LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: TẬP HỢP HỌC XỨ VỀ BỐ THÍ 1

Tôi nghe địa ngục thật hiểm nghèo,

Nỗi khổ vô cùng như lửa đốt.

Vì xưa tâm từng không vắng lặng

Nên thích nghe nhiều pháp Đại thừa .

Nghe rồi xa lìa các tội ác,

Sám hối các tội trước đã tạo.

Tôi chưa thường được điều thiện lợi,

Trong đây ít nhiều bị giảm mất.

Bồ-tát diệu lạc hơn tất cả,

Chỉ Phật chứng đủ lý bình đẳng.

Hiếm có khó lường trong pháp bảo,

Xin trong giây lát nghe tôi nói.

Ba cõi đều đến Chủ thành tựu,

Long thiên bát bộ các quyến thuộc

Đều sinh khát ngưỡng khởi từ tâm

Hoan hỷ lắng nghe lời an ổn.

Như Lai, chính pháp và Phật tử

Khéo vào giới Phật được sinh thân.

Tôi nay tập giải lời Phật nói

Mừng vui chí thành cung kính lễ.

Tôi vốn từ xưa không chút hiểu

Không dạy, không giảng, chẳng có tài,

Cũng không lợi lạc được cho ai,

Chỉ muốn một lòng làm bạn pháp.

Nhưng tôi yêu thích pháp thanh tịnh

Để khiến trưởng dưỡng các thiện căn.

Xin được cùng tôi xem văn này

Nếu nghĩa chưa đạt mong chỉ dạy.

Luận nói:

Muốn thành tựu nghĩa của trượng phu đầy đủ trong sát-na là việc khó được. Nếu tư duy không ổn định làm sao có được hạnh chính đẳng này ?

Như Kinh Hoa Nghiêm nói:

Thiện Tài ở chỗ Bà-la-môn Thắng Nhiệt suy nghĩ như vầy: Được thân người khó, thoát các nạn khó, được không nạn khó, trong sát-na đầy đủ thanh tịnh khó, gặp Phật ra đời khó, các căn đầy đủ khó, được nghe Phật pháp khó, được gặp người tốt khó, gặp chân thiện tri thức khó, thụ chính giáo đúng như lý khó, sống chân chính khó.

Luận nói:

Một số chính hạnh đây đã biết rồi, nếu có đại sĩ quán sát như vậy tôi nghĩ người ấy sẽ thoát nỗi khổ sợ hãi, không quá yêu thích thân mình, vì có gì đặc biệt tốt đẹp ? Chỉ hộ trì Thi-la cứu vớt hết các gốc khổ của giới hữu tình, xây dựng nhân Bồ-đề mong cầu hạnh diệu lạc, phát tâm kiên cố không hoại tín căn.

Như Bảo Quang Minh Đà-la-ni có nói kệ rằng:

Tin thuận chư Phật và Phật pháp,

Cũng tin Phật tử tu đạo hạnh,

Tin nơi vô thượng Đại Bồ-đề.

Bồ-tát lấy đây phát tâm trước.

Tin là dẫn đạo, mẹ công đức,

Nuôi lớn tất cả pháp thắng thiện,

Dứt trừ lưới nghi, dòng khát ái.

Tin hiển thị được hạnh an nhẫn,

Tin không nhiễm trược, khiến tâm tịnh,

Trừ bỏ ngã mạn, vốn cung kính.

Tin như tay sạch giữ gìn nhân,

Bảy thánh pháp tài vô thượng hạnh.

Tin hoan hỷ xả được tất cả.

Do tin nên vui nhập Phật pháp.

Tin là xuất sinh trí công đức.

Theo chỗ Phật nói đều thông suốt.

Tin: Gốc sáng sạch, rất bén nhọn,

Như thật vĩnh đoạn gốc phiền não.

Tin: Sức kiên cố không thể hoại,

Duy nhất đế, tin Phật công đức.

