KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Hán dịch: Bát Thích Mật Đế
  Việt dịch: Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám
  Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 – 1983

QUYỂN CHÍN

ĐOẠN II

SẮC-GIỚI

“A-nan, tất-cả những người tu tâm trong thế-gian, không nhờ Thiền-na, thì không có trí-tuệ.

Người nào giữ được cái thân không làm việc dâm-dục, trong lúc đi, lúc ngồi, đều không nghĩ-nhớ, lòng ái-nhiễm không sinh, không còn ở trong Dục-giới, thì bản-thân liền được làm phạm-lữ; một loài như thế, gọi là Phạm-chúng-thiên.

Tập-quán ngũ-dục đã trừ rồi, tâm ly-dục hiện ra, vui-vẻ thuận theo các luật-nghi, thì người đó liền có thể thực-hành những phạm-đức; một loài như thế, gọi là Phạm-phụ-thiên.

Thân tâm hoàn-toàn thanh-tịnh, uy-nghi không thiếu, cấm-giới trong-sạch, lại có thêm trí-sáng, thì người đó liền được thống-lĩnh phạm-chúng, làm đại-phạm-vương; một loài như thế, gọi là Đại-phạm-thiên.

A-nan, ba loài-tốt đó, tất-cả khổ-não không bức-bách được; tuy không phải chân-chính tu phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh-tịnh, những lầm-lạc của Dục-giới không lay-động được, nên gọi là Sơ-thiền.

A-nan, thứ nữa, các hàng phạm-thiên khi thống-lĩnh phạm-chúng, lại tu-tập phạm-hạnh được viên-mãn, làm cho tâm đứng-lặng không lay-động, và do sự đứng-lặng ấy, sinh ra sáng-suốt; một loài như thế, gọi là Thiểu-quang-thiên.

Hào-quang sáng-suốt thêm nhiều, chói-sáng không cùng, ánh vào thập phương thế-giới đều thành trong-sáng như ngọc lưu-ly; một loài như thế, gọi là Vô-lượng-quang-thiên.

Nắm-giữ hào-quang viên-mãn, tạo thành giáo-thể, phát ra sự giáo-hóa thanh-tịnh, ứng-dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang-âm-thiên.

A-nan, ba loài-tốt ấy, tất-cả lo-buồn không bức-bách được; tuy không phải chân-chính tu-hành phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh-tịnh, những lầm-lạc thô-động đã dẹp xuống, nên gọi là Nhị-thiền.

A-nan, những loài trời như thế, khi dùng hào-quang viên-mãn làm việc giáo-hóa, do sự giáo-hóa càng rõ lẽ nhiệm-mầu, phát ra hạnh tinh-tiến, thông với cái vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Thiểu-tịnh-thiên.

Cảnh thanh-tịnh hiện-tiền, dẫn-phát không có bờ-bến, thân tâm được khinh-an, thành cái vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Vô-lượng-tịnh-thiên.

Thế-giới và thân tâm, tất-cả hoàn-toàn thanh-tịnh, đức thanh-tịnh được thành-tựu, cảnh-giới thù-thắng hiện-tiền, dồn về vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Biến-tịnh-thiên.

A-nan, ba loài-tốt đó, đầy-đủ công-hạnh đại-tùy-thuận, thân tâm yên-lặng, được cái vui vô-lượng; tuy không phải chân-chính được phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm yên-ẩn, hoan-hỷ được đầy-đủ, nên gọi là Tam-thiền.

A-nan, lại nữa, những loài trời đó, thân tâm không bị bức-bách, nguyên-nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không phải thường-trụ, lâu rồi cũng phải tiêu-tan, nên cả hai tâm khổ và vui, đồng-thời đều phóng-xả; những tướng thô-nặng đã diệt, thì phúc thanh-tịnh sinh ra; một loài như thế, gọi là Phúc-sinh-thiên.

Tâm phóng-xả được viên-mãn, sự nhận-hiểu cao-xa càng thanh-tịnh; trong cái phúc không gì trở-ngại đó, được sự tùy-thuận nhiệm-mầu cùng-tột vị-lai; một loài như vậy, gọi là Phúc-ái-thiên.

A-nan, từ cõi trời đó, có hai đường trẽ : Nếu dùng cái tâm sáng-suốt thanh-tịnh vô-lượng trước kia, mà tu-chứng an-trụ nơi phúc-đức viên-mãn sáng-suốt, thì một loài như thế, gọi là Quảng-quả-thiên.

Nếu nơi cái tâm trước kia nhàm-chán cả cái khổ và cái vui, lại nghiền-ngẫm cái tâm phóng-xả, tiếp-tục không ngừng, đi đến cùng-tột sự phóng-xả, thân tâm đều diệt hết, ý-nghĩ bặt mất, trải qua năm trăm kiếp; song, người ấy đã lấy cái sinh-diệt làm nhân, thì không thể phát-minh tính không-sinh-diệt, nên nửa kiếp đầu thì diệt, nửa kiếp sau lại sinh; một loài như thế, gọi là Vô-tưởng-thiên.

A-nan, bốn loài-tốt ấy, tất-cả những cảnh khổ vui trong thế-gian không lay-động được; tuy không phải là chỗ bất-động chân-thật của đạo vô-vi; song, nơi cái tâm hữu-sở-đắc, công-dụng đã thuần-thục, nên gọi là Tứ-thiền.

A-nan, trong đó, lại có năm bậc Bất-hoàn-thiên, các vị này đã diệt hết tập-khí chín phẩm tư-hoặc trong cõi dưới rồi, khổ vui không còn, bên dưới không có chỗ ở, nên an-lập chỗ ở nơi chúng-đồng-phận của tâm phóng-xả.

A-nan, khổ vui cả hai đều diệt, không còn tâm-niệm ưa-ghét; một loài như thế, gọi là Vô-phiền-thiên.

Tự-tại phóng-xả, không còn năng-xả, sở-xả; một loài như thế, gọi là Vô-nhiệt-thiên.

Khéo thấy thế-giới mười phương thảy đều đứng-lặng, không còn tất-cả những cấu-nhiễm trầm-trọng của trần-cảnh; một loài như thế, gọi là Thiện-kiến-thiên.

Tri-kiến thanh-tịnh hiện-tiền, sử-dụng được không ngăn-ngại; một loài như thế, gọi là Thiện-hiện-thiên.

Quán-sát rốt-ráo các cực-vi, cùng-tột tính của sắc-pháp, vào tính không bờ-bến; một loài như thế, gọi là Sắc-cứu-kính-thiên.

