LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
SỐ 1604
Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 10
Phẩm Thứ 21: GIÁC PHẦN (Phần 1)
Giải thích: Các Bồ-tát đều có tướng hổ thẹn, nên nói trong đây.
Kệ rằng:
Trị chướng và hơp trí,
Duyên cảnh cũng thành sinh,
Bồ-tát có tướng hổ,
Bốn khác nhau như thế.
Giải thích: Kệ nầy nói về Bồ-tát có bốn tướng hổ thẹn:
1. Tự tính.
2. Bạn loại.
3. Cảnh giới.
4. Tác nghiệp.
Trị chướng là xa lìa tính không hổ thẹn, đó là tự tính của hổ thẹn.
Hợp trí là tương ưng với trí vô phân biệt. Trí nầy là loại bạn biết hổ thẹn.
Duyên cảnh là Bồ-tát coi một ít chúng sinh không bị chướng làm cảnh đáng hổ thẹn, tức là Thanh văn, Duyên giác.
Tiểu là đối với Đại thừa.
Vô chướng là phá tan chướng ngại của phiền não.
Thành sanh (thành thục chúng sinh) là Bồ-tát có đức hổ thẹn nên lấy việc lập ra chúng sinh làm sự nghiệp của mình.
Đó là bốn tướng hổ thẹn.
Hỏi: Bồ-tát hổ thẹn đối với việc làm nào? Kệ rằng:
Bồ-tát đối sáu độ,
Chướng tăng đối trị giảm,
Không siêng, cũng siêng hành,
Ở đây sinh hổ thẹn.
Giải thích: các Bồ-tát rất hổ thẹn đối với bốn việc:
1. Khi có các độ bị chướng tăng thì Bồ-tát rất hổ thẹn.
2. Khi giảm sự đối trị với các chướng thì Bồ-tát rất hổ thẹn.
3. Khi tu tập các độ mà biếng nhác thì Bồ-tát rất hổ thẹn.
4. Khi siêng tu mà phải chịu tác động của các phiền não thì Bồ-tát rất hổ thẹn, đó là các căn thường mở ra chứ không ngăn giữ.
Hỏi: Sự khác nhau của sự hổ thẹn của Bồ-tát như thế nào?
Kệ rằng:
Sáu phẩm và hai phẩm,
Bảy địa và Nhị thừa,
Cũng tương tự là dưới,
Trái lại, nên biết trên.
Giải thích: Sáu phẩm là sáu phẩm trước trong địa bất định, mà có hổ thẹn là dưới.
Hai phẩm là hai phẩm trước trong địa định mà có hổ thẹn là dưới.
Bảy địa là bảy địa trước trong mười địa mà có hổ thẹn là dưới.
Nhị thừa là chúng sinh với tâm thấp kém mà có hổ thẹn là dưới, do có tâm tăng thượng mạn.
Cũng tương tự là Bồ-tát chưa được pháp Nhẫn vô sinh mà có hổ thẹn cũng là dưới.
Trái với hổ thẹn ở địa dưới là hổ thẹn ở các địa trên.
Hỏi: Pháp nào có chướng hổ thẹn và chướng ngại đó có mấy lỗi?
Kệ rằng:
Không hổ, mê không dứt,
Ba hại, và sáu quở,
Ba khổ: đọa, nạn thoái,
Mười hai lỗi, như trước.
Giải thích: Không hổ thẹn là Bồ-tát có chướng hổ thẹn. Nếu có chướng nầy thì phiền não không dứt, khi phiền não không dứt thì trước sinh ra ba điều hại:
1. Hại mình: nghĩa là không có tư duy chánh đạo do tự mình gây rối.
2. Hại người là giận và xả bỏ vì gây hại cho người.
Hỏi: Giận làm hại chúng sinh là đúng, nhưng xả sao lại làm hại chúng sinh?
Đáp: Bồ-tát ứng thân giáo hóa chúng sinh, nếu xả (bỏ) mà không giáo hóa thì đó là gây hại.
3. Hại cả hai là phá giới do gây hại cho người, xảy ra ba điều hại rồi thì đối với pháp hiện tại, có sáu điều bị quở trách là nghi ngờ ăn năn, mất lợi, mất ủng hộ, bị ruồng bỏ, bị phạt, tiếng xấu. Theo thứ lớp đó, sẽ bị sáu điều quở trách, nghĩa là từ chỗ mình tự quở trách cho đến mười phương các người quở trách. Như vậy về sau còn sinh ra ba lỗi nữa:
a) Rơi vào những chỗ đầy tai nạn.
b) Lui mất pháp lành đã có, chưa có.
c) Từ đó, phải chịu khổ lớn.
Đó gọi là không hổ thẹn, nó sinh ra mười hai lầm lỗi.
Hỏi: Đã biết chướng và lỗi lầm, nhưng còn công đức của hổ thẹn là gì? Kệ rằng:
Tất cả ác nầy thảy,
Nếu Bồ-tát có hổ,
Tất cả diệt, nên biết,
Bởi đã đối trị chúng,
Sinh trời, người thông minh,
Mau tròn đầy hai nhóm,
Thành sinh không lui sụt,
Lìa, không lìa là quả.
Giải thích: Bài kệ trước nói về công đức hổ thẹn lìa lỗi thì như trước đã nói. Bồ-tát có hổ thẹn, còn tất cả thì không.
Bài kệ sau nói có hổ thẹn thì tu tập được công đức, do đã gom chứa đủ năm quả cao tột.
Sinh lên trời, người đều thông minh là được quả của quả báo, nghĩa là thường được thông minh trí tuệ dù sinh lên trời hay sinh vào cõi người.
Mau tròn đầy hai nhóm là được quả tăng thượng, là được hai nhóm đại Bồ-đề.
Thành thục chúng sinh không lui sụt là được quả trượng phu, do những gì mà trượng phu làm.
