LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN

SỐ 1970

QUYỂN 09

Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn

Kinh Thập Lục Quán nói: “Nhân của Thượng phẩm thượng sinh là đọc tụng kinh điển Đại thừa, giải Đệ nhất nghĩa.” Vì vậy, người tu Thượng phẩm phải biết rõ yếu chỉ sâu thẳm của Đức Phật. Nhưng hiện nay, đối với người tu, ngay cả ý cạn còn chưa biết nói gì ý sâu! Vì vậy, những điều thiết yếu từ cạn đến sâu trong sự dụng công hằng ngày đều được trình bày ở đây, nên tôi gọi là “Trợ Tu Thượng Phẩm”.

Nói về chữ tập.

Yếu chỉ mà Khổng Tử dùng để dạy ba ngàn đệ tử không nằm ngoài bộ Luận Ngữ. Nhưng chương đầu tiên lại lấy câu “Học nhi thời Tập chi. Như thế, câu đó là công việc đầu tiên và cấp thiết nhất. Bởi lẽ, “Học” nghĩa là học làm quân tử, làm Thánh nhân thì không thể là việc của một sớm một chiều mà được, nên cần phải vận dụng thời gian để tu tập dần dần. Nếu muốn học được đức tính rộng lớn thì tập ở lúc hẹp hòi; học tín ôn hòa thì tập ở lúc phẫn nộ; học đức tính khiêm cung thì tập ở lúc ngạo mạn; học đức tính lương thiện thì tập ở lúc gian xảo; học đức tính khiêm nhượng thì tập ở lúc tranh thắng; và học đức tính cần mẫn thì tập ở lúc biếng nhác. Song, nói “Tập ở thời” nghĩa là tập ngay những lúc mình đang có việc. Có như thế, việc tập ấy mới không phải là việc hư giả và tất nhiên việc tập của mình mới chắc chắn thành tựu. Việc tập mà thành thì hẳn nhiên là bản thân mình tự có niềm an lạc. Vì vậy mà Khổng Tử nói “Lẽ nào lại không có niềm vui”. Kẻ ngộ nhận được chân lý ấy thì có thể thực hành dễ dàng tất cả điều thiện được nói trong luận ngữ, và cũng do đó mà ta biết được thâm ý của Khổng Tử khi Ngài đem câu ấy mà đặt ở phần đầu của mỗi chương.

Những người tu Tây phương để tiến đến chân lý thì lại càng biết quý chữ tập hơn nữa, cho nên cần phải nhận thức thật thấu đáo về chữ tập.

Nói về việc làm lợi cho người của Thái Thú Cát.

Niên hiệu Đại Quán, có một quan viên mua dép trong chợ ở Kinh đô. Ông thấy một đôi dép rất lớn. Quan viên ấy hỏi thì chủ tiệm nói: “Đôi dép đó là của một quan viên đến sửa. Ông ta dùng nó để tống táng.” Quan viên này hỏi bao giờ chủ nhân đến nhận và ông ta đợi. Y như lời, ông thấy cha mình xuống ngựa, trả tiền và mang đôi dép đi. Người con làm lễ nhưng người cha không đoái hoài đến rồi lên ngựa đi luôn. Người con đuổi theo hai, ba dặm liền nói lớn, vì sợ không theo kịp: “Chúng ta là cha con, sao cha không có một lời để khuyên bảo?” Người cha nói: “Những kẻ học với Cát này rất đông. Vậy người đang nói với Cát là ai?” Người con đáp: “Là người đời!”; rồi hỏi nơi ở. Lúc bấy giờ ông Cát đang làm thái thú ở Trấn Giang. Người con đến thăm. Sau khi trình bày lý do, vị quan viên hỏi: “Tại sao cha lại xem trọng chuyện bên kia thế giới vậy?” Người cha đáp: “Đầu tiên, một ngày ta làm một việc có lợi cho người khác. Tiếp đến là hai việc, sau nữa là ba hoặc bốn việc, hoặc mười việc. Ta làm như thế đến nay đã bốn mươi năm và cũng chưa bỏ dẫu chỉ trong một ngày.”

Hỏi: “Làm việc gì để có lợi cho người khác?” Thái thú Cát chỉ vào cái ghế thấp ở dưới chân mà nói: “Con thấy chứ? Nếu cái ghế này không được đặt ngay ngắn thì nó sẽ kẹp chân người. Ta sửa lại nó ngay ngắn. Đó cũng là việc có ích lợi cho người khác! Lại nữa, nếu người ta khát nước, ta mang cho họ một ly, đó cũng là việc lợi người. Nói tóm lại, ta làm việc lợi người tùy theo vị trí của mình, nên trên từ khanh tướng, dưới đến kẻ ăn xin đều có thể làm được cả. Điều quan trọng là giữ cho bền bỉ.”

Người con lạy cha rồi lui về. Sau này, do tuổi già nên Thái thú Cát ngồi mà mất.

