LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ 

 

QUYỂN 22

Phẩm thứ 6: PHÂN BIỆT HIỀN THÁNH, phần 1

Như vậy là đã nói về phiền não v.v… được đoạn trừ, ở nơi chín phần vị thù thắng được mang tên là nhận biết khắp (Biến tri). Nhưng đoạn trừ tất do sức của đạo nên đạt được. Ở đây nói do sức của đạo, tướng ấy là thế nào?

* Tụng viết:

Đã nói phiền não đoạn

Do kiến đế tu đạo

Kiến đạo chỉ vô lậu

Tu đạo chung hai thứ.

* Luận nêu: Trước đã nói rộng về các phiền não được đoạn trừ do đạo kiến đế (Kiến đạo) cùng đạo tu tập (Tu đạo). Vậy đạo chỉ là vô lậu hay cũng gồm hữu lậu? Kiến đạo nên biết chỉ là vô lậu. Tu đạo thì chung cả hai. Vì sao? Do kiến đạo có thể mau chóng đối trị khắp ba cõi, đoạn trừ tức thì chín phẩm phiền não, là đối tượng đoạn trừ của kiến, không phải đạo thế gian có công năng này. Nên trong phần vị kiến đạo chỉ là vô lậu. Tu đạo có khác, nên chung cả hai thứ vô lậu, hữu lậu.

Như trên vừa nói: Do kiến đế. Vậy đế được kiến ấy, về tướng như thế nào?

* Tụng viết:

Đế bốn, trước đã nêu

Là khổ tập diệt đạo

Tự thể kia cũng vậy

Thứ lớp tùy hiện quán.

* Luận nêu: Đế có bốn thứ, về tên gọi như trước đã nói. Ở nơi xứ nào nói? Nghĩa là trong phẩm thứ nhất phân biệt về pháp hữu lậu, vô lậu. Ở đấy đã nói như thế nào? Tức nơi Tụng ấy nói: “Vô lậu là Thánh đạo”, đây nói là đạo đế. “Trạch diệt là ly hệ”, đây nói là diệt đế. “Cùng khổ tập thế gian”, đây nói là khổ đế, tập đế. Bốn đế theo thứ lớp, như tụng kia đã nói chăng? Không phải. Vì sao? Như nay nêu dẫn: (1) Khổ đế. (2) Tập đế. (3) Diệt đế. (4) Đạo đế.

Tự thể của bốn đế là cũng có khác chăng? Không phải. Vì sao? Vì trước đã biện, do hiển bày Thể đồng, nên Tụng kia nói là: “Cũng vậy” (Tự thể kia cũng vậy). Vì sao bốn đế được nêu theo thứ lớp như thế? Là tùy theo phần vị trước sau của hiện quán mà nói. Nghĩa là trong hiện quán, đối tượng được quán trước tức được nói trước. Nếu khác với đây, thì nên trước nói nhân sau mới nói quả. Tuy nhiên, hoặc có pháp được nêu bày thứ lớp tùy theo sự sinh khởi, như bốn niệm trụ. Hoặc lại có pháp được nêu bày thứ lớp tùy theo sự thuận tiện, như bốn chánh thắng v.v… Nghĩa là trong ấy không quyết định theo lý sâu xa phát khởi. Như thế muốn trước đoạn dứt pháp đã sinh, sau ngăn trừ pháp chưa sinh. Chỉ là tùy theo ngôn thuyết thuận tiện. Nay nói về bốn đế là tùy theo thứ lớp trước sau trong phần vị hiện quán của Sư Du Già.

Vì sao chúng được hiện quán theo thứ lớp như thế? Do trong phần vị gia hạnh đã quán xét như vậy.

Vì sao gia hạnh tất quán xét như vậy? Nghĩa là nếu có pháp là xứ ái chấp, có thể tạo nên bức bách não loạn, vì tìm cầu nhân thoát khỏi, thì pháp này lý nên quán xét đầu tiên. Nên người tu hành, trong phần vị gia hạnh, trước tiên là quán về khổ. Khổ tức khổ đế. Tiếp theo lại quán về khổ do gì làm nhân? Liền quán về nhân của khổ. Nhân tức là tập đế. Thứ đến lại quán về khổ do gì để diệt? Liền quán về sự diệt trừ khổ. Diệt tức là diệt đế. Sau quán về khổ diệt trừ thì dùng gì làm đạo? Liền quán về đạo diệt khổ. Đạo tức đạo đế. Như xem bệnh rồi, tiếp theo là tìm ra nguyên nhân của bệnh. Tiếp tục là suy xét về cách khiến bệnh được khỏi. Sau thì cầu tìm thuốc hay. Khế kinh cũng nói dụ về thứ lớp của đế. Khế kinh nào đã nói? Đó là Kinh Lương Y. Như kinh ấy nói: “Phàm là bậc Y vương, tức gồm đủ bốn đức để có thể nhổ lấy ra mũi tên độc: (1) Khéo nhận biết về bệnh trạng. (2) Khéo nhận biết về nguyên nhân gây bệnh. (3) Khéo nhận biết về cách chữa khỏi bệnh. (4) Khéo nhận biết về thuốc hay. Đức Như Lai cũng thế. Là bậc Đại Y vương, nhận biết rõ như thật về khổ tập diệt đạo”. Thế nên nơi phần vị gia hạnh, đã thứ lớp quán như vậy. Thứ lớp trong phần vị hiện quán cũng thế, do lực dụng của gia hạnh đã dẫn phát. Như con ngựa đã quen với một vùng đất nên mặc sức phóng nhanh.

Hiện quán này là nêu rõ về nghĩa gì? Nên biết đây là nêu rõ về nghĩa hiện đẳng giác.

Vì sao nói hiện quán chỉ là vô lậu? Do đấy là cảnh chánh giác của đối hướng Niết-bàn. Giác này là chân tịnh nên được mang tên là chánh. Trong ấy nên biết, thủ uẩn của tánh quả gọi là khổ đế. Thủ uẩn của tánh nhân gọi là tập đế, là chủ thể tập hợp. Do tánh nhân quả của khổ tập này phân chia, nên danh tuy có khác không phải sự vật có khác. Nhưng nơi hai đế diệt đạo thì danh khác, sự vật cũng có khác. Do nghĩa gì, trong kinh gọi bốn đế là Thánh đế? Do đấy là đế (Sự thật) của Thánh giả nên được mang tên là Thánh. Vậy đối với hàng không phải là Thánh, thì các đế này nên thành hư vọng chăng? Đối với tất cả, chúng đều là đế, vì tánh không điên đảo. Nhưng chỉ hàng Thánh giả mới thấy đúng như thật, không phải kẻ khác. Thế nên trong kinh chỉ gọi là “Thánh đế”, không phải là “Phi Thánh đế”, do thấy biết điên đảo. Như có Tụng nói:

Thánh giả nói là lạc

Phi Thánh nói là khổ

Thánh giả nói là khổ

Phi Thánh nói là lạc.