Lìa là được quả tương ly, vì lìa chướng kia. Không lìa được quả nương tựa thì sinh bất cứ đâu cũng không buông bỏ sự đối trị các chướng kia.
Hỏi: Có thí dụ nào nói về công dụng của hổ thẹn? Kệ rằng:
Áo trái thì nhơ bẩn,
Phàm phu không hổ thẹn,
Áo trời lại, không nhơ,
Bồ-tát thẹn cũng vậy,
Bồ-tát thẹn đầy đủ,
Như hư không, chẳng nhơ,
Muốn hơn các Bồ-tát,
Cũng lấy thẹn trang nghiêm,
Như mẹ hiền thương con,
Thẹn hộ chúng sinh vậy,
Quán giáo hóa chúng sinh,
Việc nầy do hổ thẹn.
Giải thích: Trong đây, bài kệ thứ nhất nói hổ thẹn như y phục. Vì sao? Vì người có tính hổ thẹn thì lỗi nhơ bẩn không thể làm ô nhiễm.
Nửa trên bài kệ thứ hai, nói hổ thẹn như hư không. Vì sao? Vì người có hổ thẹn, dù gặp phải tám pháp thế gian, vẫn không bị ô nhiễm.
Nửa sau bài kệ thứ hai, nói hổ thẹn như món đồ dùng để trang sức. Vì sao? Vì người có tính hổ thẹn thì họ khôi ngô tốt đẹp hơn các vị Bồ-tát.
Bài kệ thứ ba, nói về hổ thẹn như mẹ hiền. Vì sao? Vì người có tính hổ thẹn che chở tất cả lỗi lầm trong sinh tử như voi, ngựa, lính. Quán sát và giáo hóa chúng sinh đều phát sinh từ đây.
Lấy y phục thí dụ là nói hổ thẹn có công năng đối trị các phiền não. Lấy hư không thí dụ là nói hổ thẹn có công năng đối trị tám pháp đắm nhiễm.
Lấy đồ trang sức thí dụ nói hổ thẹn có công năng thuận theo đồng hành.
Lấy mẹ hiền thí dụ là nói hổ thẹn có công năng thành thục chúng sinh.
Hỏi: Bồ-tát thực hành hổ thẹn, có tướng gì? Kệ rằng:
Không nhẫn và không làm,
Vừa nhẫn, vừa thực hành,
Phải biết bốn thứ nầy,
Là nói hành hổ thẹn.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về bốn tướng thực hành hổ thẹn:
1. Không nhẫn.
2. Không thực hành.
3. Nhẫn.
4. Thực hành.
Vì sao? Vì ai có hổ thẹn, đối với tất cả lỗi ác, thì có hai tướng trước, là không nhẫn, và không thực hành.
Đối với tất cả công đức thì có hai tướng sau, là nhẫn, và thực hành.
Hỏi: Vì sao hổ thẹn mà được Vô thượng? Kệ rằng:
Dạy tu đối hổ thẹn,
Cũng sinh năm tự ý,
Bởi pháp tin khác nhau,
Vô thượng, trước đã biết.
Giải thích: Như trước đã biết, kinh Đại thừa nói: “Lòng tin thanh tịnh phát sinh từ hổ thẹn, vì dùng chín thứ tâm sâu xa để tu tập, vì tu tập các định, như nương hư không,v.v… vì thuộc về trí vô phân biệt, vì một quả nhập vào tất cả quả”.
Đã nói Bồ-tát có hổ thẹn, kế đây là, nói về vô úy của Bồ-tát. Kệ rằng:
Các vị Bồ-tát không sợ,
Thể tướng và khác nhau,
Vững chắc và tốt đẹp,
Nay lần lượt giải thích.
Giải thích: Tinh thần không nao núng của Bồ-tát có bốn nghĩa giải thích:
1. Thể tướng.
2. Khác nhau.
3. Vững chắc.
4. Tốt đẹp.
Hỏi: Thể tướng là sao? Kệ rằng:
Khởi ba tấn, định, tuệ,
Siêng hăng hái mạnh mẽ,
Là nói tướng không sợ,
Cũng sáng tỏ các tên.
Giải thích: Tinh tấn, thiền, định, Bát-nhã, ba thứ ấy hiện diện là thể, tướng của không sợ. Siêng năng, hăng hái, vững chí, mạnh mẽ là bốn tính nầy nói về tên gọi không sợ.
Hỏi: Trong ba thứ trên, không sợ hãi thuộc vào thứ nào?
Kệ rằng:
Có các việc làm ra,
Hạ, động, ngu thì sợ,
Lìa ba quyết định ba,
Đó gọi không sợ, an.
Giải thích: Đối với các việc làm lợi tha, nếu tâm thấp hèn, xao động, ngu si thì Bồ-tát thấy sợ, vì sao ?
Do tâm thấp kém thì không siêng năng tu tập công hạnh mình.
Tâm lay động sẽ không an trụ vững chãi trong công hạnh.
Tâm ngu si thì không biết ứng dụng phương tiện trong công hạnh.
Theo thứ lớp, là dùng ba thứ tinh tấn, thiền định và Bát-nhã để đối trị ba tâm trên. Nếu đạt tính xác quyết thì gọi là vô úy.
Hỏi: Quyết định là sao?
Đáp: Ba đối trị nầy, nhậm vận, hiện tiền là quyết định.
Hỏi: Đã nói về thể, tướng của vô úy, còn sự khác nhau của vô úy thì thế nào? Kệ rằng:
Tự tính và đại nguyện,
Không đoái hòai, không lui,
Nghe sâu cũng năng hóa,
Đặt họ bên thân Phật,
Cũng hành các khổ hạnh,
Không buông xả sinh tử,
Sinh tử không thể nhiễm,
Là mười chỗ khác nhau.
