LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ 

 

QUYỂN 23

Phẩm thứ 6: PHÂN BIỆT HIỀN THÁNH, phần 2

Như vậy là đã nói về hai môn dẫn vào tu tập. Do hai môn này nên tâm liền được định. Tâm được định rồi lại tu tập những gì nữa?

* Tụng viết:

Dựa nơi chỉ đã tu

Là quán tu niệm trụ

Dùng tự tướng, cộng tướng

Quán thân thọ tâm pháp.

Tự tánh tuệ như văn v.v…

Khác, sở duyên tương tạp

Nói thứ lớp tùy sinh

Trị điên đảo, chỉ bốn.

* Luận nêu: Dựa nơi Xa-ma-tha (Chỉ) thù thắng đã tu tập thành mãn, là Tỳ-bát-xá-na (Quán) tu tập bốn niệm trụ.

Tu tập bốn niệm trụ như thế nào? Nghĩa là dùng tự tướng cộng tướng quán về thân thọ tâm pháp. Tự tánh của thân thọ tâm pháp đều riêng khác gọi là tự tướng. Hết thảy pháp hữu vi đều là tánh vô thường, hết thảy pháp hữu lậu đều là tánh khổ, cùng hết thảy các pháp đều là tánh không, vô ngã, gọi là cộng tướng.

Tự tánh của thân: Là đại chủng, sắc được tạo. Tự tánh của thọ, tâm: Là như tự danh hiển bày. Tự tánh của pháp: Là pháp còn lại, trừ ba thứ kia.

Theo truyền thuyết: Ở nơi định, dùng cực vi, sát-na đều quán riêng về thân gọi là thân niệm trụ đầy đủ. Tướng đầy đủ của ba thứ còn lại, như chỗ ứng hợp nên biết.

Những gì gọi là Thể của bốn niệm trụ? Thể của bốn niệm trụ này đều có ba: Là tự tánh, tương tạp và đối tượng duyên. Niệm trụ tự tánh dùng tuệ làm Thể. Tuệ này có ba loại là tuệ do văn tạo thành v.v… Tức đây cũng gọi là ba thứ niệm trụ. Niệm trụ tương tạp dùng pháp cùng có còn lại của tuệ làm Thể. Niệm trụ đối tượng duyên dùng các pháp là đối tượng duyên của tuệ làm Thể. Làm sao nhận biết tự tánh của niệm trụ là tuệ, không phải thứ khác? Là do kinh nói: “Ở nơi thân, tuần tự quán xét thân, gọi là thân niệm trụ. Ba thứ còn lại cũng như thế”. Các tên gọi tuần tự quán chỉ nêu rõ về Thể của tuệ, không phải tuệ không có dụng tuần tự quán.

Vì sao ở nơi tuệ lập tên là niệm trụ? Sư Tỳ-bà-sa nói: Do nơi phẩm này niệm tăng. Là nghĩa do lực của niệm đã giữ vững tuệ để được chuyển. Như dùng búa rìu đốn gỗ, do sức của cái nêm đã giữ vững lưỡi búa. Lý thật nên nói tuệ khiến niệm trụ. Do đấy, ở nơi tuệ lập tên niệm trụ. Tùy theo đối tượng quán của tuệ mà có thể ghi nhận rõ. Thế nên Tôn giả Vô Diệt đã nói: “Nếu có thể ở nơi thân trụ tuần tự quán xét thân, thì niệm duyên nơi thân được trụ, cho đến nói rộng”. Đức Thế Tôn cũng chỉ rõ: “Nếu có người ở nơi thân trụ tuần tự quán thân, thì niệm liền trụ, không nhầm lẫn”.

Nhưng có kinh nói: Bốn niệm trụ này do gì nên tập hợp? Do gì nên tán diệt? Do thức ăn, xúc, danh sắc, tác ý được tập hợp, như thứ lớp khiến thân thọ tâm pháp được tập hợp. Do thức ăn, xúc, danh sắc tác ý tán diệt, như thứ lớp khiến thân thọ tâm pháp tán diệt.

Nên biết kinh kia nói là niệm trụ đối tượng duyên, do niệm ở nơi đối tượng duyên ấy được an trụ. Lại, tên gọi riêng khác của niệm trụ là tùy theo đối tượng duyên, duyên nơi sự cùng nối tiếp của chính mình và của người khác nên khác. Thế nên mỗi mỗi niệm trụ đều có ba thứ. Bốn niệm trụ này được nói thứ lớp là tùy theo sự sinh khởi. Vậy sự sinh khởi ấy do đâu lại có thứ lớp như vậy? Là tùy theo cảnh thô nên quán trước. Hoặc các dục tham ở nơi xứ của thân chuyển. Nên bốn niệm trụ quán thân là trước. Nhưng tham ở nơi thân do thọ có vui thích. Vui thích ở nơi thọ là do tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục là do Hoặc (Phiền não) chưa đoạn trừ. Nên quán xét thọ, tâm v.v… theo thứ lớp như vậy. Bốn niệm trụ này, như thứ lớp là đối trị bốn thứ điên đảo tịnh, lạc, thường, ngã kia, nên chỉ có bốn thứ, không tăng không giảm. Trong bốn thứ niệm trụ, ba thứ chỉ duyên nơi không gồm đủ. Loại thứ tư thì đối tượng duyên là chung cả gồm đủ, không gồm đủ. Nếu chỉ quán xét pháp, gọi là duyên nơi không gồm đủ. Nếu đối với hai, ba hoặc bốn thứ như thân v.v… quán xét chung thì gọi là duyên nơi gồm đủ.

Như thế là đã tu thành thục các pháp niệm trụ như duyên đủ nơi thân v.v… rồi thì hành giả lại tu tập gì nữa?

* Tụng viết:

Ở nơi pháp niệm trụ

Quán chung bốn sở duyên

Tu vô thường và khổ

Hành tướng không, vô ngã.

* Luận nêu: Người hành quán kia, ở trong pháp niệm trụ đã duyên chung gồm đủ xong, thì quán chung về bốn cảnh như thân v.v… của đối tượng duyên để tu bốn hành tướng. Đó là vô thường, khổ, không, vô ngã. Tu loại quán ấy rồi thì sinh khởi căn thiện gì?

* Tụng viết:

Từ đấy sinh pháp Noãn

Quán đủ bốn Thánh đế

Tu mười sáu hành tướng

Tiếp sinh Đảnh cũng thế.

Hai căn thiện như vậy

Đều trước pháp sau bốn

Tiếp Nhẫn chỉ pháp niệm

Phẩm hạ trung đồng đảnh.

Thượng chỉ quán dục khổ

Một hành một sát-na

Thế đệ nhất cũng vậy

Đều tuệ năm trừ đắc.