A-nan, những bậc Bất-hoàn-thiên đó, chỉ riêng bốn vị thiên-vương Tứ-thiền được có kính-nghe, nhưng không thể thấy-biết; cũng như hiện nay, có các thánh-đạo-trường nơi rừng sâu đồng rộng thế-gian, đều là những nơi trụ-trì của các vị A-la-hán, nhưng những người thô-thiển thế-gian không thể thấy được.

A-nan, mười tám loài trời đó, tâm thường ở trong định, không dính-dáng với trần-cảnh, song chưa hết cái lụy của hình-hài; từ đó trở về, gọi là Sắc-giới.

ĐOẠN III

VÔ-SẮC-GIỚI

“Lại nữa, A-nan, từ chỗ cao nhất của Sắc-giới, lại có hai đường trẽ. Nếu nơi tâm phóng-xả, phát-minh được trí-tuệ, trí-tuệ sáng-suốt viên-thông, thì ra khỏi cõi trần, thành vị A-la-hán, vào Bồ-tát-thừa; một loài như thế, gọi là Hồi-tâm-đại-a-la-hán.

Nếu nơi tâm phóng-xả, khi thành-tựu được sự phóng-xả rồi, lại cảm-thấy cái thân làm ngăn-ngại và tiêu cái ngăn-ngại ấy vào hư-không, thì một loài như thế, gọi là Không-xứ.

Các chất-ngại đã tiêu-trừ rồi, nhưng không diệt được cái vô-ngại, trong đó chỉ còn thức A-lại-gia và còn nguyên-vẹn phần nửa vi-tế của thứ Mạt-na; một loài như thế, gọi là Thức-xứ.

Sắc và không đã hết, cái tâm biết là hết ấy cũng diệt-trừ, mười phương vẳng-lặng, không còn gì nữa; một loài như thế, gọi là Vô-sở-hữu-xứ.

Thức-tính vốn không lay-động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng; trong chỗ không thể hết, phát-minh nhận cho là hết, nên hình-như còn, mà không phải còn, hình-như hết, mà không phải hết; một loài như thế, gọi là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ.

Bọn nầy xét cùng cái không, nhưng không tột lý-không; nếu từ thánh-đạo cõi trời bất-hoàn mà xét-cùng, thì một loài như thế, gọi là Bất-hồi-tâm-độn-a-la-hán. Nếu từ cõi trời vô-tưởng và ngoại-đạo mà xét-cùng cái không, không biết trở về, mê-lầm không nghe Chính-pháp, thì sẽ vào trong luân-hồi.

A-nan, trên các cõi trời đó, mỗi mỗi đều là những phàm-phu hưởng sự báo-đáp của nghiệp-quả và khi sự báo-đáp ấy hết rồi, thì trở vào trong luân-hồi. Thiên-vương các cõi kia, thường là Bồ-tát, dùng Tam-ma-đề mà lần-lượt tiến lên, hồi-hướng về đường tu-hành đạo Phật.

A-nan, những cõi trời tứ-không đó, thân tâm diệt hết, định-tính hiện-tiền, không có sắc-pháp của nghiệp-quả; từ đó đến cuối-cùng, gọi là Vô-sắc-giới.

Bọn đó, đều do không rõ Diệu-giác-minh-tâm, chứa-nhóm cái vọng, mà giả-dối phát -sinh ra ba cõi, giả-dối theo bảy loài trong đó, mà chìm-đắm và cá-thể thụ-sinh cũng theo từng loài.

ĐOẠN IV

RIÊNG-NÓI THÊM VỀ BỐN GIỐNG A-TU-LA

“Lại nữa, A-nan, trong ba cõi ấy, còn có bốn giống A-tu-la.

Nếu từ loài quỷ, do sức bảo-hộ Chính-pháp, được thần-thông vào hư-không, thì giống A-tu-la này, từ trứng sinh ra, thuộc về loài quỷ.

Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa-đọa, chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng, thì giống A-tu-la đó, từ thai sinh ra, thuộc về loài người.

Có chúa A-tu-la, nắm-giữ thế-giới, sức-mạnh đến chỗ không phải sợ ai, có thể tranh-quyền với Phạm-vương, Đế-thích và Tứ-thiên-vương; giống A-tu-la này, nhân biến-hóa mà có, thuộc về loài trời.

A-nan, riêng có một số A-tu-la thấp-kém, sinh trong lòng biển lớn, lặn trong thủy-huyệt, ban ngày đi chơi trên hư-không, tối về ngủ dưới nước; giống A-tu-la này, nhân thấp-khí sinh ra, thuộc về loài súc-sinh.

MỤC VII

KHAI-THỊ CHỖ HƯ-VỌNG CỦA BẢY LOÀI ĐỂ KHUYẾN-KHÍCH TU-HÀNH CHÍNH-PHÁP

ĐOẠN I

KHAI-THỊ CHỖ HƯ-VỌNG

“A-nan, xét-rõ bảy loài địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, người và thần-tiên, trời và A-tu-la như thế, đều là những tướng hữu-vi tối-tăm, giả-dối tưởng-tượng thụ-sinh, giả-dối tưởng-tượng theo nghiệp; đối với tâm-tính Diệu-viên-minh, bản-lai không năng-tác, sở-tác, thì đều như hoa-đốm giữa hư-không, vốn không dính-dáng; chỉ một cái hư-vọng, chứ không có cỗi-gối manh-mối gì.

ĐOẠN II

KHAI-THỊ VỀ NGHIỆP-NHÂN

“A-nan, những chúng-sinh đó, không nhận được tâm-tính bản-lai, chịu cái luân-hồi như thế trong vô-lượng kiếp, mà không chứng được chân-tính thanh-tịnh, đó đều do chúng thuận theo những sát, đạo, dâm, hoặc ngược lại ba cái đó, thì lại sinh ra không-sát, không-đạo, không-dâm; có, thì gọi là loài quỷ, không, thì gọi là loài trời; có và không thay nhau, phát-khởi ra tính luân-hồi.

ĐOẠN III

CHỈ-TỎ SỰ TU-HÀNH CHÂN-CHÍNH

“Nếu khéo tu-tập phát-huy phép Tam-ma-đề, thì trong bản-tính thường-diệu, thường-tịch, cả hai cái có, cái không đều không và cái không có, không không cũng diệt, còn không có gì là bất-sát, bất-đạo, bất-dâm, làm sao lại còn thuận theo được những việc sát, đạo, dâm.

