SỐ 204
KINH TẠP THÍ DỤ
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa-môn Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt chi.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

1- Thuở xưa, có thầy Tỳ-kheo thông minh trí tuệ, lúc bị bệnh nguy cấp, đệ tử thưa hỏi:

–Bạch Hòa thượng, Hòa thượng đã chứng quả A-la-hán chưa?

Đáp:

–Chưa được quả vị ấy. Cả quả Bất hoàn cũng chưa được.

Vị đệ tử hỏi:

–Hòa thượng là bậc Đạo cao, danh vang xa, tại sao không đạt được?

Đáp:

–Đã được quả thứ hai nhưng còn hai quả nữa chưa đạt được.

Vị đệ tử hỏi:

–Bạch Hòa thượng, ngài đã được quả thứ hai vậy còn có điều gì trở ngại mà không đạt đến quả Vô sinh?

Đáp:

–Ta muốn gặp hai trăm tám mươi ức người đắc đạo và vô số Bồ-tát trong ba hội vào thời Phật Di-lặc. Đức Di-lặc Như Lai than cao lớn đến một trăm sáu mươi trượng; muôn dân, đất đai nước Ngài đều có màu hoa đào. Dân chúng đều sống đến tám vạn bốn ngàn tuổi; đất đai bằng phẳng; y phục, thức ăn tự nhiên có sẵn. Đất đai cõi Diêm-phù rộng lớn ba mươi vạn dặm. Ý ta muốn trông thấy nơi đó nên không chứng quả Vô sinh. Đức Phật Di-lặc có hai người đệ tử lớn. Người thứ nhất là Tạp Thí, người thứ hai là Số Số, ta muốn yết kiến họ nên biết làm sao hơn!

Vị đệ tử hỏi:

–Bạch Hòa thượng, từ đâu ngài nghe việc này?

Đáp:

–Ta nghe từ kinh Phật.

Đệ tử thưa:

–Bạch Hòa thượng, sinh tử lao nhọc, Đức Phật Di-lặc có pháp gì khác hay sao mà ngài phải ở đợi chờ?

Đáp:

–Không có gì khác cả!

Vị đệ tử hỏi:

–Bạch Hòa thượng, có gì khác hơn các pháp Lục độ, Tứ đẳng, Tứ ân, Tứ đế không?

Đáp:

–Cũng không!

Hỏi:

–Bạch Hòa thượng, nếu tất cả đều giống nhau, kia đây không khác sao ngài lại đợi chờ? Nay ngài chịu ân Đức Phật, không nên trở về với Đức Di-lặc thì cũng có thể chọn lấy pháp độ mà không cần đợi Ngài Di-lặc kia mà?

Hòa thượng bảo:

–Thôi đi, ngươi hãy lui ra! Ta sẽ suy nghĩ.

Vị đệ tử kia bước ra khỏi cửa thì Hòa thượng đã chứng quả Vô sinh.

Vị đệ tử trở vào thưa:

–Bạch Hòa thượng, ngài đã sao rồi?

Đáp:

–Ta đã chứng quả Vô sinh!

Vị đệ tử đảnh lễ rồi thốt lên:

–Thật kỳ lạ, trong chốc lát mà ngài đã chứng quả!


2- Thuở xưa, có thầy Tỳ-kheo đang nhập định, bị lửa ngoài đồng đốt nhưng không cháy. Người ta thấy vậy cho là quỷ, liền lấy rìu chặt mà không đứt, dù cố hết sức nhưng cũng không đứt.

Có một vị đắc định, khi đệ tử mời dùng cơm vẫn không biết. Nhân đó đến kéo tay thầy, cánh tay kéo dài ra hơn một trượng. Đệ tử định cột cánh tay lại nhưng quá sợ hãi nên không cột được. Khi xuất thiền, cánh tay đau nhức, vị thầy mới hỏi thì đệ tử thưa lại mọi việc như vậy. Vị thầy bảo:

–Ngươi không biết cách đánh thức ta nên bẻ tay ta! Người đắc định, thân thể mềm mại như bông, cũng như thai nhi ở trong bụng mẹ vậy!