Giải thích: Theo thứ lớp của hai bài kệ nầy mà nói về mười thứ khác nhau của tinh thần không nao núng:
1. Tự tính là vì thành tựu thể tính nên được vô úy.
2. Đại nguyện nghĩa là phát tâm Bồ-đề mà được vô úy.
3. Không đoái hòai là khi siêng năng làm lợi mình thì không đoái hòai đến thân mạng mà được vô úy.
4. Không lui sụt là khi siêng năng làm lợi người thì được vô úy, dù việc làm bị chống đối.
5. Nghe sâu xa là khi nghe thật nghĩa thì được vô úy.
6. Có công năng giáo hóa là đối với chúng sinh khó giáo dục thì dùng thần thông mà giáo hóa, nên được vô úy.
7. Đặt chúng sinh bên thân Phật là xây dựng Đại Bồ-đề cho chúng sinh, nên được vô úy.
8. Cũng thực hành các khổ hạnh làm các việc khó làm về khổ hạnh, nên được vô úy.
9. Không buông xả sinh tử là có ý sinh về đó, nên được vô úy.
10. Không bị sinh tử là ô nhiễm là sống trong nhiễm mà không bị ô nhiễm, nên được vô úy.
Hỏi: Đã nói về về sự khác nhau của vô úy, còn vững chắc là sao?
Kệ rằng:
Bạn ác và khổ nặng,
Nghe sâu, không thể lui,
Như cánh trùng trước gió,
Không động Tu-di, biển.
Giải thích: Do ba duyên mà Bồ-tát không sợ hãi, không lay động:
1. Gặp bạn ác.
2. Gặp khổ nặng.
3. Nghe pháp sâu xa.
Ví như con trùng sành có tung cánh lên, nó không thể quét hết nước biển hay làm núi lung lay. Ba duyên kia không thể làm lung lay tâm Bồ-tát cũng giống như vậy. Cho nên Bồ-tát được vững chắc nhờ vô úy.
Hỏi: Đã nói về về sự vững chắc, còn về nghĩa vượt trội của vô úy thì sao? Kệ rằng:
Trong các thuyết không sợ,
Vô úy Bồ-tát cao,
Tướng lạ, chắc, tốt đẹp,
Không giống điều nói kia.
Giải thích: Do ba nghĩa nói trước thì vô úy của Bồ-tát thật là tốt đẹp cao tột trong các thứ vô úy được nói trên.
Đã nói về vô úy của Bồ-tát, kế là nói về không lui sụt của Bồ-tát.
Kệ rằng:
Các Bồ-tát bất thoái,
Phẩm loại có ba việc,
Là nghe, tinh tấn, khổ,
Hổ, dũng, là chỗ nương.
Ham muốn đại Bồ-đề,
Là nói tính không lui,
Chưa thành, thành cực thành,
Ấy địa bày khác nhau.
Giải thích: Hai bài kệ nầy nói về phẩm loại không lui sụt là nương vào sự khác nhau của tự tính. Phẩm loại ấy có ba thứ
1. Nghe pháp không chán nên không lui sụt.
2. Tinh tấn mãi nên không lui sụt.
3. Dù sống trong sinh tử chịu khổ não nhưng không lui sụt.
Nơi nương có hai thứ:
1. Biết hổ thẹn.
2. Mạnh mẽ.
Ai có hổ thẹn thì không lui sụt. Ai có ý lui sụt thì điều ấy thật đáng xấu hổ.
Có dũng cảm thì không lui sụt. Kẻ lui sụt là người không có sức mạnh dũng cảm. Tự tính là ham muốn đại Bồ-đề. Nếu trái lại ham muốn ấy tức là lui sụt. Về khác nhau có ba thứ:
1. Chưa thành là các Bồ-tát ở giai vị Tín, Hạnh không lui sụt.
2. Thành nghĩa là các Bồ-tát từ Sơ địa đến bảy điạ không lui sụt.
3. Thành cùng cực là Bồ-tát tám địa trở lên đều không lui sụt.
Đã nói về về Bồ-tát không lui sụt, kế là nói về Bồ-tát biết pháp.
Kệ rằng:
Biết pháp, biết nghiệp pháp,
Biết tướng, biết vô tận,
Đắc quả và hai môn,
Thành sinh cũng trụ pháp.
Giải thích: Biết pháp là biết năm minh xứ:
1. Nội minh.
2. Nhân minh.
3. Thanh minh.
4. Y minh.
5. Xảo minh.
Biết năm luận ấy gọi là biết pháp.
Biết nghiệp pháp là biết lợi mình, lợi người, lấy đó là nghiệp.
Biết Nội luận: là tự tu và giảng cho người khác nghe.
Biết Nhân luận là bày nghĩa mình mà dẹp bỏ nghĩa khác.
Biết Thanh luận là luyện giọng mình cho thanh tao khiến kẻ khác tin nhận.
Biết Y luận để chữa bệnh cho kẻ khác.
Biết xảo luận là khiến kẻ khác tin, hiểu.
Biết tướng luận là biết năm thứ luận nầy, có được năm nhân là Bồ-tát biết tướng luận là:
1. Nghe được.
2. Giữ được.
3. Tụng được.
4. Nghĩ được.
5. Thông được.
Trước Bồ-tát nghe về luận. Nghe rồi nhớ chắc. Nhớ chắc thì tụng tập. Tụng xong thì suy nghĩ chân chính. Suy nghĩ chân chính thì thông đạt.
Thông đạt nghĩa là biết đây là công đức, đây là lỗi lầm, đây là lời tốt, đây là lời nói ác.
Biết vô tận là hiểu biết như vậy, cho đến Niết-bàn vô dư cũng vô tận.
Đắc quả là do chính mình biết mình được Nhất thiết chủng trí.