Qua câu chuyện đó ta thấy rằng, những việc làm nào có ích lợi cho mọi người ta nên cố gắng để làm, những chuyện nào có hại cho mọi người thì ta nên từ bỏ. Cổ nhân nói: “Thương người và làm lợi cho vật thì gọi là Nhân.” Thái thú Cát là người đã đạt được những lời cổ nhân nói. Ông ta lại chuyên tu Tịnh nghiệp và đem những việc làm đó để hồi hướng nguyện sinh Cực lạc. Sau này, có vị Tăng du Thần ở Tịnh độ và thấy ông Cát ở tại đó.

Nói về quả báo của bố thí.

Nhà Nho nói “Thí báo”. Nhà Phật nói “Bố thí quả báo”. Thật ra hai cách nói ấy không khác nhau. Đức Phật nói: “Muốn có thức ăn thì phải siêng năng trồng trọt. Muốn được trí tuệ thì phải siêng năng học hỏi. Muốn sống lâu thì phải tự ngăn cấm mình đối với việc sát hại. Muốn được giàu sang thì phải luôn bố thí.”

Bố thí có bốn loại:

  1. Tài thí: Tức là đem tiền của để giúp đỡ cho người khác.
  2. Pháp thí: Tức là đem con đường thiện để giáo hóa mọi người.
  3. Vô úy thí: Tức là khi người và loài vật đang sợ hãi, ta an ủi khiến họ được yên ổn. Hoặc ta đem cách thoát ly sợ hãi dạy cho họ khiến họ không còn sợ hãi nữa.
  4. Tâm thí: Tức là tuy sức mình không thể cứu giúp vật nhưng luôn luôn nuôi dưỡng tâm cứu giúp vật.

Đức Phật dạy: “Hiếu dưỡng với cha mẹ, đó cũng là bố thí”. Thông thường, đem những vật bên ngoài mình cho những người khác thì gọi là bố thí. Vì vậy, làm người dưới thì trung thành và năng nổ thờ phụng người trên; làm người trên thì đem nhân từ để làm cho chúng dân được an ổn; làm thầy thì cẩn thận ở cách giáo dục và dắt dẫn; làm bạn thì thành thật ở việc tu dưỡng. Nói chung là mỗi lời ăn tiếng nói đều cầu sự lợi ích, mỗi hành vi cử chỉ đều không làm thương tổn đối với người khác, và dùng đủ loại phương tiện mà làm lợi vật cũng như không làm cho người và vật bị tổn thương. Tất cả những điều ấy đều là Bố thí. Việc ta làm đều như thế, tâm ta cũng được nuôi dưỡng như thế, thì sao lại không gặt hái được quả báo phú quý ở đời sau?

Lời xưa nói:

“Người người đều biết có năm sau,

Nên nhà nhà đều gieo hạt năm sau,

Ai ai cũng biết có đời sau,

Sao không gieo trồng phước đời tới?”

Phước đức mà ta nhận được hôm nay là do sự tu tạo ở đời trước, cũng như lúa gạo ta ăn năm nay là do sự gieo trồng ở năm trước. Con người ta không thể gieo hạt vào buổi sáng mà có ăn vào buổi chiều được; cũng như không thể vừa tu phước mà lại thọ nhận ngay được. Vì vậy, gieo trồng lúa đậu thì phải nửa năm; gieo trồng phước đức thì phải đợi đến đời khác.

Khổng Tử nói: “Của phi nghĩa nên quẳng xuống đất, không nên giữ trong người. Lực bất chính không nên phát ra ở thân, không nhất thiết vì mình.” Lão Tử nói: “Vì người thì ta càng có. Cho người ta càng có nhiều”. Cả hai câu trên đều nói về việc bố thí.

Tăng Tử nói: “Điều gì xuất phát từ nơi người thì nó cũng trở lại với người.”

Lão Tử nói: “Đạo Trời quý ở sự trở lại.” Hai câu trên đều nói về quả báo.

Như vậy, Nho giáo và Đạo giáo đều nói về thí báo. Nhưng hai giáo thuyết đó không nói về nhân quả thuộc phạm vi đời khác. Nghĩa là họ chỉ nói rằng nếu ta thương người thì người luôn thương mình; nếu ta kính trọng người thì người luôn kính trọng mình; nếu ta gây tai họa cho người thì người sẽ gây tai họa cho ta. Nói chung, tất cả đều là thí báo thuộc phạm vi đời này.

Biết những điều ấy để tu Tịnh độ thì thiện căn được vun bồi nhiều thêm.

Nói về bậc chí nhân được sống lâu.

Tôi thường nghe bậc chí nhân nói: “Thức ăn, áo mặc, tài lộc của con người đều có định số ở âm ty. Người biết kiệm ước không tham thì tuổi thọ được dài. Kẻ xa xỉ và mong cầu quá nhiều, lúc tuổi thọ hết thì những vật ấy cũng chấm dứt. Như người có ngàn đồng tiền vàng, nếu một ngày tiêu trăm đồng thì trong mười ngày sẽ tiêu hết ngàn đồng; nếu một ngày tiêu năm mươi đồng thì ngàn đồng ấy sẽ dùng được hai mươi ngày; còn nếu tiêu xài hoang phí, xa xỉ và không làm lụng, thì trong một ngày sẽ tiêu sạch ngàn đồng ấy.”

