KINH PHẬT TẠNG
Hán dịch: Đời Dao Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 9: LIỄU GIỚI
Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Có ba hạng người nghe giảng nói kinh này tâm không vui mừng. Những gì là ba?
- Tỳ-kheo phá giới.
- Người tăng thượng mạn.
- Người giảng nói pháp bất tịnh và tham chấp ngã.
Người ấy xa lìa đối với kinh nói về sự tùy thuận nơi thật tướng sâu xa, hoàn toàn đầy đủ là một lũ người mù bẩm sinh. Cho nên, này Xá-lợi-phất! Ta đem kinh này lần nữa phó chúc cho ông. Vì sao? Vì kinh này sau khi Như Lai diệt độ, có thể khiến cho Tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh sinh tâm vui mừng. Kinh thâm diệu như thế, người giữ giới thanh tịnh luôn thâu nhận giữ gìn. Kẻ phá hủy giới thì thường xa lìa. Vì sao? Vì người ngu si nghe giảng nói về chánh ngữ chân thật, thì cho là khổ đau.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo phá giới với chỗ hình thành tướng mạo, Như Lai đối với người ấy đã giảng nói rộng đủ.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo phá giới pháp, nên không thích giữ giới luật nghi, như người ngu si không thích trí tuệ, như người keo kiệt không muốn nghe nói về bố thí, người tăng thượng mạn không muốn nghe nói về pháp không có kiêu mạn, nếu nghe thì sợ hãi như rơi vào hầm sâu. Người thích lợi thế gian, tham chấp vị ngon, nghe chê trách đồ ăn thì tâm sầu não. Nếu người ưa thích đọc kinh sách của ngoại đạo, tức ở trong đó sinh tưởng cho là chắc thật. Người chấp trước nơi ngôn ngữ, ưa thích nói năng tán loạn. Người ưa thích nói lời trau chuốt văn từ mỹ lệ đối với Đệ nhất nghĩa của Phật thì tâm không thanh tịnh, lại đối với pháp này không kính, không tin.
Này Xá-lợi-phất! Ví như không phải người nam, không có công dụng của người nam, cho đến trong các người nam sinh tưởng không phải người nam, lại suy nghĩ: Những người này cũng như ta không khác. Người thích xem kinh sách của ngoại đạo như vậy, luôn ưa thích trau chuốt lời văn, từ ngữ, đối với Đệ nhất nghĩa của chư Phật tâm không cung kính.
Này Xá-lợi-phất! Trong đó, có người giảng nói kinh thanh tịnh, thì đối với người ấy, kẻ kia cũng không cung kính, lại khinh chê Tỳkheo giữ giới thanh tịnh. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Kinh sách của ngoại đạo nói không chân thật, nói pháp kiêu mạn, cao ngạo, tự đại. Vì sao? Vì không chán lìa sự việc ấy, không tạo sự vắng lặng, không giúp cho việc đắc đạo, không đạt tới Niết-bàn. Người ấy hủy hoại các căn lành như Tín v.v… đối với tất cả xứ không tin có công đức, giống như người không phải người nam, đối với mọi người đều cho là như mình.
Này Xá-lợi-phất! Như người mù bẩm sinh không thấy các màu sắc, là màu đen hay màu trắng. Người không thấy màu trắng, đen tức không thấy màu sắc tốt, không thấy màu sắc xấu, không thấy các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía xanh, trắng. Không thấy các màu sắc dài ngắn, thô tế, cạn sâu, không thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Người mù như thế suy nghĩ: “Không có màu trắng đen.” Người không thấy màu trắng đen: không có màu sắc xấu tốt, không có màu xanh, vàng, đỏ, tía, dài ngắn, thô tế, sâu cạn, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, cho mọi người khác cũng đều như vậy. Tâm người mù điên đảo, đối với tất cả nơi chốn đều cho là tối đen.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo phá giới, người tăng thượng mạn, Tỳ-kheo bàn luận theo ngoại đạo, cũng lại như vậy. Đối với giáo pháp sâu xa của Phật tâm không tin, ưa, không thể thấu đạt, nghe nói các pháp là không, không thật có thì không tin hiểu, không ưa thích, nên không thể thông đạt.