* Luận nêu: Tu tập pháp niệm trụ do duyên chung nơi cộng tướng, lần lượt thành tựu cho đến phẩm thượng thượng, theo sau niệm trụ này, thì có căn thiện thứ nhất của thuận phần quyết trạch sinh khởi, gọi là pháp Noãn. Pháp này như hơi nóng nên lập tên gọi là pháp Noãn. Là tướng trước nhất của lửa Thánh đạo có khả năng đốt cháy củi phiền não. Như lửa là tướng trước nhất nên gọi là noãn. Phần vị của căn thiện noãn này được kéo dài nên có thể quán xét đủ về cảnh của bốn Thánh đế cùng có thể tu đủ mười sáu hành tướng. Quán khổ Thánh đế, tu bốn hành tướng là vô thường, khổ, không, vô ngã. Quán tập Thánh đế tu bốn hành tướng là nhân, tập, sinh, duyên. Quán diệt Thánh đế tu bốn hành tướng là diệt, tĩnh, diệu, ly. Quán đạo Thánh đế tu bốn hành tướng là đạo, như, hành, xuất. Tướng này có sai biệt như nơi phần sau sẽ biện. Căn thiện noãn này, cả phẩm hạ trung thượng lần lượt tăng trưởng, đến lúc thành mãn thì có căn thiện sinh, gọi là pháp Đảnh. Ở đây đã chuyển hơn nên lại lập tên khác. Trong căn thiện động thì pháp này là hơn hết, như đỉnh đầu của con người, nên gọi là pháp Đảnh. Hoặc do đây là hai ranh giới tiến thoái, như nơi đỉnh núi, nên gọi là đảnh. Đảnh này cũng như noãn là quán đủ về cảnh của bốn đế, cùng có thể tu đủ mười sáu hành tướng. Hai thứ căn thiện noãn đảnh như thế, lúc mới an túc (Đặt chân, in dấu) thì chỉ là pháp niệm trụ. Do nghĩa gì nên gọi là mới an túc? Tức tùy theo căn thiện nào, dùng mười sáu hành tướng đầu tiên tiếp cận in dấu nơi bốn Thánh đế. Noãn, đảnh nơi thời gian sau tăng tiến đủ nơi bốn niệm trụ. Các thứ trước đã được thì sau không còn hiện tiền, nên đối với chúng, hành giả không sinh tâm quý trọng. Căn thiện đảnh này từ phẩm hạ trung thượng dần dần tăng trưởng đến khi thành mãn thì có căn thiện sinh gọi là pháp Nhẫn. Ở trong lý của bốn Thánh đế có thể chấp nhận thì căn thiện này là hơn hết. Lại, vị nhẫn này là không thoái đọa nên gọi là pháp Nhẫn. Căn thiện nhẫn ấy in dấu, tăng tiến đều là pháp niệm trụ, so với trước có khác. Nhưng pháp Nhẫn này có hạ trung thượng. Hai phẩm hạ trung thì cùng với pháp Đảnh là đồng. Nghĩa là đã quán xét đủ cảnh của bốn Thánh đế, cùng có thể tu đầy đủ mười sáu hành tướng. Phẩm thượng thì có khác. Tức chỉ quán về khổ của cõi dục cùng nối tiếp với pháp Thế đệ nhất. Do căn cứ theo nghĩa này nên biết hai căn thiện noãn đảnh đều có thể duyên đủ nơi khổ v.v… của ba cõi. Đối với nghĩa đã thành lập là không phân biệt. Tức các Sư Du Già ở nơi đạo đối trị cõi sắc, vô sắc, cùng hành tướng, đối tượng duyên của mỗi mỗi Thánh đế, dần giảm dần giản lược, cho đến chỉ còn có hai niệm tác ý tư duy về cảnh của khổ Thánh đế nơi cõi dục. Ngang tới đây trở về trước gọi là vị nhẫn trung. Từ vị này, vô gián khởi một hành một sát-na căn thiện thù thắng, gọi là nhẫn phẩm thượng. Căn thiện ấy khởi không tương tục. Nhẫn phẩm thượng vô gián sinh pháp Thế đệ nhất. Pháp này như nhẫn phẩm thượng, chỉ duyên nơi khổ đế của cõi dục, tu một hành tướng chỉ một sát-na. Pháp này là hữu lậu nên gọi là thế gian. Là tối thắng nên gọi là đệ nhất. Pháp hữu lậu ấy, trong thế gian là hơn hết, vì vậy gọi là pháp Thế đệ nhất. Do có lực sĩ dụng, tuy lìa nhân đồng loại, nhưng đã dẫn sinh Thánh đạo, nên gọi là tối thắng. Như vậy, bốn thứ căn thiện như noãn v.v… tánh là niệm trụ nên đều dùng tuệ làm Thể. Nếu cùng với trợ bạn thì đều là tánh của năm uẩn. Tuy nhiên trừ đắc kia, vì các Thánh giả đắc các căn thiện như noãn v.v… thì không hiện khởi chúng lần nữa.

Ở đây, pháp Noãn lúc mới in dấu thì duyên nơi ba đế, ở pháp niệm trụ hiện tại vị lai tu bốn. Tùy theo một hành tướng hiện tại, vị lai tu bốn. Duyên nơi diệt đế, ở pháp niệm trụ hiện tại, vị lai tu một. Tùy theo một hành tướng hiện tại, vị lai tu bốn. Do chủng tánh này trước chưa từng được, nên cần có đồng phần mới có thể tu. Thời gian sau có tăng tiến, thì duyên nơi ba đế, tùy một niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu mười sáu. Duyên nơi diệt đế, ở pháp niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu mười sáu. Do chủng tánh này trước đã từng được, nên không có đồng phần, cũng có thể tu. Pháp Đảnh lúc mới in dấu thì duyên nơi bốn đế, ở pháp niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu mười sáu. Thời gian sau có tăng tiến, duyên nơi ba đế, tùy theo một niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu mười sáu. Duyên nơi diệt đế, ở pháp niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu mười sáu. Pháp Nhẫn lúc mới in dấu, sau đấy có tăng tiến, đều duyên nơi bốn đế, ở pháp niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu mười sáu. Nhưng lúc ở nơi phần tăng tiến đã lược bỏ đối tượng duyên. Tùy theo chỗ lược bỏ đối tượng duyên kia nên không tu hành tướng ấy. Pháp Thế đệ nhất duyên nơi khổ đế của cõi dục, ở pháp niệm trụ hiện tại, vị lai tu bốn. Tùy một hành tướng hiện tại, vị lai tu bốn, do không có phần khác. Pháp Thế đệ nhất giống với kiến đạo.

Đã biện về thể tướng của các căn thiện sinh khởi. Tiếp theo là biện về nghĩa sai biệt của chúng.

* Tụng viết:

Thuận phần quyết trạch này

Bốn đều do tu thành

Sáu địa, hai hoặc bảy

Dựa thân cõi dục chín.

Ba nữ nam đắc hai

Thứ tư, nữ cũng thế

Thánh do địa mất, xả

Phàm phu do mạng chung.

Đầu, hai cũng thoái, xả

Dựa gốc tất kiến đế

Xả rồi đắc chẳng trước

Hai xả tánh phi đắc.

