọi là không phải pháp đặc biệt thứ ba.

4. Lại nữa, do góp chứa gốc lành của sáu Ba-la-mật đa, nên Bồtát vẫn vui vẻ làm cho các người được thanh tịnh rốt ráo, lấy đó làm niềm vui của mình. Vì phải gia tăng sức mạnh làm cho hữu tình trong sạch, nên Bồ-tát dùng ý thanh tịnh mà ban cho họ, mà không mong kỳ hạn kết quả dị thục của việc bố thí đó, đó gọi là không phải pháp đặc biệt thứ tư.

5. Lại nữa, Bồ-tát coi làm lợi ích cho các người tức là làm lợi ích cho mình, cho nên Bồ-tát thường làm mãi ích lợi cho tất cả hữu tình. Đó gọi là không phải pháp đặc biệt thứ năm.

Các bậc Đại Bồ-tát đã thành tựu năm pháp nầy, nên năm pháp đặc biệt sáng tỏ, nên biết.

– Tâm bình đẳng là các Bồ-tát có năm thứ tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình.

1. Lúc Đại Bồ-tát mới phát tâm nhằm mục đích chứng Đại Bồ-đề nên phát thệ nguyện rộng lớn. Cũng thế, cũng vì làm lợi ích cho hữu tình mà Bồ-tát khởi tâm bình đẳng.

2. Bậc Đại Bồ-tát thương xót tất cả hữu tình với tâm bình đẳng.

3. Bậc Đại Bồ-tát đem tâm bình đẳng đối với các người, coi như một con một đầy thương mến.

4. Bậc Đại Bồ-tát đối với các duyên làm phát sinh các hành tâm lý biết đó là việc mà hữu tình nghĩ tưởng, nên Bồ-tát thấu suốt được một pháp tính hữu tình là thông suốt tất cả pháp tính hữu tình. Từ đó, đối với tất cả hữu tình, Bồ-tát khởi pháp tính bình đẳng, cùng lúc với tâm bình đẳng.

5. Bậc Đại Bồ-tát làm lợi ích cho một hữu tình thì cũng là làm ích lợi cho tất cả hữu tình, cho nên đối với tất cả hữu tình, phát tâm muốn làm lợi ích thì làm với tâm bình đẳng. Cũng thế gọi là Đại Bồ-tát phát năm thứ tâm bình đẳng đối với các hữu tình.

– Lợi ích là bậc Đại Bồ-tát làm lợi ích cho các hữu tình, có năm thứ tưởng, nên biết. Năm tướng ấy là:

1. Trước người làm việc trái, gây tổn hại, Bồ-tát nêu giảng lối sống chân chánh để dẫn nhiếp họ về.

2. Đối với kẻ không thuận theo làm việc lợi ích thì Bồ-tát nói pháp thuận theo để dẫn dắt họ về.

3. Đối với kẻ nghèo khổ không chỗ nương thì Bồ-tát làm chỗ nương để dẫn dắt họ về.

4. Bồ-tát nói con đường lành để dẫn dắt họ về.

5. Bồ-tát nói con đường dẫn đến ba thừa, đến Niết-bàn để dẫn dắt các người về.

– Báo ân là đối với hữu tình có ân, Đại Bồ-tát làm năm điều ích lợi để báo ơn, năm điều ấy là:

1. Khiến cho hữu tình có chỗ ở yên để học đức của mình.

2. Dùng phương tiện khiến có chỗ ở yên để hữu tình học đức của người khác.

3. Làm chỗ nương cho những kẻ nghèo khổ không chỗ nương.. Khuyến khích để họ cúng dường Chư Phật, Như lai.

4. Khiến chúng sinh tự chép pháp mà Phật nói để thọ trì cúng dường.

– Vui mừng khen ngợi là có năm thứ mà Đại Bồ-tát thường nên vui mừng khen ngợi, năm thứ ấy là:

  1. Gặp Phật ra đời nên được phụng thờ.
  2. Thường đến chỗ Như lai nghe sáu Ba-la-mật mật, tương ưng với tạng Bồ-tát.
  3. Làm tất cả hữu tình thành thục có khả năng gánh vác việc tu tập.
  4. Mau chứng quả Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
  5. Sau khi chứng Bồ-đề, Bồ-tát hòa hợp với đại chúng Thanh văn.

