LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 7

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 1: PHÁP THẾ ĐỆ NHẤT, phần 6

Tôn giả Tây phương dùng mười bảy môn để phân biệt bốn căn thiện này, như tụng kia đã nói:

Ý sâu nương nhân, sở duyên, quả

Đẳng lưu, Dị thục và thắng lợi

Hành tướng hai duyên tuệ giới định

Căn tầm, tâm thoái là về sau.

Hỏi: Noãn có ý nghĩa sâu xa nào?

Đáp: Trước hết đã tu tập tất cả căn thiện, nghĩa là từ bố thí cho đến bảy xứ thiện, đều đem hồi hướng về giải thoát, đó là ý nghĩa sâu xa của noãn.

Hỏi: Noãn nương dựa vào đâu để sinh khởi?

Đáp: Nương vào định của tự địa.

Hỏi: Noãn lấy gì làm nhân?

Đáp: Lấy căn thiện đồng loại nơi tự địa sinh trước.

Hỏi: Những gì là đối tượng duyên của noãn?

Đáp: Là bốn Thánh đế

Hỏi: Noãn lấy gì làm quả?

Đáp: Lấy đảnh làm quả sĩ dụng gần.

Hỏi: Noãn lấy gì làm đẳng lưu?

Đáp: Lấy căn thiện đồng loại nơi tự địa sinh sau.

Hỏi: Noãn lấy gì làm dị thục?

Đáp: Lấy năm uẩn của cõi sắc.

Hỏi: Thuận với phần quyết định lựa chọn cũng có thể dẫn dắt chúng đồng phần chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không thể. Vì sao? Vì nhàm chán từ bỏ hữu. Nghĩa là căn thiện này đã nhàm chán, từ bỏ các hữu. Đối với chúng đồng phần chỉ có thể làm viên mãn, không thể dẫn dắt.

Có thuyết nói: Cũng có thể. Nghĩa là căn thiện này tuy nhàm chán, từ bỏ hữu, nhưng có thể dẫn dắt, tùy thuận Thánh đạo nơi quả của chúng đồng phần. Nghĩa là căn thiện này đã tạo nên quả của chúng đồng phần khiến tăng thượng mạnh mẽ, vi diệu thù thắng, không có tai họa bất ngờ, thuận với phẩm thắng thiện.

Hỏi: Noãn có thắng lợi gì?

Đáp: Có thể cùng với Niết-bàn làm nhân quyết định.

Có thuyết nói: Được định noãn thì không đoạn điều thiện.

Hỏi: Noãn có bao nhiêu hành tướng?

Đáp: Có mười sáu hành tướng.

Hỏi: Noãn là duyên với danh hay là duyên với nghĩa?

Đáp: Đều duyên cả danh và nghĩa.

Hỏi: Noãn là do văn tạo thành, do tư tạo thành, hay do tu tạo thành?

Đáp: Chỉ do tu tạo thành.

Hỏi: Noãn thuộc về cõi dục, cõi sắc hay cõi vô sắc?

Đáp: Chỉ thuộc về cõi sắc.

Hỏi: Noãn là ở tại định hay không ở tại định?

Đáp: Chỉ ở tại định.

Hỏi: Noãn là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, hay không tầm không tứ?

Đáp: Noãn có đủ ba thứ.

Hỏi: Noãn tương ưng với lạc căn, tương ưng với hỷ căn, hay tương ưng với xả căn?

Đáp: Tương ưng với cả ba căn.

Hỏi: Noãn là một tâm hay nhiều tâm?

Đáp: Nhiều tâm.

Hỏi: Noãn là có thể thoái chuyển hay không thể thoái chuyển?

Đáp: Có thể thoái chuyển.

Ý nghĩa sâu xa của đảnh: Nghĩa là từ bố thí cho đến quả của noãn, lấy nhẫn làm quả sĩ dụng gần.

Thắng lợi: Nghĩa là không đoạn căn thiện.

Có thuyết nói: Cũng không tạo nghiệp vô gián. Ngoài ra đều như nói về noãn.

Ý nghĩa sâu xa của nhẫn: Nghĩa là từ bố thí cho đến quả của đảnh, tức lấy pháp thế đệ nhất làm quả sĩ dụng gần.

Thắng lợi: Nghĩa là không thoái chuyển, không tạo nghiệp vô gián, không đọa vào nẻo ác.

Có thuyết cho: Cũng không chấp ngã, ngoài ra như nói về đảnh.

Ý nghĩa sâu xa của pháp thế đệ nhất: Nghĩa là từ bố thí cho đến đối tượng duyên của nhẫn, chỉ là quả của khổ đế, lấy khổ pháp trí nhẫn làm quả sĩ dụng gần.

Thắng lợi: Nghĩa là làm đẳng vô gián, nhập chánh tánh ly sinh.

Hành tướng: Nghĩa là bốn hành tướng của khổ đế.

Một tâm, nhiều tâm: Nghĩa là nên nói một tâm. Ngoài ra như nói về nhẫn

Đầu tiên, noãn duyên với ba đế. Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu bốn hành tướng, đều đồng loại tu, chẳng phải không đồng loại, duyên với diệt đế. Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai cũng chỉ tu pháp niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu bốn hành tướng, cũng đồng loại tu, chẳng phải không đồng loại. Vì sao? Vì không phải ban đầu quán uẩn diệt là có thể tu. Duyên với uẩn đạo nên tăng trưởng noãn, duyên với ba đế, bốn niệm trụ tùy thuận một, hiện tại tu, vị lai tu bốn niệm trụ, đây là đồng loại tu, cũng không đồng loại. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu mười sáu hành tướng, duyên với diệt đế. Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu mười sáu hành tướng.

Hỏi: Vì sao lúc đầu noãn chỉ là đồng loại tu, không phải không đồng loại, khi tăng trưởng noãn có thể tu đồng loại và không đồng loại?

Đáp: Vì lúc đầu noãn chưa từng được chủng tánh, vì mới bắt đầu học quán đế, nên chỉ tu đồng loại. Khi noãn được tăng trưởng là được chủng tánh, luôn hành tập quán đế nên tu đồng loại và cũng không đồng loại.

Đầu tiên, đảnh duyên với bốn đế. Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu mười sáu hành tướng. Đảnh tăng trưởng duyên với ba đế. Bốn niệm trụ tùy thuận một, hiện tại tu, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu mười sáu hành tướng, duyên với diệt đế. Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu mười sáu hành tướng.