Này Xá-lợi-phất! Những người như vậy thật đáng sợ, vì đã đi vào trong cõi tà, không đạt được chánh pháp. Nhờ chánh pháp này mới gọi là Sa-môn chân thật. Ông đã đắc pháp nhưng người ấy không tin, giống như người mù cho là không có các màu đen, trắng.
Này Xá-lợi-phất! Người ấy như vậy là nhập vào nẻo tà, tìm cầu kinh luận của ngoại đạo, ưa thích các chỗ ồn náo, tăng thêm phiền não, tánh ác, pháp ác. Người ấy không thể tin các pháp không, huống hồ là thông đạt.
Này Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Như loài chồn hoang làm sư tử là có thể đã gầm đang gầm và sẽ gầm tạo ra dáng đi của sư tử đang đi, sẽ đi và đã đi không?
–Bạch Thế Tôn! Không thể. Vì sao? Vì sắc lực, âm thanh của chồn hoang không bằng sư tử. Chồn hoang chỉ có thể tạo ra âm thanh của chồn hoang. Nếu muốn gầm lên thì chỉ có tiếng của chồn hoang phát ra, chẳng phải là tiếng của sư tử. Cũng vậy, này Xá-lợiphất! Tỳ-kheo phá giới, Tỳ-kheo tăng thượng mạn tự cho sự việc ấy là hơn hết.
Người thuyết pháp bất tịnh là thọ nhận luận thuyết của Nikiền tử, hoặc chấp một việc giữ chặt không bỏ, tham lợi dưỡng ở đời, ưa thích đọc kinh sách nhưng không thể thông đạt thật tướng của các pháp, nên nếu có thể tin thọ các pháp vô tướng là điều không hề có.
Này Xá-lợi-phất! Nếu có Tỳ-kheo tuổi cao đức dày, là bậc uy đức trong số các Tỳ-kheo, có trí tuệ sâu xa, người ấy có thể tin về pháp không, tự tướng không thật có, pháp không có ngã, không có nhân. Vì sao? Vì người ấy không ưa thích các lời nói xen tạp, ồn náo, không thích lối đọc kinh sách phần chỉ là ngủ nghĩ, không vì hàng tại gia làm các việc kinh doanh, không bị sai khiến giữ chuyển văn thư, không làm y thuật, không đọc các phương thuốc, không mua rẻ bán đắt, không thích bàn luận theo ngôn ngữ của thế gian, chỉ thích giảng nói lời xuất thế gian, người ấy có thể tin hiểu tất cả pháp không, đối với tất cả các pháp không khởi, không hoại, người ấy có thể chứng được chân thật tế, tức có thể như tiếng gầm của sư tử đích thật, chẳng phải là tiếng gầm của dã can.
Này Xá-lợi-phất! Nếu có Tỳ-kheo nào gắn bó với kinh sách, nghĩa lý của ngoại đạo, tức người ấy xả bỏ giáo pháp vi diệu của Phật, giảng nói pháp cho đại chúng bằng ngôn từ của ngoại đạo, chỉ tạo nên tiếng gầm của chồn hoang.
Này Xá-lợi-phất! Người xấu ác như vậy gọi là Sa-môn mục nát, hư hoại. Vì sao? Vì nghĩa lý của ngoại đạo chẳng phải là giáo pháp của Phật.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo chấp theo pháp của ngoại đạo, không nên xưng mình là đệ tử của Phật. Vì sao? Vì Sa-môn Thích tử không thể giảng nói theo lời của Ni-kiền tử, ở trong đại chúng chỉ giảng nói pháp Phật.
