LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 13

Phẩm Thứ 23: HÀNH, TRỤ

Giải thích: Đã nói về công đức của Bồ-tát, kế là nói về năm tướng của Bồ-tát. Kệ rằng:

Trong tâm có thương xót,
Ái ngữ và mạnh mẽ,
Dang tay và giải nghĩa,
Là năm tướng Bồ-tát.

Giải thích: Bồ-tát có năm tướng:

1. Tâm thương xót.
2. Lời nói dịu dàng.
3. Mạnh mẽ.
4. Dang rộng hai tay.
5. Giải thích nghĩa.

Tâm thương xót nghĩa là dùng tâm Bồ-đề dìu dắt, đem lại lợi ích cho chúng sinh.

Lời nói dịu dàng là giúp các người có lòng tin chân chính đối với pháp Phật.

Mạnh mẽ làm những việc khổ nhọc khó làm nhưng tâm không lui sụt.

Dang rộng hai tay là dùng của cải để thu phục, giáo hóa.

Giải thích nghĩa, dùng pháp để giáo hóa.

Năm tướng nầy, nên biết: Một tướng đầu là tâm, bốn tướng sau là hạnh.

Đã nói về năm tướng của Bồ-tát, kế là nói về vị trí xuất gia và tại gia của Bồ-tát. Kệ rằng:

Bồ-tát trong mọi lúc,
Thường ở ngôi Luân Vương,
Làm lợi ích chúng sinh,
Phần tại gia là vậy.

Giải thích: Bồ-tát tại gia thường làm Luân Vương, giáo hóa chúng sinh, thực hành mười điều lành, lìa mười điều ác. Đó làm lợi ích.

Kệ rằng:

Thọ đắc và pháp đắc,
Và do thị hiện thành,
Ba thứ phần xuất gia,
Ở trong tất cả địa.

Giải thích: Bồ-tát xuất gia có ba phần:

1. Phần thọ đắc: là được người ủng hộ.
2. Phần pháp đắc: là được che chở không lưu xuất.
3. Phần thị hiện: là biến hóa vừa tạo tác, vừa lãnh thọ.

Đắc phần là tín, hạnh, địa. Pháp đắc phần và thị hiện phần là nhập vào đại địa. Kệ rằng:

Nên biết phần xuất gia,
Đủ vô lượng công đức,
So với người tại gia,
Xuất gia là tuyệt diệu.

Giải thích: So sánh hai phần thì xuất gia là tuyệt diệu, có vô lượng công đức.

Đã nói về phần cao quý của xuất gia, kế đây là nói về năm thứ tâm rất rộng lớn của Bồ-tát. Kệ rằng:

Ái quả và gốc lành,
Muốn chứng được Niết-bàn,
Chưa tịnh, tịnh, cực tịnh,
Là ở trong các địa.

Giải thích: Năm tâm rất lớn là:

1. Tâm vui rất lớn.
2. Tâm làm lợi ích rất lớn.
3. Tâm chưa tịnh rất lớn.
4. Tâm đã thanh tịnh rất lớn.
5. Tâm cực tịnh, rất lớn.

Ái quả là tâm vui rất lớn, nó giúp cho tất cả chúng sinh được quả đáng yêu mến đời sau.

Gốc lành: là tâm làm lợi ích rất lớn, giúp cho tất cả chúng sinh thực hành các điều lành hiện tại và được Niết-bàn.

Chưa tịnh là tâm chưa tịnh rất lớn, tức Bồ-tát ở địa Tín, hạnh.

Tịnh là tâm đã tịnh rất lớn là Bồ-tát ở Sơ địa cho đến địa thứ bảy.

Cực tịnh là rất tịnh, rất lớn. Tức Bồ-tát ở ba địa sau.

Đã nói về năm thứ tâm rất lớn của Bồ-tát, kế đây nói về bốn thứ nhiếp hóa (thu phục giáo hóa) chúng sinh của Bồ-tát. Kệ rằng:

Dục lạc và bình đẳng,
Tăng thượng và đồ chúng,
Bốn tâm ở các địa,
Dẫn dắt các chúng sinh.

Giải thích: Bốn thứ nhiếp hóa (thu phục giáo hóa) chúng sinh là:

1. Nhiếp hóa tâm dục lạc là dùng tâm Bồ-đề để nhiếp hóa.
2. Nhiếp hóa bằng tâm bình đẳng là vì nhập vào Sơ địa là được tâm nhiếp hóa bình đẳng giữa mình và người.
3. Nhiếp hóa bằng tâm tăng thượng là vì ở giai vị chủ, dùng sức mạnh tự tại mà nhiếp hóa.
4. Nhiếp hóa đồ chúng bằng tâm đồ chúng, là vì đã thu phục giáo hóa thành đệ tử mình.

Đã nói về bốn thứ nhiếp hóa chúng sinh của Bồ-tát, kế đây nói về bốn thứ thọ sinh của Bồ-tát. Kệ rằng:

Nghiệp lực và nguyện lực,
Định lực và thông lực,
Nương bốn sức mạnh nầy,
Bồ-tát mới thọ sinh.

Giải thích: Bốn thứ thọ sinh là:

1. Thọ sinh do sức mạnh của nghiệp.
2. Thọ sinh do sức mạnh của thệ nguyện.
3. Thọ sinh do sức mạnh của định.
4. Thọ sinh do sức mạnh của thần thông.

Thọ sinh do sức mạnh của nghiệp: là Bồ-tát ở địa Tín, Hạnh, do sức nghiệp tự tại nên thọ sinh tùy theo chỗ mình ưa thích.

Thọ sinh do sức mạnh của thệ nguyện là Bồ-tát nhập vào đại địa nguyện lực tự tại, nhưng do nguyện muốn thành thục chúng sinh cho nên thọ sinh trong loài súc sinh.

Thọ sinh do sức mạnh của định là Bồ-tát được định, sức định tự tại, nên xả bỏ cõi trên mà thọ sinh xuống cõi dưới.

Thọ sinh do sức mạnh của thần thông, sức thần thông tự tại, nên ở cung trời Đâu suất, nhưng có công năng thị hiện các tướng mà thọ sinh.