* Luận nêu: Các pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn, pháp Thế đệ nhất này là bốn căn thiện thù thắng, gọi là thuận phần quyết trạch. Dựa vào nghĩa nào để kiến lập tên thuận phần quyết trạch? Quyết nghĩa là quyết đoán. Trạch nghĩa là phân biệt lựa chọn. Quyết đoán, phân biệt lựa chọn là các Thánh đạo. Do các Thánh đạo có thể đoạn trừ nghi, cùng có thể phân biệt tướng của bốn đế. Phần nghĩa là phân đoạn. Từ này ý là làm rõ về chỗ thuận theo chỉ là một phần của kiến đạo. Là phần của quyết trạch nên được mang tên là phần quyết trạch. Bốn căn thiện này là duyên dẫn sinh phần quyết trạch, thuận với lợi ích nơi phần kia nên được mang tên là thuận. Tức ở đây gọi là thuận phần quyết trạch. Bốn thứ như thế đều do tu tạo thành, không phải là do văn, tư tạo nên. Chúng chỉ là địa đẳng dẫn. Trong bốn thứ thì hai thứ trước là thuộc về phẩm hạ, do cùng có thể động cũng như có thể thoái chuyển. Nhẫn thuộc về phẩm trung, do hơn hai thứ trước. Có thế đệ nhất là trên hết, nên pháp thế đệ nhất riêng là phẩm thượng. Bốn căn thiện này đều dựa nơi sáu địa, là bốn tĩnh lự, tĩnh lự vị chí, tĩnh lự trung gian. Trong cõi dục không có do thiếu đẳng dẫn. Địa trên còn lại cũng không có, vì chúng là quyến thuộc của kiến đạo. Lại, nơi cõi vô sắc, tâm không duyên nơi cõi dục. Tức nơi cõi dục trước nên đoạn trừ, nhận biết khắp. Bốn căn thiện này có thể chiêu cảm dị thục là năm uẩn của cõi sắc, là nhân viên mãn, không có thể dẫn dắt, vì luôn ghét bỏ hiện hữu. Chữ Hoặc (Sáu địa, hai hoặc bảy) là làm rõ về hai và có thuyết khác. Hai tức là noãn và đảnh. Theo Tôn giả Diệu Âm thì hai căn thiện noãn đảnh hiện khởi có ở cả bảy địa, tức sáu địa trước và cõi dục. Bốn căn thiện này dựa vào thân cõi dục sinh khởi nơi chín xứ trời người, trừ châu Bắc Câu-lô. Ba căn thiện trước, đầu tiên là khởi nơi ba châu của nẻo người. Sau sinh lên xứ trời cũng nối tiếp hiện tiền. Căn thiện thứ tư (Pháp thế đệ nhất) nơi xứ trời cũng khởi. Ở đây không có trước sau, vì chỉ là một sát-na. Bốn căn thiện này chỉ dựa nơi thân nam nữ. Ba thứ trước thì nam nữ cùng đạt được cả hai. Căn thiện thứ tư, thân nữ cũng đạt được hai thứ (Thân nữ đang ở hiện tại và thân nam – tức người nữ này nhất định đạt được nơi đời sống tiếp theo). Dựa nơi thân nam thì chỉ đạt được căn thiện của thân nam, thân nữ đã đạt được là phi trạch diệt. Thánh giả dựa nơi địa này thì được căn thiện này. Lúc mất địa này thì căn thiện mới xả. Nói mất địa là làm rõ việc chuyển sinh nơi địa trên. Hàng phàm phu đối với địa hoặc mất hoặc không mất, chỉ mất chúng đồng phần tất xả bỏ căn thiện này. Hai căn thiện đầu cũng do thoái chuyển nên xả. Do mạng chung, thoái chuyển nên xả, chỉ là hàng phàm phu, không phải Thánh giả. Do mất địa nên xả, chỉ là Thánh, không phải là phàm phu. Nhẫn cùng pháp thế đệ nhất thì hàng phàm phu cũng không thoái chuyển. Dựa nơi địa căn bản khởi các căn thiện như noãn v.v… thì hành giả kia nơi đời này nhất định được kiến đế, do tâm chán bỏ sinh tử đã rất mãnh liệt. Nếu trước xả rồi, thời gian sau đắc lần nữa thì căn thiện đạt được ấy tất không phải là căn thiện trước đã xả bỏ. Như xả bỏ luật nghi biệt giải thoát rồi đắc lại lần nữa, do chưa từng tu thành thục, thành công dụng lớn. Nếu trước đã được các căn thiện như noãn v.v… trải qua nơi đời nên xả bỏ, gặp được bậc Pháp sư thiện thuyết hiểu rõ phần vị, liền sinh pháp đảnh v.v… Nếu không gặp thì phải trở lại tu từ gốc. Hai xả bỏ do mất, thoái, tánh là phi đắc. Thoái tất khởi lỗi lầm. Mất thì không hẳn như thế. Đạt được các căn thiện này thì có những lợi ích gì?

* Tụng viết:

Noãn tất đến Niết-bàn

Đảnh trọn không đoạn thiện

Nhẫn không đọa nẻo ác

Đệ nhất nhập ly sinh.

* Luận nêu: Trong bốn căn thiện, nếu được pháp noãn, tuy có thoái chuyển, đoạn dứt căn thiện, tạo nghiệp vô gián, đọa nơi nẻo ác v.v…, nhưng không lưu chuyển lâu, tất đến Niết-bàn.

Nếu vậy thì có gì khác vối thuận phần giải thoát? Nếu không có chướng ngại thì gần với kiến đế. Do pháp này cùng với hành tướng của kiến đạo là đồng. Nếu được pháp đảnh, tuy có thoái chuyển v.v…, nhưng tăng trưởng rốt ráo không đoạn dứt căn thiện. Nếu lúc được pháp nhẫn, tuy mạng chung nên xả bỏ, trụ nơi phần vị phàm phu, nhưng tăng trưởng không thoái chuyển, không tạo nghiệp vô gián, không đọa vào nẻo ác. Tuy nhiên, nơi tụng chỉ nói “Không đọa nẻo ác” (Nhẫn không đọa nẻo ác), về nghĩa là căn cứ theo phần đã biết: Tức không tạo nghiệp vô gián. Kẻ tạo nghiệp vô gián tất bị đọa vào nẻo ác. Vị nhẫn không thoái chuyển như trước đã biện. Vị này không bị đọa vào các nẻo ác, do đã lìa bỏ các phiền não hướng tới nghiệp kia. Nếu đến vị nhẫn thì ở trong một ít nẻo, sinh, xứ, thân, hữu, hoặc, đều được pháp không sinh. Nẻo: Nghĩa là các nẻo ác. Sinh: Là các loài như noãn sinh, thấp sinh. Xứ: Nghĩa là trời Vô tưởng, châu Bắc Câu-lô, xứ Đại Phạm. Thân: Tức là loại thân Phiến-dĩ, Bán-trạch-ca, hai hình. Hữu: Là hữu như thứ tám v.v… Hoặc: Là các phiền não do kiến đạo đoạn. Ở đây, đối với vị hạ thượng, tùy chỗ ứng hợp mà đạt được. Nghĩa là đối với nhẫn phẩm hạ thì được không sinh vào nẻo ác.