3- Thuở xưa, ở nước Kế tân có một vị Bồ-tát, khi mới sinh ra rơi xuống đất, đất bị rung động mạnh làm cho cha mẹ đều kinh sợ.

Lúc ấy có bậc La-hán cúi đầu đảnh lễ, tung hoa cúng dường. Sau lớn lên, vị ấy xuất gia biện tài trí tuệ thông minh nhưng không đạt được pháp nào cả. Người nào nghe thầy ấy thuyết pháp đều được đắc đạo.

Lúc ấy, có hai thầy Tỳ-kheo nhiều năm giữ giới trong sạch trông coi tinh xá nhưng chưa thông hiểu đạo lý. Thiên thần mới bảo:

–Nước kia có Tỳ-kheo hóa độ được nhiều người, hai thầy đến đó dù xa xôi cũng mời về.

Ở nước của thầy Tỳ-kheo ấy, có Tỳ-kheo quan hệ với dâm nữ. Hai người xin ra mắt một người vào trước kính lễ rồi ngồi xuống gần đó, dâm nữ vẫn cố ý nằm im nhưng ông ta chuyên tâm nghe kinh không nghĩ nhớ đến chuyện gì khác nên đắc đạo, liền cúi đầu lui ra rồi bảo người kia tiến lên đảnh lễ thăm hỏi ngồi nghe.

Thấy dâm nữ nằm, thầy cho rằng tâm niệm vị ấy nhơ nhuốc, không tốt và nói uổng công khổ nhọc từ xa đến, liền bỏ ra ngoài.

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Sao thầy buồn bã vậy? Thầy biết có gì sai lầm?

Thầy kia nói:

–Chúng ta đã lầm rồi! Vượt qua biết bao khổ nhọc mà gặp thầy này tu hành phóng đãng ô trược!

Thầy Tỳ-kheo nói:

–Thầy rất sai lầm! Theo pháp, người học hỏi chỉ cần chuyên tâm nghe nhận để hiểu biết thông suốt, sao thầy lại nghi ngờ phải trái rồi tự mình sinh niệm xấu để không được gì.

Thầy kia liền nhất tâm vào nghe kinh nên cũng được đạo.

Một người chứng A-la-hán được tiếp đãi như khách rồi trở về nước cũ. Vị sư về sau trông coi chùa, quá sức lạm dụng đồ vật chúng Tăng, làm việc thông dâm, vui chơi quá mức nên chúng Tăng quyết định đuổi đi thì có vị La-hán tới bảo:

–Chớ nên đuổi đi! Thầy ấy tuy dùng đồ vật của Tăng nhưng có thể hóa độ được nhiều người!

Chúng Tăng thôi không đuổi nữa, vị La-hán ấy thường gần gũi đến tận nơi vị kia và bảo:

–Thầy hãy đến xin người đệ tử cũ của mình đồ vật để đền cho mọi người.

Thầy ấy đến nước kia được nhiều của báu đem về bồi thường gấp bội cho chúng Tăng.


4- Thuở xưa, có một Hiền giả tinh tấn thực hành kinh pháp bị bệnh chết, vợ con gào khóc buồn bã thương tiếc.

Sau khi hỏa táng, thâu hài cốt chôn cất xong, họ không thiết lễ hương đèn tụng kinh. Với gia tài giàu có, sáng ngày ba mươi, rằm, họ nhóm họp trên nghĩa địa giết nấu bày cổ thịnh soạn rồi buồn bã, khóc lóc, thương tiếc không nguôi.

Nhờ giới đức trọn vẹn nên người chết sinh lên trời. Ông ta dùng Thiên nhãn trông thấy vợ con tỏ bày lòng thương xót ông một cách quá ngu si, liền biến thành đứa trẻ chăn trâu ở gần bên họ. Con trâu bất chợt chết mất. Đứa bé gào khóc, cắt cỏ để ở đấy, bảo nó ăn rồi kêu đánh và bắt đầu khóc kể như thế suốt ngày.

Những người kia chê cười trách hỏi:

–Này cháu bé, cháu là con nhà ai? Trâu chết thì phải về nhà thưa, chứ cháu gào khóc có ích gì đâu? Trâu chết rồi thì làm sao biết được?

