LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 03

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

Mạnh Tử nói: “Ai cũng có thể làm được vua Nghiêu, vua Thuấn.” Tuân Tử nói: “Người trên đường đều có thể làm được vua Vũ.” Bồ-tát Thường Bất Khinh nói: “Tôi không dám khinh các ông. Các ông đều có thể thành Phật.” Như vậy, có nghĩa là mọi người đều có thể làm Thánh Hiền, ai ai cũng có thể thành Phật, Tịnh độ Tây phương là cánh cửa quan yếu và nhanh mà ai cũng có thể tu tập được. Vì vậy, tôi viết “Phổ Khuyến Tu Trì” (khuyên mọi người tu tập).

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 1

Có người hỏi Khổng Tử rằng: “Người ta có thể quên vợ mình vì việc đổi nhà không?” Khổng Tử đáp: “Có kẻ còn tệ hơn nữa! Như Kiệt và Trụ thì quên luôn cả bản thân mình!” Nếu đem đạo nhãn mà quan sát, thì đời nay ai ai cũng quên bản thân mình cả! Vì sao? Vì tứ lúc mở mắt vào buổi sáng và nhắm mắt vào ban đêm, không phút nào người ta không bị cuốn theo cơn lốc của trần lao và chưa bao giờ có được chút thời giờ để suy gẫm về bản thân mình! Vả lại, đối với thân người; nếu lấy phạm vi ngày mà nói thì không gì quan trọng hơn đói khát, tất phải có thức ăn món uống; nếu lấy phạm vi năm mà nói thì không gì bằng lạnh nóng, tất phải có đủ áo len, áo vải; nếu lấy phạm vi trọn đời mà nói thì không gì lớn bằng việc sinh tử; nếu không đem sự đầy đủ và Tịnh độ mà kiện toàn thì phải làm thế nào? Vả lại, nếu người ta có một trăm cân vàng đi nữa, thì khi cái chết ập đến ta cũng không thể nào mang nó đi theo, nghĩa là phải vứt bỏ nó lại. Nếu ai ôm chặt số vàng ấy để chết thì dĩ nhiên người đời sẽ gọi là phường dốt nát! Thật ra, họ đều biết thân này quý hơn trăm cân vàng, nhưng ngày thường vẫn khư khư lao vào vòng danh lợi; dẫu vật không đáng gì cũng không thể vứt đi, trong lúc cái thân mình thì lại không biết tiếc thương. Nếu ta trách cứ hoặc rầy la họ bằng từ trộm cướp hay cầm thú, thì họ lập tức nổi giận; có kẻ thù oán suốt đời, có người ẩu đã đến nỗi sinh ra kiện tụng và bị vào lao

ngục! Những chữ trộm cướp, cầm thú vốn không tổn hại gì với thân thể họ mà họ lại thù ghét, tại sao những kẻ ấy biết đau cho cái “danh” của thân mà lại không biết tiếc cho cái “thật” của thân? Vả lại, cái thật của thân cũng không khác gì hơn, gượng nói là: Chết! Nhưng trên sự thật thì lại chưa từng có cái chết. Người ta chỉ nhận thấy mình từ bỏ cái thân hư hoại này đi mà liền gọi hiện tượng ấy là chết mà không hay rằng nếu bỏ thân ở đây thì sẽ sinh vào cái thân ở nơi khác. Vì vậy, ta nên dự bị cho mình một nơi để sinh về. Bởi thế, nói thật chân thành là không thể nào phế bỏ giáo lý Tịnh độ!

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 2

Con người ta, lúc còn sống, nào là cha mẹ vợ con, ruộng vườn nhà cửa, bò, dê, ngựa, xe đến những vật như bàn ghế, chén bát, y phục, dây đai… Không luận là lớn hay nhỏ đều là hoặc do tổ phụ truyền lại, hoặc tự mình làm ra, hoặc do con cháu tích lũy. Tất cả đều là của ta. Một tờ giấy mỏng bị xé là mình đã nổi giận; một cây kim không đáng là bao nhưng nếu bị lấy là mình đã tiếc nuối; tuy kho lẫm đã đầy mà ta vẫn thấy thiếu thốn; tuy vàng bạc gấm vóc đã lắm mà ta vẫn hùng hục làm lụng. Mở mắt, động chân ta đều bị mê đắm! Ngủ một đêm nơi khác là ta đã nhớ nhà; một đứa ở chưa về là ta đã lo mất. Nói chung, ta mang vác tất cả các chuyện ở trong lòng! Nhưng, một sáng cái chết xộc đến là ta phải vứt sạch chúng mà đi. Bởi cái thân còn vô nghĩa thì nói gì những thứ ngoài thân ấy? Nếu tĩnh tâm mà suy gẫm ta mới thấy điều đó là mịt mù như cơn mộng lớn. Vì vậy, Trang Tử nói: “Phải có sự giác ngộ lớn, sau đó mới biết cơn mộng lớn ấy.”

