LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP II
QUYỂN 30
Phẩm thứ Nhất
(Tiếp theo)
Thiện Căn Cúng Dường
(Cúng Dường Căn Lành)
KINH:
Muốn dùng thiện căn cúng dường chư Phật, muốn cung kính, tôn trọng, tán thán chư Phật, muốn tùy ý thành tựu thiện căn phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Bồ Tát trong vô lượng kiếp đã cung kính tôn trọng, tán thán chư Phật khắp mười phương.
Trong kinh có chép các mẩu chuyện sau đây:
– Bồ Tát Tu Ma Đề ngay khi vừa thấy đức Phật Nhiên Đăng đã dùng 500 tiền vàng để mua năm cành hoa sen xanh cúng dường Phật.
– Bồ Tát Tát Đà Bà Luân chẳng tiếc thân mạng, đã tự lóc thịt mình, tự thích huyết mình để cúng dường Bát Nhã Ba La Mật và vị thầy của mình là Bồ Tát Đàm Vô Yết.
Lại nữa, ví như người làm ruộng, gặp được ruộng tốt mà chẳng gieo được hạt lúa tốt thì rất buồn phiền. Bồ Tát gặp được Phật mà chẳng được cúng dường, chẳng gieo được thiện căn nơi ruộng phước của Phật, thì tâm chẳng được an vui. Vì sao? Vì nếu chẳng được cúng dường Phật thì thiện căn bị ngăn ngại, chẳng có thể tăng trưởng, và thiện quả báo chẳng sao có thể được đầy đủ.
Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát dùng thiện căn để cúng dường chư Phật khắp mười phương.
Hỏi: Vì sao lại dùng thiện căn để cúng dường mà chẳng có dùng hương hoa để làm nhân duyên cúng dường?
Đáp: Có hai nhân duyên cúng dường. Đó là:
– Dùng tài vật làm nhân duyên cúng dường.
– Dùng pháp thân làm nhân duyên cúng dường.
Nếu chỉ dùng hoa hương để cúng dường thì, đó chỉ mới là cúng dường tài vật, chưa phải cúng dường pháp. Nay nói dùng thiện căn để cúng dường, là nhiếp luôn cả cúng dường tài vật và cúng dường pháp. Cúng dường Phật được thể hiện bằng rất nhiều hình thức.
– Có người do thấy Phật có vô lượng công đức mà sinh tâm cung kính, tôn trọng, lễ bái hoặc nhiễu quanh, hoặc đứng sang một bên, hoặc dâng cúng hương hoa, trân bảo v.v… Như vậy là một hình thức cúng dường.
– Có người, do thấy Phật là bậc trí đức vô thượng, ở thế gian chẳng có ai sánh kịp, mà sinh tâm tôn trọng, tán thán v.v… Như vậy cũng là một hình thức cúng dường.
Hỏi: Bồ Tát chẳng còn chấp sự cúng dường. Như vậy tại sao còn muốn cúng dường Phật theo ý muốn?
Đáp: Phước đức tùy tâm khởi. Chỉ có sự cúng dường phát xuất từ tâm thanh tịnh mới được phước báo nhiều. Ví dụ như vua A Dục, khi còn nhỏ tuổi, lấy nắm đất cúng dường Phật nên được phước đức rất lớn. Về sau lên ngôi vua, ngài lại phát nguyện, cho khởi công xây cất tám vạn ngôi tháp trong một ngày. Bởi vậy nên tùy tâm cung kính mà cúng dường được rất nhiều phước đức.
Lại nữa, tùy thời cúng dường cũng được phước đức rất lớn. Ví như, gặp mùa lạnh, thì nên cúng dường các chất đốt như củi, dầu, cúng dường áo ấm, chăn mền, cúng dường các thức ăn nóng, v.v…Vào mùa nóng thì nên cúng dường quạt, cúng dường nước mát v.v… Tóm lại, phải nên tùy thời mà chọn các vật dụng, cách thức ăn uống… để cúng dường cho thích hợp. Như vậy là tài cúng dường.
Có Bồ Tát biết rõ bản nguyện của chư Phật là giáo hóa chúng sinh, nên đã tùy theo căn tính của chúng sinh mà dìu dắt họ vào đạo. Như vậy là pháp cúng dường.
Có Bồ Tát được thâm thiền định, có đủ thần thông, hoặc khinh thân bay đến các cõi khắp mười phương cúng dường chư Phật, hoặc hóa đủ các thứ hoa trời, hương trời, kỹ nhạc âm thanh để cúng dường chư Phật, hoặc lấy thân làm đèn để cúng dường chư Phật. Như vậy gọi là tài cúng dường.
Có Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật từ Sơ Địa đến Thập Địa, được Vô Sinh Pháp Nhẫn, diệt được phiền não nơi chính mình, và diệt phiền não cho chúng sinh. Như vậy gọi là pháp cúng dường.
