PHẬT THUYẾT TỰ ÁI KINH

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Trúc Đàm-vô-lan, người xứ Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Một hôm, vua đến chỗ Đức Phật, nhìn thấy tinh xá, vua liền xuống xe, bỏ lọng, tháo kiếm, cởi giày, chắp tay, đến lạy sát chân Đức Thế Tôn, rồi lui ra quỳ thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ngày mai con có tổ chức bữa cúng dường ngọ trai đơn giản tại ngã tư đường. Con xin thỉnh Thế Tôn cùng chư Tăng đến dự để cho hết thảy dân chúng biết Phật Thế Tôn và được thấy nghi thức ấy mà truyền lại cho đời, lấy đó làm phép tắc. Nguyện cho chúng sinh xa lìa yêu quỷ, tuân giữ năm giới, ngõ hầu tiêu trừ các hoạn nạn cho đất nước.

Đức Thế Tôn nói:

–Lành thay! Lành thay! Làm vua trong một nước là người hướng dẫn sáng suốt để thống lãnh dân chúng cầu phước bằng đạo đức. Thuở xưa Ta làm vua cũng đã phụng thờ chư Phật, Sa-môn, Phạm chí thường thực hành bốn Đẳng tâm, sáu Độ, dốc cầu để đạt quả vị Phật vô thượng.

Vua nói:

–Bạch Thế Tôn! Lời Thế Tôn dạy rất đúng. Nếu không gieo hạt thì làm sao có trái. Con thọ ân Phật mà sinh ra làm người, bỏ thân nữ liền được thân nam, lại sáu căn đầy đủ, hưởng phước gặp Phật ra đời, đem giáo pháp sáng suốt giáo hóa nước con. Con xin lui về để lo bữa cúng dường.

–Lành thay! Lành thay!

Trở về cung điện, vua cho sửa sang lại đường sá bằng phẳng, treo cờ, dựng phướn, lọng từ ngã tư đến cửa tinh xá, hai bên đường treo đèn sáng như sao, mỗi bước có một lư hương, các nhạc trời ca hát mừng Phật Chí Tôn và đức thanh khiết của các Sa-môn. Vua cho người rải hoa báu đủ loại nhiều như mưa, rưới nước thơm trên đất và trải vải mịn. Suốt đêm, vua tự mình làm thức ăn và đích thân đến nghênh đón Đức Phật, cúi đầu sát đất, quỳ thưa:

–Cúi xin Thế Tôn rủ lòng đại bi, hiện thân để cứu giúp chúng sinh.

Đức Phật mặc pháp phục rồi cùng các Tỳ-kheo đi đến ngã tư. Vua và các quần thần theo hai bên. Đến nơi, Đức Phật ngồi trên tòa. Phu nhân và thái tử bỏ trang sức, đi chân đất, đến cúi lạy sát chân Phật. Sau khi lấy nước rửa, vua tự tay đi sớt thức ăn. Phật và chúng tăng ngọ trai xong, vua cúi đầu thưa:

–Nguyện đem bữa ngọ đơn giản hôm nay cầu cho trời, người đến loài bò, bay, máy, cựa đời đời được gặp Phật, Pháp, Tăng trừ bỏ đời sống ô trược của thế gian, học tập theo pháp Phật.

Phật nói:

–Lành thay! Vua là cha mẹ của muôn dân, lấy Từ bi để tu sửa họ, lấy sự sáng suốt cao thượng để hướng dẫn họ thì nguyện gì đều được nấy.

Vua nói:

–Dân chúng khắp mọi nơi đều nói là tự yêu mình, nghĩa của tự yêu mình có quan trọng chăng?

