LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Phẩm 1: TẬP BỐ THÍ HỌC Phần 3

Như kinh Thánh Sở Thuyết Vô Lượng Ý nói: “Bồ-tát phải quán sát tự thân đối với các chúng sanh nên làm thế nào? Nghĩa là bốn đại: đất, nước, gió, lửa có nhiều môn, nhiều thứ việc làm, nhiều thứ hệ thuộc, nhiều thứ khí cụ, nhiều thứ thọ dụng, nên phải tùy hành của chúng sanh hoặc nhiều hoặc ít, nhưng thân tứ đại nầy của ta tức chỗ tụ hội của các yếu tố ấy cũng lại như vậy, có nhiều môn, nhiều thứ tạo tác, nhiều thứ hệ thuộc, nhiều thứ khí cụ, nhiều thứ thọ dụng. Đối với các chúng sanh làm chỗ nương dựa lớn ở trong sự quán sát của mình mà làm lợi ích cho chúng sanh. Giả sử thân nầy có khổ thì Bồ-tát cũng không sanh nhàm chán.

Luận nói: Về việc xả phước thọ dụng thì như trong Kinh Kim Cang Tràng nói: Bồ-tát dùng nhiều thứ để bố thí cho vô lượng người bần cùng khốn khổ trong mười phương. Người nhận thọ sự bố thí tin tưởng vào việc làm của Bồ-tát, nghe tiếng của Bồ-tát, duyên vào lời nói của Bồtát mà luôn luôn đều phải tu tập theo. Tuy nhiên Bồ-tát bố thí trước tiên phải phát thệ nguyện. Do nghe lời nguyện trong tâm Bồ-tát đối với việc xả bỏ tất cả với ý hoan hỷ không nhàm chán mà khiến cho người xin đều được mãn nguyện, tùy vào người đến xin mà phát tâm đa tạ. Như kệ trong kinh nói:

Ta nên đến chỗ thí
Ngươi biết không thể được
Các người từ xa đến
Không khổ nhọc hay sao?

Như vậy, đối với người đến xin phải nên lễ bái, cung kính, an ủi và tắm rửa thân thể sạch sẽ để thiết sàng tòa rồi theo nhu cầu của họ mà cung cấp đầy đủ, đó là các loại mạt ni xa, các trang sức báu của phụ nữ trong cõi Diêm-phù-đề mà cung cấp tất cả. Hoặc bố thí vàng bạc, xe cộ, người hầu, tùy theo các loại nữ trang thanh tịnh mà đem cho đầy đủ. Hoặc bố thí xe Lưu ly với sự ca vịnh âm nhạc tối thượng đầy đủ như trước. Hoặc bố thí xe Phi-chi-ca với bốn phương diện thuộc các loại báu trang sức của người nữ được thiết lập thật trang nghiêm nhiều màu sắc và hình tượng không thể so sánh được, đồng thời cũng đầy đủ không có thiếu sót. Như trước đã nói, Mạt-ni xa được các thứ lưới báu bao phủ ở trên và dùng voi trắng để kéo và người điều khiển voi trông thật trang nghiêm vô lượng. tướng của bánh xe báu ấy cùng với xe đều rất tương xứng. Lại nữa, ở trong xe có nhiều tòa sư tử được làm bằng bảo vật cho đến thiết lập các phan lọng, bảo cái bằng vật báu che phủ lên trên tòa. Ở trong đó mọi người đều đi nhiễu quanh tháp báu và bốn mặt tháp đều có đủ loại thứ hương thơm xông lên. Dùng hương làm đồ xoa, lấy các thứ hoa thơm ngát tung rãi khắp nơi thật trang nghiêm vi diệu.

