LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 48

Phẩm thứ mười chín
Quảng Thừa
(Thừa Rộng Lớn)

KINH:

Phật bảo ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu tứ niệm xứ.

Thế nào là tu tứ niệm xứ?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, theo thân,mà quán nội thân, chẳng thấy có thân giác, vì là bất khả đắc; theo thân, mà quán ngoại thân, quán nội ngoại thân, cũng chẳng thấy có thân giác, vì là bất khả đắc. Do vậy, mà nhất tâm, tinh tấn trừ tham ưu thế gian.

Bồ Tát, theo thọ, theo tâm, theo pháp mà quán nội thọ, nội tâm, nội pháp, ngoại thọ, ngoại tâm, ngoại pháp, nội ngoại thọ, nội ngoại tâm, nội ngoại pháp, cũng chẳng thấy thọ giác, có tâm giác, có pháp giác, vì đều là bất khả đắc. . Do vậy, mà nhất tâm, tinh tấn trừ tham ưu thế gian.

Thế nào là Bồ Tát, theo thân mà quán nội thân?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi đi biết là mình đi, khi đứng biết là mình đứng, khi ngồi biết là mình ngồi, khi thân hành động như thế nào cũng biết mình đang hành động như vậy cả.

Như vậy là Bồ Tát theo thân mà quán nội thân, nhất tâm, tinh tấn trừ tham ưu thế gian.

Lại nữa, Bồ Tát khi đi, khi đến, khi nhìn ngó, khi co duỗi chân tay, khi cúi đầu, khi ngưỡng đầu, khi mặc áo Tăng Già Lê, khi cầm bát, khi ăn uống, khi nói năng,…, dẫn đến khi nhập thiền, khi xuất thiền cũng đều như vậy cả.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, quán nội thân bất khả đắc. Khi quán, Bồ Tát nhất tâm niệm hơi thở ra vào, thở ra biết mình thở ra, thở vào biết mình thở vào, thở dài biết mình thở dài, thở ngắn biết mình thở ngắn. Bồ Tát quán nội thân như vậy, nên nhất tâm, tinh tấn trừ tham ưu thế gian, vì biết thân là bất khả đắc. Thế nào là quán thân tứ đại?

Này Tu Bồ Đề! Ví như người thợ lò trâu, dùng dao bén giết trâu, đem chia ra làm bốn phần, rồi quán sát bốn phần đó; Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, quán thân do tứ đại hòa hợp tạo thành, cũng là như vậy. Đây là Bồ Tát theo thân mà quán nội thân, biết rõ nội thân là bất khả đắc.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân, từ chân lên đến đỉnh đầu chứa toàn những thứ dơ bẩn, bất tịnh, che đậy dưới một lớp da mỏng; quán thân có móng chân, móng tay, da mỏng, da dày, xương, tủy, tim, gan, tỳ, vị, ruột non, ruột già, máu huyết, phân, nước tiểu, …, lại quán tất cả những thứ này được các gân kết liền lại với nhau thành một khối.

Ví như, người làm ruộng cất giấu trong kho, nào lúa, nào đậu, nào mè… Người đứng bên ngoài nhìn vào chẳng sao có thể thấy được bên trong kho có cất giấu những gì. Nhưng nếu cửa kho hé mở, thì người tinh mắt liền thấy được các thứ cất giấu trong kho. Bồ Tát quán thân, từ chân lên đến đỉnh đầu, chứa toàn thứ bất tịnh, cũng là như vậy. Do quán thân như vậy, nên Bồ Tát nhất tâm, tinh tấn trừ tham ưu thế gian, biết rõ thân là bất khả đắc.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân người chết, sau vài ngày, sẽ phình trướng, hôi thối mà tự nghĩ rằng thân mình rồi đây cũng sẽ như vậy. Do quán thấy như vậy, nên Bồ Tát nhất tâm tinh tấn trừ tham ưu thế gian, biết rõ thân là bất khả đắc.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân người chết, sau 6,7 ngày mà chẳng được chôn cất, thì sẽ trở thành mồi ngon cho diều quạ rúc rỉa, cho lang sói găm xương xé thịt…, mà tự nghĩ rằng thân mình rồi đây cũng sẽ như vậy. Do quán thấy như vậy, nên Bồ Tát nhất tâm tinh tấn trừ tham ưu thế gian, biết rõ thân là bất khả đắc.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân người chết vứt bỏ lâu ngày ngoài mưa gió, sẽ rã rời, chỉ còn nắm xương trắng, quán thân của nhiều người chết, vứt bỏ lâu ngày, sẽ trở thành những đống xương trắng mục nát, ngổn ngang trên mặt đất, mặc cho gió táp, mưa sa, mà tự nghĩ rằng thân mình rồi đây cũng là như vậy. Do quán thấy như vậy nên Bồ Tát nhất tầm, tinh tấn trừ tham ưu thế gian, biết rõ thân là bất khả đắc.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân người chết, trải qua thời gian dài, sẽ trở thành đất, mà tự nghĩ rằng thân mình rồi đây cũng là như vậy. Do quán thấy như vậy, nên Bồ Tát nhất tâm, tinh tấn, trừ tham ưu thế gian, biết rõ thân là bất khả đắc.

Bồ Tát, theo thân, quán nội thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân đều là bất khả đắc cả. Đây là quán thân niệm xứ. Dẫn đến thọ niệm xứ, tâm niệm xứ và pháp niệm xứ, Bồ Tát cũng quán y như vậy cả.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu tứ niệm xứ như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

LUẬN:

Hỏi: Trong tứ niệm xứ có nhiều pháp quán. Vì sao chỉ nói đến thập nhị pháp quán mà thôi? Vì sao nói nội ngoại quán?

Lại nữa, thân niệm xứ nhiếp về nội pháp, tâm niệm xứ nhiếp về ngoại pháp. Như vậy, ở nơi thân đã có đủ cả thân và tâm rồi, đã nhiếp đủ cả nội lẫn ngoại rồi. Vì sao chẳng nói quán thân, mà lại nói theo thân mà quán? Vì sao nói quán thân, mà chẳng có sanh thân giác? Vì sao nói cần phải nhất tâm, tinh tấn?