– Làm phương tiện không giả dối là công hạnh của Đại Bồ-tát vượt hơn chính là thực hiện phương tiện không giả dối đem lợi ích cho các người, có năm thứ, năm thứ ấy là:

1. Ý nghĩ đầu tiên của bậc Đại Bồ-tát là đem lợi ích, an vui cho tất cả hữu tình.

2. Bậc Đại Bồ-tát thành tựu giác ngộ không còn điên đảo, đối với việc làm lợi ích, an vui, các Ngài biết một cách sáng tỏ.

3. Tùy nghi phương tiện nói các pháp, khiến các người theo chỗ lãnh thọ mà được điều phục, làm chủ lấy mình. Công việc làm cho các hữu tình được điều phục, phải là Như lai mới rốt ráo gánh vác nổi.

4. Bậc Đại Bồ-tát tâm không bao giờ chán nản mệt mỏi.

5. Với bậc Đại Bồ-tát là đại bi bình đẳng, nên đối hữu tình bậc thượng, trung, hạ đều không có tâm thiên vị, phân biệt theo phe nhóm.

Lại nữa, Kệ rằng:

Không phương tiện điên đảo.
Lui sụt và tiến lên,
Tương tự công đức thật,
Khéo điều phục hữu tình.

Luận chép: Dùng phương tiện không điên đảo là, nên biết, Đại Bồ-tát có năm thứ phương tiện gom hết các phương tiện chân chính, phương tiện ấy là:

  1. Phương tiện thuận theo che chở.
  2. Phương tiện không lỗi.
  3. Phương tiện dùng sức để lựa chọn.
  4. Phương tiện ý ưa thích thanh tịnh cao quý.
  5. Phương tiện chứng nhập quyết định.

– Phương tiện thuận theo che chở là bậc Đại Bồ-tát khéo che chở sự thông thái để đồng thời phát sinh trí tuệ áp dụng phương pháp tiếp nhập dẫn dắt mau lẹ. Lại che chở tốt ức niệm. Nhờ ghi nhớ sâu nên giữ chắc được những gì mình nghe, không bị quên mất. Lại khéo che chở trí tuệ. Nhờ có trí tuệ nên đối với pháp mình nghe xem xét ý nghĩa chân chính của nó với sự hiểu biết thông suốt. Sự thông đạt ấy là đã bỏ đi một phần sự thông thái tầm thường, bỏ đi một phần ký ức trí tuệ và cũng bởi gần gũi tu tập sự an trụ phần vượt hơn.

Lại khéo che chở tự tâm là khéo giữ gìn cửa ngõ các căn. Lại khéo che chở tâm người là do phương tiện chân chính che chở tâm người.

– Phương tiện không lầm lỗi là bậc Đại Bồ-tát thường mạnh mẽ, không điên đảo đối với các pháp lành, vô lượng, không xen hở đều hồi hướng về quả Bồ-đề.

– Phương tiện dùng sức chọn: ở đây, tất cả phương tiện đều tập trung an trụ trong hạnh địa thắng giải, nên biết.

– Phương tiện ý ưa thanh tịnh cao quý là an trụ cõi địa ý lạc thanh tịnh cao quý và cõi tu hành chân chính, nên biết.

– Phương tiện chứng nhập quyết định là an trụ địa quyết định, hạnh địa quyết định, tiến đến địa rốt ráo, nên biết.

Năm thứ phương tiện nầy thâu nhiếp hết các phương tiện chân chính của Bồ-tát, nên biết.

– Lui, đọa là Bồ-tát có năm pháp thoái chuyển, nên biết:

1. Không tôn kính chánh pháp và người nói pháp. 2. Buông lung, biếng nhác 3. Quen gần phiền não. 4. Quen gần hành vi ác. 5. So hơn, thua với Bồ-tát khác rồi sinh tăng thượng mạn và đối với chánh pháp sinh ra hiểu biết điên đảo kiêu ngạo.

