LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 25
Phẩm 18: HỌC XỨ VỀ NGHĨ NHỚ TAM BẢO 4
Luận nói:
Nghĩa là các Bồ-tát hoặc do nhân duyên gặp các nạn, phải chính niệm đối trị không sinh sợ hãi.
Như Kinh Bát Nhã nói:
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát gặp phải tai nạn thú dữ không sinh sợ hãi buồn rầu.
Bởi vì sao ? Bồ-tát này liền suy nghĩ: Ta phải vì lợi ích chúng sinh mà bỏ tất cả. Nếu các thú dữ muốn ăn thịt ta, ta thí cho chúng sẽ mau được viên mãn hạnh thí Ba-la-mật. Nguyện khi ta thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cõi nước được thanh tịnh không còn nghe tên thú dữ trùng độc.
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong nạn oán tặc không sinh sợ hãi sầu não.
Bởi vì sao ? Là Bồ-tát nếu mình có thứ gì đều có thể bỏ, nên liền suy nghĩ: Nếu giặc cướp đến cần thứ gì ta sẽ cho. Cho đến cướp lấy mạng ta, thân ngữ ý nghiệp cũng không sân hận, sẽ mau viên mãn giới Ba-la-mật, và đầy đủ nhẫn Ba-la-mật. Nguyện ta khi thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cõi nước được thanh tịnh không còn nghe tên oán tặc như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát đang bị nạn khát nước cũng không sợ.
Bởi vì sao ? Là Bồ-tát chỉ được pháp lợi ích không lo rầu, liền suy nghĩ rằng: Ta nay sẽ vì chúng sinh nói rõ pháp yếu, để đoạn trừ khát ái. Giả sử thân ta bị cảnh khát ép ngặt đến chết, thì đời sau khởi tâm đại bi than cho chúng sinh này phúc đức mỏng manh, nên trở lại sinh trong nạn thiếu nước uống này, khiến tu chính hạnh đầy đủ thắng tuệ, mà có thể viên mãn tinh tiến Ba-la-mật-đa. Nguyện ta về sau khi được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cõi nước được thanh tịnh không còn nghe tên khát thiếu nước uống, trong đó chúng sinh đầy đủ phúc đức, tự nhiên có được nước tám công đức.
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong nạn đói không sinh sợ sệt.
Bởi vì sao ? Là Bồ-tát mặc áo giáp tinh tiến, kiên cố không giải đãi, nên suy nghĩ như thế này: Nay đây chúng sinh đang bị nạn đói thật rất thương xót. Nguyện ta khi thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề , cõi nước sẽ không có tên nạn đói, các chúng sinh được hóa độ sẽ vui thích an ổn, hạnh phúc tự nhiên như trời Đao-lợi, tất cả muốn gì tùy tâm liền có, thọ mạng bền vững an trụ tịch tĩnh.
Luận nói:
Làm như vậy tức có thể tăng trưởng rộng lớn nhân phúc của cảnh giới cao tột. Cũng đồng như có nói trong Kinh Thanh Tịnh: Nếu dùng pháp thí mà không sinh tâm mong đợi sẽ được phúc báo tốt. Xem Kinh Thâm Tâm Giáo Giới, nếu ai không mong cầu tiếng tăm tài lợi có thể pháp thí, sẽ được hai mươi thứ công đức từ tâm:
- An trụ chính niệm.
- Có thể sinh giác ngộ.
- Phát hướng đến thắng đạo.
- Tự giữ gìn được các thiện.
- Tăng trưởng tuệ mạng.
- Đạt được trí xuất thế.
- Trừ lỗi lầm của tham.
- Trừ lỗi lầm của sân.
- Trừ lỗi lầm của si.
- Ma không thể tùy tiện.
- Chư Phật gia trì.
- Chư thiên bảo hộ, nhan sắc đẹp đẽ.
- Phi nhân, bạn ác không được tùy tiện.
- Thường được thiện hữu tri thức kính ái.
- Nói lời chân thật.
- Không bị sợ hãi.
- Ý thường vui vẻ.
- Tiếng khen đồn khắp.
- Nhớ rõ không quên.
- Thường ưa pháp thí.
Đó gọi là công đức của từ tâm.
