PHẬT THUYẾT NHẬP VÔ PHÂN BIỆT PHÁP MÔN KINH

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng với vô số trăm ngàn đại chúng, các đại chúng này cung kính vây quanh nghe pháp. Đức Phật diễn nói pháp môn Đại thừa không phân biệt khiến cho ai nấy đều phát tâm.

Lúc đó, Đức Thế Tôn quan sát khắp cả đại hội các chúng Bồtát, khi ấy trong đại hội có một Bồ-tát tên là Vô Phân Biệt Quang, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng lên Đức Phật mà bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn diễn nói pháp môn Nhập vô phân biệt khiến cho các Bồ-tát nghe pháp môn này rồi như lý mà tu học.

Đức Phật bảo:

–Này Thiện nam! Các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói pháp môn Nhập vô phân biệt.

Lúc đó, Bồ-tát Vô Phân Biệt Quang lại bạch Đức Phật:

–Hay thay, bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe.

Lúc này, các Bồ-tát thọ giáo, lắng nghe.

Đức Phật nói:

–Này Thiện nam! Nếu các Bồ-tát được nghe pháp không phân biệt tăng thượng, trụ tâm không phân biệt, tức là tất cả tướng phân biệt, lìa lời nói không phân biệt này, thì trước hết nên biết rõ từ tự tánh ban đầu đã có tướng phân biệt.

Tướng phân biệt là hai tướng nắm giữ và xả bỏ. Nắm giữ và xả bỏ này tức là tướng tự tánh phân biệt. Do tự tánh phân biệt này mà khởi lên sự tướng hữu lậu. Do tướng hữu lậu cho nên có năm thủ uẩn. Năm thủ uẩn là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn.

Này Thiện nam! Thế nào là lìa tự tánh phân biệt? Nghĩa là hiện tiền không tác ý sai biệt, như vậy tức là lìa tướng tự tánh phân biệt. Nếu khác tự tánh mà nắm giữ tướng là có sở hành thì không thể tương ưng với sự không chướng ngại. Cho nên, nên biết Bố thí không có sắc, không có tướng phân biệt; Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ không có sắc cũng không có tướng phân biệt. Vì sao? Vì tự tánh không có sắc, công dụng không có sắc, chân thật không có sắc. Nếu khởi tác ý sai khác, muốn lìa tướng phân biệt thì về sau không có sắc và không phân biệt có thể lìa. Như vậy tức là có sở hành, nhưng không thể được tương ưng với sự không ngăn ngại. Cho nên, nên biết không và không có sắc không có tướng phân biệt, chân như thật tế, thắng nghĩa đế, pháp giới không có sắc không có tướng phân biệt. Vì sao? Vì tự tánh không có sắc, công dụng không có sắc, chân thật không có sắc. Vì thế đối với sự không có sắc không có tướng phân biệt, không quán tánh khác, không lìa tác ý. Nếu lìa tác ý riêng khác thì đối với tướng không có sắc, không có phân biệt về sau có sở đắc. Như vậy là có sở hành, tức là không thể được tương ưng với sự không ngăn ngại hiện tiền. Vì sao? Vì pháp sở đắc của sơ địa là tướng không có sắc không phân biệt, cho đến pháp sở đắc của mười Địa cũng là tướng không có sắc không phân biệt, được pháp Nhẫn vô sinh cũng là tướng không có sắc không phân biệt, được thọ ký cũng là tướng không có sắc không phân biệt; được nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình cũng là tướng không có sắc không phân biệt; cho đến đạt được trí Nhất thiết tướng cũng là tướng không có sắc không phân biệt. Nói như vậy nghĩa là vì tự tánh không có sắc, công dụng không có sắc, chân thật không có sắc. Nếu Bồ-tát đối với các pháp sở đắc như thế mà khởi lên tướng phân biệt sở đắc khác, tác ý sai khác, thì đối với tất cả tướng không phân biệt đều khởi tác ý sai khác. Như vậy tức là không tương ưng với lý không phân biệt, không thể hòa nhập vào cảnh giới không phân biệt. Nếu Bồ-tát trụ vào Tam ma địa, tâm nhập vào cảnh giới không phân biệt, đối với sở nhập khởi lên tưởng không sở đắc thì Bồ-tát ấy tương ưng chân chánh, sở hành chân chánh, tu hành chân chánh, việc làm chân chánh, tác ý chân chánh, trụ hạnh không tạo tác nhưng không chấp vào việc làm đó. Đó là thật nhập vào cảnh giới không phân biệt sở hành thanh tịnh.

