KINH TRÌ THẾ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 2
Phẩm 3: MƯỜI TÁM TÁNH
Này Bồ-tát Trì Thế! Thế nào gọi là Đại Bồ-tát biết rõ về mười tám tánh?
Các Đại Bồ-tát theo phương tiện chánh quán về mười tám tánh nghĩ thế này: Trong cảnh giới của nhãn tánh, thì nhãn tánh không thể thủ đắc. Nhãn tánh này là không ngã, không ngã sở, không thường, không bền chắc, vì tự tánh vốn không, vì trong nhãn tánh, tướng của nhãn tánh là không the thủ đắc. Nhãn tánh hư vọng, không thật có, từ nhớ tưởng phân biệt sinh khởi. Nhãn tánh không có tướng nhất định. Tánh hư không là nhãn tánh. Ví như hư không không có tướng nhất định, không có gốc rễ, nhãn tánh cũng như vậy, không có tướng nhất định, cũng không có gốc rễ.
Vì sao? Vì trong nhãn tánh, thật sự là không thể thủ đắc. Nhãn tánh không có nơi chốn, không có phương hướng, không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Nhãn tánh không có tướng nhất định vì không có sự việc. Sự việc của nhãn tánh là không thể thủ đắc, do các nhân duyên sinh khởi nên nhãn tánh không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Nhãn tánh, nhãn tướng đều không thể thủ đắc. Nhãn tánh chỉ do nghiệp báo nơi đời trước, vì thuộc duyên hiện tại nên được gọi là nhãn tánh. Nhãn tánh tức là vô tánh. Trong nhãn tánh, nhãn tánh là không thể thủ đắc, do nhận biết về hành xứ nên gọi là nhãn tánh.
Nếu nhãn căn thanh tịnh, sắc ở chỗ có thể thấy được, tương ưng với ý căn, vì ba sự hòa hợp nên gọi là nhãn tánh. Trong nhãn tánh không có tướng nhãn tánh nhất định. Người trí hiểu rõ không nhãn tánh là tánh của nhãn tánh.
Này Bồ-tát Trì Thế! Các Đại Bồ-tát nếu có thể quán sát nhãn tánh như vậy, liền thông đạt vô tánh là sắc tánh. Vì sao? Vì trong sắc tánh, sắc tánh là không thể thủ đắc. Sắc tánh này không hợp, không tan. Sắc không có tướng nhất định nên gọi là sắc tánh. Sắc không có cội rễ, không phân biệt, huống hồ là sắc tánh. Sắc tánh tức cũng không căn bản. Sắc tánh không ở trong sắc, không ở ngoài sắc, không ở trung gian, chỉ do nhớ tưởng, phân biệt. Sắc ở chỗ có thể thấy nhãn căn thanh tịnh do ý thức tương ưng, thấy sắc hiện tại nên thường gọi là sắc tánh. Ví như dáng mặt trong gương, nếu gương trong sáng thì dáng mặt hiện rõ. Dáng mặt trong gương không có tướng nhất định. Trong gương không có người nhưng thấy có dáng người là chỉ do bên ngoài có nên mới hiện lên dáng người trong gương. Nhãn tánh thanh tịnh như vậy duyên với sắc tánh ở chỗ có thể thấy, như hình tượng trong gương nên gọi là sắc tánh. Sắc không có tánh tướng, không hình tánh, không tánh nhất định, đó gọi là sắc tánh. Tướng của các sắc vô ngã nên gọi là sắc tánh, vì tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh nên nói la sắc tánh. Nếu Bồ-tát nhận biết sắc tánh này, liền biết vô tánh là sắc tánh, tánh vô sinh là sắc tánh, tánh vô tác là sắc tánh. Vì sao? Vì sắc tánh này không có quá khứ, vị lai, hiện tại, là tánh vô sở hữu, là tanh hư vọng, là tánh giả danh, nên gọi là sắc tánh.