Đức Thế Tôn khen:

–Điều ông hỏi hay lắm! Con người ở đời tâm niệm rất độc ác, miệng buông lời độc ác, thân làm việc độc ác. Ba độc ác này xuất phát từ thân, miệng và ý khiến cho chúng sinh bị đau khổ. Chúng sinh bị ác độc tức kết lấy oán hận, tâm niệm luôn muốn báo thù. Có khi báo thù nơi đời hiện tại hoặc sau khi chết, thần thức đã lên cõi trời rồi còn trở xuống báo thù. Có khi làm người, súc sinh, quỷ thần Thái sơn giết hại lẫn nhau. Tất cả đều do nghiệp tạo từ đời trước chứ chẳng phải tự nhiên sinh như vậy. Thân ba, miệng bốn, ý ba không xấu, mà vì người ngu buông thả, bất hiếu với cha mẹ, kính thờ yêu quỷ, dâm loạn, say sưa… thành hạng bần tiện, để đưa đến cái họa làm nguy thân diệt tộc, chết bị đọa vào chỗ đường dữ, lửa nước nơi ngục tối, khó làm được thân người trở lại. Đã cách Phật quá xa, lại không ưa thích giới thanh tịnh của Sa-môn mà lại ưa hội họp với kẻ ngu. Đây gọi là thích họa nguy vong, là người không tự yêu mình.

Vua hỏi:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Con xin Thế Tôn dạy bảo về pháp tự yêu mình. Nghĩa nó như thế nào?

Phật bảo:

–Pháp tự yêu mình là: Trước tiên phải quy y Tam bảo, lấy giáo pháp để nuôi chính bản thân, đem lòng Từ bi thương xót người và vật, thương xót kẻ ngu lầm, phải vui thích học hỏi, tâm bình đẳng cứu giúp tất cả, đem an vui ban bố cho muôn loài, nguyện đền trả bốn ân, bố thí cho người bần cùng, đói khổ. Có thế chúng sinh không oán thù, chư Thiên theo giúp đỡ, không có các tai họa hoành hành. Lao ngục, kiếm bén, các thứ ác độc đều tiêu trừ, dòng họ luôn được an vui, sống không gặp hoạn nạn, chết được sinh lên cõi trời, gặp chỗ sáng suốt. Đây gọi là tự yêu mình.

Vua nói:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Những lời Thế Tôn dạy thật là chí lý.

Phật bảo:

–Những bậc hành giả hạnh cao thượng, thanh khiết, chân chánh, đối với uế lợi, tà lạc không để nhiễm vào tâm, miệng không bao giờ nói bốn điều ác, thân xa lìa ba sự hung dữ. Dù cho mạng sống bị nguy nan, trọn đời vẫn giữ những lời vàng ngọc của Phật để cho chính mình được an lạc và thân tộc luôn được bình an, qua đời sinh lên cõi trời, hưởng phước lợi. Đây gọi là tự yêu mình.

Vua nói:

–Lành thay! Xin Phật chỉ dạy.

Phật nói:

–Dù có ai độc ác hoành hành nhưng phải nhẫn nhịn, đừng nói. Hãy đem lòng Từ bi thương xót người ấy, luôn luôn cứu giúp họ, tinh tấn không biếng trễ, với một lòng nối theo Tam Tôn, trong ngoài tĩnh lặng, luôn trồng gốc đạo và quán sâu vào đường Thánh, sáng suốt hóa độ với những lời chân thành, hiếu thuận với cha mẹ, cứu giúp mọi người, hướng dẫn họ làm các việc như vậy sẽ thường gặp phước đức. Đây gọi là tự yêu mình.

Vua nói:

–Lời Thế Tôn giảng dạy rất đúng.

Bấy giờ có hai người đi buôn, một người nghĩ rằng: “Thân Phật cao một trượng sáu, màu vàng ròng, đẹp như hoa, trên đảnh có nhục kế, trán phóng hào quang uy nghiêm khó tả. Đức Phật như vua, Samôn như trung thần. Đức Phật lập ra các phép tắt sáng suốt, Sa-môn thì giảng nói, đấy là ông vua sáng suốt. Người ấy nhận biết Đức Phật là bậc đáng tôn kính.”

Đức Phật biết ý nghĩ của người ấy thuần thục và thấy rõ sự vui mừng như được của báu. Người thứ hai nghĩ: “Ông vua này ngu muội, làm chủ một nước còn mong cầu gì nữa? Phật như con bò, đệ tử như chiếc xe. Con bò kéo chiếc xe chạy khắp nơi. Phật cũng giống như vậy, ông ta đâu có đạo đức mà mình tuân phục để phụng thờ?”