ĐOẠN IV

TỔNG-KẾT VỀ QUẢ-BÁO ĐỒNG-PHẬN

“A-nan, không đoạn được ba nghiệp, thì mỗi mỗi chúng-sinh đều có phần riêng, nhân những cái riêng ấy, mà quả-báo đồng-phận-chung của các cái riêng, không phải là không chỗ nhất-định; đó là do vọng-kiến của tự mình phát-sinh ra; hư-vọng phát-sinh vốn không có nhân, không thể tìm-xét nguồn-gốc được.

ĐOẠN V

KHUYÊN ĐOẠN-TRỪ

“Ông khuyên người tu-hành, muốn được đạo Bồ-đề, cốt-yếu phải trừ tam-hoặc; tam-hoặc không hết, thì dầu được thần-thông, cũng đều là những công-dụng hữu-vi của thế-gian; tập-khí mê-lầm đã không diệt, thì lạc vào đường ma; tuy muốn trừ cái vọng, nhưng lại càng thêm giả-dối; Như-lai bảo là rất đáng thương-xót. Như thế, đều do vọng-kiến tự mình tạo ra, không phải là lỗi của tính Bồ-đề.

Nói như thế ấy, tức là lời nói chân-chính; nếu nói khác thế, tức là lời nói của Ma-vương”.

MỤC VIII

PHÂN-BIỆT CÁC ẤM-MA

ĐOẠN I

NGUYÊN-DO KHỞI RA CÁC MA-SỰ

Khi bấy-giờ, đức Như-lai gần chấm-dứt thời thuyết-pháp, ở nơi sư-tử-tọa, vin ghế thất-bảo, xoay về Tử-Kim-Sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại-chúng và ông A-nan rằng:

“Bọn ông là hàng Duyên-giác, Thanh-văn hữu-học, ngày nay, đã hồi-tâm hướng về vô-thượng diệu-giác đạo Đại-bồ-đề, và tôi cũng đã chỉ-dạy phép tu chân-chính; nhưng các ông còn chưa biết những ma-sự nhỏ-nhiệm trong lúc tu-chỉ, tu-quán. Nếu cảnh ma hiện ra, ông không biết được, thì sẽ tu-tâm không đúng và mắc vào tà-kiến; hoặc bị ma ngũ-ấm của ông, hoặc bị thiên-ma, hoặc mắc quỷ-thần, hoặc gặp lỵ-mỵ, mà trong tâm không rõ, nhận giặc làm con. Lại nữa, có khi được một ít đã cho là đủ, như Vô-văn tỷ-khưu được Đệ-tứ-thiền, nói ma là chứng bậc thánh; đến khi quả-báo chư-thiên hết rồi, suy-tướng hiện ra, thì phỉ-báng quả A-la-hán còn phải thụ-sinh, nên đọa vào ngục A-tỳ. Các ông hãy nghe cho kỹ, nay tôi vì ông mà phân-biệt chín-chắn”.

Ông A-nan đứng dậy, với các hàng hữu-học trong Hội, vui-mừng đỉnh-lễ, kính nghe Phật từ-bi dạy-bảo.

Phật bảo ông A-nan và cả đại-chúng: “Các ông nên biết, mười hai loài chúng-sinh trong thế-giới hữu-lậu, tâm-thể giác-viên bản-giác diệu-minh, cùng thập phương chư Phật, không hai không khác. Do vọng-tưởng, các ông mê chân-lý thành ra lỗi-lầm. Si-ái phát-sinh, sinh mê cùng khắp, nên có hư-không; hóa mãi cái mê không thôi, nên có thế-giới sinh ra; các cõi-nước số như vi-trần ở mười phương, trừ cõi vô-lậu, đều do vọng-tưởng mê-lầm kiến-lập. Nên biết, hư-không sinh trong tâm ông, cũng như chút mây điểm trên vùng trời, huống nữa là các thế-giới ở trong hư-không. Một người các ông phát-minh chân-lý, trở về bản-tính, thì hư-không thập phương đó thảy đều tiêu-mất, làm sao, các cõi-nước hiện có trong hư-không ấy, lại không rung-động. Các ông tu thiền-định, trau-dồi phép Tam-ma-đề, tâm được thông-suốt, ám-hợp với các vị Bồ-tát và các vị vô-lậu Đại-a-la-hán mười phương, thật sự vắng-lặng, thì tất-cả Ma-vương, quỷ-thần và loài trời, phàm-phu, đều thấy cung-điện mình không cớ gì đổ vỡ, đất-liền rung-động, các loài thủy-lục bay-nhảy, thảy đều kinh-sợ. Phàm-phu tối-tăm, không rõ nên nghĩ-lầm; còn bọn kia đều được năm thứ thần-thông, trừ lậu-tận-thông, đương luyến-tiếc cảnh trần-lao, làm sao, lại để cho ông phá-hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỷ-thần, thiên-ma, vọng-lượng, yêu-tinh, trong lúc ông tu phép Tam-muội, đều đến quấy-phá.

Song các ma kia, tuy có giận-dữ, nhưng bọn chúng ở trong trần-lao, các ông ở trong diệu-giác, thì cũng như gió thổi ánh-sáng, như dao chém nước, hẳn không đụng-chạm nhau được; ông như nước sôi, bọn kia như giá-cứng, tạm gần hơi-ấm, thì không bao-lâu sẽ tiêu-tan. Chúng nó luống-ỷ thần-lực, nhưng chỉ làm người khách; nếu chúng có thể phá-rối được, là do người chủ ngũ-ấm trong tâm ông, nếu người chủ mê-lầm, thì khách được dịp khuấy-phá.

Đương lúc tu-thiền, giác-ngộ không lầm, thì các ma-sự kia không làm gì ông được. Khi năm ấm đã tiêu-trừ, vào tính sáng-suốt, thì bọn tà-ma kia là kẻ tối-tăm, sáng phá được tối, đến gần tự phải tiêu-mất, làm sao còn dám ở lại khuấy-phá thiền-định. Nếu không tỏ-ngộ, bị ngũ-ấm làm cho mê-lầm, thời chính ông là A-nan, lại phải làm con của ma và thành người ma. Như nàng Ma-đăng-già, sức còn hèn-kém, chỉ dùng chú-thuật, bắt ông phá luật-nghi của Phật; trong tám muông hạnh chỉ phá một giới; nhưng vì tâm ông thanh-tịnh, nên vẫn chưa bị chìm-đắm. Bọn ma nầy, thì phá-hoại toàn thân bảo-giác của ông, như nhà quan tể-thần, bỗng-nhiên bị tước hết, tịch hết, linh-đinh quanh-lộn, không thể thương-cứu.