Này Thiện nam! Nói cảnh giới không phân biệt, vì nghĩa gì mà gọi là cảnh giới không phân biệt? Nghĩa là đối với tất cả các sắc vượt qua các phân biệt, đối với tất cả căn vượt qua phân biệt, vượt qua tất cả cảnh giới phân biệt, vượt qua hiện tướng tất cả phiền não, tùy phiền não chướng, không chỗ thâu nhận, cho nên gọi là cảnh giới không phân biệt. Trong cảnh giới không phân biệt không sắc, không thấy, không trụ, không ngại, không hiện tướng, không có các tướng. Nếu Bồ-tát biết rõ như vậy, an trú cảnh giới không phân biệt như vậy thì là nhập vào trí vô phân biệt, ngang bằng với hư không. Đối với tất cả pháp không có pháp sở quán mà quán thì được hạnh đại lạc, tăng trưởng đại tâm, được đại trí tuệ, đại thuyết không ngăn ngại. Đối với tất cả thời, tất cả tướng, khắp vì tất cả chúng sinh mà làm lợi ích lớn, được tăng trưởng dũng lực. Đối với mọi Phật sự không có dính mắc, được đại khinh an.

Này Thiện nam! Ví như vùng nọ có một núi đá lớn, dưới núi ấy có mỏ báu lớn đầy ắp các châu báu, nào là vàng báu, bạc báu và các thứ báu lạ, lại có báu đại ma-ni phát ra ánh sáng lớn. Lúc đó, có người tìm của báu, đi đến núi này, muốn tìm châu báu, nhưng trước đó đã có người biết rõ châu báu nằm ở chỗ nào, nên khi thấy người kia đến tìm kiếm liền bảo: “Này anh chàng tìm châu báu kia! Nên biết, ở dưới núi này có mỏ báu lớn đầu ắp châu báu, lại có báu ma-ni lớn phát ra ánh sáng.” Nghe người kia nói như thế, người tìm châu báu liền nỗ lực tác ý vững chắc, đào bới đục khoét núi ấy để lấy báu ma-ni lớn. Anh ta đào liền thấy bạc báu hiện ánh sáng, còn đá không phát ánh sáng. Thấy thế anh ta nghĩ đến châu báu lớn nữa.

Lúc đó, người biết châu báu trước cũng như người kia, đào bới núi ấy để lấy châu báu. Anh ta đào rồi mới thấy vàng báu phát ánh sáng, còn đá thì không phát ánh sáng. Từ đó anh ta không còn nghĩ đến châu báu lớn nữa và nói với người tìm châu báu:

–Này anh chàng đi tìm châu báu kia, anh không cần nỗ lực và tác ý vững chắc để tìm báu lớn nữa, nếu người không tác ý thì sẽ được thấy châu báu lớn kia, do tác ý cho nên không thấy được báu. Nếu ai có được châu báu lớn ấy thì người ấy được giàu to, tự tại như ý, mình người đều lợi, bố thí cho tất cả đều được viên mãn.

Đức Phật nói:

–Này Thiện nam! Những việc như vậy nay chỉ nói tóm lược mà thôi. Nếu có Bồ-tát nào biết được nghĩa này tức là thấy được nghĩa này như trước đã nói.

Một là núi đá lớn, tức một pháp phiền não, hai là khái niệm tác hạnh. Dưới núi có mỏ báu, tức là chỉ cho cảnh giới không phân biệt; người tìm châu báu là chỉ cho Bồ-tát; người biết châu báu tức là chỉ Như Lai; tự tánh của đá tức là chỉ tự tánh có phân biệt; đục núi lấy châu báu chỉ sự không tác ý; dưới đá có bạc phát ra ánh sáng là chỉ về tự tánh phân biệt; dưới đá có vàng phát ra ánh sáng là chỉ không… tướng phân biệt; dưới đá các thứ báu phát ánh sáng là chỉ về tướng có sở đắc phân biệt. Người suy nghĩ mong cầu châu báu lớn tức là người thích nhập vào cảnh giới không phân biệt.