Kinh Dịch nói: “Số của Trời đất là năm mươi lăm, nên thành sự biến hóa mà vận hành nơi quỷ Thần.” Đó là cái lớn của Trời đất, là sự huyền diệu của biến hóa. Sự sâu thẳm mịt mờ của quỷ Thần mà còn không mất đối với số, huống gì đối với con người?

Có người hỏi: “Vì sao người có tính liêm sỉ và kiệm ước nhưng mạng sống lại ngắn, còn kẻ có tánh tham lam và hoang phí nhưng lại sống lâu?” Đáp: “Người có đức tính liêm sỉ và cần kiệm nhưng mạng sống ngắn ngủi là bởi số đời này của họ ít; nếu lại tham lam và hoang phí nữa thì mạng sống càng ngắn ngủi hơn. Kẻ có tính tham lam và hoang phí nhưng mạng sống lại dài là bởi số đời này của họ nhiều; nếu biết liêm sỉ và cần kiệm thì mạng sống sẽ dài lâu hơn nữa.

Vả lại, Trời đất không thiên vị với con người thì không thể nói số ở hiện đời là nhiều hay ít, mà nhiều hay ít là do hành vi của đời trước cả. Vì vậy mới nói rằng:

“Muốn biết nhân đời trước,

Xem thọ nhận đời này”.

Điều quan trọng nhất là nếu hiện đời ta làm được nhiều việc phước thiện, thì phước và thọ sẽ được tăng. Bởi vậy, kinh thư nói: “Thần đến nghe điều ấy. Làm lớn phước của ngươi.” Nếu hiện đời ta tạo lắm tội lỗi thì phước thọ sẽ suy giảm. Nên kinh thi nói: “Làm nhiều việc bất chính, tức là tự chôn mình.”

Vả lại, hành giả tu Tịnh độ không hẳn chú trọng quá nhiều phước thọ, nhưng nếu làm những việc tổn phước thọ thì là mỏng đức. Há không tự răng mình ư? Những việc làm tăng thêm phước thọ tức là việc bồi bổ cho đức được sâu dày hơn, há chúng ta không nên cố gắng sao?

Nói về việc ăn thịt.

Đức Phật nói với Bồ-tát Đại Tuệ rằng: “Có vô số lý do không nên ăn thịt. Hôm nay Như Lai sẽ nói cho ông nghe. Nghĩa là do sự xoay vần của nhân duyên mà từ xưa đến nay tất cả chúng sinh luôn làm thân quyến của nhau; vì tưởng đến mối thân quyến đó nên không nên ăn thịt. Vì thân thể do khí phận không trong sạch nuôi lớn, nên không nên ăn thịt. Vì nếu chúng sinh nghe mùi thì đều sợ hãi, vì thế các người không nên ăn thịt. Vì ăn thịt sẽ làm cho lòng từ của người tu không sinh, bởi thế không nên ăn thịt. Vì thịt mà hạng phàm phu mê đắm, là món hôi bẩn, là món bất thiện, bởi thế các ông không nên ăn thịt. Vì thịt làm cho chú thuật không có hiệu nghiệm, bởi thế các ông không nên ăn. Vì khi kẻ sát sinh thấy hình khởi thức đều đắm sâu mùi vị, bởi thế các ông không nên ăn thịt. Những người ăn thịt thì chư thiên không đoái hoài đến, bởi thế các ông không nên ăn thịt. Vì thịt làm cho miệng có mùi hôi, bởi thế các ông không nên ăn. Vì người ăn thịt lúc ngủ hay gặp ác mộng, bởi thế các người không nên ăn. Vì nếu người ăn thịt ở nơi vắng vẻ, rừng núi, thì hổ lang sẽ nghe mùi và tìm đến, bởi thế các ông không nên ăn. Vì ăn thịt sẽ khiến cho người ta mất điều độ đối với việc ăn uống, bởi thế các ông không nên ăn. Vì thịt làm cho người tu không sinh tâm yếm ly, bởi vậy các người không nên ăn. Vì ta thường nói rằng, khi muốn ăn thịt, các ông nên tưởng là đang ăn thịt con mình, nên tưởng là đang uống thuốc, bởi vậy các ông không nên ăn thịt. Không có chuyện Như Lai nói đến việc ăn thịt.”

“Này Đại Tuệ! Những kẻ sát sinh vì tiền bạc mà giết để bán. Những người ngu ăn thịt chúng sinh kia đem tiền mà mua và đánh bắt các loài thịt. Những kẻ sát sinh ấy lấy tiền bạc, hoặc dùng cần câu và lưới để bắt những chúng sinh dưới nước, trên không và trên đất liền, chúng giết hại đủ loại chúng sinh để bán buôn và cầu lợi.”

“Này Đại Tuệ! Việc ăn thịt ấy vốn do sự giáo hóa, sự tìm cầu và ức tưởng mà có. Vì lý do đó nên các ông không nên ăn thịt.”