– Tiến lên là Bồ-tát có năm phần pháp tiến vượt, là cứ y thứ lớp, trái lại với năm pháp đen vừa nói, nên biết:

– Công đức tương tự: Là các Bồ tát có năm thứ công đức tương tự thật sự là lỗi, nên biết:

  1. Đối với các hữu tình thô bạo phạm giới, nên không làm được nhiều ích lợi.
  2. Giả hiện tướng oai nghi đầy đủ.
  3. Chải chuốt văn chương theo thói đời và ưa thích sách vở ngoại đạo được dự và hàng trí thức thông minh.
  4. Tu hành còn có tội nhưng vẫn khéo thực hành bố thí, v.v…
  5. Tuyên bố tạo lập chánh pháp tương tự rồi phổ biến sâu rộng.

– Công đức thật: Bồ-tát có năm thứ công đức chân thật, nên biết:

  1. Đối với các hữu tình phạm giới cấm, thô bạo, Bồ-tát khởi lòng thương xót tăng thêm.
  2. Tự tánh đầy đủ oai nghi.
  3. Đối với pháp thanh tịnh chân thật mà Như lai nói thì hoặc dạy hoặc chứng, được dự vào hàng trí giả thông minh.
  4. Tu tập, không mắc tội, khéo làm việc bố thí, v.v…
  5. Chỉ bày chánh pháp để ngăn dứt thứ pháp tương tự nói trên.

– Khéo điều phục hữu tình là các Bồ-tát khéo chọn mười nơi để điều phục, giáo hóa hữu tình, không bị điên đảo là:

  1. Lìa nơi có hành vi ác.
  2. Lìa nơi ái dục.
  3. Nơi không vi phạm, nếu phạm thì tự phát lồ.
  4. Giữ gìn tất cả căn môn.
  5. Ở nơi chánh trí.
  6. Lìa nơi náo.
  7. Xa lìa nơi có tất cả tầm tư xấu ác.
  8. Lìa chỗ ngăn che.
  9. Lìa phiền não trói buộc.
  10. Lìa phiền não thô nặng.

Lại nữa, Kệ rằng:

Các Bồ-tát thọ ký.
Rơi vào số quyết định,
Định làm, thường nên làm,
Pháp trên hết nên biết.

Luận chép: Các Bồ-tát thọ ký là Bồ-tát ở trên sáu vị trí mong được Như lai thọ ký đạo quả Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

  1. Đối với vị trí của chủng tính chưa phát tâm Bồ-đề.
  2. Đã phát tâm Bồ-đề.
  3. An trụ trong hiện tiền.
  4. An trụ không hiện tiền.
  5. Có thời hạn, trong thời hạn như vậy, chứng Chánh Đẳng Bồ-đề Vô thượng.
  6. Không có thời hạn, nghĩa là không quyết định thời hạn nào.

– Rơi vào số quyết định: các Bồ-tát có ba thứ rơi vào phần vị quyết định:

  1. Chủng tính rơi vào quyết định.
  2. Phát tâm rơi vào quyết định.
  3. Công hạnh không luống dối rơi vào quyết định.

– Chủng tính rơi vào quyết định là các Bồ-tát an trụ vào vị trí chủng tánh lại rơi vào số quyết định của Bồ-tát. Vì sao? Vì các Bồ-tát đã thành tựu chủng tánh, nếu gặp phải duyên tốt thì sẽ có năng lực gánh vác quả Vô thượng đẳng chánh giác.

– Phát tâm rơi vào quyết định: là các Bồ-tát khởi tâm quyết định đối với quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô thượng, đến khi chứng được quả Vô thượng chánh đẳng giác, không còn thoái chuyển.

– Công hạnh không luống dối rơi vào quyết định là các Bồ-tát đã được tự tại, như điều các vị mong muốn, theo đó tu tập, nên các việc Bồ-tát làm là không luống uổng. Vì nương vào pháp sau cùng nầy nên rơi vào vị trí quyết định. Như lai vì các Bồ-tát thọ ký rơi vào quyết định.

– Định làm là các Bồ-tát đối với năm chỗ quyết định nên làm. Nếu không làm thì không gánh nổi việc chứng quả Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Năm chỗ quyết định là:

  1. Phát tâm Bồ-đề.
  2. Có tâm thương xót hữu tình.
  3. Tinh tấn mạnh mẽ .
  4. Lấy năm minh xứ làm phương tiện tu tập.
  5. Tâm không nhàm chán mỏi mệt.