Lại trong kinh kia nói, vì các chúng sanh nên Bồ-tát xả bỏ thân mình, thừa sự chư Phật mà nhiếp thọ họ. Như hoặc xả bỏ địa vị chuyển luân vương quốc thành cung điện và tất cả những thứ trang sức thắng diệu như vì người đến xin mà Bồ-tát xả bỏ các quyến thuộc nam nữ, thê thiếp, nhà cửa, ruộng vườn. Như vậy Bồ-tát xả bỏ ngay cả việc ăn uống quý ngài cũng vì chúng sanh mà luôn cung cấp đầy đủ. Đối với người bệnh tật, Bồ-tát đều thương tưởng đến mà ban cho mọi thứ cần dùng, như thuốc men, cơm nước, giường chiếu và phòng xá v.v… đối với Phật các ngài đều thừa sự cúng dường vô lượng các thứ báo trang nghiêm và khởi tâm cung kính không thể nghĩ bàn. Đối với Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác các ngài cũng luôn gần gũi cúng dường, đồng thời chỉ dạy họ phát khởi tâm hy hữu và tâm thanh tịnh. Đối với cha mẹ, A-xà-lê và các Tôn sư khác, mà khởi tâm cung kính, hầu hạ gần gũi, cầu học các tâm. Hoặc bố thí cho các người túng thiếu, khốn khổ, đối với các chúng sanh mà quán sát vô ngại, phát tâm thương xót. Tóm lại, nói: Nếu Bồtát vui bố thí xe voi với bảy chi báu thiết lập cao sáu mươi trượng và đầy đủ sáu ngà với mắt mũi thanh tịnh như sắc hoa sen, hình tướng được các thứ báu như vàng bạc v.v… Trang sức trông thật trang nghiêm, mũi thở ra những sắc vàng thù thắng vi diệu, bước đi cả ngàn du thiện na người xem không chán. Hoặc bố thí xe ngựa tùy đi dạo bốn phương nhưng mỗi bước đi đều bình ổn, ngay thẳng thân được sự an ổn với các tôi tớ hầu hạ đem theo thức ăn nước uống đầy đủ như sự trang nghiêm ở cõi trời trăm ngàn thứ báu v.v… hoặc bố thí cho các thiện tri thức, cha mẹ, sư trưởng tôn trọng và tất cả những người khốn khó trong thế gian với tâm không xẻn tiếc cũng không chấp trước. Ngược lại đem lòng đại bi đại xả phát tâm sâu xa thanh tịnh của Bồ-tát khiến phát tâm vô lượng công đức. Cho đến Bồ-tát hoặc bố thí sàng tòa, chỗ ngồi của bậc hiền vương và ngọc phệ lưu ly ở dưới chân ghế báu mà an trí giường sư tử, dây vàng lưới báu khắp mọi nơi rũ xuống mềm mại uyển chuyển với vô lượng trang sức, xông ướp hương thơm vi diệu dùng ngọc ma ni kiến lập đàn tràng cao diệu với vô lượng trăm ngàn sự bền vững vượt qua các thứ báu và dùng các thứ báu vô lượng rũ xuống để trang nghiêm, đồng thời mỗi một mắt lưới đều theo các linh báu. Gió thổi lay động phát ra âm thanh hòa nhã vui tai. Hoặc bố thí tòa ngồi cao lớn chót vót trên cao, có vô số các lọng thượng hạng che khắp mặt đất. tất cả các quốc vương, chủ đại tự tại ngồi rồi làm phép Quán đảnh và ở tòa nầy được chuyển luân vô ngại, dạy các tiểu vương theo đó phụng hành. Như vậy, cho đến Bồ-tát bố thí lọng báu lớn cũng dùng báu lớn trang sức, các cây, linh, dây, lưới… đều bằng báu rũ xuống quá khỏi tại, cổ. Lại nữa, dùng ngọc lưu ly, ma ni v.v… kết thành chuỗi anh lạc vi diệu. Lại trong các lưới như trời Nan di xuất ra âm hưởng vi diệu thanh tịnh hòa nhã được các loại báu cự phách trang nghiêm, số ấy có đến trăm ngàn thứ như chỗ chứa đựng các vật báu. Lại đốt hương vô giá bay khắp nơi như chiên đàn, trầm thủy tỏa ra mùi hương lan đi trăm ngàn do tuần đến khắp cõi nước khác. Lại có bảo cái thanh tịnh như ánh sáng vàng ròng của cõi Diêm-phù cũng dùng vô lượng các loại báu trang nghiêm. Dùng vô số trăm ngàn bảo cái che kín không gian. Dùng tâm bố thí đối với những người đến xin mà tùy theo nhu cầu của họ để cấp cho. Hoặc bố thí pháp chân thực khi chư Phật diệt độ để trang nghiêm tháp miếu. Hoặc đến cầu pháp với Bồ-tát, thiện tri thức và các Pháp sư Bồ-tát sanh trong thời hiện tại. Nếu cha mẹ, tăng bảo phụng hành theo giáo pháp của Phật cho đến tất cả những người đến thọ nhận sự bố thí thì đều lấy thiện căn như vậy mà hồi hướng. Như thời ban đầu ấy khi có các pháp thiện đều phải nên thân cận. Cứ như thế phát nguyện về thiện căn nầy và đối với các thế gian thường được nương ở, đối với pháp thanh tịnh được chánh tự tại. Nếu các chúng sanh có các thiện căn nầy thì tội báo ở địa ngục hoàn toàn được dứt trừ, cho đến cõi súc sanh cũng dứt hết khổ sở. Người kia đối với thiện căn đã hồi hướng thì ta đối với thiện căn cũng lại như vậy. Khi ở trong phòng xá thì nguyện cho các chúng sanh dứt trừ các khổ sở. Khi dang tay cứu vớt người thì nguyện cho chúng sanh dứt trừ các phiền não.

