KINH TẠP A-HÀM
Hán dịch: Mất tên người dịch
-Phụ vào dịch phẩm đời Ngô, Ngụy
1. Nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Câu-tát. Có nhiều Tỳ-kheo cùng du hành đến rừng trúc. Một số Tỳ-kheo ở trong rừng trúc, đến thôn xóm giữa rừng thông.
Khi ấy có vị Bà-la-môn làm ruộng, họ Bồ lư cùng năm tram người nong phu cùng nhau tụ tập ăn uống ở ngoài rừng trúc.
Bấy giờ, Đức Phật thấy trời còn quá sớm, nên Ngài từ rừng trúc đi về hướng nhà nông, nơi có nhiều nông phu đang hội họp ăn uống. Khi Đức Phật đến nơi, các nông phu đang ăn. Họ thấy Ngài liền nói:
–Tôi tự cày cấy trồng tỉa, nhờ vào đó để ăn uống. Bạn cũng đầyđủ sức khỏe để làm việc, vậy hãy cày, hãy gieo trồng và nhờ vào đó để ăn uống.
Đức Phật bảo nông phu:
–Ta cũng cày bừa trồng tỉa, nhờ vào đó để ăn.
Nông phu nói:
–Tuy Phật nói: “Ta cũng cày bừa trồng tỉa, nhờ vào đó để ăn uống”, nhưng tôi không thấy bạn có dụng cụ trồng tỉa như bò, đòn cày, ách, nạng cày; chỉ nói theo kiểu trồng tỉa của nhà nông, sau đó rồi thôi. Tôi không thấy dụng cụ cày bừa, hãy nói dụng cụ của bạn cho tôi biết.
Phật bảo:
–Lòng tin là hạt giống, hành động là nước, trí tuệ là bò, biết hổ thẹn là cày, tâm là nạng cày, ý là lưỡi cày kim loại, giữ gìn thân, khẩu trong ăn uống là bờ gò, luôn luôn chí thành điều phục là vùng đất, tinh tấn không bỏ đòn cày, làm việc cho đến khi an ổn, tiến tới không lùi, hành động không ưu sầu, gieo trồng như vậy cho đến chỗ pháp giác ngộ. Gieo trồng như vậy khiến giải thoát tất cả các khổ.
Sau khi nghe Phật dạy, nông phu nói:
–Phật đúng là nông gia, thật là nông gia lớn.
Họ đem đầy bát thức ăn dâng lên Phật, thưa:
–Xin Ngài thương xót nhận thức ăn của chúng con.
Phật dạy:
–Không được thuyết kinh rồi để nhận thức ăn, hành giả hãy tự biết về pháp đã hỏi, Phật thuyết kinh điển, pháp thường là như vậy, thuyết pháp không phải hướng về lợi dưỡng mà hướng về đạo vì trừ sạch phiền não, nghi hoặc trói buộc tâm ý, với thức ăn uống này nên cúng dường như pháp, phước lớn như đại địa.
Bà-la-môn bạch Phật:
–Nay con đem thức ăn này cho ai?
Phật dạy:
–Trong thế gian không có Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn nào ăn thức ăn này có thể tiêu hóa được, trừ Bậc Chánh Đẳng Giác. Hãy đem thức ăn này ném vào trong chỗ nước không có trùng, hay nơi đất trống không có cỏ xanh, hoặc đào chôn.
Bà-la-môn vâng lời Phật dạy, đem thức ăn ném vào trong chỗ nước không có trùng. Sau khi ném vào, trong nước sôi sùng sục, phát tiếng kêu lớn, phun lửa khói. Ví như đem miếng sắt nung đỏ một ngày trong lửa, rồi ném vào nước, làm nước sôi sùng sục phát ra tiếng. Bà-la-môn đem thức ăn ném vào nước, lửa khói phát ra, nước sôi sung sục. Ông ta kinh sợ, toàn thân dựng lông, liền trở về, đem đầu mặt mình làm lễ sát chân Phật, thưa:
–Con xin được theo Phật làm Sa-môn, từ bỏ việc ác, thọ giới pháp của Phật để phụng hành.
Phật dạy:
–Ông được phép hành đạo thanh tịnh.
Bà-la-môn sau khi thọ giới pháp của Phật, tu tập Phật pháp chứng quả Vô sanh. Phật giảng dạy như vậy.
2. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bà-la-môn Sanh Văn đến gặp Đức Phật, sau khi chào hỏi, ngồi qua một bên, thưa với Phật:
–Tôi nghe Phật có nói: “Chỉ nên bố thí cho Ta, không nên bố thí cho người khác, bố thí cho Ta được phước lớn, bố thí cho người khác không được phước lớn. Chỉ nên bố thí cho đệ tử của Ta, chớ nên bố thí cho đệ tử của kẻ khác, bố thí cho đệ tử của Ta được phước lớn, bố thí cho đệ tử của kẻ khác không được phước lớn”. Nếu ai nói như thế này:
“Bố thí cho Ta và đệ tử của Ta được phước lớn”, giả sử có người nóinhư vậy, có phải là hủy báng Phật luận nghị không đúng? Nếu là lời Phật nói thì phải chăng lời đó không đúng? Là không đúng pháp? Có phạm pháp hay không? Là hợp lý hay không hợp lý?
Đức Phật bảo Bà-la-môn:
–Nếu ai bảo Phật nói thế này: “Chỉ bố thí cho Ta đừng cho người khác, hãy bố thí cho đệ tử của Ta đừng cho người khác, bố thí cho đệ tử của Ta được phước đức lớn, bố thí cho đệ tử của người khác được phước đức nhỏ”; ai nói như vậy là không đúng, và không đúng lời luận nghị của Ta. Nói lời không đúng như vậy là luận nghị phi pháp. Vì sao? Ta không nói rằng bố thí cho Ta đừng bố thí cho người khác… như trên. Ai nói như vậy là phá hoại cả ba mặt: phá hoại phước của người bố thí, phá hoại đức của người thọ thí, và tự phá hoại ý của mình. Nếu có người nào đem nước rửa nồi, bồn đựng thức ăn đến khu vườn và đổ trong vườn với ý nghĩ côn trùng trong vườn nhờ ăn thức ăn trong nước ấy mà được an ổn. Ta nói nhờ nhân duyên đó người kia còn có phước, huống chi đem bố thí cho con người. Ta chỉ nói, cho người trì giới thì có phước lớn, cho người không trì giới thì có phước ít.
Bà-la-môn bạch Phật:
–Con cũng nói như vậy, cho người trì giới thì phước lớn, cho người không trì giới thì phước nhỏ; nên bố thí đến tất cả tùy ý, người không trì giới thì ít phước, người có trì giới thì phước lớn. Như trong đàn bò, có con màu đen, trắng, đỏ, vàng; khổng tước, bồ câu cũng vậy. Căn cứ nơi thân ấy để xét con nào sanh ra thuần chủng, con nào sức lực khỏe mạnh, con nào hung hiền, thì chỉ xét hành động chứ không xét màu sắc. Con người cũng vậy, có người xuất thân là đạo nhân, nông phu, người trong thành hay người khiêng thây chết, mỗi người đều có chỗ xuất thân của mình, nhưng người nào trì giới thì vượt trên thế gian, bố thí cho họ được phước lớn, cho người ngu si thiếu hiểu biết thì ít phước. Chớ phụng sự hạng không hiểu biết, chỉ nên phụng sự bậc hiểu biết, vị Thánh đệ tử nhiều trí tuệ, vị Thánh đệ tử có lòng tin chắc chắn. Có nhân duyên, mà từ nhân duyên này được sanh thiên. Có nhân duyên, mà từ nhân duyên này bị đọa vào cõi ác. Có nhân duyên mà từ nhân duyên này thoát khỏi thế gian. Tất cả đều từ nhân duyên sanh.