Lại nữa, tu tứ niệm xứ là trừ được hết ngũ triền cái. Như vậy vì sao chỉ nói đến trừ tham ưu thế gian? Vì sao lại quán thân bất tịnh?

Lại nữa, tứ oai nghi ở thân là việc dễ biết. Còn phải nói làm gì nữa?

Đáp: Có thập nhị pháp, quán hạnh. Hành giả y theo định tâm, thấy có tam tà hạnh, nên quán nội thân, quán ngoại thân và quán cả nội ngoại thân, mới phá trừ được tam tà hạnh, rồi mới có được tam chánh hạnh.

Có người chấp nội tình nhiều, ngoại tình ít, thâm quán nội thân đến độ chẳng còn biết đến cha mẹ, vợ con, thân thuộc; trở thành cuồng si.

 Lại có người chấp ngoại tình nhiều, nội tình ít; dẫn đến tham đắm của cải, khiến phải bị mất mạng, hoặc trở thành kẻ bạo tàn, đi giết người, cướp của, gây ra bao nhiêu tội lỗi.

Lại có người đắm chấp cả nội tình lẫn ngoại tình, vừa cuồng si mê muội, vừa tham sân tật đố, tự hại mình và hại người.

Bởi vậy, nên phải tu tập tam chánh hạnh, nhằm đối trị tam tà hạnh.

–o0o–

Nếu biết tự thân là nội thân, tha thân là ngoại thân.

Như nói về ngũ căn, nói về chín lỗi (cửu khiếu) nơi thân là nói về nội thân, như nói về ngũ trần là nói về ngoại thân.

 Như vậy là phân biệt rõ giữa nội thân và ngoại thân.

Người tu hành, trước hết, phải biết rõ các pháp hữu vi là vô thường, khổ, không, vô ngã, mới có được trí huệ quán.

Khi quán nội thân, chẳng nên chấp vào các tướng tốt đẹp của thân.

Cho nên, nếu còn chấp nội thân là thường, lạc, ngã, tịnh, thì hành giả phải quán nội thân là bất khả đắc, cũng như vậy, nếu còn chấp ngoại thân là thường, lạc, ngã, tịnh, thì hành giả cũng phải quán ngoại thân là bất khả đắc.Khi quán nội thân và ngoại thân đều bất khả đắc, thì hành giả sẽ được tâm chánh định. Ở nơi chánh định, hành giả sẽ biết rõ thân là vô thường, khổ, không, vô ngã; sẽ biết rõ thân là như bệnh, như ung nhọt, như ghẻ lở; sẽ biết rõ chín lỗ nơi thân là ô uế.

Lại nữa, hành giả còn phải quán thân, khi chết, sẽ bị tán hoại, sẽ bị tiêu diệt; hành giả lại còn phải quán thân, khi còn sống, cũng thường bị đói khát, bị nóng lạnh, chịu sự chê bai, khinh miệt, chịu cảnh già, bệnh, chết, bị bao nhiêu thứ khổ đoanh vây, chẳng có lúc nào được tự tại.

 Lại nữa, khi quán về “nội thân”, hành giả phải quán nội thân chẳng có chủ tác, nên chẳng có tri giả, kiến giả và thọ giả; phải quán nội thân chỉ do nhân duyên hòa hợp, mà có tợ sanh, tợ diệt, nhưng thật ra nội thân hoàn toàn bất khả đắc.

Bởi nhân duyên vậy, nên khi quán nội thân, quán ngoại thân, hành giả phải quán theo nghĩa của thập bát không. Cứ theo thân mà quán sát thì sẽ biết rõ thân đầy rẫy thứ bất tịnh, lại còn chịu cảnh đói khát, rét bức, còn chịu cảnh già, bệnh; và sau cùng, khi chết, thân này sẽ bị hủy hoại, sẽ trở về với tứ đại. Hành phải nên quán thân tướng, từ ngoại đến nội, từ gốc đến ngọn, đều rốt ráo không cả.

Phật dạy: Theo thân mà quán các pháp, thì mới chẳng còn chấp thân.

Khi quán thân bất tịnh, thì hành giả chẳng còn sanh các giác quán tham, sân, si nữa…

Phàm phu, do chấp thủ thân tướng, mà phải chìm đắm trong si mê, lầm lạc, gây ra biết bao nhiêu tội lỗi. Bồ Tát chẳng chấp thủ thân tướng, nên khi quán thân, liền được nhất tâm.

–o0o–

Lại nữa, thiện tri thức dễ ly mà cha con khó ly; cha con dễ ly mà thân khó ly, thân dễ ly mà tâm khó lý. Bởi vậy nên Bồ Tát tự mình phải nhất tâm tinh tấn quán các pháp đều là bất khả đắc. Ví như cưa cây để cầu có lửa, thì phải nhất tâm, tinh tấn, chẳng dừng nghỉ, mới mong có được lửa vậy.

–o0o–

Lại nữa, muốn trừ tham ưu, thì phải trừ tận gốc, phải tận trừ cả năm triền cái. Ví như khúc tre có năm đốt, thì phải chẻ suốt cả năm đốt đó.

Người tu hành, xuất gia, học đạo, là đã xả thế lạc rồi. Thế nhưng, nếu chưa có được định lạc, thì tâm vẫn còn sanh niệm tham ưu. Bởi vậy nên Phật dạy: Người tu hành phải nhất tâm tinh tấn trừ tham ưu thế gian.

Vì sao? Vì tham là tham các việc vui của thế gian, nên phải quán thân bất tịnh, mới trừ được tận gốc các tham ưu thế gian được.

–o0o–

Lại nữa, vì chúng sanh tham chấp dục lạc, nên trước hết phải trừ tham dục, để mở đường vào đạo. Bởi vậy nên người tu hành phải thường quán niệm tứ oai nghi ở nơi thân mình.

Vì sao? Vì dục là kẻ giặc phá hoại thân tâm; phải nhất tâm mới đối trị được. Bằng cách quán 4 oai nghi, đi đứng, nằm, ngồi; bằng cách tọa thiền, quán thân, người tu sẽ được thân tâm an lạc, chẳng còn bị lầm lạc nữa.

–o0o–

Nếu dùng quán bất tịnh mà tâm chưa được an lạc,thì phải dùng pháp quán hơi thở, để ngăn ngừa các giác quán. Vì sao? Vì phải được an lạc, mới chẳng còn bị lầm lạc.

