KINH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI PHỔ SIÊU TAM-MUỘI

Hán dịch: Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 10: QUYẾT NGHI

Đến đây, vua A-xà-thế thấy các vị Bồ-tát và chúng Thanh văn ăn xong, rửa tay rồi, nhà vua lấy cái giường thấp, ngồi trước Bồ-tát Phổ Thủ để lắng nghe thuyết pháp. Nhà vua thưa:

–Kính xin Bồ-tát Phổ Thủ giải cho tôi sự hồ nghi.

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

–Sự hồ nghi đại vương dù cho hằng hà sa số các Đức Phật Thế Tôn cũng chẳng có thể giải quyết được.

Khi nhà vua tự xét mình không cứu, không hộ được nên rơi từ giường xuống như cây đại thọ bị xô đổ xuống đất. Tôn giả Đại Cadiếp nói:

–Xin đại vương hãy tự yên ổn, chớ hốt hoảng, chớ lấy làm sợ hãi. Vì sao? Vì Bồ-tát Phổ Thủ mặc áo giáp đại đức, phương tiện thiện xảo mà thiết lập lên lời nói này. Nhà vua có thể từ từ mà hỏi.

Nhà vua liền bắt đầu hỏi Bồ-tát Phổ Thủ:

–Thưa Đại sĩ! Sao Đại sĩ nói sự hồ nghi của tôi dù cho số Đức Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng cũng không thể vì tôi giải quyết được?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

–Ý nhà vua thế nào? Các Đức Phật Thế Tôn duyên theo tâm mà làm ư? Đáp:

–Chẳng phải vậy.

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

–Các Đức Phật Thế Tôn phát tâm mà làm ư?

Đáp rằng:

–Chẳng phải vậy.

Các Đức Phật Thế Tôn diệt tâm mà làm ư?

Đáp rằng:

–Chẳng phải vậy.

Lại hỏi:

–Các Đức Phật Thế Tôn làm theo hữu vi ư?

Đáp rằng:

–Chẳng phải vậy.

Lại hỏi:

–Các Đức Phật Thế Tôn đã dạy hành vô vi ư?

Đáp rằng:

–Chẳng phải vậy.

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

–Ý vua thế nào? Các pháp ấy mà không có pháp, không có người thực hành, không có chỗ hướng đến mà có thể có người giáo hóa đối với sự đoạn trừ pháp đó sao?

Đáp rằng:

–Chẳng phải vậy

Bồ-tát Phổ Thủ nói tiếp:

–Nhà vua nên biết, do vậy tôi mới nói lời này, sự hồ nghi của nhà vua dù cho các Đức Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng cũng chẳng thể giải quyết được.

Lại nữa, này đại vương! Giả sử có người tự nói rằng: “Ta lấy bụi đất, tro, khói, mây mù làm cho ô nhiễm hư không.” Người ấy đủ sức làm ư?

Đáp rằng:

–Chẳng thể làm ô nhiễm được!

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

–Giả sử đại vương sai tôi lấy hư không này đem rửa sạch, tôi làm được ư?

Đáp rằng:

–Không thể được!

Bồ-tát Phổ Thủ lại nói:

–Thưa đại vương! Như vậy bản thân Đức Như Lai hiểu rõ các pháp giống như hư không. Đã thành Tối chánh giác thì tự nhiên thanh tịnh, không chỗ nhiễm ô. Vì vậy, nên thấy có pháp nào bị ô nhiễm là thấy ngược ư? Đâu có thể thấy rõ là trừ sạch được? Đại vương hãy quán sát cái nhìn của pháp ấy. Vì vậy nên vừa rồi tôi nói rằng: “Các Đức Phật Thế Tôn nhiều như các sông Hằng cũng chẳng thể giải quyết được vậy.”

Lại nữa, này đại vương! Các Đức Phật Thế Tôn chẳng chứng đắc bên trong tâm mà có chỗ trụ, chẳng chứng đắc bên ngoài tâm mà có chỗ trụ. Vì sao? Vì tất cả các pháp tự nhiên thanh tịnh, không có xứ sở. Tự nhiên ấy là không có xứ sở, không có chí nguyện. Có chỗ trụ ấy là vì sao? Là vì được tự tại vậy!

Các pháp tự nhiên nên không tự nhiên vậy!

Các pháp không kiến lập nên không ngã đổ vậy!

Các pháp không thật có nên không thể nắm bắt vậy!

Các pháp rời khỏi hình dáng nên không hình dáng vậy!

