LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 198

Chương 8: KIẾN UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ KIẾN, phần 1

* Có kiến chấp này: Không có thí cho. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để giải thích trong Khế kinh đã nói về kiến thú, khiến nhận biết, đoạn trừ. Vì sao? Vì ở trong sinh tử, khởi chấp trước sâu dày dẫn đến vô nghĩa hoàn toàn, làm chỗ dựa lớn nơi sự chấp giữ, không gì hơn là kiến thú. Vấn đề ấy đã nói rộng trong phẩm Năm sự của chương Trí Uẩn.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Không có thí cho, không ái lạc, không cúng tế, không có hành diệu hành ác. Tà kiến này hủy báng về nhân là do kiến tập đoạn trừ. Kiến chấp cho là không có thí cho v.v… như trên đã giải thích. Tà kiến này là làm rõ về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến tập đoạn trừ là chỉ rõ pháp đối trị tà kiến kia. Nghĩa là ở nơi tập đế, nhẫn trí đã sinh, đối với các thứ suy tầm phân biệt bất chánh hiện có, các kiến điên đảo, các chấp thủ không bình đẳng liền vĩnh viễn đoạn trừ diệt mất. Lại nữa, kiến chấp ấy dựa vào xứ của tập mà huyển, thế nên khi kiến tập liền đoạn trừ. Như giọt sương nơi đầu ngọn cỏ, mặt trời xuất hiện liền khô. Đây cũng như vậy.

Có kiến chấp: Cho không có quả của hành diệu hành ác, tà kiến này là hủy báng quả, do kiến khổ đoạn trừ. Nói tà kiến này là chỉ rõ về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến khổ đoạn trừ là hiển bày về pháp đối trị kia. Nghĩa là ở nơi khổ đế, nhẫn trí đã sinh, đối với các thứ suy tầm phân biệt bất chánh hiện có, các kiến điên đảo, các chấp thủ không bình đẳng liền vĩnh viễn đoạn trừ diệt mất. Lại nữa, kiến chấp này dựa vào xứ khổ mà chuyển, nên khi kiến khổ liền đoạn trừ. Như giọt sương nơi đầu ngọn cỏ, mặt trời xuất hiện liền khô. Đây cũng như vậy.

Nhưng ở đây chỉ nói về tự tánh của kiến chấp ấy cùng pháp đối trị chúng, không nói về đẳng khởi. Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian có nhiều kẻ sát sinh mà sống lâu, người lìa sát sinh thì thọ mạng ngắn. Kẻ trộm cắp thì tài sản sung túc, người lìa trộm cắp thì của cải thiếu thốn. Kẻ keo kiệt lại giàu vui, người ưa thích bố thí lại nghèo khó. Kẻ gây tổn hại cho người khác thì an ổn không bệnh, người không gây tổn hại cho ai thì mang nhiều bệnh khổ. Thấy những sự việc trái ngược như thế rồi, ngoại đạo kia liền suy nghĩ như vầy: Không có bố thí cho người, không có ái lạc, cho đến không có quả của những hành diệu hành ác. Nếu có quả báo thì tất cả kẻ sát sinh kia phải nên đoản mạng, cho đến những người không gây tổn hại cho kẻ khác tức phải không bệnh tật, an lạc. Nhưng hiện thấy những sự việc trái ngược thì biết chắc chắn là không có thí cho, cho đến nói rộng. Nhưng ngoại đạo kia không khéo nhận biết về quả của các hành thiện ác, có xa gần, ở trong sự việc hiện thấy không chịu tìm cầu suy xét đúng lý, nên khởi lên kiến chấp sai lầm.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia đã được định thế tục thấy vì thiếu thời gian nên không nhận biết rõ về nhân quả nơi trước sau có sai biệt. Thấy kẻ làm ác có khi được sinh lên xứ trời, thấy có người hành thiện có khi bị đọa nẻo ác liền khởi suy nghĩ: Không có thí cho, không có ái lạc, cho đến nói rộng.

Hoặc có thuyết cho: Có các ngoại đạo không nhân nơi hiện thấy cũng không nhân nơi định kiến, chỉ do thuận theo bạn bè xấu ác chỉ dẫn nên cho là không có bố thí, cho đến nói rộng.

Có kiến chấp: Không có đời này, không có đời khác, không có hữu tình hóa sinh. Tà kiến này hủy báng về nhân, là do kiến tập đoạn trừ. Hoặc là tà kiến này hủy báng về quả, là do kiến khổ đoạn trừ.

Hỏi: Đời khác là do không hiện thấy nên nói không có còn có thể được. Đời này là hiện thấy vì sao nói là không có?

Đáp: Những ngoại đạo ấy bị vô minh làm mù mắt tuệ nên đối với sự việc hiện thấy cũng lại bác bỏ, không nên nêu vấn nạn.

Vô minh là ngu tối, mù lòa bị rớt xuống hầm sâu.

Lại có thuyết cho: Hàng ngoại đạo kia chỉ hủy báng về nhân quả, không hủy báng về thể của pháp.

Không có đời này nghĩa là không có đời này làm nhân cho đời khác. Hoặc không có đời này đưa đến quả cho đời khác.

Không có đời khác nghĩa là không có đời khác làm nhân cho đời này. Hoặc không có đời khác đưa đến quả cho đời này.

Không có hữu tình hóa sinh nghĩa là có các ngoại đạo nói như vầy: Những hữu tình sinh ra đều nhân nơi các sự việc như tinh huyết ở hiện tại, không có không duyên bỗng dưng sinh ra. Ví như mầm sinh khởi tất nhân nơi hạt giống, nước, đất, thời tiết. Không có không duyên mà được sinh ra nên nhất định không có hữu tình hóa sinh. Đây hoặc là bác bỏ cho không có nghiệp chiêu cảm hóa sinh, hoặc lại bác bỏ cho không hóa sinh của đối tượng chiêu cảm.

Có thuyết nêu: Hữu tình hóa sinh đó là trung hữu.

Không có đời này đời khác là hủy báng cho không có sinh hữu. Không có hữu tình hóa sinh là hủy báng cho không có trung hữu. Có ngoại đạo nói: Không có trung hữu. Những ngoại đạo kia cho là: Chỉ nên từ thế gian này đến thế gian khác, lại không có thế gian thứ ba có thể đạt được. Đây hoặc là bác bỏ cho không có nghiệp chiêu cảm trung hữu. Hoặc lại bác bỏ cho không có trung hữu của đối tượng chiêu cảm. Hoặc bác bỏ trung hữu là nhân của sinh hữu. Hoặc bác bỏ trung hữu là quả của tử hữu.

Tà kiến này là làm rõ về tự tánh của kiến chấp ấy. Hoặc do kiến tập đoạn trừ, hoặc do kiến khổ đoạn trừ là làm rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Có kiến chấp: Không cha, không mẹ, tà kiến này là bác bỏ cho là không nhân, do kiến tập đoạn trừ.

Hỏi: Cha mẹ thì ở thế gian đều đã hiện thấy, vì sao hủy báng cho là không có?