Nếu quán bất tịnh mà tâm hết cuồng loạn, thì lúc bấy giờ bất tịnh tướng cũng trở thành tịnh tướng.

Bởi vậy, nên trong Phật pháp, thì 2 quán pháp: bất tịnh và quán hơi thở (Anabama, hay còn gọi là Sổ Tức) được xem như 2 cửa đầu tiên dẫn vào Đạo Cam Lồ.

–o0o–

Lại nữa, Bồ Tát quán tứ đại ở nơi thân đều như cỏ rác, gạch gói…; quán tứ đại bên ngoài, khi biến thành các thức ăn uống để nuôi thân và duy trì mạng sống; quán tứ đại và tứ đại tạo sắc, dù được chia ra thành tứ phần là đất, nước, gió, lửa riêng khác, nhưng mỗi phần cũng là vô ngã, là khổ, là không, là vô thường cả, rồi Bồ Tát quán tứ oai nghi ở thân cũng đều là như vậy.

Trong khi quán phát nhất tâm, tinh tấn, chớ nên giải đãi, hôn trầm. Vì sao? Vì nếu quán mà giải đãi, hôn trầm, thì tâm sẽ bị loạn động, chẳng được an định.

Bồ Tát quán thân do tứ đại hòa hợp mà được thi thiết ra, chỉ là hư dối, chẳng phải thật có. Ví như, khi người thợ mổ trâu, chia ra làm bốn phần, thì chẳng còn có tướng trâu nữa.

Do 4 đại hòa hợp, duyên khởi tạo ra thân, nên tứ đại là tổng tướng. Mà thân chỉ là biệt tướng. Nếu tứ đại còn ở ngoài, thì chẳng được gọi là thân; chỉ khi nào tứ đại hòa hợp tạo ra sắc thân, thì mới giả danh gọi là thân. Như vậy, thân chẳng ở nơi tứ đại, mà tứ đại cũng chẳng ở nơi thân. Thân cũng như tứ đại đều chẳng có chủ tác (vô chủ tác).

Phàm phu điên đảo chấp tứ đại làm thân; Bồ Tát dùng “tánh không” phân biệt tứ đại tạo sắc nơi thân đều là không, là bất khả đắc.

Dẫn đến ba niệm xứ kia cũng đều là như vậy.

–o0o–

Lại nữa, Bồ Tát quán thân, từ chân lên đến đỉnh đầu, chứa 36 thứ bất tịnh, bao bọc bên trong một lớp da mỏng.

Ví như người làm ruộng đem đủ thứ hạt giống chất chứa vào bên trong kho lẫm của mình. Người tu hành pháp bất tịnh, dùng huệ nhãn nhìn vào kho thân, thấy đầy rẫy những thứ bất tịnh, nên chẳng còn ái chấp thân, biết rõ thân là bất tịnh, là tán hoại, là bất khả đắc.

Do quán thân như vậy, nên Bồ Tát nhẫn thọ được mọi sự đau khổ, giữ được tâm bất động, khi có người đến mắng nhiếc, đánh đập, đâm chém mình, v.v…

Bồ Tát quán nội thân bất tịnh, tán hoại; quán ngoại thân bất tịnh, tán hoại; dẫn đến nội ngoại thân cũng bất tịnh, tán hoại như vậy.

Lại nữa, Bồ Tát quán thân, khi chưa bị tán hoại có thức dẫn sanh ra các kiết sử, mà sanh nhàm chán thân; trong khi đó, khi phàm phu bị các kiết sử trói buộc, nên tham đắm thân. Rồi Bồ Tát lại quán thân người chết, sau vài ngày, nếu chẳng làm mồi cho chim thú rỉa thịt, nhai xương thì cũng bị sình thối, hư nát nên chẳng chấp thân tướng tốt hay xấu, trong khi đó thì phàm phu lầm lạc tham đắm thân tướng nên bị tình ái, dâm dục làm mê mờ tâm trí.

Phật dạy: Sắc thân chỉ là huyễn pháp, chỉ làm cho người vô trí phải mê lầm vậy thôi.

Bồ Tát quán thân người chết, rồi tự nghĩ rằng thân mình rồi đây cũng sẽ là như vậy. Do quán thân như vậy, mà Bồ Tát nhàm chán thân, quyết điều phục tâm mình, nhất tâm, tinh tấn trừ các tham ưu thế gian. Bồ Tát lại quán thân người chết bị diều quạ rỉa thịt, bị lang sói gặm xương, chẳng ai dám đến gần; quán, khi thịt đã tiêu hết, khi tất cả tim, gan, tỳ, vị, phèo, phổi,… đều đã thối nát, thì thân người chỉ còn lại nắm xương trắng. Do quán như vậy, Bồ Tát nghĩ rằng thân là vô ngã; do chấp đắm thân, mà chứa nhóm bao nhiêu tội phước nhân duyên, khiến phải trầm luân mãi trong sanh tử. Bồ Tát lại quán xương cốt người chết phân tán, rải rác khắp nơi, mặc cho gió táp, mưa sa, với thời gian rồi sẽ trở thành mục nát, thành đất. Do quán như vậy, Bồ Tát nghĩ rằng thân đã vô thường như vậy,  thì ngã là bất khả đắc. Bồ Tát lại quán thân do nghiệp thức nhân duyên sanh ra, chẳng có tự tại, quán thân tướng là phi ngã, quán khổ vui đều do tâm điên đảo tạo ra; quán già, bệnh, chết dẫn đến quán thân mạng đều là vô thường cả. Do quán như vậy, Bồ Tát tự nghĩ rằng nếu chẳng tu pháp quán “bất tịnh” thì rất dễ bị các nghiệp lôi cuốn; nếu chẳng nhất tâm, tinh tấn trừ hết tham ưu, thì haitên giặc “tham” và “ưu” này sẽ cướp hết pháp bảo. Bồ Tát lại nghĩ rằng thân là vô thường, là bất tịnh; như vậy vì sao chúng sanh cứ mãi tham trước thân này, khiến khởi sanh bao nhiêu nghiệp tội; chỉ vì trong thân có ngũ tình, ngoài thân có ngũ dục hòa hợp mà sanh ra các chấp điên đảo vậy thôi. Bồ Tát lại nghĩ rằng thân, dù kiên cố trong một thời gian dài, rồi cũng phải tán hoại, huống nữa là các cuộc vui trong chốc lát, do niệm tương tục sanh diệt, mà hết khổ đến vui, hết vui đến khổ vậy thôi.