Các pháp rỗng rang nên không ngăn ngại vậy!

Các pháp không có tướng giáo hóa nên không thể giáo hóa vậy!

Các pháp tự nhiên không vướng mắc nên lìa khỏi chấp trước vậy!

Các pháp bỏ nơi hướng đến nên không hướng đến vậy!

Các pháp không biệt ly nên không biệt ly vậy!

Các pháp không chỗ sinh nên không chỗ nương tựa vậy!

Các pháp tự nhiên thanh tịnh nên tâm tánh thanh tịnh vậy!

Các pháp không phân chia bình đẳng như hư không nên không gì so sánh vậy!

Các pháp không bè đảng nên không có bạn bè vậy!

Các pháp lìa khỏi hai nên không có hai vậy!

Các pháp rỗng lặng nên không lường vậy!

Các pháp không chấm dứt nên không biên tế vậy!

Các pháp không bến bờ nên không chân thật vậy!

Các pháp từ điên đảo chẳng chân thật mà không có chỗ trụ nên không điên đảo vậy!

Các pháp thường thanh tịnh, được an ổn rồi nên yên ổn vậy!

Các pháp không nơi hướng đến nên thanh tịnh vậy!

Các pháp vốn thanh tịnh, do minh đạt nên đã tự nhiên vậy!

Các pháp vô ngã mà hiện sáng nên yên ổn vậy!

Các pháp không tưởng niệm nên không do dự vậy!

Các pháp bên trong tịch nhiên nên không lừa dối vậy!

Các pháp hoàn toàn không chân thật nên tịch mịch vậy!

Các pháp tướng rỗng rang nên không có ngã, ngã sở vậy!

Các pháp trừ tận ngã nên không xuyên thủng rơi rớt vậy!

Các pháp tướng giải thoát nên về với tịch diệt vậy!

Các pháp lìa nhớ nghĩ nên không sợ sệt vậy!

Các pháp lìa số lượng nên tạo ra “một bình đẳng” vậy!

Các pháp đều ngự thoát nên hoảng hốt vậy!

Các pháp chẳng tưởng, chẳng bờ cõi nên không có tưởng vậy!

Các pháp không hủy hoại cái duyên an nhàn tịch mặc nên thuận với lý không vậy!

Các pháp lìa các kiến chấp nên không có nguyện cầu vậy!

Các pháp lìa được ba đời nên đoạn dứt được ba đời vậy!

Các pháp không quá khứ, vị lai và hiện tại nên vô vi bình đẳng vậy!

Các pháp hoàn toàn vô sinh nên theo ý nhà vua thì thế nào? Pháp kia không sinh cũng không khởi, cũng không thật có, không chân đế, đâu ai có thể làm ô nhiễm nó được ư?

Nhà vua đáp:

–Chẳng được vậy.

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

–Pháp kia chắc có thể đoạn trừ được chăng?

Đáp rằng:

–Chẳng được vậy.

Bồ-tát Phổ Thủ lại nói:

–Tất cả các pháp bình đẳng với Nê-hoàn. Đức Như Lai hiểu được điều này nên đạt đến Tối chánh giác. Do điều này nên sự hồ nghi của nhà vua chẳng thể giải quyết được. Vậy nên, đại vương chẳng thể tu hành, có chỗ tạo lập cũng chỉ theo tâm điên đảo. Nhà vua phải tu hành tạo lập quán sát của chân đế, quán sát bản thể vô vi, thiết lập được khả năng quán sát ấy thì đối với các pháp không chỗ nắm bắt, cũng không chỗ hiểu, chẳng cùng chung ở. Nếu đại vương chẳng ở cùng với các pháp thì ấy mới là tin. Có niềm tin ấy mới là tịch mịch. Có sự tịch mịch ấy mới là tự nhiên tịnh. Có tự nhiên thanh tịnh mới là không chỗ tạo tác. Có sự không tạo tác thì tất cả các pháp không có chủ. Nhờ đó tạo ra Nhẫn, tất cả các pháp không có tác giả. Nhà vua nên biết điều này, không tạo tác là diệt độ. Xét các pháp kia cũng không tạo tác, không phá hoại, cũng không có tạo, cũng không chẳng tạo, đó là diệt độ. Giả sử đại vương thuận theo sự giải thoát là bình đẳng giải thoát. Đã bình đẳng giải thoát rồi thì đối với pháp ấy không nơi chốn, không đuổi kịp, chẳng tăng, chẳng giảm. Vì sao? Vì ở tất cả các pháp không lợi ích, cũng không mong cầu, các pháp không nguồn gốc. Các pháp không nguồn gốc thì không chỗ sinh. Không chỗ sinh thì không nguồn gốc. Bản thể vô vi ấy bình đẳng không sai khác, nên gọi là không nguồn gốc. Giả sử đại vương tin hiểu bản thể vô vi thì tất cả hồ nghi tự nhiên bị đoạn dứt. Lại nữa, nếu nhà vua mắt không nhiễm ô, cũng không sáng sạch, sự tự nhiên của mắt là không nguồn gốc vậy, không nguồn gốc tự nhiên thì gọi là mắt vậy. Tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý cũng lại như vậy.