Đã nói về bốn thứ thọ sinh của Bồ-tát, kế là nói về mười một trụ tướng của Bồ-tát. Kệ rằng:

Chứng không, chứng nghiệp quả,
Trụ thiền, trụ giác phần,
Quán đế, quán duyên khởi,
Vô tướng, vô công dụng,
Hóa lực, tịnh hai môn,
Ấy là Bồ-đề tịnh,
Do những lời nói trên,
Lập tướng địa, nên biết.

Giải thích: Mười một trụ tức là mười một địa. Trụ gọi là địa.

Chứng không là nói về tướng Sơ trụ, do thường hay trụ vào nhân vô ngã, pháp vô ngã.

Chứng nghiệp quả là nói về tướng trụ thứ hai, vì nghiệp chứng và quả không hư mất. Có công năng hộ trì giới.

Trụ thiền là nói về tướng trụ thứ ba, có thể sinh vào cõi dục, nhưng không lui sụt thiền.

Trụ giác phần là nói về tướng trụ thứ tư, có thể vào sinh tử nhưng không bỏ mất phần giác ngộ.

Quán đế là nói về tướng trụ thứ năm dùng sự sáng suốt giáo hóa phiền não, chỉ duy tâm phiền não, giáo hóa bằng lý vô ngã.

Quán duyên khởi là nói về tướng trụ thứ sáu, có công năng không khởi tâm nhiễm, vẫn theo duyên khởi mà thọ sinh.

Vô tướng là nói về tướng trụ thứ bảy, là việc làm tuy dụng công, nhưng tham cứu đạo cao hơn một bậc, phần nhiều đều an trụ vô tướng.

Vô công dụng là nói về tướng trụ thứ tám, dù đang ở cõi nước thanh tịnh của Phật, không sinh tạo tác nên thường hay trụ trong vô công dụng.

Sức mạnh giáo hóa là nói về tướng trụ thứ chín, do có bốn năng lực khéo ăn nói tự tại nên có thể thành thục tất cả chúng sinh.

Tịnh hai môn là nói về tướng trụ thứ mười, là môn Tam-muội và môn Đà-la-ni hết sức thanh tịnh.

Tịnh Bồ-đề là nói về tướng trụ thứ mười một, do Nhất thiết trí đã dứt hết các chướng ngại.

Đã nói mười một tướng trụ của Bồ-tát, kế là nói về nương vào các địa mà đặt tên các Bồ-tát. Kệ rằng:

Ba đầu, ba hạnh tịnh,
Ba kế, dứt ba mạn,
Ba sau giác xả hóa,
Địa mười có bốn tên.

Giải thích: Trong mười địa, đặt mười tên cho Bồ-tát.

Ba địa đầu, ba hạnh thanh tịnh là địa đầu tiên gọi là kiến tịnh do ở địa nầy, Bồ-tát được trí tuệ để đối trị với chấp ngã về người, về pháp. Địa thứ hai gọi là giới tịnh, do Bồ-tát phạm các lỗi cấu uế nhỏ nhiệm, những thứ ấy hoàn toàn vô thể. Địa thứ ba gọi là Định tịnh, là Bồ-tát được không lui sụt các thiền Tam-muội.

Ba địa kế dứt trừ ba kiêu mạn là địa thứ tư dứt pháp môn dị mạn, do đối với các pháp nói trong kinh, Bồ-tát phá những ý niệm ngã mạn khác nhau. Địa thứ năm gọi là dứt dị mạn tương tục, do nhập vào mười tâm bình đẳng, nên Bồ-tát đối với tất cả sự tương tục có tâm bình đẳng. Địa thứ sáu là dứt dị mạn tịnh nhiễm, do Bồ-tát coi khách trần phiền não vốn là thể tính chân như, xưa này thanh tịnh, nhiễm là có thể trụ ở pháp duyên khởi, nhưng từ chân như nên không sinh ra kiến chấp công đức giữa pháp đen hay pháp trắng.

Ba địa sau pháp hóa với hành xả là: ở địa thứ bảy gọi là đắc giác, do Bồ-tát an trụ trong năng lực vô tướng. Có công năng tu ba mươi bảy giác phần trong từng ý niệm. Địa thứ tám gọi là hành xả, Bồ-tát trụ trong vô công dụng, vô tướng, cũng gọi là tịnh độ, Bồ-tát kết hợp hạnh phương tiện với Bồ-tát ở địa không thoái lui. Địa thứ chín gọi là hóa chúng sinh, do Bồ-tát có công năng thành thục tất cả chúng sinh. Địa thứ mười có bốn tên gọi:

1. Thần thông rộng lớn do Bồ-tát được thần thông rộng lớn.
2. Pháp thân tròn đầy do Bồ-tát có đủ vô lượng môn Tam-muội và môn Đà-la-ni.
3. Năng hiện thân do Bồ-tát trụ ở các cung trời như Đâu-suất, vẫn có thể thị hiện tướng thân.
4. Thọ chức là do Bồ-tát nhận chức từ Chư Phật.

Đã nói về căn cứ vào địa mà đặt tên các Bồ-tát, kế là nói về Bồtát theo từng địa tu học và quả của tu học ấy. Kệ rằng:

Thứ lớp, nương sáu trước,
Kiến tính, tu ba học,
Thứ lớp nương bốn sau,
Đắc quả có bốn thứ.

Giải thích: Theo thứ lớp, nương vào sáu, kiến tính trước, tu ba học là Bồ-tát ở Sơ địa thông đạt chân như, ở địa thứ hai, học giới tăng thượng, ở địa thứ ba tâm tăng thượng, ở địa thứ tư, năm, sáu, học tuệ tăng thượng.

Tuệ có hai cảnh là:

1. Pháp chân thật, là bốn đế như khổ đế, v.v…

2. Duyên khởi, là quán mười hai nhân duyên theo chiều thuận và chiều ngược. Hai cảnh nầy cũng ở trong các địa thứ hai, thứ ba. Cho nên các địa ấy, cũng lập tuệ tăng thượng. Nhưng trong địa thứ tư là tuệ tăng thượng Bồ-đề phần. Trong địa thứ năm là tuệ tăng thượng đế quán. Trong địa thứ sáu là tuệ tăng thượng duyên khởi quán, cho nên trong ba địa nầy, lập ra tuệ học tăng thượng.