Chú bé thưa:

–Con không phải ngu! Trâu chết hiện còn đây vẫn có thể hy vọng chứ cha các chú đã mất mà các chú đặt trăm món thức ăn rồi cùng nhau hướng về ông ta kêu khóc, hài cốt ông ta đã cháy tiêu làm sao còn biết được?

Mọi người nghe xong hiểu ngay. Chú bé nói:

–Ta vốn là cha các con. Nhờ ân Đức Phật, cha đã sinh lên trời nên đến giải thích cho các con biết.

Nhân đó, chú bé hiện lại thân trời, rồi bảo:

–Muốn được như ta phải nỗ lực tinh tấn tu hành.

Nói xong, ông ta biến mất. Vợ con nội ngọai liền trở về lo tinh tấn tu hành giới đức, bố thí, cứu giúp. Tất cả không còn buồn rầu nữa, về sau đều được đắc đạo sinh Thiên.


5- Giữa biển, có một nước tên là Tư-ha-điệp, trong đó có rất nhiều châu báu nhưng không có đường cục. Lúc ấy có người lái buôn đem hơn năm trăm xe đường cục, với ý niệm muốn dâng lên đức vua để được thưởng còn hơn bán ở chợ.

Đem đường cục đặt trước cung vua, ông ta bày biện suốt cả tháng mà không có người nào hỏi han đến, nên tức giận nói:

–Đức vua kia cũng là người, ta cũng là người; mắt, tai, mũi, miệng đều như nhau mà lại không thể được một lần gặp gỡ và nói chuyện! Sao đức vua phước đức hơn người vậy? Ta cũng làm công đức để cho đức vua đến với ta!

Ông ta xuất gia làm Sa-môn, đem hết đường cục cúng dường Tam bảo rồi xin ở một nơi thanh vắng suy tư về khổ, không, vô ngã.

Không bao lâu, ông ta thông suốt, không có gì trói buộc, chứng được lục thông. Tâm trí ổn định, ông ta chứng La-hán.

Trái đất chấn động, Thiên đế Thích đến vấn an. Lúc bấy giờ, Thiên đế và chư Thiên đều xuống đảnh lễ chúc mừng ông ta.

Vị Tỳ-kheo hỏi Đế Thích:

–Các vị làm gì ở trên trời?

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả, trên trời có bốn vườn vui chơi, ba nơi là năm dục còn một nơi là đạo đức. Ở trong đó, hoặc bàn luận về kinh điển của Đức Phật hoặc bàn luận về bốn bậc siêng năng giữ gìn giáo pháp trong thiên hạ.

Vị Tỳ-kheo hỏi:

–Luận về người giữ gìn giáo pháp đều giống nhau hay có sâu cạn?

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả, tất cả đều là người toàn thiện vậy! Từ lúc Đức Phật Niết-bàn đến nay, có ba hạng người mà chư Thiên vẫn luôn bàn luận mãi không hề bỏ qua.

Vị Tỳ-kheo hỏi:

–Đó là hạng người nào? Các vị hãy kể cho biết!

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả, nước Ba-la-nại có một người làm Sa-môn, tự thề rằng: “Ta phải đi kinh hành cho đến khi nào chứng A-la-hán mới nằm”, thế nên đi kinh hành suốt ngày đêm đến nổi chân bị thương chảy máu và bị nhiều chim chóc theo vết máu mổ nuốt, ba năm thì đắc đạo được chư Thiên khen ngợi và luôn luôn phụng thờ.

Có một người ở nước La-duyệt-kỳ cũng làm Sa-môn. Ông ta trải cỏ làm đệm để ngồi, rồi thề rằng: “Nếu không đắc đạo, nhất định không đứng dậy.” Khi có bóng mát đến che, ông chỉ muốn ngủ nên bảo người ta làm cho một cái dùi dài tám tấc để mỗi khi cơn buồn ngủ đến thì châm vào hai vế cho đau nhức để không còn buồn ngủ nữa. Trong vòng một năm, Sa-môn đắc quả A-la-hán, chư Thiên tán thán ngợi khen.