Cổ nhân nói:

kệ:

Một sáng vô thường về

Mới hay người trong mộng

Ngàn thứ chẳng mang đi

Tùy thân chỉ có nghiệp.

Kỳ diệu thay những lời ấy!

Tôi lấy hai câu kệ cuối rồi thêm hai câu để làm thành một bài

Vạn thứ chẳng mang đi

Tùy thân chỉ có nghiệp

Duy niệm A-di-đà

Quyết định sinh Cực lạc.

Bởi vì, nghiệp là nghiệp ác và nghiệp thiện. Hai loại nghiệp ấy ta đều mang đi được. Vậy lẽ nào ta không lấy Tịnh độ làm nghiệp cho mình?

Có vị Trưởng lão tên Liễu Minh, lúc thuyết pháp, sư chỉ vào cái thân này mà nói: “Đây là vật chết. Trong vật chết này có cái tươi tốt, đó là vật sống. Không nên tạo phương kế sống trên vật chết mà nên tạo cách sống trên vật sống!” Tôi hâm mộ câu nói của trưởng lão vô cùng nên thường nói với mọi người rằng: “Những kẻ tham đắm đủ món bên ngoài để phụng thờ thân xác đều là những kẻ tạo cách sống trên vật chết. Người đời tuy chưa thoát khỏi vòng quay ấy, nhưng trong khi đang kinh doanh để nuôi dưỡng thân thể nên bỏ ra dăm ba phút để lưu tâm đến Tịnh độ; đó là tạo cách sống trên vật sống. Vả lại, nếu cứ hùng hục làm lụng để kiếm sống thì tuy giàu có như Thạch Sùng, rất sang trọng như hàng nhất phẩm rồi cũng lụi tàn. Thảm trạng ấy hoàn toàn khác với sự hằng cửu của Tịnh độ.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 3

Đầu tiên, con người chưa từng có sự chết, sở dĩ có chữ chết là từ trên thân thể này. Vì sao? Vì do Thần thức thác vào nên thân thể mới sinh ra và gọi là sinh. Do Thần thức rời đi nên thân hình hư hoại và gọi là tử. Thần tức là ngã và hình thể là căn nhà của ngã. Vì ngã có đến có đi nên hình thể có thành có hoại. Thật ra, sinh không phải là sinh nhưng do Thần đến nên có hình hài; tử không phải là tử nhưng vì Thần đi nên hình thể hư rã. Người đời không biết Thần mà chỉ lấy hình thể nên họ vui với sự sinh mà ác cảm với sự tử. Quả là thái độ đáng buồn! Vả lại, Thần từ đâu đến? Từ nghiệp duyên mà đến. Thần từ đâu đi? Cũng từ nghiệp duyên mà đi. Nghiệp duyên là gì? Nếu nghiệp được làm ở nhân gian thì Thần sẽ tùy nghiệp đó mà sinh vào nhân gian; nếu nghiệp được làm thuộc Trời thì Thần sẽ tùy nghiệp đó mà sinh vào cõi Trời; nếu ng- hiệp đã làm là A tu la thì Thần sẽ thuận với nghiệp đó mà sinh vào loài A-tu-la; nếu tạo nên ba đường ác thì Thần sẽ theo nghiệp đó mà sinh vào ba đường ác. Đó là tình trạng luân hồi trong sáu nẻo không có lúc thoát ly của Thần. Thế mà từ vô thỉ đến nay, Thần ấy luôn vào thai, ở trứng v.v… nghĩa là nó không bao giờ ở lâu một nơi nào; lúc nghiệp hết thì hình thể hoại, hình thể hoại thì Thần không có nơi cư ngụ nên Thần lại theo nghiệp ta làm hôm nay để thác sinh. Như người làm ra nhà cửa thì sẽ ở trong đó, kẻ làm ra thức ăn món uống thì sẽ thọ hưởng mùi vị của nó. Vì vậy, nếu ta tạo nghiệp thế nào thì ta sẽ thọ nhận quả báo như vậy; đó là lẽ tự nhiên của chân lý. Cũng vì thế, chúng ta không nên bất cẩn với những việc làm của mình ở đời này. Nếu chúng ta muốn thoát ly luân hồi và dứt hẳn sự khổ đau thì phải chấp nhận con đường Tịnh độ Cực lạc; nghĩa là, chúng ta nên chuyên tâm thực hành phép trì niệm danh hiệu Phật.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 4

