LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 47

Phẩm thứ mười tám
(tiếp theo)
Tác Vấn Thừa
(Hỏi về Đại Thừa)
(tiếp theo)

KINH:

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát Ma Ha Tát dùng pháp vô sở đắc, đúng theo Tát Bà Nhã tâm vào các tam muội môn.

Có 180 tam muội, từ Thủ Lăng Nghiêm tam muội,…,…, dẫn đến Ly Trước Như Hư Không Bất Nhiễm tam muội.

Bồ Tát vào Thủ Lăng Nghiêm tam muội, biết rõ các hành tướng của các tam muội,…, dẫn đến vào Ly Trước Như Hư Không Bất Nhiễm tam muội, thấy rõ các tam muội đều như hư không, vô ngại, nhưng chẳng nhiễm các tam muội.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn.

LUẬN:

Trước đây nói thập bát không nhằm giải các tam muội. Nay nói 108 tam muội, nhằm giải Thiền Na Ba La Mật.

Khi nói về 108 tam muội, Phật mật ý nói rằng: Người lợi căn vào các tam muội này sẽ được sanh tín giải.

Những gì là 108 tam muội? Đó là:

1- Thủ Lăng Nghiêm tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này biết rõ các tam muội có hành tướng nhiều hay ít, sâu hay cạn. Ví như vị đại vương biết rõ mặt mạnh, mặt yếu của quân địch, lại có binh hùng tướng mạnh khiến dẫn quân đến đâu, thì ở đó giặc phải quy hàng.

2- Bảo Ấn tam muội

Bồ Tát vào tam muội này, ấn được các tam muội khác trong pháp bảo, thường làm lợi lạc quần sanh,

Như trong kinh Phật dạy rằng: Này các Tỳ Kheo! Ta vì các ngươi nói về Pháp Ấn. Pháp Ấn tức là Bảo Ấn, cũng tức là Giải Thoát Môn.

Lại có thuyết nói: ba Pháp Ấn là Bảo Ấn tam muội. Đó là hết thảy pháp vô thường, vô ngã, và tịch diệt Niết Bàn.

Hết thảy hàng Trời Người chẳng có thể phá hoại 3 pháp ấn này được. vào “Pháp Ấn tam muội” là quán được 3 pháp vô thường, vô ngã và tịch diệt Niết Bàn, nên “Pháp Ấn tam muội” được gọi là “Bảo Ấn tam muội”.

Lại có thuyết nói: Bát Nhã Ba La Mật là Bảo, Tương Ưng tam muội là Ấn.

3- Sư Tử Du Hý tam muội”

Bồ Tát vào tam muội này có thể tự tại vào ra các tam muội khác. Ví như sư tử tự tại du hý khắp rừng, chẳng sợ các loài thú khác. Bởi vậy nên tam muội này còn gọi là Sư Tử Du Hý tam muội.

Lại nữa, Bồ Tát vào tam muội này có đủ oai đức, nên phá được các chấp của hàng ngoại đạo, khiến được nhiều người tin theo. Lại nữa, khi Bồ Tát vào tam muội này thì cõi đất hiện sáu điệu chấn động, khiến chúng sanh ở cõi địa ngục đều được mát mẻ.

4- Diệu Nguyệt tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, trừ được các vô minh hắc ám. Ví như mặt trăng tròn tỏa ánh sáng làm tan biến tối tăm.

5- Nguyệt Tràng Tướng tam muội:

Bồ Tát vào được tam muội này, thông đạt hết thảy các pháp, vì tam muội này nhiếp thu hết thảy các pháp tướng. Ví như bảo tràng làm theo hình mặt trăng che mát mọi vật, khiến ai thấy được cũng đều ưa thích.

Lại nữa, Bồ Tát vào tam muội này, được trí huệ càng thêm tăng trưởng. Ví như cây rừng gặp được cơn mưa càng thêm tươi tốt thêm lên.

6- Xuất Chư Pháp tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này có thể xuất sanh các tam muội khác.

7- Quán Đảng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, khắp thấy các tam muội khác. Ví như đứng ở đỉnh núi cao, có thể thấy khắp các cảnh vậy trong vùng.

8- Tất Pháp Tánh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có thể thấy được các pháp, tuy vô lượng mà pháp tánh chẳng phải hai. Tam muội này rất khó chấp trì, ví như dùng thần túc thông mà trú giữa hư không vậy.

Tam muội này là tam muội tối tôn, tối trọng. Ví như giữa ba quân thì vị đại tướng là bậc tối tôn, tối trọng vậy.