ĐOẠN II

KHAI-THỊ CÁC ẤM-MA

Chi I. – Những cảnh thuộc Sắc-ấm

“A-nan nên biết, ông ngồi đạo-trường, tiêu-diệt các niệm, niệm đó nếu hết, thì tâm ly-niệm sáng-tỏ tất-cả, động-tĩnh không rời, nhớ quên như một. Đương khi an-trụ nơi chỗ đó mà vào Tam-ma-đề, thì như người tỏ mắt ở chỗ rất tối-tăm, tính-biết được diệu-tịnh, nhưng tâm chưa phát ra trí sáng-suốt; thế thì gọi là phạm-vi của Sắc-ấm.

Nếu con mắt sáng-tỏ, mười phương rộng-mở, không còn tối-tăm nữa, thì gọi là hết Sắc-ấm; người đó mới có thể vượt khỏi kiếp-trược, xét lại nguyên-do, thì cỗi-gốc là vọng-tưởng kiên-cố.

A-nan, chính đương trong lúc chín-xét tính diệu-minh, tứ-đại không kết-hợp, thì trong một thời-gian ngắn, tâm có thể ra khỏi các ngăn-ngại, ấy gọi là tinh-minh trào ra tiền-cảnh; đó chỉ do công-dụng tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; nếu không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì liền mắc các tà-kiến.

A-nan, lại đem cái tâm ấy chín-xét tính diệu-minh, trong thân trở nên rỗng-suốt, người đó bỗng-nhiên, ở trong thân mình, nhặt ra các thứ giun-sán mà cái thân vẫn y-nguyên, không bị tổn-thương; ấy gọi là tinh-minh trào vào hình-thể, chỉ do tu-hành tinh-tiến, tạm thấy được như vậy, không phải là chứng bậc thánh; nếu không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì liền mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, chín-xét trong ngoài, khi đó ý-thức tư-tưởng, ngoài bản-thân ra, còn bén vào các nơi khác, đắp-đổi làm khách, làm chủ; bỗng-dưng ở giữa hư-không, nghe tiếng thuyết-pháp hoặc nghe mười phương đồng diển-bày nghĩa thâm-mật; ấy gọi là tinh-thần đắp-đổi khi ly, khi hợp; thành-tựu được thiện-chủng, thì tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, đứng-lặng hiện ra sáng-suốt; tâm-quang phát-minh, khắp cả mười phương thành sắc Diêm-phù-đàn, tất-cả các loài hóa làm Như-lai; lúc bấy-giờ, bỗng thấy Phật Tỳ-lô-giá-na ngồi trên đài Thiên-quang, có ngàn đức Phật vây quanh, trăm ức cõi-nước cùng với hoa sen đồng một thời hiện ra; ấy gọi là ý-thức tiêm-nhiễm sự linh-ngộ, khi tâm-quang phát-minh, soi các thế-giới, thì tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, chín-xét tính diệu-minh, quan-sát không ngừng, đè-nén, uốn-dẹp, dứt-trừ thái-quá; lúc bấy-giờ, bỗng-nhiên mười phương hư-không thành sắc thất-bảo, hoặc sắc bách-bảo, đồng-thời cùng khắp, không ngăn-ngại lẫn nhau; những sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, mỗi mỗi thuần-hiện ra, ấy gọi là công-sức đè-nén quá phần, tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, lặng-suốt chín-xét, trong-sáng không tán-loạn; bỗng ở giữa đêm, thấy các thứ vật trong nhà tối, chẳng khác gì ban ngày, mà những vật trong nhà tối đó cũng không diệt mất; ấy gọi là định-tâm lặng-đứng cái thấy, nên thấy suốt chỗ tối-tăm, tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, khắp vào tính hư-dung, bốn vóc bỗng đồng như cỏ, như cây, lửa đốt, dao cắt toàn không hay-biết, khi thì ngọn lửa không thể đốt cháy, dù cắt thịt cũng như chẻ cây; ấy gọi là năm trần đều tiêu; khi bài-xích tính tứ-đại, một mặt vào chỗ thuần-nhất, tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, thành-tựu tính thanh-tịnh, công-dụng tột bậc, bỗng thấy mười phương núi sông, đất-liền đều thành cõi Phật, đủ bảy thứ báu chói-sáng cùng khắp; lại thấy chư Phật Như-Lai, như số cát sông Hằng, đầy khắp cõi hư-không, lâu-đài hoa-lệ; dưới thấy địa-ngục, trên xem thiên-cung, không còn ngăn-ngại; ấy gọi là tư-tưởng ưa-chán chứa-nhóm ngày một sâu, lâu lắm hóa-thành như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, nghiên-cứu sâu-xa, bỗng ở giữa đêm, thấy rõ chợ-búa, làng-mạc, bà con quyến-thuộc phương xa, hoặc nghe lời nói; ấy gọi là nén-ép cái tâm tột bậc nên nó bay ra, thấy được chỗ xa-cách, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.

Lại dùng cái tâm ấy, nghiên-cứu cùng-tột, thấy vị thiện-tri-thức, rồi hình-thể biến-đổi, không duyên-cớ gì, trong giây-lát có nhiều thứ thay-đổi; ấy gọi là tà-tâm; bị loài lỵ-mỵ hoặc mắc thiên-ma vào trong tâm-thức, không duyên-cớ gì lại biết thuyết-pháp, thông-suốt các diệu-nghĩa, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ thì ma-sự tự tiêu-diệt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh,  thì mắc các tà-kiến.

A-nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền-định như thế, đều do Sắc-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện những việc đó; chúng-sinh ngu-mê, không biết suy-xét tự lượng, gặp nhân-duyên ấy, mê không tự biết, bảo là lên bậc thánh, thành tội đại-vọng-ngữ, phải đọa vào ngục Vô-gián. Sau khi Như-lai diệt-độ rồi, các ông nên nương theo lời dạy, khai-thị nghĩa nầy trong đời mạt-pháp, không để thiên-ma được dịp khuấy-phá; giữ-gìn che-chở cho chúng-sinh thành đạo vô-thượng.

Chi 2. – Những cảnh thuộc Thụ-ấm.

