KINH PHẬT TẠNG
Hán dịch: Đời Dao Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: NIỆM PHÁP

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người giảng nói pháp như thế nào gọi là tri thức ác?

Bạch Thế Tôn! Người giảng nói pháp như thế nào gọi là tri thức thiện?

Đức Phật bảo:

–Này Xá-lợi-phất! Nếu có Tỳ-kheo dạy cho Tỳ-kheo khác: Này Tỳ-kheo! Ông nay nên biết, việc niệm Phật là niệm không, nếu là nơi chốn của đối tượng được duyên thì không nên niệm, chỗ niệm của ông là không niệm, cũng lại là không, là vô tánh không, có thể đoạn dứt tưởng về sắc, có thể đoạn trừ tưởng chấp giữ. Bấy giờ, người ấy vô tưởng không còn được, huống chi là được niệm. Lúc đó, người ấy đều không thật có tịch diệt, vô tánh, không tập hợp các tưởng để diệt trừ tất cả pháp, tức gọi là tu tập niệm Phật. Niệm Phật gọi là phá bỏ tất cả giác quán pháp thiện và bất thiện, không giác, không quán, vắng lặng an nhiên vô tưởng, gọi là niệm Phật. Vì sao? Vì không nên dùng giác quán nhớ nghĩ về chư Phật, không giác không quán gọi là niệm Phật thanh tịnh. Ở trong niệm này, cho đến không đạt tới nghiệp nơi tâm niệm của tâm ý vi tế, huống chi là nghiệp của thân, miệng. Lại nữa, người niệm Phật xa lìa các tưởng, các tưởng ở trong tâm, không có phân biệt, không có danh tự, không có ngăn ngại, không tham dục, không thủ đắc, không dấy khởi giác quán. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Nếu tùy thuộc vào niệm để dấy khởi tất cả các tưởng đều là tà kiến.

Này Xá-lợi-phất! Tùy thuộc vào là đều không thật có, không giác, không quán, không sinh, không diệt, thông đạt được điều ấy gọi là niệm Phật. Ở trong niệm như thế là không tham đắm, không chấp trước, không thuận, không nghịch, không danh, không tưởng.

Này Xá-lợi-phất! Không có tưởng, không có nói năng mới gọi là niệm Phật. Ngay trong lúc ấy, không còn một niệm nhỏ vi tế nào, huống gì là nghiệp thô, lớn của thân, miệng, ý. Không có chốn nơi nghiệp của thân, miệng, ý nên không nắm bắt, không xả bỏ, không tranh, không tụng, không nhớ nghĩ, không phân biệt, tịch tĩnh vô tánh diệt trừ các giác quán, đó gọi là niệm Phật.

Này Xá-lợi-phất! Nếu người nào thành tựu được niệm như thế, nhằm lay chuyển được bốn cõi thiên hạ tùy ý giáo hóa, cũng có thể hàng phục được trăm ngàn ức ma, huống chi là sự che lấp do vô minh theo duyên khởi giả dối không có tướng quyết định. Thế nên pháp này vô tưởng, không hý luận, không sinh, không diệt, không thể nêu bày, không thể phân biệt, không tối, không sáng, hoặc ma hoặc quyến thuộc của ma cũng không thể nào lường xét được, chỉ vì thế tục nên dùng ngôn ngữ giảng nói có chỗ giáo hóa. Giảng như vầy: Khi ông niệm Phật, chớ có chấp vào một tưởng nhỏ nào, chớ sinh hý luận, đừng có phân biệt. Vì sao? Vì pháp này đều là không, không có thể tánh, không thể niệm vào một tướng, gọi là vô tướng, cho nên gọi là niệm Phật chân thật, nghĩa là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi. Vì sao? Vì Như Lai không gọi là sắc, không gọi là tưởng, không gọi là niệm, không gọi là phân biệt, không chống đối, không thuận theo, không lấy, không bỏ, chẳng thiền định, chẳng trí tuệ, chẳng phải minh, chẳng phải vô minh. Như Lai là không thể nêu bày, là không thể nghĩ bàn, là vô tướng, nay ông chớ nên ưa chấp tướng, chớ nên ưa hý luận, vì Phật đối với các pháp là không chấp, không vướng, không thấy có pháp có thể chấp, có thể vướng, người này đối với Phật hãy còn không thể thủ đắc, huống hồ là đối với niệm.