Đáp: Các ngoại đạo kia đã bị vô minh làm mù mắt, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Các ngoại đạo kia hủy báng cho là không có nghiệp của cha mẹ đã chiêu cảm con cái, không hủy báng về thể của sự việc ấy. Những ngoại đạo này lý luận: Cha mẹ tự do tâm ái nhiễm đâu phải vì con. Chính là do tinh huyết hòa hợp làm điều kiện nên loại kia tự sinh ra, không phải cho là cha mẹ có nghiệp đã chiêu cảm con. Như nhân nơi lá ẩm ướt tủ lên phân đất nên có các trùng sinh ra. Không phải lá ẩm ướt v.v… có nghiệp chiêu cảm về trùng. Đây cũng như vậy. Thế nên ngoại đạo kia có bài tụng:

Nam nữ tâm nhiễm hợp

Nữ gặp lúc không bệnh

Ta từ đấy tự có

Họ nơi ta ích gì?

Hoặc có thuyết cho: Các ngoại đạo kia hủy báng về nghĩa của cha mẹ, không hủy báng về thể. Như nhân nơi lá phân ẩm ướt v.v… đã sinh trùng. Lá v.v… đối với loài trùng không phải là cha, không phải là mẹ. Như vậy là nhân nơi bất tịnh kia mà sinh. Hai kẻ nam nữ kia lại do đâu riêng đối với người sinh ra có ân nặng gọi là cha mẹ? Thế nên loại kia nói là không có cha mẹ.

Tà kiến này là chỉ rõ về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến tập đoạn trừ là làm rõ về pháp đối trị tà kiến kia. Nói rộng như trước.

Trong đây, chỉ nói về tự tánh, về đối trị, không nói về đẳng khởi. Đẳng khởi của kiến chấp kia là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo khi trời mưa to, thấy bọt nước nổi lên, liền khởi suy nghĩ như vầy: Những đám bọt kia từ đâu đến, tan rồi thì đi về đâu? Chỉ nhân nơi cơn mưa mà chúng chợt nổi chợt diệt. Như thế hữu tình do duyên hợp nên sinh, duyên lìa nên chết. Không từ đời trước đi đến đời này, cũng không phải từ đời này đi đến đời sau. Liền quyết định nói: Không có đời này, không có đời khác. Lại, thấy ở thế gian cha mẹ sinh con, nước đất sinh mầm, chỗ thấy đều từ duyên hợp mà có, nên liền suy nghĩ: Xứ nào sẽ có hữu tình hóa sinh? Lại thấy các thứ trùng sinh là nhân nơi lá ẩm ướt v.v… nói rộng như trước. Rõ ràng là các ngoại đạo kia không nhận biết về hữu tình và phi tình, sinh loại có dị biệt. Như bốn loài hữu tình, do dựa nơi duyên không giống nhau nên tánh duyên của nội pháp ngoại pháp đều khác. Thế nên ở trong phần ít sự việc tương tợ, đã không tầm tư đúng đắn nên dấy khởi các kiến chấp ấy.

Lại có thuyết nêu: Các ngoại đạo kia được định thế tục, biết: Có các hữu tình từ nơi địa trên và thế giới khác, chết rồi sinh đến cõi này, hoặc ở cõi này chết sinh lên địa trên và thế giới khác. Họ quán xét những loại ấy, không thấy xứ từ đâu đến hay xứ đi đến đâu nên khởi kiến chấp đó, cho là không có đời này, không có đời khác. Lại nữa, các ngoại đạo kia đạt được định thô cạn nên quán xét thời gian của đời quá khứ vị lai chỉ thấy sinh hữu không thấy trung hữu do thân trung gian thì vi tế. Do vậy liền nói: Không có hữu tình hóa sinh. Lại nhân nơi sức của định quán xét các hữu tình hoặc từ oán đối đến làm cha mẹ. Hoặc từ vợ con, anh em, chị em trở lại làm cha mẹ. Cho đến hoặc từ các thứ thân tạp loại như lạc đà, lừa, chó v.v… đến làm cha mẹ. Hoặc lại từ cha mẹ trở lại làm các hình loại kia, nên liền khởi suy nghĩ: Đấy như nhà khách trọ nào có quyết định. Do đấy liền nêu bày là không có cha, không có mẹ.

Lại có thuyết nói: Các ngoại đạo kia không nhân nơi hiện thấy, cũng không nhân nơi định, chỉ thuận theo bạn bè xấu ác chỉ dẫn nên nói không có đời này, cho đến nói rộng.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Thế gian không có A-la-hán. Tà kiến này là hủy báng đạo, do kiến đạo đoạn trừ. Tà kiến này hủy báng đạo: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp kia. Do kiến đạo đoạn trừ: Là làm rõ về pháp đối trị kia. Nghĩa là ở nơi đạo đế, nhẫn trí đã sinh, đối với các thứ suy tầm phân biệt bất chánh hiện có kia, những kiến điên đảo, các thứ chấp thủ không bình đẳng liền vĩnh viễn đoạn dứt diệt mất. Lại nữa, kiến chấp này ở nơi xứ của đạo chuyển, nên khi kiến đạo tức đoạn. Như giọt sương nơi đầu ngọn cỏ, mặt trời xuất hiện liền khô. Đây cũng như vậy.

Kiến chấp cho: Không có chánh chí. Tà kiến này là hủy báng diệt, do kiến diệt đoạn trừ. Chánh chí nghĩa là Niết bàn, là đối tượng nên đạt đến của đạo vô lậu. Tà kiến này hủy báng diệt: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến diệt đoạn trừ: Là làm rõ về pháp đối trị kia. Nghĩa là ở nơi diệt đế, nhẫn trí đã sinh, đối với các thứ suy tầm phân biệt bất chánh hiện có kia, các thứ kiến điên đảo, các chấp thủ không bình đẳng liền vĩnh viễn đoạn dứt diệt mất. Lại nữa, kiến chấp này ở nơi xứ của diệt chuyển, nên khi kiến diệt liền đoạn. Như giọt sương nơi đầu ngọn cỏ, mặt trời xuất hiện liền khô. Đây cũng như vậy.

Kiến chấp cho: Không có chánh hạnh nơi đời này đời khác. Tức ở nơi hiện pháp nhận biết tự thông đạt, tác chứng trụ đầy đủ. Nẻo sinh tử của Ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. Nhận biết như thật tà kiến này là hủy báng về đạo, do kiến đạo đoạn trừ. Không có chánh hành nơi đời này đời khác: Nghĩa là kiến chấp kia đã bác bỏ cho không có bốn thứ chánh hành, tức là khổ trì thông v.v… Đây là hủy báng về đạo hữu học, ngoài ra là hủy báng về đạo vô học. Tà kiến này là hủy báng về đạo: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp này. Do kiến đạo đoạn trừ: Là làm rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Trong đây, chỉ nói về tự tánh của kiến chấp kia và pháp đối trị, không nói về đẳng khởi. Đẳng khởi của kiến chấp kia là gì?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo do thấy bậc A-la-hán cũng có già bệnh chết, thọ nhận khổ giống như những hữu tình khác, nên liền nói là thế gian không có A-la-hán. Đây tức là hủy báng không có pháp A-la-hán. Lại nghe nói nơi Niết-bàn thì các căn vĩnh viễn diệt, nên suy niệm cho đấy là khổ. Lại nghe nói nơi Niết-bàn thì các hành đều vắng lặng, nên suy nghĩ vậy là không có. Lại thấy bậc Thánh về hình dáng, sự việc ăn uống cũng như các hữu tình khác, liền cho các Thánh giả kia không có tất cả Thánh đạo. Rõ ràng là các ngoại đạo kia không nhận biết bậc Thánh về thân hữu lậu khác, thân vô lậu khác, Niết-bàn là vắng lặng an lạc, không phải là khổ, không phải là không có, nên mới khởi lên những thứ tà kiến khác nhau như thế.