Có Bồ Tát dùng thần thông vào chốn địa ngục, khiến lửa địa ngục tắt, vào chốn ngạ quỷ khiến ngạ quỷ được no đủ, vào trong chốn súc sinh khiến súc sinh lìa được sợ hãi, vào trong các cõi trời, cõi người giáo hóa họ, khiến họ được tâm bất thối. Làm các đại công đức như vậy gọi là pháp cúng dường.
Bởi nhân duyên vậy, nên kinh nói “Bồ Tát muốn thành tựu thiện căn phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”.
KINH:
Muốn thỏa mãn hết thảy các nguyện của chúng sinh phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Hỏi: Vì sao Bồ Tát muốn thỏa mãn hết thảy nguyện của chúng sinh?
Đáp: Bồ Tát tu tập nhằm hai hạnh nguyện, Đó là:
– Trên thì cúng dường chư Phật.
– Dưới thì độ thoát chúng sinh.
* Bồ Tát cúng dường chư Phật, là những đấng pháp vương nên được vô lượng công đức.
* Bồ Tát do hạnh nguyện độ thoát hết thảy chúng sinh, mà ra vào sinh tử, sống chung với chúng sinh, đưa họ vào Phật Đạo, khiến họ được mãn nguyện, được an vui lợi lạc. Bồ Tát dùng tài vật bố thí cho chúng sinh, khiến họ thoát khỏi cảnh đói khát, nghèo khổ bần cùng, lại bố thí pháp, khiến họ thoát lưới tà ma Ngoại Đạo.
Như vậy, là Bồ Tát đầy đủ cả hai hạnh nguyện: Cúng dường chư Phật, và độ thoát chúng sinh, khiến họ được mãn nguyện.
Hỏi: Bồ Tát có thể thỏa mãn hết thảy các nguyện của chúng sinh được không?
Đáp: Nên phân biệt hai thứ nguyện:
– Nguyện có thể thỏa mãn được.
– Nguyện không thể thỏa mãn được.
Ví như đứa trẻ muốn bắt bóng trong gương, muốn vớt trăng dưới nước, v.v… là những nguyện chẳng có thể thỏa mãn được.
Ví như người cầu lấy lửa nơi gỗ, nơi đá, cầu tìm nước dưới đất v..v… là những nguyện có thể thỏa mãn được.
Bồ Tát giúp chúng sinh thỏa mãn những nguyện có thể thỏa mãn được.
Lại nữa, cũng nên phân biệt hai thứ nguyện:
– Nguyện thế gian
– Nguyện xuất thế gian.
Ví như muốn có cơm no, áo ấm, có nhà ở, có công việc làm ăn v.v… là những nguyện thế gian.
Ví như muốn được giải thoát, vào Niết Bàn v.v… là những nguyện xuất thế gian.
Bồ Tát giúp chúng sinh thỏa mãn những nguyện thế gian chính đáng, rồi dần dần dẫn dắt họ vào con đường giải thoát giác ngộ.
Hỏi: Vì sao Bồ Tát chỉ dạy cho chúng sinh những việc dễ làm, mà chẳng dạy cho họ những việc khó làm?
Đáp: Nguyện được an lạc ở đời này là việc dễ làm. Nguyện đời sau được an lạc ở Niết Bàn là việc khó làm.
Từ khi sơ phát tâm, Bồ Tát đã muốn dạy cho chúng sinh tu hành theo chính đạo, nhưng rất nhiều chúng sinh chẳng kham nhẫn thọ hóa, nên Bồ Tát phải dạy cho họ những pháp môn dễ tu, như bố thí, tu phước, v.v… Dù có những chúng sinh chẳng muốn tu, nhưng Bồ Tát vẫn chẳng bỏ rơi họ, mà trái lại tìm mọi cách đến với họ. Bồ Tát cho họ ăn uống, cấp áo quần, chữa bệnh cho họ, cho họ hưởng các thú vui, v.v… nhằm kết duyên với họ, để đời sau họ vào được Đạo. Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát thường tu bố thí Ba La Mật, hiện thân vua chúa, thân trưởng giả giàu sang… đem tài vật bố thí cho vô lượng chúng sinh, khiến ai nấy cũng đều được cung cấp đầy đủ.
Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:
Cư sĩ Tần Đầu là một vị trưởng giả rất giàu có, lại có lòng từ bi rộng lớn. Ông phát nguyện hành đại bố thí. Nguyện như vậy rồi, ông ngồi trên chiếc giường làm bằng bảy thứ ngọc quý, truyền lệnh cho mở rộng cửa, và ngày đêm sáu thời, truyền đánh trống để dân chúng khắp nơi biết, đến nhận sự bố thí. Khi dân chúng đã tụ tập đông đảo, ông bèn ngửa mặt lên không trung chú nguyện. Liền sau đó, mưa từ trên đổ xuống muôn vạn thức ăn uống, đủ để cung cấp cho mọi người. Khi thấy mọi người đều đã mãn nguyện, ông mới vì họ nói pháp, khiến có rất nhiều người được Đạo, vào được Bất Thối Chuyển Địa.
Đây là trường hợp Bồ Tát dùng thần thông làm mãn nguyện chúng sinh.