– Thường nên làm: Các Bồ-tát thường làm năm việc:

  1. Thường tu hạnh không buông lung.
  2. Làm nơi nương tựa cho các hữu tình khổ não không nơi nương cậy.
  3. Thường tu hạnh cúng dường Phật.
  4. Thường biết khắp cái gì sai lầm, cái gì không sai lầm.
  5. Đối với tất cả việc làm hoặc đã làm, hay còn an trụ trong tác ý thường phải tu hành với tâm Đại Bồ-đề dẫn đầu.

– Pháp tối thắng là đối với mười thứ pháp tối thắng, đồng ý Bồ-tát thọ trì, nên lập ra, coi là tối thượng là 10 pháp sau:

  1. Chủng tính Bồ-tát là cao quý nhất trong các chủng tính.
  2. Mới phát tâm Bồ-đề, đối với các nguyên chính thì cao quý nhất.
  3. Bát nhã chánh cần, đối với tất cả các Độ là cao quý nhất.
  4. Ái ngữ là cao quý nhất trong các nhiếp pháp.
  5. Như lai cao quý trong các hữu tình.
  6. Lòng thương là cao quý nhất trong các vô lượng.
  7. Tịnh lự thứ tư là cao quý nhất trong các tĩnh lự khác.
  8. Không Tam-ma-địa là cao quý nhất trong ba Tam-ma-địa.
  9. Định Diệt tận là cao quý nhất trong chín định thứ đệ.
  10. Phương tiện khéo léo thanh tịnh là cao quý nhất trong các phương tiện khéo léo.

Lại nữa, Kệ rằng:

Các nêu đặt, lập ra,
Tất cả pháp tầm tứ,
Trí biết khắp như thật,
Kể cả các vô lượng.
Nói rõ quả ích lợi,
Tánh Đại thừa thâu nhiếp,
Bồ-tát mười, nên biết,
Đặt ra các tên gọi.

Luận chép: Các nêu đặt lập ra là Bồ-tát có bốn thứ nêu đặt lập ra. Chỉ có Như lai và Bồ-tát mới có khả năng nêu đặt lập ra chân chính, chứ không phải tất cả trời, người, Sa-môn, Bà-la-môn có thể nêu đặt lập ra, trừ trường hợp ăn cắp giáo pháp Phật đặt vào lý luận của mình.

Bốn thứ ấy là:

  1. Nêu bày lập ra Pháp .
  2. Nêu bày lập ra Đế .
  3. Nêu bày lập ra Đạo lý .
  4. Nêu bày lập ra Thừa .

– Nêu bày lập ra pháp là mười hai phần giáo như Tố-đát-lãm v.v…theo thứ lớp soạn tập, thứ lớp đặt yên, thứ lớp chế tạo. Đó gọi là nêu bày pháp lập ra.

– Nêu bày lập ra Đế là lập một đế với nghĩa không luống dối, chỉ là một, không có thứ hai, hoặc lập hai đế là: Thế tục đế và Thắng nghĩa đế. Hoặc lập ba đế là: Tướng đế, Thuyên đế và Dụng đế.

Hoặc lập bốn đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.

Hoặc lập năm đế là: Nhân đế, Quả đế, năng tri đế, Sở tri đế và Bất nhị đế.

Hoặc lập sáu đế là: Chân đế, Vọng đế, Ưng tri đế, Ưng đoạn đế, Ưng chứng đế, Ưng tu đế.

Hoặc lập bảy đế là: Ái vị đế, Quá hoạn đế, Xuất ly đế, Pháp tánh đế, Thắng giải đế, Thánh đế và Phi Thánh đế.

Hoặc lập tám đế là: Khổ hành đế, Khổ hoại đế, Khổ khổ đế, Trôi lăn đế, Lưu tức đế, Tạp nhiễm đế, Thanh tịnh đế và Phương tiện đế.

Hoặc lập chín đế là: Vô lượng đế, Khổ đế, Không đế, Vô ngã đế, Hữu ái đế, Vô hữu ái đế, Bỉ đoạn phương tiện đế, Tám là Niết-bàn hữu dư y đế và Chín là Niết-bàn Vô dư y đế. Hoặc lập mười đế là: Bức thiết khổ đế, Chỗ thọ dụng không đầy đủ khổ đế, Giới tánh trái ngược khổ đế, Ái bị hủy khổ hoại đế, Thô trọng khổ đế, Nghiệp đế, Phiền não đế, Thính văn chánh pháp như lý tác ý đế, Chánh kiến đế và Quả đế chánh kiến.