Như vậy thì vui đây phải là thật có, vì ngay trong vui đã có sẵn mầm mống của khổ rồi vậy. Ví như, ăn uống cho hết đói khát là vui, nhưng chỉ vui trong chôc lát, rồi các thứ khổ khác lại quấy nhiễu xác thân, v.v.. Cho nên biết, vui thế gian do nhân duyên khổ sanh ra, lại thường sanh ra các khổ quả, tương tục nối nhau, kết thành vô lượng khổ.

Nên biết, món ăn ngon có trộn chất độc có thể hại mạng người. Nhưng vui trong 5 dục còn nguy hại gấp bội. Đây là chất độc rất nguy hại, có thể đoạt cả huệ mạng của ta.

Người tu phải biết rõ vui chỉ do tâm thức tưởng ra, mà tâm niệm thì luôn luôn sanh diệt, nên là bất khả đắc; chỉ ví như sóng nhấp nhô trên mặt biển, vừa hiện là liền tan. Tâm tưởng là vô thường, nên có lúc thọ khổ, có lúc thọ lạc; mà đã là vô thường, thì tâm chẳng được tự tại, nên là vô ngã vậy.

–o0o–

Tu tam niệm xứ kia cũng phải quán đầy đủ các tướng: nội tướng, ngoại tướng và nội ngoại tướng.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói tứ niệm xứ là tứ thánh hạnh có công năng phá tứ điên đảo, khai mở đường vào thật tướng pháp.

–o0o–

Nơi đây, cũng nên biết rằng quán vô thường cũng là quán về khổ đế; mà khổ là do các chấp điên đảo gây ra; quán các nguyên nhân gây ra khổ là quán về tập đế, quán đoạn các nguyên nhân gây ra khổ là quán về diệt đế; quán các pháp tu để đoạn điên đảo là đạo đế.

Hàng Thanh Văn quán tứ đế, tin Niết Bàn trú đạo tâm, tợ như vô lậu, đây là Noãn Pháp. Ví như người cưa gỗ có hơi nóng tỏa ra các nguyên nhân gây ra khổ là quán về diệt đế; quán các pháp tu để đoạn điên đảo là đạo đế.

Hàng Thanh Văn quán 4 đế, tin Niết Bàn trú đạo tâm, tợ như vô lậu, đây là Noãn Pháp. Ví như người cưa gỗ có hơi nóng tỏa ra, biết là có lửa. Có tín pháp này rồi, sẽ sanh tâm sùng kính Phật. Ví như người uống thuốc lành bệnh rồi sẽ tin thầy thuốc, người đã tin pháp rồi, sẽ dần dần tin Tam Bảo.

Noãn Pháp tăng; thì các tướng tội phước sẽ dứt. Đây là Đảnh Pháp. Ví như người leo đảnh núi, thấy rõ cảnh vật chung quanh.

Từ Đảnh Pháp, hàng Thanh Văn tu quán tứ niệm xứ, được tứ quả Thanh Văn. Đây là Nhẫn Pháp.

Bồ Tát, ở nơi pháp quán này, chẳng quên bản nguyện độ sanh, chẳng xả tâm đại bi, lại dùng “bất khả đắc không” để điều phục tâm, nên dù tâm còn lưu dư tàng kiết sử, mà vẫn chẳng bị đọa. Ví như người lính thiện chiến, dù chưa giết được giặc, mà đã cô lập được đối phương rồi vậy.

Bồ Tát đạt đảnh Pháp và Nhẫn Pháp rồi, sẽ vào Thế Đệ Nhất Pháp. Đây là chỗ Thuận Pháp Nhẫn, dẫn đến Vô Sanh Pháp Nhẫn.

KINH:

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu 4 chánh cần.

Thế nào là 4 chánh cần?

Đó là:

– Tinh tấn nhiếp tâm hành đạo, khiến việc ác chưa sanh, chẳng sanh được.

– Tinh tấn nhiếp tâm hành đạo, khiến việc ác đã sanh, được dứt trừ.

– Tinh tấn nhiếp tâm hành đạo, khiến việc thiện chưa sanh, được sanh.

– Tinh tấn nhiếp tâm hành đạo, khiến việc thiện đã sanh, càng thêm tăng trưởng.

Bồ Tát dụng pháp vô sở đắc, tu tứ chánh cần như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu 4 như ý túc.

Thế nào gọi là tư như ý túc?

Đó là:

– Dục như ý túc, thành tựu định hạnh.

– Niệm như ý túc, thành tựu định hạnh.

– Tinh tấn như ý túc, thành tựu định hạnh.

– Tư duy như ý túc, thành tựu định hạnh.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu tứ như ý túc như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu năm căn.

Thế nào là năm căn?

Đó là: Tín căn;  tấn căn; niệm căn; định căn; và huệ căn.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu 5 căn như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu năm lực.

Thế nào là năm lực?

Đó là: Tín lực; tấn lực; niệm lực; định lực; và huệ lực.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu ngũ lực như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu bảy giác chi.

Thế nào là bảy giác chi?

Đó là: Niệm giác chi; trạch pháp giác chi; tinh tấn giác chi; hỷ giác chi; trừ giác chi; định giác chi; và xả giác chi.

Tất cả bảy giác chi đều nương nơi ly, nơi vô nhiễm, mà hướng đến Niết Bàn.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu bảy giác chi như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu bát  thánh đạo.

Thế nào là bát thánh đạo?

Đó là: Chánh kiến; chánh tư duy; chánh ngữ; chánh nghiệp; chánh mạng; chánh tinh tấn; chánh niệm và chánh định.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu bát thánh đạo như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu 3 tam muội, gồm: Không tam muội, vô tướng tam muội, và vô tác tam muội.

Thế nào là “Không tam muội”?

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các pháp đều là tự tướng không. Tam muội này còn được gọi là “không giải thoát môn”.