Hỏi: Ngay khi Phật còn tại thế, chúng sinh cũng còn chịu cảnh đói khát, nghèo nàn. Như vậy vì sao nói Bồ Tát có thể vận dụng các thần thông nhằm làm mãn nguyện chúng sinh được?
Đáp: Bồ Tát, trú ở Thập Địa, đầy đủ sáu Ba La Mật, được bất thối chuyển rồi, có thể hoặc lên cung trời Đâu Suất, hoặc thị hiện xuống trần gian độ vô lượng chúng sinh, hoặc thị hiện nhập Niết Bàn để lại xá lợi cho chúng sinh đời sau xây tháp cúng dường, khiến được nhiều lợi lạc.
Đây là những hạnh nguyện của Bồ Tát.
–oOo–
Còn nói về Phật, thì phải nên biết rằng, Phật thân phân biệt có:
– Chân thân
– Hóa thân
* Chân thân của Phật biến khắp hư không, thuyết pháp truyền khắp mười phương thế giới, khiến các vị Bồ Tát trú Thập Địa, có chí lực lớn đều được nghe và tín thọ.
* Hóa thân là thân biến hóa, thị hiện sinh ở các cõi, để hóa độ chúng sinh. Như trường hợp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thị hiện thọ thân người, cũng đi đứng, nằm ngồi, cũng chịu nóng lạnh, đói khát, cũng thị hiện có sinh, có già, có bệnh, có chết y như mọi người khác.
Phật có đầy đủ công đức lực, nhưng chẳng làm mãn nguyện hết thảy chúng sinh. Vì chúng sinh tham sân si vô cùng tận, khó có thể dứt sạch phiền não, kiết sử, khó có thể thoát ra khỏi ngục tù ba cõi. Bởi vậy nên Phật đã vì chúng sinh, chỉ bày cho họ Niết Bàn chân lạc. Nếu chúng sinh nào tín thọ lời dạy, tinh tấn tu hành chắc chắn sẽ được mãn nguyện.
Trong kinh Duy Ma Cật có nói: “Phật chỉ cần ấn ngón tay là cõi Ta Bà này trở thành thanh tịnh, đầy dẫy bảy báu trang nghiêm. Thế nhưng chúng sinh do nghiệp chướng sâu dày, chẳng sao có thể hay biết được. Do vậy mà chẳng được mãn nguyện”.
Lại nữa, trong bốn lối ăn gồm đoạn thực, xúc thực, tư thức và thức thực1, thì đoạn thực làm tăng ích cho ba lối ăn kia, cho nên Phật dạy: “Bố thí thức ăn uống cho người được hưởng năm phước quả2”.
Đối với chư Thiên, thì các thức ăn uống đều là vị cam lồ, còn đối với loài người thì toàn là thứ ăn bất tịnh. Mặc dù vậy, Bồ Tát vì thương xót chúng sinh, tùy thuận theo sự ưa thích của họ mà bố thí cho họ được đầy đủ các thức ăn uống, áo quần chăn mền… như đã nói trên đây. Khi đã kết duyên với họ rồi, Bồ Tát sẽ phương tiện nói pháp dẫn họ vào Phật đạo.
Hỏi: Nếu bố thí Ba La Mật được vô lượng phước báo thì vì sao còn nói Bồ Tát muốn mãn hết thảy chúng sinh nguyện phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?
Đáp: Trước đây đã nói bố thí Ba La Mật phải hòa hợp với Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì chỉ có Bát Nhã Ba La Mật mới phá được hết thảy chúng sinh tướng. Bố thí như vậy mới được vô ngại. Cho nên kinh nói: “Muốn dùng các thần thông để làm lợi ích cho chúng sinh phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”.
KINH:
Này Xá Lợi Phật! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn khiến chúng sinh trong hằng sa thế giới được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Hỏi: Vì sao nói: “Bồ Tát muốn khiến chúng sinh trong hằng sa thế giới được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?”
Đáp: Bồ Tát, chẳng những muốn đem lại sự an vui, lợi lạc cho chúng sinh ở trong đời này, mà còn muốn khiến chúng sinh được an vui lợi lạc trong vô lượng đời sau. Bởi vậy nên, sau khi bố thí các thức ăn uống, áo quần, chăn mền,… khiến chúng sinh được an vui trong đời này, Bồ Tát lại dạy cho họ sáu pháp Ba La Mật, khiến họ được đầy đủ bốn đức là thường, lạc, ngã và tịnh ở đời sau.
Tuy Bồ Tát hành đại bố thí, nhưng vẫn còn nhiều chúng sinh, vì tội cấu sâu dày, vẫn chẳng có thể thọ nhận được. Ví như loài ngạ quỷ vừa thấy thức ăn, thì thức ăn ấy đã biến thành lửa chẳng sao có thể ăn được.
Bởi nhân duyên vậy, nên trong vô lượng kiếp, Bồ Tát chẳng bao giờ rời bỏ chúng sinh, mãi mãi theo chúng sinh để giáo hóa họ, mà vẫn chẳng bao giờ nhàm chán.
Hỏi: Đạo A Tu La có nhiếp vào đạo quỷ không?
