LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 02

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

Trong Đại Tạng có kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, kinh A-di-đà Quá Độ Nhân Đạo, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm. Bốn bản này vốn là một, nhưng do dịch khác nhau nên có bốn cái tên như vậy. Sự sai khác của chúng là rất nhiều. Tôi đã hiệu đính từ lâu và cũng đã khắc bản để lưu hành. Nay tôi nghiên cứu kinh này và các truyện ký khác để viết Tịnh độ tổng yếu (những điểm căn bản chung của Tịnh độ).

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 1

Nói tổng quát về Đại Tạng, thì kinh Tịnh độ không chỉ có mười cuốn. Tất cả kinh ấy đều nói về những sự việc của Tịnh độ Tây phương ở phạm vi đại lược là: Cõi nước ấy dùng bảy loại trân bảo để trang nghiêm; không có địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, cho đến không có các loài bò, bay, máy, cựa. Cõi nước ấy thường thanh tịnh tự nhiên, không có uế tạp. Người ở đó sinh ra từ hoa sen và được sống lâu; áo quần, thức ăn, món uống, nhà cửa đều tùy ý nguyện mà có. Cảnh vật ở cõi ấy như mùa Xuân bất tận, không lạnh và nóng. Nhân dân ở đó luôn thọ nhận niềm vui và không có những nỗi khổ. Vì vậy Đức Phật gọi là thế giới Cực lạc. Đức Phật cõi Cực lạc tên là A-di-đà. A-di-đà là tiếng Phạm, Trung Quốc dịch là Vô lượng. Vì ánh sáng của Ngài soi thấu khắp các thế giới trong mười phương và do những chúng sinh niệm Phật A-di-đà và nhân dân ở cõi ấy đều vô lượng vô biên, chúng sinh niệm Phật đều biết điều đó nên gọi là Phật Vô Lượng Quang. Tuổi thọ của Phật và chúng sinh cõi nước Ngài đều có tuổi thọ vô hạn lượng, tuy sống lâu hằng hà sa kiếp vẫn không chết nên gọi Phật là Vô lượng thọ. Đức Phật A-di-đà có thệ nguyện lớn là cứu độ tất cả chúng sinh, uy Thần của Ngài không thể nghĩ bàn, nên người nào chí thành tin tưởng niệm danh hiệu của Ngài thì hiện đời được tiêu trừ tai nạn, oán quỷ lánh xa, tinh

Thần và thể xác được an tĩnh, phước thọ tăng và đồng thời trong hồ thất bảo sinh ra một đóa sen để sau này hành giả thác sinh vào đó mà thoát vòng sinh tử luân hồi. Những sự việc ấy đều có sự tích chứ không phải là những lời hoang đường và hư dối. Giáo lý Tịnh độ rất dễ thực hành. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì Tịnh độ là pháp môn quan trọng và nhanh nhất. Vậy mà, đau xót thay người ta lại không tin! Xót xa hơn nữa là có kẻ tin nhưng lại không tu tập.