Này Xá-lợi-phất! Nếu người chấp trước nơi ngôn ngữ bất tịnh, muốn làm tiếng gầm của sư tử, nhưng chỉ tạo ra tiếng kêu của loài chồn hoang, người ấy không thể hiểu về Đệ nhất nghĩa của pháp Phật.
Này Xá-lợi-phất! Ta nay sẽ nói rõ cho ông. Nếu người đầy đủ các hành trì giữ giới, thiền định, trí tuệ, không keo kiệt, không tham lam, không đắm nhiễm, sân si, không ôm lòng dua nịnh, nhàm chán tâm ác, nói lời chân thật, luôn thích ở một mình, không ham ngủ nghỉ, ưa thực hành theo nẻo Không, Vô tướng, Vô nguyện, không sinh, không diệt, sinh tâm lìa dục, cầu hiểu rõ về Đệ nhất nghĩa của pháp Phật, không thích lời thế gian, yêu mến lời xuất thế gian, hết lòng giữ gìn các giới, thảy đều xa lìa tất cả các việc ác và tri thức ác, trú vào pháp này thì có thể hiểu rõ pháp không, không thật có. Vì sao?
Này Xá-lợi-phất! Vì hạnh ấy gọi là hạnh của bậc Đại nhân, chẳng phải là hạnh tham ưa lợi dưỡng, chẳng phải là hạnh của người ngu si tầm thường, chẳng phải là hạnh của Sa-môn hư hoại, chẳng phải là hạnh của hàng Sa-môn cặn bã, chẳng phải là hạnh của hàng Sa-môn giả danh. Thật tướng của các pháp là tịch tĩnh rốt ráo, tức là Phật đạo. Người tham thích lợi dưỡng thế gian, giảng nói pháp bất tịnh đều không thể so sánh.
Này Xá-lợi-phất! Lãnh vực này gọi là lãnh vực của bậc Đại trí, chẳng phải là lãnh vực của kẻ tham ưa ngoại đạo, chẳng phải là lãnh vực của người giảng nói về chấp ngã, nhân.
Này Xá-lợi-phất! Nếu thật sự có ngã, có nhân để nói về ngã, nhân, tức nên có thật tướng. Nên hỏi như thật: Nếu có ngã thì đó màu gì? Màu xanh, vàng, đỏ, trắng, là ở trong thân hay ở ngoài thân? Là ở khắp thân như dầu ở nơi hạt mè?
Này Xá-lợi-phất! Trong hạt mè có dầu nên có thể dẫn ra, chỉ rõ. Nếu ngã ở bên trong nên nói có ngã, thì nên nêu bày chỉ rõ. Như từ trong hạt mè cho ra dầu, chỉ rõ là dầu. Trong Đệ nhất nghĩa cầu tìm ngã là không thể được. Do đó phải biết. Nếu người nào nói có ngã có nhân, thì người này hãy còn không có giới của Sa-môn, huống hồ là quả vị Sa-môn.
Này Xá-lợi-phất! Nên biết, người tham chấp theo tà kiến như thế, đó là chấp ngã, chấp chúng sinh, chấp thọ mạng, tức bị rơi từ đỉnh cao. Người ấy tham chấp theo tà kiến như thế, hãy còn không thể trừ bỏ tâm tham cầu lợi dưỡng, huống chi là trừ bỏ phiền não vi tế.
Này Xá-lợi-phất! Người thấu đạt về không, nếu bị lợi dưỡng của tham dục, giận dữ, si mê che lấp thì không hề có, cũng không bị rơi từ đỉnh cao.
Này Xá-lợi-phất! Tâm chấp có ngã tức người đó cho là có thọ mạng, do nhân duyên thọ mạng nên bị lợi dưỡng lôi kéo, ngăn che làm chướng ngại nơi đạo.