Đáp: Đạo A Tu La chẳng có nhiếp trong đạo quỷ. A Tu La có sức lực đánh thắng cả Tam Thập Tam Thiên, lại thọ đầy đủ năm dục lạc, chẳng khác nào các chư Thiên cả.
A Tu La còn được gọi là thần A Tu La, hoặc là Thiên A Tu La, mặc dù A Tu La thọ lạc kém hơn chư Thiên rất nhiều.
Hỏi: Trong các kinh thường nói đến năm đạo chúng sinh mà thôi. Vì sao ở đây lại nói đến sáu đạo chúng sinh?
Đáp: Phật có lúc nói có năm đạo chúng sinh, có lúc nói sáu đạo chúng sinh, nhưng cũng chẳng có gì sai khác cả. Như kinh Pháp Hoa nói đến sáu đạo gồm Trời, Người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.
–oOo–
Bồ Tát dạy chúng sinh phải tu bố thí, để khỏi rơi vào ba đường ác (ba ác đạo). Chúng sinh nghe nói như vậy xả được tham sân si, tu hành bố thí. Do nhân bố thí, mà được hưởng quả phước báo ở đời sau, được ba thứ lạc là lạc ở cõi người (nhân lạc), lạc ở cõi Trời (thiên lạc) và lạc ở Niết Bàn (Niết Bàn lạc). Lại cũng do nhân bố thí mà mở được cửa vào Phật đạo, được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, được vô lượng công đức. Bố thí ví như đạo quân phá giặc kiết sử, ví như con thuyền lớn chở chúng sinh vượt qua biển sinh tử, ví như cỗ xe lớn đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.
–oOo–
Bồ Tát lại dạy chúng sinh tu trì giới. Ví như con được cha mẹ nuôi dưỡng, càng ngày càng khôn lớn thêm lên. Cũng như vậy, nếu giới được nuôi dưỡng, sẽ càng lâu càng thêm tăng trưởng, sẽ trở thành thanh tịnh, vô lậu. Giới là căn bản của người xuất gia. Người được tịnh giới ví như viên ngọc Ma Ni Bảo Châu, có thể tùy theo nguyện ước của chúng sinh, làm cho họ được thỏa mãn, được hoan hỷ.
Sau khi dạy tu bố thí, tu trì giới rồi, Bồ Tát lại dạy chúng sinh tu nhẫn nhục. Nhờ nhẫn nhục mà bố thí và trì giới mới được viên mãn. Nhẫn nhục ví như chiếc áo giáp bảo vệ mạng sống của người chiến sĩ, xông pha vào rừng đạn, ví như liều thuốc hay chữa trị các bệnh nhiễm độc, ví như kho tàng lớn chứa các nhóm công đức, ví như núi đồng vững chắc, ngăn chặn kẻ gian tà. Người cầu Phật đạo, nguyện độ chúng sinh, phải lấy nhẫn nhục làm lợi khí để tu tập các diệu hạnh. Người tu phải nghĩ rằng: “Nếu ta lấy sân để đáp lại sân, là ta đã tự hại ta. Do đời trước ta đã gây nên tội, nên đời nay mới gặp phải những việc bất như ý. Nếu đời trước ta đã chẳng tu nhẫn nhục rồi, mà đời nay ta lại cũng chẳng tu nhẫn nhục nữa, thì muôn đời ta sẽ phải chìm đắm trong khổ đau. Vậy ta phải tu xả các nghiệp nhân duyên đã tạo ra trong các đời trước, phải khởi lòng từ bi rộng lớn thương xót chúng sinh; ta chẳng bao giờ nổi sân hận nữa, vì lửa sân sẽ thiêu rụi rừng công đức của ta”. Người tu lại nghĩ rằng: “Đức Phật dạy pháp vô ngã, nhưng chúng sinh mê muội điên đảo, chấp có ngã, có pháp. Ngã và pháp đều do duyên hòa hợp sinh, vốn đều là tự tính không. Lại nữa niệm niệm sinh diệt, nên là vô thường. Chẳng có người đánh mắng ta, chẳng có ta chịu sự đánh mắng của người, dẫn đến sự đánh mắng cũng chẳng có nữa, vì tất cả đều là rốt ráo KHÔNG. Đã như vậy, thì ta đâu có gì phải sân hận, phải bực tức nữa. Ta phải biết rõ chúng sinh cũng như pháp đều là rốt ráo KHÔNG, đều là bất khả đắc. Như vậy mới vào được Vô Sinh Pháp Nhẫn”.
–oOo–
Bồ Tát lại dạy chúng sinh tu tinh tấn. Người tu mà giải đãi, chẳng có tinh tấn, thì chẳng sao có được công đức thù thắng.
Tinh tấn có hai tướng. Đó là:
- Hay làm các việc thiện.
- Hay trừ các việc ác.
Có thuyết lại nói tinh tấn có ba tướng. Đó là
- Muốn làm các việc thiện
- Muốn trừ các việc ác.
Có thuyết lại nói tinh tấn có ba tướng. Đó là:
- Muốn làm các việc thiện
- Muốn trừ các việc ác
- Làm thiện và trừ ác không mệt mỏi, không ngừng nghỉ.