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 2

Kinh A-di-đà Đại bản nói: “Một sáng, dung mạo của Phật Thích- ca hiện vẻ khác thường. Thị giả A-nan ngạc nhiên bạch hỏi nguyên cớ. Đức Phật nói: “Lành thay câu hỏi của ông! Câu hỏi đó giá trị hơn sự cúng dường cho bậc Thanh văn, Duyên giác một thiên hạ, cho đến sự bố thí cho chư thiên, nhân dân, đến tận loài bò, bay, máy, cựa và trong trăm, ngàn, vạn kiếp! Vì sao? Vì tất cả chư thiên, đế vương, nhân dân đến các loài bò, bay, máy, cựa đều nhờ câu hỏi của ông mà có được một con đường giải thoát”. Qua những đoạn kinh đó ta biết rằng, trước khi Thế Tôn muốn nói đến Đức Phật A-di-đà thì vấn đề đó đã hiện hữu trong tâm của Ngài, rồi hiện ra nơi mặt, nên Thần sắc của Ngài khác với ngày thường. Như vậy, sự tác động của Đức Phật A-di-đà đối với chư Phật đã khác thường rồi, huống gì đối với tất cả chúng sinh? Đến đoạn A-nan thỉnh vấn, và Thế Tôn đáp rõ rằng “Chư Thiên, Đế vương, nhân dân, đến các loài bò, bày, máy, cựa đều nhờ câu hỏi của ông mà có được con đường giải thoát”. Nghĩa là, vì trên từ Chư thiên, dưới đến Nhuyễn, Động đều nằm trong ba cõi, không thoát khỏi cảnh luân hồi; nhưng nhờ đại nguyện lực của Phật A-di-đà độ thoát tất cả, nên chúng sinh nào chưa được độ đều sẽ được cứu vớt. Theo dõi kệ phát nguyện thứ nhất của Ngài ta thấy: “Đến lúc tôi thành Phật, tên tôi vang mười phương, Trời người thích được nghe, đều sinh về Cực lạc. Địa ngục, quỷ súc sinh, đều sinh về nước tôi.” Qua đó ta hiểu rằng, bất cứ chúng sinh nào ở trong ba đường, sáu nẻo hoặc trong vòng luân hồi cũng đều được độ thoát. Vì vậy, kinh A-di-đà đại bản nói: “Đức Phật A-di-đà đang ở tại Cực lạc, lại đang ở các thế giới khắp mười phương và đang hóa độ vô số Trời người đến các loài bò, bay, máy, cựa.”

Bò, bay là loài côn trùng bay cực nhỏ; máy, cựa là loài giòi bọ cực nhỏ. Những loài ấy Đức Phật còn tế độ, huống gì loài người chúng ta? Bởi Đức Phật A-di-đà cứu độ chúng sinh nhiều vô số, nên ai một lòng quy y Ngài thì sẽ được sinh vào cõi nước của Ngài là điều tất nhiên.

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 3

Kinh nói: “Vô lượng kiếp về trước, có Đức Phật tên là Thế Tự Tại Vương giáo hóa độ sinh. Lúc ấy, có vị đại quốc vương nghe thuyết pháp được giác ngộ liền bỏ ngôi vị, xuất gia tu hành với pháp danh Tỳ-kheo Pháp Tạng, tức là Đức Phật A-di-đà sau này. Tỳ-kheo Pháp Tạng đối trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương phát bốn mươi tám nguyện; nguyện nào cũng vì mục đích tế độ chúng sinh. Phát nguyện rồi, Ngài tinh tiến liễu sinh tử, tiếp theo là nhập Bồ-tát địa. (Liễu sinh tử tức là sinh tử tự như). Nhập Bồ-tát địa nghĩa là bên trong tu tuệ, bên ngoài tu phước. Tu tuệ là làm cho trí tuệ ngày một rộng lớn, đến lúc thành Phật, tuệ tánh bao hàm cả hư không thế giới, biết và thấy tất cả. Tu phước là thác sinh trong tất cả chúng sinh, giống hình thể và thông hiểu ngôn ngữ của chúng để thi triển việc giáo hóa. Vì vậy, trên đến thiên đế, dưới đến kiến trùng tế vi, Ngài đều sinh vào vào giáo hóa chúng sinh như vậy đến vô lượng vô số kiếp. Tất cả sự giáo hóa đều có phước đức. Do có phước đức nhưng không thọ dụng nên phước ấy càng lúc càng nhiều, lâu ngày đầy khắp hư không thế giới. Phước lớn thì uy Thần lớn, như chức quan càng lớn thì thế lực càng mạnh. Do bởi uy Thần làm được mọi việc nên mới có thể hoàn thành lời nguyện để bước vào Phật vị. Do lúc mới phát nguyện đến khi thành Phật, Ngài đều vì chúng sinh, nên nếu mọi người chí tâm tin tưởng và trì niệm danh hiệu của Ngài thì hiện đời sẽ được che chở, thân sau sẽ được sinh về Cực lạc. Nếu có người chuyên tâm tưởng đến hình tướng của Ngài thì hiện đời sẽ thấy được chân thân của Ngài. Vì uy linh của Phật hiện hữu khắp nơi, nên nếu tâm niệm của người với Phật được đồng nhất thì tự nhiên có sự giao thông và tự nhiên Đức Phật xuất hiện. Vấn đề này xin độc giả đọc ở quyển thứ năm.