Này Xá-lợi-phất! Người chấp ngã, chấp nhân, tuy ở trong giáo pháp của ta xuất gia học đạo, người ngu si như vậy ở trong giáo pháp thanh tịnh tức chẳng phải là xuất gia. Vì sao? Vì xuất gia theo Nikiền tử, tâm đều chấp có ngã, có chỗ thủ đắc.
Này Xá-lợi-phất! Người có chỗ thủ đắc: Tức từ vô thỉ đến giờ luôn có kiến chấp ấy, nếu được xuất gia vẫn còn, không đoạn dứt, đó gọi là nhân nơi ngoại đạo mà xuất gia, không gọi là nhân nơi Thánh pháp mà xuất gia. Vì sao? Vì người xấu ác không thể tin thích nơi pháp lớn, đối với pháp lớn thanh tịnh không có tưởng chân thật.
Này Xá-lợi-phất! Như vậy do nhân duyên phá bỏ giáo pháp này là tội nặng nên tàn dư chưa dứt hết, thành thử không thể tin hiểu thật tướng của các pháp, phát khởi nghiệp bất thiện, hoặc phỉ báng tám Thánh đạo. Hoặc đối với Tỳ-kheo tịnh giới sinh tâm xấu ác, dối nói ra lỗi lầm. Hoặc nói lời phá giới, phá chánh kiến, phá thọ mạng, phá oai nghi. Hoặc không thấy lỗi lầm của người khác, vọng sinh phải quấy. Hoặc đem tâm bẩn đục, ganh ghét giận dữ nói xấu về tên tuổi của người khác. Hoặc không thể hiểu biết nghĩa lý trong kinh Phật, cho chẳng phải là pháp của Phật. Người ác như thế gây tạo đầy đủ nghiệp ác phá hoại giáo pháp, đối với Đệ nhất nghĩa của Phật, tâm không thấu tỏ, không hội nhập, không hoan hỷ, tội nặng như vậy do nhân duyên quả báo còn sót lại, tuy siêng năng tinh tấn hãy còn không thể thâu lấy tướng của đối tượng duyên, huống gì là giữ vững tâm để có thể đạt được đạo quả. Lại còn nương tựa sâu xa nơi kiến chấp ngã, nhân. Những kiến chấp như vậy, cho đến chư Phật cũng không thể nhổ bật từ gốc rễ, huống hồ là hàng Thanh văn.
Này Xá-lợi-phất! Nếu người có những tham chấp xấu ác, tà kiến như vậy, đó là kiến chấp về ngã, về nhân, về chúng sinh, về tuổi thọ, về mạng sống, lại đối với Đệ nhất nghĩa không thì kinh sợ, nghi ngờ, nên biết người này đời trước gây tạo nhân duyên của tội phá pháp.
Này Xá-lợi-phất! Nếu người tham chấp theo tà kiến xấu ác như thế, đó là tham chấp về ngã, tham chấp về nhân, tham chấp về thọ mạng, người ấy dù được trăm ngàn ức chư Phật dùng ba thứ Luân hiện bày, cũng không thể khiến giác ngộ, khiến đạt được đạo quả.
Này Xá-lợi-phất! Thà dùng dao bén cắt lưỡi, không nên không thấy sự việc của người khác mà nói dối về lỗi lầm của họ là phá giới, phá chánh kiến, phá thọ mạng, phá oai nghi.
Này Xá-lợi-phất! Ở đời vị lai sẽ có Tỳ-kheo khéo giữ gìn hai trăm năm mươi giới, người sinh tâm ngã mạn lại suy nghĩ: Ta là người giữ giới còn kẻ khác thì không như vậy, khinh chê người khác, tâm không cung kính, cho ta là nghe nhiều biết rộng, người khác thì không nghe nhiều biết rộng.
