LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP II
QUYỂN 38
Phẩm thứ tư
Vãng Sanh
KINH :
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Chư vị Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật và tu tập tương ưng như vật, đã từ cõi nào sanh về cõi này; và từ cõi này, sau khi chết, sẽ sanh về đâu?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Những Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật và tu tập tương ưng như vậy rồi, có thể hoặc từ các cõi phật khác sanh về cõi này, hoặc đã ở trong loài người sanh trở lại làm người ở cõi này.
Này Xá Lợi Phất! Vì ở cõi này mau được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật, nên các Bồ Tát ở các cõi Phật khác, sau khi mạng chung đã nguyện sanh về cõi này. Ở cõi này thường được găp Phật, lại thường có các thâm diệu pháp hiển bày, nên Bồ Tát sanh về đây để tu học dễ được mau tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát nhất sanh bổ xứ từ cõi trời Đâu Suất, sanh về cõi này. Những Bồ Tát này chẳng hề mất 6 pháp Ba La Mật, nên dù sanh về cõi nào cũng hiển bày đầy đủ các môn Đà la ni và các môn tam muội, cũng tương ưng với các Bát Nhã Ba La Mật.
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát đã ở trong loài người sau khi mạng chung, sanh trở lại làm người ở cõi này. Trừ các bậc bất thối chuyển mới mau tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật; còn các Bồ Tát căn tánh chậm lụt, chẳng có thể mau được tương ứng với các Bát Nhã Ba La Mật, và hiện tiền cũng chẳng có thể mau được các môn Đà la ni và các môn tam muội.
LUẬN :
Hỏi: Trong kinh nói chúng sanh là không, là bất khả đắc; lại cũng nói Phật, Bồ Tát, Bát Nhã Ba La Mật … đều chỉ có ở nơi danh tự, đều là bất khả đắc. Ngài Xá Lợi Phất đã biết rõ như vậy, sao vẫn còn hỏi làm gì?
Đáp: Ở trong Phật pháp, phải nên phân biệt hai Đế. Đó là :
– Thế Đế
– Đệ Nhất Nghĩa Đế
Thế Đế nói chúng sanh. Đệ Nhất Nghĩa Đế nói chẳng có chúng sanh (vô chúng sanh), nói chúng sanh là không, là bất khả đắc.
Lại nữa, cũng nên phân biệt hai hạng Bồ Tát. Đó là:
– Hạng Bồ Tát đã rõ biết hết thảy các pháp tướng đều chỉ là danh tự (hữu tri danh tự tướng).
– Hạng Bồ Tát chưa biết rõ hết thảy các pháp tướng đều chỉ là danh tự (vô tri danh tự tướng).
Ví như trong quân đội, khi canh phòng, có dùng đến các mật hiệu. Chỉ những quân nhân có trách nhiệm mới được biết đến; còn những người không có trách nhiệm cũng như địch quân, chẳng sao có thể biết được.
Lại nữa, xét về mặt tu tập cũng phải nên phân biệt có hai hạng Bồ Tát. Đó là:
– Hạng Bồ Tát mới tu, còn chấp các pháp tướng, chưa có được tha tâm trí.
– Hạng Bồ Tát đã tu thuần thục trải qua nhiều đời nhiều kiếp, chẳng còn chấp tướng, lại đã có được tha tâm trí.
Chính vì hạng Bồ Tát mới tu, còn chấp pháp tướng, chưa có được tha tâm trí, mà ngài Xá Lợi Phất phải hỏi Phật như đã nếu ở đoạn kinh trên đây. Đối với hạng Bồ Tát này, phải nên vì họ khai thị,”chúng sanh không”, cho họ biết chúng sanh là “không” , là bất khả đắc.
Trái lại, hạng Bồ Tát đã tu thuần thục rồi, đã biết danh tự tướng của các pháp, đã có được tha tâm trí rồi, thì dù vẫn sống chung với chúng sanh, mà vẫn được an nhiên, tự tại.
Ngài Xá Lợi Phất dùng thiên nhãn thấy rõ chúng sanh trong 6 đạo chết đây sanh kia, thấy rõ các nhân duyên thiện ác nên chẳng còn nghi gì nữa. Thế nhưng vì những người chưa có được thiên nhãn, chưa thấy xa rộng được như ngài, mà ngài phải hỏi Phật như trên đây. Vì sao? Vì có nhiều vị Thanh Văn dấy niệm khinh khi các Bồ Tát, vì thấy các Bồ Tát hành 6 pháp Ba La Mật mà lại nguyện ở lâu trong sanh tử; hoặc vì thấy các Bồ Tát chưa đoạn sạch các lậu, mà lại dùng trí huệ học các kinh thơ, nội và ngoại điển; hoặc vì thấy các Bồ Tát chưa chứng được thật tế, chưa thoát khỏi sanh, già, chết. Chư vị Thanh Văn ấy nghĩ rằng các Bồ Tát đã tu tập trải qua vô lượng kiếp mà vẫn chẳng chứng được niết bàn, ắt hẳn phải đọa vào đường ác.
Ngài Xá Lợi Phất thương xót các vị Thanh Văn ấy, muốn họ sanh tâm tin kính các Bồ Tát, mà ngài phải hỏi Phật như trên, mong được Phật giải đáp, để cho họ đều được rõ.
Bởi nhân duyên vậy, nên Phật đã khai thị rõ về 3 hạng Bồ Tát sanh về cõi này. Đó là:
– Hạng Bồ Tát từ các cõi Phật khác sanh về cõi này,
– Hạng Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sanh về cõi này,
– Hạng Bồ Tát từ trong loài người, sau khi mạng chung, trở lại sanh làm người ở cõi này.
Hỏi: Thế gian có 6 ác đạo. Vì sao chỉ nói đến trường hợp Bồ Tát sanh làm người ở cõi này mà chẳng để cập đến các đạo khác?
Đáp: Như trước đây đã có nói. Trời, A Tu La hưởng lạc nhiều nên khó tu. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là 3 đạo thuần khổ cũng rất khó tu để được đạo. Bởi vậy nên chẳng có nói đến.
Hỏi: Trong kinh có nêu trường hợp một vị đệ tử của ngài Xá Lợi Phất, chân tợ như chân trâu mà đắc quả A La Hán, lại có vị Tỳ Kheo tên là Ma Du Bà Thi Tha suốt 500 đời làm thân khỉ, mà khi được làm thân người cũng chứng được 6 thần thân, được quả A La Hán, và khi đã được A La Hán rồi ngài còn thói nhảy nhót như loài khỉ. Vì sao chẳng có nói đến trường hợp được đạo ở trong 3 đường ác?
Đáp: Tuy rằng trong các loài súc sanh cũng có trường hợp được đạo, nhưng vì quá ít nên chẳng có nêu ở đây.
Lại nữa, các vị ấy trải qua nhiều đời, đã gieo trồng các thiện căn công đức, đã tu đạo Niết Bàn, nhưng vì đã có phạm lỗi lẫm khiến phải đọa vào 3 đường ác. Khi đã đoạn các nghiệp rồi thì các vị ấy lại được sanh làm người để tiếp tục tu học. Do đó sắn có các thiện căn thuần thục rồi, nên dễ được quả báo tốt vậy.
Đoạn kinh trên đây nêu những trường hợp được đạo trong loại người. Có người tuy đời trước có cấu tâm, nhưng đời nay tu tập được đạo Bồ Tát, được tân thanh tịnh vô lậu. Những người ấy đã thành tựu được các thiện căn hữu lậu, nên nay sanh lại làm người, cũng lại thứ lớp tu tập hướng về Vô Thượng Bồ Đề.
