Lời tựa lưu thông phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Nêu lên những tông lớn trong các pháp do đức Như Lai đã giảng trong suốt một đời Ngài thì có năm tông là Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Năm tông này đều cùng hiển thị tam nghiệp thân – khẩu – ý, tam học Giới – Định -Huệ của đức Phật cũng như hết thảy tam-muội, vạn đức. Vì thế, chẳng thể đề cao hay hạ thấp, so sánh hơn – kém được, hoặc chọn lọc, lấy – bỏ được! Nhưng đối với sự tu tập của từng người học thì phải xét kỹ pháp nào khế hợp với căn tánh của chính mình để tu. Thâm nhập một môn so ra đỡ tốn sức hơn! Nhưng trong năm tông ấy, không tông nào chẳng lấy Luật làm căn bản, lấy Tịnh làm chỗ quy túc. Trong thời đức Phật tại thế đã như vậy, huống nay đang là thời đại Mạt Pháp ư?

Do pháp môn Tịnh Độ thông trên thấu dưới, thích hợp khắp ba căn, phàm – thánh cùng nương về, trên là Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài được, dưới là tội nhân Ngũ Nghịch cũng có thể dự vào trong. Ấy là vì hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực, nếu chưa đạt đến mức “nghiệp tận, tình không” sẽ chẳng thể liễu sanh thoát tử; còn pháp môn Tịnh Độ kiêm cậy vào Phật lực. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha thì sẽ có thể đới nghiệp vãng sanh. So sánh giữa hai pháp thì sự khó – dễ khác biệt vời vợi một trời một vực! Xét đến duyên khởi của pháp này, quả thật là từ trong kinh Hoa Nghiêm. Do kinh chưa dạy rõ về nhân hạnh quả đức của Phật Di Đà, sự trang nghiêm thù thắng của Tịnh Độ, sự tu nhân chứng quả của hành nhân nên nhiều người xem thường [Tịnh Độ], chẳng chịu đề xướng.

Xưa kia, lúc đức Như Lai mới thành Chánh Giác, đã cùng các vị đại Bồ Tát trong Hoa Tạng thế giới hải hỏi – đáp, nói ra các pháp nhân quả của Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Những vị dự hội đều là các vị Pháp Thân đại sĩ đã phá vô minh, chứng pháp tánh thuộc bốn mươi mốt địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. Tuy nói đến pháp môn Thập Tín, nhưng địa vị Thập Tín chưa phá vô minh, chưa chứng pháp tánh, nên chẳng thể dự hội được, huống là phàm phu, Nhị Thừa ư? Cho đến hội cuối cùng, tức phẩm Nhập Pháp Giới, Thiện Tài sau khi viên mãn tâm Thập Tín, nghe lời ngài Văn Thù dạy, liền tham học với khắp các tri thức.

Thoạt đầu, ở nơi tỳ-kheo Đức Vân nghe giảng pháp môn Niệm Phật liền chứng Sơ Trụ, trở thành Pháp Thân Đại Sĩ. Từ đấy tham học khắp các tri thức, ở chỗ vị nào cũng có sở chứng. Cuối cùng đến chỗ Phổ Hiền Bồ Tát, được ngài Phổ Hiền khai thị và được sức oai thần [của ngài Phổ Hiền] gia bị, sở chứng bằng với Phổ Hiền và bằng với chư Phật, trở thành Đẳng Giác Bồ Tát. Đức Phổ Hiền bèn nói kệ xưng tán công đức thù thắng nhiệm mầu của Như Lai, khuyến khích Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng cùng dùng công đức của mười đại nguyện vương để nhất trí tiến hành hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới nhằm mong viên mãn Phật Quả. Nhưng kinh Hoa Nghiêm trọn chẳng nói đến thệ nguyện của đức Di Đà và sự trang nghiêm trong Tịnh Độ, cũng như nhân quả vãng sanh, bởi lẽ các vị Đại Sĩ ấy đều đã biết rõ, không cần phải nhắc lại nữa!