Đức Phật lại nói bài kệ giảng lược thế này:

“Vì lợi mà giết chúng sinh

Đem tiền mua đủ loại thịt

Cả hai đều là nghiệp ác

Chết đọa ngục Gọi kêu.

Nếu không do giáo hóa

Cùng tìm cầu ức tưởng

Thì không có tam tịnh nhục

Tất cả đều có nguyên nhân

Vì thế, thịt không nên ăn.

Rượu thịt và ngũ vị tân

Chướng ngại con đường Thánh

Ăn thịt thì không Từ bi

Xa rời biểu tướng Thánh đạo

Và con đường giải thoát

Thịt vì vậy không nên ăn.”

Vốn dĩ thịt chúng sinh không phải là vật dùng để ăn, nhưng do mắt thấy, tai nghe đã trở thành tập quán, nên không biết nó là vật không phải dùng để ăn. Người nào đoạn được việc ăn thịt thì vô cùng quý. Nếu người nào không bỏ được việc ăn thịt thì nên ăn theo phép Tam tịnh nhục, nhưng cũng nên giảm bớt thịt. Nếu ăn mà có cả mùi vị của ngũ vị tân thì nên bỏ bớt một loại. Nếu cả hai bữa ăn đều thịt thì nên ăn một bữa rau. Bởi lẽ tài lộc và khoa cử vốn có số, nên nếu ăn được như vậy sẽ được sống lâu. Người ăn rau buổi sáng thì có nhiều điều lợi:

  1. Nghiệp duyên sẽ giảm bớt.
  2. Thân tâm dễ được trong sạch.
  3. Điều thiện không bị cản trở.
  4. Không có tâm trạng chán món này thích món khác vào bữa ăn tối.

Ăn uống như vậy thì sẽ được sống lâu. Nếu người nào ăn chay

thấy khó khăn thì nên dùng chi phí cho thịt cá để ăn rau thì dễ thực hành và giữ cách ăn ấy được bền lâu. Còn nếu chúng ta ăn chỉ vì muốn thỏa mãn bụng và miệng thì không bao giờ biết chán đủ cả. Có người nói: “Muốn không có kiếp binh đao ở thế gian thì chúng sinh không nên ăn thịt.” Lời nói ấy quả là đáng sợ!

Người ăn theo phép “Tam tịnh nhục” thì ngày tiếp sau nên vì thịt của chúng sinh mình đã ăn mà niệm bốn Thánh hiệu Tây phương, và chân ngôn để truy tiến vãng sinh, cũng có thể giải oán kết và diệt được tội lỗi.

Căn cứ vào lời vua Diêm-la nói với Trịnh Lân thì niệm bốn Thánh hiệu để truy tiến cũng được vãng sinh. Chuyện này được ghi rõ ở quyển thứ tám.

– Tam tịnh nhục là:

    1. Không thấy việc giết.
    2. Không nghe nói đến việc giết.
    3. Không hoài nghi rằng người ta giết vì mình.

Cộng với thịt tự tử và thịt thừa của chim gọi là ngũ tịnh nhục.

Nói về giới sát, đạo, dâm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói: “Do tưởng ái nữ sắc, tâm cột vào đó không lúc nào rời ra nên có dâm dục. Vì thế, cha, mẹ, con, cháu ở thế gian nối tiếp nhau không dứt. Những kẻ đó lấy dục tham làm gốc. Do tham ái huyết vị, và tâm tham ấy không dừng lại, nên có việc ăn thịt. Vì thế các loài noãn, hóa, thấp, thai ở các cõi tùy sức mạnh của mình mà ăn nuốt lẫn nhau. Những chúng sinh đó lấy sát tham làm gốc. Vì người ăn thịt loài dê, nên dê chết làm người, và người chết lại làm dê. Sự ăn nuốt lẫn nhau của các chúng sinh khác cũng như vậy; nghĩa là sự sống chết, chết sống thay nhau và ăn thịt lẫn nhau. Sự câu sinh của các nghiệp tiếp diễn như thế đến tận cùng vị lai. Như thế, sự ăn ấy lấy trộm và tham làm gốc. Người đoạt mạng ta, ta trả nợ người; do nhân duyên ấy mà chúng sinh ở mãi trong sinh tử trăm ngàn kiếp.”

“Ngươi đắm say lòng ta, ta yêu chuộng sắc đẹp của ngươi; do nhân duyên đó mà ở mãi trong chốn buộc ràng trăm ngàn kiếp. Đó là ba giới căn bản sát, đạo, dâm. Vì nhân duyên của sát, đạo, dâm mà quả báo của ác nghiệp cứ nối nhau không dứt.”

Còn Tịnh độ Tây phương thì nhờ thọ nhận thân thanh tịnh, nên không sinh ra từ dâm dục; nhờ ăn món ăn thanh tịnh nên không do sự sát hại mà có vật thực; nhờ kết bạn với những người thanh tịnh nên không nhân sự nhiễm trước mà có sự giao hảo. Tất cả đều thoát khỏi những điều mà kinh đã nói. Vì vậy, người tu Thượng phẩm cần phải biết rõ.