Như vậy, gọi là Bồ-tát nêu bày lập ra đế. Nếu chia rộng ra thì vô lượng, nên biết.

– Nêu bày lập ra Đạo lý: Có bốn thứ đạo lý: Đạo lý Quán đãi, đạo lý tác dụng, đạo lý chứng thành và đạo lý pháp nhĩ.

Đó gọi là nêu bày lập ra đạo lý, nên biết.

– Nêu bày lập ra thừa là Thanh văn, Độc giác, Vô thượng Đại thừa đều có bảy thứ nêu bày lập ra, nên biết.

– Bảy cách nêu bày lập ra thừa Thanh văn là:

  1. Các trí tuệ không điên đảo của bốn chân lý bậc Thánh.
  2. Chỗ nương của trí tuệ ấy.
  3. Sở duyên của trí tuệ ấy.
  4. Đồng bạn của trí tuệ ấy.
  5. Nghiệp do trí tuệ ấy tạo ra.
  6. Tư lương giúp cho trí tuệ.
  7. Quả do trí tuệ chứng.

Như thừa Thanh văn, Độc giác cũng có bảy thứ nêu bày lập ra như vậy.

– Bảy thứ nêu bày lập ra Đại thừa Vô thượng là:

  1. Trí tuệ xuất ly duyên vào nẻo lìa các thứ lời nói về tất cả pháp chân như bình đẳng không phân biệt.
  2. Đó là chỗ nương của trí tuệ nầy.
  3. Đó là chỗ duyên của trí tuệ nầy.
  4. Đó là đồng bạn của trí tuệ nầy.
  5. Đó là nghiệp do trí tuệ ấy tạo ra.
  6. Đó là tư lương giúp cho trí tuệ.
  7. Đó là quả do trí tuệ chứng được.

Đó gọi là bảy thứ nêu bày lập ra của ba thừa, nên biết. Cũng thế Chư Phật, Bồ-tát trong ba đời đều xuất phát từ bốn thứ nêu bày lập ra chân chánh, không thêm, không bớt.

– Tất cả pháp tầm tứ là: Đối với tất cả pháp, Bồ-tát vì muốn chứng đắc trí biết như thật cùng khắp, nên khởi lên bốn tầm tứ, như trước đã nêu.

– Như thật biến trí là: Đối với tất cả pháp, Bồ-tát khởi lên bốn thứ biết như thật cùng khắp. Như trước đã nêu.

– Các vô lượng là: Các Bồ-tát nương vào năm thứ vô lượng, có khả năng làm phát sinh tất cả công dụng khéo léo. Năm thứ đó là:

  1. Giới hữu tình vô lượng.
  2. Thế giới vô lượng.
  3. Pháp giới vô lượng.
  4. Thế giới đã được điều phục vô lượng.
  5. Phương tiện điều phục vô lượng.

– Giới hữu tình vô lượng là sáu bốn thứ chúng hữu tình:

  1. Na-lạc-ca.
  2. Bàng sinh.
  3. Cõi Quỷ.
  4. Trời.
  5. Người.
  6. Sát đế lỵ.
  7. Bà-la-môn.
  8. Phệ xá.
  9. Thú-đạt-la.
  10. Nam.
  11. Nữ.
  12. Phi nam nữ.
  13. Phẩm hạ.
  14. Phẩm trung.
  15. Phẩm thượng.
  16. Tại gia.
  17. Xuất gia.
  18. Khổ hạnh.
  19. Luật nghi.
  20. Bất luật nghi.
  21. Chẳng phải luật nghi, chẳng phải không luật nghi.
  22. Đã xa lìa tham dục.
  23. Chưa lìa tham dục.
  24. Tụ định tà.
  25. Tụ định chính.
  26. Tụ bất định.
  27. Bí-sô.
  28. Bí-sô-ni.
  29. Thức Xoa-ma-na.
  30. Cần sách nam.
  31. Cần sách nữ.
  32. Ô-ba-sách-ca.
  33. Ô-ba-tư-ca.
  34. Người tu Tam-ma-địa.
  35. Người ôn tụng kinh.
  36. Người chăm sóc người bệnh.
  37. Bậc già niên.
  38. Trung niên.
  39. Thiếu niên.
  40. A-già-lợi-da.
  41. Ô-bà-đà-da.
  42. Cư trụ chung.
  43. Ở gần.
  44. Tân khách.
  45. Người coi việc Tăng.
  46. Người ưa thích lợi dưỡng.
  47. Người ưa cung kính.
  48. Người thích xa lìa.
  49. Người học rộng.
  50. Người có trí tuệ.
  51. Người có phước lớn.
  52. Người tu hành theo giáo pháp.
  53. Người trì trai, thương xót kẻ bất hạnh
  54. Người trì Tỳ-nại-da.
  55. Người vâng giữ Ma-đát-lỵ-ca.
  56. Người dị sinh.
  57. Người kiến đế
  58. Bậc Hữu học.
  59. Bậc Vô học.
  60. Thanh văn.
  61. Độc giác.
  62. Bồ-đề Tát-đỏa.
  63. vua Thánh Chuyển luân.
  64. Như lai.

