LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP IV
QUYỂN 68
Phẩm thứ bốn mươi sáu
Ma Sự
KINH:
Lúc bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật tán thán công đức của các Thiện Nam, Thiện Nữ phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, hành 6 pháp Ba La Mật, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ. Như vậy, vì sao cũng có những Thiện Nam, Thiện Nữ cầu Phật đạo mà còn gặp lưu nạn?
Phật dạy: Muốn thuyết pháp mà biện tài chẳng sanh, thì đó là ma sự của Bồ Tát. Vì sao? Vì thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, nên khi thuyết pháp biện tài chẳng liền sanh. Phải biết, đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi thuyết pháp mà chựt khởi ý, thì đó là ma sự của Bồ Tát. Vì sao? Vì thật hành 6 pháp Ba La Mật mà lại chấp sự lạc thuyết, khiến biện tài liền mất. Phải biết, đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà tâm khởi khinh mạn, thì đó là ma sư của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà đùa cợt, chẳng cung kính thì đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà tâm tán loạn, chẳng an định thì đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà có các việc chẳng hòa hợp, thì đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà dấy niệm nghĩ rằng “mình chẳng hiểu ý vị trong kinh”bèn bỏ đi, chẳng chép nữa, thì đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi thọ trì, đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà khởi tâm khinh khi, ngạo mạn, thì đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi thọ trì, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà thân tướng chao động, đùa cợt, thì đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi thọ trì, đọc tụng… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà giữa những người đồng tu khởi tâm khinh miệt lẫn nhau, thì đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi Khi thọ trì, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật mà tâm tán loạn, thì đó là cũng ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi Khi thọ trì, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật mà tâm chẳng hòa hợp thì đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào tự niệm rằng “mình chẳng hiểu được ý vị trong kinh”, rồi liền bỏ đi, chẳng muốn biên chép Bát Nhã Ba La Mật nữa, thì đó là ma sự của Bồ Tát. Vì nhân duyên gì mà Bồ Tá này chẳng hiểu được ý vị trong kinh, khiến phải bỏ đi?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì đời trước hành 6 pháp Ba La Mật chưa được bao lâu, chưa có công đức sâu dày, nên nay nghe thâm Bát Nhã Ba La Mật liền nghĩ rằng “mình chẳng ghi nhận được gì”. Do nghĩ như vậy nên Bồ Tát này chẳng được tâm thanh tịnh, rồi bèn đứng dậy bỏ đi.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì chẳng thọ ký cho hạng Bồ Tát này?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ngươi chưa vào được pháp vị Bát Nhã Ba La Mật thì chưa được chư Phật thọ ký Vô Thượng Bồ Đề.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát này tự niệm rằng “vì sao danh vị của mình chẳng được đề cập đến?”. Do niệm như vậy mà Bồ Tát này đứng dậy tự bỏ đi. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà ở trong thâm Bát Nhã Ba La Mật chẳng có danh vị của hạng Bồ Tát này?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì người chưa nhập pháp vị, chưa được thọ ký, thì chưa có được danh vị ở trong Bát Nhã Ba La Mật.
Lại nữa, khi nghe Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát này tự niệm rằng “Vì sao danh vị của mình, xứ sở của mình chẳng được đề cập đến ở nơi đây?”. Do niệm như vậy mà Bồ Tát này đứng dậy, bỏ ra đi. Phải biết rằng cứ mỗi lần khởi niệm như vậy là mất đi một kiếp tinh tấn cầu Vô Thượng Bồ Đề.
LUẬN:
Hết thảy các pháp hữu vi đều có tăng, có giảm, có trái nhau. Do vậy mà có đối nghịch nhau, có nhiễu hại lẫn nhau. Ví như nước có diệt được lửa, thế nhưng khi thế lửa tăng trưởng mạnh mẽ, thì lửa lại có thể diệt được nước. Dẫn đến súc vật, cây cỏ cũng nhiễu hại lẫn nhau. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng sao tránh khỏi sự nhiễu hại nhau. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng sao tránh khỏi sự quấy nhiễu, bạo hành do chúng sanh gây ra.
Bồ Tát tuy có đại bi tâm, chẳng cùng với chúng sanh gây oán thù, nhưng trái lại, vẫn có nhiều chúng sanh oán ghét Bồ Tát. Vì sao? Vì Bồ Tát thọ thân hữu vi, nên chẳng sao có thể tránh khỏi các lưu nạn do chúng sanh gây ra.
Trước đây Phật dạy rằng: Do công đức tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà Bồ Tát được chư Phật, chư đại Bồ Tát cùng chư Thiên thường hộ niệm.
Trước đây, Phật chưa có nói đến các trường hợp oán tặc, tác hại do chúng sinh gây ra để nhiễu hại Bồ Tát. Nay Phật thương xót chúng hội và ngài Tu Bồ Đề, nên đã rộng nói về các ma sự.