Có thuyết nói: Ngoại đạo đạt được định thế tục, không thể quán thấy Niết bàn Thánh đạo, liền cho là không có A-la-hán, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Ngoại đạo không nhân nơi hiện thấy, cũng không nhân nơi định, chỉ do tùy theo bạn bè xấu ác chỉ dẫn, nên nói là thế gian không có A-la-hán, cho đến nói rộng.

Có thuyết nêu: Ở đây nên nói về sự việc thủy khiên trì. Sự việc kia tức là đẳng khởi của kiến chấp này.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Cho đến khi sống thì có thọ mạng, chết rồi là đoạn hoại là không có thân sĩ phu của bốn đại chủng này, nói rộng cho đến: Biên chấp kiến này là thuộc về đoạn kiến, do kiến khổ đoạn trừ.

Ở đây, cho đến khi sống thì có thọ mạng, chết rồi là đoạn hoại là không có: Tức ngoại đạo kia chấp có ngã gọi là thọ mạng. Thọ mạng ấy cho đến đời này chưa chết là luôn có. Chết rồi lại không nối tiếp gọi là đoạn hoại, là không có. Thân sĩ phu của bốn đại chủng này: Tức ngoại đạo kia đã nói thân sĩ phu cũng do pháp khác tạo thành, nhưng chỉ nói bốn đại chủng là vì thô, hiện rõ. Khi chết thì chất đất nơi thân quy về đất, chất nước nơi thân quy về nước, chất nóng nơi thân quy về lửa, chất gió nơi thân quy về gió. Căn thì tùy theo không chuyển: Tức ngoại đạo kia nói chúng sinh khi chết thì thân đại chủng bên trong quy về đất v.v… bên ngoài. Căn không có đại chủng làm đối tượng nương dựa nên liền tùy theo không mà chuyển. Ví như cây ngã thì chim tức bay lên không. Biên chấp kiến này là thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn, vì chấp ngã sở là thường trụ. Đòn khiêng là người thứ năm: Nghĩa là đòn khiêng dài khoảng bốn khuỷu tay rưỡi, đặt thây chết lên đấy, do bốn người khiêng đưa người chết, nên nói đòn khiêng là người thứ năm mang thây chết kia đi đến bỏ nơi gò mả, tức là xứ bỏ thân, hoặc là xứ thiêu xác chết, gọi là gò mả (nghĩa địa). Chư thiên thì có thể nhận biết: Nghĩa là cho đến chưa thiêu đốt thì các xác chết khác nhau có thể nhận thấy, thiêu rồi thì đều thành tro. Người chết có màu sắc trắng xám còn lại: Tức nếu thiêu đốt rồi liền thành mớ tro tàn. Ở đây nói thiêu: Nếu cho là như thiêu đốt củi v.v… thì đấy là chánh kiến. Nếu cho tức như lửa thiêu đốt thì đấy là tà trí, không phải là kiến. Nếu cho là thiêu đốt nghiệp hữu lậu thì đấy là tà kiến hủy báng nhân, do kiến tập đoạn trừ. Nếu cho là đã thiêu đốt nghiệp vô lậu, thì đấy là tà kiến hủy báng đạo, do kiến đạo đoạn trừ.

Người ngu tán thán thí. Kẻ trí tán thán thọ. Ngu nghĩa là không trí, hoặc là tuệ ác. Trí tức là có trí cùng tuệ thiện. Ngoại đạo kia nói các kẻ ngu si tán thán hành thí. Những người trí tuệ thì tán thán thọ thí. Nhưng Đức Phật, bậc Độc giác, cùng Thánh đệ tử, các người trí tuệ đều tán thán hành thí. Ngoại đạo kia bác bỏ cho là ngu. Đây tức là hủy báng cho không có pháp thành bậc trí. đấy là tà kiến hủy báng đạo do kiến đạo đoạn trừ.

Các Luận giả chấp có, cho tất cả là hư giả, vọng ngữ, cho đến khi còn sống thì có kẻ ngu người trí, chết rồi là đoạn hoại, không có. Nói có đời sau gọi là luận giả chấp có. Ngoại đạo kia đều hủy báng, cho là hoàn toàn vọng ngữ, nói: Cho đến khi còn sống thì có kẻ ngu người trí, chết rồi thì tất cả là đoạn hoại, không có. Nhưng Đức Phật, bậc Độc giác cùng Thánh đệ tử nói là có đời sau. Ngoại đạo kia bác bỏ cho là hư vọng. Đây tức hủy báng cho là không có pháp thật ngữ. Đấy là tà kiến hủy báng về đạo, do kiến đạo đoạn trừ.

Biên chấp kiến này thuộc về đoạn kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Ở đây, tuy có tà kiến khác, nhưng chỉ làm rõ về đoạn hoại, không có nên thuộc về đoạn kiến. Do kiến khổ đoạn trừ: Là hiển bày về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đây chỉ nói về tự tánh của kiến chấp kia cùng pháp đối trị, không nói về đẳng khởi. Đẳng khởi của kiến chấp kia là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo không nhớ về đời trước, không thấy biết đời sau, chấp cho các hữu tình đều do đời này được từ thai sinh, hoặc là chết sớm, hoặc là chết sau cùng. Lại những kẻ mạng chung không có ai trở lại nên ngoại đạo kia nói: Cho đến khi còn sống thì có thọ mạng, chết rồi là đoạn hoại, không có, cũng như cỏ cây không có đời sau. Có thuyết cho: Ngoại đạo kia được định thế tục. Hoặc có chúng sinh từ cõi này chết sinh nơi địa trên cùng nơi thế giới khác. Ngoại đạo kia quán xét các loại chúng sinh này không nhận biết nơi chốn đi đến, liền khởi ngôn thuyết: Cho đến khi còn sống thì có thọ mạng. Cho đến nói rộng. Có thuyết nêu: Ngoại đạo kia không nhân nơi các sự việc khác, chỉ do các bạn bè xấu ác dạy trao điều sai lầm nên nêu bày như thế: Cho đến khi còn sống thì có thọ mạng, cho đến nói rộng.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Không nhân không duyên khiến hữu tình tạp nhiễm. Không nhân không duyên nhưng có hữu tình tạp nhiễm. Đây là tà kiến hủy báng về nhân, do kiến tập đoạn trừ. Đây là tà kiến hủy báng về nhân: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến tập đoạn trừ: Là làm rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước. Đẳng khởi của kiến chấp kia là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian, có người ở chốn A-luyện-nhã nhưng sinh tạp nhiễm. Có người sống ở thành ấp nhưng không khởi tạp nhiễm, liền khởi suy nghĩ: Không nhân không duyên khiến hữu tình tạp nhiễm. Không nhân không duyên nhưng có hữu tình tạp nhiễm. Nếu có nhân duyên tức nên người trụ nơi A-luyện-nhã không sinh tạp nhiễm. Kẻ trụ nơi chốn thành ấp đều nên sinh tạp nhiễm. Nhưng hiện thấy trái ngược, do vậy quyết định là không nhân không duyên. Cho đến nói rộng.