Có Sư khác cho: Chỉ hai đế là Thánh đế. Hai đế còn lại là chung cho Thánh và phi Thánh.

Chỉ một phần của thọ là tự thể của khổ, số còn lại đều không phải. Vì sao có thể nói các hành hữu lậu đều là khổ đế?

* Tụng viết:

Khổ do ba khổ hợp

Như ứng hợp hết thảy

Vừa ý không vừa ý

Pháp hành hữu lậu khác.

* Luận nêu: Có tánh của ba khổ: (1) Tánh khổ khổ. (2) Tánh hành khổ. (3) Tánh hoại khổ. Các hành hữu lậu, như chỗ ứng hợp đều cùng hợp với tánh của ba thứ khổ ấy, nên đều là khổ đế cũng không có lỗi. Ở đây, pháp của hành hữu lậu vừa ý cùng với hoại khổ hợp nên gọi là khổ. Các pháp của hành hữu lậu không vừa ý, cùng với khổ khổ hợp nên gọi là khổ. Trừ hai thứ này, pháp của hành hữu lậu còn lại cùng với hành khổ hợp nên gọi là khổ. Thế nào gọi là vừa ý không vừa ý? Nghĩa là ba thọ như lạc thọ v.v… theo như thứ lớp ấy, do sức của ba thọ, khiến các hành hữu lậu thuận với lạc thọ v.v… được mang tên là vừa ý v.v… Vì sao? Vì như các lạc thọ do hoại thành tánh khổ. Như Khế kinh nói: “Các lạc thọ lúc sinh là lạc, lúc trụ là lạc, lúc hoại là khổ”. Hoặc các khổ thọ, do Thể thành tánh khổ. Như Khế kinh nói: “Các khổ thọ, lúc sinh là khổ, lúc trụ là khổ”. Các thọ không khổ không lạc do hành thành tánh khổ, do các duyên tạo. Như Khế kinh nói: “Nếu vô thường tức là khổ. Như thọ thuận thọ, các hành cũng thế”.

Có Sư khác giải thích: Khổ tức tánh khổ, gọi là tánh khổ khổ. Như thế cho đến hành tức tánh khổ, gọi là tánh hành khổ. Nên biết ở đây nói vừa ý không vừa ý là hoại khổ, khổ khổ, là do không chung. Lý thật thì tất cả hành khổ nên khổ. Điều ấy chỉ Thánh giả mới có thể quán thấy. Nên có Tụng viết:

Như đem một lông mi

Đặt tay, người không biết

Nếu đặt ngay trên mắt

Là tổn hại, chẳng an.

Kẻ ngu như bàn tay

Không biết hành khổ ấy

Thánh giả như mắt kia

Duyên cực sinh chán sợ.

Do kẻ ngu ở nơi địa ngục Vô gián, uẩn thọ khổ dữ dội, tâm sinh sợ khổ, không bằng các Thánh đối với uẩn nơi xứ Hữu đảnh. Đạo đế cũng nên thuộc về hành khổ, do tánh là hữu vi. Đạo đế không phải là khổ. Trái ngược với tâm Thánh là tướng của hành khổ. Thánh đạo phát khởi không phải là trái ngược với tâm Thánh. Do đạo đế này có thể dẫn đến sự diệt trừ hết các khổ. Nếu quán Niết-bàn của các hữu vi là tịch tĩnh, tức cũng do trước đã thấy pháp kia là khổ, sau quán diệt ấy đạt được là tịch tĩnh. Nói hữu vi là chỉ làm rõ về hữu lậu. Nếu trong các pháp cũng thừa nhận có lạc, vì sao chỉ nói khổ là Thánh đế?

Có một cách giải thích: Do phần lạc ít. Như đặt một ít đậu xanh vào trong đống đậu đen, vì ít nên theo số nhiều gọi là đống đậu đen. Những người có trí không ai lại thừa nhận cái ung nhọt kia là lạc, tuy khi dùng nước để rửa ráy vẫn cảm nhận được một ít lạc. Lại có cách giải thích khác, như Tụng nói:

Có thể làm nhân khổ

Có thể tập các khổ

Có khổ mong cầu kia

Nói lạc cũng gọi khổ?

Lý thật nên nói: Thánh giả quán xét các hữu cùng Thể của lạc đều là khổ, do dựa theo hành khổ là đồng một vị. Do đấy lập khổ là đế, không phải là lạc.

Vì sao cũng quán xét thọ là khổ? Do tánh của chúng là vô thường, là trái với tâm Thánh. Như dùng tướng khổ lúc quán về sắc v.v…, tuy tướng khổ của sắc kia không phải hoàn toàn như khổ thọ. Có giải thích cho: Lạc thọ là nhân của khổ. Do các Thánh cũng quán các thọ kia là khổ. Giải thích này không hợp lý. Có thể làm nhân của khổ là hành tướng của tập, đâu có liên quán đến khổ? Lại, các Thánh giả sinh nơi cõi sắc, cõi vô sắc, duyên nơi cõi ấy làm sao có tưởng khổ chuyển? Vì các uẩn kia không phải là nhân của khổ thọ. Lại, kinh còn nói đến hành khổ để làm gì?

Nếu do vô thường quán lạc là khổ, thì hành tướng của quán vô thường và khổ có gì khác biệt? Do pháp sinh diệt nên quán là vô thường. Trái với tâm Thánh nên quán là khổ. Song thấy vô thường thì nhận biết là trái với tâm Thánh, nên hành tướng vô thường có thể dẫn đến hành tướng khổ.

