Lời tựa ấn hành tác phẩm Tư Quy Tập

Pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài được, như trời che khắp, dường đất chở đều. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra khỏi pháp này, dưới là tội nhân nghịch ác cũng có thể dự vào trong ấy. Thật đáng gọi là “pháp môn tổng trì của tam thế chư Phật, là đạo đặc biệt mầu nhiệm trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai”. Pháp môn này lớn lao, thâu nhiếp căn cơ rộng rãi, dùng sức ít mà đạt hiệu quả nhanh chóng, nhưng thường bị những kẻ hơi thông hiểu Tông – Giáo xem nhẹ, coi là pháp môn dành cho lũ ngu phu ngu phụ tu trì, chẳng biết sự lớn – nhỏ, khó – dễ giữa Phật lực và tự lực chẳng thể dùng ngôn ngữ, văn tự để hình dung được! Bởi lẽ, hết thảy các pháp môn đều phải nương vào sức Giới – Định – Huệ để tu tới địa vị “nghiệp tận, tình không” thì mới có phần liễu sanh tử. “Nghiệp tận, tình không” há nói dễ dàng ư? Đoạn Kiến Hoặc giống như cắt đứt dòng nước chảy xiết rộng bốn mươi dặm, huống là Tư Hoặc ư? Dẫu cho kiến địa cao sâu, hễ Phiền Hoặc chưa đoạn thì vẫn luân hồi y như cũ. Nếu thọ sanh lần nữa thì người lui sụt trong vạn kẻ có đến mười ngàn, người tăng tấn trong ức kẻ hiếm khi có tới ba bốn người! Tự lực chẳng đủ để nương tựa, dám khoe khoang trí mình, chẳng tùy thuận đạo thệ nguyện nhiếp thọ của Như Lai ư?

Người tu pháp môn Tịnh Độ chỉ cần có đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết, như con nhớ mẹ mà niệm, những hành vi trong thường nhật đều chẳng trái nghịch Phật pháp lẫn tình nghĩa thế gian thì lúc lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Dẫu là kẻ chưa đoạn được Hoặc nghiệp mảy may nào, hễ được đới nghiệp vãng sanh thì sở đắc của kẻ ấy còn cao trỗi hơn bậc A La Hán nghiệp tận tình không, vì chủng tánh bất đồng vậy! Huống hồ bậc đã đoạn [được Hoặc nghiệp] thì cần gì phải nói nữa! Bởi lẽ, Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, chúng sanh tâm lực chẳng thể nghĩ bàn. Hai sức chẳng thể nghĩ bàn là Phật lực và pháp lực cùng hợp lại khiến cho tự tâm lực được hiển hiện trọn vẹn (loại tự lực này rất khác với loại tự lực chẳng cậy vào Phật lực và pháp lực), cho nên so với kẻ chuyên cậy vào tự lực sẽ giống như hằng hà sa số lần sự khác biệt vời vợi giữa trời và vực. Do vậy, biết: Chẳng thể đem đạo lý của hết thảy pháp môn thông thường để bàn luận pháp môn này được, bởi nó là pháp môn đặc biệt. Tôi thường có một cặp câu đối như sau:

Pháp môn quảng đại, phổ bị tam căn, nhân tư cửu giới đồng quy, thập phương cộng tán.

Phật nguyện hồng thâm, bất di nhất vật, cố đắc thiên kinh tịnh xiển, vạn luận quân tuyên.

(Pháp môn rộng lớn, độ khắp ba căn, do vậy chín giới cùng hướng về, mười phương chung khen ngợi,

Phật nguyện to sâu, chẳng sót một ai, nên được ngàn kinh đều xiển dương, muôn luận cùng tuyên nói).

Theo phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, trọn hết các bậc Pháp Thân đại sĩ trong Hoa Nghiêm thế giới hải như Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, bốn mươi mốt địa vị đều nhất trí tiến hành, vâng theo lời Phổ Hiền Bồ Tát dạy, dùng công đức của mười đại nguyện vương cầu sanh Tây Phương nhằm mong viên mãn Phật quả. Những kẻ khoe khoang trí mình, miệt thị Tịnh Độ, tưởng chính mình vượt trỗi những vị Bồ Tát ấy, chính là mất trí điên cuồng, cầu thăng hóa đọa, biến khéo thành vụng!

Những kinh sách hoằng dương Tịnh Độ nhiều khôn kể xiết. Đại sư Như Sầm tập hợp những ngôn luận của chư Phật, Bồ Tát, tổ sư và những Tịnh nghiệp học nhân trong thời gần đây (những vị tri thức trong đời gần đây xưng là “học nhân” vì trước đấy đã có Phật, Bồ Tát, các vị tổ sư, xin đừng nghi ngại, kinh ngạc), đặt tên là Tư Quy Tập, cậy Quang viết lời tựa. Quang lúc bé chẳng nỗ lực, về già chẳng làm được gì, chỉ đành viết ra những nghĩa lý chính mình đã tin tưởng trong suốt năm mươi chín năm cho xong trách nhiệm, nhằm giãi bày lòng ngu thành, mong cho những người cùng hàng đều được sanh về Tây Phương, dẫu bị những vị đại trí huệ chê bai, thóa mạ đều chẳng bận lòng! Do vậy bèn ca rằng:

Ưng đương phát nguyện, nguyện vãng sanh,

Khách lộ, khê sơn, nhậm bỉ luyến,

Tự thị bất quy, quy tiện đắc,

Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?

(Nẻo khách, suối non mặc người luyến,

Hãy nên phát nguyện, nguyện vãng sanh,

Tự mình chẳng về, về liền được,

Gió trăng quê cũ há ai giành?)

Xin những vị mong nghĩ trở về [quê cũ] đều chú ý!

(Ba ngày trước tiết Đông Chí năm Kỷ Mão, tức năm Dân Quốc 28 – 1939)