Có thuyết lại nói tinh tấn có bốn tướng. Đó là:
- Việc ác đã sinh, phải trừ dứt.
- Việc ác chưa sinh, phải ngăn không cho sinh.
- Việc lành chưa sinh, phải khiến cho chúng sinh.
- Việc lành đã sinh, phải khiến tăng trưởng.
Người đời do tinh tấn mà vượt qua mọi khó khăn thử thách. Dù phải vượt sông, trèo núi cũng chẳng sờn lòng, quyết tâm đạt đến mục tiêu mong muốn. Người tu hành do tinh tấn mà thành tựu được hết thảy công đức, có đại từ, đại bi, đại trí tuệ làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh.
Tinh tấn, trì giới, bố thí là con đường phải theo của những ai muốn thừa sự chư Phật, muốn lợi lạc quần sinh. Vậy nên người tu phải nên tinh tấn tu hành các thiện pháp, chớ nên giải đãi.
–oOo–
Bồ Tát lại dạy chúng sinh tu thiền định. Vì sao? Vì thiền định đem lại thanh tịnh lợi lạc ở đời này, và pháp lạc nhiệm màu ở đời sau. Ví như người làm ruộng gieo giống lúa đốt để được mùa lúa tốt. Người tu hành lìa bỏ thế gian lạc, để được thiền định lạc.
Thiền định dẫn sinh trí tuệ, chiếu rõ các pháp như đèn sáng phá tan màn tối tăm u ám, khiến được bốn vô lương tâm là từ, bi, hỷ và xả, được các thần thông biến hóa.
–oOo–
Khi được thiền Ba La Mật rồi, sẽ được trí tuệ Bát Nhã, rõ biết thật tướng các pháp. Người không có trí tuệ ví như cầm thú, nên kinh có dạy rằng: “Trí tuệ là quý hơn hết. Trí tuệ Bát Nhã tiêu trừ các phiền não, đoạt dứt các nẻo đường sinh tử. Nhờ trí tuệ Bát Nhã mà được đầy đủ sáu Ba La Mật, được vô lượng Phật đạo, thành bậc Nhất Thiết Trí. Do trí tuệ Bát Nhã mà Bồ Tát quán chiếu được tâm niệm của chúng sinh. Do lực phương tiện Bát Nhã mà Bồ Tát khiến chúng sinh xa lìa được các huyễn pháp thế gian, tu sáu pháp Ba La Mật.
Bởi nhân duyên vậy, nên kinh nói: “Bồ Tát muốn khiến chúng sinh được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”.
KINH:
Muốn gieo trồng thiện căn nơi phước điền của Phật, từ khi sơ phát tâ, cho đến khi thành bậc Chính Đẳng Chính Giác, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Hỏi: Trước đã có nói về ba thiện căn là vô tham, vô sân và vô si. Sao nay lại nói về các thiện căn cúng dường, bố thí, trì giời, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, dẫn đến thiện căn trì tụng kinh pháp… như vậy có gì khác nhau không?
Đáp: Những thiện căn phá tham sân si, bố thí,… nhiếp về tu phước. Còn những thiện căn cúng dường, lễ bái, trì tụng kinh pháp, thiền định, trí tuệ… là những pháp gieo trồng công đức vào nơi phước điền của Phật. Cũng như vậy, nhất tâm kiến cố niệm Phật được vô lượng công đức.
Hỏi: Trong kinh có nói đến nhiều thứ phước điền (Ruộng phước). Vì sao nay chỉ nói đến phước điền của Phật mà thôi?
Đáp: Tuy có rất nhiều thứ phước điền, nhưng phước điền của Phật là đệ nhất phước điền vậy. Ví như có thuốc hay mà chẳng có thầy giỏi, thì thuốc ấy cũng chỉ là vô dụng. Phật có vô lượng công đức, cho nên phước điền của Phật cũng vô tận.
Phật, khi còn là vị Bồ Tát, đã kết duyên hết thảy với chúng sinh. Vì chúng sinh vô biên, nên phước điền cũng vô biên. Lại nữa, Phật có đại từ đại bi, có mười lực, có bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, dạy chúng sinh đoạn các phiền não, dẫn chúng sinh vào ba thừa đạo, vào Niết Bàn tịch tịnh. Bởi vậy nên trong kinh nói: “Phước điền của Phật là vô thượng phước điền”.
Hỏi: Hết thảy các pháp đều do nhân duyên hòa hợp sinh nên đều là vô thường cả. Như vậy vì sao nói phước đức gieo vào Niết Bàn là vô tận?
Đáp: Phật rõ biết, từ khi sơ phát tâm đến khi thành Phật, rằng các pháp tuy niệm niệm sinh diệt mà quả báo vẫn nối luôn, chẳng bao giờ đứt đoạn, nên là vô tận. Ví như ngọn đèn, khi đã được thắp sáng rồi, mặc dù ánh sáng sinh diệt chẳng hề ngưng nghỉ, nhưng nếu dầu được cung ứng điều hòa, tương tực thấm vào tim đèn, thì ngọn đèn sẽ được duy trì vô tận vậy. Cũng như vậy, hạt giống tâm khi đã được gieo trồng vào phước điền tốt, thì sẽ chẳng bao giờ mất, nên gọi là vô tận.