9- Tất Tràng Tương tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có thể nắm giữ bảo tràng của các tam muội khác.

10- Kim Cang tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thông đạt hết thảy các pháp, phá được hết thảy các chấp, được tâm kiên cố như kim cang, chẳng có gì có thể phá được.

11- Nhập Pháp Ấn tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có thể nhập vào các pháp ấn. Ví như người mang thông hành có dấu ấn của nhà vua, được tự do ra vào nơi hoàng cung, Bồ Tát vào tam muội này, được tự tại nhập vào thật tướng các pháp.

12- Tam Muội Vương An Lập tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, an lập được các tam muội khác. Ví như một vị đại vương ở trong hoàng cung, có đại oai lực, nhiếp phục được thần dân khắp cả nước.

Lại nữa, Bồ Tát vào tam muội này được an lạc tự tại. Ví như vị đại vương sống thư thái trong cung điện vậy.

13- Phóng Quang tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, phóng đại quang minh, hóa thân biến khắp mười phương.

Vì Bồ Tát thường tu Nhất Thiết quán, nên sanh các lực thần thông, tùy ý phóng các quang minh muôn sắc, lại tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà chiếu các tam muội.

Nên biết quang minh có hai nghĩa là:

Sắc quang

Trí huệ quang.

Bởi vậy nên Bồ Tát trú trong tam muội này, phát trí huệ quang, phá tan các tà kiến vô minh.

14- Lực Tấn tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có đầy đủ thế lực đối với các tam muội khác. Do vậy mà được thế lực tự tại, thường biến hóa để cứu độ chúng sanh.

15- Cao Xuất tam muội

Bồ Tát vào tam muội này, được tăng trưởng các phước đức nhân duyên, làm tăng trưởng các tam muội khác.

16- Tất Nhập Biên Tài tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được tứ vô ngại trí, lại dùng được các ngữ ngôn của chúng sanh, và phân biệt được các kinh thơ văn tự một cách vô ngại.

17- Nhập Danh Tự tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các pháp đều như hư không. Thế nhưng vì giáo hóa chúng sanh, mà Bồ Tát vẫn dùng các danh tự để nói ra các nghĩa, khiến người nghe được giải rõ.

18- Quảng phương tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, khởi từ bi tâm thương xót chúng sanh, quán chúng sanh khắp mười phương, thấu rõ đạo lý, được các lực phương tiện tam muội. Vào tam muội này được đầy đủ đạo lý, ra vào các tam muội một cách vô ngại.

19- Đà La Ni Ấn tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này,phân biệt được các tam muội và vào được các Đà La Ni.

20- Vô Cuống tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng còn sanh ái nhuế, vô minh, tà kiến.

21- Nhiếp Chư Pháp Hải tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, nhiếp cả 3 thừa pháp và hết thảy các tam muội khác. Ví như biển lớn thu nhiếp được hết thảy các nguồn nước từ các sông chảy đến.

22- Biến Phú Hư Không tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có vô lượng, vô biên lực tam muội trùm khắp cả hư không. Dù đang ngồi kiết già, dù đang phóng quang mà phát ra tiếng nói, thì tiếng nói cũng vẫn lan truyền đầy khắp cả hư không.

23- Kim Cang Luân tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có thể đi đến tự tại như ngự trên Kim Cang Luận vậy.

Luân có nghĩa là luân chuyển tùy ý, nên Kim Cang luân tam muội ví như Kim Cang Luân.

24- Bảo Đoan tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, dứt trừ được các phiền não cấu.

25- Năng Chiếu tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có đầy đủ 10 trí, chiếu rõ các pháp, ví như mặt trời chiếu ánh sáng khắp nơi.

26- Bất Cầu tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các pháp là như huyễn, như hóa, nên chẳng có pháp nào để cầu cả. Lại do đã đoạn hết ái, nên chẳng có chỗ nào để cầu cả. Tam muội này còn được gọi là Ái Đoạn tam muội.

27- Vô Trụ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy rõ niệm niệm là vô thường, chẳng nên trú.

28- Vô Tâm tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng còn hiện hành các tâm và tâm sở nữa. Đây là Diệt Tận Định.

29- Tịnh Đăng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được trí huệ thanh tịnh, ví như ngọn đèn ở nơi khuất gió tỏa ánh sáng ổn định vậy.

Đây là do ly cấu mà được trí huệ thanh tịnh.