Nếu dựa vào thân nối tiếp khác nhau thì vô lượng vô biên.

Thế giới vô lượng là vô lượng thế giới ở mười phương, gọi là khác nhau.

Cũng thế giới nầy gọi là Sách-ha (Ta-bà). Phạm Vương của cõi nầy gọi là Sách-ha-chủ. Vô lượng thứ khác nhau là vậy, nên biết.

Pháp giới vô lượng là pháp thiện, bất thiện, vô ký. Các pháp môn vô lượng khác nhau như vậy, nên biết.

Thế giới đã được điều phục nhiều vô lượng là: Hoặc lập một thứ đã được điều phục là những người có thể điều phục trong tất cả hữu tình, đều là một loại. Hoặc lập hai thứ là: 1. Trói buộc hoàn toàn; 2. Trói buộc không hoàn toàn.

Hoặc lập ra ba thứ là:

  1. Căn tính chậm lụt.
  2. Căn tính trung bình.
  3. Căn tính lanh lợi.

– Hoặc lập bốn thứ là:

  1. Sát-đế-lợi.
  2. Bà-la-môn.
  3. Phệ-xá.
  4. Thú-đạt-la.

– Hoặc lập năm thứ là:

  1. Hành tham.
  2. Hành giận.
  3. Hành si.
  4. Hành kiêu mạn.
  5. Hành giác ngộ.

– Hoặc lập ra sáu thứ là:

  1. Tại gia.
  2. Xuất gia.
  3. Thành thục.
  4. Chưa thành thục.
  5. Giải thoát.
  6. Chưa giải thoát.

Hoặc lập ra bảy thứ là:

  1. Kính tin.
  2. Khinh chê.
  3. Trung dung.
  4. Nói rộng
  5. Trí mở bày sơ lược.
  6. Thường điều phục
  7. Tùy duyên dẫn dắt, khi gặp duyên như vầy thì chuyển biến như vậy.

– Hoặc lập ra tám thứ là tám bộ chúng, từ chúng Sát-đế-lợi cho đến Phạm chúng.

– Hoặc lập chín thứ là:

  1. Như lai giáo hóa.
  2. Thanh văn giáo hóa.
  3. Độc giác giáo hóa.
  4. Bồ-tát đã giáo hóa.
  5. Khó điều phục.
  6. Dễ điều phục.
  7. Dùng lời mềm dịu, dễ điều phục.
  8. Điều phục bằng cách quở mắng, đuổi đi.
  9. Hoặc điều phục xa hay gần.

– Hoặc lập mười thứ là:

  1. Na-lạc-ca.
  2. Bàng sinh.
  3. Cõi quỉ.
  4. các tầng trời cõi Dục.
  5. Loài người.
  6. Trung hữu.
  7. Cõi Sắc.
  8. Cõi Vô sắc.
  9. Có tưởng, vô tưởng.
  10. Phi hữu tưởng, Phi Vô tưởng.

Nói lược có năm mười lăm thứ như vậy. Nếu nương vào chỗ khác nhau nối tiếp thì có vô lượng, nên biết.

Hỏi: Thế giới hữu tình nhiều vô lượng và thế giới đã được điều phục cũng vô lượng thì có gì khác nhau?