Tin nơi tương ưng, chẳng tương ưng,

Sát-na xa lìa các nhiễm trước.

Tin hay siêu xuất các cảnh ma,

Làm rõ tối thượng đạo giải thoát.

Tin là không hoại giống công đức,

Là hay tăng trưởng mầm Bồ-đề.

Tin là xuất sinh môn thắng trí.

Ứng hiện mười phương đấng Giác ngộ.

Nếu thường tin vững nơi Phật bảo,

Không giới, không học, đều lìa xa.

Lìa xa được kẻ không giới, học,

Là người ngợi ca công đức Phật.

Nếu thường tin vững nơi Pháp bảo,

Thì nghe Phật pháp không biết chán.

Nếu nghe Phật pháp không biết chán,

Thì tin hiểu pháp không nghĩ bàn.

Nếu thường tin vững nơi Tăng bảo,

Trong chúng thanh tịnh không thoái lui.

Với chúng thanh tịnh không thoái lui,

Thì nơi sức tin không lay chuyển.

Nếu với sức tin không lay chuyển,

Thì được các căn sạch sáng nhạy.

Nếu được các căn sạch sáng nhạy.

Người ấy lìa xa các bạn xấu.

Nếu ai lìa xa các bạn xấu,

Được bạn pháp lành liền nhiếp thụ.

Nếu bạn pháp lành nhiếp thụ rồi,

Thì thường tu tập thiện pháp lớn.

Nếu thường tu tập thiện pháp lớn,

Thì được hoàn tất sức nhân lớn.

Nếu được hoàn tất sức nhân lớn

Người ấy tin hiểu vượt trội nhất.

Nếu được tin hiểu vượt trội nhất,

Tức được chư Phật thường hộ niệm.

Nếu được chư Phật thường hộ niệm,

Tức phát khởi được tâm Bồ-đề.

Nếu phát khởi được tâm Bồ-đề,

Thì siêng tu tập công đức Phật.

Nếu siêng tu tập công đức Phật

Thì được sinh vào nhà Như Lai.

Nếu được sinh vào nhà Như Lai,

Giải thoát chấp trước, không chấp trước.

Chấp trước, không chấp trước hết rồi,

Thì thâm tâm được tin thanh tịnh.

Nếu thâm tâm được tin thanh tịnh,

Thì được vượt trội cao tột nhất.

Được vượt trội cao tột nhất rồi,

Thường hành Ba-la-mật sâu mầu.

Nếu hành Ba-la-mật sâu mầu

Thì ngộ nhập được Ma-ha-diễn.

Nếu ngộ nhập được Ma-ha-diễn,

Thì biết như pháp cúng dường Phật.

Nếu biết như pháp cúng dường Phật,

Thì sẽ niệm Phật tâm không động.

Niệm Phật được tâm không động rồi,

Thì thường quán Phật không nghĩ bàn.

Nếu thường quán Phật không nghĩ bàn,

Thì Phật không sinh, không chỗ trụ.

Nếu Phật không sinh, không chỗ trụ,

Thì biết pháp này hằng không diệt.

Luận nói:

Trong đó công đức sơ phát tín căn rộng lớn vô lượng. Đây chỉ lược nói một ít trong số công đức đó. Lại nữa với sinh thân của các phàm phu thì khó tin hiểu pháp như vậy. Nếu thâm tâm thanh tịnh gieo trồng tư lương phúc đức thì sức của tín nhân đó được trụ trong mười cõi Phật với kiếp số chúng sinh như vi trần, hưởng thụ phúc báo vi diệu an lạc. Nên sinh tin hiểu đối với pháp như vậy.

Như Kinh Thập Pháp có nói kệ rằng:

Tin là xe vượt trội

Chở người đến chính giác.

Cho nên với đức tin,

Người trí nên gần gũi.

Nếu người không tín căn,

Không sinh các thiện pháp.

Như hạt giống bị cháy

Thì không thể nảy mầm.