Theo thứ lớp, nương vào bốn địa sau, đắc quả có bốn thứ là nương vào địa thứ bảy, vô tướng, hữu công dụng trụ, là quả thứ nhất.

Nương vào địa thứ tám, được vô tướng, vô công dụng trụ, là quả thứ hai.

Nương vào địa thứ chín, được thành thục chúng sinh là quả thứ ba.

Nương vào địa thứ mười, được thành thục hai môn là quả thứ tư.

Đã nói về Bồ-tát theo từng địa tu học và quả tu học ấy, kế đây là nói về Bồ-tát theo địa tu học, không lưu xuất năm ấm. Kệ rằng:

Kiến tính, tịnh ba thân,
Cũng ở sáu địa trước,
Địa khác, tịnh còn hai,
Xa lìa năm thứ chướng.

Giải thích: Sơ địa kiến tính, như trước đã giải thích. Ở địa thứ là hai giới thân thanh tịnh. Ở địa thứ ba là định thân thanh tịnh. Ở địa thứ tư, năm, sáu, là tuệ thân thanh tịnh. Ở bốn địa sau và Phật địa là giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân thanh tịnh, vì đã lìa khỏi năm thứ chướng ngại. Năm thứ chướng ngại là: Trong địa thứ bảy, coi sự chấp tướng, vô tri là chướng.

Ở địa thứ tám, coi công dụng, vô tri là chướng.

Ở địa thứ chín, coi không có công năng giáo hóa, vô tri là chướng.

Ở địa thứ mười, coi chưa tịnh hai môn, vô tri là chướng ngại.

Ở Phật địa, coi những chướng ngại, vô tri là chướng ngại, nghĩa là cái vô tri nầy, có thể chướng cho cảnh giới trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác. Trong khi đó Chư Phật biết tất cả cảnh giới, không có chướng ngại, vì đã giải thoát khỏi chướng ngại kia.

Đã nói Bồ-tát tùy địa tu học không lưu xuất năm ấm, kế đây là nói về Bồ-tát tùy địa mà thành tựu, chưa thành tựu. Kệ rằng:

Chưa thành tựu, thành tựu,
Thành lại, chưa thành thành,
Như địa lập ra biết,
Phân biệt vô phân biệt.

Giải thích: Chưa thành tựu, thành tựu nghĩa là ở địa Tín, Hạnh là chưa thành tựu. Các địa khác đều gọi là thành tựu.

Thành tựu rồi lại có cái cần thành tựu, chưa thành tựu là những thành tựu trong các địa trước, lại có cái cần thành tựu mà chưa thành tựu.

Từ địa thứ bảy trở xuống, gọi là chưa thành tựu, vì có công dụng. Địa thứ tám trở lên, gọi là thành tựu do không công dụng.

Hỏi: Trước kia nói địa Hoan Hỷ cũng là thành tựu, thì nghĩa đó thế nào?

Đáp: Theo từng địa mà lập ra hiểu biết phân biệt, vô phân biệt. Ấy là do từ địa mà lập ra hiểu biết chỉ có phân biệt. Còn ở đây phân biệt, cũng vô phân biệt vì chủ thể và đối tượng chấp giữ đều vô thể. Do y theo nghĩa nầy mà gọi là thành tựu. Kệ rằng:

Nên biết trong các địa,
Tu tập và thành tựu,
Hai việc không nghĩ bàn,
Do cảnh giới Chư Phật.

Giải thích: Trong các địa, Bồ-tát đều có tu tập và thành tựu. Nên biết, trong mỗi địa đều không thể nghĩ bàn do các Bồ-tát với tự nội chứng của mình mà biết rằng những gì Phật biết, đều không phải cảnh giới của người khác.

Đã nói về Bồ-tát theo địa mà thành tựu, chưa thành tựu, kế đây là, nói về mười thứ tướng nhập địa của Bồ-tát. Kệ rằng:

Minh tín và không kém,
Không khiếp, không đợi chờ,
Thông đạt và bình đẳng,
Lìa thiên lệch, lìa đắm,
Cho đến biết phương tiện,
Cũng ở thánh chúng sinh,
Như vậy mười thứ tướng,
Mỗi địa đều tròn đầy.

Giải thích: Bồ-tát nhập địa thì mỗi địa đều có mười tướng, mười tướng gồm:

1. Minh tín.
2. Không kém cõi.
3. Không yếu đuối.
4. Không đợi chờ.
5. Thông đạt.
6. Bình đẳng.
7. Lìa một bên.
8. Lìa đắm.
9. Biết phương tiện.
10. Thánh chúng sinh.

Minh tín là ngay nơi địa mình được sáng suốt, còn đối với sự giao tế các pháp thì đều không hiểu biết. Được các địa khác tin. Đối với các địa sau thì sinh mong muốn, ưa thích.

Không kém cõi là nghe pháp cao cả nhiệm mầu lòng không sợ hãi.

Không yếu đuối là mạnh mẽ làm những việc hết sức gian khổ, khó làm.

Không đợi chờ là khởi sự thực hành ở ngay địa mình, không đợi ai dạy bảo.

Thông đạt là với phương tiện của địa khác, có công năng thực hiện hạnh bình đẳng, vì chúng sinh cùng một tâm với mình.

Lìa một bên là dù nghe tiếng khen hay chê vẫn không thấy cao hay thấp.

Lìa đắm là dù được ngôi Luân Vương, vẫn không đắm nhiễm.

Biết phương tiện là biết các pháp không thật có, nhờ phương tiện của Phật nên Thánh chúng mới còn. Đồ chúng của Chư Phật hằng sống mãi.

Mười tướng nầy, mỗi địa đều có đầy đủ, nên biết.