Lại nữa, Kinh Bát Nhã nói:
Lại nữa A-nan ! Nếu người Thanh Văn đem pháp Thanh Văn khắp vì ba ngàn đại thiên thế giới tất cả chúng sinh diễn nói như chỗ đã chứng đều khiến đạt được quả A-la-hán.
A-nan ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát đem các cú nghĩa tương ưng Bátnhã Ba-la-mật-đa, vì tất cả chúng sinh khai thị diễn nói, công đức quá hơn ba ngàn đại thiên thế giới tất cả chúng sinh chứng A-la-hán ở trước.
Lại nữa, công đức bố thí trì giới các A-la-hán kia tích tập, ý ông nghĩ sao, có nhiều chăng ?
A-nan bạch rằng: Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Rất nhiều, thưa đấng Thiện Thệ.
Phật nói: A-nan ! Phúc ấy tuy nhiều nhưng không bằng Bồ-tát đem pháp môn tương ưng Bát-nhã Ba-la-mật-đa này vì người diễn nói, phúc này hơn kia.
Lại nữa, Bồ-tát Ma-ha-tát với pháp môn rất sâu của Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, có thể khéo vì người phân biệt tuyên thuyết trong một ngày, cho đến một giờ, một khắc, một giây lát.
A-nan ! Bồ-tát kia pháp thí như vậy, không thể đem thiện căn của Thanh Văn Duyên Giác mà tỉ du so sánh được.
Bởi vì sao ? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát kia đã được không thoái chuyển nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại dùng pháp bố thí.
Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có kệ rằng:
Bồ-tát có khi
Vào trong tịnh thất,
Dùng chính ức niệm,
Tùy nghĩa quán pháp.
Bồ-tát thường ưa
Thuyết pháp an ổn,
Nơi chỗ thanh tịnh,
Mà mở sàng tòa,
Dùng dầu xoa mình,
Tắm gội sạch sẽ,
Mặc áo sạch mới,
Trong ngoài đều sạch,
Ngồi yên pháp tọa,
Tùy hỏi mà nói.
Nếu có Tì-kheo,
Và Tì-kheo-ni,
Trừ ý biếng nhác,
Bỏ tưởng mỏi mệt,
Lìa các lo rầu,
Từ tâm thuyết pháp.
Ngày đêm thường nói,
Đạo giáo vô thượng,
Dùng các nhân duyên,
Vô lượng thí dụ,
Khai thị chúng sinh,
Đều được hoan hỷ.
Y phục đồ nằm,
Ăn uống thuốc thang,
Mà trong các thứ,
Chẳng chút mong cầu,
Chỉ một tâm niệm,
Nhân duyên thuyết pháp,
Nguyện thành Phật đạo.
Khiến chúng cũng vậy,
Đó là lợi lớn,
Cúng dường an lạc.
Kinh ấy lại nói:
Do thuận theo pháp nên không nhiều không ít, cho đến người rất mến pháp cũng không vì thế mà nói nhiều.
Lại nữa, Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:
Nếu kỳ túc thưa hỏi,
Muốn cầu xin pháp thí.
Trước nên nói kia rằng:
Sở học tôi không rộng.
Rồi lại nói thế này:
Tôn giả rất thông tuệ,
Lẽ nào trước đại đức,
Tôi đâu dám nói phô.
Khi nói chớ sảng sốt,
Biết chọn khí, phi khí,
Đã thẩm định căn cơ,
Thì không hỏi cũng nói.
Nếu ở trong đại chúng,
Thấy có người phá giói,
Chớ nên khen trì giới,
Nên khen hạnh bố thí.
Nếu thấy người thiểu dục,
Với trì giới tương ưng,
Thì khởi tâm đại bi,
Khen thiểu dục, trì giới.
Được bạn bè tốt rồi
Mới nên khen trì giới.
Luận nói:
Như vậy pháp sư phải tắm gội mặc áo sạch mới lấy tâm từ tu thân, vì chúng mà diễn nói. Tất cả các ma sẽ không được tùy tiện.