Lại nữa, Kinh Đại Thiện Dụ nói:

Khi ấy Như Lai bảo A-nan: Nếu hiểu rõ tín pháp thì phải phụng hành.

Luận nói:

Thực hành đức tin này trong khoảng sát-na sẽ được tín căn kiên cố, tức tâm Bồ-đề kiên cố có thể thụ nhận tất cả phúc báo.

Như Kinh Sư Tử Vương Sở Vấn nói: Khi ấy Thái tử Tinh-hạ-na bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Làm sao khiến các chúng sinh ở nơi sinh ra thường được yêu thích nhiếp thụ các pháp ?

Phật nói: Muốn giải thoát chúng sinh phải phát tâm Bồ-đề, thường sinh khiêm nhường cung kính. Đó gọi là thường được yêu thích nhiếp thụ các pháp.

Lại như Kinh Hoa Nghiêm nói:

Thiện nam tử ! Tâm Bồ-đề như hạt giống có thể sinh tất cả các Phật pháp. Tâm Bồ-đề như ruộng tốt có thể làm tăng trưởng pháp thanh tịnh của chúng sinh.

Như đại địa làm nơi nương tựa duy trì cho tất cả thế gian. Cho đến tâm Bồ-đề như người cha lành dạy dỗ bảo hộ các Bồ-tát, như Tìsa-môn có thể dứt trừ sự bần cùng nghèo khổ, như ngọc ma-ni làm nên các lợi lạc.

Tâm Bồ-đề như Hiền bình làm thỏa mãn tất cả mong cầu việc thiện.

Như cái chày Độc cổ có thể đập tan oan khiên phiền não.

Như chính pháp có thể đoạn trừ các tác ý trong thâm tâm.

Như kiếm bén có thể chặt đầu tất cả phiền não. Tâm Bồ-đề như búa bén có thể đốn phạt tất cả cây khổ não. Như binh khí phòng ngự tất cả khổ nạn.

Như cần câu giật chúng sinh ra khỏi biển luân hồi.

Như cuồng phong gió xoáy lớn thổi ngã tất cả chướng ngại, xua tan mây mù, bay hết cỏ rác.

Tâm Bồ-đề như Tòng lâm tụ họp các hạnh nguyện Bồ-tát.

Như chùa tháp Phật, nơi tất cả thế gian người trời A-tu-la tôn kính.

Thiện nam tử ! Tâm Bồ-đề làm nên vô lượng công đức vượt trội như vậy.

Luận nói:

Làm sao biết các phàm phu phát tâm Bồ-đề ? Trong đây dẫn lời Phật không phải chỉ nói trong một kinh.

Như Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết nói:

Tuy khởi kiến chấp về thân lớn như núi Tu-di, còn có thể phát tâm Bồ-đề và sinh Phật pháp.

Lại như Kinh Bảo Khiếp nói về nghĩa phàm phu Bồ-tát rằng:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Ví như con chim non Ca-lăng-tần-già chưa ra khỏi trứng đã có thể hót hay.

Văn-thù-sư-lợi ! Bồ-tát cũng vậy, tuy chưa đoạn trừ ngã kiến, chưa ra khỏi ba cõi, còn ở trong cái vỏ vô minh, nghĩa là còn mang thân xác phàm phu, đã có thể có được âm thanh vi diệu của chư Phật. Đó là âm thanh của không, vô tướng, vô nguyện, giải thoát v.v… Lại nữa, Kinh Tùy Thuyết Chư Pháp nói:

Khi ấy Bồ-tát Thắng Tuệ nhập Niết-bàn ở Địa Kham, được thụ sinh ở thành ấp lớn, vì Bồ-tát ấy tin hiểu nơi tính không, làm pháp đối trị.