Bà-la-môn Sanh Văn đứng dậy, đầu mặt lạy sát chân Phật, từ đó xin quy y Phật, thọ trì giới luật. Đức Phật thuyết giảng như vậy.
3. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Có một thanh niên Bà-la-môn tên Tang-yết-xà, đến gặp Phật, sau khi chào hỏi, ngồi qua một bên, hỏi:
–Quan sát thế nào để biết người ác?
Phật đáp:
–Người ác dụ như mặt trăng.
Hỏi:
–Quan sát thế nào để biết người có trí?
Đáp:
–Người trí dụ như mặt trăng.
Hỏi:
–Vì sao người không có trí tuệ như mặt trăng.?
Đáp:
–Như ngày hai mươi chín, ánh sáng bị giảm, màu sắc cũng giảm, bề mặt cũng giảm, không lộ rõ, quá nửa đêm giảm dần, đến khi trăng lặn mất không còn hiện nữa. Người ngu cũng như vậy, Được nghe kinh pháp, giới luật, trí tuệ từ những bậc đắc đạo, nhưng không lắng nghe, không ghi nhớ, không phụng hành, từ bỏ giáo pháp, không chịu tu tập, từ đó tín giảm, giới giảm, văn giảm, thí giảm, tuệ giảm, như trăng qua nửa đêm. Này Bà-la-môn, có một lúc nào đó làm cho người ngu bị mất hết những pháp lành đã được, không còn hiện hữu nữa như mặt trăng bị mất hoàn toàn vào ngày hai mươi chín. Như vậy, quan sát người ngu si cũng như mặt trăng.
Thưa:
–Xin nói cho biết về người trí tuệ.
Phật đáp:
–Như trăng vào ngày mười lăm ánh sáng càng tăng, bề mặt càng tròn, thấy càng rõ. Lúc trăng tròn sáng hoàn toàn là vào ngày mười lăm. Cũng vậy, người có trí tuệ nghe lời đạo đức, như pháp tu hành, phát sanh tín tâm, từ tín tâm, không quên pháp đã được nghe, nhờ học tập nhiều, được tăng trưởng tín, giới, văn, thí, tuệ thêm cao.
Mặt trăng vào giữa đêm tròn sáng là lúc hoàn toàn tăng trưởng. Người có trí tuệ thực hành tất cả pháp luật thanh tịnh, cũng như vào ngày mười lăm trăng tròn sáng hoàn toàn; xem người trí tuệ cũng như vậy. Này Bà-la-môn, như vậy là theo ví dụ mặt trăng thay đổi để nói với kẻ trí và ngu. Như mặt trăng vận chuyển giữa hư không, vượt lên trên muôn sao trong thiên hạ. Người có tín văn, cũng như vậy, thường bố thí không có tham tiếc những điều khó bỏ. Thế gian nhờ bố thí mà được sáng suốt. Như sấm chớp to, mây nhiều làm mưa xuống thấm ướt đất, người có tín văn cũng như vậy, thường bố thí không có tham tiếc. Có thức ăn uống đem bố thí đầy đủ thì được tiếng khen vang xa như mưa xuống đất, lại được phước đức lớn như trời mưa ngũ cốc là châu báu. Người này được tiếng khen tận cõi trời, đời hiện tại có đức hạnh, đời sau được sanh vào cõi trời.
Tang-yết-xà đứng dậy, đầu mặt lạy sát chân Phật, thưa:
–Từ nay về sau con xin thọ trì tu tập theo pháp luật của Phật.
Phật giảng dạy như vậy.
4. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Khi vừa đắc đạo ở bên gốc cây Ni-câu-loại, bên bờ sông Khuất nhiên, nước Ưu-đọa-la, Ta suy nghĩ: “Thực hành một đạo khiến hành giả có thể thoát khỏi ưu khổ không vừa ý, đắc Niết-bàn, đạt được chánh pháp. Thế nào là chánh pháp? Là bốn ý chỉ.
Bốn ý chỉ là gì? Là Tỳ-kheo quán sát hành động đứng, đi trên thân của thân, tự rõ biết thoát khỏi si mê, không vừa ý của thế gian, quán sát ngoại thân trên thân, quán sát nội ngoại thân trên thân, tự biết rõ, thoát khỏi si mê không vừa ý trong thế gian; đối với thọ ý pháp cũng như vậy. Hành giả nào xa lìa bốn ý chỉ này, thì xa lìa giáo pháp, xa lìa giáo pháp thì xa lìa sự hành đạo, xa lìa sự hành đạo thì xa lìa con đường giác ngộ, đã xa lìa con đường giác ngộ thì không vượt khỏi sanh, lão, tử, ưu não, không thoát khổ, không giải thoát.
Nếu hành giả thực hành bốn ý chỉ, thì thọ nhận đạo, đã thọ nhận được đạo thì đắc đạo, đã đắc đạo thì diệt trừ lão, bệnh, tử, ưu não, thoát khổ, đạt giải thoát”.
Phạm thiên biết ý nghĩ của Ta, liền biến mất ở cõi Phạm, xuất hiện trước Ta, trong thời gian nhanh như người khỏe mạnh co duỗi cánh tay, thưa:
–Thật đúng như Phật nghĩ, thật đúng như Phật nói, có một đạo làm cho thanh tịnh, làm cho thoát khỏi ưu khổ không vừa ý, đạt đến Niết-bàn, đạt được lợi ích của chánh pháp, đó là thực hành Bốn ý chỉ, quán sát hoạt động của thân trên thân, tự biết rõ, thoát ly si mê không vừa ý trong thế gian; quán sát ngoại thân trên thân; quán sát nội ngoại thân trên thân, tự biết rõ, thoát ly si mê không vừa ý trong thế gian; thọ tâm pháp cũng như vậy. Hành giả nào xa rời Bốn ý chỉ thì xa rời giáo pháp, xa rời giáo pháp thì xa rời sự hành đạo, xa rời sự hành đạo thì xa rời nẻo giác ngộ, đã xa rời nẻo giác ngộ thì không thoát ly sanh, lão, tử, ưu não, cũng không thoát khổ, không biết con đường thoát khổ.
Đây là biết phương pháp tu tập.
Như vết chân chim vượt qua nước
Đức Phật thuyết pháp hành của Ngài
Thọ trì lời này tự suy nghĩ
Một đường thoát ra khỏi sanh tử
Giáo pháp từ bi độ thế gian
Thoát khỏi đời này và đời sau
Đây là gốc thanh tịnh vô vi
Sanh, lão, tử, từ đây chấm dứt
Thọ trì pháp này và thực hành
Đây là pháp Bậc Đạo Nhãn dạy.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
5. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Vào ban đêm với hào quang rực rỡ, Tự Phạm thiên đi đến chỗ Đức Phật, trong khi Phật đang thiền định. Tự Phạm thiên suy nghĩ: “Đức Phật đang thiền định, gặp Ngài thì sớm quá, vậy ta nên đến gặp Tỳ-kheo Câu-phi-lê thuộc nhóm Điều-đạt trước”.