Kinh Hải Ý có Đà-la-ni như sau:
( Phiên âm Hán Việt: )
Đát tha thiết di thiết ma phược để thiết di đa thiết đốt lỗ áng cổ lí ma la để cát la nị chỉ du lí ô yết phược để ô hô cát dã để vĩ du đà nễ nễ lí ma lê ma la bát na duệ ô khát lí khát lỗ nga la tế bát la tát nễ hệ mục khế a mục khế thiết duệ đa nễ tát lí phược đát la nga la hạ mãm đà na nễ khất lí hệ đa tát lí phược ba la bát la phược nhĩ na vĩ mục ngật đa ma la bá xá tắt tha tất đa một đà mẫu nại la tam mẫu nại già để đa tát lí phược ma la a đô lê đa bát nại bát lí thú vĩ nga sa để tát lí phược ma la cát lí ma ni.
( Phiên âm Phạn: )
Tadyatyā, same, samavati, śamitaśatru, aṅkure, manṅkure, mārajite, karāṭe, keyūre, oghavati, ohokayati, viśaṭhanirmale, malāpanaye, okhare, kharograse, grasane, hemukhī, parāṅmukhī, śamitāni sarvagrahabandhanāni, nigṛhītāḥ sar vaparapravādinaḥ, vimuktā mārapāśāḥ, sthāpitā buddhamudrāḥ samudghātitāḥ sarvamārāḥ, acalitapadapariśuddhyā vigacchanti sarvamārakarmāṇi.
Pháp sư thuyết pháp ấy trì tụng chân ngôn này xong ngồi nơi pháp tọa quán sát khắp trong chúng hội, vận tâm từ rộng lớn, ngay nơi thân mình khởi tưởng như y vương, tưởng pháp như thuốc, tưởng người nghe pháp như bệnh nhân. Đối với chư Như Lai khởi tưởng chính sĩ. Đối với chính pháp nhãn khởi tưởng cửu trụ. Do chân ngôn này hiện tiền tác pháp, vì nói pháp chính lý. Bấy giờ chu vi trong khoảng một trăm do-tuần, các thiên ma không thể đến làm các việc ma. Giả sử các ma vương đến pháp hội cũng không thể gây chướng nạn.
Luận nói:
Như vậy pháp thí bình đẳng có thể tăng trưởng tâm Đại Bồ-đề. Như Kinh Bảo Khiếp nói:
Văn-thù-sư-lợi ! Ví như rừng cây nhánh lá tốt tươi đều do bốn đại mà được sinh trưởng.
Văn-thù-sư-lợi ! Cũng vậy, Bồ-tát dùng các thứ pháp môn tập hợp các thiện căn, tất cả đều thâu giữ trong tâm Bồ-đề. Đối với nhất thiết trí, lấy hồi hướng Bồ-đề làm tăng trưởng.
Luận nói:
Nếu các Bồ-tát muốn hiển thị một cách rộng lớn cảnh giới tu học Phật, trước tiên phải an trụ chính niệm chính tri. Như vậy tức có thể thành tựu chính đoạn và không phóng dật. Nghĩa là do phát khởi niềm vui tinh tiến mà phòng hộ, không khởi các pháp ác bất thiện chưa sinh. Các pháp ác bất thiện đã sinh, thì có thể vĩnh đoạn khiến thanh tịnh. Thiện pháp chưa sinh thì khiến phát khởi, thiện pháp đã sinh lại làm tăng trưởng thêm. Thường an trụ trong pháp không phóng dật, là căn bản trong các thiện pháp.
Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:
Như ta đã nói các thiện pháp,
Là giới, văn, xả và nhẫn nhục,
Lấy không phóng dật làm căn bản.
Đó là Thiện Thệ tối thắng tài.
Sao gọi là phóng dật ? Nghĩa là đối với tà giáo và bạn bè xấu, do theo đuổi tìm cầu mà sinh ra. Như người bưng thuốc cho vua uống, thuốc đựng đầy trong đồ đựng, lại đi qua đoạn đường hiểm trơn trợt. Phải biết người này lo sợ biết chừng nào làm sao dám phóng dật ?
Như Kinh Như Lai Bí Mật nói:
Sao gọi là không phóng dật ? Nghĩa là có thể trước hết giữ các căn điều hòa, mắt thấy sắc v.v… không thủ lấy hình tướng, không đắm trước vẻ đẹp. Cũng như vậy cho đến ý đối với pháp cũng thế. Hiểu biết như vậy rồi thì đều không thủ trước, không sinh nhiễm ái, thường cầu xuất ly.