Lại nữa Kinh Nhập Định Bất Định Ấn nói:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Sao gọi là Bồ-tát đi bằng xe dê ? Ví như có người đi qua số thế giới như vi trần của năm cõi Phật. Người ấy lên đi bằng xe dê kéo, lên đường mà đi. Đi qua nhiều đời lâu xa trải trăm du-thiện-na gặp trận cuồng phong thổi lui tám vạn du-thiệnna. Sau người ấy ở thế giới kia lại lên xe dê, như vậy cho đến không thể nói bao nhiêu kiếp mới vượt qua được một thế giới chăng ?

Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa không, Thế Tôn. Phật nói: Nếu người Đại thừa phát tâm Bồ-đề rồi, không nên thụ trì đọc tụng giáo pháp Thanh Văn thừa, hoặc cùng ở chung với các Thanh Văn tu tập Thanh Văn thừa. Hoặc trong thâm tâm cho rằng đã được họ dạy cho giáo pháp của thừa ấy, thậm chí hiểu rằng đã ngộ được trí tuệ của họ, do đó mà thoái lui mất nơi đạo vô thượng. Bồ-tát này những gì đã đạt được tuệ căn tuệ nhãn nơi tâm Bồ-đề đều bị họ phá hoại hết. Vănthù-sư-lợi ! Ta gọi đó là hạng Bồ-tát đi bằng xe dê.

Luận nói:

Nếu Bồ-tát yêu thích Đại thừa, tin hiểu tính không, được viên mãn tín giải hành. Thánh ngôn lượng này duy chỉ Bồ-tát bậc tín giải hành thấy được điều đó.

Như Kinh Bảo Vân nói:

Dùng trí giải thoát thần thông du hý của vô số tổng trì Tam-mađịa môn biết rõ vô biên pháp tụ, bình đẳng siêu vượt tất cả hành báo của phàm phu. Cho đến đời sau không vì lợi dưỡng, những nhu cầu cho sinh hoạt được thụ dụng trên thế gian trong câu-chi kiếp, tâm không tham đắm cũng không phân biệt, đầy đủ trang nghiêm như hoa sen nở. Lại nữa, trong vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa kiếp, an trụ Đại thừa soi rõ thắng nghĩa, hành trang phúc trí không chút giảm mất. Đối với sự xuất ly, trước đều đã tu tập đầy đủ trăm ngàn hành môn tương ưng.

Luận nói:

Thế nào là liễu nghĩa ? Là người mới phát tâm Bồ-đề nói trụ ở địa vị này. Không liễu nghĩa, là một phần ít tướng tiêu biểu đã được không nghi hoặc. Thánh ngôn lượng này do pháp tín giải hành phát sinh nghĩa của lời nói. Như hiểu trung bình, hiểu rộng, hiểu sơ lược về tín giải hành.

Lại nữa, Kinh Như Lai Bí Mật nói:

Phật nói: Khi ấy vua A-xà-thế bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Làm sao phát tâm Bồ-đề ấy ?

Phật nói: Đại vương ! Là thâm tâm không thoái chuyển.

Vua nói: Thế Tôn ! Làm thế nào thâm tâm không thoái chuyển ?

Phật nói: Đại vương ! Là có thể phát khởi đại bi.

Vua nói: Thế Tôn ! Làm sao có thể phát khởi đại bi ?

Phật nói: Đại vương ! Là đối với các chúng sinh không khởi tâm chán bỏ.

Vua nói: Thế Tôn ! Làm sao đối với chúng sinh giữ được tâm không chán bỏ ?

Phật nói: Đại vương ! Nếu không đắm trước cái vui của riêng mình, sẽ giữ được tâm không chán bỏ.

Luận nói:

Ở đây, tâm Bồ-đề nghĩa là khuyên phát đại bi, có nghĩa là hoan hỷ kính ái. Nếu ai không y trong giáo pháp Như Lai tương ưng thì người ấy không có xuất ly. Nếu ai thấy chán tâm Bồ-đề này, người đó không gọi là kẻ phát tâm Bồ-đề.

Như Kinh Thập Pháp nói:

Thiện nam tử ! Nếu các Bồ-tát, khi thể tính phát tâm Bồ-đề được gặp Như Lai và chúng Thanh Văn giáo hóa khuyên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là niềm vui ban đầu của tướng phát tâm Bồ-đề.