Này Xá-lợi-phất! Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo, chỉ kính trọng giữ giới nhiều hơn thực hành hạnh A-lan-nhã, có thể khéo giữ gìn giới phẩm, thuận theo chỗ đã giảng nói để hành trì, tâm siêng năng đọc tụng kinh điển mong thông hiểu pháp Phật. Những người như vậy sinh kiêu mạn về nghe nhiều biết rộng, sinh kiêu mạn về hạnh A-lan-nhã mà thích sân hận, tâm luôn cấu uế, ôm lòng tham chấp sâu dày, tâm ý càng giận dữ, ngu độn không biết, do nhân duyên nhỏ mà phát sinh việc lớn. Người ấy do giận dữ che lấp tâm, giúp sinh ra lỗi lầm, gọi là phá giới, phá chánh kiến, phá thọ mạng, phá oai nghi.
Này Xá-lợi-phất! Trong số Tăng chúng như thế, có Tỳ-kheo tốt, tâm không bè phái thiên lệch, đứng giữa nhưng rồi cũng đồng với kẻ ác kia, cùng nhau bàn luận trách cứ tranh cãi không dừng khiến các việc ngồi thiền, tụng kinh không được an ổn. Tại gia, xuất gia cũng đều loạn động. Thế nên, này Xá-lợi-phất! Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo, một hạ, hai hạ, ba hạ, cho đến chín hạ tỏ ra khinh mạn bậc thượng tọa không có cung kính. Người ấy xuất gia thọ giới phần nhiều không đúng như pháp. Theo học nơi các bậc Hòa thượng A-xà-lê cũng không cung kính.
Này Xá-lợi-phất! Khi ấy, Tỳ-kheo trẻ tuổi và người xuất gia trước không có chỗ nương tựa, cùng nhau khinh mạn Tỳ-kheo mười hạ nuôi dưỡng đồ chúng. Các đồ chúng ấy đều không cung kính, không giữ oai nghi phép tắc, cũng không hành như pháp.
Này Xá-lợi-phất! Lúc này, những kẻ xấu ác gồm đủ cả tham dục, sân hận, ngu si, cùng nhau khinh mạn, không biết cung kính, mâu thuẫn trái nghịch, giáo pháp của ta bị tiêu diệt.
Này Xá-lợi-phất! Khi đó những người ngu si này phần nhiều dấy khởi nghiệp tội phá pháp, khởi tội này rồi, sẽ bị đọa vào cõi ác.
Này Xá-lợi-phất! Nay ta nói rõ cho ông biết: Tỳ-kheo tự cầu lợi dưỡng, cầu điều thiện cho thân mình, lúc ấy không được nhập chúng, cho dù là một đêm, chỉ trừ A-la-hán đã dứt hết phiền não và Tỳ-kheo bệnh tật có duyên trong ấy. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Bấy giờ, những người tham dục, giận dữ, si mê, độc hại đang thịnh, không biết sợ hãi, luôn tạo mọi bức bách. Người cầu lợi lành phải tự ở chốn núi rừng thanh vắng, cho đến khi qua đời khác nào loài thú rừng chết.
Này Xá-lợi-phất! Hôm nay ta sẽ nói rõ cho ông. Giáo pháp chân thật này của ta không trụ lâu nơi thế gian. Vì sao? Vì phước đức, căn lành của chúng sinh đã hết, đời xấu ác ô trược đã đến gần. Tỳ-kheo cầu lợi cho mình, cầu thiện cho riêng mình nên sinh tâm nhàm chán như vầy: “Ta phải làm gì khi thấy giáo pháp bị phá, loạn? Rất khó thấy Sa-môn xuất hiện ở đời xấu ác này, nên ta phải dốc tâm tinh tấn tu tập sớm chứng đắc đạo quả.”
Này Xá-lợi-phất! Giáo pháp của ta không có điều khó, không nhớ nghĩ về cơm ăn, áo mặc, đồ nằm, thuốc thang, các ông chỉ nên siêng năng tu hành Phật đạo, chớ quý trọng của cải lợi dưỡng cúng dường của thế gian.