Lại nữa, đối với tự tâm khéo điều phục rồi, cũng có thể tùy ứng mà nhiếp hộ cho tâm người khác, khéo có thể làm chấm dứt phiền não nhiễm ái cho người. Đó gọi là không phóng dật. Nếu ai tin hiểu pháp không phóng dật tức có thể tùy thuận các việc tinh tiến, cũng tích tập công đức tịnh tín. Do tu tịnh tín và pháp tinh tiến không phóng dật, tức có thể tu tập chính niệm chính tri. Do chính niệm chính tri nên không hư hoại mất tất cả pháp Bồ-đề phần. Nếu ai đầy đủ tịnh tín, không phóng dật, tinh tiến, chính niệm, chính tri, thì có thể siêng tu pháp thâm sâu bền vững. Bồ-tát nếu hiểu rõ đối với pháp thâm sâu bền vững, có thể giác liễu như thật đối với hữu đối với vô, cho đến trong thế tục đế nói nhãn v.v… là thật có.
Kinh ấy có kệ rằng:
Thường không phóng dật: pháp cam lồ.
Lợi chúng sinh: phát tâm Bồ-đề.
Sâu vững, vắng lặng: tâm cũng vậy.
Căn bản thú vui: không chấp thủ.
Luận nói:
Nếu có thể tích tập các hành tương ưng, tức đối với mình với người được tăng trưởng thắng phúc. Ở đây có bài tụng rằng:
Học tự tha bình đẳng,
Kiên cố tâm Bồ-đề.
Đối tự thành đối tha,
Đắp đổi không có thật.
Như đứng bên bờ kia,
Do đây thành đối đãi.
Kia đã bản lai không,
Tính ta làm gì có ?
Không phòng hộ cái khổ,
Thì bị khổ đeo bám.
Như vậy người tu pháp,
Làm sao không phòng hộ ?
Khởi tà vọng phân biệt,
Chấp ngã cho là thường.
Nếu ngã vốn như vậy
Sao hiện có sinh diệt ?
Kia nếu như có sinh,
Vì ai tu phúc nghiệp,
Kinh doanh cầu tài lợi,
Và hưởng thụ khoái lạc ?
Hiện thấy thân yếu già,
Không lâu rồi chết mất.
Lại sinh làm ấu nhi,
Đồng niên rồi niên thiếu.
Trong từng mỗi sát-na,
Chóng tàn rồi biến mất.
Chỗ nào gọi là thân ?
Móng, tóc đều tan rã.
Thức trước gá thai mẹ,
Sinh ra là hài nhi.
Tuổi xanh rồi suy lão,
Cuối cùng là nắm tro.
Đây nói thân tự tính,
Phần vị giả an bài.
Rốt cuộc chẳng có chi,
Hình tướng nào sống mãi.
Lại nữa tấm thân này,
Không nói cũng tự biết.
Vì tướng khác đổi thay,
Nghĩ kỹ, ta nào có.
Do phần vị hòa hợp,
Thế tục hiển hiện ra.
Trong chính lý của Phật,
Tùy tương ưng mà đoạn.
Nếu kia không có thức,
Thì không thể thiết lập,
Cũng không tham sân si,
Làm sao có công đức ?
Ngoài chín thứ thế gian,
Mỗi mỗi có ba thứ,
Không thức và chỗ nương,
Làm sao sinh lạc thú ?
Chỗ nương chẳng lạc thú,
Đó là từ nhân sinh,
Lạc thú chỗ nương sinh
Tướng ấy chưa hề có.
Cho nên chính giáo lý
Nói các hành vô thường,
Hiện chứng và tư duy,
Do nhân duyên hòa hợp.
Thấy quyến thuộc của mình,
Sao nói là thường có,
Tìm kiếm khắp nơi nơi,
Một mảy may chẳng thấy .
Như cây đèn dầu hết,
Biết dầu đó đi đâu ?
Quán sát như vậy rồi,
Sát-na không dừng trụ.