Nên biết, Phật giữ tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh. Thế nhưng vì Bồ Tát phát nguyện làm các việc lợi ích cho chúng sanh, nên Phật cần phải chỉ bày rõ, phải phân biệt rõ các sự tướng sai khác, như tốt và xấu, đạo và phi đạo, lợi hại v.v… cùng nêu lên các lưu nạn có thể xảy ra trong quá trình hành Bồ Tát đạo.
Do đã biết được các lưu nạn có thể xảy ra, nên Bồ Tát có thể tự điều phục dễ dàng, giữ được tâm kiên cố, tinh tấn tu hành Bồ Tát đạo để mau đến được Vô Thượng Bồ Đề.
Hỏi: Vì sao người hành Bồ Tát đạo vẫn còn bị lưu nạn?
Đáp: Bồ Tát tuy đã phát tâm cầu Vô Thượng Đạo, tuy đã vượt ra ngoài tâm phàm phu, nhưng vẫn còn thọ sắc thân, nên chẳng sao tránh khỏi ách nạn, như bệnh hoạn, đói khát, nóng lạnh v.v… Bởi vậy nên các ma quỷ, các kẻ tà nghi, ác kiến, bất tín v.v… có được chỗ tiện lợi để gây tác hại, quấy phá Bồ Tát.
Nói chung, tất cả những gì quấy nhiễu làm trở ngại quyết tâm tu hành Bồ Tát đạo đều gọi là oán tặc của Bồ Tát, đều là “ma”đến để quấy nhiễu Bồ Tát cả.
Nên phân biệt có hai loại ma. Đó là:
– Nội ma: Tâm phân biệt các pháp, tâm chấp thế gian pháp, tâm ưu sầu nghĩ rằng mình chẳng được pháp vị v.v… là “nội ma”.
– Ngoai ma: Các nạn ác thú, độc trùng, cướp bóc, phỉ bang v.v… là “ngoại ma”
–o0o–
Trong kinh có nói đến 4 loại ma. Đó là:
1)- Phiền não ma:
Tất cả các phiền não đều gọi là “phiền não ma”
2)- Ngũ ấm ma:
Do các phiền não, tập khí hào hợp tạo thành các nghiệp báo nhân duyên, nên mới dẫn đến có thọ sắc thân.
Sắc thân do 4 đại hòa hợp tạo thành là vi hữu pháp, nên là vô thường, là khổ. Lại nữa, do 5 ấm chi phối mà khởi sanh ra tham, sân, si cùng vô lượng các phiền não. Đây là do 6 căn giao tiếp với 6 trần dẫn sanh ra 6 thức, rồi 6 thức lại hào hợp với nhau, khởi sanh ra vô lượng thức vậy. Bởi vậy nên gọi là “ngũ ấm ma”.
3)- Tử ma:
Khi Vô Thường hiện khởi làm tán hoại 4 đại tạo ra sắc thân, phá vỡ sự tương tục của 5 ấm thân, khiến mạng căn phải đoạn dứt, “hữu tình”phải chết. Đây là “tử ma”.
4)- Thiên Ma:
“Thiên ma”là tên dung để gọi chung các loài ma ở trên cõi Trời.
Do còn các chủng nhân ưa thích thế gian lạc, ưa trú hữu sở đắc, nên thường sanh tâm tật đố, tà kiến đối với các bậc Thánh Hiền. Do có sức thần thông, biến hóa tự tại, nên các “thiên ma”thường làm ngăn trở sự thành tựu huệ mạng của chư Thánh Hiền.
Hỏi: Nói về “ngũ ấm ma”là đã nhiếp trọn các loài ma rồi. Nhưu vậy vì sao còn phân biệt 4 loài ma làm gì nữa?
Đáp:Thật ra chỉ cần nói “ngũ ấm ma”là đầy đủ rồi.
Ví như: Do nhân duyên có 5 ấm mà khởi sanh ra các phiền não nên mới nói “phiền não ma”nhiếp trong “ngũ ấm ma”.Do nhân duyên có các phiền não như tham dục, sân nhuế… phá hoại thân tâm, đưa đến sự đoạn đứt của mạng căn, nên nói “tử ma”cũng nhiếp trong “ngũ ấm ma”. Các loài “thiên ma”, do có thần thông, biến hóa thường đem tâm tật đố, tà kiến…đoạt huệ mạng, nen cũng nhiếp trong “ngũ ấm ma”.
Thế nhưng, cũng cần phải phân biệt rõ ràng 4 loại ma để người tu được dễ dàng trong việc hành đạo.
Hỏi: Vì sao “thiên ma”thường não loạn người tu hành?
Đáp: Đã có “thân 5 ấm”là có phiền não khởi sanh. Khi đã có phiền não khởi sanh thì “thiên ma”được chỗ tiện lợi để hòa hợp “5 ấm phiền não”. Bởi vậy nên khi nói đến “phiền não ma”là đã có sự hòa hợp của “ngũ ấm ma”rồi vậy.
Ở đoan kinh trên đây ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Trước đây Phật đã tán thán công đức của Bồ Tát hành 6 pháp Ba La Mật. Vì sao nay Phật lại nói đến các ma sự của Bồ Tát? Những gì là ma sự của Bồ Tát?
Phật dạy: Khi thuyết pháp mà biện tài chẳng sanh là ma sự của Bồ Tát.