Quán sát sắc tánh như vậy, Bồ-tát này chánh quán về tánh của nhãn thức. Nghĩa là không có nhãn thức trong nhãn thức, không có tánh của nhãn thức, không có tánh thường. Tánh cnhãn thức không có nguồn gốc, là pháp không nhất định, tánh của nhãn thức không chỗ hiện bày. Tánh của nhãn thức này không hợp, không tan, không có căn bản, chỉ do nhân duyên nghiệp báo từ đời trước sinh khởi, thuộc duyên của hiện tại trói buộc vào duyên của sắc nên gọi là tánh của nhãn thức. Vì tùy theo tâm điên đảo của phàm phu nên thường gọi là tánh của nhãn thức.
Hiền thánh thông đạt tánh của nhãn thức tức là phi tánh. Vì sao? Vì tánh của nhãn thức không nhất định, từ các duyên sinh ra, vì thuộc các nhân duyên nên thường gọi là tánh của nhãn thức. Chỗ hành xứ của thức là tánh của nhãn thức, vì thức này không nhất định, nên noi là tướng không nhất định, không sinh, vì chỉ bày hư vọng, vì có thể phân biệt sắc tướng, vì có thể nêu rõ các duyên nên nói là tánh của nhãn thức. Tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh nên Như Lai theo phương tiện phân biệt, phá trừ một tướng hòa hợp, nên nói mười tám tánh này là để chỉ rõ thức không có tướng nhất định. Chỉ có mắt thanh tịnh mới có thể nhận biết về sắc tướng, vì hai pháp hòa hợp nên nói tánh của nhãn thức. Vì chỉ rõ thật tướng của nhãn thức nên nói tánh của nhãn thức. Tánh của nhãn thức chỉ ra chốn hành hoạt của mắt, có thể biết sắc là nhãn thức, nên nói tánh tức là vô tánh. Vì sao? Vì trong tánh của nhãn thức, người trí tìm tướng của tánh của nhãn thức là không thể thủ đắc. Trong tánh của nhãn thức cũng không tìm được nguồn gốc của tánh nhãn thức. Vì sao? Vì tánh không nhất định là tánh của nhãn thức, tánh của nhãn thức chỉ giả danh mà noi. Nói về tánh tức là nói nghĩa không thể nắm giữ, có thể có chỗ nhận biết là nhãn thức, ý nghiệp sinh khởi là tướng nhãn thức, nên gọi là nhãn thức.
Nhãn tánh, sắc tánh, nhãn thức tánh, nói ba sự hòa hợp vì biết tướng của các duyên, tức là lìa nghĩa của các tánh. Nghĩa là nêu rõ về nhãn tánh, sắc tánh, nhãn thức tánh có các thứ như vậy, để làm cho chúng sinh đi vào con đường chân thật, trong đó thật sự không có nhãn tánh, sac tánh, nhãn thức tánh. Các Đức Như Lai theo phương tiện nói là thấy biết về các tánh tướng, phân biệt nói là các tánh. Nếu người nào thông đạt phương tiện của các tánh này thì biết ba tánh là vô tánh. Vì sao? Vì trong các tánh không có tánh tướng, nên tướng trong các tánh là không thể thủ đắc. Nhĩ tánh, thanh tánh, nhĩ thức tánh; tỷ tánh, hương tánh, tỷ thức tánh; thiệt tánh, vị tánh, thiệt thức tánh; thân tánh, xúc tánh, thân thức tánh cũng đều như vậy.
Này Bồ-tát Trì Thế! Thế nào gọi là Đại Bồ-tát quán sát, lựa chọn ý tánh? Bồ-tát nghĩ thế này: Ý tánh không nhất định, vì nguồn gốc là không thật có. Trong ý tánh không có ý tánh, không có tánh quyết định là ý tánh. Ví như các hạt giống được gieo trồng nơi đại địa, nhờ tưới nước, nhờ ánh sáng của mặt trời, nhờ không khí, dần dần nảy mầm, mầm không từ hạt giống sinh ra, hạt giống cũng không cùng với mầm hòa hợp. Mầm sinh thì hạt giống hoại, hạt giống không lìa mầm, mầm không lìa hạt giống, trong mầm không có hạt giống. Ý tánh cũng như vậy, có thể khởi sinh ý nghiệp, có thể hiện bày ý thức, như hạt giống hiện bày ra mầm nên được gọi là ý tánh. Lìa ý tánh thì không có ý, ý tánh không thể biết ý, vì tạm mượn danh tự mà nói là ý tánh. Ý tánh này không ở trong ý, không ở ngoài ý, không ở trung gian, chỉ do nhân duyên của nghiệp báo nơi đời trước nên sinh khởi.