Này Thiện nam! Nghĩa này như thế nào? Nếu Bồ-tát nào làm đúng như lời nói, có khả năng quán như thật, tức là nhập vào cảnh giới không phân biệt.

Lại nữa, này Thiện nam! Các Bồ-tát ở trong cảnh giới không phân biệt như là trụ cõi hư không. Vì sao? Vì hoặc tự tánh của sắc, hoặc tự tánh phân biệt, khi quán như vậy tướng không hiện tiền. Nếu sở hành của mình có sắc thì đó là hành tướng phân biệt; nếu sở hành của người có sắc thì đó là hành tướng phân biệt; nếu hành sắc có sinh, có diệt, có nhiễm, có tịnh, thì đó là hành tướng phân biệt; nếu đối với tự tánh của sắc, hoặc nhân, hoặc quả, hoặc nghiệp, hoặc hạnh, chấp có, chấp không, đó là tự hành sắc hạnh, nếu làm như vậy tức là hành tướng phân biệt. Nếu ở trong sắc mà còn thấy cụ thể thì là hành tướng phân biệt. Vì thế nên biết, sắc pháp đối với nhất thiết xứ, hoặc đối ngại, hoặc có hiện rõ, hoặc không hiện rõ, rốt ráo không có một pháp nhỏ nào có thể được. Sắc pháp này tất cả trừu tượng, vô tánh có thể quán, khác với sắc pháp này tất cả trừu tượng, vô tánh có thể quán. Sắc ấy đối ngại, hoặc hiện rõ đều vô tánh có thể quán, ở trong hiện rõ của nó chẳng có một tánh có thể quán, chẳng có tánh khác có thể quán, tức sự hiện rõ tướng ấy cũng vô tánh, vô tánh này chẳng phải là vô tánh. Nếu quán như vậy chính là quán bình đẳng. Khi quán như thế tất cả phân biệt đều không phân biệt, đó là cảnh giới không phân biệt. Các Bồ-tát nên quán như vậy, nên nhập như vậy. Người nhập vào cảnh giới không phân biệt này, đối với có phân biệt, không phân biệt đều không phân biệt. Quán bình đẳng như vậy, tức là nhập vào cảnh giới không phân biệt một cách chân chánh. Đây gọi là Bồ-tát được an trụ vào cảnh giới không phân biệt. Thọ, tưởng, hành, thức và Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, các Ba-la-mật-đa đều không. Chân như, thật tế, thắng nghĩa đế, pháp giới mười Địa, pháp sở chứng, cho đến tất cả trí tướng, hạnh xuất thế gian cũng lại như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, cho đến tất cả trí tướng, hoặc tự tánh, hoặc nhân, hoặc quả, hoặc nghiệp, hoặc hành, chấp có, chấp không đối với tất cả trí tướng… mới là đối ngại, nếu hành như vậy tức là hành tướng phân biệt, nhưng tất cả trí tướng ấy… không có tánh hiện tướng, nếu có hiện tướng thì hành tất cả trí tướng… là hành tướng phân biệt. Tất cả trí tướng… đó nếu ở trong sự hiện tướng có tướng có thể hành thì đó là hành tướng phân biệt. Nếu cho rằng vô tướng có thể hành, cũng hành tất cả trí tướng… thì đó là hành tướng phân biệt. Vì thế nên biết pháp hiện tướng này chẳng có một tánh có thể quán, chẳng có tánh khác có thể quán. Pháp hiện tướng này vô tánh cũng không phải vô tánh. Nếu như vậy đối với tất cả trí tướng… hoặc cụ thể hoặc trừu tượng đều không phân biệt, thì đó là không phân biệt, không chấp tướng là cảnh giới không phân biệt. Các Bồ-tát nên quán như vậy, nên nhập như vậy. Người nhập như thế tức là nhập vào cảnh giới không phân biệt một cách chân chánh. Đây gọi là Bồ-tát được an trú vào cảnh giới không phân biệt.

Lúc này, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Tâm không phân biệt nếu an trụ
Thì từ chánh pháp Phật sinh ra
Tất cả phân biệt đều xa lìa
Việc làm chắc chắn không phân biệt.
Là pháp vắng lặng không cấu nhiễm
Danh xưng, công đức bao trùm khắp
Pháp không phân biệt vui tối thượng
Bồ-tát được rồi thành Bồ-đề.