Có Sư của Bộ khác đưa ra giải thích như thế này: Nhất định không thật có lạc thọ, tất cả chỉ là khổ. Vì sao nhận biết như vậy? Do giáo lý. Thế nào là do giáo? Như Đức Thế Tôn nói: “Các thọ hiện có không gì không là khổ”. Lại như Khế kinh nói: “Ông nên dùng khổ để quán nơi lạc thọ”. Lại, Khế kinh nói: “Ở nơi khổ cho là lạc, gọi là điên đảo”. Thế nào là do lý? Vì nhân của các lạc đều không định. Nghĩa là các sự vật như y phục, thức ăn uống, sự lạnh nóng v.v… hiện có, các loài hữu tình cho là nhân của lạc. Những thứ ấy nếu thọ dụng phi thời, quá lượng liền có thể sinh khổ, lại thành nhân của khổ, không phải là nhân của lạc. Ở nơi phần vị tăng thịnh, hoặc tuy là như nhau, chỉ do phi thời liền thành nhân của khổ, có thể sinh ra khổ. Nên biết các thứ như y phục v.v… gốc là nhân của khổ. Lúc khổ tăng thịnh thì tướng ấy mới hiển bày. Oai nghi thay đổi, về lý cũng nên như thế. Lại, lúc đối trị khổ mới khởi nhận biết về lạc, cùng khổ thay đổi thì nhận biết về lạc mới sinh. Nghĩa là lúc chưa gặp phải các thứ khổ do đói khát, lạnh nóng, mệt mỏi, ham muốn v.v… bức bách, thì không ở nơi nhân của lạc sinh khởi nhận biết về lạc. Thế nên ở trong sự việc đối trị khổ nặng, kẻ ngu vọng cho đấy có thể sinh lạc. Thật sự là không quyết định có thể sinh nhân của lạc. Trong biến đổi của khổ, kẻ ngu cho là lạc, như trường hợp gánh nặng được tạm thời đổi vai. Nên thọ chỉ là khổ, nhất định không có lạc thật. Các Sư Đối Pháp thì cho là thật có. Lời ấy là hợp lý. Vì sao nhận biết như thế? Tức nên hỏi trở lại những người bác bỏ cho là không có lạc: Thế nào gọi là khổ? Nếu họ cho bức bách là khổ thì đã có vui thích vừa ý, là nên thành có lạc. Nếu họ cho tổn hại là khổ, thì đã có tạo lợi ích, là nên thành có lạc. Nếu họ cho phi ái là khổ, thì đã có khả ái, nên thành là có lạc. Nếu cho khả ái Thể không phải thành thật, do các Thánh giả, nơi lúc lìa nhiễm, thì khả ái lại thành phi khả ái. Không phải thế! Khả ái, lúc các Thánh giả lìa nhiễm, do môn khác quán là phi ái. Nghĩa là nếu có tự tướng của thọ là khả ái, thì thọ ấy chưa từng thành phi khả ái. Tuy nhiên các Thánh giả vào lúc lìa nhiễm, do hành tướng khác nên chán bỏ thọ này. Nghĩa là quán thọ ấy là xứ phóng dật. Chủ yếu là do công sức rộng lớn đã thành vô thường biến hoại nên là phi khả ái, không phải tự tướng của chúng là pháp phi khả ái. Nếu tự thể kia là phi khả ái, tức không nên ở trong ấy dấy khởi ái. Nếu không khởi ái, thì vào lúc lìa nhiễm, Thánh giả không nên dùng hành tướng khác để quán xét lạc thọ, sinh chán bỏ sâu xa. Nên do tự tướng là có thật lạc thọ. Nhưng Đức Thế Tôn nói: “Các thọ hiện có không gì không là khổ”, thì Đức Phật đã tự giải thích thông hợp, như nơi Khế kinh nói: “Đức Phật bảo Tôn giả Khánh Hỷ: Ta dựa nơi các hành đều là vô thường, cùng các pháp hữu vi đều là biến hoại, nên mật ý nói như vầy: Các thọ hiện có không gì không là khổ!”. Nên biết kinh này không dựa nơi khổ khổ để nói như thế. Nếu do tự tướng để nói thọ đều là khổ, thì vì sao Tôn giả Khánh Hỷ lại thưa hỏi: “Đức Phật ở nơi kinh khác nói có ba thọ, là lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Dựa vào mật ý gì kinh này nói: Các thọ hiện có không gì không là khổ”. Tôn giả Khánh Hỷ chỉ nên hỏi như thế này: “Dựa vào mật ý gì Đức Thế Tôn nói có ba thọ?”. Và Đức Thế Tôn cũng chỉ nên đáp: “Ta đã dựa vào mật ý này nên nói có ba thọ”. Trong kinh đã không có Hỏi – Đáp như thế, nên do tự tướng là thật có ba thọ. Đức Thế Tôn đã nói: “Ta đã có mật ý nên nói các thọ hiện có không gì không là khổ”, tức đã chỉ rõ kinh này đã nói là dựa nơi ý riêng để nêu bày, không phải là liễu nghĩa đích thực. Lại như Khế kinh nói: “Ông nên dùng khổ để quán xét về lạc thọ”. Nên biết kinh này ý là làm rõ lạc thọ có hai thứ tánh:

(1) Tánh có lạc. Nghĩa là lạc thọ này dựa nơi môn tự tướng là khả ái. (2) Tánh có khổ. Nghĩa là dựa vào môn khác thì lạc thọ cũng là pháp vô thường biến hoại. Nhưng khi quán xét lạc, thì có thể bị trói buộc, là các hữu tình tham ái đã thọ dụng vị lạc này. Nếu lúc quán xét khổ, có thể khiến được giải thoát, thì người quán như vậy là đã lìa được tham ái. Đức Phật do quán xét về khổ có thể khiến giải thoát, nên khuyên hữu tình quán lạc là khổ.

Vì sao nhận biết tự tướng của lạc thọ này là lạc? Như có Tụng nói:

Chư Phật: Chánh biến giác

Biết các hành vô thường

Cùng hữu vi biến hoại

Nên nói thọ đều khổ.

Lại như Khế kinh nói: “Đối với khổ cho là lạc, gọi là điên đảo”. Đây là theo ý riêng để nói. Do các thế gian ở trong chỗ có một phần lạc của các dục diệu thuộc các lạc thọ, đã cho hoàn toàn là lạc nên thành điên đảo. Nghĩa là các lạc thọ, nếu dựa nơi môn khác tức cũng có tánh khổ, nhưng các thế gian chỉ quán là lạc, nên thành điên đảo. Các cảnh của dục diệu vốn lạc ít khổ nhiều. Chỉ quán đấy là lạc nên thành điên đảo. Các hữu cũng như thế. Vậy nên không do đấy để có thể chứng lạc thọ lý thành không có thật. Nếu tự tướng của thọ thật sự đều là khổ, thì Đức Phật nói ba thọ là có thắng lợi gì? Nếu cho Đức Thế Tôn tùy thuận thế tục để nói, thì không hợp chánh lý, do Đức Thế Tôn đã nói: “Ta có mật ý khi nói các thọ hiện có không gì là không khổ”. Lại, nơi quán về năm thọ đã nói lời như thật. Nghĩa là Khế kinh nói: “Lạc căn hiện có, hỷ căn hiện, nên biết hai thứ ấy đều là lạc thọ. Cho đến nói rộng”. Lại có như vầy: “Nếu dùng chánh tuệ quán thấy đúng như thật về năm căn (Năm thọ) như thế, thì vĩnh viễn đoạn trừ ba kiết, cho đến nói rộng”. Lại, Đức Phật vì sao ở nơi một khổ thọ, tùy thuận thế tục, phân biệt nói là ba thọ? Nếu cho thế gian đối với khổ hạ thượng trung, như thứ lớp ấy đã khởi ba thứ nhận biết như lạc v.v… Đức Phật đã thuận theo đấy để nói ba thọ như lạc v.v…, lý ấy cũng không đúng. Lạc cũng có ba, tức nên ở nơi ba khổ như hạ v.v… chỉ khởi nhận biết về lạc như thượng v.v… Lại, như lúc thọ nhận các hương vị xúc v.v… thù thắng đã sinh khởi lạc, thì đâu có khổ loại hạ nào để thế gian ở trong ấy khởi nhận biết về lạc thọ. Nếu cho bấy giờ có khổ loại hạ, thì khổ loại hạ như thế là diệt chưa sinh, bấy giờ thế gian nên có nhận biết về lạc tột bậc, vì ở phần vị này các khổ đều không có. Lúc thọ nhận dục lạc, nêu câu hỏi cũng như thế. Lại, lúc thọ phẩm hạ hiện tiền, là thừa nhận thọ sáng rõ, mạnh mẽ, có thể giữ lấy. Còn khi thọ phẩm trung hiện tiền, thì cho là cùng với đấy trái nhau. Làm sao là hợp lý? Lại, ba định dưới nói là có lạc, nên có khổ loại hạ. Do các địa trên nói có xả, nên có khổ loại trung. Định hơn thì khổ tăng, há nên là chánh lý? Tức không nên dựa nơi ba khổ như hạ v.v… , như thứ lớp để kiến lập ba thọ như lạc v.v… Lại, Khế kinh nói: “Đức Phật bảo Tôn giả Đại Danh: Nếu sắc hoàn toàn là khổ, không phải là lạc, không có lạc kèm theo v.v… cho đến nói rộng”. Nên biết nhất định là có phần ít lạc thật. Như thế là đã biện về chỗ dẫn chứng giáo pháp kia để làm rõ lạc không có thật, là không thành. Chỗ lập về lý chứng lại cũng không thành.