Tự Phạm thiên đi đến gặp Tỳ-kheo Câu-phi-lê thuộc nhóm Điều-đạt, nói với Tỳ-kheo ấy:
–Này Câu-phi-lê, này Câu-phi-lê, hãy đối với Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên với ý tưởng tốt, như đối với các vị đạo hạnh trí tuệ khác.
Câu-phi-lê thuộc nhóm Điều-đạt nói:
–Ông là ai?
Phạm thiên nói:
–Tôi là Phạm thiên.
Câu-phi-lê thuộc nhóm Điều-đạt nói:
–Phật nói ông đắc A-na-hàm phải không?
Đáp:
–Đúng vậy.
Câu-phi-lê nói:
–Vì sao ông đến đây?
Phạm thiên tự nghĩ: “Vì sao vị này không có tâm Từ?”.
Phạm thiên liền nói kệ:
Không thể lường, muốn đo lường
Vì vậy thế gian thiếu trí tuệ
Không thể lường, muốn đo lường
Vì vậy thế gian bị che đậy.
Phạm thiên đến chỗ Phật, sau khi đảnh lễ sát chân Ngài, ngồiqua một bên, bạch Phật:
–Con là Tự Quang Minh, trong đêm đến gặp Phật, trong khi Ngài đang thiền định. Con suy nghĩ: “Thật quá sớm để ta đến gặp Phật. Ngài đang thiền định, vậy ta hãy đến gặp Tỳ-kheo Câu-phi-lê thuộc nhóm Điều-đạt trước”. Con đến gặp Tỳ-kheo Câu-phi-lê. Sau khi gặp nhau, con nói: “Này Câu-phi-lê, này Câu-phi-lê, hãy đối với Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên với tâm tốt như đối với các vị đạo hạnh khác”.
Vị ấy hỏi: “Ông là ai?”
Con đáp: “Tôi là Phạm thiên”.
Vị ấy nói với con: “Phật nói ông chứng A-na-hàm phải không?”
Con đáp: “Đúng vậy!”
Vị ấy nói: “Vì sao ông đến đây?”
Con suy nghĩ: “Ôi! Người này không có tâm Từ!”
Không thể lường, muốn đo lường
Vì vậy thế gian thiếu trí tuệ
Không thể lường, muốn đo lường
Thế gian chấp ngã, con tự biết.
Đức Phật nói:
–Câu-phi-lê cùng Điều-đạt thích thú trong việc kết hợp với nhau.
Thế Tôn nói kệ:
Không thể lường, lại muốn lường
Nên thế gian khó có tuệ
Không thể lường, lại nói lường
Từ đó thế gian bị vây kín.
Đức Phật thuyết giảng như vậy.
6. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba phương pháp tự mưu sanh, chưa được lợi ích làm cho lợi ích, đã được lợi ích thì không giảm mất. Những gì là ba? Này Tỳ-kheo, ở đây có người tự mưu sanh bằng cách, sáng sớm nghĩ đến nhiều phương pháp tận lực hướng đến mưu sanh, giữa ngày cũng vậy, chiều tối cũng vậy, tìm nhiều phương pháp, tận lực làm cho có lợi ích. Tỳ-kheo mưu sanh với ba pháp cũng như vậy, chưa được pháp lành thì làm cho được, đã được pháp lành thì không cho suy giảm. Thế nào là ba? Này các Tỳ-kheo, ở đây có Tỳ-kheo sáng sớm thọ trì đạo pháp chánh niệm, ý ghi nhớ không quên, giữa trưa, chiều tối cũng vậy, thọ trì nhiều với ý định, thọ trì, thực hành, ý không quên thì thường tang trưởng đạo nghiệp.
Phật giảng dạy như vậy.
7. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc Ô tụ, thuộc thành Vương xá.
Ở thành Vương xá có một Bà-la-môn tên là Bất Tín Trọng. Ông ta suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm ở đang trong vườn Trúc tụ, thuộc thành Vương xá. Ta nên đến gặp Sa-môn Cù-đàm. Đối với kinh pháp ông ta nói ra, ta sẽ bài bác tất cả lời ấy, không tin”.
Bất Tín Trọng ra khỏi thành Vương xá, đến chỗ Phật.
Khi ấy Phật đang thuyết pháp cho hội chúng hằng trăm người ngồi vây quanh, ngài thấy Bất Tín Trọng từ xa đến, nên im lặng không thuyết pháp nữa.
Sau khi đến gặp Phật, Bất Tín Trọng thăm hỏi và ngồi qua một bên, nói với Phật:
–Xin Phật giảng kinh, tôi muốn nghe.
`Đức Phật trả lời Bà-la-môn Bất Tín Trọng:
Người trọng pháp sai lầm
Cũng không hiểu lời nói
Kẻ tâm ý cuồng loạn
Họ đều muốn tranh cãi.
Ai ý không tranh cãi
Chỉ tranh với hỷ tham
Tranh đua với sân hận
Người vậy hiểu lời pháp.
Bất Tín Trọng liền đứng dậy, đầu mặt lạy sát chân Phật, thưa:
–Con đã hiểu, đã hiểu. Con vì ngu si không hiểu, thật sai lầm nên mang ý ác đến đây, hướng về Đức Như Lai Vô Sở Trước. Con vì có ý ấy nên Ngài từ chối dạy, không muốn tin. Từ nay về sau con xin sám hối điều sai lầm của mình, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng trọn đời. Phật giảng dạy như vậy.
8 Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Ta thuyết pháp cho các đệ tử, có khi nói gọn, có khi nói đầy đủ, nhưng khó có người được hiểu.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Nói gọn cũng có đệ tử hiểu, nói đầy đủ cũng có đệ tử hiểu.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Nên học như vầy: Nội ngoại thân thức, với tất cả tư tưởng đều không có ngã và ngã sở, kiêu mạn; hiểu như vậy với trí tuệ thì tự thấy pháp, tự hiểu, tự biết pháp tu tập. Trong ngoài thân thức này, với tất cả tư tưởng đều không có ngã, ngã sở, kiêu mạn. Này Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, trong ngoài thân thức này, với tất cả tư tưởng đều không có ngã, ngã sở, kiêu mạn, hiểu biết như vậy với trí tuệ, thấy pháp với trí tuệ, tự thấy, tự biết hành động đúng. Này Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, đây gọi là vô sở trước, dứt sạch lậu, đạt đến bậc vô học, vượt thế gian. Vì thế nên Ta dạy như vậy.
Phật thuyết kệ:
Pháp giải thoát rất nhiều
Phá dục và dục tưởng
Tâm ý nên tránh dục
Và trừ diệt tối tăm
Và trừ luôn nghi kết
Quán ý đến thanh tịnh
Tư duy gốc ngọn pháp
Đã giảng tuệ giải thoát
Và thuyết pháp phá si.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
9. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Thân này có da thịt, máu tủy, thịt sống, bên trong chứa đầy phẩn uế, tự thấy thân này có gì tốt đẹp đâu, chín lỗ bất tịnh thường có bệnh xấu, thường phải lau rửa thật đáng xấu hổ, thường cùng với oan gia hội họp đến già chết, gắn liền với bệnh hoạn. Vì sao không nhàm chán thân thể phải bị ngã xuống, bị hư nát này, sẽ bị vứt ra ngoài đất, vô dụng, bị chồn sói ăn thịt. Thấy như vậy sao lại không sợ, sao còn nói đến tham dâm. Như Phật đã dạy, tự tâm hãy quán sát dục như cái chậu, cái bàn của đồ tể, như đống xương, như bị lửa đốt, như bị tên độc bắn làm đau đớn, người ngu ưa thích mà không tự biết. Vì sao không sợ lưới tham dâm, thật ngu si lắm thay. Con người vì mạng sống nên cố cầu tiền, lúa thóc, vàng, bạc, bò, ngựa, nô tỳ; mạng sống trong hơi thở, lại rất ngắn ngủi, sống nhiều lắm chỉ hơn trăm tuổi với các khổ vây quanh. Quán sát như vậy có gì đáng ưa!