Này Xá-lợi-phất! Nay ông hãy lắng nghe! Ta sẽ giảng nói cho ông. Nếu có Tỳ-kheo nhất tâm hành đạo thì ngàn ức trời, thần đều cùng đồng tâm, đem các thứ vật dụng ưa thích theo ý muốn để cúng dường.
Này Xá-lợi-phất! Những người cúng dường Tỳ-kheo ngồi thiền, không bằng hàng trời, thần, cho nên, này Xá-lợi-phất! Ông chớ lo âu suy nghĩ mình không được cúng dường. Đức Phật giáo hóa chân thật nên tùy thuận hành trì, chớ đem Đệ nhất nghĩa không ra giảng nói với kẻ lỗi lầm xấu ác. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Hiểm nạn lớn là không chứng đắc gì cả. Hoặc có Tỳ-kheo nhân nơi giáo pháp của ta xuất gia thọ giới, ở trong pháp ấy siêng năng hành trì tinh tấn, tuy chư Thiên, thần và các chúng sinh không nhớ nghĩ, nhưng có thể nhất tâm siêng năng tu tập đạo quả hoàn toàn không nhớ nghĩ về chỗ cần thiết của cơm ăn áo mặc. Vì sao? Vì kho tàng phước đức của Như Lai là vô lượng khó hết.
Này Xá-lợi-phất! Sau khi Như Lai diệt độ, nơi trăm ngàn ức phần của tướng Bạch hào, đem một phần trong số đó cúng dường xálợi và các đệ tử.
Này Xá-lợi-phất! Giả sử tất cả người ở thế gian, đều cùng xuất gia, thực hành đúng theo pháp, thì đối với trăm ngàn ức phần của tướng Bạch hào không hết được một phần.
Này Xá-lợi-phất! Vô lượng công đức của Như Lai là như vậy. Nếu các Tỳ-kheo đã được thức ăn uống và các vật cần dùng thích hợp đầy đủ.
Này Xá-lợi-phất! Các Tỳ-kheo ấy phải nên suy nghĩ, không nên đối với các vật cần dùng như thế mà hành theo các pháp xấu ác của tà mạng.
Này Xá-lợi-phất! Nếu Tỳ-kheo mặc nạp y nên nhặt lấy nạp y thô xấu, phải sinh tâm này: Nhờ y ấy ngăn chận được nóng lạnh và tu tập Thánh đạo. Hôm nay ta dùng y thô xấu này may vá thành y Tăng-già-lê để mặc, phải dốc hành trì tinh tấn, nếu mặc theo hàng phàm phu, cho dù một đêm cũng không nên mặc. Tỳ-kheo ấy đem giặt sạch sẽ rồi may y mặc. Nếu Tỳ-kheo này đối với nạp y ấy sinh tâm tham đắm thì liền bỏ. Ta không lấy mặc y này, huống gì là y khác. Vì sao?
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo ấy đối với y này sinh tâm chẳng phải là pháp của Tỳ-kheo. Tỳ-kheo ấy không nên tham đắm, huống gì là các vật khác.