Lại cho nhân của các lạc đều là bất định, thì đấy không phải là chánh lý, là mê lầm nơi nghĩa của nhân. Nghĩa là quán về chỗ dựa, phần vị có sai biệt nơi các cảnh giới bên ngoài mới là nhân của lạc, hoặc là nhân của khổ. Không phải chỉ là cảnh ngoài, nếu cảnh ngoài ấy dẫn đến chỗ dựa này nơi phần vị như thế, có thể làm nhân của lạc. Chưa từng đến đấy mà không làm nhân của lạc. Do vậy, nhân của lạc không phải là không quyết định. Như quán lửa nơi thế gian đã được nấu nướng, phần vị có sai biệt, là nhân các thức ăn nấu chín thơm ngon, hoặc là nhân trái lại, không phải là lửa kia có tác dụng sai biệt. Nếu lửa này dẫn đến sự việc nấu nướng nơi phần vị như thế, là nhân của thức ăn nấu chín thơm ngon, thì chưa từng đến phần vị ấy mà không phải là nhân của thức ăn nấu chín kia, nên nhân của thức ăn nấu chín ấy không phải là không quyết định. Nhân của lạc cũng như thế. Lý quyết định là thành. Lại, trong ba tĩnh lự, nhân của lạc há là không định? Do nhân kia không lúc nào có thể sinh khổ. Lại, chủ trương kia đã nói chính là lúc đối trị khổ mới sinh khởi nhận biết về lạc, thì dựa theo trước đã phá bỏ. Nghĩa là lúc thọ nhận các thứ hương vị xúc thù thắng đã sinh khởi lạc, thì đối trị khổ nào để thế gian ở đấy khởi nhận biết về lạc? Nếu như cho là bấy giờ đối trị khổ thô, thì chủ thể đối trị khổ ấy đã diệt, chưa sinh. Lúc đó chuyển tức nên sinh nhận biết về lạc là rất mạnh mẽ. Lại, lạc nơi tĩnh lự có đối trị gì nên sinh? Những luận phá như thế căn cứ theo trước nên nói. Lại, chủ trương kia đã cho: Trong khổ biến đổi thì nhận biết về lạc mới sinh, như khi đổi gánh nặng sang vai khác. Ở đây, nơi phần vị của thân thật sự có thể sinh khởi lạc. Cho đến phần vị như thế của thân trước khi chưa diệt, tất có lạc sinh. Diệt thì không như vậy. Nếu khác với đây, thì phần vị này nơi thời gian sau lạc nên chuyển tăng, khổ dần dần giảm, kém. Thân biến đổi như thế nơi bốn oai nghi sinh lạc đã mệt nhọc, cũng nên giải thích như vậy. Nếu trước không có khổ thì nơi thời gian sau cùng, làm sao đột nhiên sinh nhận biết về khổ? Do thân có biến đổi phần vị có sai biệt. Như thời gian sau của rượu v.v… có vị giấm ngọt sinh khởi. Thế nên lạc thọ là thật có, lý ấy là thành. Do đấy nhất định nhận biết, các hành hữu lậu do hợp với ba khổ, nên như chỗ ứng hợp gọi là khổ. Tức Thể của hành khổ cũng gọi là tập đế. Nói như thế tất định là trái vượt với Khế kinh, vì Khế kinh chỉ nói ái là tập. Khế kinh đã căn cứ theo chỗ vượt hơn để nói ái là tập. Lý thật thì các thứ hữu lậu còn lại cũng là tập đế. Lý vượt như thế do gì để chứng biết? Trong Khế kinh khác cũng nói đến các pháp khác. Như Đức Bạc-già-phạm đã nói trong kệ:

Nghiệp ái cùng vô minh

Là nhân tạo hành sau

Khiến các hữu nối tiếp

Gọi Bổ-đặc-già-la.

Lại như Khế kinh nói: “Năm thứ chủng tử”. Đây tức tên gọi riêng để nói về thức có thủ. Kinh kia nói: “Đặt trong địa giới”. Đây tức tên gọi riêng để nói về bốn thức trụ. Nên kinh đã nói là có mật ý. Còn A-tỳ-đạt-ma là dựa nơi pháp tướng để nêu bày. Rõ ràng trong kinh nói ái là tập, là nói riêng về nhân khởi. Trong kệ nói nghiệp ái vô minh đều là nhân, là nói đủ về sự việc sinh khởi cùng nhân của nhân kia. Vì sao nhận biết như thế? Do nghiệp là nhân của sinh, ái là nhân của khởi, như kinh đã nói. Lại trong kinh kia đã thứ lớp chỉ rõ về hành sau, cùng có nhân có duyên, có đầu mối, là kiến lập riêng về hạt giống cùng ruộng đất nói là thức có thủ và bốn thức trụ. Thế nên không phải chỉ mỗi ái là Thể của tập đế.

Pháp gì gọi là sinh? Pháp gì gọi là khởi? Tự thể xuất hiện theo phẩm loại có sai biệt như cõi, nẻo, loài v.v… gọi là sinh. Nếu hữu sau nối tiếp không có sai biệt, gọi là khởi. Nghiệp cùng hữu ái, như thứ lớp ấy, là nhân của hai thứ kia. Ví như hạt giống cùng với mầm mộng của chủng loại sai biệt như hạt thóc, hạt lúa mạch v.v… là nhân có thể sinh. Nước cùng với tất cả mầm mộng không sai biệt, là nhân có thể khởi. Nghiệp cùng với hữu ái là nhân của sinh khởi, nên biết cũng như thế.