Mạng sống trong quá khứ đã qua nhanh, phần còn lại rất ít, chấm dứt theo ngày, như nước sông chảy nhanh, như mặt trời mặt trăng lặn, mạng người đã trôi qua trong quá khứ rất nhanh, mạng sống trôi qua không trở lại, như vậy mạng sống trôi qua không hẹn đến khi chết.
Giả sử có rất nhiều tài sản quý báu ở cõi trời vô số kể, nhưng đến khi chết, đem đến cũng không làm vui được, không thể ngăn được, không thể làm cho an vui, cũng không tự an vui. Không gì bằng hãy tự làm thiện, không có gì bằng sự làm thiện như vậy. Ai thấy biết về cái chết như thế, thì người nào còn chạy theo tham dâm. Nếu sống thọ hay yểu rồi cũng phải chết, vì sao tâm ý chạy theo dục lạc. Vì sao vậy? Vì không nghĩ đến sự thanh tịnh, tâm ý yêu con cái, nếu con chết khóc lóc chẳng qua chừng mười ngày, sau đó thì quên ngay; vợ con yêu cũng vậy; quyến thuộc, gia đình, bạn bè cũng vậy. Khổ nhọc một đời làm ra tài sản, khi chết phải chia lìa, thân thể đáng yêu này cũng bị vứt bỏ, bị chôn xuống đất, các ấm tan rã. Cái chết theo đời sống của người như trái chín trên cành. Thấy rõ như vậy thì người nào còn ý tham đắm. Một người được cả vạn vật trong thiên hạ cũng chưa vừa ý, nếu được một phần làm sao vừa ý. Vô số kiếp hưởng thọ năm dục, rồi có ích lợi gì cho người, đến khi thọ khổ, bị tội thì có ích gì, khi ấy muốn được an tịnh thì nào khác gì bị rắn độc quấn thân, ít nhiều cũng vậy. Như bị bệnh thì ít nhiều cũng khổ. Như khúc xương không còn thịt, con chó gặm mãi không chán, dục cũng vậy, như con chó gặm mãi không được gì, nếu được thì có nhiều sợ hãi, con người tập theo dục không bao lâu sẽ đọa vào chỗ ác. Như người tỉnh mộng không còn tham dâm, còn như trong mộng thì có thích thú. Dục như rắn hổ, như thịt trên móc câu, như trái cây đã chin trên cành còn ít, rụng nhiều. Tăng trưởng kết sử, hành động theo căn bản ác, người ấy không thích hợp với hàng xuất gia. Hưởng mọi dục lạc trên cõi trời với cây đẹp trong vườn, với Thiên nữ, với năm dục làm cho người không chán, vậy nay làm sao chán thế gian? Hãy xem thân này với hai trăm đốt xương, một trăm đốt xương, một trăm hai mươi đoạn được ràng buộc bởi gân, chín lỗ thường chảy ra chín mươi ba loại, với hằng trăm loại bệnh, máu thịt hòa nhau sanh trưởng dưới lớp da, bên trong là phong hàn nhiệt, là phẩn uế, với ngàn loại trùng, đều từ thân sanh ra. Có hằng ngàn lỗ chân lông chảy ra bất tịnh, mũi dãi từ mũi chảy ra, đàm, nước miếng từ miệng chảy ra, mồ hôi từ nách chảy ra, phẩn uế từ đại tiểu tiện chảy ra, các thứ như vậy trong thân chảy ra rất nhiều. Thây người chết trong nghĩa địa thật đáng gớm, sau khi rã tan thật đáng gớm, đều là vật bất tịnh. Thân này xưa nay như vật được mạ vàng bên ngoài, được che đậy thoa bôi do y phục, lụa là, phấn sáp đỏ xanh. Người ngu thấy vậy nên tâm ý cuồng loạn, như cái bình được vẽ bên ngoài, như hố bẩn được đậy cỏ. Con người yêu mến thân này sau phải hối hận.
Các Tỳ-kheo đảnh lễ, nghe lời Phật dạy.
10. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật gọi các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo xin thọ giáo.
Phật dạy:
–Này các Tỳ-kheo, con người có bốn nhân duyên gây nên tham ái nặng nhẹ, từ đó xa rời đạo. Này Tỳ-kheo, như một kẻ có bốn người vợ.
Người vợ thứ nhất được chồng xem trọng, đi đứng nằm ngồi, làm việc ngủ nghỉ luôn luôn gần nhau, được ưu tiên về tắm rửa, trang sức, ăn uống, hưởng năm dục, chăm sóc khi nóng lạnh, đói khát; nghịch thuận thường chiều theo ý muốn, không làm phiền lòng.
Người vợ thứ hai thường trực hai bên khi đứng ngồi nói chuyện, được vậy thì vui, không được thì buồn, cả khi đau bệnh hoặc tranh tụng.
Người vợ thứ ba thường hiện diện bên nhau, thường xuyên thăm hỏi sự khổ vui, khó khăn đau bệnh cùng chịu với nhau, xa nhau thì mong nhớ.
Người vợ thứ tư, bị chồng sai khiến, chạy đi làm việc rất là khổ cực, gặp nhau không thèm hỏi không thèm nói, chỉ mong chồng để ý đến nhưng không toại nguyện.
Người chồng có bốn vợ này, một hôm có việc tang chế, cần phải đi xa, nên bảo người vợ thứ nhất cùng đi theo.
Người vợ thứ nhất trả lời:
–Thiếp không theo chàng được. Người chồng nói:
–Ta yêu trọng nàng vô cùng, việc lớn nhỏ nhiều ít đều làm theo ý, nuôi nấng luôn luôn vừa ý, tại sao nàng không đi với ta?
Vợ đáp:
–Chàng tuy yêu thương thiếp vô cùng, nhưng thiếp không bao giờ theo chàng.
Người chồng tức giận đi gọi người vợ thứ hai:
–Nàng hãy đi với ta.
Người này đáp:
–Người vợ cả được chàng yêu mến nhất, nhưng bà ta đã không
đi theo; thiếp cũng không bao giờ theo chàng.
Chồng nói:
–Khi ta mới tìm nàng khó khăn không thể nói, chịu nóng lạnh, đói khát, nước lửa, quan lại, giặc cướp, lại tranh giành với người, thật khó khăn mới được, tại sao nàng không đi với ta?
Vợ nói:
–Chàng vì tham lợi nên cố cầu được thiếp, còn thiếp không cần chàng, vậy đem những việc khó nhọc ra nói làm gì!
Người chồng tức giận đến nói với người vợ thứ ba:
–Nàng hãy đi với ta.