Lại có một người ở nước Câu-diệm-di cũng làm Sa-môn ở trong một cái thất trên mõm đá núi cao nguy hiểm để cuối cùng không có người nào đến đó được. Lúc ấy, ma Ba-tuần thấy Sa-môn tinh tấn liền hóa thành con trâu ở trước mặt, rống lên rồi giương sừng trợn mắt muốn húc thầy. Vị Sa-môn rất sợ, nhưng nghĩ rằng nơi này trâu không thể nào tới được, tại sao lại có nó ở đây, không lẽ là ma làm nên Sa-môn liền bảo: “Ngươi có phải là ma biến hóa không?”

Nghĩ là Sa-môn đã biết, ma liền hiện lại nguyên hình. Vị Samôn bảo ma:

–Ngươi muốn gì mà dọa ta?

Ma nói:

–Thấy Sa-môn tinh tấn, tôi sợ ngài ra khỏi cảnh giới của tôi nên cố ý đến khủng bố!

Sa-môn nói:

–Sở dĩ ta làm Sa-môn là muốn ra khỏi thế gian! Đức Phật có tướng tốt ta muốn chiêm ngưỡng Ngài. Đức Phật đã rời khỏi thế gian nên không thể thấy được. Nghe nói ma có thể hóa thành than Phật, nếu ngươi hóa hiện được thì ta không tinh tấn nữa!

Ma liền hóa làm Đức Phật đứng ở trước mặt. Sa-môn quan sát rồi chứng quả A-la-hán. Trên không chư Thiên khen ngợi vô cùng.

Ma hối hận, buồn rầu, tức giận lập tức biến mất.

Đế Thích thưa với Sa-môn:

–Thưa Tôn giả, ba vị ấy được chư Thiên khen ngợi mãi mãi.

Sa-môn nói với Đế Thích:

–Ba hạng vị ấy biết rõ khổ, không, cho nên thân này hư rã. Ta vốn không muốn bị người khinh chê nên đi tìm đạo để vượt ra ba cõi, thật là kỳ diệu chứng quả A-la-hán.

Chư Thiên thưa:

–Thưa Tôn giả, bây giờ trở về trời, chúng con đem việc của ngài đặt lên hàng đầu.

Bấy giờ, chư Thiên đảnh lễ rồi cáo lui. Vua của nước đó nghe tin vị chủ nhân đường cục siêng năng tu hành đắc đạo liền đến cúi đầu đảnh lễ tạ tội và tôn làm quốc sư giúp nước nhà thái bình, Tam bảo hưng thịnh; được phước được độ không thể nào tính hết.


6- Thuở xưa có một bệnh nhân đi nhiều thầy thuốc nhưng bệnh không khỏi nên đi đến cậy nhờ đức vua Tát-hòa-đàn:

-Tâu Đại vương, con đem thân mạng quy phục ngài, xin ngài từ bi chữa bệnh cho con!

Đứa vua liền ra lệnh các thầy thuốc chữa bệnh cho ông ta. Các thầy thuốc tâu:

–Tâu Đại vương, thuốc này không thể có được!

Đức vua hỏi các thầy:

–Thuốc ấy gọi là thuốc gì?

Các thầy thuốc thưa:

-Tâu Đại vương, lấy thịt của người thế gian không có năm độc làm thuốc thì bệnh mới khỏi! Người không có năm độc là người:

  1. Không có tâm tham dâm.
  2. Không có tâm sân giận.
  3. Không có tâm ngu si.
  4. Không có tâm ganh ghét.
  5. Không có tâm bạo ngược.

Nếu có hạng vị ấy thì bệnh ông ta mới lành.

Đức vua nói với các thầy thuốc:

–Vị ấy đến quy phục ta mà chỉ có ta là không có những thứ độc ấy!

Thế rồi, đức vua cắt thịt của mình đưa cho họ hòa làm thuốc; bệnh nhân được lành bệnh, liền phát tâm Đại thừa.


7- Thuở xưa có một người tên Ca-la-việt thường ao ước được gặp ngài Văn-thù-sư-lợi. Sau khi mở cuộc bố thí lớn và đặt tòa cao xong thì có một ông lão rất xấu xí, mặt mày lem luốc đầy ghèn, nước mũi, đờm dãi ở trên tòa cao, Ca-la-việt mới có ý:

–Hôm nay tôi cúng dường tòa cao là quý trọng Sa-môn đạo đức ở trên đó; ông đâu phải là những vị ấy?