Theo lý nào để chứng biết ái là nhân của khởi? Do lìa ái thì hữu sau tất không khởi. Nghĩa là người có ái và người lìa ái, cả hai cùng mạng chung, thì chỉ thấy người có ái là lại khởi hữu sau. Do lý ấy nên chứng biết ái là nhân của khởi. Hữu khởi không khởi nhất định tùy theo ái. Lại do ái nên sự tương tục hướng đến sau. Hiện thấy nếu ở nơi xứ này có ái, tức tâm nối tiếp luôn hướng đến xứ kia. Do so sánh này nhận biết, vì có ái nên có thể khiến sự nối tiếp dong ruổi hướng tới hữu sau cùng nhận lấy hữu sau. Lại không có một pháp nào bám víu, dính chặt vào sự hiện hữu như tham ái. Như bột đậu tất, vào lúc tắm gội, hòa với nước xoa lên thân, đến khi khô ráo hẳn vẫn còn bám vào thân khó tẩy. Các thứ khác thì không bằng. Như vậy, không có một pháp nào khác là nhân chấp giữ nơi thân sau như ngã ái. Do lý ấy nên chứng biết ái là nhân của khởi.

Đức Thế Tôn như vậy là đã nói đế có bốn. Nơi kinh khác lại nói đế có hai thứ: (1) Thế tục đế. (2) Thắng nghĩa đế. Tướng của hai đế ấy là thế nào?

* Tụng viết:

Kia biết phá liền không

Tuệ tách khác cũng thế

Như bình nước Thế tục

Khác đấy gọi Thắng nghĩa.

* Luận nêu: Nếu vật kia được nhận biết khi bị phá vỡ liền không, nên biết vật ấy gọi là Thế tục đế. Như chiếc bình lúc bị vỡ là những mảnh sành vụn, thì sự nhận biết về chiếc bình ấy không còn nữa. Về y phục v.v… cũng thế. Lại, nếu có sự vật khi dùng tuệ phân tích thì sự nhận biết về sự vật ấy liền không còn cũng là thế tục. Như nước khi được tuệ phân tích rút ra các pháp như màu sắc v.v… thì sự nhận biết về nước liền không còn. Lửa v.v… cũng như vậy. Tức đối với các sự vật kia, khi chưa bị vỡ, chưa phân tích, do tưởng, danh của thế gian đã nêu đặt là các sự vật ấy. Nêu đặt là có nên gọi là thế tục. Dựa nơi lý của thế tục để nói là có cái bình v.v…, là thật không phải là hư giả, gọi là Thế tục đế. Nếu sự vật khác với đây, gọi là Thắng nghĩa đế. Nghĩa là sự vật kia khi đã bị phá vỡ hoặc được tuệ phân tích v.v…, nhưng sự nhận biết về chúng không mất, ý tưởng về chúng vẫn còn, nên biết sự vật ấy là Thắng nghĩa đế. Các sự vật như sắc v.v…, tuy có thể giản lược đến phần vị nhỏ nhất là cực vi, hoặc dùng thắng tuệ để phân tích lấy ra mùi vị các pháp khác, nhưng sự nhận biết về sắc kia là luôn có. Thọ v.v… cũng như thế. Đây là cái có chân thật nên gọi là thắng nghĩa. Dựa nơi lý của thắng nghĩa để nói là có sắc v.v…, là thật không phải là hư giả, gọi là Thắng nghĩa đế.

Các Sư quỹ phạm ngày trước nói: Như trí xuất thế cùng chánh trí của thế gian thuộc loại hậu đắc của trí xuất thế kia, đã nhận lấy các pháp, gọi là Thắng nghĩa đế. Như do các trí khác ngoài các trí đã nêu, để nhận lấy các pháp, thì gọi là Thế tục đế. Đã biện về các đế. Sẽ nói theo phương tiện siêng tu thế nào để hướng đến kiến đế.

* Tụng viết:

Sắp hướng tới kiến đế

Nên trụ giới, siêng tu

Văn tư tu tạo thành

Là danh cùng nghĩa cảnh.

* Luận nêu: Các hữu tình phát tâm hướng đến kiến đế, trước nên an trụ nơi Thi la thanh tịnh, sau đấy siêng tu tập về văn (Nghe, kiến văn) thành tựu v.v… Nghĩa là trước thì nghe, thâu nhận thuận theo kiến đế. Nghe rồi thì siêng cầu tìm nghĩa của pháp đã được nghe. Lãnh hội nghĩa của pháp xong, tư duy thuận hợp. Tư duy rồi mới có thể dựa nơi định tu tập. Hành giả trụ nơi giới siêng năng tu như thế, dựa nơi tuệ do văn tạo thành, khởi tuệ do tư tạo thành. Dựa nơi tuệ do tư tạo thành, khởi tuệ do tu tạo thành. Tướng của ba tuệ này sai biệt như thế nào? Sư Tỳ-bà-sa cho: Ba tuệ cùng duyên nơi danh và nghĩa, như thứ lớp có khác. Tuệ do văn tạo thành chỉ duyên nơi cảnh của danh, chưa có thể xả bỏ văn (Văn từ) để quán về nghĩa. Tuệ do tư tạo thành duyên nơi cảnh của danh, nghĩa, có lúc do văn (Văn từ) dẫn nghĩa, có khi do nghĩa dẫn văn, chưa hoàn toàn xả bỏ văn để quán về nghĩa. Tuệ do tu tạo thành chỉ duyên nơi cảnh của nghĩa, đã có thể bỏ văn, chỉ quán về nghĩa. Ví như có ba người vượt qua đoạn sông sâu. Người chưa biết bơi thì phải mang đủ đồ bơi. Người mới học bơi, chưa thành thạo, thì có khi bỏ đồ bơi, có khi giữ đủ đồ bơi. Người biết bơi thành thạo thì không cần mang đồ bơi, tự lực bơi qua sông. Ba tuệ kia cũng như thế.

Có thuyết cho: Nếu như vậy thì tư tuệ không thành. Nghĩa là tuệ này đã duyên chung nơi danh nơi nghĩa, như thứ lớp nên là tuệ do văn, do tu tạo thành. Nay xem kỹ về ba tướng không có lỗi về sai biệt. Nghĩa là hành giả tu tập, dựa nơi sự việc nghe, lãnh hội Chí giáo, sinh khởi thắng tuệ, gọi là tuệ do văn tạo thành. Dựa vào sự việc tư duy về chánh lý, sinh khởi thắng tuệ, gọi là tuệ do tư tạo thành. Dựa nơi sự việc tu tập đẳng trì, sinh khởi thắng tuệ, gọi là tuệ do tu tạo thành.