Pháp không sinh còn lại đến nhẫn phẩm thượng mới được. Đắc pháp thế đệ nhất, tuy trụ nơi phần vị phàm phu, nhưng có thể hướng nhập chánh tánh ly sinh. Nơi tụng không nói: Lìa mạng chung nên xả bỏ. Đã vô gián nhập chánh tánh ly sinh, nghĩa căn cứ theo đấy đã thành, tức không có trường hợp mạng chung nên xả bỏ. Vì sao chỉ nơi căn thiện này là có thể nhập ly sinh? Do đã được phi trạch diệt của phàm phu, nên có thể như đạo vô gián, xả bỏ tánh phàm phu. Bốn căn thiện này đều có ba phẩm, do chủng tánh như Thanh văn v.v… có sai biệt. Vậy tùy theo chủng tánh nào, căn thiện đã sinh, căn thiện ấy có thể dời chuyển hướng đến thừa khác chăng?

* Tụng viết:

Chủng tánh Thanh văn chuyển

Hai thành Phật, ba khác

Lân giác Phật không chuyển

Một tọa thành tựu giác.

* Luận nêu: Noãn đảnh của chủng tánh Thanh văn đã sinh, cùng có thể chuyển thành Chánh giác vô thượng. Chủng tánh kia nếu đạt được pháp nhẫn thì theo lý là không thành Phật. Nghĩa là đối với nẻo ác đã siêu vượt. Bồ đề tát đóa do lợi vật là hoài bão, vì hóa độ hữu tình, tất đi đến nẻo ác. Còn chủng tánh của nhẫn kia thì không thể xoay chuyển lại. Thế nên nhất định không có được nghĩa thành Phật. Ba căn thiện noãn đảnh nhẫn của chủng tánh Thanh văn đều có thể chuyển thành Độc giác. Do ở ngoài Phật thừa nên nói là khác (Hai thành Phật, ba khác). Nói Lân giác Phật: Là làm rõ về các căn thiện như noãn v.v… của bậc Lân giác dụ cùng bậc Vô thượng giác đều không có nghĩa dời chuyển hướng đến thừa khác. Do đều dùng tĩnh lự thứ tư làm chỗ dựa. Một tọa liền thành là ở nơi tự thừa giác ngộ. Tĩnh lự thứ tư là không nghiêng động. Là Tam-ma-địa hết sức sáng rõ, nhanh nhẹn, có thể làm chỗ dựa cho bậc Lân giác dụ và bậc Vô thượng giác. Ở đây, chữ giác là làm rõ về tận trí, vô sinh trí, phần sau sẽ biện. Đấy là tánh Bồ-đề. Nói một tọa: Là từ căn thiện noãn cho đến đạt quả Bồ-đề là không rời khởi tòa ngồi ấy.

Có Sư khác nói: Là từ hành quán bất tịnh, không rời khỏi tòa ngồi, cho đến đắc Bồ-đề. Ngoài ra Độc giác khác với Lân giác dụ, khởi hai căn thiện đầu của chủng tánh kia, là có chuyển hướng đến thừa khác, lý ấy không hề ngăn ngại.

Từng có ở nơi đời này, mới tu gia hạnh, tức ở nơi đời này đã dẫn khởi thuận phần quyết trạch chăng? Không thể. Vì sao?

* Tụng viết:

Trước thuận phần giải thoát

Nhanh ba đời giải thoát

Ba nghiệp văn tư thành

Sinh tại ba châu người.

* Luận nêu: Thuận phần quyết trạch nơi đời nay khởi: Tức ở đời trước đã khởi thuận phần giải thoát, nhanh nhất là ba đời mới được giải thoát. Nghĩa là nơi đời thứ nhất khởi thuận phần giải thoát. Đời thứ hai thì khởi thuận phần quyết trạch. Đời thứ ba là nhập Thánh đạo, cho đến đắc giải thoát. Ví như gieo cấy, cây lúa – trưởng thành và thu hoạch lúa thóc là ba phần vị chẳng đồng. Thân nhập pháp tánh, tu tập thành thục, đắc giải thoát, ba phần vị này cũng như thế. Theo truyền thuyết: Thuận phần giải thoát như thế là chỉ do văn, tư tạo thành, chung nơi ba nghiệp làm Thể, tuy dựa theo phần tối thắng chỉ là ý nghiệp. Ở đây là thuộc về tư nguyện khởi, nhưng thân ngữ cũng được gọi là thuận phần giải thoát. Do có sự vui thích sâu xa về giải thoát nên bố thí một bữa ăn, thọ trì một giới v.v… thì nguyện lực đã được giữ lấy liền gọi là gieo trồng sinh khởi thuận phần giải thoát. Sinh khởi thuận phần giải thoát chỉ ở nơi ba châu của nẻo người. Các nẻo khác, sự chán lìa cùng trí tuệ, như chỗ ứng hợp là không có. Nếu gặp Phật xuất thế thì có thể sinh khởi căn thiện này. Có Sư khác cho: Cũng gặp bậc Độc giác.

Đã nhân tiện nói về thuận phần giải thoát. Thứ lớp nhập quán mới chính là điều đang luận. Ở đây đã nêu rõ về các đạo gia hạnh, pháp thế đệ nhất là sau cùng. Vậy nên nói từ đấy lại sinh khởi đạo gì?

* Tụng viết:

Thế đệ nhất vô gián

Tức duyên khởi cõi dục

Sinh pháp nhẫn vô lậu

Nhẫn tiếp sinh pháp trí.

Tiếp duyên khổ cõi khác

Sinh loại nhẫn loại trí

Duyên tập diệt đạo đế

Đều sinh bốn cũng thế.

Mười sáu tâm như vậy

Gọi hiện quán Thánh đế

Đây gồm có ba loại

Là kiến, duyên và sự.