Nói rồi, liền kéo ông lão xuống đất.

Bố thí xong, Ca-la-việt thắp đèn, đốt hương đâng cúng Đức Phật trong chùa và nguyện: “Nguyện đem công đức này, ngay trong hiện đời cho con được thấy ngài Văn-thù-sư-lợi!”

Sau đó trở về nhà, quá mệt mỏi nên anh ta nằm ngủ thì mộng thấy có người bảo: “Muốn thấy ngài Văn-thù-sư-lợi mà lúc được thấy ngươi cũng không biết! Ông lão trên tòa cao vừa rồi chính là ngài Văn-thù-sư-lợi. Ngươi lôi ông ta xuống đất, như vậy trước sau bảy lần trông thấy mà ngươi nào biết, chính mình đã nhiều lần được trông thấy ngài Văn-thù-sư-lợi!”

Người nào cầu đạo Bồ-tát thì phải nên có tâm bình đẳng với mọi người. Ai cầu đạo Bồ-tát, ngài Văn-thù-sư-lợi thường đến thử thách. Hãy nên biết điều này!


8- Nói ví dụ cho sự vô thường: Có một cây to, quả nó bằng cái bình lớn. Lúc quả chín mùi, có một con quạ bay đến đậu trên cành cây; vừa mới đậu thì quả rơi xuống trúng vào đầu chết. Thấy vậy, thân cây nói kệ:

Quạ đến không muốn chết

Quả rơi không hại quạ

Quả chín làm quạ chết

Đủ nhân duyên nên vậy.

Tội phước của người ở thế gian đến nhanh hay chậm chứ không mất đi đâu cả. Người có trí dù bị tội cũng không oán, được phước cũng không vui mới chính là người tin sâu và luôn luôn thọ trì lời Phật dạy.

Trong ba cõi có chín mươi sáu đạo, người đời phụng thờ đạo là muốn Thiên thần ban lợi ích. Các đạo nhỏ này chưa hiểu được thế nào là phước, làm sao có thể giữ gìn đức độ? Sở dĩ như vậy là không biết sự cao sáng của Tam bảo và không giữ gìn năm giới thanh tịnh.

Nếu không hiểu sâu Bát chánh đạo thì đâu có Thiên thần nào cứu giúp con người?

Thế nên gọi đó là ruộng phước mỏng vậy!


9- Cung kính Tam bảo, thông suốt ba đời, hiểu rõ phước thiên đàng, biết tội địa ngục, hết lòng kính tin Tam bảo cũng tránh khỏi ba đường. Dùng sức trí tuệ hùng mạnh làm tiêu tan ngu si tăm tối trong ba cõi, tu sáu nước tịnh thần để rửa sạch dơ bẩn của sáu bệnh. Cho nên có thể xem nhẹ tiền tài, bớt phần thân miệng để bố thí bình đẳng là trồng gốc rể cho đời sau. Bố thí có một lần mà được quả báo đến vạn lần nhanh như tiếng vang dội lại. Thế nên nói đạo lớn là ruộng tốt trong ba cõi. Vì sao nói rõ việc ấy?

Thuở xưa, vua A-dục đã từng là một đứa bé. Trên đường gặp Đức Phật, đứa bé rất vui mừng, lấy một ít cát thành tâm dâng cúng Ngài. Do phước này nên được làm thánh vương trông coi mười sáu nước gồm bốn mươi vạn dặm. Vì thế nên nói rõ việc ấy. Đức Phật là ruộng tốt cùng tột!

Thuở xưa, vào thời Đức Phật Duy Vệ, Nan-đà, em của Đức Phật, do phước đức một lần tắm gội chúng Tăng mà được sinh vào dòng họ Thích, thân có ba mươi tướng tốt, dung mạo rực rỡ màu hoàng kim. Nhờ phước đức đời trước mà sinh cùng thời với Đức Phật, tinh tấn học đạo nên đắc lục thông.