Nhưng do ba sự việc nên hữu tình tạp nhiễm: 1. Do sức của nhân. 2. Do sức của gia hạnh. 3. Do sức của cảnh giới.

Những người trụ ở chốn A-luyện-nhã, tuy không có cảnh giới, nhưng do sức của nhân, do sức của gia hạnh nên sinh tạp nhiễm. Còn người sống ở thành ấp, tuy có nhân và cảnh giới, nhưng do không có sức của gia hạnh nên không sinh tạp nhiễm. Ngoại đạo kia đối với sự việc ấy đã không thể thông đạt nên khởi kiến chấp này cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia nhân có được định thế tục thô cạn, quán xét thấy các hữu tình khởi những tạp nhiễm, nhưng không thấy biết về nhân duyên kia có khác nhau, liền khởi kiến chấp cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Ngoại đạo không nhân nơi hiện thấy, cũng không nhân nơi định, chỉ nhân nơi bạn ác, nên khởi kiến chấp ấy.

Có kiến chấp: Không nhân không duyên khiến hữu tình thanh tịnh. Không nhân không duyên nhưng có hữu tình thanh tịnh. Đây là tà kiến hủy báng đạo, do kiến đạo đoạn trừ. Đây là tà kiến hủy báng đạo: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến đạo đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước. Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian có người ở nơi chốn thành ấp mà được thanh tịnh. Có người sống ở chốn A-luyện-nhã nhưng không được thanh tịnh, nên liền khởi suy nghĩ: Không nhân không duyên khiến hữu tình thanh tịnh. Không nhân không duyên nhưng có hữu tình thanh tịnh. Nếu có nhân có duyên tức nên người trụ chốn A-luyện-nhã đều là thanh tịnh, còn những người sống ở chốn thành ấp đều không thanh tịnh. Nhưng hiện thấy thì ngược lại, thế nên ngoại đạo kia quyết định cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Nhưng do ba sự việc nên hữu tình thanh tịnh: 1. Do sức của nhân. 2. Do sức của gia hạnh. 3. Do sức của duyên.

Những người trụ ở xứ A-luyện-nhã kia tuy có nhân duyên, hoặc do thiếu sức của gia hạnh, nên không được thanh tịnh. Còn người sống ở chốn thành ấp, tuy hoặc thiếu duyên, nhưng do sức của nhân và sức của gia hạnh nên được thanh tịnh. Ngoại đạo kia đối với sự việc ấy không thể thông đạt, nên dấy khởi kiến chấp cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia nhân có được định thế tục thô cạn, quán xét thấy các hữu tình chứng được thanh tịnh nhưng không thấy biết nhân duyên đạt được thanh tịnh ấy, nên khởi kiến chấp này cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Ngoại đạo không nhân nơi hiện thấy, cũng không nhân nơi định, chỉ nhân nơi bạn ác mà khởi kiến chấp kia.

Có kiến chấp: Không nhân không duyên khiến hữu tình không trí không kiến. Không phải nhân không phải duyên nhưng có hữu tình không trí không kiến. Đây là tà kiến hủy báng nhân, do kiến tập đoạn trừ. Đây là tà kiến hủy báng nhân: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến tập đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian, hữu tình không vì cầu không trí không kiến mà khởi các gia hạnh, nhưng các hữu tình kia tự nhiên không trí không kiến, liền khởi suy nghĩ cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng. Nếu có nhân có duyên, phải tạo gia hạnh để cầu không trí không kiến thì khởi không trí kiến, không cầu thì không khởi. Nhưng hiện thấy thì ngược lại, nên ngoại đạo kia quyết định cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Nhưng do ba sự việc nên hữu tình không trí không kiến: 1. Do ưa chấp trước nơi A-lại-da. 2. Đối với điều mình làm có nhiều nghi hoặc. 3. Đối với hữu tình không khiêm tốn cung kính.

Có thuyết cho: Do năm sự việc. Ba thứ như vừa nói, thêm: Do không siêng năng cầu đạt. Do không có phương tiện. Ngoại đạo kia đối với sự việc này không khéo nhận biết rõ, nên khởi kiến chấp ấy cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết nêu: Ngoại đạo kia có được định thế tục thô cạn, quán thấy các hữu tình không trí không kiến nhưng không thấy nguyên nhân kia có khác nhau, liền khởi kiến chấp ấy cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia không nhân nơi hiện thấy, cũng không nhân nơi định, chỉ nhân nơi bạn ác nên khởi kiến chấp ấy.

Có kiến chấp: Không nhân không duyên khiến hữu tình có trí kiến. Không phải nhân không phải duyên nhưng có hữu tình có trí kiến. Đây là tà kiến hủy báng đạo, do kiến đạo đoạn trừ. Đây là tà kiến hủy báng đạo: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến đạo đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy ở thế gian, có người cầu trí kiến, khởi gia hạnh lớn, nhưng không sinh trí kiến. Có hữu tình không khởi gia hạnh nhưng sinh trí kiến, nên liền khởi suy nghĩ cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng. Nếu có nhân có duyên, tức nên vì cầu đạt trí kiến đã khởi gia hạnh tức sinh trí kiến, không khởi gia hạnh thì không sinh. Nhưng hiện thấy là trái ngược, do vậy nên ngoại đạo kia quyết định cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Nhưng do bốn sự việc nên hữu tình có trí kiến: 1. Khéo giữ lấy tên gọi kia. 2. Khéo giữ lấy nghĩa kia. 3. Ưa thích suy tìm nhiều. 4. Ưa thích phân biệt lựa chọn về lý phi lý.

Ngoại đạo kia đối với sự việc này không khéo nhận biết rõ, liền nói là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Ngoại đạo kia có được định thế tục thô cạn, quán xét thấy các hữu tình được trí kiến thù thắng, nhưng không thấy biết về nhân duyên kia có khác nhau, liền khởi kiến chấp ấy cho là không nhân không duyên, cho đến nói rộng.

Có thuyết nêu: Ngoại đạo kia không nhân nơi hiện thấy, cũng không nhân nơi định, chỉ nhân nơi bạn ác mà khởi kiến chấp ấy.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Không có lực, không có tinh tấn, không có lực tinh tấn, không có sĩ, không có uy thế, không có sĩ uy thế, không có tự tác, không có tha tác, không có tự tha tác. Tất cả hữu tình, tất cả sinh, tất cả chủng loại không có lực, không có tự tại, không có tinh tấn, không có uy thế, quyết định hợp tánh biến chuyển, đối với sáu thắng sinh thọ nhận các khổ vui. Đây là nếu hủy báng lực tinh tấn v.v… hữu lậu, tức là tà kiến hủy báng nhân, do kiến tập đoạn trừ. Nếu hủy báng lực tinh tấn v.v… vô lậu, tức là tà kiến hủy báng đạo, do kiến đạo đoạn trừ.