Này đại vương! Tâm ấy không có nhiễm ô, cũng không thanh tịnh. Tự nhiên của tâm là không nguồn gốc. Không nguồn gốc thì gọi là tâm. Nhà vua nên biết, sắc không nhiễm ô cũng không thanh tịnh, sắc ấy tự nhiên là không nguồn gốc. Không nguồn gốc tự nhiên thì gọi là sắc vậy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Thức không nhiễm ô, cũng không thanh tịnh. Sự tự nhiên của thức là không nguồn gốc. Không nguồn gốc tự nhiên thì gọi là thức vậy. Nhà vua nên biết, tất cả các pháp không có nhiễm ô, cũng không thanh tịnh. Các pháp tự nhiên là không nguồn gốc, không nguồn gốc tự nhiên thì gọi là các pháp. Tâm không hình sắc, cũng không thể thấy không chỗ nguy hại, không có xứ sở, không có ngôn giáo.

Ví như huyễn, chẳng ở bên ngoài, chẳng ở bên trong. Tâm ấy vốn tịnh mà tự nhiên sáng. Giả sử tâm thanh tịnh thì không nhiễm ô, cũng không thanh tịnh. Nhà vua nên hiểu, đây, kia vốn thanh tịnh, tâm chẳng thể nhiễm ô, không có thanh tịnh, không có hư vọng, cũng không nhiễm trước, không chỗ nguy hại, do không có tưởng chân thật nên có tạo tác, không có chân thật nên thiết lập chỗ trụ. Phàm phu ngu si dựa vào ham muốn trần lao thì sao gọi là không có chân thật mà phát khởi tưởng không chân thật. Do không chân thật nên không thể khởi chân thật. Tất cả các pháp trụ đều chẳng chân thật. Do chấp ở đó nên không có tưởng chân thật.

Thưa đại vương! Ví dụ như hư không này không màu sắc, không thấy chẳng thể cầm nắm được, cũng không bỏ được, cũng không ngôn giáo. Giả sử có người nói rằng: “Nay hư không này không màu sắc, không thấy không cầm nắm được, cũng không thể bỏ, không có ngôn giáo. Ta nay muốn dùng bụi, khói, tro, mây mù để làm ô nhiễm hư không.” Nhà vua đáp:

–Chẳng thể được.

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

–Như vậy, này đại vương! Tâm vốn thanh tịnh, tự nhiên hiển sáng thì chẳng có thể dùng bụi, khói, tro, mây, sương mù làm ngăn ngại, làm ô nhiễm. Ví như bụi khói mây mù trụ ở hư không, nhưng nhất định chẳng nhiễm vào hư không, làm nó dơ bẩn được.

Như vậy, thưa đại vương! Phát khởi tư tưởng ngã, ngã sở là do duyên kết sử là tham, sân, si chứ chẳng nhiễm ô tâm pháp, chẳng nhiễm ô cái thanh tịnh tự nhiên của tâm pháp. Vậy nên, đại vương đối với điều kia chớ ôm lấy hoài nghi. Nhà vua nên biết, tâm quá khứ và tâm vị lai kia thì không hình dáng. Tâm vị lai và tâm quá khứ cũng không hình mạo. Tâm hiện tại thì không chỗ nương tựa, cũng không thật có. Ý của tâm trước, chẳng ngăn ngại tâm sau. Ý niệm của tâm sau, chẳng ngăn ngại tâm trước. Tâm hiện tại ấy cũng lại như vậy. Bậc trí đối với việc kia mà tạo ra sự quan sát ấy. Tâm không thật có cũng chẳng phải không thật có. Tâm quá khứ đã diệt tận, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại không trụ, nhìn thấy các pháp, tâm vị lai không trụ, tiêu trừ các kiến chấp không chỗ ngăn ngại thì đó là giải thoát. Tưởng thanh tịnh thì các pháp lìa khỏi dơ bẩn, bình đẳng, khắp thế gian sáng suốt bình đẳng khắp không chỗ sinh ra thì không có ngôn giáo, không có ngôn giáo thì không chỗ nào chẳng ở. Đức Thế Tôn đã nói cái ý nghĩa của tịch nhiên, tịch nhiên ấy đối với pháp kia thì không có chỗ. Giả sử có người tìm cầu nơi ngôn giáo, tìm tòi các pháp.