Đã nói về mười tướng Bồ-tát nhập địa, kế đây là nói về mười tướng độ trong địa Bồ-tát. Kệ rằng:

Có dục, không sáu chướng,
Thứ lớp, không tuệ, loạn,
Không trôi cũng không về,
Sự bạn và cúng dường,
Hồi hướng sinh cõi cao,
Tu thiện và thần thông,
Kho công đức như vậy,
Phật tử mười sáu tướng.

Giải thích: Trong các địa, các Bồ-tát chứng mười độ gồm có mười sáu tướng, mười sáu tướng gồm:

1. Có dục lạc, do thực hành các độ.
2. Không bỏn sẻn do lìa các chướng, bố thí.
3. Không trái ngược, là lìa chướng giới.
4. Không giận dữ, do lìa chướng nhẫn.
5. Không biếng nhác, do lìa chướng tinh tấn.
6. Từ bi là do lìa chướng định. Từ bi có công năng cho vui, nhổ gốc khổ. Nó đối trị sự quấy động của giận dữ, vì được định.
7. Không có trí tuệ ác, là do lìa chướng tuệ. Có ba thứ tuệ ác: Phân biệt tự tính, theo nhớ mà phân biệt, phân biệt sáng tỏ. Phân biệt nầy có công năng dứt trừ.
8. Tuệ không bị rối loạn là do xa lìa tâm của thừa khác.
9. Không trôi đi là do tâm không mê đắm vào cái vui cao đẹp của cõi trời, cõi người.
10. Không trở lại, là vì tâm không lui sụt trước không thành tựu cứu khổ và làm những việc khó làm.
11. Phụng sự bạn, là vì nương theo lời Phật dạy, theo thiện tri thức nghe pháp Đại thừa.
12. Cúng dường là cúng dường Tam Bảo.
13. Hồi hướng là vì thiện xảo phương tiện.
14. Nơi sinh tốt đẹp, đây nói về tướng nguyện của Ba-la-mật, lìa nơi có tám nạn, không lìa Chư Phật và Bồ-tát.
15. Tu thiện, đây là nói về tướng của lực Ba-la-mật. Tu các gốc lành không xen hở.
16. Thần thông du hí, đây là nói về tướng của trí Ba-la-mật, là công đức của thần thông du hí Đại thừa. Bồ-tát nếu được tướng nầy thì làm bậc thượng thủ của tất cả chúng sinh, gọi là Phật tử có mười sáu tướng.

Đã nói về tướng mười độ trong địa Bồ-tát, kế đây là nói về năm công đức độ của độ Bồ-tát. Kệ rằng:

Khi mỗi địa tiến lên,
Mỗi độ có năm đức,
Hai và hai, và một,
Nên biết đều chỉ quán.

Giải thích: Khi tiến lên mỗi địa, mỗi độ đều có năm công đức. Đối với mỗi địa, Bồ-tát tu tập từng độ. Đối với mỗi độ đều có đầy đủ năm công đức.

1. Dứt sạch tập khí.
2. Được khen ngợi.
3. Tròn sáng.
4. Tướng khởi.
5. Nhân rộng.

Dứt sạch tập khí là trong từng sát-na, dứt trừ khối tập khí trong chuyển y.

– Được khen, vì lìa xa các thứ tướng mà được pháp lạc.
– Tròn sáng là biết trùm hết các chủng loại mà không chia đoạn.
– Tướng khởi là vì nhập địa Đại thừa, sinh tướng vô phân biệt.
– Nhân rộng là giúp tăng thêm lên mãi khối trí, khối phước của tất cả pháp thân đều được tròn đầy, đều được thanh tịnh.

Hai và hai và một nên biết, chỉ quán đều có, trong đây nên biết hai công đức đầu là phần Xa-ma-tha, hai công đức kế là phần Tì-bátxá-na. Công đức thứ năm là phần có cả chỉ và quán.

Đã nói về năm công đức độ của độ Bồ-tát, kế đây là giải thích tên gọi của Bồ-tát trong mười địa. Kệ rằng:

Thấy chân, thấy lợi vật,
Nơi đây được vui mừng,
Khỏi phạm, khỏi tâm khác,
Đây gọi, địa Ly cấu,
Cầu pháp giữ pháp lực,
Làm sáng, gọi là Minh,
Củi chướng hoặc chướng trí,
Năng đốt là lửa tuệ.
Có hai thứ khó lui,
Năng lui, gọi Nan thắng.
Không trụ hai pháp quán,
Hằng hiện, gọi Hiện tiền.
Li đạo gần Nhất thừa,
Đi xa, gọi Viễn hành.
Tưởng tướng, tưởng vô tướng,
Không động, gọi bất động.
Bốn biện trí sức khéo,
Khéo nói gọi Thiện tuệ,
Hai môn như mây phủ,
Mưa pháp, gọi Pháp Vân.

Giải thích: Thấy chân như, thấy lợi vật, nơi đây được gọi vui mừng là ở trong Sơ địa:

Ở Sơ địa, Bồ-tát thấy chân như, nghĩa là thấy tự lợi, vì từ trước đến giờ chưa từng thấy, bây giờ mới thấy, vì đi gần đến Bồ-đề.

Thấy lợi vật là thấy làm lợi cho người, là trong từng sát-na, có thể thành thục cả trăm chúng sinh. Do hai cái thấy nầy mà sinh ra vui mừng, nên gọi là Hoan hỷ địa.

Ra khỏi tâm phạm giới, ra khỏi tâm khác, đây gọi là địa li cấu là trong địa thứ hai nầy, Bồ-tát thoát khỏi hai thứ nhơ bẩn:

1. Thoát ly vết nhơ vì phạm giới.
2. Thoát ly tâm nhơ vì sinh ý thừa khác. Do ra khỏi hai sự nhơ ấy nên gọi là Ly cấu địa.

Như kinh Thập Địa nói: “Chúng ta do phải chứng đắc, phải thanh tịnh nhất thiết chủng trí, nên chúng ta siêng năng tinh tấn”. Do tìm học và nhớ chắc Phật pháp làm cho sáng lên, nên gọi là Minh. Bồ-tát ở trong ba địa đã chứng được năng lực Tam-muội tự tại, nên đối với vô lượng Phật pháp, có công năng tìm hiểu, có công năng nhớ chắc. Được pháp Đại thừa sáng tỏ, làm sáng tỏ cho các người, có khả năng dùng Phật pháp soi sáng cho mình, cho người, nên gọi là Minh địa.