Thế nào là “Vô tướng tam muội”?

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các pháp đều là hoại tướng, nên chẳng nghĩ, chẳng nhớ.

Tam muội này còn được gọi là “Vô tướng giải thoát môn”.

Thế nào gọi là “Vô tác tam muội”?

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các pháp đều chẳng có chủ tác, đều là bất khả đắc.

Tam muội này còn được gọi là “Vô tác giải thoát môn”.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu ba tam muội này như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu 11 trí, gồm: Khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí, pháp trí, tỷ trí, thế trí, tha tâm trí, và như thật trí.

Thế nào là “khổ trí”?

Biết khổ, mà chẳng sanh chấp, gọi là “khổ trí”.

Thế nào gọi là “tập trí”?

Biết các nguyên nhân sanh khổ phải đoạn, gọi là “tập trí”.

Thế nào gọi là “diệt trí”?

Biết khổ diệt, gọi là “diệt trí”.

Thế nào gọi là “đạo trí”?

Biết bát thánh đạo, gọi là “đạo trí”.

Thế nào gọi là “tận trí”?

Biết tham, sân, si, diệt tận, gọi là “tận trí”.

Thế nào gọi là “vô sanh trí”?

Biết các pháp hữu vi là vô sanh, gọi là “vô sanh trí”.

Thế nào gọi là “pháp trí”?

Biết ngũ ấm do duyên sanh, gọi là “pháp trí”.

Thế nào gọi là “tỷ trí”?

Biết nhãn,…, dẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ là vô thường, gọi là “tỷ trí”.

Thế nào gọi là “thế trí”?

Biết nhân duyên sanh pháp chỉ là danh tự, gọi là “thế trí”.

Thế nào gọi là “tha tâm trí”?

Biết tâm niệm của chúng sanh, gọi là “tha tâm trí”.

Thế nào gọi là “Như thật trí”?

Biết hết thảy chủng trí như chư Phật biết, gọi là “như thật trí”.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu 11 trí như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu 3 vô lậu căn, gồm: Vị trí dục tri căn, tri căn và dĩ tri căn.

Thế nào gọi là “vị tri dục tri căn”?

Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, và huệ căn của hàng Hữu học chưa đắc quả, gọi là “vị tri dục tri căn”.

Thế nào gọi là “tri căn”?

Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, và huệ căn của hàng Hữu học đã đắc quả, gọi là “tri căn”.

Thế nào gọi là “dĩ tri căn”?

Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, và huệ căn của bậc Vô học, hoặc A La Hán, hoặc Bích Chi Phật, hoặc Phật, gọi là “dĩ tri căn”.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu ba vô lậu căn như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu 3 tam muội, gồm: Hữu giác hữu quán tam muội, vô giác hữu quán tam muội, và vô giác vô quán tam muội.

Thế nào là “Hữu giác hữu quán tam muội”?

Ly dục nhiễm, ly bất thiện pháp, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, vào Sơ Thiền, gọi là “Hữu giác hữu quán tam muội”.

Thế nào là “vô giác hữu quán tam muội”?

Chặng giữa từ Sơ Thiền đến Nhị Thiền gọi là được “vô giác hữu quán tam muội”.

Thế nào gọi là “vô giác vô quán tam muội”?

Chặng giữa từ Nhị Thiền đến Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng định, gọi là được“vô giác vô quán tam muội”.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu ba tam muội này như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha DIễn, tu mười niệm, gồm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Xả, niệm Thiên, niệm thiện, niệm hơi thở ra vào, niệm thân, và niệm chết.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu mười niệm này như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, chín thứ đệ định.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu các pháp môn này như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu mười Phật lực.

Thế nào là 10 Phật lực?

Đó là:

– Phật như thật biết thị xứ và phi xứ của hết thảy pháp.

– Phật như thật biết các nghiệp, các thọ pháp, các nhân duyên quả báo của chúng sanh trong cả ba đời.

– Phật như thật biết các tướng cấu, tướng tịnh của các tam muội và các định.

– Phật như thật biết các căn tánh thượng, hạ của chúng sanh.

– Phật như thật biết các loại dục và giải của chúng sanh.

– Phật như thật biết vô số tánh loại của hết thảy các pháp thế gian.

– Phật như thật biết chỗ đến của tất cả các đạo hạnh.

– Phật như thật biết túc mạng nhân duyên của mình và của chúng sanh, trong 3 đời; biết mình cũng như biết các chúng sanh khác có tên như vậy, có họ như vậy, thọ mạng ngắn hay dài… trong vô lượng kiếp.

– Phật như thật biết là mình có thiên nhãn thanh tịnh hơn chư thiên; thấy biết chúng sanh chết đây, sanh kia, tùy theo nghiệp nhân duyên quả báo, hoặc phải đọa vào ác đạo, hoặc được sanh vào thiện đạo.

– Phật như thật biết là mình đã lậu tận, đã được vô lậu tâm giải thoát, vô lậu huệ giải thoát; ở trong pháp tự chứng, biết mình đã nhập vào pháp ấy, biết mình đã hết sanh tử, đã viên thành phạm hạnh, chẳng còn thọ sanh thân ở đời sau nữa.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu 10 Phật lực như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu tứ vô sở úy.

Thế nào là tứ vô sở úy?

Đó là 4 điều vô úy đã được Phật tác chứng, gồm có:

Phật nói lên lời thành thật rằng: Ta là bậc Nhất Thiết Chủng Trí, nên ta được an ổn nơi thánh xứ, được vô sở úy. Tại giữa đại chúng nếu có ai hỏi về một pháp nào, thì ta như sư tử hống sẽ chuyển pháp luân thanh tịnh, chẳng mảy may sợ hãi. Các hàng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Phạm Vương, Ma Vương, cùng hết thảy chúng sanh chẳng làm sao có thể chuyển được như vậy. Đây là vô sở úy thứ nhất.

Phật nói lên lời thành thật rằng: Ta là bậc lậu tận, nên ta được an ổn nơi thánh xứ, được vô sở úy. Tại giữa đại chúng, nếu có ai hỏi về cách dứt trừ phiền não, thì ta như sư tử hống, ta sẽ chuyển pháp luân thanh tịnh, chẳng mảy may sợ hãi. Tất cả hàng Trời, Người, cùng hết thảy chúng sanh khác chẳng làm sao có thể chuyển được như vậy. Đây là vô sở úy thứ hai.