Khi gặp sự nương sống nhờ thì nguyện cho chúng sanh lìa khỏi các sự sợ hãi. Nếu khi ra đi thì nguyện cho chúng sanh đến tất cả địa. Nếu khi hướng đến thì nguyện cho chúng sanh đạt được nhẫn rốt ráo. Khi thấy ánh sáng thì nguyện cho chúng sanh đạt được trí tuệ không còn mê mờ. Khi thấy ánh điển chớp thì nguyện cho chúng sanh phá trừ được vô minh ám độn. Khi gặp đèn đuốc thì nguyện cho chúng sanh trụ vào nơi thanh tịnh rốt ráo. Khi gặp sự khỏe mạnh thì nguyện cho chúng sanh đối với pháp không thể nghĩ bàn vào sâu chánh lý. Khi gặp vị tướng dõng mãnh thì nguyện cho chúng sanh đạt được trí vô ngại. Cho đến lời nói không có hư vọng, với ý sâu xa kiên cố hồi hướng về một cảnh, và tâm hồi hướng, tâm hoan hỷ hồi hướng, tâm tất hoan hỷ hồi hướng, tâm nhu nhuyến hồi hướng, tâm đại từ hồi hướng, tâm vui thích hồi hướng, tâm nhiếp thọ hồi hướng, tâm thủ hộ hồi hướng, tâm an ổn hồi hướng v.v… Lại nữa, với thiện căn nầy của ta nguyện cho tất cả chúng sanh được thành tựu việc hướng đến thanh tịnh, được thành tựu chỗ sanh thanh tịnh, được thành tựu phước tướng thanh tịnh trang nghiêm thân, được thành tựu sự vô tổn hại, được thành tựu sự bố thí rộng lớn, được thành tựu tâm lâu xa, của thành tựu niệm không mất, được thành tựu tuệ giải, được thành tựu giác ngộ vô lượng, được thành tựu thân, ý nghiệp và được tất cả các công đức trang nghiêm tròn đầy. Lại nữa, dùng vô lượng thiện căn cùng các chúng sanh cúng dường chư Phật. Cúng dường xong được không tổn giảm và ở chỗ Phật Thế Tôn sám hối tất cả tội ác, gần gũi bậc Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác. Nghe Phật thuyết pháp rồi lìa hẳn các pháp nghi hoặc. Do nghe pháp và thọ trì nên thường xuyên đạt được chánh hạnh đầy đủ. Do cúng dường Như Lai nên thành tựu sự nghiệp, tâm siêng tu tập không có các tội ác. Lại nữa, ta gieo trồng các thiện căn nầy để hoàn toàn xa lìa sự bần cùng và đạt được Thánh tài (bảy pháp của bậc Thánh) thuận theo chư Phật để học được thiện căn thù thắng, có thể thành tựu sự tin hiểu rộng lớn và nhập vào Nhất thiết trí. Đối với thế gian thường quan sát vô ngại đầy đủ công đức trang nghiêm thanh tịnh, nhiếp thọ tất cả công đức, lời nói trang nghiêm, thành tựu các căn, mười lực gắn liền với sự tích tập của tâm phân biệt, ở trong mọi cử chỉ không gì không viên mãn. Lại nữa, các Đức Phật đã thành tựu trú xứ diệu lạc nên nguyện cho các chúng sanh cũng đứợc như thế, như trong Lục Thập Hồi Hướng Nghi Quỹ nói: “Nguyện cho hết thảy chúng sanh đạt được trí thực, vật không nên ăn, tâm tự biết hết, quyết định không chọn lựa thức ăn ưa thích, không ăn thịt cho đến không sanh ái dục. Nguyện cho tất cả chúng sanh như mưa xuống đều được một vị pháp. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều đạt được vị tối thượng, đối với niềm vui pháp tối thượng an trú đầy đủ, khéo tư duy tất cả pháp của Phật, không sanh chấp tướng, không hoại các thừa như tối thượng thừa, tối thắng thừa, tốc tật thừa, đại lực thừa v.v… Nguyện cho tất cả chúng sanh vui thấy chư Phật không hề nhàm chán. Nguyện cho chúng sanh gặp thiện tri thức được không gián đoạn. Nguyện cho các chúng sanh không thấy thuốc độc. Nguyện cho các chúng sanh dứt trừ phiền não. Nguyện cho các chúng sanh thấy ánh sáng mặt trời thanh tịnh. Nguyện cho các chúng sanh phá tan tối tăm rồi tùy theo sự ưa thích mà nói. Như vậy thân tướng chiếu rõ tự tánh. Nguyện cho các chúng sanh thấy được ánh sáng thù thắng, không thấy các sự não hại mà chỉ có an vui, hiền thiện ưa thích với hy vọng cực hỷ đến chỗ chư Phật. Nguyện cho các chúng sanh đầy đủ hương giới, ở trong giới rốt ráo của Bồ-tát không hề hủy phạm. Nguyện cho các chúng sanh huân tu bố thí, xả bỏ tất cả. Nguyện cho các chúng sanh huân tu nhẫn nhục để được tâm bất động. Nguyện cho các chúng sanh huân tu tinh tấn và mặc áo giáp đại tinh tấn. Nguyện cho các chúng sanh huân tu các tĩnh lự, nương theo ở trước Phật hiện tại đắc Tam-ma-địa. Nguyện cho các chúng sanh huân tập sự hồi hướng của Bồ-tát. Nguyện cho các chúng sanh huân tu tất cả các pháp thiện, giải thoát tất cả các pháp bất thiện. Nguyện cho các chúng sanh được mọi sự cần dùng như ở cõi trời. Nguyện cho các chúng sanh phát khởi đại trí hạnh và được đầy đủ hành trang của bậc thánh. Nguyện cho chúng sanh dùng tâm Bồ-đề khuyến hóa chúng sanh khác đạt được an lạc vi diệu. Nguyện cho các chúng sanh xa lìa hành khổ luân hồi đạt đến nơi an ổn. Nguyện cho các chúng sanh được an trú vào cõi Phật thanh tịnh và chứng đắc các pháp xúc, nghĩa là trụ vào công đức, trụ vào pháp tương ưng, trụ vào cái rộng lớn tối thượng bất động của chư Phật. Nguyện cho các chúng sanh được gần Phật. Nguyện cho các chúng sinh được vô lượng ánh sáng của pháp Phật chiếu đến. Nguyện cho các chúng sanh được ánh sáng vô ngại và hay dùng ánh sáng ấy chiếu khắp các pháp giới. Nguyện cho các chúng sanh được thân an ổn và đắc thân Như Lai. Nguyện cho các chúng sanh như Dược vương, biết phân biệt luận bàn phương thuốc. Nguyện cho các chúng sanh đều giống như thuốc hay không bao giờ gây tổn hại. Nguyện cho các chúng sanh như lương y ở đời chữa lành tất cả bệnh tật, được Nhất thiết trí đạt đến nơi an ổn. Nguyện cho các chúng sanh như vị thuốc hay ở đời thường hay đem tâm sâu xa đâm nghiền giã thuốc để hòa hợp. Nguyện cho các chúng sanh diệt trừ các bệnh tật khổ não. Nguyện cho các chúng sanh được thân thể có sức mạnh lớn. Nguyện cho các chúng sanh phá tan các thế lực của núi Luân vi. Nguyện cho các chúng sanh đạt được thế giới hư không vô hạn lượng với niệm căn rộng lớn, dù ở đời hay xuất thế tất cả chỗ nói đều nhiếp thọ rộng lớn và trì giữ niệm không vọng tưởng. Nguyện cho