Hơn nữa, kinh Hoa Nghiêm được dịch lần đầu dưới đời Tấn chỉ có sáu mươi quyển; lần dịch kế tiếp là vào đời Đường nhằm thời Võ Tắc Thiên, gồm tám mươi quyển. Hai lần dịch này đều chưa trọn hết kinh văn, sau khi ngài Phổ Hiền nói kệ tán Phật, [pháp hội] chưa kết thúc mà kinh văn đã hết (trước kia không có giấy, kinh ở Tây Vực đều chép trên lá cây Bối Đa[1]. Do vậy chẳng chép dễ dàng hoặc có khi bị lược bớt. Hơn nữa, lá Bối dùng dây xâu lại có thể bị lạc mất. Do vì lẽ này mà kinh văn chưa truyền trọn hết sang Trung Hoa. Nếu được đóng thành một quyển giống như kinh sách ngày nay thì không mắc khuyết điểm này).

Đến năm Trinh Nguyên 11 (799) đời Đường Đức Tông, quốc vương Ô Đồ[2] tại Nam Thiên Trúc tiến cống toàn văn phẩm Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, gồm bốn mươi quyển. Ba mươi chín quyển đầu chính là phẩm Nhập Pháp Giới trong bản Hoa Nghiêm tám mươi quyển, nhưng văn nghĩa tường tận hơn. Quyển thứ bốn mươi thì trong hai bản dịch đời Tấn và Đường đều không có. Phần này chính là phần kinh văn nêu rõ sau khi ngài Phổ Hiền khen ngợi công đức của Phật xong bèn khuyến tấn vãng sanh Tây Phương. Khi ấy, Thanh Lương quốc sư cũng tham dự trong dịch trường, trước đấy Ngài đã sớm đích thân soạn sớ sao cho bản tám mươi quyển để lưu truyền, Ngài bèn đặc biệt soạn riêng một bản sớ cho quyển kinh này để lưu truyền riêng. Ngài Khuê Phong viết lời sao để xiển dương rộng rãi thêm. Ngài lại soạn sớ cho toàn bộ kinh văn trong bốn mươi quyển. Trải qua nhiều cuộc tang thương bị thất truyền đã lâu. Gần đây, [bản sớ giải ấy] được đưa từ Đông Doanh (Nhật Bản) về lại Trung Hoa.

Cho nên biết một quyển kinh này chính là phần quy túc của toàn bộ kinh Hoa Nghiêm. Trong Hoa Nghiêm thế giới hải[3] có vô lượng vô biên cõi Tịnh Độ, nhưng ắt phải lấy cầu sanh về Tây Phương làm hạnh để viên mãn Phật quả; đủ biết một pháp niệm Phật cầu sanh Tây Phương vốn bắt nguồn từ hội Hoa Nghiêm. Nhưng do phàm phu, Nhị Thừa chẳng dự hội này, không cách chi vâng nhận được, cho nên trong hội Phương Đẳng, đức Phật mới vì khắp hết thảy phàm phu, Nhị Thừa và các Bồ Tát, tuyên nói kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh A Di Đà, khiến cho họ đều biết nhân hạnh quả đức của Phật Di Đà, sự trang nghiêm thù thắng của Tịnh Độ, sự tu nhân chứng quả của hành nhân, ngõ hầu hết thảy phàm phu đầy dẫy triền phược và hàng Nhị Thừa đã đoạn Kiến Hoặc, Tư Hoặc cùng với bậc Pháp Thân Đại Sĩ đã phá Vô Minh Hoặc đều cùng thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, sanh lên chín phẩm sen trong cõi kia ngay trong đời này để tấn tu dần dần mãi cho đến khi viên mãn Bồ Đề mới thôi!

Pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ lớn lao thay! Mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, thành thủy thành chung đều nhờ vào đây. Dẫu muốn tán dương trọn hết kiếp cũng chẳng thể cùng tận. Bạn tôi là Dật Nhân[4] thường tụng kinh này, muốn in ra rộng rãi, Quang khuyên nên in toàn bộ Tịnh Độ Ngũ Kinh để cho người ta hiểu rõ nguyên do của việc hồi hướng vãng sanh dạy trong kinh này thì dù Sự hay Lý, dù nhân hay quả mỗi mỗi đều rõ ràng, trọn chẳng áy náy gì nữa! Do Sư đã trót phát nguyện, cho nên in trước một vạn cuốn; sau đấy sẽ chuyên in Tịnh Độ Ngũ Kinh. Bởi vậy, tôi thuật bày duyên khởi của kinh này và Tịnh Độ Ngũ Kinh như thế đó! (Ngày Rằm giữa Xuân năm Bính Tý Âm Lịch, tức năm Dân Quốc 25 – 1936).