Người xưa bố thí có một lần mà có quả báo lớn huống gì người đàn-việt bây giờ có thể làm nhiều việc? Nếu làm tất cả việc sẽ được tiếng tăm lớn thì họ càng thêm hoan hỷ cứu độ tất cả.


10- Đức Phật dạy: “Tinh thần ô nhiễm luôn luôn bị sinh tử nung nấu trong ức kiếp cho đến khi nào đắc đạo mới thôi.”

Sau khi Đức Phật Niết-bàn năm trăm năm có một vị quốc vương tinh tấn dũng mãnh hiếm có trên đời cúng dường một lúc ba tháng các thức ăn mùi vị thơm ngon nhất cho sáu vạn Sa-môn.

Vị Đạo nhân là Thượng tọa lớn nhất, thông suốt kinh điển lại thông kim bác cổ chứng A-la-hán.

Cách phía Đông nước này bốn trăm tám mươi dặm, có một quốc vương cúng dường cho năm trăm Bà-la-môn những thứ đồ ăn ngon nhất và làm một trăm thứ cờ phướn bằng lụa là xinh đẹp có trang hoàng nhiều vật quý báu bằng vàng mà giá trị một lá phướn là năm trăm lượng vàng.

Đức vua dùng kỹ nhạc để vui chơi trong buổi lễ và có ý định đem nhạc cụ quý giá ban cho những người biết sử dụng nó.

Nghe quốc vương kia có vật báu này, những người nghèo khó ở bốn phương tụ tập lại năm trăm người. Vì muốn lấy vật báu, trên đường đến tinh xá, họ luyện tập tài năng, học vấn kỹ thuật nhưng lương thực cạn sạch nên không đến được mới đến trước vị Thượng tọa cầu xin làm Sa-môn. Vị Thượng tọa quan sát thấy họ chính là hiền giả và gia nô thời Đức Phật Duy Vệ đã từng làm những thức ăn uống cúng cho Đạo nhân. Thượng tọa lại nghe Đức Phật dạy rằng:

“Từ đó đến nay, dù sinh lên cõi trời hoặc trong nhân gian họ đều hưởng phước báu tự nhiên.” Nay phước đã hết nhưng giáo pháp học được vẫn còn nên có thể độ những vị ấy được.

Sau khi được Thượng tọa cạo bỏ râu tóc, trao giới pháp, họ vào cung thọ thực rồi trở về rất vui vẻ.

Biết ý họ, sư nói:

–Không thể dối trá mà ăn cơm này được! Nếu người nào không thành thật mà ăn cơm này sẽ làm trâu, ngựa, đầy tớ cho vua trong nhiều kiếp.

Nghe việc này, năm trăm Tỳ-kheo mới thọ giới sợ hãi dốc long tinh tấn trong chín mươi ngày và đều được chứng A-la-hán.

Thầy Tỳ-kheo đã đắc đạo muốn tự mình nói rõ ngọn ngành liền đi nhanh kêu gọi mọi người vào cung vua cùng nhau tranh tài.

–Ba độc, mười hai nhân duyên, năm ấm, sáu thức ta đều diệt sạch; ai có thể cùng ta đối địch.

Mọi người đều ngạc nhiên:

–Thầy này nói vậy có ý nghĩa gì?

Các thầy Tỳ-kheo nói:

–Chúng tôi luyện tập tài năng, học vấn kỹ thuật là muốn lấy báu vật kia làm lợi dưỡng nhưng bây giờ làm Sa-môn, chứng quả Ala-hán đã diệt sạch những tà vạy trong ba cõi. Nhờ ân Đại Sư nên chúng tôi đạt đến diệu lạc vô cùng.


11- Thuở xưa, có hai anh em ở trong một gia đình rất giàu có và nhiều thế lực nhưng cha mẹ qua đời sớm nên không còn ai để nương cậy.

Tuy là anh em nhưng tâm ý khác nhau. Người anh thích đạo nghĩa, còn người em thích sự nghiệp, chức tước quan quyền, bổng lộc, tham nhan sắc xinh đẹp ở đời.