Ở trong loài Trời, loài A Tu La cũng có những trường hợp tương tự.
Hỏi: Vì sao ở cõi trời Đâu Suất thường có các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ đến thuyết pháp, mà ở các cõi trời khác chẳng có được như vậy?
Đáp: Ở cõi sắc, chư Thiên thường hay đắm thiền bị, nên ở đây khó được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.
Chưa thiên ở cõi trời Đâu Suất, do kiết sử cạn mỏng nên mới nghe được các vị bồ tát nhất sanh bổ xứ thuyết pháp, mới thường nghe được Bát Nhã Ba La .
Các vị từ cõi trời Đâu Suất cũng như các vị từ cõi Phật khác sanh về cõi này đều là những vị lợi căn, thượng trí, ở trong cô lượng A tăng kỳ kiếp đã xa lìa tội lỗi.
Còn các vị mà trước đây đã ở trong loài người, sau khi mạng chung lại làm người ở cõi này, đều là những đệ tử của Phật, đã từng nghe pháp, chánh ức niệm và tu tập các công đức trí huệ.
Ngoài ra còn có các vị tuy căn trí chậm lụt, nhưng do kham nhẫn tu tập thiện pháp mà nay có thiện duyên sanh về cõi này để được thấy Phật, nghe pháp, được tu tập Bát Nhã Ba La Mật, dẫn đến được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.
Hỏi: Vì sao từ cõi trời Đâu Suất chỉ có các Bồ Tát nhất sanh bổ xứ mới sanh về cõi này ?
Đáp: Loài người có nhiều kiết sử phiền não, có nhiều tội lỗi, nên từ cõi trời Đâu Suất, chỉ có các vị Đại Bồ Tát mới sanh về cõi này, thọ thân người, sống trong xã hội loài người mà chẳng nhiễm ô phiền não.
Ví như đem sữa cho ngỗng uống, thì ngỗng biết lựa chọn sữa để uống, biết chừa lại các chất bẩn lẫn lộn trong sữa. Cũng như vậy, Bồ Tát ở ngay trong thế gian đầy phiền não mà chẳng có bị nhiễm trước. Vì sao? Vì như trong kinh đã nói, các vị đại Bồ Tát chẳng hề mất 6 pháp Ba La Mật. Vì lợi ích của chúng sanh mà các bị đại bồ tát phân bố khắp 10 phương, đem lại trí huệ giáo hóa chúng sanh.
Các vị Bồ Tát từ các cõi Phật khác, cũng như các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ ở cõi trời Đâu Suất, đều là những vị pháp tánh sanh thân Bồ Tát, biến hóa được vô lượng thân, dùng vô lượng pháp môn phương tiện để độ thoát chúng sanh.
Còn hạng Bồ Tát, trước đã ở trong loài người, sau khi mạng chung, sanh trở lại làm người ở cõi này thì chẳng được như hai hạng Bồ Tát nêu trên. Vì sao ? vì còn độn căn, thiểu trí, lại còn chấp ngã nên vẫn còn sanh ít nhiều kiết sử. Các Bồ Tát thuộc hạng này phần nhiều còn là nhục thân Bồ Tát.
Hỏi: Đã là Bồ Tát bất thối chuyển rồi, thì chẳng còn có kết nghiệp thọ sanh thân nữa. Như vậy vì sao lại còn thọ sanh thân làm người ở cõi này ?
Đáp: Các vị Bồ Tát này, tuy đã được bất thối chuyển, nhưng do chưa xả được nhục thân nên nguyện sanh về cõi này để mau được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.
Còn các vị Bồ Tát căn trí còn chậm lụt, chẳng có thể mau được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật được, và ở hiện tiền chẳng có thể mau được các môn đà la ni và các môn tam muội.
KINH:
Này Xá Lợi Phất! Ông hỏi Bồ Tát Ma Ha Tát rời cõi này sẽ sanh về cõi nào ư? Ông nên biết các Bồ Tát ấy từ cõi Phật này đến cõi Phật khác vẫn thường thấy Phật, vẫn thường chẳng ly Phật.
Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát chẳng dùng phương tiện nào mà nhập vào sơ thiền và cũng thật hành 6 pháp Ba La Mật. Các Bồ Tát này sanh lên cõi trời Trường Thọ Thiên, trú nơi đó rồi sau khi mạng chung lại sanh về cõi này thọ thân người, được gặp Phật và Bồ Tát. Hạng Bồ Tát này vẫn còn căn tánh chậm lụt.
Lại có Bồ Tát nhập vào sơ thiền, dẫn đến nhập vào Đệ Tứ Thiền và cũng thật hành 6 pháp Ba La Mật. Các Bồ Tát này, do chẳng dùng phương tiện nên xả thiền sanh về cõi Dục, hạng Bồ Tát này cũng vẫn còn căn tánh chậm lụt.
Lại có Bồ Tát nhập Sơ Thiền dẫn đến nhập Đệ tứ thiền, tu từ tâm dẫn đến xả từ tâm, nhập Hư Không Xứ, dẫn đến Phi Hữu Tưởng Xứ, rồi tu 4 niệm xứ, 8 Thánh đạo, 10 Phật lực, phát đại bi tâm. Các Bồ Tát này dùng các sức phương tiện, chẳng tùy 4 sắc định sanh, chẳng tùy 4 vô lượng tâm sanh, chẳng tùy 4 vô sắc định sanh, mà chỉ sanh vào nơi nào có Phật, thường chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật. Các Bồ Tát này ở trong Hiền Kiếp sẽ được đạo Vô Thượng Bồ Đề.
LUẬN :
Hỏi: Ngài Xá Lợi Phất hỏi về đời trước và về đời sau của các Bồ Tát. Vì sao Phật chỉ sơ lược về đời trước mà lại nói nhiều về đời sau như vậy?
Đáp: Người ở thế gian dùng nhục nhãn nên chẳng có thể thấy được đời sau. Do chẳng thể thấy được đời sau, nên khởi tâm nghi, chẳng biết đời sau mình sẽ đi về đâu. Bởi vậy nên Phật phải rộng nói. Cũng như lửa đã được dập tắt rồi, chẳng còn cần phải để ý làm gì nữa, phải cần cảnh giác phòng lửa trong tương lai.
Lại nữa, có trường hợp người nghèo chỉ mong xin được chút ít, mà lại gặp được người vừa giàu của cải, vừa giàu lòng ngân từ, nên nhận được rất nhiều của bố thí. Cũng như vậy, ngài Xá Lợi Phất chỉ hỏi ít mà lại nhận được Phật giải đáp rất nhiều.
Biển Phật pháp mênh mông cô hạn lượng, Phật đem vô lậu pháp ra bố thí cho chúng sanh chẳng bao giờ hết được. Do có ngài Xá Lợi Phất thưa hỏi mà Phật rộng phân biệt để cho đại chúng được rõ.
Lại nữa, do có nhiều người nghĩ rằng nếu các pháp đều là “không”. Đều chẳng có đi (vô khứ), thì chết rồi chẳng còn có đi về đâu nữa cả, nên Phật muốn đoạn nghi cho họ.
Phật phải dẫn ra nhiều thí dụ về chất đây sanh kia, nhằm đoạn nghi cho hạng người nêu trên, và đồng thời để cho đại chúng được hiểu rõ.