Những củi mê che khuất trí, công năng đốt cháy chúng, đó là lửa tuệ, là Bồ-tát ở địa thứ tư lấy tuệ của Bồ-đề phần làm tự tính của lửa và lấy tự tính của hai hoặc làm củi. Bồ-tát trong địa nầy, có công năng châm lửa tuệ, đốt cháy củi của hai thứ chướng kia, nên gọi là Diệm Tuệ địa.

Có hai thứ khó lui sụt, có thể lui sụt nên gọi là Nan thắng, là Bồtát ở địa thứ năm, có hai thứ khó:

Siêng năng giáo hóa chúng sinh không có tâm bậc bội khó chịu.

Chúng sinh không nghe theo sự giáo hóa mà tâm không phiền não, thì thật là khó khăn. Bồ-tát ở địa nầy có công năng đánh lùi hai cái khó đó. Trong sự khó khăn ấy, mà thắng nổi nên gọi là Nan thắng địa.

Không trụ hai pháp quán, thường hiện tiền, nên gọi hiện tiền là Bồ-tát ở trong địa thứ sáu nầy, nương vào sức mạnh của Bát-nhã mà có thể trụ vào hai pháp là sinh tử và Niết-bàn. Quán tuệ có thường hiện tiền, nên gọi là Hiện Tiền địa.

Li đạo gần đạo Nhất Thừa, đi xa nên gọi Viễn hành là Bồ-tát ở địa thứ bảy nầy, gần với đạo Nhất thừa, nên gọi là Viễn hành.

Hỏi: Ai đi xa?

Đáp: Công dụng của phương tiện rốt ráo nầy có thể đi xa. Do sự đi xa nầy, nên gọi là Viễn hành địa.

Tưởng có tướng, tưởng không có tướng, không lay động, nên gọi địa Bất động là Bồ-tát ở địa thứ tám nầy, có tưởng nghĩ bằng tướng mạo và tưởng nghĩ không có tướng mạo mà vẫn có công dụng. Hai tưởng ấy đều không bị lay động. Vì không lay động nên gọi là Bất Động địa.

Bốn biện tài, trí lực khéo, nói pháp khéo, nên gọi là Thiện tuệ, là Bồ-tát ở địa thứ chín nầy, có tuệ bốn vô ngại là cao quý: Trong một sátna, trong Tam thiên thế giới, tất cả trời, người với chủng loại khác nhau, tiếng nói khác nhau, lấy ý nghĩa khác nhau mà cùng hỏi, thì Bồ-tát ở địa nầy, có thể dùng một thứ tiếng để trả lời cho tất cả, dứt bỏ hết các nghi ngờ. Do khéo nói như vậy nên gọi là Thiện tuệ địa.

Hai pháp môn như mây che kín, rưới xuống mưa pháp, nên gọi Pháp vân là Bồ-tát ở địa thứ mười nầy, bằng môn Tam-muội và môn

Đà-la-ni xếp vào tất cả nhân nghe tập huân tập tràn ngập trong thức A-lê-da, như mây nổi đầy khắp không gian. Bồ-tát có công năng đem mây nghe huân tập ấy, vào mỗi sát-na, vào mỗi tướng, vào mỗi hảo, vào mỗi lỗ chân lông, mà trút mưa pháp xuống ngập hết để các người đều được giáo hóa đầy đủ. Vì có thể như mây nhóm, mưa pháp nên gọi là Pháp Vân địa.

Hỏi: Đã giải thích tên gọi riêng, còn trụ là sao? Địa là sao?

Kệ rằng:

Do tập các gốc lành,
Lạc trụ, nên gọi trú,
Thường thường, cố không sợ,
Lại lấy địa làm tên.

Giải thích: Do nhóm họp các gốc lành, lạc trụ, nên gọi trụ, là vì thành tựu tất cả gốc lành, nên các vị Bồ-tát lạc trụ ở tất cả địa, bất cứ lúc nào. Thế cho nên các địa gọi là trụ.

Thường thường, số lượng, không sợ, lại lấy Địa làm tên gọi là lấy Bộ, Di, Da đặt tên địa. Bộ nghĩa là thường thường. Di nghĩa là số lượng thật. Da nghĩa là không sợ. Các Bồ-tát muốn tiến lên địa trên, thì trong mỗi địa, phải thường dứt bỏ các chướng ngại, thường được nhiều công đức, đó là nghĩa thường thường. Địa lấy số mười làm lượng, các Bồ-tát ở trong mỗi địa, biết dứt bỏ bao nhiêu chướng, biết được bao nhiêu công đức. Sự biết không luống dối nầy, gọi là nghĩa số thật. Địa trên là chỗ không sợ. Các Bồ-tát lo sợ bị lui sụt trong địa mình, nên siêng năng tạo lập nhiều công đức để mong tiến lên địa trên. Đó gọi là nghĩa không sợ. Vì có ba nghĩa nầy nên gọi là Địa.

Đã nói tên gọi mười địa của Bồ-tát, kế đây là nói về bốn thứ đức khác nhau trong mỗi địa của Bồ-tát. Kệ rằng:

Do tín, và do hạnh,
Do đạt cũng do thành,
Nên biết, các Bồ-tát,
Đắc địa có bốn thứ.

Giải thích: Bốn thứ đắc địa là:

1. Do lòng tin mà được.
2. Do thực hành mà được.
3. Do thông đạt mà được.
4. Do thành tựu mà được.

Do tín, nghĩa là dùng lòng tin mà được các địa, như trong Tín địa nói.

Do hạnh, là dùng chánh hạnh mà được các địa. Các Bồ-tát có đủ mười thứ chánh hạnh đối với pháp Đại thừa:

1. Viết chép.
2. Cúng dường.
3. Lưu truyền.
4. Nghe thọ.
5. Đọc tụng.
6. Dạy người.
7. Tụng tập.
8. Giải thích.
9. Suy nghĩ, lựa chọn.
10. Tu tập.