Phật biết người này có niệm ác, chắc chắn bị khổ báo, nên Phật cảm thấy thương xót họ.

Người thứ hai trong lòng lo sợ như có chỗ vướng mắc. Hai người cùng lên đường khoảng ba mươi dặm và dừng lại quán để uống rượu, rồi bàn luận, tranh cãi lung tung. Người có ý nghĩ thiện được Tứ thiên vương sai thiện thần đến ủng hộ. Còn kẻ có tâm ác phỉ báng Phật thì quỷ của địa ngục làm cho rượu vào ruột giống như lửa đốt thân rồi dần dần ra ngoài đường nằm giữa vết bánh xe. Sáng sớm, có người lái buôn đưa năm trăm chiếc xe đi qua nghiến chết kẻ ấy. Người bạn tìm thấy, nói: “Ta gặp nguy rồi.” Nếu lấy vật đi là bất nghĩa, mà trở về nước thì bị nghi ngờ. Nói như vậy rồi ông ta xem thường thân thể, vứt bỏ của cải mà đi thẳng. Một đoạn xa, cách thành Xá-vệ khoảng vạn dặm, có một nước vua nước ấy đã qua đời mà không có thái tử.

Sấm thư nói: “Trong vùng đất này có người tài giỏi, xứng đáng được làm vua.”

Quần thần bàn:

–Nước không có vua, giống như người không đầu khó mà đứng vững được. Tiên vương có con ngựa luôn kính lễ vua. Nếu người nào làm vua được thì ngựa quỳ xuống trước mặt người đó.

Mọi người đều nói:

–Hay lắm!

Thế rồi họ sửa soạn xa giá, lấy ấn vua buôc lên xe. Người ngựa chật cả đường, kẻ nào trông thấy cũng đều chảy nước mắt.

Người buồn kia cũng ra nhìn đám đông.

Thái sử nói:

–Người kia có đám mây vàng che trên đầu như chiếc lọng, chính là vương khí.

Bỗng nhiên con ngựa thần tiến thẳng đến, quỳ xuống liếm chân người đi buôn. Quần thần vui mừng chuẩn bị hương hoa, nước nóng tắm rửa, lễ bái ông ta là vua và xưng mình là thần.

Vua nói:

–Tôi vốn là kẻ đi buôn, không có công đức gì với dân chúng. tôi không thể gánh vác lấy ngôi vua.

Quần thần nói:

–Trời đã trao cho người có đức nên được con ngựa thần quỳ gối.

Thế rồi người buôn kia về ở cung vua, cho phép sửa lại chính trị của đất nước. Vua suy nghĩ: “Ta không có chút phước đức nào cả mà sao nay lại được làm vua? Chắc chắn là nhờ ân Phật nên mới được như vậy.”

Vào sáng sớm, vua ngự triều, ca ngợi Phật là bậc Thánh vô thượng, rồi thống lãnh quần thần đến nước Xá-vệ, cúi đầu bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kẻ tầm thường này nhờ đức của Thế Tôn thấm nhuần nên được làm vua. Quốc độ này truyền đời không biết có Phật, sách vở lưu hành cũng không ghi chép. Xin Thế Tôn đem ánh sáng rực rỡ để khai mở cho dân chúng đui điếc trong nước này. Ngày mai, con thỉnh Thế Tôn và chúng Tăng rủ lòng thương xót, đồng ý cho con cúng dường ba tháng một lần.

Đức Phật dạy Tôn giả A-nan:

–Ông hãy thông báo cho các Tỳ-kheo ngày mai nhận lời mời của vua ấy các ông nên từ từ hiển bày thần thông để cho dân chúng nước này đều được chứng kiến.

Chư Thiên nghe Phật đến đó giáo hóa nên cũng cùng nhau đi theo, trổi lên đủ loại kỹ nhạc, treo cờ phướn, lọng báu, rải hoa xuống, ánh sáng rực rỡ.