Bồ Tát rõ biết Niết Bàn là vô tận, nên phước đức gieo vào pháp Niết Bàn cũng là vô tận.
Hỏi: Niết Bàn vô tận, thì phước đức cũng vô tận. Như vậy, vì sao lại nói từ khi sơ phát tâm đến khi thành Phật nếu muốn có được quả báo vô tận, thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?
Đáp: Phước đức do lực trí tuệ. Niết Bàn do lực công đức. Vì công đức là bất sinh bất diệt, nên quả báo Niết Bàn được thành tựu cũng vô cùng, vô tận. Ví như vào KHÔNG tam muội để quán thế gian vô thường, rồi vào Vô Tướng tam muội, Vô Tác tam muội để quán thế gian là vô tướng, vô tác. Bởi vậy nên muốn gieo trồng thiện căn vào phước điền của Phật, thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
KINH:
Muốn được chư Phật khắp mười phương tán thán danh hiệu của mình, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Hỏi: Bồ Tát quán pháp KHÔNG, được vô ngã rồi.
Sao nay lại còn muốn được chư Phật tán thán danh hiệu của mình?
Đáp: Phật pháp có hai môn. Đó là:
- Thế Tục môn.
- Đệ Nhất Nghĩa môn.
Ở nơi Thế Tục môn, người này tu tuy rằng đã biết rõ các pháp đều là giả danh, nhưng vì muốn được Phật ấn chứng đạo Vô Thượng Bồ Đề, nên muốn được các đức Phật tán thán danh hiệu của mình.
Lại nữa, Bồ Tát muốn tin chắc chắn là mình đã được A Bệ Đạt Trí (bất thối chuyển) hay chưa, nên muốn được Phật ấn chứng. Vì sao? Vì chỉ có Phật mới thấy được công đức của người tu, mới như thật tán thán mà chẳng có lầm lẫn.
Phật là bậc Nhất Thiết Chủng Trí, nên những lời tán thán của Phật là như thật tán thán, chẳng có tăng, chẳng có giảm. Bởi vậy, nên người tu hành chỉ muốn Phật khen ngợi công đức của mình vậy.
Hỏi: Tâm Phật bình đẳng, chẳng có phân biệt. Vì sao chỉ tán thán Bồ Tát?
Đáp: Tuy Phật chắng có phân biệt, chẳng có thương ghét, nhưng do tâm đại bi thương xót chúng sinh, do muốn dìu dắt chúng sinh vào Phật đạo, mà Phật tán thán danh hiệu cùng công đức của chư vị đại Bồ Tát.
Phật tán thán chư vị đại Bồ Tát, nhằm hai mục tiêu. Đó là:
– Tán thán người chân tu, nhằm phá các ác ma.
– Tán thán Bồ Tát, nhằm khuyến dụ chúng sinh phải nhất tâm cung kính Bồ Tát. Nhờ vậy mà dễ thành tựu được Phật đạo.
Hỏi: Phật tán thán Bồ Tát bằng cách nào?
Đáp: Ở giữa đại chúng Phật muốn khiến chúng sinh vào được vi diệu, thậm thâm pháp, nên tán thán Bồ Tát.
Có thời Phật nói: “Vị Bồ Tát này đã vào được pháp KHÔNG, trải lòng từ bi đối với hết thảy chúng sinh, đã được Vô Sinh Pháp Nhẫn, thường khởi các nghiệp thiện ở thân, khẩu và ý. Tuy ở trong sinh tử mà vẫn có Niết Bàn, tuy trú nơi ba giải thoát môn mà chẳng có rời bỏ bản nguyện lợi sinh. Công đức như vậy thật là vô cùng to lớn”.
Có thời Phật nói, vị Bồ Tát này chưa được Vô Sinh Pháp Nhẫn, mà có lòng đại từ đại bi, thường vì chúng sinh hành đại bố thí, như dùng diệu như ý bảo châu bố thí, đem lại sự no ấm cho nhân dân trong nước.
Có thời Phật nói: “Vị Bồ Tát này đem đầu, mắt, tủy, não bố thí. Bồ Tát này bố thí chẳng hề tiếc thân mạng, như vậy, nên được vào pháp vị, được đầy đủ các thần thông”.
Có thời Phật nói: “Vị Bồ Tát này tu khổ hạnh mà vẫn chẳng cho là khó làm. Bồ Tát này có chí nguyện rộng lớn như vậy, có lòng đại bi như vậy, thường ái lạc Phật như vậy thật là hy hữu”.
–oOo–
Phật thường tán thán các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục nơi các Bồ Tát, nhằm phát khởi tín tâm thanh tịnh nơi chúng sinh. Phật lại tán thán các hạnh tinh tấn, thiền định, trí tuệ nhằm khuyến khích Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, và cũng nhằm khuyến khích chúng sinh theo gương Bồ Tát mà hành đạo.