Đáp: Thế giới hữu tình là không khác nhau.

Tất cả hữu tình có chủng tánh, hay không có chủng tánh, đó là thế giới đã được điều phục, chỉ có các vị trí khác nhau của chủng tánh. Thế giới vô lượng phương tiện điều phục, như trước đã nói, nên biết. Chỗ 210 khác nhau từ phân biệt nầy cũng vô lượng.

Hỏi: Vì sao chỉ nói lược có năm thứ vô lượng?

Đáp: Các Đại Bồ-tát chuyên tu tập vì lợi ích chúng sinh, nên đầu tiên là thành lập Vô lượng thế giới hữu tình. Các hữu tình nầy đều nương vào các vị trí khác nhau và đều nhận được sự giáo hóa, cho nên thành lập ra Vô lượng thế giới thứ hai. Các hữu tình nầy đã trải qua nhiều thế giới, do nhiều pháp mà thành ra có nhiễm, tịnh khác nhau. Thế nên lập ra thế giới Vô lượng thứ ba. Trong số hữu tình ấy, xem xét những ai có khả năng gánh vác giải thoát rốt ráo ra khỏi khổ, nên lập ra thế giới vô lượng được điều phục thứ tư.

Như nhờ các phương tiện hay có thể giúp cho các người tới được giải thoát thì lập ra thế giới vô lượng phương tiện điều phục thứ năm. Thế nên, các Bồ-tát Ma-ha-tát nương vào năm thứ vô lượng trên đây để làm phát sinh tất cả tác dụng khéo léo.

– Nói kết quả lợi ích: Các Đại Bồ-tát nói chánh pháp cho hữu tình nghe. Có năm điều lợi ích rộng lớn, nên biết. Năm điều ấy:

1. Hoặc có hữu tình khi nghe nói chánh pháp, xa lìa trần cấu, pháp nhẫn phát sinh từ các pháp.

2. Hoặc ngay khi nghe nói chánh pháp, có hữu tình dứt hết các lậu.

3. Hoặc nhờ nghe nói pháp nầy, có hữu tình phát tâm cầu Chánh đẳng giác Vô thượng .

4. Hoặc có hữu tình nghe nói pháp nầy, liền được pháp nhẫn tối thắng của Bồ-tát.

5. Hoặc khi nghe Phật, Bồ-tát nói chánh pháp, có hữu tình vâng giữ tu hành và lần lượt giảng nói chánh pháp, khiến pháp nhãn tồn tại lâu trên thế gian nầy, không bị diệt mất. Đó là năm điều giảng nói về kết quả ích lợi rộng lớn, nên biết.

– Tánh Đại thừa là Bồ-tát thừa tương ưng với bảy tánh lớn lên nên gọi là Đại thừa. Bảy tánh ấy là:

1. Thể tánh lớn của giáo pháp là tạng Bồ-tát thâu nhiếp những nghĩa rộng của mười hai phần giáo.

2. Thể tánh lớn của sự phát tâm là Bồ-tát đã phát tâm cầu tâm Chánh Đẳng Giác Vô thượng.

3. Thể tánh lớn của sự hiểu biết vượt bậc là khởi lòng tin và hiểu vượt bậc giáo pháp lớn lao sâu rộng như trước đã nêu.

4. Thể tánh ý lạc cao quý lớn của là Bồ-tát đã vượt khỏi hạnh địa thắng giải mà chứng nhập địa ý lạc cao quý, thanh tịnh.

5. Thể tánh lớn của tư lương là Bồ-tát đã thành tựu hai thứ tư lương lớn là phước và trí, nên có khả năng chứng ngộ Chánh Đẳng Bồ-đề Vô thượng.

6. Thể tánh lớn của thời gian là trong thời gian ba đại A-tằng-xída kiếp có khả năng chứng ngộ Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

7. Thể tánh lớn của sự hoàn thành tròn đầy là Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây là tự thể Bồ-đề đã thành tựu tròn đầy. Nếu so với các tự thể thành tựu tròn đầy khác thì không có pháp nào bằng, huống chi là mong vượt khỏi thể tánh lớn trong pháp nầy hay thể tánh lớn về thời gian của nó. Sáu thứ nầy là nguyên nhân đưa đến thành tựu tròn đầy nhân thể tánh lớn, thành tựu tròn đầy một thứ thể tánh lớn, là quả của sáu thứ trước, nên biết.