Thế Tôn và chúng Tăng đều ngồi trên chánh điện. Vua theo phép tắc của vua nước Xá-vệ mà cúng dường đúng pháp. Vua đích thân đi sớt thức ăn. Sau khi ngọ trai xong, vua lấy ghế nhỏ ngồi trước mặt Phật, nghe thuyết pháp.

Vua nói:

–Trước đây con là kẻ hèn mọn, hoàn toàn không có chút đức.

Vì sao nay được làm vua như vậy?

Phật nói:

–Thuở xưa, vua cúng dường cơm cho Phật, vua nghĩ rằng: “Đức Phật như vua một nước, Sa-môn như quần thần.” Do vua trồng nhân như thế mà nay được phước báo ấy. Còn người kia nói: “Phật giống như con bò, đệ tử như chiếc xe.” Người kia do gieo trồng hạt xấu ác nên bị xe nghiến chết, nay còn bị xe bằng lửa nghiến trong ngục Thái sơn, tự mình gánh chịu quả báo như vậy. Không phải vì sức mạnh và quyền lực mà vua có thể đạt được, mà là do phước đức từ chỗ làm điều thiện. Hễ giẫm theo ác thì họa tìm đến, giống như tiếng vang dội lại. Thiện ác như âm thanh, không phải trời, rồng, quỷ thần làm ra, cũng chẳng phải tiên linh làm. Tâm thì dẫn đầu mà thành tựu do thân, khẩu.

Đức Phật nói kệ:

Tâm là gốc pháp
Tâm sai, tâm khiến
Trong tâm nghĩ ác
Nói làm đều ác.
Tội khổ đi theo
Như xe theo rãnh
Tâm là gốc pháp
Tâm sai, tâm khiến.
Trong tâm nghĩ thiện
Nói làm đều thiện
Phước lạc tự đến
Như bóng theo hình.

Đức Thế Tôn lại bảo vua:

–Trong các tội, tội nặng nhất có năm: Bất hiếu, bất trung, giết người thân, giết vua, làm tan nhà, nước loạn. Đó là một tội nặng.

La-hán tu hành chứng được định không, vô tướng, vô nguyện mà ý tưởng như Phật cứu giúp chúng sinh, lại hướng đến hại những vị này thì mắc tội gấp đôi.

Phật đã dứt trừ các tội, được phước tướng tốt, mười Lực, chỉ dạy hướng dẫn chúng sinh, có tâm Từ bi hoan hỷ, tâm ấy quá hơn mẹ hiền mà lại ngu si phỉ báng, ghét bỏ, nên mắc tội gấp ba lần.

Sa-môn thanh khiết, ý chí trong sạch, đức hạnh rất cao thượng, đem kinh pháp để giúp Phật hóa độ kẻ ngu si, nối tiếp kế thừa chư Phật. Chúng sinh được độ đều nhờ chúng Tăng, vậy mà dua nịnh, gièm pha, câu kết để đưa đến bất hòa. Nếu Tăng không hòa thì chánh pháp suy tàn, muôn dân bỏ chánh pháp, khiến ba đường ác hưng thịnh, làm não loạn Tỳ-kheo Tăng, do đó mắc tội nặng gấp bốn lần.

Đất nước, của báu trong chùa, chúng Tăng hết lòng đem cúng dường Tam bảo, còn người ngu si thì pháp hủy hoặc trộm cắp, nên mắc tội này nặng gấp năm lần.

Ai phạm năm tội ấy thì gọi là tự giết thân mình, tự tàn hại dòng họ, tự gieo mình vào lửa Thái sơn. Năm tội này nặng hơn núi Tu-di, cho nên phải cẩn thận, chớ trái phạm.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, vua và các quần thần đều chứng quả Tu-đà-hoàn, vâng giữ năm giới làm Thanh tín sĩ. Nhân dân trong nước có người làm Sa-môn giữ giới, hoặc làm Thanh tín sĩ. Vua lấy năm giới, mười nghiệp thiện làm pháp luật cho quốc gia.

Chư Thiên đến giúp đỡ, ủng hộ, khiến cho đất nước hưng thịnh.

Chư Thiên, trời, rồng, vua, quần thần, lê dân đều hoan hỷ.