Lúc đầu và khi nhẫn tăng trưởng duyên với bốn đế. Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu mười sáu hành tướng.

Hỏi: Vì sao nhẫn lúc đầu và khi tăng trưởng đều chỉ có hiện tại tu pháp niệm trụ, còn noãn, đảnh thì không như thế?

Đáp: Vì nhẫn gần với kiến đạo cùng với kiến đạo tương tợ, như trong kiến đạo chỉ khởi pháp niệm trụ, nhẫn cũng như thế.

Tôn giả Diệu âm nói: Nhẫn ban đầu và nhẫn được tăng trưởng, cũng như đã nói về noãn ban đầu và noãn tăng trưởng, đối với căn thiện của cõi sắc chưa từng được chủng tánh và đã từng được chủng tánh.

Vị kia không nên nói như thế, vì bốn căn thiện này đều do tu mà thành của cõi sắc và vì nhẫn gần với kiến đạo, nên như kiến đạo khởi pháp niệm trụ.

Hỏi: Nhẫn được tăng trưởng nơi tất cả thời đều tu mười sáu hành tướng chăng?

Đáp: Không phải vậy. Vì có lúc là mười sáu, hoặc có lúc là mười hai, hoặc có lúc là tám, hoặc đôi khi chỉ có bốn. Vì sao? Vì như lần lần giản lược đối tượng duyên nơi đế. Cứ như thế giản lược về tu hành tướng như vậy, do sự lần lượt này tức có thể gần với kiến đạo, nên như kiến đạo.

Pháp thế đệ nhất: Hiện tại tu pháp niệm trụ, vị lai tu bốn niệm trụ. Hiện tại tu một hành tướng, vị lai tu bốn hành tướng, chỉ đồng loại tu, không phải không đồng loại.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất đã từng được chủng tánh, thường hành tập quán đế, vì sao chỉ tu đồng loại không phải dị loại?

Đáp: Do pháp thế đệ nhất chỉ có từng ấy hành tướng là có thể tu, không có hành tướng nào khác. Như người chỉ có một chiếc áo, đã bị cướp đoạt rồi không thể lấy lại. Pháp thế đệ nhất này cũng như vậy, vì thế không nên hỏi. Lại nữa, pháp thế đệ nhất rất gần với kiến đạo và giống như kiến đạo. Lại nữa, vì pháp thế đệ nhất mở cửa kiến đạo, dẫn đường sinh kiến đạo và như kiến đạo.

Hỏi: Noãn, đảnh, nhẫn trong lúc đầu, đối với bốn Thánh đế là quán liên tục hay không liên tục?

Đáp: Có thuyết nói: Là liên tục. Như khoảng mười lăm tâm trong kiến đạo, hiện quán liên tục đối với bốn Thánh đế. Pháp này cũng như thế.

Có thuyết cho: Không liên tục. Nghĩa là khi đã quán khổ Thánh đế ở cõi dục rồi, tức liền dừng trụ, kế đến khởi gia hạnh, quán khổ Thánh đế của cõi sắc và cõi vô sắc lại dừng trụ. Đế còn lại cũng như vậy.

Nên nói như vầy: Tức điều ấy không quyết định, hoặc quán liên tục, hoặc không liên tục, tức tùy thuộc ở thế mạnh chuyển biến của gia hạnh kia.

Hỏi: Những gì là tác ý vô gián dẫn khởi noãn?

Đáp: Định của cõi sắc thuộc về hành tướng, do tu tạo thành, có chán lìa, có khát ngưỡng, có xấu hèn, có tưởng nhớ mến mộ, là tác ý vô gián dẫn khởi noãn. Noãn vô gián dẫn khởi đảnh. Đảnh vô gián dẫn khởi nhẫn. Nhẫn vô gián dẫn khởi pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Đối với người đã lìa nhiễm nơi cõi dục có thể như thế, còn kẻ chưa lìa nhiễm nơi cõi dục thì sao?

Đáp: Người ở cõi dục cũng có tác ý giống như người cõi sắc. Vì thuộc về hành tướng do tư tạo thành, nên có chán lìa, có khát ngưỡng, có xấu hèn, có tưởng nhớ mến mộ. Đối với kẻ chưa lìa nhiễm nơi cõi dục, những tác ý vô gián này dẫn khởi noãn, ngoài ra như trước đã nói.

Hỏi: Tu noãn viên mãn xong, sắp sửa khởi tu đảnh thì mạng chung, người đó sinh nơi khác, là liền khởi tu đảnh hay là từ gốc khởi?

Đáp: Nếu gặp được bậc thầy sáng suốt, tùy thuận vị ấy thì nên khởi tu. Theo phần vị sai biệt mà nói tức có thể khởi đảnh.

Nếu không như thế thì trở lại từ gốc khởi, tuy nhiên có thể khởi tu nhanh chóng, không như lúc mới tu.

Hỏi: Nếu trong đời khác liền khởi tu đảnh thì những tác ý vô gián từ đâu khởi?

Đáp: Tác ý hiện có như lúc khởi noãn. Như nói: Từ noãn khởi đảnh, từ đảnh khởi nhẫn cũng như thế.

Hỏi: Nếu vậy tại sao nói noãn vô gián khởi đảnh, đảnh vô gián khởi nhẫn?

Đáp: Dựa vào sự khởi tu liên tục trong một thân nên nói như vậy, nhưng không phải là tất cả.

Hỏi: Nếu thoái chuyển noãn, lúc trở lại sinh noãn là được như lúc trước từng được noãn chăng?

Đáp: Nên nói là không được, vì tùy vào từng ấy lượt thoái chuyển rồi sinh trở lại, tức cũng từng ấy lượt luôn đổi mới mà được. Vì sao? Vì đó là điều hết sức khó được, do chưa từng tu tập, dụng công thành tựu. Như giới biệt giải thoát, phải tùy từng ấy lượt bỏ rồi lại thọ nhận, tức cũng phải từng ấy lượt luôn đổi mới mà được. Pháp này cũng như thế. Như nói noãn, đảnh cũng vậy. Dựa vào tĩnh lự căn bản đã khởi noãn, đảnh, cũng tất không thoái chuyển, do đã dựa vào định tự tại, vững chắc. Nếu nương vào định vị chí, tĩnh lự trung gian đã khởi noãn, đảnh, thì không quyết định vì có thể thoái chuyển.

Hỏi: Quả vị noãn, đảnh, nhẫn dựa vào phẩm hạ sinh trung, hay dựa vào phẩm trung sinh thượng, hay sau phẩm trung thượng mới khởi phẩm hạ trung?