Thâu nhiếp là: Tám thứ pháp có khả năng gom nhiếp tất cả Đại thừa:

  1. Tạng giáo Bồ-tát.
  2. Chỉ bày thật rõ giáo nghĩa chân thật trong tạng Bồ-tát.
  3. Chỉ bày thật rõ những lời dạy đầy oai đức, sâu xa, rộng lớn, tối thắng, không thể nghĩ bàn của tất cả Chư Phật, Bồ-tát, trong tạng Bồtát.
  4. Lắng nghe đúng như lý những pháp nói trên.
  5. Trước là suy nghĩ đúng lý, kế là tiến đến ý vui mừng cao sâu.
  6. Chứng được ý vui cao siêu, bước vào tu hành ban đầu.
  7. Do nhập vào tu hành làm đầu, nên tu tập thành tựu kết quả.
  8. Do thành tựu kết quả tu tập nên ra khỏi sinh tử hoàn toàn. Nhờ tu học như vậy, nên Đại Bồ-tát chứng được Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Bồ-tát có mười pháp nên biết là: Tu học như vậy là có khả năng chứng Chánh đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mười thứ là:

  1. An trụ chủng tính.
  2. Thú nhập.
  3. Ý vui cao chưa thanh tịnh.
  4. Ý vui thanh tịnh vượt bậc.
  5. Chưa thành thục.
  6. Đã thành thục.
  7. Chưa được quyết định.
  8. Đã được quyết định.
  9. Nhất sanh sở hệ.
  10. Trú nơi thân sau cùng.

Trong đó, khi an trụ trong chủng tính Bồ-tát, nếu lấy phương tiện tu tập là phát tâm Bồ-đề gọi là thú nhập. Khi chưa tới cõi, chưa được ý vui cao về tịnh gọi là ý vui không tịnh. Nếu đã chứng nhập rồi gọi là ý vui thanh tịnh vượt bậc. Ý vui vượt bậc thanh tịnh nầy của Bồ-tát cho đến khi chưa nhập vào địa rốt ráo gọi là chưa thành thục. Nếu đã nhập rồi gọi là đã thành thục. Từ chưa thành cho đến chưa nhập quyết định hạnh gọi là chưa quyết định. Nếu đã nhập rồi gọi là được quyết định.

Đã thành thục lại có hai thứ là: Một là thành bậc Nhất sinh Sở hệ (Nhất sinh bổ xứ), nghĩa là sau đời nầy, sẽ thành tựu chứng đắc đạo quả Chánh Đẳng Giác Vô thượng. Hai là an trụ ở thân sau cùng, nghĩa là chính ngay trong đời nầy, chứng ngộ được Chánh Đẳng Giác Vô thượng, như trước đã nói. Mười loại Bồ-tát nhiếp tất cả Bồ-tát. Như trước đã nói, học xứ Bồ-tát gom nhiếp tất cả Bồ-tát.

Lập ra các danh hiệu là: Phần vị khác nhau của Bồ-tát là đều là căn cứ vào đức độ và các tên gọi. Gọi là Bồ-đề-tát-đỏa, Ma-ha-tátđỏa tức thành tựu giác tuệ, là chiếu sáng hơn hết, là đứa con tối thắng, là chỗ nương tối thắng, có khả năng hàng phục tối thắng, mầm nụ tối thắng, cũng gọi là hùng mạnh, cũng gọi là bậc thầy gương mẫu cao cả, cũng gọi là thương chủ, cũng gọi là phước lớn, cũng gọi là giàu sang tự tại, cũng gọi là Pháp sư lớn. Những tên gọi ấy đều căn cứ vào vô lượng đức độ khác nhau ở khắp vô biên cõi nước trong mười phương, nên lập ra vô số tên gọi, nên biết.

Trong ấy, nếu các Bồ-tát tự xưng là Bồ-tát, nhưng không siêng năng tu tập các học xứ Bồ-tát phải học thì phải biết, thì đó chỉ là Bồ-tát tương tự, không phải là Bồ-tát chân thật. Nếu các Bồ-tát tự xưng là Bồtát, cũng lại siêng năng tu tập các học xứ Bồ-tát, phải biết đó là Bồ-tát chân thật.