Này Xá-lợi-phất! Khi ấy, Tỳ-kheo thà dùng dây sắt nóng đỏ tự trói thân mình chớ nên tham đắm mặc nạp y như thế. Vì sao? Vì đối với y ấy đã sinh tâm nhiễm ái.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo mặc nạp y nên suy nghĩ như vầy: Mặc nạp y như thế là để ngăn chận lạnh nóng, giúp đỡ cho sự tu tập đạo quả. Hôm nay ta không nên tham vướng đối với y khác, sẽ chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả Ala-hán.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo mặc nạp y như thế là chuyên cầu đắc đạo, ta tức đồng ý cho mặc.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo đi khất thực, phải đúng như các pháp, không nên phân biệt, luôn thâu giữ tâm mình không cho tán loạn mà đi vào làng xóm, dùng các thiền định để tự trang nghiêm. Khất thực xong, tâm không nhiễm ô. Đã được thức ăn rồi, thì ra khỏi xóm làng, đến chỗ bờ sông thanh tịnh nơi có thể tu đạo, để thức ăn qua một bên, rửa chân sạch sẽ ngồi xuống, bày thức ăn ra trước mặt nên sinh tưởng nhàm chán xa lìa, tưởng về sự bất tịnh, như phân nhơ thối rửa, như đồ nôn mửa, như ghẻ lở, tưởng như đồ chán ghét… Lại nữa, đối với trong thân phải sinh tưởng về thây chết, tưởng như màu xanh bầm, tưởng như máu mủ, nghĩ là đồ hư thối.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo phải sinh tưởng như vậy, khiến không còn tham đắm, sau đó mới ăn. Ăn là để nuôi dưỡng thân này, trừ bệnh tật và đói khát, để được tu tập đạo quả. Lại suy nghĩ: “Ta ăn thức ăn ấy là phá trừ khổ não trước, không còn đau khổ sau, tâm được an vui điều phục thích hợp, không còn lo lắng, thân thể nhẹ nhàng, bước đi an ổn.” Lại nghĩ: “Ăn thức ăn này rồi, ta sẽ chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán và pháp Nhẫn vô sinh.”
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo ăn thức ăn như thế, ta chấp thuận sự việc khất thực ấy.
Này Xá-lợi-phất! Nếu Tỳ-kheo khất thực, được thức ăn mà sinh tâm tham đắm mùi vị, cho là thức ăn ngon, lại suy nghĩ: “Ta ăn thức ăn này sẽ được sắc đẹp, khí lực đầy đủ, khỏe mạnh”, mà không suy nghĩ: “Ta ăn các thức ăn này là nhằm siêng năng tu hành Thánh đạo.” Tỳ-kheo như thế ta không chấp thuận cho nhận một chút thức ăn uống, huống gì là cả bữa ăn.
Này Xá-lợi-phất! Nếu trong bữa ăn không thấy lỗi lầm xấu ác, không thấy đạo xuất ly mà cứ ăn thì thà tự dùng tay cầm dao mổ bụng ăn thịt mình. Vì sao? Vì ta chấp thuận cho người tu hành chứng đắc, được sự cúng dường mà không chấp thuận những người khác.
Này Xá-lợi-phất! Thế nào gọi là người tu hành? Nếu có Tỳkheo quyết định phát tâm: Ta ở đời hiện tại, dốc đoạn trừ các kết sử, sẽ nhập vào Niết-bàn vô dư, tu tập Thánh đạo như cứu lửa cháy đầu. Lại dốc đoạn trừ các pháp ác bất thiện, đó gọi là người tu hành. Lại có thể nhất tâm tin hiểu pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, vì đoạn trừ các phiền não, nên chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Ana-hàm, A-la-hán, đó gọi là người tu hành. Cầu các pháp thiện, luôn hành trì thưa hỏi, gọi là người tu hành. Lại có thể phát tâm độ thoát tất cả chúng sinh, gọi là người tu hành. Tâm siêng năng tu tập các pháp trợ đạo, lời nói và việc làm đều đúng như các pháp và luôn nhất tâm chuyên cầu Phật đạo.
Này Xá-lợi-phất! Ở trong pháp Phật đó gọi là người tu hành. Thế nào gọi là người chứng đắc? Nghĩa là chứng đắc quả Tu-đàhoàn, thoát khỏi ba đường ác, gọi là người chứng đắc. Đạt được quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đoạn trừ các phiền não, chỗ cầu đạo đã dứt, việc làm đã xong, khéo học về ba học, gọi là người chứng đắc. Ta chấp thuận cho người này được thọ nhận sự cúng dường.