Trong đây: Lực, tinh tấn, sĩ, uy thế, thể là một nhưng nghĩa khác, đều nói về công năng của các pháp có sai biệt. Lực là thế mạnh, là nghĩa khó khuất phục. Tinh tấn là nghĩa phát khởi đi tới. Sĩ là sĩ dụng, là nghĩa hùng mạnh. Uy thế là nghĩa có thể chế phục kẻ khác. Ngoại đạo kia nói các pháp không có những nghĩa như thế, tức là hủy báng chung về công năng của các pháp.

Không tự tác là hủy báng về công năng tự tương tục nơi các pháp. Không tha tác là hủy báng về công năng tha tương tục nơi các pháp. Không tự tha tác là hủy báng cả hai thứ. Đây là lối chấp cho Tôn giả Ca-diếp-ba không có y phục như phần sau sẽ nói.

Tất cả hữu tình nghĩa là loài có thức. Tất cả sinh nghĩa là hữu tình gọi là chúng sinh. Tất cả chủng loại tức chúng sinh là chủng loại tương tục.

Lực, tự tại v.v… cũng là thể một mà nghĩa khác, tức là công năng của các hữu tình có sai biệt. Tự tại là nghĩa có thể sai khiến kẻ khác. Lực v.v… như trước đã giải thích. Ngoại đạo kia nói hữu tình không có những công năng như thế. Định nghĩa là quyết định, là nghĩa của pháp như vậy. Hợp nghĩa là hòa hợp, là nghĩa duyên hội hợp. Tánh là bản tánh. Biến nghĩa là chuyển biến. Ngoại đạo kia nói là hữu tình có lý sâu xa như thế theo pháp như vậy duyên hợp tức bản tánh chuyển biến, ở nơi sáu thắng sinh thọ nhận các khổ vui. Không phải do các hữu tình kia có lực tự tại v.v… có thể thọ nhận khổ vui. Sáu thắng sinh nơi phần sau sẽ nói.

Đây tức là tà kiến hủy báng nhân, hoặc hủy báng đạo: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến tập, hoặc do kiến đạo đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian nhiều người vì cầu giàu sang, nên rộng thi thố công sức nhưng không thể đạt được. Có kẻ không mong cầu nhưng tự nhiên đạt được, liền khởi suy nghĩ cho là không có lực, không có tinh tấn, cho đến nói rộng. Nếu có lực, có tinh tấn tức nên cầu thì được, không cầu thì không được. Nhưng hiện thấy thì trái ngược, nên biết là không có.

Nhưng phước lạc ở đời tất do nghiệp định, không định của thời trước. Có người thi thố công sức nhưng không đạt được là do không có nghiệp của thời trước. Có kẻ không hiện bày công sức nhưng lại đạt được là do có nhân quyết định của thời trước. Ngoại đạo kia đối với sự việc này không khéo nhận biết rõ liền cho là không có lực, không có tinh tấn, cho đến nói rộng. Do định cùng do bạn ác nên căn cứ theo trước để nói. Trong chương Tạp Uẩn ở trước, nói về xứ điên đảo, chỉ làm sáng tỏ việc bác bỏ về nhân hữu lậu tức do kiến tập đoạn trừ. Ở đây là nêu rõ chung về việc hủy báng cả nhân hữu lậu, nhân vô lậu, tức do kiến tập, kiến đạo đoạn trừ.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Tạo lời dạy, tạo chưng nấu, dạy chưng nấu để hại, dạy giết hại các chúng sinh, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, biết nhưng vọng ngữ, cố uống các thứ rượu. Đục tường mở trói lấy hết các thứ hiện có, cắt đường phá hại xóm làng đất nước, sinh mạng bằng dao gậy, bằng xe cộ xâm lấn đất đai, cắt chặt mổ xẻ các chúng sinh hiện có, tụ tập thành một đống thịt. Nên biết do đấy là không ác, không duyên ác. Ở phía nam sông Hằng thì đánh đập chặt cắt, ở phía bắc sông Hằng thì tuệ thí, tu phước. Nên biết do đấy là không có tội phước, cũng không có duyên tội phước. Bố thí ái ngữ lợi hành đồng sự gồm thâu dẫn dắt các hữu tình đều không có phước. Đây là tà kiến hủy báng nhân, do kiến tập đoạn trừ.

Ở đây, nói không ác là không có tự tánh ác. Không duyên ác là không thể chiêu cảm quả ác. Không tội phước cũng không duyên tội phước, nên biết cũng như vậy.

Ở phía nam sông Hằng thì đánh đập chặt cắt: Là do nơi chốn ấy có nhiều đền thờ Dược-xoa nên giết hại nhiều chúng sinh để cúng tế. Ở phía bắc sông Hằng thì tuệ thí tu phước: Là do nơi chốn ấy có nhiều đền thờ trời nên ở đấy thường tuệ thí tu phước.

Đây là tà kiến hủy báng nhân: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến tập đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian, có kẻ tạo ác mà hưởng an lạc, có người tu thiện mà gặp phải nhiều sầu khổ, liền khởi suy nghĩ cho là tạo lời dạy, nói rộng cho đến đều không có phước. Nếu có tội phước tức nên kẻ tạo ác phải chịu khổ, người tu thiện phải được an lạc, nhưng hiện thấy thì trái ngược, nên biết quyết định cho là tạo lời dạy, tạo chưng nấu, cho đến đều không có phước. Nhưng quả của nghiệp thiện ác có xa gần. Ngoại đạo kia không khéo nhận biết rõ, nên khởi kiến chấp ấy. Do định cùng do bạn ác nên căn cứ theo trước để nói.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Bảy sĩ thân không tạo tác, tạo tác không hóa, hóa không thể hại, thường an trụ như Y-sư-ca an trụ bất động, không có chuyển biến, cùng không tiếp xúc nhau. Những gì là bảy? Là đất nước lửa gió và khổ, vui, thọ mạng. Bảy sĩ thân này không phải tạo tác cho đến như Y-sư-ca an trụ bất động. Hoặc tội, hoặc phước, hoặc tội phước. Hoặc khổ, hoặc vui, hoặc khổ vui đều không thể chuyển biến, cũng không thể khiến hỗ tương xúc chướng ngại. Nếu như có sĩ phu chặt đầu sĩ phu cũng không gọi là hại sinh nơi thế gian. Hoặc đi, hoặc đứng, trung gian của bảy thân tuy dao mũi nhọn có chuyển, nhưng không hại mạng. Ở đây, không có chủ thể hại, đối tượng bị hại, không có chủ thể đánh đập, đối tượng bị đánh đập, không biểu, không xứ biểu. Đây là biên chấp kiến, thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn. Bảy sĩ thân nghĩa là ngã sở chấp trì.