Vì thức là ý nghiệp, vì biết đối tượng duyên, vì danh tự của các tánh hòa hợp, vì các duyên hiện tại sinh khởi nên thường gọi là ý tánh, tức là tướng của ý nghiệp không nhất định, là tướng hòa hợp của các duyên, nên cũng nói ý tánh từ hòa hợp sinh khởi, tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh. Trong Đệ nhất nghĩa không có ý tánh. Vì sao? Vì nguồn gốc là không thật có, nên vô sinh là ý tánh, vì sinh vốn là vô sở hữu. Ý tánh tức là lời thế tục, trong Đệ nhất nghĩa không có ý tánh, quá khứ, vị lai, hiện tại đều không thể thủ đắc. Người trí thông đạt nên biết vô tánh là ý tánh.
Các Bồ-tát quán chọn về pháp tánh, biết vô tánh là pháp tánh. Pháp tánh không có tự tánh, tự tánh không thể thủ đắc. Tánh không nhất định là pháp tánh, vì nguồn gốc của pháp tánh là không thể thủ đắc, vì sự nhất định cũng không thể thủ đắc. Chỉ vì chúng sinh khởi điên đảo, hư vọng trói buộc, vì có chỗ nhận biết nên nói là pháp tánh. Vì muốn làm cho chúng sinh nhập nơi vô tánh nên nói là pháp tánh. Vì sao? Vì trong pháp tánh không có tướng pháp tánh. Pháp tánh này từ các duyên sinh ra, pháp từ các duyên sinh ra tức không tự tánh. Nơi các nhân duyên không có tự tánh, các nhân duyên đều từ các duyên hòa hợp nên nối tiếp sinh ra. Như Lai ở trong đó muốn giáo hóa chúng sinh nên nói là pháp tánh, dùng lời nói của thế tục để chỉ rõ về pháp vô tánh. Pháp tánh này không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian, chỉ làm cho chúng sinh thấy biết pháp thiện, bất thiện. Dùng pháp tánh để nêu rõ việc xa lìa tướng của tất cả pháp, vì thấy biết rốt ráo về tướng không. Nói rốt ráo không tức là pháp tánh. Vì sao? Vì vô sở hữu là pháp tánh, trong pháp tánh không có tướng nhất định. Ví như hư không không có tướng nhất định, nên thường gọi là hư không. Pháp tánh cũng như vậy, không có tướng nhất định, vì để mở bày về pháp tướng nên gọi là pháp tánh, pháp tánh tức là vô tánh. Vì sao? Vì pháp tánh này không ở quá khứ, không ở vị lai, không ơ hiện tại, chỉ thuộc duyên hợp cùng các duyên nên thường gọi pháp tánh. Nói pháp tánh là tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh. Người trí chứng biết vô tánh là pháp tánh. Pháp tánh chẳng phải hợp, chẳng phải tan. Trong pháp tánh không có tướng pháp tánh, không nhiều, không ít, vì để chỉ bày phương tiện của tánh nên nói pháp tánh gọi là tánh. Nếu hành giả thật sự thông đạt tướng của pháp tánh này liền thấy biết là vô tánh. Pháp tánh trong ba cõi này không có tướng phân biệt. Do các nhân duyên hòa hợp, do phân biệt các pháp nên nói là pháp tánh. Chỉ rõ tánh không nhất định là pháp tánh. Người trí không dùng tướng của pháp tánh để thấy pháp tánh. Pháp tánh là tướng vô sinh. Vì sao? Vì trong pháp tánh không có tướng. Người trí thông đạt vô tướng là pháp tánh. Nơi pháp tánh không có tướng phân biệt, vì không tướng, không phân biệt nên gọi là pháp tánh. Trong phap tánh không có trụ xứ, không xứ, không khởi, không trụ, không nương tựa là pháp tánh, vì từ xưa đến nay không sinh. Pháp tánh này không có người sinh. Vì sao? Vì trong pháp tánh không có tánh. Lại nữa, pháp tánh không do hòa hợp mới có, không hợp, không tan, không tạo tác, không nhất định, đó gọi là pháp tánh.