Vì sao? Vì Bồ Tát ngồi trên tòa cao để thuyết pháp mà biện tài chẳng sanh, ắt sẽ làm cho người nghe khởi sanh phiền não, thắc mắc về lý do vì sao Pháp sư chẳng chịu nói pháp, trong lúc thính chúng đang nóng long muốn được nghe. Do suy nghĩ như vậy, mà người nghe khởi niệm bất kính đối với Pháp sư, cho rằng Pháp sư sợ hãi nên chẳng nói hoặc Pháp sư chẳng được cúng dường, nên chẳng nói, hoặc Pháp sư khinh thường thính chúng nên chẳng nói v.v…
Đây là các nhân duyên phá hoại tín tâm của những người nghe pháp. Bởi vậy nên khi Pháp sư muốn nói pháp mà chẳng nói được, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát. Ví như có nhiều lần Phật hỏi ngài A Nan về một vấn đề gì, mà ngài A Nan bị ma ám chẳng đáp lại được. Ngài Tu Bồ Đề lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì mà biện tài chẳng sanh được?
Phật dạy: Do Bồ Tát chẳng hành đủ 6 pháp Ba La Mật, do nhân duyên đời trước độn căn, giải đãi v.v… nên ma có được chỗ tiện lợi để phá hoại, khiến biện tài chẳng sanh. Lại nữa, do Bồ Tát chẳng có nhất tâm, tinh tấn hành 6 pháp Ba La Mật, nên biện tài chẳng sanh.
Hỏi: Vì sao nói khi thuyết pháp mà chợt khởi ý cũng gọi là ma sự của Bồ Tát?
Đáp: Nếu Pháp sư còn ái pháp, chấp pháp, cầu danh, thích nói nhiều, thì chẳng sao có thể tự kiềm chế được. Ví như nước chảy mạnh lôi cuốn theo các chất uế trược vậy.
Bởi vậy nên Phật dạy rằng, người hành Bát Nhã Ba La Mật mà còn chấp pháp thì đó cũng là ma sự của Bồ Tát
–o0o–
Trong kinh cũng nêu lên những ma sự khác nữa, như sau:
– Biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà tâm khởi kiêu mạn.
– Biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà đùa cợt, chẳng cung kính.
– Biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà tâm tán loạn, chẳng được an đinh.
– Biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà có các việc chẳng hòa hợp.
– Biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật mà dấy niệm nghĩ rằng mình chẳng hiểu được ý vị trong kinh, rồi bỏ đi, chẳng biên chép nữa.
– Thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật mà khởi tâm khinh khi, ngạo mạn.
– Thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật mà thân tướng chao động, đùa cợt.
– Thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật mà giữa bạn đồng tu khởi tâm khinh miệt lẫn nhau.
– Thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật mà tâm tán loạn.
– Thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật mà tâm chẳng hòa hợp, v.v…
Tất cả những sự việc như vậy đều là ma sự của Bồ Tát cả.
Hỏi: Vì sao chẳng hiểu được ý vị trong kinh mà chẳng có hỏi người khác để được rõ thêm, lại tự ý bỏ đi?
Đáp: Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa từ kim khẩu của Phật thuyết ra, ý vị rất thâm diệu, nên hàng phu khó có thể tin, có thể hiểu được. Bát Nhã Ba La Mật Đa là kho trân bảo thanh tịnh, đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh, nên ngài Tu Bồ Đề muốn biết nguyên nhân vì sao có các vị Bồ Tát chẳng hiểu được ý vị trong kinh, mà phải bỏ đi?
Phật dạy: Vì đời trước, những người ấy hành Bát Nhã Ba La Mật Đa chưa có được bao lâu, nên tín căn còn cạn mỏng, chưa tin được các pháp đều là “không, vô tướng, vô tác”, đều là “vô sở y”. Bởi nhân duyên vậy, mà sanh loạn tâm, tự ý bỏ đi, chẳng còn muốn biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật Đa nữa.
Lại nữa, những người ấy nghĩ rằng Phật chẳng có thọ ký cho mình, nên tự ý bỏ đi.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Vì sao Phật chẳng thọ ký cho những người ấy? Vì sao Phật chẳng hộ niệm cho những người ấy để họ khỏi bị đọa?
Phật dạy: Người chưa vào được chánh pháp vị, thì chư Phật chẳng có thọ ký. Vì sao? Vì nếu chưa đầy đủ các thiện hạnh nhân duyên thì còn gây tội lỗi ở nhiều kiếp sau. Do vậy mà chẳng được Phật thọ ký.
KINH:
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào bỏ Bát Nhã Ba La Mật mà học các kinh khác, thì trọn chẳng có được nhất thiết chủng trí. Đấy là bỏ gốc mà vin vào cành lá. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thiện Nam, Thiện Nữ ấy học theo kinh gì, mà trọn chẳng đến được nhất thiết chủng trí?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là những kinh mà hàng Thanh Văn tu tập, như 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 thánh đạo, không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn.