30- Vô Biên Minh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, phóng quanh minh rộng độ chúng sanh, lại phân biệt rõ biệt tướng và tổng tướng của các pháp. Do vậy mà thấy được suốt khắp cả mười phương thế giới, ví như ở trong đêm tối, nhờ có ánh sáng đèn mà thấy rõ được các vật.

31- Năng Tác Minh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có huệ lực làm sáng tỏ các tam muội khác, ví như ánh sáng làm cho các vật hiển lộ ra.

32- Phổ Chiếu Minh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, khắp chiếu các pháp, ví như viên bảo châu của vị chuyển luân thánh vương chiếu suốt một do tuần, làm cho cả bốn bên đều được chiếu sáng.

33- Kiên Tinh Chư Tam Muội tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, làm cho các tam muội khác đều trở thành kiên cố, thanh tịnh.

Do vậy mà thường được thanh tịnh, chẳng hề bị cấu nhiễm.

34- Vô Cấu Minh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, ly hết thảy các cấu uế.

Tam muội này tương ưng với 3 Giải Thoát Môn.

35- Hoan Hỷ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, sanh tâm hoan hỷ, được hoan hỷ lạc.

36- Điện Quang tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chiếu rõ đường đi đến vô lượng thế giới, ví như điện chớp chiếu sáng cả bầu trời.

37- Vô Tận tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy rõ các pháp đều bất sanh, bất diệt.

38- Oai Đức tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được oai đức trang nghiêm.

39- Ly Tận tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy các tam muội cùng tận, khiến các quả báo công đức trong vô lượng kiếp[CT1]  A Tăng Kỳ Kiếp đều được nguyên vẹn chẳng mất.

40- Bất Động tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, ly được các động tướng.

Có người vào Tứ Thiền, do ly hơi thở ra vào, mà chẳng còn các động tướng.

41- Bất Thối tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy tâm thối thất nơi các tam muội khác. Như vậy là được tương ưng với “Bất thối trí huệ”, chẳng còn đọa đảnh nữa.

42- Nhật Đăng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, phóng quang minh chiếu trời chiếu khắp tất cả.

43- Nguyệt Tinh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được vô sanh pháp nhẫn, được Phật thọ ký, được trí huệ thanh tịnh, ví như ánh sáng trăng rằm.

44- Tinh Minh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được vô ngại trí, chẳng còn bị các pháp làm chướng ngại. Vì sao? Vì tam muội này tâm chẳng còn bị chướng ngại. Do được tứ ngại trí soi sáng nên được tương ưng Bát Nhã Ba La Mật, được thật trí huệ như kim cang.

45- Năng Chiếu Minh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, dung quang minh chiếu rõ các tam muội khác.

46- Tác Hành tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, khiến các tam muội khác đều có chỗ tác hành.

47- Trí Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy rõ các hành tướng của các tam muội khác.

48- Như Kim Cang tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thông đạt hết thảy các pháp mà chẳng thấy có vào tam muội.

Trước đây đã nói về Kim Cang tam muội, rồi tiếp theo đó cũng đã nói về Kim Cang Luân tam muội.

Nay nói thêm về Như Kim Cang tam muội.

Ví như Kim Cang phá được hết thảy các vật. Bồ Tát vào các tam muội này, phá được hết thảy phiền não, dẹp bỏ hết thảy các chướng ngại, vào Vô Dư Niết Bàn, chẳng bao giờ còn trông thấy các điều mê ám. Bồ Tát vào các tam muội này, được thiên nhãn thông, thấy khắp mười phương thế giới.

49- Tâm Trụ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được tâm bất động, chẳng còn bị lay chuyển, chẳng còn bị não loạn, mà vẫn chẳng thấy mình có tâm như vậy.

50-Phổ Minh tam muội:

Bồ  Tát vào tam muội này, khắp thấy quang minh của các tam muội khác.

51- An Lập tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, an lập hết thảy các công đức, ví như núi Tu Di ở giữa biển, dù gió thổi mạnh cả bốn phương mà cũng vẫn được an lập, bất động.

52- Bảo Tụ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biến các cõi nước thành bảy báu. Vì sao? Vì sáu trần bên ngoài là bất định, nên khi vào được thâm thiền định, thì có thể biến bản tướng của sáu trần thành ra tướng của bảy báu vậy.

53-Diệu Pháp Ấn tam muội:

Bồ Tát vào được tam muội này, được Vô Ấn pháp, khiến thành tựu được các công đức trí huệ.

54- Pháp Đẳng tam muội:

Bồ Tát vào được tam muội này, quán hết thảy các pháp đều bình đẳng như nhau.