Hỏi: Có thuyết nói chết là vĩnh diệt. Có thể nói như vậy được chăng?
Đáp: Sau khi chết, thân bị hủy diệt theo 3 trường hợp:
– Hoặc thân bị lửa thiêu cháy rụi thành tro.
– Hoặc thân bị các côn trùng rúc rỉa trở thành đất.
– Hoặc lâu ngày bị mục nát, trở thành đất.
Người thế gian chỉ mấu thân hiện hữu, tức là thân ở đời này mà chẳng thấy được thân hậu hữu, tức là thân ở đời sau, nên chết rồi là vinh diệt. Đây là do chẳng biết được thân đời sau, chẳng phải là có thân đời sau vậy.
Vì sao? Vì nếu nói thân diệt rồi là mất hẳn thì chẳng giải thích được sự có mặt của hằng sa chúng sanh trong ba cõi. Lại cũng chẳng có thể giải thích được các hiện tượng như sau:
– Đứa bé mới lọt lòng mẹ đã biết khóc, biết cười …
– Cùng sanh ra ở đời, vì sao có người giàu kẻ nghèo, người sang, kẻ hèn, người hiển, kẻ ác, người tốt, kẻ xấu, người thông minh, kẻ đần độn.
– v.v …
Nếu chẳng có các nghiệp duyên từ đời trước thì làm sao có những hiện tượng sai khác như vậy được. Lại nữa nếu nói sau khi chết thân thối nát rồi là hết, thì còn có 6 tình sẽ đi về đâu?
Phàm phu dùng nhục nhãn, chẳng thấy được thân đời sau (thân hậu hữu). Còn các bậc Thánh, dùng Thiên nhãn thấy rõ chúng sanh chết đây sanh kia. Chết chỉ là sự rời bỏ thân này để thọ thân khác, y như người rời căn phòng này để qua căn phòng khác, rời chỗ này để đi đến chỗ khác vậy.
Lại nữa, người kém trí huệ, chỉ dùng nhục nhãn để thấy. Thấy như vậy cũng đồng như các loại súc sanh, chẳn có gì khác cả. Trong lúc đó, thì người trí biết rõ các đời sau, biết rõ rằng nếu phiền não chưa tận, thì còn phải sanh trở lại sanh thân nữa. Vì sao? Vì tâm thức hằng chuyển cùng với duyên nghiệp báo ở đời này mà dẫn sanh thân ở đời sau. Ví như nghiệp báo ở đời này mà sanh thân ở đời sau. Ví như sữa biến thành bơ, thành phô mát,v.v… Sanh thân cũng là như vậy. Dù 5 ấm thân trước đã hoại, nhưng do do có các hành nghiệp tiếp nối, mà có thọ quả báo, dẫn sanh 5 ấm thân ở đời sau. Ví như cây mùa Đông tuy chưa sanh hoa lá, nhưng đã có sẵn các nhân để dẫn sanh hoa lá vào mùa Xuân để tiếp đến. Do có tạo nghiệp nhân duyên, mới có thọ nghiệp quả sanh tử. Ví như người ngủ say nằm trong mộng. Lại nữa, dùng mắt thường nhìn thấy một người có vẻ mặt cau có, cũng đoán biết được người ấy sân si, nóng nảy thấy người mặt mày ủ dột, cũng đoán biết được người ấy đang ưu sầu buồn khổ; thấy người mặt mày rặng rỡ vui tươi, cũng đoán biết được người ấy thanh nhàn khoan khoái v.v… Phàm phu dùng nhục nhãn còn thấy biết được như vậy, huống nữa là bậc Thánh có thiên nhãn và có tha tâm trí.
Ví như người đi trong đêm tối phải lần từng bước theo người dẫn đường, chúng ta trên đường tu học phải nương theo các bậc thiện tri thức, mới mong khỏi bị rơi vào tà đạo.
Trong Phật pháp tuy nói rốt ráo không nhưng vì phàm phu điên đảo chấp có ngã, có pháp, nên Phật phương tiện thuyết có nhân, có quả, có nghiệp nhân nói tiếp, có thọ báo tương tục.
Phải nên biết rằng Phật pháp chẳng chấp hữu, chẳng chấp vô, cũng chẳng chấp phi hữu, chẳng chấp phi vô. Phật pháp giống như con dao chém giữa hư không, chẳng gây thương tích cho ai cả. Chư Phật và chư Bồ Tát vì chúng sanh mà tùy duyên nói pháp, nhưng tự mình chẳng có khởi chấp. Như bài kệ sau đây:
Hết thảy pháp đều thật,
Hết thảy pháp đều hư,
Lại vừa thật vừa hư,
Cũng chẳng biết thật, chẳng hư.
Niết Bàn là chân tế.
Biết Bàn cũng là chân tết.
Niết Bàn tức là thế gian,
Rốt ráo bất khả đắc.
Như vậy Phật pháp thuyết rốt ráo không mà vẫn thuyết về duyên nghiệp sanh tử. Đây là lý do thuyết ra “Phẩm Vãng Sanh” này.
Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng. Như vậy người tu làm sao có thể tu tập để tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật được?
Đáp: Bát Nhã Ba La Mật nhiếp hết thảy các pháp, ví như biển lớn tiếp nhận hết thảy các nguồn nước từ muôn sông chảy đến.
Nếu biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng, thì đâu còn gì để vấn nạn nữa?
Nếu ở nơi Bát Nhã Ba La Mật mà còn chấp tướng thì mới nên nạn vấn như vậy. Người tu hành khi đã vào được hết thảy các tam muội, đã được tâm rộng lớn là liền được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.
Ví như cha mẹ thấy con phạm lỗi lầm sanh tâm thương xót, tìm mọi cách để dìu dắt con ra khỏi mê lầm. Cũng như vậy, Bồ Tát thấy chúng sanh mê lầm, bị các nhiễm duyên trói buộc, chẳng biết được tự tánh không của các pháp, khiến phải bị đọa lạc nên dùng mọi phương tiện cứu vớt chúng sanh ra khỏi các khổ. Bồ Tát phát tâm đại bi thương xót chúng sanh, dạy họ tu học dẫn họ vào Phật đạo.
Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát đi từ Phật độ này đến Phật độ khác, dùng 5 thần thông cúng dường vô lượng chư Phật. Còn Bồ Tát thấy khắp hết thảy các cõi Phật, chẳng có gì ngăn ngại cả.
Tuy nhiên, cũng có Bồ Tát chẳng dùng phương tiện mà vào thiền định, rồi đắm chìm thiền vị, trú trong thiền định mà chẳng niệm chúng sanh. Hạng Bồ Tát này vì tâm từ bi kém nên sanh lên cõi trời Trường Thọ Thiên là Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ. Ở nơi đây chẳng có tình sắc, cững chẳng có đạo Bồ Đề. Hạng Bồ Tát này nếu được sanh trở lại làm người. Nếu được gặp Phật pháp, thì sẽ nhớ lại sự phát tâm Bồ Đề trước đó, dẫn đến sẽ tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:
Vào một hôm, Phật hỏi một vị tỷ khoe rằng: “Đất ở móng tay ta và đất ở đại địa bên nào nhiều hơn”.
Phật dạy: “Chư Thiên ở các cõi trời sanh làm người rất ít, chỉ ví như đất ở trong móng tay ta, còn đọa vào địa ngục lại rất nhiều, như đất ở đại địa. Vì sao? Vì ở cõi trời hưởng phước quả nhiều nên khó tu hành. Khi hết phước thường bị đọa”
Hỏi: Trong 22 căn thì độn căn nhiếp về những căn bản nào?