Người vợ này nói:
–Thiếp thọ ân chàng giúp đỡ, sẽ đưa chàng ra khỏi thành nhưng không theo chàng đi xa đến tận nơi kia.
Người chồng tức giận, trở lại bàn luận với người vợ thứ tư:
–Ta sẽ đi khỏi nước này, nàng hãy đi theo ta.
Người vợ này nói:
–Thiếp đã xa rời cha mẹ đến đây tùy thuộc chàng sai khiến, dù sống chết, vui buồn cũng sẽ theo chàng đến nơi.
Người chồng không được ba người vợ vừa ý đi theo, chỉ có người
vợ xấu, khổ, không vừa ý thì đi theo.
Phật dạy:
–Người chồng ở trên, chỉ cho thần thức của con người. Người vợ thứ nhất chỉ cho thân thể. Con người yêu mến thân thể mình còn hơn người vợ thứ nhất, đến khi chết thần thức tùy theo tội phước ra đi một mình, thân thể cứng đơ trên đất, không chịu đi theo.
Phật dạy:
–Tỳ-kheo không dốc tu tập bốn hành thì không thể giải thoát.
Những gì là bốn? Một là ưu khổ, hai là tập dục, ba là diệt tận không còn, bốn là con đường làm tiêu diệt các nẻo ác có tám nhánh; thực hành bốn Thánh đế.
Người vợ thứ hai là tài sản của người, được thì mừng, không được thì buồn; đến khi qua đời tài sản vẫn còn lại trên thế gian, không đi theo người, uổng công sầu khổ.
Người vợ thứ ba là cha mẹ, vợ con, anh em thân thuộc, bạn bè, nô tỳ. Khi còn sống ân ái, yêu mến nhau, đến khi qua đời thì khóc lóc đưa tiễn nhau ra ngoài thành, tới nghĩa địa, sau khi vứt bỏ thây chết rồi cùng nhau ai về nhà nấy, ưu tư bất quá chừng mười ngày, tiếp đó thì xúm nhau ăn uống, quên hẳn người chết.
Người vợ thứ tư là ý của con người, trong thế gian không có ai yêu mến và giữ gìn ý cả, đều phóng tâm buông ý, tham dục sân giận, không tin chánh đạo, sau khi chết bị đọa đường ác, hoặc địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, đều do vì buông lung tâm ý.
Này Tỳ-kheo, hành đạo cần phải chánh niệm tỉnh giác, loại trừ tâm ngu si, không hành động ngu si, chấm dứt hành động ác.
Không hành động ác thì không bị quả báo khổ, không thọ quả khổ thì không sanh, không sanh thì không già, không già thì không bệnh, không bệnh thì không chết, không chết là đắc đạo Niết-bàn giải thoát.
Đức Phật giảng dạy như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.
11. Nghe như vầy:
Một thời Phật ở núi Kê, thuộc thành Vương xá.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Người sống trong thế gian, sanh tử trong một kiếp, tập trung xương của họ lại, giữ không bị hư hoại, thì nhiều bằng núi Tu-di. Con người dù có sanh tử trong trăm kiếp, trong ngàn kiếp vẫn chưa đắc đạo quả A-la-hán, Niết-bàn.
Này các Tỳ-kheo, gom xương của người trong một kiếp thì bằng núi Tu-di, thế nên Ta dạy nhân duyên về nguồn gốc sanh tử ấy. Này Tỳ-kheo, các ông cần phải nhổ sạch, xa lìa gốc sanh tử; tu tập như vậy thì không còn sanh tử. Không còn sanh tử thì chứng Niết-bàn, giải thoát khỏi thế gian.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
12. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật gọi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo vâng dạ, nghe lời Phật dạy.
Đức Phật dạy về sắc:
–Này các Tỳ-kheo, hãy niệm về nguồn gốc của khổ, niệm về vô thường tan hoại, là quán sát đúng. Tỳ-kheo quán sát đúng về sắc, thì biết rõ nguồn gốc của sắc, biết rõ sắc là vô thường tan hoại. Ai biết rõ với quán sát đúng như vậy thì xa lìa sắc ái; sắc ái hoại thì sắc tham cũng hoại; ái tham hoại thì ý giải thoát. Ta dạy về thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Tỳ-kheo-niệm về nguồn gốc của thức, niệm về vô thường và quán sát đúng như thế. Tỳ-kheo nào quán sát đúng như vậy thì lìa được ái, ái hết thì ái tham cũng hết, ắt thoát sanh tử, đắc đạo.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
13. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Ta giảng cho các thầy về nơi phát sanh ra ác và nơi phát sanh ra thiện. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và ghi nhớ.
Các Tỳ-kheo bạch:
–Xin vâng.
–Này các Tỳ-kheo, ý ác có từ những nơi nào? Từ sắc quá khứ, vị lai, hiện tại phát sanh tham, sân, sợ hãi, si, tất cả ác kiến; đây là nguồn gốc của ác. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Đây gọi là nguồn gốc phát sanh ra ác. Ý thiện có từ đâu? Từ sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, không có ác kiến phát sanh, không có sân, sợ hãi, si, không có một chút ý ác nào cả; đây gọi là ý thiện. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Phật dạy:
–Ta dạy về gốc của thiện ác là như vậy.
14. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Có Bốn ý chỉ. Thế nào là bốn? Ở đây, có vị Tỳ-kheo quán sát nội thân trên thân, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê, những ưu khổ do si mê. Quán sát ngoại thân trên thân, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê, những đau khổ do si mê. Quán nội ngoại thân trên thân, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê, những khổ đau do si mê.
Quán sát nội thọ trên thọ, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và các đau khổ do si mê. Quán sát ngoại thọ trên thọ, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và những đau khổ do si mê. Quán sát nội ngoại thọ trên thọ, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và những đau khổ do si mê.
Quán sát nội ý trên ý, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và các đau khổ do si mê. Quán sát ngoại ý trên ý, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và các đau khổ do si mê. Quán sát nội ngoại ý trên ý, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê, và các đau khổ do si mê.
Quán sát nội pháp trên pháp, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và các đau khổ do si mê. Quán sát nội ngoại pháp trên pháp, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và các đau khổ do si mê. Quán sát ngoại pháp trên pháp, tận lực chánh niệm, tỉnh ý, không quên, thoát khỏi si mê và các đau khổ do si mê.
Phật dạy:
–Đây là Bốn ý chỉ, đệ tử Phật nên thọ trì tinh tấn thực hành để đắc đạo.
15. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo, có một pháp, một pháp này, nếu thực hành, tưởng niệm, tu tập nhiều thì thân an tịnh, ý được chánh niệm, sẽ đạt đến sự chấm dứt mong cầu, có trí tuệ, pháp đi với niệm. Thế nào là một pháp? Là một pháp tu tập An ban thủ ý. Tỳ-kheo nào với pháp An ban thủ ý này, tu tập nhiều, niệm nhiều, an trú nhiều thì thân an tịnh, ý chánh niệm, chấm dứt mong cầu, có trí tuệ, đầy đủ niệm và pháp. Này các Tỳ-kheo, đây là một pháp, là một pháp mà thường xuyên tu tập, đưa đến nhiều lợi ích làm thân an tịnh, chánh ý, chánh niệm, chấm dứt mong cầu, đem đến trí tuệ, niệm pháp này khiến cho sự hành trì tang trưởng viên mãn. Này các Tỳ-kheo, đây là một pháp, nếu thường xuyên tu tập sẽ đưa đến đắc đạo.
