Lời tựa cho sự việc kính cẩn chép đại kinh Hoa Nghiêm nhằm trọn hết lòng hiếu thảo

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chính là do đức Như Lai khi mới thành Chánh Giác đã xứng theo pháp giới tánh và hết thảy các vị Pháp Thân Đại Sĩ phá vô minh chứng pháp tánh thuộc bốn mươi mốt địa vị nói ra sở chứng của đức Như Lai và Bồ Đề giác đạo tự sẵn có trong bản tánh của hết thảy chúng sanh. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm là vua trong Tam Tạng, hết thảy các kinh đều lưu xuất từ kinh này. Hàng phàm phu và Nhị Thừa tuy cùng hiện diện trong Bồ Đề đạo tràng, rốt cuộc chẳng thấy, chẳng nghe, vì đấy chẳng phải là cảnh giới của họ! Tuy phàm phu và Nhị Thừa chẳng thấy chẳng nghe, nhưng đây quả thật là pháp luân căn bản để độ khắp trời người lẫn chúng sanh trong sáu nẻo. Vì sao vậy? Hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân thì mới liễu sanh tử. Còn pháp môn Niệm Phật chỉ cần trọn đủ lòng tín nguyện, trì danh hiệu Phật liền được cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh đời Mạt chẳng dễ gì đạt tới mức đoạn Hoặc chứng Chân, bỏ một pháp môn này thì đông đảo chúng sanh sẽ chẳng có dịp thoát khổ!

Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh này, Thiện Tài đã viên mãn tâm Thập Tín, nghe theo lời đức Văn Thù dạy, tham học với khắp các tri thức. Thoạt đầu ở dưới tòa của ngài Đức Vân bèn nghe pháp môn Niệm Phật. Đến cuối cùng, tới chỗ Phổ Hiền Bồ Tát, đức Phổ Hiền liền dùng oai thần gia bị khiến cho sở chứng của Thiện Tài bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật. Đấy gọi là Đẳng Giác Bồ Tát. Đức Phổ Hiền bèn khen ngợi công đức thù thắng nhiệm mầu của Như Lai khiến cho Thiện Tài sanh lòng vui mừng, liền đó, Ngài dạy Thiện Tài phát mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật quả và khuyên hết thảy các vị Pháp Thân đại sĩ trong Hoa Nghiêm hải chúng. Phàm những vị thuộc về Hoa Tạng hải chúng đều là các đại Bồ Tát thuộc những địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác v.v… mà vẫn phải hồi hướng vãng sanh Tây Phương thì mới có thể đích thân chứng được Bồ Đề giác đạo sẵn có trong cái tâm này, huống là những kẻ thấp kém hơn ư?

Nhưng theo chương Hạ Phẩm Hạ Sanh của Quán Kinh, kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, được thiện tri thức dạy niệm Phật bèn niệm mười tiếng hoặc chỉ mấy tiếng cũng đều có thể vãng sanh Tây Phương, được dự vào phẩm cuối. Chẳng phải là kinh Hoa Nghiêm giảng về pháp “thành Phật trong một đời” mà chỗ quy tông cuối cùng lại gom về vãng sanh Tây Phương đó sao? Các tri thức Thiền – Giáo trong cõi đời há nên coi pháp môn Niệm Phật là pháp quyền biến, Tiểu Thừa, phương tiện, chẳng phải là đạo cứu cánh ư?

“Hết thảy chúng sanh đều sẵn đủ trí huệ của đức Như Lai, nhưng do vọng tưởng chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng, chấp trước thì Nhất Thiết Trí, Vô Sư Trí liền được hiện tiền”. Do nghe nghĩa này nên hết thảy phàm phu sẽ chẳng đến nỗi đề cao thánh cảnh, nhưng lại cam phận phàm ngu. Do vậy biết kinh này chính là pháp môn rốt ráo thành thủy thành chung để mười phương tam thế chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Bất luận căn tánh như thế nào đều phải nương theo đây để tu tập, nhưng chỗ thiết yếu nhất chỉ là một môn Niệm Phật. Ấy là vì “toàn thể tánh trở thành tu” nên bậc thượng thượng căn chẳng thể vượt khỏi khuôn khổ này. Do “toàn thể Sự chính là Lý” nên phường hạ hạ căn cũng có thể đạt tới được.