Đáp: Người đã được huệ căn rồi, quán được thật tướng pháp rồi, nhưng khi vào thiền định mà đắm chấp thiền vị thì cũng sẽ trở thành độn căn. Ví như có đầy đủ 5 căn, tín, tấn, niệm, định, huệ hòa hợp làm trợ đạo pháp, dẫn sanh lên cõi trời, nhưng nếu thọ phước báo ở cõi trời mà sanh tâm chấp đắm thì cả 5 căn nói trên đều trở thành độn căn.
Trong kinh nói Bồ Tát đã được phước đức thanh tịnh, đã có được 18 căn lanh lợi, nhưng nếu các căn còn lại chấp đắm, thì cũng sẽ trở thành độn căn.
Trong kinh Pháp Hoa có nói “Nếu chẳng còn các chấp trói buộc, gây ra phiền não thì mạng căn được an ổn và các căn kia cũng trở thành lanh lời. Như vậy gọi là lợi căn”.
Lại nữa, khi thọ lạc, biết rõ lạc là vô thương, chẳng đắm lạc, vững tin nơi mình, khiến có thể làm được các việc rất khó làm ra, xa lìa dục lạc, biết rõ dục lạc là tội lỗi, tu tập đầy đủ 3 thiện căn. Như vậy gọi là lợi căn.
Bồ Tát ở nơi 3 vô lậu căn mà chẳng thủ chứng thật tế, nên gọi là lợi căn. Trái lại thì gọi là độn căn.
Hỏi: Vì sao nói hạng Bồ Tát thứ 2 xả thiền, sanh về cõi Dục là chẳng dùng phương tiện?
Đáp: Hạng Bồ Tát này khi lâm chung bị nhiếp bất thiện tâm, nên xả các thiền định, sanh về cõi Dục. Như vậy là chẳng tu các phương tiện lực.
Nếu Bồ Tát có thiện tâm, vô ký tâm và xả tâm, lại khởi từ bi tâm thương xót chúng sanh, dấy niệm nghĩ rằng:“Nếu ta ở trong thiền định, thì ta chẳng có thể rộng độ chúng sanh”, mà phát nguyện xả thiền, sanh về cõi Dục.
Lại nữa, nếu Bồ Tát chẳng sanh độn căn, nhập Bồ Tát vị, được Bồ Tát đạo, tu 37 Phẩm Trợ Đạo, trú các thần thông dẫn đến khởi tâm đại bi thương xót chúng sanh thì gọi là có tu phương tiện lực.
Lại nữa, Bồ Tát có tu phương tiện lực, chẳng tùy thiền định sanh, chẳng tùy 4 vô niệm tâm sanh. Vì sao? Vì Bồ Tát này tu 4 niệm xứ, dẫn đến tu đại từ đại bi, cho đến khi mạng chung vẫn thương xót chúng sanh, chẳng rời bỏ chúng sanh, nên nguyện sanh về cõi Phật khác để tu tập tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.
Hỏi: Bồ Tát nêu lên sau cùng trên đây thuộc về hạng Bồ Tát gì?
Đáp: Đây là hạng đại Bồ Tát, gọi là Phi Bạt Đà Kiếp Bồ Tát.
Hỏi: Thế nào gọi là Phi Bạt Đà Kiếp?
Đáp: Phi Bạt Đà Kiếp là vô số kiếp, chẳng thể tính được. Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:
Có 1 vị tỷ kheo hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Thời gian bao nhiêu lâu gọi là 1 kiếp ?”
Phật dạy: Trước đây ta đã nói nhiều rồi, mà các người chưa hiểu rõ. Nay ta lấy các thí dụ để làm sáng tỏ vấn đề.
– Nhỏ nhất là 60 niệm hợp lại thành một đại niệm. Đại niệm đó cũng gọi là một kiếp.
– Còn nói về đại kiếp, thì chẳng có toán số thí dụ nào ở thế gian có thể tính được. Ví như có một cái thành hình vuông, mỗi bề 100 do tuần; lại có 1 người sống lâu 100 tuổi, đập nát thành ấy cũng chẳng sao kể hết được. Thế nhưng, nếu lấy một hạt bụi để dụ cho một kiếp, thì thời gian của vô số kiếp ấy hợp lại cũng chẳng sao sánh được thọ mạng của một đại kiếp.
Phân biệt tiểu kiếp và đại kiếp, như đã nói trên đây, cho thấy rằng thọ mạng của một đại kiếp là vô lượng vô biên.
Hãy lấy thí dụ về người tu hạnh viễn ly. Sau khi người ấy trừ được 5 triền cái, vào được sơ thiền, được ly sanh hỷ lạc, đứng dậy nói lớn với chúng sanh rằng: Ta chán ghét 5 dục, vào sơ thiền, ở nơi đây ta được đệ nhất lạc.
Lại có chúng sanh nghe như vậy, tu tập xa lìa 5 dục, vào sơ thiền, dần dần diệt các quán, vào đệ nhị thiền, lên đệ tam thiền, đệ tứ thiền.
Lại có chúng sanh, ở trong 3 đường ác, nghe như vậy, khởi sanh thiện tâm, tinh tấn tu hành, dẫn đến sau khi mạng chung được sanh làm người.
Thời gian tu tập của các chúng sanh nói trên đây, chẳng có thể lượng được nhưng vẫn chẳng sao sánh được thị mạng của một đại kiếp. Dù thọ mạng của một đại kiếp lâu bền như vậy, nhưng kiếp cũng vẫn là sanh diệt, vô thường. Ở trong “phẩm 18 không” đã có nói rõ. Đại kiếp chịu 3 tai họa lớn, dẫn đến kiếp tận, đó là:
– Hỏa kiếp: Lửa lớn thiêu rụi cả 3000 đại thiên thế giới, dẫn đến hủy diệt cảnh giới sơ thiền.
– Thủy kiếp: Nước sông cuốn trôi cả 3000 đại thiên thế giới, dẫn đến hủy diệt cảnh giới nhị thiền Phong kiếp: Gió thổi mạnh cuốn theo cả 3000 đại thiên thế giới, dẫn đến hủy diệt cảnh giới Tam thiền.
Tiểu kiếp cũng chịu 3 tai họa lớn do 3 đọc tham, sân, si gây nên. Đó là:
– Nạn đói khát.
– Nạn đao binh.
– Nạn dịch lệ, bệnh tật.
Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy ngài Xá Lợi Phất rằng: “Này Xá Lợi Phất! Trong đời vị lai, ông sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai. Đức Phật Quang Hoa trụ thế trong 12 tiểu kiếp, sau khi đức Phật ấy diệt độ rồi, chánh pháp còn trụ lại thêm 32 tiểu kiếp, Tượng pháp trụ 32 tiểu kiếp. Đức Phật ấy từ trong tam muội ra thuyết kinh Pháp Hoa trong 6 tiểu kiếp.
Danh từ “kiếp” cũng có nghĩa là “thời”, là “tiết”.
Còn danh từ “Phi Bạt Đà Kiếp” có nghĩa là vô số kiếp chẳng thể lượng tính được.
Lại nữa, vào thời không có Phật, thế giới bị 3 tai họa lớn làm tán hoại. Thời ấu gọi là “không kiếp”.