55- Đoạn Hỷ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, quán các pháp đều là không, khiến dứt được các niềm hỷ nơi các pháp nên chẳng còn dấy sanh phiền não, kiết sử nữa.

56- Đáo Pháp Đảnh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, vượt lên trên các tam muội khác,vượt lên tột đảnh núi pháp, nên vô minh phiền não chẳng lay động được.

57- Năng Tán tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, phá được hết thảy các pháp tướng, chẳng còn bị vướng nhiễm.

58- Phân Biệt Chư Pháp Cú tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, phân biệt được các ngôn ngữ, danh tự nên được lạc thuyết vô ngại.

59- Tự Đẳng Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được “tự đẳng” của các tam muội.

60- Ly Tự tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được “ly tự” nơi các tam muội.

61- Đoạn Duyên tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các duyên sanh

pháp đều là rốt ráo không. Do đoạn được tâm duyên nên các tâm hành xứ đều diệt.

62- Bất Hoại tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các pháp rốt ráo là không, nên chẳng thấy có pháp nào biến hoại cả.

63- Vô Chủng Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy các pháp thuộc về các chủng loại khác nhau, vì biết rõ các pháp chỉ là một tướng (nhất tướng).

64- Vô Hành Xứ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy rõ ba độc tham, sân, si đều là lửa thiêu đốt chúng sanh trong 3 cõi, nên tâm chẳng y chỉ nơi hành xứ của các tam muội.

65- Ly Mông Muội tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, xa lìa được vi tế vô minh nơi các tam muội.

66- Vô Khứ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy các pháp có đi đến (khứ lai).

67- Bất Biến Di tam muội:

Bồ  Tát vào tam muội này, chẳng thấy các tam muội có tướng thay đổi (biến dị)

68- Độ Duyên tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, tận diệt các phiền não, vượt qua hết thảy các cảnh duyên của sáu trần, nên cũng vượt qua hết các cảnh duyên của các tam muội. Đây là duyên sanh trí huệ.

69- Tập Chư Công Đức tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chứa nhóm các công đức, sanh tín tâm và trí huệ, khiến sự tu tập được tương tục, chẳng bao giờ ngưng nghỉ, vì như mặt trời chẳng bao giờ ngừng nghỉ chiếu sáng vậy.

70- rụ Vô Tâm tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng còn chỗ trú tâm ở nơi các tam muội, chẳng tùy tâm hành, chỉ tùy huệ hành, nên vào được thật tướng pháp.

71- Tịnh Diệu Hoa tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, khiến các tam muội khác đều được tịnh diệu, trang nghiêm, tươi đẹp như hoa.

72- Giác Ý tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, khiến các tam muội khác đều trở thành vô lậu, tương ưng với bảy Giác Chi.

73- Vô Lượng Biên tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được lạc thuyết vô ngại; ở trong một câu nói ra có hàm chứa vô lượng nghĩa.

Tam muội này còn được gọi là Lạc Thuyết Biện Tài tam muội.

74- Vô Đẳng Đẳng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, quán hết thảy chúng sanh đều là Phật, quán hết thảy pháp đều là Phật pháp.

Vô Đẳng Đẳng tam muội tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.

75- Phân Biệt Chư Pháp tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy các pháp thiện, bất thiện, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, v.v.. đều là bình đẳng tướng.

Phân biệt chư pháp tam muội còn được gọi là Phân Biệt Huệ Tương Ưng tam muội.

76- Độ Chư Pháp tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, là vào được ba Giải Thoát Môn, siêu xuất thế gian, rộng độ chúng sanh.

77- Tán Nghi tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được vô sanh pháp nhẫn, đoạn được các lưới nghi nơi các pháp, thấy được thật tướng các pháp, và thấy được mười phương thế giới Chư Phật.

Vô ngại giải thoát tương ưng với tam muội này. Chư Phật vào tam muội này, nên ở nơi các pháp đều được vô ngại, tự tại.

78- Vô Trụ Xư tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy các pháp chẳng có trụ xứ nhất định

79- Nhất Trang Nghiêm tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, quán các pháp là nhất tướng, là vô tướng.

80- Sanh Hành tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ các hành tướng, như: nhập tướng, trú tướng, xuất tướng, v.v.. của các pháp đều chẳng thể thấy được (bất khả kiến).

81- Nhất Hành tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy có bờ bên này, bờ bên kia; lại thấy các hành chỉ là thường nhất, chẳng có tạp hành.