Đáp: Quyết định không khởi. Vì sao? Vì ở phần vị thắng tấn trước đã được rồi nên không ưa chuộng mấy.

Hỏi: Có phải từ khi khởi noãn trở về sau là lìa nhiễm chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không ưa lìa nhiễm. Vì sao? Vì noãn kia đâu có khởi đảnh, không ưa phát khởi tư duy về hữu thứ nhất, huống chi là định ở địa dưới.

Nên nói như vầy: Đây tức bất định. Nếu Hành giả kia tự biết mình có sức có thể sinh ra đảnh, tức liền khởi đảnh. Nếu biết mình không có sức để có thể sinh ra đảnh, tức cầu lìa nhiễm. Vì sao? Vì nếu được lìa nhiễm sẽ sinh nơi thắng xứ, lìa cõi thấp.

Noãn đảnh, nhẫn: Về chủng loại sai biệt có bảy mươi ba thứ. Sự việc đó là thế nào? Nghĩa là đối với nhiễm của cõi dục cùng lìa bỏ. Có mười thứ trói buộc đủ là một, lìa một phẩm nhiễm, cho đến lìa chín cùng với trước là mười. Đối với nhiễm của tĩnh lự thứ nhất lìa một, cho đến lìa chín là chín, không có trói buộc đủ nào riêng khác, tức là thuộc thứ mười của cõi dục. Vị sau cũng thế. Như vậy cho đến đối với nhiễm của Vô sở hữu xứ là lìa một, cho đến lìa chín là chín.

Ở đây các vị đã khởi noãn v.v… có bảy mươi ba chủng loại sai biệt.

Hỏi: Theo một chủng loại đã khởi với một chủng loại khác đã khởi, là một hay là khác?

Đáp: Có thuyết nói: Là một.

Hỏi: Nếu thế tại sao nói có bảy mươi ba chủng loại sai biệt?

Đáp: Thể tuy là một nhưng vị có khác. Dựa vào vị sai biệt nên nói có từng ấy thứ như thế.

Có thuyết cho: Đều khác. Nghĩa là đủ sự trói buộc: Đã khởi khác. Lìa một phẩm: Đã khởi khác. Nói rộng cho đến lìa nhiễm thứ chín của Vô sở hữu xứ: Đã khởi khác. Nhưng đủ sự trói buộc, đối với đủ sự trói buộc, đã khởi noãn v.v… cũng được, cũng ở thân, cũng thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với người lìa sự trói buộc, đã khởi noãn v.v… là không được, không ở nơi thân, không thành tựu, không hiện tiền.

Người lìa một phẩm nhiễm của cõi dục, đối với người lìa một phẩm nhiễm của cõi dục đã khởi noãn v.v… là cũng được, cũng ở nơi thân, cũng thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với người đủ sự trói buộc, đã khởi noãn v.v… là được, nhưng không ở nơi thân, không thành tựu, không hiện tiền. Đối với người khác đã khởi noãn v.v… là không được, không ở nơi thân, không thành tựu, không hiện tiền.

Nói rộng cho đến lìa nhiễm ở phẩm thứ chín của Vô sở hữu xứ: Đối với chính mình đã khởi noãn v.v… là cũng được, cũng ở nơi thân, cũng thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với người khác đã khởi noãn v.v… là được, nhưng không ở nơi thân, không thành tựu, không hiện tiền.

Người nương vào tĩnh lự căn bản khởi noãn v.v…: Hiện thân tất nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì người kia do Thánh đạo dẫn sinh noãn v.v…

Người dựa vào định vị chí, tĩnh lự trung gian khởi noãn v.v…: Đây tức bất định. Vì sao? Vì người đó do noãn v.v… dẫn đến Thánh đạo.

Hỏi: Nếu dựa vào địa này khởi thuận phần quyết định lựa chọn, tức dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Nếu nương vào địa này khởi thuận phần quyết định lựa chọn, tức là dựa vào địa ấy nhập chánh tánh ly sinh. Nên nói như vầy: Đây tức bất định, hoặc tức dựa vào địa này, hoặc lại dựa vào địa khác.

Hoặc dựa vào địa này: Nghĩa là chủng tánh Thanh văn nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, tức là dựa vào địa này khởi đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến nếu dựa vào tĩnh lự thứ tư khởi noãn, tức dựa vào địa khởi đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh.

Hoặc lại dựa vào địa khác: Nghĩa là chủng tánh Thanh văn nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, nhẫn, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế.

Có thuyết cho: Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, nhẫn, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng thế.

Có thuyết nêu: Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, nhẫn, người ấy dựa vào tĩnh lự thứ nhất khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng thế.

Hỏi: Thuận phần quyết định lựa chọn, sau phẩm trung thượng không khởi phẩm hạ trung, vì sao bấy giờ lại nói như vậy?

Đáp: Vì đồng địa nên không khởi, khác địa mới được khởi. Những sự việc như thế là nói về chủng tánh Thanh văn.

Hỏi: Còn Bồ-tát thì thế nào?

Đáp: Có thuyết nói: Bồ-tát nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, nương vào tĩnh lự thứ nhất cho đến tĩnh lự thứ ba khởi noãn, đảnh, nhẫn, nương vào tĩnh lự thứ tư khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, tức dựa vào tĩnh lự thứ nhất cho đến tĩnh lự thứ ba khởi noãn, đảnh, nhẫn, nương vào tĩnh lự thứ tư khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh. Nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, đảnh, nhẫn, tức dựa vào tĩnh lự thứ nhất cho đến tĩnh lự thứ ba cũng khởi noãn, đảnh, nhẫn, nương vào tĩnh lự thứ tư khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh.

Hỏi: Thuận phần quyết định lựa chọn, sau phẩm trung thượng không khởi hạ trung, vì sao bấy giờ lại nói như thế?

Đáp: Vì đồng địa nên không khởi, khác địa mới được khởi.

Có thuyết nói: Thanh văn không khởi, Bồ-tát có thể khởi.

Có thuyết khác cho: Vì lìa lỗi làm như thế nên nói như vầy: Bồ-tát nếu dựa vào định vị chí khởi noãn, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi đảnh, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Nếu dựa vào định vị chí khởi nhẫn, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế. Tức là dựa vào tĩnh lự thứ tư khởi nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh. Nên nói như thế này: Bồ-tát chỉ dựa vào tĩnh lự thứ tư khởi noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì Bồ-tát có tất cả công đức thù thắng, nên chỉ nương vào tĩnh lự thứ tư dẫn khởi, nghĩa là từ quán bất tịnh cho đến vô sinh trí.