Phật nói lên lời thành thật rằng: Ta đã như thật biết những pháp làm chướng ngại đạo Giải Thoát, nên ta được an ổn nơi thánh xứ, được vô sở úy. Tại giữa đại chúng, nếu có ai hỏi về các pháp chướng đạo, thì ta như sư tử hống, sẽ chuyển pháp luân thanh tịnh, chẳng mảy may sợ hãi. Tất cả hàng Trời, Người, cùng hết thảy chúng sanh khác chẳng làm sao có thể chuyển được như vậy. Đây là vô sở úy thứ ba.

Phật nói lên lời thành thật rằng: Những thánh đạo mà ta truyền dạy, quyết định là đạo xuất thế gian, khiến người y theo đó mà tu  hành sẽ được hết khổ, nên ta được an ổn nơi thánh xứ, được vô sở úy. Tại giữa đại chúng, nếu có ai hỏi về các thánh đạo, thì ta như sư tử hống, sẽ chuyển pháp luân thanh tịnh, chẳng mảy may sợ hãi. Tất cả hàng Trời, Người, cùng hết thảy chúng sanh khác chẳng làm sao có thể chuyển được như vậy. Đây là vô sở úy thứ tư.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu tứ vô sở úy như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu tứ vô ngại trí.

Thế nào là tứ vô ngại trí?

Đó là: Pháp vô ngại trí, nghĩa vô ngại trí, từ vô ngại trí, và lạc thuyết vô ngại trí.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc, tu tứ vô ngại trí như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

–o0o–

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn, tu thập bát bất cộng pháp.

Thế nào gọi là thập bát bất cộng pháp?

Đó là:

– Thân của Phật chẳng có lỗi.

– Miệng của Phật chẳng có lỗi.

– Niệm của Phật chẳng cõ lỗi.

– Phật chẳng có tưởng sai khác.

– Phật thường ở trong định.

– Chẳng có gì mà Phật chẳng biết, nhưng Phật vẫn thường hành xả tâm.

– Ý nguyện lợi sanh của Phật chẳng giảm.

– Tinh tấn của Phật chẳng giảm.

– Niệm của Phật chẳng giảm.

– Thệ của Phật chẳng giảm.

– Giải thoát của Phật chẳng giảm.

– Giải thoát tri kiến của Phật chẳng giảm.

– Tất cả thân nghiệp của Phật đều tùy trí huệ hành.

– Tất cả khẩu nghiệp của Phật đều tùy trí huệ hành.

– Tất cả ý nghiệp của Phật đều tùy trí huệ hành

– Trí huệ của Phật biết rõ các việc quá khứ vô ngại

– Trí huệ của Phật biết rõ các việc hiện tại vô ngại

– Trí huệ của Phật biết rõ các việc vị lai vô ngại.

Bồ Tát, dụng pháp vô sở đắc tu thập bát bất cộng pháp như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

LUẬN:

Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn là đầy đủ tứ chánh cần, và tứ như ý túc. Do nhất tâm tinh tấn tu tứ niệm xứ, mà được chánh cần, lại do vào tứ định là dục định, tâm định, tinh tấn định và tư duy định, mà khi xuất định liền được tứ như ý túc.

Hỏi: Như vậy vì sao chẳng nói là “trí xứ” mà lại nói là “niệm xứ”?

Đáp: Lúc ban đầu tu tập, hành giả chưa có trí nên phải lấy niệm làm cửa ban đầu (sơ môn) dẫn vào đạo. Do thường niệm mà tùy theo niệm đó, trí huệ được dẫn sanh. Cho nên trong kinh thường nói trí huệ là thật thể của tứ niệm xứ. Vì sao? Vì do quán nội thân, do quán ngoại thân, do quán nội ngoại thân mà trí huệ được phát sanh. Nếu niệm trí huệ, ngay khi duyên mà tâm chẳng tán loạn thì được tứ chánh cần.

Nên biết tứ chánh cần gồm có:

2 pháp đoạn ác và bất thiện pháp. Đó là:

– Ác và bất thiện pháp chưa sanh thì ngăn đừng cho sanh.

– Ác và bất thiện pháp đã sanh thì liền phải dứt trừ.

2 pháp dẫn sanh thiện pháp. Đó là:

– Thiện pháp chưa sanh thì khiến cho sanh.

– Thiện pháp đã sanh thì khiến cho tăng trưởng.

Tuy nhiên nếu hành chánh cần quá mức, thì sẽ sanh”trí hỏa”. Vì sao? Vì trí huệ còn cạn mỏng, mà gió tinh tấn thổi quá mạnh quá nhiều, thì sẽ bị nhiễm, bị lung lạc.

Bởi vậy nên lại phải tu định để làm lắng dịu sự kích động quá mức độ của gió tinh tấn.

Hành giả tu định lần lượt theo bốn pháp tu sau đây:

– “Dục định” dẫn thành tựu được “dục như ý túc”.

– “Tâm định” dẫn thành tựu được “niệm như ý túc”

– “Tinh tấn định” dẫn thành tựu được “tinh tấn như ý túc”

– “Tư duy định” dẫn thành tựu được “tư duy như ý túc”.

Tu tứ định như trên đây dẫn thành tựu được bốn chỗ mong muốn như ý nguyện nên gọi là được “tứ như ý túc”.

Tất cả thập nhị pháp trợ đạo (tứ niệm xứ, tứ chánh cần và tứ như ý túc) nêu trên đây ví như thân cây lớn được giữ vững bởi ngũ cái rễ bám sâu vào lòng đất. Đó là ngũ căn gồm: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, và huệ căn.

Hành giả phải y nơi ngũ căn mà tu hành mới sanh được ngũ lực.

Ngũ lực gồm: tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực. Ví như con dao sắc bén cắt đứt được các vật, ngũ lực có công năng cắt đứt sự ràng buộc của các phiền não, kiết sử.

Có đầy đủ ngũ lực rồi hành giả mới có thể thẳng tiến trên đường đạo, tu thất giác chi và tu bát thánh đạo vậy.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát tu 37 Phẩm Trợ Đạo mà chẳng hướng về Niết Bàn?