Đời sống của con người trong cõi này không khác gì bọt nước, sinh diệt không ngừng. Có người chỉ sống một năm, có người hai năm, có người mười năm, có kẻ hai mươi năm, may mắn lắm mới sống đến bốn năm mươi năm; cũng có kẻ sống đến bảy mươi năm, nhưng trường hợp này rất hiếm! Đa phần con người chỉ thấy cái già trước mắt mà không hay rằng có lắm kẻ qua đời lúc niên thiếu. Huống gì thế gian vốn là khổ. Sở dĩ ta không thấy là bởi ta không suy tư, khắc khoải thôi. Cố nhiên, những lúc không vừa ý là khổ, nhưng những cơ hội vừa lòng thì lại đếm đầu ngón tay! Nào là cha mẹ vợ con, thông gia quyến thuộc hoặc do bệnh tật chết chóc, hoặc do sát thương ly tán, hoặc cái chết bỗng ập đến. Những tội ác mà lúc còn sống chắc gì ta không làm? Tôi xin đem chuyện trước mắt ra mà nói: Lúc ta nảy sinh ra một ý nghĩ sai, nói một lời sai, nhìn một nhan sắc bất chính, nghe một âm thanh bất hảo, hoặc làm một việc xấu ác; nói chung không điều gì là không sai lầm, tội lỗi! Huống gì thức ăn của ta là thịt của chúng sinh, áo ta mặc cũng từ chúng sinh; nói gì đến những điều ác không nằm ở phạm vi ăn và mặc khác? Nếu chúng ta không suy nghĩ thì thôi, nhưng nếu đặt vấn đề thì thật là vô cùng đáng sợ! Những tội ác ta dồn chứa từ trẻ đến già, từ khi sinh ra đến lúc qua đời đã quá nhiều và kiên cố nhưng không cách nào giải trừ được. Sau khi nhắm mắt, chắc chắn ta sẽ tùy nghiệp mà đi trong mịt mờ vô định. Hoặc là ta bị đọa địa ngục để chịu sự khổ đau cùng cực, hoặc là ta bị làm súc sinh để chịu sự mổ giết của con người, hoặc là ta sinh vào loài ngạ quỷ để cho lửa, đói thiêu đốt, hoặc là ta rơi vào loài A-tu-la để lòng sân hận bức bách. Tuy ta có nghiệp lành để được sinh lên Trời người, nhưng lúc hết phước vẫn bị luân hồi lại vì nghiệp cũ, nghĩa là ta cứ trầm luân không lúc nào thoát khỏi. Chỉ có Tịnh độ Tây phương là con đường tắt và nhanh để giải thoát. Bởi thân người khó được nên chúng ta hãy nhân lúc khỏe mạnh để giải quyết việc lớn đó. Chúng ta nên thường xuyên nghĩ rằng mình đã từng luân hồi khắp sáu nẻo từ vô thỉ đến nay mà chưa từng biết pháp môn Tịnh độ nên vẫn không được giải thoát. Ngày nay, ta đã biết pháp môn này, lẽ nào không lập tức hành trì? Cố nhiên, những người tuổi đã cao thì phải cố gắng; nhưng những người trẻ trung cũng không nên biếng trễ. Được thế thì lúc mất, ta được sinh về Cực lạc. Nhìn lại những lúc chết bị vào âm phủ, thấy Diêm vương và chịu những nỗi sợ hãi trước đây, thì không thể nào so sánh với bây giờ được.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 5