Phật thường tán thán các đại Bồ Tát, như các ngàu Văn Thù Sư Lợi, Duy Ma Cật, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Phổ Hiền v.v…. Chư Bồ Tát này ra vào sinh tử khắp ba cõi, biến hóa vô số thân trong các loài, để giáo hóa chúng sinh. Phật lại thường nói: “Các việc hy hữu trong ba cõi đều do các hóa thân Bồ Tát làm nên cả”.
Bởi vậy, nên kinh nói “Bồ Tát muốn được Phật tán thán danh hiệu của mình phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”.
KINH:
Muốn mơi một niệm có thể ứng hiện khắp hằng hà sa thế giới Phật trong mười phương phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Bồ Tát có thần thông biến hóa, nên ở nơi một niệm có thể ứng hiện khắp mười phương thế giới.
Hỏi: Trong kinh nói: “Trong một sát na có 60 niệm khởi”. Như vậy, nơi một niệm làm sao có thể ứng hiện khắp mười phương.
Đáp: Trong kinh có nói đến năm sự việc chẳng có thể nghĩ bàn. Đó là:
– Nghiệp báo của chúng sinh nhiều ít chẳng thể nghĩ bàn.
– Lực thiền định của đại chúng tọa thiền chẳng thể nghĩ bàn.
– Lực của Long Vương chẳng thể nghĩ bàn.
– Phật lực chẳng thể nghĩ bàn.
– Thần thông lực của Phật chẳng thể nghĩ bàn.
Khi Bồ Tát vào thiền định, có đầy đủ thần thông lực rồi, thì ở nơi một niệm có thể đi đến mười phương thế giới. Chỉ có Phật và các vị đại Bồ Tát mới có được thần thông lực này.
Lại nữa, Bồ Tát có Vô Sinh Nhẫn lực, phá được các vô minh phiền não nên ở nơi một niệm có thể biến hóa thành vô lượng thân.
Lại nữa, Bồ Tát có trí tuệ lực, nên có thể chuyển lớn thành nhỏ, chuyển nhỏ thành lớn, biến vô lượng kiếp thành một ngày,… chẳng có gì ngăn ngại cả. Bởi vậy nên chẳng có nguyện gì mà Bồ Tát chẳng được đầy đủ.
Trong kinh Duy Ma Cật có nói: “Bồ Tát có thần thông lực, siêu việt mười phương thế giới, biến bảy đêm thành một kiếp”.
Hỏi: Do nhân duyên gì mà ở nơi một niệm Bồ Tát có thể đi đến mười phương thế giới?
Đáp: Do Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà được như vậy.
KINH:
Muốn được âm thanh vang khắp hằng hà sa thế giới Phật trong mười phương phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Bồ Tát có đầy đủ sáu thần thông, nên có phạm âm truyền khắp mười phương thế giới.
Hỏi: Phạm âm của Phật và của Bồ Tát có khác gì nhau không?
Đáp: Phạm âm của Phật truyền đi xa vô hạn lượng; còn phạm âm của Bồ Tát tuy cũng truyền đi rất xa, nhưng có hạnh lượng.
Như trong kinh Mật Tích nói: “Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông đi rất xa đi đến các cõi Phật khác mà vẫn còn nghe phạm âm của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tựa như đang ở ngay trước mặt Phật vậy”.
Hỏi: Như vậy, vì sao Phật thuyết pháp mà những người ở xa chẳng có thể nghe được?
Đáp: Phật âm có hai thứ. Đó là:
- Mật âm
- Ngữ âm bình thường.
Tùy theo quốc độ và căn cơ của chúng sinh ở mỗi quốc độ mà Phật thuyết pháp.
Những chúng sinh bình thường chỉ nghe được ngữ âm bình thường, nên phải đến gần nơi thuyết pháp mới có thể nghe rõ lời Phật.
Các đại đệ tử của Phật mới thông rõ được mật ngữ. Như trường hợp Ngài Mục Kiền Liên, dù đi rất xa chỗ Phật thuyết pháp, vẫn có thể nghe rõ được mật âm của Phật.
Các đại đệ tử của Phật mới thông rõ được mật ngữ. Như trường hợp Ngài Mục Kiền Liên, dù đi rất xa chỗ Phật thuyết pháp, vẫn có thể nghe rõ được mật âm của Phật.
Các đại Bồ Tát, do đã được pháp thân, nên ở đâu trong tất cả mười phương thế giới cũng nghe rõ được mật âm của Phật.
Hỏi: Nếu mật âm của Phật biến khắp cả mười phương thế giới, thì vì sao chúng sinh chẳng có thể nghe được?
Đáp: Chúng sinh, do nghiệp báo ngăn che, nên khi ở cách xa Phật chẳng có thể nghe được Phật âm, chẳng có thể thấy được Phật thân. Ví như người điếc chẳng có thể nghe được tiếng động, người mù chẳng có thể thấy được ánh sáng vậy.