***

[1] Bối Đa, gọi đủ là Bối Đa La (Pattra) là một loại thực vật có lá to, thường được dùng để chép kinh (thường gọi là Bối diệp kinh). Cây Pattra có tên khoa học là Laurus Oassia, gồm nhiều loại, loại cây có lá được dùng phổ biến nhất là cây Đa La (Tāla). Cây Đa La thân cứng, lá dài, chất lá dày. Để chép kinh, người ta đem lá phơi khô, cắt thành từng miếng vuông vức, hai bên khoét lỗ để buộc dây xâu lại cho khỏi thất lạc, dùng kim trổ chữ trên lá rồi dùng mực bôi lên để hiện chữ.

[2] Ô Đồ (Odra), đôi khi còn phiên là Ô Trà, là một vương quốc cổ ở Đông Ấn Độ, nay thuộc vùng Orīssa. Sử Trung Hoa thường chép sai thành nước Ô Trành. Theo Đại Đường Tây Vực Ký, xứ ấy khí hậu ôn hòa, con người dáng vẻ khôi ngô, ham học, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, sùng phụng Phật giáo Đại Thừa.

[3] Kinh Hoa Nghiêm chia các cõi Phật thành hai thứ: Quốc độ hải và thế giới hải.

1) Quốc độ hải là cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn, là y báo để tự thể của chính đức Phật hưởng dụng trên Phật quả, tức là cảnh giới viên dung tự tại không cách nào hình dung được. Chỉ có mình đức Phật thấu hiểu, cảm nhận được, ai chưa thành Phật sẽ không cách nào nhận biết được.

2) Đối lập với quốc độ hải là thế giới hải, tức là các cảnh giới, cõi nước dành cho những đối tượng đức Phật giáo hóa. Do nhìn về phương diện chưa giác ngộ viên mãn sẽ có mười pháp giới nên Thế Giới Hải còn gọi là Thập Phật Nhiếp Hóa Chư Thế Giới Chủng, tức là cùng một cõi Phật, nhưng do trình độ chứng ngộ sai khác sẽ thấy khác nhau, cảm nhận khác nhau. Mức độ nhận thức về Phật trong mười pháp giới ấy khác nhau nên nhìn về mặt hình tướng dường như có đến quả vị Phật nơi mười pháp giới khác nhau. Vì thế, gọi là Thập Phật. Thế Giới Hải lại được chia thành ba loại lớn:

a) Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải (còn gọi gọn là Liên Hoa Tạng Thế Giới, Hoa Tạng Giới), là cảnh giới sở chứng của bậc Chứng Nhập Sanh, tuy có thể diễn nói được, nhưng cũng chỉ là hình dung đại lược đôi phần. Các hình tướng trong thế giới ấy trùng trùng duyên khởi vô cùng vô hạn giống như những hạt châu trong lưới Thiên Đế phản chiếu lẫn nhau.

b) Thập Chủng Thế Giới Hải, gồm mười thứ ở ngoài tam thiên đại thiên thế giới, tức thế giới tánh, thế giới hải, thế giới luân, thế giới viên mãn, thế giới phân biệt, thế giới toàn, thế giới chuyển, thế giới liên hoa, thế giới tu di, thế giới tướng. Tức là những cảnh giới được thấy bởi bậc Thập Địa Bồ Tát.

c) Vô Lượng Tạp Loại Thế Giới Hải, nói về hình trạng của các thế giới giống như núi Tu Di, như bánh xe, như sông ngòi, như lầu, đài v.v…

Nói chung, tùy theo mức độ chứng ngộ mà thấy đủ mọi loại thế giới, nhưng các thế giới ấy đều viên dung vô ngại. Do vậy, gọi chung là Hoa Nghiêm thế giới, tức là khu vực được giáo hóa bởi đức Tỳ Lô Giá Na.

[4] Dật Nhân chính là biệt hiệu của hòa thượng Chân Đạt.