LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

MỤC LỤC

 

LÝ BÁCH DƯỢC VÂNG LỆNH VUA SOẠN LỜI TỰA

Thần được nghe: Đức Thiên Đế thọ lãnh pháp Vô thượng, thật là vận may phước lớn.

Luân Vương đến với đạo Chánh chân, đức hợp với trời đất, ấy là bậc Thánh đã đem đạo cả giáo hóa tuyệt hay, làm cho những gì chưa được tốt đều được thông suốt. Bởi lòng chí thành mà được cảm ứng, bởi công đức sâu xa mà ứng hiện điều nầy.

Lòng vua hằng trông ngóng về Tây Trúc nên nguồn pháp mới chảy về Đông, như mở ra bức tranh Hồng Phạm, tưởng chừng trong chiêm bao được đón nhận ánh từ sáng chói, tay cầm kinh điển mầu nhiệm.

Lời pháp nói ra từ miệng vàng của Phật như sợi tơ óng chuốt, được ghi chép thành từng chương trên lá Bối khô, cất giấu dưới cung rồng, để từ đó lại được đưa lên tôn thờ nơi cao trọng trong hoàng triều.

Thuở ấy, giáng sinh nơi Ca-tỳ-la, Phật tổ mở cửa Đại pháp là trao gương sáng không dấu vết, chèo thuyền không qua bên kia bờ giác. Có, không, đều để lại, sinh diệt đều quên xa, rực lên nguồn vui bặt trí, để lại bóng hình ngoài động tịnh.

Nhưng rồi bởi đem lợi ích cho người theo hoàn cảnh, nên Phật tổ đã ứng hiện dấu vết cho ai nấy cùng biết, làm vang động địa cầu, khiến cả trời người đều vui sướng, ánh sáng của Phật che khuất trời trăng, cả trăm ức núi Tu-di đều gội nhuần lời giáo hóa, thế giới Tam thiên đều

thâu nhiếp thương xót chúng sinh bị kềm kẹp trong ba độc, bị buộc ràng trong năm ấm. Tiếc cho kiếp phù sinh điện chớp, than cho đây quấn thân cây bờ nước, nên tám cửa ải thường rộng mở, chốn tối tăm hằng soi tuệ thức. Ba thừa đường về khuôn mẫu, đưa lòng từ vào nhà mục nát.

Rồng chuyển mình, sương mù bao phủ, thần rung động nhà trời phải theo, bởi Đại đạo là tâm.

Trông mây pháp mà nhìn phía xa, nghe lời là ngộ đạo. Từ buổi đầu vẫn nương theo tâm thương xót, nên chuyển đến Ba-la-nại, dùng nước trí tưới cây non vườn Lộc, rồi về Kỳ Viên rải pháp mầu cho nhuần nước trí. Rồi theo ánh sáng còn sót lại của mặt trời trí tuệ, giã từ nơi đây, ung dung qua sông Liên mà về với tịch nhiên Song thọ.

Rồi Thánh linh ngày càng cao xa, tượng pháp giáo nghĩa suy vi. Giáo nghĩa Đại thừa các chỗ khác nhau. Nền văn hiến nầy hầu như rơi xuống, bởi nhiều luận thuyết ra đời xuyên tạc, chia ra nhiều mối manh. Đó là ngọn ngành nào phải Chính giáo, lắm phái nhiều dòng.

Thiên Thân dù bậc Sơ học mà còn phải lo ngờ vực về miền Tây Hà, Long Thọ dù là bậc cao tột vẫn phải lo than về miền Đông Lỗ.

Nay tôi kính mong pháp bảo sáng mãi sự thật vô vi.

Cho nên văn kinh chép: “Phật dùng pháp làm thầy, Phật từ pháp sinh ra, Phật nương vào pháp mà an trụ”.

Đâu phải ngừng lại ở suy ngẫm chút ít mà thấu được hết tính, đâu phải bấy nhiêu mà tới được chỗ cốt của muôn vật hiện bày mầu nhiệm nầy, hay chú tâm vào hơi thở ra vào không hở để bao gồm nguyên khí mà thôi.

Ôi! Trời kia cao lớn biết bao, nắng mưa vẫn xoay bởi công sức của trời, cao đất dày nầy che chở mà núi, đầm thông suốt với khí kia. Do vậy, họ Cơ đã bày tầm vóc Đại thánh bằng cách khen ngợi chỗ sâu kín của kinh Dịch. Ông Khâu Minh đã lấy đức e thẹn của người cùng thời mà kể lại những lời khiêm tốn. Các nhà soạn luận để soi sáng kinh điển cũng cùng noi theo đường hướng cốt yếu kia. Luận Đại thừa Trang Nghiêm Kinh nầy, do Vô Trước biên tập. Sau khi Đức Như lai diệt độ, Bồ-tát Vô Trước với văn chương hàm súc phát sáng lên ba mươi hai tướng sáng tỏ và tinh vi, với tám ngàn ức kết sử tan tác bay theo gió. Từ đó, mở rộng chánh pháp làm đẹp cho kinh ngọc, nói về cội nguồn công đức chân như, làm rực rỡ giai vị Đại Sĩ, phá bỏ chấp trước Tiểu thừa, lập nên giềng mối của Đại thừa với Đại phẩm Bồ-đề của nó là chỗ mầu nhiệm tột cùng. Chuyển tám thức thành bốn trí, từ bốn trí mà phát sinh ba thân. Bộ luận nầy, chưa từng thấy trong các kinh luận đã có, có thể nói cho biết những gì cần nghe chưa được nghe, cần thấy những gì chưa được thấy.