Vì ở gần Ba-la-phất nên tiếng gà gáy cách tinh xá không xa. Người anh chuyên đi học hỏi kinh điển không lo toan việc nhà, còn người em thấy anh bỏ bê việc nhà nên thường oán ghét anh mình.

Cùng là anh em nhưng cha mẹ mất sớm, lẽ ra cần phải siêng năng chịu khó nghĩ đến việc sinh sống, trái lại người anh bỏ bê việc nhà đeo đuổi theo Sa-môn nghe kinh Phật. Sa-môn đâu có thể cho anh ta y phục, của cải? Vì thế mà nhà cứ dần dần nghèo túng, tài sản ngày càng sa sút nên bị mọi người cười chê cho là biếng nhác, làm tiêu tan hết nhà cửa.

Người em thưa với anh:

–Này anh, phàm làm con phải nên gầy dựng sự nghiệp, tiếp nối công lao cha mẹ, không được bỏ phế mới là người con hiếu thảo!

Người anh bảo em:

–Em à, thọ trì năm giới, mười điều thiện, cúng dường Tam bảo, thực hành sáu độ, ngồi thiền, định niệm, đem đạo giáo hóa cho người thân mới là hiếu vậy!

Đạo, đời trái ngược nhau là số mệnh tự nhiên. Điều vui của đạo là điều ghét của đời; vật quý báu của đời chính là vật hèn mọn của đạo. Người trí, kẻ ngu tính toán không đồng nhau, giống như sáng tối nên không thể ở chung với nhau được. Vì vậy, người trí bỏ tối tìm sáng để đạt đạo chân thật. Điều mà em cho là vui thì đối với anh là khổ sở. Tất cả đều trống không, giả dối. Mê lầm tính toán có biết đâu là cực nhọc?

Người em nén giận, lắc đầu không tin. Thấy như vậy, người anh bảo:

–Em tham lam việc nhà lấy của cải làm quý, còn anh thích kinh điển lấy trí tuệ làm quý. Nay anh muốn xuất gia quy y ruộng phước!

Xét ra mạng sống ở đời nhanh như bụi bay, vô thường chợt đến bị tội lỗi trói buộc. Vì vậy, bỏ đời để tránh nguy hiểm được an vui.

Thấy ý chí người anh hướng tới đạo nghĩa, người em im lặng không trả lời. Người anh bỏ nhà ra đi, xuất gia làm Sa-môn, ngày đêm tinh tấn tụng kinh, suy nghĩ về đạo, nhất tâm ngồi thiền, phân biệt, tư duy không bao giờ lười biếng liền có đầy đủ căn lực, ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nhờ thực hành đúng pháp nên chứng đạo quả, người anh đến chỗ em mình khuyến khích kính tin Phật pháp, giữ năm giới, tu mười điều thiện là căn bản sinh Thiên; còn bố thí, học hỏi giáo pháp là nền tảng của trí tuệ.

Nghe xong, càng thêm tức giận, người em trả lời:

–Này anh, anh tự mình bỏ bê, không còn tha thiết đến việc nhà, làm tiêu tan nhà cửa. Vậy anh có thể làm việc này một mình đi, đừng có dạy lại tôi! Anh ra khỏi nhà ngay, đừng xen vào việc của tôi!

Người anh liền bỏ đi, còn người em vì tham lam việc nhà nên cứ làm mãi không ngừng, không bao giờ để tâm vào Phật pháp. Sau đó, người em qua đời bị đọa làm một con trâu to lớn mập mạnh, được lái buôn mua về dùng chở muối đi bán.

Vì luôn luôn đi qua lại nên trâu mau gầy không còn mập mạnh như trước nữa. Quá mệt nhọc khi đi lên sườn núi cho nên hai chân nó khụy xuống, không đứng dậy được. Người lái buôn lấy roi đánh rồi lay đầu, nó mới động đậy.

Đang du hành trên không trung thấy cảnh như vậy, người anh suy nghĩ biết được sự việc, mới biết đó chính là em mình, liền bảo:

Này em, nhà cửa, ruộng đất mãi mãi là niềm vui thích của em, sao bây giờ lại ở đây, lại đọa làm trâu thế?