Hỏi: Độc giác thì thế nào?

Đáp: Loại Độc giác Lân giác dụ như nói về Bồ-tát. Độc giác bộ hành thì không nhất định, như nói về Thanh văn.

Hỏi: Bồ-tát về thời xưa, trong một kiếp khác, từng khởi căn thiện thuận với phần quyết định lựa chọn chăng? Giả sử như thế thì có lỗi gì? Nếu đã từng khởi, tại sao nói Bồ-tát hiện có căn thiện thù thắng, nghĩa là từ quán bất tịnh cho đến vô sinh trí, đều một lần an tọa là chứng đắc. Nếu không khởi, Bồ-tát trong chín mươi mốt kiếp không bị đọa nơi nẻo ác, là do oai lực gì?

Đáp: Có thuyết nói: Về thời xưa, trong một kiếp khác, Bồ-tát đã từng khởi căn thiện thuận với phần quyết định lựa chọn, do lực của nhẫn nên chín mươi mốt kiếp không rơi vào nẻo ác.

Hỏi: Nếu thế vì sao lại nói: Căn thiện của Bồ-tát đều một lần an tọa là chứng đắc?

Đáp: Nói xưa đã khởi: Nghĩa là chủng tánh khác, không phải là chủng tánh của mình.

Một lần an tọa là chứng đắc: Nghĩa là nói chủng tánh của mình, nên không mâu thuẫn.

Có thuyết cho: Không khởi. Vì sao? Vì căn thiện của Bồ-tát không trải qua thế gian, vì chỉ một lần an tọa nơi cội cây Bồ-đề là chứng đắc.

Hỏi: Nếu vậy, trong chín mươi mốt kiếp Bồ-tát không bị đọa nơi nẻo ác, là do oai lực gì?

Đáp: Có thể ngặn chận nẻo ác, bất tất phải do thuận với phần quyết định lựa chọn. Vì sao? Vì hoặc thí, hoặc giới, hoặc nghe, hoặc tư, hoặc noãn, hoặc đảnh, đều có thể ngăn chận nẻo ác. Nếu là người độn căn, khi đạt được nhẫn mới có thể ngăn chận. Nhưng các Bồ-tát khi hành một hạnh thí, cũng gồm thâu cả giới, tuệ. Khi hành một hạnh giới cũng gồm thâu cả thí, tuệ. Khi hành một hạnh tuệ cũng gồm thâu cả thí, giới. Do đó có thể ngăn chận vô số nẻo ác, huống chi là ba nẻo ác mà không thể ngăn chận sao?

Nên nói như thế này: Bồ-tát hiện có căn thiện thù thắng, tức từ quán bất tịnh cho đến vô sinh trí, đều trong đời này dựa vào tĩnh lự thứ tư, một khi an tọa là dẫn khởi, hãy còn không phải quả vị khác của đời này huống chi là đời trước. Độc giác Lân giác dụ cũng như thế. Căn thiện của Độc giác bộ hành là bất định, như nói về Thanh văn.

Noãn, đảnh, nhẫn và pháp thế đệ nhất đều có sáu thứ chủng tánh khác nhau. Nghĩa là chủng tánh của pháp thoái chuyển, chủng tánh của pháp suy nghĩ, pháp giữ gìn, pháp an trụ, pháp gắng đạt, pháp bất động. Ở đây, chuyển noãn nơi chủng tánh của pháp thoái chuyển, khởi noãn nơi chủng tánh của pháp suy nghĩ, cho đến chuyển noãn nơi chủng tánh của pháp gắng đạt, khởi noãn nơi chủng tánh của pháp bất động. Chuyển noãn của chủng tánh Thanh văn, khởi noãn của chủng tánh Độc giác hoặc Phật. Chuyển noãn của chủng tánh Độc giác, khởi noãn của chủng tánh Phật hoặc Thanh văn.

Noãn của chủng tánh Phật là chắc chắn không thể chuyển biến. Như nói về noãn, nói về đảnh cũng như thế. Chuyển nhẫn của chủng tánh Thanh văn, khởi nhẫn của chủng tánh Độc giác. Không phải chuyển nhẫn của chủng tánh Thanh văn, Độc giác mà có thể khởi nhẫn của chủng tánh Phật. Vì sao? Vì nhẫn trái với nẻo ác, vì Bồtát phát nguyện sinh vào nẻo ác. Cũng không phải chuyển nhẫn của chủng tánh Độc giác mà có thể khởi nhẫn của chủng tánh Thanh văn. Vì sao? Vì nhẫn là không thoái chuyển.

Có thuyết nói: Chuyển noãn, đảnh, nhẫn của chủng tánh Thanh văn, có thể khởi noãn, đảnh, nhẫn của chủng tánh Độc giác. Nếu khởi noãn, đảnh của chủng tánh Độc giác, cũng không thể khởi noãn, đảnh nơi thừa khác. Vì sao? Vì căn thiện của Độc giác bắt đầu từ quán bất tịnh cho đến vô sinh trí, một lần an tọa là chứng đắc.

Lời bình: Người kia không nên nói như thế. Vì sao? Vì chủng tánh của Độc giác Lân giác dụ, căn thiện tuy một lần an tọa chứng đắc. Chủng tánh của Độc giác bộ hành là bất định, như đã nói về Thanh văn. Nên pháp thế đệ nhất, sáu thứ chủng tánh cùng chủng tánh của ba thừa đều không thể chuyển, dù chỉ trong một sát-na.

Hỏi: Thuận phần quyết định lựa chọn được khởi ở xứ nào?

Đáp: Ở cõi dục có thể khởi, không phải ở cõi sắc hay cõi vô sắc. Đối với hàng người, trời trong cõi dục có thể khởi, không phải ở ba nẻo ác có căn thiện thù thắng. Người trong ba châu đều có thể khởi, không phải châu Bắc Câu Lô. Trong hàng trời người tuy có thể khởi, nhưng về sau mới khởi không phải lúc đầu. Nghĩa là trước đã khởi tu trong loài người rồi, về sau thoái chuyển sinh trong hàng trời cõi dục, do lực hành tập từ trước được liên tục, nên lại có thể khởi.

Hỏi: Vì sao trong hàng trời không thể khởi tu ngay từ lúc đầu?