Nếu ai nghe nói về Bồ-đề và tâm Bồ-đề rồi, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì đó là niềm vui thứ hai của tướng phát tâm Bồ-đề.

Nếu có chúng sinh không nơi nương tựa, không ai cứu vớt, thấy hai trường hợp đó mà trụ tâm đại bi, cho đến phát tâm A-nậuđa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó là niềm vui thứ ba của tướng phát tâm Bồ-đề.

Nếu thấy Như Lai đầy đủ các tướng liền sinh kính ái, đó là tướng thứ tư phát tâm Bồ-đề.

Luận nói:

Tâm Bồ-đề có hai loại: một là tâm nguyện Bồ-đề, hai là tâm trụ Bồ-đề.

Như Kinh Pháp Hoa nói:

Thiện nam tử ! Lại có chúng sinh ở trong cõi chúng sinh nguyện chứng tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề khó được. Lại có chúng sinh trụ nơi tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề khó được này.

Luận nói:

Một là nguyện chứng làm Phật. Một là nguyện trụ thụ sinh.

Lại nữa, Kinh Thủ-lăng-nghiêm nói:

Nhân nơi đức Phật nào đó phát tâm Bồ-đề, sao lại chỉ làm chút ít thiện căn ư ?

Như Kinh Hiền Kiếp nói:

Xưa Tinh Tú Vương Như Lai, khi đầu tiên phát tâm Bồ-đề nơi Thí Âm Như Lai, là người chăn bò đã đem một ít lá trầu cúng thí đức Phật ấy. Vô Lượng Danh Xưng Như Lai, khi đầu tiên phát tâm Bồ-đề nơi Điện Quang Như Lai, là người thợ dệt, đã cúng thí đức Phật kia một tấm áo tốt. Diệm Quang Như Lai, khi đầu tiên phát tâm Bồ-đề nơi Vô Lượng Quang Như Lai, ở trong thành ấp đã cúng thí đức Phật kia một bó đuốc cỏ. Nan Thắng Như Lai, khi đầu tiên phát tâm Bồđề nơi Kiên Cố Bộ Như Lai, là người hái củi, đã cúng thí đức Phật ấy một ít loại cây làm tăm xỉa răng. Công Đức Tràng Như Lai, khi đầu tiên phát tâm Bồ-đề nơi Diệu Cát Tường Xưng Như Lai, là thầy thuốc, đã cúng thí đức Phật ấy một quả xoài.

Luận nói:

Sự phát tâm Bồ-đề này chẳng phải là hạnh đầy đủ. Tuy có sự chán mỏi đáng trách, nhưng cũng có thể giải thoát luân chuyển được vô lượng an lạc.

Như Kinh Từ Thị Giải Thoát nói:

Thiện nam tử ! Ví như có thứ ngọc báu gọi là kim cương có thể làm dứt hết tất cả bần cùng nghèo khổ.

Thiện nam tử ! Cái tâm nhất thiết trí này cũng vậy, có thể đoạn dứt tất cả khổ luân hồi.

Luận nói:

Nên biết chỉ có người phát tâm Bồ-đề này được gần quả kia.

Lại nữa, Kinh Thiện Gián nói:

Phật nói: Đại vương ! Nếu Đại vương bảo trong nhiều việc làm có thể làm nhiều việc chưa ? Nếu ta thì trong tất cả hạnh làm tất cả hạnh, trong tất cả mọi nơi lợi tất cả mọi nơi. Nghĩa là học bố thí Bala-mật-đa như vậy cho đến học Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Đại vương ! Cho nên Đại vương đối với Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng như vậy, ưa thích phát sinh lòng tin thanh tịnh, ý nguyện lợi tha, đi đứng nằm ngồi, khi tỉnh giấc, lúc uống ăn, thường đầy đủ tùy niệm tác ý. Quán sát thân chư Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác, các phàm phu tích chứa tất cả thiện căn quá khứ vị lai hiện tại, cân nhắc rồi, hòa hợp, rồi nên tùy hỷ thì tự hiện tiền tùy hỷ. Cho đến khắp cả cõi hư không, khắp cả cõi Niết-bàn cũng tự tùy hỷ. Lại nữa tùy hỷ tất cả chư Phật, Bồ-tát, Duyên Giác và chúng Thanh Văn làm sự nghiệp cúng dường, bình đẳng hồi hướng cho tất cả chúng sinh, cho đến làm cho các chúng sinh được trí nhất thiết trí, đều viên mãn thiện pháp của chư Phật, mỗi ngày ba thời hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đại vương ! Với chính hạnh như thế thì không phải bỏ ngôi báu cầu hạnh Bồ-đề cũng được viên mãn. Còn nói về phúc báo thì này Đại vương ! Do phát tâm Bồ-đề nên nghiệp báo của thiện căn trải qua số vô lượng thường sinh cõi trời làm trời Đế Thích, hoặc sinh làm người thì làm bậc đế vương.

Đại vương ! Duy chỉ có sức thiện căn của phát tâm Bồ-đề mà không có nghiệp nào khác nữa, phải biết là viên mãn hoặc chưa viên mãn mà thôi. Tóm lại, Phật nói:

Đại vương ! Chỉ có duy nhất phát tâm Bồ-đề là cứu độ tất cả chúng sinh, giải thoát tất cả chúng sinh, an ổn tất cả chúng sinh, rốt ráo khiến các chúng sinh đến Niết-bàn, được vô lượng vô số thiện căn.

Đại vương ! Đâu còn nói là có thể làm nhiều thứ trong nhiều thứ phải làm ư ?

Luận nói:

Về hành tướng của tâm Bồ-đề, trong kinh có nói: Quá khứ hiện tại khởi tâm nguyện Bồ-đề như vậy thì vào địa thứ mấy Bồ-tát đắc giới ? Có kinh nói địa thứ chín.

Kinh Hư Không Tạng nói:

Tiếng khen và lợi dưỡng là nguồn gốc của tội lỗi.

Kinh Thập Địa nói:

Bồ-tát bậc sơ địa không chút gì lưu luyến mong cầu lợi dưỡng. Nếu có chúng sinh đến gặp mình, cần gì thì cấp thí cho nhiều hơn.

Luận nói:

Theo đó thì Bồ-tát vào Cực hỷ địa được tương ưng với Thiện trụ và Bất động, sinh vào nhà Như Lai, chắc chắn hướng tới thành Đẳng chính giác.

Lại nữa Kinh Hư Không Tạng nói:

Thanh Văn thừa không thể được như vậy, chỉ trừ những người yêu thích Đại thừa.

Như Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Xan tham tật đố là trói buộc, biểu hiện đầy đủ sự tu học này là bậc Cực hỷ địa. Xa lìa ý tưởng về ngã, không khởi chấp ngã thì đâu còn chấp tất cả những gì là cần thiết, như nói thí cho đầu, mắt v.v…

Luận nói:

Như vậy các kinh ấy biểu thị chính thức sự tu học của Bồ-tát từ vào sơ địa trở đi. Nếu luận khắp chỗ tương ưng tu tập của Bồ-tát thì hoặc dừng lại không nên làm vội vì Bồ-tát chưa thể tu học. Phải biết hai thứ này phổ biến khắp các học xứ. Lại nữa, một loại tu học đối với thành tựu tác dụng là không thể học được thì không tu tập cũng không tội lỗi.

Kinh Vô Tận Ý nói:

Khi thực hành bố thí rộng lớn, xả Thi-la thanh tịnh không bị giải đãi, bởi vì trước chưa nói, cũng không tích tập việc làm như sức gần gũi vậy.