Thế rồi 4 đại thanh tịnh hòa hợp trở lại tạo dựng thế giới mới. Thời ấy gọi là “Hiền Kiếp”
Lúc bấy giờ, từ cõi trời Tịnh Cư Thiên biết đó là điềm báo sẽ có ngàn đức Phật hiện ra ngồi lên các hoa sen ấy, tỏa hào quang rực rỡ.
Một thế giới trải qua 4 thời kỳ: Thành – Trụ – Hoại – Không. Sau đó, lại được thành lập trở lại và tiếp tục chu trình của 4 thời kỳ như trên.
Kinh Cảnh Sách nói: một thời kỳ gồm 20 tiểu kiếp. Cộng chung 4 thời kỳ là 80 tiểu kiếp.
Kinh Khởi Thế nói: Trải qua 20 tiểu kiếp ở thời kỳ Không, do các nghiệp cảm của chúng sanh muốn thành lập một thế giới mới, nên lại có một thế giới nữa được thành tựu trong 20 tiểu kiếp, trụ trong 20 tiểu kiếp, hoại trong 20 tiểu kiếp, rồi lại không trong 20 tiểu kiếp v.v…
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát nhập vào sơ thiền, dẫn đến nhập vào đệ tứ thiền, nhập từ tâm dẫn đến xả từ tâm, nhập hư không xứ, dẫn đến nhập phi hữu tưởng phi vô xứ, rồi dùng các sức phương tiện, chẳng tùy thiền định sanh mà sanh về cõi Dục, vào các dòng họ lớn để thành tựu chúng sanh.
LUẬN :
Hỏi : Trước đây đã phân biệt nói có 2 hạng Bồ Tát. Đó là:
– Hạng Bồ Tát tùy nghiệp sanh thân.
Hạng Bồ Tát tùy pháp tánh sanh thân. Hạng Bồ Tát này có biến hóa thên ở trong khắp 3 cõi, làm các công đức nhằm độ sanh, như vậy ở đoạn kinh trên đây nói về hạng Bồ Tát nào?
Đáp : Ở đây nói về hạng Bồ Tát tùy nghiệp sanh thân. Vì sao? Hạng Bồ Tát này chưa có được pháp thân, nhưng do vào các thiền định mà có các sức phương tiện. Hạng Bồ Tát này chẳng muốn theo thiền định sanh, mà chỉ muốn dùng các sức phương tiện sanh về cõi Dục để làm lợi ích cho chúng sanh ở cõi này.
Hỏi: Nếu chẳng muốn theo thiền định sanh thì vì sao lại sanh về cõi Dục, mà chẳng sanh về các cõi khác ?
Đáp: Hạnh nguyện của các Bồ Tát chẳng đồng nhau. Mỗi vị đều có hạnh nguyện riêng.
Hỏi: Có Bồ Tát nguyện sanh về các cõi Phật khác. Như vậy ở các cõi Phật ấy cũng đều có cõi Dục chăng ?
Đáp: Cõi nào có tạp ác, bất tịnh thì đều được gọi là cõi Dục. Còn cõi nào thanh tịnh, chẳng có 3 đường ác chẳng có người nữ, chẳng có nhiễm dục (vô dục) thì không gọi là cõi Dục.
Do đã có phước nghiệp thanh tịnh, lại có tâm từ bi thương xót úng sanh nên Bồ Tát mới nguyện sanh về cõi Dục để hóa độ chúng sanh.
Hỏi: Bồ Tát khi mạng chung đã xả thiền định rồi, còn cầu tu học gì nữa mà nguyện sanh về cõi Dục?
Đáp: Vì thấy chúng sanh ở cõi Dục tâm tánh cuồng loạn nên sau khi mạng chung, Bồ Tát nguyện sanh về đây để giáo hóa họ, cứu họ thoát khổ, khiến họ nhiếp tâm về chánh niệm.
Hỏi: Vì sao khi sanh làm người ở cõi Dục, Bồ Tát lại chọn sanh vào các dòng họ lớn?
Đáp: Vì sanh vào các dòng họ lớn mới có nhiều trí huệ, có nhiều của cải, có nhiều thế lực… nhờ vậy mà có nhiều sức phương tiện để làm lợi ích cho chúng sanh.
Trái lại, nếu sanh vào các nhà bần cùng hà tiện, thì cầu tự lợi còn chưa được huống nữa là làm các việc lợi lạc cho chúng sanh.
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát nhập vào sơ thiền, dẫn đến nhập vào tứ thiền, nhập từ tâm dẫn đến xả từ tâm, nhập hư không xứ, dẫn đến nhập phi hữu tưởng phi vô xứ, rồi dùng các sức phương tiện chẳng tùy thiền định mà sanh, mà sanh về các cõi trời Dục giới để thành tựu chúng sanh ở các cõi này, và cũng để thanh tịnh Phật độ, được gần gũi chư Phật.
LUẬN :
Hỏi: Chư thiện ở các cõi trời Dục giới đắm chấp 5 dục, rất khó được hóa độ. Như vậy vì sao Bồ Tát còn nguyện sanh về cõi trời này?
Đáp: Mặc dù chư Thiên ở nhiều cõi trời Dục giới thường đắm chấp dục lạc, khó được hóa độ, nhưng Bồ Tát vẫn phát đại nguyện sanh về nơi đây để hóa độ cho họ.
Thế nhưng, ở nhiều cõi trời Dục giới khác như các cõi trời Tam Thập Tam Thiên … trong số chư Thiên có rất nhiều vị rất thành thiện, nhàm chán 5 dục.
Lại nữa, ở cõi trời Đậu Suất Đà Thiên thường có các Bồ Tát nhất sanh bổ xứ đến thuyết pháp nên chư Thiên ở cõi trời này có được tín tâm thanh tịnh.
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng sức phương tiện nhập vào sơ thiền. Đến khi mạng chung sanh về cõi trời Phạm Thiên, làm Phạm Thiên Vương, dạo chơi các cõi Phật. Đến nơi nào có vị Bồ Tát mới được chuyển Vô Thượng Bồ Đề, mới thành Phật, mà chưa chuyển pháp luân thì xin khuyến thỉnh chuyển pháp luân.
LUẬN :
Hỏi: Từ nơi sơ thiền làm sao Bồ Tát có đủ sức phương tiện để sanh lên cõi Phạm Thiên?
Đáp: Tuy ở nơi sơ thiền nhưng Bồ Tát chẳng chấp đắm thiền vị, lại thường niệm Phật đạo, thường nhớ bản nguyện độ sanh nên thiền cùng hòa hợp với từ tam muội, dẫn sanh các sức phươn tiện, tùy nguyện sanh về cõi Phạm Thiên vậy.
Hỏi: Vì sao Bồ Tát lại phát nguyện sanh làm Phạm Thiên Vương?
Đáp: Do tu tập phước đức nhân duyện trong nhiều đời, nên Bồ Tát thường sanh làm Phạm Thiên Vương. Dẫn đến khi sanh vào loài nai cũng làm nai chúa.
Bồ Tát phát đại nguyện thỉnh Phật chuyển pháp luân, nên trong khắp 3000 thế giới, Bồ Tát đi từ nơi này đến nơi khác và ở đâu thấy có vị Phật mới thành, chưa chuyển pháp luân thì liền xin thỉnh chuyển pháp luân.