Đáp: Vì ở xứ đó không có những tác ý thù thắng về sự nhàm chán, lìa bỏ v.v…

Hỏi: Trong nẻo ác có tác ý thù thắng như nhàm chán, lìa bỏ, vậy tại sao không khởi căn thiện này?

Đáp: Vì trong nẻo ác không có sự nương dựa nơi thân thù thắng. Nếu có tác ý nhàm chán thù thắng, cũng có sự nương dựa vào thân thù thắng tức có thể khởi tu ngay từ lúc đầu loại căn thiện này. Trong hàng trời cõi dục, tuy có sự nương dựa vào thân thù thắng, nhưng không có tác ý thù thắng về nhàm chán, lìa bỏ v.v… Nơi nẻo ác, tuy có tác ý thù thắng về nhàm chán, lìa bỏ v.v…, nhưng không có sự nương dựa vào thân thù thắng. Trong loài người có đủ cả hai, nên có thể khởi ngay từ lúc đầu.

Hỏi: Nơi cõi sắc, vô sắc vì sao không khởi căn thiện này?

Đáp: Nếu ở xứ nào có thể nhập chánh tánh ly sinh, thì xứ đó có thể khởi. Ở cõi sắc và Vô sắc đã không thể nhập chánh tánh ly sinh, nên không thể khởi.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, vì sao cõi sắc, vô sắc không thể nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Vì không phải là ruộng, không phải là căn khí, cho đến nói rộng.

Lại nữa, nếu xứ nào có thể khởi nhẫn trí thì ở xứ đó có thể nhập chánh tánh ly sinh. Ở cõi sắc, vô sắc tuy có thể khởi trí, nhưng không khởi nhẫn, nên không thể nhập chánh tánh ly sinh.

Lại nữa, nếu ở xứ ào có thể khởi hiện pháp trí, loại trí, thì xứ đó có thể nhập chánh tánh ly sinh. Ở cõi sắc, vô sắc tuy khởi hiện loại trí, nhưng không khởi pháp trí, nên không thể nhập chánh tánh ly sinh.

Lại nữa, nếu ở xứ có sự nương dựa vào thân thù thắng và có khổ thọ thì xứ đó có thể nhập chánh tánh ly sinh. Cõi sắc, vô sắc tuy có sự nương dựa vào thân thù thắng, nhưng không có khổ thọ, nên không thể nhập chánh tánh ly sinh.

Hỏi: Noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất này dựa vào thân nào để khởi?

Đáp: Dựa vào thân nam, nữ.

Hỏi: Dựa vào thân nữ được thân nữ đã khởi noãn hay là cũng được thân nam đã khởi noãn?

Đáp: Được. Như được noãn, được đảnh, được nhẫn đều cũng như vậy.

Hỏi: Dựa vào thân nam được thân nam đã khởi noãn hay là cũng được thân nữ đã khởi noãn?

Đáp: Được. Như được noãn, được đảnh, được nhẫn đều cũng như vậy. Thân nữ đối với thân nữ đã khởi noãn, cũng được, cũng ở nơi thân, cũng thành tựu, cũng hiện ở trước. Đối với thân nam đã khởi noãn, được nhưng không ở nơi thân, thành tựu nhưng không hiện ở trước. Như nói về noãn, nói về đảnh, nhẫn đều cũng như vậy.

Thân nam đối với thân nam đã khởi noãn, cũng được, cũng ở nơi thân, cũng thành tựu, cũng hiện ở trước. Đối với thân nữ đã khởi noãn, được nhưng không ở nơi thân, thành tựu nhưng không hiện ở trước. Như nói về noãn, nói về đảnh, nhẫn đều cũng như vậy.

Thân nữ đã khởi noãn cùng với thân nữ đã khởi noãn làm nhân, cùng với thân nam đã khởi noãn cũng làm nhân. Như nói về noãn, nói về đảnh, nhẫn đều cũng như vậy.

Thân nam đã khởi noãn cùng với thân nam đã khởi noãn làm nhân, không cùng với thân nữ đã khởi noãn làm nhân. Vì sao? Vì hơn không phải là nhân của kém, nhưng thân nữ là kém. Như nói về noãn, nói về nhẫn, đảnh đều cũng như vậy.

Hỏi: Dựa vào thân nam khởi căn thiện thuận phần quyết định lựa chọn xong, lại có thể thọ nhận thân nữ chăng?

Đáp: Lại có thể thọ nhận, nhưng chỉ có ba pháp trước, không phải pháp thế đệ nhất. Vì sao? Vì chỉ trong một sát-na.

Hỏi: Khởi căn thiện thuận phần quyết định lựa chọn xong, lại có thể thọ nhận thân Phiến-sai-bán-trạch-ca không có hình, hai hình chăng?

Đáp: Lại có thể thọ nhận, nhưng chỉ là noãn, đảnh, không phải pháp khác. Vì sao? Vì nếu được nhẫn rồi là trái ngược với nẻo ác. Các thân hình xấu xí như Phiến-sai-bán-trạch-ca v.v… kia là nẻo xấu ác trong loài người. Nếu chứng đắc căn thiện thù thắng như nhẫn v.v…, tất sẽ không thọ nhận loại thân ấy.

Hỏi: Phàm phu được nhẫn ở nơi phần vị mạng chung đã bỏ chúng đồng phần, cũng bỏ luôn nhẫn chăng? Giả sử như vậy thì có lỗi gì? Nếu bỏ thì nên bị đọa vào nẻo ác, vì sao vừa nói: Nếu người chứng đắc nhẫn không bị đọa vào nẻo ác? Lại nếu bỏ thì vì sao phàm phu khi mạng chung thì bỏ, Thánh giả không như vậy. Còn nếu không bỏ, tại sao nơi chương Nghiệp Uẩn và Đại Chủng Uẩn đều không nói đến? Như nói phàm phu ở nơi thai tạng v.v… chỉ thành tựu thân, không thành tựu nghiệp thân?

Đáp: Đây nên nói là bỏ.

Có thuyết nói: Không bỏ.

Có thuyết cho: Không nhất định, hoặc bỏ hoặc không bỏ.

Ở đây sẽ giải thích rộng về lý do nơi mỗi thuyết, nói rõ trong phẩm Hại sinh thuộc chương Nghiệp Uẩn.