Tụ họp các quyến thuộc,
Trang sức bao nhiêu lớp,
Vọng chấp là ta có,
Nào biết là ai vui.
Biết rõ chúng sinh kia,
Không gì tích tập được,
Tự tha đã có khác,
Với khổ cũng không được.
Như vậy không tương ưng,
Người, ta, nơi nào có,
Nếu mình có khả năng,
Nên thường thường khai thị.
Thế gian các chúng sinh,
Nhiều khổ thường bức bách,
Phải khởi tâm đại bi,
Vì chúng nên thương xót.
Khéo quán sát như vậy,
Bình đẳng mà cứu độ,
Dẫu phải vào A-tì,
Như ngỗng lội ao sen.
Vì muốn các hữu tình,
Thường ở biển hoan hỷ,
Tự không vui giải thoát,
Cứu chúng sinh không chán.
Làm lợi ích vậy rồi,
Mà chẳng sinh ỷ lại,
Cũng không chút mỏi mệt,
Không mong cầu quả báo.
Nếu mười phương phúc tụ,
Người, mình chắc sẽ được,
Không sinh tâm đố kỵ,
Người vui như mình vui.
Nếu lại mình và người,
Đồng tu pháp sám hối,
Khuyến thỉnh Phật Thế Tôn,
Và tùy hỷ phúc nghiệp.
Làm hồi hướng như vậy,
Bình đẳng không phân biệt,
Tùy theo phúc mà thí,
Vô tận cõi chúng sinh.
Bồ-tát tu hạnh này,
Thì làm nhiều lợi ích,
Tăng trưởng tâm đại bi,
Được an ổn cùng tột.
Được cầm chày kim cương,
Thường theo Phật Thế Tôn,
Làm công việc hộ trì,
Chúng ma đều khiếp sợ.
Là con của pháp vương,
Chư thiên đều ngợi khen,
Đi xe Bồ-đề tâm,
Dạo khắp các đường tốt.
Chúng sinh khéo tu tập,
Dứt trừ khổ tự tha,
Nên ta không đắm trước,
Tất cả đều phải xả.
Ai bị ái trói buộc,
Thì khổ cực vô cùng.
Phiền não từ đó sinh,
Tổn hoại luống hối hận.
Lửa khổ đốt chúng sinh,
Đốt cháy khắp tất cả,
Dưới đến chi tiết nhỏ,
Với ta chút nào vui.
Là nhất thiết ngã ái,
Là gốc khổ đệ nhất.
Đốt cháy sạch chẳng còn,
Vì lợi các hàm thức.
Vui vợ con quyến thuộc,
Cuối cùng đều vất bỏ,
Tư duy nhân duyên sinh,
Với thân cũng không ái.
Những ai có đủ trí,
Hai thứ kia nên bỏ,
Biết rõ thân và tâm,
Sát-na sai biệt khởi.
Là thường không có thường,
Ly cấu vốn vô cấu,
Tự chứng đắc Bồ-đề,
Kia cũng thành chính giác.
Chẳng nghĩ dùng thế pháp,
Làm lợi ích chúng sinh,
Pháp dược và Phật tượng,
Như vậy ta nên thí.
Dùng tuệ tự lựa chọn,
Làm các việc tương ưng,
Gìn giữ của cải mình,
Tích tụ để ban phát.
Hoặc thân mình thân người,
Hoặc ít khổ nhiều khổ,
Như vậy đều khiến được,
Các hạnh phúc thượng diệu.
Chúng sinh nơi cảnh dục,
Phòng hộ chướng não sinh,
Như rắn ở trong hang,
Khiến rốt ráo thanh tịnh.
Cũng giống như ruộng tốt,
Thành thục các lúa má,
Trừ được khổ đói kém,
Đầy đủ các phúc báo.
Nếu ai không xa lìa,
Danh lợi và ngũ dục,
Nói năng không thành thật,
Với họ không nên giận.
Họ đã mất tự lợi,
Nhẫn, giận họ ích chi,
Như vậy không sinh giận,
Là không dứt lợi tha.
Khéo hành nhẫn chân thật,
Như xạ tự có hương,
Của mình, người xâm phạm,
Lại gặp tay thợ săn.