Kinh này chính là cội nguồn của giáo pháp trong toàn bộ Đại Tạng, là chỗ quy túc của hết thảy pháp môn. Cư sĩ Vưu Dưỡng Hòa ở Tô Châu tuy xuất thân từ gia đình phú quý, nhưng trọn chẳng có tập khí của bọn mặc quần lụa nõn[1], dốc lòng tin tưởng Phật pháp, nghiêm túc trọn hết đạo hiếu. Mẹ ông ta sợ con bị tập tục xoay chuyển, nên khi bị bệnh nặng sắp mất đã dặn con phải cung kính chép kinh Hoa Nghiêm để mong con được huân tập, tiêm nhiễm thành chủng tử, vĩnh viễn trở thành gốc đạo, đồng thời là để trên báo đáp Tứ Ân, dưới giúp cho Tam Hữu (Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới). Mẹ ông ta đáng gọi là “khéo dùng lòng Từ!” Trong thời kỳ cư tang, hằng ngày ông ta cẩn thận chép kinh để mong từ mẫu được tăng cao phẩm sen và tiêu trừ ác nghiệp của bản thân. Nếu chẳng phải là đã có thiện căn từ đời trước thì làm sao như thế được?

Nay kinh đã chép xong, bèn cậy bạn phương ngoại[2] là đại sư Văn Đào xin Quang viết lời nêu rõ ý nghĩa bộ kinh để mong sau này những ai xem đến đều cùng sanh lòng chánh tín. Trộm nghĩ: Ý nghĩa của kinh Hoa Nghiêm dẫu dùng mực nhiều như biển cả, đến tận cùng đời vị lai tuyên dương ý nghĩa của từng câu, từng chữ vẫn chẳng thể trọn hết được! Huống chi Quang là kẻ hời hợt, nông cạn, vô tri, làm sao có thể tán dương một hai điều cho được? Nhưng vẫn chẳng nên cô phụ ý ông ta nghĩ đến, do vậy bèn viết sơ lược đại ý những điều cương yếu và lợi ích để trao lại. Nếu có thể nương theo đó để tu hành thì rốt ráo thành Phật còn đạt được, huống là những văn nghĩa khác ư? (Mồng Một tháng Sáu năm Mậu Thìn, tức năm Dân Quốc 17 – 1928)

***

[1] Nguyên văn “hoàn khố” (紈褲: quần may bằng lụa nõn). Đây là một thành ngữ ngụ ý chê bai con em những gia đình phú quý chỉ biết hưởng thụ, xa xỉ, phù phiếm, rỗng tuếch, vô tích sự! Thành ngữ này vốn phát xuất từ một câu nói trong thiên Tự Truyện của Hán Thư: “Xuất dữ vương, hứa tử đệ ư quần, tại vu ỷ nhu hoàn khố chi gian, phi kỳ hảo dã” (Đi ra ngoài cùng với vua bao nhiêu là con em xúm xít, ở trong đám áo thêu rực rỡ, quần lụa nõn ấy, có hay ho chi đâu?) “Hoàn” vốn là một thứ lụa mỏng mịn mặt, rất đắt tiền, những kẻ trẻ tuổi chuộng xa hoa, bóng bẩy thường ưa mặc loại lụa này.

[2] Phương ngoại: Người xuất gia làm bạn với người thế tục thường tự xưng là “phương ngoại”, ngụ ý mình đã xa lánh cõi trần, không còn dính dấp vào thế tục nữa.