Nói “Tạo thành”: Là làm rõ về ba nhân đã tạo thành ba thắng tuệ là văn tư tu. Cũng như nơi thế gian đối với thân mạng loài trâu bò v.v…, như thứ lớp nói là do ăn cỏ tạo thành.

Các hữu tình muốn ở nơi sự việc tu học siêng năng tinh tấn, vậy làm thế nào để thân khí thanh tịnh khiến tu tập chóng thành?

* Tụng viết:

Thân tâm đều xa lìa

Không bất túc, đại dục

Là đã được, chưa được

Cầu nhiều gọi đều không.

Đối trị trái cõi ba

Vô lậu tánh không tham

Bốn Thánh chủng cũng thế

Ba trước chỉ hỷ túc.

Ba sinh đủ nghiệp sau

Là trị bốn ái sinh

Tạm dứt, vĩnh viễn trừ

Dục ngã sở ngã sự.

* Luận nêu: Thân khí thanh tịnh lược do ba nhân là: (1) Thân tâm xa lìa. (2) Hỷ túc (Biết đủ), thiểu dục (Ít ham muốn). (3) Trụ nơi bốn Thánh chủng. Thân xa lìa: Là xa lìa cùng tạp trụ. Tâm xa lìa: Là xa lìa các tầm bất thiện. Hai sự việc này dễ có thể thành, do hỷ túc, thiểu dục. Nói hỷ túc: Là không có không biết đủ. Nói thiểu dục: Là không có đại dục. Hai thứ không có ấy sai biệt như thế nào? Các Sư Đối Pháp đều cho: Đối với các vật dụng như y phục v.v… tốt đẹp đã có, lại cầu tìm được nhiều hơn nữa, gọi là không biết đủ. Đối với các thứ vật dụng như y phục tốt đẹp v.v… chưa có được, mong cầu có được nhiều, gọi là đại dục (Nhiều ham muốn). Chẳng phải không biết đủ cũng lại cầu tìm, cũng duyên nơi thứ chưa được? Như thế là chỗ sai biệt của hai thứ ấy tức nên chẳng thành. Do vậy ở đây nên nói như vầy: Đối với các thứ vật dụng đã có được, cho là không tốt đẹp không nhiều, buồn bã trông mong, không vui, gọi là không biết đủ. Đối với các thứ vật dụng như y phục v.v… đã được, chưa được đều mong cầu được nhiều hơn, đẹp hơn, gọi là đại dục. Hỷ túc, thiểu dục có thể đối trị hai thứ ấy, nên cùng với đây trái nhau, nên biết đó là sai biệt. Hỷ túc, thiểu dục là chung nơi ba cõi và vô lậu. Hai thứ được đối trị kia chỉ thuộc về cõi dục. Thể của hỷ túc, thiểu dục là không tham. Còn hai thứ được đối trị kia, tánh là dục tham. Có thể sinh khởi các Thánh, gọi là Thánh chủng. Thể của bốn Thánh chủng cũng là không tham. Trong bốn Thánh chủng, thì ba thứ trước, Thể chỉ là hỷ túc. Nghĩa là đối với các thứ y phục, thức ăn uống, vật dụng nằm ngồi, theo chỗ có được đều sinh hỷ túc. Thánh chủng thứ tư là vui thích tu tập đoạn trừ: Vì sao cũng dùng không tham làm Thể? Do có thể từ bỏ hữu tham dục tham.

Do hiển bày về nghĩa gì mà lập bốn Thánh chủng?

Vì các đệ tử Phật đã xả bỏ những vật dụng nuôi sống của thế tục cùng các thứ sự nghiệp nơi thế gian để cầu giải thoát, nên quy hướng nơi Phật, xuất gia. Bậc Pháp vương là Đức Thế Tôn thương xót họ, nên đã an lập hai thứ trợ đạo: (1) Vật dụng sinh sống. (2) Sự nghiệp (Cách thức sinh hoạt). Ba Thánh chủng trước là trợ đạo về vật dụng sinh sống. Một Thánh chủng sau cùng là trợ đạo về cách thức sinh hoạt: “Các ông nếu có thể dựa nơi ba thứ vật dụng sinh sống ở trước để tạo cách thức sinh hoạt ở sau thì không lâu tức đạt được giải thoát”.

Vì sao Đức Thế Tôn đã an lập hai sự như thế?

Là vì nhằm đối trị bốn thứ ái sinh. Như nơi Khế kinh nói: “Bísô nên lắng nghe! Ái nhân nơi y phục, lúc nên sinh thì sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên nắm giữ thì nắm giữ. Như vậy, ái nhân nơi thức ăn uống, nhân nơi vật dụng nằm ngồi cùng hiện hữu không hiện hữu, đều nói như thế”. Vì để đối trị bốn thứ ấy nên nói bốn Thánh chủng. Tức dựa nơi nghĩa này, lại theo môn khác để nêu bày. Tức Đức Phật vì muốn tạm thời dứt bỏ cùng vĩnh viễn trừ diệt các dục của ngã sở, ngã sự, nên nói bốn Thánh chủng. Sự của ngã sở: Nghĩa là y phục v.v… Sự của ngã (Ngã sự): Là tự thân. Duyên nơi sự ấy sinh khởi tham gọi là dục. Vì tạm thời dứt bỏ tham của ba thứ trước nên nêu bày ba Thánh chủng trước. Vì diệt trừ vĩnh viễn tham của bốn thứ ấy nên nêu bày Thánh chủng thứ tư.

Như vậy là đã nói về vật dụng nơi đối tượng nương dựa của sự tu tập. Thế thì do nơi môn nào để có thể đi vào tu tập đúng đắn?

* Tụng viết:

Nhập tu cần hai cửa

Quán bất tịnh, tức niệm

Người tầm tham tăng thượng

Như thứ lớp nên tu.

* Luận nêu: Chính thức đi vào tu tập, chủ yếu có hai cửa (Môn): (1) Quán bất tịnh. (2) Trì tức niệm (Quán sổ tức). Người nào đối với môn nào có thể chính thức đi vào tu tập? Như thứ lớp nên biết: Người tham, tầm tăng, nghĩa là tham tăng thịnh, luôn hiện tiền. Hữu tình như vậy gọi là người tham hành. Những người ấy có thể chính thức đi vào tu tập bằng quán bất tịnh. Tầm nhiều làm não loạn tâm, gọi là kẻ tầm hành. Những người này dựa nơi trì tức niệm, là có thể chính thức đi vào tu tập. Có Sư khác cho: Trì tức niệm này do không duyên nhiều nên có thể ngăn dứt tầm loạn. Quán bất tịnh thì duyên nhiều nơi hiển sắc hình sắc có sai biệt, dẫn khởi nhiều tầm nên không thể đối trị tầm loạn. Có Sư khác lại nói: Trì tức niệm này chuyển theo môn trong nên có thể ngăn dứt tầm loạn. Quán bất tịnh phần nhiều ở nơi môn ngoài chuyển. Cũng như nhãn thức, đối trị tầm loạn là không thể. Ở đây, trước nên biện về quán bất tịnh. Tướng của quán như thế là gì?