các chúng sanh được đồ dùng thanh tịnh, thiện, liễu ngộ sự phân biệt thanh tịnh của ba đời chư Phật không hề chấp trước. Nguyện cho sự mong muốn của chúng sanh được hướng đến tất cả các xứ hành ở cõi Phật. Nguyện cho các chúng sanh đối với tất cả chúng sanh khác được tâm không tổn hại. Nguyện cho các chúng sanh trong một sát na tâm đều duyên khắp các pháp giới và đi đến khắp tất cả các pháp giới mà không biết chán, mỏi mệt, nhờ vào sự không chán ghét ấy mà được thân uyển chuyển thông suốt. Nguyện cho các chúng sanh được hạnh diệu lạc cùng với các Bồ-tát đi đến đạo tràng. Nguyện cho các chúng sanh đối với các thiện tri thức và thiện căn, được tâm không xa lìa, biết ân báo ân theo đó mà giữ gìn. Nguyện cho các chúng sanh cùng với thiện tri thức đồng nhất sự lợi lạc. Nguyện cho các chúng sanh với tâm hoan hỷ sâu xa chỉ nhiếp thọ pháp thiện và cùng với thiện tri thức cộng trụ an ổn để tùy tu hạnh phước. Nguyện cho các chúng sanh cùng với thiện tri thức đều có nghiệp báo thiện căn thanh tịnh đồng một đại nguyện. Nguyện cho các chúng sanh trụ vào pháp Đại thừa, vĩnh viễn xa lìa vô minh sầu khổ và đạt được Nhất thiết trí vô cùng tận. Nguyện cho các chúng sanh được bao phủ bởi các thiện căn sống trong sự thủ hộ của các Đức Như Lai. Nguyện cho các chúng sanh giữ gìn trí đức, giải thoát tất cả các hoặc nhiễm ở thế gian. Nguyện cho các chúng sanh được đầy đủ tất cả các pháp thiện không khởi tán loạn và trong pháp Phật được hạnh bất hoại. Nguyện cho các chúng sanh đem mười lực để phủ lấp tất cả các ấm. Nguyện cho các chúng sanh được tâm sâu xa rộng lớn hiểu biết rốt ráo. Nguyện cho các chúng sanh ngồi tòa sư tử đạt được thần thông của Phật, đối với pháp thế gian phải quán sát như vậy. Lại nữa, trong kinh Hư Không Tạng nói: “Chỗ tích tập thiện căn, pháp trí thiện xảo của ta lúc nào cũng nương vào chúng sanh làm chỗ y cứ”.

Luận nói: Xả bỏ sự thọ dụng của quá khứ và vị lai. Như trong kinh Vô Tận Ý nói: “Nếu tâm thiện và tâm sở pháp mỗi niệm đều hướng đến Bồ-đề thì đó là thiện xảo, nếu thiện căn vị lai quyết định đi đến Bồ-đề thì hiện tại đối với sự nghiệp nên khởi tâm thiện đều hồi hướng về Anậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Luận nói: Như vậy, tâm và tâm sở pháp tu tập tin hiểu trọn vẹn tất cả xả thí. Lại nữa, tâm sở hành và thân phương tiện xả bỏ các sự nhiếp thọ. Nói nhiếp thọ nầy chính là giải thoát căn bản khổ đau trong ba cõi. Trong đây, vì đối với chỗ tạo tác trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp nên chiêu cảm vô lượng sự giàu sang và an vui của thế gian và xuất thế gian. Đối với thân tự nhiên thọ dụng như ý muốn. Ta nên dùng lưỡi câu tài lợi cứu vớt tất cả chúng sanh đặt lên bờ giác ngộ. Bồ-tát ở trong đạo Bồ-đề phải hoàn toàn bố thí tất cả, còn các điều khác thì như trong kinh Bảo Vân đã nói.