Thưa đại vương! Giả sử ở tại các pháp mà không ý niệm thì trừ được tất cả kết sử hồ nghi, mà đối với các pháp không chỗ đoạn trừ. Vì sao? Vì sự hồ nghi ấy cùng pháp vừa bình đẳng lại không sai khác. Vậy nên nói là các pháp ngự trị bình đẳng, tất cả các pháp và cả pháp giới, ở các pháp này sẽ ngự trị bình đẳng. Vì sao? Vì tất cả các pháp nhập vào trong pháp giới. Thiết lập pháp giới bình đẳng thì các pháp bình đẳng. Vậy nên nói rằng pháp giới bình đẳng với tất cả các pháp. Pháp giới ấy bình đẳng thống lãnh các pháp.

Khi Bồ-tát Phổ Thủ nói lời này, thì vua A-xà-thế đạt được pháp nhẫn Nhu thuận, vui mừng hớn hở, lòng được an lạc lớn. Nhà vua liền chắp tay khen rằng:

–Hay thay! Rất sung sướng được nghe lời diệt trừ sự hồ nghi của tôi.

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

–Nhà vua nên biết, đây là cái kết sử hồ nghi rất tối tăm vậy.

Nhà vua đã hoàn toàn xa lìa tất cả các pháp nên nói:

–Hay thay! Thưa Bồ-tát Phổ Thủ! Tôi rất sung sướng nghe lời đoạn trừ nghi hoặc ấy.

Nhà vua lại nói:

–Do vì diệt hết các sự ngăn che của các “ấm” “chấp ngã”, giả sử thân mạng tôi đến lúc chết thì sẽ được đến với đạo.

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

–Đó là sự nghi ngại rất lớn của đại vương. Diệt được nó mới

đạt được cứu cánh tất cả các pháp đến với diệt độ, mới có thể mong cầu tưởng đến Nê-hoàn. Tất cả các pháp là Niết-bàn rốt ráo mà lại mong tưởng diệt độ ư? Nê-hoàn cứu cánh ấy là bản tánh thanh tịnh của các pháp mà không chỗ sinh.

Bấy giờ, vua A-xà-thế lấy áo mềm mại, đẹp đẽ trị giá hàng trăm ngàn, dâng lên Bồ-tát Phổ Thủ để đền đáp ân pháp mà Bồ-tát đã che chở cho mình. Bồ-tát Phổ Thủ bỗng nhiên biến mất, chẳng biết thân Bồ-tát đã đi về đâu, ở hư không có tiếng nói:

–Như hôm nay đại vương chẳng nhìn thấy thân của Bồ-tát Phổ Thủ thì quan sát sự hồ nghi ấy cũng sẽ như thế. Như thấy sự hồ nghi, thấy tất cả các pháp cũng lại như vậy. Như quan sát các pháp đã thấy như vậy, thấy không chỗ thấy.

Lại nói rằng:

–Này đại vương! Đại vương đã thấy thân nên dùng áo để cúng dường.

Ngồi tiếp theo Bồ-tát Phổ Thủ là Bồ-tát tên Tuệ Anh Tràng, vua A-xà-thế đem áo cúng dường cho vị ấy. Khi ấy, vị Bồ-tát chẳng chịu nhận áo, nói với vua:

–Tôi chẳng muốn thoát khỏi sở hữu, cũng chẳng sân hận, cũng chẳng diệt độ. Tôi cũng chẳng gần với pháp phàm phu mà nhận áo ấy. Tôi cũng chẳng theo hạnh cứu giúp phàm phu, chẳng theo học, cũng lại chẳng theo pháp thoát khỏi phiền não, chẳng theo ‘bất học’, chẳng theo vô học mà vượt qua pháp. Tôi chẳng theo Duyên giác, cũng chẳng theo pháp vượt qua Duyên giác mà nhận áo ấy. Tôi cũng chẳng theo sự thọ nhận của Như Lai, cũng chẳng theo pháp giải thoát của Như Lai mà nhận áo này. Giả sử đại vương cũng hành pháp này, chẳng xả pháp này thì tôi mới nhận. Người được nhận nếu có người ban cho, người nhận người cho đều bình đẳng, không sai khác. Người bố thí như thế này là đúng như Chúng Hựu thanh tịnh đã dạy.