Như người đi vào thành lớn, trước tiên phải tìm nơi trú chân, tiếp theo là đi liên hệ công tác, khi đêm xuống sẽ có chổ để an nghỉ. “Trước tiên, phải tìm nơi trú chân” tức là tu Tịnh độ. “Khi đêm xuống” tức là cái chết đến. “Có chỗ để an nghỉ” tức là sinh trong hoa sen, không bị đọa vào nẻo ác. Lại nữa, như người đi xa vào mùa Xuân, trước tiên phải mang đồ đi mưa, lúc mưa rào ập đến thì sẽ không bị ướt và khốn đốn. “Trước tiên, phải mang đồ đi mưa” tức là tu Tịnh độ. “Mưa rào ập đến” tức là mạng sống sắp chấm dứt. “Không bị ướt và khốn đốn” tức là không bị trầm luân trong đường ác, chịu những sự khổ đau. Vả lại, “Trước tiên phải tìm nơi trú chân”, thì không làm hại công việc. “Trước tiên phải mang đủ đồ đi mưa” thì không làm hỏng việc đi đường xa. Như vậy, việc tu Tịnh độ vốn không làm trở ngại đối với những việc thế gian, tại sao mọi người lại không tu tập? Tôi có một người quen, bình sinh ông sát hại rất nhiều cá nên cuối đời bị bệnh như trúng phong. Tôi thương tình cảnh tội ác, tật khổ ấy, nên đến thăm và khuyên ông niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Ông ta không chịu niệm mà chỉ nói đủ thứ chuyện. Đó thật là do ác nghiệp ngăn cản và bệnh tật làm cho tâm tư mê tối. Một khi còn sống mà không chịu niệm thì sau khi nhắm mắt sẽ vớt vát được gì? Vì vậy, người tu Tịnh độ nên sớm tỉnh ngộ để bắt tay tu tập. Ở đời, có ngày tất phải có đêm, có lạnh dĩ nhiên phải có nóng; điều đó ai cũng biết và cũng không thể che dấu. Nhưng nếu nói có sống tất có chết thì ai cũng kiêng kỵ, không thừa nhận! Tệ bạc đến thế là cùng! Người ta không biết rằng, đầu tiên, cái ngã không từng có sự chết mà chỉ do nghiệp duyên tan rã nên nó ra đi. Chúng ta cần phải tu tập Tịnh độ để cầu sinh trong hoa sen mà thọ nhận cái thân thanh linh, thọ mạng vô lượng và thoát tất cả sự sống chết, khổ não.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 6

Hạ phẩm hạ sinh là lúc lâm chung hình tướng địa ngục xuất hiện, mà người đó chí thành niệm mười tiếng Nam-mô A-di-đà Phật thì hình tướng địa ngục sẽ biến thành hoa sen và người đó được sinh về Tịnh độ. Đó là nhờ lòng từ bi sâu nặng và uy lực của Phật quá lớn. Nói mười niệm nghĩa là tự mình niệm mười tiếng A-di-đà Phật lúc còn sống, chứ không phải việc thỉnh người niệm sau khi đã qua đời. Tự niệm lúc còn sống thì phút lâm chung được Phật và Bồ-tát đến đón nên quyết định được sinh về Cực lạc; thỉnh người niệm sau khi mình mất thì chưa chắc có Phật và Bồ-tát đến đón hay không. Kinh nói: “Sau khi mình qua đời mà người ta làm công đức cho thì mình chỉ nhận được một phần bảy; tự làm lúc còn sống thì quả báo gặt được là cả trăm ngàn lần”. Khổ thay cho con người! Lúc còn sống không chịu thực hành phương pháp Thập niệm trong mỗi ngày, đợi đến khi mất mới rước người tu thế! Kinh lại nói: “Ví như sắt và đá tuy nặng, nhưng nếu nương vào sức của ghe thuyền thì có thể qua sông; cây kim tuy nhẹ nhưng nếu không nhờ ghe thuyền thì vẫn bị chìm mất.” Ý kinh nói rằng, dẫu người có tội nặng nhưng nếu nương vào Phật lực thì có thể sinh về Tịnh độ; kẻ dẫu ít tội nhưng nếu không nhờ Phật lực thì cũng không được vãng sinh. Cũng như có người bình sinh làm ác nhưng nếu được chiêu an thì sẽ trở lại người dân lành. Người nương vào Phật lực để tiêu diệt tội ác cũng giống với hai trường hợp vừa nói. Lại nữa, như con sâu đo dẫu chết đi sống lại cả ngàn lần cũng chỉ bò đi được chừng một dặm; nếu nó bám vào thân người thì có thể đi xa cả ngàn dặm trong một ngày. Người nương vào Phật lực để vãng sinh cũng như trường hợp trên. Vì vậy, chúng ta không nên nghi rằng vì mình có tội ác nên dẫu có niệm Phật đi nữa cũng không thể vãng sinh; chỉ cần chúng ta khởi tâm mong được thấy Phật, được thành Phật và cứu độ tất cả kẻ oán người thân thì ai ai cũng được vãng sinh. Hoặc có người nói: “Có kẻ lúc còn sống làm những việc ác, hại chúng sinh, bức áp nhân dân, đến lúc chết nhờ niệm Phật nên cũng được vãng sinh. Vậy, những chúng sinh, những người dân bị kẻ ấy giết và hiếp đáp mang lòng oan ức, thì đến bao giờ mới giải được?” Đáp: Sau khi người đó sinh về Tịnh độ, được thành Phật họ sẽ độ thoát cho kẻ oán, người thân. Như thế vẫn hơn tình trạng oan oan tương báo, cả kẻ tạo tội và người chịu tội đều không có lúc giải thoát.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 7