* Luận nêu: Từ căn thiện thế đệ nhất vô gián, tức duyên nơi cảnh của khổ Thánh đế thuộc cõi dục, có pháp trí nhẫn thuộc vô lậu sinh. Nhẫn này gọi là khổ pháp trí nhẫn. Để hiển bày nhẫn này là vô lậu, nên nêu đẳng lưu ở sau để làm sự khác tiêu biểu. Nhẫn này có thể sinh pháp trí, là nhân của pháp trí nên được mang tên là pháp trí nhẫn. Như cây có hoa, có quả thì gọi là cây hoa, cây quả. Nhẫn này tức gọi là nhập chánh tánh ly sinh, cũng còn gọi là nhập chánh tánh quyết định. Kinh nói: “Chánh tánh đó là Niết-bàn”. Hoặc nói chánh tánh là nhân nơi các Thánh đạo. Sinh nghĩa là phiền não, hoặc là căn chưa thành thục. Thánh đạo có thể vượt bỏ nên gọi là ly sinh. Có thể quyết định hướng đến Niết-bàn, hoặc quyết định thấy rõ tướng của đế. Các Thánh đạo được mang tên là quyết định. Đến trong vị này thì gọi là nhập. Nhẫn ấy sinh rồi là được mang tên Thánh giả. Nhẫn ấy ở nơi vị lại xả bỏ tánh phàm phu. Tức cho nhẫn này lúc sinh ở vị lai là có công dụng ấy, chẳng phải thứ khác. Như đèn cùng tướng sinh. Có Sư khác nói: Pháp thế đệ nhất xả bỏ tánh phàm phu. Nghĩa ấy không đúng. Vì kia đây đồng gọi là pháp thế gian. Do tánh là cùng trái nhau, nên thuyết kia cũng không có lỗi. Cũng như trường hợp một người leo lên vai kẻ oán đối, có thể hại mạng kẻ ấy. Có Sư khác cho: Hai thứ ấy cùng xả bỏ, như đạo vô gián, đạo giải thoát.

Nhẫn này vô gián tức duyên nơi khổ của cõi dục, có pháp trí sinh, gọi là khổ pháp trí. Nên biết trí này cũng thuộc vô lậu. Do vô lậu được nói ở trước là truyền khắp đến sau. Như duyên nơi cảnh của khổ Thánh đế thuộc cõi dục, có khổ pháp nhẫn khổ pháp trí sinh. Cũng vậy, lại ở nơi pháp trí vô gián duyên chung nơi cảnh của khổ Thánh đế thuộc cõi khác, thì có loại trí nhẫn sinh gọi là khổ loại trí nhẫn. Nhẫn ấy vô gián tức duyên nơi cảnh ấy, thì có loại trí sinh, gọi là khổ loại trí. Đầu tiên chứng biết chân lý của các pháp, nên gọi là pháp trí. Trí của cảnh sau ấy, cùng với trước là tương tợ, nên được mang tên là loại. Do sau theo trước để chứng biết cảnh. Như duyên nơi khổ đế thuộc cõi dục cùng cõi khác sinh bốn thứ: Pháp nhẫn, loại nhẫn, pháp trí, loại trí, thì duyên nơi ba đế còn lại (Tập diệt đạo) đều sinh bốn thứ, cũng thế. Nghĩa là lại ở nơi sau khổ loại trí nêu trước, tiếp theo duyên nơi cảnh của tập Thánh đế thuộc cõi dục, thì có pháp trí nhẫn sinh, gọi là tập pháp trí nhẫn. Nhẫn này vô gián, tức duyên nơi tập Thánh đế thuộc cõi dục, thì có pháp trí sinh, gọi là tập pháp trí. Tiếp theo duyên nơi cảnh của tập Thánh đế thuộc cõi khác, thì có loại trí nhẫn sinh, gọi là tập loại trí nhẫn. Nhẫn ấy vô gián, tức duyên nơi cảnh ấy, thì có loại trí sinh, gọi là tập loại trí. Tiếp đến duyên nơi cảnh của diệt Thánh đế thuộc cõi dục, thì có pháp trí nhẫn sinh, gọi là diệt pháp trí nhẫn. Nhẫn này vô gián tức duyên nơi diệt Thánh đế thuộc cõi dục, thì có pháp trí sinh, gọi là diệt pháp trí. Tiếp nữa duyên nơi cảnh của diệt Thánh đế thuộc cõi khác, thì có loại trí nhẫn sinh, gọi là diệt loại trí nhẫn. Nhẫn này vô gián tức duyên nơi cảnh ấy, thì có loại trí sinh, gọi là diệt loại trí. Tiếp theo duyên nơi cảnh của đạo Thánh đế thuộc cõi dục, thì có pháp trí nhẫn sinh, gọi là đạo pháp trí nhẫn. Nhẫn này vô gián tức duyên nơi đạo Thánh đế thuộc cõi dục, thì có pháp trí sinh, gọi là đạo pháp trí. Tiếp đến duyên nơi cảnh của đạo Thánh đế thuộc cõi khác, thì có loại trí nhẫn sinh, gọi là đạo loại trí nhẫn. Nhẫn này vô gián, tức duyên nơi cảnh ấy, thì có loại trí sinh, gọi là đạo loại trí.

Như thế là thứ lớp có mười sáu tâm, gọi chung là hiện quán Thánh đế. Ở đây có Bộ phái khác nói: Đối với các đế chỉ có hiện quán tức thì, tức chỉ xảy ra trong cùng một lúc. Tuy nhiên ý nghĩa sâu xa của vấn đề ấy lại nên suy tầm. Hiện quán kia được nêu bày là không có sai biệt. Xét kỹ thì các hiện quán gồm có ba loại: Là kiến, duyên, sự có khác nhau. Chỉ do tuệ vô lậu ở nơi cảnh của các đế hiện thấy rõ ràng gọi là kiến hiện quán. Tuệ vô lậu này cùng với các pháp tương ưng khác đồng một đối tượng duyên, gọi là duyên hiện quán. Các chủ thể duyên này cùng với các pháp không tương ưng, cùng có khác đồng một sự việc, gọi là sự hiện quán. Lúc kiến khổ đế, đối với khổ Thánh đế thì có đủ ba loại hiện quán. Ở nơi ba Thánh đế còn lại, chỉ có sự hiện quán. Nghĩa là đoạn, chứng, tu (Tập diệt đạo). Nếu trong các đế, căn cứ theo kiến hiện quán mà nói là hiện quán tức thì, lý tất không đúng, do hành tướng trong các đế là riêng khác. Nếu nói dùng một hành tướng vô ngã để thấy tổng quát về các đế tức không nên dùng các hành tướng như khổ v.v… để thấy khổ đế v.v… Như vậy là liền cùng với Khế kinh trái nhau. Như nơi Khế kinh nói: “Các Thánh đệ tử dùng hành tướng khổ tư duy nơi khổ. Dùng hành tướng tập tư duy nơi tập. Dùng hành tướng diệt tư duy nơi diệt. Dùng hành tướng đạo tư duy nơi đạo. Tác ý vô lậu tương ưng với trạch pháp”. Nếu cho kinh này nói về phần vị tu đạo, thì điều ấy cũng không đúng. Vì các đế đều được tu tập theo như đã thấy. Nếu lại cho lúc thấy một đế thì ở trong các đế còn lại đều được tự tại, nên nói là hiện quán tức thì, thì lý cũng không có lỗi, tuy nhiên, nơi trung gian của hiện quán như thế, là có khởi hay không khởi nên riêng xét chọn. Nếu Bộ phái kia lại cho vào lúc kiến khổ tức có thể đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, để nói là hiện quán tức thì, thì lý cũng không sai. Do trước đã nói, lúc thấy khổ đế thì ở trong ba đế còn lại chỉ có sự hiện quán. Do dựa nơi kiến hiện quán nên trong Khế kinh có thể tìm thấy những văn xác nhận nói về hiện quán dần dần. Như Khế kinh nói: “Đức Phật nói với Trưởng giả: Nơi bốn Thánh đế không phải hiện quán tức thì, tất là hiện quán dần dần. Cho đến nói rộng”. Như vậy là có đến ba kinh, mỗi mỗi kinh có dụ riêng. Nếu cho có kinh nói như thế này: “Chỉ ở nơi khổ đế không lầm không nghi thì đối với Phật cũng không lầm không nghi”, nên là hiện quán tức thì, thì điều này cũng không phải là chứng lý. Do đoạn kinh này chỉ là mật ý nêu bày: Dựa nơi tâm định không hành thì mọi nghi hoặc tất sẽ đoạn.