Này Xá-lợi-phất! Người nào giảng dạy như vậy thì gọi là tri thức thiện, nhưng trong Đệ nhất nghĩa không có sự quyết định là tri thức thiện là tri thức ác.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có Tỳ-kheo chỉ dạy cho Tỳkheo khác: “Này Tỳ-kheo! Ông nên phân biệt quan sát các pháp, cũng lại chớ niệm về tướng của pháp như vậy. Tỳ-kheo ấy tu tập tâm không còn bị ràng buộc, vướng mắc, tức có thể thấu đạt được các pháp chỉ là một tướng, gọi là vô tướng, người ấy hãy còn không sinh khởi tưởng về pháp huống chi là tưởng về ta, người.”

Này Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Người niệm về tưởng của pháp, người ấy có thể diệt được tất cả các pháp không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Này Xá-lợi-phất! Như cây không có gốc thì có thể sinh cành, lá, hoa, quả không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Đúng vậy! Này Xá-lợi-phất! Nếu người nào không đạt được chỗ căn bản của các pháp, thì người ấy có thể phát sinh tưởng về các pháp không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Này Xá-lợi-phất! Nếu người nào không đạt được, không niệm tưởng về pháp, thì người ấy có thể diệt trừ tất cả pháp không?

–Bạch Thế Tôn! Không. Người ấy không thủ đắc nơi pháp, không thủ đắc tướng của pháp, không thủ đắc nơi diệt, cũng không phân biệt, không sinh, không diệt, bấy giờ người ấy là không sinh, không diệt, không gọi là thủ đắc về Niết-bàn, lại cũng không gọi là không thủ đắc về Niết-bàn.

Này Xá-lợi-phất! Người chỉ dạy như thế gọi là tri thức thiện, nhưng trong đệ nhất nghĩa, không có tri thức thiện không có tri thức ác.

Này Xá-lợi-phất! Nếu người nào thành tựu tướng như vậy thì rất là hiếm có trong thế gian, vì đã đạt được sự thấy biết chân thật, không điên đảo, đó là chánh kiến.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Người đạt chánh kiến gọi là chánh tác, chánh hành, chánh đạo, chánh giải, không có điên đảo thấy biết đúng như thật, cho nên Như Lai gọi là chánh kiến.

Này Xá-lợi-phất! Nếu chúng sinh nào không còn điên đảo, quán xét như thật tức có chánh kiến. Nếu phát sinh tưởng ngã, tưởng nhân, tưởng chúng sinh, nên biết người này gọi là tà hành.

Này Xá-lợi-phất! Đức Phật và các đệ tử không nói có ngã, không nói có nhân, không nói có chúng sinh, không nói có thọ mạng, không nói có thường, có đoạn, cho nên Đức Phật và các đệ tử gọi là chánh kiến. Vì sao? Vì quán xét đúng đắn, không có điên đảo.

Này Xá-lợi-phất! Tất cả các phàm phu đối với sự việc này không thể hội nhập được. Vì sao? Vì tất cả hàng phàm phu đều không có chánh kiến, chỉ có tùy thuận theo chánh kiến, đạt được pháp Nhẫn nhu thuận, không thể hiểu biết các pháp đúng như thật.

Này Xá-lợi-phất! Đó là chỗ chánh kiến khác với tà kiến. Vì thấy biết các pháp đúng như thật, gọi là chánh kiến, nhận biết các lợi lạc ở đời nhân đấy làm tăng thêm tài sản phúc lợi, gọi là chánh kiến của thế gian, thảy đều là luống dối, không tránh khỏi sinh tử.

Này Xá-lợi-phất! Phật đã thuyết giảng về chánh kiến của thế gian, là giảng nói về các pháp biếng trễ, thấp kém. Bậc Hiền thánh không tạo tác về niệm này: “Đây là chánh kiến, đây là tà kiến.” Vì sao? Vì tất cả các kiến giải đều do duyên khởi hư vọng.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có suy nghĩ cho rằng: “Đây là chánh kiến”, thì người này tức là tà kiến.

Này Xá-lợi-phất! Ở trong giáo pháp của Phật, đã dứt sạch tất cả nguồn gốc của các kiến và đoạn trừ tất cả các con đường ngôn ngữ, như nơi hư không đưa tay lên không bị ngăn ngại, giáo pháp của Sa-môn cũng lại như vậy.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10