Dùng phương tiện tư duy,
Khoái lạc không chủ tể,
Mình đã chẳng thụ dụng,
Kia sao không dạy bảo ?
Như vậy Phật tử kia,
Mỗi niệm trừ phiền não,
Rõ cảnh giới các căn,
Ví như ung nhọt lớn.
Nghĩ người giận dữ kia,
Vì lợi ích dạy bày.
Tự tính lìa điều nhu,
Ở khổ, vui sao được ?
Lại năm đại chủng kia,
Chỉ cưỡng ép gọi tên.
Cho đến trụ hữu tình
Đều thành việc nghĩa lợi.
Lợi sinh, không lười biếng
Thì không tạo các ác,
Nên ta khuyên tu tập
Sáu cõi không suy não.
Đến rốt ráo hư không,
Và thế gian biên giới,
Ta ở lợi chúng sinh,
Khiến trí tâm thành thục.
Thân làm A-xà-lê,
Khéo học lìa các khổ,
Không hỏi năng lực mình,
Chỗ nào chẳng phòng hộ ?
Nếu tự tạo khổ não,
Do đâu sinh sợ hãi,
Theo thầy mình biết rõ,
Ngã mạn các lỗi lầm.
Trụ cảnh giới đại bi,
Không tham lam quả báo.
Thường gần gũi tu học,
Bình đẳng nào có ngã.
Kẻ mù kiến, si, dối,
Bước đi nhiều sai lạc,
Hoặc rơi nơi đường hiểm,
Tự tha thường lo rầu.
Vì tìm kiếm kia nên,
Cùng nạn mà cứu hộ,
Như vậy hành tương ưng,
Thì thấy công đức lớn.
Lỗi lầm ta không ít,
Nó sâu như biển lớn,
Nếu tự tha lại tạo,
Làm sao được giải thoát ?
Nếu kia khéo day dỗ,
Xấu hổ các lỗi lầm,
Thường cúi nhận dạy bảo,
Tất cả đều phải học.
Nghe kia oán sinh sợ,
Chớ nói cho ai biết,
Kia và ta như nhau,
Kia vui, đây không thẹn.
Các phiền não oán địch,
Mình ta chiến đấu được,
Nếu ở trong tâm này,
Tổn hoại, không an ổn.
Quy mạng Quán Tự Tại,
Đại bi khôn sánh ví,
Tóc xanh vấn xoắn ốc,
Rồi làm tràng thả rũ.
Trong mười phương cõi nước,
Ngón tay tuôn biển sữa,
Cứu địa ngục quỷ thú,
Các thống khổ luân hồi.
Lại các chúng sinh thiện,
Cũng tầm thanh cứu hộ,
Bà-trĩ A-tu-la,
Được thoát các oán hại.
Rất tối thắng trang nghiêm,
Đời chưa từng trông thấy,
Ngu trí các hữu tình,
Chiêm ngưỡng được mừng vui.
Rồi lại cung kính lễ,
Đại sĩ Diệu Cát Tường,
Tập họp kho chính pháp,
Năng lợi lạc thế gian.
Đại y vương khôn sánh,
Khéo tiêu các độc nạn,
Cho vui và thọ mạng,
Nên con nay kính lễ.
Vô biên khổ nóng bức,
Hiện rộng lớn suối trong,
Khiến tâm sinh vui thích,
Sẽ trừ được khát ái.
Các thế giới mười phương,
Đều hiện Kiếp-ba-la,
Chúng sinh cầu thỏa mãn,
Khắp hiện mắt sen xanh,
Vô lượng các Bồ-tát,
Xưng tán đến rợn người.
Quy mạng đức Văn-thù,
Tối thắng chẳng ai kịp.
Tất cả hi hữu hạnh Bồ-tát.
Kết tập sở hữu các công đức.
Tự tha sẽ được phúc vô cùng,
Đều làm Văn-thù chân Phật tử.
Biên chép chính pháp này,
Ta có chút thiện nhỏ,
Vì thương xót hữu tình,
Khiến tăng trưởng thắng tuệ.
Các pháp từ duyên sinh,
Hết duyên pháp liền diệt.
Thầy ta Đại Sa-môn,
Thường đã nói như vậy./.
HẾT QUYỂN 25, TRỌN BỘ