* Tụng viết:

Là trị chung bốn tham

Lại biện quán đốt xương

Rộng đến biển, lại lược

Gọi vị mới hành tập.

Trừ chân đến nửa đầu

Gọi đã tu thành thục

Buộc tâm giữa chân mày

Gọi vị vượt tác ý.

* Luận nêu: Tu quán bất tịnh chính là đối trị tham. Tham có sai biệt lược nêu có bốn thứ: (1) Tham về hiển sắc. (2) Tham về hình sắc. (3) Tham về xúc diệu. (4) Tham về cung phụng. Tu quán bất tịnh duyên nơi màu xanh bầm v.v… của thi thể để đối trị loại tham thứ nhất. Tu quán bất tịnh duyên nơi thi thể đã bị các loài chim thú cắn xé ăn nuốt là đối trị loại tham thứ hai. Tu quán bất tịnh duyên nơi thi thể đã bị côn trùng đục rỉa là đối trị loại tham thứ ba. Tu quán bất tịnh duyên nơi thi thể bất động là đối trị loại tham thứ tư. Hoặc duyên nơi các đốt xương liền nhau nơi thi thể, tu quán bất tịnh, thì có thể đối trị chung bốn loại tham như thế. Do trong các đốt xương liền nhau không có cảnh của bốn loại tham, nên lại biện về việc tu quán các đốt xương liền nhau. Đây chỉ là thuộc về tác ý thắng giải, duyên phần ít, không đoạn dứt phiền não, chỉ có thể chế ngự khiến chúng không hiện hành. Nhưng các Sư Du Già tu quán các đốt xương liền nhau gồm có ba vị: (1) Mới tập nghiệp. (2) Tu đã thành thục. (3) Vượt tác ý. Nghĩa là người hành quán, lúc muốn tu quán bất tịnh như thế, trước nên buộc giữ tâm nơi phần thân của chính mình. Hoặc ở nơi ngón chân, hoặc ở nơi trán, hoặc ở nơi khác. Theo nơi chốn ưa thích, tâm được trụ rồi, dựa vào lực thắng giải, ở nơi phần thân mình, tư duy giả tưởng là phần da thịt nơi thi thể kia đã rã nát dần hết khiến chỉ còn bộ xương. Cho đến quán đủ toàn thân là các đốt xương liền nhau. Thấy một lần đủ rồi lại quán lần thứ hai. Như thế dần dần mở rộng đến một phòng, một ngôi chùa, một khu vườn, một thôn xóm, một nước, cho đến khắp mặt đất, lấy biển làm ranh giới. Ở trong các khoảng ấy, đốt xương liền nhau đều đầy ắp. Nhằm khiến cho thắng giải được tăng trưởng, nên ở nơi sự vật rộng, lần lần giản lược mà quán, cho đến chỉ quán một lần là gồm đủ các đốt xương liền nhau.

Lược dần đến mức này thì quán bất tịnh thành tựu gọi là vị mới tập nghiệp của Sư Du Già. Vì khiến cho lực thắng giải của quán lược tăng trưởng, nên ở trong một lần quán đầy đủ, hành giả trước trừ bỏ xương chân, tư duy nơi các xương khác, buộc giữ tâm mà trụ. Dần dần tiếp theo cho đến trừ bỏ nửa phần xương đầu, tư duy về phần nửa xương còn lại, thâu giữ tâm mà trụ. Chuyển lược ngang đến mức này thì quán bất tịnh thành tựu gọi là vị tu đã thành thục của Sư Du Già. Để khiến cho quán lược đạt thắng giải tự tại, nên hành giả lại trừ phần xương nửa đầu, thâu giữ tâm nơi giữa hai chân mày, chuyên chú vào một duyên, an nhiên mà trụ. Giản lược cùng tột ngang với mức ấy, thì quán bất tịnh hoàn thành gọi là vị vượt tác ý (Đã thành tựu tác ý) của Sư Du Già.

Có khi quán bất tịnh do đối tượng duyên nhỏ hẹp, không phải là lực thắng giải tự tại nhỏ kém. Nên tạo ra bốn trường hợp. Ở đây do tác ý đã thành thục – chưa thành thục, chưa thành thục – đã thành thục, cùng do đối tượng duyên là tự thân cho đến biển có sai biệt.

Quán bất tịnh này: Tánh là gì? Có bao nhiêu địa? Duyên nơi cảnh nào? Nơi xứ nào sinh? Hành tướng như thế nào? Duyên nơi đời nào? Là hữu lậu hay là vô lậu? Là do lìa nhiễm đắc hay là do gia hạnh đắc?

* Tụng viết:

Tánh không tham, mười địa

Duyên dục, sắc, người sinh

Bất tịnh duyên tự đời

Hữu lậu, chung hai đắc.

* Luận nêu: Như trước đã nêu câu hỏi, nay theo thứ lớp đáp. Nghĩa là quán này cùng không tham làm tánh. Dựa chung nơi mười địa: Nghĩa là bốn tĩnh lự, bốn cận phần, tĩnh lự trung gian và cõi dục. Chỉ duyên nơi cảnh của sắc nơi đối tượng nhận thấy thuộc cõi dục. Đối tượng nhận thấy là gì? Nghĩa là các thứ hiển sắc, hình sắc. Duyên nơi nghĩa làm cảnh, do đấy nên đã thành. Chỉ ở nơi nẻo người sinh, là ba châu, trừ châu Bắc. Hãy còn không phải là nẻo khác, huống là từ nơi cõi khác sinh. Đã lập tên bất tịnh, nên chỉ là hành tướng bất tịnh. Tùy ở nơi đời nào, thì duyên nơi cảnh của tự đời. Nếu pháp không sinh thì duyên chung nơi ba. Do đã chỉ tương ưng với tác ý thắng giải, nên quán này lý chỉ là hữu lậu. Là chung cho lìa nhiễm đắc và gia hạnh đắc, do có từng được cùng chưa từng được.

Đã nói về tướng sai biệt của quán bất tịnh rồi, tiếp theo là biện về trì tức niệm (Quán sổ tức). Tướng sai biệt như thế nào?