Đã biện về hiện quán gồm đủ mười sáu tâm. Vậy mười sáu tâm này là dựa nơi địa nào?

* Tụng viết:

Đều cùng thế đệ nhất

Đồng dựa nơi một địa.

* Luận nêu: Tùy theo các địa là chỗ dựa của pháp thế đệ nhất, nên biết tức là chỗ dựa của mười sáu tâm này. Là chúng dựa nơi sáu địa như trước đã nói.

Vì sao tất có nhẫn trí trước sau thứ lớp xen nhau hiện khởi như thế?

* Tụng viết:

Nhẫn trí như thứ lớp

Đạo vô gián, giải thoát.

* Luận nêu: Trong mười sáu tâm thì nhẫn là đạo vô gián. Là căn cứ theo sự việc đoạn trừ Hoặc, đạt được không thể ngăn cách. Trí là đạo giải thoát, do đã đắc giải thoát các phiền não, cùng với lìa trói buộc cùng lúc sinh khởi. Gồm đủ hai loại theo thứ lớp, lý nhất định nên như vậy. Cũng như nơi thế gian làm công việc đuổi kẻ trộm và đóng chặt cửa. Nếu cho loại thứ hai chỉ là đạo vô gián, cùng với lìa trói buộc đạt được cùng lúc sinh khởi, tức trong vị này đối với các thứ cảnh kia, nên nhất định không khởi trí đã đoạn trừ nghi. Hoặc cho kiến vị chỉ là nhẫn đoạn trừ phiền não, tức cùng với Bản luận nói về chín nhóm kiết là trái nhau. Vấn nạn này là không đúng. Do các nhẫn đều là quyến thuốc của trí. Như quyến thuộc của nhà vua đã làm các sự việc, được nói là nhà vua làm.

Về lý, mười sáu tâm này đều kiến đế. Như vậy có thể nói tất cả là thuộc về kiến đạo chăng? Không phải. Vì sao?

* Tụng viết:

Mười lăm trước: Kiến đạo Thấy điều chưa từng thấy.

* Luận nêu: Khổ pháp trí nhẫn là đầu, đạo loại trí nhẫn là sau, trong ấy gồm có mười lăm sát-na đều thuộc về kiến đạo, là thấy đế chưa từng thấy. Đến khi đạo loại trí thứ mười sáu sinh khởi, thì không có lý của đế nào chưa thấy nay thấy. Sát-na này tu tập như đã từng thấy nên thuộc về tu đạo.

Chẳng phải là bấy giờ, sát-na thứ mười sáu (Đạo loại trí) đã quán đạo loại trí nhẫn (Sát-na thứ mười lăm) thấy lý của đạo đế, là chưa thấy nay thấy sao? Ở đây là căn cứ theo đế, không căn cứ theo sát-na. Không phải một sát-na chưa thấy nay thấy để có thể gọi là nay thấy lý của đế chưa thấy. Như trường hợp gặt lúa nơi một thửa ruộng chỉ còn sót một bông lúa, không thể nói là thửa ruộng ấy chưa gặt. Lại, đạo loại trí là thuộc về quả. Là tu tức thì tám trí với mười sáu hành tướng. Là xả bỏ đạo trước. Là nối tiếp sinh khởi. Nên như các tu đạo khác, không phải thuộc về kiến đạo.

Nhưng đạo loại trí tất không thoái chuyển, tức đã nhận giữ lấy chỗ đoạn trừ của kiến đạo để đoạn trừ, do đấy tức nên thuộc về kiến đạo chăng? Vấn nạn này cũng không đúng. Vì có lỗi là thái quá (Nếu cho sát-na thứ mười sáu là thuộc về kiến đạo, do đã nhận giữ sự việc đoạn trừ của kiến đạo để đoạn trừ, thì các công việc tu tập tiếp theo cũng nên thuộc về kiến đạo?).

Do đâu bảy trí (Khổ pháp trí đến đạo pháp trí) cũng thuộc về kiến đạo? Do chúng thấy lý của các đế chưa được rốt ráo. Nghĩa là chưa thấy trọn khắp lý của các đế, vì chúng chỉ khởi ở trung gian. Nên cũng thuộc về kiến đạo.

Đã nói về hai đạo kiến, tu sinh khởi có khác. Sẽ dựa nơi phần vị có sai biệt của đạo này để kiến lập Bổ-đặc-già-la của các Thánh. Lại dựa nơi mười lăm tâm của kiến đạo để kiến lập các Thánh có sai biệt.

* Tụng viết:

Gọi Tùy tín pháp hành

Do căn độn lợi khác

Tu đủ, Hoặc đoạn một

Đến năm hướng quả đầu

Đoạn tiếp ba, hướng hai

Lìa tám địa, hướng ba.

* Luận nêu: Trong vị kiến đạo, Thánh giả có hai: (1) Tùy tín hành. (2) Tùy pháp hành. Do căn độn, lợi nên lập riêng hai danh hiệu. Các người độn căn gọi là Tùy tín hành. Các người lợi căn gọi là Tùy pháp hành. Do tin theo đấy để hành nên gọi là Tùy tín hành. Người kia có hành tùy tín nên gọi là người Tùy tín hành. Hoặc do thường hành tập hành tùy tín này đã thành tánh, nên gọi là người Tùy tín hành. Người này trước đã tin theo hành của người khác để hành. Căn cứ theo đấy để giải thích người Tùy pháp hành. Người kia nơi thời gian trước do tự mở xem các pháp như Khế kinh v.v… theo đấy mà hành. Hai Thánh giả này, do ở nơi tu tập đoạn trừ đủ các Hoặc có dị biệt nên lập làm ba hướng. Nghĩa là hai Thánh giả này, nếu vào thời gian trước chưa dùng đạo thế gian đoạn trừ các Hoặc do tu đạo đoạn, thì gọi là cụ phược (Bị trói buộc đủ). Hoặc trước đã đoạn một phẩm phiền não của cõi dục, cho đến năm phẩm, thì tới trong vị này gọi là hướng quả thứ nhất, là hướng tới quả thứ nhất. Nói quả thứ nhất, tức là quả Dự lưu. Quả này ở trong tất cả quả Sa-môn tất đạt được đầu tiên. Nếu trước đã đoạn được sáu phẩm phiền não của cõi dục, hoặc bảy, tám phẩm, đến trong vị này, gọi là hướng quả thứ hai, tức hướng tới quả Nhất lai. Trong thứ lớp chứng đắc thì quả này là thứ hai. Nếu trước đã lìa chín phẩm phiền não của cõi dục, hoặc trước đã đoạn một phẩm phiền não của định thứ nhất, cho đến lìa đủ xứ vô sở hữu, đến trong vị này gọi là hướng quả thứ ba, là hướng đến quả Bất hoàn. Về số thứ ba căn cứ theo trước đã giải thích. Tiếp theo dựa nơi đạo loại trí của tu đạo lúc hiện khởi để kiến lập các Thánh có sai biệt.