Nên nói như thế này: Phàm phu mạng chung nhất định bỏ đối với nhẫn, vì căn thiện yếu kém. Phàm phu nương vào địa ấy, khởi căn thiện loại ấy, nếu có mạng chung thì sinh trở lại địa ấy. Bỏ đồng phần hãy còn nhất định bỏ, huống gì là căn thiện này, là pháp của cõi sắc, trải qua sinh ở cõi dục, mà sẽ không bỏ sao?

Hỏi: Tu gia hạnh noãn, hình tướng của việc ấy là thế nào?

Đáp: Nói tóm tắt lấy ba tuệ làm tướng, là tuệ do văn tạo thành, tuệ do tư tạo thành và tuệ do tu tạo thành.

Hỏi: Thế nào là tu tập tuệ do văn tạo thành?

Đáp: Hành giả tu quán hoặc gặp được bậc thầy sáng suốt, nghe giảng nói tóm lược về các pháp yếu, là mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Hoặc tự đọc tụng Tạng Tố-đát-lãm, Tạng Tỳ-nại-da và Tạng A-tỳ-đạt-ma, khiến thành thục tốt đẹp, rồi khởi suy niệm: Nghĩa văn của ba Tạng thật hết sức rộng lớn, nếu luôn ghi nhớ, gìn giữ sẽ khiến tâm chán nản mệt mỏi. Nhưng các điều chủ yếu được nói trong ba Tạng, chính là mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Suy niệm như thế rồi, trước hết là quán sát mười tám giới. Khi Hành giả kia quán sát tức lập làm ba phần: Phần Danh (Tên gọi), phần Tự tướng (Tướng riêng), phần Cộng tướng (Tướng chung).

Danh: Nghĩa là đây gọi là nhãn giới, cho đến đây gọi là ý thức giới.

Tự tướng: Nghĩa là đây gọi là tự tướng của nhãn giới, cho đến đây gọi là tự tướng của ý thức giới.

Cộng tướng: Nghĩa là mười sáu hành tướng.

Đã quán mười tám giới với mười sáu thứ cộng tướng, Hành giả kia duyên nơi giới này để tu trí, tu chỉ. Đối với mười tám giới đã tu trí, tu chỉ xong, lại sinh tưởng nhàm chán, mệt mỏi, suy niệm: Mười tám giới này tức là mười hai xứ, nên giản lược nhập vào mười hai xứ. Nghĩa là mười sắc giới tức là mười sắc xứ, bảy tâm giới tức là ý xứ, pháp giới tức là pháp xứ.

Khi Hành giả kia quán sát mười hai xứ này, lập làm ba phần là phần Danh, phần Tự tướng, phần Cộng tướng.

Danh: Nghĩa là đây gọi là nhãn xứ, cho đến đây gọi là pháp xứ.

Tự tướng: Nghĩa là đây là tự tướng của nhãn xứ, cho đến đây là tự tướng của pháp xứ.

Cộng tướng: Nghĩa là mười sáu sáu hành tướng.

Đã quán mười hai xứ với mười sáu thứ cộng tướng, Hành giả kia duyên nơi xứ này để tu trí, tu chỉ. Đối với mười hai xứ đã tu trí, tu chỉ xong, lại khởi tưởng nhàm chán, mỏi mệt, suy niệm: Mười hai xứ này, trừ vô vi, tức là năm uẩn, nên tóm lược cho nhập vào năm uẩn. Đó là mười sắc xứ và sắc thuộc về pháp xứ tức là sắc uẩn, ý xứ tức là thức uẩn. Trong pháp xứ, thọ tức là thọ uẩn, tưởng tức là tưởng uẩn.

Còn lại tâm sở pháp, hành bất tương ưng, tức là hành uẩn.

Khi Hành giả kia quán sát năm uẩn này lập làm ba phần, đó là phần Danh, phần Tự tướng, phần Cộng tướng.

Danh: Nghĩa là đây gọi là sắc uẩn, cho đến đây gọi là thức uẩn.

Tự tướng: Nghĩa là đây là tự tướng của sắc uẩn, cho đến đây là tự tướng của thức uẩn.

Cộng tướng: Nghĩa là mười hai hành tướng.

Đã quán năm uẩn với mười hai thứ cộng tướng, Hành giả kia duyên nơi uẩn này để tu trí, tu chỉ. Đối với năm uẩn tu trí, tu chỉ xong, lại khởi tưởng nhàm chán, mỏi mệt, suy niệm: Năm uẩn này cùng với vô vi, tức là bốn niệm trụ, nên tóm lược cho nhập vào bốn niệm trụ. Đó là sắc uẩn tức thân niệm trụ, thọ uẩn tức thọ niệm trụ, thức uẩn tức tâm niệm trụ. Tưởng, hành uẩn cùng với vô vi, tức là pháp niệm trụ.

Khi Hành giả kia quán sát bốn niệm trụ này lập làm ba phần, là Danh, Cộng tướng, Tự tướng.

Danh: Nghĩa là đây gọi là thân niệm trụ, cho đến đây gọi là pháp niệm trụ.

Tự tướng: Nghĩa là đây là tự tướng của thân niệm trụ, cho đến đây là tự tướng của pháp niệm trụ.

Cộng tướng: Nghĩa là mười sáu hành tướng.

Đã quán bốn niệm trụ với mười sáu thứ cộng tướng, Hành giả kia duyên nơi niệm trụ này để tu trí, tu chỉ. Đối với bốn niệm trụ đã tu trí, tu chỉ xong, lại khởi tưởng nhàm chán, mỏi mệt, suy niệm: Bốn niệm trụ này, trừ hư không, phi trạch diệt, tức là bốn Thánh đế, nên giản lược cho nhập nơi bốn Thánh đế. Đó là phần quả của pháp hữu lậu tức khổ đế, phần nhân tức tập đế, trạch diệt tức diệt đế, đối trị tức đạo đế.

Khi Hành giả kia quán sát bốn Thánh đế này lập làm ba phần, là Danh, Tự tướng, Cộng tướng.

Danh: Nghĩa là đây gọi là khổ đế, cho đến đây gọi là đạo đế.

Tự tướng: Nghĩa là đây là tự tướng của khổ đế, cho đến đây là tự tướng của đạo đế.

Cộng tướng: Nghĩa là bốn hành tướng. Đã quán khổ đế với bốn thứ cộng tướng là bốn hành tướng: 1. Khổ. 2. Vô thường. 3. Không. 4. Vô ngã.

Đã quán tập đế với bốn thứ cộng tướng là bốn hành tướng: 1. Nhân. 2. Tập. 3. Sinh. 4. Duyên.