Hai môn là: Một Tam-muội, hai môn Đà-la-ni. Biết luận nên Bồtát dùng môn Tam-muội mà thành thục chúng sinh, do biết thuận theo mà thu hóa chúng sinh. Lấy môn Đà-la-ni mà thành thục Phật pháp là do thuận theo pháp mà mình có được, đều có thể gìn giữ.
Đã nói về Bồ-tát biết pháp, kế là nói về Bồ-tát biết thế gian.
Kệ rằng:
Biết bằng thân, bằng miệng,
Và biết bằng thật đế,
Bồ-tát biết thế gian,
Tối thắng, không ai hơn.
Giải thích: Nhờ vào ba thứ mà Bồ-tát biết thế gian:
1. Thân biết thế gian.
2. Miệng biết thế gian.
3. Nhờ sự thật (đế) mà biết thế gian.
Hỏi: Thân biết là thế nào? Miệng biết là thế nào? Kệ rằng: Thân biết là thư nhan, Miệng biết thì lời trước. Nó giúp thành đồ đựng, Tu hành theo chánh pháp.
Giải thích: Thư nhan là vẻ mặt hớn hở vui cười. Đây là thân biết thế gian.
Lời nói thốt ra trước là lời an ủi, hỏi han, khen ngợi. Đây là miệng biết thế gian.
Hỏi: Sự hiểu biết ấy nhằm để làm gì?
Đáp: Để giúp thành đồ đựng.
Hỏi: Trở thành đồ đựng cái gì?
Đáp: Khiến nó trở thành đồ đựng chánh pháp mà thuận theo tu hành.
Hỏi: Thế nào là biết sự thật thế gian? Bài kệ trả lời:
Biết hai, biết đời sinh,
Biết hai, biết đời diệt,
Do dứt lại chứng đắc,
Biết đế siêng tu hành.
Giải thích: Biết hai là biết thế gian sinh khởi, là biết hai đế khổ, tập là biết thế gian thường sinh, do nó sinh và phương tiện sinh.
Biết hai là biết thế gian diệt, là biết hai đế diệt và đạo thì biết thế gian có thể diệt, do nó dứt bỏ và phương tiện chấm dứt.
Hỏi: Biết sự thật về thế gian để làm gì?
Đáp: Để chấm dứt và được trí tuệ chân thật, hiểu sự thật mà siêng năng tu hành, dứt hết các sự thật về khổ tập, được là được sự thật về diệt và đạo.
Bởi dứt sự thật về khổ, nhân duyên của khổ, nên Bồ-tát đạt được sự thật về Niết-bàn và con đường dẫn đến đó, cho nên Bồ-tát quán xét các sự thật ấy mà tu trí tuệ đầy đủ. Như vậy là biết thế gian, tức là biết nghiệp của thế gian.
Đã nói về Bồ-tát biết thế gian, kế là nói về Bồ-tát tu tập bốn lượng. Kệ rằng:
Năng thuyên và ý nghĩa,
Thấu nghĩa cũng không lới,
Nên biết bốn thứ nầy,
Đó là tướng bốn lượng.
Giải thích: Năng thuyên là mười hai bộ kinh mà Như lai nói. Pháp ấy là lượng, chẳng phải con người là lượng.
Ý nghĩa là lý do trong văn. Nghĩa nầy là lượng, chẳng phải lời nói là lượng.
Thấu rõ nghĩa là những điều thế gian có thể tin và được Phật xác nhận. Thấu rõ nghĩa nầy là lượng, chứ chẳng phải không thấu nghĩa là lượng.
Không dùng lời nói là trí chứng ngộ ra khỏi thế gian. Trí nầy là pháp, chứ không phải thức là lượng.
Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói bốn lượng này? Kệ rằng:
Chê pháp và chê nghĩa,
Tà tư và đáng nói,
Ngăn dứt bốn việc nầy,
Thứ lớp, nói bốn lượng.
Giải thích: Nói pháp năng thuyên là lượng là nhằm ngăn dứt việc khinh chê người nói pháp, ý nghĩa là lượng là để ngăn dứt chê nghĩa trong các câu nói. Thấu rõ nghĩa là lượng là để ngăn dứt nói pháp với tư duy tà hiểu sai. Trí là lượng để ngăn dứt những gì có thể nói là trí.
Hỏi: Nương vào bốn lượng nầy, có công đức gì? Kệ rằng:
Lòng tin, suy nghĩ trong,
Nghe đúng, trí chứng ngộ,
Bồ-tát không thể hoại,
Nương lượng công đức đó.
Giải thích: Nương vào lượng thứ nhất thì không hư hoại lòng tin. Nương vào lượng thứ hai thì không thể hư hoại tư duy chân chính.
Nương vào lượng thứ ba thì không thể hư hoại những gì mình nghe chân chính.
Nương vào lượng thứ tư thì không thể hư hoại trí thế gian.
Đã nói về Bồ-tát tu tập bốn lượng, kế đây là nói về bốn hiểu biết không bị chướng ngại của Bồ-tát. Kệ rằng:
Đối môn, tướng, gọi trí,
Thông đạt không ai bằng,
Đó tức là Bồ-tát,
Bốn thứ vô ngại giải.
Giải thích: Thứ nhất gọi là biết Trí Môn, là vì có công năng biết nghĩa trong tất cả các thứ tên khác nhau.
Thứ hai là biết Tướng Trí, là vì có công năng biết nghĩa nầy thuộc về tên gọi nầy.
Thứ ba là biết Ngôn Trí, là có công năng biết thổ âm từng nơi khác nhau.
Thứ tư là biết Trí Trí, là vì có công năng hiểu biết, nói pháp trôi chảy.
Biết được bốn thứ trí nầy là vô ngại giải. Kệ rằng:
Năng thuyết và sở thuyết,
Nói đủ gồm ba việc,
Bốn thứ, hai lại hai,
Thứ lớp nhân ba việc.
Giải thích: Năng nói, sở nói, nói đầy đủ. Ba việc, mỗi việc đều có nhân duyên.