“A-nan, thiện-nam-tử kia tu phép Tam-ma-đề, trong Xa-ma-tha, khi Sắc-ấm hết rồi, thì thấy tâm chư Phật như cái bóng hiện ra trong gương sáng, hình-như có được, nhưng chưa có thể dùng; cũng như người bị bóng-mộc đè, tay chân y-nguyên, thấy nghe không sai, nhưng tâm bị khách-tà, không cử-động được; thế thì gọi là phạm-vi của Thụ-ấm.

Nếu bóng-mộc hết đè, thì cái tâm rời khỏi thân, trở lại xem được cái mặt, đi ở tự-do, không còn ngăn-ngại; thế gọi là hết Thụ-ấm; người đó mới có thể vượt khỏi kiến-trược, xét lại nguyên-do, thì cỗi-gốc là vọng-tưởng hư-minh.

A-nan, thiện-nam-tử kia, đương ở trong đó, được rất sáng-suốt, cái tâm phát-sinh đè-nén quá phận, bỗng ở nơi đó phát ra lòng bi vô-cùng, như thế cho đến xem thấy muỗi-mòng như là con đỏ, tâm sinh thương-xót, nước mắt tự chảy ra; ấy gọi là công-dụng đè-nén quá mức; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh; giác-ngộ không mê nữa, lâu tự tiêu hết. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có giống ma sầu-bi vào trong tim gan, thấy người thì đau-xót, kêu-khóc vô-hạn; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

A-nan, lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ, cảnh tốt hiện ra trước, cảm-khích quá phần, bỗng ở trong đó, sinh lòng dũng-mãnh vô-hạn; cái tâm mạnh-mẽ, chí bằng chư Phật, bảo ba tăng-kỳ, một niệm có thể vượt khỏi. Ấy gọi là công-dụng lấn-lướt quá mức; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh; giác-ngộ không mê nữa, thì lâu tự tiêu hết. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có giống ma ngông-cuồng vào trong tim gan, thấy người thì khoe, ngã-mạn không ai sánh được; tâm người ấy, cho đến, trên không thấy Phật, dưới không thấy người; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ; trước không có chỗ chứng mới, lui về thì mất chỗ cũ, trí-lực suy-kém, vào Trung-hủy-địa, hẳn không thấy gì; trong tâm bỗng sinh lòng rất khô-khát; trong tất-cả thời thầm-nhớ không thôi, rồi cho như thế là tướng tinh-tiến. Ấy gọi là tu-hành không trí-tuệ, tự sinh lầm-lạc; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có giống ma nhớ vào trong tim gan, ngày đêm như nắm cái tâm treo vào một nơi; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ, sức tuệ quá định, bị cái lỗi quá mạnh-mẽ sắc-bén; đem cái thắng-tính ôm vào trong tâm, tự ngờ mình là Phật Lô-Xá-Na, được một ít đã cho là đủ. Ấy gọi là chỗ dụng-tâm quên mất suy-xét, nên đắm vào nơi tri-kiến, ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có giống ma Hạ-liệt-dị-tri-túc vào trong tim gan, thấy người thì tự xưng đã được vô-thượng Đệ-nhất-nghĩa-đế, sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ, chỗ chứng mới chưa được, còn tâm cũ đã mất, soi cả hai bên, tự cho là nguy-hiểm; trong tâm bổng-nhiên sinh ra lòng lo vô-tận, như ngồi giường sắt, như uống thuốc độc, tâm không muốn sống, thường cầu người khác hại thân-mệnh mình để sớm được giải-thoát. Ấy gọi là tu-hành sai mất phương-tiện; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận chứng bậc thánh, thì có một phần giống ma thường-lo-rầu vào trong tim gan, tay cầm dao-gươm tự cắt thịt mình, thích được bỏ mạng, hoặc thường lo-rầu, chạy vào trong rừng núi, không thích thấy người ta, sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ, trong chỗ thanh-tịnh, tâm được yên-ổn, bỗng có cái mừng vô-hạn sinh ra, trong tâm mừng-rỡ, không thể tự ngăn. Ấy gọi là lòng khinh-an, không có trí-tuệ tự ngăn mình; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có một phần giống ma thích-vui-mừng vào trong tim gan, thấy người thì cười, ở bên đường cái, tự ca tự múa, tự bảo đã được vô-ngại giải-thoát; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ, tự bảo là đã đủ rồi; không căn-cứ gì, bỗng có lòng đại-ngã-mạn phát ra, như thế cho đến lòng mạn, quá-mạn và mạn-quá-mạn, hoặc lòng tăng-thượng-mạn, hoặc lòng ty-liệt-mạn, một thời đều phát ra; trong tâm còn khinh thập phương Như-Lai, huống nữa là các bậc dưới như Thanh-văn, Duyên-giác. Ấy gọi là thắng-giải quá cao, không trí-tuệ để tự cứu; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có một phần giống ma Đại-ngã-mạn vào trong tim gan, không lễ chùa tháp, phá-hỏng kinh tượng, bảo đàn-việt rằng: Đó là đồ kim-đồng hoặc đồ thổ-mộc, kinh là lá cây, hoặc là giấy lụa; xác-thịt chân-thường, không tự cung-kính, lại sùng-bái đồ thổ-mộc, thật là trái-ngược. Những người quá tin, theo lời-dạy phá-phách, chôn-bỏ trong đất, do gây nghi-ngờ lầm-lạc cho chúng-sinh, phải đọa vào ngục Vô-gián; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ; trong chỗ tinh-minh, viên-ngộ được tinh-lý, được phép đại-tùy-thuận; tâm bỗng sinh ra lòng khinh-an không-lường, bảo mình đã thành bậc thánh, được đại-tự-tại. Ấy gọi là nhân trí-tuệ được các sự khinh-thanh; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có một phần giống ma thích-khinh-thanh vào trong tim gan, tự bảo đã đầy-đủ, không cầu-tiến lên nữa; bọn đó phần nhiều làm như Vô-văn tỷ-khưu, gây nghi-ngờ lầm-lạc cho chúng-sinh, rồi đọa vào ngục A-tỳ; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tử trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ; trong chỗ tỏ-ngộ, được tính hư-minh; lúc ấy bỗng xoay lại hướng theo tính đoạn-diệt, bác không nhân-quả, một mực vào rỗng-không; tâm rỗng-không hiện-tiền, cho đến phát-sinh nhận-định là đoạn-diệt mãi mãi. Ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có giống ma rỗng-không vào trong tim gan, chê-bai người giữ-giới là Tiểu-thừa, chứ Bồ-tát đã ngộ được tính-không, thì có gì là trì với phạm. Người đó thường ở nhà đàn-việt thiện-tín, uống rược ăn thịt, làm nhiều điều dâm-uế; nhân có sức ma, nhiếp-phục người ta không sinh lòng nghi-báng; tâm ma thâm-nhập lâu ngày, hoặc ăn đại-tiện tiểu-tiện, cũng như ăn thịt uống rượu, vì tất-cả đều không; phá luật-nghi của Phật, làm cho người khác lầm-lạc mắc tội; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