Thiện Nam, Thiện Nữ nào an trú trong các pháp trên đây, thì chỉ được các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Hàng Thanh Văn tu tập như vậy chẳng thể nào đến được nhất thiết chủng trí.
Này Tu Bồ Đề! Từ trong Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh chư đại Bồ Tát, thành tựu hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Do vậy mà khi hành Bát Nhã Ba La Mật, thì đồng thời Bồ Tát cũng liễu đạt được hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian.
Này Tu Bồ Đề! Thiện Nam, Thiện Nữ nào chỉ học Thanh Văn pháp, mà chẳng hiểu Bồ Tát pháp và Phật pháp, thì qua đời sau người ấy cũng sẽ chỉ vin lấy cành lá là kinh Thanh Văn và kinh Bích Chi Phật, mà bỏ cội gốc là kinh Bát Nhã Ba La Mật vậy.
Này Tu Bồ Đề! Ví như người nhìn dấu chân voi mà nói là đã thấy được voi. Ý ông nghĩ sao? Người ấy có phải là người có trí huệ chăng?
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là người có trí huệ vậy.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo nghe được Bát Nhã Ba La Mật rồi, mà lại bỏ đi, để học theo kinh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì cũng phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Ví như người nhìn vũng nước đọng ở dấu chân trâu mà cho là đã thấy được biển lớn. Ý ông nghĩ sao? Người ấy có phải là người có trí huệ chăng?
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là người có trí huệ vậy.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Cũng như vậy, đời sau, nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, nghe được Bát Nhã Ba La Mật rồi, mà lại bỏ đi, để học theo kinh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì cũng phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Ví như người nhìn thấy tướng mạo của một vị tiểu vương, mà cho là đã thấy được vị chuyển luân thánh vương. Ý ông nghĩ sao? Người ấy có phải là người có trí huệ chăng?
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là người có trí huệ vậy.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Cũng như vậy, đời sau, nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, nghe được Bát Nhã Ba La Mật rồi, mà lại bỏ đi, để học theo kinh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì cũng phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Ví như người đang đói, bỏ cơm nóng, thơm ngon, để rồi đi tìm ăn thứ cơm thiu lâu ngày. Ý ông nghĩ sao? Người ấy có phải là người có trí huệ chăng?
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là người có trí huệ vậy.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Cũng như vậy, đời sau, nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, nghe được Bát Nhã Ba La Mật rồi, mà lại bỏ đi, để học theo kinh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì cũng phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Ví như người được ma ni bảo châu mà lại bỏ đi đổi lấy loại ngọc giả bằng thủy tinh. Ý ông nghĩ sao? Người ấy có phải là người có trí huệ chăng?
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là người có trí huệ vậy.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Cũng như vậy, đời sau, nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, nghe được Bát Nhã Ba La Mật rồi, mà lại bỏ đi, để học theo kinh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì cũng phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào khi đang biên chép Bát Nhã Ba La Mật mà ưa nói những việc chẳng đúng với chánh pháp, thì người ấy chẳng sao thành tựu được việc biên chép Bát Nhã Ba La Mật.
Thế nào là “mà ưa nói những việc chẳng đúng với chánh pháp”?
Này Tu Bồ Đề! Đó là ưa nói về “sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp”; ưa nói về bố thí, trì giới, thiền định; ưa nói về 6 pháp Ba La Mật”; ưa nói về 4 niệm xứ… dẫn đến ưa nói về Vô Thượng Bồ Đề. Ưa nói như vậy, thì sao chẳng thành tựu được sự biên chép Bát Nhã Ba La Mật. Bát Nhã Ba La Mật Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có tướng để nói vậy.
Bát Nhã Ba La Mật là bất khả tư nghì, bất sanh tướng, bất diệt tướng, bất cấu tướng, bất tịnh tướng, vô thuyết tướng, vô thị tướng, vô ngôn ngữ tướng, là vô sở đắc tướng vậy. Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Vì trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có các pháp tướng.
Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật lại để tâm tán loạn, duyên theo pháp cảnh, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát vậy.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật này có thể biên chép được chăng?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể biên chép được. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật là tự tánh không. Vì 5 Ba La Mật kia… dẫn đến nhất thiết chủng trí đều là tự tánh không cả. Đã là tự tánh không, thì là vô pháp; mà đã là vô pháp, thì chẳng thể biên chép được vậy.
Này Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà dấy niệm nghĩ rằng “vô pháp là Bát Nhã Ba La Mật”, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật lại dấy niệm nghĩ rằng “ta có biên chép Bát Nhã Ba La Mật”, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật là vô văn tự. Vì 5 Ba La Mật kia… dẫn đến nhất thiết chủng trí là vô văn tự vậy.
Lại nữa, Này Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà dấy niệm nghĩ rằng “vô văn tự là Bát Nhã Ba La Mật”, dẫn đến dấy niệm rằng “vô văn tự là nhất thiết chủng trí”, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát. Vì sao?
Vì khi thọ trì, đọc tụng, biên chép… dẫn đến chánh ức niệm tu tập Bát Nhã Ba La Mật thì chẳng nên niệm Bát Nhã Ba La Mật là có văn tự, hay là chẳng có văn tự vậy.