Bảy sĩ thân không tạo tác: Là không có tác giả, chủ thể tạo tác. Thân này là người tạo tác, nghĩa là tuy không tạo tác nhưng tợ như tạo tác hiển hiện. Không hóa nghĩa là không có người hóa, có thể hóa thân ấy. Người hóa nghĩa là tuy không hóa nhưng tợ như hóa hiển hiện.

Như Y-sư-ca: Là như cây Y-sư-già, hoặc như núi Y-sư-ca kiên cố khó hoại.

Không có chuyển biến: Nghĩa là ngã thường trụ, tuy có ẩn khuất hay hiện bày nhưng không chuyển biến. Cùng không tiếp xúc nhau: Tức là không gì có thể khiến cùng tiếp xúc gây trở ngại.

Hoặc đi hoặc đứng: Đi là người v.v… Đứng là cây v.v… Ngoại đạo kia nói cây v.v… cũng gọi là sĩ phu, chấp trong loại kia có thọ mạng. Trung gian của bảy thân tuy có những kẽ hở dung nạp dao mũi nhọn chuyển, nhưng không hại mạng do ngã sở thường trụ đã nhận giữ nên mạng không thể hại.

Không biểu: Là không có nghiệp có thể hại, có thể đánh đập. Không xứ biểu: Là không có cảnh của đối tượng bị hại, bị đánh đập.

Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo đối với bốn đại chủng cùng khổ vui nơi thọ mạng tương tục, dựa nơi nhân, dựa nơi duyên hòa hợp nên có. Trong sát-na không dừng trụ, ngoại đạo kia không khéo nhận biết rõ liền chấp cho là có ngã ở đấy đã chấp trì khiến không tổn hại. Ngoại đạo kia đã nói về thọ mạng tức là thức tương tục, nhưng không thấy biết về thân tâm cùng nối tiếp, nhân quả của từng sát-na sát-na chuyển biến, trung gian hiện có kẽ hở liền chấp cho là có ngã đã giữ gìn khiến luôn trụ. Xả bỏ thân này rồi khi thọ nhận thân kia, như cây lúc bị ngã thì chim chóc bay sang cây khác, nên nói về bảy sĩ thân này cho đến nói rộng. Do định cùng do bạn ác nên căn cứ theo trước để nói.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Có mười bốn ức sáu vạn sáu trăm sinh môn. Năm nghiệp, ba nghiệp, hai nghiệp, một nghiệp, nửa nghiệp. Sáu mươi hai hành tích. Sáu mươi hai trung kiếp. Một trăm ba mươi sáu địa ngục. Một trăm hai mươi căn. Ba mươi sáu trần giới. Bốn vạn chín ngàn nhà rồng. Bốn vạn chín ngàn nhà Diệu sí điểu. Bốn vạn chín ngàn nhà dị học. Bốn vạn chín ngàn nhà mạng sống. Bảy kho tàng hữu tưởng. Bảy kho tàng vô tưởng. Bảy kho tàng lìa trói buộc. Bảy A-tố-lạc. Bảy Tất-xá-già. Bảy trời. Bảy người. Bảy mộng, bảy trăm mộng. Bảy giác, bảy trăm giác. Bảy ao, bảy trăm ao. Bảy hiểm, bảy trăm hiểm. Bảy giảm, bảy trăm giảm. Bảy tăng, bảy trăm tăng. Sáu thắng sinh loại. Tám đại sĩ địa. Ở nơi xứ như thế, trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp, hoặc ngu hoặc trí, tới lui lưu chuyển nên quyết định có thể tạo ra biên vực tận cùng của khổ. Như ném một cuộn sợi tơ, sợi tơ hết thì liền dừng lại. Ở đây không có Sa-môn hoặc Bà-la-môn có thể nói như vầy: Ta dùng giới, hoặc dùng tinh tấn, phạm hạnh khiến cho nghiệp hiện có chưa thành thục thì thành thục. Thành thục rồi thì tiếp xúc. Tiếp xúc rồi thì biến chuyển loại bỏ hết. Dùng các hộc như thế để lường xét về biên vực khổ vui của sinh tử, là không thể thiết lập có tăng có giảm, cũng không thể nói hoặc đúng hoặc không đúng. Đây không phải là nhân mà chấp là nhân, là giới cấm thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

Mười bốn ức sáu vạn sáu trăm sinh môn: Là như trong chánh pháp có bốn sinh môn là noãn thai thấp hóa, là nơi chốn cùng trải qua và thọ nhận của các hữu tình, số lượng ấy là quyết định không thêm, không bớt. Như thế ngoại đạo kia không có tóc áo đẹp chấp cho là có từng ấy tạp loại sinh môn. Mỗi mỗi hữu tình nơi chốn trải qua khắp, số lượng quyết định cũng không tăng giảm.

Năm nghiệp cho đến một nghiệp, nửa nghiệp: Là như trong chánh pháp đã nói về chiêu cảm bốn sinh môn, cùng những tạo tác do sinh môn không ra ngoài các nghiệp như năm nghiệp v.v… Như vậy, ngoại đạo kia đã nói chiêu cảm từng ấy sinh môn và từng ấy sinh môn đã tạo ra cũng không quá các nghiệp như năm nghiệp v.v…

Năm nghiệp: Là như trong chánh pháp đã nói chiêu cảm năm nẻo. Năm nẻo làm gia hạnh là xứ sở của năm nẻo. Như thế ngoại đạo kia đã nói năm nghiệp là đưa lên, hạ xuống, co lại, duỗi ra, hành là thứ năm. Hoặc lời nói, tay, chân, đại tiểu môn là năm.

Ba nghiệp: Là như trong chánh pháp nói thân, ngữ, ý nghiệp. Ngoại đạo kia nói cũng như vậy, chỉ đưa ngữ lên trước.

Hai nghiệp: Là như trong chánh pháp nói tư nghiệp và tư dĩ nghiệp. Ngoại đạo kia nói tức là nghiệp đen, nghiệp trắng.

Một nghiệp, nửa nghiệp: Là như trong chánh pháp nói là nghiệp khiên dẫn gọi là nghiệp, nghiệp viên mãn gọi là nửa nghiệp. Hoặc gồm đủ hai thứ gọi là nghiệp, theo đấy chỉ có một gọi là nửa nghiệp. Như thế ngoại đạo kia nói có hai nghiệp: Một là song nghiệp. Hai là chích nghiệp. Khiên dẫn nghiệp gọi là song nghiệp, viên mãn nghiệp gọi là chích nghiệp. Hoặc gồm đủ hai thứ gọi là song nghiệp. Theo đấy chỉ có một gọi là chích nghiệp. Các song (đôi) gọi là nghiệp. Các chích (chiếc) gọi là nửa nghiệp. Lại, ngoại đạo kia nói có hai nghiệp là nghiệp đọa và nghiệp cận đọa. Nếu hại Bà-la-môn, gây khổ nơi cha mẹ, thầy, bạn, người nữ, ăn trộm vàng, uống rượu gọi là nghiệp đọa. Những nghiệp ác còn lại gọi là nghiệp cận đọa. Phần trước gọi là nghiệp, phần sau gọi là nửa nghiệp. Lại nói thân ngữ nghiệp gọi là nghiệp, vì làm tổn ích nơi mình, người, ý nghiệp gọi là nửa nghiệp, vì chỉ làm tổn ích nơi mình. Lại nói nghiệp chiêu cảm sinh hữu gọi là nghiệp, nghiệp chiêu cảm trung hữu gọi là nửa nghiệp. Lại nói nghiệp chiêu cảm chưa sinh chúng đồng phần gọi là nghiệp, nghiệp đối với chúng đồng phần đã sinh rồi thọ nhận dị thục gọi là nửa nghiệp. Lại nói đối với nghiệp tạo đầy đủ gọi là nghiệp, tạo phần ít gọi là nửa nghiệp.