Năng nói, có bốn nhân duyên là:
1. Trí giáo thọ.
2. Trí thành thục.
3. Trí nhóm đầy đủ.
4. Trí giúp người giác ngộ.
Pháp được nói có hai nhân duyên là:
1. Pháp.
2. Nghĩa.
Bốn trí có công dụng đối với hai nhân duyên nầy.
Nói đầy đủ, có hai nhân duyên là:
1. Lời nói.
2. Trí.
Do hai món nầy mới thành tựu nói năng. Kệ rằng:
Nêu pháp giải thích pháp,
Giúp hiểu, tránh gặn hỏi,
Lập ra bốn vô ngại,
Nên biết về nghĩa ấy.
Giải thích: Nêu pháp được gọi là Môn. Giải thích pháp được gọi là Tướng, khiến người hiểu được gọi là Ngôn, tránh gặn hỏi được gọi là Trí.
Nên biết, trong đây pháp được nói và nghĩa của nó, được gọi là đủ ngôn và trí. Theo thứ lớp mà xây dựng bốn hiểu biết vô ngăn ngại.
Hỏi: Thế nào gọi là hiểu biết vô ngại chướng ngại? Nó có nghiệp gì? Kệ rằng:
Nội chứng và ngoại giác, Nên gọi vô ngại giải. Dứt được tất cả nghi, Đó là nghiệp của nó.
Giải thích: Nửa trên bài kệ nầy là lập danh. Nửa dưới là nói về nghiệp.
Tên gọi là do các Bồ-tát ban đầu dùng trí xuất thế gian nội chứng được các pháp đều bình đẳng, hiểu đúng như thật, về sau, dùng trí thế gian hậu đắc mà biết các pháp bên ngoài và những việc khác nhau của pháp môn. Vì lý ấy, nên gọi là vô ngại giải.
Nghiệp là từ hiểu biết nầy, mà dứt hết lưới nghi của tất cả chúng sinh. Đó gọi là Nghiệp.
Đã nói về bốn vô ngại giải của Bồ-tát, sau đây là nói về hai nhóm công đức của Bồ-tát. Kệ rằng:
Phước, trí là hai nhóm,
Thắng báo không ô nhiễm,
Tất cả các Bồ-tát,
Tướng tốt đều như vậy.
Giải thích: Phước, trí là hai nhóm hai nhóm là nhóm phước và nhóm trí.
Quả báo tốt đẹp vẫn không ô nhiễm là vì Bồ-tát có nhóm phước, nên đạt quả báo tốt đẹp, dù đang ở trong sinh tử. Và do nhóm trí nên được quả báo tốt đẹp kia vẫn không gây ô nhiễm cho tâm, thế nên tướng thù thắng của Bồ-tát là không ai bằng.
Hỏi: Hai nhóm ấy phối hợp với sáu độ thì sao?
Kệ rằng:
Hai độ trước thể phước,
Độ thứ sáu là trí,
Còn ba, hai nhóm nhân,
Năm cũng thành nhóm trí.
Giải thích: Hai độ trước là thể của phước là bố thí, thì giới Ba-lamật là thể của nhóm phước.
Độ sáu là trí nghĩa là Bát-nhã Ba-la-mật là thể của nhóm trí.
Ba độ còn lại là nhân của hai nhóm nầy là nhẫn nhục và tinh tấn, thiền định Ba-la-mật, làm nhân chung cho hai nhóm, vì cả hai đều thực hiện như nhau.
Năm độ cũng thành nhóm trí là vì Bát-nhã có thể hồi hướng, tất cả Ba-la-mật đều thành tụ trí cả.
Hỏi: Sao gọi là tụ? Nhiệm vụ của nó là gì? Kệ rằng:
Chánh tu và thường tu,
Giúp thiện gọi là nhóm,
Làm lợi mình, lợi người,
Thành tựu thì gọi nghiệp.
Giải thích: Nửa trên bài kệ là giải thích tên gọi. Nửa dưới bài kệ là nói về nhiệm vụ của nhóm. Tên gọi là Tam bà la, dịch nhóm. Tam là tu tập chân chính, Bà-la là thường tu tập. Vì tu chân chính và tu mãi, pháp lành được tăng thêm lên. Vì nuôi lớn lên nên gọi là nhóm.
Nghiệp là vì nhóm nầy mà có thể hoàn thành việc làm lợi mình, lợi người. Đó gọi là Nghiệp, nhiệm vụ.
Hỏi: Sự khác nhau giữa hai nhóm là gì? Kệ rằng:
Nhập địa, nhập Vô tướng,
Và nhập vô công dụng,
Thọ chức và rốt ráo,
Hai nhóm nhân lẫn nhau.
Giải thích: Những khác nhau trong đây là nhóm của Tín, hành địa kia là nhân để nhập địa. Nhóm của sáu địa là nhân để nhập vào vô tướng.
Vô tướng là nhóm thuộc về địa thứ bảy, vì tướng của địa nầy không còn khởi. Nhóm của địa thứ bảy là nhân để nhập vô công dụng. Nhóm của địa thứ tám, thứ chín là nhân nhập thọ chức. Nhóm của địa thứ mười là nhân để nhập rốt ráo. Rốt ráo là thuộc về Phật địa.
Đã nói công đức hai nhóm của Bồ-tát, sau đây nói về Bồ-tát tu tập bốn niệm xứ.
Kệ rằng:
Nương và đối trị,
Nhập đế và duyên duyên,
Tác ý và chí đắc,
Thuận theo cũng tùy chuyển,
Giác cảnh và thọ sinh,
Hạn cực dẫn tối thượng,
Thời gian dài, sau chứng,
Mười bốn tu cao nhất.