Phật giảng dạy như vậy.
16. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Có hai sức mạnh khiến đạt đạo cao thượng. Hai sức mạnh ấy là gì? Đó là sức quán sát và sức hộ trì.
Thế nào là sức quán sát? Ở đây có vị đệ tử là bậc chân đạo, học tập như thế này: “Thân làm ác thì chịu quả ác, trong đời này và đời sau. Nếu ta làm ác thì tự thân ta đã phạm tội như vậy, mà còn gây hại cho kẻ khác. Đạo sư và đồng đạo đều cho là ta phạm giới, mọi người sẽ nói ta là ác. Ta cũng do nói lời không tốt đẹp, sau khi mất thân này, đọa vào địa ngục. Đây là thân làm ác nên có quả báo ác, đời này có quả ác như vậy, đời sau quả ác cũng không khác Thế nên thân phải từ bỏ làm ác, làm việc thiện, quán sát thanh tịnh trừ thân ác cho đến không phạm. Thân và tâm đều như thế. Đây gọi là sức quán sát.
Thế nào là sức hộ trì? Ai với chỗ nắm giữ, với chỗ hướng đến, chỗ an trú, có sức hộ trì; thực hành như vậy đạt đến chánh niệm, đến chỗ thành tựu. Đây gọi là sức hộ trì.
Đạo sư giảng dạy như vậy. Các Tỳ-kheo hoan hỷ đảnh lễ.
17. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba lực. Những gì là ba? Một là Tín lực, hai là Tinh tấn lực, ba là Trí tuệ lực.
Tín lực là gì?
Ở đây có vị Thánh đệ tử thực hành Phật đạo với tâm bất hoại, đi đứng luôn nghĩ đến Phật, nói đúng lời Phật, nói đúng pháp vô sở trước, quán sát đúng với trí tuệ, được hoàn toàn an vui. Như vậy đi đến giác ngộ, bỏ ác, đạt tới trí tuệ sáng suốt. Như vậy gọi là Tín lực.
Thế nào là Tinh tấn lực?
Ở đây có vị Tỳ-kheo đoạn trừ ý ác đã sanh, siêng năng tinh tấn chánh ý làm cho ý ác chưa sanh không phát sanh, ý thiện chưa sanh được phát sanh, ý thiện đã sanh làm cho không quên không mất, ngày càng tăng trưởng chánh iệm viên mãn, tinh tấn làm cho ý giải thoát. Đây là Tinh tấn lực.
Thế nào là Trí tuệ lực?
Tỳ-kheo nào như thật tri về khổ, về khổ tập, về khổ tận, về xuất ly khổ. Đây gọi là Trí tuệ lực.
Đức Phật giảng dạy như vậy, các Tỳ-kheo tín thọ phụng hành.
18. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Có bốn lực. Bốn lực là gì? Một là Ý lực, hai là Tinh tấn lực, ba là Bất phạm lực, bốn là Thủ lực.
Thế nào là Ý lực? Tỳ-kheo biết rõ, biết thật rõ về thiện và ác lậu; biết phạm, biết không phạm; biết nên làm, biết không nên làm; biết phi pháp, biết đúng pháp; biết pháp trắng, biết pháp đen; biết thật rõ về nguyên nhân phát sanh ra lậu. Đây gọi là Ý lực.
Thế nào là Tinh tấn lực?
Ở đây có vị Tỳ-kheo đối với lời hữu lậu thô ác, lời xúc phạm, lời không nên nói, lời nói đen, lời nói không làm lợi ích cho người; với những lời ấy đều vứt bỏ hết. Nếu đối với lời làm sạch phiền não, lời nói không xúc phạm, lời nói đáng tu tập, lời nên nói, lời nói trắng, lời nói hợp đạo, thế này là các phiền não, làm thế này là tham dục, làm thế này là tinh tấn, thế này là ý nên thọ trì, thế này là ý nên chế ngự. Đây gọi là Tinh tấn lực.
Thế nào là Bất phạm lực?
Ở đây có vị Tỳ-kheo không phạm những điều ngăn cấm về thân, về miệng, về tâm. Đây gọi là Bất phạm lực.
Thế nào là Thủ lực?
Thủ lực có bốn. Những gì là bốn? Một là khéo nói, hai là bố thí, ba là quý mến giúp đỡ, bốn là tương trợ hạnh thiện. Đây là Thủ lực.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
19. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Phụ nữ có năm thế lực nên xem thường đàn ông. Những gì là năm? Một là sắc, hai là đoan chính, ba là nhiều anh em trai, bốn là gia đình giàu có, năm là nhiều tài sản.
Sắc là gì? Nghĩa là người phụ nữ không tốt, đã không tốt thì không muốn mưu sanh, thường giận hờn, không muốn chăm sóc việc nhà. Phụ nữ mà tự cho mình xinh đẹp không ai bằng, tự cho mình có nhiều thế lực của anh em trai, tự cho mình là nhà giàu có, tự cho mình nhiều tài sản, là phụ nữ không tốt. Người phụ nữ nào trinh thuận tốt đẹp thì không cần sắc như trên. Người trinh thuận chỉ cần dạy hai điều thiện, đã được nghe dạy hai điều thiện là muốn làm ra tài sản, không ưa giận hờn, muốn chăm sóc việc nhà. Người như vậy không cần xinh đẹp. Thế nên làm người chỉ nên chú trọng ở tâm tính, không cần thế lực của nhiều anh em trai, không cần nhà sang giàu mà tự cao, không cần nhiều tài sản mà buông lung tâm ý, nên nghe lời dạy, đã được dạy thì khéo giữ gìn không lười biếng, siêng năng mưu sanh, tâm hòa nhã, không sân hận, thì không bỏ bê gia sự, muốn mưu sanh thì lo lắng giữ gìn gia nghiệp. Người như vậy là phụ nữ trinh thuận tốt đẹp.
Phật giảng dạy như vậy.
20. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo, những kẻ ít hiểu biết thì cùng liên hệ với đồng loại, tập hợp, tương ứng, thích hợp với những kẻ ít hiểu biết.
Những người đa văn thì gắn bó với đồng loại, tập hợp, tương ứng,thích hợp với những người đa văn. Những kẻ tham lam keo kiệt thì cùng liên hệ… như trên… người tham lam keo kiệt. Người bố thí thì cùng liên hệ… như trên… người bố thí. Người có trí thì cùng liên hệ…như trên… người có trí. Người ngu si thì cùng liên hệ… như trên…người ngu si. Người đa dục thì cùng liên hệ… như trên… người đa dục. Người thiểu dục thì cùng liên hệ… như trên… người thiểu dục.
Người khó trì giới thì cùng liên hệ… như trên… người khó trì giới.
Người dễ trì giới thì cùng liên hệ… như trên… người dễ trì giới.
Người khó nuôi thì cùng liên hệ… như trên… người khó nuôi. Người dễ nuôi thì cùng liên hệ… như trên… người dễ nuôi. Người không biết đủ thì cùng liên hệ… như trên… người không biết đủ. Người biết đủ thì cùng liên hệ… như trên… người biết đủ. Người không thủ hộ cùng liên hệ… như trên… người không thủ hộ. Người thủ hộ cùng liên hệ… như trên… người thủ hộ.
Này các Tỳ-kheo, như vậy người có trí phải phân biệt các nhân duyên này, nên đi chung với người xứng đáng, không nên đi với người không xứng đáng.
21. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Trời Đế Thích khi còn là người ở nhân gian có bảy nguyện, trọn đời thực hiện thành tựu sự mong cầu này, nhờ đó được làm trời Đế Thích. Bảy nguyện ấy là gì? Trọn đời hiếu dưỡng cha mẹ. Trọn đời kính lễ người trưởng thượng. Trọn đời miệng không nói ra lời như lửa cháy. Trọn đời nói lời đúng như pháp theo ý muốn. Trọn đời không nói lời phẫn nộ, dua nịnh, dối trá. Trọn đời nói lời chí thành, hoan hỷ chí thành, cử chỉ chí thành, thường thủ tín, không dối gạt mọi người. Trọn đời tuy sống trong đời tham lam keo kiệt, nhưng trong ý không tham lam, bỏn xẻn, sống trong gia đình nhưng thực hành bố thí, tự tay cho theo yêu cầu, ưa thích bố thí, bố thí bình đẳng.
Đây là bảy nguyện của Thiên vương Đế Thích khi còn làm người ở thế gian. Trọn đời thực hiện thành tựu các việc ấy, nhờ đó được làm thân Đế Thích.
Đức Phật nói kệ:
Hiếu dưỡng với cha mẹ
Kính lễ bậc Trưởng thượng
Không nói lời thô ác
Từ bỏ dối, dua nịnh
Không tham keo, bố thí
Không sân, nói hoan hỷ
Khi còn làm thân người
Đã thực hành như vậy
Được sanh lên cõi trời
Chư Thiên đều cung kính.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
22. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật lấy một ít đất để trên móng tay, rồi bảo các Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo, các thầy biết thế nào, đất trên móng tay nhiều hay đất trên mặt đất nhiều?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
–Đất trên móng tay của Phật rất ít, không thể so sánh với đất trên mặt đất, không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần ức, một phần vô số, không thể dùng số học hay lời nói ví dụ được; vì đất trên mặt đất rất nhiều.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Cũng vậy, người không hiểu biết, không có trí tuệ, không có đạo nhãn như đất trên mặt đất. Người có trí tuệ, có đạo nhãn, như đất trên móng tay. Như vậy là người có trí tuệ, có đạo nhãn; hãy học trí tuệ đạo nhãn thì không có lỗi, trí tuệ sanh sẽ tự giúp mình. Các Tỳ-kheo muốn hành đạo, phải học như thế.
Phật giảng dạy như vậy.
23. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Thân không có đền đáp, thân không nhớ ân. Ai có đau bệnh nhỏ, toàn thân đều thấy đau đớn, thường chiều theo ý muốn mắt ưa sắc đẹp, tai thích tiếng hay, mũi ưa mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, than ưa mềm mại. Đến khi người bại hoại, thân lại không muốn giúp người.
Vì sao vậy? Vì thân không tận lực giữ giới pháp, chỉ gây tội.
Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ có vị vua tên là Đại Hoa, khi sắp chết nói rằng: “Than ôi! Nuôi dưỡng thân này thật vô dụng, cả tram năm tận lực cung phụng nó như vậy, khi cái chết đến, thân liền hư hỏng”. Như vậy là thân không có đền đáp; biết rõ như vậy thì than được nuôi dưỡng chiều chuộng này như oan gia. Thân tự tạo tội, chỉ đau đớn một chút đã ưu sầu, thường ưa thích năm dục. Hãy xem kỹ thân này lão, bệnh, tử đang hội họp. Tỳ-kheo hãy quán niệm như vậy chớ quên, đã biết rõ, hãy chỉ dạy người khác.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
24. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Sư tử, vua của các loài thú khi ra khỏi hang thì vươn mình ngáp, nhìn bốn hướng, rống lên ba tiếng, rồi ra đi theo ý muốn. Sau khi thấy giữa núi có sông sâu rộng, khó vượt qua, sư tử liền dừng nghỉ lại bên bờ này và chỉ nghĩ đến chuyện vượt qua bờ kia, tiếp đó thì đi xuống lại chỗ đã đi qua và trở về. Vua sư tử biết nơi không đến được nên trở về, hay nơi không vượt qua được nên trở về, nếu cứ muốn vượt qua tới chỗ theo ý mình thì đến chết vua sư tử cũng không thể tới được nơi muốn biết, vì không thể đi đến nơi.
Không đạt được chỗ hiểu biết cũng vậy. Có người ngu si không học đến nơi đến chốn, liền vì mọi người giảng nói cho họ, với sự ngu si của mình nên người nghe không hiểu, do thái độ ngu si nên không đạt được chỗ mong muốn, vì không thọ trì đúng chỗ quan trọng của kinh pháp. Do vậy người có trí luôn tự cảnh tỉnh rằng ta phải nỗ lực học hành kinh pháp, ta sẽ ra sức học tập, ta sẽ ra sức tinh tấn, ta sẽ không phóng dật. Như vua sư tử sợ chết nên không vượt qua. Người phải biết thiểu dục để hành đạo, các ông muốn tu học đạo phải học như trên.
Phật giảng dạy như vậy.
25. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại giảng đường trong thành Vương xá.
Khi ấy có một Bà-la-môn tên là A-tốc-luân Tử đến gặp Phậtdùng những lời thô ác mắng Ngài dữ dội.
Đức Phật nói ví dụ cho Bà-la-môn A-tốc-luân Tử. Nếu người không làm ác, bị người khác đem điều ác đến mắng chửi, họ vẫn sống trong sáng bình thường. Người ác từ đó bị tai họa. Như người ngược gió tung bụi thì bị bụi bám vào người ấy.
Bà-la-môn A-tốc-luân Tử đem đầu mặt lạy sát chân Phật, bạch:
–Con là kẻ ngu si, đã biết lỗi xin sám hối. Con như kẻ không hiểu, không biết gì, thật là người ngu, đem lời tệ ác mắng chửi Bậc Giải Thoát, lại được Phật dạy bảo. Xin Phật vì kẻ ngu si này mà nhận cho con sám hối, từ nay về sau con không vi phạm nữa.
Đức Phật dạy:
–Bà-la-môn đã biết sám hối, vì ngu si không hiểu biết nên mắng chửi Như Lai bằng lời ác độc, đã thấy rõ nên tự sám hối, tự giữ về sau không tái phạm. Người như vậy được tăng trưởng không thoái thất trong đạo. Ai đã thấy lỗi tự sám hối, tự trình bày ra, không che giấu, giữ như vậy không tái phạm.
Bà-la-môn xin quy y Phật.
Phật giảng dạy như vậy.
26. Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại nước Vương xá.
Có vị Bà-la-môn tên Không Gây Hại (Bất xâm hành giả) đến gặp Đức Phật, sau khi chào hỏi, ngồi qua một bên, an tọa xong, Không Gây Hại nói với Phật:
–Tôi tên là Không Gây Hại.
Đức Phật trả lời:
–Danh và nghĩa phải hợp nhau, ông là Bà-la-môn nên không gây hại.
Thế Tôn nói kệ:
Ai thân không gây hại
Miệng thiện, ý cũng thế
Đúng tên là Không Hại
Lành thay! Không Gây Hại.
Không Gây Hại liền đứng dậy, đầu mặt lạy sát chân Phật, thưa:
–Từ nay con xin thọ trì năm giới, không hủy phạm.