Đại Bồ-tát quán sát pháp tánh như vậy, tức biết vô tánh là pháp tánh.
Này Bồ-tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ-tát quán sat ý thức tánh?
Đại Bồ-tát nghĩ thế này: Tánh bất sinh là ý thức tánh, tánh không nhất định là ý thức tánh. Ý thức tánh không nguồn gốc, không có pháp nhất định, dùng ý thức tánh chỉ rõ về tướng vô tánh. Vì sao? Vì trong ý thức tánh, tánh ý thức là không thể thủ đắc. Tánh ý thức này hư vọng không sở hữu, tương ưng với điên đảo, lấy ý làm đầu, do biết các pháp nên gọi là ý thức. Vì tùy theo chỗ hành của phàm phu nên gọi là ý thức tánh.
Hiền thánh quán biết phi tánh là ý thức tánh, hư vọng, không sở hữu là ý thức tánh. Nhưng vì chỉ rõ về pháp nhân duyên, vì lấy ý đứng đầu, vì biết các duyên hòa hợp nên nói là ý thức tánh. Tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh nên nói như vậy.
Người trí biết phi tánh là ý thức tánh, từ các duyên sinh ra, do nhớ tưởng phân biệt khởi lên, không có tánh tướng. Tức là ở trong Đệ nhất nghĩa không có nghĩa của tánh, tướng. Để hướng dẫn chúng sinh trong pháp thế tục nên nói là ý thức tánh. Muốn làm cho chúng sinh biết: Vô tánh là ý thức tánh, chỉ vì để tiểu pháp hoại lìa các tánh nên nói là ý thức tánh. Vì sao? Vì Thánh nhân tìm cầu tánh ý thức là không thể thủ đắc. Ý thức tánh không ở trong tánh ý thức, không ở ngoài tánh ý thức, không ở trung gian. Người trí thông đạt tánh bất hợp là ý thức tánh. Ý thức không thể biết ý tánh, ý tánh không biết ý thức. Chỉ do các duyên sinh ra, từ điên đảo khởi lên do ý làm chủ.
Biết các duyên vì hai việc hòa hợp, vì vướng mắc nơi hư vọng, từ giác quán khởi sinh vì chỉ bày tướng thức cho chúng sinh nên nói là ý thức tánh. Ý thức này không ở quá khứ, không ở vị lai, không ở hiện tại, ý thức này không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không có trú xứ. Từ xưa đến nay, ý thức không có tướng sinh, trong ý thức không có nguồn gốc pháp định. Vì sao? Vì tánh tướng của ý thức này tức không có hai tướng, tức là vô tướng, vì tướng ấy không do hai tướng mà có. Tánh không chỉ rõ được là ý thức tánh. Người trí thông đạt tánh của ý thức như vậy, ý thức tánh này không ở trong tất cả pháp, không nơi chốn, không phương hướng, không cùng với pháp hoặc hợp, hoặc tan.
Thánh nhân thông đạt tướng bất sinh là ý thức tánh. Ý thức tánh này không đến, không đi, không duyên. Vì sao? Vì trong Đệ nhất nghĩa, ý thức tánh không duyên, không thể thủ đắc, không thể chỉ bày. Người trí thông đạt ý thức tánh không tạo tác là ý thức tánh, vì không thể tìm được tác giả; vô sinh là ý thức tánh, vì tướng sinh là khong chỗ thủ đắc.
Này Bồ-tát Trì Thế! Đại Bồ-tát quán sát về ý thức tánh như vậy. Khi các Bồ-tát khởi quán này, quán chọn Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới đều là tánh không sinh, là tánh vô sở hữu.