Giải thích: Hai bài kệ nầy nói bốn niệm xứ của Bồ-tát, gồm có mười bốn thứ tu tập cao quý:
1. Thắng tu nương tựa.
2. Thắng tu đối trị.
3. Thắng tu nhập đế.
4. Thắng tu duyên duyên.
5. Thắng tu tác ý.
6. Thắng tu chí đắc.
7. Thắng tu Tùy thuận.
8. Thắng tu tùy chuyển.
9. Thắng tu giác cảnh.
10. Thắng tu thọ sinh.
11. Thắng tu hạn cực.
12. Thắng tu tối thượng.
13. Thắng tu trường thời.
14. Thắng tu hậu chứng.
Thắng tu y chỉ là nương vào kinh Đại thừa mà phát khởi văn, tư, tu, tuệ làm tự thể.
Thắng tu đối trị là có công năng đối trị bốn ý tưởng trái ngược của bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, vì biết thân và các pháp vô ngã.
Thắng tu nhập đế là vì theo thừ lớp, thứ lớp mà đi vào các đế khổ, tập, diệt, đạo. Tự mình hiểu thấu người khác hiểu thấu, như Luận Trung Biên Phân Biệt nói.
Thắng tu duyên duyên là duyên vào thân của tất cả chúng sinh làm đối tượng.
Thắng tu tác ý là thân v.v…, không thật có.
Thắng tu chí đắc là thân là không hợp, không lìa.
Thắng tu tùy thuận là có các chướng ngại để đối trị và có công năng đối trị các chướng ngại.
Thắng tu tùy chuyển là bốn niệm xứ mà phàm phu, Nhị thừa, tu tập cũng thuộc tùy chuyển làm giáo thọ.
Thắng tu giác cảnh là biết thân huyễn như sắc tướng, biết thọ như mộng, đều là tà giác.
Biết tâm như hư không vì tự tính thanh tịnh. Biết các pháp như khách, khách nghĩa là trói buộc, nhơ bẩn, như hư không bị che phủ vì khói, mây, bụi, sương mù. Thắng tu thọ sinh là có ý sinh vào nơi nào để làm vua Chuyển Luân tối thắng. Thân sinh ở đó, nhưng thân pháp lại không bị nhiễm.
Thắng tu hạn cực là tu phẩm hạ của Niệm xứ cũng vượt cao hơn phẩm các của những lối tu khác, vì lợi ích của tự tính.
Thắng tu tối thượng là tu tập bốn niệm xứ chung và riêng bằng sự an nhiên, không cần cố gắng gì nữa.
Thắng tu trường thời là tu mãi đến Niết-bàn vô dư vẫn không bao giờ hết tu.
Thắng tu hậu chứng là từ mười địa cho đến Phật địa đều có thể tu. Đã nói Bồ-tát tu tập bốn niệm xứ, sau đây nói về Bồ-tát tu bốn chánh cần.
Kệ rằng:
Xả ba và nhập địa,
Trụ tịch và đắc ký,
Thành thục và thọ chức,
Tịnh độ và tròn đầy.
Giải thích: Tu tập bốn chánh cần là Bồ-tát đối trị những chướng ngại bốn niệm xứ. Nếu nói rộng về pháp đối trị nầy thì có mười thứ khác nhau, đối trị mười hành chướng ngại là:
1. Hạnh buông xả mê đắm là thọ thân tốt đẹp hữu lậu, nhưng không đắm nhiễm.
2. Hạnh buông xả những tâm lí che khuất nghĩa là xa lìa khỏi những tâm lý che chướng.
3. Hạnh buông xuống, nghĩa là lìa những Tác ý Nhị thừa.
4. Nhập vào địa hạnh nghĩa là nhập vào sáu địa đầu.
5. Hạnh trụ tịch, là nhập vào địa thứ bảy.
6. Hạnh được thọ kí nghĩa là nhập vào địa thứ tám.
7. Hạnh thành thục chúng sinh, nghĩa là nhập vào địa thứ chín.
8. Hạnh thọ chức: nghĩa là nhập vào địa thứ mười.
9. Hạnh tịnh độ nghĩa là gồm ba địa thứ tám, chín, mười.
10. Hạnh tròn đầy nghĩa là nhập vào Phật địa.
Bồ-tát tu tập bốn chánh cần là để đối trị mười hạnh chướng ngại nầy, đó là nói rộng về sự khác nhau.
Hỏi: Ý nghĩa tu tập mười thứ khác nhau nầy là gì? Kệ rằng:
Do dựa ý muốn tu,
Nên siêng khởi tinh tấn,
Nhiếp tâm và chánh trì,
Tu mười trị như vậy.
Giải thích: Ý nghĩa tu tập là dựa vào ý muốn mà phát sinh siêng năng, dựa vào siêng năng mà tinh tấn nhiếp tâm về chánh trì.
Đó là ý nghĩa tu tập, trong đó có tu tập bình đẳng, có tu tập tướng mạo, có tu tinh tấn.
Tu tập bình đẳng là do chánh cần nên chỉ quán được bình đẳng.
Tu có tướng mạo là tu chung ba tướng: Chỉ, cử, xả.
Tu tinh tấn là trong khi tu chỉ quán, nhằm dứt trừ hai chướng là trạo cử và hôn trầm mà phát sinh tinh tấn.
Hỏi: Khởi lên tinh tấn như thế nào?
Đáp: Là nhiếp tâm và chánh trì.
Gom tâm là Xa-ma-tha (chỉ).
Chánh trì là nếu tâm bình đẳng thì được an trụ như vậy, chánh trì như vậy, dùng ba sự tu tập nầy mà tu mười hạnh trước. Đó gọi là tu chánh cần.
Đã nói về Bồ-tát tu tập bốn chánh cần, sau đây là nói về Bồ-tát tu tập bốn thần túc. Kệ rằng:
Chia bốn thứ thần túc,
Lược dùng ba việc giải,
Nương tựa và phương tiện,
Cũng thành tựu nên biết.