Mười chánh hạnh nầy có công năng sinh ra vô lượng công đức, vì hạnh nầy mà được địa nên gọi là hạnh đắc.

Thông đạt là thông đạt nghĩa đệ nhất đế, cho đến địa thứ bảy, gọi là Thông đạt.

Được thành tựu là địa thứ tám, cho đến Phật địa gọi là thành tựu đắc.

Đã nói về bốn thứ đắc của địa Bồ-tát, kế đây là nói về bốn thứ tu hành khác nhau của Bồ-tát. Kệ rằng:

Các độ, các phần giác,
Các thông và các nhiếp,
Là Đại cũng là Tiểu,
Đều vào, cũng đều thành.

Giải thích: Nói chung tất cả hạnh của Bồ-tát không ngoài bốn thứ:

1. Hạnh Ba-la-mật.
2. Hạnh Bồ-đề phần.
3. Hạnh thần thông.
4. Hạnh nhiếp hóa chúng sinh.

Nói về thực hành Ba-la-mật là vì muốn chúng sinh tìm về với Đại thừa. Nói về thực hành Bồ-đề phần là vì muốn chúng sinh tìm về với Tiểu thừa. Nói về thần thông hành là khiến hai loại chúng sinh đều được nhập vào Phật pháp. Nói về việc thực hành nhiếp hóa chúng sinh là để khiến hai loại chúng sinh thành thục Phật pháp.

 

Phẩm Thứ 24: KÍNH PHẬT

Giải thích: Đã nói về hành trụ của Bồ-tát. Kế là nói về công đức lễ Phật. Kệ rằng:

Hợp tâm và lìa tâm,
Tâm không lìa lợi ích,
Thương xót các chúng sinh,
Cứu đời, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nêu việc kính lạy đức Như lai là bậc vô lượng công đức tối thắng. Gồm hai tâm là tâm từ ban cho niềm vui, tâm bi, nhổ khổ cho chúng sinh. Không lìa tâm là tâm hỉ vì hằng vui mừng, tâm làm lợi ích là tâm xả vì không ô nhiễm. Kệ rằng:

Tất cả chướng giải thoát,
Hơn tất cả thế gian,
Đầy khắp cả các nơi,
Tâm thoát, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc kính lạy đức Như lai là bậc công đức cao cả không ai sánh nổi. Có công năng ngăn dứt mê lầm khởi lên là các phiền não chúng sinh chực khởi lên, các việc làm của Như lai đều có công năng khiến chúng chấm dứt. Có công năng trừ dứt những mê lầm ấy là mê lầm kia đã sinh khởi, đức Như lai cũng có thể sinh ra phương tiện đối trị chúng. Nếu đối với kẻ khác, không bị tranh cãi thì họ chỉ có thể khiến cho phiền não không nổi dậy vì kiều kiện của chính họ mà không thể đối trị khi nó khởi lên. Sự không tranh cãi của Như lai không phải như vậy, là chẳng những khiến phiền não không khởi lên mà ngài còn có công năng đối trị nó. Thế mới trở nên cao tột. Đối với các nhiễm ô của chúng sinh, lòng bi cứu vớt, con xin đãnh lễ: là với Tam-muội vô tránh, đức Như lai mở lòng thương không thiên vị đối với tất cả chúng sinh đang mắc nhiễm ô. Cho nên Như lai được gọi là người có lòng bi. Kệ rằng:

Vô công dụng, không đắm,
Không ngại, thường vắng lặng,
Năng giải tất cả nghi,
Trí cao, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nêu việc kính lạy đức Như lai là bậc công đức về nguyện, trí cao cả. Nguyện trí của Như lai có được là do năm việc cao cả này:

– Khi khởi thì vô công dụng.
– Không mê đắm cảnh.
– Bên trong không chướng ngại.
– Thường vắng lặng.
– Có công năng cởi mở các nghi ngờ.

Do năm ý nghĩa nầy nên Như lai là bậc tối thắng, trong khi hai thứ nguyện và trí của người khác thì chẳng phải vô công dụng mà là do tác ý khởi. Họ chẳng được không chấp trước, do họ phải nhờ định lực và họ cũng không được vô ngại do có chút tri thức thôi. Họ không thường vắng lặng, do định không duy trì mãi, và họ không có công năng cởi mở nghi ngờ, do có vô tri. Kệ rằng:

Sở y và năng y,
Đối lời và đối trí,
Người nói tuệ vô ngại,
Khéo nói, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc kính lạy đức Như lai là bậc công đức cao vời không có gì chướng ngại. Ngài nói, có hai thứ là: Điều được nói là pháp và năng nói là nghĩa nói, có đủ hai thứ là: Về ngôn từ địa phương, và về trí khéo léo. Đối với việc nói và đối với nói đầy đủ trí tuệ thường vô ngại. Cho nên Như lai cao tột. Nói tức là nói về nghiệp vô ngại, chỉ bày có phương hướng nên gọi là khéo nói. Kệ rằng:

Năng đi, và năng nghe,
Biết hành biết khứ lai,
Khiến họ được xuất ly,
Con đảnh lễ Giáo thọ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức, thần thông cao cả. Có công năng đến là như ý thông, có công năng lui tới nơi nầy nơi nọ. Có công năng nghe là thiên nhĩ thông. Có công năng nghe hết các thứ tiếng. Biết các hoạt động là tha tâm thông. Có công năng biết các hoạt động khác nhau trong tâm người khác. Biết đến là túc trụ thông. Nó có công năng biết đời trước, nhân gì mà kẻ kia sinh ra đây. Biết đi là sinh tử thông. Nó có công năng biết từ nhân đời nầy, kẻ kia sẽ sinh về đâu. Khiến họ được xuất ly là lậu tận thông. Nói có công năng nói pháp như thật cho chúng sinh nghe. Kệ rằng:

Nếu chúng sinh thấy,
Biết chắc là trượng phu,
Rất khởi tâm tịnh tín,
Phương tiện, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức tướng tốt cao cả. Nếu tất cả chúng sinh nhìn thấy, thì biết ngay Như lai là bậc trượng phu và họ phát sinh lòng tin với việc làm trong sạch đối với Như lai, vì Như lai có tướng tốt làm phương tiện. Kệ rằng:

Thủ, xả, trụ, biến hóa,
Định trí được tự tại,
Bốn thanh tịnh như vậy,
Thế Tôn, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức thanh tịnh cao cả, có bốn thứ thanh tịnh:

– Thân thanh tịnh.
– Duyên thanh tịnh.
– Tâm thanh tịnh.
– Trí thanh tịnh.