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 4

Kinh nói: “Đức Phật A-di-đà thực thi hạnh Bồ-tát trải qua vô số kiếp. Ngài đạt được sức nhẫn và những sự khổ thì không tính đếm được. Ngài luôn đem lòng yêu thương, nét mặt nhu hòa để làm lợi cho chúng sinh. Ngài khéo giữ gìn khẩu nghiệp, không chỉ trích những sai lầm của người khác; khéo giữ gìn thân nghiệp, không làm mất luật nghi; khéo giữ gìn ý nghiệp, không bị ô nhiễm và luôn thanh tịnh. Trong lòng tay của Ngài luôn hiện ra áo quần, món ăn, thức uống, tràng phan, bảo cái, âm nhạc và những vật dụng cần thiết tốt đẹp nhất. Ngài đem những thứ đó ban phát cho chúng sinh khiến họ sinh tâm hoan hỷ.” Vì thi hành việc giáo hóa nên Ngài phát tâm Bồ-đề tối thượng đến vô lượng chúng sinh. Những thiện hạnh như vậy là nhiều vô cùng, không thể nói hết được. Trải qua vô số kiếp, lúc công đức đã trọn vẹn, khi uy lực đã đủ đầy, Ngài mới hoàn thành những lời nguyện và bước vào Phật vị. Bởi thế, vô số chư thiên, nhân dân, đến các loài bò, bay, máy, cựa ở các thế giới khắp mười phương đều được Ngài độ thoát. Cũng bởi thế, nếu chúng sinh một lòng quy y Ngài thì sẽ được sinh vào cõi nước Cực lạc, được hóa sinh trong hồ thất bảo, tự nhiên lớn lên, ăn thức ăn thuần tự nhiên mà không dùng sữa mẹ; dung mạo và thân thể đoan nghiêm, sáng sủa, sạch sẽ và tươi đẹp. Những tính chất này người và Trời không so sánh được, vì ở cõi này đều thọ nhận cái thân thanh linh, tuổi thọ vô số. Khắp cõi Cực lạc đều là những thượng thiện nhân, không có con gái, ai cũng trường thọ và cũng đều có sự thấy nghe thấu suốt; nghĩa là tuy xa cách nhưng họ vẫn nhìn thấy nhau và nghe được tiếng nói của nhau. Ai cũng tìm cầu con đường thiện và không có những loại người khác. Dẫu trải qua ngàn vạn kiếp họ đều biết rõ nguồn cội của mình. Họ lại biết những việc ở hiện tại, vị lai của thế giới khắp mười phương, lại biết được những lời miệng muốn nói, những ý tưởng lòng ấp ủ của vô số nhân dân trên Trời, dưới Trời và của các loài bò, bay, máy, cựa. Nhờ có trí tuệ thông suốt, nên họ lại biết những loài chúng sinh ấy sẽ được độ thoát, được làm người, được vãng sinh Cực lạc vào năm nào, kiếp nào.