Lại nữa, mà khi biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật lại tưởng nhớ đến quốc độ, thành ấp, tụ lạc, hoặc lắng nghe những lời tán thán hay hủy bang thầy mình, hoặc tưởng nhớ đến cha mẹ, anh chị em, bà con, thân thuộc của mình, hoặc khởi bất cứ niệm gì khác, thì phải biết đó là do ác ma gây lưu nạn nhằm phá hỏng việc thọ trì, đọc tụng, biên chép… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật của người tu hành. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà khi thọ trì, đọc tụng, biên chép… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật lại còn ham danh vọng, lợi dưỡng, ham được cung kính, cúng dường, thì người ấy chẳng sao thành tựu được việc thọ trì, đọc tụng, biên chép… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật vậy. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà khi thọ trì, đọc tụng, biên chép… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì ác ma tìm đủ mọi phương tiện để đem các kinh thâm nghĩa khác đến tặng, nhằm gây lưu nạn. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Nếu có Bồ Tát đã đầy đủ các lực phương tiện, thì sẽ chẳng sanh tâm chấp đắm, vì biết rõ các kinh ấy chẳng thể nào dẫn đến nhất thiết chủng trí được. Trái lại, người chẳng có đầy đủ các lực phương tiện, khi nghe nói đến các kinh thâm nghĩa khác, sẽ bỏ Bát Nhã Ba La Mật vậy.
Này Tu Bồ Đề! Trong thâm Bát Nhã Ba La Mật, ta đã nói rộng về các phương tiện hành đạo của Bồ Tát. Chư Bồ Tát phải y theo đó mà hành trì.
Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà Bát Nhã Ba La Mật, để học theo các kinh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Nay ta, vì các Thiện Nam, Thiện Nữ cầu Phật đạo, nói đến các ma sự của Bồ Tát. Trong lúc hành Bồ Tát đạo, ông phải nên biết rõ như vậy.
LUẬN:
Ở đoạn kinh trên đây, Phật dạy rằng: Nếu bỏ Bát Nhã Ba La Mật mà theo các kinh khác, thì trọn chẳng có thể được nhất thiết chủng trí.
Có hàng đệ tử Thanh Văn, do chẳng hiểu rõ nghĩa lý thâm diệu trong kinh Bát Nhã Ba La Mật, nên dạy lại các người theo Thanh Văn đạo rằng: Các ngươi nên theo học các kinh Thanh Văn. Trong kinh Thanh Văn có Lục Trú Luận, A Tỳ Đàm Luận phân biệt rõ các pháp tướng. Đó cũng là Bát Nhã Ba La Mật vậy. Lại nữa, trong A Tỳ Đàm Luận có phân biệt rõ về Thiền Giải Thoát tam muội. Đó cũng là Thiền Na Ba La Mật vậy.
Lại nữa, có kinh Bổn Sanh tán thán bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn. Đó chính là 4 Ba La Mật còn lại vậy.
Lý giải như vậy nhằm khuyên người tu hành cầu nhất thiết chủng trí nên xả bỏ Bát Nhã Ba La Mật, và nên tu theo kinh Thanh Văn. Như vậy chẳng khác gì người muốn được gỗ tốt mà lại vứt bỏ thân cây, để chỉ nhận lấy ngọn ngành vậy. Tuy rằng tất cả đều là gỗ quý từ nơi một cây ra, nhưng gỗ ở ngọn ngành chẳng sao bì kịp gỗ ở thân được vậy.
–o0o–
Nên biết rằng thâm nhập vào Bát Nhã Ba La Mật rồi mới có thể vì 4 chúng rộng nói về 3 thừa pháp được.
Trong kinh Thanh Văn cũng có nói về thật tướng pháp, nhưng chẳng được rõ ràng như trong kinh Bát Nhã Ba La Mật.
Ví như, trong cơn lố, người bám vào ngọn cây chẳng được an toàn; người ôm được thân cây mới thật an toàn, vững chắc vậy.
Cũng như vậy, nếu trú chấp vào kinh Thanh Văn, thì chỉ được quả vị Tiểu Thừa; trái lại, nếu hành trì theo Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ đến Vô Thượng Đạo. Chớ nên bỏ gốc, bỏ thân mà vin lấy ngọn ngành.
Hỏi: Vì sao nói 37 Phẩm Trợ Đạo là Thanh Văn pháp?
Đáp: Trong Bát Nhã Ba La Mật cũng có nói đến 37 Phẩm Trợ Đạo, nhưng ở đây tất cả đều hướng về “tánh không”, nên hợp với tâm thể.
Bồ Tát, dụng đại bi tâm, vì chúng sanh thuyết Thanh Văn pháp, nên chẳng chướng ngại đạo pháp. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật thành tựu cả thế gian pháp và xuất thế gian pháp.
Bởi nhân duyên vậy, nên người cầu Phật đạo phải học Bát Nhã Ba La Mật.