Nói về vấn đề ăn uống và trai gái.

Uống ăn và trai gái là hai điều ham muốn lớn nhất của con người! Bậc chế phục và xem nó như không có được gọi là Thánh nhân. Người tiết chế nó mà không phóng túng gọi là Hiền nhân. Kẻ phóng túng và không tiết chế được nó là phường hạ ngu. Bởi lẽ, hai loại ham muốn ấy là điều kiện để con người tạo tội. Kẻ sát sinh để nuôi miệng và bụng nếu không tạo tội thì làm gì? Huống gì hai loại ấy lại hỗ trợ nhau để phát khởi. Nghĩa là do ăn uống béo bổ nên khí huyết đầy tràn, huyết khí đầy tràn thì dâm dục nhiều. Dâm dục nhiều thì huyết khí bị hao tổn, huyết khí bị hao tổn thì cần ăn uống để tẩm bổ. Nếu con người muốn giảm sự ham muốn của bụng và miệng, thì trước tiên phải tiết chế việc dâm dục. Nếu người tiết chế được dâm dục thì có thể giảm được sự ham muốn của bụng và miệng. Đó là con đường để được khỏe mạnh và sống lâu. Người nào tiết chế được và dứt hẳn hai vấn đề ấy, dẫu ăn uống đạm bạc, nhưng vẫn thấy ngon. Kẻ phóng túng với hai điều ấy, thì bởi số của thọ dụng của đời người vốn có hạn, lúc hết hạn thì mất sớm.

Thiền sư Từ Giác nói:

Uống ăn với người dài ngày tháng,

Dở ngon tùy phận qua cơn đói,

Vừa qua vài phân thành vật gì?

Sao chẳng đem tâm mà suy nghĩ kỹ.

Nếu luôn suy xét như vậy thì tự mình có thể giảm bớt được sự ham muốn của miệng và bụng.

Vụ Thật Dã phu nói:

“Túi da thịt xương cùng phẩn tiểu,

Miễn cưỡng kiêu căng phỉnh gạt người,

Anh hùng thiên cổ ngồi đây cả,

Trăm năm rồi cũng nắm đất thôi”.

Nếu luôn suy xét như thế thì tự mình có thể giảm được chuyện dâm dục. Quả thật, nếu chúng ta thoát được hai điều ấy, thì hiện đời làm gì có sự ốm đau cùng chết yểu và thân sau làm gì bị rơi vào địa ngục, súc sinh?

Người tu Tịnh độ dẫu không thoát được hai điều đó, nhưng cũng thoát khỏi luân hồi. Nhưng với hai vấn đề ấy, người tu Tịnh độ nên tự cấm mình.

Nói về lòng tham phá hư tiền đồ.

Có hai vị quan viên cầu mộng trong miếu Nhị Tướng tại kinh đô để hỏi về tiền đồ. Đêm đó, một vị mộng thấy có người cầm cuốn sổ, ông ta mở bìa và nói: “Đây là tiền đồ của vị quan nhân cùng đi với ông.” Người đó nhìn vào sổ thấy bạn của mình được nâng lên từ Tiểu quan đến chức Tể tướng, nhưng lại có dấu xóa. Vị quan viên hỏi lý do. Người cầm sổ đáp: “Quan nhân này tham tài. Nếu ở trần gian mà lấy một vật gì đó thì ở đây sẽ xóa một điều. Nếu nhanh chóng sửa lỗi thì còn có thể làm đến chức Giám ty.” Người bạn nghe nói lại như vậy, nên không còn lấy tài sản người khác một cách bừa bãi nữa. Sau này ông ta làm đến chức Giám ty.

Lại nữa, thuở Hà Tiên Cô còn sống, có một chủ bạ có Thiên thư giáng. Vì ông không biết chữ nên liền đến hỏi Tiên cô. Tiên cô bày hương án, lễ lạy rồi xem. Xem xong, Tiên cô mỉm cười. Chủ bạ hỏi:

“Con đến hỏi vì sao Tiên cô lại cười?” Tiên cô nói: “Thiên thư nói Chủ bạ nhận mười lượng vàng nên bị mất tài lộc trong năm năm!”

Qua hai câu chuyện trên ta thấy rằng, tiền của bất nghĩa là vật đáng sợ. Nếu ta đem tâm biết kinh sợ đó nương nơi Tịnh độ thì thiện duyên sẽ chín muồi rất nhiều.

Nói về phước, tuệ.

Làm người thì cần phải tu tập phước, tuệ. Tu phước là làm những việc có lợi cho con người, luôn thực thi phương tiện, làm tất cả điều thiện và tự cấm đối với những điều ác. Tu tuệ là biết nhân quả và tội phước, đọc tụng kinh sách của Phật để biết rõ vấn đề lý tánh ở bên trong, đọc sách Nho để hiểu được đạo của thế gian ở bên ngoài. Tu phước thì được giàu sang. Tu tuệ thì được sáng suốt. Nếu chỉ tu tuệ nhưng không tu phước thì tuy sáng suốt nhưng lại khốn cùng. Nếu tu phước nhưng không tu tuệ thì tuy giàu sang nhưng lại ngu si. Còn nếu tu cả phước và tuệ thì đã giàu sang lại sáng suốt. Nếu không tu Phước và tuệ thì đã ngu si mà lại khốn cùng nữa. Đức Phật tu cả phước và tuệ nên được gọi là Lưỡng Túc Tôn. Nghĩa là bậc có đủ cả phước và tuệ.