Thánh thượng nhận mạng báu truyền nhanh mà ai nấy đều nhóm họp trước vua, để cùng nhau cúi đầu trước Đấng Thiên Nhân sư, là bậc cao quí, với trí hiểu biết khắp cùng vạn vật. Bồ-tát đã đáp lại cho mệnh số vua người mà soi sáng đạo lý ba minh. Thế nên vua ban ơn rộng khắp bên ngoài mà thần trí vẫn lắng yên bên trong. Nắm đầu mối chính mà sai khiến vạn linh, không trị mà muôn nước chầu về. Vua đã giăng dài sợi tơ óng chuốt của tạo hóa nguyên sơ là đóng mở đến chỗ cuối cùng của kho âm dương, nên vua đã thành công, bốn bề ổn định chế tác lễ nghi âm nhạc và những điệu múa tuyệt vời. Lời nói cảm động khiến hoa cỏ xanh rờn, đấng Di luận là tạo hóa bao đầu, với bờ cõi vững bền, dù giàu sang tột bậc, những khuôn phép cao vời của vận nước vẫn không cùng tận, đạo vua ngày càng rực sáng huy hoàng, chỉ đường cho bao sinh linh.

Thế nên tất cả sách Phật, vua cũng ra lệnh phiên dịch hết. Tam tạng pháp sư Ba-la-phả-ca-la-mật-đa (Trung Quốc dịch là Minh Hữu) là dòng Sát-đế-lị, nước Ma-kiệt-đà, Trung ấn Độ. Người đã tới kinh đô đời Đường vào tháng mười hai niên triệu Trinh Quán năm đầu (62 TL) đời Đường. Pháp sư là vị tinh chuyên giới hạnh, siêng năng, tài cao học thức rộng, đạo đức cao siêu gần đến Sơ quả, tài năng lắm vẻ, như bậc Á thánh nối tiếp đời sống rũ sạch bụi trần như Phật-Đồ-Trừng, La-thập, trước kia. Người đến và trở thành khách quí tiêu biểu của Thượng khách quốc gia. Người có lối sống vươn cao của chí khí rộng lớn, như bước lên cõi mầu nhiệm. Lòng vua trân trọng từ đó, vua thường kính lễ. Người có sức nhớ vững chắc sâu rộng đối với những gì nghe thấy, nghiên cứu đến những chỗ sâu sắc, thông suốt những chỗ nhỏ nhiệm tinh tế. Các bậc Đại Đức ở kinh thành không ai chẳng tôn sùng kính phục. Bắt đầu từ niên hiệu Trinh Quán thứ tư, vâng lệnh vua dịch kinh. Vua lại còn ra lịnh cho quan Thượng Thư Tả Bộc xạ Ban quốc công là Phòng Huyền Linh và Tán kị thường thị hành Thái tử là Đỗ Chánh Luận, dòng cùng lựa chọn những vị tài khéo trong Tăng-già như: Nghĩa Học Pháp Sư,

Tuệ Thừa, Tuệ Lãng, Pháp Thường, Trí Giải, Đàm Tạng, Trí thủ, Đạo

Nhạc, Tuệ Minh, Tăng Biện, Tăng Trân, Pháp Sum, Linh Giai, Tuệ Trách, Tuệ Tịnh, Huyền Mô, v.v… cùng nhau ở chùa Thắng Quang làm công việc phiên dịch đầy vinh quang nầy.

Vua lại ra lệnh cho Tiêu Cảnh, con trai của Thái Phủ Khanh Lan Lăng, coi về việc sửa chữa biên tập.

Tam Tạng Pháp Sư nói: “Các học giả ngoại quốc khi muốn học Đại thừa, Tiểu thừa, đều phải lấy luận nầy làm gốc. Ai không thông suốt luận nầy thì chưa có thể hoằng pháp được. Cho nên suy nghĩ chuyên tinh, nghiên cứu thêm nữa”.

Pháp sư Tuệ Tịnh là bậc thông thái hiểu rộng nhận lệnh của vua mà coi về phần văn chương. Pháp Sư Huyền Mô là người hiểu rành phương ngôn lại kiêm luôn việc giải thích nghĩa. Các vị đều hết lòng dịch sang tiếng Trung Quốc. Công việc không chút lầm lẫn, dự kiến công việc hoàn tất vào đầu mùa Xuân niên hiệu Trinh Quán năm thứ bảy.

Bộ luận nầy chia thành mười ba quyển, hai mươi bốn phẩm. Lý Bách Dược vâng lệnh vua mà soạn lời tựa nầy.