Đáp: Do thâm nhập bản nguyện đại bi, nên dù biết rõ thật tướng pháp, mà Bồ Tát chẳng hướng về Niết Bàn, trái lại, nguyện ở lại trong ba cõi nhằm rộng độ hết thảy chúng sanh. Do vậy mà chư đại Bồ Tát thường được chư Phật trong khắp mười phương đồng hộ niệm.

–o0o–

Trong kinh nói Bồ Tát vào Thất Địa, ngoài thì quán “pháp không”, trong thì quán “ngã không”.

Ví như người nằm mộng thấy mình bị trói, mà khi tỉnh dậy, thấy mình chẳng bị trói buộc gì cả, nên biết rõ cái “Ta” ở trong mộng chỉ là hư dối, chẳng phải thật có, là không, là bất khả đắc.

Cũng như vậy, ngay khi vừa được tỉnh ngộ, Bồ Tát biết rõ tâm là điên đảo, hư vọng, quyết diệt tâm hư vọng đó. Do vậy mà Bồ Tát được chư Phật trong khắp mười phương xoa đầu thọ ký, và khuyên rằng: Ngươi chớ sanh hối tâm, hãy niệm bản nguyện của mình, ngươi hãy vì những chúng sanh chưa ngộ đạo, mà dùng pháp không để giáo hóa họ, ngươi chỉ mới được một số ít pháp môn, còn chư Phật trong mười phương có vô lượng pháp môn mà ngươi chưa có được,nên ngươi phải tu tập quán pháp “Không”,mà chẳng nên chấp đắm pháp “Không”, ngươi chưa được đầy đủ lục pháp Ba La Mật, chưa được đầy đủ thập bát bất cộng pháp, nên còn phải tu tập cho đầy đủ, mới tọa được đạo tràng như chư Phật. Lại nữa, ngươi phải dùng “bất khả đắc không” để tu tập các pháp. Vì sao? Vì hành như vậy là hành Bát Nhã Ba La Mât, nhờ vậy mà ngươi sẽ thấy rõ hết thảy pháp thế gian đều do duyên hòa hợp sanh, đều là rốt ráo không, đều là bất khả đắc, dẫn đến các tham ưu thế gian cũng đều là rốt ráo không, đều là bất khả đắc, và đều phải được tiêu trừ.

KINH:

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn nhập các tự ngữ môn, mà ở nơi các tự, ở nơi các ngữ đều bình đẳng.

Thế nào là nhập các tự ngữ môn bình đẳng?

Ví như:

Nhập tự môn “A”, biết rõ hết thảy pháp là bất sanh.

– Nhập tự môn “LA”, biết rõ hết thảy pháp là ly cấu.

– Nhập tự môn “BA”, biết rõ hết thảy pháp là đệ nhất nghĩa.

– Nhập tự môn “GIÁ”, biết rõ hết thảy pháp là bất khả đắc, là bất sanh, bất diệt.

– Nhập tự môn “NA”, biết rõ hết thảy pháp là ly danh tướng, vì là bất đắc, bất thất.

– Nhập tự môn “LÔ, biết rõ hết thảy pháp thoát ra ngoài thế gian, khi chi Ái, trong thập nhị chi nhân duyên, diệt.

– Nhập tự môn “DÀ”, biết rõ do xả thí mà các thiện pháp sanh.

– Nhập tự môn “BÀ”, biết rõ do các pháp là ly.

– Nhập tự môn “TRÀ”, biết rõ các pháp là thanh tịnh.

– Nhập tự môn “SA”, biết rõ các pháp tự tại, vì tự tánh thanh tịnh.

– Nhập tự môn “HÒA”, là dứt bặt các ngôn ngữ.

– Nhập tự môn “ĐA”, là vào các pháp như tướng, bất động.

– Nhập tự môn “DẠ”, là vào các pháp như thật bất sanh.

– Nhập tự môn “TRA”, là vào các pháp chiết phục, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “CA”, là vào các pháp tác giả, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “TA”, là vào các pháp thời gian bất khả đắc.

– Nhập tự môn “MA”, là vào các pháp ngã sở, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “GIÀ”, là vào các pháp khứ giả, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “THA”, là vào các pháp xứ sở, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “XÀ”, là vào các pháp sanh, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “BẢ”, là vào các pháp bả tự, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “ĐÀ”, là vào các pháp tánh, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “XA”, là vào các pháp định, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “KHƯ”, là vào các pháp hư không, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “XOA”, là vào các pháp diệt tận, bất khả đắc.

Nhập tự môn “ĐÁ”, là vào các pháp hữu, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “NHÔ, là vào các pháp trí, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “THA”, là vào các pháp tha tự, bất khả đắc

– Nhập tự môn “BÔ, là vào các pháp phá hoại, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “XA”, là vào các pháp dục, bất khả đắc, ngũ ấm cũng bất khả đắc.

– Nhập tự môn “MA”, là vào các pháp ma tự, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “HỎA”, là vào các pháp hô hoán, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “TA”, là vào các pháp ta tự, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “NOA”, là vào các pháp khứ lai, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “PHẢ”, là vào các pháp biên bờ, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “CA”, là vào các pháp tập hợp, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “SAI”, là vào các pháp sai tự, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “GIÀ”, là vào các pháp hiện hành, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “TRA”, là vào các pháp tà vạy, bất khả đắc.

– Nhập tự môn “TRÀ”, là biết rõ các pháp là chỗ tột bờ bến, nên là bất sanh, bất diệt.

Này Tu Bồ Đề! Các tự môn là chẳng có ngại (vô ngại), chẳng có tên (vô danh), chẳng có diệt, chẳng có nói lên được, chẳng chỉ được, chẳng thấy được, cũng chẳng ghi chép được.

Phải biết, hết thảy các pháp đều là như hư không. Đây là nghĩa của Đà La Ni môn, nghĩa của tự môn vậy.