Sáu mươi hai hành tích: Là như trong chánh pháp nói bốn hành tích gọi là đạo thanh tịnh. Như thế ngoại đạo nói sáu mươi hai hành tích gọi là đạo thanh tịnh.

Sáu mươi hai trung kiếp: Là như trong chánh pháp nói tám mươi trung kiếp là một giới hạn sai biệt. Như thế ngoại đạo nói sáu mươi hai trung kiếp là một giới hạn có sai biệt. Ở trong thời gian ấy, tu sáu mươi hai hành tích, tạo biên vực tận cùng của khổ.

Một trăm ba mươi sáu địa ngục: Là như trong chánh pháp nói có tám đại địa ngục, mỗi mỗi thứ đều có mười sáu quyến thuộc. Như thế ngoại đạo đã nói cũng vậy. Nhưng lại nói hữu tình sinh khắp trong ấy, sau đó thì giải thoát.

Một trăm hai mươi căn: Là như trong chánh pháp nói có hai mươi hai căn. Như thế ngoại đạo nói có một trăm hai mươi căn, là mắt, tai, mũi, mỗi thứ đều có hai là sáu. Lưỡi, thân, ý, mạng, năm thọ căn và năm căn như tín v.v… gồm chung là hai mươi. Sáu nẻo mỗi nẻo đều có hai mươi là một trăm hai mươi. Sáu nẻo tức A-tố-lạc là thứ sáu. Ngoại đạo kia nói hữu tình chủ yếu ở nơi sáu nẻo thọ nhận từng ấy căn không hơn không giảm. Có thuyết nói: Căn là nghĩa tăng thượng. Hữu tình chủ yếu ở nơi một trăm hai mươi xứ làm chủ rồi sau đấy được giải thoát.

Ba mươi sáu trần giới: Là như trong chánh pháp nói có chín mươi tám tùy miên, là nơi chốn nương dựa của tất cả tạp nhiễm. Như thế ngoại đạo nói có ba mươi sáu trần giới là xứ nương dựa của tạp nhiễm.

Bốn vạn chín ngàn nhà rồng: Nhà nghĩa là tộc loại. Như trong chánh pháp nói rồng có bốn tộc, tức noãn thai thấp hóa. Như thế ngoại đạo nói có bốn vạn chín ngàn nhà rồng, là mỗi mỗi hữu tình đối với tộc loại kia đều phải trải qua thọ nhận.

Bốn vạn chín ngàn nhà Diệu sí điểu: Là như trong chánh pháp nói Diệu sí điểu có bốn tộc loại là noãn thai thấp hóa. Như thế ngoại đạo nói có bốn vạn chín ngàn nhà Diệu sí điểu, là mỗi mỗi hữu tình đối với tộc loại kia đều phải trải qua thọ nhận.

Bốn vạn chín ngàn nhà dị học: Nghĩa là ngoại đạo xuất gia có từng ấy loại. Ngoại đạo kia nói mỗi mỗi hữu tình đối với tộc loại ấy đều nên xuất gia khắp.

Bốn vạn chín ngàn nhà mạng sống: Nghĩa là hành tập xứ công xảo để tự sinh sống có từng ấy loại. Ngoại đạo kia nói hữu tình đối với xứ sở ấy đều nên học khắp.

Bảy kho tàng hữu tưởng: Tức ngoại đạo kia nói có bảy định hữu tưởng.

Bảy kho tàng vô tưởng: Tức ngoại đạo kia nói có bảy định vô tưởng. Như vậy các định mỗi mỗi hữu tình đều nên khởi khắp.

Bảy kho tàng lìa trói buộc: Tức như trước đã nói về gia hạnh của các định. Ngoại đạo kia nói hữu tình ở nơi gia hạnh ấy nên lìa các thứ trói buộc, thâu giữ tâm tu tập.

Bảy A-tố-lạc, bảy Tất-xá-già: Ngoại đạo kia nói, hữu tình ở nơi xứ A-tố-lạc, Tất-xá-già bảy lần qua lại mới được giải thoát.

Bảy trời, bảy người: Tức ngoại đạo kia nói, hữu tình ở nơi xứ trời người phải bảy lần qua lại tới lui mới được giải thoát.

Bảy mộng, bảy trăm mộng: Nghĩa là ngoại đạo kia nói xứ sinh của hữu tình khác nhau, có bảy thứ mộng lớn, bảy trăm mộng nhỏ, nên những thứ đã trải qua và đã thấy thảy đều chẳng đồng. Mỗi mỗi hữu tình đều phải trải qua đủ cả.

Bảy giác, bảy trăm giác: Là ngoại đạo kia nói xứ sinh của hữu tình có sai biệt, tùy theo từng ấy mộng lớn nhỏ, trở lại có từng ấy giác (thức day) lớn nhỏ. Những thứ đã trải qua, đã thấy cũng đều chẳng đồng. Mỗi mỗi hữu tình đều phải trải qua đủ cả.

Bảy ao, bảy trăm ao: Tức ngoại đạo kia nói ao suối để diệt trừ tội ở thế gian, lớn có bảy, nhỏ có bảy trăm. Mỗi mỗi hữu tình đều phải tắm gội khắp mới được giải thoát.

Bảy hiểm, bảy trăm hiểm: Hiểm là hầm, hang, hang núi, bờ sông. Ngoại đạo kia nói xứ hiểm như thế là để diệt tội, thứ lớn có bảy, thứ nhỏ có bảy trăm. Mỗi mỗi hữu tình đều trải qua khắp trong ấy xả bỏ thân mạng mới được giải thoát.

Bảy giảm, bảy trăm giảm: Giảm nghĩa là thoái mất công đức. Ngoại đạo kia nói xứ thoái mất công đức của hữu tình lớn có bảy, nhỏ có bảy trăm. Mỗi mỗi hữu tình đều phải ở trong ấy thoái mất công đức.

Bảy tăng, bảy trăm tăng: Tăng là công đức tăng tiến. Ngoại đạo kia nói xứ tăng tiến công đức của hữu tình lớn có bảy, nhỏ có bảy trăm. Mỗi mỗi hữu tình ở khắp nơi xứ ấy tùy theo chỗ thoái mất trở lại tăng tiến mới được giải thoát.