Lại các thiện-nam-tữ trong định kia, thấy Sắc-ấm tiêu rồi, Thụ-ấm tỏ-rõ, nghiền-ngẫm cái hư-minh, ghi-sâu vào tim-cốt, trong tâm bỗng có lòng yêu vô-hạn sinh ra; yêu quá phát điên, bèn làm việc tham-dục. Ấy gọi là cảnh định an thuận vào tâm, không trí-tuệ tự giữ mình, lầm vào ngũ-dục; ngộ thì không có lỗi, không phải là chứng bậc thánh. Nếu nhận là chứng bậc thánh, thì có giống ma ngũ-dục vào trong tim gan, một mặt bảo sự dâm-dục là đạo Bồ-đề, dạy các bạch-y bình-đẳng làm việc dâm-dục, những người hành-dâm gọi là trì-pháp-tử; do sức tà-ma nhiếp-phục kẻ phàm-phu trong đời mạt-pháp, số đến cả trăm, như thế cho đến một trăm, hai trăm, hoặc năm sáu trăm, nhiều đến ngàn vạn; khi ma sinh chán, rời-bỏ thân-thể, đã không còn uy-đức, thì sa vào lưới pháp-luật; do gây nghi-ngờ lầm-lạc cho chúng-sinh, phải đọa vào ngục Vô-gián; sai mất chính-thụ, sẽ bị chìm-đắm.

A-nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền-định như thế, đều do Thụ-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện như vậy; chúng-sinh ngu-mê không biết suy-xét tự lượng, gặp nhân-duyên ấy, mê không tự biết, bảo là lên bậc thánh, thành tội đại-vọng-ngữ, phải sa vào ngục Vô-gián. Sau khi tôi diệt-độ rồi, các ông nên đem lời nói nầy của Như-lai, truyền-dạy trong đời mạt-pháp, khiến cho chúng-sinh đều tỏ-ngộ nghĩa đó, không để thiên-ma được dịp khuấy-phá; giữ-gìn che-chở cho chúng-sinh thành đạo vô-thượng.

Chi 3. – Những cảnh thuộc Tưởng-ấm

“A-nan, thiện-nam-tử kia, tu pháp Tam-ma-đề, khi Thụ-ấm hết rồi, tuy chưa hết mê-lầm, nhưng tâm đã rời khỏi hình-hài như chim ra khỏi lồng, điều ấy đã thành-tựu được rồi. Từ phàm-thân đó, tiến lên trải qua sáu mươi thánh-vị Bồ-tát, được ý-sinh-thân, tùy-ý đi, ở, không còn ngăn-ngại. Ví-như có người ngũ say nói mơ, người ấy tuy không hay-biết gì, nhưng lời nói đã có âm-vận thứ-tự, khiến người không ngũ đều hiểu-biết được; ấy thì gọi là phạm-vi của Tưởng-ấm.

Nếu biết động-niệm, tư-tưởng hư-vọng tiêu-trừ, thì nơi tâm giác-minh, như bỏ hết bụi-nhơ, một dòng sinh-tử, đầu đuôi soi khắp, gọi là hết Tưởng-ấm; người ấy mới có thể vượt khỏi phiền-não-trược, xét lại nguyên-do, cỗi-gốc là vọng-tưởng dung-thông.

A-nan, thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không còn mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh, trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa được viên-minh, thúc-giục tư-tưởng, tham-cầu những thiện-xảo. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp; người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn; đến chỗ thiện-nam-tử cầu thiện-xảo kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Thân-hình người đó giây-lát, hoặc làm tỷ-khưu cho người kia thấy, hoặc làm Đế-thích, hoặc làm phụ-nữ, hoặc làm tỷ-khưu-ni, hoặc nằm trong nhà tối, thân có hào-quang chói-sáng. Người tu-hành ngu-mê, lầm là Bồ-tát, tin lời dạy-bảo, lay-chuyển cái tâm, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói những sự may rủi biến-đổi, hoặc nói Như-lai ra đời ở chỗ Mỗ, hoặc nói có kiếp-hỏa, hoặc nói có đao-binh, khủng-bố người ta, khiến cho gia-tư không cớ gì phải hao mất. Ấy gọi là giống quái-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi; nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