Giải thích: Bài kệ nầy lược dùng ba sự phân biệt bốn thần túc:
1. Nương tựa.
2. Phương tiện.
3. Thành tựu.
Hỏi: Thế nào là nương? Bài kệ cho biết:
Chỗ thiền định nương tựa,
Có bốn túc khác nhau,
Một dục, hai tinh tấn,
Ba tâm, bốn tư duy.
Giải thích: Nên biết, nương vào thiền Ba-la-mật mà có bốn thứ thần túc khác nhau.
Hỏi: Thế nào là phương tiện?
Kệ rằng:
Bắt đầu làm, tùy nhiếp,
Trói buộc và đối trị,
Tùy kế tám hạnh dứt,
Ba, một, hai, hai thành.
Giải thích: Bắt đầu làm và tùy nhiếp, trói buộc và đối trị: phương tiện cũng có bốn thứ:
1. Phương tiện bắt đầu làm,
2. Phương tiện tùy nhiếp,
3. Phương tiện trói buộc.
4. Phương tiện đối trị.
Hỏi: Trong bốn phương tiện nầy, mỗi phương tiện dùng hạnh gì mà lập nên?
Đáp: Theo thứ lớp của tám hạnh dứt trừ là: Ba, một, hai, hai mà thành lập.
Tám hạnh trừ phiền não là:
1. Lòng tin.
2. Ham muốn.
3. Siêng năng.
4. Nương tựa.
5. Niệm.
6. Trí.
7. Suy nghĩ.
8. Xả.
Trong tám hạnh nầy, theo thứ lớp, lấy ba hạnh: Lòng tin, ham muốn và siêng năng mà thành lập phương tiện bắt đầu làm. Từ lòng tin mà khởi lên ham muốn, từ ham muốn khởi dậy siêng năng, cứ tuần tự như vậy, lấy một hạnh nương mà thành lập phương tiện tùy nhiếp, do nương dứt thì định sinh. Lấy hai hạnh là niệm và trí mà thành lập phương tiện trói buộc.
Do có chánh niệm mà tâm an trụ trong định, không lìa đối tượng.
Vì có chánh trí mà tâm lìa sở duyên, sau khi giác ngộ, theo lúc mà nhiếp hóa chúng sinh.
Dùng hai hạnh suy nghĩ, buông xả mà thành lập phương tiện đối trị, dùng suy nghĩ đối trị sự níu kéo của hôn trầm, dùng tâm xả đối trị sự dao động. Hai hạnh ấy là Vì đối trị các phiền não.
Hỏi: Thành thục ra sao?
Năng kiến và năng thọ,
Du hí và du nguyện,
Tự tại và đắc pháp,
Thành tựu sáu thứ nầy.
Giải thích: Sáu thứ thành tựu là:
1. Thành tựu năng kiến.
2. Thành tựu năng thọ.
3. Thành tựu du hí.
4. Thành tựu du nguyện.
5. Thành tựu tự tại.
6. Thành tựu đắc pháp.
Thành tựu năng kiến là năm thứ mắt: Mắt thịt, mắt trời, mắt tuệ, mắt pháp và mắt Phật.
Thành tựu năng thọ là sáu thần thông đều nương vào năm thứ mắt nầy nên có thể dạy trao. Theo thứ lớp của năm thứ mắt thì: Thần thông về thân là đi đến chỗ nầy, chỗ khác. Tai trời thì nghe khắp tiếng để nói pháp cho chúng sinh. Thần thông biết tâm người để cắt đứt những chướng ngại hữu vi, vô vi.
Thần thông biết rõ kiếp trước về những việc làm có liên hệ đến quá khứ, giúp chúng sinh biết khiến họ có lòng tin.
Thần thông mắt trời là biết người nầy chết đây sinh kia, khiến họ sinh tâm nhàm chán.
Thần thông lậu tận vì họ nói pháp, giúp họ được giải thoát.
Thành tựu du hí là đây có nhiều thứ, là các định biến hóa, v.v…
Thành tựu du nguyện là nhập vào sức mạnh của nguyện mà dạo qua các quả của nguyện, là phóng ánh sáng, phát lên tiếng nói, không thể kể xiết việc nầy. Việc rộng thì như trong kinh Thập Địa nói.
Thành tựu tự tại là có mười thứ, như kinh Thập Địa nói.
Thành tựu đắc pháp là chứng được lực, vô úy, pháp bất động.
Đã nói Bồ-tát tu tập bốn thần túc, kế đây là, là nói về Bồ-tát tu tập năm căn.
Kệ rằng:
Giác, hành, văn, chỉ quán,
Sở duyên căn tín thảy,
Căn nghĩa phát triển cao
,Do thành tựu lợi ích.
Giải thích: Tín căn lấy Bồ-đề làm sở duyên.
Tấn căn lấy hạnh Bồ-đề làm sở duyên.
Niệm căn lấy nghe pháp Đại thừa làm sở duyên.
Định căn lấy Xa-ma-tha làm sở duyên.
Tuệ căn lấy trí như như thật làm sở duyên.
Hỏi: Căn nghĩa là gì?
Đáp: Lòng tin v.v… Đối với sở duyên của nó cứ tăng lên mãi. Cho nên gọi là cội gốc, vì nó có công năng đem đến lợi ích.
Đã nói Bồ-tát tu tập năm căn, kế đây là, là nói Bồ-tát tu tập năm lực. Kệ rằng:
Nên biết căn tín thảy,
Khi nhập vào Sơ địa,
Chướng năm căn như vậy,
Năng làm mạnh là lực.
Giải thích: Với năm căn, khi nhập vào Sơ địa, có thể sinh ra không tin, biếng nhác, lãng quên, rối loạn, kém cõi, nên nói là sức mạnh để tăng sức.