Lại Kinh Thập Địa nói:

Giả sử phạm giới dục tà hạnh, hoặc bị nhiễm nhẹ do thích tâm Bồ-đề. Xá-lợi tử ! Giới biệt giải thoát của Bồ-tát thành tựu bốn pháp. Nghĩa là Bồ-tát ấy được chân thật ngữ trong tu tập. Xá-lợi tử ! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồđề rồi vui thích tinh tiến có ý chí siêng năng cầu thiện pháp, tập các nghị luận, kiên trì cấm giới, tu tập đầy đủ pháp học của Bồ-tát. Do gần gũi với người có học giới như vậy, hoặc có khi lỡ sai có ý chê thầy thì rất xấu hổ nên rất sợ hãi, người ấy lại được thương yêu tôn trọng, thành tựu trọn vẹn giới pháp bình đẳng như vậy. Đối với giới học của chư Phật Như Lai hiện tiền, Bồ-tát ấy phát sinh yêu thích chính hạnh thì nên truyền dạy riêng. Bồ-tát ấy nếu trường hợp không có thiện tri thức, có thể hướng trước hiện tại Phật Bồ-tát, chuyên tâm niệm Phật quán tưởng cân nhắc tùy theo sức mình. Sau khi đã kiên trì giới ấy rồi thì chớ nên khinh khi lừa dối tất cả Phật, chúng Bồ-tát trong trụ mười phương và người, trời ở thế gian ấy.

Kinh Chính Pháp Niệm Xứ nói:

Trước thiếu tư duy, sau cạnh tranh, không thí sẽ đọa vào loại ngạ quỷ. Nói thí rồi mà không thí sẽ đọa địa ngục. Huống chi đầy đủ vô thượng Bồ-đề hứa thí cho không sót các chúng sinh nào trên thế gian.

Như Kinh Pháp Tập nói:

Thiện nam tử ! Bồ-tát phải tôn trọng thật đế. Bởi vì sao ? Thiện nam tử ! Vì tích tập thật đế gọi là pháp tập. Thiện nam tử ! Sao gọi là thật đế ? Là nếu Bồ-tát phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến xả bỏ thân mạng không xả bỏ tâm này, không xả bỏ chúng sinh, đó gọi là thật đế của Bồ-tát. Nếu Bồ-tát phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, sau lại xả bỏ tâm ấy, xả bỏ các chúng sinh, thì Bồ-tát ấy là đại vọng ngữ, thật đáng trách.

Lại nữa Kinh Hải Ý Bồ Tát Sở Vấn Tịnh Ấn Pháp Môn nói:

Phật nói: Hải Ý ! Ví như thế gian có vua hoặc quan muốn mở tiệc thết đãi tất cả nhân dân trong thành ấp, tập họp rồi bỏ đó không sắm sửa bày biện thức ăn thức uống. Thế là lừa dối đối với nhân dân. Họ lớn tiếng giận dữ bỏ đi mà chẳng có chút ăn uống gì cả.

Phật nói: Hải Ý ! Bồ-tát ấy cũng như vậy. Đối với các chúng sinh chưa độ phải khiến được độ, không nên chỉ sửa soạn lời nói hay ho hùng biện sắc bén, cho đến không siêng tu học hỏi tích chứa các thiện pháp Bồ-đề phần. Thế là Bồ-tát ấy dối gạt chư thiên và người đời. Như trước Phật đã nói đó là điều các thánh quở trách. Đối với trí tuệ, đều rất khó đạt được đại trí, vô thượng trí. Cho nên phải biết rằng Bồ-tát không nên chỉ dùng lời nói mà dối gạt tất cả trời, người trong thế gian.

Lại nữa Hải Ý ! Nếu khi có người đến mời thỉnh thuyết pháp làm việc nghĩa lợi, Bồ-tát ấy phải tùy lời mà nói, thậm chí có phải xả bỏ thân mạng mình tu hạnh Bồ-tát cũng không dối gạt tất cả chúng sinh. Nên biết như vậy.

HẾT QUYỂN 1