Ngày xưa, có hai người cùng tu hành. Một người chuyên tu phước, một người chuyên tu tuệ. Sau mấy đời, người chuyên tu phước thì nhân thọ phước mà làm ác nên bị đọa vào loài voi; nhưng nhờ còn phước nên được người cỡi để chiến đấu, đồng thời do có công trạng nên quốc vương đem chuỗi anh lạc ban cho nó. Người chuyên tu tuệ thì đắc quả A-la-hán, nhưng không tu phước nên dẫu làm Tăng mà lúc đi khất thực phần lớn vẫn không có ăn. Vì vậy có bài kệ nói rằng:

“Tu phước không tu tuệ,

Làm voi đeo anh lạc,

Tu tuệ không tu phước,

Nên phước La-hán mỏng.”

Đó là lý do mà hành giả cần phải tu cả phước và tuệ. Nếu không thể tu cả phước và tuệ thì nên tu tuệ chớ không nên chú trọng về phước. Vì nếu chú trọng về tuệ hơn thì ta biết được vấn đề tội và phước để cẩn trọng trong hành vi và luôn tự ngăn cấm mình, nhờ đó nên không bị sa đọa. Nếu xem nặng phước hơn thì vì thọ phước mà làm điều ác, và do đó mà ta sẽ bị đọa lạc. Kinh Lăng Già nói: “Thọ lạc hiện đời tức gieo khổ mai sau.” Kệ nói:

“Tu cả phước tuệ,

Cùng niệm Di-đà,

Là bậc cao nhất

Trong chín phẩm sen

Hoài nghi gì nữa.”

Nếu người trai giới và sáng suốt tu tập thì chắc chắn được Thượng phẩm thượng sinh. Kệ lại nói:

“Tuy tu phước và tuệ,

Nhưng không niệm Di-đà,

Chưa chứng quả La-hán,

Luân hồi chưa thoát ra.”

Bởi lẽ, nếu tu hành ở cõi này thì ta phải đắc quả La-hán mới thoát được luân hồi.

Nói về việc tu tập lòng Từ.

Bồ-tát Quán Thế Âm nói: “Tất cả điều thiện đều sinh ra từ lòng Từ.” Lão Tử nói: “Tam bảo lấy Từ làm đầu.” Nho giáo nói: “Nhân là con đường đầu tiên của ngũ thường”. Như vậy, ý của ba giáo lý đều giống nhau. Sở dĩ người ta có quá nhiều sân nộ là bởi họ không suy gẫm về lòng từ. Chưa nói chuyện sân nộ làm hại chúng sinh và tạo nên nghiệp, mà trước hết sự sân nộ ấy làm hao khí và thương tổn đức tính hòa nhã của mình. Bao giờ người ta đạt đến cảnh giới của Từ và Nhân, lúc đó họ mới biết rằng sân nộ là tâm thái không tốt lành.

Tất nhiên, lúc đang sân nộ thì ta không thể tự biết nỗi khổ do sân nộ gây ra. Cũng như ta đang lúc đi trong bụi gai, đến chỗ có phòng lớn để nghỉ ngơi, ta mới biết được sự sai lầm của tánh sân nộ trước đây như đang đi trong bụi gai vậy! Đến lúc ta đã tập được lòng nhân từ , thì giống như được vào nghỉ ngơi trong căn phòng rộng rãi. Điều này tôi không thể nào diễn đạt trọn vẹn bằng lời lẽ được. Nghĩa là, ta chỉ nên tập trong lúc sân hận, lâu dần tự mình sẽ có được niềm an lạc. Giáo lý của Đức Phật và Lão Trang ngăn cấm sân tâm thì đã đành; nhưng ngay cả Nho gia cũng ngăn cấm đối với sân tâm. Hoàn Khôi hại Khổng Tử, nhưng Khổng Tử có sân hận chăng? Tạng Thương hủy báng Mạnh Tử nhưng Mạnh Tử có giận chăng? Hàn Tín không báo thù mối nhục “lòn trôn”. An Quốc không oán giận lời “chìm tro”. Những bậc ấy xứng đáng làm thầy cho thiên hạ. Huống gì kẻ tiếp đãi người nghèo hèn, chế ngự nô bộc, thê thiếp và những người chửi mắng, phản nghịch thì mình sẽ dễ sân hận hơn nữa. Thật ra, những kẻ ấy cũng là người, nhưng vì phước báo của họ kém mỏng nên mới hầu hạ ta, lẽ nào ta lại mặc tình để tự tạo ác nghiệp?