A-nan, lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa đi chơi, cho tư-tưởng bay đi, tham-cầu trải qua nhiều nơi. Khi bấy giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp; người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử muốn đi chơi kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Hình người đó không thay-đổi, song những người nghe pháp, bỗng tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu, thân-thể hóa-thành thân vàng chói-sáng; cả một thính-chúng, mỗi người đều như thế, được cái chưa từng có. Người tu-hành ngu-mê, lầm là Bồ-tát, tâm hóa dâm-dật, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói các đức Phật ứng-hóa ra đời, người Mỗ, chỗ Mỗ tức là hóa-thân của đức Phật Mỗ; người Mỗ sẽ đến, tức là vị Bồ-tát Mỗ, đến giáo-hóa thế-gian. Người tu-hành thấy thế, tâm sinh hâm-mộ, tà-trí thầm-thầm nổi lên, chủng-trí tiêu-diệt. Ấy gọi là giống bạt-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi; nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa thầm-hợp, lặng-đứng cái tư-tưởng, tham-cầu được khế-hợp. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp; người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ người thiện-nam-tử cầu khế-hợp kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Hình người đó và những người nghe pháp, bề ngoài không có thay-đổi, nhưng lại khiến cho các thính-giả, trước khi nghe pháp, tâm đã tự khai-ngộ, niệm-niệm dời-đổi, hoặc được túc-mạng-thông, hoặc có tha-tâm-thông, hoặc thấy địa-ngục, hoặc biết các việc hay, dở trong thế-gian, hoặc miệng nói bài kệ, hoặc tự tụng-kinh được, mỗi mỗi đều vui-vẻ, được cái chưa từng có. Người tu-hành ngu-mê, lầm là Bồ-tát, tâm sinh ra dính-dáng yêu-đương, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma thích nói Phật có lớn, nhỏ, đức Phật Mỗ là đức Phật trước, đức Phật Mỗ là đức Phật sau, trong đó cũng có Phật thật, Phật giả, Phật trai, Phật gái; Bồ-tát cũng thế. Người tu-hành thấy như vậy, bỏ sạch bản-tâm, dễ vào các tà-ngộ. Ấy gọi là giống mỵ-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa biết cỗi-gốc; nơi sự vật chuyển-hóa, muốn xét biết cùng-tột chung-thủy, thúc cái tâm sáng-suốt thêm, tham-cầu nhận-biết chia-chẻ. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu biết cỗi-gốc kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người đó có uy-thần, làm cho những người cầu-pháp đều kính-phục; khiến cho thính-chúng dưới pháp-tọa, khi chưa nghe pháp, tự-nhiên tâm đã phục rồi; tất-cả bọn ấy đều cho rằng Niết-bàn, Bồ-đề, pháp-thân của Phật, tức là cái xác-thịt hiện-tiền; cha con sinh nhau, đời này đến đời khác, tức là pháp-thân thường-trụ không mất; đều chỉ hiện-tại, tức là cõi Phật, không có cõi tịnh-cư và thân kim-sắc nào khác. Người tu-hành tin-lĩnh những điều đó, bỏ mất bản-tâm, đem thân-mạng mà quy-y, được cái chưa từng có; người đó ngu-mê, lầm là Bồ-tát, suy-xét cái tâm như thế, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói, mắt, tai, mũi, lưởi đều là tịnh-độ, hai căn nam nữ tức là chỗ thật Bồ-đề Niết-bàn; bọn không biết kia, đều tin lời nhơ-nhớp đó. Ấy gọi là giống cổ-độc-quỷ và giống áp-thắng-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa biết các việc trước sau, chín-xét cùng khắp, tham-cầu được thầm-cảm. Khi bấy giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy; cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu cảm-ứng kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp, có thể khiến cho thính-chúng tạm-thấy cái thân như đã trăm ngàn tuổi, tâm sinh ra ái-nhiễm, không thể rời-bỏ, đem thân làm nô-bộc, cúng-dường tứ-sự, không biết mệt-mõi; lại khiến cho mỗi người dưới pháp-tọa, tâm biết đó là vị Tiên-sư, là vị Thiện-tri-thức, riêng sinh lòng pháp-ái, dính như keo-sơn, được cái chưa từng có. Người tu-hành ngu-mê, lầm là Bồ-tát, gần-gũi tâm ma, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói, ta ở kiếp trước, trong đời Mỗ, trước độ người Mỗ, lúc đó là thê thiếp, anh em của ta, nên nay lại đến độ cho nhau; ta sẽ cùng các người theo nhau về cảnh-giới Mỗ, cúng-dường đức Phật Mỗ; hoặc nói có cõi trời đại-quang-minh riêng-biệt, Phật ở trong ấy, và là chỗ nghỉ-ngơi của tất-cả các đức Như-lai. Bọn không biết kia, đều tin những lời phỉnh-gạt đó, bỏ mất bản-tâm. Ấy gọi là giống lệ-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa đi sâu vào, khắc-khổ siêng-năng, thích ở chỗ thầm-vắng, tham-cầu sự yên-lặng. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu thầm-lặng kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp, khiến cho thính-chúng, mỗi người đều biết nghiệp-cũ của mình; hoặc ở nơi đó, bảo một người rằng: “Ngươi nay chưa chết đã làm súc-sinh”, rồi bảo một người đạp cái đuôi đằng sau, liền khiến người đó đứng dậy không được; cả trong một chúng đều hết lòng kính-phục, có người móng tâm lên, thì nó đã biết ý; ngoài luật-nghi của Phật ra, nó lại càng thêm khắc-khổ, chê-bai tỷ-khưu, mắng-nhiếc đồ-chúng, phơi-lộ việc người ta, không tránh sự cơ-hiềm. Miệng ma ưa nói những họa phúc chưa đến và khi đã đến rồi, thì mảy-may không sai. Ấy gọi là giống đại-lực-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa hiểu-biết, siêng-năng xét-tìm, tham-cầu biết túc-mạng. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu hiểu-biết kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người tu-hành bỗng-nhiên, nơi chỗ thuyết-pháp, được hạt-châu báu lớn; hoặc khi ma hóa làm súc-sinh, miệng ngậm hạt-châu với những vật kỳ-lạ như đồ trân-bảo, giản-sách, phù-độc, đến trao trước cho người tu-hành, rồi sau cọ-gá vào thân-thể; hoặc khi ma bảo người nghe pháp, có hạt-châu minh-nguyệt chôn ở dưới đất, đương soi-sáng chỗ đó, làm cho các thính-giả được cái chưa từng có. Ma thường ăn cây thuốc, chứ không ăn cơm, hoặc khi mỗi ngày chỉ ăn một bữa hạt vừng hoặc hạt mạch, do sức ma chấp-trì, thân-hình vẫn béo-tốt. Ma lại chê-bai tỷ-khưu, mắng-nhiếc đồ-chúng, không tránh sự cơ-hiềm; trong miệng ưa nói, kho báu phương khác và chỗ ẩn-cư của các bậc thánh-hiền thập phương; những người đi theo sau, thường thấy có người kỳ-lạ. Ấy gọi là giống quỷ-thần núi rừng, thổ-địa, thành-hoàng, sông núi, tuổi già thành ma; hoặc khi kêu gọi làm điều dâm-dục, phá giới-luật Phật, cùng với những kẻ thừa-sự, lén làm việc ngũ-dục; hoặc khi lại tinh-tiến, ăn toàn cỏ cây; việc làm không nhất-định, cốt khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi; nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa các thứ biến-hóa thần-thông,nghiên-cứu nguồn-gốc biến-hóa, tham-cầu có thần-lực. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không hay-biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu thần-thông kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người đó, hoặc tay cầm ngọn lửa, nắm chia ngọn lửa trên đầu tứ-chúng nghe pháp; ngọn lửa trên đỉnh những người nghe pháp đều dài vài thước, mà cũng không đốt cháy, cũng không có nóng. Người đó, hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng, hoặc ở giữa hư-không, ngồi yên không lay-động; hoặc vào trong bình, hoặc ở trong đãy, hoặc vượt cửa sổ, hoặc thấu qua tường, không chút ngăn-ngại; chỉ đối với đao-binh thì không được tự-tại. Người đó tự bảo là Phật, thân mặc bạch-y, chịu tỷ-khưu lễ-bái, chê-bai Thiền-luật, mắng-nhiếc đồ-chúng, phơi-lộ việc người, không tránh sự cơ-hiềm; trong miệng thường nói thần-thông tự-tại; hoặc lại cho người thấy cõi Phật một bên, đó là do sức quỷ mê-hoặc, không có gì là chân-thật. Người đó khen-ngợi việc hành-dâm, không từ-bỏ những việc làm thô-tục, bảo những sự ôm-ấp lẫn nhau là truyền-pháp. Ấy gọi là những giống sơn-tinh, hải-tinh, phong-tinh, hà-tinh, thổ-tinh, và những loài tinh-mỵ của tất-cả cỏ cây đã sống nhiều kiếp, có sức lớn trong trời đất, hoặc là long-mỵ, hoặc là tiên chết rồi, sống lại làm mỵ; hoặc quả-báo đạo-tiên đã hết, kể năm thì phải chết, nhưng hình-hài không hư-nát, nên loài quái khác gá vào. Bọn ấy tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi khuấy chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa vào chỗ diệt hết, nghiên-cứu tính biến-hóa, tham-cầu cái rỗng-không sâu-nhiệm. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu rỗng-không kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Ở trong đại-chúng, hình của người đó bỗng hóa-thành không, cả chúng không thấy gì, rồi lại từ hư-không bỗng-chốc hiện ra, khi còn, khi mất, được tự-tại; hoặc hiện cái thân rỗng-suốt như ngọc lưu-ly, hoặc duỗi tay chân xuống, phát ra mùi thơm chiên-đàn, hoặc đại-tiểu-tiện như đường-phèn cứng-chắc. Người đó chê-bai phá-hoại giới-luật, khinh-rẻ những người xuất-gia; trong miệng thường nói, không nhân-quả, chết rồi là diệt-hẳn, không có thân sau; lại các phàm, thánh, tuy được phép không-tịch, vẫn lén làm việc tham-dục và người thụ-lĩnh cái dâm-dục đó, cũng được tâm rỗng-không, bác không nhân-quả. Ấy gọi là những giống-tinh-khí nhật-nguyệt bạc-thực, kim, ngọc, chi-thảo, lân, phụng, quy, hạc, trải qua ngàn vạn năm không chết, làm tinh-linh sinh ra trong các quốc-độ, tuổi già thành-ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa sống lâu, gian-khổ quan-sát tinh-vi, tham-cầu được nhiều tuổi; bỏ cái sống phân-đoạn, lại trông-mong cái tướng vi-tế của biến-dịch sinh-tử được thường-trụ. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó không hề hay-biết bị ma gá vào, cũng tự bảo được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu sống lâu kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người đó ưa nói, đi về phương khác, không hề chậm-trễ, hoặc trải qua muôn dặm, giây-lát đã trở lại và đều lấy được những vật nơi đó; hoặc ở một chỗ, hay trong một nhà, chỉ trong vài bước, bảo người ta đi từ vách Đông qua đến vách Tây, nhưng người ta đi mau cả năm không đến; nhân đó, người tu-hành tin-tưởng, nghi là Phật hiện-tiền. Miệng ma thường nói, thập phương chúng-sinh đều là con ta, ta sinh ra chư Phật, ta sinh ra thế-giới, ta là Phật đầu-tiên, tự-nhiên ra đời, không nhân tu-hành mà đắc-đạo. Ấy gọi là ma trụ-thế-tự-tại-thiên, nó khiến bọn quyến-thuộc chưa phát-tâm như bọn Giá-văn-trà hay là Tỳ-xá-đồng-tử cõi Tứ-thiên-vương, thích cái hư-minh, đến ăn tinh-khí người tu-hành. Hoặc không nhân ông thầy, chính người tu-hành tự mình xem-thấy, bọn đó tự xưng là thần Chấp-kim-cương đến cho trường-thọ. Bọn đó hiện thân gái đẹp, thịnh-hành việc dâm-dục, làm cho chưa đầy một năm, gan não người tu-hành đã khô-kiệt, miệng nói lẩm-bẩm một mình, nghe như yêu-mỵ. Người ngoài chưa rõ nguyên-do, nên phần nhiều người bị như thế, phải sa vào lưới pháp-luật và chưa kịp hành-hình đã chêt khô trước. Thế là bọn ma khuấy-phá người tu-hành kia, đến phải ốm chết. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.