* Tụng viết:

Đến tâm thứ mười sáu

Tùy ba hướng trụ quả

Gọi Tín giải, Kiến chí

Cũng do độn lợi khác.

* Luận nêu: Tức người Tùy tín hành, Tùy pháp hành ở trước, đến tâm thứ mười sáu là đạo loại trí, gọi là trụ quả, không còn gọi là hướng. Tùy theo ba hướng ở trước, nay trụ nơi ba quả. Nghĩa là hướng Dự lưu ở trước nay trụ nơi quả Dự lưu. Hướng Nhất lai ở trước nay trụ nơi quả Nhất lai. Hướng Bất hoàn ở trước nay trụ nơi quả Bất hoàn. Quả A-la-hán tất không chứng đắc trước. Do kiến đạo không thể đoạn trừ các Hoặc do tu đạo đoạn, cùng đạo thế gian không thể lìa bỏ xứ Hữu đảnh. Đến vị trụ quả thì xả bỏ tên trước, được hai danh hiệu khác. Tức không còn gọi là Tùy tín hành, Tùy pháp hành, mà chuyển được hai danh hiệu là Tín giải và Kiến chí. Đây cũng do căn độn lợi nên có sai biệt. Những người độn căn, trước gọi là Tùy tín hành, nay gọi là Tín giải. Những người lợi căn, trước gọi là Tùy pháp hành, nay gọi là Kiến chí. Hai Thánh giả này, tín, tuệ cùng tăng, nên nêu rõ danh hiệu Tín giải, Kiến chí có khác.

Vì sao trước đã đoạn trừ Hoặc của cõi dục do tu đạo đoạn, từ một phẩm đến năm phẩm, cho đến tâm thứ mười sáu là đạo loại trí, chỉ gọi là quả Dự lưu v.v…, không gọi là hướng quả sau?

* Tụng viết:

Trong các vị đắc quả

Chưa đắc đạo quả hơn

Nên chưa khởi đạo thắng

Gọi trụ quả không hướng.

* Luận nêu: Lúc đắc các quả, đối với đạo của quả cao hơn tất định là chưa đắc. Người trụ nơi quả, cho đến khi chưa khởi đạo của quả cao hơn, thì chỉ gọi là trụ quả, không gọi là hướng đến quả sau. Tuy nhiên, những người trước đã đoạn phiền não của cõi dục, do tu đạo đoạn trừ, từ một phẩm đến năm phẩm, đến lúc đạt được quả, thì nơi đời này nhất định khởi đạo của quả cao hơn. Do đấy, trước đã lìa nhiễm của ba tĩnh lự, sau dựa nơi địa dưới nhập kiến đạo, thì người kia đắc quả rồi, ở trong hiện đời tất có thể dẫn sinh đạo của quả cao hơn ở sau. Nếu khác với đây, thì Thánh giả sinh nơi địa trên, tức nên không thể nói nhất định thành tựu lạc căn.

Như thế là đã dựa nơi vị mười sáu tâm ở trước gồm đủ lìa dục gấp bội và lìa dục hoàn toàn, nhập kiến đạo. Nay sẽ căn cứ theo tu đạo đoạn trừ Hoặc để biện về phần vị có sai biệt của đạo có thể đối trị theo thứ lớp sinh khởi.

* Tụng viết:

Địa địa lỗi, đức chín

Hạ trung thượng đều ba.

* Luận nêu: Lỗi nghĩa là lỗi lầm, tức chướng ngại của đối tượng được đối trị. Đức nghĩa là công đức, tức đạo của chủ thể đối trị. Như trước đã biện về chín phẩm Hoặc thuộc cõi dục do tu đạo đoạn có sai biệt. Như thế từ địa trên cho đến xứ Hữu đảnh (Xứ Phi tưởng phi phi tưởng) đối chiếu cũng nên như thế. Trong mỗi mỗi địa, như chướng của đối tượng được đoạn trừ, đều có chín phẩm. Các đạo của chủ thể đối trị là đạo vô gián, đạo giải thoát có chín phẩm cũng như vậy. Thế thì lỗi, đức vì sao đều phân chín phẩm? Nghĩa là nơi phẩm căn bản có hạ trung thượng. Ba phẩm này đều phân ra hạ trung thượng có khác nhau. Do đấy lỗi, đức đều phân làm chín phẩm là: Hạ hạ, hạ trung, hạ thượng. Trung hạ, trung trung, trung thượng. Thượng hạ, thượng trung, thượng thượng. Nên biết ở đây: Uy lực của đạo thuộc phẩm hạ hạ có thể đoạn trừ chướng thuộc phẩm thượng thượng. Như thế cho đến uy lực của đạo thuộc phẩm thượng thượng có thể đoạn trừ chướng thuộc phẩm hạ hạ. Do các đức của chủ thể đối trị thuộc phẩm thượng thượng vào lúc đầu chưa khởi. Đức này lúc sinh khởi thì lỗi thuộc phẩm thượng thượng là không có. Như giặt chiếc áo thì những vết bẩn lớn được tẩy trừ trước, về sau thì mới dần dần tẩy trừ các vết bẩn nhỏ nhặt. Lại như vùng bóng tối lớn chỉ cần một luồng ánh sáng nhỏ là có thể xua trừ. Nhưng cần dùng ánh sáng lớn mới có thể soi sáng những ngõ ngách tối tăm chật hẹp. Lỗi và đức đối nhau, lý cũng nên như thế. Lực của pháp trắng mạnh, lực của pháp đen yếu, nên trong khoảnh khắc sát-na, đạo yếu hiện hành, có thể khiến đoạn trừ tức thì các phiền não thuộc phẩm thượng đã lần lượt tăng trưởng từ thời vô thủy đến nay. Như các thứ bệnh đã được tích tụ trải qua thời gian lâu dài, chỉ cần uống đúng một ít lượng thuốc hay là có thể khiến bệnh dứt trừ tức khắc. Lại như vùng bóng tối lớn đã tích tụ trong thời gian dài, chỉ cần một ngọn đèn nhỏ trong một sát-na là có thể xua tan.

Đã biện về chín phẩm lỗi – đức có sai biệt. Tiếp theo sẽ dựa vào đấy để lập các Thánh giả có khác nhau. Lại, các hàng hữu học, trong vị tu đạo nói chung cũng gọi là Tín giải, Kiến chí. Tùy theo vị lại có nhiều thứ sai biệt. Trước hết nên kiến lập loại hoàn toàn chưa đoạn.