Nói cho cùng, thì lòng Từ hòa sẽ mang lại sự tiện lợi cho chính bản thân mình.

Kinh nói:

“Đời này thấy mình,

Mọi người hoan hỷ,

Do kiếp trước ta,

Hoan hỷ với người.”

Bốn câu đó nói đến sự đạt lòng Từ hòa. Hành giả tu Tịnh độ nên lấy Từ hòa làm tâm. Nghĩa là, nếu tất cả chúng sinh gây nên tội ác với ta đi nữa, ta cũng không nên sinh tâm sân hận để làm cho tâm thanh tịnh của ta bị dơ bẩn. Ta nên nghĩ rằng, những kẻ ấy vì ngu si mà hành động như vậy, nếu người có trí tuệ thì chắc chắn họ sẽ xử sự khác đi. Vì vậy chúng ta nên khởi tâm xót thương cho sự ngu si của họ.

Cũng vì thế nên Tăng Tử nói: “Nếu đạt được ý nguyện thì nên lo buồn chứ đừng vui mừng”. Nếu hành giả giữ gìn tâm niệm đó để tu Tịnh độ thì thiện căn sẽ được tròn đầy và chín muồi rất nhiều.

Nói về việc làm bậc quân tử.

Là người ai cũng có thể làm quân tử nhưng lại không chịu làm, ai cũng không nên làm tiểu nhân vậy mà ai cũng làm. Hoặc là thành tín, hoặc là cung kính, hoặc ôn hòa phương chính, hoặc trọng người hiền và nêu cao điều thiện, hoặc tùy nghi để làm lợi cho chúng sinh; tất cả những phẩm chất đó đều là công việc của bậc quân tử. Tại sao không ai chịu làm những việc đó dẫu không có gì khó khăn?

Hoặc là dối trá ngạo mạn, hoặc là thô bạo siểm khúc, hoặc nói lỗi người khác và đề cao điều ác, hoặc phóng túng và làm hại chúng sinh theo ý tưởng của mình; đó là những phẩm chất của phường tiểu nhân. Tại sao ai cũng cứ làm, dẫu biết chẳng lợi lộc gì cả?

Làm quân tử thì mọi người đều vui mừng, được Thần linh gia hộ, hoạn nạn không sinh và phước lộc được bền lâu. Nói tóm là gặt hái được rất nhiều. Tuy làm những việc ấy có khi bị mất mạng nhưng không phải vì làm bậc quân tử nên bị mất mạng, bởi lẽ có những người không làm quân tử mà vẫn mất mạng như thường! Vì sao? Vì mạng sống vốn có định số. Làm tiểu nhân thì ai cũng oán trách, Thần linh nổi giận, họa hoạn sẽ sinh và phước thọ bị suy giảm. Nói tóm là mất mát rất nhiều. Tuy làm kẻ tiểu nhân vẫn có lúc bảo toàn được mạng sống, nhưng sự thể ấy không phải do làm tiểu nhân mà có được, bởi lẽ có những kẻ khác không làm tiểu nhân, nhưng vẫn bảo vệ được mạng sống! Vì sao? Vì mạng sống vốn đã có định số.

Khổng Tử nói: “Không biết gì về mạng thì không thể làm bậc quân tử. Kẻ tiểu nhân vốn không biết gì mạng Trời cả!”. Ngài lại nói:

“Được hay mất đều do mạng số. Phải thường xuyên suy gẫm về chân lý đó.” Ý Khổng Tử nói rằng: “Bậc quân tử là người có khả năng để thực hành cái đạo lý đó, nên gọi là quân tử. Kẻ tiểu nhân thì lại bẻ cong cái đạo lý đó, nên gọi là tiểu nhân.” Dùng đạo lý đó mà tu tập Tịnh độ thì hành giả sẽ không bị sinh về Hạ phẩm.

Nói về việc làm Thánh, làm Phật.

Theo quan điểm của tôi, thì sở dĩ Khổng Tử là bậc Thánh bởi vì Ngài không rơi vào tư tưởng một chiều. Song, vấn đề quan yếu nhất của Ngài là thái độ “Chắc chắn rằng trong ba người cùng đi với nhau sẽ có người là thầy của ta”. Ngay kẻ ác cũng là thầy của ta. Vậy có ai không phải là thầy của ta? Kiến thức của Ngài như vậy quả xứng đáng là bậc Thánh!

Lại nữa, theo quan điểm của tôi, thì sở dĩ đức Thích Ca được gọi là Phật là bởi Ngài không rơi vào tư tưởng một chiều. Nhưng điều cốt tủy nhất của Ngài là: Lúc Đức Phật còn tu hành trong núi, có một vị quốc vương đi săn bắn hỏi Ngài thú vật ấy ở đâu. Nếu Ngài nói thật thì mạng sống của thú vật sẽ bị giết, nhưng nếu nói dối thì sẽ bị phạm giới vọng ngữ. Đang lúc còn phân vân chưa đáp, thì Quốc vương nổi giận và chém đứt một cánh ta của Ngài! Quốc vương lại hỏi như trước và Ngài đang trầm ngâm chưa đáp thì quốc vương lại chém đứt một cánh tay nữa! Ngài liền phát nguyện rằng: “Nguyện lúc tôi thành Phật, trước tiên tôi sẽ độ quốc vương để mọi người không học theo ông mà làm ác!” Đức Thích Ca nuôi dưỡng tâm mình như vậy thì làm sao không xứng đáng là một vị Phật được.