A-nan, nên biết mười thứ ma ấy, trong đời mạt-pháp, hoặc xuất-gia tu-hành ở trong đạo Phật, hoặc gá thân người, hoặc tự hiện-hình, đều tự bảo đã thành Chính-biến-tri-giác, khen-ngợi dâm-dục, phá luật-nghi của Phật; ma thầy trước cùng đệ-tử-ma, dâm-dục truyền nhau; tà-ma như thế, mê-hoặc tim gan, ít thì chín đời, nhiều đến trăm đời, khiến cho người tu-hành chân-chính, đều làm quyến-thuộc của ma, sau khi mạng-chung, chắc phải làm dân ma, bỏ mất Chính-biến-tri, đọa vào ngục Vô-gián. Nay ông chưa nên vào Niết-bàn trước, dầu được quả vô-học, cũng phát-nguyện vào trong đời mạt-pháp kia, phát-lòng đại-từ-bi, cứu-độ cho chúng-sinh có lòng thâm-tín chân-chính, khiến cho khỏi mắc tà-ma, được Chính-tri-kiến; nay tôi đã độ ông ra khỏi sống chết, ông vâng-lời Phật dạy, thì gọi là báo-ơn Phật.

A-nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền-định như thế, đều do Tưởng-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện ra những cảnh ấy; chúng-sinh ngu-mê, không biết suy-xét tự-lượng, gặp nhân-duyên đó, mê không tự biết, tự bảo là lên bậc thánh, thành tội đại-vọng-ngữ, phải đọa vào ngục Vô-gián. Bọn ông cần phải, sau khi tôi diệt-độ rồi, đem những lời-dạy nầy của Như-lai truyền-bày cho đời mạt-pháp, khiến cho khắp các chúng-sinh tỏ-ngộ nghĩa đó, không để Thiên ma được dịp khuấy-rối; giữ-gìn che-chở cho chúng-sinh thành đạo vô-thượng.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8