Thủ, xả, trụ: nói về thân thanh tịnh. Đối với đời sống của mình, có công năng tự tại trong việc sống, chết, an trụ.

Biến hóa: nói về duyên thanh tịnh. Có công năng tự tại trong việc giáo hóa, chuyển biến hoàn cảnh.

Định là nói về tâm thanh tịnh. Có công năng tự tại trong việc xuất nhập các định.

Trí là nói về trí thanh tịnh. Có công năng biết tự tại đối với các cảnh không chướng ngại. Kệ rằng:

Phương tiện và quy y,
Thanh tịnh và xuất ly,
Do vậy, phá bốn dối,
Hàng ma, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nêu lên lạy đức Như lai là bậc công đức có năng lực cao cả. Ma dựa vào bốn việc mà phá chúng sinh, bốn việc ấy là:

Dựa vào phương tiện gian dối làm chúng sinh mê lầm. Chúng bảo vui hưởng năm trần dục thì được sinh về đường lành, không rơi vào đường ác.

Dựa vào sự nương về làm chúng sinh mê lầm. Chúng bảo trời Tự Tại v.v… Là chỗ nương đúng, còn ngoài ra chỗ khác đều là sai lầm.

Dựa vào sự thanh tịnh làm chúng sinh mê lầm. Chúng bảo các thứ định trên đời nầy, chỉ có sự thanh tịnh nầy, còn những cái khác đều không phải thanh tịnh.

Dựa vào xuất ly sinh tử làm mê lầm chúng sinh. Chúng bảo đạo quả Tiểu thừa là con đường xuất ly duy nhất, chứ không phải con đường Đại thừa.

Nhằm phá bốn việc ma nên Phật đã nói về mười uy lực của mình là:

Dùng trí lực thị phi để phá việc thứ nhất của ma, chỉ cho biết do điều lành làm phương tiện mới có thể sinh lên cõi trời, chứ chẳng phải phương tiện ác.

Dùng trí lực của nghiệp mình để phá việc thứ hai của ma, chỉ cho biết là do chính nghiệp của mình mà được sinh lên cõi trời, chứ không phải nương vào năng lực của trời Tự Tại v.v…

Dùng trí lực của thiền định để phá việc thứ ba của ma, chỉ cho biết là do đầy đủ thiền định giải thoát Tam-muội, Tam-ma-bát-đề.

Dùng trí lực của bảy uy lực sau để phá việc thứ tư của ma, chỉ cho biết từ căn cơ thấp từ bỏ nó mà đặt mình lên thượng căn. Kệ rằng:

Đối trí, cũng đối dứt,
Đối lìa cũng đối chướng,
Năng nói lợi mình, người,
Tồi tà, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nêu lên lạy đức Như lai là bậc công đức vô úy cao cả. Đối với trí là nói vô úy, đối với đoạn là lậu vô úy, đối với lìa bỏ là vô úy hết sạch khổ đạo, đối với chướng ngại nói chướng đạo vô úy.

Trong đây, trí và đoạn là nói về công đức lợi mình. Lìa và chướng ngại là nói về công đức lợi người. Nếu ngoại đạo gặn hỏi, chúng bảo: ông Cù-đàm không phải là người có Nhất Thiết Trí, không phải là người diệt sạch hết lậu. Những lời dạy của ông ta không thể dứt khổ, nói chướng ngại không có hai cho đạo. Đức Như lai có công năng dẹp bỏ bốn vấn nạn ấy của chúng, cho nên Như lai là bậc vô úy. Kệ rằng:

Trong chúng, sở trị phạt,
Chính mình không phòng hộ,
Lìa hai nhiễm, trụ chính,
Nhiếp sinh, con đảnh lễ.

Giải thích: Ở trong chúng sở trị phạt, do mình không tự ngăn ngừa là sự đảnh lễ Như lai nầy là bậc công đức không ngăn ngừa cao cả. Nếu mình có ý thức phòng hộ thì không thể nói bị trừng phạt nhiều. Lìa hai ô nhiễm, an trụ chân chính là lạy đức Như lai là bậc công đức niệm xứ cao cả. Từ bỏ hai nhiễm ô là không còn vui mừng hat lo buồn nữa. Trụ chân chính là không quên mình. Vì có hai công đức cao vời nầy mà Như lai có công năng thâu nhiếp tất cả đồ chúng, coi đó là việc làm của mình. Kệ rằng:

Đi, đứng bất cứ đâu,
Đều có Nhất Thiết Trí,
Do dứt mọi tập khí,
Nghĩa thật, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức cao cả dứt tập khí. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, Như lai tới, lui làm các việc đều có oai nghi và Nhất Thiết Trí, vì Như lai đã dứt hết các tập khí phiền não. Nếu người không có Nhất Thiết Trí thì dù sạch phiền não, nhưng tập khí vẫn còn. Việc tới lui, nếu gặp phải xe chạy mau, ngựa phóng nhanh thì né tránh, bị tổn hại, là vì không có sự hiện diện của Nhất Thiết Trí, oai nghi. Đức Như lai thì không có việc ấy, là vì Như lai có Nhất Thiết Trí chân thật. Kệ rằng:

Việc lợi ích chúng sinh,
Tùy thời, không quá thời,
Việc làm thường không lầm,
Không quên, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc kính lạy đức Như lai là bậc công đức cao cả không quên. Làm các việc lợi ích cho chúng sinh, Như lai hằng các chuẩn mực, không vượt quá thời hạn. Đó là việc làm không quên pháp nghiệp. Khi làm các việc, Như lai đều làm chân thật, không dối trá. Đó là tự tính không quên pháp. Kệ rằng:

Ngày đêm sáu thời quán,
Tất cả cõi chúng sinh,
Vì đại bi đầy đủ,
Ý lợi, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức Đại bi cao cả. Trong sáu thời của một ngày đêm, Như lai dùng tâm đại bi quán xét tất cả chúng sinh, biết ai tiến lên, ai lui sụt. Ai chưa nẩy sinh gốc lành thì khiến họ phát khởi. Ai đã khởi gốc lành thì khiến họ tăng thêm lên. Dù mỗi ngày chia ra sáu thời, nhưng bất cứ lúc nào Như lai cũng nói pháp sống động, do Như lai tràn ngập lòng đại bi. Đó là việc làm đại bi. Đối với tất cả chúng sinh, Như lai thường nảy ý làm lợi ích cho họ. Đó là tự tính của Đại bi. Kệ rằng:

Do hạnh và do đắc,
Do trí và do nghiệp,
Đối tất cả Nhị thừa,
Tối thượng, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức bất cộng cao cả. Đức Như lai có mười tám pháp bất cộng:

1. Thân không lỗi.
2. Miệng không lỗi.
3. Ý không lỗi.
4. Không có tưởng khác (là đối với tất cả chúng sinh, bình đẳng).
5. Không có tâm bất định.
6. Cái gì cũng biết, rồi buông xả.
7. Dục không giảm.
8. Tinh tấn không giảm.
9. Niệm không giảm.
10. Tuệ không giảm.
11. Giải thoát không giảm.
12. Giải thoát tri kiến không giảm.
13. Trí hiểu biết quá khứ không bị mê đắm, vô ngại.
14. Trí hiểu biết vị lai không bị mê đắm, vô ngại.
15. Trí hiểu biết hiện tại không bị mê đắm, vô ngại.
16. Thân nghiệp thực hành theo trí tuệ.
17. Khẩu nghiệp thực hành theo trí tuệ.
18. Ý nghiệp theo hoạt động của trí tuệ.

Trong đây, do hạnh là thuộc về sáu tiết bất cộng đầu.

Do chứng đắc là thuộc tiết thứ hai của bất cộng.

Do trí là thuộc tiết thứ ba, ba bất cộng.

Do nghiệp là thuộc tiết thứ tư, ba bất cộng.

Đối với tất cả chúng sinh thì Thanh văn, Duyên giác là cao. Nhưng với bốn việc bất cộng nầy, Như lai còn cao hơn hai hạng kia, cho nên gọi Như lai là tối thượng. Kệ rằng:

Ba thân, đại Bồ-đề,
Đắc Nhất Thiết Chủng Trí.
Dứt chúng sinh nghi ngờ,
Con chí thành đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức chủng trí cao cả, ba thân là:

1. Thân tự tính.
2. Thân thọ dụng.
3. Thân biến hóa.

Đây nói tự tính chủng trí.

Hỏi: Trí nầy hiểu biết tất cả cảnh, còn biết về tất cả chủng loại thì sao?

Đáp: Tất cả chúng sinh sinh nghi ở tất cả mọi nơi trí nầy đều có công năng dứt hết. Đây nói về việc làm của chủng trí. Kệ rằng:

Không chấp, không lỗi lầm,
Vô uế, cũng không dứt,
Vô động, không hí luận,
Thanh tịnh, con đảnh lễ.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về kính lạy đức Như lai là bậc công đức độ tràn đầy cao cả. Không mê đắm là không đắm nhiễm của cải. Không lỗi lầm là thân nghiệp hoàn toàn không nhơ bẩn. Không nhơ bẩn là các pháp khổ ở đời không làm đục tâm. Không dừng nghỉ là mới có được điều chứng đắc thì không trụ ngay lúc đó. Không bị lay động là tâm thường vắng lặng, không bị náo loạn. Không hí luận là đối với tất cả pháp, dù có phân biệt, nhưng tất cả không hiện hành.

Đức Như lai với sáu hạnh tròn đầy nầy, là hoàn toàn lìa khỏi sáu thứ chướng ngại, nên gọi là thanh tịnh. Kệ rằng:

Nghĩa thành tựu đệ nhất,
Ra khỏi tất cả địa,
Được tôn xưng cùng cực,
Giải thoát các chúng sinh,
Công đức vô tận thảy,
Hiện tại đều đầy đủ,
Đời thấy, chúng cũng thấy,
Không thấy giới trời thảy.

Giải thích: Hai bài kệ nầy nói kính lạy đức Như lai Phật là bậc công đức tướng cao cả. Trong đây, nói lược sáu thứ tướng Phật là:

Thể, Nhân, Quả, Nghiệp, Tương ưng, Khác nhau.

Vì sáu thứ nầy hiện bày mà biết là Phật, cho nên nói tướng Phật. Thành tựu Nghĩa đệ nhất, đây là thể của tướng, vì đã thành tựu Nghĩa đệ nhất chân như rất thanh tịnh.

Ra khỏi tất cả cõi, đây là tướng của nhân, vì đã ra khỏi tất cả địa của Bồ-tát.

Đối với chúng sinh, Như lai được tôn kính cùng cực, đó là tướng quả, vì Ngài là bậc nhất trong tất cả muôn loài.

Giải thoát các chúng sinh: đây là tướng của nghiệp, vì có công năng giải thoát tất cả chúng sinh.

Các công đức như vô tận, v.v… hiện đời đều đầy đủ, là tướng tương ưng.

Đời thấy chúng cũng thấy Như lai người trời thì không thấy, đây là tướng khác nhau. Đời thấy là tất cả các thế giới đều thấy. Đây là hóa thân. Các người đều thấy, nghĩa là chúng đệ tử Phật đều thấy. Đây là thân thọ dụng, không thấy nghĩa là người trời bất cứ lúc nào cũng không thấy. Đó là thân tự tính. Đó là ba thân khác nhau.