Thế nào là quán? Nghĩa là trong Dục giới không có Dục giới, trong Sắc giới không có Sắc giới, trong Vô sắc giới không có Vô sắc giới. Dùng giới để chỉ bày về pháp không giới. Vì người chấp giữ tướng Dục giới thì chỉ bày Dục giới, người chấp giữ tướng Sắc giới thì chỉ bày Sắc giới, người chấp giữ tướng Vô sắc giới thì chỉ bày Vô sắc giới, vì dựa vào giới mà nói không giới. Như chỗ biết rõ của người trí giới không thật có là ba cõi Dục, cõi Sắc và Vô sắc. Người trí không thủ đắc về ba cõi, vì Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới đều không có nguồn gốc, không có pháp nhất định, chỉ từ các duyên sinh khởi, nên người trí thấy biết vô giới là tam giới, trong đó không có tướng của giới. Tam giới này đều hư vọng hợp với hành điên đảo. Vì sao? Vì người trí không chấp nơi tam giới này, không thuyết tam giới hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại. Hiền thánh thông đạt tam giới này là hư vọng, vô sở hữu, vô tự tánh, xa lìa các pháp, chỉ từ điên đảo khởi lên. Vì dứt trừ điên đảo cho chúng sinh, vì thấy biết về tam giới nên Như Lai phân biệt nói về tướng của tam giới, muốn làm cho chúng sinh biết về nghĩa của không giới nên nói tam giới không phải do tánh tướng mà có. Người trí thấy biết tướng của tam giới là tướng không giới.
Này Bồ-tát Trì Thế! Khi Đại Bồ-tát quán như vậy: Quán tánh chúng sinh, tánh ngã tức là tánh hư vọng, tánh vô sở hữu, tánh vô sinh. Vì sao? Vì tánh chúng sinh, tánh ngã, tánh hư vọng không sai, không khác. Các tánh như vậy đều từ hư vọng mà ra, chỉ từ các duyên sinh, nên gọi đó là tánh, trong ấy không có tánh tướng nhất định. Vì sao? Vì trong hư không không có một tánh tướng nhất định nào. Các tánh tướng này đều nhập vào hư không, là nghĩa vô sở hữu.
Ví như hư không không có tánh, pháp này hoàn toàn là lìa tướng, là tướng vô sở hữu. Tất cả các pháp cũng xa lìa tánh tướng như vậy. Trong các tánh không có tánh tướng, tánh tướng không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Nơi tánh không có tánh, trong tánh không thâu gồm tánh, trong tánh không nương tựa vào tánh. Tất cả tánh không có chỗ nương tựa, tất cả tánh là không sinh. Người trí ở trong tánh của các pháp không thủ đắc tánh sinh, không thủ đắc tánh diệt, không thủ đắc tánh trụ. Tất cả các tánh không sinh, không khởi, không trụ, từ xưa đến nay là không thể thủ đắc. Người trí không tham, không vướng nơi các tánh giả danh, không nhận, không niệm, cho nên người trí thông đạt, thấy biết tất cả đều là tướng vô sinh.
Nếu là tướng vô sinh tức là không có diệt, trong Đệ nhất nghĩa, tất cả các tánh đều không thể thủ đắc. Vì pháp thế tục nên phân biệt giảng nói về các tánh, trong Đệ nhất nghĩa không nói các tánh. Người trí thấy biết, thông đạt tất cả các tánh như Đệ nhất nghĩa.
Này Bồ-tát Trì Thế! Các Đại Bồ-tát quán sát, thông đạt về mười tám tánh, tam giới, tánh chúng sinh, tánh ngã, tánh hư không như vậy. Khi các Bồ-tát quán sát, thấu rõ như vậy thì không thủ đắc tánh và chẳng thấy tánh, cũng thông đạt tất cả các tánh là giả danh, cũng tin hiểu các nhập, tất cả tánh là vô tánh, cũng biết phân biệt các tánh. Vì thế tục nên phân biệt giảng nói các tánh, làm cho tất cả các tánh nhập trong Đệ nhất nghĩa. Cũng khéo thông đạt về phương tiện vô tánh, cũng vì chúng sinh mà phân biệt, giảng thuyết các tánh, cũng khiến cho chúng sinh khéo trụ nơi các phương tiện của tánh. Dùng lời nói thế tục mà thuyết giảng pháp vô tánh cho chúng sinh, cũng không dùng hai tướng để chỉ bày các tánh. Dù biết tất cả các tánh không phải hai, cũng dùng phương tiện nói các tánh là từ nhân duyên sinh khởi. Tuy dùng lời nói của thế tục để dẫn dắt chúng sinh nhưng cũng chỉ rõ về Đệ nhất nghĩa cho chúng sinh. Tuy biết phân biệt các tánh nhưng tin hiểu và thông đạt tất cả các tánh là vô sở hữu. Vì sao? Này Bồ-tát Trì Thế! Như Lai do Đệ nhất nghĩa nên đối với tánh là không chỗ thủ đắc, cũng không thủ đắc tướng của các tánh.