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 5

Truyện Tịnh độ viết: “Đức Phật A-di-đà cùng hai Bồ-tát là Quán Âm và Thế Chí lái con thuyền đại nguyện băng qua biển khổ sống chết, đến thế giới Ta-bà kêu gọi và dẫn dắt chúng sinh bước lên con thuyền đại nguyện rồi đưa về Tây phương. Nếu chúng sinh chấp nhận thì ai cũng được sinh.” Đọc đoạn đó, ta hiểu rằng vì Đức Phật và Bồ-tát xót thương nghĩ đến chúng sinh trầm luân trong biển khổ nhưng không cách gì thoát khỏi nên đem thệ nguyện và uy lực của mình để chiêu dụ hữu tình sinh về Tịnh độ; như người lái đò mời gọi khách lên thuyền để đưa sang bờ kia. Chỉ sợ chúng sinh không tin, còn nếu tin tưởng và ao ước được sinh, thì dẫu là kẻ có tội ác vẫn được sinh về. Tuy nhiên, chúng ta không thể so sánh Đức Phật với người phàm. Người phàm nếu không vì thế lực, quyền lợi thì không giao hảo với kẻ khác. Bậc hiền nhân, quân tử đã không làm vậy huống gì Đức Phật. Bởi vì, nếu không từ bi thì không phải là một vị Phật; nếu không tế độ chúng sinh, không có đại uy lực thì không phải là một vị Phật. Vì có từ bi, nên thấy chúng sinh trầm luân Ngài liền muốn cứu vớt. Vì có đủ đại uy lực; nên Ngài có khả năng làm tròn tâm nguyện và hoàn thành công cuộc tế độ của mình. Kinh nói: “Bậc Đại y vương có thể chữa trị tất cả bệnh tật nhưng không chữa được người mà mạng sống đã hết. Đức Phật có khả năng độ tất cả chúng sinh nhưng không thể nào độ những người không có niềm tin.” Kinh so sánh sự bất tín với mạng đã hết là vô cùng chí lý. Bởi vì tín tức là một lòng. Như lúc người còn sống, tâm muốn đi thì thân đi ngay, tâm muốn đứng thì thân đứng ngay. Đó là trường hợp thân tùy thuộc tâm. Song, cũng có lúc tâm muốn đi mà thân bị trói buộc, lúc thân hư hoại thì chỉ còn tâm mà thôi; tâm đã đến nơi thì không nơi nào mà thân không đến. Vì vậy, tâm tại Tịnh độ thì chắc hành giả sẽ sinh vào Tịnh độ, huống gì có Phật và Bồ-tát gọi mời, dắt dẫn ư?

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 6

Đức Phật A-di-đà có lời nguyện rằng: “Một khi đã sinh về nước tôi, ai muốn sinh về các phương khác đều được toại nguyện. Họ vĩnh viễn không bị đọa vào lại ba đường ác.” Vì sao? Vì người sinh vào Tịnh độ sẽ chứng được Vô sinh pháp nhẫn. Vô sinh pháp nhẫn tức là thoát khỏi sống chết. Kẻ đã thoát vòng sống chết thì tuy vào nơi sống chết nhưng tâm tánh không bị mê tối; tâm tánh không bị mê tối thì do đâu mà làm ác. Luận về lý thì không có sự sa đọa, huống gì nương vào Phật lực nữa, vì vậy nên không có sự sa đọa. Cho nên, người sinh về Tịnh độ không những sống mãi không già mà còn thoát được sống chết. Vì muốn thi thiết giáo lý để hóa độ tất cả chúng sinh, nên vào cảnh giới sống chết của tất cả chúng sinh mà chân tánh vẫn luôn sáng suốt, rạng rỡ, không bị mê hoặc bởi ngoại vật, không bị trói buộc nơi nghiệp duyên. Tuy ở cảnh luân hồi nhưng không bị luân hồi. Đó gọi là xuất thế gian; nghĩa là tuy ta đang ở trong thế gian nhưng vẫn ra ngoài thế gian. Bởi vậy, người sinh vào Tịnh độ thì sinh tử tự như. Nghĩa là muốn sinh lên Trời cũng được, muốn sinh vào loài người cũng được, muốn sinh vào gia đình đại giàu sang cũng được, muốn trường sinh bất tử cũng được, muốn diệt rồi sinh lại cũng được. Nói tóm lại, đó là luôn tự do tự tại theo ý muốn của mình. Người đời không nhận thức chân lý đó nên luôn bị khổ bởi sống chết; thay vì muốn sinh vào nơi an lạc lại bị sa vào chốn sầu não; muốn sinh vào con đường lành lại đi vào nẻo ác dữ. Nói tóm lại, là bị đủ loại ngoại vật làm cho tâm tư mê tối bị nghiệp duyên dẫn dắt, không được tự tại. Vì vậy, từ vô thỉ đến nay họ vẫn luân hồi trong sáu đường mà không thể nào ra khỏi. Ngưỡng mong tất cả mọi người nên nghĩ nhớ đến bao nổi buồn đau ấy mà lưu tâm đến Tịnh độ thì có thể nhận biết được lý do vì sao gọi là thế giới Cực lạc.