Đã nói Bồ-tát tu tập năm lực, sau đây là nói Bồ-tát tu tập bảy giác phần. Kệ rằng:
Bồ-tát nhập Sơ địa,
Nêu lập ra giác phần,
Các pháp và chúng sinh,
Ở đây được bình đẳng.
Giải thích: Khi Bồ-tát nhập vào Sơ địa, do tỉnh giác pháp, nên lập ra tỉnh giác từng phần.
Hỏi: Giác là gì?
Đáp: Đạt được hiểu biết Bình đẳng các pháp và thân mình, người. Như vậy gọi là giác. Theo thứ lớp là đạt pháp vô ngã và nhân vô ngã.
Kệ rằng:
Như vua Luân vương đi,
Bảy báu dẫn đường trước,
Bồ-tát hướng Chánh giác,
Bảy phần thường tròn đầy.
Giải thích: Đây nói về bảy phần giác của Bồ-tát, giống như xe bảy báu của vua Chuyển Thánh.
Hỏi: Phần giác nào giống với báu nào?
Kệ rằng:
Niệm phục ở các cảnh,
Trạch pháp phá phân biệt,
Tiến nhanh giác vô dư,
Nói hỷ sáng khắp thân,
Hết che thảnh thơi an,
Các việc sinh từ Định,
Tùy lúc, ý muốn trụ,
Lấy bỏ đều do xả.
Giải thích: Thứ nhất là niệm giác phần giống như bảy báu của Luân Vương. Những bờ cõi nào chưa quy hàng thì vua có công năng làm cho quy hàng. Lãnh vực nào chưa quy phục thì Niệm có công năng làm cho quy phục.
Thứ hai là Trạch pháp giác phần giống như voi báu có công năng đẩy lùi các nước oán địch. Nó phân biệt kẻ thù lớn, mà phá tan đi.
Thứ ba là Tinh tấn giác phần, giống như ngựa báu, có công năng chạy tới tận cùng biên giới xa của đất nước, một cách mau lẹ, như bờ mé tận cùng của chân như, mau lẹ đến cõi giác.
Thứ tư là Hỉ giác phần, giống như châu báu. Ánh sáng châu báu như ngọn đuốc chiếu soităm tối, khiến vua hết sức vui mừng. Pháp sáng phá tan bóng tối của tâm, làm vui mừng tràn đầy.
Thứ năm là Khinh an giác phần, và bảo nữ. Vua hưởng thọ vui sướng khi xúc chạm mỹ nữ. Trí giải thoát nhẹ nhàng trước các chướng ngại của phiền não, dứt hết các điều ác.
Thứ sáu là Định giác phần, và kho tàng của quan Đại thần. Vua có sự cần dùng gì thì đều do các Đại thần chi xuất. Trí có vận dụng điều chi đều do định mà ra.
Thứ bảy là xả giác phần, giống như quân sĩ khéo, vua duyệt toàn lính, loại trừ kẻ yếu hèn, chọn lấy những người mạnh, cho theo hầu vua Chuyển Luân, vua đi bất cứ đâu, người hầu vẫn không mỏi mệt. Bồ-tát tu tập là bỏ điều ác, làm điều lành, theo trí vô phân biệt mà sống với hạnh vô công dụng.
Đã lập bảy phần giác giống như bảy báu, nhưng nghĩa nó thì thế nào?
Kệ rằng:
Y chỉ và tự tính,
Xuất ly và công đức,
Thuyết thứ năm bất nhiễm,
Phần nầy, có ba thứ.
Giải thích: Theo thứ lớp của bảy giác phần thì Niệm là phần nương. Tất cả các việc làm của Bồ-đề phần đều phải nương vào đây.
Trạch Pháp là tự tính phần, tất cả Bồ-đề đều lấy đây làm tự thể.
Tinh tấn là xuất ly phần do nó có công năng giúp Bồ-tát tới được chỗ rốt ráo.
Hỷ là công đức phần do nó có công năng khiến tâm vui vẻ tràn đầy.
Ba thứ khinh an, Định, Xả, là phần bất nhiễm, Khinh an là nhân bất nhiễm. Định là chỗ nương của bất nhiễm. Xả là tự tính của bất nhiễm.
Đã nói Bồ-tát tu tập bảy phần giác, kế là nói Bồ-tát tu tập tám phần chánh đạo, Kệ rằng:
Một chuyển như giác trước,
Lập chia hai cũng vậy,
Kế ba, ba nghiệp tịnh,
Ba sau ba chướng dứt.
Giải thích: Phần chuyển thứ nhất, như phần giác nói trước là phần thứ nhất, giác ngộ như thật, như ở giai vị trước, thời gian sau là tùy chuyển, đó gọi là chánh kiến.
Lập chia hai cũng vậy, là phần thứ hai những gì tự lập mà hiểu, như ở giai vị trước. Thâm nhập kinh Phật, Chư Phật lập vì kẻ khác mà phân biệt, gọi là chánh tư duy.
Kế là ba, ba nghiệp thanh tịnh là ba nghĩa kế tức chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Ba nghiệp là ngữ nghiệp, thân nghiệp và ý nghiệp. Như thứ lớp, lấy kế ba gồm thâu ba nghiệp nầy.
Ba, ba sau là trừ chướng ngại nghĩa là: Ba sau là chánh cần, chánh niệm, và chánh định. Ba chướng là trí chướng, định chướng và tự tại chướng. Theo thứ lớp ấy, dùng ba thứ sau đối trị ba chướng nầy. Do tu chánh cần, thời gian dài không lui sụt cho nên trí chướng dứt. Vì tu chánh niệm nên trạo cử, hôn trầm không có tự thể, cho nên chướng ngại định bị đánh lùi. Do tu chánh định với đức vượt trội đã thành tựu chướng ngại tự tại bị dứt trừ.
Như vậy là lập ra tám phần Thánh đạo, nên biết.