82- Bất Nhất Hành tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy các tam muội cùng hành tướng.

83- Diệu Hành tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, quán các pháp rốt ráo không, chẳng thấy các tam muội có hai tướng, nên hết thảy các hý luận đều chẳng thể phá được.

84- Đạt Nhất Thiết Hữu Để Tán tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, được vô lậu trí huệ, dẫn đến ly Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng, vào Vô Dư Niết Bàn, nên cả ba cõi, và ngũ ấm đều tán diệt.

85- Nhập Danh Ngữ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ hết thảy pháp chỉ là danh tự. Tuy nhiên vẫn dùng danh tự, ngữ ngôn, để giáo hóa chúng sanh.

86- Ly Âm Thanh Tự Ngữ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy có âm thanh, có ngôn ngữ, vì tướng của các pháp là thường tịch diệt.

87- Nhiên Cự tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, dùng đuốc trí huệ tự soi sáng, nên ở nơi các pháp chẳng hề có lầm lẫn, ví như người cầm đuốc đi đêm chẳng bị lạc về chốn nguy hiểm.

88- Tinh Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có đầy đủ 32 tướng tốt trang nghiêm, thanh tịnh; lại quán được tổng tướng và biệt tướng của các pháp, biết rõ các pháp đều là vô tướng, đều là thanh tịnh.

89- Phá Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng trú nơi hết thảy pháp tướng. Phá tướng tam muội còn được gọi là Vô Tướng tam muội.

90- Nhất Thiết Chủng Diệu Túc tam muội

Bồ Tát vào tam muội này, được đầy đủ các thứ trang nghiêm, như sanh vào dòng họ tốt, vào gia đình tốt, có thân tướng tốt, có quyến thuộc tốt, có thiền định và trí huệ đầy đủ.

91- Bất Hỷ Khổ Lạc tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, quán thế gian chẳng có gì là khổ, cũng chẳng có gì là vui; chỉ do ái mà khởi sanh có hỷ, có khổ, có lạc, hỷ lạc còn chẳng ham, huống nữa là khổ.

92- Vô Tân Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy các pháp chẳng có hoại, chẳng có tận. Thấy như vậy, nhưng cũng chẳng đọa về thường kiến. Vì sao? Vì ở nơi các pháp, thì thường tướng và đoạn tướng đều là bất khả đắc cả. Bởi vậy nên Bồ Tát quán vô thường mà chẳng rơi về đoạn kiến, quán vô tận mà chẳng rơi về thường kiến.

Phàm phu do chấp có nhân duyên nên mới sanh có tội phước, còn Bồ Tát thường ly các chấp, nên được vô ngại, tự tại.

93- Đà La Ni tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, có thể chấp trì đầy đủ các môn đà la ni, tam muội.

94- Nhiếp Chư Tà Chánh Tướng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy chúng sanh có chánh định, tà định hay bất định, cũng chẳng thấy có các tướng chánh định, tà định hay bất định ở nơi hết thảy các pháp.

95- Diệt Tăng Ái tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng sanh tâm ghét hay thương hết thảy các pháp.

96- Thuận Nghịch tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thì nơi các pháp thuận cũng như nghịch, đều được tự tại.

Dù thuận, dù nghịch, Bồ Tát cũng khởi đại bi tâm giáo hóa hết thảy chúng sanh, mà chẳng sanh chấp phân biệt. Bồ Tát chẳng thấy có pháp thuận hay nghịch, vì biết rõ các pháp đều là vô sở hữu.

97-  Tịnh Quang tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy rõ các phiền não cấu uế đều là bất khả đắc. Vì là bất khả đắc, nên cũng đều là thanh tịnh cả.

98- Kiên Cố tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy các tam muội kiên cố, bất hoại.

99- Mãn Nguyệt Tinh Quang tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thường được thanh tịnh, chẳng có lầm lạc. Ví như mặt trăng rằm mùa thu, tròn đầy, tỏa ánh sáng khắp mọi nơi; tam muội này phá hết thảy vô minh hắc ám, khiến được trí huệ thanh tịnh, quang minh để làm các việc lợi ích cho chúng sanh.

100- Đại Trang Nghiêm tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy các thế giới Phật khắp trong mười phương, đều có bảy báu trang nghiêm. Bồ Tát được trang nghiêm công đức như vậy, mà vẫn quán sự trang nghiêm đó là vô sở hữu, nên chẳng sanh tâm chấp đắm.