Đức Phật giảng dạy như vậy.
27. Phật nói kinh Thất xứ tam quán
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Phải biết rõ bảy xứ và quán sát ba cách, thì nhanh chóng ngay trong đạo pháp này giải thoát được mọi trói buộc, không còn ý trói buộc, từ trí tuệ này chứng đắc pháp, thấy pháp, tự chứng đạo, đã chấm dứt thọ sanh, đạt được đạo hạnh, đã làm xong việc cần làm, không còn sanh trở lại.
Phật hỏi các Tỳ-kheo:
–Thế nào là biết bảy thiện xứ?
Ở đây có vị Tỳ-kheo biết như thật về sắc, biết về sự tập khởi của sắc, biết như thật về sắc diệt tận, biết con đường đưa đến diệt tận sắc, biết sắc vị, biết sắc khổ, biết sự xuất ly khỏi sắc. Như vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng biết như thật, biết về sự tập khởi của thức, về thức diệt tận, về con đường đưa đến diệt tận thức, thức vị, thức khổ, về sự xuất ly khỏi thức.
Thế nào là biết như thật về sắc? Sắc là bốn đại chủng căn bản và sắc do bốn đại tạo thành. Đây là biết rõ như thật về sắc.
Thế nào là biết như thật về sắc tập khởi? Ái tập khởi là sắc tập khởi. Đây là biết rõ như thật về sắc tập khởi.
Thế nào là biết như thật về diệt tận sắc? Biết diệt tận ái là diệt tận sắc. Đây là biết như thật về sắc tận.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến diệt tận sắc?
Thánh đạo tám ngành từ Chánh kiến đến Chánh định là tám. Đây là biết rõ con đường đưa đến diệt tận sắc.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc? Biết từ sắc sanh ra dục hỷ. Đây là biết rõ về vị ngọt của sắc.
Thế nào là biết như thật về khổ não của sắc? Biết sắc là pháp vô thường khổ, thay đổi. Đây là biết rõ về khổ não của sắc.
Thế nào là biết như thật về sự xuất ly khỏi sắc? Giải thoát, lìa bỏ, vượt qua dục tham về sắc. Đây là biết rõ về sự xuất ly khỏi sắc.
Thế nào là biết về thọ? Có sáu thọ, mắt tiếp xúc sanh thọ, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh thọ. Đây là biết về thọ.
Thế nào là tập khởi của thọ? Xúc tập khởi là thọ tập khởi. Như vậy là biết về sự tập khởi của thọ.
Thế nào là biết rõ về diệt tận thọ? Biết về diệt tận xúc là diệt tận thọ. Đây là biết rõ về diệt tận thọ.
Thế nào là con đường đưa đến diệt tận thọ? Tám Thánh đạo từ Chánh kiến đến Chánh định là tám. Đây là biết rõ con đường đưa đến diệt tận thọ.
Thế nào là biết vị ngọt của thọ? Từ thọ đưa đến hỷ lạc theo mong cầu. Đây là biết rõ về vị ngọt của thọ.
Thế nào là biết về khổ não của thọ? Thọ là pháp thay đổi hư hoại không vừa ý. Đây là biết rõ về khổ não của thọ.
Thế nào là biết sự xuất ly thọ? Giải thoát vượt qua sự hoạt động của tham ái, của dục do thọ. Đây là biết về sự xuất ly thọ.
Thế nào là biết rõ về tưởng? Biết rõ sáu tưởng thuộc thân là mắt tiếp xúc sanh tưởng; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh tưởng. Như vậy là biết sáu tưởng.
Thế nào là biết tưởng tập khởi? Xúc tập khởi là tưởng tập khởi.
Đây là biết về tưởng tập khởi.
Thế nào là biết về diệt tận tưởng? Biết về diệt tận xúc là diệt tận tưởng. Như vậy là biết về diệt tận tưởng.
Thế nào là biết con đường đưa đến diệt tận tưởng? Biết tám chánh đạo từ Chánh kiến đến Chánh định là tám. Như vậy là biết con đường đưa đến diệt tận tưởng.
Thế nào là biết vị ngọt của tưởng? Do tưởng làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, thích ý. Đây là biết vị ngọt của tưởng.
Thế nào là biết về khổ não của tưởng? Tưởng là pháp vô thường, khổ, thay đổi. Đây là biết về khổ não của tưởng.
Thế nào là biết xuất ly tưởng? Là sự giải thoát dục tham, diệt tận dục tham, vượt qua dục tham do tưởng. Đây là biết sự xuất ly tưởng.
Thế nào là biết hành? Biết sáu hành thuộc thân là mắt tiếp xúc sanh hành; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh hành. Như vậy là biết về hành.
Thế nào là biết về tập khởi của hành? Tập khởi của xúc là tập khởi của hành.
Thế nào là biết về diệt tận hành? Diệt tận xúc là diệt tận hành.
Thế nào là biết con đường diệt tận ái dục thuộc hành? Là tám chánh đạo từ Chánh kiến đến Chánh định. Như vậy là biết con đường diệt tận ái dục thuộc hành.
Thế nào là biết vị ngọt của hành? Hành làm nhân duyên sanh ra ý hỷ lạc. Như vậy là biết vị ngọt của hành.
Thế nào là biết về sự khổ não của hành? Hành là pháp vô thường, hoại diệt, khổ não, thay đổi. Như vậy là biết về sự khổ não của hành.
Thế nào là biết sự xuất ly hành? Là tránh né dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham thuộc hành. Như vậy là biết nẻo xuất ly hành.
Thế nào là biết sáu thức thuộc thân? Mắt tiếp xúc sanh thức; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh thức. Đây là biết thức.Thế nào là biết thức tập khởi? Danh sắc tập khởi là thức tập khởi. Đây là biết thức tập khởi.
Thế nào là biết thức diệt tận? Danh sắc diệt tận là thức diệt tận. Đây là biết thức diệt tận.
Thế nào biết con đường diệt tận thức? Tám Chánh đạo từ Chánh kiến đến Chánh định là tám. Đây là biết như thật về con đường diệt tận thức.
Thế nào là biết vị ngọt của thức? Do thức làm nhân duyên sanh ý hỷ lạc. Đây là biết vị ngọt của thức.
Thế nào là biết về sự khổ não của thức? Thức là pháp bị hoại diệt, khổ, thay đổi. Đây là biết về sự khổ não của thức?’
Thế nào là biết xuất ly thức? Điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham thuộc thức. Đây là biết rõ nẻo xuất ly thức.
Này Tỳ-kheo đây là bảy xứ cần phải biết rõ. Thế nào là bảy? Ấy là sắc, tập, tận, đạo, vị, khổ, ly. Ngay trong năm ấm đã có đầy đủ bảy pháp này.
Thế nào là quán sát ba cách? Biết rõ bảy xứ đối với năm ấm và sáu nhập. Quán sắc thân là một, quán năm ấm là hai, quán sáu nhập là ba. Thế nên gọi là quán ba cách. Này Tỳ-kheo, phải hiểu rõ về bảy xứ và thường quán ba cách, thực hành như vậy không lâu thì đoạn trừ kết sử, không còn phiền não, giải thoát kết sử, thấy được sự xuất ly, chứng đắc tịnh chỉ, hết sanh tử, chỗ làm đã xong, không còn trở lại nẻo sanh tử.
Phật giảng dạy như vậy, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ phụng hành.