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát nhất sanh bổ xứ thật hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng các sức phương tiện nhập vào sơ thiền dẫn đến nhập vào đệ tứ thiền, nhập từ tâm dẫn đến xả từ tâm, nhập hư không cứ dẫn đến nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng cứ, tu 4 niệm xứ dẫn đến tu 8 Thánh đạo, nhập vào các tam muội không, vô tướng và vô tác, nhưng chẳng tùy thiền định sanh, mà sanh vào các nơi nào có Phật xuất thế để tu phạm hạnh, hoặc sanh lên cõi trời Đâu Suất. Đến khi mạng chung vẫn chẳng mất chánh niệm. Vẫn đầy đủ thiện căn, nên được vô số trăm ngàn chư Thiên vây quanh cung kính. Bồ Tát sanh về nơi đây là sắp được chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.
LUẬN :
Hỏi: Bồ Tát nhất sanh bổ xứ đã trú ở thập địa rồi, đã đầy đủ các công đức rồi, mà còn tu tập gì nữa?
Đáp: Vì chưa vào Niết Bàn nên Bồ Tát vẫn còn tu tập các thiền định và các tam muội.
Lại nữa, Bồ Tát ở trong cõi trời và cõi người, nên phương tiện khai thị Thiên Pháp và Nhân Pháp để tu tập cầu đạo, và dẫn dắt hàng Trời và hàng Người tu tập cầu đạo.
Lại nữa, Bồ Tát tuy đã ở trong thập địa mà vẫn còn có các tập khí dư tàn, cũng như ở nơi các pháp vẫn còn có chỗ chưa được rõ nên còn phải tu tập.
Lại nữa, Bồ Tát thật hành 37 Phẩm trợ Đạo, 3 giải thoát môn, mà chưa chứng nên phải tu tập thêm.
Lại nữa, các vị Bồ Tát này tuy trong hàng Bồ Tát là lớn (Đại) mà so với Phật vẫn còn là nhỏ (tiểu), nên còn phải tu tập thêm.
Trong kinh Phóng Bát có nêu mẫu chuyện sau đây:
Ngài Bồ Tát Di Lạc hỏi ngài Bồ Tát Văn Thù rằng: “Như về sau này tôi thành Phật, vào trong hàng sa thế giới để cứu độ chúng sanh, thì ngài có thể hay biết được các chỗ nhấc chân và bước chân của tôi được không?”
Ngài Văn Thù trả lời: “Tôi chẳng sao hay biết được vậy”.
Bởi vậy nên hàng thập trú Bồ Tát vẫn còn có chỗ chưa hay biết, vẫn còn có chỗ phải học hỏi thêm vậy.
Hỏi: Vì sao Bồ Tát nhất sanh bổ xứ chẳng muốn rộng độ chúng sanh, mà lại muốn gần Phật, muốn được làm Phật?
Đáp: Bồ Tát nhất sanh bổ xứ trải qua nhiều kiếp đã rộng độ chúng sanh. Nay ở trước Phật, Bồ Tát muốn được Phật thọ ký cho. Đây là mật ý nói rằng “Phật Phát rất thậm thâm vi diệu, nên các vị Bồ Tát muốn được nghe, muốn được thưa hỏi Phật mãi mà chẳng bao giờ nhàm chán cả”.
Lại nữa, vì muốn thưa hỏi Phật thì phải ở gần bên Phật, để được Phật dạy bảo cho.
Hỏi: Vì sao vào thời Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca Mưu Ni đã là Bồ Tát mà vẫn còn sanh ác khẩu, còn dùng những lời phỉ báng Phật?
Đáp: Như trước đây đã nói rằng, pháp thân Bồ Tát dùng đủ các phương tiện biến hóa để độ chúng sanh. Bở vậy khi Bồ Tát phải hiện hành nhân pháp, thì hiện tạo các nghiệp như người ở thế gian vậy.
Trong kinh có chép mẫu chuyện sau về Đức Phật Thích Ca Mưu Ni như sau:
Phật Ca Diếp khi còn là Bồ Tát, có người em tên là Uất Đà La. Ông Uất Đà La là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mưu Ni.
Ngài Ca DIếp đã có trí tuệ thuần thục nên chẳng thích nói nhiều. Ông Uất Đà La vì chưa được đầy đủ trí huệ nên thương thích luận nghị. Người thời bây giờ lầm tưởng ông Uất Đà La giỏi hơn anh.
Về sau ngài Ca Diếp xuất gia được đạo và thành Phật hiệu là Ca Diếp, còn ngài Uất Đà La thì làm vua ở cõi Diêm Phù Đề.
Vua Uất Đà La mời 500 vị Bà La Môn vào cung đàm đạo. Chịu ảnh hưởng của các Bà La Môn, nhà vua dấy tâm hủy báng Phật pháp.
Lúc bấy giờ nhà vua có một bạn thân từ thủa bé, tên là Năng Đà Bà La. Ông Năng Đà La là một cư sỹ tịnh tín, đệ tử thọ 5 giới của Phật Ca Diếp.
Vào một hôm, vua Uất Đà La ngự trên cỗ xe vàng có ngựa kéo ra khỏi cung thành. Thoạt nhìn thấy ông Năng Đà La từ xa đi lại, nhà vua cất tiếng hỏi: “Năng Đà Bà La! Ông đi đâu vậy?”
Ông Năng Bà La đáp: “Anh của ngài đã được đạo Vô Thượng Bồ Đề. Tôi đang đi cúng dường Phật đây. Ngài nên mau theo tôi đến hầu Phật”.
Nghe nói như vậy, vua Uất Đà La tự nghĩ rằng: “Nếu ta đến hầu Phật thì quần thần sẽ cho rằng là ta thua Phật”.
Nghĩ như vậy rồi nhà vưa đáp: “Ông đầu trọc kia đâu có chứng được Vô Thượng Bồ Đề!”.
Ông Năng Bà La nổi giận, nắm tay nhà vua kéo lại và nói với nhà vua rằng: “Ngài không thể không đến hầu Phật được”.
Vua Uất Đà La bèn nói với quần thần rằng: “Nay người bạn thân của ta đã khuyên như vậy, ta không thế không đến hầu Phật được”. Ngay sau đó vua tôi cùng đi đến chỗ phật. Vua Uất Đà La vừa thấy tướng hào quang trang nghiêm của Phật liền sanh tín tâm thanh tịnh. Nhà vua cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi đứng sang một bên.
Phật vì nhà vua, thuyết một thời pháp. Nghe xong thời pháp, nhà vua liền vào được các đà la ni môn và các tam muội môn.
Thế rồi nhà vua truyền các quần thần lui về. Từ chỗ ngồi đứng dậy, nhà vua phát tâm Bồ Đề, thưa với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con xin nguyện được làm tỳ kheo”.
Phật tán thán: “Thiện lai tỷ kheo!”
Mẫu chuyện trên đây cho thấy Bồ Tát thị hiện ác khẩu nhưng chẳng phải là ác tâm hủy báng Phật vậy.
Hỏi: Vì sao Phật Thích Ca Mưu Ni còn phải chịu 8 tội báo và phải chịu 6 năm khổ hạnh?
Đáp: Pháp TIểu Thừa khác với pháp Đại Thừa rất nhiều. Tiểu Thừa chẳng có nói đến pháp thân Bồ Tát, chẳng biết đó là bí mật pháp thân Bồ Tát, chẳng biết đó là bí mật pháp có vô lượng thần lực, mà phần nhiều chỉ nói về việc đoạn các kiết sử để chứng Niết Bàn.