Trái lại, các đại Bồ Tát đã tiêu sạch các nghiệp chướng, nên thường nghe Phật âm, thường thấy Phật thân mỗi khi niệm Phật.
Bởi nhân duyên vậy, nên kinh nói: “Bồ Tát muốn được phạm âm của mình truyền khắp mười phương thế giới phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.”
KINH:
Muốn các thế giới Phật chẳng đoạn diệt phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.
LUẬN:
Lời kinh trên đây mật ý nói: “Bồ Tát muốn khiến hết thảy chúng sinh phát tâm cầu vô thượng Bồ Đề, tức phát tâm làm Phật”.
Hỏi: Tâm đại từ đại bi của chư Phật và chư Bồ Tát rộng lớn, duyên hết thảy chúng sinh ở khắp mười phương thế giới. Như vậy vì sao chư Phật và chư Bồ Tát ở các thế giới khác chẳng có làm lợi ích cho chúng sinh ở thế gian này?
Đáp: Bồ Tát phát thệ nguyện độ hết thảy chúng sinh ở khắp mười phương thế giới. Bồ Tát có tâm đại từ đại bi rộng lớn, có đầy đủ các phương tiện trí tuệ, có vô lượng phước đức, có đại thần thông lực, tùy duyên hóa độ hết thảy chúng sinh, chẳng có phân biệt ở phương này hay phương khác. Chúng sinh nào có duyên được gặp Phật, gặp Bồ Tát đều được giáo hóa, và đều được độ cả.
Phải nên biết có hai nhân duyên phát khởi chính kiến. Đó là:
- Nội duyên.
- Ngoại duyên.
Chúng sinh nào có đầy đủ cả hai duyên ấy mới tu được vô lượng phước đức. Còn chúng sinh nào, ở đời trước cũng như ở đời này, chẳng gặp được đầy đủ hai duyên ấy thì chẳng có thể tăng trưởng thiện căn. Phật như mặt trời soi sáng vạn vật, nhưng người mù vẫn chẳng sao có thể thấy được ánh sáng mặt trời. Như vậy, do chẳng có mắt sáng mà người người mù chẳng có thể thấy được ánh sáng mặt trời, chẳng phải do mặt trời có lỗi chẳng có chiếu ánh sáng đến người mù ấy vậy.
Hỏi: Thế nào gọi là “Các thế giới Phật chẳng đoạn diệt”?
Đáp: Bồ Tát ở trong chúng sinh tán thán Phật đạo,hoằng dương chính pháp, khiến chúng sinh phát được tâm tín thọ, tinh tấn tu sáu pháp Ba La Mật. Như vậy là Bồ Tát làm cho ánh đạo vàng tỏa khắp nơi truyền từ phương này sang phương khác.
Lại nữa, Bồ Tát tu tập các phương tiện; đầy đủ trí tuệ lực, tiếp nối nhau giáo hóa chúng sinh, khiến đạo mầu được lưu truyền mãi mãi từ đời này sang đời khác.
Bởi nhân duyên vậy, nên Phật đạo được duy trì mãi mãi, chẳng bao giờ đoạn đứt. Chính vì vậy mà Phật phó chúc cho các Bồ Tát phải duy trì Phật đạo, khiến giống Phật chẳng bao giờ đoạn diệt.
Hỏi: Vì sao ở chỗ trung địa, quý trọng mới có Phật xuất thế, còn ở chỗ biên địa, hạ tiện lại chẳng có Phật?
Đáp: Việc trang nghiêm Phật độ là bình đẳng, không phân biệt. Thế nhưng, chúng sinh căn tính khác nhau, lại thường ham tu phước ở cõi người và cõi trời, chẳng có biết đến Niết Bàn Phật, nên phải cam chịu giam cầm trong ngục tù ba cõi, bị trầm luân mãi trong bể khổ sinh tử luân hồi.
Ví như mặt trời thường xuyên chiếu ánh sáng. Nhưng có nơi được mặt trời soi sáng sưởi ấm; cũng có nơi vẫn triền miên chìm đắm trong bóng đen, chịu cảnh tối tăm, giá lạnh. Những chúng sinh ở nơi tối tăm đó phải thọ nghiệp hắc ám vậy.
Người được thấy đại quang minh của Phật, được thấy quang minh của Bồ Tát là người đại phước báo. Người biết sám hối, hoặc đã quy y Tam Bảo, đã thọ năm giới, hoặc đã thị giới xuất gia, hoặc đã tu thiền định… thì lâu ngày cũng sẽ được thấy quang minh của Phật, cũng sẽ được bốn quả Sa Môn, sẽ được Niết Bàn an lạc.
Như vậy, ở nơi nào có vi diệu thiện pháp, làm duyên khởi, thì ở nơi đó có Tam Bảo xuất hiện, có sáu pháp Ba La Mật, có Niết Bàn an lạc.
Trái lại ở nơi nào chẳng có phước đức, thì chẳng có Tam Bảo. Chúng sinh ở các nơi đó, do bị vô minh hắc ám che tâm, nên chẳng có các thiện nghiệp, khiến phải bị rơi vào các đường ác vậy.
(Hết quyển 30)