Tôi vì giáo lý Tịnh độ nên muốn khuyên những người thấy nghe làm cho tâm mình rộng lớn ra, nên lấy tâm nguyện của Phật làm tâm nguyện của mình khiến ai ai cũng biết để cùng nhau sinh về Tịnh độ. Chúng ta nên nghĩ rằng: Nếu người khác biết được pháp môn này thì cũng như ta biết, thật sung sướng làm sao! Nếu người khác không biết thì cũng như ta không biết, quả là vô cùng đau xót! Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc tự tu thì nào khác gì hàng Thanh văn, gọi là Tiểu thừa. Họ chỉ có khả năng tự độ, như sức vận chuyển của chiếc xe nhỏ. Đó là lý do Đức Phật gọi “Đoạn hạt giống Phật”. Người có khả năng giáo hóa mọi người gọi là Bồ-tát Đại thừa; cả mình và người đều được giải thoát, như sức chuyên chở của chiếc xe lớn. Lý do những vị này gặt được vô lượng phước báo là bởi họ có năng lực đi đến Phật địa. Chư Phật nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương đều khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Đức Phật A-di-đà; nghĩa là chúng ta không thể đem tâm để suy nghĩ, dùng ngôn từ để luận bàn. Công đức của Ngài quả là siêu việt. Như vậy, có việc gì mà Ngài không làm được! Cho nên, nếu ta khuyên được một người tu tập Tịnh độ rồi đem duyên lành ấy mà tiêu trừ tội ác cũng được, hay truy tiến cho vong linh cũng được. Chỉ cần ta chí thành chú nguyện thì đều gặt hái được kết quả. Đọc truyện Phòng Chữ quý vị sẽ biết sơ về vấn đề trên. Huống gì chúng ta khuyên được một người đến năm, mười người. Lại nữa, huống gì ta khuyên dạy người khác; cứ tiếp tục mãi như vậy thì giáo lý Tịnh độ Tây phương sẽ được truyền bá khắp nơi và chúng sinh trong biển khổ có thể sinh về Cực lạc cả. Khuyên người đi theo con đường thiện gọi là Pháp thí. Tịnh độ là loại pháp thí siêu việt nhất, vì nó làm cho chúng sinh ra khỏi luân hồi, cho nên không có pháp nào so sánh với nó được. Vì vậy, phước báo của việc khuyên dạy ấy cũng vô lượng, nên bài kệ khuyến tu của Bồ-tát Đại Từ viết: “Khuyên được ba người, thì phước đức giống như sự tinh tiến của mình. Khuyên mười người trở lên, phước đức đã vô cùng. Nếu khuyên trăm, muôn người, đó gọi là chân thật Bồ-tát. Nếu vượt quá ngàn người, là A-di-đà Phật”. Qua những đoạn kệ trên ta biết rằng, một khi đã theo giáo lý Tịnh độ thì ta cần phải làm cho tâm mình rộng lớn ra, để khiến cho ai ai cũng biết con đường này ngõ hầu tích tập vô lượng phước đức.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 8