Người cầu Phật đạo mà bỏ Bát Nhã Ba La Mật để theo học kinh Thanh Văn là thiếu trí tuệ, thiếu minh giác, nên Phật đã vì chúng hội chỉ bày rõ ràng như vậy.
Hỏi: Vì sao chỉ tán thán Bát Nhã Ba La Mật là diệu pháp dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề, và nói hết thảy các thiện pháp khác đều là “bất như pháp”cả?
Đáp: “Bất như pháp”là pháp chẳng hiển bày được thật tướng pháp.
Bồ Tát khởi đại bi tâm, dung các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để thuyết pháp mà chẳng chấp có thuyết, nên là vô sở thuyết vậy. Vì sao? Vì Bồ Tát dụng tâm vô sở đắc, khai thị cho chúng sanh biết rõ các pháp đều là rốt ráo không.
Bởi vậy nên Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, đọc tụng, biên chép …dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà còn chấp tâm, thủ tướng …dẫn đến còn chấp thủ Vô Thượng Bồ Đề, thì phải biết đó là hành ” bất như pháp” vậy.
Hỏi: “Trên đây nói Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không , là vô sở hữu, là chẳng thể biên chép, đọc tụng được. Nói như vậy cũng là ma sự hay sao?
Đáp: Người tu hành biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không, là vô sở hữu, nhưng chẳng chấp các tướng ấy. Vì sao? Vì nếu chấp tướng rốt ráo không, tướng vô sở hữu là ma sự.
Người dùng văn tự để biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, tự chấp mình có biên chép cũng là ma sự.
Chỉ có những người thọ trì, đọc tụng , biên chép… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng khởi tâm chấp, mới chẳng bị ma phá hoại. Vì sao? Vì phá hoại những người ấy là phá hoại Bát Nhã Ba La Mật rồi vậy.
-o0o-
Lại nữa, ở nội tâm có phiền não ma, ngoại tâm có thiên ma. Nếu bị 2 chướng duyên ấy chi phối, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Nếu có khởi niệm, có chấp niệm duyên cảnh, thì tâm chẳng được an ổn. Duyên theo pháp thế gian, như nghe xưng tán, hủy báng, hoặc nhớ nghĩ đến cha mẹ, anh chị em, hoặc nhớ nghĩ đến bệnh tật, giặc cướp v.v…. cũng là như vậy. Tất cả đều là ma sự của Bồ Tát.
Ví như ở chung với người đồ tể sẽ dễ sanh tâm hiếu sát; ở chung với dâm nữ sẽ dễ phát khởi long dâm dục. Người tu hành cũng là như vậy. Nếu được người cúng dường, mà tham đắm lợi dưỡng, thì sẽ bị trở ngại trên bước đường hành đạo.
Bồ Tá khi đã biết rõ các duyên dự như vậy, phải khéo xa lìa, chớ để vọng tâm phát khởi. Phải xả ly các dục lạc thế gian, nhất tâm thọ trì, đọc tụng, biên chép… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì pháp sự này mới được thành tựu viên mãn, chẳng bị trở ngại, chẳng bị phá hoại vậy.
–o0o–
Phật dạy: Kinh Thanh Văn cũng có chỗ thậm thâm, nhưng chớ nên tham đắm.
Ví như người thợ nấu vàng, tuy thấy vàng trong lò nấu hiện vẻ sang đẹp, nhưng chẳng nên sanh tâm tham đắm, dùng tay nắm lấy vậy.
Chỉ những người tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà các căn chưa được thông lợi. thoạt thấy trong kinh Thanh Văn cũng có nói đến vô tướng và vô tác, cũng có nói đến các nguồn gốc khổ đau, mới rời bỏ Bát Nhã Ba La Mật để theo học kinh Thanh Văn mà thôi, phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát. Vì sao? Vì Bồ Tát phương tiện tu học kinh Thanh Văn, nhưng chẳng trú trong Thanh Văn địa, mà trái lại, chỉ dung từ bi tâm hành 3 giải thoát môn để độ thoát chúng sanh.
Ví như tô lạc hay đề hồ có trộn chất độc có thể làm nguy hại đến tánh mạng người. Thế nhưng, nếu chất độc đã bị khử trừ rồi, thì các thức ăn ấy chẳng còn tác dụng giết hại người được nữa.
Bồ Tát cũng như vậy. Phải ở nơi Bát Nhã Ba La Mật mà cầu Vô Thượng đạo, mới được như nguyện. Dù thấy ở các kinh khác cũng có chỗ thâm sâu, Bồ Tát cũng chẳng nên trú chấp, chẳng nên theo vậy.
***
Phẩm thứ bốn mươi bảy
Lưỡng bất hòa hợp
(Hai bên chẳng hòa hợp)
KINH:
Phật bảo ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Người nghe pháp muốn thọ trì, đọc tụng, biên chép, vấn nghĩa … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà người thuyết pháp chẳng muốn thuyết, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Ngược lại, người thuyết pháp muốn thuyết, mà người nghe pháp chẳng muốn thọ trì, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa Này Tu Bồ Đề! Người nghe pháp muốn trọ trì, đọc tụng, biên chép, vấn nghĩa … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà người thuyết pháp lại lánh đi nơi khác, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Ngược lại người thuyết pháp muốn thuyết, mà người nghe lại lánh đi nơi khác, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa Này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp quý trọng của bố thí, cúng dường, mà người nghe pháp lại thiểu dục, tri túc, nhiếp niệm, tinh tấn, thiền định, trí huệ, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó mà ma sự của Bồ Tát.