101- Năng Chiếu Nhất Thiết Thế tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chiếu khắp các tam muội, cùng khắp tất cả các pháp.

102- Tam Muội Đẳng tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy hết thảy các tam muội cùng hết thảy các pháp đều bình đẳng. Do duyên hòa hợp sanh, mà có phân biệt, có pháp hữu vi, pháp vô vi, v.v.. Thế nhưng ở nơi các tam muội cũng như ở nơi các pháp, Bồ Tát đều thấy bình đẳng, chẳng có định tướng hay loạn tướng, vì các pháp tướng đều bình đẳng.

103- Nhiếp Nhất Thiết Hữu Tránh Vô Tránh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng thấy các pháp đúng hay sai, phải hay quấy, cũng chẳng phân biệt có tranh cạnh (hữu tránh), hay chẳng có tranh cạnh (vô tránh). Bởi vậy nên, ở nơi hết thảy các pháp, Bồ Tát đều được thông đạt vô ngại, để tùy theo tâm niệm của từng chúng sanh mà độ họ.

104- Bất Lạc Nhất Thiết Trụ Xứ tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng ưa trú ở bất cứ trụ xứ nào, dù là thế gian hay là xuất thế gian, vì biết rõ thật tướng của các trụ xứ vốn là vô tướng.

105- Như Trụ Đinh tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng hề ly tướng như như của các tam muội.

106- Hoại Thân Suy tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, biết rõ thân thường bị đói khát, nóng lạnh, sân si,…, dễ bị tán hoại. Bởi vậy nên, Bồ Tát dùng trí huệ để phá các chấp về suy tướng ở nơi thân, vì biết rõ thân là bất khả đắc.

107- Hoại Ngữ Như Hư Không tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, quán thấy rõ nhân duyên sanh ra các ngôn ngữ đều là như hư không, nên chẳng có khởi sanh tướng ngã, cũng chẳng khởi sanh vui buồn, thương ghét.

108- Ly Trước Như Hư Không Bất Nhiễm tam muội:

Bồ Tát vào tam muội này, thấy thân chẳng phải là thân (vô thân), nên ly được hết thảy sắc, phá được hết thảy các kiết sử nhân duyên bất tịnh,…, dẫn đến thọ được pháp thân thanh tịnh. Bồ Tát và tam muội này, hiện hình như hư không, mà chẳng nhiễm hư không, cũng chẳng nhiễm tam muội; lại thường hành Bát Nhã Ba La Mật, quán các pháp rốt ráo là không, là bất sanh, là bất diệt, là như hư không.

Bồ Tát vào tam muội này, chẳng chấp các pháp, cũng chẳng chấp hư không, mà vẫn dùng các phương tiện nhiễm nghiệp nhân duyên, để hóa độ chúng sanh.

–o0o–

Hỏi: Vì sao, Phật chỉ nói lược về các tam muội, mà ở đây lại nói nhiều về các nhân duyên sanh pháp?

Đáp: Đức Phật phần nhiều nói về quả báo. Còn người tạo luận cần phải nêu nhiều thí dụ hợp với các nhân duyên dẫn đến quả báo. Ví như do quán thân bất tịnh, mà vào được Bất Tịnh tam muội, thì quán thân là nhân duyên, và Bất Tịnh tam muội là quả báo. Ví như do nhân duyên, quán thân [CT2] vô thường; khổ, không, vô ngã, mà được bảy Giác Chi, tám Thánh Đạo, dẫn đến được tứ quả Thanh Văn.

Lại nữa, Phật chỉ nói ít, mà người tạo luận cần rộng giải để cho chúng sanh đời sau dễ hiểu.

Ví như, khi nói về các pháp hữu lậu là nhân duyên sanh khổ, Phật chỉ nói “ái” là nguồn gốc của hết thảy phiền não. Ví như, khi nói về Diệt Đế, thì Phật chỉ nói đến “ái tận” là khổ tận. Trong khi đó, thì Bồ Tát, ở nơi các quán hạnh, phải nói rộng về các pháp quán tam muội. Nói như vậy, mà người nghe vẫn còn chưa hiểu rõ.

Lại nữa, Phật chỉ nói về các tam muội; còn người tạo luận phải rộng nói về các pháp nhiếp ở trong các tam muội, lại phải nói các tam muội cùng hết thảy pháp đều bất khả đắc, đồng nghĩa với Bát Nhã Ba La Mật.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói: Hành vô lượng, vô biên tam muội hòa hợp là hành Ma Ha Diễn.

(Hết quyển 47)