Nếu có Bồ Tát ở nơi các tự môn mà ấn được tự môn “A”, hoặc nghe hoặc thọ, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc trì, hoặc giảng nói cho người khác nghe, thì phải biết vị Bồ Tát ấy sẽ được 20 công đức, đó là:

1/ Được nhớ biết dai.
2/ Được tâm quý.
3/ Được rõ nghĩa thú của kinh.
4/ Được tâm kiên cố.
5/ Được trí huệ.
6/ Được lạc thuyết vô ngại.
7/ Dễ được các đà la ni môn khác.
8/ Được tâm chẳng có nghi hối.
9/ Được tâm vô phân biệt, nghe việc lành chẳng vui, nghe việc ác chẳng giận.
10/ Được tâm an định, chẳng cao thấp, chẳng tăng giảm.
11/ Được các phương tiện thiện xảo, biết rõ các ngôn ngữ của chúng sanh.
12/ Khéo phân biệt ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên, tứ đế, tứ duyên, v.v..
13/ Khéo phân biệt các căn lợi độn của chúng sanh.
14/ Khéo phân biệt thời tiết, năm tháng, ngày giờ.
15/ Khéo  phân biệt tâm niệm của người khác.
16/ Được túc mạng thông.
17/ Được sanh tử thông.
18/ Được thiên nhĩ thông.
19/ Khéo thuyết về thị xứ và phi xứ.
20/ Được 4 oai nghi ở thân.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát dụng pháp vô sở đắc, vào “đà la ni tự môn” như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

LUẬN:

Đà la ni môn là các tự môn bình đẳng, chẳng có phân biệt, Bồ Tát vào đà la ni môn thì ở nơi hết thảy pháp đều được thông đạt vô ngại. Đây là đà la ni tự môn.

Hỏi: Nói hẹp thì có 5000 đà la ni môn, nói rộng thì có vô lượng đà la ni môn. Vì sao nay chỉ nói về các “đà la ni tự môn” mà thôi?

Đáp: Đây chỉ mới là cửa ban đầu (sơ môn) và các đà la ni.

Lại nữa, các đà la ni đều y theo sự phân biệt các tự mà được hình thành. Trên đây có nêu ra 40 tự. Các tự này là căn bản của hết thảy các tự môn. Nhân nói “tự” mà có ngôn thuyết, nhân nói “ngôn thuyết” mà có “danh”, rồi nhân nói “danh” mà có “nghĩa”.

Bồ Tát khi nghe “tự” liền được rõ “nghĩa”.

Trong đoạn kinh trên đây có nêu lên tự đầu tiên là “A”, tự sau cùng là “TRÀ”, ở khoảng giữa có 38 tự, tổng công là 40 tự.

Đây là căn bản của hết thảy ngữ pháp. Ví như khi nghe tự “A” là biết rõ các pháp là bất sanh, khi nghe tự “TRÀ” là biết rõ các pháp là chỗ tột bờ bến, nên là bất sanh, bất diệt, bất khả đắc.

Các tự này đều ở trong thế gian, nên vào được hết thảy ngữ ngôn một cách vô ngại. Ví như các chất nước, dù có khác nhau vẫn có thể hòa đồng một cách vô ngại vậy.

Nên biết chúng sanh do chấp các sắc pháp mà lập ra các danh tự, nhưng danh tự là bất khả đắc.

Khi nghe một đà la ni tự môn, mà chẳng rõ nghĩa thì chẳng có thể thấy, chẳng có thể biết được. Thế nhưng khi đã biết rõ nghĩa của tự môn rồi thì văn tự, ngữ ngôn liền diệt. Lúc bấy giờ mới thật liễu nghĩa của tự môn.

Hỏi: Các đà la ni có vô lượng công đức. Vì sao chỉ nói đến 20 công đức mà thôi?

Đáp: Cũng như Bát Nhã Ba La Mật, các đà la ni môn có vô lượng công đức. Ở trên đây chỉ lược nói đến 20 công đức để chúng sanh dễ nhớ. Bồ Tát khi đã vào được các đà la ni môn rồi, thường quán tự tướng của các pháp tu tập, và nhớ nghĩ các thiện pháp nên tâm được kiên cố như kim cang, có đầy đủ các phước đức trí huệ, để rồi vì chúng sanh mà thuyết pháp cho họ nghe.

–o0o–

Nên biết có 5 phương tiện thuyết pháp. Đó là:

  1. Do biết các pháp môn mà thuyết pháp.
  2. Do biết rõ một vấn đề gì mà thuyết pháp
  3. Biết dùng các lực phương tiện khi thuyết pháp.
  4. Biết khai thị nghĩa lý khi thuyết pháp.
  5. Biết dùng tâm đại bi mà thuyết pháp cho người trí nghe.

–o0o–

Bồ Tát vào được đà la ni, biết rõ các tự, cũng như các ngôn ngữ đều là “danh không”, nên là “nghĩa không”, là “rốt ráo không” vậy.

Do biết rõ như vậy nên Bồ Tát vào được Bát Nhã Ba La Mật, được trí huệ thanh tịnh, được lạc thuyết vô ngại.

Bồ Tát dùng bản nguyện đại bi, rộng độ chúng sanh, nên khi vào đà la ni rồi thì được lạc thuyết vô ngại, dễ như chẻ tre vậy.

Bồ Tát vào được đà la ni rồi thì đương nhiên được vô ngại nhập vào nơi thật tướng pháp.

Lại nữa, khi Bồ Tát vào được đà la ni rồi thì được tự tại, vô ngại, nên dù có người đến mắng nhiếc, đánh đập, dẫn đến ám hại, …, cũng chẳng có giận, dù có người đến cúng dường, tán thán… cũng chẳng vui. Bồ Tát xem thương ghét, bạn thù đều bình đẳng, nên khéo biết các ngôn ngữ của chúng sanh, khéo biết thời tiết, năm tháng, ngày giờ… khéo biết các sự việc quá khứ, hiện tại và vị lai. Biết như vậy mà Bồ Tát vẫn chẳng thủ chấp các pháp tướng, vì biết rõ các pháp tướng đều là vô sở hữu.

Bồ Tát biết rõ các pháp thế gian đều do duyên hòa hợp sanh, nên đều là giả thi thiết, đều là hư dối, là vô sở hữu.

Phật thường dạy rằng: Các pháp thế gian đều là như mộng, như huyễn,… đều do tâm chúng sanh vọng chấp mà được tạo ra cả.

Bồ Tát dụng pháp vô sở đắc, khéo phân biệt các pháp như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

(Hết quyển 48)