Vả lại, nếu người ta khổ vì đói thì mình cho họ một bữa ăn; nếu người ta khổ vì lạnh thì mình cho họ một tấm áo. Ân huệ ấy cũng lớn lắm rồi. Huống gì họ đang trầm luân trong sáu nẻo không lúc nào ra khỏi, mà ta lại đem pháp môn này để khai thị khiến họ được thoát khỏi luân hồi mà thọ nhận mạng sống và niềm vui vô hạn? Ân đức ấy quả là cao sâu. Kinh Kim Cang nói: “Nếu người đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí; sự bố thí ấy dầu trải qua vô lượng trăm, ngàn, vạn, ức kiếp cũng không bằng có người nghe kinh này mà tin tưởng, không chống trái, thì phước đức sẽ hơn hẳn người kia.” Bởi lẽ, người đem thân mạng để bố thí thì vẫn không thoát khỏi sự thọ nhận phước báo thế gian, nhưng phước báo rồi cũng có lúc hết. Còn người tin kinh Kim Cang thì dần dần sẽ ngộ được chân tánh và phước đức ấy mới là vĩnh cửu, vì tự thân của nó siêu việt hơn loại phước đức kia. Theo quan điểm của tôi, không những chỉ có người tin kinh mới được như vậy, nếu chúng ta đem Tịnh độ để khuyên dạy mọi người thì phước báo cũng ngang với người tin kinh Kim Cang. Vì sao? Vì người được sinh về Cực lạc thì không bị luân hồi lại, vì đã chứng bất thoái chuyển và vì được tiến thẳng đến quả vị Phật. Người sinh về Tịnh độ dẫu chưa thành Phật nhưng đó là điều kiện để thành Phật. Vì vậy, nếu chúng ta khuyên một người thành Phật tức là ta đã tựu thành một chúng sinh làm Phật. Thông thường, làm Phật tức là độ vô lượng chúng sinh. Những chúng sinh được độ ấy khởi đầu từ ta. Như thế, phước báo của ta hơn hẳn người đem số lượng thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí trải qua vô lượng trăm, ngàn, vạn, ức kiếp.

PHỔ KHUYẾN TU TRÌ 9

Thông thường, lúc thọ nhận sự dạy bảo của thầy bạn thì ta nên nêu cao ân huệ; gặp sự đãi ngộ bằng lễ trong giao du thì chúng ta nên đem Tịnh độ để báo đền. Cho đến tất cả ai cho ta một bữa ăn, một chén trà, hoặc tiếp ta bằng một lời nói, một chỗ ngồi, thậm chí đến công lao của kẻ nô bộc, nói chung, tất cả công đức đã thọ dụng được ta nên đem Tịnh độ để giới thiệu với họ, khiến họ được thoát ly biển khổ. Không những chỉ như thế, mà ngay cả những người quen hoặc không quen ta cũng nên đem Tịnh độ để giáo hóa khiến họ cùng sinh về Tịnh độ với mình. Lại không chỉ như thế, lúc Phật còn ở đời, có một nước rất khó giáo hóa, Ngài nói nước đó có duyên với Mục-kiền-liên, nên sai tôn giả Mục-kiền-liên đến hóa độ, khiến dân nước ấy đều tin thuận. Có một đệ tử hỏi lý do. Đức Phật nói: “Trong những kiếp trước, Mục Liên làm người đốn củi, vì ông làm kinh động bầy ong nên bèn phát nguyện lành rằng: “Sau khi đắc đạo, tôi sẽ độ những con ong này”. Ngày nay, những người trong nước ấy là bầy ong thuở trước. Vì Mục-liên phát thiện nguyện ấy nên có duyên lành với họ”. Qua câu chuyện này ta thấy rằng, không những chúng ta chỉ khuyên dạy Tịnh độ đối với loài người mà đối với những loài chim bay, thú chạy cho đến loài bò, bay, máy, cựa; nếu có hình tướng thì ta nên nhân lúc thấy mà niệm vài tiếng Nam-mô A-di-đà Phật và phát lời lành rằng: “Nguyện các người đều sinh về cõi Cực lạc. Sau khi đắc đạo, tôi sẽ độ tất cả.” Không những ta làm thế đối với loài có hình tướng mà đối với những chúng sinh không có hình tướng ta cũng phát nguyện lành như vậy. Niệm lành của ta càng lúc càng thuần thục, lại có duyên lành với tất cả chúng sinh thì chắc chắn ta sẽ sinh về Thượng phẩm thượng sinh. Đến lúc khác, ai ai cũng tin thuận với sự hóa độ của ta.