TỊNH ĐỘ TỔNG YẾU 7

Vô Vi, Dương Kiệt Thứ Công, thuở nhỏ đỗ đạt cao và thông hiểu tông chỉ của Thiền. Ông nói: “Căn tánh chúng sinh có nhanh chậm khác nhau, chỉ có Tịnh độ Tây phương là gần mà dễ biết, giản đơn mà dễ thực hành, chỉ cần hành giả một lòng quán niệm và nương vào nguyện lực của Phật thì sẽ được sinh về an dưỡng.” Ông viết lời tựa cho tác phẩm “Trực Chỉ Tịnh độ Quyết Nghi” của Vương Mẫn Trọng rằng: “Ánh sáng của Đức Phật A-di-đà như vầng trăng lớn và tròn, chiếu khắp mười phương. Nếu như nước trong và lặng thì toàn thể mặt trăng hiện ra, nhưng không phải mặt trăng theo nước mà đến; mặt trăng không nguyên vẹn ánh sáng khi nước bị bẩn và động, nhưng không phải mặt trăng bỏ nước mà đi. Nước thì có sạch và bẩn, động và lặng; mặt trăng thì không có sự giữ và bỏ, đến hay đi.”

Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói về con của trưởng giả Giải Thoát có đoạn: “Biết tất cả Phật như ảnh tượng. Tự tâm như nước, chư Như Lai không đến nơi này. Nếu ta muốn thấy Phật Di-đà nơi Cực lạc, thì liền thấy, theo ý mình.”

Như vậy, chúng ta biết rằng, nếu chúng sinh chí tâm nghĩ nhớ thì chắc chắn được thấy Phật A-di-đà, nếu được sinh về Cực lạc thì sẽ không có những nỗi đau khổ.

Kinh Ban-chu Tam-muội nói: “Bồ-tát Bạt-đà-hòa hỏi Phật Thích- ca rằng: “Làm sao chúng sinh đời vị lai có thể thấy được chư Phật?” Phật dạy: “Nếu chúng sinh niệm Phật A-di-đà thì sẽ được thấy chư Phật khắp mười phương.” Lại nữa, kinh Đại Bảo Tích nói: “Nếu những chúng sinh ở phương khác nghe danh hiệu của Như Lai Vô Lượng Thọ cho đến phát được một niệm của lòng tin trong sạch cũng như hoan hỷ và yêu thích, tất cả thiện căn có được đều đem hồi hướng để nguyện sinh vào cõi Cực lạc, thì sẽ vãng sinh tùy theo ước nguyện ấy và đạt được quả vị không thoái chuyển”.

“Tất cả những đoạn kinh ấy đều là lời Phật. Nếu chúng ta không tin lời Phật thì có lời nào đáng để tin? Nếu chúng ta không sinh về Tịnh độ thì có cõi nào đáng để sinh về?”.

Ông Tô Đông Pha nói: “Những năm cuối đời, Thứ Công làm Giám ty Thái thú; ông vẽ tượng Đức Phật A-di-đà cao một trượng sáu và luôn đem theo để cúng dường, quán niệm. Lúc lâm chung, cảm được Phật đến đón nên ông ngồi đoan nghiêm mà đi.”