Vua A-xà-thế lấy áo mặc vào thân ngài Tuệ Anh Tràng, ở trên tòa lập tức Bồ-tát biến mất. Rồi ở hư không lại nghe có tiếng nói:

–Thân hiện tiền kia, hãy lấy áo để cúng dường!

Thứ đến, có vị Bồ-tát tên là Tín Hỷ Tịch, vua A-xà-thế đem áo cúng cho vị ấy. Bồ-tát kia nói:

–Tôi cũng chẳng theo cái thấy có tự thân như có sự nhận cũng chẳng theo cái thấy có người khác, chẳng theo cái thấy có sắc trần mà có sự thọ nhận. Tôi chẳng theo sự lìa bỏ sắc trần, cũng không theo sự nương tựa vào tịch tĩnh mà có sự thọ nhận. Tôi chẳng theo sự không nương tựa, chẳng theo định ý, chẳng theo loạn chí, chẳng theo trí tuệ, chẳng theo vô tuệ mà có sự thọ nhận.

Nhà vua liền mặc áo lên người Bồ-tát thì Bồ-tát cũng biến mất, trên không trung như có tiếng nói:

–Vị nào đang có mặt thì đem áo để cúng dường.

Thứ đến, có vị Bồ-tát tên là Bất Xả Sở Niệm, vua A-xà-thế đem áo cúng cho vị ấy. Khi ấy, vị Bồ-tát cũng chẳng chịu nhận mà bảo rằng: Tôi không theo sự nương nhờ vào thân mà có sự thụ nhận, không theo sự nương nhờ vào lời nói, không theo sự nương nhờ vào tâm, không theo sự nương nhờ vào tuệ, không theo sự nương nhờ vào luận nghị, không theo sự nương nhờ vào các ấm, không theo sự nương nhờ vào chủng loại, không theo sự nương nhờ vào sự suy tàn, không theo sự nương nhờ vào thật lý, không theo sự nương nhờ vào âm thanh của Phật mà có sự thụ nhận. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều không có chỗ nương nhờ cũng không có chỗ chấp trước, rốt ráo hằng an ổn không chấn động. Vua A-xà-thế đem áo cúng dường thì Bồ-tát cũng biến mất, ở hư không có tiếng nói với vua:

–Vị Bồ-tát kia hiện có mặt thì hãy đem áo để cúng dường!

Ngồi tiếp là vị Bồ-tát tên là Tôn Chí. Vua A-xà-thế đem áo cúng cho vị ấy. Khi đó vị Bồ-tát cũng chẳng chịu nhận nói:

Nhà vua nên biết, tôi chẳng theo sự giải thoát thấp hèn mà nhận. Giả sử đại vương phát tâm đạo Vô thượng chánh chân, tâm ấy bình đẳng thì ý đạo bình đẳng, ý tin đạo bình đẳng. Đạo đã bình đẳng thì tâm kia cũng bình đẳng. Ý đạo đã bình đẳng thì các pháp bình đẳng. Đã có thể bình đẳng tất cả các pháp thì mới nhận áo. Đối với tất cả pháp mà chẳng thọ, chẳng xả, cũng không bố thí, thoát khỏi các pháp mà không có ý cũng chẳng phải không có ý, nhìn tất cả pháp chẳng thấy ngã, ngã sở. Như vậy, hành giả mới nhận áo.

Vua A-xà-thế đem áo cúng dường cho vị Bồ-tát đó Bồ-tát liền biến mất. Rồi từ hư không như có tiếng nói:

–Vị Bồ-tát nào hiện có mặt thì hãy đem áo để cúng dường.

Kế tiếp có vị Bồ-tát tên là Định Hoa Vương, vua A-xà-thế đem áo cúng vị ấy. Khi ấy, vị Bồ-tát cũng chẳng chịu nhận nói rằng:

–Giả sử đại vương tu hành các Tam-muội, chẳng mong đạt định ý, tin hiểu các pháp vốn thanh tịnh, bình đẳng không có giải thoát thì tôi mới nhận áo ấy.

Vua A-xà-thế lấy áo mặc lên thân vị Bồ-tát ấy. Khi đó, vị Bồtát cũng liền biến mất, rồi ở không trung có tiếng:

–Vị nào hiện có mặt thì đem áo để cúng dường!