Phẩm 2: GIỚI HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP Phần 1

Luận nói: Người ấy đã xả bỏ thân sao còn gọi là thủ hộ? Lấy sự thọ dụng của mình mà bố thí cho tất cả chúng sanh sao gọi là thọ dụng và những gì gọi là bố thí? Nếu không thọ dụng cũng không thủ hộ thì chỉ là hộ trì tự thân nên phải lấy sự thọ dụng làm lợi ích cho chúng sanh. Trong kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói: “Nầy Xá-lợi-tử! Nên biết việc thủ hộ người khác tức là thủ hộ tự thân. Nầy Xá-lợi-tử! Hành tướng như vậy, nếu Bồ-tát thành tựu thủ hộ người khác, giả sử gặp nhân duyên đoạt mạng thì cũng nghĩ rằng ta đối với nghiệp ấy không nên làm”. Lại như trong kinh Vô Úy Thọ Sở Vấn nói: “Như xe lớn chuyên chở được nhiều dụng cụ nặng nề chỉ có các bậc trí mới hiểu rõ các pháp”. Trong kinh Vô Tận Ý cũng nói như vầy: “Vì hộ trì chúng sanh nên giả thiết thân có vướng vào khổ nạn, Bồ-tát cũng không hề sanh tâm mỏi mệt nhàm chán huống là xả bỏ thiện tri thức”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Nầy thiện nam tử! Bồ-tát nhờ thiện tri thức mà hộ trì không đọa vào cõi ác, nhờ thiện tri thức mà siêu việt hoàn toàn các học xứ của Bồ-tát, nhờ thiện tri thức giáo hóa mà được xuất ly thế gian, nhờ thiện tri thức mà được gần gũi hạnh không mất của Bồ-tát, nhờ thiện tri thức mà được nhiếp thọ tất cả các hạnh hiếm có của Bồ-tát, nhờ thiện tri thức mà được nương tựa vào đạo chánh giác, diệt trừ hoặc chướng nghiệp để thoát khỏi bờ sanh tử và đến nơi thanh tịnh. Nầy thiện nam tử! Do đó việc gần gũi thừa sự thiện tri thức thì nên khởi tác ý như vậy. Nghĩa là tâm như mặt đất có thể dung chứa tất cả mọi thứ nhưng không hề mệt mỏi nhàm chán, tâm như kim cương với chí nguyện không thể hủy hoại, tâm như núi Luân, giả sử gặp các sự khổ não cũng không hề chuyển động, tâm như người nô bộc dù làm các việc nặng nhọc cũng không than vãn nhàm chán, tâm như người làm thuê luôn trừ sạch bụi trần dơ uế mà không hề kiêu mạn, tâm như xe lớn có thể chở nặng đi xa nhưng không đổ ngã, tâm như ngựa tốt không bao giờ trở chứng, tâm như thuyền bè đưa khách qua lại mà không mỏi mệt, tâm như người con hiếu thảo đối với người thân luôn tùy thuận với sắc mặt vui vẻ hòa khí. Lại nữa, thiện nam tử! Nên đối với thân mình khởi tưởng bệnh khổ, đối với thiện tri thức khởi tưởng là thầy thuốc hay, tùy chỗ chỉ dạy mà tạo ra tưởng thuốc tốt, nhờ chỗ tu chánh hạnh mà tạo ra tưởng đoạn trừ bệnh tật. Nầy thiện nam tử! Nên đối với thân mình khởi tưởng sợ hãi, đối với thiện tri thức khởi tưởng dõng mãnh, tùy chỗ chỉ dạy mà tạo ra tưởng có thế lực và tu tập chánh hạnh tạo ra tưởng đoạn tuyệt oán thù. Lại nữa, trong Giải Thoát Quán Ưu-bà-di nói: “Nầy thiện nam tử! Bồ-tát đối với thiện tri thức thì tùy chỗ chỉ dạy nên suy nghĩ cúng dường các Đức Phật Thế Tôn. Bồ-tát đối với thiện tri thức không hề nói lời trái nghịch, được gần gũi Nhất thiết trí nên đối với thiện tri thức nói lời vô ngại hoặc, được gần gũi thiện tri thức mà không lìa tác ý, chỉ đạt được lợi ích trong hiện tại”. Lại như Thiện Tài đến chỗ Tỳ-kheo Kiên Cố Tràng cúi đầu đảnh lễ rồi đi nhiễu trăm ngàn vòng và đứng qua một bên. Bấy giờ, Tỳ-kheo Kiên Cố Tràng quán sát sự kính lễ, lại quan sát kỹ rồi lại cũng lễ kính lại. Sau khi tư duy quán sát khắp rồi, Tỳ-kheo liền hỏi: “Ông từ nơi nào đến mà hiện tướng như thế? Đối với công đức lợi ích hiện tại muốn niệm kiên cố với vô lượng hạnh nguyện, không xả ý nầy với hy vọng thấy tướng và âm thanh cho đến… làm lễ mà đi ra”. Như vậy, Thiện Tài thấy được Nhất thiết trí bèn khóc rơi hết nước mắt. Sau đó, Thịện Tài đến gặp Tỳ-kheo Hải Vân làm lễ mà ra đi”. Lại nữa, trong kinh Bồ-tát Phân Biệt Giải Thoát nói: “Nầy thiện nam tử! Bồ-tát vui với pháp