Sáu thắng sinh loại: Tức là ngoại đạo Mãn-ca-diệp-ba đã đặt ra sáu loại thắng sinh là đen, xanh, vàng, đỏ, trắng, cực trắng, là sáu loại sinh có sai biệt. Loại thắng sinh đen nghĩa là nghiệp uế tạp, như đồ tể, làm nem v.v… Loại thắng sinh xanh nghĩa là sinh sống của người tại gia còn lại. Loại thắng sinh vàng nghĩa là đời sống của người xuất gia còn lại. Loại thắng sinh đỏ là các Sa-môn Thích tử. Loại thắng sinh trắng là những người ly hệ. Loại thắng sinh cực trắng tức là những vị Nan đà phiệt sai mạt tắc yết lê cù xa lợi tử v.v… Ngoại đạo kia nói hữu tình đối với sáu thứ này đều nên thọ đủ sau đấy mới được giải thoát. Đức Phật cũng nêu đặt sáu loại thắng sinh:

1. Có loại thắng sinh đen: Là Bổ-đặc-già-la sinh trưởng trong pháp đen.

2. Có loại thắng sinh đen: Là Bổ-đặc-già-la sinh trưởng trong pháp trắng.

3. Có loại thắng sinh đen: Là Bổ-đặc-già-la sinh trưởng trong pháp không đen không trắng, được pháp Niết-bàn.

4. Có loại thắng sinh trắng: Là Bổ-đặc-già-la sinh trưởng trong pháp trắng.

5. Có loại thắng sinh trắng: Là Bổ-đặc-già-la sinh trưởng trong pháp đen.

6. Có loại thắng sinh trắng: Là Bổ-đặc-già-la sinh trưởng trong pháp không đen không trắng, được pháp Niết-bàn.

Tám đại sĩ địa: Là như trong chánh pháp nói có bốn tĩnh lự, bốn vô sắc là xứ gồm đủ công đức. Như thế ngoại đạo nói có tám xứ phạm thắng, gọi là tám đại sĩ địa.

Hữu tình ở trong ấy đều nên được khắp đối với xứ như thế trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp, hoặc ngu hoặc trí đều qua lại lưu chuyển mới quyết định có thể tạo được biên vực tận cùng của khổ. Ngoại đạo kia nói loại thắng sinh đen trải qua mười bốn ngàn đại kiếp qua lại lưu chuyển, sau đấy được vào loại thắng sinh xanh. Tức loại thắng sinh xanh trải qua mười bốn ngàn đại kiếp qua lại lưu chuyển, sau đấy được vào loại thắng sinh vàng. Tức loại thắng sinh vàng lại trải qua mười bốn ngàn đại kiếp qua lại lưu chuyển, sau đấy được vào loại thắng sinh đỏ. Tức loại thắng sinh đỏ lại trải qua mười bốn ngàn đại kiếp qua lại lưu chuyển, sau đấy được vào loại thắng sinh trắng. Tức loại thắng sinh trắng lại trải qua mười bốn ngàn đại kiếp qua lại lưu chuyển, sau đấy được vào loại thắng sinh cực trắng. Tức loại thắng sinh cực trắng lại trải qua mười bốn ngàn đại kiếp qua lại lưu chuyển, sau đấy mới có thể tạo được biên vực tận cùng của khổ.

Như ném một cuộn sợi tơ, sợi tơ hết liền dừng. Như ở trên núi ném cuộn sợi tơ lớn, cho đến sợi tơ hết sau đấy mới dừng. Như vậy, hữu tình trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp trên các xứ sinh qua lại lưu chuyển sau đấy mới có thể tạo được biên vực tận cùng của khổ.

Dùng hộc như thế để lường xét về biên vực khổ vui của sinh tử, không thể nêu đặt có tăng có giảm, cũng không thể nói.

Hoặc đúng, không đúng: Là như dùng hộc đong lường lúa thóc v.v.. nhận biết số lượng rồi, không thể tăng giảm, cũng không sinh nghi. Như vậy ngoại đạo kia nói hữu tình trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp ở nơi các xứ đã nêu trên qua lại lưu chuyển sau đấy được giải thoát, không hơn không giảm, cũng không nên nghi.

Có thuyết cho: Gấp đôi số lượng đã nói ấy ở trong đó lưu chuyển mới được giải thoát.

Do ngoại đạo kia nói câu: Qua lại đến đi nên đấy không phải là nhân mà chấp là nhân.

Giới cấm thủ: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp. Do kiến khổ đoạn trừ: Là làm rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có ngoại đạo, hoặc nhân nơi tầm tư bất chánh, hoặc nhân có được định thế tục, hoặc nhân nơi sự việc gần gũi bạn ác mà khởi lên kiến chấp ấy, như trước nên biết.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Tất cả những gì mà sĩ phu, Bổ-đặc-già-la đã thọ nhận thảy đều do sự tạo tác ở đời trước làm nhân. Đây không phải là nhân mà chấp cho là nhân, là giới cấm thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

Những gì đã thọ nhận: Nghĩa là tất cả khổ vui đã thọ nhận trong hiện tại.

Thảy đều do sự tạo tác ở đời trước làm nhân: Tức là ở đây đều do nghiệp quá khứ làm nhân.

Hỏi: Vấn đề này, trong chánh pháp cũng nói, nhưng khổ vui đã thọ nhận là do nghiệp quá khứ làm nhân, nhưng không xem đó là ác kiến. Còn ngoại đạo kia cũng nói như thế, vì sao gọi là ác kiến?

Đáp: Điều ấy trong chánh pháp nói những thứ hiện thọ nhận có khi do nghiệp qua khứ làm nhân, có khi là quả sĩ dụng của hiện tại. Còn ngoại đạo kia thì nói tất cả đều do nghiệp của quá khứ đã tạo tác làm nhân, không nói hiện tại có quả sĩ dụng, nên gọi là ác kiến.

Hỏi: Ngoại đạo kia đã hủy báng cho là không có nhân quả hiện tại, tức nên gọi là tà kiến, vì sao gọi là giới cấm thủ?

Đáp: Nay không nói ngoại đạo kia hủy báng nhân quả hiện tại gọi là giới cấm thủ, chỉ nói ở chỗ ngoại đạo đã chấp cho nhân khác sinh ra pháp, do pháp khác làm nhân, nên là thuộc về giới cấm thủ.

Đây không phải là nhân mà chấp cho là nhân, là giới cấm thủ:

Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là ngoại đạo kia hiện thấy nơi thế gian có người lập công dụng nhưng không đạt được quả. Có người không mong cầu mà tự nhiên đạt được, nên liền khởi suy nghĩ: Nên biết đều do sự tạo tác từ đời trước làm nhân, không phải là công sức của hiện tại. Nhưng ngoại đạo kia không nhận biết nghiệp thiện ác có loại định và bất định cùng thời gian có khác nhau, nên khởi chấp như vậy.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia có được định thế tục, suy niệm nhận biết về các nghiệp quá khứ đã khởi, liền cho tất cả đều do sự tạo tác của đời trước.

Có thuyết cho: Ngoại đạo kia chỉ nhân nơi bạn ác. Nói rộng như trước.

HẾT – QUYỂN 198