Vị Bồ-tát tiếp theo tên là Vô Đãi Đắc. Vua A-xà-thế đem áo cúng dường cho vị ấy. Vị Bồ-tát kia cũng chẳng chịu nhận, nói rằng:

–Thưa đại vương! Giả sử đối với tất cả “ấm” mà tin được giải thoát. Văn tự, âm thanh, tất cả bình đẳng mà chẳng thể nắm bắt được. Đã thấy các pháp không thể nắm bắt thì dẫn đường lợi ích không đạt được nghĩa lý, chẳng nắm giữ các vẻ đẹp, chẳng chỉ bày trang sức. Làm hạnh ấy thì tôi mới nhận lấy.

Vua A-xà-thế đem áo trao cho vị ấy thì Bồ-tát kia bỗng nhiên biến mất. Rồi ở trong hư không có tiếng nói:

–Vị nào hiện có ở đây thì đem áo để cúng dường!

Vị Bồ-tát kế tiếp tên là Tịnh Tam Cấu. Vua A-xà-thế đem áo cúng cho vị ấy, thì vị Bồ-tát kia cũng chẳng chịu nhận mà nói rằng:

–Giả sử đại vương chẳng tự chấp thân, cũng không thọ nhận. Người kia có ban cho thì cũng không vọng mong cầu. Nếu như thế thì tôi mới nhận áo.

Vua A-xà-thế đem áo trao cho thì vị ấy cũng biến mất. Rồi ở không trung có tiếng nói:

–Vị Bồ-tát hiện có mặt thì đem áo để cúng dường!

Vị Bồ-tát ngồi tiếp tên là Hóa Chư Pháp Vương. Vua A-xà-thế đem áo cúng cho vị ấy. Khi ấy, vị Bồ-tát cũng chẳng chịu nhận mà nói rằng:

–Giả sử nhà vua thị hiện Thanh văn mà vào Nê-hoàn, cũng chẳng diệt độ, thị hiện Duyên giác mà vào Nê-hoàn cũng chẳng diệt độ, thị hiện Như Lai mà vào Nê-hoàn cũng chẳng diệt độ. Không có pháp đầu tiên, cuối cùng, không pháp diệt độ thì tôi mới nhận áo.

Vua A-xà-thế đem áo trao cho vị ấy thì vị ấy cũng biến mất.

Trên không trung nói rằng:

–Vị Bồ-tát nào hiện có mặt thì đem áo để cúng dường!

Vua A-xà-thế lần lượt đem áo dâng lên, nhưng các vị Bồ-tát đều biến mất, từng người một đều nói:

–Vị nào hiện có ở đây thì đem áo để cúng dường!

Giường, tòa, bàn ghế cũng biến mất.

Vua A-xà-thế nói với Hiền giả Đại Ca-diếp:

–Bây giờ, ai hiện còn ở đây, phải nhận áo này! Nhân giả đã được Đức Phật tối tôn khen ngợi nên phải nhận áo này.

Tôn giả Đại Ca-diếp nói:

–Tôi thì tham, sân, si không trừ hết vậy! Như tôi hôm nay chẳng nên nhận áo. Tôi chẳng xả vô minh, chẳng trừ ái dục, chẳng đoạn khổ não, chẳng diệt các tập, làm chẳng đến tận cùng, chứng cũng chẳng theo đường lối. Tôi chẳng thấy Phật, cũng chẳng nghe pháp, chẳng thống lãnh Thánh chúng, chẳng trừ phiền não, chẳng phát khởi tư tưởng, chẳng rời bỏ tư tưởng, chẳng kiến lập tuệ, cũng chẳng lìa khỏi tuệ. Mắt tôi chẳng tịnh, cũng chẳng tạo tuệ, cũng không chỗ diệt. Nếu nhà vua đem áo ấy ban cho tôi thì chẳng được phước lớn, cũng chẳng phải không phước. Tôi cũng chẳng ở với pháp sinh tử, không ở với pháp diệt độ, đại vương đem áo ấy ban cho tôi thì chẳng thể rốt ráo được phước đức của Bậc Chúng Hựu. Giả sử đại vương có thể làm như thế, hiểu hết các nghĩa lý thì tôi nhận áo này.

Nhà vua đem áo trao cho Tôn giả Ca-diếp thì Tôn giả bỗng nhiên biến mất, ở hư không nghe tiếng nói:

–Vị nào hiện có ở đây thì đem áo cúng dường!