Này Bồ-tát Trì Thế! Ta đối với các tánh không đoạn, không hoại mà chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì trong Đệ nhất nghĩa không có các tánh. Tất cả các tánh là không sở hữu, không nhất định; tất cả tánh đồng như hư không; tất cả tánh nhập nơi hư không; tất cả tánh không có tướng sinh. Như Lai thông đạt tất cả tánh như vậy. Này Bồ-tat Trì Thế! Như Lai không thuyết các tánh tướng, cũng không nói về thế lực của các pháp. Vì sao? Vì nếu pháp không sở hữu thì không nên nói tánh tướng vô sở hữu.
Này Bồ-tát Trì Thế! Như Lai cũng thuyết giảng về tánh tướng vô sở hữu, trong đó thật không chỗ nói về tánh tướng.
Này Bồ-tát Trì Thế! Đó gọi là khéo phân biệt về các tánh. Đại Bồ-tát đạt được sự khéo phân biệt như thế nên có thể biết tất cả các tánh đều giả danh. Có thể biết tướng thế tục, có thể biết tướng Đệ nhất nghĩa, có thể biết các tánh quyết định, có thể biết thế đế, có thể biết phân biệt các tướng, có thể biết tùy nghi, có thể biết các tướng hợp, có thể biết các tướng đi về đâu, có thể biết được chỗ đi vào các tướng, có thể phân biệt các tướng, có thể biết rõ các tướng là vô tánh, có thể làm cho tất cả các tánh đồng như tánh hư không. Đối với các tánh cũng không làm sai khác, ở nơi các pháp không thấy sai biệt, không nhận thức và không nói sai biệt, cũng vì chúng sinh nên khéo nói về các tánh hủy hoại.
Này Bồ-tát Trì Thế! Như nhà huyễn thuật biết diễn cho chúng sinh nhiều trò ảo thuật, lam cho chúng sinh biết vô số tướng ảo thuật. Nếu có bạn bè tri thức nói đó là huyễn, là huyễn thật sự, là huyễn hư vọng, chỉ do chúng sinh điên đảo. Nếu người có trí thì biết là huyễn.
Này Bồ-tát Trì Thế! Tánh thế gian như huyễn, các Đại Bồ-tát đi vào trong pháp huyễn này biết tánh thế gian như huyễn, chốn hành của thế gian như huyễn. Người này dùng sức của phương tiện chỉ rõ thế gian của chúng sinh là như huyễn. Nếu có người biết tướng như thật của thế gian này, thì nói thế gian là hư vọng, như huyễn. Nếu người có trí tuệ, lợi căn sâu xa, không cần chỉ bày, tự mình có thể biết được, biết các pháp như huyễn, là không, không thật, không có nguồn gốc. Biết tất cả pháp đều dối gạt các phàm phu, tất cả pháp đều ràng buộc trong duyên hư vọng.
Này Bồ-tát Trì Thế! Nếu các Đại Bồ-tát muốn vào phương tiện của các tánh như vậy, ở nơi các kinh điển sâu xa không nhiễm, không thủ đắc, nói về tất cả tướng tri kiến của các tánh, nói về tất cả các tánh không văn tự, không hòa hợp. Cũng nói về các tánh nơi trí tuệ phương tiện, cũng nói về các nhân duyên nơi ý nghĩa sâu xa của chỗ tạo tác, cũng nói về tướng như thật của tất cả các pháp, nghĩa là thế gian, xuất thế gian, hữu vi, vô vi, hệ thuộc, không hệ thuộc, khéo biết chỗ hướng đến của phương tiện, nói nghĩa đệ nhất, nghĩa thế tục, kinh liễu nghĩa, kinh chưa liễu nghĩa, giải thích vô số nhân duyên, ở trong kinh điển thâm diệu này nên siêng năng tinh tấn.