Này Xá-lợi-phất! Người giữ giới thanh tịnh nhằm giáo hóa cho Đàn-việt và tu tập học nhiều biết rộng, đọc tụng kinh điển. Đó là đọc tụng: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, các kinh như vậy: Kinh Bổn sinh, kinh Phương quảng, kinh Vị tằng hữu, kinh A-ba-đà-na, Luận nghị. Người ấy còn có thể giữ giới thanh tịnh, không có tỳ vết, không cấu uế, không đục dơ, tự tại, không đắm nhiễm được bậc trí khen, tự thân được đầy đủ, thuận theo thiền định, thường xuyên ưa thích ngồi thiền. Tỳ-kheo này ta cũng chấp thuận cho thọ nhận sự cúng dường.
Này Xá-lợi-phất! Người thân chứng đắc pháp không còn nghi ngờ hối tiếc, ta chấp thuận cho người ấy ngồi nơi tòa cao thuyết giảng giáo pháp. Tuy là phàm phu nhưng giữ giới thanh tịnh, tâm không tham vướng nơi kinh sách, nghĩa lý của ngoại đạo, nhất tâm chuyên cầu đạo quả vô thượng của Sa-môn, không tham đắm lợi dưỡng, giảng nói chắc thật, khéo léo, học nhiều biết rộng như biển cả, cho dù mất mạng cũng không nói dối, không thích tranh cãi, luôn tự lợi mình và làm lợi cho người khác, chỉ giảng nói về Đệ nhất nghĩa chân thật, thanh tịnh, lời nói và việc làm luôn như nhau.
Này Xá-lợi-phất! Người giảng nói như thế ta chấp thuận cho giảng nói giáo pháp. các pháp Như Lai đã giảng nói đều có thể khiến cho các pháp không hề chống trái nhau. Đó là giảng nói về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo cầu lợi, xuất gia theo Phật mà phá bỏ giới phẩm, thì sao có thể giảng nói giáo pháp? Vì sao? Này Xálợi-phất! Trong kinh ta đã nói, nếu người tự mình không khéo tịch tĩnh, tự mình không thể giữ gìn mà có thể khiến cho người khác khéo tịch tĩnh, khéo giữ gìn, là điều không hề có. Như người tự chìm đắm trong chỗ bùn nhơ mà muốn giúp cho người khác ra khỏi nơi ấy là điều không thể có. Nếu người có thể tự mình khéo tạo sự tịch tĩnh, có thể tự mình giữ gìn, có thể ra khỏi chỗ bùn nhơ và giúp đỡ kẻ khác ra khỏi nơi ấy, là điều có thể đạt được. Vì thế, này Xá-lợi-phất! Hôm nay ta nói rõ cho ông. Nếu người nào phỉ báng Như Lai thì tội ấy rất nặng. Tỳ-kheo nói lời chân thật thì nên chấp thuận cho giảng nói giáo pháp. Tỳ-kheo giữ giới, chẳng phải là người nói dối, thì có thể bố thí pháp.
Này Xá-lợi-phất! Ngồi nơi tòa cao, giảng nói chánh pháp, quyết định đoạn dứt nghi ngờ, là việc tối thượng. Nếu giữ giới không thanh tịnh, chấp vướng nơi nghĩa lý của ngoại đạo, thì ta không chấp thuận. Người nói dối, người quý trọng thích việc thế gian, người cầu lợi dưỡng, người ưa tranh cãi, ta cũng không chấp thuận. Ta chỉ chấp thuận đối với người giữ giới thanh tịnh, người tâm ngay thẳng chân thật, người thông đạt thật tướng của các pháp được ngồi nơi tòa cao giảng nói giáo pháp.
Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo phá giới thà nên bỏ giới, chứ không mặc ca-sa, giả tướng Thánh nhân che giấu tội lỗi, ngầm làm các việc ác, thọ nhận của người tín thí.
Này Xá-lợi-phất! Do nhân duyên nhỏ mà về lâu về xa phải thọ nhận thân ở địa ngục.