Lại nữa, nếu Phật chẳng thị hiện thọ 8 nạn, thì hành chư Thiên dẫn đến hành rồng, hàng quỷ sẽ khởi tâm nghi. Vì sao? Vì họ nghĩ rằng Phật còn lưu ác nghiệp mà chẳng thấy có thọ quả báo. Do đó họ sẽ chẳng còn tin về nhân duyên nghiệp báo nữa. Phật thấy rõ chỗ nghi của họ, nên thị hiện cho họ thấy rằng đã có tạo nghiệp là có thọ quả báo. Đây là lý do vì sao Phật thì hiện thọ 8 tội báo.
Lại nữa, nếu Phật chẳng có thị hiện tu khổ hạnh thì người đời sẽ chẳng tin. Họ sẽ cho rằng Phật là vị Thái Tử, con vua Tịnh Phạn, quen sống cuộc đời vương giả chẳng sao có thể tu khổ hạnh được. Lại vì các Ngoại Đạo tu theo pháp khổ hạnh nên Phật thì hiện tu khổ hạnh để dìu dắt họ vào Phật đạo.
Bởi hai nhân duyên này mà Phật thị hiện thọ 2 quả báo như đã nêu trên đây. Chẳng phải là Phật gây ra tội ác mà Phật phải thọ các quả báo vậy. Nên biết, Phật là các bậc đại giác, đã đoạn sạch các bất thiện pháp nên chẳng còn phải thọ các quả báo nữa.
Lại nữa, vì thương xót chúng sanh độn căn, thiểu trí, mà Bồ Tát thị hiện hành các pháp thế gian. Có lúc Bồ Tát thị hiện dùng ác khẩu phỉ báng Phật (như trường hợp vua Uất Đà La nêu trên đây) để làm duyên khởi dẫn dắt người khác vào đạo. Nên biết, Bồ Tát nhất sanh bổ xứ chẳng còn sân nhuế, kiêu mạn. Đối với một người phạm tội mà Bồ Tát chẳng dùng lời mắng nhiếc, huống nữa là đối với Phật. Đây chỉ là những phương tiện thiện xảo mà Bồ Tát phải dùng để độ sanh.
Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây :
Vào thời Phật Tỳ Bà Thi, Bồ Tát Thích Ca Mưu Ni thọ thân một vị Bà La Môn. Vị Bà La Môn ấy thấy Phật và chúng Tăng ăn quá mau, bèn phát lời rằng “Những người này đáng ăn lúa mạch của ngựa”. Do lời nói ấy mà phải thọ vô lượng khổ. Đến khi thành Phật rồi mà còn phải ăn lúa mạch của ngựa suốt ba tháng trời. Nên biết, việc Phật thị hiện ăn lúa mạch của ngựa như vậy cũng chỉ là phương tiện.
Trong kinh Thanh Văn có nói rằng Phật thường thọ thân nam, thường sanh vào nhà quyền quý, chẳng đọa vào ác đạo trong suốt 91 kiếp, từ thời Phật Tỳ Bà Thi đến nay. Lại có dẫn chứng lời đức Phật Tỳ Bà Thi dạy Bồ Tát Thích Ca Mưu Ni rằng: “Ông sẽ chẳng còn đọa vào ác đạo, và ở trong đời vị lại sẽ thành Phật”.
Những lời dẫn chứng trên đây cho thấy rằng sự việc Phật thị hiện thọ các quả báo chỉ là phương tiện thiện xảo để độ sanh vậy.
Hỏi: Cả 2 tội báo của Phật đều có ghi trong Tỳ Ni Tạng. Như vậy vì sao nói trong suốt cả 100 kiếp mà Phật chẳng bị đọa ác đạo?
Đáp: Hàng Thanh Văn, tùy theo A Tỳ Đàm mà luận nghị, lập ra bộ luận Tỳ Bà Sa.
Luận nghị về 2 tội báo trên đây của Phật chỉ được nghi trong bộ luận Tỳ Bà Sa, chẳng có ghi trong bộ Tỳ Ni Tạng. Vậy chớ có nên nhầm lẫn.
Lại nữa, như ngài Bạt Câu La chỉ cúng dường chư Tăng một quả kha lê lật mà được phước báo 91 kiếp, chẳng đọa vào ác đạo. Như vậy Bồ Tát trong vô lượng kiếp, đã đem thân mạng bố thí, đã thành tựu vô lượng công đức, chẳng có thể phải đọa địa ngục vì một tội nhỏ được.
Đây là vì hàng Tiểu Thừa do chẳng biết được các thứ phương tiện của Bồ Tát dùng để độ sanh mà nói ra như vậy. Chớ nên y vào bộ luận Tỳ Bà Sa mà nêu lên lời vấn nạn.
Lại nữa, Phật đã tự nói lên các nhân duyên độ chúng sanh. Ví như Bồ Tát mới sanh đã thị hiện đi 7 bước, nói kệ, rồi lại trở lại làm thân hài nhi bình thường v.v…
Như vậy Bồ Tát thị hiện vô lượng phương tiện để làm lợi cho chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh vào đạo giải thoát mà hàng Thanh Văn chẳng có biết rõ được.
Hỏi: Vì sao Bồ Tát nhất sanh bổ xứ chỉ sanh ở cõi trời Đâu Suất mà chẳng sanh ở cõi trời khác?
Đáp: Chư Thiên ở các cõi trời khác, như cõi trời Trường Thọ Thiên…, chẳng có biết được hạnh nguyện của Bồ Tát, nên thường sanh tâm nghi, cho đó là việc huyễn hóa.
Nếu sanh ở trong loài người, cùng chịu sanh tử như loài người mà tu được thành Phật thì hành trời sẽ chẳng còn tin, còn loài người sẽ sanh kiêu mạn. Cho nên Bồ Tát phải thị hiện sanh về cõi trời Đâu Suất, rồi từ cõi trời Đâu Suất sanh xuống làm người, khiến cả hàng Trời lẫn loài người đều sanh cung kính.
Lại nữa, chư Thiên ở cõi trời Đâu Suất đã được tâm nhu nhuyến, đã mỏng kiết sử, nên cõi Trời này thường là trú cứ của các vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ.
Ví như vị Thái Tử, trước khi lên ngôi, phải trì trai giữ giới ở trong thất suốt thời gian 7 ngày, sau đó mới lên chánh điện thọ vương vị. Bồ Tát nhất sanh bổ xứ cũng là như vậy. Trước khi làm Phật, thường ở cõi trời Đâu Suất, rồi từ đó thị hiện sanh về cõi người.
Khi Bồ Tát khởi niệm thọ sanh làm người, chư Thiên vì muốn phò trợ đạo pháp, nên đã khiến vô lượng chúng ma đến quấy nhiễu. Đây là phương tiện để thử tâm Bồ Tát.
Lại nữa, khi đã thọ thân người, Bồ Tát thị hiện rời bỏ 5 dục lạc; nhàm chán các cảnh già, bệnh, chết; thị hiện xuất gia dẫn đến được đạo Vô Thượng Bồ Đề. Trong kinh Bổn Sanh có nói rõ.
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát đầy đủ 6 thần thông, chẳng sanh về 3 cõi, mà chỉ đi từ Phật độ này đến Phật độ khác để cung kính, cúng dường, tán thán chư Phật.
Lại có Bồ Tát dùng du hy thần thông đi từ Phật độ này đến Phật độ khác. Bồ Tát đến đâu, thì ở cõi đó chẳng còn có Thanh Văn và Bích Chi Phật thừa, dẫn đến chẳng còn có danh tự Nhị Thừa. Lại có Bồ Tát dùng du hý thần thông đi từ Phật độ này đến Phật độ khác. Bồ Tát đến đâu, thì ở cõi đó thọ mạng vô lượng.