Sau đó, người anh dùng oai thần soi sáng chỉ bày thân đời trước của nó. Nhờ biết được thân trước của mình, người em rơi nước mắt, tự trách trước đây làm điều ác, tham lam, keo kiết, ganh ghét, không tin Phật pháp, khinh khi Thánh chúng, tâm ý buông lung không tin lời anh, trái với lời Đức Phật dạy, mạo phạm làm theo ý mình nên đọa trong loài trâu khổ nhọc hèn kém, hối hận đâu kịp!

Biết tâm niệm của em, người anh buồn rầu thương xót, liền gặp người chủ trâu nói rõ ngọn ngành của nó:

–Thưa ông, sự việc như thế, đây vốn là em tôi. Vì không tin Tam bảo, bỏ chánh theo tà, keo kiệt, phóng túng tham cầu không bố thí nên đọa làm trâu gầy yếu, khốn khổ, hèn kém rất đáng thương xót! Bây giờ, đã quá già nua, quá mỏi mệt không dùng được nữa, mong ông cho tôi, để tôi cứu giúp mạng thừa của nó!

Nghe vậy, người lái buôn đem cho, người anh dắt trâu đi về chùa bảo niệm Tam bảo và cho ăn uống theo thời.

Trâu chết được sinh lên trời Đao-lợi. Lúc ấy, những người lái buôn đều tự nghĩ: “Chúng ta siêng năng khó nhọc kiếm sống không biết chán nhưng không thể bố thí lại, không tôn sùng Phật pháp, không biết đạo nghĩa, e rằng lúc chết không tránh khỏi đọa vào loài này.” Họ liền cùng nhau rời khỏi nhà, từ bỏ vợ con, của báu, vui chơi, làm Sa-môn siêng năng tinh tấn, nên đều đắc đạo.

Do đó, thấy rằng tài sản thế gian không có lợi ích đối với con người mà chỉ có tôn kính Tam bảo, tu thân, học trí tuệ, nghe nhiều, hành đạo mới được an lạc đời đời.


12- Xưa kia, môt người nghèo ở nước Xá-vệ có cây bồ đào trổ vài cành hoa, bà ta muốn cúng dường cho các Sa-môn, nhưng các vị Sa-môn này đã được quốc vương thỉnh thọ thực trước một tháng. Do thế lực của người nghèo này không bằng vua nên phải chờ đến một tháng mới gặp được một Sa-môn để cúng dường. Bà ta thưa với Samôn:

–Thưa Đại đức, con muốn cúng dường trước đây một tháng nhưng bây giờ mới được thỏa nguyện.

Vị Sa-môn nói với Ưu-bà-di:

–Bà hãy đem hết đồ trong một tháng ra cúng dường!

Vị Ưu-bà-di thưa:

–Thưa Đại đức, con chỉ có một cành bồ đào thôi làm sao cúng dường một tháng?

Vị Sa-môn nói:

–Nếu có ý niệm cúng dường trong một tháng là một tháng cúng vậy!

Có mười bảy việc rất khó đối với người thế gian:

  1. Ra đời trong thời gian có Phật.
  2. Làm người mà được gặp Phật.
  3. Được làm người sinh nơi hưng thịnh, văn minh.
  4. Sinh trong gia đình dòng tộc nơi văn minh
  5. Ở trong gia đình dòng tộc mà thân thể trọn vẹn đầy đủ.
  6. Thân thể trọn vẹn đầy đủ mà tài sản giàu có.
  7. Được tài sản lại có bạn tốt.
  8. Được bạn tốt có trí tuệ.
  9. Được trí tuệ lại có tâm tốt.
  10. Được tâm tốt lại hay bố thí.
  11. Giả sử có bố thí còn muốn gặp bậc Hiền thiện có đức.
  12. Gặp được bậc Hiền thiện có đức lại thường xuyên đến chỗ họ
  13. Đến chỗ họ được vừa ý.
  14. Được vừa ý mà còn lắng nghe và hỏi những điều đúng đắn.
  15. Được những điều đúng đắn mà còn mở mang trí tuệ.
  16. Được mở mang trí tuệ, hay thọ trì các kinh điển cao sâu.
  17. Hay thọ trì các kinh điển cao sâu mà còn nương vào đó để thực hành đắc đạo.