Vua A-xà-thế lần lượt đem áo dâng lên thì chư vị đều biến mất. Như thế, tất cả các vị đại đệ tử, từng người một biến mất đi hết cả năm trăm người. Rồi lại nghe tiếng nói:

–Nhà vua nhìn thấy thân ai thì đem áo ban cho người đó.

Nhà vua tự nghĩ rằng: “Bồ-tát Thanh văn đều biến mất hết. Ta sẽ đem áo về cho bà hậu phi thứ nhất.” Nhà vua vào cung quan sát khắp cả cũng chẳng nhìn thấy tất cả thể nữ. Vua A-xà-thế liền được thân cận định ý như thế. Mắt của nhà vua chẳng nhìn thấy các sắc, cũng chẳng thấy nam nữ, chẳng thấy đồng tử, chẳng thấy đồng nữ, chẳng thấy lớn nhỏ, chẳng thấy tường vách, chẳng thấy cây cối, chẳng thấy nhà cửa, chẳng thấy thành quách mà liên tục thấy thân tướng. Lại nghe tiếng ở trên không trung nói:

–Cứ thân nào hiện thì đem áo ban cho.

Nhà vua liền tự mặc vào thì chẳng thấy thân nữa. Liền trắng như tuyết, tiêu hết tất cả sắc tướng. Lại nghe tiếng nói:

–Giả sử đại vương chẳng thấy các màu sắc, hình tướng của mình, nhu nhuyến, yên ổn quan sát hồ nghi, cũng sẽ thấy hồ nghi như thế. Quan sát tất cả pháp cũng lại như vậy. Như không kiến chấp thì đó mới là “thấy” rời khỏi “các thấy”. Giả sử lìa “thấy” để có “sự thấy” thì “không thấy” chẳng lìa “các thấy”. Như vậy, “thấy” ấy là quán bình đẳng. Giả sử đối với các pháp chẳng có “chỗ thấy”, đã không “chỗ thấy” thì chính là quán bình đẳng. Lúc này vua A-xà-thế lìa khỏi tất cả những tưởng niệm mà mình đã có. Rồi vua ra khỏi Tam-muội, trở về với hiện thực. Nhà vua lại thấy chúng hội, các hậu phi, thể nữ, thành quách, cung điện, nhà cửa trở lại như cũ. Vua Axà-thế bạch với Bồ-tát Phổ Thủ:

–Trước đó, chúng hội họp ở đâu? Ở trước mặt mà tôi chẳng thấy họ.

Bồ-tát Phổ Thủ đáp lại:

–Giống như những hồ nghi mà nhà vua đã nhóm họp. Chúng hội ấy trước vẫn ở chỗ đó.

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

–Này đại vương! Đại vương thấy chúng hội ư?

Đáp rằng:

–Thấy rồi!

Bồ-tát Phổ Thủ hỏi:

–Sao gọi là thấy.

Đáp rằng:

–Giống như hồ nghi, nhìn thấy chúng hội cũng lại như vậy.

Lại hỏi:

–Thấy những gì ở hồ nghi ư?

Đáp rằng:

–Như nhìn chúng hội, đã thấy các hình sắc trước mắt. Hồ nghi cũng vậy, chẳng thấy trong ngoài.

Lại hỏi:

–Này đại vương! Đức Thế Tôn nói rằng: “Kẻ phạm ngũ nghịch thì tội không được dừng nửa chừng, không có gián đoạn.” Nhà vua tự biết phải đến địa ngục ư?

Nhà vua liền đáp:

–Sao gọi là Phổ Thủ? Khi Đức Như Lai Chí Chân thành Chánh giác phải chăng thấy có pháp về nhà tù ư? Chỗ ấy về là tam đồ ư?

Chỗ ấy về là trên trời ư? Chỗ ấy về là Nê-hoàn ư?

Đáp rằng:

–Thưa đại vương! Chẳng phải vậy.

Nhà vua nói:

–Này Đại sĩ Phổ Thủ quan sát thấy nay tôi đã hiểu rõ tất cả các pháp thì đối với các kinh pháp cũng không có sở đắc, rơi vào địa ngục cũng như sinh lên trời hay vào Nê- hoàn. Tất cả các pháp đều là chân như thì chẳng khác nào phân biệt chỗ quy thú của hư không, ngắm nhìn hư không, không vào địa ngục, chẳng lên trên trời, chẳng vào Nê-hoàn. Tất cả các pháp không thể phá hoại. Tất cả các pháp đều trở về pháp giới. Pháp giới ấy chẳng về đường ác, chẳng lên trên trời, chẳng vào Nê-hoàn thì tội nghịch vô gián kia gọi là pháp giới. Các nguồn gốc của các tội nghịch thì gọi là pháp giới. Do đó nguồn gốc thanh tịnh ấy chính là tội nghịch. Các tội nghịch ấy chính là nguồn gốc thanh tịnh.