thiện, ý muốn trân bảo của thế gian cũng đểu xả bỏ, đem thân thừa sự luôn cung kính cung cấp cho người thấp hèn và nói luôn tuân thủ theo giới, đối với Hòa thượng, A-xà-lê luôn sanh tâm tôn trọng cực độ. Tại sao? Vì đoạn triền phược mà cầu pháp như vậy, vì đoạn trừ sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não mà cầu pháp như vậy, vì phát tâm như thật trừ diệt sự khổ sở bần cùng của chúng sanh mà cầu pháp như vậy, vì phát tâm như cây thuốc làm an lạc cho chúng sanh mà cầu pháp như vậy”. Trong kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn nói: “Nầy Trưởng giả! Hoặc chỉ nghe một đến bốn câu kệ của Bồ-tát rồi thọ trì đọc tụng vì người khác mà giảng nói và tích tập các hạnh tương ưng về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ của Bồ-tát thì người ấy đối với pháp A-xà-lê nên sanh tôn trọng cho đến chỉ dùng một câu văn mà nói kệ tán thán và ở trong một kiếp gần gũi A-xà-lê rồi thừa sự thường hành chánh trực và đem tất cả sự thọ dụng tài lợi để cúng dường, thì nầy Trưởng giả! Người kia đối với A-xà-lê tôn trọng còn chưa viên mãn”.

Luận nói: Như thế nào gọi là tôn trọng pháp? Trong kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa nói: “Nầy thiện nam tử! Ông đối với thiện tri thức nên phải khởi tâm vui thích tôn trọng. Bấy giờ, Thường Thảm Bồ-tát với hành tướng như vậy tác ý tôn trọng và đi vào trong một thành ấp nói: Ta vì cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng nên phải bán thân mạng để thuận theo giữ gìn sự chánh trực. Tuy nhiên ta đêm ngày vì nhân duyên ưa muốn thọ thân sanh tử lưu chuyển các cõi vô lượng vô biên, mà chưa từng vì pháp lợi ích cho chúng sanh. Lúc ấy Bồ-tát Thường Thảm cao giọng xướng lên: “Từ khi nghe người ta nói: Ai có muốn mua người nầy, ai có muốn mua người nầy?”, lúc bấy giờ ma Ba tuần từ chỗ ngồi đứng dậy khiến các Trưởng giả Bà-la-môn không thể nghe điều đó, do vậy ta muốn bán thân cũng không thể được. Người kia đi ngang qua thường không nghe gì cả nên ta tự rơi lệ khóc than mà nói: “Lạ thay! Đối với tài lợi sao mà khó kiếm được như vậy! Ngay cả đem thân ra bán cũng chẳng ai mua”. Khi ấy có vị Thiên chủ tên là Chướcca-la hiện làm thân Phạm chí đến chỗ Bồ-tát Thường Thảm nói: “Nầy thiện nam! Ông sao ở đây buồn thảm khóc lóc?”. Thường Thảm Bồ-tát nói: “Ta nay ưa thích pháp thiện, muốn vì cúng dường pháp mà thường tự bán thân mình để cầu pháp nhưng chẳng có ai mua”. Bấy giờ Phạm Chí thưa với Bồ-tát: “Ta không cần người mà chẳng có gì làm được chỉ cần thân, tim máu huyết xương tủy của người, ngươi có thể bán được không?”. Lúc ấy Bồ-tát Thường Thảm tự nghĩ: Ta nay đã được thiện lợi lớn trọn vẹn. Định biết Bát nhã Ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo, thân ta còn bán sao lại mến tiếc gì máu huyết và xương tủy, bèn phát tâm vui nhận, tâm khéo phân biệt, tâm hoan hỷ cực độ mà nói với Phạm chí: “Thân nầy tùy ý ông muốn làm gì thì làm”. Nói rồi Bồ-tát dùng dao bén cắt đứt cánh tay của Bồ-tát khiến cho máu chảy ra và lóc thịt để phá bỏ xương cốt mà đưa. Khi ấy có nữ Trưởng giả đứng trên lầu cao xa trông thấy rõ sự việc nầy liền đến mà nói với Bồ-tát Thường Thảm “Tại sao ông phải làm thân mình khổ sở như vậy?”. Cho đến khi Đồng nữ nghe cúng dường rồi lại nói: Nầy thiện nam tử! Người kia có những công đức thiện lợi gì? Đáp: Nầy Đồng nữ! Thiện nam ấy vì ta mà khéo nói pháp Bát nhã Ba-la-mật phương tiện thiện xảo nên ta mới được pháp học như vậy. Việc học như vậy là vì tạo ra chỗ quy thú cho các chúng sanh”. Lại nữa, Đồng nữ nói với Bồ-tát Thường thảm: “Thiện nam tử! Đối với Axà-lê nên vì cầu pháp rộng lớn mà được hai nghĩa pháp. Ở trong hằng hà sa vô số kiếp mà xả thân nầy cũng chỉ vì cầu pháp rộng lớn như thế.