Lại có Bồ Tát dùng du hý thần thông đi từ Phật độ này đến Phật độ khác. Bồ Tát đến những nơi chưa có Phật pháp, để tán thán công đức của Phật, Pháp, Tăng, nên sau khi mạng chung sẽ được sanh về cõi Phật.
LUẬN :
Như trước đây đã phân biệt có 2 hạng Bồ Tát. Đó là:
– Hạng Bồ Tát pháp thân.
– Hạng Bồ Tát sanh thân.
– Bồ Tát pháp thân là hạng Bồ Tát đã đoạn sạch kiết sử, và đã được lậu tận thông
– Bồ Tát sanh thân là hạng Bồ Tát chỉ mới ly dục, và mới được 5 pháp thần thông.
Hỏi: Hạnh nguyện của Bồ Tát là độ thoát chúng sanh. Như vậy, vì sao Bồ Tát còn muốn trở về thế giới Phật, là thế giới thanh tịnh, thế giới vô lượng thọ?
Đáp: Ở đây nên phân biệt có 2 hạng Bồ Tát. Đó là:
– Hạng Bồ Tát có nhiều từ tâm, vì chúng sanh, mà thị hiện sanh về những nơi không có Phật, Pháp, Tăng, tán thán Tam Bảo, dạy cho chúng sanh tu các thiện pháp, khiến họ phát khởi được Bồ Đề tâm, rồi đần vào được đạo.
– Hạng Bồ Tát tu các công đức cho đến khi được Nhất Thừa đạo thanh tịnh. Hạng Bồ Tát này thị hiện sanh đến cõi Vô Lượng Thọ, là cõi nước tốt đẹp, thanh tịnh nhất, nhằm khuyến tấn chúng sanh tu tập, để mau đến cảnh giới Phật.
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát, từ sơ phát tâm, đã được sơ thiền, dẫn đến đệ tứ thiền, cũng đã được 4 vô lượng tâm, được 4 vô sắc định, đã tu 4 niệm xứ, 8 Thánh đạo, dến đến 18 bất cộng pháp, chẳng sanh vào 3 đường ác, mà thường sanh vào những nơi mà chúng sanh đã có thiện căn để nói pháp.
LUẬN :
Bồ Tát, dù sanh ở bất cứ nơi nào, hoặc là chỗ có Phật, hoặc là chỗ không có Phật, hoặc là chỗ thanh tịnh, hoặc là chỗ uế tạp, đều cũng chỉ nhằm đem lại lợi ích cho chúng sanh. Ở đâu Bồ Tát cũng dùng 10 thiện đạo, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định… làm lợi cho chúng sanh, dạy họ hoặc trì giới tại gia hoặc trì giới xuất gia, khiến họ thành tựu được thiền định, trí huệ.
Về thế giới thanh tịnh, nên phân biệt có hai thứ. Đó là :
– Thế giới hiện có Phật.
– Thế giới mà Phật đã diệt độ.
Ở các thế giới hiện có Phật đang trụ thế, Bồ Tát dẫn dắt chúng sanh đến với Phật, để được nghe pháp, khiến họ được nhiều lợi ích. Ở đâu, Bồ Tát cũng dùng tài thí và pháp thí làm lợi ích cho chúng sanh. Đối với người tại gia, Bồ Tát thường dùng tài thí; đối với người xuất gia Bồ Tát thường dùng pháp thí.
KINH :
Này Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát từ sơ phát tâm, đã thật hành 6 pháp Ba La Mật, vào Bồ Tát vị, được bất thối chuyển.
Lại có Bồ Tát, vừa sơ phát tâm, liền được Vô Thượng Bồ Đề, liền chuyển pháp luân làm lợi ích cho chúng sanh. Rồi sau khi nhập Niết Bàn, chánh pháp còn trụ thế thêm một kiếp nữa.
Lại có Bồ Tát, vừa sơ pháp tâm, liên được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật, và đã cùng trăm ngàn vị Bồ Tát khác đi từ cõi này đến või khác để thanh tịnh Phật độ.
LUẬN :
Ở đây, nên phân biệt có 3 hạng Bồ Tát. Đó là:
– Hạng Bồ Tát lợi căn, thượng trí, tâm kiên cố, từ trước đã tu vô lượng công đức trí huệ, đã từng gặp Phật, nghe pháp, đã thấy được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật. Hạng Bồ Tát này, khi vừa phát tâm, là liền được vào Bồ Tát vị.
– Hạng Bồ Tát độn căn, thiểu trí, asau khi phát tâm, vẫn phải tu tập 6 pháp Ba La Mật, vẫn phải cúng dường chư Phật trong khắp 10 phương, rồi rất lâu sau mới được vào Bồ Tát vị.
– Hạng Bồ Tát, sau khi phát tâm, dần dần bị nhiễm các tạp ác tâm, thường sanh niệm chấp ngã, thường mong cầu thủ chứng, khiến cho công đức hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề bị trì trệ. Hạng Bồ Tát này phải tu tập trong nhiều A tăng kỳ kiếp nữa, mới vào được Bồ Tát vị.
Như vậy là tùy theo Bồ Tát có các phước đức nhân duyên dày hay mỏng, đã tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật hay chưa tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, đã được tâm kiên cố hay chưa được tâm kiên cố, mà việc được vào Bồ Tát vị hay được quả vị Vô Thượng Bồ Đề có mau, có chậm, sai khác nhau. Ví như có 3 người dùng 3 loại xe khác nhau để cùng đi đến một địa điểm: Người thứ nhất dùng xe ngựa, người thứ hai dùng xe trâu, người thứ 3 dùng xe dê. Nếu 3 người cùng khởi hành một lúc, thì người đi xe ngựa sẽ đến đích nhanh nhất, người đi xe trâu đến chậm hơn, còn người đi xe dê phải thật lâu sau mới đến nơi chốn được.
Nói tóm lại, Bồ Tát từ sơ phát tâm, đã phân biệt có 3 hạng. Đó là:
– Hạng Bồ Tát đã có phước đức thanh tịnh.
– Hạng Bồ Tát tội ít, phước nhiều.
– Hạng Bồ Tát tội nhiều, phước ít.
Hạng Bồ Tát vừa phát tâm liền nhập Bồ Tát vị là hạng Đại Bồ Tát, bất thối chuyện. Hạng Bồ Tát này nhàm chán thế gian, thường ở nơi chân thật pháp, đã được tâm thanh tịnh, kiên cố. Bởi vậy nên vừa phát tâm Bồ Đề liền được Vô Thượng Pháp Luân, độ vô lượng chúng sanh, trú trong pháp Niết Bàn.
Lại nữa, cũng nên biết rằng Phật thường hiển dụng hai thứ thần thông. Đó Là :
– Thần thông khi còn tại thế.
Thần thông sau khi đã nhập vào Niết Bàn, lưu giáo pháp lại ở thế gian để độ chúng sanh.
Bồ Tát lợi căn cũng như vậy. Hạng Bồ Tát này đã cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng, đã đầy đủ 6 thần thông, nên thường trang nghiêm quốc độ của mình và quốc độ của Phật A Di Đà.
Phật A Di Đà, trước kia là Tỷ kheo Pháp Tạng, đã giáo hóa vô lượng chúng sanh, tự trang nghiêm quốc độ của mình.
Quốc độ của Phật A Di Đà là tịnh diệu quốc, nên được gọi là Cực Lạc Quốc Độ.
(Hết quyển 38)