Ngược lại, nếu người nghe thích làm việc bố thí, cúng dường, mà người thuyết pháp lại thiểu dục, tri túc, nhiếp niệm, tinh tấn, thiền định, trí huệ, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Lại nữa Này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp thọ 12 hạnh “đầu đà”1, mà người nghe pháp chẳng muốn thọ các hạnh đó hoặc ngược lại, khiến 2 bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Có 12 hạnh “đầu đà” liệt kê như sau:
- Mặc y bằng vải vụn lượm được, đem khâu lại với nhau (Nạp y, cũng gọi là Phấn tảo y).
- Chỉ giữ 3 y (Đãn tam y).
- Ăn những thức ăn mình xin được (Thường khất thực).
- Thứ lớp khất thực từng nhà (Thứ đệ khất thực).
- Ngồi yên ở một chỗ mà ăn; ăn xong mới đứng dậy (Nhất tọa thực ).
- Chỉ ăn các thức ăn ở trong bát của mình (Nhất sủy thực, cũng gọi là Tiết lượng thực).
- Không ăn sau giờ ngọ. Ăn giờ ngọ rồi, chẳng có ăn trở lại trong ngày nữa (Bất tác dư thực).
- Ở nơi chốn A Lan Nhã, tức là chốn xa vắng (Viễn ly xứ).
- Ở nơi gốc cây (Thọ hạ tọa).
- Ở nơi chốn mồ mả (Trủng gian tọa).
- Ở nơi chốn trống (Lộ địa tọa).
- Từ khi mặt trời lặn, cho đến khi mặt trời mọc, chỉ đứng hay ngồi, mà chẳng có nằm (Thường tọa bất ngọa).
LUẬN:
Hết thảy các pháp hữu vi đều hội đầy đủ các duyên hòa hợp mới có. Khi có đủ các duyên hòa hợp, thì sanh; khi các duyên tan rã, thì diệt.
Thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật cũng như vậy. Phải hòa hợp đầy đủ các nội ngoại nhân duyên, phải có sự đồng tâm, nhất trí giữa thầy và trò, thì pháp sự mới thánh tựu được.
Phật dạy: Người nghe pháp phải hội đủ: “tín, tấn, niệm, định, huệ”, thì sự thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật mới đạt được kết quả mong muốn.
Hỏi: Nếu bị 5 triền cái ngăn che, chẳng muốn nói pháp, hoặc chẳng muốn nghe pháp, thì pháp sự có được thành tựu chăng?
Đáp: Nếu người thuyết pháp chấp thế gian lạc, chẳng quán vô thường, thì tuy tâm có hiểu biết, mà miệng chẳng nói nên lời, khiến người nghe chẳng biết phải y vào đâu mà thưa hỏi.
Cũng như vậy, nếu người thuyết pháp khởi bi tâm muốn rộng giải về thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, mà người nghe, vì độn căn hoặc vì còn chấp đắm thế gian lạc, chẳng chú tâm nghe, thì chẳng có được lời lạc gì, Trong cả 2 trường hợp, pháp sự chẳng sao thành tựu được.
Hỏi: Nếu người nghe pháp chẳng muốn thọ trì, thì thuyết pháp cho họ nghe để làm gì?
Đáp: Đây là nói về trường hợp những người nghe pháp mà chẳng chịu tư duy cho đến chỗ rốt ráo, khiến sự thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập chẳng có được kết quả mong muốn. Bởi vậy nên nói là người nghe chẳng muốn thọ trì.
Như vậy, giữa thầy và trò phải có sự đồng tâm, thì sự thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật mới thành tựu được viên mãn. Nếu trái lại thì chỉ là ma sự cả. Vì sao? Vì nội ma và ngoại ma thường hay phá hoại sự thành tựu Bát Nhã Ba La Mật.
Nếu hành giả tỉnh giác, biết rõ các ma sự để giải trừ, thì ma chẳng thể nào phá hoại được. Nếu thầy trò phạm lỗi lầm, bỏ mất sự nhất tâm, thì thầy phải khuyên dạy khiến trò có được sự nhất tâm trở lại.
Trong kinh cũng có nêu lên nhiều ma sự khác, khiến 2 bên thầy trò chẳng được hòa hợp, như:
Trò muốn thọ trì … tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà thầy lại lánh đi nơi khác, chẳng muốn thuyết pháp.
Thầy muốn thuyết pháp, mà trò lại lánh đi nơi khác, chẳng muốn nghe.
Thầy tham đắm lợi dưỡng, mà trò lại thiểu dục, tri túc.
Thầy thiểu dục, tri túc, mà trò lại thích làm các việc bố thí, cúng dường.
Thầy thọ 12 hạnh đầu đà, mà trò lại chẳng muốn thọ các hạnh ấy, hoặc ngược lại.