* Tụng viết:

Chưa đoạn, tu đoạn lỗi

Trụ quả, tối đa bảy.

* Luận nêu: Các Thánh giả lúc trụ quả, ở nơi tất cả địa, các lỗi do tu đạo đoạn đều chưa đoạn, gọi là Dự lưu. Tối đa là bảy lần sinh. Nói bảy lần là làm rõ bảy lượt tới lui sinh nơi nẻo người, trời. Tức trong nẻo người, trời đều bảy lần sinh. Chữ cực (Nhiều nhất) là hiển bày sự thọ sinh tối đa. Không phải các người Dự lưu đều thọ sinh bảy lần. Khế kinh chỉ nói nhiều nhất là bảy lần sinh, là nghĩa các vị ấy tối đa có bảy lần thọ sinh. Các đạo vô lậu gọi chung là Lưu (Dòng). Do đấy làm nhân hướng tới Niết-bàn. Chữ Dự là làm rõ lần đầu tiên đạt đến. Người kia lần đầu tiên đạt đến dòng Thánh nên gọi là Dự lưu.

Danh hiệu Dự lưu này là nêu bày về nghĩa gì? Nếu đầu tiên đạt được đạo gọi là Dự lưu thì danh hiệu Dự lưu tức nên nêu bày về Thánh giả thứ tám. Nếu đầu tiên đắc quả gọi là Dự lưu, thì các vị lìa dục gấp bội, lìa dục hoàn toàn đến đạo loại trí nên gọi là Dự lưu?

Danh hiệu Dự lưu này là nêu bày về đầu tiên đắc quả, nhưng dựa vào quá trình chứng đắc khắp tất cả quả, thì quả được chứng đắc đầu tiên ấy được kiến lập danh hiệu Dự lưu. Nhất lai, Bất hoàn định rõ không phải là quả chứng đắc đầu tiên. Ở đây định rõ là chứng đắc đầu tiên nên gọi là Dự lưu.

Vì sao danh hiệu Dự lưu này không dùng để gọi hàng Thánh giả thứ tám? Do chủ yếu lúc đạt đến đạo loại trí thì đạt được đủ đạo vô lậu của hướng quả, đắc đủ đạo vô lậu của kiến đạo tu đạo. Ở nơi hiện quán về lưu là đạt đến khắp nên gọi là bậc Dự lưu. Thánh giả thứ tám thì không như vậy nên không được gọi là Dự lưu.

Người Dự lưu kia từ đấy về sau, riêng ở trong nẻo người, tối đa là nối kết bảy trung hữu, sinh hữu. Nơi nẻo trời cũng thế. Gồm chung là hai mươi tám, đều là bảy v.v…, nên nói tối đa là bảy lần sinh. Như nơi bảy xứ thiện, cây bảy lá. Sư Tỳ-bà-sa đã nói như vậy. Nếu thế thì vì sao trong Khế kinh nói: “Hoàn toàn không thể có người kiến đế viên mãn lại có thọ sinh lần thứ tám”. Như vậy là đoạn kinh này là trái với chủ trương của Tỳ-bà-sa? không phải thế. Ý của đoạn kinh ấy là căn cứ theo một nẻo để nói. Tức Thánh giả không có lần sinh thứ tám ở trong cùng một nẻo. Như vậy thì Thánh giả thượng lưu tối đa ở xứ Hữu đảnh cũng nên nói là ở một nẻo không có lần sinh thứ tám? Ở đây là dựa nơi cõi dục để nêu bày nên không có lỗi ấy. Như thế thì ở đây dùng gì để chứng minh đấy là giáo, là lý? Dùng gì để chứng minh vị kia ở trong nẻo người trời đều thọ bảy lần sinh, không phải là hợp thọ bảy? Vì Khế kinh chỉ nói bảy lần sinh nơi nẻo trời và người. Kinh của Bộ Ẩm Quang đã phân biệt rõ, nói: Ở nơi xứ người, trời đều thọ bảy lần sinh. Do đấy ở đây không nên cố chấp.

Nếu Thánh giả ở nơi nẻo người đắc quả Dự lưu, thì vị ấy trở lại nẻo người đắc bát Niết-bàn. Ở nơi nẻo trời đắc quả Dự lưu, thì trở lại nẻo trời đắc bát Niết-bàn.

Vì sao hàng Dự lưu không thọ hữu thứ tám? Do chuỗi tương tục đến ngang đấy tất thành thục. Pháp của chủng loại Thánh đạo nên như thế. Cũng như nói về loại “Rắn bảy bước”, loại “Bệnh sốt ngày thứ tư”. Lại, hàng Dự lưu kia còn có bảy thứ kiết: Tức hai kiết thuộc năm kiết thuận phần dưới và năm kiết thuận phần trên. Khoảng trung gian tuy có Thánh đạo hiện tiền, nhưng do nghiệp lực còn lại đã giữ lấy khiến không chứng viên tịch. Đến hữu thứ bảy, nếu gặp lúc không có pháp Phật, vị kia ở tại nhà chứng đắc quả A-la-hán. Đã được quả rồi tất không trụ nơi gia đình, theo “Pháp như thế” nên tự đạt được hình tướng Bí-sô. Có thuyết cho là vị kia trụ nơi đạo khác xuất gia.

Vì sao Thánh giả Dự lưu kia được gọi là pháp không thoái đọa?

Do chư vị ấy không sinh khởi, làm tăng trưởng nghiệp thoái đọa. Không sinh khởi làm tăng trưởng thì không có quả của nghiệp ấy. Lại, chư vị tạo được căn thiện cường thịnh luôn ngăn giữ nơi thân. Gia hạnh, ý lạc đều thanh tịnh. Những hữu tình đã tạo nghiệp quyết định đọa nơi nẻo ác, hãy còn không thể khởi được nhẫn huống hồ là đạt được Dự lưu. Nên có Tụng nói:

Ngu tạo tội nhỏ cũng đọa ác

Trí gây tội lớn cũng thoát khổ

Như thỏi sắt nhỏ cũng bị chìm

Là bát sắt lớn cũng nổi được.

Kinh nói: “Dự lưu tạo được biên vực cuối cùng của khổ”. Vậy dựa vào nghĩa gì để lập tên biên vực cuối cùng của khổ? Là dựa vào chỗ ngang bằng với đời này, sau đấy không còn khổ nữa. Là nghĩa khiến khổ sau không nối tiếp. Hoặc biên vực cuối cùng của khổ đó là Niết-bàn.

Nếu thế vì sao Niết-bàn có thể là đối tượng tạo tác? Do trừ bỏ được chướng ngại của Niết-bàn kia nên nói là tạo tác. Như nói tạo tác khoảng trống. Nghĩa là hủy hoại các thứ đài, gác.

Vị khác cũng có trường hợp tối đa bảy lần sinh, nhưng không quyết định, thế nên không nói.

HẾT – QUYỂN 23