Sau khi Đức Thích-ca ra đời và thành Phật, Ngài độ Tôn giả Kiều- trần-như trước, vì Tôn giả chính là vị quốc vương thuở đó. Nếu chúng ta áp dụng hai tâm niệm của hai vị ấy trong lúc tu tập Tịnh độ, thì chắc chắn rằng mình sẽ đứng ngang hàng với chư vị Đại Bồ-tát.

Nói về A-la-hán.

Đức Phật nói rằng: “Tuy quả vị A-la-hán luôn được Trời và người cúng dường, nhưng phước lực để gia bị cho con người là rất yếu kém.” Giả sử, có một người cúng dường cho các vị A-la-hán khắp bốn thiên hạ suốt trăm năm cũng không bằng người phát tâm Bồ-đề để cúng dường cho Đức Phật trong một ngày. Bởi lẽ, từ vô lượng kiếp đến nay Ngài luôn luôn cứu độ chúng sinh, nên chúng sinh nào cũng có được phước đức của Phật, trong lúc phước đức để làm lợi cho loài người của Đức Phật lại vô cùng lớn.

Vị A-la-hán sau khi được giải thoát sinh tử liền nhập Niết-bàn.

Nghĩa là Ngài chỉ lo hoàn thiện cho bản thân mình, vì vậy phước lực lan tỏa đến loài người của Ngài là rất yếu kém!

Đức Phật lại nói: “Một người nào đó có phước báo là bởi nhờ họ đã từng cúng dường Phật.” Chúng ta không nên quan niệm rằng cúng dường là việc chuẩn bị cho thân sau. Năm gần đây, có vị tăng ở Tú châu chuyên niệm A-di-đà Phật để cầu đảo trị bệnh cho mọi người và bệnh liền thuyên giảm. Vậy ta có thể nói rằng, Đức Phật không làm lợi cho con người lúc họ đang còn sống chăng?

Đã có thể cầu đảo để chữa bệnh, thì tất nhiên cũng có thể cầu phước, chỉ sợ rằng niềm tin của ta không được sâu dày mà thôi. Nếu người tu Tịnh độ luôn cầu nguyện trở lại cõi này để giáo hóa chúng sinh, thì sẽ có phước đức. Vì vậy hành giả niệm Phật cần phải biết rõ điều này.

Kinh Lăng-già.

Kinh Lăng-già thuyết minh về chân lý, sâu thẳm để hành giả diệt trừ tất cả vọng tưởng. Kinh này có ba bản dịch. Bản gồm mười quyển thì quá sức rối rắm. Bản gồm bốn cuốn tuy được Đạt-ma phát huy và Tô Đông Pha viết lời tựa, song sự phiên dịch lại vô cùng tăm tối, nên rất khó đọc và khó hiểu. Chỉ có bản gồm bảy cuốn là rõ ràng.

Hành giả tu Tịnh độ muốn đạt được Thượng phẩm thượng sinh thì cần phải đọc tụng kinh điển Đại thừa, giải đệ nhất nghĩa. Vì vậy, hành giả cần biết đến kinh này.

Nói về hai người Trời.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một người sống có hai người Trời đi theo. Một người tên Đồng Sinh, và một người tên Đồng Danh. Người Trời luôn nhìn thấy người nhưng người thì không nhìn thấy người Trời”. Như vậy, hai người đó không phải là đồng bọn của hai bộ đồng tử là thiện và ác sao? Lẽ nào chúng ta không thấy hỗ thẹn khi nghĩ rằng sự động tâm, phát ngôn và cất bước của mình luôn luôn có hai người Trời đó nhìn thấy? Nếu người tu Tịnh độ biết áp dụng điều trên vào đời sống của mình thì chắc chắn sẽ sinh lên Thượng phẩm thượng sinh.

Có kẻ nói: Cứ một người lại có hai người Trời, vậy thì người Trời ở đâu mà nhiều thế? Đáp: Nếu một vầng trăng mà hiện khắp tất cả dạng hình của nước, thì ta có thể nói rằng có nhiều vầng trăng chăng?

Nói về nhân quả ở phạm vi nhỏ.

Có người sửa cầu, lại có kẻ phá cầu, đó là cái nhân nhỏ của thiên đường và địa ngục. Có người ngồi kiệu, lại có kẻ khiêng kiệu, đó là quả nhỏ của thiên đường và địa ngục. Người tu nên căn cứ theo nguyên tắc đó để loại suy khi gặp những trường hợp khác thì có thể nhìn nhận được vấn đề. Nếu hành giả luôn giữ tâm mình trước hai trường hợp trên để tu Tịnh độ thì chắc chắn được sinh về Thượng phẩm.