Phải biết tất cả đều là ma sự của Bồ Tát.
Hỏi: Vì sao cả 2 thầy trò đều có tín tâm, đều giữ giới, mà 1 bên muốn thọ hạnh đầu đà, còn bên kia chẳng muốn thọ hạnh đó?
Đáp: Vì Phật dạy rằng: Khi thọ giới, các đệ tử không nhất thiết phải thọ 12 hạnh đầu đà.
Vì ở đoạn kinh trên đây nói “khi 2 bên thầy trò chẳng được hòa hợp là ma sự”, nên mới nêu lên trường hợp này.
Mặc dù thầy và trò đều nhất tâm hành đạo, nhưng nếu mỗi bên đều có kiến thủ riêng, thì vẫn có thể gây nhiễu loạn cho nhau. Ví như giữa 2 thầy trò có người muốn ở chốn A Lan Nhã để được thanh tịnh, có người muốn đồng cư với chúng sanh để hành Bồ Tát hạnh, thì như vậy cũng là có chống trái nhau, cũng như ma sự vậy.
–o0o–
Phật lại dạy: Những người ở trong một, chúng phải y theo pháp của chúng mà hành sự, khiến tăng chúng được hòa đồng, thanh tịnh.
Ví như trong chúng có người được thí chủ thỉnh thực, tự cho mình là có phước đức; lại có người chẳng được thí chủ thỉnh thực, tự than trách, rồi sanh phiền não. Vì sao? Vì tâm tham trước thường ngăn che tâm đạo. Bởi vậy những người chưa được đạo, thường hay khởi tâm tham trước, khiến chẳng được nhất tâm hành đạo.
Trong Phật pháp, người tu hành chẳng nên vì lợi ích cho riêng mình mà tham trước sự cúng dường; chỉ nên thọ trị cúng dường có chừng mực. Chớ nên ăn nhiều mà sanh bệnh; chỉ ăn vừa phải để tiêu hóa, thân ít bệnh.
Ngài Xá Lợi Phất thường nói: Tôi chỉ ăn 5, 6 miếng là đủ no, dùng thêm một ít nước nữa là đủ để nuôi thân mạng tôi rồi.
Ngài Xá Lợi Phất ăn uống có tiết lượng như vậy; ngài lại chỉ ăn trước giờ ngọ, và sau giờ ngọ chỉ dùng ít nước mà thôi; thế nhưng thâm tâm ngài vẫn thường được an lạc. Nếu tham đắn các thức ăn, thức uống, thì tâm sẽ bị loạn động, chẳng có được sự nhất tâm. Như vậy, chẳng có được lợi ích gì cho sự tu tập cả.
–o0o–
Nên biết “quán không”và “quán vô thường”là sơ môn dẫn và đạo.
Nhờ 2 pháp quán này mà hành giả nhàm chán 3 cõi, như nhàm chán cảnh mồ hoang.
Nếu chưa được đạo, chưa được tâm rộng lớn, chưa được đại Niết Bàn, thì hành giả phải quán “thân vô thường”, như tử thi bất tịnh, tán hoại v.v… Quán như vậy, hành giả sẽ dễ ly dục trong bước đầu hành đạo.
–o0o–
Nên biết về 4 oai nghi trong pháp tu thân, thì ngồi là quan trọng nhất. Hành giả cần chon chỗ ngồi thoáng mát, thế ngồi “kiết già”vững chắc, nhằm giúp sự tiêu hóa được dễ dàng, và hơi thở điều hòa.
Khi chưa thành đại sự, người cầu đạo thường bị giặc phiền não quấy nhiễu, chớ nên giải đãi nằm nhiều, rất dễ bị hôn trầm.
Lại nữa, khi đi đứng thường dễ bị loạn động, khó nhiếp tâm.
Bởi vậy nên hành giả thường thọ “tọa pháp”.
–o0o–
Người tu hành chẳng nên chấp vị ngon hay dở. Trong khi khất thực, phải giữ tâm bình đẳng, thứ lớp khất thực, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
Người tu hành phải tri túc, thiểu dục, chỉ giữ 3 y vừa đủ mặc.
Phật phương tiện chế các giới luật để hàng đệ tử xuất gia rời bỏ thế gian dục lạc.
Phật thường tán thán 12 hạnh đầu đà làm gốc.
Ví như, khi 5 vị Tỷ kheo đầu tiên đạt đạo bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn ! Chúng con nên mặc pháp y gì?”, thì Phật dạy rằng “Hãy nhặt những mảnh vải vụn ráp lại thành chiếc phước điền y mà mặc”. Ở đây, cũng nên biết:
Khi thọ giới là thọ pháp y, đi khất thực, ngồi dưới gốc cây, uống thuốc bằng lá cây. Đây là 4 thánh chủng đầu đà.
Trong tất cả các hạnh tu, phải lấy trí tuệ làm gốc, chớ nên chấp pháp khổ hạnh là pháp dẫn đầu. Vì sao? Vì các pháp môn tu chỉ là trọ đạo. Chư Phật đều tán thán trí huệ là thù thắng hơn cả.