Thiện nam tử! Ta nay có đủ vàng bạc, ngọc lưu ly và các châu báu v.v. Ông nên đem cúng dường Bồ-tát Pháp thượng mà tạo được lợi ích rộng lớn”. Lúc ấy Đồng nữ cùng năm trăm quyến thuộc của mình đều đi đến chỗ Bồ-tát Pháp Thượng. Bấy giờ Pháp Thượng từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào ở trong thất trải qua bảy năm nhập thiền định. Bồ-tát Thường Thảm cũng trong bảy năm ấy không khởi suy nghĩ muốn tìm, chê bai, tổn hại cũng không đắm trước các thứ ngon vật lạ mà chỉ nhớ nghĩ đến Pháp Thượng bao giờ xuất định. Cứ như vậy Bồ-tát Thường Thảm đi vào trong các địa phương, ngồi trên pháp tòa mà giải nói pháp ấy và được mọi người rãi muôn thứ hoa và các trân bảo để cúng dường. Lúc ấy, nữ Trưởng giả cùng năm trăm quyến thuộc đối với Thường Thảm cũng thực hành oai nghi tấn chỉ như vậy. Bấy giờ giữa hư không cũng vang lên tiếng báo cho Thường Thảm biết rằng. Trong vòng bảy ngày nữa là Pháp Thượng ra khỏi thiền định và đi đến thành kia để tùy nghi thuyết pháp. Khi ấy Thường Thảm nghe rồi liền sanh tâm vui vẻ cực độ và ý rất phấn khởi, dọn sạch nơi chỗ trang nghiêm. Lúc ấy nữ Trưởng giả cùng năm trăm quyến thuộc ở trước pháp tòa, dùng trí khéo léo và bảy thứ báu để trang hoàng. Kế đến, Thường Thảm ở trong địa phương nghiêm chỉnh quét tưới khắp nơi nhưng cầu nước mà không thể được và chốn ấy có ma Ba Tuần tên là Ẩm Tương đã che lấp hết nước với mục đích khiến cho tâm Bồ-tát sanh khổ não, thoái lui ý đạo, tăng trưởng căn bản bất thiện. Khi ấy Bồ-tát Thường Thảm đã biết ma Ba tuần che lấp hết nước bèn nghĩ: “Ta nay nên dùng dao cắt thân cho máu chảy ra dưới đất. Vì sao vậy? Vì cõi địa phương nầy lắm bụi trần sợ thân Bồ-tát Pháp Thượng bị dơ bẩn, nên ta phải vì pháp cho dù thân nầy có thể bị hủy nát cũng không lấy gì làm thương tiếc. Lại nữa, ngày xưa ta có nhân duyên qua lại trong vô số cõi luân hồi sanh tử nhưng chưa từng vì pháp để xả thân mạng. Nghĩ xong Thường Thảm liền dùng dao cắt thân mình khiến cho máu huyết chảy khắp địa phương ấy, các nữ quyến thuộc cũng bắt chước làm theo như vậy. Lúc ấy ma Ba tuần đều không thể ngăn được. Trong kinh Đại Thừa Tứ Pháp nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo: Bồ-tát đoạn tận thọ mạng hình hài của mình cho đến hoặc gặp nhân duyên mất mạng cũng hoàn toàn không bao giờ xa rời thiện tri thức”.