Vậy nên nói rằng: Các pháp vốn thanh tịnh.

Này Bồ-tát Phổ Thủ! Vậy nên, tất cả các pháp đạt đến vô sinh, từ đó tự biết chẳng rơi vào đường ác, cũng chẳng lên trời, chẳng vào Nê-hoàn.

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

–Tại sao nhà vua làm rối loạn giáo pháp của Phật?

Nhà vua đáp:

–Tôi cũng chẳng trái giáo pháp của Đức Thế Tôn, chẳng trái Phật pháp. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn phân biệt diễn giảng nguồn gốc vô ngã, nói nguồn gốc chân đế, đã không có ngã thì không có nhân, nhân không thật có. Chúng sinh hư vô không có thật. Như vậy, rõ ràng những cái ấy không chỗ tạo ra, cũng không tạo tác, cũng không thọ lãnh.

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

–Thưa đại vương! Đại vương đã đoạn dứt hồ nghi rồi ư?

Đáp rằng:

–Đã tiêu trừ rốt ráo.

Bồ-tát Phổ Thủ hỏi rằng:

–Đại vương thế nào? Do dự đã dứt tuyệt rồi ư?

Đáp rằng:

–Đã dứt tuyệt vĩnh viễn.

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

–Hôm nay ở trong chúng hội, mọi người biết nhà vua có tội nghịch mà tại sao nhà vua nói không tội nghịch?

Đáp rằng:

–Chẳng phải vậy.

Lại hỏi:

–Tại sao?

Đáp rằng:

–Đó đã là nghịch thì giải thoát đối với không kết sử mà chứng đắc. Các nghịch đó tách rời khỏi “hội nghịch” thì các nghịch ấy là pháp Nhẫn nhu thuận của Bồ-tát, mà muốn khiến mọi người được vào cái nhẫn ấy thì chẳng nên đối với họ nắm giữ các “nghịch”. Này Bồ-tát Phổ Thủ, sở dĩ gọi là “nghịch” vì từ đó đến đây không có các “nghịch”. Do vậy chẳng nên đối với họ nắm giữ các ‘nghịch’.

Khi ấy, Bồ-tát Tuệ Anh Tràng khen rằng:

–Vì con đường của đại vương trang nghiêm sạch sẽ nên mới có thể thành tựu được pháp nhẫn như thế.

Nhà vua đáp:

–Gốc ngọn của tất cả các pháp đều thanh tịnh. Lại nữa tất cả các pháp là hoàn toàn rỗng không, tịch mặc không chỗ nhiễm ô. Do đó, nên chẳng thể nhiễm ô mà làm dơ bẩn đạo Vô sở trước. Đó gọi là đạo. Lại nữa, đạo ấy chẳng hướng đến sinh tử, chẳng đến với Nêhoàn. Đạo của các Thánh hiền là đạo không nắm giữ, không chỗ khởi đạo. Đó gọi là đạo, là đạo không có đạo

Khi vua A-xà-thế nói lời ấy, là đã thành tựu được pháp nhẫn Minh đạt nhu thuận. Khi ấy trong cung bốn mươi hai thể nữ thấy uy thần biến hóa của Bồ-tát Phổ Thủ nên đều phát đạo ý Vô thượng Chánh chân, năm trăm dân chúng xa lìa phiền não chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy, vô số trăm ngàn người đều đến tụ tập ở dưới cửa vương cung, muốn được nghe pháp, phụng sự cúng dường. Bồ-tát Phổ Thủ dùng ngón chân ấn xuống đất thì cả thành Vương xá đều trở thành lưu ly trong suốt, nên tất cả dân cư ở trong thành đều nhìn thấy Bồ-tát Phổ Thủ, các vị Bồ-tát và các vị Thanh văn, ví như tự thấy bóng mình khi soi vào gương sáng.

Bồ-tát Phổ Thủ vì những người tề tựu lại đây mà ứng thời nói pháp. Tám vạn bốn ngàn người nghe pháp đều đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, năm trăm người đều phát ý đạo Vô thượng chánh chân.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11