* Tụng viết:

Tức niệm: Tuệ, năm địa

Duyên gió, dựa thân dục

Hai đắc thật, ngoại không

Có sáu, nghĩa là sổ v.v…

* Luận nêu: Nói trì tức niệm: Tức trong Khế kinh đã nói là niệm A-na A-ba-na. Nói A na: Nghĩa là đem hơi thở vào, là nghĩa dẫn gió bên ngoài khiến vào thân. Tuệ do lực của niệm quán đấy làm cảnh nên gọi là niệm A-na A-ba-na. Dùng tuệ làm tánh, nhưng nói là niệm, là do lực của niệm mang giữ, nên ở nơi cảnh, các sự việc đã tạo tác được sáng tỏ, thành tựu. Như nơi niệm trụ. Trì tức niệm dựa chung nơi năm địa, là cõi dục, tĩnh lự trung gian và ba tĩnh lự cận phần. Niệm này chỉ tương ưng với xả. Tức như khổ thọ, lạc thọ có thể thuận dẫn sinh tầm, niệm này đối trị tầm nên không cùng khởi. Hai thọ hỷ lạc có thể trái ngược với chuyên chú. Niệm này ở nơi cảnh do chuyên chú nên thành. Do đấy là trái nhau nên không cùng khởi.

Có thuyết nói: Trong ba tĩnh lự căn bản dưới (Tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, thứ ba) cũng có xả thọ, tức thuyết kia nói trì tức niệm dựa nơi tám địa. Định trên hiện tiền không còn cần đến hơi thở.

Niệm này duyên nơi gió, dựa vào thân của cõi dục khởi, chỉ ở nơi nẻo trời, người sinh, trừ châu Bắc. Chung nơi lìa nhiễm đắc và gia hạnh đắc. Chỉ cùng với tác ý chân thật tương ưng. Là hữu tình của chánh pháp mới có thể tu tập. Ngoại đạo thì không có, do không có người thuyết giảng, tự họ cũng không thể nhận biết về pháp vi tế.

Tướng của trì tức niệm viên mãn do gồm đủ sáu nhân: (1) Sổ. (2) Tùy. (3) Chỉ. (4) Quán. (5) Chuyển. (6) Tịnh.

Sổ (Đếm): Là thâu giữ tâm, duyên nơi hơi thở ra vào, không tạo gia hạnh, thân tâm buông xả, chỉ niệm nhớ giữ đếm hơi thở vào ra, từ một đến mười không giảm không tăng. Vì sợ tâm ở nơi cảnh quá tập trung, hoặc bị phân tán. Tuy nhiên, ở đây có thể có ba lỗi: (1) Lỗi do đếm giảm. Tức ở nơi hai cho là một. (2) Lỗi do đếm tăng. Tức ở nơi một cho là hai. (3) Lỗi do tạp loạn. Tức ở nơi hơi thở vào cho là ra, ở nơi hơi thở ra cho là vào. Nếu lìa ba thứ lỗi như thế, gọi là đếm đúng. Nếu trong khoảng mười số mà tâm bị tán loạn, thì nên từ một theo thứ lớp đếm lại, xong thì lại đếm từ đầu, cho đến khi tâm được định.

Tùy: Nghĩa là thâu giữ tâm duyên nơi hơi thở vào ra, không tạo gia hạnh, tùy thuận nơi hơi thở mà hành. Niệm hơi thở lúc vào ra đều lan xa đến nơi nào. Nghĩa là niệm hơi thở vào là đi đến khắp thân hay là chỉ đến một phần thân. Tùy theo hơi thở được hít vào đang đi tới họng, tim, rốn, đầu gối, bắp chân, cho đến ngón chân, hành giả luôn niệm, theo dõi. Hoặc niệm hơi thở ra, lìa khỏi thân là xa đến bàn tay, đến một tầm, tùy chỗ đi đến luôn theo dõi, suy niệm.

Có Sư khác cho: Hơi thở ra lan đến cực xa, cho tới Phong luân hoặc đến gió Phệ-lam-bà. Luận giải này không hợp lý. Trì tức niệm luôn kết hợp với tác ý chân thực.

Chỉ: Là thâu giữ niệm khiến nó chỉ ở nơi chóp mũi, hoặc ở tại giữa hai lông mày, cho đến ngón chân, theo chỗ vui thích an dừng tâm ấy. Quán xét hơi thở trụ nơi thân, như sợi chỉ trong chuỗi ngọc. Xem xét hơi thở ấy là lạnh hay nóng, thuận lợi hay tổn giảm.

Quán: Là quán xét: Hơi thở này là gió. Lại quán hơi thở cùng với đại chủng, sắc được tạo, dựa nơi sắc, trụ nơi tâm, tâm Sở. Quán đủ năm uẩn dùng làm cảnh giới.

Chuyển: Là di chuyển, duyên nơi hơi thở là gió đã được nhận biết, đặt yên trong căn thiện càng về sau càng thù thắng, cho đến phần vị là pháp đệ nhất thế gian.

Tịnh: Là thăng tiến, nhập nơi kiến đạo v.v…

Có Sư khác cho: Niệm trụ là đầu, định kim cang dụ là sau, gọi là chuyển. Tận trí v.v… mới gọi là tịnh.

Để gồm thâu sáu tướng nên có Tụng nêu rõ:

Nên biết Trì tức niệm

Có sáu thứ tướng khác

Là Sổ Tùy Chỉ Quán

Chuyển Tịnh cùng sai biệt.

Nên biết tướng hơi thở ra vào có sai biệt như thế nào?

* Tụng viết:

Thở vào ra tùy thân

Dựa hai sai biệt chuyển

Hữu tình không chấp thọ

Đẳng lưu không duyên dưới.

* Luận nêu: Tùy theo địa sinh thân thì hơi thở thuộc về địa ấy. Do hơi thở là thuộc một phần của thân, nên hơi thở ra vào này chuyển là dựa nơi thân tâm có sai biệt. Người sinh nơi cõi vô sắc, ở phần vị Yết-lạt-lam, nhập định không tâm và nơi định thứ tư, hơi thở ấy, nơi các xứ của các trường hợp kia là không chuyển. Nghĩa là chủ yếu trong thân có các lỗ trống để hơi thở vào ra, tâm của địa chính thức hiện tiền, thì hơi thở bấy giờ mới được chuyển. Ra khỏi định thứ tư cùng thời gian mới sinh thì hơi thở vào trước nhất. Nhập định thứ tư cùng lúc mạng chung thì hơi thở ra sau cùng. Hơi thở thuộc về số hữu tình, là phần thân của hữu tình. Không có chấp thọ cùng với căn là lìa nhau. Hơi thở tánh là đẳng lưu, từ nhân đồng loại sinh, không phải là “Được nuôi lớn”. Lúc thân tăng trưởng thì hơi thở tổn giảm, không phải từ dị thục sinh. Đoạn rồi thì lúc sau lại nối tiếp. Sắc của dị thục khác thì không như thế. Hơi thở chỉ là đối tượng duyên của tâm từ nơi địa trên, không phải là cảnh của tâm thông quả, oai nghi của địa dưới.

HẾT – QUYỂN 22