Đã quán diệt đế với bốn thứ cộng tướng là bốn hành tướng: 1. Diệt. 2. Tĩnh. 3. Diệu. 4. Ly.

Đã quán đạo đế với bốn thứ cộng tướng là bốn hành tướng: 1. Đạo. 2. Như. 3. Hành. 4. Xuất.

Hành giả kia duyên nơi đế này để tu trí, tu chỉ. Đối với bốn Thánh đế khi tu trí, tu chỉ, lần lượt quán đế như trong kiến đạo. Nghĩa là trước quán riêng khổ nơi cõi dục, về sau hợp quán khổ nơi cõi sắc và Vô sắc. Trước quán riêng tập nơi cõi dục, về sau hợp quán tập nơi cõi sắc và Vô sắc. Trước quán riêng diệt nơi cõi dục, về sau hợp quán diệt nơi cõi sắc và Vô sắc. Trước quán riêng đạo nơi cõi dục, về sau hợp quán đạo nơi cõi sắc và Vô sắc.

Khi quán sát bốn Thánh đế như vậy, cũng như cách tấm lụa mỏng xem xét các màu sắc, hình tượng. Ngang đây là sự tu tập tuệ do văn tạo thành mới được viên mãn. Dựa vào tuệ văn này phát sinh tuệ do tư tạo thành, tu tập viên mãn rồi, tiếp đến phát sinh tuệ do tu tạo thành, tức gọi là noãn. Sau noãn sinh đảnh, sau đảnh sinh nhẫn, sau nhẫn sinh pháp thế đệ nhất, sau pháp thế đệ nhất sinh kiến đạo, sau kiến đạo sinh tu đạo, sau tu đạo sinh đạo vô học. Theo thứ lớp như thế căn thiện sẽ đầy đủ.

Căn thiện có ba thứ: 1. Thuận phần phước. 2. Thuận phần giải thoát. 3. Thuận phần quyết định lựa chọn.

Căn thiện thuận phần phước: Nghĩa là gây tạo chủng tử sinh làm người, chủng tử sinh làm chư Thiên.

Chủng tử sinh làm người: Là chủng tử này có thể sinh vào tộc họ cao quý trong loài người, có nhiều tài sản, vật báu, quyến thuộc đầy đủ. Sắc tướng, diện mạo đoan nghiêm, thân hình cân đối, cho đến có thể làm Chuyển luân Thánh vương.

Chủng tử sinh làm chư Thiên: Là chủng tử này có thể sinh trong các cõi trời thuộc Dục, Sắc, Vô sắc, thọ nhận quả thắng diệu. Hoăc làm Đế thích, Ma vương, Phạm vương, có uy thế lớn, thống lãnh nhiều nơi.

Căn thiện thuận phần giải thoát: Nghĩa là gieo trồng chủng tử quyết định giải thoát, nhân đó nhất định chứng đắc Niết-bàn.

Căn thiện thuận phần quyết định lựa chọn: Nghĩa là noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất. Ở đây nên phân biệt rộng về căn thiện thuận phần giải thoát.

Hỏi: Căn thiện này dùng gì làm tự tánh?

Đáp: Dùng nghiệp thân, ngữ, ý làm tự tánh, nhưng ý nghiệp tăng thượng.

Hỏi: Căn thiện này là ở nơi địa ý hay là nơi năm thức thân?

Đáp: Ở nơi địa ý, không phải ở nơi năm thức thân.

Hỏi: Căn thiện này là do gia hạnh được, do lìa nhiễm được, hay do sinh được?

Đáp: Chỉ do gia hạnh được.

Có thuyết nói: Cũng là do sinh được.

Lời bình: Thuyết nói trước là đúng, là do gia hạnh khởi.

Hỏi: Căn thiện này là do Văn tạo thành, do Tư tạo thành, hay do Tu tạo thành?

Đáp: Do Văn, Tư tạo thành, không phải do Tu tạo thành.

Có thuyết cho: Cũng do Tu tạo thành.

Lời bình: Thuyết nói trước là đúng, vì chỉ hệ thuộc cõi dục.

Hỏi: Căn thiện này ở nơi xứ nào khởi?

Đáp: Ở nơi cõi dục khởi, không phải ở cõi sắc và Vô sắc. Nẻo người trong cõi dục khởi, không phải ở nẻo khác. Trong nẻo người, ba châu khởi, không phải ở châu Bắc Câu Lô.

Hỏi: Căn thiện này được gieo trồng vào thời nào?

Đáp: Vào thời Đức Phật ra đời, vì cần có pháp Phật mới có thể gieo trồng.

Có Sư khác nêu: Tuy không có pháp Phật, nếu gặp bậc Độc giác cũng có thể gieo trồng căn thiện này.

Hỏi: Căn thiện này dựa vào thân nào để khởi?

Đáp: Cũng dựa vào thân nam, cũng dựa vào thân nữ.

Hỏi: Nhân nơi sự việc nào mà gieo trồng căn thiện này?

Đáp: Hoặc nhân nơi thí, hoặc nhân nơi giới, hoặc nhân nơi văn, nhưng không quyết định. Vì sao? Vì ý lạc khác nhau. Nghĩa là hoặc có người nhân thí một nắm cơm, hoặc cho đến một cây tăm xỉa răng sạch, tức có thể gieo trồng chủng tử giải thoát. Như Chiến-đạt-là v.v… Ông ấy theo chỗ thí đều nói lời: Nguyện cho tôi nhân nơi bố thí này quyết định được giải thoát.

Hoặc có người tuy mở đại hội vô già, nhưng không thể gieo trồng chủng tử giải thoát, như Vô Bạo Ác v.v… Người này theo chỗ bố thí đều cầu giàu sang, danh vọng nơi thế gian không mong cầu giải thoát.

Hoặc có người thọ trì tám phần trai giới, trong một ngày một đêm, tức có thể gieo trồng chủng tử giải thoát. Hoặc có người thọ trì giới biệt giải thoát của toàn bộ chúng đồng phần, nhưng không thể gieo trồng chủng tử giải thoát.

Hoặc có người đọc tụng bốn câu kệ, tức có thể gieo trồng chủng tử giải thoát. Hoặc có người khéo thông suốt các văn nghĩa của ba Tạng, nhưng không thể gieo trồng chủng tử giải thoát.

Hỏi: Cái gì quyết định có thể gieo trồng căn thiện của thuận phần giải thoát này?

Đáp: Nếu có ý lạc tăng thượng vui cầu Niết-bàn, chán bỏ sinh tử, tùy khởi phần ít về thí, giới, văn (nghe) thiện, tức có thể quyết định gieo trồng căn thiện này. Nếu không có ý lạc tăng thượng vui cầu Niết-bàn, chán bỏ sinh tử, tuy khởi phần nhiều về thí, giới, văn thiện, nhưng cũng không thể gieo trồng căn thiện này.

Hỏi: Nếu có người đã gieo trồng căn thiện này rồi, còn phải trải qua bao lâu nữa mới có thể được giải thoát?

Đáp: Nếu nhanh nhất phải trải qua ba đời, nghĩa là trong đời đầu gieo trồng chủng tử này, trong đời thứ hai khiến cho chủng tử ấy thành thục, đến đời thứ ba tức có thể giải thoát. Ngoài ra thì không nhất định. Nghĩa là hoặc có người gieo trồng căn thiện của thuận phần giải thoát rồi, hoặc trải qua một kiếp, hoặc trải qua trăm kiếp, hoặc trải qua ngàn kiếp, lưu chuyển nơi sinh tử, nhưng không thể khởi thuận phần quyết định lựa chọn.

Hoặc lại có người khởi căn thiện thuận phần quyết định lựa chọn rồi, hoặc trải qua một đời, hoặc trải qua trăm đời, hoặc trải qua ngàn đời, lưu chuyển nơi sinh tử, nhưng không thể nhập chánh tánh ly sinh.

Thuận phần giải thoát cũng có sáu thứ, đó là chủng tánh của pháp thoái chuyển cho đến chủng tánh của pháp bất động. Chuyển chủng tánh của pháp thoái chuyển, thuận phần giải thoát, khởi chủng tánh của pháp suy nghĩ, thuận phần giải thoát, cho đến chuyển chủng tánh của pháp gắng đạt, thuận phần giải thoát, khởi chủng tánh của pháp bất động, thuận phần giải thoát. Chuyển chủng tánh Thanh văn, thuận phần giải thoát, khởi chủng tánh Độc giác và Phật, thuận phần giải thoát. Chuyển chủng tánh Độc giác, thuận phần giải thoát, khởi chủng tánh Thanh văn và Phật, thuận phần giải thoát. Nếu đã khởi chủng tánh Phật, thuận phần giải thoát xong, thì không thể chuyển một cách rất mạnh mẽ nhanh chóng được.

Hỏi: Trong gia hạnh của noãn có quán sinh diệt, vậy gia hạnh của quán sinh diệt này như thế nào?

Đáp: Các sư Du già khi sắp quán sinh diệt, trước hết là chọn lấy tướng hưng, suy, trong, ngoài, rồi trở lại xứ đã an trụ, điều hợp thân tâm, quán thân trong một thời kỳ, trước sinh sau diệt. Kế đó, quán về phần vị đến năm, đến mùa, một tháng, nửa tháng, một ngày, một đêm, kế đến Mâu hô lật đa, sau nữa là Lạp phược, kế nữa là Đát sát na. tiếp theo lại giảm dần xuống, cho đến đối với hết thảy pháp hữu vi, quán hai sát-na sinh, hai sát-na diệt. Ngang với đây gọi là gia hạnh thành đủ. Tiếp theo lại đối với pháp hữu vi, quán một sát-na sinh, một sát-na diệt. Đây tức gọi là quán sinh diệt đã hoàn thành.

Hỏi: Quán sinh diệt này, khi quán sinh diệt là một tâm quán hay là hai tâm quán? Nếu là một tâm quán thì là một lãnh hội hay hai lãnh hội?

Nếu là một lãnh hội thì như quán sinh là sinh cũng nên quán diệt là sinh. Quán sinh là sinh nên có thể gọi là chánh quán, còn quán diệt là sinh nên là tà quán. Như quán diệt là diệt, cũng nên quán sinh là diệt. Quán diệt là diệt có thể gọi là chánh quán, còn quán diệt là sinh nên là tà quán. Vậy tại sao cùng một lãnh hội mà cũng chánh, cũng tà?

Nếu là hai lãnh hội thì nên có hai Thể, nhưng một tâm hai Thể là không có việc ấy. Nếu hai tâm quán, một tâm quán sinh, một tâm quán diệt, tức không có quán sinh diệt, làm thế nào gọi là quán sinh diệt?

Đáp: Trong khoảng hai sát-na, một tâm quán sinh, một tâm quán diệt, dựa vào sự nối tiếp nhau mà nói, gọi là quán sinh diệt, không dựa vào sát-na, nên không có lỗi.

Có thuyết cho: Một tâm quán song song sinh diệt, nhưng không có lỗi lầm như trước đã nói. Do lúc thấy sinh so biết có diệt, vì có pháp sinh tất có pháp diệt. Nếu khi thấy diệt so biết có sinh, vì có pháp diệt tất có pháp sinh..

Lời bình: Thuyết đó phi lý. Vì làm sao một tâm có thể có hai cách lãnh hội, do Thể của hai lượng là hiện, tỷ không đồng. Thuyết trước là đúng.

Hỏi: Quán sinh diệt này là tác ý thắng giải hay là tác ý chân thật?

Đáp: Có thuyết nêu: Là tác ý chân thật.

Hỏi: Nếu vậy các hành thật sự không có đến đi, nếu thấy có đến đi làm sao là chân thật?

Đáp: Quán này chưa thành, nên thấy có đến, đi. Lúc thành chỉ thấy sinh, diệt, không thấy có tướng đến, đi. Như múa riêng nhạc, chậm thì thấy đến, đi, nhanh thì không thấy. Ví dụ như quay vòng tròn lửa, hay như bánh xe quay nhanh của nhà làm đồ gốm, nên biết cũng như vậy.

Có thuyết nói: Là tác ý thắng giải.

Hỏi: Nếu vậy theo kệ đã nói nên làm sao thông suốt? Như nói:

Nếu có tri kiến khiến lậu tận

Nếu không tri kiến làm sao tận?

Người có thể quán uẩn, sinh, diệt

Tức là ý giải thoát phiền não.

Không phải tác ý thắng giải có thể đoạn phiền não chăng?

Đáp: Dựa vào nhân truyền thừa mà nói. Như phép tắc về con, cháu. Nghĩa là tác ý thắng giải dẫn sinh tác ý chân thật. Do tác ý chân thật nên đoạn dứt các phiền não, nên không mâu thuẫn.

HẾT – QUYỂN 7